Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Mùa gió

Gió Về Miền Xuôi


Nụ cười của gió,
Trong giá lạnh cánh hồng lay theo gió,
Hương hồng bay thơm ngát cả trời đêm...
Ta bên nhau tìm giây phút êm đềm,
Cảm nhận thấy nụ cười tươi của gió !
NM

 Ngày gió biết cười
1. Ngày Lãng nhận được thông báo công tác, là ngày mà Hà Nội trở gió, lạnh se se, hoa sữa thôi không còn nồng nàn khắp phố.
Thay vào đó đám cúc họa mi trổ bừng sắc trắng tinh khôi. Những đóa cúc họa mi trốn ngày chớm đông, theo Lãng từ phương Bắc vào thành phố miền Nam ấm áp này, làm quà tặng các chị đồng nghiệp của trụ sở chính.
Tuổi trẻ của Lãng là những ngày heo may giăng đầy góc phố, cùng đám bạn thân, ngồi bệt bên bờ hồ, kể nhau nghe những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện ta, để rồi hít hà cái không khí lành lạnh, xoa hai bàn tay nóng đều rồi ướm lên đôi gò má, nghe đêm Hà Nội bình yên quá đỗi.
Người Hà Nội không vội được đâu, Lãng không quen cái nhịp sống hối hả của mảnh đất phương Nam này. Ngay cái hôm đầu tiên lên trụ sở để nhận công việc, cậu nhóc đến từ phương Bắc đã một phen khiếp hãi khi nghe bà chị hướng dẫn liến thoắng.
Khiết Lãng phải không? Tên hay hen! Đại thể là “nỗi quên trong sáng” à! Chỗ này của cậu đây, hồ sơ tài liệu tham khảo đó, cậu có một ngày để đọc, mai chị sẽ bắt đầu hướng dẫn, chị hỏi mà không trả lời được là cứ thế mà quy ra đồ ăn nha. Cậu coi như may mắn lắm đấy, chị hướng dẫn biết bao nhiêu trưởng nhóm từ các chi nhánh rồi, kết quả thi lúc nào cũng… rớt!
Kinh cả đầu óc, Lãng muốn lảo đảo đứng không còn vững. Khó khăn lắm Lãng mới ngồi vào vị trí này, công ty lớn ai cũng khao khát, giờ nghe chị nói, Lãng bỗng thấy mình thèm về lại cái góc phố bên bờ hồ, nghe gió mùa the thắt lạnh, vẫn là bình yên hơn nơi này.
Chị ngoảnh đi cùng bó cúc họa mi, nở nụ cười duyên, vẳng bên tai Lãng vẫn còn nghe cái giọng lanh lảnh ấy. Ơ hay, thằng nhóc chắc vét hết hoa của Hà Nội mang vào à, ngập trời cả công ty.
2. Này cậu nhóc, kiểu theo ngoài ấy nói cậu cũng ngon giai lắm, khắp cả cái trụ sở, mấy phòng ban cứ lấp ló vài cô lượn lờ dòm ngó đấy, coi được không thì làm rể Sài Gòn luôn đi.
Này nhóc, chị có con bé em, nó thấy hình mày, nó nhảy dựng đòi làm mai làm mối, rõ khổ chưa, thời buổi gì mà hễ trai xinh tí là con gái lại lúng liếng nháo nhào cả lên.
Này nhóc, có anh trai nào ngoài ấy, kiểu ế già như chị giới thiệu cái coi, chị mày khổ lắm rồi, rổ rá còn có cái mà cạp đôi, chị vẫn mình ên, lẻ loi. Ông bà mình nói mấy người già ế như chị khó tính lắm, liệu hồn đậu rớt kỳ này nằm trong tay chị đó nghen.
Này nhóc… luôn luôn là câu mở đầu nghe riết phát cáu.
Lãng cũng đâu còn nhỏ, hai tư rồi, cao cả thước tám, nhóc gì nữa mà nhóc nè trời.
Chị vẫn cứ liến thoắng, đan xen giữa những lời hướng dẫn là cái véo tai, bẹo mũi khi Lãng còn mơ hồ với đống tài liệu. Giữa những bữa cơm trưa “hình phạt”, mà theo như mỹ từ chị dùng “cơm tình thân”, là những câu chuyện đời của Lãng, chuyện Hà Nội. Chị luôn háo hức lắng tai nghe, rồi gù gật, hứa ngày nào đó sẽ đón một mùa gió thênh thênh với Lãng ngoài ấy.
3. Chị ba mươi, tóc ngang đôi vai gầy, trắng xanh xao, sống mũi thanh tao, vóc người nhỏ nhắn.
Chị ào ào đến, ào ào đi. Nơi chị ghé qua lúc nào cũng rộn vang tiếng cười. Nhưng khi bắt tay vào công việc, ánh mắt nghiêm nghị, giọng nói trầm xuống hẳn, chỉnh tề lạ thường.
Người ta bảo chị khó tính lắm, trước khi nhận hướng dẫn một trưởng nhóm nào đều phải đọc kỹ hồ sơ cá nhân, xem bảng thành tích, xem cả những hoạt động xã hội đã tham gia. Nhưng một khi chị đã nhận thì sẽ dốc lòng mà truyền đạt. Kinh nghiệm của chị là thứ quý giá, trong cả công ty không mấy ai có được. Chị gắn bó với nơi này từ những ngày đầu thành lập, khi mới chỉ là cô bé sinh viên mày mò làm thêm, sau này ra trường chị gần như cống hiến cả thanh xuân cho sự phát triển của công ty. Giờ ngoảnh lại nhìn bạn bè cùng trang lứa đã ổn định chuyện gia đình, chị hay cười buồn, có lẽ tại người đàn ông tử tế của chị chưa kịp đến, giờ ngoài đường kẹt xe nhiều mà, chắc đang bị dính cái ngã tư, hay vòng xoay nào đó thôi.
Có những buổi chiều tối, Lãng rã rời uể oải rời khỏi bàn, ra về, ngang qua phòng chị, vẫn thấy đèn sáng, tiếng gõ máy tính vẫn đều đều.
Không dưng mà trong lòng Lãng xót xót.
4. Nếu cho chị chọn một nơi nào đó không phải là Sài Gòn để sống, chị chọn nơi nào. Lãng buông câu hỏi vào một tối hai chị em thơ thẩn hóng mát cạnh bờ sông Bạch Đằng.
Chị chọn Hà Nội nghen. Ơ hay, chị dễ dụ thế. Thế cái đứa nào thỏ thẻ với chị nơi ấy bình yên lắm mà. Bình yên nhất chỉ là nhà mình thôi chị à. Người ta có nhà mà đôi khi không muốn về. Có người lại chẳng thể về nhà. Còn chị... ờ... chị đâu có nhà mà về. Thèm lắm! Mà nào giờ chị chỉ biết có sơ và cô nhi viện thôi hà. Giọng chị nhỏ dần, ngập ngừng. Ánh mắt xa xăm phía dòng sông sóng sánh, hắt hiu ánh đèn. Gió gợn sóng lăn tăn, lạnh khẽ khàng.
Sơ nói, chị được đặt trước cổng nhà thờ đâu tầm giữa tháng chín năm ấy, ngót nghét giờ cũng ba chục năm rồi. Chị lớn lên cùng những đứa trẻ giống như mình, tứ cố vô thân, cù bơ cù bất. Rồi cứ thế đứa cũ dạy đứa mới, đứa lớn chăm đứa nhỏ, hằng ngày tụi chị phụ việc cho mấy sơ, bắt đầu tập đan, tập may đồ, tập làm đồ mỹ nghệ bằng mây tre nứa. Chừng mười tám, tụi chị sẽ tự lập, ra khỏi cô nhi viện, bươn chải mà sống, đứa nào dư dả rủng rỉnh chút đỉnh thì quay về gửi mấy sơ có thêm kinh phí mà nuôi những đứa đến sau. Vậy đó, chị còn may mắn hơn so với nhiều đứa phải ngược xuôi bôn ba lề đường hè phố. Mà chị có nhiều anh chị em nhất thế giới đó nha, cứ rỗi rãi là chị lại về viện, phụ mấy sơ chăm nom các em. Thấy mình cũng đâu nhất thiết phải có một ai đó đi chung đoạn đường đời này. Nhỡ may mình chẳng đem đến cho người ta hạnh phúc. Vậy là mình có lỗi quá chừng.
Chị dứt lời nhẹ tênh. Ngẩng lên nhìn đêm chi chít sao. Một đêm giữa tháng mười hai, ngoài phố rộn ràng áo len áo ấm, xanh đỏ tím vàng, đèn mắc giăng ngang. Sắp Giáng sinh rồi, mùa an lành với nhiều vọng ước cho gia đình, cho tình thân, cho những hoài bão của thanh xuân đời người.
Lãng nhìn người con gái cạnh mình. Giữa những nghiệt ngã của cuộc đời, người con gái ấy vẫn nhẹ nhàng đón nhận, điềm nhiên bước qua. Cái chữ thèm khi chị nói về ngôi nhà mình hằng khát khao, khiến Lãng nghẹn giọng.
Chị yên lặng nhìn dòng sông đêm đen nghịt, mờ ảo những giề lục bình, xuôi theo con nước lững lờ trôi.
Tự dưng Lãng muốn nắm nhẹ bàn tay người con gái này, để cô không còn thấy chơi vơi giữa cuộc đời trăm ngàn lối rẽ. Hay Lãng muốn kề vai mình, cho người con gái này gối đầu lên, để cô ta không còn thấy nặng nhọc giữa bôn ba dặm trường mưu sinh.
Mà Lãng chỉ ngập ngừng, nhìn người con gái này, rồi lặng yên…
Gió bát ngát.
5. Giáng sinh Sài Gòn, khắp phố nghẹt cứng, người ta hối hả cho những cuộc vui đã được định sẵn. Gã trai phương Bắc lóng ngóng chẳng biết làm gì để đón một Noel lần đầu xa xứ.
Vài cuộc điện thoại thăm gia đình, thêm gần chục phút cho mấy đứa bạn thân đang hả hê với cái rét căm của Hà Nội. Nhìn bọn bạn xúng xính áo măng tô, hít hà quẩy nóng, túm tụm bờ hồ, Lãng nghe thương nhớ Hà Nội rát lòng.
Ai xa Hà Nội lại không da diết về những mùa rét căm, gió phả vào mặt những tê tái của khí trời. Bọn trẻ xuýt xoa hít hà vậy chứ mỗi bận rét về lại thập thò í ới nhau cùng xuống phố. Lâu dần thành cái nết đặc trưng của người Hà thành.
Từ chiều đã không thấy chị ở công ty, điện thoại thì mãi chẳng bắt máy. Lãng dò hỏi thì biết năm nào chị cũng mất tích bí ẩn như vậy vào ngày Giáng sinh, riết rồi chẳng ai quan tâm chị đi đâu, làm gì, thể nào sáng mai chị cũng xuất hiện với cơ man bánh kẹo đầy cả một giỏ xách.
Lãng rời khách sạn, lững thững theo dòng người, ra phố đi bộ, chen chúc ồn ào để thấy mình không lạc lõng với ngày vui này. Bàn chân xuôi ngược như thế, lại dẫn về ghế đá cũ, cạnh bờ sông ngày trước.
Chỗ cũ, bờ sông, không gặp không về.
Lãng cất điện thoại vào túi sau khi nhắn cho chị dòng tin nhắn ấy. Chẳng biết tại sao mình làm vậy. Chỉ là giây phút này Lãng muốn gặp chị. Chỉ là muốn biết chị đã làm gì, ở đâu. Chỉ là muốn thử xem, Lãng có chút ít vị trí nào trong lòng chị mà thôi. Chỉ là… ừ thì chỉ là, Lãng bắt đầu sốt ruột…
Đợi chờ một người, mà không biết tại sao mình lại trông mong. Chẳng thể tìm một lý giải cho sự quan trọng của người ta đối với mình. Cái cảm giác lẫn lộn hàng vạn câu hỏi nó khiến Lãng mơ hồ nhận ra sự khác lạ của lòng mình. Ấy là gì? Có ngốc lắm không khi mình nhắn vậy?
6. Chị đến, nhẹ nhàng ngồi cạnh bên, bẹo vào tai Lãng, khi cậu trai khẽ nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt xanh xao ấy.
Chị phải chạy hụt hơi đến đây đấy, lần đầu tiên có một người kéo được chị rời khỏi cô nhi viện vào đêm Giáng sinh. Nếu là người khác đọc tin nhắn, họ lại nghĩ mình yêu nhau. Còn chị à, chị nghĩ cậu nhóc này lại thấy đơn côi giữa đêm bình an rồi.
Tại sao… chị không nghĩ như người ta.
Lãng quay hẳn về phía người con gái mà mình đã chờ đợi cả đêm nay, chắc cô chẳng biết, đi qua những lần vụn vỡ con tim, Lãng cũng chưa chờ đợi ai vào cái đêm đặc biệt này, bằng cái cảm giác tựa hồ trống rỗng mà vô cùng ấm áp. Ấy là khi cô đến. Lãng thở phào nhẹ nhõm, từ giây phút này, Lãng mới thấy Giáng sinh an lành là đây.
Ngốc à, không có uống tí bia rượu nào chứ, em đừng dọa chị nha, chị không biết làm gì với người say xỉn đâu đấy. Chị lay lay vào vai Lãng. Này nhóc, chị có đem đến bánh kẹo, hai chị em mình ăn lễ thôi.
Thì cứ như người ta nghĩ đi. Mình yêu nhau cũng có gì đâu? Lãng thích chị. Rất thích chị. Lãng chạm khẽ tay chị, bàn tay gầy gò, nhỏ nhắn.
Thích một người với yêu thương một người nó khác xa nhau lắm Lãng à. Trong một khoảng thời điểm bất chợt của thanh xuân, mình có thể thích bất cứ người nào đó. Nhưng yêu thương là một chặng đường dài đằng đẵng mà đôi khi phải dành cả đời cho nó. Nên thôi, đừng bồng bột vì chị nghen.
Chị rụt tay. Lãng xao xác lòng. Đường về diệu vợi mênh mông.
Cả đoạn đường về chẳng ai nói với ai lời nào. Cứ mải miết song hành qua những con phố khuya lắc mà vẫn đầy ắp người hào hứng mừng thánh lễ.
Chị nhìn Lãng cái nhìn hun hút. Mãi sau này, nhiều năm nữa, chắc chẳng bao giờ Lãng quên được ánh mắt ấy.
Ngày gió biết cười, ta sẽ thành đôi.
Chị bẹo mũi Lãng, rồi quay đi. Để lại gã con trai thẫn thờ nhìn với theo.
Đêm đó, Lãng mơ những cánh hồng khẽ rung rinh trước gió.
7. Lãng cầm trên tay kết quả đậu đợt thi sát hạch cho chức vụ mới, cùng mã code chuyến bay về lại Hà Nội. Cảm xúc vui buồn xen lẫn với hình ảnh người con gái tóc ngang bờ vai.
Mảnh đất phương Nam ấm áp không chỉ cho Lãng những kiến thức hữu ích trong công việc, mà còn gieo vào tim Lãng một tình yêu da diết. Khoảng cách lớn nhất trong tình yêu này, không phải là tuổi tác, chẳng phải là địa vị, càng không thể là một ngàn bảy trăm mười chín ki lô mét trải dài từ Hà Nội vào tận Sài Gòn, mà là chiều dài của nỗi nhớ.
Ghế đá cũ, tin nhắn như xưa và Lãng lại đợi…
Trăng tròng trành theo từng con sóng, lòng sông dát bạc sánh ánh đêm, mấy giề lục bình vẫn mải miết phận đời lênh đênh chìm nổi. Ngoài kia, phố xá hối hả của ngày lễ Tình nhân. Ngoài kia, người ta nắm tay, từng cặp hạnh phúc song đôi. Ngoài kia chắc cũng có một người đợi một người như Lãng đợi chị.
8. Chị đến, nụ cười nhu mì và đằm thắm. Lãng từng nói người Hà Nội không vội được đâu mà. Ờ thì không vội đâu.
Lãng khoác chiếc áo len lên người chị, khẽ vén mái tóc chấm vai, nhìn gương mặt trắng xanh xao mà nỗi thương yêu dâng trào.
Ơ hay, hoa hồng là một, kẹo ngọt là hai, Lãng chẳng giống ai, tự nhiên tặng áo. Chị lại liến thoắng như buổi đầu gặp Lãng.
Lãng mỉm cười.
Lãng bảo mẹ gửi gấp vào đây một chiếc áo ấm cho con dâu mẹ đấy. Mẹ lo tới lo lui sợ cô ấy chẳng thích, sợ không vừa… Ngoài Bắc, mẹ chồng mà chọn áo cho nàng dâu, là coi như đã ưng cái bụng rồi đó nha.
Lãng nhìn người con gái mình thương đang ngơ ngác ấp úng. Chìa vội cành hoa hồng đưa lên. Lãng cũng thèm một mái nhà, mà phải là có hai đứa mình.
Lãng nín thở, nhìn và đợi.
Một sớm mai bình yên nào đấy, trời thủ đô trở gió se se lạnh, Lãng sẽ choàng chiếc khăn vào cổ chị, khoác cho chị chiếc áo măng tô đúng chất Hà Nội, rồi nắm tay chị, thong thả dạo quanh bờ hồ, nhìn đám sương sớm mờ ảo nghiêng nghiêng mặt nước, nhìn những cụ ông cụ bà bên chén trà ấm nóng kể chuyện thời trẻ, nhìn tình yêu mình gõ những bước an nhiên qua quãng đời thanh xuân.
Lãng sẽ chở chị đi vòng quanh Hà Nội vào những mùa hoa sữa nồng nàn khắp phố. Lãng sẽ cùng chị túm tụm với đám bạn, chọn một góc bờ hồ, thả những câu chuyện tình yêu, hạnh phúc, rất đời thường này vào đêm tĩnh lặng của Hà Nội, nghe yêu thương vang dậy theo từng nhịp tim.
Lãng sẽ…
Ơ mà, Lãng sẽ không gọi là chị nữa đâu, vậy giờ mình gọi nhau là gì?
Người con gái ấy nhìn Lãng bằng cái nhìn tin yêu, khẽ bẹo vào mũi cậu con trai đến từ phương Bắc có trái tim nồng ấm…
Thì mình gọi nhau là cưng, ở Sài Gòn người ta thương nhau gọi nhau vậy đó…
Những cánh hồng nhẹ lay trên tay người con gái ấy.
Với Lãng, hôm ấy là ngày gió biết cười…
Trúc Thiên 
Ngày vui xưa,
Tìm đâu thấy tháng ngày vui xưa cũ,
Đâu nghĩa tình thân ái chốn làng quê ?
Tiếng chuông chùa chừ như nhắc nhớ về,
Lòng nhân ái của thâm tình ngày cũ ?
 NM

                             Gió mùa về
Trong sâu thẳm mỗi con người đều có hoài niệm về một miền quê với những tuổi thơ, những cảnh vật, những tình thân, để rồi chúng ta luôn mang theo trong mình những ký ức thân thương đó. Khi quê nhà đổi mới, chúng ta được gì, mất gì, và điều gì cần giữ lại?
Quê tôi ngày ấy, một vùng quê nằm sát con sông Hồng, có những cánh đồng màu mỡ được phù sa bồi đắp, có bờ đê với những rặng tre xanh ngắt rì rào, có con đường vào làng vắt qua những ruộng lúa chín. Lối vào xóm tôi được lát gạch cổ, qua những hàng rào cũ kỹ, qua những bức tường mọc đầy rêu xanh.
Ngõ vào nhà tôi có hàng rào dâm bụt, rồi đến căn nhà ngói ba gian được lợp đi lợp lại, vá chỗ này chỗ khác. Bố tôi là nhà giáo, hay đúng hơn phải gọi là ông đồ. Người làng hay gọi ông là “thầy Thứ” vì ông hay cho chữ và giải thích ý nghĩa của từng chữ cho người đến xin. Bố mẹ tôi sinh được hai anh em, anh đã lập gia đình. Bố mẹ cho anh một miếng đất to, tính theo sào Bắc bộ thì là 3 sào, khoảng 1000 m2 để xây nhà và chăn nuôi. Tôi thì ở cùng bố mẹ, thừa hưởng miếng đất cũng được gần 500 m2.
Hồi đó làng chưa có điện, mỗi khi trời tối tôi lại chuẩn bị đèn dầu, kiểm tra bấc và bóng đèn. Bấc thì phải gẩy bung lên và kiểm tra dầu ở dưới đèn, bóng thì phải lau sạch muội đen ở xung quanh. Tôi phụ trách hoàn toàn cái đèn dầu, dùng chai mua từng cút dầu, nút lá chuối chai dầu cẩn thận chuẩn bị cho vài ngày trong tuần.
Chiều về, làng vang lên những tiếng cuốc, cầy va vào nhau cùng tiếng gọi í ới của bà con làng xóm. Khói bếp cũng bắt đầu tản, trời bắt đầu tối. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu nhiệm vụ của mình là thắp lên ngọn đèn dầu. Sau đó, tôi trải chiếu, bưng nồi cơm ở dưới bếp được ủ than còn nóng lên hiên nhà, dọn bát đũa. Gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm sau một ngày làm việc mệt nhọc. Mẹ và anh kể về công việc mùa màng, còn bố tôi cầm chiếc quạt phe phẩy, thỉnh thoảng cười nói thêm vào câu chuyện.
Những đêm trăng sáng, nhà tôi lại có khách. Mọi người quây quần kể chuyện vụ mùa, rồi chuyện ngày xưa. Những tiếng cười vui thoảng trong gió dưới ánh trăng sáng vằng vặc.
Gần nhà tôi có một ngôi chùa, tiếng chuông chùa ngân nga lắm. Bọn trẻ chúng tôi thích qua đó chơi vì không khí trong chùa mát mẻ, và sân vườn rộng, mà ông sư già hiền lắm, không bao giờ mắng mỏ chúng tôi.
Rồi làng tôi thay đổi…
Tôi vẫn còn nhớ rõ cái buổi sáng hôm đó, khi một trận gió mùa lớn thổi về, bố mẹ và anh tức tốc buộc lại cây trái và phạt bớt cành. Rồi tiếng loa buổi sáng vang lên, liên tục phát đi phát lại bản tin, rằng làng vinh dự được quy hoạch của nhà nước. Phần lớn đất làng sẽ được phát triển thành khu công nghiệp. Đêm đó gió rít, mấy tàu cau sau nhà kêu phần phật, tôi co mình lại, mơ màng ngủ thiếp đi trong tiếng mưa rơi lộp độp.
Thời gian dần qua, bỏ lại những ngôi nhà cũ, những bức tường bám đầy rêu xanh, những hàng rào dâm bụt.
Làng tôi đổi mới, những ngôi nhà được xây dựng khang trang, ngõ xóm được đổ bê tông, điện đã về làng. Những chiếc tivi màu sặc sỡ thay thế những chiếc tivi đen trắng, những chiếc xe máy ôtô thay thế những chiếc xe đạp hiếm hoi trong làng. Ngôi chùa nơi bọn trẻ chúng tôi hay chơi đùa cũng được xây dựng lại mới… Có điều tiếng chuông chùa giờ không còn ngân nga như trước. Tiếng chuông tiếng mõ giờ gấp gáp hơn, người đến chùa cũng tấp nập hơn hẳn. Người dân bảo chùa thiêng nên được người giàu sang khắp nơi về cúng bái.
Anh trai tôi cũng thay đổi, mở công ty, khoác lên mình bộ đồ tây sang trọng. Chị dâu tôi bắt đầu diện váy ngắn, trang điểm, biết đi du lịch và cúng bái. Người làng thay đổi, xây nhà cửa, xe ga, xe SH chạy tít… Mấy bác hay qua nhà tôi chơi ngày trước giờ cũng bận bịu.
Chỉ có bố tôi là hay ngồi trầm ngâm. Ông chẳng dạy tôi gì nhiều ngoài chữ “nhân”, ông hay ngồi lẩm bẩm: “Mong sao giấy rách vẫn giữ được lề”.
Anh tôi thua lỗ, bán hết gia tài, quay về với bố mẹ. Anh xin miếng đất nhỏ dựng tạm túp lều, ít nói hẳn đi. Mẹ buồn, nhưng ba thì gật đầu bảo thế là tốt rồi. Mấy nhà hàng xóm, anh em còn đánh chửi nhau tranh đất tranh cát, tố cáo nhau ầm ĩ. Từ bao giờ mà làng tôi lô đề, nghiện hút đủ cả.
Ngày bố tôi đi, cả làng đều đến đưa ông ra đồng. Đêm hôm đó trời mưa to lắm, bầu trời cứ u ám…
Làng tôi vẫn thay đổi từng ngày, tôi lớn, theo chúng bạn rời làng ra đi. Hôm tôi đi, anh trai nhẹ nói, “em nhớ lời bố dạy”. Mắt tôi lờ mờ nhìn thấy làng quê ngày ấy, những ngõ xóm quanh co dịu mát, những ánh đèn dầu le lói, những gương mặt thân quen rạng rỡ, những đêm trăng sáng đom đóm bay đầy trời, bên tai vẳng đâu đó tiếng chuông chùa ngân vang. Tôi lờ mờ hiểu được chữ “nhân” mà bố tôi hay nhắc…
Gió mùa lại về.
Lê Nguyên

Cơn gió lạ,
Cơn gió xanh bỗng từ đâu xuất hiện,
Gieo kinh hoàng mê hoặc chốn làng quê....
Hương của hoa tràn ngập cả lối về,
Mãi miết thổi đủ sắc màu xanh lạ !
Màu sắc biếc nhuộm ánh xanh cho lá,
Đem tình yêu ban phát khắp sơn khê...
Gió ra đi và gió lại quay về,
Gió gieo rắc khối tình không chân thật !
Và rồi gió lạ biến đi,
Màu xanh dĩ vãng chỉ về trong mơ
NM

Gió xanh
1
Nhà tôi ở trong thung lũng. Nhiều năm trước, khi tôi còn là một cô gái nhỏ, vùng tôi ở được chứng kiến một sự lạ thường.
Hôm ấy là một ngày hè. Vào lúc hoàng hôn, có tiếng ù ù vọng lại từ phía chân trời. Không ai rõ là tiếng gì, trời vẫn trong xanh, lơ thơ vài cụm mây bông. Khi âm thanh lạ ấy tràn qua đồng cỏ ven hồ về đến dãy đồi dẫn vào xóm tôi, mọi người nhận ra tiếng gió và những tiếng kêu thét nổi lên. Ai nấy đều kinh hãi.
Gió gì mà lại có màu, một màu xanh lam đẹp không thể tưởng tượng nổi. Trong chốc lát nó nhuộm biếc mấy trái đồi khô cằn rồi ào ạt phết màu lên những rặng cây mái nhà. Đi tới đâu gió hiện rõ hình thù tới đấy, vừa đổ màu một cách hoang phí khắp núi đồi thung lũng vừa phát ra những tiếng ngân rất mỏng như khi ta búng vào một chiếc lọ pha lê.
Lúc đó tôi đang đứng ở hiên nhà. Chùm chuông gió reo lên lanh lảnh và cánh cửa sổ cũ kỹ bằng gỗ dẻ mở ra đóng lại liên hồi. Nhìn thấy gió cuồn cuộn thốc vào, tôi hoảng hốt đánh rơi cái gầu múc nước. Gió trườn qua tôi mỏng tang, xanh biếc. Thoảng trong gió một mùi thơm rất nhẹ, sâu kín như mùi của loài hoa dại trên núi chín năm mới nở một lần.
Đêm ấy dân các xóm đổ cả ra đường. Cảnh đẹp đến mức không ai ngủ nổi. Suốt đêm, gió thổi một màu xanh huyền ảo vào vườn tược, chuồng trại, biến mọi thứ nhếch nhác xập xệ thành chốn thần tiên. Trăng lên, to tròn và trắng bệch mắc trên ngọn cây dạ huyền, màu nguyệt bạch của trăng càng làm ma mị hơn màu xanh của gió. Cho đến sáng, một hương thơm kỳ lạ vẫn quấn quyện trong khắp các khu vườn, khe lũng, lẫn trong hương thôn dã của đất cùng trăm thứ mùi ngan ngát của muôn hoa.
2
Một cuộc họp bất thường bàn về gió lạ được triệu tập tại ủy ban xã ngay trong ngày hôm sau. Những người từng trải và có học trong vùng được mời đến. Tuy phấp phỏng lo sợ một tai họa ghê gớm nào đó sẽ tới, ai cũng thừa nhận gió đẹp đến mê hoặc lại có mùi thơm, một thứ hương lạ không giống hương của bất cứ loài cỏ cây nào mọc trong thung lũng.
- Có thể nó đến từ một nơi rất xa trên trái đất, đi qua một thảo nguyên nhiều hoa lạ và mang theo đến đây cả những mùi hoa này - Ông giáo già, được kính trọng vì là người duy nhất trong vùng sở hữu một chiếc phong cầm cũ rích, cùng tủ sách mối mọt ố vàng, phỏng đoán.
Giả thiết này được nhiều người chấp nhận. Ông giáo mỉm cười mãn nguyện:
- Tôi cho rằng đây là một thứ gió cổ còn sót lại ở Âu châu thế kỷ mười bảy. Nó thổi suốt từ đó đến nay và giờ mới tới Việt Nam. Trên đường đi nó bị vướng quẩn ở đâu đó, có thể là dãy Hi Mã Lạp Sơn, nên đổi hướng và đến chậm thế này.
Ý tưởng vĩ đại của ông giáo đã vượt ngưỡng mong đợi của mọi người. Lão này đọc nhiều nên ngộ chữ - ai đó nói vậy. Chả có cái thứ gió nào thổi suốt từ thế kỷ mười bảy đến giờ. Ông giáo chưng hửng, xẹp xuống như một con gián đất.
Cuộc họp kéo dài đến lúc gian nhà quánh đặc vì khói thuốc lào. Đứng nấp sau cánh cửa nghe trộm, lũ trẻ trai gái chúng tôi cũng bồn chồn. Ai cũng tỏ ra mình khôn ngoan hơn người khác, nhưng điều bí ẩn nhất - vì sao gió có màu xanh - thì từ thông minh đến ngu đần, không cái đầu nào giải mã nổi.
Chủ tịch xã ra chiều tư lự. Mặt nhàu nhĩ như quả trám khô, ông yêu cầu mọi người phải bình tĩnh, chờ thêm ít ngày nữa xem diễn biến của gió thế nào.
Trong khi ấy, ở bên ngoài, gió vẫn thổi, không ngừng xanh và không ngừng phảng phất thơm.    
Buổi sớm, gió mềm như một hơi thở nhẹ, màu xanh lơ.
Về trưa gió đặc hơn, màu xanh dương. Ngồi trong nhà, tưởng chỉ cần quờ tay ra ngoài là vơ được một nắm gió xanh óng ánh. Ở những chỗ nhiều nắng nhất, có thể thấy rõ từng tảng gió trong veo, lướt thướt trôi như sóng biển. Mặt trời lên cao, gió ngả sang màu xanh biếc.
Khi hoàng hôn buông xuống, gió chuyển màu xanh lam. Đây là thời gian lộng lẫy nhất của gió.
Lác đác có những người từ tỉnh thành tìm về thung lũng của chúng tôi để chiêm ngưỡng gió lạ. Họ ở trong những cái lều cắm tạm bợ bên hồ, ăn cơm nắm và uống bia Tàu, tới lúc chiều tàn thì nhổ lều chất lên xe máy Simson, ra đi một cách vội vã.
Một cán bộ khoa học cũng đến vùng tôi để nghiên cứu gió. Người ấy mang theo một cái máy lạ, gọi là máy phân tích quang phổ, trèo lên ngọn đồi cao và ở lì trên đó. Nghe nói người ấy đã nhét được gió vào một cái bình thí nghiệm và xắt ra thành từng miếng để soi. Sau hai ngày, ông ta biến mất một cách bí hiểm.
Chủ tịch xã càng thêm tư lự. Ông cử người đi sang những vùng bên kia hồ nước mênh mông để hỏi xem gió lạ đến từ phương nào. Những con thuyền lẻ loi ra đi rồi trở về. Họ nói rằng: ở những vùng lân cận không hề xuất hiện loại gió này. Có gia đình đánh cá thấy nó hun hút thổi qua mặt hồ, nhưng xuất phát từ đâu, không ai biết.

3
Gió xanh thổi trong vùng đồi lũng của chúng tôi suốta hè năm ấy.
Sau những ngày lo âu sợ hãi, mọi người dần tin đây là thứ gió vô hại, hiền lành. Trong vùng không ai chết cả. Gia súc vẫn nhởn nhơ gặm cỏ trong thung lũng, cá quẫy trên hồ, hoa mạc thi long lanh trắng khắp đồi và búp cọ vẫn vươn dài như kiếm nhọn giữa rừng xanh. Chỉ có một điều huyền bí, ai cũng cảm thấy mà không ai lý giải nổi, là trong gió có một cái gì đó khiến người ta xốn xang, náo nức lạ thường.
Giữa cái thời điện đóm truyền hình chẳng có, đêm nào cũng chỉ là phép cộng nhàm tẻ của trăng nhạt và tiếng chó cắn suông, cuộc sống ở vùng tôi đột nhiên biến thành ngày hội. Từ sáng đến chiều, gió xanh chan chứa khắp đồng bãi núi đồi, đẹp đến trêu ngươi, và khi ánh tà rụt rè buông, dân các xóm hối hả lùa bò lùa dê về chuồng, thồ củi thồ măng về kho, nhà nào cũng muốn ăn bữa tối đạm bạc cho nhanh để rảnh rang đón một bữa tiệc hấp dẫn hơn: bữa tiệc mắt. Đêm xuống, gió cuồn cuộn tràn qua các ô cửa khiến râu tóc mọi người trong nhà xanh lét như yêu quái trong những chuyện hoang đường, bọn trẻ nhìn ngộ nghĩnh như được vớt ra từ lọ dung dịch xanh methylen và với đám thanh niên đang thích làm đỏm chúng tôi, màu gió xanh đã làm lung linh cả những khuôn mặt ngày thường xấu xí nhất.
Và không biết từ khi nào, mọi công dân trong vùng đã đồng loạt mắc một căn bệnh mà không ai nghĩ là nguy hiểm: bệnh yêu đời.
Mùa hè năm ấy cả vùng gần như không ngủ. Trai gái dắt nhau ra hồ chơi đến sáng, người lớn rì rầm nói chuyện trong các ngõ xóm, khu vườn. Tiếng đàn guitar bập bùng suốt đêm bên hồ, tiếng sáo réo rắt đến khuya trên đồi và tiếng đàn bầu nỉ non đến sáng trên sân nhà. Xóm nào cũng phơi phới, tưng bừng không khí carnaval. Ông giáo già xóm tôi mê mải làm thơ, chủ đề chính là ca ngợi gió xanh, thơ được nhét vào những cái chai đậy kín thả xuống hồ, nhờ sóng mang đến những miền xa thông điệp về “đệ nhất kỳ quan đất nước”. Bị ông giáo lôi kéo, chị chủ nhiệm hợp tác cũng chí thú làm thơ, rồi anh đốt gạch, cậu hớt tôm riu, rồi cả vùng, người kiên trì khai thác thể tự do, người ráo riết tấn công vào lục bát. Ai cũng phát hiện ra miếng ăn là chuyện vớ vẩn tầm thường, đời sống tâm hồn mới là quan trọng. Mẹ tôi bảo: “Đói thế nào tao cũng chịu được. Non nước mình đã bao giờ đẹp thế này chăng?” Bố tôi nói: “Nhìn thấy gió xanh là sướng mắt rồi. Những ngày tao sống đây là ngày đẹp nhất”.
Chẳng ai ngờ được chỉ sau thời gian ngắn, gió lạ đã mang đến vùng tôi một cuộc cách mạng về tâm hồn. Trong khi bệnh yêu đời chưa hề có dấu hiệu thuyên giảm thì một căn bệnh khác lại âm thầm xuất hiện: bệnh trong sáng.
Người dân vùng tôi ngày đó sống rất hoang dã. Nứt ra giữa trập trùng đồi núi, thung lũng là cái chảo chứa đựng mọi tính xấu của con người. Tiếng chửi nhiều hơn tiếng chim, và đánh lộn đôi khi được coi như trò tiêu khiển. Đêm đêm, cáo từ đồi hoang mò mẫm về xóm bắt gà cũng là lúc người rình rập bên chuồng gà, chờ chủ nhà ngủ say để bắt trộm. Cáo với người cùng thi đua, tuy trong lĩnh vực này thì người khôn hơn cáo.
Từ ngày gió lạ về, mọi thói tật trong vùng tự dưng biến mất. Hàng loạt hiện tượng đáng kinh ngạc về tính trung thực đã xảy ra. Một chị hàng xóm đột ngột đến nhà tôi, quỳ xuống tự nhận mình là chó và nói rằng năm trước, trong một đêm mưa gió chính chị ta đã rút trộm chiếc quần lụa của mẹ tôi phơi ở hiên nhà. Tại ủy ban xã, mấy cậu choai choai bỗng tự dẫn xác đến, khai rằng chính chúng là thủ phạm đốt cái quán lợp cọ của bà cụ khốn khổ ở ven hồ, vì bọn này ăn chịu đã nhiều và bà không tiếp tục cho ghi sổ nợ. Ở trường tôi học, một cậu học sinh chẳng ai xúi giục bỗng tự viết một bản kiểm điểm đẫm lệ nộp lên cô giáo chủ nhiệm, thưa rằng loại người đốn mạt như em chỉ đáng chọc cho mù mắt, bởi em rất yêu cô giáo dạy toán và đã rình trộm xem cô ấy đi vệ sinh tất cả tám lần.
Không chỉ sám hối và trung thực, một bầu không khí đùm bọc và tin cậy lẫn nhau trùm lên khắp xóm làng. Tôi còn nhớ, trong suốt mùa hè tuyệt đẹp ấy, người đàn ông nào có việc phải đi vắng lâu ngày hoặc phiêu bạt xa xứ làm ăn, họ gửi vợ mình cho ông bạn hàng xóm trông nom là chuyện thường. Bạn cứ yên tâm mà đi, vợ bạn ở nhà đã có tôi lo, đêm hôm mưa bão có gì tôi sang giúp. Hết tháng bạn về vẫn thấy vợ bạn nguyên xi, không hề sứt mẻ. Chuyện ấy ở vùng tôi hoàn toàn là sự thật, dù không được ghi lại trong cuốn sử nào.
Còn bao điều kỳ lạ nữa, đến mức trên huyện phải cử một đoàn cán bộ về tìm hiểu vì sao dân ở xã này tốt lên một cách đáng ngờ. Đoàn cán bộ ngây ngất ngắm gió xanh lồng lộng thổi, ghi kết luận vào biên bản: “Cảnh ở đây quá đẹp, khiến con người ta không nỡ sống hèn”. 
4
Trong số trai gái vùng tôi, nạn nhân điển hình và bi thảm nhất của bệnh trong sáng chính là Mũ Nan Trắng.
Hắn là một gã thanh niên đẹp trai, trâng tráo và dẻo mồm, lúc nào cũng ngất ngưởng chiếc mũ nan rộng vành như một cao bồi. Là cây guitar cự phách, đêm nào hắn cũng lang thang khắp các ngõ nẻo, bờ bãi, năm ngón tay mềm uột xoắn xuýt múa nhảy trên dây đàn như năm con rắn trắng, và tài chinh phục phụ nữ của hắn khiến các vùng lân cận cũng phải kinh hoàng. Người ta đồn đứa con gái nào trong vùng cũng ngủ với hắn ít nhất một lần, thằng khốn nạn ấy chẳng tha ai, da thịt hắn không chỉ ngầy ngậy cái mùi của con gái dậy thì mà còn hoi hoi mùi của đàn bà cho con bú. Hắn tuyên bố: “Tao mà múa lưỡi thì đá cũng động đậy”.
Dân trong vùng chưa quên cái ngày bọn trẻ chăn bò phát hiện một hài nhi có mũi nhọn mỏ chim giống hệt Mũ Nan Trắng lăn lóc bên bụi lau rậm ven hồ. Ít lâu sau, lại một cục thịt đỏ hỏn thiếu tay, hốc mắt kiến bu đầy ngọ nguậy trên đồi sắn. Nghe tin, Mũ Nan Trắng cười nhạt, ôm đàn ra trước mặt hồ xanh rợn gào thét bài Rivers of Babylon. Ngày ấy hắn đang sùng mộ Bobby Farrell, chàng vũ công da màu nhảy nhót như khỉ trong nhóm nhạc Boney M, với những ca khúc dội vang đến mọi xó xỉnh nông thôn miền Bắc một thời.
Không chỉ đàn giỏi hát cừ, Mũ Nan Trắng còn phi thân được lên không ở độ cao vài mét, rơi xuống hồ còn chạy được mấy bước trên mặt nước. Các cuộc thi thể thao của tỉnh, hắn luôn giật giải quán quân.
Những ngày gió xanh chưa xuất hiện, Mũ Nan Trắng là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con gái lớn, nỗi căm hận của những ông chồng có vợ hồi xuân, và trong mắt tôi, hắn là một kẻ xấu xa đến mức hoàn hảo.
Chính bởi vậy, hắn rất cay cú vì thích tôi mà không làm gì nổi.
Ngày ấy tôi mười bảy tuổi, xinh rực rỡ, được mệnh danh là công chúa của vùng. Học trên tôi một lớp và nhà ở khác xóm, hôm nào tan học Mũ Nan Trắng cũng lẵng nhẵng theo tôi một quãng đường dài. Hắn phân tích sắc đẹp của tôi, rằng thịt da tôi được tẩm ánh trăng, nước bọt của tôi chắc chắn có mùi thơm, cái bĩu môi xinh quá là xinh, rằng tôi cần phải kiêu hơn thế nữa, kiêu thế chưa đủ, rằng nhược điểm duy nhất của tôi là chưa ý thức được hết giá trị của mình. Hót mãi một giọng xem chừng không khả thi, hắn quyết định thay đổi chiến thuật. Lần ấy trên đường đi học về tôi và hắn nghỉ chân ở bên hồ, mặt hồ hiu hiu vắng ngắt. Dứt một bông ngù gai tím ném xuống nước cho cá đớp, Mũ Nan Trắng hỏi tôi:
- Công chúa có biết trong muôn loài trên trái đất tươi đẹp này, sinh vật nào là loài bất hạnh nhất không?
Tôi bĩu môi không đáp. Hắn giải thích:
- Loài cá. Cá là loài bất hạnh nhất vì hầu hết loài cá đều thụ tinh ngoài, nhất là cá chép. Này nhé, cứ đến mùa xuân và mùa thu, khi làm nhiệm vụ sinh sản, cá cái bơi trước đẻ trứng, cá đực bơi sau phóng tinh vào đám trứng cho nó thụ tinh. Như thế rõ ràng cả chàng lẫn nàng mang tiếng là ấy nhau nhưng đều không động tí gì đến chỗ ấy của nhau. Trên đời có mỗi cái việc ấy là sướng nhất, thế mà mày không được biết, cá ơi thật khổ thân mày.
Thấy tôi làm thinh, Mũ Nan Trắng tiếp tục phàn nàn:
- Mà có phải chỉ một chàng một nàng đâu. Mỗi lần như thế có đến hai, ba chàng bơi sát một nàng. Cá cái mang tiếng là đa dâm nhưng thực tế thì cô ả chẳng được nhát nào, đúng là có tiếng mà không có miếng. 
Vừa nói Mũ Nan Trắng vừa nhìn đám bụi ngù gai rậm rạp dệt quanh chúng tôi một bức tường thẫm xanh và cố tình ngồi sát lại gần tôi, miệng vẫn không ngớt lời trách tạo hóa bất công, thương cho loài cá. Khi hắn kể đến cách ân ái của loài bò sát thì tôi đứng dậy, nhổ bọt và bỏ đi. Hắn tức tối đuổi theo, cố vớt vát thêm, rằng công chúa có khác, phong cách nhổ bọt thật duyên dáng, tôi mà nhổ xuống nước thì sẽ làm cho nước hồ thơm lên mười bốn lần. Thấy tôi nổi khùng, hắn ném chiếc mũ nan xuống chân tôi, vẻ bất cần rồi cao ngạo phẩy tay, rẽ sang lối khác. Đợi tôi đi khuất, hắn quay lại nhặt mũ.
- Đời tao thật bất hạnh - Mũ Nan Trắng gặp gã bạn thân, rên rỉ - Có mỗi ước mơ nho nhỏ là ngủ với con bé mà cũng không thực hiện được, thà chết cho xong.   
Nước mắt ròng ròng, Mũ Nan Trắng định nhảy xuống hồ. Gã kia ngăn lại, lấy giẻ rách lau mặt cho bạn và an ủi rằng, cậu bất hạnh thật, nhưng trên đời không có việc gì là không có cách giải quyết. Trên núi có cây sầm bì tuyệt lắm, khả năng kích gợi ghê gớm, uống nước lá cây ấy thì đàn bà đoan chính nhất cũng nhảy lên chồm chồm.
- Tuyệt cú mèo - Mũ Nan Trắng ôm chầm lấy bạn, hớn hở - Đối với tao, mày lúc nào cũng là thằng bạn chí tình nhất. Con bé ấy được tao chén là một vinh dự, còn hơn gấp vạn hiến thân cho bọn vớ vẩn chúng mày.
Nhưng ngẫm nghĩ một hồi, hắn lắc đầu:
- Không được. Bậc cao thủ như tao không thèm làm cái trò hèn ấy. Tao sẽ tự tìm cách khác. Nhìn thấy Mũ Nan Trắng, bò cái còn phải rung động, nữa là người.
Chuyện này đến tai tôi. Mấy bạn gái thân cùng lớp lo lắng, hôm nào tan học cũng cử một hai đứa đi kèm “công chúa”, sợ tôi bị hiếp dọc đường. Bẵng đi một thời gian không thấy Mũ Nan Trắng bám theo, chúng tôi càng phấp phỏng. Nhất định hắn có âm mưu gì. Một hôm vào lúc chiều tàn, tôi có việc phải đi một mình qua đồng cỏ ven hồ. Đến chân một quả đồi lau sậy um tùm, chợt thấy Mũ Nan Trắng từ đâu ào ra như một con vượn.
Hắn đứng chặn trước mặt tôi, tay vò chiếc mũ nan, vẻ băn khoăn tội nghiệp. Đôi mắt buồn như có sương.
- Tớ đã làm cho đằng ấy phải lo lắng, thật tệ. Cả vùng này ai cũng tốt, riêng tớ lạc loài. Từ nay tớ sẽ làm người, quyết không làm dê dại chó hoang nữa, đằng ấy hãy tin ở tớ.
Hắn đưa tay gạt sợi cỏ khô bám trên tóc tôi, cử chỉ đầy thương mến. Tôi lùi lại.
- Gần đây tớ thấy mình thay đổi rất nhiều, cứ như là được thay máu ấy, lạ lắm. Nhìn đằng ấy tớ vẫn thích, nhưng chỉ như nhìn một bức tranh vậy. Tớ không còn ham muốn gì cả, cũng chẳng hiểu tại sao…
Rồi hắn đi, lủi thủi xa dần, chìm trong màn sương u tịch.
Từ buổi ấy, Mũ Nan Trắng gần như vắng bóng trong các đám đông. Ông chú họ của hắn theo đoàn đi đào đá quý, nhờ hắn đỡ đần cô vợ trẻ ở nhà. Hắn giúp chị ta xay lúa, bổ củi, và như lời kể của đám bạn, hắn làm quần quật như một tên nô lệ da đen.
Các gia đình có con gái lớn ở vùng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đêm, nhà nào cũng mở toang cửa, đón gió từ hồ thổi về.
Nhưng một ngày kia lại xảy ra chuyện. Mũ Nan Trắng cưỡng hiếp chính người thím trẻ của mình.
Buổi trưa hôm ấy, hắn và thím cùng giã gạo ở hiên nhà. Đứng trên cần cối, người thím hụt chân suýt ngã, hắn đứng đằng sau đỡ thím, luống cuống thế nào làm tụt chiếc váy màu hoa cà của chị ta. Run rẩy trước thịt da, không kìm nổi mình, hắn vật ngửa thím ngay trong lòng cối.
Sự việc này được thằng câm ở nhà bên chứng kiến và thuật lại chi tiết với mọi người bằng động tác. Chẳng ai ngạc nhiên. Từ xưa có lời đồn rằng trên đỉnh ngọn núi cao nhất vùng tôi có một giếng nước tự nhiên trong lòng đá, ai soi mặt xuống đó vào lúc chính ngọ sẽ thấy được kiếp trước của mình. Mũ Nan Trắng đã leo núi hai ngày đến nơi hiểm trở này, nhìn xuống mặt giếng đen ngòm và thấy một con dê đực.
Chẳng ai quên được tiếng kêu thảm thiết của hắn khi chạy lao từ trên núi xuống. Nỗi ám ảnh mình là dê làm hắn hóa dại mấy ngày. Đêm nào tỉnh giấc hắn cũng hốt hoảng chạy quanh nhà. Có người khuyên hắn tích cực ăn rau răm và uống sữa đậu nành để giảm chất dê trong người, nhưng càng ăn hắn càng bốc lên hừng hực.
Đã là dê thì không thể chung sống với người được, cả vùng kết luận. Sau sự kiện cối giã gạo, Mũ Nan Trắng bị chúng bạn đồng loạt tẩy chay.
Vào một đêm trăng, trai gái tụ tập ngồi chơi ở đầu xóm, chợt thấy Mũ Nan Trắng vác cây đàn đi tới. Hắn nói rằng trên ngọn đồi cao gần hồ có một tảng đá tự dưng phát sáng, rủ chúng tôi cùng đến xem.
Cả lũ hối hả đi, quên hắn là người đang bị cộng đồng khinh bỉ. Đến đỉnh đồi, Mũ Nan Trắng cười nhạt:
- Chẳng có tảng đá phát sáng nào cả. Tôi lừa các bạn lên đây là để được hát cho các bạn nghe, xin đừng nhẫn tâm từ chối. Tôi biết ai cũng căm ghét tôi, muốn nhổ vào mặt tôi, mà tôi thì chỉ muốn được hát ca cùng các bạn, làm lành với các bạn. Các bạn thấy đấy, trăng sáng, gió xanh, nước hồ cũng rất xanh và tôi thì đang rất yêu đời.
Chúng tôi im lặng. Chưa ai nghe hắn nói cái giọng này bao giờ.
Rồi hắn ngồi xuống bên gốc một cây thông, bắt đầu chơi đàn và hát những bài lạ lùng, ca ngợi một miền đất nào xa xôi lắm. Những bài ấy, hắn chưa từng hát với chúng tôi. Hắn hát cuồng nhiệt, say sưa, đến bài thứ năm thì đột ngột dừng lại.
- Cõi người đẹp quá, chính vì vậy mà tôi không thể làm người được. Tôi sinh ra chỉ làm bẩn cho đời. Tạm biệt các bạn, tạm biệt kiếp người, tôi về với kiếp trước của tôi, một con dê đực…
Chưa dứt lời hắn đã vụt dậy. Chiếc đàn guitar bay vút lên cao. Nó chưa kịp rớt xuống ven đồi để vỡ tan tành thì Mũ Nan Trắng cũng văng mình như một tia chớp lên không trung xanh ngát ánh trăng, ở độ cao quá ngọn cây thông, và rơi xuống cắm phập vào một cái cọc đen sì trên sườn dốc. Cái cọc ấy đã được vót nhọn và chôn tại đó từ bao giờ.
Cú rơi quá khéo và vết đâm ngọt, xuyên suốt Mũ Nan Trắng theo chiều dọc từ háng lên. Xác hắn cứng đơ trên cọc như một que kem, máu nhuộm đỏ lừ thân gỗ.
Chúng tôi đứng lặng, cúi đầu. Năm con gái, chín con trai, tổng cộng mười bốn người cả thảy.
Dưới đồi, mặt hồ cuộn sóng xanh ngời. Trên đồi, hoa mạc thi ướp trong trăng, trắng long lanh như tuyết.
“Biết sự có mặt trên cõi đời của mình là thừa, tự nguyện rút lui, đó cũng là sáng suốt”. Nghe chuyện, bố tôi nói.
“Dù thế nào, nó cũng là một người tài. Người tài thì biết chọn cho mình một cái chết tài hoa, chết đẹp”. Ông giáo nói.
Trai gái cả vùng đưa tang hắn như tiễn một vĩ nhân. Với chúng tôi, những người trẻ, cái chết ấy còn ám ảnh suốt một thời gian dài.
5
Sang thu, gió xanh bỗng nhạt màu dần và khi đông về, nó trở thành trong suốt không màu. Cảnh vật vùng tôi tẻ nhạt như cũ, giống khuôn mặt mộc đã gột hết phấn son của cô gái cuối mùa nhan sắc, hay rừng cây thắm tươi trút kiệt lá còn trơ lại những thân cành khô xác tiêu điều.
Nhiều người ngẩn ngơ buồn. Trong giấc mộng hằng đêm của họ, màu xanh lam vẫn rạo rực tràn về. Bọn trẻ xem chừng nuối tiếc nhất, ở trường học, chúng cố tình phết màu lam thật đậm lên các bức tranh tả thiên nhiên.
“Cái đẹp bao giờ cũng đoản mệnh” - bố tôi nói. Mẹ tôi im lặng, tựa cửa nhìn xa như đợi một ngày gió lạ trở về.
Và nó trở về thật.
Hôm ấy cũng vào lúc chiều tàn, một ngày nắng ấm đầu xuân, từ phía hồ có tiếng lục bục như tiếng cơm sôi hay tiếng rít điếu ục của người hút thuốc lào. Gió xanh thổi về, từ từ, chậm rãi, như một người khách quen không cần vội vã. Nhiều người từ thung lũng chạy ra đón gió. Ai đó viết vội lên chiếc bảng tin ở ngã ba đầu xóm một dòng khẩu hiệu. Ông giáo cao hứng chào mừng gió lạ bằng việc kéo phong cầm.
Chỉ có một người thờ ơ trước sự trở về của gió. Đó là thằng câm, kẻ đã vô tình dẫn đến cái chết của Mũ Nan Trắng. Nhặt chiếc nón mê bị gió thổi lật, nó cười nhạt, lặng lẽ đi vào một hẻm đồi.
Sự luân hồi của gió lần này mang một khuôn mặt khác. Không lộng lẫy và choáng ngợp như trước, mà bí ẩn và sang trọng hơn trong sắc trầm lạnh của màu xanh cô ban.
Về đêm, gió ngả sang màu navy. Bóng tối pha sắc lam chảy đẫm trên những đồi hoa mạc thi trắng muốt. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng biến thành chảo khói xanh.    
Dân các xóm lại đổ ra đường, sống với đám đông nhiều hơn ở nhà. Việc đình đám hội hè được coi trọng, chẳng ai chí thú làm ăn. Trai gái ra hồ múa nhảy suốt đêm, ngây ngất trong màu xanh xa xỉ. Ông giáo già tiếp tục làm thơ, lần này không nhét vào chai thả xuống hồ mà viết lên lá cây và phân phát trong các cuộc họp. Lá ông đề thơ là lá thích, loài cây thuộc họ phong mà ông cất giữ từ mùa thu năm trước, khi chúng đỏ rực như máu đọng trên các hẻm đồi.
“Đói vàng mắt mà các anh vẫn hát hỏng, thơ phú được à? Vùng này điên hết cả rồi”. Anh trưởng phòng nông lâm huyện quát lên với chủ tịch xã tôi, khi phát hiện ra một văn bản báo cáo sản xuất viết bằng thơ lẫn trong đống hồ sơ sổ sách.
Chủ tịch xã cười. Ngoài kia, gió xanh vẫn miệt mài thổi. Hàng tạ hàng tấn gió nhét đầy thung lũng, và người dân tiếp tục trong sáng, tiếp tục yêu đời. Lễ hội diễn ra như cơm bữa hàng ngày khiến người ta quên đi sự bần hàn, và quên một cái gì đó xa xôi ai cũng biết mà không ai nói tới.
Tình trạng ấy kéo dài mấy năm.
Cho đến một ngày kia, ở nhiều người, niềm thích thú bắt đầu phai nhạt. Sự trình diễn mãi một màu của không gian khiến họ thấy đơn điệu và phù phiếm. Chính ông giáo, không phải ai khác, là người đầu tiên muốn được nhìn rõ cảnh thật của quê hương như trước bằng thứ gió trong sạch không màu.
Nhưng câu chuyện về gió xanh không chỉ có vậy. Ngày ấy tôi còn quá trẻ nên không biết đến một sự thật ghê gớm khác. Đó là, mải mê với cái đẹp cao thượng hào nhoáng, người dân vùng tôi đã lãng quên đời sống trần tục trong một thời gian dài.
Một hôm có đoàn cán bộ y tế của tỉnh về tìm hiểu nguyên nhân vì sao tỷ lệ sinh đẻ ở vùng tôi mấy năm liền rất thấp. Người chết vẫn đều đặn, mà người sống không được bổ sung. 
Trai gái đến tuổi không chịu cưới xin, lang bạt với nhau cả đêm vẫn không hề chửa hoang như trước.
Các bác sĩ tiến hành khám phụ khoa hàng loạt phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, nơi khám là trạm y tế nghèo nàn xập xệ ở chân đồi. Căn phòng của trạm không đủ chứa, người ta phải dựng thêm mấy cái lều lợp cọ quanh đó. Kết quả khám khiến mọi người sửng sốt: hầu hết phụ nữ có âm đạo khô kiệt, buồng trứng teo.
Qua gần gũi trò chuyện, họ tiết lộ: suốt mấy năm, họ sống bằng sự trong trẻo tinh thần. Người chồng bỏ trống việc gối chăn, bản thân họ cũng không thiết tha gì cả.
Ông bác sĩ trưởng đoàn bước ra khỏi trạm, lặng lẽ quay mặt về phía đồi.
Ông khóc.
6
Một sớm mùa thu, vùng tôi thức dậy giữa không gian trong như lọc. Gió xanh đã biến mất, như chưa từng có bao giờ.
Cuộc sống trong vùng dần trở lại bình thường. Như sau cơn mê, tất cả lại mải miết với làm lụng, ái ân, chửa đẻ, và đó đây trong thung lũng đỏ thắm màu lá thích, lại cất lên tiếng khóc của công dân mới chào đời. 
Tốt xấu nhộn nhạo đan cài. Người ta không vì nhau một chiều như trước nữa, nhưng sự sống cũng vì thế mà sinh động hơn.
Cái gì dù đẹp đến mấy mà trái với quy luật tự nhiên, trước sau cũng tự rút lui hoặc bị đào thải. Ông giáo nói vậy. Thằng câm, sau nhiều năm lặng im như hạt thóc trong bồ, một sớm kia cũng bật ra những lời như vậy.
Trong giấc mơ của người già khó ngủ, màu xanh lam quá vãng vẫn hiện về. Nhưng chẳng còn ai nuối tiếc. Với bọn trẻ sau này, câu chuyện về gió xanh chỉ còn là truyền thuyết, nên trong những giờ tập vẽ ở trường học, chúng không có thói quen chỉ phết lên tranh duy nhất một màu.
Phạm Duy Nghĩa


 
 
 
 
 





Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Hồ Tràm, du lịch và bãi tắm


 Nhớ biển
Ngoài kia sóng biển dạt dào,
Phi lao xào xạt đón chào khách xa....
Sóng xô sóng vẫn là nhà,
Sóng cho tôm cá sóng là quê hương.
Người đi theo sóng muôn phương,
Người quay về bến còn vương vấn buồn !
NM

        Hồ Tràm, du lịch và bãi tắm (P1)
Lịch nghỉ của Ti tháng 12 nầy rơi vào ngày 10/12 sau bao nhiêu công việc khá vất vả, Ti hỏi có muốn đi đâu cho khuây khoả không, tôi chợt nhớ đến suối nước nóng Bình Châu mà mình đi đã lâu có lẻ bây giờ nhiều thay đổi, thế là quyết định đi BC trước đã !
Ý đinh như thế nhưng khi đi đến nơi thì cảm thấy không còn hứng thú gì nữa vì quang cảnh vắng vẻ trước mặt tiền nơi bán vé và sau nữa là cảnh quang hoàn toàn khác xưa không còn háo hức để vào "khám phá" lại cho nên chụp vội tấm ảnh rồi quay trở lại những nơi vừa đi qua ! 

Hôm nay là ngày thứ hai cho nên khu du lịch vắng vẻ, mọi người đang quét dọn và sắp xếp lại bàn ghế, chỉ hơn một năm khg đi mà Hồ Tràm thay đổi khá nhiều, khg còn san sát những rào xây kín kẻ mà những người có tiền mua để chờ thời đầu tư hoặc kinh doanh bất động sản mà xen vào là những hàng quán tư nhân, có cả khu nhà kinh doanh nghĩ dưỡng
Sự kết hợp nầy tuy khá hợp lý nhưng tại sao lại cảm thấy nó khg hợp lý, nôm na theo cách nói bây giờ là hơi " khập khiểng" vì một bên là những ngôi nhà nghỉ dưỡng khá cao cấp lai kề cận khu du lịch tư nhân và bình dân so với khu du lịch trước đây ở Hồ Tràm ! Giá như người ta cất lên những homestay giản dị thì gần gủi biết bao !
Một cảm nghĩ khá bâng khuâng..... !
Hồ Tràm, du lịch và bãi tắm (P2)

Cách khu du lịch và nhà nghỉ dưỡng ở Hồ Tràm khg xa mấy là Bãi Tắm Công Cộng dành cho du khách và dân địa phương, chỉ có một thời gian ngắn quay trở lại mà Hồ Tràm có nhiều thay đổi, Hồ Tràm thuộc huyện Xuyên Mộc, cách Hồ Cốc và Bình Châu cũng khg xa mấy
Những lần đi trước ngoài những hàng rào xây cao che chắn cho các đoạn bờ biển đẹp mà thiên hạ có tiền đã mua làm kinh doanh ra chỉ chừa lại những bờ biển đẹp nhưng có đá lởm chởm, có bảng báo khg được tắm vì nguy hiểm ra thì còn lại là những cồn cát cao và hàng dương dày, bây giờ cũng có bảng cấm tắm nguy hiểm, người ta cũng cắm cọc rào khg cho cắm trại ở đó nữa vì lượng rác xả vô tội vạ !

Bãi tắm đang trong thời gian hoàn thành, các đụn cát được ban bằng phẳng, nơi đây bờ biển tương đối sạch và khá lý tưởng, lượng công nhân đang làm là quân đội nhân dân vì thế họ làm khá tích cực  

Đặc điểm của bãi biển ở đây là nơi nào có du khách thì nơi đó cũng có lượng ghe thuyền cặp bến, khu du lịch nầy có vẻ đẹp thiên nhiên và hoang sơ, chưa có hàng ăn và nhà nghỉ, có lẻ trong thời gian ngắn nữa quay trở lại bãi tắm sẽ ổn định hơn 

Ngoài kia trên bãi cát sát biển người ta đang vận chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ, đa phần tất cả ghe thuyền đều nhỏ 
Xa xa phía bên tay mặt của bãi biển là dãy nhà lợp tôle của ngư dân san sát nhau, kề cận đó rất ít nhà xây bằng gạch kiên cố
Bỗng dưng chợt thắc mắc nếu có bão lớn thì sao nhỉ ?!

NM Phan thị Ngọc Diệp 
 

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Nhạc - Thơ - Văn - Cảm xúc tháng 12

Xúc cảm tháng mười hai,
Tôi đi tìm lại tháng ngày qua,
Lãng đãng mình tôi với xót xa...
Biết bao kỷ niệm cùng mơ ước,
Thấp thoáng trong tôi chút nhạt nhoà !!

Ước hẹn cùng nhau vẫn xa nhau,
Một vòng thương ghét khá đậm sâu...
Nhớ chi khoảnh khắc vô thường đó ?
Ngoảnh lại chừ ta đã bạc đầu !!

Đêm dài mộng cũng dài lâu,
Xin đem cất giấu chôn sâu nỗi buồn.
NM             

Cảm xúc tháng 12

Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.
Sáng ra, xé tờ lịch cũ chợt giật mình, hóa ra đã sang tháng mười hai. Dạo một vòng trên Facebook, thấy bạn bè mỗi người chào tháng mười hai với một tâm trạng khác nhau. Kẻ háo hức, mong chờ, người thẫn thờ tiếc nuối.
Hiển nhiên rằng, dẫu mình đứng yên thì đời vẫn chảy. Dẫu muốn hay không thì ngày vẫn qua. Hôm nào, hè còn rực rỡ, rồi thu vàng phơi phới gõ cửa, chóng vánh lắm đã đến đông. Giờ đây, đông cũng rũ áo đi nhanh, buông mành cho những gì ở lại. 
Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.
Thế nên, mỗi khi có ai hỏi đường, nó chỉ cho họ tựa như bằng cả trái tim. Lấy cả giấy bút ra minh họa cho hai bạn dễ hình dung. Nghe xong, cả hai người bình thản đi luôn, quên thả lại một câu cảm ơn nhẹ nhàng. Chặc lưỡi, chắc là họ đang vội. Nghĩ thế để đỡ buồn hơn với cuộc đời.
Lại nhớ, cái hình ảnh ghim sâu vào tâm trí hồi ở Huế, cũng tháng mười hai. Năm ấy, trời rét cắt da cắt thịt. Lang thang trên cầu Tràng Tiền, chợt thấy phía chân cầu, một người đàn ông đạp xích lô gầy nhom đang còng lưng chở ông bà khách Tây to gấp ba, gấp bốn lần.
Giữa tiết trời giá rét mà bác túa mồ hôi như nước, hì hục nhấc từng bàn đạp nặng trịch để bánh đỗ lăn trên cầu. Nhìn mà cứ sợ, bởi chiếc xe chỉ chực tuột xuống lúc nào không hay. Hai người khách ngồi trên điềm nhiên, chỉ trỏ, chụp hình.
Chạnh lòng mà nghĩ, chắc là cuối năm, bác cố gắng vượt sức để sắm cho con tấm áo manh quần. Người ta thi đua, nỗ lực đạt chỉ tiêu cuối năm cuối tháng thì bác cũng thế, âu cũng là cơm áo gạo tiền. Có chăng, khi cơ quan đoàn thể mừng thành tích, liên hoan cuối năm bằng những ly men sóng sánh thì người đạp xích lô ấy mừng bằng nụ cười của con trẻ, no đủ của gia đình. 
Chạy dọc đường quê, tháng mười hai, ở quê cũng vào vụ cuối. Ước sao những cánh đồng xanh mướt, thấm mồ hôi, đậm nụ cười cứ trải dài bất tận theo nhọc nhằn của người nông. Cho cơn gió tạt qua chỉ khẽ vỗ về, cho mưa cũng đừng nặng hạt. Cho ngày đủ nắng, cho người đủ sức cày sâu. Bát cơm cuối năm có thêm chút mặn mòi, để người nông đỡ tủi thân.
Tháng mười hai có sinh nhật ba, năm tháng qua lại nhắc rằng ba đang già thêm một tuổi. Bất giác lại để ý đến mái tóc của ba và vết chân chim ở đuôi mắt mẹ. Dấu vết thời gian cứ thi nhau vẽ vời, điểm tô lên hai nơi yêu thương ấy. Nghĩ mà xót xa, ước ao lắm cũng thế thôi bởi đó là quy luật muôn đời của tạo hóa.
Vạn vật cứ sinh sôi, trưởng thành, già cỗi... Tháng mười hai, cũng nhớ tròn một năm rưỡi ngày nội mất. Người còn vấn vương lắm bao chuyện ở đời, lo lắm cho từng đứa con đứa cháu, nhưng có lẽ đã xong chuyện nhân gian, đến lượt nên người phải đi.
Thương nhớ lắm nụ cười móm mém hơi trầu và cái dáng lưng còng thân thuộc của nội.
Nó cũng sinh ra trong một ngày cuối tháng cuối năm, hó hé ra đời trong một ngày sắp thay lịch mới. Những năm tháng tràn trề nhựa sống của thời con gái cũng sắp qua mà hóa ra vẫn chưa làm gì, chưa được gì. Có những cơ duyên đến rồi đi vì bỗng dưng người hay ta vô tình để tuột, không cố gắng để giữ.
Cũng bởi bao cám dỗ, thị phi ở đời làm lay động cái con người vốn thiếu lập trường ấy. Cuộc sống vẫn dửng dưng trôi đi bao ngày, người đi người ở lại. Người ước hẹn cùng nhau rồi cũng xa nhau khi đi hết một vòng yêu thương, ghét bỏ, những luẩn quẩn vô thường...

Ngẫm ra, tháng mười hai chỉ vừa đến, vẫn còn mấy mươi ngày nữa để hoàn thành nốt những việc của năm cũ. Sẽ yên tâm gói ghém và cất vào kho kỷ niệm, chỉ mang niềm vui và yêu thương sang thôi, bỏ lại buồn đau cho ngày tháng cũ. Rồi ta sẽ thay tờ lịch ấy, viết tiếp cho một năm tháng mới bắt đầu. 
Tháng 12 vừa về, tìm một chút lặng để thoáng qua bao cảm xúc mông lung, bộn bề thế thôi
 Alex Chu

Một chút lao xao,
Gió Đông chợt đến lao xao,
Miên man lạnh giá thấm vào con tim...
Sao em cứ mãi kiếm tìm,
Giang tay se chỉ chi miền hư vô ?
 Giờ thì thổn thức ngẩn ngơ,
Nhìn Đông ẩm ướt lòng thơ thẩn buồn !
NM

Suốt một mùa đông

Mùa đông rù rì đến sớm. Tôi ngồi uống ly mocha nhiều đường, trà bạc hà và ăn bánh rán nhân mứt quả bồ anh tử. Don lái xe dọc miền Nam, bảo sẽ mang về cho tôi chút gió. Sao lại gió? Vì gió thì miễn phí. Đồ keo kiệt. Vậy thì nắng nữa nhé? Ừ thì nắng nữa! Nghe đọc truyện
M. kéo cổ áo tôi cao lên. Anh bảo mặc phong phanh thế có ngày không còn tiếng mà cãi nhau với người ta. M. mặc áo dạ màu ghi xám. Quần âu kẻ sọc nhỏ mờ màu đen. Hai tay đút túi quần. M. đi thẳng lưng, đầu luôn hướng về phía trước, vuông với mặt đất một góc 90 độ. Tôi nhớ M. đến mê man lên được. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi M. nhìn tôi. Khi M. ôm chầm lấy tôi. Khi M. vuốt dọc sống lưng tôi. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi mùa đông ràn rạt không thể lọt nổi qua kẽ hở bé tẹo lúc chúng tôi ôm nhau.
Don rủ đến Barca đi. Ở đấy có nhiều nắng lắm. Don sẽ mua tapas cho tôi, tuy không miễn phí nhưng cũng không đắt là mấy. “Đồ keo kiệt!”. Tôi lại hét ầm lên.  “Tapas mà chê à?”. “Về nhà đi Don, con Don đang đợi bố về”.  “Không, ở Barca cũng có mùa đông”.
Tôi sơn móng tay đỏ, mặc áo vàng. M. bảo tôi đang sưởi ấm mùa đông. Tôi rúc đầu vào ngực M. Mình lấy nhau đi. M. cười. Ừ lấy đi. Lấy luôn bây giờ! Tự nhiên thấy M. bị cuốn phăng đi. Bay chới với trong không gian với nụ cười còn chưa kịp tắt trên khóe môi. Lưng M. vẫn thẳng. Mắt M. vẫn nhìn tôi. Đầu lưỡi vẫn còn tê buốt. M.!
 Don kể vừa gọi điện về hỏi thăm con rồi Don im lặng. Don lại bảo hôm qua sinh nhật Breana tròn 6 tuổi. Lúc Don gọi về,  vợ Don - Karen nghe máy, nhất quyết không cho nói chuyện với con. “Đáng đời!”. “Làm ơn đừng mắng!”. “Cứ mắng”. Don trầm giọng đi hẳn. “Làm thế nào để nói với Karen?”. Tôi hỏi:  “Nói gì?”.
M. dắt tôi đi siêu thị. M. chỉ biết mua cà chua và thịt bò viên băm nhỏ. Tôi cười M. “Sao mà cười? Mua thêm cả phô-mai nhé. Thế mới đủ chất mà chống chọi với mùa đông”. “Ừ. Chống chọi với mùa đông”. Tôi lẩm bẩm một mình: “Chống chọi, chống chọi...”. M. rủ tôi đi chống chọi. Với nỗi sợ hãi. Với sự cô đơn. Với những cao hứng nhất thời bộc phát. Buổi tối hôm ấy, nằm bên cạnh M., tôi mơ thấy mình ngồi trước một nồi thịt bò viên hầm cà chua, à cả phô-mai nữa, to như cái vại. M. đứng sau lưng tôi, khăn buộc trên đầu hét lớn: “Cố lên! Cố lên!”. Tôi choàng mình tỉnh dậy. Ôm chặt lấy M. Nước mắt rịn ra. Ôi M.!
Tình yêu đã hết. Như thế nào là hết? Nghĩa là không còn thấy đam mê. Tôi không thôi nghĩ đến Don. Trẻ con cần có bố. Nhưng trẻ con cũng cần bố và mẹ chúng nó yêu nhau.
M. bắt đầu đi làm. Công việc của một nhân viên có trách nhiệm. M. mặc áo sơ-mi, quần u là thẳng mượt, li nào ra li nấy, xách túi da màu nâu, nhìn ra vẻ người đàn ông chững chạc, có trách nhiệm. M. là một người đàn ông chân chính. Chân chính vì hạnh phúc khi biết mình đang sống với một trách nhiệm trên vai. Buổi sáng M. đi làm, tôi pha cà phê thêm vào một nửa thìa mật ong vàng sánh. Loại mật chiết xuất từ hoa cây keo, màu tím, rất hiếm. Đấy là trên vỏ chai người ta quảng cáo thế, chắc để cho tương đương với cái giá 8 euro. Tôi thắt cà-vạt cho M. Sửa cổ áo cho M., lắng nghe M. thở nhè nhẹ vào bầu không gian lạnh quánh. Tôi nhìn M. mang giày. Mở cửa. Gió ở ngoài đùn đẩy ùa vào, thi nhau chích lên đầu những ngón chân trần.
Mùa đông rù rì. Lẩn quất.
Don đã về đến Philadelphia. Ở sân bay Don gọi điện, bảo trời mưa ghê quá, chắc chưa về nhà vội. Tôi trả lời: “Thôi đừng có kiếm cớ”.  “Chắc từ nay không gọi điện nữa”. “Tại sao?”. “Mỹ với châu Âu, phí cao lắm!”. “Về nhà cài cái chương trình MSN vào máy tính cho miễn phí”. Don im lặng. Tôi im lặng. Không có chiến tranh. Không có sinh ly tử biệt. Không có bom đạn khủng bố. Không có vũ khí hóa học, quái vật ngoài hành tinh. Vậy mà im lặng đôi khi có thế giết chết người. “Thôi đi về đi! Karen có thể sẽ hiểu, có thể sẽ không hiểu. Trẻ con có thể hiểu, có thể cũng sẽ không. Nhưng dù sao, trở về để không còn xa cách nào nữa”. Tôi nói với Don, mà tưởng như đang độc thoại.
Những con đường lát gạch trong khu phố cổ phủ đầy khói lúc mùa đông. M. bảo là do sương không tan đi được. Những con đường đó làm tôi thấy mình đang sống trong ảo ảnh, và M. là một phần của nó. M. mua cho tôi một cốc vang đỏ nóng, bên cạnh một cửa hàng bán đủ loại đồ lưu niệm thập cẩm. Từ những cái hộp nhạc lò xo rè rè những bài tình ca cũ kỹ cho đến những chai rượu mùi sô-cô-la gói ghém lòe loẹt. M. nhận xét cũ mèm ra thế rồi còn bán. Tôi cười, nghĩ chắc vì đây là phố cũ. M. lại nhận xét cũ thế có khi thành mốt, thành nghệ thuật, thành lãng mạn. M. có vẻ thích thú lắm khi chỉ trích vào lãng mạn! Khói ở những con đường cũ tan dạt ra, bay về hai, ba, bốn năm hướng, để lộ những ngôi nhà mòn vẹt vì thời gian, vì hàng ngàn hàng vạn điều rủ rỉ không thành lời.
Vợ Don dọn đi khi anh trở về. Don bận tối mắt tối mũi. John chỉ lên 2. Breana lên 6, học lớp 1. Buổi sáng Don dậy lúc 5 giờ, cho bọn trẻ con đánh răng, ăn sáng, đến lớp. Buổi chiều đón chúng về, nấu cơm, tắm rửa. Don bảo cuộc sống thật hạnh phúc. Chúng là những thiên thần. Tự nhiên hai bàn tay tôi siết chặt. Tôi buột miệng hỏi có cần tôi đến giúp. “Đến đâu?”. “Đến Philadelphia, nhà Don”. Ngôi nhà màu trắng, cửa mở trông ra con đường gọn ghẽ như được vẽ ra từ trong giấc mơ. Tôi biết làm pancake buổi sáng. Biết trẻ con cần phải ăn rau củ đầy đủ. Biết trẻ con cần sự kiên nhẫn vô cùng từ người lớn. Don chúc tôi ngủ ngon bằng một nụ hôn nhẹ như thở qua điện thoại. Từ đây cách Philadelphia 6 múi giờ.
M. đang thao thao về một tổ chức xã hội đang nổi lên ở một thành phố lớn nào đó của Trung Đông. Nó ảnh hưởng đến cả bữa cơm tối lãng mạn. Dạt cả nến, cả hoa. Tôi nắm tay M. Tôi nhìn thẳng vào mắt M. Tôi để mặc cho đám tin tức về cái tổ chức xã hội của M. bay vò vè quanh tai. Đầu tôi lắc khẽ, cố để xua đi. Một hành động vô hình. Chắc M. chẳng bao giờ để ý đến. Đột nhiên M. im bặt. M. hỏi tôi có thích đi du lịch vào mùa hè không. “Đi đâu?”. “Đi đến nơi nào em muốn”. Trong đầu tôi bật ra ngay hình ảnh Philadelphia. Ngôi nhà trắng. Con đường gọn ghẽ. Hai tờ báo sáng cuộn tròn quăng trước cửa. Don và bọn trẻ. Những hình ảnh đó tới tấp bay vội vã ra khỏi nơi ẩn náu tận sâu trong đầu óc tôi như thể nếu không trốn thoát ra khỏi lúc này thì đến một vạn năm sau chúng vẫn phải còn ở nguyên chỗ ấy. M. hắng giọng. Rượu vang đỏ hết. Chúng tôi nắm tay nhau, bước đi trên con đường lát gạch lởm chởm, gập ghềnh. Đã từ rất lâu, chúng tôi không còn đặt tên cho nỗi buồn nữa. Phải, đã từ rất lâu, từ khi M. nói thủ thỉ với tôi: “Anh không đủ để lấp hết những nỗi buồn của em ư?”.
Mùa đông ẩm ướt.
“Bọn trẻ con sẽ không hiểu”. Don mở đầu e-mail như thế. Philadelphia trở lạnh. John ốm. Don ốm. Mọi thứ rối tung như món thập cẩm nào đó ở quận Mười ba Paris. Tôi bật cười. Don nhớ Paris. Paris có tôi tóc dài “không có mùi hóa chất”, hay thở dài để kiếm cớ hát những bài hát tiếng Anh thật kinh khủng. Những cuộc bỏ trốn bao giờ cũng thú vị. Vì những sợ hãi, lo lắng rất thật sẽ khiến trái tim kích thích khôn cùng. Cho đến trước khi tôi 30, hãy cố mà bỏ trốn lấy một lần. Đến một nơi xa lạ. Gặp một người xa lạ. Xao động với hắn ta. Mơ mộng với hắn ta về New Zealand, về những con cừu, về xe ngựa leng keng ngày cưới. Bất kể là thứ gì. Miễn phí mà, phải không? Đừng nắm trái tim mình bằng cả hai bàn tay siết chặt. Tôi thấy Don như thế đang đứng phía bên kia cánh cửa. Mỉm cười. M. mà biết chắc đánh Don tím người, M. nhỉ!
M. bảo tôi đưa hộ chiếu để M. làm giấy tờ cho tôi đi Mỹ vào mùa hè. Lúc M. nói, tôi đã nhìn chăm chú vào mắt anh. Tôi kiếm tìm sự nghi kị, dò hỏi, ghen tuông, hay bất kỳ một dấu chấm hỏi nào đấy cũng được. Tôi nghiêng đầu sang trái, quay mình sang phải, nắm lấy tay M. Chỉ có tiếng rè rè phát ra từ lò sưởi gắn tường. M. vừa soạn giấy tờ vừa “quảng cáo” về Philadelphia một cách nhiệt tình. Nào là Liberty Bell, và món bánh mì kẹp thịt bò và phô-mai đun chảy, cả những trung tâm thương mại nữa... M. có vẻ như đã tìm hiểu rất kỹ và rất nhiều. “Anh không thắc mắc tại sao em muốn đi Philadelphia à?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Anh nghĩ là em thích”. Mắt M. vẫn chưa ngước lên. “Nhưng tại sao lại thích thành phố ấy, mà không phải New York hay Cali?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Có bao giờ em thích gì mà cần lý do đâu nào”.
Mùa đông mưa bay lất phất.
Tôi nghe gió về sàn sạt. Cuối tháng mười một, trời đã bắt đầu có tuyết. Lúc ra đường, hai tay cứ phải ghì chặt lấy cổ áo, mặt mũi cúi gằm vì buốt. Những ngày cuối năm kề cận, M. bận túi bụi với những báo cáo tổng kết. Tối nào cũng gọi điện một lần hỏi xem hôm nay tôi có ăn đủ bữa hay không. Tôi thấy tháng mười hai hối hả ngoài cửa sổ, vậy là vội vã quay mình, giấu đầu trong lớp chăn bọc vải hoa tím ngát. Don ngày nào cũng kể chuyện trẻ con. Nào là hôm Halloween cùng trẻ con đi xin kẹo, khắc bí ngô. Breana khéo tay nhất nhà. Lễ Tạ ơn lại còn bận hơn cả, suýt nữa thì làm cháy con gà. John đã nằng nặc đòi mang cây thông về trang trí. John lý luận rằng nhà nào có cây thông sớm, ông già Noel sẽ đến sớm hơn. Don hỏi tôi đã viết thư gửi ông già Noel chưa mà sao Don chưa nhận được. Ăn ngoan, ngủ ngoan, Don sẽ để dành cho tôi một nụ hôn giao thừa thật lớn... Tôi nhìn thấy tháng mười một giãy giụa. Vậy là tôi khóc. Òa lên. Nấc lên. Tôi đổ thừa tại tháng mười một đã bỏ đi quá vội. Tôi đổ thừa tháng mười hai, người ta rủ nhau hân hoan, rủ nhau hạnh phúc. Tôi đổ thừa gió, đổ thừa mùa đông, đổ thừa cả cái lò sưởi rè rè không dứt... Ấy vậy mà không thể đổ thừa Don.
M. bảo dạo này tôi hay nói mê trong giấc ngủ nhưng nói gì thì M. không nghe rõ. Tôi lại hay giật mình hơn trước. Đừng sợ vì có M. ở bên. M. sẽ chống cả bầu trời cho tôi được an giấc. Thỉnh thoảng, tôi thích chống cằm ngắm M., nhìn bản năng đàn ông đầy trách nhiệm và che chở như một vầng hào quang bao phủ lấy anh. Tuần nào M. cũng gọi điện về Việt Nam cho gia đình, cho cả mẹ tôi. Bất kỳ một cuộc gọi nào, M. cũng kết thúc bằng câu: “Cô cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe, con sẽ lo lắng đầy đủ cho em”. Tôi biết mình không phải là một đứa con gái ngoan nhưng đủ hiểu chuyện để cảm thấy biết ơn M. mỗi lần như thế. Mà lòng tốt ấy đôi khi như tấm vải vuông che ngang trước mắt.
Mùa đông lỡ cỡ.
Don viết một e-mail rất dài. Không rõ đâu là đầu và đâu là cuối. Chỉ có những dư âm vảng vất cứ chạy dài từ dòng chữ này sang dòng chữ khác. Don thôi không kể chuyện về trẻ con. Về thời tiết hôm nay ở Philadelphia. Về nhiệt độ ở những công trường mà Don hay phải tới. E-mail của Don đầy những chữ cái cụt ngủn. Đầy những dấu chấm cảm và chấm xuống dòng. E-mail của Don là lời chào vĩnh viễn. Giống như một buổi sớm mai thức dậy, Don mở cửa và ra đi.  Đọc xong mail Don, tôi chợt nhớ đến lúc tôi mười sáu tuổi, cậu bé nhà hàng xóm gửi tặng một tấm bưu thiếp vẽ đầy hoa. Trong bưu thiếp viết: “T. à, đừng bao giờ buồn lúc mùa đông nhé, trời lạnh lắm, chúng không tan ra được đâu!”. Ừ phải, trời lạnh lắm! Làm thế nào để những nỗi buồn của tôi có thể tan ra được chứ?
Tôi sinh vào cuối tháng hai. Khoảng thời gian mà mùa xuân và những ngày nắng ấm đã bắt đầu nhen nhóm thèm khát trong lòng người. Vào lúc mười ba giờ hằng ngày, tôi ngồi uống trà trong một tiệm nhỏ ngay trong trung tâm thương mại. Phải đến tuần thứ ba, tôi mới nhận ra rằng, mình là kẻ duy nhất lạc lõng ở đây. Ở phía cửa sổ là người đàn ông quần áo chỉnh tề, cắm cúi vào máy tính xách tay, tập trung đến độ không thể ngẩng đầu lên nhìn người phục vụ để nói lời cảm ơn khi anh ta đặt ly cà phê xuống bàn. Ngay bên cạnh tôi, ba người phụ nữ trung niên văn phòng, hăm hở khoe mình giảm cân, mua ti vi màn hình phẳng, chồng tặng váy lụa Maje đến tận mấy trăm euro, mùa hè này cả nhà sẽ đi đảo Martinique... Một đám thanh niên tầm mười sáu, mười bảy tuổi ồn ào nói cười ở góc quán. Tôi đôi khi cảm thấy ganh tị với họ. Tôi gọi điện cho M. M. bảo ai cũng có những chuyện khổ sở của riêng mình. M. bận, bảo tôi đừng nghĩ vớ vẩn nữa hay thôi ngồi quán lúc nghỉ trưa, mua cà phê về văn phòng mà uống. Những chuyện nói cười, khát khao của thiên hạ hà cớ gì mà tôi phải ganh? Cuối tuần M. sẽ dắt tôi đi mua một loạt váy mùa xuân. Tôi không đi Philadelphia nữa.
Phan Ý Yên

Kỷ niệm tháng 12,
Tháng mười hai thật nồng nàn yêu dấu...
Dẫu cố quên mà nhớ thật thiết tha,
Cuộc đời người là những chuyến tàu xa...
Cứ đi mãi biết bao giờ trở lại ?

Tháng mười hai hết thu vàng phai lá,
Đã qua rồi ký ức kỷ niệm xưa...
Chuyến tàu qua có dừng lại bao giờ,
Trong Đông rét một mình ai ngóng đợi  ?

Thân tình xưa giờ cách xa vời vợi,
Biết khi nao đáp tạ được thâm ân ?
Bó hoa thơm ấm áp cõi hồng trần...
Trong sương sớm đôi má dường ướt đẫm !
NM

Chào nhau trong sương đêm 
GN - Chiều hai bảy tháng Chạp, sư thầy về tới chùa thấy một bó huệ trắng đặt trên tợ gỗ. Nghe chú tiểu thưa chiều nay có một người đàn ông đến thăm chùa, dâng hoa cúng Phật. Người đó sao? Chú tiểu nghĩ một lúc mới nhớ ra, à, ông ấy bảo làm nghề lái tàu hỏa. Vị thí chủ nhắn gì nữa không? Thưa thầy, hình như không, ông về lúc nào con cũng không hay.
Thầy cho phép đệ tử ra ngoài. Cái chú tiểu này chắc ham chơi nên chẳng thiết tha đón khách, hoặc cũng có thể vị thí chủ kia vội quá không ở chơi đợi thầy được. Tiếc quá, lâu nay thầy mong gặp người lái tàu mà giờ người ấy đến chùa lại nhằm lúc thầy vắng. Thôi thì tùy duyên. Cuối năm, thầy trò ở chùa vẫn thư thả mặc nhiên như giao thời vô thường, còn ngoài kia dân tình ai cũng bận rộn.
* 
Lối ra đài Quan Âm sương phủ mỏng trên những lớp cỏ. Quanh năm hầu như đều thế, có sương, lúc ba giờ sáng, khi sư thầy thức dậy đi thắp hương quanh chùa để chuẩn bị tụng kinh. Vừa đi, thầy vừa niệm: Tùng triêu Dần đán trực chí mộ, nhất thế chúng sanh tự hồi hộ, nhược ư túc hạ táng kỳ hình, nguyện nhữ tức thời sanh Tịnh độ (Từ sáng giờ Dần suốt đến tối, hết thảy chúng sanh tự giữ mình, nếu lỡ mất mạng dưới chân tôi, cầu nguyện tức thì sanh Tịnh độ). Bài kệ trong sách Tỳ ni nhật dụng thiết yếu thầy thuộc lòng từ thuở bắt đầu học đạo. 
Dường như thời khắc đó loài côn trùng đang ngủ, thầy không nghe được tiếng rỉ rả nào. Chỉ có một tiếng còi tàu hú rất gần. Tiếng hú ngắn, vừa đủ cho những ai đang đến gần đường ray nghe được, ai ngủ rồi thì không bị đánh thức. 
Vùng bán sơn địa này mấy ai dậy giữa đêm, chỉ có thầy công phu khuya. Ngay cả đoàn tàu chạy qua đây, hành khách cũng không nhiều người thức, chỉ có người lái tàu vẫn phải tỉnh táo. 
Hai con người đã nhìn thấy nhau giữa đêm. 
Và họ đã chào nhau. Trong sương đêm. 
Kiểu chào cũng có đổi khác theo thời gian. Lúc thầy còn là chú tiểu mười hai tuổi, chú tiểu khi ấy đã cúi đầu chào người lái tàu. Người lái tàu hồi đó còn trẻ, cũng gật đầu chào lại. 
Sau thọ giới Sa-di, chỏm tóc trên đầu chú tiểu đã được cạo sạch. Người lái tàu và chú Sa-di đưa tay trái lên vẫy chào. 
Đến lúc thầy đã thọ Tỳ-kheo, mỗi lần thấy nhau cả thầy cả người lái tàu đều đưa một tay lên ngực, các ngón tay khép khít, cung cách như đang vái nhau, rất khẽ. 
Thầy có cảm giác đoạn qua đây người lái cho tàu chậm lại. Chỉ vài giây lướt qua, với một khoảng cách không quá gần không quá xa, đủ nhận ra khuôn mặt của nhau và nhìn thấy nụ cười nhau.  
Thường mỗi tuần, vào đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật, thầy và người lái tàu lại nhìn thấy nhau. Cái thời gian biểu lặp đi lặp lại khiến thầy nghĩ hẳn người lái tàu phải là một người cô đơn lắm. Sao cứ phải nhận lấy những ngày cuối tuần ngồi buồng lái, chắc là không vợ con ít bạn bè. Ý nghĩ đó có dấy lên trong thầy chút thương cảm, và thầy mong có ngày gặp được người lái tàu.
* 
Thế mà chiều nay người ấy chủ động đến chùa thầy lại đi khỏi. 
Thầy cắm bó huệ trắng lên bàn chính giữa, ngay trong chánh điện, không quên nguyện cho người lái tàu được an lành. 
Lật lịch, ba hôm nữa là giao thừa, đúng vào đêm thứ Bảy, là ca làm việc của vị thí chủ. Như thế thì thầy và người lái tàu sẽ được chào nhau vào ngày đầu năm mới. 
Thầy cảm nhận rõ sự tất bật từ những chuyến tàu chạy qua bên vườn chùa. Những nhốn nháo lố nhố chật chội trên toa mấy ngày cận Tết, khác hẳn ngày thường. Nhưng thầy cũng thấy xốn xao vui lây niềm vui của những người được về quê đón Tết. Thỉnh thoảng thoáng qua cửa toa một cành đào hồng trên chuyến tàu vào Nam, hay một chậu quất chở ngược ra Bắc. Thầy vui, như ngày xưa còn nhỏ ở chùa nhìn thấy máy bay lướt qua bầu trời. Chỉ một vài khoảnh khắc đó thôi mà như thấy cả sự chuyển động bên ngoài kỳ vĩ. Ít ra nó làm cho cái sự yên tĩnh ở ngôi chùa này bớt cô quạnh. Nhất là trong những ngày năm cùng tháng tận, hoa trên tàu như gợi nỗi tha hương. 
Thầy không biết quê hương. Ngài sư phụ đã nhận được thầy trên thềm hiên ngôi chùa này, lúc đó thầy mới sanh được vài ba tháng. Lớn lên thầy nhận đất Phật làm quê hương.

Hồi thầy còn là chú tiểu, mỗi bốn giờ sáng lục cục thức dậy tụng kinh, sư phụ cứ tưởng chú tiểu đang sửa soạn bỏ chùa đi. Đấy là khoảng thời gian đoàn tàu sắp chạy qua chùa huýt một hồi còi nửa xua đuổi nửa mời gọi. Một đứa trẻ không biết gốc gác rất dễ sẽ nhảy lên cái đoàn tàu giữa đêm để đi tìm nơi chốn mới 
Chú tiểu đã đôi lần xao động, nhưng nhờ cái điệu chào của người lái tàu đã giúp chú bình tâm trở lại. Một cái gật đầu từ trên buồng lái như dặn dò chú tiểu phía dưới hãy ở yên đấy. Sau đến kiểu chào vái tay, thầy biết mình đã được tôn kính trên con đường đạo, giờ mà xả giới thì phải làm lại từ đầu, phá bỏ hết công năng tu tập bấy lâu.
Nghề lái tàu chắc là chán lắm? Thầy muốn gặp người ta chỉ để hỏi một câu đó thôi. Một hành trình lặp đi lặp lại không gì đổi khác, một cái khoang nhỏ tự đóng mình trong đó với sự canh chừng đầy căng thẳng. 
Thầy cũng đóng mình trong ngôi chùa đó thôi
Thậm chí ngôi chùa này còn không có một hành trình nào cả. 
Thầy và người lái tàu, hai con người buộc giữ mình trong hai khoảng không cố định. Một cái động lướt qua một cái tĩnh. Cái động làm cho cái tĩnh đỡ vắng lặng. Cái tĩnh của thầy cũng giúp cho cái động ổn định trên hành trình của nó. Bốn giờ sáng, thời điểm người ta rất dễ bị chìm vào giấc ngủ. Người lái tàu qua đây nhớ ra phải tỉnh táo để chào thầy một cái. Thành ra, cả hai người như mang ơn nhau, có duyên với nhau trên hành trình của mình. 
Qua giao thừa, thầy ngồi uống trà khai xuân. Đây là đêm duy nhất trong năm có nhiều người thức. Một khởi đầu năm mới thức đón những tinh hoa ban mai. Thầy cũng thức trắng để đợi người lái tàu. 
Lúc thầy cắm nhang vào chiếc lư ở đài Quán Âm chợt giật mình nghe tiếng còi tàu. Tiếng còi khác những lần trước, réo vang hơn, sảng khoái. Bắt đầu một năm cái gì cũng mang tín hiệu mới. Nhưng đó không phải người lái tàu thường chào thầy. Ngày Tết, ngành đường sắt thay đổi lịch làm việc là chuyện bình thường. 
Thầy vẫn đưa tay lên chào đoàn tàu, dù không có bàn tay nào trên kia chào lại. 
Tết, người ta có thể nghỉ ngơi để vui xuân, chùa thì vẫn khói hương tụng kinh như thường. Bắt đầu từ ngày mùng một là ngày vía ngài Di Lặc - Đức Phật vị lai biểu thị niềm lạc quan hạnh phúc. Nếp quen bốn giờ sáng dậy tụng kinh thầy vẫn giữ, không có nghỉ Tết
 Đã hai mươi ba năm thầy biết người lái tàu, một quãng thời gian dài trong đời người. Tàu lướt qua nhanh, thầy chỉ thoáng thấy gương mặt mà không nhìn được mái tóc người lái tàu, có lẽ ông ta đã già, đã nghỉ hưu. Cũng có thể ông chỉ nghỉ phép trong dịp Tết này. Hay vì một sự cố nào đó trên đường ray ám ảnh buộc ông phải nghỉ dài ngày để tĩnh tâm. 
Hết Tết, vẫn chưa được chào người lái tàu, thầy dò la thông tin xem mấy bữa trước có sự cố tàu hỏa nào không. Tin tức ngành đường sắt ngày Tết ngoài chuyện hành khách đông đúc không thấy có gì trầm trọng. Tất nhiên có nhiều chuyện trong ngành chỉ biết với nhau, thậm chí chỉ những người trong khoang lái biết thôi. 
Hoa huệ của vị thí chủ lái tàu đem cúng đã tàn. Ngày đem bình xuống súc rửa thầy nghĩ thôi thì dù sao người lái tàu cũng không phải rong ruổi trên hành trình quen thuộc mấy ngày Tết. Có khi vị thí chủ được ăn Tết ấm cúng rồi cũng nên. 
Phải chăng thầy và người lái tàu chỉ có duyên chào nhau mà không thể bắt tay nhau, không nói được câu nào với nhau.
* 
Từ cái Tết đó, phải thêm mười năm sau thầy mới lại nhìn thấy người lái tàu và biết tên ông, thậm chí thấy rõ hơn khuôn mặt từng thoáng qua sau tấm kính trong. Một tấm hình bán thân đen trắng kèm theo bài báo tưởng niệm người lái tàu cần mẫn. 
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ba mươi sáu năm làm nghề lái tàu của ông là lần kịp hãm phanh cứu sống một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa hai đường ray. Người lái tàu đã bồng đứa bé ra từ dưới đầu máy, và gửi vào một ngôi chùa. Trên hành trình chạy tàu, qua chùa, ông vẫn nhìn được sự trưởng thành của đứa bé mình từng cứu sống, bây giờ đã là sư thầy. Nhưng người lái tàu không gặp lại sư thầy để cho biết chuyện xưa, bởi ông không muốn sự xuất hiện của mình làm xáo động con đường đang đi của người kia. Hơn ai hết, người lái tàu hiểu một hành trình khi bị trật ray nguy hiểm đến nhường nào”. 
Bức ảnh in kèm bài báo chụp người lái tàu mỉm cười, đưa tay lên khép ngón như đang vái chào
Thầy cũng đưa tay lên chào bức hình. Trong đêm sương đẫm.
Hoàng Công Danh