Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mùa Đông. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Ngày cuối năm


Phận bạc
Chỉ có chút quà lo Tết thôi,
Nào hay ai lại cướp đi rồi.
Tuổi già phận bạc thân càng khó,
Người nỡ lòng nào cướp của tôi,
NM
                 Ngày cuối năm
Cõi đất hoang cuối làng Hạ ngay bên bãi tha ma. Chỗ đất trống ấy bỏ um tùm vì nhà nào có mồ mả cũng không muốn để sát vào luỹ tre bên xóm có người ở trong. Chỗ này mọc lên những bụi cây ké, cây lá cối xay, cây dướng và bụi lau. Đôi khi, con trâu đi qua quơ mõm chẳng có cỏ rả nhai được, lại lảng ra.
Thế mà vẫn có người ở. Chỗ tận cùng nào chẳng có người ở. Nhưng trong làng không bao giờ coi đấy là xóm, là ngõ, kẻ đến kẻ đi không biết thế nào. Chỉ những người lưu lạc đến đây ngụ cư, trai tráng không có tên trong sổ đinh, không được đóng hàng giáp. Thằng mõ làng còn được chia phần ngồi một mình ngoài cửa, chứ người ngụ cư thì chưa được bằng cu mõ. Ấy thế nhưng hàng năm khi nước sông Cái lên to, trên phủ sức về lấy đinh đi hộ đê thì ông phó lý lại tróc đến cái xóm hoang này. Mày đến nương nhờ đây, mày uống nước giếng đầu làng đây thì mày phải làm thân con lừa cõng việc quan sai. Lão ta trôi giạt đến bãi hoang từ bao giờ. Người ta gọi lão là lão, tên lão là lão hay đấy là cái tiếng để gọi người già mà lão già từ khi nào lão cũng không nhớ. 
Chẳng mấy lúc đã đến ba mươi tháng chạp. Phiên chợ áp Tết, tiếng à à chợ búa nháo nhác đằng cây đa bên kia cánh đồng đã vang động từ sớm. Tiếng vịt cạc cạc, tiếng bò rống, tiếng người chửi nhau... Có xào xạc thế mới ra ngày chợ vét. Bởi vì sớm mai đã mùng một năm mới rồi. Ai dư dả tiền thì chúng họ thong dong đi sắm sửa từ những ngày chợ trong năm. Phiên chợ này của người cố cùng mới chạy được vài tiền, vội nhoáng nhoáng đi vơ cút rượu, thẻ hương, miếng thịt lợn cúng, lẻ gạo nếp... Lão cũng chẳng đào đâu ra đồng nào mà mó đến những thứ sắm sửa ấy. Lão chẳng màng đến phiên chợ. Cái Tết, lại cái Tết, rồi lại cái Tết, những tết nhất thờ ơ qua đi. 
Khốn khổ, ấy thế mà lão, chỉ có lão, lão thuộc tất cả ruộng lúa, ruộng màu, ruộng đồng cao, đồng xa của mọi nhà trong làng. Bởi vì lão quanh năm đi làm thuê đã cày bừa tát nước tháo nước nhẵn các mặt ruộng.  
Bây giờ thì lão đi cuốc. Ruộng trồng màu phải cuốc mới kỹ được đất. Để cắm dây khoai lang, khoai nghệ, lại cải thìa.., lắm giống mới quá. Ruộng huệ hoa trắng lôm lốp như đứa chít khăn đại tang. Chúng nó hoá rồ đến nơi, trồng các cái ăn cái uống linh tinh. Chẳng bận đến lão. Lão chỉ biết bổ nhát cuốc, lão mong được có việc làm suốt giêng hai. Nhưng đến năm cùng tháng tận thế này thì cũng chẳng nhà nào còn mướn cuốc ruộng nữa. Lão không làm dối, mà có lẽ bởi lão cuốc chậm. Cái già đã hất miếng cơm của lão. Nhưng chẳng cần, lão có việc khác, lão ối việc, có người thì có việc. Nhà kia gọi sửa bờ rào, đóng cổng ngăn, đào cái rãnh tát nước dưới ao, lại đánh gộc tre và không đi làm thì lão đi đặt đó, đánh lờ, kéo vó tôm, câu ếch, lão không đi chợ, nhưng thấy người ta đi chợ Tết thì lão cũng nghĩ có khi ta nên đi chợ đong lẻ gạo nếp, mua thẻ hương, khốn khó đến thế nào thì cũng phải lo nhớ đến các cụ. Nhưng chỉ nghĩ chứ chưa Tết nào lão đong được bát gạo, mua được thẻ hương, rồi cái nghĩ nhạt dần, rồi thôi, mà cứ mùng một Tết, lão múc bát nước mưa đem vào đặt lên hòn gạch ông đồ rau trong bếp cúng ông vải và vua bếp, lão cúng chay. 
Ờ thì cũng phải đi chợ một cái xem làng nước họ chợ búa ra sao. Cái phiên chợ chửi nhau, đánh nhau, cướp giật của nhau cũng vui mắt đấy. Vẫn còn hàng lá dong, lạt giang bởi vì cũng chẳng thiếu nhà tối ba mươi mới luộc được đôi bánh chưng. Bác hàng dừa bày lên mặt gánh một đống gáo dừa có chuôi cả sọ, có cái đã đẽo thành muôi, chỉ một chốc đã bán hết nhẵn. Thiên hạ mua gáo, mua muôi làm gì mà đổ xô vào thế. Tết nhất lắm thứ phải đong, phải múc, phải khảo chăng. Có đứa bảo sọ dừa già gọt làm quân xóc đĩa còn nảy rền trong bát hơn quân vỏ diêm. Chẳng biết thế nào, chỉ biết vào những tháng củ mật tháng ăn chơi thế này thì đâu cũng có đám thò lò, đám xóc đĩa. 
Dãy hàng tranh lơ thơ chỉ còn mớ tranh tiền rẻ nhất. Tờ giấy hồng điều đỏ khé in từng chuỗi hình mười đồng tiền. Một chinh Khải Định được lấy mười tờ tranh tiền.
Có năm lão đã mua chơi tranh tiền. Lão dán các cột lều, ngoài cửa, trong bếp. Để bói xem năm mới có tiền vào nhà không. Nhưng không khi nào có tiền vào nhà, cũng không có tiền đội nón ra đi, chẳng thấy gì cả. 
Lão vào bãi bán trâu bò. Lúc nãy chắc có nhiều trâu, nhiều bò, bởi cái bãi lầy bùn còn in vết móng trâu, lại lắt nhắt móng dê hay móng chó. Lúc này thì chợ trâu bò vắng tanh, chỉ còn mỗi một người mổ bò thuê đương cọ mấy con dao trong cái xảo thả dưới ao làng. Trong cái xảo còn có bốn cái móng bò đen gồ ghề nổi lơ lửng trên mặt nước. 
Lão nói:
- Này đằng ấy cho tớ bốn cái móng bò nhé. Tớ xin cái móng chứ không xin cái vó đâu!
Bác đồ tể mặt còn đỏ lựng. Dáng hẳn lúc nãy vừa mổ, vừa xả thịt vừa nốc rượu. Bác đồ tể nói to: 
- Có cái bong bóng nữa. Định đem vứt cho chó gặm, người có tết thì cũng phải cho chó cái tết chứ. Lão giơ hai tay như can đôi bên đánh nhau. Ấy chết. Ấy chết, đừng phí của giời. Cái móng bò ninh lên cũng được nồi nước xuýt. Cái bong bóng thì đem phơi nắng may ra bán cho con mẹ hàng rượu. Một đống tiền cả đấy. Ông ơi! 
Người đồ tể cười hề hề: 
- Ờ thì cái bong bóng để đấy chốc nữa bán cho con mẹ buôn rượu. Còn cho bố cầm cái guốc bò này về, của thằng con rể sêu tết đấy nhé. 
Câu tán dại đâm ra mất cái bong bóng. Phải mau mau kẻo nó không cho cái móng bò nữa thì có mà ăn mày. Lão vơ đâu được cái giỏ mất hom, nhét cả bốn cái móng bò còn dính lầy nhầy lông và bùn lấm. Rồi tất tả đi ngay. 
Ra khỏi chợ, lão nhìn lại cài giỏ móng bò mới thực yên tâm. Chẳng có đồng mốc nào, đi chợ cũng được những thứ này. Cái xương, cái móng cứ đun mãi tất phải ra sụn ra nước xuýt. Thế là có tết rồi. 
Đến cái quán giữa đồng, lão ngồi buộc lại giỏ. Bà hàng nước đã nghỉ dọn hàng quán trống gió thổi ào ào vào lều. Lão trói vào lại tháo ra, lại cầm từng cái móng bò lên ngắm, ngắm chán rồi lại đâm nghĩ ngợi lấn thẩn. Khốn nạn thân ông, cái móng bò không phải là cái vó bò, cái vó bò thái ra chấm tương gừng, nhai rau ráu, cái móng thì... thôi thôi ông cứ đắp bùn hầm cho mấy ngày mấy đêm thì đến sừng trâu móng trâu cũng phải chảy ra nước xuýt. Thuở xưa thằng vua còn ninh mầm đá ra ăn cơ mà... 
Ngoài ruộng, một đàn quạ khoang xúm xít trên một luống đất cày ải. Bọn chim chóc trộm ngày này đương chơi trò tranh nhau cái gì đây. Lũ quạ thoáng thấy người ra bay rào rào lên, lão trông thấy trong luống đất một chiếc bong bóng lợn, à mà không phải bong bóng lợn cái bong bóng trâu mới to ngồn ngộn lên thế. Không biết bọn quạ tha ở đâu về hay là đứa nào ném ra đây. 
Thằng mổ bò kia không cho ông thì ông cũng được giời cho, giời cho ông cái bong bóng trâu còn to bằng mấy cái bong bóng bò. Thật là của giời cho. 
Những con quạ chết đói lại táp xuống. Có con nhảy vào mổ cái bong bóng. Có con táo tợn đậu xuống vai ông lão, như toan quào vào mặt cái thằng người đến cướp cơm của nhà quạ. Những những con quạ khoang địch sao được lão ông mà túm được con nào thì ông cũng cho chúng mày vào nồi tất. Tết này ông ăn tết thịt bò ông ăn thịt quạ. Lập tức, lão huơ tay lên. Những con quạ khôn ngoan đã đọc được cơn giận nổi đùng đùng trên mặt lão. Cả lũ bay biến đi. Thế là lão nhặt cái bong bóng nhét vào giỏ. Lão nhổ cái cỏ xước tết làm lạt buộc những cái móng bò xách một bên tay. 
Lão chợt lắng tai. Tiếng chuột kêu chí chí ở góc tường đất. Không phải tiếng chuột nhắt đuổi nhau. Hình như tiếng chuột nhút nhít mới đẻ chưa mở mắt, đương chen nhau trong ổ, lão rón chân bước lại. Lão nhấc hòn gạch vồ. 
Một ổ chuột tý nhau lúc nhúc đỏ hon hỏn. Con chuột mẹ nằm giữa chưa kịp ngoái đầu lên, bàn tay lão đã chít cổ lôi ra. Con chuột mẹ giãy được mấy cái, tắc thở. Thế là cả chuột mẹ chuột con lão dốc tuột vào giỏ. Đã có thịt bò, lại thêm thịt chuột, được quá 
Lão về đến những túp lều cái xóm người ngụ cư. Cái lều của lão như đống rạ lởm chởm. Gió rét ngăn ngắt. Tự dưng, lão lẩm bẩm một câu bơ vơ: "À à thế này mới là Tết" lão đương hả hê ta đây. Mấy cái lều ở ngoài chưa thấy hơi hướng ai về. Gió thổi kẽo kẹt như có ma ở các ngôi mộ đằng kia lên đánh đu trên bụi tre.
Người ta đi đâu, lão không biết, lão cũng chẳng để ý Chúng nó trốn tết hay chạy tết, có khi kéo nhau bỏ đi luôn cũng nên. Ở ngoài tha ma có nhà nào đi sửa mộ cuối năm. Gió tạt vào mùi hăng hắc hương đám ma. Nhưng trong đầu lão chỉ đương có những cái mừng. Nước xuýt luộc bò, cho thêm cái bong bóng này vào thì ngon ngọt đứt đuôi rồi. Lại còn xó rượu đấy, rượu nhắm với thịt chuột bao tử nướng.
Lão đã tưởng ra tiếng pháo xa xa, tiếng trống đình, tiếng chuông chùa nối lên. Ba ngày tết qua rồi, đã có người gọi hẹn mừng tuổi lão từ trong năm, mùng bốn vào dọn vườn động thổ. Hôm ấy thì được chén tuỷ luý thẳng thừng rồi. 
Lão nhìn cái bờ rào cúc tần. Để những thức ăn sống sít này chỗ cao ráo cho khỏi con kiến bò vào, không khéo thì có khi cả con chó đến ngoạm mất. Nhìn trước nhìn sau, rồi lão gài cái giỏ chuột vào hốc thân cây dướng. Bốn cái móng bò và cái bong bóng trâu thì treo trên cành cây dường ở ngay cửa lều, trông ra thấy ngay. 
Lão vào bếp thổi lửa, vơ mấy cái que củi đốt sưởi rồi ngả người xuống ổ rơm.
Lão cứ nghĩ vơ vẩn toàn những cái vui, tưởng như vừa được một buổi sắm sửa bận rộn rồi lại đã cơm no rượu say ngoài chợ. Hai con mắt lão gà gà díp lại trong tiếng pháo lạch tạch đâu đây. 
Lão chợp mắt một lúc. Tiếng gió lùa rào rạt trong vòm trời âm u, trở dậy không biết sắp tối hay còn ban ngày. Lão ngồi dậy lò dò ra đem các thứ vào bếp. 
Trong hốc cây dướng để cái giỏ chuột. Bốn cái móng bò, cái bong bóng trâu thì treo trên. Nhưng chẳng thấy các thứ ấy đâu cả. Đứa nào đã thón mất. Hay con cầy, con cáo tha rồi. 
Lão nhìn quanh xem như còn có cái gì rơi xuống đất. Không thấy. Lão đứng tần ngần, cũng chẳng nghĩ ngợi ra sao

 Tô Hoài

Mộng Chiều Xuân

Nhớ mãi trong lòng buổi cuối Đông,
Trông chờ, mong ngóng Tết trong lòng...
Hương chanh thanh khiết mang Xuân đến !
Xuân của ngày xưa sao nhớ mong ...
NM 
Mùa ngóng tết thần tiên
Cuộc sống xa nhà gần mười năm đủ để tôi nhận ra một điều rằng, thời điểm nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ khu vườn tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm dậy lên trong tôi nhiều nhất, cồn cào và mãnh liệt nhất chính là những ngày này, khi những tia nắng yếu ớt đủ gọi về một ban mai tươi mới. Và làn mưa đã dễ chịu hơn, không làm đất trời xám xịt lại. Không gian ấy đưa tôi về ngày xưa, nơi tôi cùng với tuổi thần tiên bắt đầu náo nức ngóng chờ ngày sẽ mang đến bên mình nhiều nhất yêu thương.

Đó là những ngày tôi và bạn bè đến trường dưới cái lạnh đã không còn tê tái trên con đường làng vừa khô ráo sau cả một mùa lội bùn lầy đến nửa bắp chân, lại trơn tuột, phải bấu chặt mười ngón chân xuống mặt đất vẫn còn lo trượt té. Chúng tôi bắt đầu bàn với nhau về sự chuẩn bị đón tết của mình, khoe với nhau về chậu hoa vạn thọ đã chớm những nụ đầu tiên. Tôi thường là kẻ thất thế nhất, đến lúc đó mới cuống quýt đi xin hàng xóm hoặc mấy đứa bạn “dư dả” một vài cây hoa móng tay, mào gà, một bụi cẩm tú mai và chiết mấy cành vạn thọ về trồng trước sân. Thế là sau đó, buổi sáng nào cũng không cần mẹ giục vẫn dậy từ rất sớm để xem công trình của mình đã có kết quả gì chưa. Tôi và em gái đã reo lên vui mừng khi những chiếc nụ bé tí mong chờ đã rón rén nhú lên giữa bàn tay xanh vạn thọ. Nỗi náo nức trong tôi, và trong em gái tôi nữa, như được nhân lên gấp bội.
Đó là ngày trên gương mặt mẹ tôi giãn ra những nếp lo âu. Mẹ nhìn chúng tôi cười bảo: “Đi may đồ tết, mấy con!”. Niềm sung sướng vô bờ lập tức trào dâng trong lồng ngực đứa trẻ nông thôn nhà nghèo là tôi giây phút ấy. Bởi chúng tôi, mỗi năm chỉ được hai lần may áo quần mới: đầu năm học và chuẩn bị tết. Mà áo quần tết cũng chỉ là bộ quần tây áo trắng vải xoa hoặc khá hơn là vải katê để tận dụng mặc đi học luôn. Tôi vẫn nhớ, mẹ đã không thể có được chiếc áo hồng bằng vải xốp (thứ vải giờ chẳng còn ai mặc nữa) vì quá đắt, mà chỉ may một bộ đồ bằng vải bông ép màu tím hoa cà. Bộ đồ ấy giờ mẹ vẫn giữ trong tủ đồ cũ như một nhắc nhớ dịu êm.Đó là ngày mảnh vườn sau nhà lấp lánh hoa chanh. Ôi! Tuổi thơ tôi đã gắn với vườn chanh ấy quá nhiều kỷ niệm. Vườn chanh mà đâu chỉ có chanh. Nào bồ ngót, mồng tơi, rau dền. Sau những đợt mưa, vườn xanh mướt. Tôi cùng mẹ cắt rau từ chiều hôm để sáng ra tôi đội xuống chợ bán dưới cái nắng rụt rè cuối đông. Tiền bán được, mẹ sẽ cho tôi một ít để bỏ vào chiếc hòn binh đất đặt dưới gầm giường. Đến cận tết, tôi sẽ khui ra và mua cho tôi, cho em gái một chiếc vòng đeo tay bằng nhựa hay cặp nơ buộc tóc thật dễ thương. Giờ ngồi nhớ lại mới thấy hạnh phúc ngày xưa sao mà bé nhỏ, xinh xắn quá chừng. Và ngay lúc này đây, hiện rõ trước mắt tôi là hình ảnh một bé con tóc chấm vai thì thầm giữa vườn chanh đang nhẹ hương thanh khiết: “ra thật nhiều trái, chanh nhé, chị yêu chanh thật nhiều!”. Bé con ơi! Bao giờ ta lại được quay về thơ ngây?
Đó là ngày tôi cảm nhận rõ nhất không khí mùa xuân đã len vào từng hơi thở của cỏ cây, vạn vật. Để giờ đây, khi cầm trên tay tuổi mình, biết mỗi khi xuân đến lại mang theo một nỗi ái ngại xuân thì, tôi vẫn không thể ngăn tôi trong trẻo lạ kỳ, lại rạo rực bâng khuâng một mùa ngóng tết thần tiên…
Ngô Thị Thục Trang
Mùa Xuân non cao,
Vui đón mùa Xuân trên non cao,
Xuân tươi, Xuân thắm sắc hoa đào...
Lặng nhìn trường cũ mùa Đông đến,
Tuổi trẻ thầm vui, ôi nôn nao !
NM
           Một ngày cuối năm
Xuân về!
Những mầm cây cựa mình run rẩy. Gió thổi hiu hiu, dịu dàng, vuốt ve chiều chuộng. Mưa bay rất khẽ, từng hạt bụi sương lướt nhẹ qua đầu. Cây đào trơ trụi suốt mùa đông giá lạnh, cái cành khẳng khiu trồi mấu rồi nhú lên vài mầm xanh bên nụ hoa màu hồng nhỏ xíu. Không gian rộn ràng hơn khi bầy chim về hót. Trên sườn núi áo váy được giặt phơi nhìn giống những cánh bướm sặc sỡ nhiều màu sắc đang xập xoè bay lượn. Vài nhà đã thịt lợn tết, họ mời xóm làng đến ăn một bữa thật vui, số còn lại được treo gác bếp để ăn dần.
Cứ sau mùa vụ, khi những bắp ngô đã về nằm trên gác, công việc nương rẫy đã cạn là lúc người Mông ăn tết. Tết của người Mông mỗi nơi một khác, kéo dài từ đầu tháng chạp đến sau tết. Có nơi ăn tết lần lượt theo họ, có nơi ăn tết lần lượt theo các gia đình trong họ.
Tết của người Mông là một ngày hội, những cuộc chơi, những buổi hẹn hò. Người già nhớ về một thời trai trẻ, hướng về tổ tiên dòng họ. Người trẻ kiếm tìm tương lai, hướng tới một ngày mai tốt đẹp hơn, khát khao một tình yêu lớn, một cuộc sống vẹn nguyên hai chữ hạnh phúc.
Lễ hội năm nay nghe đâu khác hẳn với mọi năm, lần đầu tiên Uỷ ban xã đứng ra tổ chức, các trò chơi như đánh yến, đánh cù, ném pao,... mọi năm chỉ là trò bày ra chơi cho vui năm nay còn có giải thưởng đem về nữa. Các điệu múa, bài khèn, lời hát giao duyên,... là tiết mục để các xóm đua tài với nhau...
Sình rủ tôi đi huyện chơi, nghe nói có đoàn nghệ thuật ở dưới xuôi lên biểu diễn mấy ngày. Bọn thằng Sèo rủ tôi đi khám phá phía trong khoảng tối của Thác Tiên. Thằng nào cũng nói những lời hay lời ngọt để tôi đi cùng. Tôi chưa biết phải từ chối chúng như thế nào. Bố tôi đang ốm nằm trong nhà, mẹ tôi đến giúp bà ngoại tôi dọn sang ngôi nhà mới, tôi không thể đi đâu lúc này.
Bọn chúng ra về với sự thất vọng hiện rõ trên nét mặt, "Sẽ còn rất nhiều dịp khác để cả bọn cùng đi chơi", tôi nói vậy không đứa nào nói thêm nữa, chúng đã hiểu được lý do. Bọn chúng đi rồi tự nhiên nỗi buồn không biết từ đâu kéo đến xâm chiếm lòng tôi.
*
Buổi học cuối cùng của năm cũ hơi ồn ào, chẳng có mấy đứa để tâm đến bài vở, chúng đang nghĩ tới những ngày vui sắp tới. Cô giáo hôm nay dễ tính không kỷ luật những đứa lắm lời. Thời gian chậm chạp trôi.
Ra chơi, tôi tha thẩn một mình đi về phía hàng cây cuối sân trường, mùi thơm từ hoa lá thoảng bay nhè nhẹ. Một cơn mưa mỏng chợt đến, chợt đi rất nhanh làm tôi vừa kịp nhận ra đã vội tan biến giữa đất trời. Một cơn gió tràn tới, mùi rượu ngô nhà ai đang cất toả bay ngào ngạt. Thằng Sình vỗ vào vai làm tôi giật mình, đúng lúc đó thằng Sùng ào đến, trống báo vào lớp.
Cô giáo dặn dò cẩn thận lũ học trò trước khi nghỉ tết. Gớm, sao mà chúng nó ngoan thế, đứa nào cũng luôn mồm "vâng ạ!". Và tôi dám chắc rằng những đứa to mồm nhất kia là những đứa chóng quên nhất. Vừa nghe cô nói xong chúng đã quên mất gần nửa, ra đến cửa lớp chúng chẳng còn nhớ gì nữa.
Trống tan trường. Vỡ oà sự náo động, rồi nhanh chóng tan về khắp nẻo, sân trường lại yên vắng một mình. Ngôi trường buồn lặng lẽ. Mưa bụi lất phất bay từng lớp nối đuôi nhau là là trên mặt đất. Tôi lững thững đi về nhà, lòng cô đơn đến lạ. Mưa dày hơn. Gió lạnh nghiêng nghiêng thổi. Con đường loang loáng ướt.
*
Chiều.
Trời không mưa nhưng xám ngoét. Gió thổi vẫn đầy hơi lạnh. Cây đào đã bung vài cánh hoa. Cái màu hồng mỏng manh ấy đang run lên trước cơn gió lạnh. Vẫn còn vô khối cành khẳng khiu mới trồi lên những mấu. Còn hai chiếc lá không biết có phải từ xuân trước đang cố bấu víu vào cái cành đã già nua cằn cỗi, mỗi đợt gió thổi lại bạt đi, chỉ mạnh chút xíu nữa thôi sẽ lìa cành. Những chồi non mơn mởn đầy sức sống đang xoè ra ngay cạnh đó.
- Mơ mộng quá!
Tôi quay lại gặp ánh mắt thằng Sùng, cái nhìn của nó có gì là lạ. Tôi chưa kịp hỏi câu nào thì nhìn thấy cô giáo và thằng Sình đang đi vào vào từ đầu ngõ. Tôi vội trở về và mời cô giáo vào nhà. Cô đặt gói quà lên bàn. Bố tôi ngồi nhỏm dậy.
- Cảm ơn cô giáo đã đến nhà, mang quà làm gì, chỉ cần đến chơi thôi...
Cô giáo vội nói:
- Nghe tin anh ốm, em tới thăm. Anh đã đỡ tí nào chưa ạ?
- Đỡ rồi! - Bố nói. - Khỏi đến nơi rồi ấy chứ, cái thuốc của y sĩ Kiên tốt thật đấy.
Mẹ tôi đi lấy rau về thấy cô giáo đến chơi, vui quá bỏ bó ngồng cải ngoài cửa vào nhà ngồi nói chuyện. Câu chuyện kéo dài từ chuyện chồng con của cô giáo đến chuyện làm nương, dựng nhà, lễ hội ,bánh trái, bếp núc, tết nhất,... Không ngờ cô giáo là người Kinh mà lại biết nhiều về phong tục của người Mông đến thế. Bố mẹ tôi nói chuyện với cô giáo nổ giòn như rang ngô trên bếp...
- Chơ ơi, về đây cô bảo.
Bỗng cô giáo gọi tôi lại gần.
- Thấy em thích đọc sách cô cho mượn cuốn này, đọc hay lắm, tri thức nhân loại phần nhiều đến từ sách vở, thích đọc sách là một điều tốt.
- Dạ. Em cám ơn cô ạ!
Tôi đáp rồi đón lấy quyển sách từ tay cô. Lần đầu tiên tôi được cầm trong tay một quyển sách dày và đẹp đến vậy. Sùng và Sình ngồi sát lại bên cạnh. Tôi đặt cuốn sách lên đùi, hàng chữ mạ vàng trên nền bìa màu nâu: "Truyện cổ các dân tộc Việt Nam". Sùng đưa tay rờ lên mặt chữ.
- Đẹp thật đấy! - Nó suýt xoa. - Lúc nẫy thấy cô giáo cầm tao cứ tưởng là hộp bánh, sao nhìn thấy giống thế.
- Mày thì suốt ngày nghĩ đến ăn. - Sình nói.
- Dễ mày không ăn mà sống được chắc. - Sùng cãi lại.
Mẹ bảo chúng tôi đem sách ra ngoài hè, trời sáng dễ xem hơn. Cả ba thằng chạy tót ra sân. Chúng tôi ngồi chụm đầu lại đọc. Một thế giới đầy mầu sắc huyền thoại hiện ra, cái thiện luôn thắng cái ác dù trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy nó luôn phải chịu muôn vàn khổ cực. Cuối cùng cái thiện cũng đến được thiên đường hạnh phúc.
Bất giác tôi thấy câu chuyện vừa đọc có cái gì đó giống với thời tiết lúc này đến thế, mùa đông héo úa dẫu có dài dằng dặc rồi cũng phải đi qua để mùa xuân tràn về, cây cối cằn cỗi rồi cũng đến ngày đâm chồi nảy nở những mầm xanh./.
 ST 
Vì sao lạc,
Sao lung linh huyền ảo,
Trong thời khắc đón Xuân...
Chợt thấy hồn thanh thản,
Dưới trời sao thênh thang
NM
"Cuối năm... gặp Mim!"
 Có người như mình. Về ăn Tết muộn. Lại đi một mình. Có vấn đề đây. Tránh ra không dây dưa - Tôi tự nhủ khi thấy bóng một cô gái ở chỗ đón xe dù đi Huế.
- Bạn đi mô ? - Một giọng Huế cất lên. 
- Truồi - tôi đáp 
Kinh nghiệm của một thằng bần hàn chảy trong huyết quản cho tôi biết cô ta cũng dạng rách như mình. Tôi có hai lời nguyền từ thuở bán cả máu để lết vô  giảng đường đại học - Không lấy vợ sớm. Không lấy vợ nghèo. Kết hợp hai cái nghèo ra cái mạt. Tốt hơn là tránh từ xa.  - Truồi có dâu ngọt lắm!
-  Ừ.
- Bạn là sinh viên? 
- Ừ.
- Trường mô?
- Bách khoa.
- Khoa mô?
- Hỏi chi kỹ rứa? - Tôi khó chịu ra mặt.
Thấy cái vẻ khó ưa của tôi, cô ta bĩu môi quay lưng .Nghĩ mình cũng mất lịch sự, tôi hỏi cho có chuyện:
- Học trường mô ?
- Bách khoa  - Ngành cơ khí - Cô ta khinh khỉnh đáp.
Ôi mẹ ơi! Con gái! Tôi đã nê nể nhưng vẫn hoài nghi :
- Sao không gặp?
- Mới dứt sữa phổ thông mấy tháng.
-  Hèn chi... giọng Hoa Học Trò !
- Còn hơn giọng cụ non - Cô ta trả miếng...
Tôi lén nhìn cô ta. Tóc dài. Suôn mượt. Đen tự nhiên. Không nhuộm. Không duỗi. Giờ của ấy thuộc loại quý hiếm. Mái tóc “nhà quê” ấy ưa nhìn thật, cứ muốn “sờ” bằng mắt! Vũ khí hủy diệt của cô ta chính là bộ lông mày đậm như mực tàu trên đôi mắt to và sáng. Đúng là “nét xuân sơn” cụ Nguyễn Du tả. Nhưng xách hành lý cũ mèm, áo quần tầm tầm, chắc hàng sida!
Một chiếc xe đò trờ tới. Cô ta vẫy tay rối rít. Tôi cũng vẫy. Lơ xe hỏi:
- Đi mô?
- Huế. Còn chỗ không?
- Khối! Đưa xách đây! - Anh lơ bảo cô gái. Nhưng cô ta không đưa, ôm khư khư vào lòng
- Mấy? - Tôi cảnh giác.
Hắn xòe một ngón.
- Chém ác rứa!  Sinh viên mà! - Tôi nhăn mặt.
- Bước lên hay đợi xuống ẳm? - Tên lơ gầm gừ.
Líu ríu lên xe. Ghế ken kín, thiếu đường ngồi chồng lên nhau. Thằng lơ lấy một miếng ván bắc cầu giữa hai dãy ghế bảo cô ta ngồi còn tôi hắn để mặc. Tôi phải lấy cái xách bỏ xuống sàn xe làm ghế. Chưa ấm chỗ hắn đã đập thùng xe cho bác tài thắng gấp và cố nhét một người đàn ông nữa vào chỗ cô ta.
- Gãy ván! - Cô ta càu nhàu
- Gãy biết ngay. Chật mới ấm. Thích chết còn vờ!
Thằng lơ mất dạy nhe răng cười. Hắn bắt đầu thu tiền, vừa văng tục vừa dọa tống cổ xuống xe hành khách nào dám kèo nài thêm bớt.
Tôi quên ngay cô ta và bắt đầu nghĩ đến anh tôi. Anh viết thư ra lệnh năm nay tôi phải về ăn tết, với lại mừng anh đã có tiệm sửa xe. Bốn năm học xa nhà tôi chỉ về tết có hai lần. Tôi tận dụng từng mẩu thời gian để kiếm tiền ăn học. Đồng tiền đối với tôi to lắm. Không to sao được khi đến ba cuộc đời góp lại để làm nên một thằng sinh viên. Người ta sinh ra bị nhốt trong cái cơ thể mình không hề chọn lựa, trong một gia đình cũng không thể chọn nốt. Tôi ghét nhất câu “ở hiền gặp lành”. Gia đình tôi đều là người hiền lành thế mà họ gặp toàn điều dữ. Cha tôi chết vì kiệt sức, thổ huyết. Mẹ tôi bị sét đánh giữa đồng. Anh cả tôi liệt hai chân từ nhỏ. Vốn nung nấu ý chí kiếm sống bằng chính thân thể tật nguyền của mình, anh kiên trì học nghề sửa xe đạp, Honda. Khi được tin mẹ mất anh đang ngồi sửa xe ở tiệm chủ. Dầu mỡ trộn với nước mắt nhòe nhoẹt. Khi ấy tôi đang học lớp 10. Anh không cho nghỉ học. Anh bảo anh và thằng em út học không vô sẽ hành nghề sửa xe nuôi tôi học tiếp. Hai thợ nuôi một thầy. Nghĩ đến cảnh người tật nuôi người lành, em nuôi anh trái khoáy nên tôi vừa học vừa làm đủ mọi thứ kiếm tiền. Bản năng kiếm sống, khát vọng thoát đói nghèo rượt đuổi tôi khắp mọi nơi, mọi lúc. Tôi đọc ngấu nghiến những bài viết nói về những con người thành đạt từng có một quãng đời bất hạnh, nghèo khó để động viên và mơ mộng. Tôi lao vào học như điên để ra trường xếp loại giỏi. Không thế, không tiền, không giỏi sẽ không có việc làm.
Tiếng còi ầm ĩ cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi. Hộp thịt di động bắt đầu lên cơn. Lồng lên. Vượt phải. Lấn trái. Không nhường xe nào. Những cú xỏ chỉ làm tim mọi người như ngưng đập. Bàn tay cô ta bấu vào vai tôi trong nỗi sợ hãi điếng người khi những mũi xe ngược chiều cứ như đâm thẳng vào mình. “Trả tiền để về quê ăn tết chứ không phải để chết dọc đường” - một hành khách la lên. Rồi nhiều người phụ họa. “Chết biết liền. Giờ này mà đủng đỉnh có nước tết ăn cứt!”. Đó là câu nói duy nhất bác tài liều lĩnh bặm trợn cất lên.
 “Oẹ... oẹ...”. một thứ nước có mùi kinh hãi văng bắn vào quần tôi. Thì ra cô bạn đồng hành đang nôn thốc nôn tháo khi xe qua đèo. “Đi xe không được sao không đi tàu? Người ta có một cái quần đàng hoàng...”. Nhưng câu ấy chưa kịp vọt ra khỏi miệng thì tôi níu lại. Cô ta tóc tai rũ rượi tái xanh tái xám ngó thật đáng thương. Tôi lấy khăn mu xoa lau quần bắt gặp chai dầu Nhị cồm cộm trong túi lấy đưa cho cô ta. Cô ta không cám ơn còn đưa cái bì ni lông vừa nôn cho tôi quẳng qua cửa sổ .
- Dân cơ khí chi mà không chịu nổi mùi xăng dầu.
Có mẩu đèo còn rứa... - Tôi chọc quê.
- Rứa mới luyện.
Qua hết đèo cô ta tỉnh như sáo và bắt đầu hỏi đủ thứ. Dẫu sao tôi cũng có dịp cho cô ta biết sự “uyên bác” của mình về mấy thứ hoa dại linh tinh dọc đường, về “thiên hạ đệ nhất hùng quan” vua Lê phong tặng khi dừng ở Hải Vân quan trên đường đi đánh Chiêm Thành, về những con thú rừng tôi biết nhờ một thời theo cha đi kiếm củi. Cô ta nghe say sưa quên ói. Tôi cũng nói say sưa, suýt quên xuống Truồi. Khi sực nhớ cái chòi sửa xe gần chợ anh tôi khoe trong thư, tôi gọi thằng lơ xe:
- Cho xuống Truồi!
Quay qua cô bạn đồng hành, tôi vỗ vào cái xách cô ta từ biệt:
- Bye nghe!
- Meo...meo... - cái xách trả lời .
 Tôi ngơ ngác. Cô ta hoảng hốt ôm chặt cái xách vào lòng. Tiếng meo... meo... phát ra từ đó càng lúc càng to. Bác tài quay lui quát thằng lơ:
- Mi hại ông rồi! Có mèo trong xe! Tống xuống
Xui lắm!
- Mèo mô? - Thằng lơ hùng hổ tiến tới.
 Cô ta mếu máo nhìn cái xách:
- Tau cho mi uống thuốc ngủ cả viên rồi răng 
không tới nhà rồi dậy. Chừ mần răng?
- Tống con mèo xuống! - bác tài giục.
- Thả con mèo xuống! - Thằng lơ ra lệnh. Hắn xông tới định giật cái xách có con mèo. Cô ta càng ôm chặt cứng. Con mèo không ngớt meo meo. Cô ta nhìn tôi cầu cứu. Dưới “nét xuân sơn“ bây giờ là “làn thu thủy” thực sự. Tèm nhem nước mắt!
- Quẳng con mèo xuống! - Tôi khuyên nhưng cô ta lắc đầu.
- Không chịu thả thì xuống luôn đi! - thằng lơ đậ
cửa cho xe ngừng rồi kéo cô ta xuống.
- Đồ vô hậu! - Cô ta giận dữ.
Xe chạy. Cô ta ôm cái xách có con mèo đứng bơ vơ giữa đường cái quan trong bóng chiều chạng vạng.
Dẫu sao cũng tại tôi vỗ vào cái xách mà con mèo thức dậy. Tôi chậc lưỡi rồi gọi:
- Cho xuống !
Tôi nhảy xuống, đi tới. Cô ta lau nước mắt, mừng khôn xiết.
- Ai bảo đem mèo cho phiền.
 - Người ta quẳng em nhặt về cho mẹ. Nó được sống. Mẹ đỡ buồn. Nhà đỡ chuột. Nhà chỉ hai mẹ con chứ mấy!
- Cô định lên Huế bằng cách nào?
- Đón xe đi nhờ.
- Không sợ như cái cô nữ sinh báo đăng hả?
Cô ta không đọc báo. Khi nghe tôi kể chuyện cô học trò đi xe đò về quê, xe hư dọc đường xin quá giang xe tải bị hiếp tập thể, cô ta sợ tái mặt.
- Chừ răng?
- Tui không biết.
Tôi bước. Cô ta lẽo đẽo theo.
- Không sợ tui hiếp hả? - Bỗng dưng tôi nổi cáu
Cuối năm rước nợ vào thân. Cô ta nghe tôi quát giật mình lùi lại rồi ôm túi lủi thủi theo tôi. Cứ thế đến chợ Truồi. Tôi nhận ra tiệm sửa xe anh tôi tả trong thư. Đó là một cái chòi thì đúng hơn. Mấy thước đất che tạm bợ mấy tấm tôn ven đường. Chiều 28 Tết, anh vẫn chưa dọn “tiệm”. Hai anh em vẫn cặm cụi sửa xe. Thấy tôi, anh quẳng đồ nghề, chùi tay vào áo, líu lưỡi vì mừng:
- Ui chao ! Về... rồi! Về... rồi!
Thằng em út nhảy tưng tưng. Mặt hắn lem luốc như ông ẹ. Chỉ có tôi sạch sẽ trắng trẻo. Cô ta đang đứng sau lưng nhìn cảnh anh em tôi trùng phùng.
 - Ai rứa ? - Anh hỏi.
Tôi kể vắn tắt cho anh nghe.
- Tối rồi xe mô mà lên Huế? Tối ni đành ở lại thôi. Đợi anh sửa nốt cho xong cái này rồi về. Người ta lấy cho kịp Tết - Anh ra lệnh.
Anh lết 2 cẳng chân cong queo như cây sậy đến bên chiếc xe đạp sửa dở dang. Tôi muốn giúp anh nhưng loay hoay chẳng biết làm gì. Còn cô ta không nói không rằng tìm sợi dây cột mèo lại rồi cầm cái ruột xe đang vá dở vá tiếp. Anh tôi ngẩn người khi thấy cô ta thao tác thành thạo.
 - Nhà không có đàn ông, em làm hết - vá xe, vá tôn, sửa điện, sửa nước... - Chặp quen! - Cô ta cười giải thích.
Tối ấy mái tranh nghèo khó có kẻ lạ. Chỉ thằng em lăn ra ngủ. Anh tôi và tôi thức nói chuyện nhường cái giường duy nhất cho cô ta nằm. Cô ta ngọ nguậy hoài. Cả con mèo cũng thao thức vì lũ chuột. Khi anh tôi mệt mỏi ngủ thiếp trên ghế, tôi ra hiên ngồi. Đêm quê yên ắng nhưng nỗi buồn cũ cứ quẫy cựa trong lòng. Tôi nhớ hồi còn sống mẹ ước giá nhà mình có một lần nấu bánh tét cuối năm. Ước mơ nhỏ nhoi ấy đến giờ vẫn chưa thực hiện...
- Anh không ngủ à? - Cô ta bồng con mèo ngồi xuống cạnh tôi.
- Lạ nhà không ngủ được phải không?
- Em lo không thấy em về, mạ em...
- Gọi điện đi !
- Chưa sắm dế. Anh cũng không có à?
- Có mà hết tiền. Nghèo gặp mạt - Tôi lầm bầm trong họng.
- Anh nói chi?
- Mai tui mượn xe chở lên Huế sớm.
- Để em đi xe thồ cũng được.
- Con gái đi rứa... không an toàn. Chớ tin người quá. Gặp người khác là cô toi!
- Anh hay lo như ông cụ! Mẹ em nói em như cọng rau muống. Vô tâm. Ở đây sướng ghê! Đêm ngủ không cần đóng cửa.
- Nhà nghèo có chi mà đóng?
- Có êm ấm, người ta lấy trộm uổng lắm!
- Răng về muộn rứa?
- Vì con mèo.
- Mèo... mèo... mèo xui lắm! 
- Hên thì có. Được quen cụ... Được ở khách sạn ngàn sao. Này, em cũng là mèo đấy. Mẹ gọi em là Mim, gọi chệch miu đấy mà! Anh có ghét mèo không? Gặp mèo thấy xui không? 
- Xui. 
Thấy lặng im, ngó qua đã thấy cô ta nghẹo đầu ngủ. Không nỡ lay cô ta dậy, tôi ngồi im không dám cựa quậy. Muỗi vo ve. Tôi nhè nhẹ đuổi. Bầu trời cuối năm đen nhưng nhức và lấp lánh sao. Chưa bao giờ tôi thấy sao lung linh huyền ảo đến thế. Có lẽ vì tôi chưa bao giờ thức một đêm ở quê với tâm hồn thanh thản. Bỗng dưng trong đầu óc khô cằn mụ mẫm vì cơm áo của tôi hiện lên hình ảnh lãng mạn của anh chăn cừu và cô chủ nhỏ trong một đêm đầy sao trên núi cao trong cái truyện tôi đọc ở thư viện (1). 
Trên vai tôi nằng nặng một vì sao lạc.

Quế Hương

 

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Nhật ký tháng 12

Hình ảnh có liên quan
Yêu và thích,
Người có phải tự ngàn xưa tìm đến ?
Sau cơn mưa trời mát tợ bóng râm.
 Gặp nhau đây chưa tính chuyện trăm năm.
Say chút nắng cũng làm tim thổn thức !

Em rất "nhây"mà cũng không dấn bước,
Hội ngộ nhau vào tháng cuối mùa Đông.
Em ngỡ mình qua hết những ước mong.
Tim hoá đá sao tim còn mềm yếu ?!

Tháng mười hai trời sao còn giông bão,
Em cô đơn dù anh ở bên em,
Dù thích hay yêu em mãi yếu mềm
Em say nắng ! Biết khi nao mới tỉnh ?!

Về với mẹ được chở che vòi vĩnh,
Ở bên anh em cảm thấy bình yên...
Ngoài hiên mưa vẫn triền miên,
Xin cho chút nắng, bền duyên bên người 
NM

Nhật kí tháng 12... 
Tình cảm sợ nhất là những con say nắng. Không phải chỉ yêu, chỉ là thích. Người đến vội , đi cũng nhanh. Cái để lại khgo6ng phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai nầy mình sẽ như thế nào ?
Tôi là một cô gái sắp bước sang tuổi 24 và hẳn nhiên là cũng có những nỗi niềm của chính mình. Tôi vốn dĩ là người năng động và sôi nổi, hay cái cách bạn bè hay nói thì tôi " rất là nhây". Ấy vậy đã có khoảng thời gian tôi lạc mất mình. Lạc mất đi cái vốn dĩ là con người của tôi ấy để trở thành một cái tôi khác.
Cái tôi khác ấy là khi có thể ngồi một mình hàng giờ trong một quán cà phê nào đó. Im lặng, suy nghĩ và nhìn ngắm. Hay một mình chạy xe vòng quanh thành phố, cảm nhận đất trời luân chuyển theo mùa len lỏi qua từng tháng năm. Tôi thích hẹn hò với chính mình, hẹn hò cô đơn. Tôi thích cái cảm giác nhìn ngắm từng khuôn mặt trên phố, nhìn họ bình yên, nhìn họ cười để thấy an yên. Trong những lúc như thế, tôi đã nhủ với lòng mình: "Phải chăng mình đã già!"
Tôi gặp Kai một ngày mùa đông vào tháng 12, khi mà cái lạnh của mùa đông như tô điểm thêm cho từng tâm hồn đang cuộn tròn trong nỗi cô đơn của chính mình.
Lần đầu tiên thấy Kai. Tôi có chút ngại ngùng , chỉ dám len lén nhìn xem Kai là người như thế nào. Âý vậy mà ánh mắt cậu ấy nhìn vào mắt tôi khi ngồi xuống phía đối diện làm tôi giật mình. Cái giây phút ấy, tôi thấy bóng dáng mình phản chiếu lại trong ánh mắt Kai. Trong mắt Kai, tôi thấy một cô gái trẻ cười ngượng ngùng và hai má đỏ lên vì ngượng.
Kai không đẹp trai - mà duyên.Với tôi là như vậy. Nhưng cậu ấy cuốn hút tôi bằng nụ cười và cách nói chuyện khiến tôi tự thấy cả thế giới của mình ở đó, ở chính con người ấy. Kai đưa tôi về trở vè với chính mình, là cô bé con sôi động ngày nào, vẫn là tôi đây chứ không bị lạc mất bởi nhịp tháng năm.
Về những ngày sau đó, tôi tự phép cho mình hưởng thụ cái thứ niềm vui mà Kai mang lại và mặc nhiên những thứ đó thuộc về mình. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau mỗi ngày và những câu chuyện thường không có hồi kết cho đến khi cả một trong hai chúng tôi ngủ quên. Tôi cảm thấy vui khi đóng vai trò quân sư cho Kai khi cậu ấy gặp chuyện nào đó hay kể cho cậu ấy về một phần cuộc sống của mình. Tôi nhớ cái lần Kai đưa tôi lên sân khấu của một quán cà phê music tại Hà Nội, lúc đó Kai đã đăng kí một bài hát và rủ tôi song ca. Tôi ngại ngừng từ chối vì biết giọng mình vốn chẳng hay ho gì? Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt quyết tâm của Kai, tôi lại theo sau cùng cậu ấy. Tôi run lên vì ngượng trong khi Kai khá tự tin, trên bục sân khấu, Kai đứng cạnh tôi, cất lên giọng trầm ấm của mình còn tôi xấu hổ chỉ muốn chui xuống đất dưới ánh mắt nhiều người. Ấy vậy mà khi Kai kéo cho tôi chiếc ghế gần đó và kêu tôi ngồi xuống đó thì tôi lại thấy bình yên đến lạ lùng. Chúng tôi đã cùng nhau hát trọn vẹn bài hát, không ngại ngùng, không âu lo, không suy nghĩ.
Tôi như trở về là cô bé con 18 tuổi ngày nào! Thả tung hết với những nghĩ suy bộn bề để mỉm cười với những điều đẹp đẽ!
Ngày giáng sinh cận kề. Chiếc điện thoại reo lên. Là tin nhắn từ Kai." Nếu N không ngại thì mai mình đi cùng cậu đến nhà thờ nhé!"
Cô bạn cùng phòng về thăm nhà, tôi vì công việc nên vẫn ở lại thành phố. Cũng không có lý do gì để tôi từ chối Kai. Thay vì đón giáng sinh một mình thì ở bên một người bạn hẳn chẳng phải tốt hơn sao? Nên tôi vui vẻ trả lời tin nhắn:" Hẹn mai gặp cậu!" kèm theo một icon tươi rói!
Ngày lễ giáng sinh. Kai qua đón tôi như đã hẹn. Trên đường tới nhà thờ, chúng tôi cùng nhau nghe chung những bản nhạc. Một cái dây phone mỗi người một bên. Nhìn chúng tôi lúc này cũng chẳng khác các cặp đôi đi chung đường là mấy! Bất giác tôi mỉm cười với cái suy nghĩ đó!
Nhà thờ những ngày này khá đông, còn tôi thì chiều cao khá khiêm tốn nên không thể xem cận cảnh chương trình hoan ca đại lễ. Kai đi đằng sau tôi, cùng tôi len lỏi qua đám đông chật cứng người và người. Ấy vậy mà tôi cũng chen lên được hàng đầu trước ánh mắt ngạc nhiên của Kai.
Đi cùng Kai, tôi luôn thấy mình như một đứa trẻ con chưa lớn, ngốc nghếch và vô tư lự. Còn Kai thì cứ trầm ngâm, lặng lẽ đứng sau bảo vệ, hay khi tôi có vô tình quẹt qua người ai đó thì cậu ấy lại vội vàng cúi đầu nói xin lỗi giúp tôi.
Lần đầu tiên Kai đến nhà thờ, lần đầu tiên tham dự thánh lễ, lần đầu tiên thấy các nghi thức của người công giáo như thế nào? Tôi thích thú với cái vai trò là người giải thích từng các nghi thức cho Kai hiểu, và phải bật cười khi thấy cái điệu bộ cậu ấy rón rén đến gần Cha chỉ để xem cách trao và nhận bánh thánh như thế nào? Bất giác tôi nhận ra, hình như tối hôm đó, tôi đã cười thật nhiều...
Hà Nội những ngày cuối năm, trời trở lạnh ghê gớm! Mưa và gió kéo về thấm lạnh lòng người. Chợt thèm cơm của mẹ. Muốn có được cái cảm giác ngồi nhìn mẹ lấy cơm cho rồi nhắc nhở cuộc sống nơi phố xá đông đúc. Tưởng rằng mình trưởng thành và mạnh mẽ lắm. Nhưng hoá ra không phải, giọt nước mắt từ khoé mắt cứ từ từ lăn xuống. Mặn đắng.
Chạy xe trên đường, nước mưa táp vào mặt. Lạnh buốt. Về tới căn phòng nhỏ. Chiếc điện thoại reo lên. Là cuộc gọi từ mẹ. Mẹ bảo mưa gió thế này con đừng về, để trời khô ráo rồi về cũng được. Chiếc điện thoại lại rung lên báo có vài tin nhắn mới. Của Kai, Kai hỏi dồn dập như thể rằng sợ tôi sẽ biến mất vậy. Trả lời Kai rằng tôi ổn và sẽ không về nhà như đã nói mà sẽ lùi lại vào mấy ngày sau đó. Từng dòng chữ của Kai cứ xuất hiện đều đều trên màn hình...
Nhìn vào mình trong gương, tự hỏi tuổi 24 là trẻ hay già? Phải chăng nó là ngưỡng của sự lưng chừng... Phải chăng là do cô đơn quá lâu nên trái tim đã chai sạn. Vì dẫu vốn được quan tâm và yêu thương mà vẫn thấy cô đơn.
Lời của cô bạn thân văng vẳng bên tai: "Tình cảm, sợ nhất là những cơn say nắng. Không phải yêu, chỉ là thích. Người đến vội, đi cũng nhanh. Cái để lại không phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống, mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai này mình sẽ như thế nào?"
Phan Bích Nguyệt
Chào tháng 12
Bây giờ là tháng mười hai,
Em thương kỷ niệm những ngày bên nhau.
"Mười hai " xin gởi lời chào,
Biết bao thương nhớ dâng trào trong tim..
Suốt đời em mãi đi tìm,
Dư âm xưa cũ êm đềm bên nhau..
Diệu kỳ thay, mối tình đầu,
Cho em những phút xôn xao dịu dàng !
Xa rồi năm tháng hoang mang,
Anh đi để lại trăm ngàn nhớ nhung
NM
than-gui-thang-12

Thân gửi tháng 12!

Lật tờ lịch tháng 11 qua một bên, tôi lặng lẽ ngắm nhìn những con số trên tờ lịch tháng 12. Tháng 12 dịu dàng của những ngày đông vừa vui vẻ với giai điệu Jingle Bell vừa pha lẫn chút gì man mác chia li của khoảnh khắc năm cũ và năm mới. Rồi theo thói quen, tôi mặc nhiên khoanh đỏ ngày 15/12, một ngày đặc biệt đã được mặc định trong trí não tôi.
***
Con người đôi khi thật kì lạ, chúng ta sẽ nhanh chóng quên hết mọi thứ - cảm xúc và suy tư của ngày hôm qua rồi sẽ tan biến như chưa hề xuất hiện - nhưng dấu ấn về sự tồn tại của nó thì còn đọng lại như vết mực tím trên trang sách cũ, mãi mãi không phai. Mỉm cười chạm nhẹ vào con số, tôi mơ hồ thấy niềm háo hức và những rung động của tình yêu đầu xốn xang trong lồng ngực. Không phải là sự nuối tiếc mà là sự trân trọng cho cột mốc lớn trên con đường trưởng thành của tôi ngày hôm nay. Ghi nhớ và trân trọng kỉ niệm hẳn là cách mà trái tim mỗi chúng ta cảm ơn những người đặc biêt, vì họ đã dành chút thời gian đi cùng chúng ta một đoạn đường, để cùng trải qua những ngày nắng và những ngày mưa, cùng ngắm nhìn những cảnh sắc khác nhau từ một góc độ. Với tôi, tháng 12 sẽ mãi mang màu sắc và tâm trạng của con người ấy - chàng trai của một quãng đường ấm áp tươi vui; Lặng lẽ đi bên cạnh và che chở tôi khỏi những gió mưa, để rồi khi cậu đột ngột rẽ theo một con đường khác, tôi bị bỏ lại giữa cơn mưa tầm tã, hốt hoảng nhận ra phải luôn tự mang theo một chiếc ô cho riêng mình...
Chúng tôi có lẽ đã chạm mặt nhau rất rất nhiều lần trước đó, lướt qua nhau mà không hề quan tâm đến sự tồn tại của người kia. Điều ấy cũng là bình thường trong một lớp luyện thi đại học có đến vài trăm người. Ngày ấy, nếu bạn gặp tôi, bạn sẽ thấy một cô nhóc lầm lì bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Nếu trượt đại học thì mình chết đi còn hơn". Cắm cúi học hành, tôi ép bản thân thức thật khuya để rồi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ liên miên. Mỗi lần ngủ quên không đi học, tôi sẽ tìm một góc và ngồi khóc òa lên vì nỗi sợ hãi đã bỏ lỡ hết những thứ quan trọng cho bài thi. Những năm tháng ôn thi đại học, khi nhớ lại, sẽ là quãng thời gian gian nan nhưng hạnh phúc nhất của mỗi học sinh. Cái cảm giác được sống có đích đến thôi thúc chúng ta cố gắng hơn mỗi ngày. Chúng ta phải vật lộn với nỗi sợ hãi to lớn mình trở thành kẻ duy nhất trượt đại học, nhưng niềm vui của tương lai phía bên kia cổng trường đại học và sự trưởng thành còn lớn hơn nhiều. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những cô cậu học trò đến lớp luyện thi từ rất sớm để được ngồi chỗ tốt nhất - dưới cái quạt mát, vừa tầm mắt và gần thầy cô. Tôi vẫn nhớ buổi trưa hôm ấy, một buổi trưa nắng rực rỡ mặc dù mới giữa tháng 4. 45' nữa mới tới giờ học mà đi dọc từ trên xuống dưới, bàn nào cũng đã có bạn ngồi và bày đủ đồ nghề ra giữ chỗ. Tôi loay hoay giữa những lối đi, vừa bực mình vừa lo lắng. Rồi tôi tiến về phía cái bàn ở vị trí đẹp nhất, nơi thường sẽ bị giữ chỗ đầu tiên, cũng là nơi tôi thường hỏi cuối cùng:
- Ngồi chỗ khác đi, chỗ này có người ngồi rồi!
Giọng trả lời có chút hống hách. Nó không nằm ngoài dự tính của tôi, nhưng bạn gái ấy đã quên mất cả chủ ngữ câu, thêm thái độ hiển nhiên ấy, tất cả khiến tôi cáu kỉnh:
- Bạn của cậu đến chưa thế? Tớ xin lỗi nhưng cậu đến sớm thì cậu có quyền ngồi chỗ này, nhưng bạn cậu đến sau tớ thì không có lí do gì tớ phải nhường chỗ cho bạn ấy cả. Ai cũng giữ chỗ như cậu thì những người đến muộn hơn một tẹo như tớ sẽ ngồi đâu?
Tôi lấy tay nhẹ nhàng đẩy quyển vở 'đặt chỗ' sang phía bạn ấy và ngồi xuống, mặt mày cau có. Bạn ấy có lẽ quá bất ngờ nên không kịp phản ứng. Rồi bạn ấy lẩm bẩm cái gì đó nhưng tôi không quan tâm. Tôi gục mặt xuống bàn, buồn ngủ và mệt mỏi.
15' sau, bạn gái bên cạnh tôi đứng dậy vẫy vẫy tay, nói khá to:
- Tớ ở đây, lên đây đi!
Khi hai bạn nam tiến đến sát chúng tôi, tôi nghe giọng bạn nữ phân trần:
- Tớ giữ chỗ cho các cậu, nhưng bị con nhỏ này chiếm mất, đã đến sau còn vô duyên ý kiến này nọ chứ!
- Thế để tớ ý kiến nốt. Cậu không nên nói về người khác như thế, mà việc cậu đến sớm đâu có nghĩa cậu có quyền giữ tất cả chỗ ngồi trong lớp này?!
Rồi tôi quay sang hai bạn nam, tức tối:
- Hai bạn thử đến sớm đi tìm chỗ và bàn trống nào cũng không được ngồi thì sẽ hiểu tớ nhé! Mà cũng không nên để một bạn nữ phải vất vả giữ chỗ giúp mình.
Nói xong tôi lại nằm xuống bàn. Quạt trần chạy vo vo, chẳng ai nói gì về tôi nữa nhưng tôi vẫn giận. Mấy chuyện tranh chỗ này rắc rối thật, đi học thì chỉ cần lo cho mình thôi chứ.Tôi thở dài...
...Lúc học toán đến phần tích phân, tôi hoảng loạn. Tôi không hiểu nổi d(x) rồi ud(v) thì để làm gì; lớp học thêm quá đông, thầy chẳng đợi tất cả cùng hiểu rồi mới giảng tiếp; bài thầy giảng cứ thế trôi ào ào, tôi nghe như vịt nghe sấm.
Thế nên khi được cô bạn cùng lớp rủ đi học nhóm cuối tuần phần tích phân, tôi gật đầu mà không cần nghĩ ngợi. Bạn tôi bảo quen được người bạn học giỏi toán lắm, cũng rất nhiệt tình, giảng lại dễ hiểu, tôi nghe kể mà lòng vui vui. Nhưng khi bước vào quán cà phê, nhìn thấy gương mặt cậu bạn sẽ giảng bài cho chúng tôi, tôi ngờ ngợ. "Mình đã gặp bạn này ở đâu rồi nhỉ?" Bạn tôi kéo tôi đi nhanh, vì chúng tôi đến trễ 15'. Khi cậu bạn nhận thấy sự có mặt của chúng tôi và rời mắt khỏi quyển sách đang đọc, trí nhớ của tôi trở nên rõ ràng và sống động. "Là một trong số 2 bạn nam bữa trước mình giành chỗ đây mà", nghĩ đến đấy tôi ngượng đỏ mặt và quay người chạy một mạch ra khỏi quán nước chẳng hề suy nghĩ.
Lúc lấy xe tôi mới nhớ ra bạn tôi vẫn cầm vé xe của cả hai đứa. Thế là đành lượn lờ mấy hàng xung quanh, nhắn cho cô bạn tin xin lỗi rồi dặn bao giờ về thì báo cho tôi và đợi tôi một lát vì bạn ấy vẫn đang cầm vé xe của tôi.
Khi quay trở lại, tôi khá bất ngờ nhận ra chỉ còn cậu bạn kia ngồi ở góc và vẫy vẫy tôi. Tôi chưa kịp nói gì thì bạn ấy đã cười rất tươi:
- Cậu đi đâu thế, tớ đợi cậu mãi. Vé xe của cậu đây này, Ngọc về trước nên gửi tớ đưa cậu.
- Ơ... tớ...cảm ơn!
- Cậu có muốn học tích phân nữa không, đằng nào thì cũng mất công tớ đến đây rồi mà!
Và đó là cách chúng tôi từ những người xa lạ trở thành bạn. Khi nhớ lại câu trả lời người ấy đã đợi tôi rất lâu, tôi luôn tự mỉm cười: đợi chờ cũng là cách chúng ta thể hiện sự yêu thương!
Tháng 5, tháng 6 rồi tháng 7. Chúng tôi thi đại học. Rồi thì tháng 8 lặng lẽ đến và trở nên đặc biệt với ngày 25. Đó là thời điểm tôi có thể xếp lại những chồng sách vở cao ngất vẫn gối đầu giường sang một bên, mơ về giảng đường đại học và những câu chuyện tình yêu lãng mạn thời sinh viên. Đó là thời điểm cả 2 chúng tôi đều hạnh phúc vì những thành công đầu đời,vui mừng khôn xiết sau quãng thời gian chờ đợi điểm thi dài đằng đẵng. Tôi nhớ những ngày chờ điểm thi và điểm chuẩn, có những đêm tôi hốt hoảng tỉnh giấc, gọi điện chỉ để nghe một lời an ủi "Rồi cậu sẽ ổn cả thôi, cậu sẽ không trượt, mà nếu trượt thì chúng ta sẽ cùng ôn thi lại với nhau!". Ngày tôi nhập trường, cậu ấy đạp xe cả một quãng đường xa đến ngồi đợi tôi bên ngoài cổng trường, rồi rủ tôi đi ăn. Cậu đã kể rất nhiều thứ cho tôi nghe, những câu chuyện về gia đình cậu, về bạn thân, về sở thích.Thời gian của những tháng ngày sinh viên đầu tiên của tôi đã trôi qua như thế, dịu dàng và ngọt ngào vì luôn có một người bạn sẻ chia và song hành. Rồi tháng 12 đến tự lúc nào không hay!
Tôi vẫn nhớ màu sắc và cả bầu trời của ngày 15/12 năm ấy, một ngày với những cơn gió se se lạnh làm người ta muốn xích lại gần nhau, nhưng vẫn đủ nắng nhẹ để xua đi nỗi buồn cố hữu của đông Hà Nội!
Khi tôi tan học về, đã thấy cậu đứng đợi tôi đầu ngõ vào nhà, gương mặt bình thản và hạnh phúc!
- Sao cậu không nhắn tin hay gọi điện cho tớ, lỡ tớ đi đâu thì sao, cậu đợi lâu chưa?
- Đi đâu thì cũng phải về nhà chứ! Hôm nay tớ có tâm trạng, đi ăn tối với tớ nha!
Vẻ mặt và nụ cười rạng rỡ của cậu khiến tôi không hiểu nổi tâm trạng mà cậu đang có là thứ tâm trạng gì. Nhưng tôi hôm nay vẫn có thể cảm thấy sự bối rối của cô nhóc ngày hôm qua khi thấy cậu bạn thân khác lạ, bảnh bao trong bộ quần áo chỉnh chu, lặng lẽ đợi mình trong một buổi chiều dịu dàng đến lạ!
La cà khắp những con phố yêu thích của chúng tôi ở Hà Nội, ăn và tán dóc đủ thứ về cuộc đời, cuối cùng chúng tôi dừng chân trong quán café tôi thích, tận hưởng Hà Nội về đêm và ngắm ánh đèn đường qua khung cửa kính với những tách cafe ấm nóng.
- Cuối cùng thì tớ vẫn không hiểu cậu có tâm trạng gì!
- Hôm nay là sinh nhật tớ đấy - Cậu ấy nói xong rồi bật cười - Nên tớ muốn nó phải đặc biệt!
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, hẳn là tôi đã vô tâm biết bao nhiêu khi không nhớ! Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là cậu ấy lại tặng tôi một món quà sau tất cả những vô tâm và trí nhớ ngắn hạn của tôi.
Món quà đầu tiên tôi nhận được từ chàng trai tháng 12 của tôi, là một chiếc cốc có in hình cỏ bốn lá, và một tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót viết cho 'cô bạn gái đặc biệt của tôi'. Những câu chữ giản dị, ngọt ngào ấy mãi mãi là lời tỏ tình yêu thích của riêng tôi, là dấu ấn của một ngày 20/8 đầy nắng, là sự ấm áp từ một chàng trai mang tên 'mối tình đầu':
"Tớ đã đợi ngày này rất lâu. Và tớ biết rằng ngày này nhất định sẽ đến. Tớ luôn muốn được đứng đợi cậu khi cậu tan học về, để được dẫn cậu đi ăn, đi dạo phố, để được kể với cậu những điều bình dị về cuộc sống của tớ, rồi lắng nghe những câu chuyện của cậu. 15/12 là một ngày đặc biệt đối với tớ, vì trong 365 ngày, nó là ngày duy nhất của riêng tớ mà thôi. Cậu với tớ cũng đặc biệt như thế, và tớ mong cậu sẽ mãi chỉ nhìn về phía tớ mà thôi"
Đó là cách tôi học yêu tháng 12, học cách đếm những ngày tháng trên tờ lịch bàn, học cách xem sự hiện diện của một chàng trai Nhân Mã như một điều tự nhiên của cuộc sống... Nhưng trên con đường dài đầy thử thách, đôi khi chúng ta phải chọn những ngã rẽ khác nhau...
Tháng 12! Chúng tôi chia tay...và những cơn gió mùa đông trở nên buốt giá hơn bao giờ hết!
Tôi nhớ sau khi chia tay, ngày 15/12 tiếp theo, tôi đã bắt xe buýt trong vô thức đến trước cổng trường cậu. Tôi có lẽ sẽ đứng mãi ở trạm xe buýt đối diện cổng trường nếu như không nhận được tin nhắn từ số điện thoại tôi đã thuộc lòng "Sao không quàng khăn khi trời lạnh thế? Em về đi, anh không ở trường nữa đâu!".
Hôm ấy tôi không gặp được cậu, và giống như những bộ phim Hàn lãng mạn tôi thường xem, một cơn mưa ập xuống làm tôi ướt sũng, lạnh cóng và đáng thương. Cơn mưa ấy là cơn mưa dai dẳng và muộn phiền nhất mang dư vị của nắng. Mưa rơi từng hạt vội vã, tôi không sao tránh kịp. Tôi ốm! Tôi khóc! Vì mưa, vì lạnh, vì ai đó, vì tháng 12 vừa vui vừa buồn!
Thời gian trôi đi, tôi học cách luôn mang theo một chiếc ô bên mình, dù nắng hay mưa.Tôi học cách yêu thương những gì đang có, vì chúng có thể ra đi và biến mất một cách bất ngờ. 15/12 vẫn luôn là một ngày đặc biệt với riêng tôi, ngày mà tôi sẽ dành cho mình một khoảng lặng ngắm phố phường lên đèn với ly cacao nóng, mỉm cười khi đọc lại những dòng chữ nghiêng nghiêng mảnh khảnh đã từng của riêng tôi!
Gửi lời chào tháng 12 của kỉ niệm và yêu thương!
Bình Hắc Long
Tháng 12
Thương sao ôi thương quá,
Tháng mười hai cuối Đông...
Tiếng thở dài trăn trở,
Một năm giờ cũng xong !

Những cơn mưa nặng trĩu,
Tê tái cả cõi lòng...
Biết bao nhiêu cảm xúc,
Biết bao điều nhớ mong !

Mọi người vui chào đón,
Lễ hội mừng Giáng Sinh..
Cầu xin mùa ấm áp,
Cầu xin người an bình
NM

Kết quả hình ảnh cho hello december images

Viết cho tháng 12

Mới sáng sớm, cơn gió lạnh nhanh chóng ùa tan vào lòng người. Như một siêu trộm len lõi chuyên nghiệp trước khi cánh cửa khép lại mất. Co ro trong chiếc áo, người chợt run lên khe khẽ: Lạnh!…Hôm qua đài dự báo sẽ tăng cường đợt rét mới mà không để ý. Tự nhiên giật mình, ngó sang tờ lịch. Tháng 12 rồi đấy, tiếng thở dài trăn trở trong lòng 365 ngày cũng quá ngắn. Thế là đã gần hết năm!
Vội vàng khoác thêm chiếc áo ấm, đưa đôi mắt còn ngái ngủ vô hồn nhìn xuyên tạc vào màn mưa. Không rào rào xối xả như cơn mưa mùa hạ nhưng mưa của tháng 12 mang trên mình cái gì đó nặng lắm. Có lẽ do không khí lạnh? Hay do lòng người nặng trĩu? Mưa làm mọi thứ trở nên buồn, u ám xám xịt. Nói đúng hơn không ai ngóng chờ mưa về trong cái lạnh tê tái da thịt này cả.
Tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm – cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người…. Cảm giác hối hả, cập rập của một năm sắp qua xen lẫn cùng cái rạo rực, vui sướng khi sắp chào đón một năm mới làm cho ai nấy đều cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Họ cảm thấy mình cần được yêu thương, cần được chia sẻ và cần được cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống này…
Em ra đời vào ngày gió se lạnh của tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm. Ba mẹ bảo em rằng vì sinh vào cuối năm nên sẽ thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, rồi em sẽ khóc tiếng khóc đầu tiên khi họ đã biết đi… Nhưng em chẳng bận tâm, có hạnh phúc nào bằng khi em đã được sinh vào một tháng tuyệt vời như thế. Em giống như tháng 12 vậy, chẳng bao giờ lấy làm buồn vì là tháng sau cùng cả, ngược lại còn lấy làm hãnh diện về điều đó bởi: Tháng 12 là tháng của những lễ hội, của niềm vui và cả những háo hức đón chờ…
Tháng 12 mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Chính xác người ta đang tính toán với nó từng giờ, từng ngày. Có lẽ nhiệm vụ chốt sổ của năm mang trên mình quá nặng làm ai cũng hối hả tất bật khi nó đến. Một chặng đường dài đã qua. Nhìn lại mình bao nhiêu công việc còn dang dở? Những niềm vui, trăn trở còn đọng lại. Liệu 30 ngày nữa có thể làm hết bao dự định? Trong lòng bâng khuâng bất chợt sẽ chạy đua với kẻ vô tình mang tên Thời gian ấy. Hay buông xuôi cứ để nó  mải miết với gió mây?
Không còn những buổi lang thang đi dạo ngoài đường, buổi tối tháng 12 bếp lửa của mẹ lại đắt khách hơn. Em thích ngồi ở bếp, nhìn ngọn lửa bừng sáng trong bếp. Nghe mẹ kể chuyện ngày xưa rồi bây giờ. Từ cái thời ông bà ngoại còn sống vẫn nhường nhau cái áo ấm mỗi khi đông đến. Chú mèo mướp vẫn dụi dụi dưới chân người như làm nũng, chờ cái xoa đầu quen thuộc. Nó cũng đang tìm nơi ấm áp cho đêm đông giá rét.
Tháng 12 em vẫn bắt gặp những chiếc nón cời nhỏ bé trong lạnh giá, cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn. Thời tiết khắc nghiệt, mùa này cánh đồng trống trải bỏ không. Vậy mà như một thói quen người ta vẫn ra đồng. Nghe đứa bạn thủ thỉ trong điện thoại cơ quan nó ai cũng mong thứ 7, chủ nhật mãi mãi để được nghỉ, được ngủ nướng tránh cái lạnh buổi sáng của mùa đông. Em im lặng, chợt cười buồn. Người dân quê em không biết đến thứ 7 chủ nhật là gì đâu nhỉ. Điều day dứt trong họ năm hết tết đến rồi còn bao khoản cần phải chi tiêu?
Cây cối vẫn tĩnh lặng dưới mưa, thu mình trong cái lạnh. Trên con đường xuống phố huyện xuất hiện nhiều bóng dáng người bà, người mẹ trễ vai gánh hàng rong. Mặt hàng đa dạng phong phú lắm: củ khoai, mớ rau cải, nắm chè tươi, quả khế xanh…có khi hậu hĩnh hơn là mẻ cá rô đồng bắt được sau đêm đông của cha. Tiền của người nhà quê bắt đầu từ vậy đó, tích cóp từ những điều rất nhỏ. Nhiều khi cầm xấp tiền lẽ mẹ đưa, dù được xếp phẳng phiu mà vẫn dày cộm lên làm đứa con cũng bật khóc. Ừ! Mồ hôi, nước mắt của cha mẹ nằm ở đấy cả mà.
Tháng 12, mọi người háo hức chờ đón giáng sinh ấm áp an lành. Câu chuyện của đứa cháu nhỏ đều xoay quanh ông già tuyết. Có lẽ do bộ phim hoạt hình về ông già có bộ râu trắng mặc áo đỏ ấy làm mấy đứa trẻ hào hứng đến vậy. Em cười xoà kể cho cháu nghe sự tích ngày lễ noel, cây thông, món quà đựng trong chiếc tất…Ấy mà câu hỏi hôm nay của cháu làm em lúng túng “Nếu cháu ngoan thì sẽ được gặp ông già noel phải không ạ?”  Em chợt khựng lại, cũng chưa ai bảo với em ông già noel sẽ có xuất hiện ở vùng quê nghèo này không.

Ai đó nói tháng 12 cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người. Đó không chỉ cảm giác hối hả của một năm sắp qua xen lẫn sự rạo rực của năm sắp tới. Mà còn chông chênh xúc cảm riêng trong mỗi lòng người.
Tháng 12 lên face book ngập tràn những lời chia sẽ của những người con. Đó là cảm xúc của một tân sinh viên, mong ngóng ngày về với gia đình. Đó cũng là tâm trạng nôn nóng của những người con đi làm ăn xa để về thăm quê mẹ. Một tâm hồn rạo rực, sống lại cảm xúc Ngày Đoàn Tụ… Ai cũng trông ngóng, sắp được về ăn tết với gia đình rồi. Nên cũng phải cảm ơn tháng cuối năm này lắm “Nếu không có tháng 12 thì có lẽ đường về hãy còn xa lắm trong ánh mắt ngóng đợi của bao người con xa xứ. Tháng 12 cũng vì vậy mà trở nên có ý nghĩa hơn.” Chợt mỉm cười khe khẽ, tết năm nay em cũng sẽ được đón người thân trở về.
Chiều nay loa đài rộn ràng kêu gọi làm vệ sinh thôn xóm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mọi nẻo đường. Bố cũng lấy Lá cờ được cất cẩn thận có hình sao vàng ấy trang trọng treo trước nhà. Tiếng bà hàng xóm góp vui phấn khởi “Chuẩn bị đón nông thôn mới đó à? Cổng vào xã mình cũng được sơn lại khang trang lắm”. Niềm vui của tháng cuối năm bắt đầu len lõi, các bạn trẻ Đội tình nguyện rạo rực chuẩn bị Tết yêu thương cho người nghèo. Tình người ấm áp tràn đầy trên những tấm thiệp, lan toả hơi ấm lấn át giá rét của tháng 12.
Tháng 12 đã đến rồi, thãy chuẩn bị chào đón tháng cuối cùng này với tất cả những niềm vui, hi vọng và chờ đón những điều bất ngờ sẽ đến nhé các bạn, bởi những niềm vui thì thường hay đến sau cùng mà.
 Không vội vàng đâu nhé ! Ta chào Ngươi chào đón tháng 12!
Kim Chung sưu tầm và biên soạn

Cơn bệnh ơn ban

  1. Ly thân
      Trong Luận Ngữ, ông Khổng Khâu dạy: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nghĩa là khi tới năm mươi tuổi, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Vậy mà tuy đã vào tuổi U70, nhưng tôi có biết được, hiểu được mệnh trời dành cho tôi thế nào đâu? Ngay như vợ tôi (người bạn đời bốn mươi năm trời má ấp vai kề, sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái một trai, tôi có thể nhớ được rõ mồn một, đếm được vanh vách mười bốn nốt ruồi nhỏ to trên tấm thân mỏng mảnh, ngọc ngà, nuột nà, mĩ miều, không tì vết, mà nàng được Chúa thương ban), một con người cụ thể, một nhân vật sờ sờ ra đó, tôi còn không hiểu biết nổi, nói chi tới thiên với mệnh?
      Chả là cưới nhau về, tôi lúc nào cũng kính trọng nàng, chắp cánh cho nàng, để nàng hoàn toàn tự do. Tôi tin tưởng vợ, không khi nào soi mói, động chạm đến quá khứ của nàng, cũng chẳng bao giờ thắc mắc nàng ở đâu, đi đâu, lúc nào, làm gì… Những tưởng như vậy, nói như Rabindranath Tagore: “Tự do em là tự do tôi”, sẽ làm cho tình yêu vợ chồng được thăng hoa, bay cao vút cao, bay xa tít xa. Nhưng tôi lầm, lầm to. Một hôm, nàng nói:
      – Hai đứa mình đã là vợ chồng mấy chục năm mà sao em thấy cứ như người xa lạ, như người dưng nước lã. Anh chưa bao giờ hỏi thăm em khỏe không, thích ăn gì, mặc gì, đi đâu, bao giờ đi, bao giờ về. Anh không hề chăm sóc, lưu ý tới em bao giờ, dù chỉ một chữ một câu. Điều em cần đơn giản chỉ là một lời nói quan tâm, không cần ngọt ngào nhưng đừng giả dối, mà cũng chẳng được… Đạo Chúa cấm ly dị, thế thì chúng mình chắc phải ly thân thôi.
      Trời ơi! Một gia đình bề ngoài có vẻ gương mẫu như vậy, đáng mơ ước như vậy, vợ chồng chưa hề xô xát, to tiếng với nhau bao giờ, con cái đều thành đạt, nên người, mà rạn vỡ đến vậy rồi sao?! Tôi năn nỉ:
      – Em là bà quản cựu, anh là chánh trương nguyên, lại là thừa tác viên ngoại thường. Hết tình còn nghĩa. Ly thân ư? Thử hỏi cha xứ nghĩ sao? Hội đồng mục vụ nghĩ sao? Các hội đoàn, đoàn thể nghĩ sao? Tám đứa con trai gái dâu rể nghĩ sao? Lại còn phải làm gương cho mười một đứa cháu nội ngoại nữa chứ?
      Nàng cắn môi:
      – Ai nghĩ sao kệ họ, quan trọng là anh với em thôi. Anh bảo: “Hết tình còn nghĩa” ư? Để em xem. Nhưng anh cũng phải coi lại chính anh.
      Từ hôm ấy, tôi tự nhìn lại tôi, xét mình từ trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Dù đã sáu mươi tám tuổi đầu, đau yếu rề rề, đã tăng huyết áp lại còn tiểu đường, tôi giành nấu cơm rửa bát, quét nhà, giặt đồ… Tôi chăm sóc vợ (nói, xin đừng ai cười, nhiều khi tôi còn cắt móng tay móng chân cho nàng nữa cơ), lưu tâm tới nàng từng li từng tí, từ miếng cơm hớp nước, tới nơi ăn chốn nghỉ, hỏi thăm nàng khi nào đi đâu, về đâu… Nàng vui ra mặt. Gặp mặt hay luộc điện thoại nhừ tử với bạn bè cũ thuở còn đi học, nàng khoe ầm ĩ ông chồng già đầu  mà còn tuyệt vời, lý tưởng chán (!), thậm chí nàng còn nói nàng biết ơn chồng nữa cơ. Cho đến một hôm, trong bữa ăn sáng chỉ có hai vợ chồng, nàng bảo:
      – Tôi chịu hết nổi rồi. Cuối đời rồi, cuộc sống không còn tính bằng năm, mà chỉ còn bằng tháng bằng ngày. Chúa ban cho còn chút thời gian nào, tôi phải sống cho ra sống, sống chứ không phải tồn tại…
      Tôi mềm như bún:
      – Em cũng phải tự nhìn lại vai trò làm vợ của em chứ?
        Nàng cười rũ rượi:
      – Chỉ có “Ơn gọi” và “chức năng” làm vợ, chứ đâu có “vai trò” làm vợ, như anh nói. Vậy ra xưa nay tôi chỉ đóng kịch, sắm vai, làm trò thôi à? Đóng kịch, sắm vai, làm trò mà những bốn đứa con ư? Dẹp. Bỏ. Tôi sẽ là tôi, chân thật với chính mình, và với mọi người như thuở còn thơ bé… Nói thật đây, nhá! Không ai trên thế gian này, kể cả cha tôi, mẹ tôi cũng không thể bắt tôi phải đi thưa về trình, đừng nói chi anh là cái thá gì mà động tí là anh hỏi làm gì, lúc nào, đi đâu, về đâu. Tôi là vợ chứ đâu phải là nô tì, là con ăn, kẻ ở của anh?! Tôi quyết rồi, ly thân thôi.
        Tôi không nhịn được nữa. Nhịn là nhục. Thế nên tôi vùng lên:
      – Cô muốn ly thân, hả? Được. Nhưng cô đã nhất quyết bỏ tôi mà đi thì…
      Cơn giận cùng với máu nóng của tôi sôi sùng sục, bốc lên ngùn ngụt, tôi chặn đứng lối về:
      – … thì nhớ nhé, đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”, nhé!
     Trưa hôm ấy, nhìn nàng kéo va li ra cửa, tôi mới nhận thấy dù đã U60 (nàng kém tuổi tôi gần một con giáp), dù đuôi mắt đã in dấu chân chim, dù con cháu đùm đề, nhưng do ăn kiêng, lại tập thể dục thường xuyên, nên nàng không bụng mỡ, không xồ xề, mà vẫn thon thả, vẫn mi nhon, vẫn xinh gái, vẫn đẹp mê hồn… Với lại còn mấy mươi năm vui buồn sướng khổ, mấy mươi năm “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe” có nhau. Tự nhiên cảm thấy áy náy, tôi xuống nước vớt vát:
      – Gì thì gì, đã là vợ chồng bấy nhiêu năm trời, em bỏ đi sao đành?
      Nàng chẩu mỏ:
      – Đành đấy!
      Tôi dùng kế hoãn binh:
      – Vậy cho anh xin một lần “hôn để… ly hôn” (Ủa! Ly thân chứ!), được không?
      Nàng thét lên:
      – Không, không bao giờ.
      Tôi kì kèo:
      – Vậy xin “bắt tay để… chia tay” vậy.
     Nàng thét lên to hơn, đinh tai nhức óc:
      – Đã bảo không là không, không bao giờ nữa.
     Nàng bước ra chỗ chiếc xe taxi Uber chờ sẵn, không một lần quay đầu nhìn lại.
*  *  *
  1. Đầm… lạnh
      Thế là đã qua đi gần một năm trời đằng đẵng vợ bỏ. Tôi hỏi, nàng không nói, tôi gọi nàng không thưa (tôi gọi điện thoại nàng không nhấc máy, nhắn tin không trả lời, chặn hết zalo, facebook, viber… ấy mà). Con cái làm ăn xa, tha phương cầu thực, một năm về nhà được một, nhiều lắm là hai ngày tết. Vậy nên quanh năm suốt tháng tôi ở nhà chỉ một mình. Tôi nhớ quá những ngày xưa thân ái. Ngày xưa, nhiều lần, mỗi mùa Giáng Sinh, nàng bảo:  
      – Bánh chưng ngày tết thì thường quá, nhà ta gói bánh chưng đêm vọng Giáng Sinh, vừa có quà Noel cây nhà lá vườn biếu ông bà nội ngoại, vừa để con cái nhớ đời đêm sinh nhật Chúa, canh chừng ánh lửa bập bùng luộc bánh chờ đi lễ nửa đêm, rồi chờ sáng nữa, vừa ấm sân, ấm cửa, ấm nhà, ấm tổ ấm…  
      Tôi nghe, cảm thấy thêm ấm lòng nên răm rắp “vâng lời” vợ. Và của đáng tội, đúng như nàng nói, ngày ấy cái gì cũng ấm, ấm thật, ấm từ trong tim ấm ra.
      Thế nên từ ngày ly thân (ly thân chỉ là nói cho “oai” thôi, chứ có thủ tục giấy má gì đâu?), nàng bỏ đi (chỉ là đi làm ô-sin cho con lớn con nhỏ thôi), mái nhà này, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cái quái gì cũng lạnh, lạnh buốt lạnh giá, lạnh tái lạnh tê, lạnh tanh lạnh ngắt, không đầm ấm nữa, chỉ toàn đầm… lạnh thôi.
*  *  *
  1. Cơn bệnh Ơn Ban
      Tôi buồn, hình như cô đơn. Thèm người quá, ngày hăm bốn, mới sáng ra, tôi nói khó với vợ chồng hàng xóm, vợ bán vé số, chồng chạy xe ôm, đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo:
      – Thím Năm vui lòng giúp tôi. Đêm nay, làm ơn nấu giùm nồi chè, mua ly nhựa dùng một lần, phát quà Giáng Sinh cho trẻ em trong xóm được không?
      Không ngờ cả hai vợ chồng vui vẻ nhận lời:
      – Phát hết trơn hết trọi cho trẻ em trong đạo ngoài đời luôn hả?
     – Dạ, hẳn rồi. Nhưng tôi nhờ chú Năm chở tôi đi một vòng, thăm mấy hang đá nhà thờ đã, nhé!
      Chú Năm chở tôi đi thăm một nhà thờ thuộc hàng lớn nhất, của một giáo xứ được coi là sầm uất nhất nhì vùng Cái Sắn. Trong nhà thờ, hang đá Bê Lem nghèo nàn năm xưa được tái hiện bằng một hang đá giàu có, huy hoàng không tả xiết, chứa chan ánh sáng xanh đỏ tím vàng trắng, choán hết nửa gian cung thánh bên phải; rồi những ngôi sao bốn, năm, sáu cánh; rồi những đèn; những cờ; những bảng chữ điện tử… giăng mắc khắp nơi. Ngoài sân, hang đá chung của cả giáo xứ to cao lợp bằng những tấm vải bạt rộng, sơn phết làm thành cảnh núi đồi trùng điệp. Rải rác trong sân còn bảy hang đá nữa của bảy khu. Tất cả đều được trang trí cây thông, đèn, cờ rực rỡ. Cha xứ, tôi có quen biết đôi chút, mời tôi một chai nước khoáng:
      – Coi cũng bắt mắt đấy, nhưng cũng ngán… Tháng mười hai năm ngoái, nhà xứ phải trả hơn hai mươi lăm triệu tiền điện… Nghĩ tới thôi cũng chóng mặt…
      Như trúng cơn gió độc, không biết có phải do nghe cha xứ nói không, tôi đột nhiên chóng mặt. Tôi thấy mình run lẩy bẩy, hoa mắt; thấy trời đất quay cuồng, cao lên, thấp xuống, nghiêng ngả, đảo điên… Gượng đứng lên không được, tôi té sấp mặt xuống đất. Tôi loáng thoáng nghe thấy cha xứ gọi xe hồng thập tự cấp cứu miễn phí của tổ từ thiện Phật Giáo Hòa Hảo…
      … Tới bệnh viện, Cô y tá đo huyết áp, ông bác sỹ đặt dưới lưỡi tôi hai viên thuốc màu trắng, rồi họ bơm vài ống thuốc vào chai nước, truyền tĩnh mạch cho tôi. Chỉ có vậy thôi, tôi tỉnh lại.
      Chú Năm Xe Ôm lấy điện thoại của tôi, gọi cho các con tôi:
      – Ba tụi bay bị trúng gió, đang hấp hối, nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện huyện. Dzìa, dzìa gấp, dzìa hết, ngheng!
      Ngay đêm lễ Giáng Sinh, hẳn là được mấy đứa con tôi báo tin, vợ tôi nhắn tin cho tôi: “Anh đã khỏe hơn chưa? Chúc anh mau lành bệnh”. Tôi trả lời vội vã, kiểu nửa tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ: “Oh! Merci vous nhiều thật nhiều”. Nàng nhắn lại: “Hình như lời cảm ơn ba rọi này không phải của anh… Nhưng một lần nữa, chúc anh mau lành bệnh”. Tôi quên tự ái vặt, chẳng biết xấu hổ là gì, nhắn tin lại: “Em về với anh nhé!”
      Con bé Thúy Vũ, con gái út của tôi, cười toe toét, giống mẹ như đúc:
      – Nhờ ba bị đi cấp cứu mà chúng con về đông đủ thăm nom chăm sóc ba. Ba còn được người yêu bé bỏng nhắn tin hỏi thăm…
      Tôi buột miệng:
      – Mẹ khỏe không?
      Nó vẫn cười toe toét:
      – Dạ, mẹ khờ… oe… khoe… hỏi… khỏe, ạ!
      Trưa ngày lễ Giáng Sinh, tôi xin xuất viện. Bệnh viện đồng ý ngay. Năm bố con lếch thếch dìu dắt nhau về. Vừa ra tới cửa, tôi sững sờ thấy một bóng dáng thiết thân, hơi cúi đầu (tướng đi của mẫu người suy tư mà!) và dường như lưng chớm gù (do gánh nặng thời gian chăng?), cùng với tiếng cười trong veo, trong vắt như thủy tinh:
      – Anh khỏe rồi hả? Đi cẩn thận! Để mẹ dìu ba cho. Các con về đầy đủ cả đó ư? Tốt! Em về thăm anh, mừng lễ với anh và…
      Tôi lắp bắp:
      – Và đừng đi nữa…
      – … Nếu người ta không đuổi cơ.
      Gió đông bắc Nam Bộ se se lạnh. Trên cao, trời xanh ngăn ngắt. Tôi nhìn mấy đứa con, siết nhẹ tay vợ tôi, thì thầm:
      – Tạ ơn Chúa Hài Đồng. Cơn đau cũng Ân Phúc, cơn bệnh cũng Ơn Ban, bu mình nhỉ?!
Lão ngu

Kết quả hình ảnh cho hello december images