Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa quê hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Hoa hoàng điệp trước ngõ


Lẻ loi,
Về lại quê xưa, vắng bóng xưa,
Hoàng hoa hương điệp hoá như thừa...
Niềm riêng ấp ủ hoài chưa nói,
Một mình lặng lẽ ngắm sao thưa !

Hương điệp dần phai theo gió bay,
Tình vẫn là tình không đắm say.
Giấc mơ không đạt chừ mơ mộng...
Nhung nhớ giờ đây thêm đắng cay !!
NM

Hoa hoàng điệp trước ngõ
Phải chăng giấc mộng mãi mãi không bao giờ đạt được mới chính là giấc mộng đẹp nhất?
Từ đầu hẻm tôi đã ngửi thấy mùi hương thoang thoảng của hoa hoàng điệp. Bao mùa trăng tròn khuyết, bao mùa mưa nắng, cây hoa vẫn đứng sừng sững giữa trời. Những cánh hoa trải khắp ngõ phố, vỉa hè tạo thành một tấm thảm hoa vàng vô cùng đẹp mắt và lãng mạn. Sắc vàng dịu êm ánh lên trong nắng khiến lòng tôi mang nhiều cảm xúc bâng khuâng. Xốc ba lô trên vai, tôi chậm rãi bước, tránh giẫm lên những bông hoa dưới gót chân. Hằng năm, khi ve kêu gọi hè, hoàng điệp lả lướt theo gió rụng xuống đầy đường, không phải màu tím thuỷ chung của bằng lăng cũng không thắm đỏ như màu phượng vĩ học trò, hoàng điệp dịu dàng gợi nhiều cảm xúc lắng đọng về thời gian và dĩ vãng.
Tôi xa nhà đã ba năm rồi, nay xuất ngũ trở về, cảnh vật quê nhà vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là con ngõ cổ kính rụng đầy hoàng điệp khi hạ sang, vẫn là con đường lát gạch bát tràng, vẫn là những bức tường loang lổ phủ đầy rêu. Bây giờ là buổi chiều, ánh nắng hanh hao xuyên qua vòm cây nhảy nhót theo hướng gió. Mùi lá non xanh rờn, mùi hương nồng đượm phảng phất trong không khí.
Tôi thường mơ thấy cỗ máy thời gian. Trong giấc mơ, nó không hề quay trở lại. Mà bay đi rất cao, rất xa. Lắm lúc, giây phút tôi tỉnh táo, tôi vẫn cứ nhìn mãi vào không trung. Cứ cho rằng nó sẽ xuất hiện mang tôi trở về ngày xưa đó, ngày tôi và Nhi lang thang nhặt hoa ép khô, ngày mà chúng tôi vô tư tắm mưa cùng nhau, ngày mà chúng tôi chơi trò cô dâu chú rể và hứa chừng nào lớn lên sẽ lấy nhau. Ngày ấy còn đâu? Và Nhi… ở đâu?
Nhi là hàng xóm của tôi. Cây hoa nằm giữa cổng rào nhà tôi và nhà Nhi nên có lần hai đứa cãi nhau chỉ vì phân định cây hoa thuộc về nhà nào. Không ai chịu thua ai, ai cũng muốn giành phần thắng về phía mình. Cuối cùng, Nhi bảo đợi khi hoa rụng xem thử hoa bay về phía nào thì cây hoa thuộc về người ấy. Tôi để ý và thấy lần nào gió cũng thổi những cánh hoa bay về phía nhà Nhi nhiều hơn. Được dịp, Nhi chống nạnh, phồng má bảo tôi thua rồi nhé. Tôi là con trai, không thèm chấp nhất chuyện nhỏ nhặt. Sau lần ấy chúng tôi vẫn thân thiết như xưa. Chẳng biết từ bao giờ nụ cười của Nhi cùng những bông hoa vàng óng in đậm trong tâm trí tôi. Có lúc trong giấc ngủ tôi mơ thấy Nhi đứng dang tay xoay tròn, ngửa cổ đón những cánh hoa rớt xuống bờ môi mình. Hoa rơi trên tóc, trên vai Nhi. Cảnh tượng ấy tựa như một bức tranh mỹ lệ.
Ngang qua nhà Nhi, tôi nhìn vào. Nơi ô cửa ướp nắng vàng và lộng gió, Nhi vẫn thường vẫy tay chào mỗi khi trông thấy tôi đạp xe qua. Ảo ảnh làm mắt tôi nhòe đi. Khung cửa vắng hoe. Nắng cũng hư ảo, buồn man mác.
Đẩy nhẹ cánh cửa rào bằng gỗ mà nó vẫn kêu cót két, tôi bước vào trong sân, cởi dép để ngoài và đi chân trần lên từng bậc tam cấp. Nhà cửa yên ắng quá, không một tiếng động ngoại trừ tiếng gió rì rào dưới bóng râm. Tôi đặt ba lô xuống tràng kỷ, ngó quanh. Mọi vật dụng trong nhà vẫn để ở vị trí cũ, đều do một tay tôi sắp xếp. Tôi ghét sự thay đổi. Từ ngày ấy cho đến tận hôm nay, những cây nến vẫn nằm yên ở bậu cửa sổ. Những tờ tạp chí vẫn đặt ở một góc trên chiếc bàn con, chỉ khác một điều chúng bám đầy bụi. Tôi cầm một quyển lên, thổi mạnh. Bụi bay tứ tung. Khoảnh khắc ấy tôi có cảm giác những hạt bụi kia như những tia nắng lấp lánh.
Tôi cất tiếng gọi mẹ nhưng người chào mừng tôi trở về không phải là bà mà là con mèo lông xám tôi nuôi khi còn có Nhi. Con mèo nay đã già lắm rồi, không còn đủ sức để mà leo trèo nữa. Nó dụi đầu vào chân tôi, y hệt ngày trước. Tôi cúi xuống bế nó lên, vuốt ve. Ba năm, chỉ có nó vẫn ở bên tôi, chỉ có nó là không quên tôi. Còn người tôi mong ngóng, muốn nghe một tiếng cười giòn tan, muốn nghe một giọng nói lanh lảnh mà chẳng thấy đâu. Nếu Nhi còn ở con phố này, biết tôi về chắc chắn Nhi sẽ qua thăm ngay, nhà hai đứa sát cạnh nhau cơ mà với lại Nhi chiều nào cũng ngồi ban công đọc sách lẽ nào không thấy tôi từ ngoài ngõ vào…
***
Tôi bước ra vườn thấy mẹ đang loay hoay tưới rau. Từ ngày tôi đi cả vườn rau vẫn xanh mát. Từng cọng rau, từng chiếc lá bông cải mẹ tôi chăm bón ngày một tươi tốt. Tôi cảm động đến ứa cả nước mắt, chạy lại gần ôm chầm lấy mẹ. Mẹ tôi giật mình buông cả thùng tưới, xoay người lại lắc mạnh vai tôi. Ánh mắt không giấu niềm xúc động, chẳng nói nên lời. Trên gương mặt mẹ xuất hiện những nếp nhăn, gian nan cực nhọc nuôi tôi khôn lớn đã cướp đi xuân xanh của mẹ nhưng nhìn mẹ tôi vẫn trẻ trung như ngày nào.
- Con đã ăn uống gì chưa? Mấy năm qua con có bệnh tật ốm đau gì không? -  Mẹ âu yếm hỏi tôi. Dù giờ đây tôi đã cao lớn, khoẻ mạnh nhưng trong mắt mẹ, tôi mãi là đứa trẻ con mà thôi.
Tôi vừa đỡ mẹ vào trong nhà vừa kể cho mẹ nghe những gì tôi học được từ môi trường quân đội. Những giờ phút tập luyện vất vả, khổ cực biết bao nhiêu nhưng cũng nhờ vậy mà tôi từng bước trưởng thành, hoàn thiện bản thân như ngày hôm nay.
- Vừa xuống xe là con về nhà ngay, có gì ăn không mẹ? - Tôi xoa xoa cái bụng đói meo của mình.
- Có đấy, con đi rửa mặt, nghỉ ngơi một lát rồi mẹ dọn cơm lên cho. - Mẹ tôi giục, đẩy vai tôi.
Tôi cười hi hi.
- Con lớn rồi, có còn là cậu bé tinh nghịch như ngày xưa nữa đâu, mẹ xem giờ con đã là người đàn ông lực lưỡng rồi đấy, có thể báo hiếu cho mẹ được rồi.
Tuy nói vậy, tôi vẫn nghe lời mẹ ra sau nhà đến bên giếng nước trong veo, múc từng gàu rửa mặt. Những giọt nước mát lành cuốn trôi hết bụi bặm và những ưu tư trong lòng. Tôi cúi nhìn xuống giếng, thấy bóng mình chập chờn lay động. Một mảnh trời trong xanh in bóng xuống dòng nước cùng vô số những cánh hoa vàng rực.
Tôi đứng thẳng người, hoài niệm. Tất cả những hình ảnh thuở ấu thơ ùa về trong tâm trí tôi. Dù mấy năm qua tôi sống xa nhà nhưng tôi có cảm giác như mình chưa hề rời khỏi quê nhà. Phong cảnh vẫn im ắng và cô tịch như lúc xưa. Vườn rau vẫn thơm ngát. Mẹ tôi vẫn hiền lành và chu đáo.
Ráng chiều đỏ ối rơi xuống thềm nhà. Những đóa hoa sớm nở đầy cành. Trên bàn, ngọn đèn nhỏ được thắp lên. Con mèo già cuộn tròn mình trong bếp lò, bộ lông của nó dính đầy tro. Mỗi lần nhìn cảnh ấy và những lần nhìn mẹ nấu ăn bên ngọn lửa hồng, lòng tôi bình yên quá đỗi. Ngôi nhà yên lành bao giờ cũng làm tôi thảnh thơi, cực nhọc và muộn phiền dường như đã bị bỏ lại sau lưng. Nơi ấm áp ấy luôn mở rộng đón chào tôi, nơi có người mẹ hiền hậu yêu thương tôi vô bờ bến.
Mẹ tôi lấy chiếc quạt giấy phủi đi mấy hạt bụi còn vương trên phản và xếp lại chăn gối. Tôi để mặc mẹ làm những công việc ấy vì mẹ nói mẹ hạnh phúc khi được chăm sóc, lo lắng cho tôi còn tôi hạnh phúc khi được mẹ vỗ về. Tôi cảm thấy mình như trở về những năm tháng bé dại.
- Con nghỉ một lát, cơm canh sẽ có ngay thôi.
Mẹ xuống bếp. Tôi ngả lưng xuống phản, duỗi thẳng hai chân, lòng dịu lại. Ngoài ô cửa sổ, vòm trời rộng lớn. Tận cùng chân trời có ánh nắng cuối ngày lướt bay đi. Nhánh điệp vàng rung rinh trước làn gió nhẹ. Tôi khẽ nhắm mắt, hít hà hương hoa bay vào. Năm năm tháng tháng, hoa còn đó, nở rồi tàn, tàn rồi nở. Tháng tháng năm năm người khác xưa, người đến rồi đi. Hoàng điệp năm nay vắng bóng một người nên hoa buồn lẻ loi.
Tôi nằm úp mặt vô tường, lim dim mắt. Nghe tiếng bước chân của mẹ, tôi giả vờ ngủ. Mẹ lấy chăn đắp lên người tôi, bật quạt xua đuổi muỗi. Tôi nằm im, không động đậy, mắt cay cay. Bao lâu rồi tôi mới được mẹ săn sóc như ngày thơ bé? Dù không xoay người lại nhìn tôi vẫn biết mẹ đang ở bên cạnh. Tôi không dám hít thở, lặng yên cảm nhận từng cử chỉ quan tâm của mẹ cho đến khi mẹ đi ra, tiếng dép nhỏ dần, tôi mới bật dậy, khóe mắt ướt nhòe tự bao giờ.
Ăn bữa cơm xong thì trời tối hẳn. Triệu vì sao đua nhau nở trắng xóa khắp bầu trời. Tôi mở cửa phòng mình. Mọi thứ được xếp gọn gàng. Căn phòng giản đơn với một ánh đèn nhỏ, một tủ sách, một cái giường và một chiếc bàn. Tôi mở ngăn kéo, bên trong là những bông hoa điệp ép khô đã biến đổi màu. Tôi nâng lên một cánh hoa khô khốc. Hơi ấm của Nhi vẫn còn đọng lại trên tay.
Tôi bước ra ngoài phòng khách thấy mẹ đang vá áo. Những chiếc áo có đôi chỗ rách, sút chỉ, bạc màu nhưng mẹ vẫn giữ cho đến tận bây giờ, chỉ là không biết tôi có còn mặc vừa không nữa.
Ngồi xuống bên chiếc bàn, tôi hỏi mẹ về Nhi. Mẹ tôi ngừng tay, ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn. Mẹ thở dài.
- Nhi nó lấy chồng được hơn nửa năm rồi con à!
Chuyện này cũng không có gì là quá bất ngờ. Trở về cố hương, không còn nhìn thấy bóng dáng mảnh khảnh tung tăng chạy nhảy ngoài ngõ, không còn được nghe giọng cười khúc khích quen thuộc là tôi biết Nhi đã không còn ở con phố này nữa rồi.
Tôi rót một cốc trà, thế nào lại để trà tràn ra ngoài ly. Mẹ tôi nhắc nhở.
- Ấy, con phải cẩn thận chứ. - Về chuyện của Nhi, mẹ tôi nói tiếp, giọng đều đều xen lẫn tiếc nuối. - Con bé bị ép hôn. Ba mẹ nợ nần chồng chất, Nhi buộc phải gả đi nơi xa. Cuộc hôn nhân như thế làm sao mà hạnh phúc.
Tôi hớp một ngụm trà. Trà có vị nhàn nhạt. Vầng trăng khuyết in trên rèm cửa. Tôi bước ra vườn. Giữa hai thân cây, có treo một chiếc võng, tôi nằm xuống đó, lặng lẽ thu nhặt lại những mảnh vụn tháng năm bên người, hương hoa điệp vàng ủ trong tay áo đã phai gần hết. Đêm nay một mình tôi bầu bạn với ánh trăng. Đời người vui buồn ly hợp. Trăng cũng vơi đầy tỏ mờ. Xưa nay khó vẹn tròn. Nếu nhắm mắt lại chúng ta sẽ tìm kiếm điều gì ở bản thân? Còn trái tim tôi tìm lại những kỷ niệm tuổi trẻ ngày xưa.
***
"- Chúng ta thi nhau xem ai nhặt hoàng điệp rơi nhiều hơn.
- Được thôi.
Một tuần sau, Nhi đưa tôi xem quyển vở cô ấy ép đầy những cánh điệp vàng. Hoa đã khô và chuyển sang màu nâu sẫm. Tôi cầm lên một cánh hoa, vò nhẹ. Tiếng vụn vỡ giòn tan trong lòng bàn tay.
Những đêm tối, chúng tôi nằm trên mái nhà ngắm sao giăng đầy trời.
- Hy vọng mai này chúng ta có thể mãi mãi như vầy.
- Cuộc sống không tồn tại hai chữ "mãi mãi" đâu Nhi à. Có chăng chúng ta nên trân trọng những khoảnh khắc hiện tại là được rồi.
- Chúng ta cứ hy vọng đi, cuộc sống luôn luôn cần hai chữ "hy vọng" mà."
Nhi nói đúng, chúng ta sống là phải biết hy vọng. Nhưng Nhi đi lấy chồng rồi, hy vọng có ích gì nữa đây.
"Mấy tháng sau, tôi lên đường nhập ngũ. Nhi tiễn tôi ở bến xe, lòng bịn rịn không muốn rời. Tôi cũng vậy.
- Vinh phải bình an trở về nhé.
- Ừ, Nhi cũng phải hứa là đợi Vinh nhé. Chúng ta còn rất nhiều điều chưa thực hiện cùng nhau.
- Nhi sẽ đợi mà."
Là Nhi thất hứa hay tại tôi ngây ngô, ngốc nghếch khi tin vào những lời hứa trẻ thơ?
- Vinh!
Tiếng mẹ gọi cắt đứt mạch suy nghĩ trong tôi. Vội bước vào nhà, tôi hỏi mẹ có chuyện gì. Bà trao cho tôi lá thư Nhi viết trước lúc rời quê hương. Dưới ánh sáng của những vì sao, tôi mở phong thư ra đọc. Nét chữ nghiêng nghiêng, mềm mại. Đúng là nét chữ của Nhi. Tôi thất vọng khi Nhi chẳng nói gì nhiều, cô chỉ viết vài dòng ngắn gọn, đại khái cô bảo tôi rằng hãy quên cô đi, đừng chờ đợi một người đã cũ. Tôi buông lá thư, nén tiếng thở nhè nhẹ. Cơn gió thoảng qua, đưa hương hoa bay ngang qua mũi. Phải chăng giấc mộng mãi mãi không bao giờ đạt được mới chính là giấc mộng đẹp nhất?
  Quách Thái Di (Ngọc Vy)
 
  Nắng mai dần trải sân trường,
     Ngắm hoa giản dị sắc hương dịu dàng..!
   Hoa vàng dẫu chẳng cao sang,
Tình hoa lãng mạn vô vàn yêu thương
      NM

Nhìn cánh điệp rơi 

Từ bàn giáo viên, nhìn qua khung cửa sổ, từng cánh điệp vàng cứ chốc chốc lại lặng lẽ rơi trong gió. Vậy là một mùa hè nữa đã trở về, và tôi đã kết thúc một năm đứng lớp đầy vất vả, như một người đưa đò cần mẫn chở bao học trò sang sông để đến với bến bờ tri thức. Hoa điệp nở, hoa điệp rụng mang cho tôi bao cung bậc cảm xúc về những ngày đã qua...  

Cây điệp vàng trong sân trường trồng từ lâu lắm rồi. Có lẽ, ngoài hoa phượng, hoa bằng lăng thì hoa điệp gắn bó với lứa tuổi học trò nhiều nhất. Nhìn khung cảnh trường yên ắng, có vài tiếng chim kêu, màu vàng của điệp cứ không ngừng bay bay trong gió, tạo nên một khung cảnh hết sức lãng mạn cho bức tranh ngày hè ở trường tôi. Và dù là học sinh hay giáo viên, nếu xa trường, xa lớp vẫn khắc khoải lắm về cây điệp vàng già nua ấy. Nhớ từng cánh điệp như ngàn con bướm nhỏ xíu đậu trên sân trường, trong những ngày đầu hè yên


Những cành cây gầy gộc vươn mình trong nắng, trong gió rồi đến hẹn lại lên, cây điệp lại bung nở những chùm hoa tươi rói. Hoa điệp không được ưu ái như hoa phượng hay hoa bằng lăng. Bởi lũ học trò thường thích ép những cành hoa phượng vĩ thành hình cánh bướm, hay vô vàn hình hài khác vào trong sách, trong vở. Còn hoa bằng lăng thì chúng thi nhau hái từng chùm, từng chùm cài lên tóc, lên giỏ xe một cách điệu đà. Hoa điệp thì ít khi nào chúng đụng tới, vì hoa điệp nở cao chót vót, nếu cánh hoa có rơi thì chúng vô tình giẫm chân qua lại, hay ngồi dưới gốc điệp ăn quà vặt, đọc sách, nói cười. Nhưng khi xa trường, quay về thăm trường cũ thì đứa nào cũng mân mê, thích chụp hình dưới gốc điệp. 
Màu vàng của hoa điệp không phải là màu tàn úa, mà đó là màu của sức sống mãnh liệt. Màu vàng của hoa điệp luôn gợi nhớ trong tâm trí của mỗi người. Không riêng gì ở trường tôi, một số thành phố lớn cũng trồng xen kẽ hoa điệp vàng với những loại cây xanh khác. Và mỗi khi mùa hoa điệp về, phố phường như khoác lên một chiếc áo màu vàng ươm, nổi bật trong vô số sắc xanh của các loài cây khác. 
Hoa điệp gắn với tôi thật nhiều kỷ niệm. Bao mùa thi trôi qua cùng với bao mùa điệp vàng, rồi bao thế hệ học trò đã xa trường. Chiếc ghế đá dưới gốc điệp vẫn ngẩn ngơ theo dòng thời gian. Khi những tia nắng đầu ngày lấp ló qua cửa sổ, và những tiếng ve báo hiệu mùa sang, cây điệp vẫn bung nở, những chùm hoa tươi rói, gọi tiếng chim về làm tổ. 
Giữa cái thế giới sắc màu ấy. Màu trắng của áo dài, màu xanh xanh của lá, màu đỏ của phượng vĩ, màu bảng đen phấn trắng, màu của những giọt nắng cuối ngày... Màu nào cũng mang vẻ đẹp riêng, nhưng tôi vẫn yêu nhất là cái màu của hoa điệp vàng. 
Tuy không có giá trị về mặt kinh tế, nhưng hoa điệp thường mang cho người ta bao cảm xúc khó tả. Tôi còn nhớ những năm tháng nghèo của thời sinh viên, trong căn phòng trọ chật chội của bọn con gái chúng tôi, lúc nào cũng có lọ hoa “hỗn hợp”, tức là vừa hoa điệp, hoa lau, hoa phượng, hoa bằng lăng cắm trên chiếc bàn học nhỏ nhắn. Hoa không có mùi thơm, chỉ có một sắc vàng, nhưng đủ để mang lại sự rực rỡ cho căn phòng. 
Những cánh điệp vàng chỉ cần một cơn gió thổi qua, lại lả tả rơi như một cơn mưa hoa. Trong nắng vàng, hoa điệp như vàng hơn. Tuy trong sân trường có vẻn vẹn một cây điệp vàng, không nhiều như bao nơi khác, cũng không tạo nên những cung đường hoa điệp lãng mạn, nhưng chỉ cần nhìn vài cánh điệp rơi ngoài khung cửa, tôi cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá. 
Phải chăng rồi đến một lúc nào đó, tôi sẽ cảm nhận được sự ngắn ngủi, cũng như mong manh của một kiếp người. Như những chùm hoa điệp vàng kia, lặng lẽ nở, lặng lẽ làm đẹp cho đời, rồi những cơn gió đến mang cánh điệp đi. Loài hoa không hương, chỉ giản dị một màu vàng, nhưng nó khéo gieo vào lòng người một nỗi nhớ không nguôi. 
Và ngoài kia, thêm vài cánh điệp rơi, mặc cho ánh nắng mai đang trải dần trên sân trường... 
Thân Thị Thanh Trâm

Điệp vàng lại nở
Có những mùa hoa điệp vàng không nở,
Gió vẫn bay trong nắng thắm lung linh...
Sắc hoa vàng mong đợi quá mong manh,
Bao hi vọng tưởng chừng như tuyệt vọng

Những kỷ niệm, bao tâm tình lắng đọng,
Trao cho nhau với tất cả thâm tình,
Sắc hoa vàng bừng nở giữa bình minh.
Trong nắng ấm xiết bao tình thân ái

Điệp vàng bừng nở ngày mai,
Sắc tươi màu nắng có phai bao giờ ?!
NM
  
Có một mùa hoa điệp không nở
Một buổi trưa tôi đang thiu thiu ngủ trên chiếc võng ngoài sân sau nhà thì vợ tôi khệ nệ bê một cái bao tải to đi tới. Vợ vừa thở dốc vừa lay tôi dạy. Mất giấc tôi liền cáu gắt với vợ nhưng chiếc bao tải kia cũng làm tôi thấy tò mò. Vợ tôi bảo có một người tự xưng là xe ôm vừa chở nó đến nhà tôi, trên bao có dán một tờ giấy ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của tôi nữa. Nhìn thấy nét chữ mảnh mai, dứt khoát đó tôi đã nhận ra ngay người gửi.
***
Vợ tôi hí hửng mở bao ra xem. Nào là măng đắng tươi, măng khô, củ mài, rau bò khai, rau ngót rừng, rau sắng và mấy thứ hoa quả rừng khác nữa. Thêm vào đó còn có một cái hộp nhỏ được bọc cẩn thận, vợ tôi hồi hộp mở ra xem thì thấy hai chai mật ong rừng và ít thịt gà gác bếp. Mùi vị của đại ngàn như sộc vào mũi tôi. Món quà từ núi rừng này lại một lần nữa đưa tôi vượt thời gian về lại với thời trai trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Ngoài hai mươi, sau khi nhận được bằng tốt nghiệp tôi và vài người bạn cùng khoa được phân về công tác ở trên Tây Bắc. Tôi đã có hai năm gian khó ở Mường Phay cái bản Thái nhỏ nằm sâu mãi trong bốn bề mây núi. Mỗi mùa xuân đến lại ngập trong sắc hoa Ban nở trắng trời. Những cánh rừng, những con suối, những nếp nhà sàn, những nụ cười, những điệu múa, khúc dân ca làm lòng người say đắm nào đâu dễ quên. Ở đó có những con người mà tôi không bao giờ có thể quên được. Đó là Phài mối tình dang dở nhưng đẹp dịu dàng của tôi. Đó là mẹ Lán, người phụ nữ của núi rừng đã luôn coi tôi như con trai hồi tôi còn ở nhà ông bà. Đó là ông Bôn, trưởng bản Mường Phay luôn đêm ngày mong ước có điện về bản. Đó là những người học trò nhỏ của tôi, những người từng mong có đôi cánh bay vượt đại ngàn... và đó là người anh, người bạn, người đồng nghiệp yêu quý, ông thầy giáo tên là Lành ấy, cũng chính là người đã gửi cho tôi những thức quà này.
Sau khi tôi về dưới xuôi công tác tôi chỉ thư từ cho anh Lành được một đôi lần. Đến khi anh lập gia đình và tôi cũng thế thì hầu như chúng tôi bặt tin nhau hẳn. Những ngày ấy tôi cũng phải chuyển công tác liên tục, vợ con nheo nhóc khiến tôi phải tạm chôn cất những kỷ niệm cũ sang một bên. Gần hai mươi năm sau tôi được cơ quan cử về miền rừng công tác trong nửa tháng, đến lúc ấy bao nhiêu ký ức xưa chợt đổ ào về trong tôi như một cơn mưa giữa đại ngàn. Người đầu tiên tôi nhớ đến lúc ấy là anh Lành, người đã luôn che chở cho tôi, dạy bảo tôi hồi còn trẻ cái thời còn nông nổi. Không biết giờ anh đã ra sao rồi, có còn ở Mường Phay nữa không, tôi nhất định phải tìm gặp anh trong chuyến công tác này. Ngày trở lại ấy tôi hoàn toàn bị bất ngờ. Sau hai mươi năm cái bản nhỏ như lột xác hoàn toàn. Từng nếp nhà sàn khang trang lợp mái ngói đỏ tươi rạng ngời lên trong nắng, điện, đường, trường trạm đủ cả. Mường Phay cũng đông đúc hơn xưa nhiều, bản được mở rộng và chia thành ba bản nhỏ cũng đều gọi là Mường Phay hết nhưng thêm số vào sau để phân biệt. Đáng mừng hơn là ngôi trường nhỏ mà ngày xưa tôi công tác đã được xây dựng lại thành hai tầng khang trang ở ngay đầu bản.
Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng hình như không có ai là không nhận ra tôi. Mẹ Lán đã mất, Phài đi lấy chồng xa, một vài học trò nữ của tôi cũng đi lấy chồng xa hết cả rồi. Một vài trò nam thì đang đi làm ăn xa hoặc đi bộ đội, đi học còn đâu mọi người vẫn ở Mường Phay cả. Ông trưởng bản Bôn giờ đã ngoài 60, ước mơ của ông nay đã thành hiện thực rồi. Tôi nóng lòng muốn biết tin về anh Lành, chẳng thấy anh ấy ở Mường Phai nữa thì phải. Trong bữa cơm thân tình ở nhà ông Bôn tôi mới có dịp hỏi. Người Mường Phay của hai mươi năm trước hầu như không ai là không biết đến thầy giáo Lành cái tên anh giống y như tính cách, đó là một ông thầy giáo hiền lành như bụt vậy. Ngày tôi mới đến Mường Phay, anh Lành đã ở đó được năm năm trời. Anh là một trong những người đầu tiên từ dưới xuôi lên Mường Phay dạy học. Anh Lành có một khuôn mặt hiền hậu, chất phác tính tình lại vui vẻ hài hước nên dân bản quý lắm. Các học trò người H'mông từ các bản xa xuống Mường Phay học gọi thầy là Giàng A Lành, những học trò người Thái thì gọi anh là thầy Cầm Bạc Lành... dù tên thật của anh là Nguyễn Ngọc Lành. Chúng đặt tên cho anh như thế vì vô cùng yêu quý anh. Lành cũng nói được cả tiếng Thái và tiếng H'mông nên được dân bản thêm yêu quý. Sau giờ học anh thường vào nhà học sinh thăm các em và giúp các gia đình trồng ngô, lúa hái củi. Lành cũng là người đưa ra sáng kiến dẫn nước từ khe suối về tận nhà cho những người dân trong bản. Ngày xưa, rất nhiều thầy cô từ miền xuôi lên Mường Phay dạy học thường hay bỏ về vì cảnh núi rừng âm u, tĩnh mịch làm cho họ thấy sợ và buồn chán. Và nếu không có anh Lành chắc tôi cũng chẳng trụ lại ở Mường Phay đến tận hai năm trời mà không về thăm nhà lấy một lần.
Ông Bôn bắt đầu kể về anh Lành một cách say sưa hơn sau khi đã ngà ngà say. Sau khi tôi rời Mường Phay được khoảng hai, ba năm gì đó thì anh Lành lấy vợ. Vợ anh cũng là giáo viên tiểu học, cùng quê anh từ dưới xuôi lên Mường Phay công tác. Lấy nhau xong hai vợ chồng anh cất tạm một ngôi nhà nhỏ gần trường với sự giúp đỡ của dân bản. Hai vợ chồng anh rất chăm chỉ và tháo vát, ngoài giờ dạy trên lớp hai anh chị làm kinh tế cũng rất tích cực. Anh chị phát quang những mảnh đất trống quanh trường trồng rau, mua lợn gà trong bản về nuôi. Vốn mát tay anh chị trồng cây gì, nuôi con gì chúng cũng đều lớn lên khỏe mạnh, tươi tốt cả. Khốn nỗi, trồng được, nuôi được nhưng anh chị lại chẳng biết bán cho ai. Chợ ở ngoài thị trấn thì xa quá. Theo lời ông Bôn kể, dạo ấy không ai còn lạ gì cái cảnh người thầy giáo gầy nhom gánh từng gánh rau, có khi gánh cả con gà, con lợn trèo đèo, lội suối đi xuống chợ thị trấn bán.
Khoảng hơn mười năm trước, Mường Phay bắt đầu có điện, rồi đường cũng bắt đầu được khai mở. Một trường cấp hai được mở ở trung tâm xã cách bản cũng không xa. Tôi vẫn nhớ cách đây hai mươi năm trụ sở ủy ban nhân dân xã nằm thọt lỏm trong rừng hoa Điệp vàng, cũng nghèo nàn, xơ xác mặc dù gọi là trung tâm. Vợ anh Lành được chuyển ra dạy học ở đó. Lúc ấy anh chị cũng có với nhau được hai mặt con, một gái, một trai. Anh liền chuyển nhà ra gần trung tâm xã để vợ đỡ phải đi lại vất vả. Ở đó gần thị trấn hơn nên anh chị cũng có điều kiện phát triển kinh tế hơn là ở trong bản. Anh Lành cũng mua đất ở trong Mường Phay và mấy bản gần đó để làm trang trại, không chỉ làm giàu cho mình anh Lành còn giúp dân bản làm ăn, thoát khỏi đói nghèo nữa. Mấy năm trước vợ chồng anh đã cất được ngôi nhà to lớn, khang trang ngay cạnh ủy ban nhân dân xã. Rồi mua được một cái ô tô để đi, anh là một trong những người được coi là giàu nhất xã. Nghe đến đây tôi thấy vô cùng vui mừng cho anh Lành và cả gia đình anh. Một người như anh xứng đáng được hưởng thành quả tốt đẹp như thế.
Cũng đến đây, ông Bôn thở dài não nề và nói:
"Cái đời này nhiều lúc cũng buồn thầy ạ, nhiều cái mình chẳng ngờ được ấy".
Nói xong, ông lại đưa chén rượu lên đánh ực một cái. Tôi lo lắng hỏi ông, không biết là có chuyện gì. Nhìn mặt ông và nghe những gì ông nói tôi bỗng thấy có dự cảm không hay về đoạn cuối của câu chuyện về anh Lành. Rồi ông Bôn cũng chần chừ kể tiếp.
"Vào đúng dịp này năm trước, gần đến cái Tết cơm mới đó. Dân bản định mở hội to vì cái bản giờ nó cũng ấm no rồi. Sau khi họp bàn thì bản cần đến hai cái loa to, dăm cái vại rượu cần mới và nhiều thứ linh tinh nữa cho lễ hội. Nhiều cái ở chợ thị trấn không có bán phải lên tận trên chợ thị xã mua mới được. Khổ cái nỗi đường thì xa quá, mà chẳng ai biết mua được hết chừng ấy thứ cả. Đúng dịp bản cũng mời thầy giáo Lành về họp bản cùng. Thầy đã nhận đi mua hộ mấy thứ đó, vì thầy có ô tô lại thông thạo đường thị xã. Cả bản vui mừng giao trọng trách ấy cho thầy. Bản cũng cử một người đi với thầy cùng mua. Đó là thằng Pán, bí thư chi Đoàn thanh niên bản đó. Hôm đó có cả con gái thầy là sinh viên học trên cao đẳng tỉnh cùng đi nữa. Đến cái đoạn đường ở ngã từ Đồi Hống qua chỗ thị trấn đó thì. Thì có một gia đình người Xá gì đó đèo nhau đi xuống dưới chợ, hôm đấy cũng đang có chợ phiên. Nghe nói mất tay lái hay thế nào mà..." đến đây ông Bôn nghẹn ngào "tôi cũng chẳng tin nổi vào cái tai mình. Một người cẩn thận như thầy Lành lại có thể gây ra tai nạn làm chết cả nhà người ta. Xe máy đèo bốn người thì chết ba. Mỗi cô vợ còn sống nhưng bị thương nặng, đứa con trong bụng cũng mất.
Công an đến bắt thầy đi, gia đình nạn nhân cũng phạt vạ thầy lớn lắm. Vợ chồng thầy cũng đã cố gắng đền tội sao cho đúng nhất. Thầy phải bán cái ô tô đi để nộp tiền phạt, khoảng thời gian đó người ta cũng không cho thầy dạy học nữa. May thay người vợ của người lái xe máy còn sống. Sau hai tháng trời nằm viện cô ta đã khỏe mạnh trở lại và chính con gái thầy phải bỏ học đến viện chăm sóc người đó. Đến khi người đó khỏi thì bị nhà chồng bắt lấy em trai chồng theo tục nối dây ở bản đó đấy. Cô ta không đồng ý. Tiền bồi thường của nhà thầy Lành cho gia đình cô ta cũng bị bên nhà chồng lấy hết mà không cho cô đồng nào. Hôm người ta xét xử thầy Lành, dân bản Mường Phay cũng kéo đi xem đông lắm. Chính cô vợ người lái xe máy đứng lên nói rằng, hôm đó chồng cô ta đã uống rượu rất say trước khi lái xe chở theo người vợ đang mang bầu và đứa con trai nhỏ xuống chợ phiên. Xe của chồng cô đi quá tốc độ và hầu như chính nó đã đâm thẳng vào xe của thầy Lành. Về phía thầy thì chẳng có ai làm chứng, thằng Pán bảo đi cùng thầy nhưng nghe nói đến thị trấn nó bị đau bụng nên không đi nữa. Sau đó thầy Lành được trở về, năm đấy thầy không đi dạy học nữa. Không ai nhìn thấy thầy cười suốt một thời gian dài.
Về sau thì thầy nhận người phụ nữ chết chồng, chết con trong vụ tai nạn với xe ô tô của thầy làm con nuôi. Khi cô ta đi bước nữa thầy còn đứng ra tổ chức hôn lễ cho vì bố mẹ cô ta cũng không còn ai cả. Mấy nay thầy Lành sống lặng lẽ hơn, nhà thầy ở sau trụ sở ủy ban nhân dân xã đó. Nó cũng nằm trong um tùm những cây hoa Điệp như lâu năm chẳng tỉa tót gì. Thầy vẫn tốt với mọi người, bao nhiêu học sinh từ bản xa đến học thầy đều cho ở trọ nhà thầy không mất tiền. Vợ chồng thầy lo cho chúng từng bữa ăn giấc ngủ. Ai cũng bảo chắc thầy ân hận vì những chuyện đã qua lắm. Thầy ấy buồn chắc cũng vì con gái nữa, sau vụ tai nạn lần ấy, con gái thầy cũng bị mắc bệnh lạ. Nó hay sợ sệt đủ thứ, đêm về hay mơ xấu. Không ăn ngủ được, biết vậy thầy cúng ở bản mình cũng xuống cúng cho đấy", và ông Bôn lại thở dài, uống thêm chén rượu nữa, ông kể tiếp "tôi cũng không tin thầy Lành lái cái ô tô đâm chết người ta. Hôm ấy thầy cúng ở bản về có nói thầm với tôi rằng. Con gái thầy đang chịu hạn vì tội lớn từng gây ra. Tôi không biết nữa thầy ạ, nhưng có lẽ hôm đó không phải thầy Lành lái xe ô tô đó đâu."
Ông Bôn kể đến đây, lòng tôi như thắt quặn lại. Ngày tôi biết anh Lành, anh còn không dám giết một con gà dù được dân bản biếu làm thịt. Thường thịt thà ai nấu cho anh mới ăn chứ không bao giờ trực tiếp anh làm, anh không dám đi xem cảnh người ta mổ lợn, mổ trâu, không dám ăn cả tiết canh vì sợ máu me. Và cũng vì anh thương các con vật lắm. Nuôi chúng để bán đi chắc việc anh cũng chẳng muốn làm mấy nhưng vì cuộc sống thì đành phải chịu. Các trang trại của anh nghe nói cũng trồng nhiều hơn nuôi. Vậy mà... cái vụ tai nạn ấy chắc nó ám ảnh anh lắm. Chẳng biết là anh hay là ai đã lái xe nhưng dù gì vụ việc đó cũng liên quan đến anh, làm sao anh hết được buồn phiền và cảm giác tội lỗi. Tôi chỉ muốn về thăm anh ngay trong ngày hôm ấy. Có lẽ anh rất cần một người bầu bạn lúc này.
Tôi đến thăm gia đình của anh trong một buổi chiều cuối hạ. Đúng như lời kể của dân bản, ngôi nhà ba tầng khang trang của anh nằm thọt lỏm giữa rừng Điệp, sau trụ sở ủy ban xã. Có nhiều cây Điệp không to lắm hình như nó mới được trồng cách đó có vài năm thôi. Đang trong thời gian nghỉ hè nên trong nhà anh chẳng thấy bóng dáng học sinh nào. Tôi đi bộ từ đầu đường vào nhà anh, đến gần cổng thì thấy một cô gái trẻ tầm mười tám, đôi mươi đang quét những bông hoa Điệp vàng rụng đầy ngoài sân. Tôi mở cổng bước vào, thấy tôi cô gái liền bỏ luôn cây chổi xuống và chạy ào vào trong nhà. Tôi thoáng chút giật mình, đang định gọi thì một người đàn ông gầy gò xuất hiện. Tôi thấy nước mắt mình rưng rưng, ngày xưa tôi cũng gầy gò như thế. Nhưng giờ thì đã phát tướng và tăng hơn 10 ki lô gam so với hai mươi năm trước đây. Còn anh Lành, trông anh còn có vẻ gầy hơn cả khi xưa. Tôi nhớ lại, ngày xưa giữa mùa đông lạnh cắt da cắt thịt của Mường Phay, tôi lên cơn sốt anh đã thức trắng đêm chăm sóc cho tôi. Nhường cho tôi chiếc chăn ấm của anh. Vào một mùa lũ cách đây hai mươi năm về trước, tôi cùng anh xuống thị trấn lấy sách vở về cho học sinh. Lúc đi qua một con suối to để vào bản tôi sẩy chân ngã, không biết bơi dòng nước cứ thế cuốn tôi đi. Anh Lành liền chạy theo tôi, vừa chạy anh vừa la hét kêu cứu, may thay tôi vớ được một cái cành cây bên bờ suối vừa đổ xuống. Lúc cành cây sắp không chịu được sức chảy của dòng suối thì anh Lành kịp đến, một tay anh nắm lấy tay tôi. Tay kia thì nắm vào cái cây nhỏ trên bờ để khỏi bị tuột xuống. Khi nhìn thấy cái cây nhỏ sắp bật rễ lên tôi bảo anh hãy buông tay tôi ra không cả hai anh em sẽ bị lũ cuốn đi mất. Anh Lành vẫn không chịu buông, lúc ấy tôi thấy dòng nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt anh. Mọi hy vọng được sống, được trở về xuôi với ba mẹ dường như đã tiêu tan. May thay lúc ấy có vài người dân bản đi qua, họ đã giúp chúng tôi lên bờ. Sau những ngày ấy, tôi nguyện có chết cũng không được quên anh Lành. Thế mà hai mươi năm qua, vì cuộc sống mưu sinh, vì những ngày cứ vào rừng ra biển dạy học tôi đã không đến thăm anh được một lần.
Anh nhận ra tôi ngay, tôi chạy lại ôm chầm lấy anh, một giọt nước mắt của tôi rơi xuống vai anh. Hai anh em ngồi hàn huyên tâm sự sau hai mươi năm xa cách. Anh vẫn hiền lành từ tốn như xưa. Tóc anh bạc gần trắng hết cả, nét u buồn luôn ẩn hiện sau đôi mắt sâu. Chúng tôi ngồi uống trà ngoài hiên, hình như Lành đã biết tôi biết được khá nhiều chuyện về anh trong hai mươi năm qua nên anh chẳng kể lể gì nhiều, chỉ hỏi thăm vợ con tôi đôi chút. Chị nhà anh và thằng con trai út hôm đó đang đi vắng, còn cô con gái vì sợ người lạ nên nó không dám ra chào tôi. Tôi hỏi:
"Cháu tên gì anh?"
"Ngọc Điệp" – anh trả lời.
Chúng tôi lại lặng im vừa uống trà vừa ngắm những bông hoa Điệp vàng rụng ngoài sân. Chợt đôi mắt anh Lành dừng lại hồi lâu chỗ cái chổi và đám hoa Điệp quét dở ngoài sân. Rồi anh buồn rầu nói.
"Năm ấy, có mấy cây hoa Điệp quanh nhà chẳng nở hoa và cô con gái Ngọc Điệp cũng chẳng cười nữa, dù tôi đã cố gắng làm tất cả..."
Vậy là lại một năm nữa đã trôi qua kể từ chuyến công tác ấy. Mỗi lần nhớ đến anh Lành tôi lại thấy tim mình như thắt lại. Đang lặng đi trong bao hồi tưởng về quá khứ, vợ tôi chợt kêu lên:
"Có một lá thư nữa này mình ơi!"
Tôi mở thư của anh Lành ra đọc, trong thư anh viết rằng chỗ măng rau, hoa quả là vợ chồng anh gửi. Còn mật ong rừng và thịt gà gác bếp là của ông cựu trưởng bản Bôn. Anh cảm ơn tôi vì vài tháng trước đã gửi cho anh mấy cuốn sách nói về cách chữa bệnh trầm cảm cho cô con gái lớn của anh. Giờ đây tình hình của nó đã khá hơn rồi. Anh còn viết ở cuối thư: "Có lẽ những mùa hoa Điệp ở nhà tôi sẽ thật sự nở rộ vào ngày mai thôi, tôi yêu màu hoa ấy chú ạ, vì đó là màu của nắng mai, màu của sự sống mãnh liệt, và nó cũng là tên của con gái tôi, đứa con đầu lòng mà tôi hằng yêu quý nhất."
Hoa Thược Dược

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

NTV 53 - Nụ Tầm Xuân


NỤ TẦM XUÂN

LK Trăm nhớ ngàn thương - Mười năm tình cũ - Phải chi em đừng có chồng

Tầm xuân còn xanh biếc.....
Trong vườn xưa, tầm xuân còn xanh biếc ,
Anh ngại ngần luyến tiếc mối tình câm....!?
Em vẫn cô đơn chiếc bóng âm thầm,
Tầm xuân ẩn nép bên bờ giậu nhỏ....

Sắc hoa thắm như những ngày thơ đó,
Tình vững bền khắn khít tựa dây leo....
Nhưng còn đâu ánh mắt dõi trông theo ?
Mong chờ ngắm tầm xuân vừa hé nụ ?

Rồi cũng phải phôi pha ngày tháng cũ...
Em trở về ấp ủ những cánh hoa,
Thương tầm xuân còn lại buổi chiều tà ,
Lòng vương vấn theo mối tình phai nhạt !
NM

NỤ TẦM XUÂN    
Đến dự lễ cưới của Duy, bạn bè ai cũng thắc mắc sao cô dâu không phải là Thu Hương mà lại là cô gái khác?  Có đứa kề tai hỏi nhỏ Hương: “Sao cô dâu không phải đây mà là đó?”. Hương cười nụ, trả lời tự nhiên: “Không duyên không nợ nên không thành vợ thành chồng chứ sao”. Rồi họ so sánh: “Con nhỏ đó xấu hơn mày nhiều!” Thu Hương mỉm cười hãnh diện. Cô dâu không những xấu mà tướng đi bước thấp, bước cao (xứng với chú rể chân cao chân thấp), lại là cô hàng nước. Hương có nét đẹp tiềm ẩn, càng nhìn càng đẹp (người ta nói Hương có “duyên ngầm”), lại là hiệu phó nữa.
Duy và Hương là bạn học cùng lớp hồi cấp hai nhưng cả hai chưa một lần trò chuyện. Rớt chuyển cấp. Duy xin vào làm ở hợp tác xã mua bán được ít lâu, hợp tác xã giải thể. Duy học may. Hai nhà chẳng xa nhau mấy, ba của Duy và ba của Hương là bạn thân. Đến nhà chơi thấy Hương lễ phép, nết na thùy mị ông thầm chọn con dâu tương lai. Duy chưa yêu ai nên nghe ba má chọn Thu Hương, đồng ý ngay. Chỉ chờ Hương học xong lớp 12 sẽ tính tới. Thu Hương vô tư học và thi vào trường Cao đẳng sư phạm, đang chờ kết quả thì gia đình Duy ngỏ lời “ngồi sui”. Tôn trọng con, tối đó ba Hương thăm dò… Hương mắc cỡ trả lời: “ Con học nữa!”. “Ờ, lo học cho xong, cho có nghề có nghiệp đàng hoàng, lấy chồng chưa muộn”. Hương chưa nghĩ đến chuyện yêu đương huống hồ là chuyện chồng con. Chuyện đó khiến Thu Hương e thẹn mỗi khi tình cờ gặp Duy. Những suy nghĩ bâng quơ, bảng lảng thoáng qua tâm hồn phẳng lặng chưa một lần xao động vì yêu. Gặp tình cờ, Hương bối rối, thẹn thùng, tay nghiêng vành nón vờ như không thấy. Duy từ xa đã nở nụ cười tình, câu chào đợi sẵn cửa miệng chờ tới gần sẽ phát ra âm thanh trìu mến cùng ánh mắt ấm áp: “Hương đi học về hả?”. “ Ờ, đi học về”.
Thu Hương tốt nghiệp ra trường, được phân về địa phương. Má Duy nhắc lại chuyện “ngồi sui”. Thu Hương chưa trả lời. Hương có hiểu gì về Duy đâu. Không biết Duy có thương mình không hay do cha mẹ quyết định? Cách sống “cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó” Hương không thích. Hễ thấy Hương đi dạy ngang qua, má Duy trong nhà chỉ ra giới thiệu với mọi người: “Con dâu tui đó”. Còn Duy thì giới thiệu với bạn bè Hương là vợ tương lai (đó chính là lý do bạn bè thắc mắc trong ngày cưới của Duy). Hương nghĩ rất nhiều: “Không tìm hiểu mà lấy nhau, vế sống không hợp thì khổ. Mình làm con gái không thể đến nhà Duy được”. Một năm… hai năm… trôi qua. Gia đình Duy thúc. Hương cứ lấp lửng: “Con chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình”. Một hôm, Hương chủ động ghé nhà Duy. Má Duy mừng rỡ, ngọt ngào: “Con ghé chơi, bác mừng. Bác mong con là dâu của bác hết sức. Con đi ngang tiệm may của thằng Duy hoài sao không ghé nó chơi. Tụi bây là bạn học có gì mắc cỡ, con”. Hương thèm nói: “ Duy là con trai mà không tới nhà con, còn con là con gái sao dám ghé”, nhưng lại thôi. Dù gì cũng giữ thể diện con gái chớ. Giá mà Duy tới nhà chơi, hai người có điều kiện hiểu nhau hơn. Nếu Duy thương mình thì đã đến nhà chơi như những đôi trai gái đang yêu khác hoặc đi mòn dép, ngồi mòn ván như những anh chàng quyết tâm chinh phục cô nàng có trái tim vững như “Vạn lý trường thành”.
Có lần Hương mượn cớ gió ngược, một tay cầm tờ báo tường, một tay lái xe khó quá nên ghé vào tiệm may của Duy gửi. Trong thâm tâm Hương muốn nán lại nói chuyện với Duy nhưng vì sĩ diện, phần thì mắc cỡ. Hương gửi rồi đi ngay. Duy cũng không mời ở lại chơi, Hương thầm dỗi: “Người đâu mà vô tình quá đỗi !”. Thu Hương ra về, Duy đứng nhìn theo. Ánh mắt biết nói của Duy cho Hương biết Duy “thích” mình và đang chờ mình nhận lời. “Gần gũi sinh tình cảm”, Thu Hương muốn trước khi làm vợ Duy mình phải có chút tình cảm đối với Duy. Hương đinh ninh thế nào Duy cũng mang giúp tờ báo tường về cho Hương ( nếu Duy muốn gặp Hương). Suốt buổi chiều đó, Thu Hương có ý mong…Duy hớn hở khoe bữa nay Thu Hương ghé tiệm may của con gửi tờ báo tường. Nhưng Duy không đến như mong đợi của Hương. Tiêu chuẩn người chồng tương lai của Hương là phải biết ga- lăng một chút. Duy hiền, không rượu chè, cờ bạc (chỉ hút thuốc lá nhiều), có nghề nghiệp ổn định. Thu Hương không chê điểm nào chỉ thiếu ga - lăng mà thôi, Hương hơi thất vọng. Nằm đêm đắn đo, suy nghĩ…Hương muốn ép lòng mình ưng đại, sao khó quá!
Thứ tình cảm trong Hương chưa phải là tình yêu. Thu Hương hình dung, nếu lấy Duy đêm đầu tiên nằm cạnh người mà mình không có tình yêu, cảm giác vừa lạ vừa quen, ngượng ngùng, bỡ ngỡ… một cảm giác hỗn độn Thu Hương không diễn tả được. Mình thật mâu thuẫn. Ưng thì ưng, không ưng thì nói một tiếng cho người ta đừng hy vọng, chờ đợi. Mặc kệ, chuyện gì đến sẽ đến, không nghĩ nữa.
Một lần trên đường đến trường, xe đạp của Hương tuột xích. Hương loay hoay mãi vẫn chưa gắn được. Một chàng trai đi ngang qua thấy vậy, dừng xe lại gắn giúp.
- Cảm ơn anh. Nếu không có anh chắc tôi bị trễ giờ mất.
Nhìn tay Hương dính nhớt, anh ta rút khăn trong yên xe đưa cho Hương lau. Cử chỉ “đẹp” đó khiến Thu Hương có cảm tình.
- Cô dạy trường nào? Tôi đi làm ngày nào cũng thấy cô trên đường này.
- Vậy à! Em không để ý lắm. 
Thu Hương không hiểu sao tự dưng mình chuyển hệ từ “tôi” sang “em” ngọt sớt như vậy. Từ đó, ngày ngày gặp nhau trên đường cả hai chỉ mỉm cười, gật đầu chào, cảm giác như quen nhau lâu lắm vậy.
Lại hết một năm. Chiều Mùng 2 tết, Hương đang đùa với con Milu thì Duy đến cùng một nguời bạn. Hương vui và bất ngờ. Ngoài câu chào: “Hương chừng nào đi dạy?”. Ngồi mãi Duy chẳng nói thêm câu nào, Thu Hương đùa thăm dò:
- Mai mốt mình đến chỗ Duy học may đồ nam nghen.
- Ừ, Hương ghé, mình dạy cho. Thầy này khó lắm nghen…Duy liếc nhìn Hương tình tứ rồi nhỏ giọng đủ cho Hương nghe - Đến học là bắt cóc luôn đó chịu hôn?
Thu Hương nghe mặt mình nóng bừng, bẻ bẻ mấy ngón tay, khẽ liếc sang Duy rồi cúi mặt, nhỏ giọng:
- Nuôi nổi không đó?
- Nổi chớ, sợ ai đó hổng chịu…cầm tay chỉ việc luôn.
Thì ra Duy cũng biết tán tỉnh và bạo miệng có kém ai. Tối đó về nhà Duy rất vui. Nằm tơ tưởng nhớ cuộc nói chuyện hồi chiều, nhớ ánh mắt lóng lánh, guơng mặt ửng đỏ vì thẹn của Hương, Duy mỉm cười một mình. Trong cảm giác hạnh phúc đó, Duy ôm gọn chiếc gối trong vòng tay, mơn trớn, vuốt ve rồi hôn nhẹ lên gối, mơ tưởng mình đang ôm Hương trong âu yếm…
Đó là lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Duy đến nhà Hương. Hương không hiểu vì sao Duy không đến nữa. Người mong lại không đến, người không mong lại đến. Không biết bằng cách nào anh chàng sửa giúp xe hôm nọ tìm được nhà Hương. Anh ta rất lịch thiệp và tự nhiên như đã đến nhà Hương nhiều lần rồi, thấy giúp được gì là giúp ngay. Rất ga-lăng, biết lấy lòng người khác nên trong nhà ai cũng mến. Chiều nào đi làm về anh ta cũng ghé nhà Thu Hương. Thời gian đủ để họ yêu nhau. Lễ hỏi được tổ chức. Hương lấy chồng, Duy hụt hẫng, càng đau hơn nữa là chồng của Hương chính là anh họ của Duy. Suốt mấy ngày liền Duy không làm việc nổi. Mở cửa tiệm mặc cho mấy đệ tử nó may. Có đứa mới vào học nghề, Duy chỉ một lần nó lại quên, hỏi  nữa. Duy bực dọc, cau có. Biết “sư phụ” thất tình hay nổi quạu nên chẳng đứa nào buồn, ngược lại, chúng háy mắt nhau cười tủm tỉm. Những ngày ấy Duy ra quán nước nằm võng và hút thuốc lá rất  nhiều đến nỗi cô hàng nước lo lắng: “Anh Duy hút thuốc nhiều quá có hại cho sức khỏe đó”. Duy cố đùa: “Tui hút nhiều thuốc thì cô Hồng bán đắt chứ sao”. Thấy Duy đùa, Hồng nhại theo bài hát ngân nga, trêu chọc:
             Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
           Hương có chồng rồi, Duy tiếc lắm thay!   
 nàng giọng nửa đùa, nửa thật:
- “Ruộng nhứt ở xa không bằng ruộng ba ở gần”. Xung quanh anh Duy thiếu gì cô thầm yêu, trộm nhớ. Anh chọn một cô đi.
 Những người xung quanh, họ thừa biết cô Hồng yêu Duy đơn phương. Duy vờ như không biết, hỏi:
- Hồng nói vậy, chớ anh có thấy ai yêu mình đâu
- Anh không biết hay anh không muốn biết…
- Anh không biết thiệt
- Tại anh có chị Hương rồi nên đâu cần biết đến ai. Người đó có đứng trước mặt, anh cũng không thèm để ý…
Duy nhận ra giọng cô nàng có ý trách móc. Nhìn kỹ, Hồng không đẹp, vui vẻ và hơi tinh nghịch. Nói chuyện có duyên. Duy không hiểu sao mình không chút xao xuyến, có lẽ Hồng nói đúng, vì mình có Hương rồi. Rõ ràng cuộc nói chuyện chiều hôm ấy cho thấy Hương cũng “thích” mình mà., chờ Hương nghỉ hè là đến cầu hôn. Vậy tại sao sự việc quay ngược một trăm tám mươi độ thoát khỏi bao dự tính tốt đẹp của mình? “Thích” và “yêu” là hai từ không đồng nghĩa, khoảng cách của chúng rất gần và mỏng như tấm rèm the khiến Duy ngộ nhận đó là tình yêu nên chắc ăn mười mươi Hương sẽ là của mình. Vì yêu, Duy không nhận ra “thích” chỉ mới là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ” để kết dính thành cuộc hôn nhân.
Mãi sau này bạn bè mới biết, vì mặc cảm nhà mình nghèo, trình độ thấp hơn Hương, Duy ngại đến nhà Hương. Đôi lần Thu Hương “bật đèn xanh” mà Duy cứ phân vân không đủ can đảm đến. Bạn bè lấy làm tiếc: “ Giá mà Duy đừng tự ti mặc cảm thì đâu phải nuối tiếc hoài một nụ tầm xuân…”
Phùng Thị Tuyết Anh
NHỚ NHÀ THƠ PAUL THÉRÈSE HỒ DZẾNH,
NỤ TẦM XUÂN VÀ HOA MẪU ĐƠN
1. Chuyện đời nhiều lúc gẫm lại, thấy ngồ ngộ, hay hay. Quẩn quanh mãi ở làng quê với lũy tre xanh, với con trâu cái cày, chắc chả bao giờ có tí chữ nghĩa mà đọc, mà yêu lấy những tác giả – tác phẩm văn học. Làm sao mở lòng ra với đất nước con người Việt Nam và thế giới? Không khéo, bây giờ đã yên phận anh nông dân chân đất, ông trùm, ông quản, với việc thờ thánh, ruộng đồng, vườn tược gì đây? Cũng may, chiến tranh giặc giã tuy có nghiệt ngã thật đấy, nhưng nó lại là một trong những động cơ thúc đẩy -sau nhiều cuộc chuyển biến di dời-  biết bao số phận đến với những cơ may đổi đời. Mấy năm sống nghèo kiết ở huyện Thuỵ Anh và thị xã Thái Bình, nhờ vào đồng lương lính và gánh hàng xén của thày của mẹ, lần đầu tiên tôi là thằng-bé-ở-quê-ra, tập tễnh làm quen, riết rồi mê mẩn bài tập đọc, bài chính tả, bài học thuộc lòng của những ông nhà thơ nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Thanh Tịnh, Tế Hanh và Hồ Dzếnh… Thêm vài ba món tiếng Tây lớp đồng ấu (cours enfantin) nữa, tâm hồn tôi như được thoáng đãng hơn khi mò mẫm đọc những trích đoạn quá ư là mượt mà dễ thương của Anatole France, Alphonse Daudet và De Amicis, v.v..  Đến khi theo cha mẹ “hành phương Nam” thì tôi đã to đầu lớn xác lắm rồi. Sàigòn làm gì có cái lành lạnh “vào Thu, tiễn Thu” như trong thơ của ông Tản Đà. Nam Bộ thiếu vắng hẳn những chiều mưa bụi heo may của năm cửa ô Hà Nội để mà ngâm ngợi chùm thơ tình Hồ Dzếnh gửi gắm người yêu ở một ngõ phố nào đó:
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần…
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
………………………………………………
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
2. Thế rồi chiến tranh từ âm ỉ, nhen nhúm, bùng lên suốt những năm cuối thập niên 50 và 60. Ngoài ấy mưa bom, trong này lửa đạn, vừa học hành, vừa lo chuyện lính tráng, áo cơm. Thành phố có những đêm đèn vàng, quán xá về khuya hắt hiu. Nhạc “tiền chiến”, thơ “tiền chiến” ở những đẩu đâu xô dạt “về thành”, phút chốc đã nên trân châu vàng bạc điểm trang tô vẽ cho đời. Một trời sao lấp lánh những Văn Cao, Mỹ Ca, Nguyễn Văn Tý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác; những Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Tôi không nhớ hết. Chỉ biết rằng đã có một  thời -bên cạnh luồng gió lạ “hiện sinh” của J.P. Sartre, Françoise Sagan, A. Camus- bọn trai trẻ thị thành chúng tôi như bị “cám dỗ” bởi giai điệu habanera sâu lắng rã rời trong âm nhạc quí phái Dương Thiệu Tước, bởi những ngôn ngữ – hình tượng lãng mạn mà giản đơn trong thi ca Hồ Dzếnh. Mộ khúc chiều tà ông viết năm 1937 như một lời chào làm quen với làng thơ, có mặt trong sổ tay chúng tôi:
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây
(Chiều)
3. Bẵng đi một quãng thời gian thật dài, nhà thơ Hồ Dzếnh (Hà Triệu Anh) và nhạc sĩ La Hối, tác giả “Xuân và tuổi trẻ”, (La Doãn Chánh 1920-1945) -hai con chim lạ bay từ Quảng Đông đến làm tổ trên đất Việt- bặt vô âm tín, nhưng đã để lại vô vàn dấu ấn khó phai. Riêng trường hợp Hồ Dzếnh, kẻ bảo còn, người nói mất hoặc đã gác bút xoay ra làm nghề thợ đúc thép, rồi thợ cơ khí ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Những ai từng yêu thơ văn Hồ Dzếnh ắt không khỏi buồn lòng, vì tên tuổi ông tuyệt nhiên không hề được ghi nhận ở trong cả hai pho sách đồ sộ: Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân (1942) và Nhà Văn Hiện ĐạiChân trời cũ (tập truyện ngắn, NXB Á Châu, 1942); Cô gái Bình Xuyên (Tiểu thuyết, NXB Tiếng Phương Đông, 1946); Quê ngoại (tập thơ, NXB Nguyên Hà, 1943). Nhưng dù sao – theo “Lời giới thiệu” của nhà thơ Vũ Quần Phương trong “Hồ Dzếnh – tác phẩm chọn lọc” (NXB Văn học Hà Nội, 1988) – tác phẩm của ông không nhiều, lại không tập trung ở một tờ báo hay đặc san nào. Với bản chất thầm lặng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình như là người mới bắt đầu vào nghề viết. Tuy nhiên, với 2 tập văn “Chân trời cũ” và thơ “Quê ngoại”, Hồ Dzếnh được biết đến như một nhà văn, một nhà thơ có chân tài. của Vũ Ngọc Phan (1941). Phải chăng, lúc ấy ông chưa hẳn đã thành danh và toàn bộ tác phẩm (không nhiều lắm) của ông chỉ ra mắt công chúng sau những thời điểm trên:
Mang trong mình hai dòng máu Hoa Việt, hồn thơ của ông luôn dạt dào nguồn cảm xúc từ “Quê ngoại”, một-cõi -đi-về rất thiêng liêng trong ký ức lịch sử của riêng ông. Ta hãy nghe ông tâm sự: “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông Cổ, trôi qua Thiểm Tây, Cam Túc, luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng…” Để rồi ông dừng lại ở thôn làng Đông Bích, huyện Quảng Xương, ở bến đò Ghép (Thanh Hóa) mà thương quá Việt Nam:“Hỡi nước Việt Nam, tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên giải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trình lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu và trong số những người này, chị Yên tôi là một…” (Chân trời cũ).
Kể từ khi nhà thơ Hồ Dzếnh qua đời (13.8.1991) đến nay, nhà xuất bản Văn học Hà Nội mới tìm được và lần lượt cho in “Chân trời cũ” – tuyển truyện ngắn và thơ, “Cuốn sách không tên” – tập truyện nhỏ của Hồ Dzếnh. Gần đây, nhân đọc lại một bài viết của nhà văn Vũ Bằng, chúng ta được biết thêm Hồ Dzếnh còn là tác giả của những tập truyện dài “Hai mối tình” và “Những vành khăn trắng” với bút hiệu Lưu Thị Hạnh, tên người vợ đầu rất xinh đẹp mà yểu mệnh. Và đúng vào dịp giỗ 2 năm Hồ Dzếnh (13.8.1993 – trên tuần báo CGvDT, qua ông Nguyễn Khắc Xuyên trong bài “Thi sĩ Hồ Dzếnh và Kitô giáo” –  chúng ta lại được biết thêm một nguồn thông tin quý báu: Hồ Dzếnh được rửa tội ngày 23.3.1941 tại Nhà thờ lớn Hà Nội, do cha Villebonnet (M.E.P.) chủ sự, và người đỡ đầu là ông Paul Trần Đình Kỹ, một trí thức Công giáo đất Thanh Nghệ (sau cùng với cha Gras – Đỗ Minh Vọng O.P. mở trường trung học Công giáo đầu tiên mang tên nhà bác học Pasteur). Hồ Dzếnh nhận tên thánh là Paul Thérèse, tên thánh ông bố thiêng liêng và “Người em gái” vô danh đã xuất hiện ngay từ những dòng thơ đầu đời (1938):
Người yêu tôi đeo cây thánh giá
Tự nghìn xưa Chúa chịu cực hình
………………………………………….
Miễn là ở chốn xa xôi ấy,
Lạy Chúa xui nàng nhớ đến con.
Đọc mấy dòng thơ trên, có người tỏ ý tiếc cho cái tài hoa kia chẳng mấy toàn tâm toàn ý và dài hơi cho văn học nhà đạo. Biết làm sao hơn? Tại sao ta không nghĩ rằng khi yêu đất nước con người, khi làm giàu văn thơ Việt Nam, nhà thơ Paul Thérèse Hồ Dzếnh đã gieo vãi cơ man nào là điều tốt đẹp mà một Kitô hữu gốc gác thuần thành chưa chắc đã làm được bằng ông, như ông. Thì ra văn học Kitô giáo ở nước ta đến nay còn thưa thớt nhạt mờ lắm, bởi ít ai để ý, quan tâm hoặc đầu tư gầy dựng. Hèn chi mà cứ trở nên xa lạ, giữa dòng chảy văn hóa dân tộc.
Trong ý nghĩa riêng tư, tôi hằng tin rằng văn học rất hào phóng và tấm lòng công chúng càng hào phóng hơn khi cảm nhận cái nội lực của ngòi bút, cái chân tài phát tiết ra chỉ cần từ một câu một chữ, từ một tác phẩm –”tác-giả-một-bài” – làm quà để lại cho đời. Đó là trường hợp của Vũ Đình Liên với “Ông Đồ”, Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”, Hoàng Cầm với “Lá diêu bông”, Nguyễn Xuân Sanh với “Màu thời gian”, T.T.KH. với “Hai sắc hoa ti-gôn” hoặc Kiên Giang với “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”, v.v.. Ngay đến cả Hàn Mặc Tử, một-nhà-thơ-con-chiên-ngoan-đạo kia mà cũng chỉ có được một tập mỏng manh “Xuân Như ý” với trên dưới mươi bài chuyên chở nội dung tôn giáo thì nhà-thơ-mà-chúng-ta-yêu Paul Thérèse Hồ Dzếnh phải được coi là “ngoại lệ” hay “biệt lệ”. Bởi thế, khi ngắm nhìn “Người em gái” hoặc “Hồng Phúc” trong “Hoa mẫu đơn” – những người tình không chân dung – là ta đã đi vào “ngõ đạo”, gặp được tâm tình êm ả mà thiêng liêng của Hồ Dzếnh. Từ “ngõ đạo” đến “lẽ đạo”, quãng đường nhà thơ đã đi, đã đến, đã gặp và mời mọc những ai đồng hội đồng thuyền:
Con gái Nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn con gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em
……………………………………………
Chủ nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến tận giờ
(Hoa mẫu đơn)
Chưa nhiều, nhưng đã đủ. Thơ Hồ Dzếnh là vậy. Đừng đòi hỏi một số lượng không cần thiết. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, cái thế giới ngôn ngữ nhà đạo – vốn dĩ chỉ dùng trong kinh sách – đã được Hồ Dzếnh nạp thêm năng lượng, chắp cánh, phóng nó vào tầng khí quyển của thi ca Việt Nam. Không xuất thần và huyền nhiệm, cao xa như thơ Hàn Mặc Tử, bởi Tử đi từ máu thịt của đạo ra đời mà Hồ Dzếnh thì len lỏi từ đời vô đạo. Ông khởi hành lặng lẽ từ cuộc sống rất đời thường pha lẫn chút hoa hương thơm thảo của giáo đường, hồi chuông, xem lễ, lời kinh, lời nguyện, mẫu đơn, Chủ nhật, áo trắng, buổi hẹn, để đến với cõi linh đạo, với Chúa toàn năng.
Cho phép tôi chuyển đổi vài ba từ trong câu hát ví von của dân gian:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em KHẤN DÒNG, anh tiếc lắm thay!
“Nụ tầm xuân” của ca dao có khác chi “đóa mẫu đơn” của Hồ Dzếnh đâu? Bằng một mối tình, một khấn hứa, một chuyện lòng riêng tây, Hồ Dzếnh dẫn ta bước vào cõi thánh thiêng chung của Đạo, mến Chúa và yêu người. Đường của thi ca bằng phẳng, trơn tru như mật ngọt rót vào tai, như nhịp võng mẹ ru trong xóm giáo buổi trưa hè êm ả:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
(Ca dao Công giáo)
Lê Đình Bảng 
Ngoại ô, ngày 13 tháng 8 năm 1997