Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Nhac- Thơ - Văn Giấc mơ không có con dế nhỏ


Con Dế Mèn

Tiếng dế cô đơn

Con sông xưa,
Tên sông hiền dịu vô cùng,
Mà sao cực nhọc nơi vùng tuổi thơ,
Bao năm chưa thể xoá mờ,
Thiết tha mong đợi giấc mơ xa vời
Xa quê thương nhớ một đời,
Nhớ con sông cũ, nhớ lời nội xưa,
Đêm về ngắm ánh sao thưa, 
Niềm riêng ấp ủ song chưa quay về !
NM
 

Giấc mơ không có con dế nhỏ

Nơi ấy tôi đã từng sống. Nơi ấy có một dòng sông. Nó chảy qua vùng đất nghèo quê nội tôi như một ký ức tuổi thơ xam xám. Tôi đã từng cởi trần cùng lũ trẻ nhảy ào xuống dòng nước đen ấy để vùng vẫy cho thỏa thích.
***
Tôi, mẹ, ba, và mọi người sống ở đó nhiều năm. Ở đó tôi cũng có một gia đình, có mẹ, có ba, có bà nội nhưng không có một mái ấm hạnh phúc. Mẹ tôi thường nói vậy.
Khi tôi lên năm tuổi, ba bắt đầu nghiện rượu. Tôi thường cười khanh khách lúc thấy ông bước liêu xiêu. Nhưng tôi không biết những lúc ấy mẹ khóc, khóc rất nhiều vì những cái bạt tai, cái đấm, cái đá của ba dưới áp lực của men rượu. Chịu đựng để giữ hạnh phúc gia đình nên mẹ không than vãn một lời. Lúc đó mẹ mới hai mấy tuổi nhưng trông già xọp đi. Lúc đó tôi không hiểu gì.
Bà nội chơi số đề. Tỉnh mắt dậy là nội chạy sang hàng xóm để bàn tán về số. Nhưng số đề không mỉm cười với nội, bà thua liên miên. Đồ đạc trong nhà cứ đem bán dần. Bán hết nữ trang của mình, nội lại quay sang vòi tiền mẹ. Phận dâu con mẹ phải cắn răng chịu. Sợi dây chuyền mẹ đeo trên cổ mỗi tối tôi hay nghịch cũng biến mất theo những con số đỏ đen.
Cha tôi uống rượu nhiều hơn. Bà nội ngày càng cau có hơn. Mẹ càng khổ hơn. Tôi chẳng biết gì. Thua số đề nhiều quá, nội mất ngủ. Bà không thể nào tìm ra những giấc mơ như thưở trước để sáng ra qua hàng xóm bàn tán. Thế là nội quay sang tôi. Mỗi sáng nội kéo tôi lại gần: "Đêm qua cháu mơ thấy cái gì?"
Cả ngày lăn lóc ngoài bờ sông, đu trên lưng trâu mỏi nhừ nên lên giường là tôi ngủ say như chết, làm gì có giấc mơ nào. Thấy tôi đứng ngẩn tò te, nội giục. Tôi ấp úng. Mẹ đứng gần đó đỡ lời: "Cháu còn nhỏ, không biết gì đâu!".
Nội trừng mắt. Tối, mẹ bị một trận bạt tai, đánh, đấm từ bố. Nội trông thấy cười, bởi chính bà là người tạo ra với nguyên nhân hết sức đơn giản: "Nó là dâu mà dám hỗn với tao".
Phần sợ nội, phần thương mẹ, tôi bắt đầu nói láo. Chỉ cần ngoắc lại là tôi gào lên: "Đêm qua cháu mơ thấy... ". Khi thì con quạ, con ngỗng. Lúc thì con ốc, con nai. Thậm chí hỏi mấy đứa hàng xóm biết số đề có ông địa, ông thần tài, tôi cũng gào lên ông địa, ông thần tài.
Không hiểu thế nào mà mấy bữa đầu trúng, nội vui ra mặt. Bà coi tôi như thần thánh. Mua cho tôi đủ thứ từ cái chợ chòm hỏm (chợ ngồi chòm hỏm để bán chứ không có sạp, có quán) của thôn. Mấy ngày sau bắt đầu trật, trật liên miên. Có hôm tôi phải chịu sự gầm ghè, đay nghiến của nội. Mẹ chỉ biết thở dài và khóc thầm. Cuộc sống đối với mẹ bất hạnh, khắc khổ quá.
Như mọi ngày,tôi lao xuống dòng sông đầy rác với con Tẻo, thằng Rớt, thằng Đủn, thằng Đen... Cả nhóm chỉ có Tẻo là con gái. Tội nghiệp, bữa nay nó phải dắt trâu của ông Bá đi tắm giùm để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Con trâu được tắm hứng chí tuôn ra mấy "bãi". Phân nổi lềnh bềnh với rác trên mặt nước. Tôi vô ý quạt tay vào làm cả bọn cười lớn. Nóng mặt tôi chửi Tẻo. Nó phân bua:
- Tại anh chứ, trâu "ỉ" kệ nó, ai bảo anh đụng?
Như lửa đổ thêm dầu, tôi lao tới đánh nó một cái thật mạnh cho hả. Con Tẻo khóc lu loa. Tự nhiên tôi thấy thương nó quá, liền xuống nước năn nỉ:
- Thôi mày nín đi, mai tao bắt cho mày con dế!
- Chừng nào có con dế tui mới hết nghỉ chơi với anh.
Con Tẻo ngoay ngoảy đi. Mấy ngày tôi mò khắp các bờ ruộng mà không tìm ra con dế nào. Nắng gió làm tôi mỏi nhừ. Buổi tối, tôi mơ thấy tôi bắt được con dế dễ thương lắm. Trời sáng, nội vào buồng lay tôi dậy:
- Đêm qua mày mơ thấy con gì hả?
Đưa tay dụi dụi mắt cho tỉnh ngủ, tôi đáp như reo mừng:
- Con dế nội ơi! Đêm qua cháu mơ thấy con dế!
- Láo toét, số đề làm gì có con dế. Láo này, láo này... Nội quơ lấy cái chổi quật lia lịa vào tôi. Vừa đau, vừa hoảng tôi khóc ré lên.
Mẹ chạy đến khóc theo tôi:
- Đừng đánh cháu nữa, nó nhỏ đâu biết gì...
- A, còn mày! Sinh con mà không biết dạy, để nó hỗn láo thế... !
Nội quất vào mẹ. Như một nỗi đau nén lâu ngày trào lên, mẹ giật lấy cái chổi trên tay nội. Đôi mắt mẹ long lên những tia lửa, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thấy mẹ như thế. Bà nội tỏ vẻ sợ sệt lui ra sân.
Buổi tối đêm đó, ba lại say rượu trở về nhà. Vẫn đánh, vẫn đập, vẫn chửi rủa. Và đêm đó mãi trong giấc ngủ tôi còn nghe tiếng hét của ba, tiếng cãi lại của mẹ, tiếng đổ vỡ to lắm. Đêm đó tôi kéo cả cái chiếu để quấn quanh mình mà vẫn thấy sợ.
Ba mẹ ly dị. Bà nội cười. Hàng xóm xôn xao. Tôi khóc.
Vài bộ quần áo cũ, cái xách tay nhỏ, mẹ dắt tôi đi. Đứng chờ đò để qua sông, tôi gặp con Tẻo. Nó biết tôisắp đi xạ Nó vẫn đi tắm trâu để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Tôi nắm lấy bàn tay đen hoẻn của nó:
- Mày đừng giận tao nữa nghen. Tao tìm mấy ngày nhưng không bắt được con dế nào. Tao lên thị xã ở, nếu có dế tao sẽ bắt để dành cho mày.
- Anh ngu quá! Thị xã làm gì có dế.
Con Tẻo mắt đỏ hoẹ Tôi biết nó cũng buồn. Lúc này tôi mới thấy dòng sông đầy rác và lềnh bềnh phân trâu cũng dễ thương như con dế tôi còn mắc nợ.
Qua đến bờ bên kia, mẹ đứng rất lâu để nhìn. Hai giọt nước mắt mẹ rơi xuống đầu tôi nóng hổi. Mẹ thở dài:
- Con sông tên Hiền vậy. Nhưng, cuộc sống có hiền lành và lương thiện đâu!
***
Lên thị xã mẹ làm rất nhiều việc để nuôi tôi. Và cái nơi đang đô thị hóa này đã không phụ mẹ dù nhiều lúc mẹ phải rơi nước mắt. Tôi có nhà ở, có ăn có mặc, được đi học. Mặc dù âm vang "... con người sống ở bờ sông không hiền lành và lương thiện... " luôn bám lấy tôi nhưng tôi luôn nhớ về dòng sông ấy, nhớ từng kỷ niệm, từng con người.
Tôi làm thơ đăng báo. Những bài thơ của tôi thường mang nét buồn và thường nhắc đến dòng sông.
Chiều. Như bao chiều khác, tôi đi dạo các sạp báo. Một ánh mắt nhìn tôi nửa quen, nửa lạ. Tôi nhíu mày. Thằng con trai đó thoáng bối rối rồi ồ lên:
- Lê Thụy Nhân! Còn nhớ tao không. Rớt nè!
Trời, thằng Rớt giờ to con như chú Chín (ba Rớt) hồi nào. Tôi kéo Rớt lại quán nước. Rớt vẫn cười luôn miệng:
- Lâu quá phải không mậy, hơn mười năm chứ ít gì. Tao không ngờ có một thằng bạn làm thơ hay như mày. Nè, cho tao hỏi chút. Dòng sông trong thơ mày có phải là sông Hiền không?
Tôi gật đầu. Dòng sông ấy vẫn trồi lên những nét riêng dù là nét buồn da diết. Bây giờ vùng sông Hiền đổi mới nhiều lắm rồi. Hơn mười năm tôi chưa về lại mảnh đất ấy. Rớt tiếp tục hào hứng:
- Ở quê, "nẫu" thích thơ mày lắm. Tờ báo nào có thơ mày là "nẫu" mua sạch. Còn tao, tao thích nhất hai câu: "ừ tôi con dế xưa đi lạc - Giờ thèm cọng rác phía sông quê". Mày viết bài này đề tặng "T" là tặng ai vậy?
- Ờ... ừ... , tao tặng con Tẻo đó. Con Tẻo hồi nhỏ tao đánh nó và mắc nợ nó con dế.
- Thôi đi cha nội. "Nẫu" lớn rồi mà còn kêu Tẻo. Đó là tên ở nhà, còn tên thật là Quỳnh Trâm.
- Quỳnh Trâm! Tên hay quá há! Tao đâu có biết, tao chỉ nhớ tên Tẻo thôi. Còn mày tên thật là gì?
- Tuấn, Phan Gia Tuấn nghiêm chỉnh nghe mậy!
Hai ly nước vơi dần cùng câu chuyện dài ra:
- Quỳnh Trâm hay nhắc mày lắm. Bữa nay nhỏ dễ thương gớm luôn. Mới được giải nhất học sinh thanh lịch của tỉnh đó.
- À, tao có biết. Nhưng tao đâu ngờ là Tẻo.
- Tẻo nữa! Biết tao lên thị xã, Trâm nhắc nếu gặp mày thì gởi lời thăm giùm. À, còn nữa, nếu mày rảnh thì viết thư cho Trâm. Trâm nhắc mày còn nợ nó con dế lâu rồi chưa trả. Chấm hết!
***
Câu chuyện của Tuấn làm tôi trỗi dậy những cảm xúc khó hiểu. Tuấn bây giờ đã thành anh thanh niên khỏe mạnh. Lũ trẻ trong xóm đã lớn. Quê nội tôi đã có trường cấp 3 khang trang. Bà nội vẫn khỏe. Ba tôi đã hết uống rượu và có vợ khác. Tẻo đã thành cô nữ sinh thanh lịch Quỳnh Trâm mà tôi thấy ở ảnh bìa tờ báo tỉnh. Tất cả đã thay đổi.
Suốt buổi tối tôi ngồi không học được gì. Mẹ vẫn cặm cụi với chiếc máy may xành xạch. Trời đêm nay đầy sao dù chỉ mới dứt mưa. Đi qua đi lại để lấy can đảm, tôi nói với mẹ:
- Mai mốt con thi đậu đại học rồi, mẹ cho con về quê nội một bữa nghen.
Mẹ ngừng máy maỵ Mẹ hiểu những gì tôi muốn nói. Rót cho mình ly nước, mẹ nhìn tôi. Khổ đau đời mẹ tụ lại thành những vết chân chim nơi khóe mắt. Tôi bối rối:
- Con xin lỗi nếu làm mẹ buồn. Con sẽ không đòi về quê nội nữa.
- Khi nào con muốn thì cứ về thăm nội với cha. Nhưng mẹ nói trước là mẹ không đi chung với con.
Mẹ thở dài. Một đêm tôi có thể đọc ngấu nghiến hết một quyển tiểu thuyết xã hội đau lòng. Nhưng mười mấy năm rồi tôi không biết giấu tiếng thở dài của mẹ vào đâu.
Trời đêm nay đầy sao. Những vì sao lấp lánh chắc sẽ hiểu mẹ, hiểu tôi. Dù mẹ và tôi có từ chối đi nữa cũng không che được tiềm thức về nơi ấy. Nơi ấy tôi thèm giấc mơ thấy ông Địa, ông Thần Tài thật sự để nội đánh số đề. Nơi ấy cha đã nợ mẹ một mái ấm hạnh phúc. Nơi ấy tôi đã để lại một tuổi thơ. Nơi ấy tôi đã nợ Quỳnh Trâm một con dế. Nơi ấy có một dòng sông đã chảy qua ký ức tôi: Tên con sông rất hiền mà sao cuộc đời cực nhọc vậy.
Alex Chu
Câu chuyện về một chú dế lửa
Ở xóm Cồn Tàu bọn trẻ rất khoái trò chơi đá dế. Mỗi cu cậu ít ra cũng có một hai lon nuôi vài ba con dế. Thời gian gần đây chú dế Lửa của cu Lâm đã đoạt chức vô địch. Tất cả các con dế khác của đám trẻ trong xóm đều lần lượt bị dế Lửa bẻ càng từ hiệp đầu. Nhất dế vô địch vạn cốt tiêu. Dế Lửa đoạt chức vô địch trên xác chết của không biết bao nhiêu chú dế khác. Bởi vì chú dế nào khi bị loại khỏi vòng chiến đều bị chủ ném cho gà chọi xơi. Vậy là cốt tiêu chứ làm gì được cốt khô. Thế rồi một hôm thằng cu Toại bắt được một con dế Than cực lớn. Giọng dế Than reo lên nghe như chuông đồng chùa Bà Hỏa. Vậy là chắc chắn sẽ xẩy ra một cuộc ác chiến một mất một còn giữa dế Than và dế Lửa. Dế Lửa chưa gặp dế Than nhưng nghe chủ nó nói dế Than tuổi còn trẻ nhưng có sức địch muôn người. Nó lấy làm lo. Dù sức vóc nó to lớn nhưng đã có tuổi. Liệu kinh nghiệm trận mạc có giúp gì nó không? Hơn nữa qua một đời đâm chém nó đã ghê tởm mùi máu. Giờ thì nó muốn tạo chút đức cho con cháu. Nhưng không thể được. Khi chủ nó đã ném vào đấu trường thì chỉ có hai con đường : Chiến thắng hoặc bị ném cho gà chọi xơi. Cả hai con đường đó nó đều không muốn giẫm chân lên.
Đêm nay dế Lửa trằn trọc không ngủ được. Có kế sách gì cho vẹn toàn? Làm sao khỏi mang tội giết thêm một mạng người nữa mà mình cũng khỏi bị mạng vong?
Đang trằn trọc, chợt dế Lửa nghe trong bóng tối có tiếng thì thầm: ”Giả bị kiến cắn”.
-Ai đó? Dế Lửa lên tiếng hỏi.
Nó không biết đó là chú thằn lằn có một lần bị tai nạn, khát nước gần chết, đã được nó mang nước đến cho uống và cứu sống. Kể từ lúc biết dế Lửa bị người chơi dế bắt, thằn lằn luôn theo sát để tìm cách cứu.
Lát sau giọng đó lại thì thầm: ”Giả bị kiến cắn”.
Chợt dế Lửa kêu lên: Ta hiểu rồi.
Tức thì dế Lửa nhảy loạn xạ, miệng không ngớt reo “reng reng reng “. Cu Lâm đang ngủ nửa đêm nghe dế kêu thảng thốt, bật người vùng dậy, miệng lẩm bẩm: Chết rồi! Dế Lửa bị kiến cắn. Cu Lâm vội chạy đến lon dế, mắt nhắm mắt mở kéo lớp vải che, xem dế có bị kiến cắn không. Chỉ chờ có thế, dế Lửa búng một cái vào bóng tối.
Đang chui rúc dưới gốc cỏ tìm chỗ ẩn náu, dế Lửa lại nghe tiếng thì thầm lúc nãy:
-Chúc bình yên. Chẳng còn gì đáng sợ nữa đâu.
Dế Lửa ngạc nhiên hỏi:
-Ngươi là ai mà có lòng giúp ta?
Giọng đó trả lời:
– Ta là ai, bạn đừng bận tâm. Bạn chỉ cần nhớ điều nầy:
Ai có lòng quan tâm đến mọi người, thì người đó sẽ được mọi người quan tâm lại.
Sáng hôm sau cu Lâm ra vườn hoa, chợt nghe tiếng dế gáy râm ran. Lấy làm lạ, cậu chưa bao giờ nghe tiếng dế gáy hay như thế.
  Nguyễn Bá Trình. 

 Quay về
Tiếng dế kêu não nuột,
Như tiếng bạn lẻ loi...
Em đi xa nỗi nhớ
Thương thân em mồ côi !

Yêu em da rám nắng,
Yêu cồn cát trắng tinh...
Tháng ngày bên vị mặn
Tôi tưởng bóng nhớ hình !

Con dế xưa quay về,
Tàu nặng nề chuyển bánh..
Nắng chiều dường vụn vỡ,
Ta cùng nhau về quê !!
NM
 

Con dế nơi miền cát trắng 

Dòng sông ngăn không cho cơn mưa trở về với đồng làng quê tôi đang khát nước. Bờ bên kia mưa trắng trời, nước đổ xuống sông ầm ầm. Cơn mưa dừng lại ở chỗ dòng chảy. Để bờ bên này vẫn nắng chang chang. Em vịn vai tôi, nhìn về làng mình:

– Tới đây rồi em nhớ nhà lắm nhưng thiếu con đò để sang ngang.
– Em về quê nắng sẽ theo về, bọn trẻ sẽ mất vui. Lâu lắm rồi mới có một cơn mưa!
Em nhìn theo tay tôi chỉ, bờ phía bên kia có những bé trai đang tắm mưa. Làn da đen bóng. Nếu trời cho bên này một chút mưa, tôi cũng sẽ tắm mưa như bọn trẻ. Sao mưa không cho bên này chút nước, để mạ tôi không phải gánh nước tưới hàng cây mới trồng. Kĩu kịt đôi thùng trên vai, mạ nhìn đứa con trai, ngoảnh mặt đi. Giọng nói của người lại vang lên trong trí nhớ con:
-Quê mình nghèo, đổi sức lấy miếng ăn. Người phụ nữ tật nguyền không thể đứng chân trên mảnh đất này.
Mạ quay đi giấu dòng nước mắt. Cả đời người lận đận thân cò với đôi thùng gánh nước trên vai. Quê tôi cát trải dài qua tầm mắt. Nắng lửa mưa dầu ruộng lúa vẫn xanh. Cát bỏng bàn chân tre vẫn mọc thẳng. Bọn trẻ như những cây măng vẫn lớn lên, vươn cao. Tuổi thơ tôi cũng tròn đầy như bọn trẻ trong làng, với những chiều chăn trâu, chơi trò đá dế. Con dế vùng cát trắng cũng khỏe hơn con dế sống trong đất phì nhiêu. Vì tổ dế luôn bị cát lấp đầy, cả ngày dế phải bới cát xây tổ như mạ tôi luôn phải gánh nước tưới cây. Tôi cũng như con dế có hai cánh tay chắc khỏe. Tôi có thể mang sức trai che chở được cho em. Mạ không cho người yêu tôi vào nhà cũng vì quá thương con. Làm dâu trên mảnh đất này em không quẩy được đôi thùng như mạ. Khoai trồng trên cát phải tưới đến khi nào lá phủ kín mặt đất. Tôi giờ đã có việc làm không thể thành người vô gia cư, nhưng mạ không chấp nhận em. Cùng là phụ nữ, sao mạ không thể thông cảm với em? Dìu em ra khỏi nhà, trái tim tôi trĩu nặng. Mắt em đỏ như vạt nắng chiều rơi. Buồn, em chỉ khóc với người yêu. Trong cái nắng bỏng rát của ngày hè, em là cây phi lao quen với đất cằn pha cát. Bọ tôi đón con ở đầu làng:
-Mạ các con chưa hiểu, hai đứa lên thị trấn thuê nhà ở tạm. Thư thư ít bữa rồi bọ khuyên giải.
Bọ nhìn em:
-Khuyết tật không phải lỗi của con.
Nói với con được ngần nấy câu, bọ lại vội gánh nước chạy đi. Đôi thùng sóng sánh, lấp lánh ánh trời. Những cơn gió Lào vô tình cứ mang đi những hạt nước pha lẫn mồ hôi. Gió như những bánh sắt nghiến trên con đường không gian khét lẹt.
Căn phòng tối rồi mà vẫn nóng như là lò nung. Bức tường tựa chiếc chảo vừa rang ngô. Nóng đổ mồ hôi em vẫn không bật điều hòa: “Bọ mạ ở nhà nóng hơn chúng mình nhiều cũng chỉ có quạt điện thôi.” Em tập tễnh leo lên giường nằm sát tường:
-Anh mở cửa sổ ra đi. Gió trời cũng đủ cho mình giấc ngủ ngon.
-Anh muốn đêm nay chúng mình là của nhau.
Em giấu vào trong dòng nước mắt hay gió Lào làm nó khô ngay khi chưa ra khỏi bờ mi:
-Mình thương nhau nhiều năm rồi! Đợi thêm mấy ngày nữa thôi anh.
Thị trấn về đêm trời đầy sao. Mấy căn nhà trồi lên nhờ nhờ trong bóng tối. Đom đóm lập lòe trong màn đêm đen. Bọ mạ tôi giờ chắc chưa được nghỉ. Vì cây trong vườn vẫn còn đang khát nước. Ngày anh trai tôi cưới vợ, bọ gọi con ra nhắc nhở: “Làm dâu quê mình vất vả nhiều, con phải yêu thương và tôn trọng vợ”. Bọ vỗ vai tôi: “Cả con nữa! Nhớ nhé khi nào lập gia đình riêng bọ không nhắc lại nữa đâu”. Quê tôi cái nắng gắt đến rát mặt bỏng da nhưng người dân vẫn gieo trồng cấy lúa. Thời nào cũng vậy, những người có chút chữ nghĩa là ra khỏi làng. Họ chỉ trở về khi mái đầu đã bạc. Nhiều người gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người. Mạ tôi hiểu hơn con nỗi khổ của người phụ nữ quê nghèo. Nghĩa vụ của người vợ, người mẹ trên đất cằn sỏi đá cũng nặng nề hơn. Họ phải có sức khỏe mới chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Nhớ những ngày mùa, tôi học ở trong nhà còn cảm thấy như lò bát quái. Nóng giọt mồ hôi chảy mờ trang sách. Thế mà bọ mạ tôi vẫn ra đồng gặt lúa. Học là con đường duy nhất đưa chúng tôi tới những miền đất xa xôi. Ở nơi đó đất phì nhiêu màu mỡ, cây trồng không phải tưới nước nhiều. Màu xanh che khắp xóm làng. Anh tôi đã theo chị dâu vào Nam sống nhờ bên ngoại. Không phải là người sinh ra trên mảnh đất này, mấy ai chịu được cơn gió Lào khô khốc xát vào mặt, bỏng rát trên từng bó lúa trĩu nặng. Những hạt lúa đó đã nuôi lớn bao nhiêu người có tầm hiểu biết vượt qua cả biên giới. Sáng kiến của họ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cả quốc gia. Nhưng mảnh đất chôn nhau cắt rốn vẫn nghèo xơ xác. Thuở nhỏ mỗi khi nhìn về dãy Trường Sơn tôi luôn thầm mơ ước: có những chiếc ống dài nối dòng suối trên núi chảy về làng. Từng ống nhỏ tới từng thửa ruộng. Khi cần nước mở nút rơm là nước chảy tràn. Trong mắt của đứa trẻ con, ngọn núi mây phủ là có rất nhiều nước. Mỗi khi trời mưa không phải là nước từ những đám mây đen đó sao? Mơ ước đó đã dẫn tôi đến với em. Chúng tôi gặp nhau trong buổi lễ phát thưởng cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đi thay thằng bạn làm sinh viên tình nguyện giúp những bạn có hoàn cảnh khó khăn lên hội trường tầng sáu. Em vịn cầu thang đi được một vòng thì ngồi xuống bóp chân:
-Em nghỉ ở đây rồi xuống thôi! Anh lên báo cáo ban tổ chức giúp em!
Miệng nói, hai dòng nước mắt em lăn dài trên gò má. Máu anh hùng trong tôi nổi lên:
-Phần thưởng có thể nhận thay! Còn báo cáo về ý tưởng chống hạn cho miền Trung ai sẽ đọc thay em. Để anh cõng em lên.
Không đợi em đồng ý, tôi xốc em lên lưng chạy nhanh lên hội trường. Ít người nhìn thấy bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Điểm chung của chúng tôi là muốn mang nước về tưới cho cánh đồng cát trắng. Biết nhà em cách nhà mình có một con sông, tôi thường lui tới thăm nom. Chúng tôi cùng cảm nhận được trong hương thơm của lúa, trong vị ngọt của từng bát cơm có cả vị mặn của bao giọt mồ hôi. Em hiểu ý mạ tôi nên không trách nửa lời. Em sinh ra là để chịu thiệt thòi, thua thiệt. Cặp mắt buồn thẳm sâu: Hết nhìn cái nắng đang rực rực cháy lại nhìn người yêu. Ánh mắt em không có màu mây hờn giận. Tôi che nắng cho em. “Dù thế nào anh vẫn là nơi nương tựa vững chắc của em!”. Tôi thầm nhủ với lòng mình. Lớn lên trong trại mồ côi em vẫn hiểu cánh đồng làng nắng cháy. Ngày bà ngoại chưa về với cát! Em vẫn được nhận những củ khoai lang do bà gửi tới. Ngày nào em cũng ngóng ra cổng chờ bác bán hàng rong đi qua. Nhìn thấy người phụ nữ mặc áo nâu vá vai là em thấy được làng mình. Bác bán hàng rong, người cùng xóm, mỗi khi về nhà lại mang cho em những món quà của quê nghèo.

Lần đầu chung giường với em tôi không dám đơn phương làm cái việc mà tuổi trẻ khao khát. Yêu và tôn trọng đã lấn át bản năng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Em có phải là phụ nữ hay không?”. Người yêu của những thằng bạn cùng phòng kí túc xá với tôi thường khéo léo mời mọc. Chúng nó đi chơi với bạn gái lúc nào cũng phải thủ sẵn “thiết bị” an toàn. Những lúc cõng em trên vai tôi cảm nhận được hơi thở gấp gấp, trong bộ ngực căng tròn, phập phồng của tuổi trẻ. Em luôn khéo léo giữ giới hạn với người yêu. Hôm nay khi chúng tôi sắp thành vợ chồng em vẫn giữ khoảng cách vừa đủ. Nhìn em nằm úp mặt vào tường tôi thấy thương em rất nhiều. Em đang tự kiềm chế bản thân. Tôi chỉ cần duỗi thẳng cánh tay là kéo em đến được với mình. Khoảng cách mong manh chưa đủ an toàn cho em. Nhưng tình yêu và lòng tự trọng không cho phép tôi. Trời chưa hửng sáng, hàng cây trong thị trấn vẫn một màu đen thẫm. Em vẫn chìm trong giấc ngủ ngon. Không gian yên ắng, thi thoảng tiếng gà gáy xa xa vọng lại. Tôi hòa trong đoàn người tập thể dục buổi sớm. Chợ họp từ khi nào mà người đã đông. Tôi như thấy mạ trong những người quẩy gánh. Bọ tôi trong những người phu khuân vác.
Cửa phòng khép hờ. Đôi dép của mạ để sát bên tường. Tôi trèo ra ban công phía sau nghe hai người nói chuyện. Cửa sổ em đã cài chặt. Chiếc điều hòa xả hơi nóng hầm hập. Tôi không nghe thấy tiếng ai nói. Nhìn ánh mắt là họ hiểu nhau. Hồi lâu mới có tiếng người yêu tôi nấc nhẹ và giọng mạ tôi vỗ về: “Cùng là đàn bà bác thương con nhiều lắm!”. Tiếng cài cửa cũng rất nhẹ. Bóng mạ tôi hòa vào dòng người dưới đường. Cái dáng khòm khòm của mạ như lưỡi dao cứa vào lòng con. Cùng tuổi với mạ người Hà Nội họ trẻ hơn rất nhiều. Cặp mắt em ráo hoảnh, không có một chút buồn hiện lên nét mặt:
-Hôm nay em về thị xã, thăm mẹ và dì ở trại trẻ. Anh về nhà giúp đỡ bọ mạ gặt mùa, ngày mai bão về rồi.
-Anh muốn về trại trẻ cùng em. Anh muốn được cảm ơn những người đã nuôi dưỡng em.
Em cảm động ôm tôi. Em đặt lên môi người yêu nụ hôn nóng bỏng. Lần đầu tiên được em chủ động tôi lại trở thành con dế co mình trong cát. Nó chẳng có phản ứng thể hiện tình yêu thương đang dồn nén trong lòng. Em ôm vai người yêu như là một đứa trẻ thể hiện tình cảm với cha. Từ nhỏ em đã chỉ có tình thương của người mẹ, người dì. Gió Lào xác khô không ngăn nổi dòng nước mắt. Nhưng em cất đi ngay để người yêu chưa kịp nhận ra. Giọng nói cứng cỏi lại về trên đôi môi thắm đỏ:
-Em muốn anh chuyển giúp em chút quà về cho dì ruột em ở làng. Nói với dì là lúc nào em cũng nhớ quê. Chiếc vòng bạc của bà ngoại tới nay em vẫn đeo trên cổ.
Nắng lửa tràn vào phòng. Em tự thu dọn những thứ cần thiết của mình. Cách một con sông mà hai làng khác nhau nhiều quá. Vị muối của biển, vị muối của mồ hôi hòa trộn nhau. Làng em làm muối phụ thuộc vào cái nắng chói chang. Làng tôi mong mưa cho cây khoai sai củ. Làng em mong nắng cho hạt muối kết tinh. Người diêm dân dưới cái nắng cháy trên những cánh đồng muối nơi cồn cát. Họ kiếm miếng ăn cực nhọc biết bao? Ở Hà Nội, ngày nào em cũng nhấm nháp một hạt muối để nhớ về quê nhà. Ngoài vị mặn của biển em cảm nhận được dư vị ngọt ngào của bao sự khó nhọc, lan tận vào tim. Bà ngoại em và dì em làm ra hạt muối trắng có cả vị mặn của mồ hôi. Nhưng tự nhiên, tre già măng vẫn mọc. Mộ bà ngoại em phủ kín màu xanh. Mặc cảm về khuyết tật chưa một lần em về trồng cỏ tưới nước cho bà. Đồi cát còng lưng hứng từng đợt gió Lào thổi rát mặt. Nếu không có cỏ và được người thân chăm sóc thì chẳng mấy, gió sẽ xóa sạch những nấm mồ xây bằng cát.
Thấy con trai về một mình mạ rất vui. Ngày mai bão về nay vẫn phải tưới cây. Để phòng những cơn gió đi trước không làm trơ gốc những cây khoai đang bén rễ. Tôi gánh nước cùng mạ, đôi vai sưng lên rát bỏng. Ở Hà Nội tôi cũng chăm tập thể dục rèn luyện sức khỏe mà không thể thắng được cái nóng của quê nhà. Tôi không còn là con dế của miền cát trắng. Mạ cười giúp con lau những hạt mồ hôi ròng ròng trên trán:
-Kiếm việc gì ngoài Bắc mà làm con ạ! Nhiều bác trong làng đi thoát li nay trở về với cuốn sổ hưu và quyển sổ tiết kiệm rất an nhàn. Bọ mạ không có những quyển sổ đó phải làm tới khi nào đôi chân không bước được.
-Anh con ở Nam, con lại ở Bắc bọ mạ sẽ sống với ai?
Bọ tôi cảm động. Ông buộc lại mái tóc cho vợ. Tóc bạc rồi mà hai người vẫn thương nhau:
-Mình thấy đó, con nó rất lo cho vợ chồng mình. Để nó về quê công tác cũng là một việc tốt. Mấy ông cán bộ huyện cũng đều có sổ hưu cả.
Mạ không nói có nghĩa là người đồng ý. Chưa có năm nào mà quê tôi không phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trước kia chỉ có bão, gần đây thêm lũ lụt. Nước lũ trong một giờ có thể xóa sạch thành quả lao động của nhiều đời. Cuộc sống mưu sinh đầy gian lao vất vả mang lại lắm nỗi đắng cay. Nhiều người làng như anh tôi đã bỏ quê đi. Làng giờ chỉ còn mấy chục nóc nhà, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Làng em cũng thế. Thưa dân là một điều kiện tốt để phục hồi lại những diện tích rừng đã bị chặt phá. Nhiều nơi đã làm khi người dân tự chuyển cư về đô thị. Mơ ước của em về những khu rừng giữ cát ngăn lũ thật đẹp. Nhưng có thành hiện thực hay không còn phải đợi tới ngày mai. Hôm nay tôi phải thuyết phục được mạ chấp nhận em. Vật lộn với mưa bão cả tuần. Khi ông mặt trời ló rạng phía biển tôi mới có thời gian trở về thị xã tìm em. Mạ chưa chấp thuận nhưng tôi không thể thiếu em. Xa nhau mới biết thế nào là nhớ. Ba năm rồi ngày nào tôi cũng được thấy nụ cười lạc quan, rạng rỡ của em. Nửa ngày đường tôi tới được thị xã. Trại trẻ cho biết em không trở về. Người mẹ và người dì em thường hay kể họ đã nghỉ hưu lâu rồi. Gọi điện cho em thuê bao không liên lạc được. Mới tối qua em còn nói chuyện rất đằm thắm với người yêu. Em nhớ tôi, nhớ những ngày đầm ấm bên nhau. Ông trưởng phòng tổ chức thông cảm mở tủ tìm địa chỉ. Những số điện thoại trong hồ sơ lưu đều không còn sử dụng. Ông cũng thở dài:
– Từ nhỏ con bé đã rất tự trọng. Đói đến mấy nó cũng không xin đồ ăn của bạn khác. Nó chỉ dùng những thứ thuộc về mình. Cháu về quê xem nó có về đó không?
Trong tuần mưa bão em đã đi đâu? Mạ tôi đã nói gì với em? Yêu em sao tôi không hiểu người mình yêu. Mấy năm qua chỉ có em yêu tôi. Còn tôi với em chỉ là tình thương. Em hiểu nên luôn giữ khoảng cách chăng. Tuần vừa qua những tin nhắn nồng nàn tình cảm phần lớn là của em. Hai chúng tôi cùng yêu mảnh đất này. Về tới đây rồi em không thể chia xa. Bốn năm đằng đẵng vì lý do sức khỏe chưa một lần em được về thăm quê. Làm con, sao tôi không hiểu mạ mình. Vì con mạ sẵn sàng làm tất cả. Bao năm rồi chiếc đòn gánh vẫn nặng trên vai mạ mỗi phiên chợ sớm. Mạ mang hết những thứ thu từ ruộng vườn, có thể bán được ra chợ lấy tiền gửi cho con. Tấm áo bọ bạc màu vì mưa nắng dãi dầu. Hai đứa con học đại học ở hai đầu đất nước, bọ mạ ở nhà oằn lưng gánh nhọc nhằn. Giận mạ nhưng tôi nuốt vào trong dạ. Mạ đã vất vả về con quá nhiều rồi. Những việc mạ làm cũng vì thương con. Tại sao tôi không động viên em về làng. Nơi đó căn nhà của bà ngoại em vẫn còn. Các con của người dì ruột em cũng đã đều ra thành phố. Em có thể ở với dì ít bữa. Tại sao tôi lại để em đi. Suốt ba năm kể từ khi chúng tôi biết mình không thể sống thiếu nhau, chưa khi nào tôi để em đi xa một mình. Qua cơn bão, làng em trở nên tiêu điều. Dì cũng già đi hàng chục tuổi. Dì tâm sự với tôi như tự trách chính mình:
– Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dì phải gửi em vào trại mồ côi. Từ ngày đó đến nay con bé chưa một lần trở lại xóm làng. Nó còn giận dì nhiều lắm. Dì cũng thấy có lỗi với mẹ con bé. Trước khi ra đi, mẹ nó đã gửi lại con nhỏ cho dì. Dì đã không làm tròn trách nhiệm với người quá cố.
Chưa khi nào em nói với tôi về gia đình mình. Em yêu cái nắng chói chang của miền Trung đã nuôi mình khôn lớn. Học xong em sẽ về quê làm việc, mang hiểu biết giúp ích cho xóm làng. Em muốn quê mình bớt nghèo, những người như bà ngoại em bớt khổ. Em yêu vị mặn của những giọt mồ hôi đã đổ xuống trên từng cánh đồng, từng ruộng muối. Tình yêu quê của em đã chảy sang cả tôi, trong những bữa cơm chiều em nấu món ăn quê nhà. Em dẫn con dế đang tìm đến vùng đất phì nhiêu quay trở lại với những cồn cát trắng phau. Món bánh tôm bột lọc em làm cho tôi mời các bạn trong cả khu trọ là niềm tự hào của vùng quê phần nhiều chỉ có sắn khoai. Nay tôi mới hiểu vì nghèo, mẹ em phải dời làng ra đi nhưng cơn bão không cho tới miền đất mới. Chân trời góc biển tôi biết tìm em nơi đâu? Xa nhau tôi mới nhận ra mình yêu em rất nhiều. Tôi yêu làn da rám nắng, mặn mòi, của gió Lào cát trắng. Vắng em tôi không thiết thứ gì. Huyện gọi về làm việc tôi cũng cho qua. Cả ngày đi tìm vết chân em trên cát. Người con gái chân đi cà nhắc, bàn chân nổi bàn chân sâu. Trên cồn cát trắng tinh không còn vết chân nào. Tôi chỉ cảm thấy vui khi được ăn bát canh do em nấu. Ba năm rồi tôi đã quen với sự chăm sóc của em. Mạ tôi động viên:
– Phụ nữ chưa cưới hỏi đã ở cùng phòng với con trai chẳng phải là người ngoan. Con gái khỏe mạnh quê mình có rất nhiều. Con nên kiếm một cô giáo làng sau này có lương hưu lại đảm việc nhà.
Tôi bỏ ra sông. Nắng quay cuồng làm sôi cả mặt nước. Mạ đuổi theo đội cho con chiếc nón lá lên đầu. Thương con nhưng mạ đâu có hiểu lòng con. Tôi không thể giải thích với mạ là em trong sáng. Việc hai năm rõ mười nói mạ cũng chẳng tin. Em đi đâu trên miền đất chỉ có nắng và cát này? Chuyên môn của em tốt nhưng doanh nghiệp nào sẽ nhận em vào làm việc? Ai sẽ chở em đi làm mỗi ngày?
Con dế mất người yêu, nó đi thơ thẩn trên triền sông, nhìn về bờ bên kia, tìm một bóng dáng quen thuộc. Tôi sẽ về Hà Nội sống ở nơi có những kỉ niệm về em. Căn phòng trọ đã có bốn năm mang hơi ấm người tôi yêu.
Những lời thấu lý đẹp tình của bọ và những giọt nước mắt của mạ không ngăn được tôi khoác ba lô dời quê. Bọ chở con ra ga trong nắng hè cháy đỏ. Con tàu thở hồng hộc khi vừa qua một quãng đường dài. Bụi đỏ bám đầy thân tàu. Người con gái chân thấp chân cao vịn vai bạn gái khó nhọc bước xuống sân ga. Nắng, cát và gió Lào đã đưa em trở lại. Con dế đã quay về, bởi chỉ có sống trong cát dế mới có sức khỏe bền lâu.

Tàu nặng nề chuyển bánh để lại một hành khách cùng tấm vé trên tay. Tiếng rít của bánh sắt trên đường ray vỡ vụn nắng chiều
Lê Trung Cường
 

Người hoá dế

Vào đời nhà Lê người ta hay chơi trò chọi dế. Người ta cố tìm những con dế khỏe mạnh khéo chọi và bán giá cao. Mỗi lần có cuộc chọi dế, người đánh cuộc vây vòng trong vòng ngoài, chủ nhân của những con dế thắng trận vừa được những món tiền thưởng lớn lại vừa được đám đông trầm trồ thán phục. Vì thế, từ quan chí dân, ai nấy đua nhau nuôi dế chọi, chính nhà vua lại là người say mê thú chơi này đệ nhất. Có những viên quan chuyên có mỗi một việc nuôi và chăm sóc đàn dế chọi cho nhà vua. Có những viên nội giám chuyên đi lùng dế trong dân. Trong cung thường mở những ngày hội chọi dế, có nhiều quan lớn các trấn về dự các trận đấu. Để luôn luôn có dế tốt, vua ra lệnh cho mỗi tổng ở gần kinh kỳ phải tìm cho được ít nhất là một con dế chọi đem nộp, nếu quả là dế hay thì sẽ miễn trừ sưu thuế, trái lại nếu nộp dế xấu hay không có đế, thì phải tội nặng.
Bấy giờ vùng Kinh-bắc về tổng Đại-mão, có một ông cai tổng nuôi một con dế chọi hay lắm. Tất cả những con dế có tiếng là hay đem đến chọi với dế của ông cũng đều thua chạy. Vì thế ông quý dế mình hơn vàng, hết sức chăm chút để đợi ngày tiến vua. Ông nghĩ bụng: - "Có thể nhờ nó may ra vụ thuế năm nay được tỉnh giảm ít nhiều".
Sắp tới ngày tiến dế, một hôm ông cai tổng đi chợ để sắm sửa hành trang. Ở nhà hôm ấy chỉ có mỗi một mình thằng con ông còn nhỏ giữ nhà. Buồn tình, nó gọi bọn trẻ lối xóm tới chơi. Chơi được một chốc, chúng nó bày trò chọi dế. Tuy biết dế của bố không được phép mó vào, nhưng nay nhân bố mẹ vắng nhà, thằng bé mở lồng bắt con dế quý ra, cho chọi với dế của chúng bạn. Chẳng biết chúng nó bắt lên bắt xuống thế nào mà chỉ được một chốc con dế quý tự nhiên ngắc ngoải, rồi lăn ra chết. Thấy dế chết, thằng bé vô cùng sợ hãi. Nghĩ đến những trận roi sắp tới của người bố nghiêm khắc, nó không còn hồn vía nào nữa. - "Mất con dế tiến, bố ta mà về thì sẽ vặn cổ không tha!". Nghĩ vậy thằng bé vội bỏ nhà cắm cổ ra đi một mạch.
Khi ông cai tổng trở về, như thường lệ, đến ngay chỗ lồng nâng niu con dế tiến. Thấy dế chết, ông gầm lên. Và khi biết thủ phạm là con mình, ông tức tốc sai người đi tìm về toan đánh cho một trận. Nhưng người nhà tìm khắp nơi chẳng thấy thằng bé đâu cả. Ngày một ngay hai không thấy con về, ông đổi giận làm lo. Ông phải viết giấy cho các xã trưởng nhờ tìm tòi, song cũng vô hiệu. Chắc rằng con mình sợ tội, nên đã liều thân hoại thể ở đâu rồi, hai vợ chồng ông hết sức đau xót. Hai vợ chồng bảo nhau: - "Dế đã chết, không biết lấy gì để nạp lên vua, sự thể chắc thế nào cũng sẽ bị tội nặng, mà đứa con độc nhất cũng chẳng còn, thôi thì thiết sống làm gì nữa". Thế rồi, họ định bụng tối đến sẽ ra vườn sau thắt cổ.
Lại nói chuyện đứa bé sau khi bỏ nhà ra đi, cứ nhắm đường rừng bước miết. - "Ta phải đi thật nhanh kẻo bố cho người đuổi theo". Đi mãi đến chiều tối, phần thì mệt và đói, phần thì sợ hãi vì trong rừng sâu không một bóng người, đứa bé nằm vật trên một tảng đá kêu khóc. Bỗng từ sau tảng đá, một đạo sĩ hiện ra hỏi:
- Tại sao con khóc?
Thằng bé mếu máo kể chuyện đầu đuôi cho đạo sĩ nghe, và nói:
- Bây giờ bố cháu không có dế nạp vua, chắc là vua trị tội nặng.
Nghe đoạn, đạo sĩ bảo:
- Con đừng lo, để ta giúp con chuộc tội cho bố mẹ.
Nói rồi, đạo sĩ dắt đứa bé về hang, lấy cơm cho ăn và trải giường cho ngủ. Qua ngày sau, đạo sĩ gọi thằng bé dậy dặn rằng:
- Ta sẽ làm cho con hóa dế, con về giúp bố con có cái để nạp vua. Xong việc, tìm cách trốn về đây ta sẽ hóa phép cho con trở lại nguyên hình. Có muốn thế không?
Thằng bé gật đầu. Đạo sĩ đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên thằng bé cứ nhỏ lại dần, nhỏ dần và cuối cùng hóa thành một con dế. Đạo sĩ khoát tay bảo:
- Hãy can đảm đi đi, rồi nhớ đường về đây.
Dế ta cất cánh nhằm đường cũ bay một mạch trở về. Khi về đến nhà thì vừa lúc hai vợ chồng ông cai tổng ra vườn sau toan buộc dây thắt cổ. Dế sán lại gần gáy lên từng hồi. Nghe tiếng dế rất gần, ông cai tổng lấy làm lạ, vội đốt đuốc ra soi thì dế bay đậu ngay vào lòng bàn tay ông. Thấy con dế có vẻ khỏe, lại quen người, ông cai tổng đổi buồn làm vui "Đây là trời xui đất khiến đưa dế cho mình để thay cho con hôm nọ đây!". Ông quên ngay mọi việc xảy ra và bỏ ý định tự tử, bèn đem dế bỏ vào lồng để mai mang tiến vua cho kịp ngày hội.
Khi dế của ông cai tổng Đại-mão đưa vào cung, vua chưa thấy có con nào bé người mà khỏe đến thế. Vua cho nó đấu thử với các con dế khác, thì không một con nào dám đương đầu. Tất cả những con dế nổi tiếng ở kinh đô đều đại bại. Vua rất đẹp lòng về con dế vô địch, vội xuống chỉ ban cho người tiến dế phẩm hàm và hạ lệnh tha thuế cho tổng Đại-mão trong ba năm để thưởng công phu kiếm được dế tốt. Vua sai đưa con dế quý bỏ vào trong một cái lồng bằng vàng và sai mấy viên quan nội giám hết sức chăm chút. Mấy ngày sau, giữa ngày hội lớn, vua ra lệnh đưa con dế mới ra chọi với dế quan tổng đốc ba trấn miền Nam mới về dự hội. Đấu được ba hiệp, con dế mới đã cặp cho con dế quan tổng đốc gãy càng. Nhà vua chưa lần nào được sảng khoái như thế. Nhưng khi viên nội giám sắp bắt dế bỏ vào lồng thì bỗng dưng dế xòe cánh bay vút lên trời, và chỉ một chốc đã biến mất trước những con mắt ngơ ngác của đám vua quan.
Dế cứ lần theo đường cũ bay trở về hang của đạo sĩ. Trông thấy đạo sĩ, dế đậu ngay vào áo. Đạo sĩ bắt dế vào tay, đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên dế lại lớn dần, lớn dần lên, và chỉ trong chớp mắt trở lại biến thành đứa con ông cai tổng. Đạo sĩ vỗ vào vai bảo:
- Thôi con trở về kẻo bố mẹ con mong!
Thằng bé lại tìm đường ra khỏi rừng rồi trở về nhà. Trông thấy con, hai vợ chồng ông cai tổng khôn xiết mừng rỡ[1]
Nguyễn Đổng Chi
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam