Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Thềm cũ

Chờ Em Nơi Thềm Trăng

Thương con nắng,
Thương con nắng dạo chơi thềm nhà cũ,
Nắng tô hồng thêm những đoá tường vi...
Nắng trong chiều theo gió chẳng muốn đi,
Nắng lưu luyến dậu mồng tơi xanh lá...!!

Nắng ru ngủ hàng bìm bìm tím ngắt,
Nắng soi thềm rải rác cánh hồng rơi...
Nắng à ơi ru thiếp giấc mộng đời,
Nắng giúp chị tình nồng thêm son sắt !!

Ơi thềm cũ ngàn năm tôi nhớ mãi,
Thương rất nhiều hoa mận rải thềm xưa...
Ôi cuộc đời đã lắm gió nhiều mưa,
Càng thêm nhớ thềm xưa đầy nắng ấm !
NM
THỀM CŨ
Thềm đầy nắng.
Nắng nghịch ngợm lọt qua tàng lá mận chi chít bông trắng, rơi xuống hiên xi măng những đốm trứng gà. Gío thổi bông mận bay phất phơ, len vào từng sợi tóc vàng hoe hoe của bé Na, bé Nụ đang ngồi bệt trên thềm gạch bông chơi ô quan.
Chị Hạt đang nhổ tóc sâu cho mẹ trong nhà, chốc chốc lại len lén dòm qua khung cửa sắt thèm thuồng. Tiếng Na cười ríu rít như chim Sẻ: " hết quan toàn quân kéo về, bé Nụ thua nữa rồi nhé!". Chị Hạt gắt nhỏ:" khe khẻ thôi hai con nỡm, mẹ mà ngủ dậy thì chết!"
Mẹ trở mình, mắt khép hờ, mái tóc dầy, óng mượt sổ tung trên nền gạch mát lạnh, mùi sã và bồ kết thơm thoang thoảng. Chị Hạt vùi mặt vào tóc mẹ hít hà:"tóc mẹ thơm quá, thơm quá", mẹ mở mắt cười, mắng yêu:"thôi đừng nịnh, nỡm, mẹ cho ra chơi với em đấy, nhớ không được làm ồn cho bố ngủ nhé!"
Bố nằm trên chiếc võng đung đưa dưới dàn hồng Tường vi rực rỡ hoa, tờ báo che trên mặt, những cánh hồng mong manh rơi rãi rác mang theo mùi hương phai rưng rức.
Ba chị em lại bầy trò bán hàng, đồ hàng là những bông Bụp đỏ, bông bìm bìm tím ngát bên bờ rào, bông giấy trắng trắng hồng hồng, rụng đầy trên sân, bông tóc tiên đỏ như nhung, lá tóc tiên mỏng manh như chỉ. Nụ hái bông móng tay đắp lên hai bàn tay thon nhỏ của của chị Hạt thành một lớp son hồn gsen thanh tú. Na kết một vòng bông sứ trắng muốt gài trên tóc chị Hạt, mắt chị bừng lên lung linh. Nụ bụm miệng cười;?chị Hạt giống cô dâu quá đi!". Chị Hạt đỏ bừng hai má, nhéo Nụ tơi bời:"con quỷ nhỏ này ăn nói dô diên quá!" Nụ cười giòn giã, leo phắt lên chiếc xích đu gỗ mà mấy chị em đã kỳ công sơn xanh đỏ hết một ngày trời, hét tướng lên:" hổng dám dô diên đâu, em mét mẹ nhen, chiều hôm qua có anh nào đứng đợi chị Hạt ngoài hàng rào bìm bìm á, hai người đứng nói chuyện vặt sạch hết lá, sáng ra em quét sân gần chết!". Chị Hạt hết hồn, chạy lại bụm chặt miệng Nụ:" thôi, thôi chị xin, đừng có la, muốn gì chị làm cho". Nụ gật đầu cười nhỏng nhẻo:"thiệt nha, chị hái trái mồng tơi làm mực cho em đi, em làm lúc nào cũng dây bẩn hết tay chân quần áo, má đánh em hoài." Chị Hạt thở phào nhẹ nhõm:"tưởng gì, dể ợt, chiều nay chị làm cho hai bình".
Mẹ đã thức dậy, ngồi lên quấn lại mái tóc dài đến bắp chân, tằng hắng gọi:"Hạt à, coi bà dậy chưa, mấy chị em hái Ngọc Lan thả vào thau, rồi giặt khăn cho bà rửa mặt. Nụ xuống bếp múc cho bà ly chè đậu xanh nấu long tu đó con. Nắng thế này mà ăn chè long tu là mát lắm?. Na và Nụ le lưởi cười:"trời ơi, má chiều bà dữ thần chưa!"
Mặt trời chênh chếch chiếu xiên tàng Ðiệp hoa hồng rung rinh, gió chiều phơ phất thổi mấy bông lài kép ngã nghiêng. Hạt đứng hong tóc bên hàng hiên, mùi hương ngọc lan và bồ kết bay nồng nàn trong gió. Hạt chợt giật mình cúi đầu thẹn thùng, sau bờ rào bông giấy hồng bên nhà hàng xóm, một giọng nói tinh nghịch vọng sang:"O ni gội đầu chi mà thơm dữ rứa?", Hạt nguýt dài:" người gì mà vô duyên qua !" rồi chạy vội vào nhà.
Hoa mận trắng vẫn rơi như mưa trên sân.
* * *
"Chị Hạt à, chiều nay Na về thăm lại nhà cũ, hẻm mình không còn ai trồng cây Ðiệp nữa, vì hẽm đã mở thành đường nhựa, nhà ai cũng ra mặt tiền đường, ai cũng tranh thủ kinh doanh thêm một cái gì đó hoặc cùng lắm là cho thuê mặt bằng để kiếm thêm tiền. Một mét vuông thềm nhà mình bây giờ trị giá 2-3 cây vàng, chị muốn giữ nguyên để trồng ba cái cây mận, cây ngọc lan làm sao được.
Chị hỏi hàng rào hoa bìm bìm tim tím còn không, rồi hoa tóc tiên, rồi dậu mồng tơi xưa chị ép mực tím cho em viết bài, rồi bông xanh nhái. Chị ơi, chị lạc hậu quá rồi, cổng bây giờ người ta xây trụ đúc cho chắc chắn, cánh cổng thì bằng sắt chắc chắn để chống trộm, ai còn cần rào gổ và hoa leo nữa hả chị? Mực tím bây giờ thay bằng bút bi, bút bấm. Những bông hoa xưa chị yêu chị trồng bây giờ không còn thấy ai thích nửa, người ta trồng lan, trồng hồng, vừa đẹp, vừa sang trọng, hợp thời.
Bé Julli nói chiều nào ở Cali chị cũng ra sân đứng khóc, khóc gì mà khóc, chị đúng là già rồi, lẫm cẫm rồi. Em cứ phải nhắc chị hoài à, thời buổi này là thời buổi nào? Mà thôi, mau mau thu xếp gửi tiền về cho em với má hùn tiền mở cái nhà hàng nướng nghen. Phố này sắp thành phố nướng hết rồi, mình ra sau là không cạnh tranh lại với người ta đâu. Phố này không còn là hẻm cây Ðiệp ngày xưa nữa đâu, chị Hạt ơi!"
Quên đi chị! Như người Mỹ nói là:"forget it!"
Em, Nụ của chị."
MAI UYÊN - Saigon tháng 4
(tặng những hẻm cây Ðiệp của ngày xưa)


Tím biếc màu xoan cũ
Hoa xoan tìm biếc nao lòng,
Nắng vàng óng ánh trên sông dát vàng
Anh đi em ngỡ lỡ làng,
Thôi đành an phận theo chồng nơi xa,
Anh về nhặt tiếc cánh hoa,
Xoan thì đã quá nửa mùa ngõ quê...
Người ơi xin ở đừng về,
Theo em đi trẫy hội quê cùng làng !!
NM

Qua thềm xoan muộn

Mãnh về lúc giữa chừng xuân, con đò trôi dọc đê sông Cầu chừng dăm ba cây số là thấy đình làng Thổ Hà. Ngược qua Cổng Hậu, gặp dốc Vạn An, về phía Đại Lâm, sóng nước thì thầm nhắc nhớ chuyện cũ kỹ một thời tuổi trẻ của Mãnh. 
Con đường lát gạch nghiêng nghiêng ở quê vẫn vậy. Hàng xoan hai bên tím biếc nao lòng. Gió tháng ba quyện mùi xoan đương thì con gái, dịu dàng mà da diết len lỏi khắp con ngõ quê.
Tuổi trẻ của Mãnh là những ngày ruổi rong khắp các con ngõ nhỏ ra tận ven đê, í ới chơi trò giặc giã cùng đám bạn thân. Lấy những trái xoan chín khô, vàng nhạt, to cỡ quả bi, làm đạn giả, bắn ì đùng vang động cả khúc sông quê.
Tình yêu ngây dại cũng lớn dần theo những mùa xoan tím ngan ngát cả đường làng. Ngày ấy, trước khi lên phố để theo đuổi cái ước mơ về một làng nghề cang gốm thật nức tiếng, Mãnh tha thẩn cả buổi chiều quê, hái từng chùm xoan tết thành vòng hoa.
Hoàng hôn tháng ba, mây vắt ngang trời những mảng màu xanh trong, nắng rót dát vàng óng ánh từng con sóng. Mãnh khẽ khàng trao vòng hoa tím biếc như một lời hẹn hò, để rồi đón nhận nụ hôn vụng dại ngập ngừng đợi trông của người con gái Thổ Hà dịu dàng thanh khiết. 
Chỉ như chừng vừa mới đây thôi, Mãnh nhớ như in, vẫn nhói đau ngay lồng ngực.
Ấy là năm thứ hai, khi còn đang trên Hà Nội vật lộn với đống chữ nghĩa, bôn ba với cơm áo gạo tiền, u đánh điện bảo Luyến sẽ lấy chồng, xuôi dòng về Ngũ Huyện Khê làm dâu xứ lạ.
Mãnh dao dác một nỗi đau. Lời u cứ văng vẳng suốt con đường đêm. Con gái có thì, đâu ai chờ mình hoài. Ở quê có người đặt mối, chỗ tốt, nhà cao cửa rộng thì họ gả, vậy thôi.
Mãnh cho xe dừng ngay dốc Bưởi, cái dốc mà mỗi độ xoan trổ tím rợp cả trời Hà Nội, cái dốc mà suốt hai năm trời Mãnh ưa tạt ngang để nhặt từng cánh xoan theo gió rụng tím con đường. Cái dốc nhắc nhớ Mãnh về mối tình chân phương và lời hẹn ước đầu đời. Vậy mà, người ta lại chẳng đợi Mãnh về như đợi những mùa xoan.
Mãnh ra trường, chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Cuộc mưu sinh run rủi Mãnh tha hương biền biệt, một năm đôi lần Mãnh về Thổ Hà vài chuyến thăm thầy u. Những chuyến đi chớp nhoáng, rồi lên lại Hà Nội ngay. Cho đến khi thầy u về với đất, với nước của xứ Việt Yên này, Mãnh đã thôi không còn về lại nơi đây.
Mãnh bán hết ruộng đất rồi mua một căn nhà nhỏ ở ngay dốc Bưởi trên Hà Nội. Mãnh họa hai tấm hình để thờ cúng ông bà. Thảng hoặc chạp mả, hay ngày thanh minh, nếu không bận công tác, Mãnh lại về chỉ vài tiếng đồng hồ tảo mộ thầy u. Khi bộn bề với những chuyến công tác ngược xuôi, Mãnh lại gửi chút tiền nhờ họ hàng làm giúp. 
Đôi lần Mãnh thấy ân hận nhưng miết rồi cũng thôi. Đời hai cụ cũng chỉ mỗi mình Mãnh. Giờ hai cụ cũng đã về chung nhà với Mãnh, giỗ kỵ cũng mỗi mình Mãnh vọng lên bàn thờ mà mời cơm. Lễ tết cũng là Mãnh, xẻ cái bánh chưng thỉnh hai cụ về ăn. Vậy là sum vầy, vậy là an yên rồi. Mà chắc lòng hai cụ cũng hiểu Mãnh.
***
- Bác Mãnh coi chúng tôi chọn đất như vậy để lập xưởng tốt không?
Mãnh cắt ngang dòng suy nghĩ, khi ông trưởng làng đưa coi bản vẽ đất. Mãnh xuôi về miền quê thơ ấu này, theo lời mời của Tỉnh, về xây dựng lại cái nghề cang gốm đã mai một theo cơ chế biến đổi thị trường. Chẳng hiểu sao Mãnh lại gật đầu nhận lời, khi biết bao dự án khác đang mời mọc, lợi nhuận công cán cao gấp mấy lần. Hôm Sở kêu lên hỏi Mãnh ưng không, Mãnh xin cho một đêm suy nghĩ.
Đêm ấy Mãnh đứng nhìn những cây xoan khẳng khiu trân mình trước cái rét đầu đông Hà Nội. Cứ lẳng lặng mà nhìn thế thôi. Lòng Mãnh như tờ. Mặc ngoài kia rét căm căm, mặc thiên hạ vội vã về nhà ủ ấm, mặc gió phả vào người những tê buốt thấu da thịt.
Mãnh nhìn những cành xoan trơ trọi giữa phố đêm vàng vọt ánh điện. Mãnh tính trốn bao giờ? Mãnh ngoài bốn mươi rồi. Vậy là cũng chừng hơn hai chục năm đắng đót cái nỗi niềm vương mang.
Ngày ấy, Mãnh ra đi vì hoài bão về một làng nghề cang gốm. Nay có cơ hội, vậy mà Mãnh lại suy tính. Nơi đó là nhà. Đất ấy là quê. Mãnh sinh ra và lớn lên ven đê sông Cầu. Đất Việt Yên cho Mãnh ý chí, làng Thổ Hà cho Mãnh ước mơ. Vậy sao Mãnh không về? Tuổi này rồi, còn mấy cái xuân xanh để Mãnh thực hiện hoài bão của thời trai trẻ
Đêm ấy, Mãnh thắp nhang cho hai cụ, khói trầm tỏa ngát ấm nồng cả nhà. Sớm mai trước khi lên Sở, Mãnh nhìn bát lư hương, cây nhang đêm qua cong vút, quắp lại thành hình tròn. Thế là Mãnh về, tự nhiên như thể lá rụng về cội. Như trăm con nước có ra dòng cái, rồi cũng lặng lẽ trở đầu quay về bồi đắp bãi bờ quê hương.
Hồi Mãnh còn lổm chổm chân trần chạy rong thì làng Thổ Hà đã vang danh nghề gốm, thành một thương cảng nức tiếng của vùng Kinh Bắc. Chỉ tiếc thời cuộc đổi thay nhiều, giờ không như xưa. Nhưng mà giữ nghề là giữ cái hồn của dân Việt Yên mình, giữ cả tinh túy của làng Thổ Hà. Rồi những thứ mình dụng tâm làm ra, sẽ có ngày khôi phục lại sự hưng thịnh cho Thổ Hà, làm sống dậy một thương hiệu gốm lừng danh xa xưa.
Đình làng hôm cúng khởi công phục dựng làng nghề nhộn nhịp lời chúc, hả hê tiếng cười, ngời ngợi những niềm tin vào một tương lai Thổ Hà rì rà rì rậm lửa đỏ nung đất, thậm thà thậm thịch những chuyến hàng nối đuôi trên thuyền lái ven sông Cầu. Giọt mồ môi nhễ nhãi xưa cũ lại quay về, dệt mới lên cuộc đời những đổi thay mà vẫn lưu giữ cái bản sắc nền tảng của làng Thổ Hà.
Mãnh tất bật ngược xuôi công trình xây dựng, để đảm bảo một xưởng làm nghề thủ công đặc trưng, nhưng phải bảo tồn cái cảnh sắc non nước hữu tình của làng, càng không để tình trạng ô nhiễm chất thải từ các lò gốm ảnh hưởng đến đời sống của dân.
Có những hôm đuối lả người, Mãnh lần theo ven đê, ra ngồi thơ thẩn một mình, nhìn sóng nước bạt ngàn loang loáng, dáo dác về chuyện xưa cũ. Xoan đã quá nửa mùa, vẫn tím dạt dào mấy con ngõ quê. Xuôi dòng Mãnh về, xoan cũng trĩu nặng một mùa hoa, vậy mà người ta cứ biền biệt nơi đâu.
***
Một sớm tinh mơ cuối tháng ba, sương còn phủ dày mặt sông, Mãnh dẫn theo thằng Xoan, xuôi dòng Ngũ Huyện Khê tìm về làng Chóa của huyện Yên Phong. Sóng va mạn thuyền bồng bềnh theo câu chuyện của một già, một trẻ.
Con biết không? Chỉ có đất sét vàng hay sét xanh ở vùng ấy, ít sạn, không lẫn tạp chất, có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao mới làm nên loại gốm riêng biệt độc đáo của Thổ Hà.
Mình cứ nung nó ở nhiệt độ cao, không dùng men, cứ vậy để nó tự chảy ra thành men, thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt. Mình gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép. Mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Nhờ vậy, mình có thể làm chum vại, chĩnh chõ, tiểu sành rất đẹp, bền vô cùng mà giá thì lại rẻ. Nếu tay nghề cao, mình còn có thể làm ra loại cao to dung tích cả bốn năm trăm lít đó con. Gốm Thổ Hà nổi tiếng nghìn năm chẳng mất màu, ấy là do đất tốt cộng với kỹ thuật nung gia truyền của tổ tiên để lại đó.
Thằng Xoan chăm chú nghe, gật gà gật gù, ra chừng tâm đắc lời dạy của Mãnh. Vậy thì bác tìm con đi chung là đúng rồi. Hồi đó mẹ con người làng Thổ Hà, gả về theo bố tận Yên Phong.
Bố con mất được hơn mười năm, mẹ bị mấy cô giành đất, nên hai mẹ con lại xuôi dòng về làng mà neo đậu đến giờ. Nội con ngày xưa giàu nức tiếng đó bác, đến khi ông bà mất, bố cứ thế mà phá. Rượu chè, cờ bạc, bê tha lắm. Có hôm bố say bí tỉ, về nhà đòi mẹ tiền mua rượu, mẹ không đưa, thế là bố đánh. Bố đánh mẹ chưa đã giận, bố quay sang trút vào con. Bố bảo cái thằng Xoan là tàn tích của lòng mẹ.
Bố ghét đám xoan đầu ngõ. Cứ mỗi độ mùa hoa, bố chặt nát cành, tả tơi cả đám xoan. Bố bảo mẹ về với bố mà chưa lần nào mẹ cười hạnh phúc. Rồi bố có người khác. Mẹ khóc dấm dúi hằng đêm. Con biết làm chi đâu. Chỉ lén ra bờ sông mà nhìn về phía nhà ngoại. Bố nát rượu thì bị bệnh gan mà mất. Mẹ một mình nuôi con tận bây giờ.
Giọng thằng nhỏ trầm đục mà phả vào con sông quê buổi sáng nghe chênh chao một nỗi niềm
Nhà con à, ngay cuối làng, chỗ đám xoan nở muộn nhất mùa, giờ chỉ mới lác đác vài chùm tim tím thôi. Bác tới cái chảng ba cuối, nhìn ra phía ven sông, thấy cái thềm đất gồ ghề loang lổ.
Bất giác tim Mãnh chòng chành theo từng nhịp sóng vỗ mạn thuyền. Cập bến Yên Phong, rồi thuyền cũng sẽ quay về, sao Mãnh lập cập hóng chi mãi vậy. Thằng Xoan đã nhảy phốc lên đi một đoạn khá xa, quay lại nhìn bác Mãnh, khẽ nghiêng đầu tự hỏi, chi mà bác ấy cứ bần thần giữa khoang thuyền vậy nè?
***
Cuối tháng ba còn vương chút tiết xuân, gió từ lòng sông xào xạc mát lành, tối trời đen kịt, Mãnh trằn trọc khó ngủ dạo từ Yên Phong trở về. Mãnh đắn đo mãi, nên hay không tìm về cái chảng ba cuối ven sông, mớ ký ức tưởng rêu phong phủ mờ theo năm tháng bỗng chốc trỗi dậy, khiến lòng Mãnh bời bời mỗi lần về ngang ngõ tím. Hương hoa bay thoảng dìu dặt như mùi tóc ai xưa cũ vừa ghé ngang cánh mũi. Đêm cứ mãi thao thức theo từng nhịp thở.
Mãnh bắt đầu để tâm hơn thằng Xoan, thằng bé cao to, da sạm màu nắng sông, lanh lợi hơn đám trẻ trong làng, được cái tính ham học hỏi, chẳng câu nệ chuyện khó chuyện khổ, nên dần dà Mãnh lại càng thương nó.
Mãnh dạy nó nhiều về những kỹ thuật nung đất, canh độ lửa. Mãnh cầm tay chỉ nó cách tạo hình, tỉ tê vài ngón nghề để dễ định hình gốm trên bàn xoay. Muốn đồ gốm bền, chắc, lại đẹp thì phải dồn cả tâm sức vào từng công đoạn nha con. Không được chểnh mảng hay lơ là. Mỗi một công đoạn đều có độ quan trọng như nhau, chớ có xem thường.
Từ lúc thấu đất phải biết canh lượng nước sao cho vừa đủ no đất, mai thái phải mỏng đều tay. Mỗi một loại gốm sành có một nhiệt độ nung khác nhau. Mà con nhớ kỹ nè, làng mình nào giờ nung bằng than cám, chẳng phải nó rẻ chi đâu, mà vì than cám độ lửa đầm, ngấm sâu khiến gốm bền chặt, không dễ tức vỡ.
Nhiều cái sau này, nghề dạy nghề con lại rút ra những kỹ thuật làm tinh tế khiến gốm của mình lúc nào cũng nhỉnh hơn các làng nghề cang gốm khác, cái này là do bản năng lĩnh hội, và đam mê của con dành cho gốm
Thằng Xoan gật đầu lia lịa, đoạn nào dài dòng chi tiết quá thể trí nhớ, nó ghi vội vào cuốn sổ riêng.
Xưởng gốm theo đà cơ bản hình thành. Mãnh và các bậc cao niên trong làng cũng đã dốc lòng truyền lại nghề gốm cho đám thợ trẻ. Có thể thở phào nhẹ nhõm. Giờ Mãnh còn xây dựng cái quy trình xuyên suốt từ nguồn cung ứng đầu vào nguyên liệu, thời gian hoàn thành sản phẩm, các yêu cầu kỹ thuật, cho đến đầu ra sản phẩm, thế là bàn giao lại cho trưởng làng thôi, rồi Mãnh về lại Hà Nội.
- Hay là bác Mãnh ở lại đây coi luôn cái xưởng gốm của làng đi. Còn gì bằng một người con của Thổ Hà phục dựng lại tiếng tăm cho nghề cang gốm của cha ông để lại.
Ông trưởng làng rót chung trà mời Mãnh, kèm theo lời đề nghị trầm mặc.
- Bác Mãnh biết không, dân trong làng trọng thị bác lắm, lâu rồi mới có một người của làng vang danh trong giới làm gốm, không lẽ mình là con đất Việt Yên lại cứ bôn ba tận nơi xa mà truyền nghề hoài?
- Bác Mãnh về đây, giữa bạt ngàn non nước hữu tình mà thưởng ngoạn cuộc đời nè! Đất quê mình trù phú thiện lương, người quê mình giàu tiếng nghĩa nhân. Ở đâu cũng có thể là nhà, nhưng chỉ có Thổ Hà là quê của bác Mãnh thôi đó nha.
Còn nhiều nữa tiếng lào xào của mấy bậc cao niên hội tụ nơi đình làng nghe báo cáo công việc. Mãnh lặng yên nhìn mông lung ra cổng tam quan, mấy ngọn tràng phang, cờ phướng phấp phới trong gió, còn đôi ngày nữa là hội làng, cũng là ngày cúng mở xưởng, chính thức phục dựng lại làng nghề cang gốm Thổ Hà.
***
Lòng Mãnh quay quắt nhớ những ngày hội làng ấu thơ. Ngày ấy, đèn đuốc sáng choang, câu ca quan họ níu chân người ở đừng về. Các kỳ thủ dọc sông Cầu men theo lễ hội mà về tề tựu. Những trận cờ nảy lửa kéo dài hàng tiếng vẫn luôn hút biết bao nhiêu người rì rầm tán thưởng. Bọn trẻ vui như là ngày tết được kéo dài thêm. Bánh chưng, bánh dày, bánh cúng đầy mâm. Hoa trái quê hương dâng đầy quả. Các thanh đồng về chầu giá Cô Bảy, Thành hoàng, Cô Đôi uy nghiêm lần lượt. Lộc rải từng người. Làng trẩy hội tận ba ngày. Ai nấy cũng tươi cười niềm nở quây quần quanh đình làng mà thắt chặt thêm tình nghĩa.
Mãnh thả trôi lòng mình mải miết theo từng bước chân về những con ngõ quê rợp trời tím biếc. Những con ngõ quê hun hút đan nhau dẫn người ta ghé nhà này chào hỏi đôi câu, sang nhà nọ cùng chung chén trà. Những con ngõ quê nối liền một mảnh đất, ấp trọn tình làng nghĩa xóm. Dẫu ngoài kia phố thị xa hoa, bon chen đãi bôi từng lời từng việc. Nhưng phía sau cái cổng tam quan, trong làng này, người sống với người bằng chữ yêu thương.
Cuối ngõ quê, ngay cái chảng ba rồi, Mãnh lại lừng khừng chân bước, nửa muốn tới, lại nửa muốn quay đi. Tim Mãnh đập những nhịp liên hồi thình thịch nơi lồng ngực. Biết là người ta có còn như ngày ấy.
Hôm xưa, cây xoan còn xanh, người ta còn ở đó, chuyện tình vẫn là muôn thuở.
Hôm nay, cây xoan đã tím, mình đi tìm người ta, chuyện chẳng còn là yêu thương của thời non trẻ.
Dợm vài chân bước, Mãnh gặp ngay người ta ngồi cạnh bờ rào. Ánh mắt giao nhau, khắc giây lặng im tưởng chừng như là mãi mãi. Người ta khóc rồi kìa. Mãnh thể như thằng con trai mười chín đôi mươi, tần ngần có lỗi.
- Tui... ơ... Luyến khóc chi, Mãnh về rồi mà...
Một chiều tàn xuân, cuối tháng ba, đám xoan muộn màn bung cánh tím rực rỡ như vẫn đương thì con gái. Thềm nhà có hai người ngồi thủ thỉ chuyện xa xót mà đằng đẵng những nhớ thương đợi mong.
Hội làng năm ấy rền vang câu hát người về thì người đừng đi.
Hơn hai chục năm, Luyến mới vấn tóc cao, mặc áo the, bước qua thềm xoan tím biếc mà trẩy hội làng. 
Trúc Thiên
Ánh trăng thềm cũ
Bên thềm trăng rụng, lại nhớ tích xưa,
Thóc vàng tràn xuống, gợi mùa rơm thơm...
Anh là trai của làng Diềm,
Không ca quan họ, không mời khách xa...
Em là con gái làng ta,
Một đêm hát hội rồi xa nhau liền...
Thế mà tạo kiếp nhân duyên,
Anh về tìm chút bình yên gia đình
NM

Thềm trăng

Hoài về làng cũ, đó là ngôi làng hiếm hoi còn giữ được vẻ đẹp nếp xưa. Anh về hôm trước hôm sau cả xóm đã biết. Sáng xách làn đi chợ, cô hàng cá tủm tỉm nói vọng lên như hát
– Anh Hoài chán vợ thành phố rồi à? Lại xách làn đi chợ thế này, đàn ông đàn anh vất vả quá, hay em đánh tiếng tìm cho một mối
Có tiếng đàn bà con gái vang lên
– Này anh Hoài ơi, đừng chê em xấu em đen, em như nước đục đánh phèn lại trong này…
Thế là cả khu chợ khúc khích xôn xao.
Ai đã từng đi chợ quê, thấy mớ rau mùi hành hoa thơm, thứ hương thơm nguyên thủy, xà lách non mơn mởn, cá tôm còn mùi bùn đất, đứng ở chỗ cô hàng xén hỏi thăm một chút, chỗ hàng thịt bỗ bã dăm ba câu, chỗ này gọi tên mình ới ơi, chỗ kia nằn nì ăn giúp vài đồng quà mới thấy được cái xôn xao, tươi tắn, ồn ào đến nao lòng mà những siêu thị đủ đầy ở thành phố không có được.
Mâm cơm quê nhà dọn lên là để thưởng thức vị ngon tự nhiên của nguyên liệu chứ không phải vị ngon nhân tạo của những loại gia vị đắt tiền. Mẹ già rồi, Hoài cũng không còn trẻ nữa, ăn uống có là bao, nhưng Hoài thèm được lui cui trong bếp, nấu bát canh cua khoai sọ thả thêm đọt rau nhút hay đĩa tép riu đỏ rọi rang với khế và lá chanh thơm phức rồi dọn lên cái mâm đồng. Khi mẹ trải chiếu ra hiên, Hoài bưng mâm cơm đặt lên giữa chiếu.
Mẹ con ngồi xếp bằng rồi so đũa, trăng sẽ rọi sáng mâm cơm suốt mấy mùa. Trăng sóng sánh trong bát canh, bóng mẩy trong bát cơm nấu bằng gạo tám, trăng tràn xuống thềm nhà hướng nam gọi gió, đầy ăm ắp khoảng sân gạch đỏ. Khoảng sân ấy ngày xưa mỗi dịp cuối xuân đầu thu ăm ắp rơm tươi. Mùa gặt ấy mà, mẹ cha sẽ lùa cơm thật vội, ăn xong còn đập lúa, thóc vàng tràn xuống sân, con cái cầm liềm cắt rơm giũ thật kỹ những hạt thóc còn sót lại rồi tung rơm ra ngõ, đợi nắng lên là có rơm thơm…
Mùa đông, một bát cà chua xào tóp mỡ nghi ngút khói hay yêu canh khoai tròn thêm vài lá thì là thơm phức là quây quần êm ấm giữa mùi tỏi tươi vừa nhổ về treo tăm tắp trên giàn tre trong sân.
Những điều giản dị ấy Hoài cứ nhắc nhớ mãi khiến vợ Hoài cáu gắt:
– Rơm thì dặm ngứa, tỏi thì hôi có gì mà đau đáu quá nửa đời?
Hoài chỉ cười thôi, nhớ quê thì trốn phố, có nơi nao an lành bằng bầu ngực quê hương. Hoài không bao giờ khiên cưỡng vợ theo ý mình. Có lẽ vì thế mà mỗi lần anh quẩy túi về quê chị cũng không cấm cản. Chỉ có điều mỗi lần Hoài ở quê lên phố nếp ăn ở lại thấy có chút gì xộc xệch, cần sắp xếp lại cho ngăn nắp, cần tập cho vào nếp. Nguyên – con trai Hoài từng trách:
– Bố về quê lâu quá, đến nhà mình mà cũng chẳng thấy thân quen.
Mẹ Hoài vẫn giữ thói quen ăn trầu, ngoài tám mươi mà hàm răng nhuộm thuốc vẫn còn đen bóng, khi mẹ cười răng đều tăm tắp hạt na. Nụ cười của mẹ bao dung và hiền hậu biết bao khi Mai cắp thúng ngô đi vào con ngõ, con Mực quen người chạy ra vẫy đuôi tíu tít, Mai chuyển thúng ngô ra trước bụng, ngượng nghịu rồi đặt xuống hiên. Mai ngồi ghé mép chiếu, từ tốn thưa rằng ngô mới bẻ, con mang biếu bác và anh Hoài ăn lấy thảo. Hoài dậy lấy thêm cái bát con và đôi đũa, nhưng Mai đứng lên, vân vê tà áo rồi về. Nhìn Mai đi khuất qua con ngõ, Hoài mới hỏi mẹ:
– Mai lập gia đình sao không ai báo con?
Mẹ gắt:
– Ai bảo nó lập gia đình?
– Nhưng con thấy bụng…
– Anh thấy đúng rồi đấy, lỗi cũng do anh.
Mẹ nói có sai đâu, Hoài là trai làng Diềm mà không biết hát dăm ba làn điệu quan họ, bạn về không biết giữ chân bằng Người ở đừng về, bạn đến nhà cũng không biết hát Khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi… Bảy tuổi Mai đã hát đúng vang rền nền nảy. Hội Lim, Mai làm chị cả ngồi tựa mạn thuyền rồng hát cho anh hai thổi sáo. Hội tan, chị cả anh hai lưu luyến mãi ở mom sông, anh hai qua bên kia sông là anh có người thương rồi, chỉ còn chị cả với rặng tre chắn lũ, với trăng non yếu ớt không đủ soi nước mắt nhạt nhòa, chị cả băng đồng về, áo tứ thân quét đất, nón quai thao gió giật bay đi. Có dài lắm đâu một thôi đê thế mà tiễn bạn hát hết một thời son trẻ.
Gái làng Diềm chẳng thiếu người như chị cả, họ kiếm một đứa con rồi đợi hội Lim. Vào hội hát “em còn son, anh cũng còn son”, “có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà”, hội tan lại gánh gồng cấy hái nuôi con…
Mẹ trách Hoài câu ấy xong thì vào giường nằm, Hoài thu dọn mâm bát rồi ra bể múc nước luộc ngô, ngô nếp bánh tẻ bẻ sơ lớp áo già xếp vào nồi, Hoài khua cái gáo gỗ trong bể nước thấy trăng lóng lánh tan ra. Nhà có bếp gas nhưng Hoài vẫn nhóm bếp, bẻ củi chất dưới kiềng. Mẹ giữ được tất cả nếp xưa, kể cả mấy cây ráy đã bóc lá không biết bao nhiêu lần, tàu cao nhất cũng vươn tới gần nóc bếp.
Sau thời bao cấp, trong khi dân làng thiếu thốn thì nhà Hoài vẫn sống phong lưu. Mẹ chăm chỉ ruộng đồng và không biết bằng cách nào mẹ bắt mối được với những bà vợ tận trên Hà Nội có chồng đi Liên Xô. Mẹ gom hàng của các ông chồng gửi về cho họ rồi phân phối khắp mấy huyện, từ giun xe đạp, thuốc men, vải vóc đến thau nhôm, bàn là… thượng vàng hạ cám. Trong số hàng mà mẹ bán, Hoài lục tìm được hộp màu vẽ, đó là món hàng xa xỉ chỉ dành cho đám cậu ấm cô chiêu. Nhưng mẹ để dành cho Hoài, mẹ xem tranh Hoài vẽ rồi bảo có triển vọng. Mai xem tranh thì cứ rúc rích cười suốt, Mai bảo có giống đâu, cổ con gái gì mà dài như cái cần câu, hoa lục bình sao không trôi líu ríu… Tranh ấy dân thành phố mới dám bỏ tiền mua về treo ở nơi trang trọng, bình phẩm hết ngày này sang ngày khác. Mai chỉ mê canh hát, mê anh hai thổi sáo tương ngộ tương phùng.
Mai sinh con gái đúng hôm rằm, gái hôm rằm trai mùng một, mẹ giục Hoài xúc ống gạo mang sang. Làng Hoài có tục lệ lâu đời, hễ người đàn bà nào trong làng không lấy chồng mà kiếm được đứa con, thì chòm xóm mỗi người mang sang nắm gạo, gạo ấy mang xay ra quấy bánh đúc, rồi thì phân phát mỗi người một miếng mang về. Hoài cứ chần chừ trong gian bếp chật ních, anh loay hoay sửa cái bóng điện nhấp nháy mãi mới chịu sáng, thắc thỏm nghĩ rồi đây một con một mẹ, không biết Mai xoay sở thế nào. Trên nhà mọi người đang bàn bạc hai sào lúa nếp muộn ở chân ruộng trũng nhà Mai còn chưa kịp gặt, rủ nhau mấy hôm nữa lúa chín đẫy thì đi gặt giúp, xưa nay xóm làng vẫn quen bảo bọc nhau. Hoài nói với mọi người anh cũng muốn xuống đồng, thế là trong nhà lại rộ lên một chặp đưa đẩy chòng ghẹo người thành phố. Mai phần Hoài cháy bánh đúc mang về biếu mẹ. Cháy bánh đúc nấu rơm vừa lửa, mẹ vẫn thích ăn từ ngày xưa…
Hoài và chòm xóm xuống đồng, đàn bà con gái thì gặt lúa, đàn ông xén rạ, bó lượm gánh ra đường lớn chất lên xe bò. Mỗi người một tay một chân, xế trưa là gặt hết hai sào nếp. Ai về nhà nấy ăn cơm hẹn trăng lên sang đập lúa cho mát. Nếp cái hoa vàng không ai mang tuốt cả, phải đập tay để giữ những cọng rơm cứng cáp, cột đầu bông lại rồi treo lên hàng tường gạch đều tăm tắp từ ngõ vào đến hết sân. Rơm ấy bện chổi, làm né tằm thì bền mà thơm lắm.
Hoài sang sớm nhất, anh ngồi bên hiên sửa lại mấy cái néo tuột dây, Mai đứng bên cửa sổ vừa đu đưa chiếc nôi mây cho con vừa khe khẽ hát. Cạnh chỗ Mai đứng là chiếc bàn mà lúc còn sống cha Mai ngồi khám bệnh bốc thuốc. Ở đấy lúc nào nắng cũng yếu ớt xuyên qua tán lá cây rọi vào, thìa đè lưỡi khám viêm họng luôn để trong cái nắp phích bằng nhôm đặt trên bậu cửa sổ, mỗi lần khám bệnh ông lại rót nước sôi vào tiệt trùng…
Thuở bé Hoài mắc chứng hen sữa, thành ra anh cứ qua lại nhà Mai suốt, lần nào khám cho Hoài xong cha Mai cũng vọng xuống nhà gọi: “Mai, ra vườn hái ít cam để anh Hoài mang về vắt nước uống cho nhẹ phổi”. Khi thì: “Mai, đào cho anh Hoài mấy nhánh gừng đặng về hấp mật ong con”. Giọng nói của cha Mai Hoài còn nhớ như in, như được thâu lại hàng trăm lần bằng trí nghĩ.
Rồi chòm xóm sang, tiếng thậm thịch dẻo dai của những lượm lúa mẩy vang trên cối đá, tiếng nhả rơm vun vút, tiếng giũ rơm, tiếng trang cào thóc, tiếng vò bông lúa sót, tiếng nói cười, tiếng bé con trong nhà ngủ dở giấc ré khóc lên, tất cả chan hòa và đầm ấm khơi lên trong lòng người những tình cảm tốt đẹp và dịu dàng. Ai đó đã rang xong mẻ thóc mới trong bếp, mùi nẻ rang thơm phức, đám đàn bà con gái nghỉ tay cắn chắt, đàn ông ngồi điếu đóm uống trà hãm trong cái ấm tích. Hoài cào gọn thóc vào một đống, đậy tấm bạt lên rồi chèn lại cho gió khỏi tốc, anh dặn Mai:
– Trăng quầng đấy, sáng mai anh sang trang thóc phơi cho, mới sinh hãy nghỉ ngơi đi đã.
Nhìn đứa bé ngủ say trong vòng tay mẹ, đôi má bầu bĩnh khiến anh muốn chạm vào nhưng mày thóc dính đầy người sợ làm dặm con bé.
Ngày vợ anh sinh con, anh đang đi tu nghiệp ở nước ngoài, khi trở về con đã biết đi lẫm chẫm thành ra cái cảm giác nhìn đứa bé con ngủ bình yên trong tay mẹ anh mới bắt gặp lần đầu.
Hoài về nhà khi trăng đã đứng giữa trời, vằng vặc sáng ngự trị cả khối thiên nhiên rộng rãi, trăng trùm lên xóm làng mảnh chăn ngà dìu dịu cho nhà nào nhà nấy ngủ an lành. Tiếng chão chàng rộ lên rồi im bặt khi Hoài múc nước bể lên xối cho mát, cho trôi đi mày thóc, mồ hôi. Đêm ấy là đêm hiếm hoi Hoài đặt mình là ngủ ngay đi được. Mẹ dậy sớm, ngồi trên phản têm trầu, bà nhắc Hoài rằng Mai nó nhắn có chị em hàng xóm phơi thóc cho rồi không phải sang nữa, bánh cuốn thì con bé Hằng cháu con chị cả mang cho, mẹ phần anh trong chạn bát, mệt thì ngủ tiếp, còn không thì dậy rửa mặt cho tỉnh táo chứ đừng nằm ươn nó hư người.
Anh với tay mở cửa sổ, nắng trong vắt sóng sánh phết lên những tấm song gỗ, một cành na sà vào, anh đưa đẩy trí nghĩ về thành phố. Nắng thế này những ngôi nhà ống như những chiếc hộp đổ mồ hôi nằm chen chúc nhau cả ngày nghe tiếng máy lạnh rù rì buồn tẻ. Người ta tràn về thành phố, thành phố như bà mẹ đông con, lúc nào cũng tất bật đêm ngày, bà mẹ ấy ẵm bồng bú mớm nuôi lớn bao nhiêu giấc mơ, cũng đòn roi cho con cái không ít…
Mẹ lại nhắc:
– Dậy rồi thì ra bể múc nước vã cho tỉnh ngủ đi con, chiều nay Nguyên nó về đấy, anh xem đi chợ có món gì ngon nấu đãi cháu tôi.
Nguyên về khi xâm xẩm tối, đậu xe ngoài đường lớn rồi đi bộ vào nhà. Cơm tối có canh cua, trạch om củ chuối, cà muối xổi. Bà đã dọn giường trải chiếu cho thằng cháu đích tôn từ chiều, nhưng ăn cơm xong Nguyên nói phải về thành phố. Cậu hào hứng kể cho bà và bố nghe chuyến đi phượt mà bạn bè lên kế hoạch gấp sẽ khởi hành vào sáng mai, về rừng Vĩnh Thạnh, về sông Kôn tuyệt đẹp nằm ở dải đất miền Trung. Bà có hơi phật lòng, Nguyên vừa bóp vai cho bà vừa nịnh:
– Con sẽ tìm ra loại nấm linh chi to như cái nón, hái tận gốc lên còn mềm nhũn trên tay, con mang về biếu bà sắc uống, bà cứ đẹp cứ khỏe thế này mãi cho con nhờ.
Bà cười:
– Cha bố anh, khéo nịnh, muốn tôi vui thì lấy vợ sớm đi.
Hai bà cháu cứ giận lẫy rồi nịnh nọt như thế cho đến khi trăng chênh chếch ngọn cau. Hoài tiễn con ra chỗ đậu xe, đi bên con, bên vóc dáng vững chãi, chắc nịch và thẳng thớm, Hoài bỗng thấy cảm động và nhớ vợ, đúng hơn là biết ơn vợ mình. Chị là người đàn bà thức thời, không bao giờ cho phép mình tẻ nhạt, những bước đi quan trọng trong sự nghiệp của Hoài, chị góp phần công sức không nhỏ. Nguyên nhìn vào mắt bố:
– Con nghi mẹ có bạn trai, bố ạ. Con đã để ý mẹ hơn tuần nay rồi, chắc chưa đến nỗi nào, nhưng nếu bố không về thì cũng đáng lo đấy.
Hoài hơi bất ngờ, nhưng tuyệt nhiên không phẫn nộ hay thất vọng, Hoài đón nhận cái tin ấy bằng tâm thế của một người từng trải. Hoài thậm chí đã nghĩ đến viễn cảnh ấy khi thấy vợ hay đi lại trước gương, thấy chị đăng ký tập gym, yoga, dancesport. Mỗi lần đi tập, thấy Hoài dắt xe ra ngõ cho mình, chị lại nói một câu quen thuộc:
– Em phải tập cho thon thả, giữ gìn vóc dáng để giữ chồng.
Đi tập về, thấy Hoài lúi húi nấu ăn, cũng may là Hoài thích nấu ăn và coi đó như một thú vui, chị hay ôm chồng từ phía sau, nhón tay lấy thức ăn trên bếp, vừa khen ngon vừa càu nhàu ông thầy dạy dance có cái miệng hôi.
Từng bươn bải khắp nơi, chị không phải là người đàn bà duy nhất của Hoài. Càng ngày Hoài càng nhận rõ những bâng khuâng, rung động, thiết tha một cách vẹn tròn là thứ vô cùng xa xỉ. Nếu sự thật như con trai anh lo lắng thì ngay lúc này Hoài cũng chưa biết đối diện với nó thế nào. Anh hơi bối rối, không biết sẽ trả lời ra sao cho con bớt băn khoăn. Nguyên lên tiếng trước:
– Bố sẽ về nay mai chứ?
– Ừ, nay mai thôi con.
Nguyên chào anh rồi lên xe nổ máy, chiếc xe bốn bánh quét ánh sáng trắng rỡ lên con đường bê tông, hai bên đường cỏ mọc liêm liếm lên xanh óng ánh.
Hoài bách bộ về nhà, nghĩ thế nào lại rẽ vào ngõ nhỏ nhà Mai, đứng sát tường gạch thơm mùi rơm mới, mấy dây mơ dại rủ xuống cọ vào trán Hoài ram ráp, Hoài đưa tay bứt, dưới trăng mấy nụ hoa đang he hé tím biếc. Giọng Mai ru con vọng ra ngõ: “Bồng bồng con nín con ơi, dưới sông cá lội trên trời chim bay, ước gì mẹ có mười tay…”.
Nghe một người đàn bà làng Diềm ru con, ít ai không cảm động, lời ru gửi gắm vào giấc ngủ của bé thơ tình mẹ ngọt ngào âu yếm, mà cũng gửi cao xanh chút tủi hờn.
Với Mai, Hoài lúc nào cũng giữ được thứ tình cảm trong sáng, rõ ràng và thuần khiết. Mỗi lần bắt gặp thứ tình cảm ấy Hoài thấy mình trẻ lại, trong lồng ngực như có những cánh én vút lên không trung. Đó là thứ tình cảm tựa hồ như anh em nhưng khách sáo hơn một chút, tựa như bè bạn nhưng không bỗ bã mà chính Hoài cũng không gọi được tên.
Hoài về nhà, hơi ngạc nhiên khi thấy dây mơ dại vẫn nằm trong tay, anh đặt nó lên bể nước. Chiếu vẫn trải trên hiên nhà, hồi tối anh quên gập lại, anh định nằm đấy ngủ cho mát nhưng trăng sáng quá, nhìn lá nguyệt quế láng mướt, anh biết trời đổ sương. Hoài vào nhà…
Qua đêm, Hoài tỉnh giấc khi trăng còn chưa lặn nhưng mặt trời đã ló những tia nắng yếu ớt. Anh bước ra cửa đã thấy mẹ ngồi đấy tự lúc nào. Bà ngồi ép mấy chiếc quạt mo cau, bà bảo đêm qua mấy tàu mo vừa rụng, quần áo đồ dùng mẹ đã xếp cả vào túi xách, nhắc Hoài nội trong hôm nay phải về thành phố, không muốn đi thì mẹ cũng đuổi. Người già lúc nào cũng có những dự cảm xa xôi.
Giữa buổi thì Hoài đi, anh ghé qua nhà chị cả bảo mấy đứa cháu sang đỡ đần bà. Con đường độc đạo dẫn ra đường lớn một bên là những ngôi nhà bình yên giữa vườn cây ăn quả, một bên là cánh đồng đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Những gồi rạ được chống lên cho mau khô như hàng ngàn chiếc nón úp đứng san sát nhau khắp cánh đồng. Có mấy đụn khói nhỏ bốc lên, hẳn là lũ trẻ nhóm lùi ngô sắn. Anh thấy lòng nhẹ nhõm, trời trong quá, từng tảng mây trắng xốp thong thả trôi trên nền trời xanh thẫm, thi thoảng trên một lùm cây bên đường, đàn chim nhỏ lại tung mình bay vút lên.
HOÀNG HIỀN
Ngôi nhà 40 năm tuổi rêu phong, cũ kỹ trên triền núi ấm áp tình thân của  gia đình trẻ


 
 

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Hoa Bông Trăng


Trang trong gió,
Nhớ xưa trang ngoài ngõ,
Dịu mình theo gió đưa...
Búp hoa rờn trong nắng,
Oằn mình trong gió mưa !

Biết bao mùa thu đến,
Đã bao mùa xuận qua...
Trang giờ như xa lạ,
Nhìn hoa sao xót xa !

Nao lòng muốn ngảnh mặt đi,
Mà bao lưu luyến khắc ghi trong lòng...
Sóng đời theo gió mênh mông,
Trang luôn vẫn vậy tình luôn chung tình !!
NM

Gió đưa gió đẩy bông trang...
Giáp Tết, tôi dọn vườn, chợt nhận ra cây bông trang nép mình khiêm tốn dưới chân rào. Lạ, bởi từ lâu tôi không còn thấy bông trang. 
Vài mươi năm trước, bông trang không thiếu. Chốn quê, nhà nào cũng dăm bụi bông trang nơi đầu hè, trước sân, cổng ngõ... Nhà dân có bông trang, sân đình, chùa, miếu mạo cũng có bông trang, những cây bông trang hoa nở lớn bằng bàn tay, vun đầy như mâm xôi, trắng ngà, đỏ ối, lá thuôn dài, xanh bóng, còn thân thì thẳng đuột, mốc thếch, chi chít ken nhau trong tán lá rậm rì. 
Bông trang không quý phái, không đài các, kiêu sa dù là trang đỏ hay trang trắng. Đặt cạnh hồng nhung, lay ơn, thược dược, trang cứ như… gã nhà quê chân đất đứng cặp đôi cùng chàng công tử thị thành! Mà quê thật, quê một cục - bởi trang xuề xòa, dễ dãi: Giâm vào đâu cũng sống, chẳng kén canh chọn cá, chẳng cần chăm bón, tưới tắm lôi thôi. Đất bạc màu, đất cỗi cằn, sỏi đá cũng không sao. Trang cứ điềm nhiên xanh tốt, điềm nhiên đơm hoa, một thứ hoa cũng “mặc bền, ăn chắc”, nở kéo dài mươi bữa, nửa tháng mới chịu tàn. Không chỉ có vậy, bông trang còn nở sai, sai chi chít từ gốc đến ngọn. Và nữa, nở tứ mùa bát tiết, dù nắng dù mưa. Nông thôn xưa, nhà nào một năm cũng năm bảy cái giỗ; rồi còn ngày rằm, mùng một, cúng đình, cúng chùa, cúng đất (cúng Thổ Công), cúng ông Táo, cúng đầu năm... Bất kể cúng giỗ gì, bình hoa chưng bàn thờ bao giờ cũng có bông trang. Tiện lợi, hiển nhiên rồi; nhưng phải chăng những cây bông trang chưng bàn thờ kia còn gửi gắm, hàm ngụ bên trong khát vọng nghìn đời của người quê: Luôn ước ao những gì mộc mạc, đơn sơ nhưng khỏe khoắn, vững chãi, lâu bền. Nếu chỉ mong cầu bấy nhiêu thì bông trang có đủ: Mưa dầm không chết, nắng hạn không chết, rễ ngoằn ngoèo, bấu chặt vào đất đá, bão giông chỉ đủ sức vặt chơi vài túm lá chứ lay đổ cả cây thì quả khó lòng... “Gió đưa, gió đẩy bông trang/ Bông búp về nàng, bông nở về anh…”. Quả là ngạc nhiên khi hai câu ca dao quá dễ thương ngày còn nằm võng nghe mẹ hát ru lại hiện về đúng lúc trong tôi. Bằng mối tình quê khó nói - phải mượn hình ảnh của cây mà gửi gắm, đẩy đưa – hiển nhiên “anh nhà quê” bông trang đã tự tin bước thẳng vào văn chương, làm đẹp cho văn chương bởi chính cái quê mùa mộc mạc của mình! Phải rồi, dẫu cho đời quê thay đổi, dẫu cho người quê thay đổi, cái mộc mạc, chân chất có thể tạm lắng chìm, nhưng bao giờ cũng ăn sâu, bám rễ, trường tồn hơn vẻ hào nhoáng nhất thời. ...Đã giơ cao cuốc, toan bổ xuống bụi bông trang; nhưng nghĩ sao, tôi lại ngập ngừng. Rốt cuộc, tôi lẩn thẩn bứng nó về, đem trồng trước ngõ… 
Y Nguyên

Khiết bông nở rộ,
Khiết bông giờ nở rộ,
Hoa đỏ thắm bời bời.
Luống rày nhiều mưa đổ...
Lá mơn mởn xanh tươi

Thân chịu mưa chịu nắng,
Cuối Thu trời mưa giông...
Hoa ngày thêm đỏ thắm,
Má càng sắt se lòng.
NM


Mùa khiết bông trổ hoa 

Hồi sanh con bé Tư, má đặt nó tên Xuân Tự, ấy là theo cái tuồng cải lương Áo cưới trước cổng chùa.

1 Má mê tuồng đó, từ hồi má lìa xứ Hà Tiên về miệt Lai Vung làm dâu, trong mớ hành trang gói ghém kỹ lưỡng có cuộn băng cát-sét này.
Nghe tía kể, má có cái tật, hễ nghe cải lương thích ai là đặt tên con cái theo liền hà, thằng Hai Tài là do bả thích ông Tấn Tài ca bài Bên rặng ô môi, lúc bả sanh thằng nhỏ nhất quyết đặt tên Tài. 
Tía thương má bây nhiều lắm, nên cái gì bả đòi tía cũng ưng. Tía thương má đến tận cuối đời, lúc nhắm mắt xuôi tay cũng thều thào dặn mấy đứa con phải lo cho má đầy đủ nghen, đời má bây khổ vì tía, vì tụi bây lắm rồi. Má khóc quá trời ngày đưa tang tía.
Giờ con Xuân Tự hiện tại ngụp lặn bên cái bàn máy may, còn Hai Tài thì xa tít mù khơi, cách má con nó đến tận nửa vòng trái đất.
2 Luống rày mưa nhiều, đám khiết bông đâm lá, mởn xanh đầy rào. Mà để ý chi đám khiết bông rồi lòng má lại nhớ Hai Tài. 
Hồi Hai Tài đi cũng ngay mùa khiết bông trổ hoa. Bận đó, Hai Tài hứa cứ mỗi mùa hoa lại về, vậy mà biền biệt ngót chừng đã hơn ba năm.
Bận Hai Tài gọi về cho má, tay má run bần bật, dặn dò đủ điều. Má chặc lưỡi xuýt xoa, thằng đó nó lạ tánh lắm, bây hổng có rành như má đâu. 
Nó đó heng, ưa bị chói nước, hễ gặp nước lạ hông hợp là da nó sần sùi, nổi ngứa, gãi vài cái là mề đay lên dề dề. Nó đó heng, bụng yếu nữa, ăn rau không kỹ là chột bụng liền. Nó đó heng... còn nhiều cái nó đó heng, con bé Tư nghe riết thuộc lòng.
3 Đám khiết bông kết hoa chùm chùm, đỏ bời bời cái cổng rào. Khiết bông dễ trồng, chịu mưa chịu nắng. 
Cuối thu, khi những cơn mưa dông thôi sa trên dãy đất miền Tây này là mùa khiết bông trổ hoa. Cũng là mùa lòng má se sắt nhất.
Má đợi Hai Tài như đợi mùa khiết bông.
Chiều buồn hiu hắt, tiếng kẽo cà kẽo kẹt của chiếc võng tre xen lẫn giọng ca từ cuốn băng cát-sét xưa cũ. Má lại nghe cải lương, nghe riết cuốn băng nhão nhoẹt. 
Từ hồi cái giọng cô đào Thanh Hương còn lảnh lót, rồi theo thời gian úa vàng năm tháng, cái dây băng thanh nó giãn ra, đoạn trầy đoạn xước, nên giọng hát nó cứ bèm bẹp, tiếng mất tiếng còn. Vậy mà má hổng có chịu thay.
Nằm bên chân võng, con Ku-bo như cũng nghe cải lương cùng má. Con Ku-bo này Hai Tài lượm đem về nuôi hồi còn lập nghiệp trên đất Sài Gòn, coi như có kẻ bầu bạn giữa mênh mông thị thành.
4 Má đưa cho bé Tư xấp vải màu hoa cà, thêu hình mấy bụi trúc biếc xanh, biểu may cho má cái áo dài đi ăn cưới.
Bây nhớ cái thằng Lượm ưa hái trái bình bát ven sông, rồi đóng cần xé, gửi theo chành lên Sài Gòn đó. 
Cái thằng nhỏ mà bà Lành, nửa tỉnh nửa điên, hồi xưa nhặt nó về nuôi, rồi hơn hai chục năm sau có bà nhà giàu bên nước ngoài về nhận lại nó làm con ruột, bả dắt đi luôn.
Hồi đó, nó với cô giáo Thanh thương nhau.
Ủa kỳ hen má, thương người ta mà đi chi cả chục năm, lòng dạ biết có còn như anh Lượm ngày xưa.
Bây à, đời người lắm cái lắt léo đoạn trường. Nó qua bển rồi phụ mẹ nó mua bán chi đó, bận nó đi lấy hàng, xe nó bị đụng, chấn thương ngay đầu, mất trí nhớ, mẹ ruột nó sợ yêu đương con gái quê mình đời nó lại khổ, bả giấu nhẹm chuyện cô giáo Thanh. 
Chừng có thằng bạn nào cùng xứ mình gặp nó bên đó, kể rành rọt nó nghe.
Nó tìm về xứ mình, khóc xin cưới cô giáo Thanh. Thằng chung tình heng bây.
Con bé Tư gật gù. Ủa má đi đâu vậy. Tao đi thắp đèn, nghe chuyện thằng Lượm, lo cho thằng Hai Tài lắm bây à. Bốn năm rồi mà nó chưa về.
Con bé Tư thở dài thườn thượt. Xuôi dòng Lượm về, như bình bát men theo phù sa con nước lớn ròng mà đâm cành ra trái. Bận này, mưa dông đã thôi sa, sắp một mùa hoa, biết má còn ngóng trông tận bao giờ...
5 Non tháng sau, một sớm tàn thu, đám cau hiên nhà trút lá vàng cả góc sân, má búi tóc kỹ càng, áo dài hoa cà, đi ăn cưới. Con Ku-bo tíu tít quẫy đuôi, kêu inh ỏi.
Mày hông có đi theo được nghen, tao đi ăn cưới miết ngoài chợ, đông đúc lắm, mày theo vướng víu cái chân à. Ngoan ở nhà tao thương. Má ve vuốt con Ku-bo, thủ thà thủ thỉ.
- Vậy chớ má cho con đi chung hông?
- Ơ, Hai Tài nó về bé Tư ơi. Má lập bà lập bập. Nước mắt ngắn dài.
- Má đừng khóc nghen, phấn son chèm nhẹp hết, hổng có đẹp đâu nghe, má con dù già rồi vẫn phải là hoa khôi của xóm mình như hồi xưa đó. 
Bận ở bên đó, con gặp thằng Lượm, đầu đuôi ngọn nguồn con nói nó nghe, nó quyết lòng tìm về. Con học xong cũng về với má thôi. Trăm hướng ngàn phương, bồi lỡ gì thì mấy nhánh sông cũng ra dòng cái.
Hai Tài lôi cái xe đạp cũ kỹ mà ngày xưa tía hay chở má đi chợ ra. Chở má sau lưng, hít căng lồng ngực gió quê. Rất lâu rồi mới có một sớm an nhiên ghé ngang đời Hai Tài như thế.
Phía cổng nhà, con Ku-bo đứng quẫy đuôi cạnh đám khiết bông nở muộn bung cánh rực rỡ nguyên bờ rào. Đỏ thắm thiết.
Trúc Thiên 

 Hoa Bông trăng
Dưới ánh nắng tháng tư,
Hoa bông trang lấp lánh..
Soi bóng dòng nước xanh
Dịu dàng hoa khoe sắc

Bóng chiều về nghiêng ngã,
Bìm bịp kêu đau thương...
Xuân đã qua hè đến,
Biết bao lần vấn vương ?!

Chiếc khăn tay tín vật,
Nhuốm máu của đoạn trường...
Hoa đủ màu lấp lánh,
Sắc màu bông tôi thương
NM
 

Hoa Bông trăng
Tháng tư hạ đổ nắng chói chang khi những con ve bắt đầu cất tiếng gọi hè thì lúc đó những bông trăng đầu tiên cũng sắp “bảy sắc cầu vồng” tô thêm cho vẻ đẹp lung linh của mùa hạ. Mỗi một chùm hoa có hàng vài chục bông hoa, mỗi một bông hoa có năm cánh, mỗi cánh có một màu hoặc một vài màu sắc khác nhau. Hoa bông trăng cũng giống như hoa nhài, nhưng khác với hoa nhài màu đỏ, hao bông trăng màu đỏ có, màu hồng có, màu trắng có, màu tím cũng có …. rất nhiều màu sắc tạo nên một “dải ngân hà” lấp lánh dưới ánh nắng tháng tư rực rỡ. Có lẽ lũ trẻ chăn trâu chúng tôi là những người chơi hoa bông trăng sành nhất. Hoa bông trăng thường mọc trên bờ sông, suối, nơi gần nước. Mọc thành bụi to vươn những bông hoa màu sắc rực rỡ ra ngoài mặt nước, mỗi chiều chăn trâu về qua đê, lũ trâu tha hồ ngâm mình trong dòng nước mát. Còn bọn trẻ chúng tôi thì thoả thuê hái hoa bông trăng, đứa nào biết bơi thì bơi ra xa, dùng sào vít xuống những cành hoa to, hái được những bông hoa to và đẹp, lũ con trai chúng tôi thì thích những bông hoa to ở xa ngoài mặt nước, còn bọn con gái lại chọn những bông hoa vừa, cành có thể dùng sào vít vào từ trên bờ để hái. Sau đó khéo léo ngắt từng bông trên một chùm hoa, rồi kết lại thành chuỗi xen kẻ những bông hoa xanh, đỏ, tím, vàng…và những bông hoa đa màu sắc. Đứa nào khéo léo chọn và kết thì chuỗi hoa càng rực rỡ, càng đẹp, đó là những vòng cườm dùng để đeo vào cổ, vao tay, vào thắt lưng… lũ con trai chúng tôi vì ghen tị mà đã vô tình phá huỷ đi những chuỗi hoa đẹp mắt, chúng tôi đã vô tình làm hỏng mất những đồ trang sức diệu kỳ, những sáng tạo lí thú đó.
Sau khi mỗi đứa có một chuỗi hoa trong tay theo đúng ý tưởng của mình cả bọn đuổi trâu vào làng. Cả bọn đang lao nhao thì cái Thuỷ la toáng lên – thằng Khuyên làm hỏng mất chuỗi hoa của tao – nước mắt nó chảy ròng ròng trên má. Thì ra vòng hoa nó cất công kết cả buổi chiều bị thằng Khuyên giật làm tung tóe khắp nơi, thấy con Thuỷ khóc thằng Giáp trêu “thằng Khuyên mày làm con Thuỷ khóc, thằng Duy nó đánh mày chết” làm Thuỷ ngượng đỏ cả mặt, sẵn mấy chùm hoa trong tay – này Thuỷ lấy nó đi, xin lỗi vì Duy không biết gì về nghệ thuật nên không kết vòng hoa được, Thuỷ tự làm nhé – Thuỷ ấp úng – …nhưng…nhưng nó là…nó là…Duy cho Thuỷ thật chứ? – Tôi phì cười – thật – cảm ơn Duy nhé. Thuỷ đáp lời. “Tụi bay thấy chưa! – thằng Khuyên trêu chọc – Thằng Duy dỗ nó nín ngay ấy mà. Cả bọn nhao lên rồi đuổi trâu đi trước bỏ lại tôi và Thuỷ tụt lại phía sau. Về đến đầu làng Thuỷ đưa cho tôi một chùm hoa và bảo “Duy có thấy không? – tôi ngạc nhiên – ‘thấy gì cơ? – Thuỷ nói tiếp – Duy thấy có lạ không, cũng một cành hoa mà mỗi bông lại có một màu khác nhau, trên mỗi bông mỗi cánh lại có một màu khác nhau, đây này Duy thử nhìn xem! – giật lấy chùm hoa trên tay Thuỷ tôi tỏ ra rất ngạc nhiên và khâm phục phát hiện của Thuỷ. Cầm chùm hoa trên tay tôi vừa đi vừa nghĩ vừa lẩm bẩm “tại sao lại thế nhỉ” cho đến khi Thuỷ gọi – Duy ơi về nhé! – cô nàng đã cột xong trâu và rửa tay sạch sẽ tôi ngẩng đầu giật mình – ừ về nhé!”. Về đến nhà tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm xong tôi lôi chùm hoa ra và đến bên nội thuật lại toàn bộ câu chuyện lúc chiều cho nội tôi nghe, nghe xong nội bảo – Ừ, nội cũng nghe nội của nội kể lại sự tích về sự kỳ lạ của loài hoa này. Và nội tôi từ từ kể lại cho tôi nghe toàn bộ sự tích đó. Sự tích kể rằng: từ xưa ,từ thời rất xa xưa rồi, ở một bản mường nọ có một gia đình thuộc dòng dõi thần linh, sinh được hai cô con gái, cô chị tên Nàng Bân cô thứ tên là Nàng Nhị. Khác với Nàng Nhị nàng Bân là người con gái xinh đẹp, đa tài giỏi nghề thêu dệt. Nàng đem lòng yêu một chàng trai cày vốn là người ở của gia đình nàng, năm nàng 18 tuổi một tù trưởng người Hmông có ý đến hỏi muốn lấy nàng làm vợ. Vì yêu chàng trai cày nàng đã từ chối lời cầu hôn của vị Tù trưởng kia. Cha nàng tức giận đã đoạn tuyệt tình phụ tử và đuổi nàng ra khỏi nhà. Theo tục lệ trước khi đi nàng phải chịu một trăm ba mươi roi của những người thân nhất trong gia đình. Cha nàng sai Nàng Nhị đi chín ngày chín đêm lên đến ngọn núi thứ chín mươi chín của buôn làng chặt một loại cây có tên là lèn-đen (một loại cây thân gỗ, to bằng chiếc but-bi ngày nay, có cây to hơn rất nhiều thậm chí to bằng cán dao, nhưng chủ yếu là toàn cây nhỏ vì sau mỗi mùa ra hoa nó sẽ chết. Loại cây này có rất nhiều nhánh nhỏ mọc dọc theo cây dày đặc tua tủa như gai). Đem dệt thành những chiếc roi lô nhô gai, mỗi một roi là hàng ngàn chiếc kim châm đâm vào da thịt nàng, máu me bê bêt khắp thân, nàng đã dùng chiếc khăn tay quý nhất của mình để lau máu và thẳng về hướng tây đi mãi, đi mãi về phía núi rừng tây nguyên trùng điệp.
Đến bên bờ suối, lúc bìm bịp đã kêu, bóng chiều đã ngã, sức đã kiệt, không thể đi tiếp được nữa, nàng nghỉ lại bên bờ suối, rửa mặt xong cảm thấy trong người hơi mệt và lạnh, đang thiêm thiếp thì có tiếng một vị thần xuất hiện trước mặt, giọng nói ôm ồm dỏng dạc – hỡi nàng ta muốn cứu vớt một linh hồn nhỏ bé, ta muốn nàng về ở với ta, nàng hãy làm vợ ta ta sẽ yêu thương nàng hết mực – trong cơn tỉnh, cơn mê nàng nói – nhưng chàng ơi, cha mẹ ta, em gái ta nhất định họ sẽ đi tìm ta và khi đó họ sẽ không biết ta ở đâu – Nàng hãy để lại tín vật và nhất định họ sẽ biết nàng đã đi đâu. Vậy là Nàng Bân đã vắt chiếc khăn tay của mình lên cành cây bông trăng làm tín vật và đi theo vị thần kia
Mùa xuân đã qua đi, mùa hạ đã về, đã đến mùa hoa bông trăng nở mà không thấy người thân của Nàng Bân đến tìm, chiếc khăn tay đã hoá thân vào những bông trăng sặc sỡ. Mỗi chấm đỏ trên mỗi cánh hoa là máu của Nàng Bân. Màu hồng là màu của chiếc khăn tay, màu trắng là màu của sự minh bạch, là màu của người con gái trinh nguyên trong trắng, màu tím là màu của sự đợi chờ người thân đi tìm, đợi chờ tình yêu, lòng chung thuỷ, vì vậy mà hoa bông trăng có nhiều màu sắc vậy đấy cháu ạ.
Nghe đến đây tôi hơi rơm rớm nước mắt, để tránh nội tôi nhìn thấy tôi vờ đi lấy dầu rót thêm vào đèn, tôi hỏi: thế tại sao lại gọi loài hoa này là hoa bông trăng hả nội? – nhả miếng trầu nội tôi nhẹ nhàng đáp – bà cũng không biết nữa, từ lúc bà cũng còn chăn trâu như cháu bà đã nghe mọi người gọi nó với cái tên như vậy rồi. Tôi đang bối rối xem có gì để hỏi nội nữa không thì Mẹ – Duy ơi, đi học bài rồi đi ngủ, sáng mai dậy sớm còn đi học. Đứng phắt lên tôi cãi lại – mẹ không biết mai là thứ 7 à? thôi con không học bài nữa đâu mai con học, con đi ngủ đây – nội tôi xen vào – ừ ngủ đi cháu, cả ngày chăn trâu mệt rồi. Gối đầu lên hai bàn tay, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được chỉ mong trời mau chóng sáng để tôi kể ngay lại cho Thuỷ nghe tại sao hoa bông trăng lại có nhiều màu như vậy, tôi đã tưởng tượng ra khuôn mặt tròn xoe, hai con mắt sáng lên, cái miệng há hốc, vẻ mặt đầy ngạc nhiên của Thuỷ khi nghe tôi kể về “sự tích hoa bông trăng”. Tôi vô cùng hí hửng và thích thú nhưng thiếp đi lúc nào không biết.
Sưu tầm



Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Ngắm giọt mưa rơi,
Mưa rơi trong tĩnh thức,
Không buồn, không chơi vơi...
Đưa tâm về nguồn cội,
Xoá nỗi đau trong đời !
Lặng nhìn từng giọt mưa rơi,
Lắng nghe chuông gió thảnh thơi tâm hồn ...
NM

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam,
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là tên gọi của Thiền viện Trúc Lâm Cần Thơ
Sau khi ghé thăm bà con của Ti, thăm chị bạn Sư Phạm ở Cần Thơ, Ti sưu tầm trên Google một loạt địa danh "nổi cộm" nhất của Cần Thơ, cuối cùng hai cô cháu đồng ý sẽ viếng nhà cổ họ Dương trước, sau đó là Thiền viện Phương Nam
Trời đang nắng chang chang thế mà bỗng dưng muốn đổ mưa, vừa ra khỏi nhà cổ thì có mưa bụi lâm râm nhưng hai cô cháu vẫn chưa mặc áo mưa, đã gần trưa nên ghé trên đường đi mua một số món "ăn vặt" khá hấp dẫn như bánh tằm bì, bánh mặn, bánh lá, bánh giò...cứ mỗi thứ hai cái. Chỗ bán bánh là một gian nhà nhỏ trên đường đi đến Thiền viện, trên chiếc bàn lớn người ta chưng đủ các món bánh miền Nam trong từng cái khay nhỏ giống như gian hàng bánh buffet....Trời dịu mát mưa lâm râm lại vừa đúng cữ trưa nên đói bụng muốn ăn liền...nhưng phải đến Thiền viện trú mưa và tìm chỗ vắng để ăn vì tất cả đều là món mặn !!
Quả là một Thiền viện đẹp và rộng lớn, dù cái đói đang cồn cào nhưng Ti vẫn say mê chụp, thích nhất là hàng tượng của chư vị La Hán được chạm trổ bằng đá trắng trông thật công phu và rất mỹ thuật... Mưa lại ập xuống rồi, tạm ngưng tìm chỗ ăn rồi mới chụp ảnh tiếp ! 

Ăn xong thì mưa cũng vừa tạnh, nước mưa làm cho cảnh chùa thêm tươi mát, nước mưa cũng làm cho tiểu cảnh thêm Thiền hơn...Cả hai cô cháu đều ghi lại hình viên đá trên hồ, có lẻ hình nhiều quá không đủ chỗ nó lẫn đâu mất rồi mà tìm hoài không thấy hình nầy thật là tiếc
Mưa lại tiếp tục lác đác, lười quá nên ngồi trong nhà thuỷ tạ chờ Ti len lỏi đi khắp nơi chụp ảnh, ngắm nhìn những giọt mưa tí tách rơi qua lá dừa, rơi xuống ao súng, ao sen, hay mưa rơi trên các bức tượng trong vườn Lâm Tì Ni sao thấy mát mẻ,  thanh thản nhất là được nghe tiếng chuông gió lao xao trong không gian yên ắng
Không hiểu sao mình thường thích quang cảnh các Thiền viện nhất, có lẽ vì có nhiều cây cỏ xanh tươi, tiếng chuông gió ngân vang trong không gian tĩnh lặng, nhất là tất cả Thiền viện đều không có độ cao chót vót cho nên cảm tưởng Phật thật gần gũi...
Mưa tạnh rồi về thôi nhưng vẫn còn lưu luyến vì chưa đi hết khuôn viên rộng lớn của Thiền viện Phương Nam !!Lại phải hẹn lần sau nữa rồi
Những ánh nước lung linh,
Soi rọi bao bóng hình...
Bồ tát còn nhân ảnh,
Nào khác chi chúng sinh ?
 
Trên cao tiếng chuông gió,
Lay động giữa thinh không...
Xua tan bao tĩnh lặng,
Giữa cõi đời mênh mông !!
 
Người đi trong vô thức,
Người say giấc ngủ nồng...
Nào ai người đốn ngộ,
Ai chờ thuyền qua sông?
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Một ngày Như Ý)