Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Nhật ký tháng 12

Hình ảnh có liên quan
Yêu và thích,
Người có phải tự ngàn xưa tìm đến ?
Sau cơn mưa trời mát tợ bóng râm.
 Gặp nhau đây chưa tính chuyện trăm năm.
Say chút nắng cũng làm tim thổn thức !

Em rất "nhây"mà cũng không dấn bước,
Hội ngộ nhau vào tháng cuối mùa Đông.
Em ngỡ mình qua hết những ước mong.
Tim hoá đá sao tim còn mềm yếu ?!

Tháng mười hai trời sao còn giông bão,
Em cô đơn dù anh ở bên em,
Dù thích hay yêu em mãi yếu mềm
Em say nắng ! Biết khi nao mới tỉnh ?!

Về với mẹ được chở che vòi vĩnh,
Ở bên anh em cảm thấy bình yên...
Ngoài hiên mưa vẫn triền miên,
Xin cho chút nắng, bền duyên bên người 
NM

Nhật kí tháng 12... 
Tình cảm sợ nhất là những con say nắng. Không phải chỉ yêu, chỉ là thích. Người đến vội , đi cũng nhanh. Cái để lại khgo6ng phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai nầy mình sẽ như thế nào ?
Tôi là một cô gái sắp bước sang tuổi 24 và hẳn nhiên là cũng có những nỗi niềm của chính mình. Tôi vốn dĩ là người năng động và sôi nổi, hay cái cách bạn bè hay nói thì tôi " rất là nhây". Ấy vậy đã có khoảng thời gian tôi lạc mất mình. Lạc mất đi cái vốn dĩ là con người của tôi ấy để trở thành một cái tôi khác.
Cái tôi khác ấy là khi có thể ngồi một mình hàng giờ trong một quán cà phê nào đó. Im lặng, suy nghĩ và nhìn ngắm. Hay một mình chạy xe vòng quanh thành phố, cảm nhận đất trời luân chuyển theo mùa len lỏi qua từng tháng năm. Tôi thích hẹn hò với chính mình, hẹn hò cô đơn. Tôi thích cái cảm giác nhìn ngắm từng khuôn mặt trên phố, nhìn họ bình yên, nhìn họ cười để thấy an yên. Trong những lúc như thế, tôi đã nhủ với lòng mình: "Phải chăng mình đã già!"
Tôi gặp Kai một ngày mùa đông vào tháng 12, khi mà cái lạnh của mùa đông như tô điểm thêm cho từng tâm hồn đang cuộn tròn trong nỗi cô đơn của chính mình.
Lần đầu tiên thấy Kai. Tôi có chút ngại ngùng , chỉ dám len lén nhìn xem Kai là người như thế nào. Âý vậy mà ánh mắt cậu ấy nhìn vào mắt tôi khi ngồi xuống phía đối diện làm tôi giật mình. Cái giây phút ấy, tôi thấy bóng dáng mình phản chiếu lại trong ánh mắt Kai. Trong mắt Kai, tôi thấy một cô gái trẻ cười ngượng ngùng và hai má đỏ lên vì ngượng.
Kai không đẹp trai - mà duyên.Với tôi là như vậy. Nhưng cậu ấy cuốn hút tôi bằng nụ cười và cách nói chuyện khiến tôi tự thấy cả thế giới của mình ở đó, ở chính con người ấy. Kai đưa tôi về trở vè với chính mình, là cô bé con sôi động ngày nào, vẫn là tôi đây chứ không bị lạc mất bởi nhịp tháng năm.
Về những ngày sau đó, tôi tự phép cho mình hưởng thụ cái thứ niềm vui mà Kai mang lại và mặc nhiên những thứ đó thuộc về mình. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau mỗi ngày và những câu chuyện thường không có hồi kết cho đến khi cả một trong hai chúng tôi ngủ quên. Tôi cảm thấy vui khi đóng vai trò quân sư cho Kai khi cậu ấy gặp chuyện nào đó hay kể cho cậu ấy về một phần cuộc sống của mình. Tôi nhớ cái lần Kai đưa tôi lên sân khấu của một quán cà phê music tại Hà Nội, lúc đó Kai đã đăng kí một bài hát và rủ tôi song ca. Tôi ngại ngừng từ chối vì biết giọng mình vốn chẳng hay ho gì? Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt quyết tâm của Kai, tôi lại theo sau cùng cậu ấy. Tôi run lên vì ngượng trong khi Kai khá tự tin, trên bục sân khấu, Kai đứng cạnh tôi, cất lên giọng trầm ấm của mình còn tôi xấu hổ chỉ muốn chui xuống đất dưới ánh mắt nhiều người. Ấy vậy mà khi Kai kéo cho tôi chiếc ghế gần đó và kêu tôi ngồi xuống đó thì tôi lại thấy bình yên đến lạ lùng. Chúng tôi đã cùng nhau hát trọn vẹn bài hát, không ngại ngùng, không âu lo, không suy nghĩ.
Tôi như trở về là cô bé con 18 tuổi ngày nào! Thả tung hết với những nghĩ suy bộn bề để mỉm cười với những điều đẹp đẽ!
Ngày giáng sinh cận kề. Chiếc điện thoại reo lên. Là tin nhắn từ Kai." Nếu N không ngại thì mai mình đi cùng cậu đến nhà thờ nhé!"
Cô bạn cùng phòng về thăm nhà, tôi vì công việc nên vẫn ở lại thành phố. Cũng không có lý do gì để tôi từ chối Kai. Thay vì đón giáng sinh một mình thì ở bên một người bạn hẳn chẳng phải tốt hơn sao? Nên tôi vui vẻ trả lời tin nhắn:" Hẹn mai gặp cậu!" kèm theo một icon tươi rói!
Ngày lễ giáng sinh. Kai qua đón tôi như đã hẹn. Trên đường tới nhà thờ, chúng tôi cùng nhau nghe chung những bản nhạc. Một cái dây phone mỗi người một bên. Nhìn chúng tôi lúc này cũng chẳng khác các cặp đôi đi chung đường là mấy! Bất giác tôi mỉm cười với cái suy nghĩ đó!
Nhà thờ những ngày này khá đông, còn tôi thì chiều cao khá khiêm tốn nên không thể xem cận cảnh chương trình hoan ca đại lễ. Kai đi đằng sau tôi, cùng tôi len lỏi qua đám đông chật cứng người và người. Ấy vậy mà tôi cũng chen lên được hàng đầu trước ánh mắt ngạc nhiên của Kai.
Đi cùng Kai, tôi luôn thấy mình như một đứa trẻ con chưa lớn, ngốc nghếch và vô tư lự. Còn Kai thì cứ trầm ngâm, lặng lẽ đứng sau bảo vệ, hay khi tôi có vô tình quẹt qua người ai đó thì cậu ấy lại vội vàng cúi đầu nói xin lỗi giúp tôi.
Lần đầu tiên Kai đến nhà thờ, lần đầu tiên tham dự thánh lễ, lần đầu tiên thấy các nghi thức của người công giáo như thế nào? Tôi thích thú với cái vai trò là người giải thích từng các nghi thức cho Kai hiểu, và phải bật cười khi thấy cái điệu bộ cậu ấy rón rén đến gần Cha chỉ để xem cách trao và nhận bánh thánh như thế nào? Bất giác tôi nhận ra, hình như tối hôm đó, tôi đã cười thật nhiều...
Hà Nội những ngày cuối năm, trời trở lạnh ghê gớm! Mưa và gió kéo về thấm lạnh lòng người. Chợt thèm cơm của mẹ. Muốn có được cái cảm giác ngồi nhìn mẹ lấy cơm cho rồi nhắc nhở cuộc sống nơi phố xá đông đúc. Tưởng rằng mình trưởng thành và mạnh mẽ lắm. Nhưng hoá ra không phải, giọt nước mắt từ khoé mắt cứ từ từ lăn xuống. Mặn đắng.
Chạy xe trên đường, nước mưa táp vào mặt. Lạnh buốt. Về tới căn phòng nhỏ. Chiếc điện thoại reo lên. Là cuộc gọi từ mẹ. Mẹ bảo mưa gió thế này con đừng về, để trời khô ráo rồi về cũng được. Chiếc điện thoại lại rung lên báo có vài tin nhắn mới. Của Kai, Kai hỏi dồn dập như thể rằng sợ tôi sẽ biến mất vậy. Trả lời Kai rằng tôi ổn và sẽ không về nhà như đã nói mà sẽ lùi lại vào mấy ngày sau đó. Từng dòng chữ của Kai cứ xuất hiện đều đều trên màn hình...
Nhìn vào mình trong gương, tự hỏi tuổi 24 là trẻ hay già? Phải chăng nó là ngưỡng của sự lưng chừng... Phải chăng là do cô đơn quá lâu nên trái tim đã chai sạn. Vì dẫu vốn được quan tâm và yêu thương mà vẫn thấy cô đơn.
Lời của cô bạn thân văng vẳng bên tai: "Tình cảm, sợ nhất là những cơn say nắng. Không phải yêu, chỉ là thích. Người đến vội, đi cũng nhanh. Cái để lại không phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống, mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai này mình sẽ như thế nào?"
Phan Bích Nguyệt
Chào tháng 12
Bây giờ là tháng mười hai,
Em thương kỷ niệm những ngày bên nhau.
"Mười hai " xin gởi lời chào,
Biết bao thương nhớ dâng trào trong tim..
Suốt đời em mãi đi tìm,
Dư âm xưa cũ êm đềm bên nhau..
Diệu kỳ thay, mối tình đầu,
Cho em những phút xôn xao dịu dàng !
Xa rồi năm tháng hoang mang,
Anh đi để lại trăm ngàn nhớ nhung
NM
than-gui-thang-12

Thân gửi tháng 12!

Lật tờ lịch tháng 11 qua một bên, tôi lặng lẽ ngắm nhìn những con số trên tờ lịch tháng 12. Tháng 12 dịu dàng của những ngày đông vừa vui vẻ với giai điệu Jingle Bell vừa pha lẫn chút gì man mác chia li của khoảnh khắc năm cũ và năm mới. Rồi theo thói quen, tôi mặc nhiên khoanh đỏ ngày 15/12, một ngày đặc biệt đã được mặc định trong trí não tôi.
***
Con người đôi khi thật kì lạ, chúng ta sẽ nhanh chóng quên hết mọi thứ - cảm xúc và suy tư của ngày hôm qua rồi sẽ tan biến như chưa hề xuất hiện - nhưng dấu ấn về sự tồn tại của nó thì còn đọng lại như vết mực tím trên trang sách cũ, mãi mãi không phai. Mỉm cười chạm nhẹ vào con số, tôi mơ hồ thấy niềm háo hức và những rung động của tình yêu đầu xốn xang trong lồng ngực. Không phải là sự nuối tiếc mà là sự trân trọng cho cột mốc lớn trên con đường trưởng thành của tôi ngày hôm nay. Ghi nhớ và trân trọng kỉ niệm hẳn là cách mà trái tim mỗi chúng ta cảm ơn những người đặc biêt, vì họ đã dành chút thời gian đi cùng chúng ta một đoạn đường, để cùng trải qua những ngày nắng và những ngày mưa, cùng ngắm nhìn những cảnh sắc khác nhau từ một góc độ. Với tôi, tháng 12 sẽ mãi mang màu sắc và tâm trạng của con người ấy - chàng trai của một quãng đường ấm áp tươi vui; Lặng lẽ đi bên cạnh và che chở tôi khỏi những gió mưa, để rồi khi cậu đột ngột rẽ theo một con đường khác, tôi bị bỏ lại giữa cơn mưa tầm tã, hốt hoảng nhận ra phải luôn tự mang theo một chiếc ô cho riêng mình...
Chúng tôi có lẽ đã chạm mặt nhau rất rất nhiều lần trước đó, lướt qua nhau mà không hề quan tâm đến sự tồn tại của người kia. Điều ấy cũng là bình thường trong một lớp luyện thi đại học có đến vài trăm người. Ngày ấy, nếu bạn gặp tôi, bạn sẽ thấy một cô nhóc lầm lì bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Nếu trượt đại học thì mình chết đi còn hơn". Cắm cúi học hành, tôi ép bản thân thức thật khuya để rồi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ liên miên. Mỗi lần ngủ quên không đi học, tôi sẽ tìm một góc và ngồi khóc òa lên vì nỗi sợ hãi đã bỏ lỡ hết những thứ quan trọng cho bài thi. Những năm tháng ôn thi đại học, khi nhớ lại, sẽ là quãng thời gian gian nan nhưng hạnh phúc nhất của mỗi học sinh. Cái cảm giác được sống có đích đến thôi thúc chúng ta cố gắng hơn mỗi ngày. Chúng ta phải vật lộn với nỗi sợ hãi to lớn mình trở thành kẻ duy nhất trượt đại học, nhưng niềm vui của tương lai phía bên kia cổng trường đại học và sự trưởng thành còn lớn hơn nhiều. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những cô cậu học trò đến lớp luyện thi từ rất sớm để được ngồi chỗ tốt nhất - dưới cái quạt mát, vừa tầm mắt và gần thầy cô. Tôi vẫn nhớ buổi trưa hôm ấy, một buổi trưa nắng rực rỡ mặc dù mới giữa tháng 4. 45' nữa mới tới giờ học mà đi dọc từ trên xuống dưới, bàn nào cũng đã có bạn ngồi và bày đủ đồ nghề ra giữ chỗ. Tôi loay hoay giữa những lối đi, vừa bực mình vừa lo lắng. Rồi tôi tiến về phía cái bàn ở vị trí đẹp nhất, nơi thường sẽ bị giữ chỗ đầu tiên, cũng là nơi tôi thường hỏi cuối cùng:
- Ngồi chỗ khác đi, chỗ này có người ngồi rồi!
Giọng trả lời có chút hống hách. Nó không nằm ngoài dự tính của tôi, nhưng bạn gái ấy đã quên mất cả chủ ngữ câu, thêm thái độ hiển nhiên ấy, tất cả khiến tôi cáu kỉnh:
- Bạn của cậu đến chưa thế? Tớ xin lỗi nhưng cậu đến sớm thì cậu có quyền ngồi chỗ này, nhưng bạn cậu đến sau tớ thì không có lí do gì tớ phải nhường chỗ cho bạn ấy cả. Ai cũng giữ chỗ như cậu thì những người đến muộn hơn một tẹo như tớ sẽ ngồi đâu?
Tôi lấy tay nhẹ nhàng đẩy quyển vở 'đặt chỗ' sang phía bạn ấy và ngồi xuống, mặt mày cau có. Bạn ấy có lẽ quá bất ngờ nên không kịp phản ứng. Rồi bạn ấy lẩm bẩm cái gì đó nhưng tôi không quan tâm. Tôi gục mặt xuống bàn, buồn ngủ và mệt mỏi.
15' sau, bạn gái bên cạnh tôi đứng dậy vẫy vẫy tay, nói khá to:
- Tớ ở đây, lên đây đi!
Khi hai bạn nam tiến đến sát chúng tôi, tôi nghe giọng bạn nữ phân trần:
- Tớ giữ chỗ cho các cậu, nhưng bị con nhỏ này chiếm mất, đã đến sau còn vô duyên ý kiến này nọ chứ!
- Thế để tớ ý kiến nốt. Cậu không nên nói về người khác như thế, mà việc cậu đến sớm đâu có nghĩa cậu có quyền giữ tất cả chỗ ngồi trong lớp này?!
Rồi tôi quay sang hai bạn nam, tức tối:
- Hai bạn thử đến sớm đi tìm chỗ và bàn trống nào cũng không được ngồi thì sẽ hiểu tớ nhé! Mà cũng không nên để một bạn nữ phải vất vả giữ chỗ giúp mình.
Nói xong tôi lại nằm xuống bàn. Quạt trần chạy vo vo, chẳng ai nói gì về tôi nữa nhưng tôi vẫn giận. Mấy chuyện tranh chỗ này rắc rối thật, đi học thì chỉ cần lo cho mình thôi chứ.Tôi thở dài...
...Lúc học toán đến phần tích phân, tôi hoảng loạn. Tôi không hiểu nổi d(x) rồi ud(v) thì để làm gì; lớp học thêm quá đông, thầy chẳng đợi tất cả cùng hiểu rồi mới giảng tiếp; bài thầy giảng cứ thế trôi ào ào, tôi nghe như vịt nghe sấm.
Thế nên khi được cô bạn cùng lớp rủ đi học nhóm cuối tuần phần tích phân, tôi gật đầu mà không cần nghĩ ngợi. Bạn tôi bảo quen được người bạn học giỏi toán lắm, cũng rất nhiệt tình, giảng lại dễ hiểu, tôi nghe kể mà lòng vui vui. Nhưng khi bước vào quán cà phê, nhìn thấy gương mặt cậu bạn sẽ giảng bài cho chúng tôi, tôi ngờ ngợ. "Mình đã gặp bạn này ở đâu rồi nhỉ?" Bạn tôi kéo tôi đi nhanh, vì chúng tôi đến trễ 15'. Khi cậu bạn nhận thấy sự có mặt của chúng tôi và rời mắt khỏi quyển sách đang đọc, trí nhớ của tôi trở nên rõ ràng và sống động. "Là một trong số 2 bạn nam bữa trước mình giành chỗ đây mà", nghĩ đến đấy tôi ngượng đỏ mặt và quay người chạy một mạch ra khỏi quán nước chẳng hề suy nghĩ.
Lúc lấy xe tôi mới nhớ ra bạn tôi vẫn cầm vé xe của cả hai đứa. Thế là đành lượn lờ mấy hàng xung quanh, nhắn cho cô bạn tin xin lỗi rồi dặn bao giờ về thì báo cho tôi và đợi tôi một lát vì bạn ấy vẫn đang cầm vé xe của tôi.
Khi quay trở lại, tôi khá bất ngờ nhận ra chỉ còn cậu bạn kia ngồi ở góc và vẫy vẫy tôi. Tôi chưa kịp nói gì thì bạn ấy đã cười rất tươi:
- Cậu đi đâu thế, tớ đợi cậu mãi. Vé xe của cậu đây này, Ngọc về trước nên gửi tớ đưa cậu.
- Ơ... tớ...cảm ơn!
- Cậu có muốn học tích phân nữa không, đằng nào thì cũng mất công tớ đến đây rồi mà!
Và đó là cách chúng tôi từ những người xa lạ trở thành bạn. Khi nhớ lại câu trả lời người ấy đã đợi tôi rất lâu, tôi luôn tự mỉm cười: đợi chờ cũng là cách chúng ta thể hiện sự yêu thương!
Tháng 5, tháng 6 rồi tháng 7. Chúng tôi thi đại học. Rồi thì tháng 8 lặng lẽ đến và trở nên đặc biệt với ngày 25. Đó là thời điểm tôi có thể xếp lại những chồng sách vở cao ngất vẫn gối đầu giường sang một bên, mơ về giảng đường đại học và những câu chuyện tình yêu lãng mạn thời sinh viên. Đó là thời điểm cả 2 chúng tôi đều hạnh phúc vì những thành công đầu đời,vui mừng khôn xiết sau quãng thời gian chờ đợi điểm thi dài đằng đẵng. Tôi nhớ những ngày chờ điểm thi và điểm chuẩn, có những đêm tôi hốt hoảng tỉnh giấc, gọi điện chỉ để nghe một lời an ủi "Rồi cậu sẽ ổn cả thôi, cậu sẽ không trượt, mà nếu trượt thì chúng ta sẽ cùng ôn thi lại với nhau!". Ngày tôi nhập trường, cậu ấy đạp xe cả một quãng đường xa đến ngồi đợi tôi bên ngoài cổng trường, rồi rủ tôi đi ăn. Cậu đã kể rất nhiều thứ cho tôi nghe, những câu chuyện về gia đình cậu, về bạn thân, về sở thích.Thời gian của những tháng ngày sinh viên đầu tiên của tôi đã trôi qua như thế, dịu dàng và ngọt ngào vì luôn có một người bạn sẻ chia và song hành. Rồi tháng 12 đến tự lúc nào không hay!
Tôi vẫn nhớ màu sắc và cả bầu trời của ngày 15/12 năm ấy, một ngày với những cơn gió se se lạnh làm người ta muốn xích lại gần nhau, nhưng vẫn đủ nắng nhẹ để xua đi nỗi buồn cố hữu của đông Hà Nội!
Khi tôi tan học về, đã thấy cậu đứng đợi tôi đầu ngõ vào nhà, gương mặt bình thản và hạnh phúc!
- Sao cậu không nhắn tin hay gọi điện cho tớ, lỡ tớ đi đâu thì sao, cậu đợi lâu chưa?
- Đi đâu thì cũng phải về nhà chứ! Hôm nay tớ có tâm trạng, đi ăn tối với tớ nha!
Vẻ mặt và nụ cười rạng rỡ của cậu khiến tôi không hiểu nổi tâm trạng mà cậu đang có là thứ tâm trạng gì. Nhưng tôi hôm nay vẫn có thể cảm thấy sự bối rối của cô nhóc ngày hôm qua khi thấy cậu bạn thân khác lạ, bảnh bao trong bộ quần áo chỉnh chu, lặng lẽ đợi mình trong một buổi chiều dịu dàng đến lạ!
La cà khắp những con phố yêu thích của chúng tôi ở Hà Nội, ăn và tán dóc đủ thứ về cuộc đời, cuối cùng chúng tôi dừng chân trong quán café tôi thích, tận hưởng Hà Nội về đêm và ngắm ánh đèn đường qua khung cửa kính với những tách cafe ấm nóng.
- Cuối cùng thì tớ vẫn không hiểu cậu có tâm trạng gì!
- Hôm nay là sinh nhật tớ đấy - Cậu ấy nói xong rồi bật cười - Nên tớ muốn nó phải đặc biệt!
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, hẳn là tôi đã vô tâm biết bao nhiêu khi không nhớ! Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là cậu ấy lại tặng tôi một món quà sau tất cả những vô tâm và trí nhớ ngắn hạn của tôi.
Món quà đầu tiên tôi nhận được từ chàng trai tháng 12 của tôi, là một chiếc cốc có in hình cỏ bốn lá, và một tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót viết cho 'cô bạn gái đặc biệt của tôi'. Những câu chữ giản dị, ngọt ngào ấy mãi mãi là lời tỏ tình yêu thích của riêng tôi, là dấu ấn của một ngày 20/8 đầy nắng, là sự ấm áp từ một chàng trai mang tên 'mối tình đầu':
"Tớ đã đợi ngày này rất lâu. Và tớ biết rằng ngày này nhất định sẽ đến. Tớ luôn muốn được đứng đợi cậu khi cậu tan học về, để được dẫn cậu đi ăn, đi dạo phố, để được kể với cậu những điều bình dị về cuộc sống của tớ, rồi lắng nghe những câu chuyện của cậu. 15/12 là một ngày đặc biệt đối với tớ, vì trong 365 ngày, nó là ngày duy nhất của riêng tớ mà thôi. Cậu với tớ cũng đặc biệt như thế, và tớ mong cậu sẽ mãi chỉ nhìn về phía tớ mà thôi"
Đó là cách tôi học yêu tháng 12, học cách đếm những ngày tháng trên tờ lịch bàn, học cách xem sự hiện diện của một chàng trai Nhân Mã như một điều tự nhiên của cuộc sống... Nhưng trên con đường dài đầy thử thách, đôi khi chúng ta phải chọn những ngã rẽ khác nhau...
Tháng 12! Chúng tôi chia tay...và những cơn gió mùa đông trở nên buốt giá hơn bao giờ hết!
Tôi nhớ sau khi chia tay, ngày 15/12 tiếp theo, tôi đã bắt xe buýt trong vô thức đến trước cổng trường cậu. Tôi có lẽ sẽ đứng mãi ở trạm xe buýt đối diện cổng trường nếu như không nhận được tin nhắn từ số điện thoại tôi đã thuộc lòng "Sao không quàng khăn khi trời lạnh thế? Em về đi, anh không ở trường nữa đâu!".
Hôm ấy tôi không gặp được cậu, và giống như những bộ phim Hàn lãng mạn tôi thường xem, một cơn mưa ập xuống làm tôi ướt sũng, lạnh cóng và đáng thương. Cơn mưa ấy là cơn mưa dai dẳng và muộn phiền nhất mang dư vị của nắng. Mưa rơi từng hạt vội vã, tôi không sao tránh kịp. Tôi ốm! Tôi khóc! Vì mưa, vì lạnh, vì ai đó, vì tháng 12 vừa vui vừa buồn!
Thời gian trôi đi, tôi học cách luôn mang theo một chiếc ô bên mình, dù nắng hay mưa.Tôi học cách yêu thương những gì đang có, vì chúng có thể ra đi và biến mất một cách bất ngờ. 15/12 vẫn luôn là một ngày đặc biệt với riêng tôi, ngày mà tôi sẽ dành cho mình một khoảng lặng ngắm phố phường lên đèn với ly cacao nóng, mỉm cười khi đọc lại những dòng chữ nghiêng nghiêng mảnh khảnh đã từng của riêng tôi!
Gửi lời chào tháng 12 của kỉ niệm và yêu thương!
Bình Hắc Long
Tháng 12
Thương sao ôi thương quá,
Tháng mười hai cuối Đông...
Tiếng thở dài trăn trở,
Một năm giờ cũng xong !

Những cơn mưa nặng trĩu,
Tê tái cả cõi lòng...
Biết bao nhiêu cảm xúc,
Biết bao điều nhớ mong !

Mọi người vui chào đón,
Lễ hội mừng Giáng Sinh..
Cầu xin mùa ấm áp,
Cầu xin người an bình
NM

Kết quả hình ảnh cho hello december images

Viết cho tháng 12

Mới sáng sớm, cơn gió lạnh nhanh chóng ùa tan vào lòng người. Như một siêu trộm len lõi chuyên nghiệp trước khi cánh cửa khép lại mất. Co ro trong chiếc áo, người chợt run lên khe khẽ: Lạnh!…Hôm qua đài dự báo sẽ tăng cường đợt rét mới mà không để ý. Tự nhiên giật mình, ngó sang tờ lịch. Tháng 12 rồi đấy, tiếng thở dài trăn trở trong lòng 365 ngày cũng quá ngắn. Thế là đã gần hết năm!
Vội vàng khoác thêm chiếc áo ấm, đưa đôi mắt còn ngái ngủ vô hồn nhìn xuyên tạc vào màn mưa. Không rào rào xối xả như cơn mưa mùa hạ nhưng mưa của tháng 12 mang trên mình cái gì đó nặng lắm. Có lẽ do không khí lạnh? Hay do lòng người nặng trĩu? Mưa làm mọi thứ trở nên buồn, u ám xám xịt. Nói đúng hơn không ai ngóng chờ mưa về trong cái lạnh tê tái da thịt này cả.
Tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm – cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người…. Cảm giác hối hả, cập rập của một năm sắp qua xen lẫn cùng cái rạo rực, vui sướng khi sắp chào đón một năm mới làm cho ai nấy đều cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Họ cảm thấy mình cần được yêu thương, cần được chia sẻ và cần được cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống này…
Em ra đời vào ngày gió se lạnh của tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm. Ba mẹ bảo em rằng vì sinh vào cuối năm nên sẽ thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, rồi em sẽ khóc tiếng khóc đầu tiên khi họ đã biết đi… Nhưng em chẳng bận tâm, có hạnh phúc nào bằng khi em đã được sinh vào một tháng tuyệt vời như thế. Em giống như tháng 12 vậy, chẳng bao giờ lấy làm buồn vì là tháng sau cùng cả, ngược lại còn lấy làm hãnh diện về điều đó bởi: Tháng 12 là tháng của những lễ hội, của niềm vui và cả những háo hức đón chờ…
Tháng 12 mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Chính xác người ta đang tính toán với nó từng giờ, từng ngày. Có lẽ nhiệm vụ chốt sổ của năm mang trên mình quá nặng làm ai cũng hối hả tất bật khi nó đến. Một chặng đường dài đã qua. Nhìn lại mình bao nhiêu công việc còn dang dở? Những niềm vui, trăn trở còn đọng lại. Liệu 30 ngày nữa có thể làm hết bao dự định? Trong lòng bâng khuâng bất chợt sẽ chạy đua với kẻ vô tình mang tên Thời gian ấy. Hay buông xuôi cứ để nó  mải miết với gió mây?
Không còn những buổi lang thang đi dạo ngoài đường, buổi tối tháng 12 bếp lửa của mẹ lại đắt khách hơn. Em thích ngồi ở bếp, nhìn ngọn lửa bừng sáng trong bếp. Nghe mẹ kể chuyện ngày xưa rồi bây giờ. Từ cái thời ông bà ngoại còn sống vẫn nhường nhau cái áo ấm mỗi khi đông đến. Chú mèo mướp vẫn dụi dụi dưới chân người như làm nũng, chờ cái xoa đầu quen thuộc. Nó cũng đang tìm nơi ấm áp cho đêm đông giá rét.
Tháng 12 em vẫn bắt gặp những chiếc nón cời nhỏ bé trong lạnh giá, cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn. Thời tiết khắc nghiệt, mùa này cánh đồng trống trải bỏ không. Vậy mà như một thói quen người ta vẫn ra đồng. Nghe đứa bạn thủ thỉ trong điện thoại cơ quan nó ai cũng mong thứ 7, chủ nhật mãi mãi để được nghỉ, được ngủ nướng tránh cái lạnh buổi sáng của mùa đông. Em im lặng, chợt cười buồn. Người dân quê em không biết đến thứ 7 chủ nhật là gì đâu nhỉ. Điều day dứt trong họ năm hết tết đến rồi còn bao khoản cần phải chi tiêu?
Cây cối vẫn tĩnh lặng dưới mưa, thu mình trong cái lạnh. Trên con đường xuống phố huyện xuất hiện nhiều bóng dáng người bà, người mẹ trễ vai gánh hàng rong. Mặt hàng đa dạng phong phú lắm: củ khoai, mớ rau cải, nắm chè tươi, quả khế xanh…có khi hậu hĩnh hơn là mẻ cá rô đồng bắt được sau đêm đông của cha. Tiền của người nhà quê bắt đầu từ vậy đó, tích cóp từ những điều rất nhỏ. Nhiều khi cầm xấp tiền lẽ mẹ đưa, dù được xếp phẳng phiu mà vẫn dày cộm lên làm đứa con cũng bật khóc. Ừ! Mồ hôi, nước mắt của cha mẹ nằm ở đấy cả mà.
Tháng 12, mọi người háo hức chờ đón giáng sinh ấm áp an lành. Câu chuyện của đứa cháu nhỏ đều xoay quanh ông già tuyết. Có lẽ do bộ phim hoạt hình về ông già có bộ râu trắng mặc áo đỏ ấy làm mấy đứa trẻ hào hứng đến vậy. Em cười xoà kể cho cháu nghe sự tích ngày lễ noel, cây thông, món quà đựng trong chiếc tất…Ấy mà câu hỏi hôm nay của cháu làm em lúng túng “Nếu cháu ngoan thì sẽ được gặp ông già noel phải không ạ?”  Em chợt khựng lại, cũng chưa ai bảo với em ông già noel sẽ có xuất hiện ở vùng quê nghèo này không.

Ai đó nói tháng 12 cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người. Đó không chỉ cảm giác hối hả của một năm sắp qua xen lẫn sự rạo rực của năm sắp tới. Mà còn chông chênh xúc cảm riêng trong mỗi lòng người.
Tháng 12 lên face book ngập tràn những lời chia sẽ của những người con. Đó là cảm xúc của một tân sinh viên, mong ngóng ngày về với gia đình. Đó cũng là tâm trạng nôn nóng của những người con đi làm ăn xa để về thăm quê mẹ. Một tâm hồn rạo rực, sống lại cảm xúc Ngày Đoàn Tụ… Ai cũng trông ngóng, sắp được về ăn tết với gia đình rồi. Nên cũng phải cảm ơn tháng cuối năm này lắm “Nếu không có tháng 12 thì có lẽ đường về hãy còn xa lắm trong ánh mắt ngóng đợi của bao người con xa xứ. Tháng 12 cũng vì vậy mà trở nên có ý nghĩa hơn.” Chợt mỉm cười khe khẽ, tết năm nay em cũng sẽ được đón người thân trở về.
Chiều nay loa đài rộn ràng kêu gọi làm vệ sinh thôn xóm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mọi nẻo đường. Bố cũng lấy Lá cờ được cất cẩn thận có hình sao vàng ấy trang trọng treo trước nhà. Tiếng bà hàng xóm góp vui phấn khởi “Chuẩn bị đón nông thôn mới đó à? Cổng vào xã mình cũng được sơn lại khang trang lắm”. Niềm vui của tháng cuối năm bắt đầu len lõi, các bạn trẻ Đội tình nguyện rạo rực chuẩn bị Tết yêu thương cho người nghèo. Tình người ấm áp tràn đầy trên những tấm thiệp, lan toả hơi ấm lấn át giá rét của tháng 12.
Tháng 12 đã đến rồi, thãy chuẩn bị chào đón tháng cuối cùng này với tất cả những niềm vui, hi vọng và chờ đón những điều bất ngờ sẽ đến nhé các bạn, bởi những niềm vui thì thường hay đến sau cùng mà.
 Không vội vàng đâu nhé ! Ta chào Ngươi chào đón tháng 12!
Kim Chung sưu tầm và biên soạn

Cơn bệnh ơn ban

  1. Ly thân
      Trong Luận Ngữ, ông Khổng Khâu dạy: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nghĩa là khi tới năm mươi tuổi, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Vậy mà tuy đã vào tuổi U70, nhưng tôi có biết được, hiểu được mệnh trời dành cho tôi thế nào đâu? Ngay như vợ tôi (người bạn đời bốn mươi năm trời má ấp vai kề, sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái một trai, tôi có thể nhớ được rõ mồn một, đếm được vanh vách mười bốn nốt ruồi nhỏ to trên tấm thân mỏng mảnh, ngọc ngà, nuột nà, mĩ miều, không tì vết, mà nàng được Chúa thương ban), một con người cụ thể, một nhân vật sờ sờ ra đó, tôi còn không hiểu biết nổi, nói chi tới thiên với mệnh?
      Chả là cưới nhau về, tôi lúc nào cũng kính trọng nàng, chắp cánh cho nàng, để nàng hoàn toàn tự do. Tôi tin tưởng vợ, không khi nào soi mói, động chạm đến quá khứ của nàng, cũng chẳng bao giờ thắc mắc nàng ở đâu, đi đâu, lúc nào, làm gì… Những tưởng như vậy, nói như Rabindranath Tagore: “Tự do em là tự do tôi”, sẽ làm cho tình yêu vợ chồng được thăng hoa, bay cao vút cao, bay xa tít xa. Nhưng tôi lầm, lầm to. Một hôm, nàng nói:
      – Hai đứa mình đã là vợ chồng mấy chục năm mà sao em thấy cứ như người xa lạ, như người dưng nước lã. Anh chưa bao giờ hỏi thăm em khỏe không, thích ăn gì, mặc gì, đi đâu, bao giờ đi, bao giờ về. Anh không hề chăm sóc, lưu ý tới em bao giờ, dù chỉ một chữ một câu. Điều em cần đơn giản chỉ là một lời nói quan tâm, không cần ngọt ngào nhưng đừng giả dối, mà cũng chẳng được… Đạo Chúa cấm ly dị, thế thì chúng mình chắc phải ly thân thôi.
      Trời ơi! Một gia đình bề ngoài có vẻ gương mẫu như vậy, đáng mơ ước như vậy, vợ chồng chưa hề xô xát, to tiếng với nhau bao giờ, con cái đều thành đạt, nên người, mà rạn vỡ đến vậy rồi sao?! Tôi năn nỉ:
      – Em là bà quản cựu, anh là chánh trương nguyên, lại là thừa tác viên ngoại thường. Hết tình còn nghĩa. Ly thân ư? Thử hỏi cha xứ nghĩ sao? Hội đồng mục vụ nghĩ sao? Các hội đoàn, đoàn thể nghĩ sao? Tám đứa con trai gái dâu rể nghĩ sao? Lại còn phải làm gương cho mười một đứa cháu nội ngoại nữa chứ?
      Nàng cắn môi:
      – Ai nghĩ sao kệ họ, quan trọng là anh với em thôi. Anh bảo: “Hết tình còn nghĩa” ư? Để em xem. Nhưng anh cũng phải coi lại chính anh.
      Từ hôm ấy, tôi tự nhìn lại tôi, xét mình từ trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Dù đã sáu mươi tám tuổi đầu, đau yếu rề rề, đã tăng huyết áp lại còn tiểu đường, tôi giành nấu cơm rửa bát, quét nhà, giặt đồ… Tôi chăm sóc vợ (nói, xin đừng ai cười, nhiều khi tôi còn cắt móng tay móng chân cho nàng nữa cơ), lưu tâm tới nàng từng li từng tí, từ miếng cơm hớp nước, tới nơi ăn chốn nghỉ, hỏi thăm nàng khi nào đi đâu, về đâu… Nàng vui ra mặt. Gặp mặt hay luộc điện thoại nhừ tử với bạn bè cũ thuở còn đi học, nàng khoe ầm ĩ ông chồng già đầu  mà còn tuyệt vời, lý tưởng chán (!), thậm chí nàng còn nói nàng biết ơn chồng nữa cơ. Cho đến một hôm, trong bữa ăn sáng chỉ có hai vợ chồng, nàng bảo:
      – Tôi chịu hết nổi rồi. Cuối đời rồi, cuộc sống không còn tính bằng năm, mà chỉ còn bằng tháng bằng ngày. Chúa ban cho còn chút thời gian nào, tôi phải sống cho ra sống, sống chứ không phải tồn tại…
      Tôi mềm như bún:
      – Em cũng phải tự nhìn lại vai trò làm vợ của em chứ?
        Nàng cười rũ rượi:
      – Chỉ có “Ơn gọi” và “chức năng” làm vợ, chứ đâu có “vai trò” làm vợ, như anh nói. Vậy ra xưa nay tôi chỉ đóng kịch, sắm vai, làm trò thôi à? Đóng kịch, sắm vai, làm trò mà những bốn đứa con ư? Dẹp. Bỏ. Tôi sẽ là tôi, chân thật với chính mình, và với mọi người như thuở còn thơ bé… Nói thật đây, nhá! Không ai trên thế gian này, kể cả cha tôi, mẹ tôi cũng không thể bắt tôi phải đi thưa về trình, đừng nói chi anh là cái thá gì mà động tí là anh hỏi làm gì, lúc nào, đi đâu, về đâu. Tôi là vợ chứ đâu phải là nô tì, là con ăn, kẻ ở của anh?! Tôi quyết rồi, ly thân thôi.
        Tôi không nhịn được nữa. Nhịn là nhục. Thế nên tôi vùng lên:
      – Cô muốn ly thân, hả? Được. Nhưng cô đã nhất quyết bỏ tôi mà đi thì…
      Cơn giận cùng với máu nóng của tôi sôi sùng sục, bốc lên ngùn ngụt, tôi chặn đứng lối về:
      – … thì nhớ nhé, đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”, nhé!
     Trưa hôm ấy, nhìn nàng kéo va li ra cửa, tôi mới nhận thấy dù đã U60 (nàng kém tuổi tôi gần một con giáp), dù đuôi mắt đã in dấu chân chim, dù con cháu đùm đề, nhưng do ăn kiêng, lại tập thể dục thường xuyên, nên nàng không bụng mỡ, không xồ xề, mà vẫn thon thả, vẫn mi nhon, vẫn xinh gái, vẫn đẹp mê hồn… Với lại còn mấy mươi năm vui buồn sướng khổ, mấy mươi năm “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe” có nhau. Tự nhiên cảm thấy áy náy, tôi xuống nước vớt vát:
      – Gì thì gì, đã là vợ chồng bấy nhiêu năm trời, em bỏ đi sao đành?
      Nàng chẩu mỏ:
      – Đành đấy!
      Tôi dùng kế hoãn binh:
      – Vậy cho anh xin một lần “hôn để… ly hôn” (Ủa! Ly thân chứ!), được không?
      Nàng thét lên:
      – Không, không bao giờ.
      Tôi kì kèo:
      – Vậy xin “bắt tay để… chia tay” vậy.
     Nàng thét lên to hơn, đinh tai nhức óc:
      – Đã bảo không là không, không bao giờ nữa.
     Nàng bước ra chỗ chiếc xe taxi Uber chờ sẵn, không một lần quay đầu nhìn lại.
*  *  *
  1. Đầm… lạnh
      Thế là đã qua đi gần một năm trời đằng đẵng vợ bỏ. Tôi hỏi, nàng không nói, tôi gọi nàng không thưa (tôi gọi điện thoại nàng không nhấc máy, nhắn tin không trả lời, chặn hết zalo, facebook, viber… ấy mà). Con cái làm ăn xa, tha phương cầu thực, một năm về nhà được một, nhiều lắm là hai ngày tết. Vậy nên quanh năm suốt tháng tôi ở nhà chỉ một mình. Tôi nhớ quá những ngày xưa thân ái. Ngày xưa, nhiều lần, mỗi mùa Giáng Sinh, nàng bảo:  
      – Bánh chưng ngày tết thì thường quá, nhà ta gói bánh chưng đêm vọng Giáng Sinh, vừa có quà Noel cây nhà lá vườn biếu ông bà nội ngoại, vừa để con cái nhớ đời đêm sinh nhật Chúa, canh chừng ánh lửa bập bùng luộc bánh chờ đi lễ nửa đêm, rồi chờ sáng nữa, vừa ấm sân, ấm cửa, ấm nhà, ấm tổ ấm…  
      Tôi nghe, cảm thấy thêm ấm lòng nên răm rắp “vâng lời” vợ. Và của đáng tội, đúng như nàng nói, ngày ấy cái gì cũng ấm, ấm thật, ấm từ trong tim ấm ra.
      Thế nên từ ngày ly thân (ly thân chỉ là nói cho “oai” thôi, chứ có thủ tục giấy má gì đâu?), nàng bỏ đi (chỉ là đi làm ô-sin cho con lớn con nhỏ thôi), mái nhà này, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cái quái gì cũng lạnh, lạnh buốt lạnh giá, lạnh tái lạnh tê, lạnh tanh lạnh ngắt, không đầm ấm nữa, chỉ toàn đầm… lạnh thôi.
*  *  *
  1. Cơn bệnh Ơn Ban
      Tôi buồn, hình như cô đơn. Thèm người quá, ngày hăm bốn, mới sáng ra, tôi nói khó với vợ chồng hàng xóm, vợ bán vé số, chồng chạy xe ôm, đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo:
      – Thím Năm vui lòng giúp tôi. Đêm nay, làm ơn nấu giùm nồi chè, mua ly nhựa dùng một lần, phát quà Giáng Sinh cho trẻ em trong xóm được không?
      Không ngờ cả hai vợ chồng vui vẻ nhận lời:
      – Phát hết trơn hết trọi cho trẻ em trong đạo ngoài đời luôn hả?
     – Dạ, hẳn rồi. Nhưng tôi nhờ chú Năm chở tôi đi một vòng, thăm mấy hang đá nhà thờ đã, nhé!
      Chú Năm chở tôi đi thăm một nhà thờ thuộc hàng lớn nhất, của một giáo xứ được coi là sầm uất nhất nhì vùng Cái Sắn. Trong nhà thờ, hang đá Bê Lem nghèo nàn năm xưa được tái hiện bằng một hang đá giàu có, huy hoàng không tả xiết, chứa chan ánh sáng xanh đỏ tím vàng trắng, choán hết nửa gian cung thánh bên phải; rồi những ngôi sao bốn, năm, sáu cánh; rồi những đèn; những cờ; những bảng chữ điện tử… giăng mắc khắp nơi. Ngoài sân, hang đá chung của cả giáo xứ to cao lợp bằng những tấm vải bạt rộng, sơn phết làm thành cảnh núi đồi trùng điệp. Rải rác trong sân còn bảy hang đá nữa của bảy khu. Tất cả đều được trang trí cây thông, đèn, cờ rực rỡ. Cha xứ, tôi có quen biết đôi chút, mời tôi một chai nước khoáng:
      – Coi cũng bắt mắt đấy, nhưng cũng ngán… Tháng mười hai năm ngoái, nhà xứ phải trả hơn hai mươi lăm triệu tiền điện… Nghĩ tới thôi cũng chóng mặt…
      Như trúng cơn gió độc, không biết có phải do nghe cha xứ nói không, tôi đột nhiên chóng mặt. Tôi thấy mình run lẩy bẩy, hoa mắt; thấy trời đất quay cuồng, cao lên, thấp xuống, nghiêng ngả, đảo điên… Gượng đứng lên không được, tôi té sấp mặt xuống đất. Tôi loáng thoáng nghe thấy cha xứ gọi xe hồng thập tự cấp cứu miễn phí của tổ từ thiện Phật Giáo Hòa Hảo…
      … Tới bệnh viện, Cô y tá đo huyết áp, ông bác sỹ đặt dưới lưỡi tôi hai viên thuốc màu trắng, rồi họ bơm vài ống thuốc vào chai nước, truyền tĩnh mạch cho tôi. Chỉ có vậy thôi, tôi tỉnh lại.
      Chú Năm Xe Ôm lấy điện thoại của tôi, gọi cho các con tôi:
      – Ba tụi bay bị trúng gió, đang hấp hối, nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện huyện. Dzìa, dzìa gấp, dzìa hết, ngheng!
      Ngay đêm lễ Giáng Sinh, hẳn là được mấy đứa con tôi báo tin, vợ tôi nhắn tin cho tôi: “Anh đã khỏe hơn chưa? Chúc anh mau lành bệnh”. Tôi trả lời vội vã, kiểu nửa tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ: “Oh! Merci vous nhiều thật nhiều”. Nàng nhắn lại: “Hình như lời cảm ơn ba rọi này không phải của anh… Nhưng một lần nữa, chúc anh mau lành bệnh”. Tôi quên tự ái vặt, chẳng biết xấu hổ là gì, nhắn tin lại: “Em về với anh nhé!”
      Con bé Thúy Vũ, con gái út của tôi, cười toe toét, giống mẹ như đúc:
      – Nhờ ba bị đi cấp cứu mà chúng con về đông đủ thăm nom chăm sóc ba. Ba còn được người yêu bé bỏng nhắn tin hỏi thăm…
      Tôi buột miệng:
      – Mẹ khỏe không?
      Nó vẫn cười toe toét:
      – Dạ, mẹ khờ… oe… khoe… hỏi… khỏe, ạ!
      Trưa ngày lễ Giáng Sinh, tôi xin xuất viện. Bệnh viện đồng ý ngay. Năm bố con lếch thếch dìu dắt nhau về. Vừa ra tới cửa, tôi sững sờ thấy một bóng dáng thiết thân, hơi cúi đầu (tướng đi của mẫu người suy tư mà!) và dường như lưng chớm gù (do gánh nặng thời gian chăng?), cùng với tiếng cười trong veo, trong vắt như thủy tinh:
      – Anh khỏe rồi hả? Đi cẩn thận! Để mẹ dìu ba cho. Các con về đầy đủ cả đó ư? Tốt! Em về thăm anh, mừng lễ với anh và…
      Tôi lắp bắp:
      – Và đừng đi nữa…
      – … Nếu người ta không đuổi cơ.
      Gió đông bắc Nam Bộ se se lạnh. Trên cao, trời xanh ngăn ngắt. Tôi nhìn mấy đứa con, siết nhẹ tay vợ tôi, thì thầm:
      – Tạ ơn Chúa Hài Đồng. Cơn đau cũng Ân Phúc, cơn bệnh cũng Ơn Ban, bu mình nhỉ?!
Lão ngu

Kết quả hình ảnh cho hello december images