Chuyện Mùa Đông
Thuyền Viễn Xứ
Cám ơn TL đã tạo hình nền cho bài thơ này của KC
Trên bến đò xưa
Trên bến đò năm xưa,
Tình cờ ta gặp lại...
Những phút giây thân ái,
Mà cứ ngỡ như quên !
Cũng trên bến đò nầy,
Người đi, người ở lại...
Tưởng chừng như xa mãi,
Ký ức nào có phai ?!
NM
Bến đò năm xưa
(Bến Đò Năm Xưa. Truyện ngắn của Khái Hưng đã đăng trên Tuần Báo Ngày Nay số 21, in ngày chủ nhật, 16/08/1936 tại Hà Nội)
Nguyên dừng lại trên đê cao, nhìn xuống con sông sâu. Và chàng mang
máng nhận thấy rằng mười lăm, mười sáu năm về trước chàng đã đến đó một
lần.
Dòng nước về mùa đông cũng cạn, cũng chảy lờ đờ. Bụi lau mọc ven bờ,
lá vẫn xơ xác như xưa, hàng bông trắng vẫn se sẽ lao đao trước gió. Nhất
là cây gạo thân thẳng và cao, ngạo nghễ đứng bên sườn đê rướn ngọn chọc
trời, thì chàng không thể nhầm nó với một cây gạo khác được. Gốc nó
phía trên tựa da trăn đầy những khoanh mốc trắng, phía dưới nổi lên
những bướu tròn hùng tráng như những bắp thịt rắn chắc của nhà lực sĩ.
Nguyên đương tỉ mỉ nhận xét điều ấy, thì đưa chàng đi sâu thêm vào
thời ký vãng một làn khói lan tỏa ra ôm ấp lấy cái mái rạ rồi từ từ bay
tản mạn trong đám lá xanh. Bấy giờ chàng mới kịp để ý đến túp lều bé
nhỏ, xiêu vẹo, túp lều mà mười lăm năm về trước chàng đã thấy nằm núp
dưới gốc cây gạo. Cho đến cả mảnh lưới nâu vắt phơi trên cái lao sặt,
vại nước đặt trên khóm mía ở đầu nhà, mọi vật đối với ký ức chàng như
đối với con mắt nhà mỹ thuật, một bức tranh sơn bỏ quên lâu năm trong xó
tủ, bây giờ bỗng đem ra lau sạch bụi và treo lên tường.
Chiếc xe sắt đã trèo hết cái dốc đê và phăng phăng xuống bến để
khiêng vào thuyền sang sông. Nguyên lững thững theo xuống. Nghe tiếng
gầm gừ, chàng quay lại giật mình kinh ngạc: Con chó trắng bông dương cặp
mắt thao láo dữ tợn nhìn chàng đi qua. Chàng nhớ lần trước chàng cũng
thấy con chó bông trắng như hệt thế nằm bên khóm chuối kia gần đàn gà
con đang bới đống rác bẩn tìm sâu. Chàng chau mày tự nhủ thầm: “Hình như
ta đã để ở nơi này một kỷ niệm trong giây phút.”
Ý nghĩ ấy làm cho chàng bật cười. Nào phải bây giờ chàng mới có cái
cảm tưởng, cái cảm giác như thế về dĩ vãng. Nhiều khi lần đầu bước chân
vào một phòng khách lạ chàng chẳng thấy bàn ghế, đồ đạc bầy ở đó có
nhiều quen thuộc, thân mật với chàng là gì?
– Mời ông xuống đò cho thuyền sang ngang. Chúng tôi ngồi chờ tê cả chân.
Ðương tò mò ngắm những xác vờ rải trắng trên làn cát ướt, nghe lời
thúc giục, Nguyên quay lại. Trong chiếc thuyền nan, ngồi bên cái xe kéo,
hai người đàn bà và một người đàn ông khoác áo tơi lá, gió thổi kêu lạt
sạt. Và đứng ở đằng lái, lả lơi vịn vào con sào, một thiếu nữ óng ả,
thon thon, tấm áo nâu đổi vai, hai vạt trước buộc gọn gàng ra phía sau
lưng.
Nguyên bước lên thuyền trân trân nhìn cô lái, khiến cô bẽn lẽn cuối
gằm mặt xuống, cắm sào xoay mũi, “Lạ! người này nữa! Ta cũng đã gặp rồi,
mà gặp ở đây, ở bến đò này!”
– Cô vẫn chở đò ở đây?
Cô lái cho đó là một câu trêu ghẹo, bỡn cợt, nên lặng ngảnh trông đi, không đáp.
– Tôi nhớ mang máng lần trước tôi gặp cô cũng ở bến đò nầy, nhưng đã lâu lắm, đến hơn mười lăm năm rồi.
Tiếng cười rộ của bọn sang ngang làm cho Nguyên ngơ ngác:
– Mười lăm năm trước mà ông gặp chị Thà thì chị ấy đương chập chững tập đi.
– Ờ nhỉ!
Nguyên ngây người suy nghĩ “Ô! mình lẩn thẩn quá thực. Hồi đó, cô ta
mới độ lên hai, lên ba!” Rồi chàng cũng cười theo. Nhưng chàng vẫn ngờ
vực: “Chẳng lẽ mình mơ mộng đến thế được?” Một câu nói tiếp của một
người đàn bà khiến chàng tỉnh ngộ:
– Mười lăm năm về trước thì họa chăng ông gặp bu chị Thà.
Người ấy quay ra nói chuyện với người ngồi bên:
– Chị Thà, chị ấy giống bu chị ấy như đúc.
Nguyên mỉm cười: “Phải, bu chị ấy. Có thế chứ, ta lầm sao được.”
Chàng lấy làm tự phụ về trí nhớ của mình. Rồi chàng lại đăm đăm ngắm
nghía cô lái đò: “Xinh xắn thế kia thảo hèn ta nhớ lâu, nếu quả thực
người mẹ ngày xưa cũng đẹp như cô con ngày nay.”
Giữa lúc ấy anh sẩm cất tiếng hát. Cái giọng khàn khàn, đùng đục.
Nguyên nhận thấy như đã rầu rãi nắng mưa, chẳng khác thanh sắt vứt lay
vứt lắt, bị rỉ ăn luỗng từng chỗ. Nhưng cái giọng ấy, cũng vẫn cái giọng
lần trước. “Hừ! chẳng lẽ anh sẩm này lại cũng là con anh sẩm ngày xưa.”
Anh mù ngửa mặt như nhìn qua đôi kính râm, đầu lắc lư, tay kéo nhị, há hốc miệng gào:
“Công cha như núi Thái Sơn, sữa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Người đàn ông chừng một ngày mấy lần qua sông nên thuộc lòng câu sẩm
chợ, ngồi đập chân xuống sàn thuyền gõ nhịp, môi mấp máy lẩm bẩm hát
theo. Còn hai người đàn bà thì thản nhiên như chỉ có bọn họ trong
thuyền, oang oang nói chuyện:
– Sợi nhà bà ngâm được mấy buổi?
– Sợi nhà tôi ngâm được bốn đêm.
– Ờ! khá đấy! Nhà bà tràng vốn nên ngâm được lâu.
Nguyên kinh ngạc. Mấy mẩu chuyện, lần trước chàng đã nghe thấy không
thiếu không thừa, không sai một tiếng. “Thì ra dưới trời này mọi vật
không bao giờ thay đổi.”
Anh sẩm hát: “Ba năm bú mớm…”
Nguyên ném một xu vào cái thau sắt tây thủng, rồi cúi xuống ngắm bóng
mây trắng lướt theo con thuyền êm lặng, trên giòng nước trong xanh.
Bài Lưu Thủy của anh sẩm nhắc Nguyên biết rằng thuyền đã tới bến.
Chàng mỉm cười vơ vẩn, lấy làm lạ rằng mình đã lắng tai nghe hết bài
hát. Mọi lần ở các bến phà, hễ anh sẩm cất tiếng, là Nguyên vội đãi anh
một, hai xu để xin anh ngồi im cho. Nhưng lần này, bài ca tầm thường đã
gợi trong lòng chàng một mối cảm hoài man mác, và đưa chàng trở lại với
thời xưa. Vì thế chàng đã im lặng để những câu hát vô vị chạy lướt qua
trí nhớ như bóng mây lướt trên mặt nước im trong.
Nguyên trả cô lái năm xu, rồi toan nhảy lên bờ.
– Ấy, ông để cháu giữ thuyền cho chắc chắn đã, chẳng ngã.
Nguyên đứng dốn lại hỏi:
– Bến đò này ở nơi hiu quạnh lắm nhỉ?
– Vâng, ở đây buồn lắm. Nhưng được cái cách phố phủ có sáu, bẩy cây số.
Lúc ấy có một người đứng trên đường gọi:
– Thà ơi, mày đi hộ tao, để tao chở thuyền cho. Tiền đây này!
Người đàn ông quẩy gánh củ cải nặng, bước xuống nước, bảo Nguyên:
– Bu chị Thà đấy. Có phải người thầy gặp lần trước không?
Nguyên ngửng đầu lên nhìn: “Ừ, bu con giống nhau thực!”
Cô lái đò nghe nói, mủm mỉm cười, gọi mẹ:
– Bu ơi, tiền đò đây này, bu giữ lấy. Ông cho năm xu đấy.
Người đàn bà quần áo lôi thôi nhem nhuốc chạy vội lại:
– Cám ơn thầy.
Bác gánh củ cải bảo bà ta:
– Này bà, bà có nhận được ông nầy không?
Nguyên cười, cho câu hỏi ấy vô lý hết sức. Nhưng chàng kinh ngạc xiết
bao, khi thấy người đàn bà đăm đăm nhìn mình rồi vui vẻ chào:
– Ồ chào thầy! Trông thầy vẫn thế nhỉ. Không già đi mấy.
Nguyên còn ngơ ngác cố nhớ lại thì người đàn bà đã nói tiếp:
– Ngày ấy thầy mặc áo tơi dạ, chứ không phải áo sơn này. Với lại cái
“bao-ly” của thầy có quai mà to hơn nhiều, tôi xách lên bờ nặng sái cả
cánh tay. Mà thầy vui tính lắm, nói đùa luôn mồm.
Nguyên đáp:
– Bây giờ già rồi, nên mất cả vui tính.
Thế rồi Nguyên lên xe. Cái xe gỗ lạch cạch lắc lư, nhảy trên con
đường gồ ghề, lồi lõm, không mấy khi được hân hạnh có chiếc ô-tô qua
lại. Nhưng Nguyên không thấy khó chịu như lúc ở quãng đường bên kia
sông. Còn văng vẳng bên tai câu nói của người đàn bà chở đò: “Thầy mặc
cái áo tơi dạ… cái bao-ly của thầy có quai.” Và chàng nghĩ thầm: “Sau
mười lăm, mười sáu năm, người ấy còn nhớ mình mặc áo tơi dạ và cái va-li
của mình có quai! Người ấy lại nhớ cả mình vui tính nữa.”
Chàng tưởng tượng – tưởng tượng chứ không phải nhớ vì chàng không còn
nhớ – chàng tưởng tượng ngay ra một cảnh gặp gỡ ở bến đò, cuộc gặp gỡ
giữa cô lái xinh tươi với ông khách có duyên qua bến và như nghe thấy
tiếng cười ròn tan trong luồng gió lạnh, như nhìn thấy cái liếc mắt lẳng
lơ đưa theo dịp chèo đập nước.
Rồi kẻ đi người ở. Tình vẫn man mác phảng phất như chút hương nhạt trong hai tâm hồn có lẽ không bao giờ gặp nhau.
“Cái áo tơi dạ của thầy… cái bao-ly có quai của thầy…”
Cùng với cảnh chuyến đò gặp gỡ, một cảnh khác hiện ra trong tưởng
tượng. Cảnh chờ đợi, nhớ mong. Nguyên như được ngắm cô lái, một đêm
trăng ngồi tựa gốc cây gạo nhìn xuống dòng nước mà gửi hồn ruổi theo
người khách lạ. Qua khóm lau thưa, lấp ló ngọn lửa con thuyền đánh cá.
Xa xa, tiếng chó sủa trong lũy tre âm u.
Rồi hình ảnh người qua đò một ngày một phai cho đến khi mười lăm năm sau, một hôm người ấy trở lại…
Trên đường đất gồ ghề, lồi lõm, chiếc xe sắt hục hặc nhảy chồm như
con ngựa bất kham… Nhưng Nguyên vẫn yên lặng bình tĩnh theo giấc mộng
liên miên…
Khái Hưng
Phù du
Ôi cõi nhân sinh, cõi mịt mù,
Kiếp người nào khác kiếp phù du ?
Thoắt thanh, thoắt trọc dường tơ tóc,
Biết có bao người vững chí tu ?
NM
Sợi tóc
Anh Thành nhỏm dậy, nghiêng mình chống khuỷu tay xuống giường rồi bắt
đầu nói với một giọng trầm và thong thả khiến người nghe hiểu được hết
các ý tứ của câu chuyện:Tôi có một người anh họ rất giầu và rất ngốc (có lẽ mình cho anh ta là ngốc, bởi vì hắn không xử sự như mình, không có những quan niệm về cuộc đời như mình; nhưng thật ra biết đâu cách ăn ở của anh ta lại không khôn ngoan hơn, bởi vì anh ta đã giầu và sung sướng?). Tên anh ta là Bản, Bản rất phục tôi, coi tôi là một người sành sỏi, thạo đời và nhất là thạo các ngón ăn chơi. Bởi vậy, động có việc gì, hoặc là muốn mua bán cái gì, anh ta đều không quên đến hỏi tôi trước.
Hôm ấy, Bân đến rủ tôi cùng đi mua một cái đồng hồ. Anh ta muốn mua hạng thật tốt, và nhờ tôi xem hộ. Hai chúng tôi đến hiệu Chabot ở phố Tràng Tiền. Đồng hồ ở hãng này thì không còn phải nói gì nữa: Thật là những đồng hồ các hiệu có tiếng, có bảo hành chắc chắn và cố nhiên là giá đắt. Tôi chọn cho hắn ta cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado, xuống nước hay vùi cát cũng không hề gì. Chiếc đồng hồ trông rất đẹp. Tôi thấy anh ta mân mê cầm lên ngắm nghía, xem chừng cũng muốn mua lắm. Nhưng cái tính hà tiện của anh ta lại thắng cái thích, nên rồi lưỡng lự một lát, anh ta trả lại nhà hàng, kéo tôi đi ra và bảo:
- Đẹp thì đẹp thật, nhưng mà đắt quá, anh ạ. Thôi, chúng ta lại các hiệu khách mà mua thì hơn.
Tôi yên lặng gật đầu, và theo đi, cũng chả muốn nói gì. Trong bụng nghĩ anh chàng này thật là ngốc, có tiền mà không biết chơi đồng hồ tốt. Lại kiệt nữa. Không biết hắn để tiền làm cái gì?
Vào một hiệu ở Hàng Ngang, sau khi mặc cả ráo riết từng hào, anh ta bằng lòng mua một cái đồng hồ hiệu không mấy ai biết tiếng. Hắn có hỏi ý kiến tôi, song tôi cũng ừ hữ bảo dùng được cho xong chuyện, vì hắn có mua được thứ tốt hay không, bấy giờ tôi thực không thấy quan hệ mấy.
Lúc trả tiền, tôi thấy hắn giở ra một cái ví da lớn, phồng chặt. Hắn đếm giấy bạc thong thả và cẩn thận. Thoáng nhìn qua, tôi cũng biết trong ví nhiều tiền lắm: ngoài số tiền bạc lẻ hắn mang ra trả, tôi còn thấy gấp ở ngăn trên đến năm, sáu cái giấy bạc một trăm nữa, những giấy bạc mới, màu còn tươi nguyên - "Quái, thằng cha này làm gì mà lắm tiền thế? Mình thì chả bao giờ có đến được một trăm bạc bỏ túi!" Tôi nghĩ thầm và so sánh thế.
Mua xong đồng hồ. Bân rủ tôi đi ăn:
- Ta lên hiệu chén, rồi lát nữa làm một chầu chứ, - hắn vỗ vào túi - tôi có đủ tiền đây!
Chúng tôi vào hiệu. Bân ăn vui vẻ lắm, có lẽ hắn vừa ý vì cái đồng hồ mua rẻ. Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn cái ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn - tôi thấy hắn càng ngốc - lại có lắm tiền thế, còn mình...
Tuy vậy, ý nghĩ cũng không làm tôi ăn mất ngon. Tôi tỏ mặt sành, gọi những thức ăn quý và đắt tiền, và hai chúng tôi uống rượu say sưa.
Cơm xong, Bân đưa tôi xuống Vạn Thái, vào nhà một người nhân tình của hắn. Hình như đã lâu không được đi hát, nên hắn có vẻ tha thiết và sung sướng đến đáng ghét. Về phần tôi, không thấy hứng lắm, - đi chơi với một anh có nhiều tiền mà mình lại khinh là ngốc, không có thú vị mấy - nhưng chẳng lẽ lại bỏ hắn nửa chừng. Tôi định bụng ở chơi qua quýt đến nửa đêm thì về.
Nhà hát, ngoài cô nhân tình của Bân, các con em khác trông cũng khá. Tôi nằm bên bàn đèn nói vài câu chuyện tầm phơ. Còn Bân, hắn không nghe hát hiếc gì cả. Ngồi nói chuyện với tôi một lát lấy lệ, rồi hắn cùng với cô nhân tình vào buồng trong đi nằm một chỗ. Hắn không quên - tính cẩn thận của anh kiệt! - đem cả cái áo tây trong có ví tiền vào chỗ nằm, vất trên thành đầu giường.
Một mình tôi ở ngoài đâm chán. Nằm một lát rồi tôi cũng đứng dậy sửa soạn ra về; Bân vẫn ở trong màn, nói vọng ra giữ lại:
- Anh hãy ở chơi đã, về làm gì vội. Ngày mai chủ nhật cơ mà.
- Thôi, tôi phải về. Sáng mai còn có việc.
Vừa nói tôi vừa với cái áo tây của tôi treo trên mắc. Bỗng nhiên có cái gì chuyển mạnh qua tim: tay tôi yên hẳn lại; tôi vừa mới nhận ra rằng cái áo tôi đương cầm không phải là áo của tôi. Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Hai chúng tôi cùng mặc thứ hàng len giống màu, như vậy dễ lẫn lắm. Tôi ghé nhìn vào phía trong áo thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài một ít. Cái ví tiền... mấy tờ giấy bạc...
- Ở chơi đã anh. Ở chơi sáng sớm mai về với tôi một thể.
- Ờ... ờ...
Tôi điềm nhiên treo cái áo vào chỗ cũ, quay ra. Mấy chị em cũng phụ họa vào lời mời của Bân, nài nỉ:
- Tội gì mà về bây giờ anh, khuya và lạnh chết.
Tôi chỉ thoáng nghe thấy, trong trí như còn bận sự gì. Bâng khuâng tôi lại gần giường; một chị nâng chén mời:
- Anh uống chén nước nóng. Rồi nằm xuống đây có hơn không?
- Ờ thì hẵng nằm một lát đã.
Tiếng Bân trong màn đưa ra:
- Phải đấy, đến mai hẵng về. Tôi bảo chị Lan phải làm thế nào giữ anh ấy lại thì làm...
- Không... thể nào tôi cũng phải về, anh ạ...
Những lời đối đáp ấy cứ tự nhiên buột miệng ra, tôi không để ý đến. Trước mắt tôi, mấy tờ giấy bạc một trăm gấp trong ngăn ví, hiện ra rất rõ rệt. Lấy mấy tờ, độ hai tờ - tại sao lại hai? Tôi không biết - thật dễ dàng quá. Tôi cứ việc điềm nhiên với lấy áo, mở ví rút ra hai tờ, rồi khoác áo ở trên vai, ra ý sắp sửa về. Rồi chọn lúc mọi người vô ý - mà dẫu có ý cũng không ai biết được - tôi đổi lấy áo của tôi vắt ở đầu giường Bân... Thế là xong, và gọn. Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi ngờ cho tôi. Mà nghi ngờ thế nào được?
Tôi về từ đêm cơ mà! Vả lại cái áo đựng tiền hắn đã cẩn thận mang vào giường ngay từ chập tối, vậy nếu có người lấy, thì chỉ có người nhà cô đầu mà thôi. Mà người nhà thì cũng khó lòng đến đấy lấy được, họa chăng có ngay cô nằm với Bân. ừ, có lẽ Bân sẽ nghi cho nhân tình của hắn lấy... Chắc thế. Tôi mỉm cười: Bân sẽ không dám nói gì đâu; biết nhân tình lấy, hắn sẽ im lặng, sợ làm cho nhân tình xấu hổ, và sợ làm tai tiếng chủ nhà. Hắn vốn tính nhát, với lại hai trăm đối với hắn chắc chả là bao.
Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy... dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả...
- Mời anh xơi thuốc.
Tôi giật mình đỡ lấy dọc tẩu. Cô Lan đã tiêm xong điếu thuốc từ bao giờ, quay dọc sang mời. Mắt cô nhìn tôi âu yếm. Tôi đưa mắt nhìn xuống, cầm lấy dọc hút. Điếu thuốc kêu vo vo, tiếng như ở đâu đưa lại. Qua làn khói trắng tỏa ra, tôi tưởng nhìn thấy tập giấy bạc một trăm, còn mới nguyên gấp trong ngăn ví. Hắn làm gì mà có lắm tiền thế? Lại mang để trong ví làm gì? Rõ anh chàng ngốc không biết dùng đồng tiền, tiền ở trong tay hắn cũng uổng. Ngộ có đứa lấy đi thì sao? Để thế có bữa mất thật...
- Anh nghĩ gì mà thần người ra thế? Say thuốc có phải không?
Lan để tay nhẹ nhàng lên người tôi, lẳng lơ đưa mắt hỏi. Tôi giả vờ cười không đáp, rồi xoay nằm ngửa, nhìn lên trần nhà. Trong người bứt rứt không yên... Lắng nghe thấy tiếng Bân thì thào và tiếng cười khúc khích của nhân tình hắn trong màn. Chiếc áo vắt ở đầu giường - chiếc áo của tôi - chắc vẫn còn y nguyên ở đấy.
Tôi tưởng tượng khi có hai trăm trong túi rồi, lên xe về điềm tĩnh đi nằm ngủ. Sớm mai mất tiền, thế nào hắn chả về qua nhà mình. Hắn gọi cửa vào, đánh thức mình dậy và bơ phờ bảo:
- Tôi mất hai trăm bạc tối hôm qua rồi, anh ạ...
Tôi thấy trước bộ mặt ngạc nhiên của tôi lúc bấy giờ - một vẻ mặt rất tự nhiên, - và tôi hỏi: "Chết chửa, mất bao giờ? Ở đâu?" - Hắn sẽ thuật lại buổi tối hôm nay, lúc mang áo vào giường, đến lúc thấy mất: "Chỉ có con nhân tình tôi nó lấy thôi, anh ạ. Chả còn ai vào đấy nữa..."
- Thế giấy bạc của anh có biên số không?
Nếu hắn không biên số thì mình cứ việc tiêu tự nhiên! Vạn nhất hắn có biên số rồi, thì bảo hắn đi trình cẩm. Nhưng mình sẽ tiêu ngay hôm ấy... Một người như mình cầm tờ giấy trăm vào Gô Đa mua hàng, ai dám nghi ngờ?...
Tôi nhớ lúc ấy tuy vẫn nói chuyện với mấy cô em, tôi xếp đặt đâu vào đấy rất chu đáo, phòng ngừa đủ mọi việc xảy ra. Chỉ còn việc lấy, và đổi áo nữa là xong. Rất dễ.
- Ấy kìa, anh đi đâu đấy?
- Tôi đi về đây, mai có việc bận, không thể ở lại được.
Tôi đã nhổm dậy đến bên mắc, với áo, chiếc áo của Bân. Qua lần vải tôi thấy chiếc ví kềnh kệnh răn rắn. Khoác áo lên một bên vai, tôi đi lại trong nhà, bồn chồn nóng ruột. Một cô đầu lê guốc ra hé cửa, nhìn ra ngoài trời:
- Tối lắm. Phải vạ gì mà đi bây giờ anh ạ.
- Đâu xem nào...
Tôi cũng đến bên cửa nghiêng nhìn ra ngoài. Tay tôi đưa vào trong áo, luồn vào khe ví, sờ vào mấy tấm giấy bạc. Tôi rùng mình. Mấy ngón tay mân mê đầu tấm giấy, một cái, hai cái...
- Thôi, vào không gió, anh ạ. Vào nằm cho ấm...
Tôi bỏ tay ra - thong thả, không vội gì, - theo vào, cái áo vẫn đè trĩu trên vai. Tôi ngồi ghé xuống cạnh giường, cầm chén nước lên nhấp, rồi lại đặt xuống.
Tiếng Bân trong nhà cất lên:
- Ông ấy về rồi à?
Tôi đáp:
- Không, đã về đâu. Tí nữa.
Bân nói câu gì sau, tôi cũng không nghe thấy. Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào, tôi không biết rõ. Tôi đứng lên, ngồi xuống, như một cái máy. Tôi chỉ băn khoăn, bứt rứt, và thời giờ qua... tôi cảm thấy đi qua tâm hồn tôi từ bên này sang bên kia... như thế không biết trong bao nhiêu lâu... Tôi khẽ thở dài, đứng lên lần này thì nhất định.
- Về thôi. Không mai đi sớm lại nhọc chết.
Bân hỏi vọng ra:
- Ồ, anh về à? Mấy giờ rồi đấy nhỉ?
- Gần một giờ rồi. Anh cứ ở đây. Cả mấy cô này nữa, đi ngủ đi cho béo mắt. Bận sau tôi ở lâu nhé.
Tôi đưa tay vuốt mái tóc một cô sán đến gần, hai tay để lên vai tôi, mắt nhìn ra vẻ âu yếm. Hai cô khác ngồi yên trên giường, cũng đưa mắt nhìn tôi như chờ đợi.
- Thôi đi ngủ đi.
Tôi gạt tay cô ấy ra, gấp cái áo tây trên cánh tay, rồi đi vào phía giường Bân nằm. Tôi cúi xuống, tì vào thành giường - cố ý tì vào chỗ vắt cái áo - nhìn vào trong, qua màn.
- Anh ở lại nhé - tôi mỉm cười - tri kỷ hết đêm nay cho nó sướng...
Cô nhân tình khúc khích trong chăn. Và Bân ngửa đầu trông lên, tay với vào tấm màn:
- Mai nhé.
- Oui, à demain.
Nhưng tôi chưa quay ra. Tôi vẫn cứ tì mình trên thành giường, lưỡng lự, một lát bấy giờ sao lâu thế. Rồi, không biết tại sao, bỗng nhiên:
- Áo anh đây này, đây là áo của tôi.
Và nói thêm bằng tiếng Pháp:
- Anh đếm lại tiền đi. Và để cẩn thận vào trong ấy.
Bân nhỏm nửa người dậy, cầm lấy áo:
- Merci, được rồi.
Tôi bước một bước lùi ra. Thế là hết. Bây giờ thì không sao đụng đến ví được nữa. Tôi bần thần ngơ ngẩn, mặc lấy chiếc áo của tôi, và đội mũ... Vừa gài khuy, tôi vừa nói mấy câu bông đùa vô vị với cô ả đứng ở chân giường sắp tiễn tôi về. Tôi trùng trình uống nước và hút thuốc, muốn cái thời khắc này cứ kéo dài ra mãi.
Đến khi ngồi trên xe về qua những phố khuya vắng vẻ, tâm trí tôi mới dần bình tĩnh lại. Gió lạnh thổi mát trên vừng trán nóng, và cái cảm giác mát ấy khiến tôi dễ chịu. Tôi nghĩ lại đến những cử chỉ và dự định của tôi lúc nãy, thật vừa như một người khôn khéo lại như một người mất hồn. Tất cả những cái đó bây giờ xa quá. Tâm trí tôi giãn ra, như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường. Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc.
* * *
Chúng tôi đều yên lặng. Anh Thành nói xong, với cái điếu hút một hơi thuốc lào rất kêu. Rồi anh thở ra thong thả, mắt lờ mờ nhìn dõi theo làn khói đi.
Thạch Lam
BƯỚC XUỐNG TRẦN GIAN
Ta bước xuống trần gian tìm đâu đó
Những ưu tư những ước nguyện thật gần
Bao toan tính bao lụy phiền theo mãi
Ôm kiếp người mà “mỏi gối chồn chân”
Vì ngũ trược nên đời không là thật
Cuộc vui tàn, nước mắt đọng bờ mi
Danh với lợi chỉ “Trời cho” nói ngược
Hóa kiếp rồi tất cả rủ nhau đi
Mùi khổ lụy mà nào ai có biết
Vẫn tranh giành giẫm nát lên nhau
Khi thất thế mới thấy lòng đau nhói
Thời gian trôi, nước đã chảy qua cầu
Xin khép lại những gì trong ảo mộng
Thắp ngọn đèn trí tuệ của Thích Ca
Nương diệu pháp tựa câu kinh giải thoát
Nghe trong lòng...vọng...Yết-đế-ba-la..
Hàn Long Ẩn
Thiên Trúc, California, đầu hạ tháng 6/2014
Những ưu tư những ước nguyện thật gần
Bao toan tính bao lụy phiền theo mãi
Ôm kiếp người mà “mỏi gối chồn chân”
Vì ngũ trược nên đời không là thật
Cuộc vui tàn, nước mắt đọng bờ mi
Danh với lợi chỉ “Trời cho” nói ngược
Hóa kiếp rồi tất cả rủ nhau đi
Mùi khổ lụy mà nào ai có biết
Vẫn tranh giành giẫm nát lên nhau
Khi thất thế mới thấy lòng đau nhói
Thời gian trôi, nước đã chảy qua cầu
Xin khép lại những gì trong ảo mộng
Thắp ngọn đèn trí tuệ của Thích Ca
Nương diệu pháp tựa câu kinh giải thoát
Nghe trong lòng...vọng...Yết-đế-ba-la..
Hàn Long Ẩn
Thiên Trúc, California, đầu hạ tháng 6/2014
Tiếng kinh tụng,
Tiếng kinh tụng hàng đêm vang vọng,
Cứu bao người vượt thoát bến mê...
Sá chi một thoắt đi về,
Thương mình lại vướng trầm mê bụi trần !
Trách người hay lại trách thân ?
Sắc Không, Không sắc tuy gần mà xa !!
Trầm luân trong cõi ta bà,
Muốn quay đầu lại tìm hoa sen vàng...
Bao lần sen nở rồi tàn,
Tiếng kinh xưa tụng còn vang trong hồn...
Quẩn quanh trong chốn càn khôn,
Sao chưa mõi gối, chưa chồn bước chân ?!
NM
Sắc Không
| -
Tôi nghiệm ra rằng các nhà tu hành, theo tôn giáo vùng nào cũng vậy,
đều có một vẻ mặt riêng. Nhà sư ta vừa gặp, tôi thấy hao hao giống nhiều
vị cố đạo tôi quen; họ đều có một khuôn mặt khắc khổ, không sao lẫn
được. - Tôi không dám chắc. Đời các nhà sư bình tĩnh, phẳng lặng như ao tù thì họ còn đau đớn gì mà nét mặt khắc khổ được. Theo ý tôi... Cương ngắt lời bạn. Chàng nói bằng một giọng trầm, như chứa chất một tin tưởng rất chắc chắn: - Anh lầm. Cương ngừng một giây, nhìn ánh mặt trời yếu ớt chiếu ngang vào gác chuông, thủng thỉnh nhắc lại: - Anh lầm. Anh có quan sát mặt biển cả bao giờ không? Những buổi chiều sắp có giông bão, mặt biển yên lặng lạ lùng. Nhưng chính lúc ấy, những làn sóng ngầm rất bạo liệt đương chuyển động cả đáy biển. Đời nhà sư cũng vậy, anh ạ, chỉ phẳng lặng ở bên ngoài. Thái cười mai mỉa: - Và cả ở bên trong nữa! Cương không trả lời, mắt lơ đãng nhìn vào quãng không. Sự tịch mịch chung quanh tăng lên dần với bóng chiều. Thái nhìn bạn: - Anh nghĩ gì mà thờ thẫn cả người ra thế? - Tôi nghĩ đến một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu, và vai chủ động là một nhà sư sống một đời phẳng lặng như anh vừa nói. Đến mãi bây giờ, tôi vẫn không quên được. Câu chuyện người khác cho là rất tầm thường nhưng tôi thấy hàm một ý nghĩa rất xâu xạ Anh biết chùa N... Ở vùng Bắc đấy chứ? Nhưng có lẽ anh không biết: anh có hay vãn cảnh chùa chiền đâu! Một ngôi chùa hẻo lánh vắng vẻ gấp trăm cảnh chùa này. Chùa làm trên sườn đồi, trong đám thông gió, mặt nhìn xuống một con sông nhỏ. Chung quanh là đồng ruộng chạy mãi đến tận chân trời. Mênh mông êm tĩnh, anh ạ. Chiều chiều, lúc mặt trời lặn, nghe chuông chùa thong thả rơi từng tiếng một, đến anh cũng phải cảm thấy tâm hồn tiêu tan vào sự buồn nản vô cùng của hư không. Mỗi tiếng ngân vang đi rất xa, lắng tai như nghe thấy sự rung chuyển của không khí trong êm lặng. Tôi chưa thấy một ngôi chùa nào tĩnh mịch hơn: dẫu linh hồn đương xúc động mạnh đến đâu, ở đấy cũng phải trở lại bình tĩnh với sự bình tĩnh vô cùng của cảnh chùa. Trụ trì chùa N... là một vị sư ông ngoài ba mươi tuổi, ít nói, ít cười, vẻ mặt lạnh lùng, và một chú tiểu ngây thơ, mộc mạc. Sư ông không biết ở đâu đến, nhưng thật là một vị sư cần mẫn, lúc nào cũng tụng kinh, niệm Phật. Ở vùng ấy, ai cũng mến phục, có lẽ kính nể sư ông nữa; thấy sư ông bao giờ cũng trịnh trọng nghiêm trang, người ta thì thầm bảo nhau rằng sư ông là một vị chân tu đã đến cõi Nát bàn ngay trong thời hiện tại. Cuộc đời của sư ông êm ả quá, ngày này sang ngày khác trong sự tĩnh mịch phẳng lặng. Mặt ao tù, như anh bảo. Nhưng thật ra là mặt biển khi lặng sóng. Một mùa xuân kia, mơn mởn như má cô gái dậy thì. Hai cây đào trồng cạnh ngôi chùa và mấy cụm mẫu đơn thi nhau nở hoa; mùi hoa cam, hoa bưởi ở ngoài vườn, gió đưa vào chùa, pha trộn với mùi hương trầm; những chòm lộc non xanh rờn chung quanh chùa; tất cả sắc và hương của cỏ cây gặp tiết mới nở giãn ra, đầm ấm, say sưa như men rượu. Thiện nam tín nữ rập đến chùa lễ bái và vãn cảnh. Trong mưa phùn, những mẫu quần áo rực rỡ làm tươi hẳn cảnh chùa vốn lạnh lẽo quạnh hiu, khiến cho ai nấy đều có cái cảm tưởng là cả đến ngôi chùa cũng sống lại với mùa xuân. Trong những ngày vui vẻ ấy, dễ thường chỉ có sư ông là vẫn thản nhiên lãnh đạm, không cười nói, tâm trí bận theo đuổi một giấc mộng xa xôi huyền bí. Đời của sư ông về bề ngoài, vẫn bình tĩnh một cách dị thường. Ai có tinh ý lắm mới nhận thấy sư ông gầy đi, mắt sâu hơn, má hóp thêm. Người ta bảo đó là vì sư ông thức khuya nhiều quá, và kể chuyện với nhau rằng có đêm, những đêm hương thơm của cỏ hoa nồng nàn quá, trong làng đã đổ canh tư rồi mà vẫn còn nghe tiếng mõ đều đều vọng ra ngoài đồng vắng. Một ngày về cuối xuân, trời mưa bụi, không khí ấm và nóng như báo trước những ngày hè sắp tới; một ngày người ta thấy chân tay rời rã, máu đọng lại trong các mạch. Khách thập phương đến lễ đông, nên sư ông bận trên chùa từ sớm, hương trầm nghi ngút xông lên suốt cả buổi. Mãi đến quá ngọ, sư ông mới xuống nghỉ dưới gian nhà tổ. Sư ông ngồi yên, hai tay mỏi mệt đặt lên cặp đùi gầy, mắt mở to nhưng không trông thấy gì hết. Bỗng chú tiểu ở ngoài chạy vào, vừa thở vừa nói: - Bạch cu... hai người đến vãng cảnh chùa ban nãy a... Họ đem nhau đến sau tháp, bẩm cái tháp lớn a... - Thật thế à? Gọi ông Lý mau! Sư ông đứng phắt dậy, mắt sáng quắc, mặt tái đi, và chân tay run bật lên.Ở ngoài, mưa đã tạnh. Một mảnh trời lộ ra sau những đám mây xám. Một ngọn gió êm, lơi lả đưa lại hương thơm nhẹ của cỏ hoa. Nhưng sư ông không còn vẻ thản nhiên lúc thường; trong khi đợi lý dịch, sư ông cuồng lên như một con thú dữ; đi đi lại lại trong phòng một cách nặng nề hấp tấp. Vừa thoáng thấy Lý trưởng, sư ông chạy xốc ra: - Mô phật! Nhờ chư ông bắt giùm. Thật họ làm dơ bẩn cả nhà chùa. Sư ông hối chú tiểu dẫn đường đi ngay để bắt cặp gian phu dâm phụ. Những nét bình thản trên mặt sư ông, ai cũng trông thấy rõ đã rối loạn vì lòng phẫn nộ: - Bắt lấy chúng nó! Nhưng tiếng động đã đánh thức cặp tình nhân đang mê mải say sưa. Thấy bóng người, họ vội vàng lẩn trốn. Người đàn ông nhanh chân chạy thoát, chỉ còn lại người đàn bà bị bắt dẫn đến trước mặt nhà sư. Sư ông đăm đăm nhìn người đàn bà từ đầu đến chân như nhìn kẻ thù. Đôi mắt sắc của sư ông sáng lên theo dõi từng cử chỉ của cô ả; dừng lại một giây trên đôi vai tròn trĩnh để hở trong chiếc áo chưa cài hết khuy, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt trát đầy phấn và cặp môi đỏ chót. Nét mặt sư ông tỏ ra vẻ giận dữ và khinh bỉ đến cực độ. Cô ả ăn mặc lòe loẹt như một gái giang hồ, vẻ mặt lo lắng, hai tay chắp lại van xin, mắt nhớn nhác nhìn sư ông và mọi người như năn nỉ. - Xin cho dẫn lên huyện! Tiếng nói rít, đầy oán hận của sư ông khiến ai nấy giật mình. Lý trưởng lưỡng lự một giây. - Trời chiều mất rồi, bạch cụ. Có dẫn lên huyện cũng không kịp. Hay là... cụ cho giam tạm ở chùa cho đến mai. - Không thể được ạ. Nhà sư nhất định từ chối và nhờ vậy cô ả kia được tha, sau một hồi xỉ mắng. Sư ông nhìn cô ả sửa lại vành khăn, xốc lại quần áo rồi lủi thủi bước ra khỏi Tam quan. Đêm hôm ấy, sư ông thức khuya lắm. Tiếng mõ cứ đều đều đổ dồn vào yên lặng. Và hôm sau, người ta ngơ ngác kháo nhau rằng sư ông đã bỏ chùa ra đi, không biết là đi đâu. Người thì bảo sư ông hóa điên, người suy nghĩ hơn, bảo sư ông không muốn tu ở một ngôi chùa đã ô uế, trốn đi tìm một ngôi chùa khác, tĩnh mịch hơn. Sự thật không ai ngờ đến cả. Sư ông đã cởi trả áo nhà chùa, trở về với đời nghiệp chướng. Cương ngừng lại, châm thuốc hút một hơi dài. Làn khói quyện lấy hai người. Thong thả, ở trong chùa, ngân nga tiếng chuông thu không, như điểm cuộc đời yên lặng trong cảnh tịch mịch hư vô. Thái yên lặng nhìn bạn. Cương đưa mắt nhìn theo khói thuốc bay, chậm rãi nói: - Đấy anh xem. Cuộc đời phẳng lặng của sư ông chùa N... là hầu hết cuộc đời của các nhà tu hành. Phẳng lặng ngoài mặt, nhưng bên trong rối loạn vô cùng. Thật là một bãi chiến trường. Bãi chiến trường của tín ngưỡng và dục vọng. Đè nén dục vọng không phải dễ dàng; trái lại, nhà tu hành mỗi lúc mỗi đau khổ lắm mới giữ được mình. Cuộc chiến đấu càng lâu càng tăng vẻ mãnh liệt; phần nhiều thì ngọn lửa lòng cháy một ngày một bốc, cho đến lúc làn gió nhẹ bên ngoài thổi qua cũng đủ làm bùng to lên. Những ngày xuân ấm là những ngày đau khổ nhất cho các nhà tu hành; chung quanh họ, từ bông hoa ngọn cỏ cho đến muông thú, thấy đều say mê trong thanh sắc, trong dục vọng, riêng các nhà sư phải sống theo nhịp một điệu riêng, điệu của hư vô, của cõi chết. Nhưng nhắm mắt lại, chắc họ còn cảm thấy gió xuân mơn trớn như chiếc hôn nhẹ, và lúc gõ mõ tụng kinh, nhiều hình ảnh khêu gợi chắc đương lả lơi trước mắt. Tôi nghĩ mà thương sư ông chùa N... ngày rằm tháng giêng. Những dáng điệu vô tình lả lơi của các cô gái đi trẩy hội, màu áo và hình sắc, mùi phấn và nước hoa lẫn vào hương trầm, ngần ấy thứ thừa sức cám dỗ một người, và người bao giờ cũng yếu đuối. Anh đừng tưởng sư ông phẫn nộ nhìn cô gái giang hồ là vì không tôn trọng luân lý: sư ông lúc đó đương chống giữ với sự cám dỗ bên ngoài, và vì thế sinh ra thù oán đến căm hờn nguồn rễ của dục vọng, người đàn bà. Lúc sư ông nhìn một cách ghê tởm và khinh bỉ thân thể cô gái giang hồ, tôi chắc là lúc thân thể sư ông rung động vì dục vọng bị đè nén, và sư ông đã ghê tởm và khinh bỉ chính người sư ông mà không biết. Ngọn lửa nhóm trong lòng sư ông đã cháy lâu rồi, không thể dập tắt được. Đôi vai tròn lẳn của cô ả chỉ là một giọt dầu đổ thêm vào đám lửa đương ngùn ngụt... Ngừng một giây, Cương buông từng tiếng một, như vừa nói vừa nghĩ: - Sư ông bỏ chùa là phải. Chung quanh hai người, trời đã bắt đầu tối sẫm. Thái nghe tiếng bạn nặng nề rơi vào quãng không, như hàm súc một sự cảm động rất mạnh nhưng ngấm ngầm. Chàng đột ngột hỏi: - Sao anh biết rõ tâm lý nhà sư ấy thế? Cương không trả lời. Chàng mỉm cười, đôi mắt nhìn vào trong đêm như nhìn một ký vãng mù mịt. Thái ngạc nhiên nhìn, và bỗng nhận rõ mặt Cương nổi bật lên trong tối, mắt sâu, má hóp, vẻ khắc khổ như mặt kẻ tu hành. Hoàng Đạo |