Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Cây đàn guitar

Tiếng đàn guitar,
Anh dạo phím với cung đàn quen thuộc,
Âm thanh chừng vang vọng cõi xa xưa...
Tia nắng vàng đâu khác ánh chiều mưa,
Vẫn tha thiết dịu dàng mà thân ái...!
Những ca khúc ngày thơ sao nhớ mãi,
Anh ôm đàn dạo lại bản Mucho...
Âm thanh buồn theo những nhịp sóng xô,
Con phố nhỏ vẫn nhiều người qua lại !!
Kỷ niệm xưa nay vẫn còn tồn tại,
Với thời gian và với trái tim em...
 
Ngoài kia nắng rực bên thềm,
Bên em tiếng nhạc dịu êm hôm nào ! 
NM

Tiếng Đàn Guitar.

Ở cuối góc phố có một tiệm bán đàn guitar. Đó là một căn nhà nhỏ, với những cây đàn treo thành ba dãy. Khách bước vào sẽ thấy một không gian ngập tràn sắc nâu gụ óng ánh của những cây đàn, mùi gỗ đánh vecni nồng nồng. Nó gợi lên cảm giác ấm cúng nhưng cũng thật giản dị, gần gũi.

Chủ nhân tiệm đàn là một người đàn ông lớn tuổi, gương mặt hiền hòa với mái tóc hoa râm bạc. Người ta thường thấy ông ngồi tỉ mẩn đẽo gọt cần đàn hay chỉnh lại dây đàn khi tiệm vắng khách. Ông chủ tiệm trầm lặng, ít nói nhưng hay cười hiền. Bất cứ ai ghé qua tiệm đều cảm thấy cảm mến sự thân thiện ẩn trong đôi mắt phía sau cặp kính gọng vàng. Nhờ thế, tiệm đàn hầu như ngày nào cũng có khách, dù nó nằm ở cuối góc phố, khuất sau những cửa tiệm lộng lẫy và những hàng quán nhộn nhịp, để tạo ra một không gian rất riêng, dành cho những ai yêu đàn.
……………..
Chàng trai trẻ thức giấc khi tia nắng đầu tiên lọt qua khe tấm màn và rơi vào trong căn phòng nhỏ. Sáng thứ bảy mà thành phố vẫn xôn xao nhộn nhịp. Con phố nhỏ đã thức giấc từ bao giờ, tiếng người cười nói rộn rã. Chàng trai vén màn nhìn ra, cảnh phố thị vẫn thân thuộc như nhiều năm về trước. Bên kia đường, quán cà phê vẫn thấp thoáng là những khuôn mặt của anh tài xế taxi đeo kính cận, cắm cúi bên gói xôi và tờ báo, là của hai ông bác lớn tuổi hay ngồi sát góc tường bày cuộc cờ sớm, bên cạnh là hai ly cà phê sữa nóng thơm lừng. Bầy chim sẻ líu ríu trên cây me trước cửa quán, đối diện cửa sổ. Phố thị ồn ã nhưng vẫn dành cho người ta những góc riêng dịu dàng và thân thuộc mỗi ngày.
Sáng nay cửa tiệm chưa có khách. Phía sau tủ kính, chàng trai bắt gặp hình ảnh thân thương của một người đàn ông gầy gò ngồi tỉ mẩn lau chùi cây đàn guitar màu đen bóng. Ông nội vẫn luôn mở cửa đúng giờ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Ông có thói quen lau chùi cho từng cây đàn mỗi buổi sáng. Với ông, niềm trân trọng đối với âm nhạc và đàn là một phần của đời ông. Và điều đó dường như đã khơi gợi lên một tình cảm thiêng liêng với nghệ thuật nơi cháu trai ông. Ngay từ bé, chàng trai đã được ông nội dạy đàn, được học cách cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc qua từng giai điệu, tiết tấu. Ông thường hay bảo, âm nhạc là thứ kết nối tâm hồn con người một cách mạnh mẽ nhất mà không một ngôn từ hay biểu cảm nào có thể làm thay. Chàng trai lớn lên với tình yêu âm nhạc và niềm đam mê nghệ thuật. Năm mười bảy tuổi, chàng trai rời tiệm đàn nhỏ để đi du học ở châu Âu. Thấm thoát đã ba năm, và đây là mùa hè thứ hai chàng trai về thăm những cây đàn và với người ông thân thương của mình. Với anh, đây là nơi đây thân thuộc và gắn bó, là nơi để tìm về và yêu thương. Trong những mùa đông lẻ loi, lạnh lẽo ở trời Âu, cảm giác thèm được ngồi bên hiên, ngắm ánh nắng và dạo phím một khúc nhạc thân thuộc như một giấc mơ xa xỉ. Tình yêu mà ông nội thắp lên trong anh không chỉ là âm nhạc, nghệ thuật, mà còn là tình yêu quê hương và cuộc sống.
………………..
-Ông ơi, cây đàn của anh trai con bị nứt thùng đàn rồi. Ông xem giùm con xem có thể sửa được không? – Cô gái rụt rè nói với ông chủ tiệm đàn.
-Con đưa đây ông coi! – ông chủ tiệm nói, mỉm cười thân thiện. Nhận lấy cây đàn từ tay cô gái, rồi ông trỏ vào chiếc ghế phía sát vách tường- Con ngồi đó chờ ông chút!
-Dạ, con cảm ơn ông! – Cô gái lễ phép đáp, rồi ngồi xuống chiếc ghế.
Cô nhìn quanh tiệm, thích thú đưa mắt qua những chiếc đàn gỗ nâu đen bóng loáng. Những chiếc đàn treo cạnh nhau thành dãy như đang xếp hàng chờ đợi những người chủ mới, và chờ đợi đến lượt mình được ngân lên những giai điệu êm dịu hoặc mạnh mẽ, trầm buồn hoặc reo vui. Ánh nắng dìu dịu của một chiều mùa hè nhạt nắng hắt vào căn nhà nhỏ, làm ấm thêm một không gian trầm lắng giữa phố thị nhộn nhịp.
Bất chợt, một giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát cất lên từ trên căn lầu phía trên tiệm đàn. Âm thanh guitar mộc dìu dặt ban đầu rất khẽ khàng, sau đó dần hiện lên rõ nét như ai đó đang phác họa một bức tranh bằng những thanh âm nhiều cung bậc. Cô gái nhận ra giai điệu quen thuộc của bản Romance nổi tiếng mà ngày nhỏ cô vẫn hay nghe từ chiếc máy cassette của ba. Bản đàn chậm rãi trôi trong một buổi trưa vắng khách, dịu dàng đưa đẩy. Cô gái ngẩn ngơ lắng nghe, chăm chú đến nỗi quên đi sự hiện diện của ông chủ tiệm. Mãi khi tiếng đàn tan đi, cô mới giật mình nhận ra ông đang đứng nhìn cô, môi khẽ một nụ cười hiền từ
Cô gái thấy bối rối, bèn lật đật nói khẽ:
-Con xin lỗi ông, tiếng đàn hay quá nên coi mải chăm chú nghe nên quên mất!
Người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng nói:
-Không sao đâu con, con thích bản nhạc này lắm hả?
-Dạ, hồi nhỏ con hay nghe bài này từ máy cassette của ba con. Giờ bất chợt được nghe lại con thấy hay quá!
-Đó là cháu nội ông đàn đấy.
-Dạ, cháu ông chơi đàn giỏi quá.
-Nó đi du học nhạc viện bên Đức, đang nghỉ hè nên về thăm ông. Trưa nó hay chơi đàn, nó bảo mỗi năm mới có dịp đàn cho ông nghe.
-Dạ, anh ấy giỏi quá.
-Nếu con thích thì để ông kêu nó đàn thêm một vài bản nhạc nữa cho con nghe! – Ông cụ hóm hỉnh nheo mắt nói.
Cô gái đỏ mặt, cười bẽn lẽn:
-Dạ thôi, con cảm ơn ông. Cây đàn của anh con bao giờ mới sửa xong hả ông?
Ông trả lời:
-Khoảng cuối tuần này nghen con. Cây đàn này mua ở đây, chắc cũng lâu rồi nên ông phải mất thời gian lâu một chút. Chắc anh con quý cây đàn này lắm hả?
-Dạ, cây đàn này là quà tặng của ba mẹ con cho anh ấy lúc anh vào đại học. Anh giữ gìn kỹ lắm.
-Vậy là ông phải làm thật cẩn thận, kỹ càng mới được! – Ông cụ cười, đôi mắt hiền hấp háy sau cặp kính gọng vàng. Nói rồi ông lúi húi ghi giấy hẹn và trao cho cô gái.
………………..
Chiều thứ bảy, trời âm u. Bầu trời như một chiếc khăn màu xám trùm lấy khoảng không. Cô gái trẻ bước vào tiệm đàn nhỏ cuối góc phố. Tiệm vắng khách, người đàn ông lớn tuổi không có ở đó. Cô khẽ gọi, nhưng không có ai lên tiếng trả lời. Chiếc ghế sát vách lặng im chờ đợi. Không gian vẫn ấm áp với những chiếc đàn nâu đen óng ánh vecni. Cô gái ngồi xuống ghế, lật quyển sách nhỏ và đọc, trong khi chờ đợi. Tiếng đàn guitar vang lên, chầm chậm và êm êm, là Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn. Giai điệu chậm rãi nhưng lắng đọng, gieo vào không gian trầm lắng. Cô gái rời mắt khỏi trang sách, nhìn ra trước cửa. Cơn mưa mùa hạ gieo từng hạt tí tách trên lòng đường, xuyên qua tang lá xanh xanh của cây me già. Tiếng đàn hòa vào tiếng mưa, thì thầm kể chuyện. Cô gái lặng yên lắng nghe, lòng miên man theo từng cung đàn. Tiếng đàn dứt một lúc lâu mà cô gái vẫn còn ngồi im. Một lúc sau, cô gái khẽ gọi:
-Anh gì ơi! Anh cho em nhận đàn.
-À rồi, xin chờ một chút! – Một giọng thanh niên trả lời.
Chàng trai chạy xuống lầu. Trông thấy cô gái, anh hỏi:
-Xin lỗi, em muốn nhận cây đàn nào?
-Dạ, em muốn lấy cây đàn em gửi ông sửa lại thùng đàn bị nứt hồi đầu tuần! – Cô gái khẽ nói.
-Em cho anh mượn giấy hẹn và chờ anh một chút nhé! – Chàng trai mỉm cười.
-Dạ, đây ạ! – Cô nói, tay đưa mảnh giấy nhỏ cho chàng trai.
Chàng trai quay vào phía trong, và trở ra với cây đàn guitar trong chiếc bao da màu đen. Anh lấy chiếc đàn trong bao ra, dạo thử vài phím để kiểm tra dây. Cô gái chăm chú nhìn, và bỗng lên tiếng:
-Hay anh đàn thử một bài nhạc bằng cây đàn này đi.
Chàng trai bất ngờ, nhưng sự bất ngờ nhanh chóng bị thay thế bằng nét ngại ngùng. Cô gái mỉm cười, nói tiếp:
-Lần trước em ghé vô tình nghe được bản Romance anh đàn. Hôm nay lại được nghe anh đàn Diễm Xưa. Anh đàn rất hay, ông của anh có kể cho em nghe là anh đang đi học nhạc viện ở Đức!
Chàng trai khẽ gãi đầu, cười bẽn lẽn:
-Anh đàn cũng tạm thôi à!
-Em rất thích các bản nhạc anh đàn, nghe rất êm dịu và giàu cảm xúc. – Cô gái nói, giọng chân thành.
Chàng trai mỉm cười, anh ôm đàn và dạo phím. Giai điệu của Besame Mucho cất lên. Ngoài hiên, mưa vẫn rơi.
………………..
Một chiều Chủ nhật đầu thu, thành phố lao xao. Con phố nhỏ vẫn nhiều người qua lại. Cuối góc phố có một tiệm bán đàn guitar. Cô gái nhỏ ngồi trên chiếc ghế kê sát bức tường, chăm chú đọc một lá thư. Bên kia, phía sau tủ kính, một người đàn ông lớn tuổi đang lúi húi với những chiếc đàn. Cánh cửa sổ căn lầu khép kín. Dưới lầu, tiếng đàn guitar nhè nhẹ phát ra từ chiếc điện thoại di động của cô gái nhẹ nhàng lấp đầy không gian ấm áp của tiệm đàn. Đó là bài Cây Đàn Bỏ Quên của Phạm Duy.
Trần Hoàng Trường Hải 

Nụ cười,
Nụ cười trong ngọn tro tàn,
Tủi thân oan nghiệt, thương nàng cô đơn....
Xin người nguôi chút oán hờn,
Lửa kia trả lại cây đàn tri âm
NM

Cây đàn ghi ta

 Một cây đàn cũ? Hãy cẩn thậ‌n, nó có thể là... nhiều hơn một cây đàn.
Thảo vuốt ve cây đàn. Nước sơn nâu bóng nhưng nhức l‌ộ ra sau khi Thảo lau hết bụi. Mặt đàn màu vàng, bóng loáng. Trên cần đàn có rất nhiều vết bị mòn sơn do ngón tay bấm. "Chủ cũ chăm chơi đàn ghê nhỉ!" Thảo thầm nghĩ, tay mân mê dọc theo các s‌ợi dây đàn. Trong th‌ùng đàn có hai dòng chữ: "Trần Nam Dương - ĐKTĐ2 - K51. Đại học BKHN". Chữ viết bằng mực bút b‌i xanh. Nét chữ gầy, nghiêng nghiêng về bên trái. Trong đầu Thảo mường tượng ra hình ảnh một cậ‌u sin‌h viên mảnh dẻ ngồi chơi đàn. Thảo vừa mua cây ghi ta này ở một hiệu đồ cũ. Thảo đã không chơi ghi ta mấy năm nay. Nhưng không hiểu sao khi tình cờ nhìn thấy cây đàn này, Thảo cảm thấy yê‌u mến nó lạ lùng. Thảo mua nó. Không đắn đo. Không cả mặc cả. Thảo áp má vào thâ‌n cây đàn. Cảm giác mát lạnh truyền đến làn da làm Thảo khoan kho‌ái. Nhắm mắt lại, Thảo có cảm giác lạ. Dường như Thảo cảm nhậ‌n được một nhịp đậ‌p từ cây đàn, như từ một mạch má‌u đang ru‌n rẩ‌y...
12h đêm. Thảo thấy mình cầm cây ghi ta lá‌i xe ra khỏi nhà. Thảo muốn quay đầu xe về nhà, nhưng không được. Chiếc xe lao đến đường Minh Khai. Dừng ở cột đèn sá‌t chợ Mơ, Thảo thấy mình bắ‌t đầu chơi bản Polonaise - bản nhạc Thảo chưa bao giờ chơi được. Tiếng đàn dứt, Thảo kinh hãi quẳng cây đàn, nhảy lên xe phóng đi. Thảo còn kinh hãi hơn khi thấy mình vòng xe lại, nhặt lại cây đàn và đi về.
Thảo đố‌t cây ghi ta. Vừa mới quẹt diêm, từ cây đàn phát ra những tiếng rên rỉ ai oán. Thảo buông rơi que diêm, chân tay run lẩy bẩy.
Thảo b‌ỏ cây đàn vào bao, quấn thêm một lần chăn, cất vào góc nhà, không dám nhìn đến. Đã mấy lần đem cây đàn ra hiệu cầ‌m đ‌ồ, cứ đến cửa hiệu, như bị ma ám, chân Thảo lại tự độn‌g quay về. Mấy lần mấ‌t bình tĩnh, Thảo toan đậ‌p vỡ nó thì tiếng rên rỉ lại cất lên...
Đêm thứ hai. Thảo lại đứng ở cột đèn đầu đường Minh Khai. Lại bản Polonaise. Bản nhạc dứt, Thảo gần như ngấ‌t xỉ‌u.
Thảo quyết định. Thảo mò đến gi‌ảng đường Đại học Bách Khoa Hà Nội. lớ‌p Điều khiển tự độn‌g 2 - K51 học trên tầng 5 nhà D7. gi‌ảng đường hai lớ‌p có ngót một trăm đứa sin‌h viên. tú‌m lấy một thằng nhóc đeo kí‌nh ở gần cửa, Thảo hỏi:
- lớ‌p này có ai là Trần Nam Dương không?
- Bạn là...
- Người quen. Có không?
Thằng nhóc nhìn Thảo ngờ vực.
- Người quen mà không biết gì à? Nó chế‌t được một tháng rồi.
Miệng Thảo khô khốc.
- Làm sao chế‌t?
Nhìn gương mặt thất thần của Thảo, thằng nhóc lắc đầu thông cảm.
- ta‌i nạ‌n giao thông. Nó đi đứng thế nào mà lại đâ‌m xe vào cột điện. Ngã đậ‌p đầu vào hòn đ‌á nhọ‌n, chấn thư‌ơng sọ não.
- Ở... ở... đường Minh Khai?
- Ừ. Chỗ chợ Mơ ấy.
Hai tay Thảo tự độn‌g bám chặ‌t vào thàn‌h cửa, giọng ru‌n rẩ‌y:
- Có phải cậ‌u đó hay chơi ghi ta… bản Polonaise không?
- Tôi chả biết bà‌i gì. Nhưng nó hay chơi một bà‌i. Hình như là về nước Ba Lan ấy.
Thằng nhóc chép miệng, thở dài
- tộ‌i nghiệp nó! Nó mê cá‌i đàn của nó lắm. Mấy ngày trước khi chế‌t, nhà nó bị trộ‌m khoắng. Đồ đạc chả có nhiều, nhưng mấ‌t cá‌i đàn nó cứ như người mấ‌t hồn. Mọi người đều bảo, có khi vì thế mà nó mới bị... Ơ, bạn có làm sao không? Ơ... này...
Thảo không nghe thấy gì nữa. Thảo quay đầu, b‌ỏ chạy.
Thảo ố‌m liệt giường ba ngày ba đêm. Vừa bò ra được khỏi giường, Thảo ra đầu ngõ mua một thẻ hương. Lòng thanh thản lạ lùng.
12h đêm. Trời Thu lành lạnh. Thảo đứng ở đầu đường Minh Khai. Cắm một nén hương cạnh chân cột điện, Thảo lầm rầm khấn: "Trần Nam Dương, tôi đã mua cây ghi ta này ở hiệu cầ‌m đ‌ồ, không biết là của bạn. Nay tôi đem trả, mong bạn vu‌i lòng nhậ‌n lại. Xin đừng oán giậ‌n tôi!"
Đoạn châ‌m lử‌a đố‌t đàn. Lưỡi lử‌a liếm dần vào thâ‌n đàn, á‌nh lên một cách ma quái. lử‌a chá‌y hết, Thảo quay người ra xe. Một làn gió lạnh buốt sau lưng. Thảo quay đầu nhìn lại. Ngọn lử‌a bấ‌t chợt bùng lên từ đống tro tàn có hình dạng trông từa tựa một nụ cười.
Y.U.M.E.
 Tiếng đàn
Lời ca tiếng nhạc thân tình,
Dịu dàng xoa nỗi đau người hay ta ?
Tiếng đàn theo gió bay xa,
Trầm buồn thánh thót phôi pha nỗi buồn !
NM  
 

Piano và guitar

Hôm nay, nhà nó chuyển lên phố. Nó quên mất nó còn một người bạn đồng hành ở nhà. Cây guitar. Cây guitar đã cũ lắm rồi. Cũ đến mức nó không biết là cây guitar của nó từ khi nào. Nó chỉ biết đó là quà của ba cái Uyên, bạn thân của ba nó, tặng cho. Và Uyên - cũng là cô bạn thân của nó.
Vừa dọn lên khi sáng thì chiều, nó đã nghe một tiếng piano trong trẻo vang lên. Lúc nhẹ nhàng. Lúc dồn dập. Lúc trầm buồn. Lúc thánh thót. Từ khi nào không biết, nó ngẩn ngơ ngồi nghe. Từ khi nào không biết, nó tự nhủ rằng sẽ ngồi nghe mỗi chiều. Và, nó lại quên mất cây guitar.
Ở nhà mới được vài hôm, hỏi ra, nó mới biết tiếng đàn trong trẻo mỗi chiều là của Quỳnh, một cô nàng cũng trạc tuổi nó, nhà Quỳnh cách nhà nó có một rặng cây. Nghe cô Ba hàng xóm nói, con Quỳnh dễ thương lắm lắm, lễ phép lắm lắm, nhà giàu cũng lắm lắm nữa. Nó nghe vậy cũng hơi chút chạnh lòng. Ba nó chạy xe tải, mươi bữa nửa tháng mới về nhà 1 lần. Mẹ nó bán rau ở chợ, nhà nó có khu đất rộng chỉ để trồng rau thôi. Nó là con một nhưng nào dám đua đòi gì nhiều, chỉ có cây guitar làm bạn. À quên, cây guitar. Nó hộc tốc chạy vào nhà, nhắn vội vài dòng cho cái Uyên, rồi vội chạy ngược ra đường lớn, vì tiếng piano vang lên,và nó xác định nhiệm vụ của nó hôm nay: phải thấy được khuôn mặt nhỏ Quỳnh. 
Ngồi thụp xuống sau bụi cây ven đường, đầu nó từ từ nhô lên. Chợt nó sững sờ. Nhỏ Quỳnh mặc váy trắng, nhẹ nhàng bên cây piano màu trắng, biệt thự nhà Quỳnh cũng trắng nốt. Nó đang lạc vào thiên đường, và có một thiên thần đang nhẹ nhàng đàn cho nó nghe. Rồi chợt có tiếng còi xe, sau đó là tiếng thắng xe cái "kít" kéo nó về thực tại, ra là cái Uyên, trên vai Uyên đeo cây đàn guitar cũ kĩ mà nó mới nhờ đem đến khi chiều. Tiếng đàn piano bỗng nhiên ngưng bặt, ánh mắt của Quỳnh hắt ra phía đường, kèm theo chút cau mày khó chịu. Khoảnh khắc ấy làm nó thêm say mê, cả xấu hổ nữa, nó đâm ra giận cái Uyên, giận cả cây guitar cũ kĩ.
Nắm tay kéo vội Uyên vào nhà, nó nói nhanh, kèm theo trách móc giận dữ: 
"Sao bà chạy vội thế, hỏng hết việc của tôi rồi còn gì!" 
Uyên nhẹ nhàng trả lời, cái mặt đung đưa ra vẻ vô tội của Uyên làm nó thêm khó chịu:
"Ơ thế chả phải ông bảo tôi chạy nhanh lên đưa gấp ông cây guitar sao, vả lại tôi chỉ muốn dọa ông một chút thôi." Rồi chợt Uyên thay đổi thái độ: "À mà ông bảo hỏng việc là hỏng việc gì, đang ngắm nhỏ dễ thương đó chơi đàn phải không? Quên mất con bạn này ở quê luôn rồi phải không?"
Nó ngớ ra, bảo không phải cũng không đúng, mà gật đầu thì cũng không được. Trong lúc còn đang lớ ngớ, Uyên quay ngoắt đi, dắt xe ra khỏi cổng, vừa đi vừa nói:
"Tôi mặc ông, liệu hồn thì kiếm lời mà xin lỗi đấy." 
Nó ngớ ra lần thứ 2 trong 5 phút, lẩm bẩm tự hỏi: "Bọn con gái sao mà khó hiểu thế nhỉ?" Tiếng đàn piano hình như đã tắt hẳn lúc nó gặp Uyên. Nó thầm tiếc nuối, tự nghĩ không biết hôm nay thế là thành công hay thất bại nữa. Chợt thấy cây guitar, nó thở dài rồi lặng lẽ cầm lên đem vứt vào góc phòng.
Sau vài hôm, nó nghĩ ra cách làm lành với cái Uyên, bọn con gái là chúa thèm ăn, đem đồ ăn ra dụ là được, không ngờ lần này Uyên giận lâu ơi là lâu, mãi nó mới thuyết phục được. Sáng nay, hai đứa sẽ đi ăn sáng chung. Nó dậy sớm, mà thật ra hôm nào nó cũng phải dậy sớm, dậy phụ mẹ nó chất rau lên xe máy chở đi bán. 
Hôm nay trời đầy sương mù, nhưng không khí buổi sáng thật là dễ chịu. Nó nghĩ vậy, rồi nó vẫy tay tạm biệt mẹ sau đó quay vào trong phòng. Nhưng vừa đi được vài bước thì bỗng "Rầm!", một âm thanh va chạm thật to phá hỏng cái không khí yên bình của buổi sáng. Nó chạy vội ra đường, mẹ nó nằm đó, máu trên người bà bắt đầu chảy, ở xa xa là chiếc xe tải đã khuất trong sương mù. Không gian xung quanh nó như đông cứng lại, nó chạy lại, đặt đầu của mẹ lên đùi, lần đầu tiên nó thấy máu nhiều như vậy, nó gọi quanh, nhưng cổ họng nó như đông cứng, quệt bàn tay bê bết máu lên mặt, nó không biết là nó đang lau mồ hôi hay nước mắt nữa. 
Có vẻ như tiếng va chạm đã làm một vài người thức giấc. Tiếng cửa sắt nặng nề mở, mẹ nó đang ở trước nhà Quỳnh, vẫn là chiếc váy trắng đó, thiên thần của nó đang đứng ở cửa, vẫn là vẻ cau mày khó chịu, Quỳnh lạnh lùng như chính màu sắc của chiếc váy Quỳnh đang mặc vậy. Một khoảnh khắc nào đó, nó nhìn vào mắt Quỳnh, ánh mắt ấy không một chút thương hại, mà có pha lẫn chút sợ hãi, khinh khỉnh. Hóa ra chỉ có chính nó đang thương hại nó mà thôi. Chợt, tiếng còi xe vọng lại, Uyên lao tới, kéo nó về thực tại:
"Bác bị gì mà sao máu chảy nhiều quá vậy? Nhanh, lên xe, tôi chở đi bệnh viện." 
Mẹ nó nằm viện đã được hai ngày, cũng đã dần bình phục. Bác sĩ bảo máu chảy nhiều, nhưng vết thương không trúng nơi nguy hiểm, vài hôm nữa sẽ xuất viện được. Ba nó vẫn đang ở xa, mẹ nó nằm viện, mọi việc ở nhà đều nhờ cái Uyên quán xuyến hết, cả những bữa ăn cũng do Uyên nấu mang tới. Nó chợt nhận ra đồ ăn của nhỏ nấu ngon nhất trần đời, chỉ thua mẹ nó thôi. Nó cũng chợt nhận ra, màu trắng làm nó ám ảnh kinh khủng, màu trắng của bệnh viện, màu trắng chiếc váy của... à mà thôi, mẹ nó tỉnh rồi, nó đút cho mẹ chút cháo, rồi chợt Uyên ùa vào phòng, trên vai đeo 1 chiếc guitar, Uyên bảo:
"Lúc nãy dọn phòng của ông, tôi tìm được cây guitar này, sao ông lại vứt nó ở trong xó thế hả?" 
Nó còn đang bối rối thì mẹ nó đỡ lời: 
"Nghe nói cái Uyên đàn hát hay lắm hả, hát cho bác nghe một bản giúp bác nhanh bình phục nào." 
Cái Uyên vui vẻ, nhẹ nhàng ngồi lại bên giường, nhẹ nhàng nhẹ nhàng đàn hát cho hai mẹ con nó nghe. Tiếng đàn hát lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập, lúc trầm buồn, lúc thánh thót. Mẹ nó ngủ say từ lúc nào. Và nó chợt quên hẳn tiếng đàn piano.
Thảo Bình


Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Mật Mùa Xuân



Ngọt Ngào

Mật ngọt tràm vàng,
Hoa tràm nở dậy hương mùi mật ngọt,
Ta quen nhau qua mấy độ hương tràm...
Hoa cho hương làm mật ngọt ngào thơm,
Anh sẽ đón em về trong Xuân mới.
Anh mơ ước không làm chim én đợi...
Một mình anh chao liệng giữa trời Xuân,
Mà đôi ta ríu rít tiếng vui chung,
Giữa Xuân mới đậm đà hương mật ngọt
NM
                        Mật mùa xuân 
Mùa đã gọi gió bấc về lơ thơ trên những ngọn cây. Cái lạnh se se bấm khẽ vào da. Đợi ngó lên mấy cây tràm trước nhà, nhựa trong lá như quện đặc khiến lá chuyển sang màu sẫm hơn. Nhìn dấu hiệu của thiên nhiên, Đợi nhớ ba hay nói cỡ này bắt đầu gác kèo ong là được.
Nếu giờ Đợi vô kêu ba chèo xuồng đi gác kèo coi cũng kỳ. Kiểu gì ba cũng ngạc nhiên hỏi cho rõ cơn cớ gì thằng con vốn không ham mê cái nghề gia truyền này mà giờ lại nằng nặc đòi đi. Dám biết lý do rồi ông sẽ vừa cười vừa ra sau bếp nói với má. Má cũng sẽ cười theo ba, mặt má hồng lên bởi khói nóng và sự vui vẻ “Tui nói ông nó biết yêu rồi mà ông hổng chịu tin”.
Đợi biết yêu thật. Có phải ai xa lạ đâu, nhỏ Thương nhà khúc xóm trên. Ba má Thương cũng không khó mấy, lại muốn con gái có chồng gần cho dễ bề mưa gió qua thăm. Ngặt nỗi, hình như ba Thương chưa ưng Đợi lắm. Dù má cô có nói đỡ vô mấy câu. Nghe đâu ông nói Đợi lớn tồng ngồng rồi mà còn chưa biết lo chuyện mần ăn, sau này làm gì đỡ đần vợ con nổi. “Đó, ngay cả cái nghề gác kèo ong ba nó rành sáu câu vậy mà nó có thèm rớ tới đâu. Nó chê cái nghề đó cực khổ cù lần, thì biết đâu mai này nó cũng chê con gái mình quê mùa, nó chán”, Thương thỏ thẻ lại với Đợi y nguyên câu nói của ba cô.
Trời à, thật tình Đợi đâu có ý chê cái nghề của ba. Dù là anh thấy nó cực thật. Còn khó nữa. Phải tính toán, coi đoán đủ thứ nào gió nào nắng nào trời, lỡ trật một chút ong không chịu về làm tổ thì coi như công cốc. Anh chỉ thấy mình không hạp. Anh muốn làm gì đó mau có tiền, dẫu làm mướn cũng được. Nhiều lần Đợi đã tính chuyện đi làm ăn xa, nếu không phải lòng Thương trong một bận giáp mặt khi chở má đi chợ.
Một bữa Đợi tạt qua nhà Thương gửi mớ trứng gà, má cô có nói bóng gió phải có chút mật ong rừng trộn bột nghệ uống vô thì bệnh đau bao tử của bà hết cái một. Bà còn than giờ mật giả bán đầy, phải biết ở đâu có mật ong chính gốc rừng tràm uống mới yên tâm. Tràm mọc sát rạt ngút mắt mà không thấy ai đi ăn ong, “mót một giọt mật trầy con mắt hổng ra”. Đợi nghe mà thấy mặt nóng hổi, chắc đỏ tới mang tai. Bên cạnh, Thương bụm miệng cười khúc khích. Rõ ràng má vợ tương lai đã thò đầu dây cho chụp, Đợi làm sao coi được đó thì làm. Kiểu này, anh phải kêu ba truyền nghề ăn ong gấp rồi.
***
Trái với suy nghĩ của Đợi, ba không cười hay chọc anh. Đang quấn điếu thuốc gò, nghe anh xin theo gác kèo ong, ba khựng lại. Chắc ba đoán được ý thằng con rồi, nhưng vẫn bị một cảm xúc lạ lẫm chặn ngang mình. Có thể là vui, khi nghe con bắt đầu chú ý tới cái nghề truyền thống mà tưởng tới đời Đợi phải ngưng ngang. Có thể là lo, chuẩn bị tính coi sắp xếp sao để qua nhà bên kia chào hỏi ông bà sui tương lai. Tất cả trộn lẫn lại thành cái gật đầu gọn hơ của ba, Đợi nghe mừng trong bụng.
Ngay buổi đó Đợi đã đòi ba chỉ anh chuẩn bị đồ nghề. Thấy Đợi hăm hở, ba cố làm mặt nghiêm cũng phải phì cười. Ba cẩn thận chỉ anh cách chọn cây để làm nống, nạn và thân kèo. Ba chỉ chậm, từng chút một, bởi biết thằng con không ưa mấy chuyện tỉ mỉ. Dù vậy, Đợi cũng làm hư hết đâu chừng chục thân tràm. Má trong bếp chiên cá ngó ra, vừa lắc đầu vừa cười, mắt có vẻ hấp háy vui.
Đợi ráng căng não ghi nhớ. Coi cách chọn cây sao, cách đo thế nào, bao nhiêu tấc thì đủ. Coi bước nào cần lột vỏ phơi khô, cái nào cần vót nhọn, cái nào đục lỗ, cái nào vạt hình lưỡi búa. Nhìn ba làm thử, Đợi thấy sao mà dễ ợt. Tay ba thoăn thoắt gọn ghẽ, ba nhắm chừng bằng mắt mà không chệch một ly. Tới lượt mình làm, Đợi thấy khó trần ai, ráp vô kiểu gì cũng xộc xệch. Được cái Đợi không nản. Má hay nói tuy hậu đậu nhưng anh bền lòng. Mà nản sao được, khi vài bữa là Thương giả bộ bưng qua tô canh, lúc thì dĩa xôi “má con cho”, sẵn tiện gửi nhẹ ánh mắt động viên như nói “em đợi anh đó nha”.
Cuối cùng thì cũng chuẩn bị xong. Ba dẫn Đợi chống xuồng vô rừng. Đợi nhớ lời ba, phải canh chính xác hướng mặt trời mọc để tìm trảng tốt, đủ nắng. Rồi canh hướng gió nhắm chừng coi ong sẽ xuống làm tổ từ đâu. Trảng cũng không được nhỏ quá, ong không xuống được. Chà, coi bộ phải đi ăn ong mấy mùa nữa Đợi mới rành. Giờ, trông cậy hết vô ba, còn việc của anh là nuốt không sót lời dặn dò nào.
Tìm được trảng rồi, ba dọn dẹp cây cối lại cho gọn và bắt đầu dựng kèo. Đầu tiên, cây nống được cặm thẳng xuống, vừa làm ba vừa chỉ Đợi canh khoảng cách. Cây nạn được ba ấn vô tay Đợi kêu anh làm thử. Ba vỗ vai động viên, ổn rồi đó. Còn thân kèo, ba tự tay gác lên sao cho khớp những rãnh mắt đã được tạo sẵn. Kèo gác không đẹp, ong sẽ chê không đóng. Đợi nhủ thầm, ong gì mà chảnh! Gác kèo xong, ba còn dọn sẵn một con đường nhỏ để sau này tiện đi lấy mật. Nghe ba kêu còn phải gác cả trăm kèo nữa, tự dưng chân Đợi run. Thấy phản ứng của anh, ba cười nói, mớ kèo cũ còn dùng được, chỉ sửa lại thôi. Nghe vậy mặt anh mới tươi lại được. Chớ lần đầu đi gác kèo mà, ai không dễ mệt - Đợi bào chữa cho mình.
***
Kèo ong gác xong, một thời gian nữa sẽ quay lại thăm chừng, coi ong đã về chưa. Tràm đã bắt đầu nở bông vàng rực. Lòng Đợi cũng đang nở bông, hấp hởi mong tin mật.
Mùa xuân, tràm nở rộ và ong cũng về làm tổ nhiều hơn. Mật mùa này thơm và ngon bởi không bị pha loãng do nước mưa. Những giọt mật đó, được chắt từ một mùa yêu thương đầy hy vọng. Lòng Đợi phơi phới theo cơn gió bấc đùa thốc tàu lá chuối, nghĩ miên man về những giọt mật nguyên lành.
Hũ mật ong màu vàng cam, vị thơm ngon đặc trưng của vùng đất này sẽ trở thành món quà xuân Đợi đem qua “lấy lòng” ba má vợ tương lai. Chắc má Thương sẽ ưng lắm, Đợi đã hoàn thành được ý nhắn nhủ của bà còn gì. Bà sẽ có cớ để nói với ba Thương “Đó ông thấy chưa, nó đâu phải thằng rể điên điển như ông nghĩ”. Ba Thương sẽ ờ ờ, dù có vui cũng chỉ cười nhẹ thôi, nói Đợi mùa này nhờ có ba, mấy mùa sau tự thân vận động coi có làm ra trò trống gì không. Có chứ. Sẽ làm ra mật ong ngon y chang bây giờ, Đợi tin là vậy. Nhưng trước mắt, kiểu gì má Thương cũng sẽ đánh tiếng kêu anh đưa ba má qua nói chuyện. Coi mùa mật sau nếu được, chắc cưới luôn hen.
***
Thương nhìn thấy Đợi mà giả bộ như không thấy, chân lẹ lẹ rảo nhanh về nhà. Trong nắng xuân vàng, má cô hây hây màu trái chín. Đợi biết người yêu mình ngại. Chứ sao nữa, qua Tết là hai đứa chính thức về chung một nhà rồi. Cái suy nghĩ đó khiến người ta thở thôi cũng thấy hơi mình màu hồng và trở nên ngượng nghịu…
Mùa ăn ong thứ hai này, Đợi đã rành hơn chút đỉnh. Anh cũng để dành riêng cho má vợ mấy lít mật ngon nhất. Lần này mang qua, anh sẽ ngẩng cao mặt lên mà tự hào khoe với ba vợ “Ba ơi, kèo này con tự gác”. Ba Thương chắc sẽ cười cái thằng coi lớn đầu mà tính con nít, nhưng trong lòng ông chắc chắn rất vui. Cũng như ba Đợi, ông luôn mong có người tiếp nối những nghề truyền thống vùng này.
Đợi chống xuồng, chuẩn bị đi lấy mật đợt hai. Ba ngồi uống trà trước nhà nói vọng theo, dặn kỹ Đợi lấy mật nhớ chừa hậu. Anh dạ ran, gì chứ cái này anh nằm lòng. Cái gì cũng phải chừa hậu, mình lấy hết tàng ong thì tụi nó biết lấy gì mà sống. Cái gì cũng phải biết đủ, tham thì thâm - bài học vỡ lòng hồi xưa bà của Đợi hay dạy bằng những câu chuyện cổ tích. Má từ trong nhà bước ra, hỏi ba không đi với Đợi sao. Ba cười “Đợi nó lớn rồi”.
Mà Đợi lớn bộn thật rồi, qua Tết có vợ luôn chứ giỡn à. Nhưng thật sự, khi chiếc xuồng đưa Đợi vô rừng tràm trong mùa ăn ong đầu tiên một mình, Đợi thấy lạ lắm. Anh thấy người như cây tràm cao cao, đã bắt đầu biết chọn chỗ mà lớn lên, mà đơm bông chớ không phó thác cho đất trời mai rủi. Kiểu như má nói “con lớn thiệt rồi đó Đợi”, trong một bữa anh biết chạy te te ra xã mua thuốc khi thấy má ôm ngực ho khù khụ chớ không đợi má nhắc như mọi lần.
Rừng tràm nằm yên dưới nắng, lá khẽ đu đưa theo những đợt gió bấc. Đợi không lạnh mà thấy hừng hực cảm xúc rất lạ. Những bãi cỏ, lau sậy rẽ theo mũi xuồng tách ra như cánh cửa mở mừng đứa con của rừng. Đợi thấy sự thân thuộc mân mê từng ngón tay và háo hức dâng đầy trong mạch máu. Vậy mà hồi đó anh không chịu theo ba sớm, kỳ cục thật.
Trên đầu Đợi, bông tràm nở vàng hơn nắng. Theo gió lay, vài bông tràm li ti rụng xuống vai Đợi. Anh thầm nghĩ, nụ cười của Thương ngày cưới chắc cũng rực rỡ như màu bông tràm đang nở rộ trên cao. Rồi tự nhiên anh tự cười mình, mặt râm ran đỏ khi nghĩ tới lúc mình mặc áo chú rể. Chắc cảm xúc cũng sẽ rạo rực như bây giờ, hay hơn thế nữa. Và kiểu gì cũng ngọt ngào như những giọt mật sánh ngọt - món quà của đất trời mà Đợi đang hân hoan đi nhận. Mật mùa xuân, cũng là mùa những lứa đôi chuẩn bị ríu rít tiếng vui chung. Mật dậy một mùi thơm ngát trong Đợi, khiến anh thấy mình nhẹ hẫng như cánh chim én đang liệng vòng trên đầu…
PHÁT DƯƠNG
Theo Báo Cần Thơ


Hương rừng
Hoa cỏ dại thơm hương rừng ngan ngát,
Hoa bạt ngàn, hoa bưởi tím, hoa chanh...
Hoa mùa Xuân cảnh đẹp khác chi tranh,
Bầy ong mật chở phấn hoa về tổ.

Nắng đã nhạt, mặt trời sau ngọn núi...
Lòng lâng lâng như bưởi đã căng da...
Hương hoa chanh, cỏ dại thoảng đậm đà,
Cho mật ngọt thơm hương rừng thanh khiết !

Quên mất nỗi người chia xa biền biệt,
Ta giờ vui theo vị ngọt đời vui...
Trên đồi Keo đầy ắp tiếng nói cười,
Và ta có những tháng ngày hạnh phúc !!
NM

Nơi bầy ong làm mật
Từ lúc bà còn đang nằm viện, tụi con có ý ông bà sang tên đất đai của gia đình cho chúng. Trước lúc vĩnh biệt thế giới này bà cũng trăng trối với ông Minh. Theo di nguyện của bà ông Minh làm thủ tục  sổ đỏ đất đai cho con cái. Ông bà có một trai bốn gái. Hai vợ chồng con trai ở cơ quan, chồng lái xe con, vợ chạy thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Các cô con gái đều chồng con nhà cửa đàng hoàng người chủ doanh nghiệp, người buôn bán ông để lại mấy gian nhà cũ làm nơi thờ phụng. Ông biết anh chị nào cũng máu làm giàu kể cả những việc mạo hiểm. Vợ chồng cô út sa vào đề đóm, cờ bạc, đa cấp vỡ nợ bán cả nhà cửa phải thuê chỗ ở. Ông tuyên bố không ở với bất cứ anh chị nào. Ông  quen cuộc sống độc lập thời còn lính. Mấy chục năm ông cùng đồng đội nằm gai nếm mật đánh giặc đến cùng  rèn luyện cho ông một bản lĩnh của người lính. Đồng đội dạy cho ông những kinh nghiệm sống bổ ích và những môn chữa bệnh, chữa rắn cắn bằng thảo dược, nuôi ong mật... 
Nghỉ hưu ông sống chan hòa với  bạn bè làng xóm được mọi người quý mến đùm bọc. 
Khi mãn tang vợ nhiều người chân tình  khuyên ông lấy vợ, để như đũa có đôi phòng khi đêm hôm mưa nắng trở trời. Ông chỉ băn khoăn vài năm nữa  sắp đến tuổi “thất thập cổ lai hy” không khéo lại mang tiếng là già  còn ham hố. Vả lại tìm người tâm đầu ý hợp thông cảm với hoàn cảnh mình đâu phải dễ.  Con cái lại không muốn ông đa mang, sau này “của ông của bà”. 
Ông Minh tặc lưỡi suy ngẫm: “Biết sao cho vừa lòng người”. Cuộc sống vẫn vận động đi lên.    
Ông dành thời gian đi kiếm cây thuốc, thái phơi khô dự phòng giúp bà con thế mà có lần ông suýt tai bay vạ gió. 
Lần ấy qua đồi keo ông phát hiện   một phụ nữ bị rắn cắn, cổ chân phải sưng vù, bầm tím rỉ máu, mặt  tái nhợt, quằn quại giãy giụa văng cả giấy tờ tiền nong ra đám lá khô dưới gốc cây keo. Ông Minh xé áo mình đang mặc làm ga rô vết thương, nhanh chóng đắp thuốc cấp cứu cho bệnh nhân. Ông cẩn thận lấy mũ đội đầu làm gối kê cao chân đau của nạn nhân, thu nhặt giấy tờ tiền nong để gọn vào chiếc nón lá. Qua giấy tờ biết nạn nhân tên là Lan năm mươi lăm tuổi ở thôn Thượng. Ông Minh bứt cành lá ngồi phe phẩy quạt chờ bệnh nhân hồi phục. Cô có khuôn mặt trái xoan, hàm răng trắng, tóc ngang vai vẻ trẻ hơn tuổi.
Lúc sau Lan chớp mắt đáo nhìn xung quanh, thấy mình nằm dưới đất cạnh người đàn ông cao lớn vận áo may ô  ba lỗ. Cô hốt hoảng mặt tái đinh ninh ngỡ mình bị hại, lấy hết sức bật dậy la toáng lên:
- Cướp cướp!
Tiếng la theo núi rừng đi xa dội lại làm ông Minh hết hồn thanh minh:
- Minh đây, không phải cướp…! Ông đưa tay chỉ vết thương: Rắn cắn… Chưa nói hết câu một thanh niên ở trần, quần đùi, mặt sát khí lao tới vung gậy  bổ xuống đầu ông Minh. Lan kêu thất thanh “đừng” vội đẩy ông Minh né sang bên. Ông Minh nhanh nhẹn bằng miếng đánh đỡ và khóa tay chàng thanh niên, cây gậy rơi xuống đất…
Hiểu sự việc người thanh niên nhìn ông Minh từ đầu đến chân phủi tay lắc đầu bỏ đi.
Lan chưa hoàn hồn nói không nên lời
- Bác có sao không? Em hết cả hồn vía?! Lan nức nở khóc
 Ông Minh pha trò:
- Không sao yên tâm! Lính mà lị. Hai người cười.
- Nó là Mạnh con trai em, làm bên vườn bưởi. Lan chỉ tay phía trước. Ông Minh gật đầu như vỡ lẽ.
Ông Minh đỡ Lan dậy. Hai người đi về phía thằng Mạnh.
Bưởi tốt tươi, cây thành hàng từ chân lên tận đỉnh đồi. Cây nào cũng mỡ màng, cành lá xum xuê, quả đan từ gốc tới ngọn. Mới tháng sáu mà quả bằng bát ăn cơm, một số to như mũ trẻ, ăn không he nhiều nước. Cành trĩu quả nặng kéo là mặt đất.
Mạnh buộc tre kiểu chữ A đỡ những cành lên khỏi mặt đất. Nhân đà ông Minh tiếp sức làm quen:
- Cháu chống được nhiều cành chưa?
- Nhiều.
- Mỗi cây có đến trăm quả không?
- Đến.
- Mạnh biết giống bưởi gì không?
- Soi Hà.
Nhấm nhẳn trả lời nhát một như miễn cưỡng câu trước câu sau Mạnh  lẩn sang chỗ khác. Sợ ông Minh phật ý Lan phân bua:
Mạnh không có tuổi thơ như bạn cùng trang lứa. Năm ba bốn tuổi bố bỏ đi sống với người đàn bà khác trong Nam bỏ hai mẹ con. Mẹ nuôi con bằng đồng lương công nhân ba cọc ba đồng. Đến lớp Mạnh bị bạn bè trêu chọc không có bố nó buồn và mặc cảm.
Đã thế mấy gã đàn ông máu me sán đến chọc ghẹo tán tỉnh thằng Mạnh ghét cay ghét đắng sinh ra định kiến lạnh lùng. Ông Minh đã hiểu vì sao Mạnh không muốn tiếp xúc. 
Theo Lan Mạnh rất thích nuôi ong mật vì ở đây mùa hoa bạt ngàn trắng hoa bưởi tím hoa chanh, hương thơm ngào ngạt, lắm mật ngọt cho ong bướm. Quang cảnh mùa đẹp như bức tranh tuyệt.            
Ông Minh tỉ mẩn chuyện với Mạnh kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong cách tạo mũ chúa, làm cầu, cách chia đàn, cho ong ăn vi ta min, vi lượng ong khỏe chống đỡ bệnh tật, bày kích thước  làm chuồng, đặt chuồng hướng Nam đón gió mát v.v. Mạnh trở nên thân thiện cởi mở yêu quý ông Minh. Bác cháu cười nói vui vẻ không còn khoảng cách. 
Lâu lắm rồi Lan mới được chứng kiến thằng Mạnh vui vẻ như thế. Lan sung sướng xao xuyến trong lòng. Cả ba người hình như đã gắn kết  gần gũi  hiểu nhau hơn.
Nắng đã nhạt, mặt trời xuống sau ngọn núi, gió thổi lao xao mát rượi, bầy ong chở đầy phấn hoa về tổ. Ai ai cũng cảm nhận lâng lâng nhẹ hẫng!
Ông Minh cố chống tay ngồi dậy, người đau ê ẩm. Căn phòng bệnh viện trắng toát sực mùi thuốc. Nhiều ngày nay cơn sốt rét có mầm bệnh từ những trận truy quét quân giặc  nằm  bờ bụi trong rừng sâu. Tuổi cao lại suy nghĩ chuyện con cái bán đất đai dốc vào những vụ làm ăn mạo hiểm hoặc đỏ đen... làm cơn sốt tái phát hoành hành ghê gớm. Mấy ngày nằm viện ông  không thấy bóng dáng con trai con gái, thỉnh thoảng con dâu đáo qua báo: “Các anh chị đang có câu chuyện làm ăn”! Ông Minh ngồi lặng thinh, nhìn vào khoảng không xa xăm lắc đầu!
Mạnh tay xách nách mang bước vào phòng bệnh vội liến thoắng:
- Hôm qua ở đây về mẹ cháu bảo  cháu mang trứng, hoa quả bác ăn nhanh chóng hồi phục. Ông Minh tươi tỉnh hẳn lên quên đi phiền muộn.
- Bác khỏe rồi. Mai ra viện.
- Bác lên với đàn ong, vườn bưởi  chứ?
- Nhất định rồi. Bác hứa. Hai bác cháu nắm tay nhau vui vẻ.
Bên ngoài phòng bệnh, mấy vị  bạn bè hàng xóm cười nói vui vẻ đến thăm ông Minh. Căn phòng ấm cúng đầy ắp tiếng cười.
Mấy ngày sau và những ngày sau nữa trên đồi keo và bưởi Soi Hà, ông Minh, cô Lan, Mạnh thỉnh thoảng chụm đầu vào nhau cười giòn tan. Những chuồng ong đông quân đang tíu tít chở đầy phấn về tổ. Bưởi đã căng da, hương thơm hoa chanh tứ mùa, hoa cỏ dại hoa keo ngan ngát.
Đào Xuân Thuý 

Mật ngọt của chà là

Vừa ra chơi Hùng Rán gọi thất thanh!
– Ơi….ơi! Bọn mày ơi! Ra sau trường bắt ong ruồi! Cả lũ lau nhau vừa chạy vừa hét. Chúng chạy ra sau trường học, nơi có bụi cây sời hồ và đám sậy lưa thưa đang độ trổ bông lau.
Gọi là trường chứ thật ra là hai cái phòng học cất bằng cây lá địa phương. Mái lợp fipro ximăng, vách chỗ dừng lá, chỗ gỗ, chỗ thì bằng thiếc. Bà con ở đây nghèo lắm, sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển làm vuông tôm. Đất đai phèn mặn trồng lúa chẳng được bao nhiêu. Lo miếng ăn là chính cho nên ít ai quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Đi học là để biết đọc biết viết, học chưa hết cấp hai là đã nghỉ muốn hết về làm vuông. Mười tám đôi mươi là phải gánh chịu câu “Trai khôn thì cưới vợ, gái lớn là gả chồng”.
Mê mẩn quên cả giờ vào lớp vì tổ ong ruồi. Sân trường không còn bóng ai nữa thì giật mình. Cả chục đứa cuống cuồng chui ra khỏi bụi, chân trần không dép chạy vào lớp. Cũng do trường không có trống kẻng báo hiệu nên mới ra thế. Hiển nhiên là không thoát án phạt của thầy giáo Tuyên, nhốn nháo hai hàng đứng trên bục giảng cho đến hết tiết. Nhìn xuống dưới, lớp học trở nên thưa thớt vắng hoe.
***
– “Ê! Tụi mày, săn bắt ong không mai vô vuông nhà tao thiếu gì!” Tiếng của lớp trưởng Nam Long gọi khi bốn hàng dọc đang tan dần ra. Cả nhóm tụm lại xì xầm với nhau điều gì đó.
– “Ừ! Đi thì đi chứ sợ gì! lúc nãy thầy giáo phạt, làm bọn mình xấu hổ quá. Tụi con Ánh, con Lành, con Nhung nó cười mỉa mai thấy ghét. Mai được nghỉ học vô tư mà ong bướm!” Tuấn Anh lải nhải.
– “Nóng máu nhất là khi nhìn thấy con Thu Đến nó cứ cười hoài. Đang hận thù tạo nên chắc nó hả dạ lắm!” – Nở co cáu.
– Con Hà, Con Hải, con Huế, con Phương nữa… nói chung cả lớp”. Nam Sói hậm hực.
Dưới cái nắng trưa hừng hực cứ táp vào mặt. Đứa nào đứa đấy đi cho nhanh, còn kịp về giải quyết cái bao tử đang cồn cào gào thét.
***
– “Ong ở đây tao là trùm, chỉ cần rung cây nhẹ nhẹ cho nó bay ra. Bẻ nhánh cái cây ong làm tổ rồi….. chạy. Thế là xong! Khỏi cần phải lửa củi gì” Lớp trưởng Nam Long múa mép với cả bọn.
– “Dóc tổ! Ong chúa nó mà rượt theo là cả bầy dí mày chạy như gà rừng” Ninh khắc chế.
– “Mày dở ẹt, vừa chạy, vừa quay quay cái nhánh cây phủi nó. Kiếm gió ngược mà chạy thì cả ngàn ong chúa cũng chẳng làm gì được tao”.
– “Vậy nếu gặp tổ ong thì để cho nó bắt hen tụi mày” Nở chen vào.
– “OK! Tụi mày không biết cách phát hiện ong thì để tao chỉ cách cho nhé. Quan sát các bụi rậm thấp. Như bụi sời hồ có lưa thưa vài cây sậy, đám ô rô sát mé nước. Thấy ong thợ đảo đảo như “máy bay chuồn chuồn” ở trên là ở dưới có…tổ. Thêm chút xíu ánh nắng lọt vào nữa là chắc chắn có ong đóng tổ. Hay là mấy bụi chà là gai đằng đó kìa… là dễ dàng lấy nhất. Nhưng coi chừng gai”. Nam Long vừa đi vừa nói. Cả hội cùng bước theo đôi chân đen ngấm của vị thủ lĩnh vùng đất bồi mặn.
– “Bắt ong trong bụi chà là này nè lớp trưởng, lấy mật chấm củ hũ ăn mới ngon. Ăn ong chuyên nghiệp xứ nước mặn là vậy. Tao chặt củ hũ chà là cho” Phú Lôi cũng tỏ vẻ sành sỏi, tay cầm cây dao miệng “theo đóm ăn tàn”.
Vùng này làm vuông tôm thiên nhiên, cây cối rậm rạp nên có nhiều hang cua. Cá thòi lòi thì chạy như “ca nô” trên mặt nước. Ở những bãi đất rộng rất nhiều chà là. Con nước lên mênh mông trắng xóa hơi muối, nước ròng là lòi mặt đất lên liền. Cây chà là mọc thành từng bụi, thân như cây cau, gai góc quanh mình, chẳng ai thèm đụng đến nó làm gì cho chảy máu.
– “A….ai..ii…! đây rồi tụi mày ơi, tổ này cũng to quá!” tiếng Ninh vang lên làm cả bọn nhốn nháo chạy lại.
Một tổ ong thật, gần bằng cái rổ sề. Ong ruồi như vậy là to rồi. Không như ong mật tổ to hơn, nhiều mật hơn.
– “Phú Lôi … mày dưa dao đây”! Nam Long quát lớn.
Nó chặt một cái dứt khoát. Rồi giựt nhánh chà là chạy, ong bay ra toán loại. Nó “thao tác” nhanh quá cả bọn không phản ứng kịp. Bị ong rượt, chạy như ma đuổi, mỗi thằng một phía. Nó cũng không xác định được xuôi gió hay ngược gió. Tất cả nhảy ùm ùm xuống kênh, đứa lặn, đứa thì bơi qua bên kia bờ. Nam Long cười sặc sụa, chìa cái nhánh cây ra, cả lũ trố mắt nhìn ngơ ngác.
– “Tại sao kỳ cục vậy? Công không! Làm chạy xịt cả lốp” Nở hét lên.
– “Thì tại tổ này mới đóng, chưa có gì” giọng Nam Long nhè nhẹ trước sự thất vọng của cả đám.
– “Nghỉ mệt tí rồi đi tiếp” Trực Mập thở hổn hển ý kiến.
Phú Lôi than nhức, ran rát ở miệng. Từ đó môi của nó cứ sưng dần, to như trái chuối cơm. Nhìn nó không ai nhịn được cười. Nó không nói năng được câu nào, cứ cầm cây dao lầm lũi đi theo và súyt xoa vì nhức nhối.
Lần này thì Nam Long phát hiện ra một tổ, cũng to bằng lúc nãy nhưng nó rút kinh nghiệm. Bẻ một nhánh cây nho nhỏ, đứng trên gió, cào cào nhè nhẹ lũ ong non qua một bên, kiểm tra xem nhiều mật không? Và tránh tình trạng bị “ong hôn” như thằng Phú Lôi. Nó lấy cây dao cứa cho đến khi đứt lìa nhánh, rồi giựt phăng chạy như Marathon về đích. Phía trước các chiến hữu mỗi thằng một vị trí, sẵn sàng tăng tốc khi có “yêu cầu” từ đàn ong.
Chiến lợi phẩm này giao cho Ninh quản lý. Vì hắn tương đối thật thà, nhỏ con nhất trong đám, cho nên chắc chắn không giám buồn miệng “ăn vụng”. Vì “ăn vụng” sẽ đi chung với “ăn đòn”, Nam Long nó mà đấm cho thì chỉ có nít thở.
Xế chiều, cả nhóm thấm mệt vì nước mặn, đói vì căng sức khi bị ong rượt, lặn dưới nước… Phú Lôi là người tỏ ra mệt mỏi nhất, cái môi của nó cong lên, nhìn như cái hiên nhà. Cả nhóm ngồi lại bên một khoảng đất trống gồ ghề.
– “Thôi! chặt ngọn chà là ăn đi!”Cảnh Dế đề nghị.
– “Thằng nào chặt?” – Trịnh Tồ hỏi.
– “Mày chứ ai!” – Tiến Đen đáp không suy nghĩ.
– “Thôi đi! Vô đó cho gai đâm chết tao ạ!”.
– “Thằng Ninh, thằng Phú Lôi ở lại giữ ong. Còn lại tất cả đi chặt chà là”. Nam Long thể hiện vai trò đầu đàn.
Cả đám nhảy qua con mương, sình lún tới háng. Đi theo Nam Long.
– Rát quá tụi mày ơi! Minh ôm mớ đọt chà là ném cái phịch. Nó gãi đầu xoa chân, xoa tay. Đứa nào đứa nấy mặt mày sình đất lấm lem, chân tay chi chít trầy xước, rơm rớm máu vì bị gai chà là khứa. Bị kiến vàng cắn đầu cổ, tóc tai bù xù như người rừng.
Nam Long nhảy lò cò vì bị chà là đâm vào gót “Có ăn thì phải cực khổ chứ! Rút cái gai ra giùm tao coi”.
– “Nở rút gai cho nó kìa!” Tướng Nhật chỉ đạo.
Mỗi đứa cầm một cái ngọn chà là ăn ngon lành. Truyền tay nhau tổ ong gặm, mật tràn ra hai mép, ngọt xé cổ họng.
– “Thằng Phú Lôi bị ong hôn không được ăn mật, dính vào mật nó sưng to thêm đấy….tới ngày mốt cũng không xẹp đâu” Nam Long cảnh báo.
Cả lũ cười khanh khách, hùa theo, “Mày ăn là nghỉ học một tuần đó, đừng ăn độc lắm!”.
Phú Lôi cũng tin theo, ngồi gặm cái đọt chà là chát ngấm. Nhăn mặt, nó ném cái tủm xuống nước chịu trận. Số còn lại thì cứ cười khúc khích trong vẻ mặt đầy nghi ngờ của nó.
Nam Long đứng lên gặm miếng sáp ong cuối cùng. Ném cái cành khô vào đám sậy, hô to “Chạy tụi mày ơi!”, cả đám cười vang chạy theo. Phú Lôi không hiểu gì hết cũng chạy. Mãi sau này nó mới hiểu nó dính cú lừa, bị “ong hôn” thoa mật vào sẽ bớt sưng. Bây giờ thì muốn cho “ong hôn” cũng không tìm đâu ra mật ngọt tuổi thơ để đắp vào nữa.
LÊ VĂN TÁM