Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

NTV 5 - Truyện Màu hoa Bí-Giàn bầu của ba




Hoa Bí ơi, xa rồi......!
Bông bí rộ vàng tươi,
Trong góc vườn "ai" đó ?..
Nhắc tôi thời trẻ nhỏ,
Ngây thơ thật hồn nhiên....
Đuổi bướm cùng hái hoa,
Giữa trưa hè êm ả,
Rộn rã tiếng vui cười....
.
Bên nhau chơi trốn tìm,
Tóc mây bay trong gió,
Má đào hây hây đỏ !
Hồng thơm dưới nắng hè,
Râm ran vang tiếng ve.....
Chơi đùa vui thấm mệt,
Dưới bóng mát hoa vàng,
Vai kề vai kể chuyện...
Ôi, tuổi nhỏ thần tiên !!...

Hôm nay quay trở lại,
Khu vườn cổ tích xưa....
Vẫn bướm trắng hoa vàng,
Nhẹ đuổi nhau trong gió ....
Bạn xưa còn ai nữa ?!
Hay chỉ có mình tôi,
Ngắm hoa vàng rực rỡ....
Chỉ tôi....và gió thôi !!
Hoa bí vàng mong manh,
Như tuổi thơ qua nhanh....
Biết khi nao trở lại ?
Nối tiếp chuỗi ngày xanh !...
NM
Giàn bầu trước ngõ
Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải dắt quan khách len lỏi bên mấy trái bầu để vào căn nhà sang trọng. Nhưng không ai dám chặt phá giàn bầu bởi nó của bà nội tôi. Bà trông nó từ hồi trong quê ra. Thoạt đầu, chị em chúng tôi thích lắm, chiều chiều lon ton xách thùng ra tưới. Chúng tôi tưới như tưới hoa. Nội Bà cưòi- “Bay tưới như thằn lằn đái”. Rồi bà đổ nước soàn soạt, chúng tôi nghe theo, đổ nước soàn soạt. Dây bầu lớn. Trong cái nách mập mạp lú ra mấy trái con xanh xanh. Trái bằng đầu đũa, bằng ngón tay, cườm tay rồi to to mãi. Bữa canh đầu tiên cả nhà háo hức, nuốt tuồn tuột từng miếng bầu trong veo, ngọt lịm. Ba gật gật khen ngon, quay sang trách mẹ “sao trước giờ không mua bầu mà nấu ăn hả bà?"
Một lần, hai lần rồi ba lần, chúng tôi ngán tận cổ. mà, chết thật, nội tôi cứ trồng mãi, trồng mãi, giàn bầu ngày càng rộng ra choán hết khoảng sân kiểng của cha xanh rầm rì. Trái già đến vàng khô, không ai ăn, bà mang cho hang xóm. Hàng xóm chúng tôi cũng giàu có, họ chê nhưng cũng nhận bởi họ nể cha tôi. Nhiều quá, sớm sớm, chiều chiều, nội mang ra ngõ, này cho chị xôi chè một quả :”ăn lấy thảo”, này cho bác xích lô trái bầu “về nấu cho sắp nhỏ”. Rồi bà lại trồng.
Chị Lan nhăn nhó:
- Nội ơi, trồng chi nhiều vậy?
Bà nội cười, buồn buồn.
- Nội làm lặt vặt quen rồi. Trồng trọt để đỡ nhớ quê.
Ôi cái quên của nội. Cái quê heo hút muốn về phải đỉ mấy chặng xe, tàu. Cái quê mà mỗi lần về, vào cuối mùa mưa, đất bùn quến vào móng chân tôi, ém chặt thối đen. Cái quê đèn cầy, đèn cóc, đêm nhóc nhen kêu buồn nẫu ruột, mùa lũ, lơ phơ chỉ thấy mấy nóc nhà. Ba tôi nói “làm người đừng suy nghĩ hẹp hòi, đừng tưởng nơi mình sinh ra, nơi có mồ mả ông cha là quê hương, khắp đất nước này chỗ nào cũng là quê cả”. Cha tôi nói đúng và ông rước bà nội lên thành phố. Trước, ông chủ tịch đến nhà chơi, uống bia khà khà rồi nhắc: “- Lâu quá không gặp má, hôm nào chú mầy rước má lên, tội nghiệp bà già…” Cha bưng bát hương ông đi trước, bà nội lúi húi bưng bát hương chú Út theo sau. Ở nhà tôi, công việc nhàn đến mức bà thơ thẩn vào rồi lại thơ thẩn ra. Nhà cao cửa rộng, khéo đi, cả ngày chẳng ai gặp mặt ai. Chị tôi đi học cả ngày, mẹ tôi đến sở. Bà ra cửa trước, tôi vào cửa sau, bà lên lầu, cha đi xuống, gặp nhau ở lối ngõ cầu thang, nội ngó cha, nhắc “Lúc này bay bận rộn, đến không không ăn cơm ở nhà, khéo ngã bệnh nghen con”. Cha cười “má khỏi lo”. Rồi mỗi người mỗi ngả. Bà năng xuống bếp, quấn quít ở đấy. Chị bếp khoe:
- Bác ơi, con làm bánh tổ nè, bác cháu mình cùng ăn nghen.
Bà tôi gật gù khen ngon. Tôi tò mò nhón lấy một miếng ăn thử, nó ngòn ngọt dai dai. Thứ bánh nhà quê này xem ra có khác với Sandwich, chocolate. Bà làm nhiều thứ bánh lắm, không kể hết được, nào là bánh ngọt, bánh ú....toàn là bánh nhà quê, mà hình như chỉ tôi ăn, ba mẹ, chị Lan đều tránh xa xa hỏi " Bánh đó ăn ra làm sao? " Tôi khoe " Sáng này nội làm bánh khọt ngọt ngon lắm." Chị Lan tròn mắt " bánh gì tên ngộ vậy?
Ừ, ngộ, ngộ chứ. Nội mua về cái lò đất khói tù mù. Cha tôi chê. Nội mang ra ngoài hè đẻ đỡ ám khói tường nhà. Bà bảo:"Làm bánh khọt thì phải đốt bằng lò đất, nó mới ngon". Bà đốt lửa, mắt già tèm nhem nước mắt mùi khói thơm thơm, cay nồng. Mùa này nhiều trái bầu khô, nội hái vào móc ruột ra, lấy cái vỏ mằn mì gọt. Lâu lâu nội đưa lên nhìn, nheo nheo mắt. Tôi hỏi, nội gọt gì. Nọi cười, đưa cho toi mảnh vỏ bầu hình trái tim nỏ xíu.
- Mặt dây chuyền cho tụi nhỏ đeo.
Tôi không nén được xuỳ một tiếng.
- Thời này ai đeo mấy thứ này, nội làm chỉ mất công.
Trong đôi mắt đùng đục của bà, tôi thấy có một nỗi buồn sâu kín. Con chị bếp dưới quê lên, bà gói dúi vào tay nó mấy mảnh bầu. Con nhỏ hớn hở, vui thiệt là vui. Cũng niềm vui y, con bé bán vé số lỏn lẻn cười "Bà đẽo đẹp ghê ha". Hôm sau tôi thấy nó xúng xính xỏ cọng chỉ vào, đeo tòn ten trước cổ lạ lắm. Hình như tôi ngắm vàng ròng, cẩm thạch quen rồi. Tôi xin , bà móm mém cười "Bà để dành cho bay cái đẹp nhất nè".
Tôi gói trái tim xíu xíu kia bỏ vào ngăn tủ, chị Lan trông thấy giành "cho chị đi". Tôi lắc đầu. Chị giận bảo" chị cóc cần, ở chợ bàn hàng khối". Nhưng rồi chị quay về nài nỉ tôi . Lần đầu tiền, tôi thấy món quà của nội dễ thương đến thế.
Giàn bầu vẫn trước ngõ. Cha tôi đã thôi khó chịu, hay bực dọc riết rồi chai đi, chẳng biết bực là gì nữa. Nhưng khách đến nhà, ai cũng khen" anh ba co giàn bầu đẹp thiệt". Họ săm soi, từng mảng lá cuống hoa. Khách nước ngoài còn kề má bên trái bầu xanh lún phún lông tơ mà chụp hình kỷ niệm. Mấy anh chị sinh viên đạp xe ngang dừng lại nhìn đau đáu qua rào rồi kháo nhau " Nhớ nhà quá, tụi mày ơi" Chiều chiều, tôi ra giàn bầu xanh rượi, mơ màng nghe con ong vò vẽ trên từng phiến lá, chớp mắt nhìn chim sâu lích rích chuyển cành, chuồn chuồn rồi bướm rồi hoa thi nhau nở chấp chới. Bà nội tôi yếu hơn trước, muà mưa bắt đầu lướt sướt đi qua. Ông chủ tịch đến chơi nhà, ôm chầm lấy nội , lắc lắc " lúc này má khoẻ không?" Nội cười xoà mà nghe nghẹn nghẹn " khoẻ, má khỏe" . Cha tôi sai chị bếp mang rượu thịt ra ông chủ tịch khóat tay:
- Thôi, chú bảo chị ấy nấu canh bầu ăn.
Cha hẩng mặt. Chị bếp lúi húi gọt bầu, mùi nước canh xông vào mũi thơm lừng. Ông chủ tịch day qua bà nội khoe " lâu quá không ăn canh bầu rồi, má!" nội cười: "má nhớ bay thích nhất là ăn bầu nấu tép bạc". Cha dôi dợm mình " để con đi mua tôm". Ông chủ tịch ấn vai, bảo "thôi , chú cứ ngồì xuống, anh thèm lắm rồi, không chờ chú được đâu". Hôm ấy cả nhà tôi ăn lại bát canh ngày xưa, nghe ngọt lìm lịm lưỡi. Chị bếp ngó nội, khoái chí cười đầy hàm ý. Hình như nội tôi vui.
Giàn bầu thưa hẳn đi. Cái giống lạ thật. Nắng bao lâu vẫn xanh tốt, mới mưa dầm lại héo dây. Tôi đập vỡ trái bầu khô, lấy hạt ra ươm. Mùa mưa dữ dội, nội tôi bệnh , bà bị chứng tai biến não. Nội lơ ngơ, đã cười đã khóc thì không sao dừng được, tay run rẩy cầm ca nước, bát cơm cũng khó. Trời đổ mưa, sấm giật ầm ầm, nội thều thào nhắc:
- Sắp nhỏ đừng hứng nước mưa đầu mùa, hỏng tốt. Chà, mưa vầy ngập đồng rồi, ngâm giống gieo mạ đi thôi.
Bà nội lẩn thơ lẩn thẩn rồi, mà hình như bà chỉ nhớ về quá khứ. Nội hay ra ngoài hiên, chăm chăm nhìn giàn bầu đang run rẩy trong gió. Bà ngồi đấy lặng lẽ, thn thờ, như chờ một tiếng vạc sành, một tiếng ếch kêu. Tay bà lạnh ngắt, tôi chạy vào phòng lấy lọ dầu thoa, vẫn thấy mảnh bầu trái tim màu vàng trong ngăn kéo, cái màu vàng như của rạ, của lúa, như của mái nhà lá nhỏ lơ phơ dưới nắng chiều. Giàn bầu vẫn trước ngõ, có kẻ đi qua kêu lên, "tôi nhớ nhà". Cha tôi bảo: "có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi chúng trái tim con người." Và cha tôi lại nói đúng
ST






Bí đỏ
 Tín đứng trên lưng chừng đồi cát, đôi mắt anh ôm trọn lấy ngôi làng sau bao năm xa cách. Thân thuộc quá, như từng gốc cây bụi cỏ này bàn chân vừa mới giẫm hôm qua vẫn đang còn dấu dép...   
    Làng Tín nằm trong thung lũng, trước mặt là đồi cát, sau lưng là núi trọc đầy trảng cây bụi. Con đường đất độc đạo dẫn vào làng đầy bụi đỏ và những trảng cây bụi ăn lan ra cả mặt đường lẹm như phải tay người thợ cạo tóc vụng. Được gọi là làng ven biển nhưng muốn ra biển, người làng Tín phải vòng qua đồi cát trước mặt, dọc theo con đường đầy cỏ tranh và những cây mai biển còi cọc rực vàng vào độ cuối đông lành lạnh.
    Làng nghèo, trẻ con ít học, suốt ngày bám mặt ngoài những ruộng đất cát trồng hoa màu và ra bờ biển cào lá phi lao rụng về đun bếp. Phi lao mọc thành rừng chắn gió ven biển, bọn trẻ chỉ cần cào một lúc đã đầy sọt. Chúng gối đầu lên cát, nằm san sát nhau như những quả bí đỏ tháng tám. Mặt đỏ bừng vì nắng.
    Làng Tín nổi tiếng vì giống bí đỏ, từ thời mở đất đã lưu truyền câu chuyện nửa hư nửa thực về sự tích loài cây này. Thuở đó, có một người con gái Thuỷ thần vì quá yêu chàng trai miền biển mà đã trái luật cha, cùng chàng trai lên ở đất liền. Thuỷ thần giận dữ, năm ấy biến tất cả nguồn nước trong làng thành nước mặn. Chàng trai đi lên núi cao để tìm nước ngọt về cho dân làng, đi miết mà không tìm được. Nàng thương chàng, hoá phép thành dòng suối mát chảy ngầm trong đá. Đến khi chàng về thì không còn kịp nữa, chàng trai thương nhớ người yêu, khóc mãi rồi gục xuống trên bờ cát nóng. Mùa thu năm ấy, chỗ chàng trai nằm mọc lên một loài cây lạ. Hoa vàng rực, thân dây leo và có quả khi chín màu vàng, ngọt và mát. Người làng nói hương vị của loài bí đỏ này kết tinh từ vị ngọt của nước suối, có vị đậm đà của biển, của nước mắt đôi trai gái ấy mà thành. Bí trồng đất làng Tín, ngon không làng nào bì được.
    Tín không về làng vội. Anh đi theo đường mòn ra phía biển. Tháng ba, biển lạnh đến u buồn. Trời vừa ngả chiều mà sương đã chùng xuống, rịn từng giọt trên lá như người đàn bà mau nước mắt. Tín bốc một nắm cát, cát trắng ẩm ướt, anh thấy mặn nơi đầu lưỡi. Chỗ gốc cây anh ngồi, nơi cao quá đầu người một chút, vết khắc vẫn còn, trăng trắng trên vỏ cây xù xì, thâm xỉn. Cái cây này quá thân thiết với Tín, thân thiết như bàn tay người con gái hồi nào mềm ấm, run rẩy trong tay anh...
    ***
    Miên đang tưới nước cho ruộng bí đỏ đang độ sung sức nhất. Hoa vàng rực khắp cả cánh đồng và những ngọn non dài vươn lên trong nắng. Miên gánh hai thùng nước, nước từ cái roa nhỏ tơi như mưa nhảy trên lá, trên hoa rồi lẩn nhanh xuống cát. Chân Miên trắng lẳn như củ sắn vừa mới bóc thoăn thoắt bước giữa hai vồng bí nhịp nhàng, mỗi bước chân Miên làm những tay leo như chiếc lòxo xanh non rung lên nhè nhẹ.
    Trời sâm sẩm tối, khi đom đóm đã bắt đầu túa ra từ các bụi cây, bay lập loè, Tín mới thấy Miên tấp tểnh đi về trên triền cát hâm hấp nóng. Cát lẫn vào các kẽ chân, bám vào lai quần còn có cả những bông cỏ may khô roong vì nắng. Lửa bắt đầu lật đật cháy, bóng hai mẹ con Miên đổ vào vách nhà. Mặt nàng ánh đỏ cô đơn. Chồng Miên chết biển đã ba năm rồi, khi con bé Mai vừa chớm ngậm dây rau của mẹ. Tín còn nhớ lần ấy, Miên xấp xoã chạy, chân lẫn trong cát, cỏ tranh cào bắp chân toé máu. Nàng không khóc được. Mắt lạnh băng không chớp. Tín thương lắm, Miên như cánh chuồn ngủ đông đến mụ mị cả người rồi sang xuân không còn đủ sức để tung cánh bay lên được nữa.
    Thực ra, Tín đã thương Miên từ lâu lắm rồi, thương từ khi Miên còn son rỗi. Cả hai đã đôi lần hẹn hò nhau bên giếng Cát đầu làng, nơi dòng nước chảy từ khe đá ngọt lành tụ lại trên cát mà không bao giờ vơi cạn. Đó là vùng đất thiêng, là nơi hò hẹn của những đôi lứa yêu nhau, đã vốc nước uống trên tay nhau thì suốt đời không thể nào quên được. Ngày trước, Miên đã uống nước trên tay Tín. Hôm ấy, lần đầu tiên trong đời, Tín được cầm tay một người con gái. Bàn tay anh run run lồng vào áo, chạm vào vú nàng. Cặp vú tròn vổng, căng và ấm như ức con bồ câu chợt chấp chới vụt khỏi tay anh...
    Miên phủ phục trên người anh, đôi mắt đen nhưng nhức, bàn tay bối rối hết gỡ ra rồi lại tết vào bím tóc lấm cỏ. Miên không muốn về nhà, về nhà bây giờ là đồng nghĩa với việc mất anh mãi mãi. Ngày mai đây, Miên phải lấy chồng. Hai gia đình đã có giao ước. Chồng Miên là thợ lặn. Anh khoẻ mạnh và rắn chắc như cây gỗ lim..., chỉ tiếc một điều, vẻ đẹp đó không làm Miên thổn thức. Tâm hồn Miên, trái tim Miên đã quá thân thuộc với mùi mồ hôi của Tín, thân thuộc đến mức có cảm tưởng như đã lẫn vào nhau...
    Miên lấy chồng đúng vào ngày lập thu. Suốt đêm ấy, trời lắc rắc mưa nhưng sáng ra lại hưng hửng nắng. Miên ngồi như phỗng, chẳng buồn quan tâm cô thợ trang điểm vẽ những gì trên mặt mình... Miên nghĩ rồi đây, làm cách nào cô có thể trở thành người xa lạ với Tín. Tín sẽ không hiểu được vì sao người con gái đã uống nước suối trên bàn tay ram ráp to bè của mình rồi mà vẫn có thể thương được người khác. Nghĩ thế, thương Tín quá, Miên lại khóc. Lũ trẻ hàng xóm thích thú đu đưa nơi cửa sổ mà ngó vào ngưỡng mộ cô dâu đẹp. Đưa con ra đến cổng, bố mẹ Miên cười giòn, mặt đỏ như tô son vì ăn trầu, uống rượu. Chỉ có Miên là cứ vừa đi vừa khóc. Bao nhiêu nước mắt đã chảy từ đêm qua đến giờ, mắt húp lại, bàn chân bước trên ruộng bí đỏ hàng trăm lần, quen như da thịt mình mà sao Miên cứ vấp hoài, suýt ngã.
    Riết rồi cũng quen, ngón tay Miên đã đeo nhẫn cưới lấp lánh rồi thì làm sao còn có thể gỡ ra được. Mà dẫu có thể gỡ bỏ được thì dù Miên có lặn sâu xuống đáy giếng Cát cũng không thể nào gột nổi vết ngấn nó để lại... Làm sao có thể là Miên như ngày xưa nữa. Biết vậy, Miên yên phận. Thôi không muốn giẫm chân lên lối cỏ quen, thôi không ra đồng trồng bí đỏ nữa, chỉ sợ tâm hồn như chiếc chăn mỏng có thể bị thổi lật tung. Miên ngồi nhà vá lưới thay chồng. Bàn tay khéo léo thắt từng nút cước trắng. Từng cụm, từng cụm treo đầy sân trông như mây vậy.
    Từ hôm trời bắt đầu ngả rét, chiều nào Tín cũng ra ngồi trên bãi đá trước biển. Anh sợ những buổi chiều chập choạng trong nhà mình, cái khoảng thời gian tranh tối tranh sáng làm cho căn nhà vách đất bỗng nhiên rộng mênh mông. Sống một mình từ lâu rồi, nhưng không hiểu sao từ đợt Miên đi lấy chồng, Tín không muốn trở về nhà nữa. Mỗi lần đỏ lửa là mỗi lần Tín thấy bóng Miên rung rinh trên vách. Miên ngồi khâu áo, mắt nhìn anh, Miên vừa cười vừa cắn chỉ may, trông hiền như một người vợ thảo. Nghĩ thế, mặt Tín đỏ bừng, không phải vì hơi rượu nồng, không phải vì ánh lửa. Anh cảm thấy hơi nóng toát ra từ ngực, từ mắt, từ tóc. Người Tín đột nhiên ướt rịn mồ hôi, rân rân như kiến bò. Anh nằm ngửa trên nền gạch, mái hiên thủng lỗ chỗ lấp lánh ánh trăng đan qua kẽ lá rọi xuống người làm anh bừng tỉnh, miếng vá cồm cộm trên vai anh nhưng nhức. Từ trên mỏm đá này, anh có thể thấy Miên mỗi chiều vác lưới ướt, nước chảy xuống chân nàng từng dòng, lặng lẽ đi sau chồng một quãng. Đôi mắt u tối, sâu như biển, mọng nước.
    Nhà Miên dọn ra cuối làng, chỗ con đường mòn ra biển. Chỗ con đường mọc đầy cỏ tranh và hàng rào trồng toàn xương rồng trổ bông trắng. Chồng Miên hiền lắm, thương vợ lắm. Hiền đến nỗi dù không yêu anh, Miên vẫn thấy thương thương lạ, nên mỗi lần vào trong xóm vô tình gặp Tín là Miên lại che nón đi thẳng.
    Nhưng tránh mãi rồi cũng có lúc phải gặp nhau. Nào có ghét bỏ gì nhau mà quay lưng cho đành. Miên đã uống nước trên tay Tín rồi, dẫu không muốn, hình ảnh anh cũng không thể nào bay đi như bông gòn tháng sáu vậy. Đó là một buổi chiều, khi những con dơi đã bắt đầu rời tổ, chấp chới bay vạch nét đen giữa bầu trời. Miên ngồi ở mỏm đá, bó gối chờ chồng. Còn Tín, chờ ai, anh cũng không biết nữa. Hai người ngồi lặng bên nhau. Được một lúc, Miên thở dài "Từ mai, đừng ra đây ngồi nữa nhé!".
    Tín nghe lời Miên nhưng cũng tối hôm ấy chồng Miên lỡ hẹn. Anh đã không trở về. Bàn tay Miên cào trên cát rớm máu. Miên không khóc, lặng im như đá suốt đêm cho đến khi thấy bụng quặn đau và cơn buồn nôn ập đến, Miên mới bừng tỉnh bước về nhà. Bàn tay đặt xuống vùng bụng đã bắt đầu tròn lẳn.
    Ngày Miên sinh con bé Mai, bí đỏ chín vàng ngoài đồng. Cơ man nào là quả, chen chúc nhau dưới ruộng, bò lên cả mặt đường vụng về. Dây bí khô, xù như sợi dây thừng bở. Lũ em Miên, đứa lớn 17, đứa nhỏ lên 6 đang hì hục làm, mồ hôi vã ra như tắm. Tín cũng ra làm. Anh xếp những quả bí lên xe rồi chở về nhà, Tín đi ngược nắng, cả khuôn mặt lấp lánh đỏ. Bố mẹ Miên đang ngồi nghỉ trước hiên, anh lặng lẽ gật đầu chào rồi xếp những quả bí xuống nền đất phía tây cạnh phòng Miên đang nằm. Không hiểu sao, lúc ấy Tín lại ghé chân nhìn qua cửa sổ. Con bé đang bú, bàn tay Miên vỗ nhẹ lên lưng con. Đôi mắt nó đen nháy, anh nhìn không chớp mắt, cứ nghĩ con bé như vừa bước ra khỏi bức tranh thánh trong nhà thờ xứ nào đấy. Nhìn thấy cảnh ấy, mẹ Miên thở dài, tiếng thở nóng, nặng nhọc như người sắp cảm. Anh không nói gì, bàn chân chần chừ, định nói một câu đùa tếu táo nào đó với cụ nhưng lại không nghĩ ra câu gì. Anh vội ra ngõ.
    ***
    Sang tháng này, con bé Mai đã ba tuổi. Hết mùa lạnh rồi sang mùa nắng, Miên cứ gửi con ở nhà mà đi tìm chồng. Lũ em Miên thay nhau trông con cho chị. Miên lặn lội hết làng biển này đến làng biển khác để hỏi tin chồng. Trước lúc đi, anh chẳng để lại cho mẹ con nàng cái gì cả. Không một lời nhắn, không một miếng áo dạt vào. Đi là đi, quay lưng dứt tình như không vương vấn gì với nhau cả. Nước mắt Miên đã khô rồi, như lòng suối mùa cạn. Miên lại trồng bí đỏ. Mùa này, bí tràn xanh cả vùng cát trắng. Những trái non đang căng sữa, da chớm những vạch vàng bổ dọc trên vỏ quả xanh non. Bé Mai chỉ biết cười, đôi mắt ướt như mắt thỏ con. Miên ôm lấy con mà lắc: "Mai, con yêu mẹ không?". Con bé im lặng, chớp đôi mắt ướt, gật đầu. "Không được gật như thế - Miên oà khóc - Con phải gọi mẹ, gọi mẹ đi!". Không có tiếng trả lời, chỉ có gió thổi u ơ vào những bụi cây. Miên ngồi xoài giữa đất, đấm vào ngực mình. Trong suốt thời gian mang thai con, Miên đã không nói một lời. Có lẽ trời bắt tội Miên, bắt tội kẻ đã lấy chồng rồi mà vẫn nghĩ đến người đàn ông khác.
    Hôm ấy, hai mẹ con Miên đang làm ở ruộng bí. Mùa thu hoạch, bí đỏ nằm lăn trên bờ vàng ruộm. Miên đang xếp bí lên xe bò. Con bò vàng đứng im, miệng nhểu nhảo nhai cỏ rối. Mai ngồi trong nón mẹ, hai tay cầm hai nhánh cỏ gà đánh vào nhau. Thấy Tín, đôi mắt thỏ ánh lên. Anh bế thốc con bé hôn lấy hôn để rồi đặt con bé ngồi lên lưng bò, lặng lẽ xếp bí cùng Miên. Miên không nhìn anh, nói như thở: "Anh làm thế, mẹ con tôi sẽ bỏ đi".
    Miên tuột khỏi tay anh. Tín thấy mình trở nên thừa thãi. Anh bước chậm sau mẹ con Miên. Miên đi trước, bước chân thình thịch như trút xuống đất cả nghìn đá tảng. Anh bứt một đám cỏ lông chông thả lên trời. Anh biết, nếu anh không ra đi, nếu anh cứ mãi thế này, mẹ con Miên sẽ bỏ làng mà đi mất. Phiên chợ sẽ không còn người bán ngọn bí đỏ, sẽ không còn con bé mắt thỏ nhìn như hút hồn anh nữa... Miên thoáng vấp ngã rồi vội vàng bước tiếp. Bóng tối duềnh lên nhanh như nồi cơm đang sôi chưa kịp mở vung.
    Tín không về nhà, anh cứ thế bước đi. Sau lưng anh là mẹ con Miên và bóng tối dâng đầy.  
    Tín ngồi trên mỏm đá khi đêm xuống. Sóng dập vào đá, bục, oàm oạp, rào rào từng đợt. Anh di chân vào đám vỏ hà bám chặt trên đá. Chắc ai đó vừa mới cạy hà lúc sáng sớm, vỏ trắng lấp lánh xà cừ. Nước dâng đến chân xâm xấp, anh mới trở về làng. Ngang qua ruộng bí đỏ. Bí còn non, lác đác hoa, dây chưa vươn ra khỏi luống còn trơ đất trống. Anh vào làng, ngay con đường mọc đầy cỏ tranh, lấp lánh sau hàng rào xương rồng có bóng một người con gái. Tín cảm thấy tim mình bị bóp chặt đến nghẹt thở. Đêm tối không rõ mặt người. Người đó đang rút quần áo đã khô trên dây phơi ngoài sân, trông thấy anh chợt sững lại, chân bước giật lùi rồi bất ngờ lao lại ôm chầm lấy anh. Tín chỉ kịp nghe: "Chú ơi, mẹ con đã...". Đó là con bé Mai ngày nào. Không có tiếng khóc, chỉ bờ vai mảnh như một nhành liễu run rẩy tựa vào anh...
    Tín theo chân Mai vào nhà. Nhà tối thui, chỉ một ngọn nến nhỏ leo lét cháy ngay bàn lớn làm anh sững người. Bức ảnh của Miên đang cười. Anh gục ngã. Anh đã qua bao nhiêu đêm tối, sống trong bao nhiêu mộng tưởng mà kỷ niệm về đôi mắt đó, nụ cười đó không chút phai mờ, vậy mà giờ đây, tất cả ngay trước mắt anh mà lại nhoè đi. Anh ôm con bé vào lòng, nước mắt xót rát gương mặt sạm nắng...
    Tín đi ra ruộng bí, mấy lần suýt ngã. Tín đi ra giếng làng vục nước uống đến căng người mà không thấy đôi chim bồ câu nào bay lên. Tín đi ra phía biển, thấy đầy vỏ hà trắng xoá. Anh nằm ngả xuống cát, bứt một bông cỏ ngậm lên miệng mà không thấy thần nông, chỉ thấy Miên đang tưới nước. Những quả bí to tròn. Miên đi giữa hai vồng bí, bàn chân Miên trắng lẳn như củ sắn vừa mới bóc...
Trần Quỳnh Nga




Bau Bi Chung Gian

Thương nhớ giàn bầu năm xưa....
Giàn lá xanh xanh chen trái xanh,
Nước bầu thơm mát vị ngọt thanh....
Ngạt ngào hương lúa miền quê mẹ ,
Tình quê chất phác lại chân thành !!

Bao năm xuôi ngược cách xa quê,
Ngồi dưới giàn bầu ngắm mãi mê,
Ký ức tuổi thơ vùng sống lại....
Ôi sao thương quá mảnh tình quê !!

Mai đây lữ khách rời xa xứ,
Luôn nhớ trong lòng kỹ niệm xưa....
Của thời trẻ dại khôn nguôi nhớ :
Râm mát giàn bầu giữa nắng trưa !!
NM


Vương vấn những giàn bầu
Một buổi trưa đầu tháng Năm, về với Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), trải chiếu nằm dưới bóng cây bồ đề trước sân ngôi chùa cổ Hải Tạng, nhìn lên, chợt thấy những trái bầu hồ lô lúc lắc treo trên giàn bầu của vườn chùa. Lòng nôn nao và đau đáu nhớ về những mảnh vỡ ký ức còn in đậm cho đến bây giờ. Ký ức những giàn bầu ruổi rong theo chân mình trên khắp nẻo đường lang bạt... Ngày còn nhỏ, nhỏ đến độ mỗi lần ra đồng, mẹ để tôi lên một bên gánh, bên kia bỏ thêm vào cái gì cho cân bằng rồi gánh theo. Lúc thì vài cục gạch, lúc thì bao phân chuồng vãi lúa. Rồi lúc làm đồng về, bên gánh kia thường là khoai, bí, bắp hoặc những “sản vật” quê mùa khác. Nhưng tôi vẫn nhớ nhất là những trái bầu. Cảm giác ngồi trên một đầu gánh mẹ gánh về, bên kia là những trái bầu rung rung theo bước chân mẹ đi có lẽ tôi không bao giờ quên được. Có cái gì đó vừa vui, vừa thích thú lại vừa lâng lâng đến khó tả. Qua mỗi quãng đồng, qua mỗi bờ ruộng, bà con cô bác cười với tôi, và cũng cầm những trái bầu lên, khen bầu nhà tôi to và đẹp. Tôi vênh mặt lên như chính mình được khen vậy. Thời cơ cực của gia đình tôi cũng gắn liền với giàn bầu. Ăn Tết xong, ba lại lấy hạt bầu từ trong chỗ cất ra, đem gieo vào những lỗ đất đã làm sẵn men theo bờ ruộng. Ngày tháng cứ trôi đi, khi ngọn bầu hơn gang tay người, cứ mượt mà xanh lên thì ba bắt đầu làm giàn. Tre trúc trong vườn và nhánh cây quanh rào có sẵn, non non một buổi là giàn bầu đã được làm xong. Giữa lúc cơm mắm gieo neo, mỗi trái bầu mẹ gánh xuống chợ là cả niềm hy vọng cho gia đình tôi lúc bấy giờ. Nào mắm muối, nào thức ăn, nào sách vở áo quần cho chị em tôi đến trường. Nhà ở gần đường sắt, thường thì tờ mờ sáng, ba đã gánh giúp mẹ gánh bầu một đoạn qua chỗ dốc đường xe lửa. Rồi mẹ gánh, vượt hơn 5 cây số để xuống tới chợ. Hơn 5 cây số đường đất, đường cát để cho chị em tôi có cái ăn cái mặc. Không chỉ gánh bầu mà đôi vai mẹ còn gánh biết bao nhiêu khoai, đậu, cải, hành xuống chợ từ khi sương còn mờ mịt. Cái gánh gieo neo cứ đi suốt đời mẹ, và cho đến cả bây giờ... Rồi lòng chợt chạm vào một mảnh ký ức không lấy gì là vui lắm. Một mối tình đơn phương hồi cấp 3. Nhà em cũng làm nông, cũng có một giàn bầu. Nhưng giàn bầu ấy nằm ngay trước hiên nhà. Ngày còn lỡ dở giữa bé dại và người lớn ấy, không biết đã bao lần tôi vào nhà em, đi qua dưới giàn bầu, dưới những trái bầu từ lúc nhỏ cho đến khi gần chạm xuống mặt sân. Nhà tôi ở gần trường, em thì cách khoảng 15 cây số. Cứ canh Chủ nhật em về hoặc những ngày được nghỉ, tôi lại tìm những lý do để đến nhà em. Đạp xe 15 cây số để được nhìn em, để được nhìn những trái bầu lúc lắc dưới nắng trưa. Em chỉ hồn nhiên tiếp chuyện tôi vài lần, sau đó rồi lẩn tránh. Nói chuyện với đứa em trai của em mãi rồi nó cũng chán. Ba mẹ em thì cũng đầu tắt mặt tối ngoài đồng. Vậy là lững thững đạp xe về. Không một lời chia tay, không một câu giận dỗi, để bây giờ, giàn bầu nhà em vẫn còn vương vấn mãi trong ký ức tuổi 16 của tôi. Em giờ công thành danh toại, nghe đâu làm việc cho một công ty nước ngoài ở Sài Gòn, sắp lấy một anh chồng Việt kiều. Âu cũng là duyên phận. Lòng ngùi ngùi mừng cho em nhưng lại có chút gì xót xa cho chính mình. Tôi thì lang bạt qua biết bao miền đất lạ, nhắc tên em, và cả giàn bầu trước nhà em trong những cơn say, trong những bữa gặp mặt bạn bè cũ. Từ Hà Nội, về Đà Nẵng rồi lại trở về với mảnh vườn, chút ruộng còn lại của gia đình, lòng chợt thấy ấm áp hơn sau mấy nẻo mưu sinh đầy bơ vơ, trắc trở. Ba lại trồng bầu. Giàn bầu cũng đã được vài chục trái to như bắp chân người lớn. Sáng ngủ dậy, lại lò dò ra ruộng, ngồi dưới giàn bầu thật lâu, cho đến khi ánh nắng đầu hè xuyên qua kẽ lá bầu, chiếu vào mặt mới nhớ ra mình còn một số chuyện phải làm. Không khác gì hồi nhỏ, những trái bầu vẫn thân thương, gần gũi quá đỗi. Tự dặn mình ít hôm nữa, khi bầu hái xuống, phải xin mẹ chở giúp xuống chợ cho mẹ bán. Như vậy chắc sẽ vui hơn, sẽ thấy lòng nhẹ bớt hơn. Cụ từ giữ chùa Hải Tạng trong cái buổi trưa hôm ấy, thấy tôi nhìn những trái bầu hồ lô bằng ánh mắt vừa đắm đuối, vừa ngây thơ, vừa là lạ. Cụ bảo tháng 7 quay lại, cụ sẽ để dành cho tôi một trái về phơi khô mà đựng rượu uống như mấy ông trong phim Tàu cổ. Tôi cảm ơn cụ, hứa sẽ ra và đính chính thêm là mình vừa bỏ rượu cách đây không lâu. Cụ mỉm cười, bảo về đựng nước đem theo uống trong những chuyến đi của mình cũng thú vị. Ừ, mà tại sao lúc ấy cụ nhắc tôi mới nhớ ra nhỉ. Những cuộc phiêu lưu, lang bạt trên khắp nẻo đường đất nước của tôi còn dài, vui gì hơn là bên hông có một hồ lô nước. Cứ hết thì mua hoặc xin nước đổ vào. Và tôi nghĩ ngay đến việc xin nước giếng của chùa đổ vào vỏ bầu hồ lô lần đầu tiên. Nước giếng ở đây trong và ngọt. Không những thế, tôi tin vào sự thanh thản, may mắn khi mọi chuyện khởi tâm từ một ngôi chùa cổ...
Tạp bút của Nguyễn Thành Giang
Giàn bầu của ba
Dường như trở thành một thông lệ, cứ đến mùa gặt lúa vụ Đông Xuân, trước sân nhà tôi lại có một giàn bầu đầy quả. Giàn bầu là kết quả mà ba thu được sau khi bỏ ra bao công sức. Quả thật ba có tay trồng cây trái, ít có nhà nào có được giàn bầu như thế. Hàng xóm thường bảo: “thằng này trồng bầu nhiều trái chắc là sẽ có lắm con”. Giờ mới thấy hàng xóm nói sai bét và việc trồng bầu - sinh con chẳng có liên quan gì với nhau.
Giàn bầu của ba không giống với giàn bầu trong Giàn bầu trước ngõ của Nguyễn Đình Tư. Giàn bầu ba trồng trước một căn nhà tranh vách đất chứ không phải là khoảng sân trước căn nhà lầu sang trọng; trái bầu của ba được cả xóm quý trọng chứ không phải là thứ sản phẩm vì nể tình mà nhận như trái bầu kia; giàn bầu của ba chỉ có một vài dây trồng một lần chứ không phải “trồng mãi trồng mãi” như giàn bầu nọ,…         
Kết quả hình ảnh cho truyện ngắn về giàn bầu bí
Để có được giàn bầu lấy trái phục vụ cho bữa ăn của bà con hàng xóm trong vụ gặt lúa Đông Xuân, ba phải gieo hạt từ trước Tết. Sau Tết cũng là lúc bầu bắt đầu leo lên giàn bằng mấy cái chà tre và tỏa đi các hướng. Thường thì mỗi lần ba trồng khoảng 2 đến 3 dây ở các góc khác nhau. Khi dây bầu đã cao hơn đầu người, ba bắt đầu làm giàn cho nó. Ban đầu chỉ là bốn cái trụ với mấy thanh tre bắc ngang dọc, dần dần giàn bầu rộng thêm ra theo độ lan tỏa của dây bầu. Ngọn bầu dài ra rất nhanh theo một đường thẳng, một đêm nó có thể dài thêm ra nửa mét. Vì vậy, ngày nào ba cũng phải dậy sớm tăng thêm không gian cho nó. Khi dây bầu bò ra rộng nhất cũng là lúc sân nhà tôi không còn một khoảng trống. Từ ngõ vào đến nhà tất cả đều là nơi ngự trị của dây và trái bầu, nó còn bò cả lên mái nhà rồi kết trái trên đó. Có khi đến cuối mùa, khi dây bầu héo được gỡ xuống mới phát hiện ra vài ba trái trốn mình trên mái tranh, lúc đó thì chỉ biết dùng vỏ trái bầu làm đồ đựng nước chứ không ăn uống gì được nữa.
Lũ chúng tôi ngày đó rất thích leo trèo chạy nhảy nên ba không cho tham gia làm giàn vì sợ chúng tôi ngã. Đổi lại, ba bảo tưới nước cho cây. Mỗi lần như vậy, ba anh em tranh nhau tưới. Tưới đến nỗi xói cả gốc làm lộ rễ ra ngoài, rồi còn biến gốc bầu thành vũng nước và dây bầu bất đắc dĩ trở thành cây lúa. Cũng nhờ bầu vốn dễ sống nếu không giàn ba làm chẳng biết cho thứ gì leo nữa.
Cả nhà ai cũng quý dây bầu và giàn bầu. Mỗi ngày trước khi trời tối, chúng tôi thường ra đánh dấu xem ngọn bầu đang ở đâu để sáng thức dậy xem nó dài được bao nhiêu. Hồi hộp nhất là được theo dõi trái bầu đầu tiên hiện hữu trên giàn. Chúng tôi soi mói nó từ lúc còn bé như đầu cây tăm cho đến lúc nở hoa rồi thành trái. Khi phát hiện ra ngọn bầu có quả đầu tiên, má thường dặn chúng tôi không được đụng đến vì sợ nó sẽ rụng hoặc chai đi. Còn chúng tôi thì như muốn mang nó xuống để chăm sóc vì lo sợ nó sẽ không đậu thành trái. Mỗi lần đi học hay đi đâu về chúng tôi cũng đều ghé thăm nó xem đã lớn đến đâu rồi.
Photobucket
Trái bầu đầu tiên thường được để lại làm giống cho vụ sau. Trái bầu đó được ba chăm rất kĩ. Vì nó nặng nhất nên ba phải cột dây vào phần bụng neo lên giàn để nó khỏi kéo làm đứt dây. Nó sẽ nằm đó cho đến cuối mùa, khi dây bầu tàn ba sẽ hái xuống đem phơi vài ngày rồi mang vào treo trong bếp. Đến mùa gieo hạt năm sau sẽ mang xuống bổ ra lấy hạt đem ươm. Trong ruột nó chứa đến hàng vạn mầm sống, ba chỉ gieo một ít, còn lại đem cho hàng xóm, ai trồng được thì trồng. Gần như cả xóm ai cũng xin hạt về trồng, vậy mà đến mùa, vẫn không có nhà nào có được giàn bầu thứ hai như giàn bầu của ba. Quả thật, đó là niềm hãnh diện của nhà tôi, của anh em tôi.
Hoa bầu nở về đêm nên nó kết trái nhiều nhất vào mùa trăng sáng. Vào mùa trăng nhìn giàn bầu thật thích mắt, trái lớn trái bé cứ đung đưa như đưa nôi. Hồi nhỏ tôi không hiểu tại sao chỉ đến mùa trăng bầu mới nhiều trái. Thắc mắc nhưng không dám hỏi vì sợ nói ra bầu sẽ không đậu trái nữa (đó cũng là thói quen kiêng kị của người dân). Sau này mới biết bầu thụ phấn nhờ côn trùng. Chỉ khi trăng sáng, các loại côn trùng mới hoạt động nhiều, chúng mang phấn từ hoa đực sang hoa cái. Nhờ đó bầu mới đậu trái.
Khi giàn bầu của ba sai trái cũng là lúc quê tôi vào mùa gặt. Chính vì vậy, nhà nào đến ngày gặt lúa cũng đến nhà dặn ba một hai trái bầu về làm canh cho người gặt ăn cơm trưa. Sống ở quê nghèo nên ai cũng quý những thứ như thế. Nếu bây giờ, có lẽ giàn bầu của ba chỉ để làm cảnh chứ chẳng có ích lợi gì. Nhà khá giả thì mua tôm tép, thịt còn không thì ra đồng bắt cua về nấu với bầu, đơn giản hơn thì trộn với thứ khác hoặc luộc chấm mắm. Bầu vốn dễ chế biến thành món ăn. Để canh bầu được ngon, ngọt thì người nấu canh thường tao tôm, thịt, hay cua gia vị cho thấm tháp rồi đổ nước lã vào nấu cho sôi lên, rồi cho bầu xắt mỏng vào. Đợi sôi vài dạo, bầu vừa chín tới là nhắc xuống, không được nấu bầu chín lắm sẽ mất ngon.
Hết mùa gặt cũng là dây bầu dần tàn. Dây bầu sẽ cho những đợt trái cuối cùng nhưng nó không còn ngon ngọt, mềm như lúc dây còn sung sức. Biết là trái bầu lúc này ăn không ngon nhưng ba vẫn chưa vội phá giàn đi vì thấy tiếc, tiếc cho bao công sức ba vuông trồng, làm giàn, chăm bón; tiếc cho những gì mà dây bầu đã cho con người trong suốt thời gian nó tồn tại. Nhưng cuối cùng thì dây bầu cũng khô héo và chết đi, kết thúc một chu kì sống. Ba ngậm ngùi kéo dây và tháo giàn xếp vào một góc, đợi sang năm lại tiếp tục làm giàn cho dây bầu mới.
Một mùa như thế, không thể tính được giàn bầu ra được bao nhiêu trái. Ban đầu chúng tôi còn đếm trên giàn có mấy trái nhưng khi cây đã sai quả thì không thể nào đếm được nữa. Tôi chỉ biết là cả xóm hầu như nhà nào cũng một lần đến nhà tôi hái bầu mang về làm thức ăn, có nhà đến vài ba bốn lần. Ở nhà má cũng rộng rãi, khi bầu sai trái, má hái cho mỗi nhà một quả. Có nhà muốn ăn nữa nhưng ngại lại đến mua, tùy theo người, má có thể bán cũng có thể cho, nói là bán nhưng cũng như cho. Cứ như vậy, trái bầu ba trồng trở thành thức ăn của nhiều nhà trong xóm, và giàn bầu cũng trở thành quen thuộc với mọi người.
ST

Bầu eo neo lại hồn quê

Trở lại quê nhà sau mấy năm biền biệt xa cách, điều làm tôi sửng sốt hơn cả là bên cạnh cái hiện đại, thì những nét quê xưa cũ vẫn không hề mất đi. Thậm chí tôi còn gặp được những thứ tưởng chừng như lâu lắm rồi, trước khi mình sinh ra nữa, mà nay được tái sinh. Đêm đặt chân về lại đất làng, chợt nghĩ còn có viện bảo tàng nào bền vững hơn thế. Quê nhà là nơi lưu giữ cho người ta mọi thứ, cả vật thể và tinh thần.
     Hồi nhỏ coi phim Tây du ký, cứ ngỡ rằng trái hồ lô (bầu eo) là một thứ giả tưởng, làm gì có loại trái như thế, hoặc nếu có thì chỉ ở bên Tàu. Mãi đến nay tôi mới được chứng kiến tận mắt. Mà không phải ở đâu xa lạ, ngay chính trên quê nhà thân yêu của mình. Phải chăng quê hương là nơi mọi thứ tưởng chừng huyền thoại đều có thể trở thành hiện thực?
     Không biết ông nội lấy giống cây ở đâu, đem về ươm và trồng một giàn sau lưng nhà. Đến mùa ra quả, những trái bầu thắt eo thõng xuống duyên dáng. Mệ nội nói cái thứ quả không ăn được ông trồng mần chi? Ừ, không ăn được thì trồng chơi vậy thôi, quả hái làm quà cho người ta đem về, cũng chỉ để… chơi. Ai đến thấy ngồ ngồ cũng hái một quả mang về.
     Cuối mùa sây trái năm ấy ông chỉ chừa lại hai quả, đem móc trên chái bếp. Vài bữa sau trái hồ lô khô. Màu khói rơm hun vào khiến lớp vỏ vàng sẫm và bóng lên như chiếc bình cổ. Dưới mái bếp, hai trái bầu lẫn giữa những chiếc mủng mẹt đã bám đầy mồ hống. Mồ hống ấy như một chất keo bảo vệ cho các loại vật dụng bằng tre nứa ở quê, và cũng nhờ thế nên lớp vỏ trái hồ lô móc mấy bữa thì cứng sừng lại, cất giữ được đến tận mấy năm sau. Ông moi hết phần ruột ở trong. Làm thêm cái nùi gỗ đậy phía trên. Phần bầu dưới thì đan một cái so bằng tre lồng vào. Thế là có cái bình đựng nước chè. Mỗi khi đi làm đồng, rót nước chè vào bình và mang theo ra đặt trên chân ruộng.
     Ngày trước, mỗi nhà đều có một chiếc bi đông đựng nước mang ra đồng. Có một câu vè châm biếm về sự lười biếng uể oải thế này: Tư tưởng không thông xách bi đông cũng nặng! Bây giờ không thể tìm thấy một chiếc bi đông nào như ngày xưa nữa. Thì đã có bình hồ lô. Có lẽ nếu cái anh chàng nhác nhớm trong câu vè mà vác bình hồ lô chắc sẽ không cảm thấy nặng đâu, vì chính cái sự ngồ ngộ đáng yêu của nó đã làm cho người ta thích lao động hơn. Vật dụng phục vụ cho công việc đôi khi lại có ảnh hưởng lớn đến tinh thần người làm. Chẳng hạn ngày xưa đi cày trâu, người quê cầm một chiếc roi đuối (dây cước cứng) để quất vào lưng trâu. Dần dần bà con thấy cái roi nó ra vẻ uy hiếp quá nên bây giờ chỉ dùng roi tre, thậm chí không cần roi nữa mà chỉ dùng tín hiệu tắc rì họ…
     Mùa gieo lúa vụ đông-xuân mới đây, tôi ra đồng giữa buổi để coi ruộng nhà mình, ông nội đã ra đồng ném giống từ sớm. Đến ruộng, thấy bình hồ lô nằm nghiêng mình tựa vào lớp cỏ xanh bên vệ đường. Cứ như thể người nông phu nào đó trong một buổi làm đồng ngày xưa đã bỏ quên lại chiếc bình màu cũ và sót lại cho đến hôm nay. Một điều gì xưa rất xưa đã trở về trên lớp cỏ xanh tươi còn đẫm sương sớm.
     Ném nốt thúng lúa giống, ông lên bờ, ngồi bệt xuống vệ cỏ và thong thả cầm bình nước lên uống. Hả hê một ngụm chè xanh, tan hết tất cả mệt nhọc. Tôi nhận ra cái vẻ sung lơn của người đi lên núi tìm sâm, sau những cuộc trèo đá gian nan nay ngồi ngó xuống dốc ghềnh và tu một ngụm rượu từ chiếc bình bầu eo mang theo.
*
     Bảo là một người bạn ở làng, cùng tuổi với tôi. Mới ngoài hai mươi nhưng đã nhiễm một ít cung cách sống của bậc cao niên, ví thử cái thú uống trà hoặc đam mê chơi cây cảnh. Ở góc vườn, Bảo trồng một giàn hồ lô, lá đã phủ gần kín phên tre. Chỉ vài bữa nữa là có quả rồi đấy! Hắn nói và mắt mơ màng tưởng đến những dự định sau mùa quả sắp tới. Bảo có khiếu viết thư pháp. Rồi đây có thể hắn sẽ thảo chữ nét chữ mềm mại phóng túng lên trên lớp vỏ hồ lô sau khi đã sấy khô dưới nắng. Hoặc sẽ dùng chiếc bình ấy rót rượu vào và mang lên trên đê ngồi uống cùng bạn bè ở làng trong một đêm trăng mùa hạ tới đây.
     Bảo dẫn tôi đến phía thềm sân khác, bên cạnh cũng là một vườn cây kiểng. Ở đấy đã có một lu to chứa nước. Bảo làm thêm chiếc gáo từ trái hồ lô dùng để múc. Cắt lấy phần eo dưới trái hồ lô, gắn vào đấy một thanh tre làm cán, thế là có chiếc gáo. Mới trông vào cứ ngỡ là chiếc gáo dừa, nhìn kỹ mới thấy được cái miệng thắt eo duyên dáng và lớp vỏ láng nhẵn. Nước trong lu vắt ngần, soi rõ nguyên hình cán gáo và tán một cây cau cảnh bên cạnh. Tôi thật sự bất ngờ trước ý tưởng sáng tạo đầy vẻ dân dã của một thằng con trai làng. Và thêm một lần nữa trân trọng người bạn mộc mạc. Hình như trong con người ấy có một thứ tình yêu đối với làng quê sâu nặng, hay nói không quá, đấy là sự trân trọng văn hóa dân gian.
     Tối hôm đó tôi ngồi cùng với Bảo bên góc sân dân gian ấy, pha một ấm nước trà nhâm nhi. Trăng hạ huyền đậu đầu cán gáo. Tưởng tượng ra hình ảnh một cô thôn nữ ngày nào đang xõa tóc tắm trăng đêm. Ai đó có ý thương nàng nên thả vào mặt nước một vài cánh hoa hường chót đỏ mỏng mảnh, phấn hoa tan ra tỏa hương thơm cả một góc vườn. Nàng cầm chiếc gáo hồ lô múc từng ngụm nước trong lu, rồi nghiêng cán cho nước lăn chầm chậm theo suối tóc. Nàng cứ tắm như thế cho đến khi mảnh trăng nhô cao, sáng vừa soi thấy những đường cong thiếu nữ thì thôi. Hình ảnh ấy biến mất ngay tức khắc, chỉ còn dải sáng tóc trăng vắt bên cán gáo. Và hương thơm cánh hoa hường thì vẫn vương vẩn quanh chỗ tôi và Bảo đang ngồi.
     Lâu lắm rồi mới có lại một không gian cố cội, cả cái hương xưa hồn cũ nữa chứ. Bảo hè? Mà cũng đơn giản dễ dàng thôi, bỏ ra chút ít thời gian, chịu khó suy nghĩ sắp đặt là chạm phải ngày xưa tưởng chừng đã mất đi mãi mãi. Ôi, đúng là “với tay khơi nhẹ hương ngày cũ, mường tượng như mình ngộ cố nhân” như câu thư pháp mà Bảo đã viết và treo trên tường kia.
      Uống cạn chén trà, liếc sang cái gáo của bạn, tôi lại nhớ chiếc bình hồ lô hôm nào trong phim Tây du ký. Trái hồ lô ấy có thể thu phục và nhốt Tôn Ngộ Không vào trong. Còn trái hồ lô của chúng tôi, có lẽ sẽ gói lấy tâm hồn những người con của làng và neo lại phía quê hương. 
Hoàng Công Danh

NTV 4 - Cây Trứng cá

Image Detail
Bóng mát Thiên đường nhỏ.....
Có phải là em của ngày xưa ?
Dáng ngồi vắt vẻo nhịp võng đưa....
Nhắm từng trái chín mùi thơm ngọt,
Cho kẻ trộm nhìn phải ngẩn ngơ !!

Tháng ngày xưa đó không còn nữa,
Ghi khắc trong tôi một bóng hình !
Gió liu xiu thổi trong chiều vắng,
Từng chùm trái đỏ thắm lung linh,,,

Thiên đường tuổi nhỏ đâu còn nữa ?!
Một mình thơ thẩn dưới bóng cây,
Đâu người thiếu nữ xuân thì cũ...?..
Hoa trắng rơi đầy như nhớ ai !?,...

Cho tôi trở lại Thiên đường nhỏ,
Vang tiếng cười vui của trẻ thơ...
Vẫn còn trái đỏ hương thơm ngọt ,
Mà bóng người xưa  trong giấc mơ....!!
NM

Cây trứng cá

Tôi kể bạn nghe về cây chùm ruột sân nhà mà không nhắc gì đến cây trứng cá thì chẳng công bằng chút nào cả. Ví như cứ thương yêu khen ngợi nàng Kiều xuân sắc mặn mà lại quên mất nàng Vân cũng trang đài không kém. Chả thế mà cụ Tố Như đã phải nhắc trước rằng: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” đó sao? Vậy thì… nàng Thúy Vân thời thơ ấu của tôi đây…
Khác với cây chùm ruột to lớn đầy vẻ vững chãi. Cây trứng cá cành nhỏ, nhánh ngang và xoè tán rộng che phủ cả một khoảng sân mát rượi. Lá cây trứng cá nhỏ mặt trên phủ lớp lông tơ mươn mướt. Khi cây bắt đầu nở những cánh hoa trắng xòe cánh mỏng mảnh lớt phớt nhụy vàng là biết mùa kết trái đang đến. Không hiểu sao có những loài hoa rất đẹp, rất kiêu sang nhưng lại không làm tôi da diết nhớ như những cánh hoa trắng dịu dàng đơn sơ này. Hoa trứng cá đậu trên cành không được bao lâu thì rụng, khi cơn gió thổi qua những cánh hoa trắng bay tơi tả trên sân như từng đàn bươm bướm trắng đang bay trong trời rộng. Mỗi buổi sáng ra sân tôi hay để ý nhìn những cánh hoa trắng rơi vương vãi trên nền đất mà thấy thương thương tiếc tiếc cho một đời hoa quá ngắn ngủi. Có lẽ vì hoa đã mang sứ mệnh thiên phú không sống cho đời riêng mình nên khi cánh hoa cuối cùng vừa rời cuống là trái đã thành hình. Trái trứng cá tròn trĩnh màu xanh lục, nhỏ bằng đầu ngón tay. Trái trứng cá còn xanh là trò chơi thú vị của bọn con trai. Chỉ cần một ống tre nhỏ, một đầu kia là thanh gổ tròn có độn cao su mềm là được một cây súng để chơi trò bắn nhau rồi. Vào mỗi buổi chiều, học xong bài vở, lũ trẻ quanh xóm lại tụ tập quanh nhà để trèo cây hái trái và chơi bắn súng bằng trái trứng cá. Tiếng lốp bốp nổ giòn dã cùng với tiếng cười trẻ thơ sao đáng yêu chi lạ.
Trong khi bọn con trai cứ thích chơi rượt đuổi chạy nhảy đùng đùng như đang tập trận thế kia thì các cô bạn hàng xóm của tôi lại hay chơi nhảy dây, đánh chuyền, bán hàng dưới gốc cây này. Chúng tôi dùng cây tre dài, trên đầu là một vòng kẽm bao quanh cái túi nhỏ để móc những trái chín ở trên cao. Khi trái chín đổi từ màu vàng qua đỏ, có khi tím thẫm căng mọng nước mang vị ngọt lịm. Tôi yêu cái sắc màu dỏ cam rực rỡ của trái trứng cá chín xen lẫn trong chùm lá xanh biếc ở trên cao kia. Trưa nắng hè, nằm ngó nghiêng qua song cửa chợt hương trái chín thoảng qua thật dịu. Vào mùa trái chín, chim chóc nương theo hương kéo về ăn trái ríu rít trên cây. Chúng cũng khôn vô cùng biết chọn lựa những trái chín đỏ ngọt ngào để ăn. Có lần tôi còn nhìn thấy một con chim ngậm trái trứng cá chín đỏ trong miệng mớm cho một con chim khác trông thật đáng yêu. Tôi không thích ăn trái trứng cá nhưng rất thích nhìn người ăn. Tôi có một người cô rất đẹp. Cô có một nhan sắc, mái tóc và dáng dấp của người thiếu nữ trong những trang bìa báo Tuổi Hoa ngày xưa của họa sĩ ViVi. Mỗi khi đến nhà, cô tót lên ngay trên cây trứng cá ngồi vắt vẻo giữa chạc ba của thân cây, vừa ăn vừa ném trứng cá vào chúng tôi đang chạy loanh quanh ở dưới sân rồi cười giòn tan. Khi lớn lên, hình ảnh ngây thơ ấy vẫn luôn đọng trong tâm trí tôi với niềm mơ ước được làm họa sĩ để tôi có thể giữ mãi những mảng mầu ký ức tươi đẹp ấy của thời thơ ấu.
Mơ ước vẫn luôn là mơ ước nhưng hình như ranh giới giữa một tôi-trưởng-thành và một tôi-còn-bé cũng chẳng khác xa nhau là mấy. Vào những buổi chiều mưa bay, gió liêu xiêu thổi như buổi chiều nay, tôi thấy mình vẫn là con bé con của ngày nào thích lang thang thơ thẩn dưới bóng mát thiên đường của cây trứng cá năm xưa.
Nguyên Tú My

Hình ảnh có liên quan

Cây Trứng Cá - YouTube

Vườn Cây Trứng Cá Của Ba

Năm đó, Thùy chuẩn bị vào lớp một, ba nó vẫn là một thợ gỗ lành nghề trong làng, ba nó làm thêm cả công việc vặt ở trường cấp 1 kiếm để thêm thu nhập cho gia đình. Hôm đó, ba nó phải lên trường để sơn lại bảng và kẻ vạch ô vuông cho bảng dạy của các giáo viên được rõ hơn, nó nhõng nhẽo cầm tay ba nó đòi theo vào trường, ngôi trường nó sắp được đến học trong hè này!…Nhõng nhẽo mãi cuối cùng ba nó cũng chịu thua nó và dắt nó đi theo. 
Đến nơi ba nó dặn dò nó ngồi yên ở ghế đá trong sân trường, không được đi đâu để ba yên tâm còn làm việc! Vì khuôn viên trường rất là rộng nên ba nó lo cho nó dặn dò rất tỉ mỉ, cẩn thận. Nó “dạ” ngoan ngoãn rồi ngồi ở sân chơi…Nó vui mừng vì sắp được học ở đây, nó chạy tung tăng dưới sân tường đầy nắng với gió và đùa nghịch với những chiếc lá xà cừ rụng bay khắp nơi…Nó ngước mắt nhìn những tán lá xà cừ thì thầm “sao mà to cao quá!”
Nó đưa tay đo một cách ngây thơ làm sao! Một gang tay, hai gang tay….cứ tiếp tục đo, nó kiễng cả chân lên để với tiếp tục đo, cây cao đến nỗi nó thốt lên “Ôi! Mỏi quá! Cây này thật khổng lồ”. Đang ngẩn ngơ với những tán lá xà cừ vĩ đại, bỗng nhiên nó thoáng ngửi được mùi thơm đâu đó mà cơn gió vừa đưa qua. Một mùi thơm của loại quả chín nào đó chăng? - Nó tự nhủ, rồi nó chạy quanh sân trường hết chỗ này đến chỗ khác để đuổi theo và tìm kiếm cái mùi thơm lạ đó…đang chạy nó chợt khựng lại, chính mùi này, gió đưa hương tới mỗi lúc càng gần, gần hơn, mùi thơm dường như rõ hơn rất nhiều…thơm rất thơm!
Nó nhìn thấy một con đường đất thật to, thật dài, chắc mùi thơm từ con đường này, nó tò mò đi theo con đường, đến nơi nó vỡ òa vì ngạc nhiên…! Cả một khu vườn toàn là cây, nhưng sao nó lại thơm đến vậy chứ ? Lại càng thêm tò mò, nó nhẹ nhàng gỡ dây thép buộc cánh cổng bước vào…lạ lùng thay, cây to xanh muốt mà sao quả của nó nhỏ xíu và lại rất đỏ, quả đỏ chót, chín mọng y như quả nhót vậy! Cây xanh được điểm thêm sự tinh khiết của những bông hoa nhỏ màu trắng, ánh nắng sáng sớm làm vườn cây trở nên long lanh, càng giống một thiên đường hơn trong mắt nó. Mắt nó tròn xoe, cái miệng há hốc rất to vì nó ngỡ ngàng với khung cảnh tuyệt vời này! Những quả trên cây vì chín quá đã rơi xuống đất, vỡ ra có mùi thơm ngọt và nó biết chính xác mùi thơm mà nó đã ngửi thấy đó là mùi của loại quả này. Nó thấy thích thú với sự khám phá mới, một cảm giác gần gũi, đáng yêu và thân thương đến kỳ lạ…dường như nó đã tìm thấy một khoảng trời riêng, một thiên đường mới trong ngôi trường mới này!
***
  -Thùy…. ơi….ơi……! Con gái…..con đang ở chỗ nào …..???
Đang mải mê cảm nhận hương thơm, nó bỗng giật thoáng nghe được tiếng ba nó gọi đâu đây. Bất giác quay lại nó đã thấy ba nó đứng phía sau, ba nó thở mệt nhọc như vừa chạy đua vậy! Nó chạy lại, kéo tay ba nó lại vườn cây trước mặt…
  - Ba ơi! Con mới tìm thấy chỗ này đó, ba nhìn thấy có đẹp không ba ???
- Ba dặn con thế nào? Không được đi lung tung vậy mà con để ba tìm mãi, lỡ con bị sao ba biết làm thế nào hả…? Mặt nó xìu xuống, ôm ba nó tỏ vẻ biết lỗi…
- Ba à! Đây là cây gì mà thơm vậy ạ? Mà sao người ta trồng nhiều vậy ba? Tại mùi thơm của cây này làm con không nghe lời ba, dẫn con đến đây đó ạ!..Nó cười tinh nghịch…
- Ba xoa đầu nó hiền từ - Con có thích cây này không?
- Có ba ạ…con thích, thích lắm!-Nó xiết nhẹ hai bàn tay đưa lên áp vào má, nghiêng người cười thích thú. Mắt nó long lanh đầy sự hồn nhiên…!
- Đó là cây trứng cá đó con, cây này rất đặc biệt !
- “TRứng cá”…- Nó ngơ ngác nhìn ba nó, thắc mắc - Tại sao lại là cây trứng cá vậy ba ?
- Ba nó cười…vì quả của nó thơm, và bên trong quả có các hạt nhỏ giống như trứng của con cá vậy đó! Quả này còn có thể ăn được, rất ngọt con gái à!
- Thật không ạ! Con có thể ăn được chứ ba ?
- Ba nó “ừ” nhẹ nhàng và dắt tay nó đi sâu vào trong khu vườn…
Vừa đi nó vừa hỏi ba –Mình đi đâu vậy ba ? Đến nơi, con sẽ biết ngay thôi! Vào sâu trong vườn nó há hốc miệng ngạc nhiên vì nó là con đường tắt, nhỏ có thể đi được sang phía ngõ về nhà, vậy mà bấy lâu nay ba nó không hề cho nó biết! Gần vườn còn được kê một bộ bàn ghế đá nữa, khung cảnh đẹp như trong truyện cổ tích vậy!
- Con ngồi đây, ba kể cho con tại sao có vườn cây này!- Nó chống cằm lên bàn đá, hai mắt tròn xoe ngồi nghe ba nó kể. 
Năm xưa ở cuối làng có loại cây này, mẹ con đã rất thích, cũng như con bây giờ, mẹ con thích nó bởi màu đỏ chín mọng và hương vị thơm đến ngọt ngào của loài quả này! Ngày xưa, mỗi lần đi dạo ba đều đưa mẹ ra đây, ngắm cây trứng cá này, ba hái rất nhiều quả cho mẹ con mang về nữa. Khi ba mẹ lấy nhau cho đến lúc mang thai con, ba cũng đưa mẹ ra đó để tận hưởng sự yên bình cũng như hương thơm đó! Có lẽ vì vậy mà bây giờ con có một sở thích giống mẹ con. Ba nó ôm nó mà mắt ướt nhòe… Từ khi sinh con, một thời gian sau đó mẹ cũng mắc bệnh ốm, vì bệnh nặng nhà mình không có tiền chữa nên mẹ con đã qua đời, ba một mình nuôi con đến bây giờ. Trước lúc mẹ mất, mẹ rất muốn nhìn thấy cây trứng cá lần cuối nhưng ba đã không làm được điều đó cho mẹ con. Rồi một thời gian sau, ba đã quyết định đánh rễ và kéo cây trứng cá to đó về nhà trồng rồi chăm sóc lại, ba chiết cành, nhân giống ra nhiều cây con khác để trồng. Ba đã xin nhà trường cho ba được trồng cây ở khu đất bỏ hoang này, gần nhà mình, để mỗi khi nhớ mẹ ba lại ra đây và cũng biết đâu linh hồn mẹ con về thăm nhà, thăm ba con mình, mẹ con sẽ thấy được vườn trứng cá mà mẹ con thích, cũng như nhìn thấy tình yêu ba dành cho mẹ con!
  - Ba à, con yêu ba, yêu mẹ và yêu cả vườn cây này, sau này con sẽ cùng ba chăm vườn cây này nhé! Học bài con cũng sẽ ra đây, để như được bên mẹ, như mẹ đang dạy con học bài vậy đó!…- Nó cười hồn nhiên và dụi vào lòng ba nó…
- Con muốn ăn thử quả trứng cá này không?
- Có ạ…con muốn ăn từ lúc nãy rồi cơ!-Nó nhe răng thỏ ra cười tít mắt lại…
- Wow…owww! Ba ơi. Ngọt và thơm quá ba ơi!…bên trong giống trứng cá thật nè….! -Nó cứ líu ló, tíu tít với ba nó như thế!
- Bí mật con gái nhé! Chỉ có ba và con biết chỗ này thôi nhé! Không còn ai biết nơi thiên đường này của ba con mình đâu…Vườn cây này và con gái là tài sản lớn nhất của ba đó ! - Nó chạy ra giữa vườn, dang rộng hai tay ngửa mặt lên trời quay một vòng rồi hét thật to…”Con yêu ba mẹ, yêu vườn cây trứng cá!”
 ***
Năm năm cấp một với nó đầy ắp niềm vui, kỷ niệm ở trường với thầy cô và bạn bè, cũng như với vườn cây trứng cá mà ba nó dành riêng cho nó. Hôm nay là ngày bế giảng, ngày cuối cùng nó đứng trong ngôi trường này, với giấy khen học sinh giỏi, như mọi năm nó chạy về khu vườn thơ mộng của nó và gọi ba….
- Ba ơi! Con về rồi, con mang giấy khen về tặng ba nè…
Tập phần thưởng rơi từ trên tay nó xuống đất, trước mặt nó là cảnh vườn trứng cá đổ ngả nghiêng, cành gẫy lũng tung…những quả trứng cá rụng xuống đất vỡ dập nát, mọi thứ đều tan hoang, cả vườn cây đã héo rũ từ bao giờ! …nó bật khóc và chạy gọi ba…ba ơi….ơi…...! Nó tìm ba…nó muốn biết lý do tại sao mảnh vườn của nó lại bị thế này…rồi nó cũng tìm thấy ba nó, ba nó ngồi 1 góc với cái bàn đá vỡ nứt từng mảnh, đôi mắt đượm buồn nhìn nó.
- Ba xin lỗi con gái, ba không giữ lại được vườn cây cho con yêu của ba
- Tại sao lại vậy hả ba? - Nó khóc nức nở ôm chầm lấy ba nó…
- Có công ty mua lại mảnh đất này của nhà trường, người ta làm dự án gì đó…nhưng ba không ngờ nhanh đến vậy. Mới hôm qua người ta gặp ba nói chuyện sẽ phá vườn trứng cá này đi…thế mà hôm nay ba đi ra ruộng về, thì vườn đã….Ba nó cũng dường như nghẹn lời lại, khóe mắt cay và đỏ hoe…
- Thôi, con gái yêu à, con nín đi…ba hứa sau này ba sẽ trồng cho con một khu vườn trứng cá khác được không? Nó sẽ to và rộng hơn thế này nữa. Chỉ cần con gái của ba chăm ngoan, học thật giỏi để sau này lớn con sẽ dành được học bổng, rồi thì còn đi học nữa chứ…ba sẽ làm tất cả vì con, con đồng ý không nào ?
- Dạ…con biết, con nghe lời ba - Nó vẫn thút thít, nức nở trong lòng ba nó…
***
- Ba à! Ngày mai con sẽ về nước với ba, con có món quà đặc biệt dành cho ba…
- Giọng ông lão 70tuổi run run trong nước mắt, nghẹn ngào đầu giây điện thoại bên kia vang lên… Ba cũng có món quà lớn nhất đời ba dành tặng cho con gái của ba…! Ba mong con…!
Hôm nay, nó đang bước trên con đường quen thuộc nhưng mọi thứ đều đã thay đổi, những nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, những con đường đất ngày ấy giờ đây đã là đường bê tông sạch sẽ…nhưng chỉ có duy nhất một con đường đất dẫn đến nhà nó, ngồi nhà ngày xưa của nó. Nhưng không còn là ngôi nhà mái ngói nữa, xa xa nó thấy một khu nhà cao tầng đồ sộ sau cánh cổng, sau con đường đất này. Dường như nó cảm nhận thấy mùi thơm đặc biệt mà đã lâu lắm rồi nó không được ngửi thấy. Cánh cổng kín mít to kia mở ra, là một con đường đất đầy lá vàng rơi dẫn thẳng vào khu nhà cao tầng kia…con đường tràn ngập hương thơm dịu ngọt và màu đỏ thắm của khu vườn, hai bên là hàng trăm cây trứng cá đỏ mọng … Rộng quá! Nó không thể nhẩm được là bao nhiêu mét vuông đất mà trồng được nhiều cây trứng cá thế này…. Đã 20 năm từ ngày nó du học và làm việc ở nước ngoài, món quà đặc biệt của ba dành cho mình là đây sao ? Nó thầm nghĩ, khóe mắt có dòng nước nhẹ lăn trên má…thầm cảm ơn ba…ba đã vì con, tất cả vì con, ba đã thực hiện lời hứa ngày xưa….!
 Blog Tầm Tay
 Vòm xanh trứng cá
1.Cây trứng cá hiền lành, đã bao đời gắn bó với con người, quanh năm tỏa bóng mát xanh xanh, chỉ có ở vùng quê Nam Bộ chúng mình.
Dưới vòm xanh trứng cá là bến đò, là quán nhỏ của bà lúc nào cũng thơm ngạt ngào mùi chuối nướng. Hàng cây trứng cá ven bờ sông thân thuộc luôn che mưa che nắng, mang hơi mát cho con người.
Ai sống xa quê chắc mỗi khi nhớ nhà đều nhắc về cây trứng cá thân thuộc. Cây trứng cá đứng âm thầm bên đường, những cành lá mềm mại, khẽ lay lay trước gió. Những nụ hoa trắng tí xíu, thẹn thùng nấp sau kẽ lá trong nắng ban mai…

2.Những mùa hè thuở nhỏ, lũ chúng tôi không thể quên bao giờ. Mùa hè đồng nghĩa với những buổi chiều leo cây trứng cá, tìm trái chín đỏ mọng trên cành. Cây trứng cá dẻo dai, đúng với tầm leo trèo của tuổi nhỏ. Trái trứng cá chín màu đỏ sẫm, hái xong bỏ vào miệng mới ngọt làm sao. Mùi thơm của trái chín, mùi thơm của khói đốt đồng như hòa vào nhau tạo nên mùi miền quê yên ả.
Những hạt nhỏ li ti, vàng nhạt đầy ắp tuôn trào cùng mật ngọt nên vì thế cây mang tên “trứng cá” tự bao đời. Những chú ong ruồi cũng tìm đến đây để hút mật trái chín. Một bầy trao trảo bay vụt qua, kêu inh ỏi vì tìm được cây có trái chín nhiều. Mấy con chim sâu lông vàng như tơ đang chuyền cành. Chúng chẳng ăn trái chín bao giờ vì mải lo bắt sâu trong vòm lá…
3.Một buổi chiều tôi tản bộ dọc bờ sông quê. Hàng cây trứng cá đứng im lìm như đăm chiêu một điều gì không rõ. Chẳng có đám trẻ nào chơi quanh gốc trứng cá và leo tìm trái chín như lũ chúng tôi ngày xưa…
Tôi hỏi: “Trái chín ngon như thế này sao không có đứa nhỏ nào hái?”, thì được người thợ sửa xe dưới tán cây cho rằng, ngày xưa trái cây ít nên hay tìm trái cây hoang dại để ăn. Còn bây giờ thì ê hề ngoài chợ, ăn giờ nào cũng có mà lại rẻ rề. Tôi thảng thốt nhìn quanh gốc cây: trái trứng cá rụng đỏ đầy mặt đất…
Với đám trẻ thì càng lạ, chúng không còn sự hồn nhiên như chúng tôi giành nhau từng trái trứng cá chín như ngày xưa nữa. Có vẻ chúng già đi trước tuổi, khôn trước tuổi nên chẳng còn ngây thơ, chẳng còn tuổi thơ chăng?
Mà cũng lạ vô cùng, cây trứng cá lại muôn đời hồn nhiên, chẳng nặng lòng suy nghĩ nên quanh năm mãi xanh biếc một màu quê…
Hồng Lam Sơn
Hình ảnh có liên quan
Cây trứng cá 


Từ cửa sổ phòng làm việc của tôi nhìn ra có một cây trứng cá. Thứ cây này có tán lá rất rộng và đẹp mắt. Lá hơi rám, cho bóng mát. Hoa trắng tinh khôi, nhẹ nhàng.

Tôi thích cây trứng cá đủ mọi nhẽ nhưng trước khi biết tới hình dáng cây, lá, hoa của nó thì điều đầu tiên tôi biết đó là quả trứng cá. Quả chín đỏ, thơm mùi cơm nếp, khi cắn vào cảm giác vị ngọt mát tràn tứa lên khắp các vị giác trên lưỡi. Đó là món quà nhỏ mà mẹ tôi thường mang về cho tôi vào những buổi chiều hè.

Sau khi mẹ tôi đã nghỉ hưu và bố tôi bị phá sản trong kinh doanh, gia cảnh sa sút, mẹ tôi được người hàng xóm hướng dẫn cho làm nghề bán than. Mẹ tôi chở những xe than rong ruổi, như người nông dân cần mẫn giữa lòng thành phố. Một hôm mẹ tôi trở về, đưa cho tôi một gói nhỏ, đựng đầy thứ quả với các gam màu nhạt tới đậm của đỏ ấy. Tôi luôn đón lấy, như một sự hiển nhiên với những món quà mẹ thường cho tôi như thế. Quả trứng cá được thêm vào danh sách những thứ quả mà tôi thích.

Nhà một người khách thân với mẹ tôi ở gần cây trứng cá mà mẹ tôi hay hái quả về cho tôi. Cũng nhiều lúc, đi qua, thấy mấy đứa nhỏ đứng chơi quanh cái cây đó, mẹ tôi nhờ:

Mấy đứa nhỏ nhiệt tình hái. Chẳng mấy chốc mà món quà của mẹ đã có thể thả đầy hai bàn tay tôi khi mẹ trở về. Mấy đứa nhỏ ở đó luôn nghĩ "con bé nhà dì ấy" là một đứa còn nhỏ, cỡ một em bé học mẫu giáo hay cấp tiểu học gì đó. Duyên ghê, sau này tôi học cùng và chơi thân với một cậu bạn trong đám đó. Để rồi mỗi khi nghĩ tới chuyện mẹ tôi kể, hồi trước cậu ta hay hái trứng cá cho tôi là thấy vui vui.

Mẹ tôi để ý và nhớ những sở thích, những mối quan tâm của tôi. Như một thứ quả tôi ưng là trứng cá. Hay những chương trình truyền hình tôi thích thời còn học tiểu học, trung học như "Thế giới động vật", "Thế giới thực vật", "Khoa học vui", "Dư địa chí truyền hình"... Mỗi lúc đến giờ chiếu các chương trình đó mà tôi không phải đi học hay bận làm gì, mẹ tôi luôn sẵn lòng chuyển kênh đó cho tôi xem kể cả khi tivi đang chiếu bộ phim Hàn Quốc mà mẹ tôi mê theo dõi.

Tôi đã ăn không biết bao nhiêu trái trứng cá, nhận biết bao nhiêu thứ mà mẹ trao cho nhưng mãi cho tới nhiều năm sau, khi vào Sài Gòn đi học, tôi mới biết đến hình dạng thân, lá, hoa của cây này. Có một dạo, tôi thích chụp hình phóng lớn (macro) của những thứ nhỏ và phát hiện ra hoa trứng cá lên hình dễ thương quá chừng. Màu hoa trắng với những cánh đơn giản, tạo cảm giác nhẹ nhàng và tĩnh tâm.

Bây giờ, mỗi khi đứng từ phòng làm việc nhìn ra cây trứng cá, tôi lại mải miết nghĩ về mẹ. Mẹ dường như chỉ giải trí bằng việc xem những bộ phim tình cảm dài tập. Với lý do bị say xe (hay sợ tốn tiền?) mà mẹ tôi từ chối những chuyến đi du lịch chỗ này chỗ khác kể cả khi gia đình tôi đã có điều kiện hơn. Tôi không nhớ món ăn mẹ tôi thích nhất, màu sắc mẹ tôi thích nhất... Tôi không nhớ nhiều sở thích của mẹ tôi như mẹ tôi nhớ cho tôi.

Tôi ngồi suy nghĩ, suy nghĩ... Có điều gì mẹ thích mà mình còn nhớ?

Và tôi nhớ ra dáng áo dài mẹ thích.

 *****

Tôi nhớ ra những bài hát mẹ thích

Tôi không nhớ nhiều về các món ăn.

Vậy mà những tháng năm mẹ tôi còn sống, nếu như những thứ mẹ trao cho tôi, tôi không thể nhớ và đếm hết được số lần thì những thứ tôi đã trao cho mẹ dường như trên đầu ngón tay của một bàn tay.

Lắng lòng ngồi nhớ lại cũng đã muộn rồi.

Tôi nhớ những ngày mẹ tôi bệnh. Cậu bạn thân đã từng hái trứng cá cho tôi ngày còn nhỏ mà tôi kể ở trên thường ghé thăm mẹ tôi và chuyện trò với tôi.

Bỗng dưng một lần cậu nói cái may mắn của tôi là đã theo và làm những gì tôi thích từ bé đến lớn, chứ không như cậu. Tôi im lặng... Vậy mà hơn chục năm gần nhau vậy, tôi cứ đinh ninh rằng cậu thích vẽ, chọn nghề kiến trúc là theo ý nguyện của chính cậu. Nào đâu điều đó không phải. Tôi không biết cậu thực sự thích điều gì.

Tôi không biết những người tôi rất thương ấy thích nhất điều gì.

Nhưng tôi biết rằng những ngày tôi còn thơ bé, mẹ tôi và cậu đều biết rằng tôi thích nhất quả trứng cá.

Tôi thương thứ quả ngọt dịu thơm mùi cơm nếp ấy quá chừng.

Tuệ An