Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Con chim và Hạt dẻ

Mùa thu màu hạt dẻ

Một cõi thiên di,
Với đôi cánh bạn bay vào gió lộng,
Tôi tìm về lòng đất rộng thương yêu....
Nằm lắng nghe kỹ niệm biết bao chiều,
"Chúng ta" đã một thời tình thân thiết !
Bạn bay cao giữa trời xanh mây biếc,
Tôi âm thầm tô thắm mảnh rừng xanh...
Nơi công viên hay ngay chốn thị thành,
Tuy xa cách nhưng thân tình kỳ diệu !!
NM

CON CHIM VÀ HẠT DẺ

Từ mấy hôm nay, cơn mưa mang hơi lạnh đổ từng chập xuống công viên. Mặt trời lấp ló lúc ẩn lúc hiện phóng vài giọt nắng ốm yếu xuống những vũng nước trũng quanh các lối đi. Mấy chiếc lá vàng đầu tiên buông mình xuống tắm rồi nằm im trong vũng nước. Lá lặng lờ chao nghiêng trong cái vũng chật hẹp ấy và không muốn trở về với tàng cây mẹ. Vậy là mùa thu năm nay đã về!
Con chim nhỏ lẩy bẩy đạp lên những cành khô quăn queo quen thuộc của cái tổ, dáo dát nhìn không gian đang náo động xung quanh. Một cơn gió thổi vụt qua nó, mời chào một cuộc viễn du. Nó giật thót, nhảy thụt lại. Nó vừa mới lớn và chưa cất cánh lần nào trong đời. Nó chợt ngậm ngùi cho cái số sinh muộn của mình. Lẽ ra vào giờ này, nó đã phải đỉnh đạc chao lượn như các đàn anh đàn chị cùng lứa, để luyện tập cho chuyến lữ hành đầu tiên trong đời. Nó là một chú chim thiên di mà! Vậy mà nó vẫn lập cập trong cái tổ chật hẹp này. Cô đơn và tù túng. Nó không biết vì lý do nào mà nó sinh muộn. Nó chỉ nhớ khi nó mở mắt chào ánh sáng bình minh thì các anh chị trong tổ đã bay ra ngoài cả rồi. Chả thế, nó luôn lãnh trọn phần thức ăn mà mẹ mang cho nó mỗi ngày.
Sáng nay, mặt trời lên sớm hơn thường lệ. Hôm qua, sương mù sa xuống thành phố một cách phóng túng nên ánh bình minh hôm nay vội vã đến, bù lại cho hoàng hôn sớm chiều qua. Những hạt sương vẫn còn im ỉm tụ lại trên đám cỏ long lanh. Từng làn khói hiền lành đan trong làn nắng êm ả.
Con chim nhỏ lại háo hức trèo ra khỏi tổ. Nó vươn đôi cánh tí tẹo và lưa thưa những cụm lông mịn, chào không gian xanh thân thiện mà nó sắp bay vào. Những cú đập cánh đầu tiên mệt lữ. Nó loạng choạng, chao đảo và cảm thấy đứt hơi. Nó dáo dát nhìn quanh. Công viên vắng tanh. Giờ này người lớn đã an vị trước bàn giấy và những đứa trẻ trong khu vực đã ngoan ngoãn trong lớp học rồi. Nó kêu chim chíp vài tiếng như để thanh minh về sự kém cỏi của mình rồi bắt đầu cuộc đi dạo trong công viên đầu tiên: cuộc đi đạo do chính nó thực hiện, bỏ lại đằng sau cái tổ ấm quen thuộc.
Mùi đất ẩm, cỏ mục và những bông hoa dại dẫn nó vào bên trong khu công viên, đàng sau những tán cây vĩ đại. Chao ôi, bình yên thế ! Nó khẽ khàng kêu lên và vùi đôi mỏ nhỏ vào đất mịn. Nó thì thầm một mình: tập bay ở đây thì an toàn nhất! Ta có loạng choạng, nghiêng ngã thì cũng chẳng ai thấy, nhất là lũ anh chị đầy tham vọng kia!
Vừa nghĩ thế, nó vung mạnh đôi cánh và cất mình lên. Hỡi ôi, nó vẫn sà sà trên mặt đất, lạch bạch không khác gì một con vịt béo. Nó thoáng nghĩ thế và tự mặc cảm. Lơ đãng, nó đâm sầm vào đất. Cứ thế, cứ thế, nó bay lên, nghĩ ngợi, mơ mộng rồi bổ nhào vào đất.
Oái ! Đau quá ! Con chim nhỏ kêu lên. Nó chạm phải một cái gì cứng ngắt. Hình như là một hòn đá. Đã mệt lại va vào một hòn đá, nó gần như muốn bỏ cuộc vì kiệt sức. Không buồn cựa quậy, nó nằm yên, chờ sự trở lại của cái sức lực vừa bỏ nó ra đi. Nó mở mắt nhìn cái vật mà nó vừa đụng phải. Tròn trịa và loang loáng. Một hòn đá đẹp nhưng không thân thiện! Nó kết luận và cảm thấy mình kém may mắn vì sự cố vừa rồi.
- Tớ không phải là đá đâu!
Một tiếng nho nhỏ và trong trẻo vang lên trong sự im lặng đáng chết ấy. Con chim nhỏ giật thót và nhìn quanh. Nó lại giật mình vì ai đó đã đọc được ý nghĩ của nó. Hóa ra tiếng ấy vang lên từ "hòn đá" !
Giữa đám đất đen, cách nó chút xíu, trồi lên một hạt dẻ nâu. Từng vệt vân đều đặn như chiếc comple lịch lãm bọc quanh bạt dẻ. Mịn màng và bóng bẩy.
- Tớ là hạt dẻ, không phải hòn đá đâu!
- Dẻ hay đá thì cũng vậy, cậu làm tớ đau điếng ! - Con chim nhỏ tức giận.
- Nhưng chính cậu đâm sầm vào tớ cơ mà! - Hạt dẻ trả lời.
- Nhưng cậu không nằm ở đó thì tớ đã không bị gì! - Con chim nhỏ càng cáu quắt.
- Tớ ở đây trước mà, cậu là kẻ mới xuất hiện. Sao lại trách tớ? - Hạt dẻ vặn lại.
- Cậu chỉ là hạt dẻ, không bay không nhảy. Đây không phải là không gian của cậu. Tớ là chim. Tớ biết bay. Tớ cần không gian và đây sẽ là vương quốc của tớ.
- Cậu nói hay nhỉ! Tớ không bay không nhảy nhưng tớ cũng có không gian của tớ chứ. Rồi xem! Với cái khả năng èo uột như thế thì cái vương quốc của cậu cũng chẳng xa hơn được đâu! - Hạt dẻ bực bội trả treo.
Con chim nhỏ chẳng thèm lên tiếng nữa. Nó tự thấy mình không may ngay trong ngày đầu tiên chinh  phục thế giới. Thời gian đã không chờ đợi nó. Chuyến di cư đầu tiên trong đời sắp đến gần. Nó cần sức mạnh và sự điệu luyện để bay vào trời xanh. Nó cần sự yên tĩnh và an toàn để chắp cánh. Thế mà ngay hôm nay, nó đã đụng phải “cái vật thể xa lạ, đáng ghét” ấy!
Nó quày quả nhảy đi chỗ khác. Trong đầu nó chợt vụt lên một ý nghĩ đen tối: “Được, cậu cứ mở mắt to ra mà nhìn tớ chinh phục không gian nhé! Rồi một ngày nào đó, tớ sẽ cắp lấy cậu, lôi cậu ra khỏi khu vườn này! Lúc ấy, xem cậu có còn hơi mà thách thức nữa không! Lúc ấy cậu có còn lên giọng đòi không gian riêng nữa thôi
Nghĩ thế, con chim nhỏ hả dạ, oạch oạch kêu mấy tiếng rồi men theo đám bụi rậm mà trở về tổ. Nó cảm thấy đói bụng. Nó nghĩ tới món ngon mà mẹ nó mang về mỗi buổi.  
Từ ngày đó, mỗi sáng, khi trong tổ chỉ còn lại một mình, nó bay chập choạng men theo lối nhỏ đi vào giữa khu công viên, nơi có những cây to và cũng là nơi có “cái vật thể xa lạ, đáng ghét” ấy, kẻ thù của nó! Nó vỗ cánh, kiên nhẫn và cố rướn người cao hơn. Trong người nó vẫy vùng một khát khao màu xanh dương của trời, âm ỉ mơ ước được nhìn thấy biển, nơi mà nòi giống của nó bay về di trú mỗi mùa đông. Nó tưởng tượng những hòn đảo yên ắng miền Nam, nơi có những làn gió mặn và dìu dịu, mơn man vào những buổi sáng tinh sương.
Hạt dẻ vẫn nằm đấy. Nó không nói năng lời nào cùng con chim nhỏ. Nó vẫn lặng lẽ nhìn “người dưng” di động của nó một cách thách thức. Nó biết, nó thuộc về đất. Còn chim thuộc về bầu trời. Cái không gian mà nó muốn chinh phục không phải là mầu xanh của trời, không phải là những giây phút chập chờn lưng chừng sóng. Nó muốn chinh phục lòng đất, chinh phục cái bí ẩn lặng thầm của màu đen, của cõi vô hình.
Cứ thế, từng ngày trôi dần. Con chim nhỏ vẫn tập bay và mải mê theo đuổi khát vọng bay cao hơn mãi. Cũng vậy, từng ngày trôi dần. Hạt dẻ vẫn miên man hướng về ước mơ đi sâu vào lòng đất mẹ.
Con chim nhỏ thấy mình bay cao dần, nó bay vòng quanh hạt dẻ như muốn nói: “Thấy chưa, tớ đã bay cao hơn rồi đấy và trong ánh mắt tớ, cậu càng ngày càng bé nhỏ hơn. Cậu chỉ là hạt dẻ tầm thường !” Càng bay cao hơn, con chim sẻ nhìn ra nét đẹp của khu vườn. Trên cao, nó đã có thể thấy được ngọn của những tàng cây già, nó đã có thể nhìn thấy ngọn tháp của những tòa biệt thự gần đấy. Nhưng, dường như đã trở thành thói quen, cái điểm xuất phát cho những lần bay lại là cái không gian quanh hạt dẻ đáng ghét ấy. Vô tình, cái không gian của hạt dẻ lại là phi trường cho những lần chinh phục của con chim nhỏ.
Hạt dẻ thầm biết rằng cái bộ áo nâu của nó từ từ trở nên chật chội. Nó phải vươn tay với vào đất. Như con chim đáng ghét kia đang chập chững đi lên bầu trời, nó phải len lỏi những bước dò dẫm ban đầu. Nó biết chỉ còn một thời gian ngắn nữa, khi đông về, cả mặt đất sẽ trở nên lạnh cóng và đông cứng lại. Nếu nó không nhanh chóng ra khỏi cái vỏ cũ, để với tay ra ngoài, nó sẽ không thể trổ mầm xanh khi mùa xuân trở lại. Vô tình, chính những lần đến và đi của con chim nhỏ trở thành cái nhịp đếm cho cuộc chinh phục lòng đất lặng lẽ của hạt dẻ. Bao lâu con chim còn bay đến, nó biết rằng, niềm hy vọng thức giấc vào mùa xuân của nó sẽ vẫn còn đó.
Cả ngày qua, mưa suốt. Mưa ở miền ôn đới này không ào ạt như ở những vùng nhiệt đới. Nhưng mưa không kém phần dai dẳng. Từng cụm nước rỉ rả nhẹ nhàng đáp xuống mái nhà, xuống mặt đường và cả trên những băng ghế gỗ không người, như một kẻ hút thuốc đang khoan khoái thả dần những cụm khói dấm dẳng.
Mặt trời hôm nay cũng e thẹn, lười lĩnh rót từng tia nắng heo hắt vào công viên. Mấy vũng nước tù vẫn không vơi. Mấy chiếc lá vàng ngày nọ đã lặng lẽ chìm xuống đáy, an vị và chờ ngày tan biến trong làn nước đùng đục cuối thu.
Con chim nhỏ bây giờ đã bay thạo lắm rồi. Chiều qua, trước khi về tổ, nó đã bay một vòng quanh thành phố. Nó nghe thấy tiếng còi xe ô tô của những kẻ thiếu kiên nhẫn, nó thấy cả những bảng hiệu nhà hàng nhấp nháy. Nó thấy người ta vội vã đi đi lại lại trên đại lộ ồn ào. Nó đã có thể vụt lên, đáp xuống một cách thuần thục, thoăn thoắt như một chiếc phi cơ tiêm kích. Nó kiêu hãnh vì thấy mình sẵn sàng cho chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên. Nó cũng biết rằng giờ phút “trả thù” cũng sắp đến!
Vừa nghĩ thế nó nhào thẳng ra khỏi tổ, bay vụt lên cao, lượn một vòng quanh công viên, hết sức lực. Đột nhiên, khi đến cần khu có tàng cây lớn, nó chợt giảm tốc độ. Nó bay chầm chậm, lượn vòng và nhào lộn quanh những nhánh cây to, điêu luyện như một vận động viên thể dục dụng cụ. Nó bay vòng ra phía sau cây dẻ già, nơi hạt dẻ ở, nấp mình sau một hốc to trên thân, định bụng đợi khi chiều đến, khi mặt trời đi về bên kia rặng núi Alpes, nó sẽ nhào ra cắp lấy địch thủ và ghi bàn thắng vĩnh viễn.
Nhưng nó sửng lại. Ồ! Cái gì thế nhỉ ? Con chim nhỏ tự hỏi, trong khi vẫn còn lúm khúm trong hốc cây. Có một cái gì đó đang di động, thoăn thoắt phía trước, dưới mặt đất. Cái vật thể ấy cũng màu nâu. Không lẽ nào hạt dẻ lại lớn nhanh như vậy ? Nó không tin vào mắt mình. Vả lại hạt dẻ thì làm gì di động được chứ ! Cái vật thể màu nâu ấy vẫn chập chờn, lui rồi tới theo những khoảng không đều. Nhưng hình như sự di động của vật thể kia có mục tiêu. Con chim nhỏ dõi theo hướng di động của cái vật màu nâu không xác định kia. Nó cố giương đôi mắt nhỏ dõi theo. Cái mỏ xám của nó huếch huếch theo nhịp đôi mắt, tựa một kim chỉ nam, cố tìm cho ra ý định của cái vật thể nâu to ấy.
Hô! Nó giật thót người. Từ xa, nó nhận ra hạt dẻ cũ, vẫn lặng lẽ nằm đấy, lơ đễnh. Không phải hạt dẻ, nó chắc chắn. Cái vật thể màu nâu to lớn ấy đang từ từ tiến lại hạt dẻ, mỗi lúc một gần, thật êm và đầy sự đắc thắng. Một cơn bối rối xâm chiếm nó. Hẳn là cái vật thể màu nâu kia không có một thiện chí gì với hạt dẻ rồi. Như vậy, cái vật màu nâu ấy cũng có thể được coi là kẻ thù của hạt dẻ. Mà nó cũng vậy, nó có ưa gì hạt dẻ đâu. Nếu nó để cái vật thể lù xù màu nâu kia tấn công hạt dẻ thì nó cũng sẽ được tiếng là cao thượng, vì không chấp nhứt và thù vặt, dù rằng cái âm mưu đánh cắp hạt dẻ nó không thực hiện được. Dẫu sao nó cũng sẽ mãn nguyện khi hạt dẻ kia biến mất.
Nhưng rồi một cảm xúc khác dâng lên trong nó. Ngoài cái lũ đàn anh đàn chị trong tổ ra, những kẻ đã sớm biết bay biết nhảy nên hiếm khi trở về tổ vào mỗi cuối ngày, ngoài mấy con giun tội nghiệp vùng vẫy vô vọng trong mỏ của mẹ nó vào mỗi buổi ngon miệng thì nó còn có ai khác làm bạn ngoài hạt dẻ đâu, dù rằng hạt dẻ, đối với nó, vẫn là một đứa bạn xa lạ! Cái gì sẽ đến với nó khi hạt dẻ biến mất?
Nghĩ tới đó, nó chợt nhắm mắt lại. Một cảm giác bâng khuâng khó hiểu. Cuộc đối thoại giữa nó và hạt dẻ của ngày đầu vang lên trong óc nó. Cuộc đối thoại dành chủ quyền ngày ấy vẫn  lanh lảnh và sống động. “Tớ cần không gian và đây sẽ là vương quốc của tớ.” “Tớ không bay không nhảy nhưng tớ cũng có không gian của tớ chứ.” Rồi nó chợt nhận ra rằng, cái không gian mà nó cũng như hạt dẻ muốn dành riêng cho mình chỉ là một. Và trong khi theo đuổi cái ích kỷ của riêng mình thì vô tình nó và hạt dẻ lại xây dựng một không gian chung, bàng bạc nhưng không thể thiếu được.
Nghĩ đến đấy, nó mở choàng đôi mắt. Cái vật thể thù lù ấy cách hạt dẻ chỉ còn vài gang tay. Trong cái khoảng khắc quá ngắn ngủi ấy, con chim nhỏ hình dung thấy đôi vuốt sắc nhọn của kẻ tấn công. Còn hạt dẻ vẫn ngơ ngác, mơ mộng như đang dò tìm một báu vật nào đó dưới lòng đất. Ta chậm mất thôi! Con chim nhỏ bật lên một tiếng hót xót xa rồi lấy hết sức phóng mình, như một viên đạn, thẳng về hướng vật thể xấu xa màu nâu kia.
Oạch! Một cú va chạm đầy ngoạn mục. Nhưng tiếng của nó lại không hoành tráng như một cuộc dội bom. Con chim nhỏ đâm sầm vào địch thủ. Cái vật thể ghớm ghiếc kia lăn quay, chỏng cả bốn vuốt lên trên, rồi thoắt phóng lên tàng cây, mặt ngơ ngác vì tấn công ngay khi mình sắp ngoạm được mồi ngon. Khi hiểu ra rồi, nó giương đôi mắt đen hậm hực rồi lục tục trèo lên nhánh cây gần đấy.
Con chim nhỏ nằm đấy, bất động. Trong khi nó lấy hết sức lực để lao vào đối thủ thì nó đã quá đà. Sau cú va chạm trời giáng ấy, cả người nó ê ẩm. Nó nằm im thiêm thiếp. Đầu óc nó lơ mơ và thấp thoáng một cảm giác của cú va chạm đầu tiên trong đời nó với hạt dẻ. Một ý nghĩ buồn cười chợt lóe lên trong nó: Hóa ra mình không điêu luyện như mình tưởng! Bay thì giỏi nhưng làm đạn rốc két thì chắc tiêu ! Nghỉ thế đôi mắt nó long lanh và mở mắt. Nó thấy mình nằm cạnh hạt dẻ.
Hạt dẻ như vừa tỉnh ngủ, nó bị đánh bật khỏi làn đất mỏng. Ngước nhìn lên tàng cây để coi sự gì xảy ra, nó còn kịp nhận ra cái đuôi còn ve vẩy của con sóc, kẻ tấn công không thương xót đối với loài hạt dẻ. Nó cũng nhận ra vị cứu tinh đang nằm sóng xoài cạnh mình. Hóa ra, cú va chạm chỉ xảy ra trong gang tấc, nên cả ba nhân vật đều là nạn chân của cú sốc ấy. Hạt dẻ chợt hiểu ra mọi chuyện…
Từ ngày ấy, con chim nhỏ vẫn lặng lẽ hoàn tất cuộc diễn tập quanh tàng cây dẻ lớn, nơi có hạt dẻ nhỏ đang âm thầm miệt mài khoan mình vào lòng đất. Cả hai vẫn tiếp tục lặng lẽ công việc của mình. Nhưng chúng thừa hiểu cái cảm giác thuộc về nhau và cần nhau thế nào. Cảm giác ấy cứ lớn dần theo từng cơn gió cuối thu.
****
Những hạt nước nặng trịch, trắng xám rơi lệch bệnh trên mấy nhánh cây dương phong. Gió không thổi mạnh nữa mà thay vào đó là cái lạnh trình trịch như muốn len vào tận trái tim của những kẻ mặc thiếu ấm. Người ta bảo đấy là mưa tuyết. Đó không phải mưa, cũng chẳng phải tuyết. Đó là một giống nước ở lưng chừng sa xuống từ trời. Vì không là tuyết nên nó không nhẹ tênh để tự do tung bay trong không khí. Vì không là mưa nên nó không réo rắt chảy thành dòng trên nhưng khe đường, trên những lộ dốc. Nó là mưa tuyết, chơi vơi giữa mặt đất và bầu trời. Nó là một thứ nước đằng đặc, kêu lụp bụp theo bước chân người. Vì không là tuyết nên nó không giữ được dấu chân người in lên. Vì không là mưa nên những vũng nước do nó tạo nên không long lanh phản chiếu những bóng cây soi mình. Công viên vào những ngày mưa tuyết là không gian của cái lưng chừng bâng khuâng.
Đã mấy hôm nay, không biết từ đâu, cả họ hàng chim thiên di kéo về công viên đông vô kể, vui như lễ hội. Chúng ríu rít và trò chuyện râm ran, náo động cả công viên yên tĩnh. Năm nào cũng vậy, chúng ồn ào và xởi lởi, chẳng cần giữ ý tứ gì. Chúng thừa hiểu người dân thành phố đã quá quen với sự hiện diện thường niên của chúng. Cả ông thị trưởng thành phố, một đảng viên đảng môi trường vừa mới được bầu lên, trước kia đã từng vận động bảo vệ loài chim thiên di bay về trong thành phố này.
Con chim nhỏ cũng náo nức chờ đợi ngày xuất hành. Tuy vậy, trong lòng nó vẫn âm ỉ một cảm giác khó minh định. Nó thừa hiểu tầm quan trọng cho chuyến đi này, khi nó phải học thuộc lòng đường bay xuyên lục địa, tạo lập cho mình thói quen hay bản sắc của loài chim di cư. Nhưng cái không gian bé nhỏ phía dưới tàng cây dẻ lớn ở giữa vườn trở nên không thể thiếu đối với nó. Cái không gian tuy nhỏ bé nhưng đã là bệ phóng cho nó lên trời cao.
Đã có mấy con chim vì thiếu kiên nhẫn nên đã vội vã đập cánh lên đường. Trên các ngọn cây trong công viên, tiếng lao nhao của phần còn lại vồn vã hơn, hấp tấp hơn, nóng ruột hơn. Chỉ còn vài khoảnh khắc mong manh thì đàn chim sẽ vụt bay lên, trang điểm cả một góc công viên bằng một hoa văn khổng lồ như kiểu người ta tung tấm lụa xòe ngày hội, rồi biến chóng vánh biến mất về phương Nam.
Con chim nhỏ lượn quanh công viên quen thuộc một lần nữa và đăm đăm về phía dưới tàng cây. Nó lại nhớ tới những bài tập vỗ cánh đầu tiên. Ngày ấy, đôi cánh của nó nặng trịch vì chưa có kinh nghiệm. Bây giờ đôi cánh của nó cũng nặng trịch. Vì lý do gì, nó thừa hiểu…
- Thôi chào cậu, tớ phải đi đây! - Con chim nhỏ dõng dạc mà tim nó se lại.
- Ừ cậu đi ngay đi! Kẻo mất dấu của đoàn đấy! - Hạt dẻ thản nhiên mà lòng nó như muốn vỡ tung.
- Tớ trả lại cho cậu cái không gian mà cậu cần đấy! Tớ nghĩ cậu cần nó hơn tớ. Vài ngày nữa tớ sẽ đậu trên một hòn đảo bên kia bờ Địa Trung Hải. Chắc cũng thú vị thôi! - Con chim nhỏ ra vẻ lý trí.
Ừ, cám ơn cậu. Nhưng suy cho cùng cậu cũng đâu lấy được cái không gian của tớ phải không. Tớ vẫn còn nằm lì ở đây mà. Cậu đâu có thắng được tớ! - Hạt dẻ ra vẻ cố chấp - Cậu nhìn xem, bây giờ cậu không thể cắp tớ đi được nữa đâu - Rồi nó chìa mấy ngọn rễ trăng trắng đầu tiên ra - Mùa xuân đến, tớ sẽ là một cây dẻ mới. Còn bây giờ mùa đông, tớ sẽ thăm dò lòng đất. Chắc cũng thú vị thôi! - Hạt dẻ như muốn trả miếng.
Hóa ra hạt dẻ biết được ý định của mình! Con chim nhỏ nghĩ thầm, rồi lại ra vẻ cao thượng:
 - Cậu cũng biết, tớ đâu làm những hành động ấy. Cái không gian này là của… của chúng… ơ, của chung mà. Nó lập bập vì biết mình không đủ can đảm để nói lên lần đầu tiên cái đại từ chỉ mối liên hệ giữa nó và hạt dẻ.
Con chim nhỏ luống cuống bay vụt lên bầu trời xám, mang theo trong tim chữ “chúng ta” còn chưa cản đảm nói. Nhưng nó nghe tiếng ấy văng vẳng trong hơi lạnh công viên cũ, đang xa dần. Nó tin tiếng ấy của hạt dẻ. Hạt dẻ nhỏ cố dúi mình vào lòng đất, cố lánh đi khỏi bóng dáng của một con chim nhỏ đang vội vã đuổi theo đoàn di cư của mình, nhỏ dần, nhỏ dần… Công viên sụp tối, mênh mông.
Tiếng chuông một ngôi giáo đường nào đấy thong thả vang lên. Tám giờ sáng, mặt trời đã lên tự lúc nào. Bầu trời xanh vòi vọi, không một gợn mây. Mùa xuân đã quay về !
Những vũng nước lúp xúp trong công viên đã bốc hơi từ lâu. Mấy chiếc lá ngày cũ dường như đã chui tọt vào lòng đất. Lá thay đổi bộ xiêm y màu xanh lục và giờ đây đang chúm chím trên những nhành cây non. Những bông hoa chưa nở lúng liếng đôi cánh the màu hồng, trắng, vàng, đỏ, tím vui mắt và lôi cuốn. Màu nâu của đất không còn ảm đạm nữa mà đột nhiên trở thành những nét chủ đạo của một bức họa ấn tượng màu lam.
Bầy chim thiên di ngày nọ đã trở lại thành phố, cũng ồn ào và náo nhiệt như ngày ra đi, dù một số khác đã tản đi về những đồi núi và thảm xanh quanh vùng. Chúng chao lượn quanh thành phố, kể lể cho những loài ngủ đông nghe câu chuyện của biển, của văn hóa miền Nam. Trong số ấy, chắc chắn có con chim nhỏ ngày nào!
Phải, nó đã theo bầy trở về thành phố. Nó đã trưởng thành. Bộ lông cũ của ngày thơ ấu đã nằm lại bên kia bờ Địa Trung Hải. Thay vào đó là sắc màu mới, long lanh và chải chuốt như bao cánh chim cùng trang lứa. Nó không quên cái khoảng sâu ở giữa công viên ngày nào. Nó chắc chắn sẽ bay về đó.
Một khoảng không nhỏ màu xanh lục mở ra trước mắt nó. Cái khoảng không ngày nào giờ đây đã đơm đầy nhưng bông hoa dại, li ti và còn ươn ướt nước. Nó không tin ở mắt mình. Cái khoảng đất đã từng là bãi tập bay, là phi trường của đời nó giờ đây đã xanh um và diễm lệ như một nàng công chúa vừa thức dậy. Nhưng điều kỳ lạ là trong cái không gian không lớn lắm ấy, mọc lên không biết bao nhiêu là cây dẻ con. Hóa ra mùa xuân đã đánh thức tất cả các hạt giống trong công viên, kể cả hạt dẻ “đáng ghét” ấy. Nó không thể nào nhận ra được cây nào mọc lên từ hạt dẻ thân quen ngày cũ.
Nó chợt nhìn quanh. Ôi ! Nó không phải là người duy nhất trong chốn này. Xung quanh nó, đã có biết bao con chim khác, cùng loài và khác loài đang say sưa nhìn ngắm cái không gian đẹp như một bức thảm kia. Ríu rít và tấm tắc.
Có một hạt dẻ đang nằm im trong lòng đất. Suốt cả mùa đông, nó đã dò dẫm đi sâu. Nó đã hạnh phúc khi đón nhận những dòng sự sống từ đất. Nó nghe thấy cả những tâm sự thầm thì của cả hành tinh. Nó đã hiểu được tình của đất, cũng như con chim nhỏ hiểu được tình của trời. Bây giờ, nó đã vươn cánh tay mạnh mẽ và khỏe khoắn lên trên, sẳn sàng đảm nhận trách nhiệm tô màu xanh cho thành phố, trở thành kẻ mang lại hơi thở trong sáng cho những ai tìm lắng đọng nơi công viên. Những cành lá mọc lên từ nó kể cho nó nghe về lũ chim đang ríu rít bên trên. Chúng bảo đó là lũ chim di cư từ miền Nam ấp áp trở về. Hạt dẻ ậm ừ và tin chắc trong nhóm đó, chắc chắn có con chim “cứu tinh” của nó ngày ấy.
Cả con chim nhỏ và hạt dẻ đều hiểu rằng chúng sẽ không thể nhận ra nhau trực tiếp được nữa. Điều đó không làm chúng bâng khuâng. Chúng tin chắc rằng, trong cái khoảng không mà chúng đã tạo cho nhau vào cuối thu năm ngoái, đã xảy ra một cuộc biến đổi diệu kỳ. Cái không gian ngày cũ đã không bị đánh cắp hay giữ riêng. Nó đã hóa thân thành một không gian mới, xinh đẹp mãi mãi, rộng mở, nơi mà hai chữ “chúng ta”  biến thành không gian cho những ai biết yêu và trao đi tình yêu ấy.
Trần Quốc Tô
Vùng kỷ niệm xưa,
Quay trở về đây nhớ tích xưa,
Nhớ thời thơ mộng tuổi thanh xuân...
Xẻ thân cây dẻ xây nhà ở,
Hạnh phúc giờ đây đã khuất mờ !

Cây dẻ ngày xưa vẫn còn đây,
 Mùi hoa thơm ngát toả hương bay...
Sắc màu hoa trắng ngời trong nắng,
Cây vẫn còn đây với tháng ngày !!

Quay trở về xuôi nhớ chốn xưa,
Chờ mong chi nữa cũng dư thừa...
Thảnh thơi nằm nghỉ nơi đồi cũ,
Ngắm nhìn rừng dẻ khóc trong mưa !
NM

Chuyện kể cây dẻ

Chiếc xe khách bụi bặm lầm lũi mà đi trong buổi chiều sơn cước đâu đó tiếng quạ kêu trên ngọn cây gạo lơ thơ hoa. Xóm làng mờ dần trong làn sương mờ giăng lên từ khe Kiền Kiền. Thấp thoáng ngọn núi Đình xa xa. Bóng cây đa trên đồi đổ xuống như thể che chở cho chú Cuội cỏn con lạc mất đường về.
Đây là đâu vậy? Chiếc xe dừng bên cây cầu cũ kỹ xây từ thời chiến cạnh cái ga xe lửa bỏ hoang. Hạt xuống xe, chiếc cặp bạc màu và một tấm áo khoác nhàu nhĩ kẹp nách. Anh cúi xuống lấy bọc kẹo lạc mua ở dọc đường làm quà cho lũ trẻ con của Ngọc, em gái người bạn cũ.
Chiếc xe lại đi, khách sẽ lên đến xứ miền núi phía Tây vào lúc nửa đêm cơ đấy. Con đường vắng hoe. Khe Kiền Kiền ngoằn ngoèo mùa này nước có chỗ chỉ ngang thắt lưng thôi.
Cái bản nhỏ nằm đâu đó dưới chân núi Đình. Chàng cứ men theo khe Kiền Kiền mà đi. Hạt cảm thấy như lạc vào một cơn say núi. Một vùng ký ức chôn vùi không bao giờ lên tiếng nữa. Cái bản nhỏ dưới chân núi lở còn không?
Những năm tháng thời chiến gia đình chàng từ thành phố đã về vùng sơn cước tản cư. Chàng đã lớn lên giữa những đêm đầy sao. Chàng bao lần hái củi và ghé vào cái bản người Thổ nghỉ chân. Người mẹ đón chàng bằng bát nước vối chát. Khuôn mặt người mẹ Thổ tròn trịa mà đầy nếp nhăn. Những vệt trầu chưa khô trên môi bà và điếu thuốc lá vấn hút dở.
Các bản người Thái nổi bật với các nếp nhà sàn kiên cố, nhưng chúng nằm khá sâu trong núi. Bản người Thổ nhà đất, ở sát khe nước êm đềm. Tiếng nói của họ thật cổ xưa, nhưng chàng vẫn hiểu quá nửa mà không cần phiên dịch như khi vào bản Thái.
Ai đó nói rằng người Thổ hẳn gốc gác xa xưa, cội nguồn của người Kinh. Cũng ý kiến, nhưng khác đi, người Kinh lên núi ở lâu mà hóa thành người Thổ. Bởi “họ giữ nhiều nét xa xưa quá, nên giờ không thể trở về ngôi nhà người Kinh nữa”. “Họ hóa thành một dân tộc khác rồi”. Hạt không quan tâm lắm. Giữa chàng và cái bản nhỏ không có khoảng cách gì cả.
Anh thường thoải mái nằm dài trên nền đất, bên cạnh bếp lửa, nghe tiếng bọn trẻ đùa vui. Anh nhìn những chiếc vòng đeo tay lấp lánh. Chiếc áo chẽn của Bích phơi trên cái sào nứa phất phơ giữa làn gió mùa xuân.
Nàng cũng nằm dài cạnh anh. Tròn trịa, trắng ngần. Cái cổ ba ngấn và đôi mắt đen thẳm. Nàng hát cho anh nghe một bài ca cổ xưa. Lời bài hát nói về cây lúa biết nói. Cây lúa bảo rằng cuộc đời người ta thật nực cười. Người đẻ con dưới chân còn lúa thì vẫn đẻ con trên vai. Đến mùa thu con chim sẻ ăn hạt thóc vào bụng, nó bay đi mang theo hạt lúa đang nảy mầm. Em vẫn chờ anh như chờ con chim sẻ ấy.
Hát xong, nàng hỏi: “Anh có lấy em không?”. Nàng nói câu ấy một lần thôi. Chàng im lặng. Phía trước chàng có thành phố, kinh thành. Phía trước rực sáng những đại lộ, phố xá cao ngất, những chân trời của nghệ thuật phù hoa, những trường đại học đầy chữ nghĩa, những quán xá thơm mùi cà phê.
Chàng là người kinh thành, về nơi đó như cá về với nước thật vừa vặn thảnh thơi. Dạo phố, đọc sách, viết những câu chuyện thú vị, làm công chức hưởng lương, đôi khi chàng chợt nghĩ làm sao mình có thể rời bỏ được thành phố dù chỉ dăm ba ngày. Ôi rừng núi hiền hậu và buồn bã. Ngay cả các chuyến du lịch chàng cũng chọn nơi ồn ào và náo nhiệt.
Chàng biết cho đến lúc nằm xuống trong nghĩa trang đầy đá và bê tông trong kinh thành sẽ chẳng ai hỏi chàng câu ấy. Đời chàng chỉ nghe một lần thôi. “Anh có lấy em không?”.
Bích biết chàng chẳng bao giờ trả lời “không”. Chàng im lặng như con nhím. Chàng đủ mọi lý do trở về kinh thành với cộng đồng của mình cùng những vinh dự trách nhiệm bùng nhùng. Trở thành người cha của đàn con trong cái gia phả họ tộc mấy chục đời.
Những dòng họ sơn son thếp vàng. Ngôi nhà thờ lộng lẫy chạm khắc bằng đá quý mỗi năm hội làng cả trăm người cúng bái. Chàng sẽ cùng mọi người xây dựng nên cái văn hóa đẹp đẽ của khu phố, cùng vô số bài ca, truyện cổ, ngụ ngôn, thơ và cả lịch sử nữa chứ. Không hiểu sao, tự đâu mà nàng vẫn hỏi chàng câu ấy.
Nàng muốn chàng phũ phàng mà càng phũ phàng càng tốt. Để sớm mai nàng sẽ theo một người làng đi miền ngược. Nơi ấy, nàng sẽ lấy anh ấy, sinh một đàn nhóc ngoan ngoãn đấy. Nhà nàng nuôi nhiều ngựa tới mức cho đám giáo viên trẻ thuê để đi vào bản dạy học.
Nàng trồng nhiều ngô. Mỗi mùa nàng giấu một ít vào túi áo, bước nhanh ra bờ suối, thả xuống dòng nước cho đàn cá dại đớp mồi. Đàn cá bơi về xuôi. Chúng sẽ gặp chàng kể chuyện về một người đàn bà cổ ba ngấn giờ đây da tóc sạm màu.
Bếp lửa nhen lên lúc nào không hay. Một con gà luộc thơm phức bày ra bên đĩa muối trắng. Ngọc bảo pha trà, thở than: “Chị Bích nhà em hầu như không về bản. Chị ấy đã có hai đứa con, chồng làm hiệu phó trường tiểu học. Chị ấy có hiệu tạp hóa to nhất xã”.
Chàng ngồi duỗi chân bên bếp lửa, chưa kịp nghĩ về người bạn học cũ. Hạt đang vui bởi chàng vẫn tìm lại được cái bản cổ dù đám người trên chiếc xe khách nói rằng “vùng đất này đã giao cho nhà máy mía đường từ năm ngoái”.
Chị Bích bảo lúc nào anh về nhà, làm gà mời anh. Lúc mẹ mất nhà hẵng còn 20 con gà trống. “Giờ em chỉ nuôi có 5 con thôi cũng đủ mệt”.
Ngôi nhà tường đất lợp lá mía. Trên vách treo chiếc chiêng vỡ toác do bị con trâu điên húc vào. Bố nàng từng đánh chiếc chiêng này. Tiếng của nó âm trầm, như dòng thác xa xa vọng lại, ngân nga.
Hồi trước Ngọc còn là cô bé tết tóc đến lưng, giờ đã làm cô giáo tiểu học được chục năm. Anh và Bích nói chuyện bên đồi, cô bé chạy đi lượm hạt dẻ cho hai người ăn.
“Em dạy trên miền núi cao mấy năm mới được về nhà”. Hạt biết chuyện đó. Nhà nghèo ra trường dạy miền xa. Anh gọi cho một người quen ở Phòng giáo dục bảo cho Ngọc về dạy tại quê vì chị lấy chồng xa mà nhà còn người mẹ già. Chẳng biết chuyện cú điện thoại năm ấy liên quan gì tới việc Ngọc về bản hay không. Anh nghĩ không. Họ giúp hẳn họ báo với anh rồi.
Mẹ không trách anh. Cả nhà đều quý anh. Mẹ bảo chắc chắn anh sẽ tìm về nhà mình, nhưng mẹ không thể đợi được, “chỉ đàn gà đợi được anh thôi” - Ngọc cười gắp cho anh cái đùi gà.
Em vẫn còn trinh tiết anh ạ. Đột nhiên Ngọc nói. Sao vậy? Anh tò mò. Ngọc bảo: “Em không giống chị em. Em sẽ không bao giờ lấy người chồng mà em không yêu”. “Khi nào tìm được người em yêu em mới lấy”. Anh gật đầu đồng ý. Ừ, em đúng là khác chị của mình.
Khuôn mặt đứa em gái sớm dạy học chiều trồng sắn, nhổ cỏ quanh vườn, chăm sóc ngôi mộ mẹ, giữ đàn gà có tổ tiên là gà rừng kêu líu ríu ngày đêm khỏi đám rắn và chuột. Chàng ngạc nhiên thấy có những con gà rừng lẫn trong đám ấy.
Khuôn mặt sạm nâu. Bàn tay thô ráp. Cô giáo sơn cước như vậy đấy. “Em đã cùng trường đi du lịch tham quan mười mấy tỉnh”. Cô giáo tiểu học lấy cho anh xem một đống ảnh chụp thành phố. Cuộc đời thật rộng lớn và nhiều cảnh đẹp. Anh thì già đi, xấu đi so với ngày xưa đấy. Không sao, chúng em vẫn nhớ hình ảnh anh hồi anh ở đây: “vui vẻ, hơi gầy, luôn chỉ bảo chị em chúng em đủ điều”.
Hạt lấy máy tính ra, mở bản đồ trên mạng để tìm cái địa chỉ trên lá thư Bích gửi Ngọc. Lại sông sâu, thác đổ. Cái bản cheo leo, dốc núi thẳng đứng. Dăm ba chiếc thuyền gỗ độc mộc cũ đậu dưới bến, chẳng biết chúng chìm lúc nào.
“Máy móc hiện đại anh nhỉ. Anh có nhìn thấy chị em không? Nhà có nhiều ngựa ấy anh ạ”. Bích ở trong bản của người Thái, làm dâu và nói tiếng Thái xứ đó. Cô biết dệt những chiếc váy sặc sỡ không giống với những chiếc váy Thổ đơn giản ít màu mè.
“Con của chị vào đại học rồi. Nó dẫn cô bạn người thành phố về thăm mẹ, mang theo một mớ quần áo làm quà nhưng mẹ không bao giờ mặc quần, chỉ mặc váy thôi”.
Anh sẽ làm mối cho Ngọc một anh chàng giáo viên nhé. “Anh ơi, thời nào rồi mà còn mối lái”. Hạt nghĩ Ngọc sẽ ở lại cái bản này mãi mãi, với đàn gà, nếp nhà đất. Cô sẽ nói thứ tiếng cổ xưa khiến chàng vừa nghe vừa đoán.
“Bọn trẻ giờ thông minh hơn tụi em nhưng lại lười học hơn trước. Chúng không phải đi bộ xa mấy cây số học như hồi tụi em, lớp đã mở ngay trong bản” - vừa rửa bát Ngọc vừa kể.
Cả bản vẫn nhớ vẫn kể chuyện về anh. Người già chết đi, người trẻ lại kể. Câu chuyện không bao giờ chết. Rằng anh đã yêu chị Bích, chị ấy cũng yêu anh rất nhiều. Mỗi người ở một nơi rất xa. Chị đã có người khác chăm sóc còn anh cũng vậy. Riêng cây dẻ mà hai người trồng thì vẫn còn trên đồi kia, chờ đợi một ngày nào đó cả hai sẽ trở về nơi này. Họ sẽ xẻ cây gỗ ra, dựng một căn nhà cao ngất.
Cây dẻ ấy không ai được đụng dao rìu vào. Nó xanh tốt và nở hoa thơm ngát mỗi năm.
Hạt đứng trên đồi bát ngát ánh trăng. Chàng ngắm cây dẻ cùng Bích trồng trong đêm chia tay. Ơi cây dẻ có nhớ ta chăng? Nhớ ánh đuốc nứa. Chàng vỗ vỗ thân cây. Mỗi lần nở hoa, hẳn cây mệt lắm phải không. Mùi thơm ngây ngất tỏa khắp bản nhỏ.
Bích dáng cao cao, khuôn mặt như hạt dẻ. Ngồi bên bếp lửa, luộc nồi măng chấm muối ăn cơm. Bích bảo chàng rằng “mỗi mùa hoa rừng nở, những con chim ở nơi xa cũng biết đường trở về quê hương của mình. Con người có khôn ngoan vậy không? Hay con người đắm chìm trong những giấc mộng xa vời?”.
Từ trên đồi cao chàng nhìn thấy Ngọc đang tắm bên cái giếng năm nào, ngay cạnh giàn mướp. Cô không mặc gì cả. Ngọc thấp hơn Bích, da cô cũng trắng hơn. Những gàu nước trắng xóa đổ lên mái tóc dài đến gót chân. Bích không để tóc dài như vậy bao giờ. Ngực của Bích cũng nhỏ hơn, như quả cam trái mùa.
Ngọc đi vào ngôi nhà đất vắng lạnh cầm theo cái thau màu xanh. Chàng ước gì trong ngôi nhà ấy có một chàng trai đang đợi Ngọc. Vài đứa nhỏ líu lo đánh vần bên cuốn sách giáo khoa nhàu nhĩ. Ngôi nhà sẽ tươm tất, mấy bụi cây được phát đi và vài cây dẻ sẽ được trồng đầu ngõ.
Khi anh vào nhà, Ngọc đang ngồi soạn giáo án. Mái tóc cô đã khô và chúng đổ xuống bàn như dòng nước khe Kiền Kiền từ xa xưa. “Chị vừa gọi điện cho em. Em không nói anh về chơi đâu”.
Ừ. Anh về hay không về điều đó có quan trọng lắm không. Câu chuyện về cây dẻ đã kết thúc bằng một ngôi nhà thơm mùi gỗ nằm trong tưởng tượng. Người ta chẳng bao giờ kể thêm được điều gì nữa đâu. Câu chuyện đã kết thúc rồi.
Sáng sớm Hạt ra chiếc cầu cũ để đón xe về thành phố. Anh mang theo một ba lô sắn và ngô. Ngọc cài lên ba lô một chùm hoa dẻ. Ngọc không tiễn anh. Bọn trẻ đợi cô giáo từ lúc tinh sương, chúng mang bẫy đi để bắt gà rừng. Bọn trẻ giăng bẫy ngày này qua ngày khác sau cái lán học. Đám gà chẳng bao giờ mắc bẫy. Chúng khôn hơn bọn nhỏ và cất gáy ti toe sau lùm cây.
Cuộc đời không phải câu chuyện mà cây dẻ sẽ còn mãi đó. Một ngày, cây dẻ cổ thụ ngã xuống trong cơn bão lớn. Nó nằm thảnh thơi theo triền đồi sau biết bao mùa hoa trắng.
Ngọc gọi người đến bán bởi cô không nỡ xẻ cây dẻ.
“Ai trồng cây dẻ này vậy?” người tiều phu hỏi mà Ngọc không trả lời. Cô đang nghĩ đến một rừng dẻ. Những hạt dẻ giống tốt nhất được gieo ngay sau cơn khi bão tạnh.
Bước chân Ngọc in trên mặt đất vừa trải qua trận cuồng phong. Chạy theo vết chân gầy guộc là những dấu chân đàn gà rừng chạy táo tác tìm mẹ khản cả tiếng.
Trần Nguyễn Anh


HẠT DẺ MÙA THU               

Tặng Phạm Hảo

Người phụ nữ đó dậy từ 4 giờ sáng, chị mặc áo ấm, quàng khăn, xỏ chân vào đôi giầy vải. Chị xách theo mình vài cái túi chợ, một cái đèn pin dài, loại của những người đi cắm trại. Chị bắt đầu ra khỏi nhà, rẽ phải, lao xuống con dốc nhỏ. Hai hàng cây hạt dẻ đang chờ chị.
Hàng năm, cứ vào giữa mùa thu, khi lá bắt đầu chín tới. Khi mây trắng như xây thành kéo vào bầu trời thành phố. Khi mưa thu, nắng thu thay nhau tới gõ cửa nhà bất ngờ, không báo trước. Hai đứa cháu ngoại đã lần lượt theo trường đi dã ngoại nhặt bí Rợ. Lòng chị nôn nao, chị biết mùa đi nhặt hạt dẻ đã tới.
Con phố Bigelow Avenue của vùng Queen Anne, Seattle, ngay góc đường nơi gia đình chị ở, chỉ cần rẽ xuống con dốc là gặp hàng cây hạt dẻ. Những cây hạt dẻ này được trồng từ năm 1916, chúng già gấp mấy mươi lần tuổi chị. Vào mùa thu, chúng ban phát cho mặt đất rất nhiều ơn huệ: Niềm vui cho những người đi nhặt hạt dẻ, những con sóc sẽ tha hồ tích trữ lương thực cho mùa đông sắp tới
 Hàng cây đang vào mùa rụng hạt là địa điểm quyến rũ những người từ phố xa đến nhặt. Phần đông là người Á Đông, nhiều nhất là người Đại Hàn. Họ đi chuyến xe buýt 6 giờ sáng từ dưới phố lên đây nhặt hạt dẻ. Họ cũng mang theo thức ăn và nước uống như đi dã ngoại.   
Những cư dân sống chung quanh những hàng cây hạt dẻ này đôi khi khó chịu vì bãi cỏ, vườn hoa, nhà họ bị xâm phạm. Họ có phàn nàn một thời gian, sau đó họ cũng quen dần, miễn là những người đi nhặt hạt dẻ biết tôn trọng sân vườn của họ. Thành phố thấy việc nhạt hạt dẻ là một cái gì rất đặc biệt, rất Queen Anne, nên đã có lúc cho đặt những nhà vệ sinh lưu động để tránh những rủi ro mất vệ sinh có thể xảy ra
Chị ở khu phố này đã gần mười năm, chị thuộc từng con dốc, từng gốc cây hạt dẻ. Chị đặt tên cho từng cây một. Ông Cao hay bà Oải đứng ở đâu chị đều nhớ rõ. Vòm cây nào cho nhiều hạt, gốc cây nào có mọc cả nấm dại, hay nhiều sóc ghé thăm. Chị thuộc góc phố này, như những đường chỉ trong lòng bàn tay mình
Yêu thích hạt dẻ, chị tìm hiểu thêm về loại cây này, chị biết chúng mọc khá nhiều ở vùng Bắc Mỹ. Những cây hạt dẻ đầu tiên vào Mỹ năm 1900 đến từ Trung Hoa, nhưng chỉ khoảng hơn mười năm sau chúng chết gần hết vì một loại nấm có sẵn trong thân cây. Một số cây mọc lên lại từ cái gốc cũ. Những nhà canh nông vùng Đông Bắc Mỹ đã gây và nuôi dưỡng lại bằng những phương pháp riêng của họ. Nên những cây này được đặt tên là  những cây hạt dẻ Mỹ (American Chestnut ). Cây hạt dẻ có tuổi thọ cao nhất sống ở vùng Jackson County, Tennessee, cây cao tới 23 mét và đường kính 61 phân
Thân cây hạt dẻ người ta dùng được rất nhiều việc thực dụng trong đời sống: đóng bàn ghế, giường tủ, cột điện thoại, cánh cửa, làm nôi cho trẻ em, áo quan cho người qua đời.
Từ khi dọn về đây, đối với chị, nhặt hạt dẻ là một phần sinh hoạt cho đời sống tinh thần. Hàng năm nó nhắc nhở chị sự chuyển mùa của đất trời. Mùa hè vừa đi qua là chị náo nức nhìn những chùm quả với những cái râu tua tủa như chùm quả Chôm Chôm còn xanh ở quê nhà. Chị biết là chỉ ba tuần nữa thôi nó sẽ tách tung ra và cái hạt dẻ bên trong với làn da nâu bóng sẽ lộp độp rơi xuống mặt đường theo từng cơn gió thu.
Chị thuộc những khuôn mặt cũ, mới hàng năm xuất hiện. Những cụ già ngồi cả xe lăn đi nhặt hạt dẻ chị đều nhớ rõ. Một, hai mùa thu, khi không thấy chiếc xe lăn xuất hiện nữa làm lòng chị bâng khuâng. Chị hình dung ra chiếc xe lăn đó đã được xếp vào một góc trong garage. Chủ nhân nó đã nằm an giấc trong một nghĩa trang nào đó và buồn biết bao nếu ông không được nằm trong một chiếc áo quan làm bằng gổ thân cây hạt dẻ, hay không có cây hạt dẻ nào bên cạnh mộ.
Mỗi lần đi nhặt hạt dẻ, ngửa mặt đón những cơn gió mùa thu thổi xuống từ những vòm cây, cúi nhìn hạt dẻ tung tóe trên mặt đất, chị lại hình dung ra hình ảnh hai đứa bé nhặt lá bàng của mùa thu đất bắc trong văn chương Nhất Linh của những ngày xa xưa.
"Gíó lên...lạy giời gió nữa lên" (*)
Bây giờ chị cũng đứng đây, cách xa cái không gian có lá bàng rơi vào mùa thu cả bao nhiêu ngàn vạn dặm, chị cũng mong từng cơn gió đến, chờ nghe tiếng hạt dẻ rơi lốp đốp trên mặt đường hay rơi êm đềm trên những bãi cỏ.
Có hôm chị nhặt không kịp, chị lại không mang chổi theo để quét cho nhanh. Chị ước gì có cậu em bên cạnh như cảnh hai chị em đi quét lá bàng. Rồi chị cũng sẽ mắng em:
–Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên, thằng
 nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Mày
chẳng nghe tao bao giờ...  thằng nỡm.(*)
Nếu được mắng em như thế thì hạnh phúc biết chừng nào. Nhưng chị làm gì có em trai mà mắng.
Đã bao nhiêu mùa hạt dẻ đi qua ở góc phố này. Chị cũng đã hẹn hò với hai bà chị ở tiểu bang khác, rủ họ đến thăm em gái vào mùa hạt dẻ. Chị muốn chia cái hạnh phúc giản dị nhưng hiếm hoi đó với hai người chị mình
Mỗi lần gặp nhau như thế là cả đêm trước ngủ không yên, trong cái lành lạnh của hơi thu, họ cùng nhắc nhở nhau về một dĩ vãng xa lơ xa lắc, thủơ chưa ai lập gia đình. Các chị nhắc cho cô em thời 1940, U có buôn bán hạt dẻ. U thuê người nhặt hạt dẻ ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, rồi thồ bằng xe ngựa về Hà Nội bán. Chị nghĩ chắc là U thương chị, nên cho chị được ở gần những cây hạt dẻ, để lúc nào chị cũng nhớ đến U.
Rồi những tâm hồn cũ kỹ đó thấy mình như mới hẳn ra, cứ mong cho trời mau sáng, để dắt nhau đi nhặt hạnh phúc trong những hạ dẻ mùa thu đang rơi xuống.
Và mỗi lần gió rung cây, hạt dẻ như mưa thu rơi không kịp nhặt, người em cũng cuống quít hối hả giục hai chị, như cậu em giục chị nhặt lá bàng trong trang sách xa xưa:
-Mau lên chị ơi…Nhặt cả hai tay chị ạ (*)
          Hạt dẻ đã sẵn sàng để đóng hộp gửi cho các bạn ở xa
Năm nay hai bà chị không tới, chị đi nhặt hạt dẻ một mình. Nhặt mấy hôm liền bao nhiêu là hạt dẻ. Từ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, chỗ nào cũng có hạt dẻ. Chị nghĩ đến bạn. Thế là chị, khệ nệ mang ra bưu điện, mua hộp, xếp hàng, gửi đi cho bạn ở tiểu bang khác, và ngay cả bạn ở cùng bang nhưng thành phố xa mình. Chị gửi cả tấm lòng thơm thảo của mình trong đó.
Bạn nhận được hạt dẻ, nhìn tiền cước trên hộp, không dám nói câu gì. Vì có nói gì chăng nữa thì chị cũng sẽ, xua tay, lắc đầu.
Với chị, gửi hạt dẻ cho bạn ở xa vào những ngày tháng cuối năm này, cũng giống như người ta gửi thiệp vào lễ Tạ Ơn hay lễ Giáng Sinh vậy
 Đã xong đâu. Mùa thu đang thay lá, nhóm bạn của chị rủ đi xem lá thay màu. Chị rang hạt dẻ, rồi bóc sẵn cho mỗi người một gói, mang vào trong vườn Nhật. 
Vừa đi vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại cho hột hạt dẻ đã bóc sẵn, thơm tho vào miệng. Thật không còn ai chu đáo và có tình với bạn như chị. Bạn nhâm nhi tấm lòng “Hảo Ngọt Ngào” của chị với tất cả trìu mến
Trần Mộng Tú 
10/19/2014
(*)Trích trong Nhặt Lá Bàng của Nhất Linh.






 





Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Cây đàn guitar

Tiếng đàn guitar,
Anh dạo phím với cung đàn quen thuộc,
Âm thanh chừng vang vọng cõi xa xưa...
Tia nắng vàng đâu khác ánh chiều mưa,
Vẫn tha thiết dịu dàng mà thân ái...!
Những ca khúc ngày thơ sao nhớ mãi,
Anh ôm đàn dạo lại bản Mucho...
Âm thanh buồn theo những nhịp sóng xô,
Con phố nhỏ vẫn nhiều người qua lại !!
Kỷ niệm xưa nay vẫn còn tồn tại,
Với thời gian và với trái tim em...
 
Ngoài kia nắng rực bên thềm,
Bên em tiếng nhạc dịu êm hôm nào ! 
NM

Tiếng Đàn Guitar.

Ở cuối góc phố có một tiệm bán đàn guitar. Đó là một căn nhà nhỏ, với những cây đàn treo thành ba dãy. Khách bước vào sẽ thấy một không gian ngập tràn sắc nâu gụ óng ánh của những cây đàn, mùi gỗ đánh vecni nồng nồng. Nó gợi lên cảm giác ấm cúng nhưng cũng thật giản dị, gần gũi.

Chủ nhân tiệm đàn là một người đàn ông lớn tuổi, gương mặt hiền hòa với mái tóc hoa râm bạc. Người ta thường thấy ông ngồi tỉ mẩn đẽo gọt cần đàn hay chỉnh lại dây đàn khi tiệm vắng khách. Ông chủ tiệm trầm lặng, ít nói nhưng hay cười hiền. Bất cứ ai ghé qua tiệm đều cảm thấy cảm mến sự thân thiện ẩn trong đôi mắt phía sau cặp kính gọng vàng. Nhờ thế, tiệm đàn hầu như ngày nào cũng có khách, dù nó nằm ở cuối góc phố, khuất sau những cửa tiệm lộng lẫy và những hàng quán nhộn nhịp, để tạo ra một không gian rất riêng, dành cho những ai yêu đàn.
……………..
Chàng trai trẻ thức giấc khi tia nắng đầu tiên lọt qua khe tấm màn và rơi vào trong căn phòng nhỏ. Sáng thứ bảy mà thành phố vẫn xôn xao nhộn nhịp. Con phố nhỏ đã thức giấc từ bao giờ, tiếng người cười nói rộn rã. Chàng trai vén màn nhìn ra, cảnh phố thị vẫn thân thuộc như nhiều năm về trước. Bên kia đường, quán cà phê vẫn thấp thoáng là những khuôn mặt của anh tài xế taxi đeo kính cận, cắm cúi bên gói xôi và tờ báo, là của hai ông bác lớn tuổi hay ngồi sát góc tường bày cuộc cờ sớm, bên cạnh là hai ly cà phê sữa nóng thơm lừng. Bầy chim sẻ líu ríu trên cây me trước cửa quán, đối diện cửa sổ. Phố thị ồn ã nhưng vẫn dành cho người ta những góc riêng dịu dàng và thân thuộc mỗi ngày.
Sáng nay cửa tiệm chưa có khách. Phía sau tủ kính, chàng trai bắt gặp hình ảnh thân thương của một người đàn ông gầy gò ngồi tỉ mẩn lau chùi cây đàn guitar màu đen bóng. Ông nội vẫn luôn mở cửa đúng giờ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Ông có thói quen lau chùi cho từng cây đàn mỗi buổi sáng. Với ông, niềm trân trọng đối với âm nhạc và đàn là một phần của đời ông. Và điều đó dường như đã khơi gợi lên một tình cảm thiêng liêng với nghệ thuật nơi cháu trai ông. Ngay từ bé, chàng trai đã được ông nội dạy đàn, được học cách cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc qua từng giai điệu, tiết tấu. Ông thường hay bảo, âm nhạc là thứ kết nối tâm hồn con người một cách mạnh mẽ nhất mà không một ngôn từ hay biểu cảm nào có thể làm thay. Chàng trai lớn lên với tình yêu âm nhạc và niềm đam mê nghệ thuật. Năm mười bảy tuổi, chàng trai rời tiệm đàn nhỏ để đi du học ở châu Âu. Thấm thoát đã ba năm, và đây là mùa hè thứ hai chàng trai về thăm những cây đàn và với người ông thân thương của mình. Với anh, đây là nơi đây thân thuộc và gắn bó, là nơi để tìm về và yêu thương. Trong những mùa đông lẻ loi, lạnh lẽo ở trời Âu, cảm giác thèm được ngồi bên hiên, ngắm ánh nắng và dạo phím một khúc nhạc thân thuộc như một giấc mơ xa xỉ. Tình yêu mà ông nội thắp lên trong anh không chỉ là âm nhạc, nghệ thuật, mà còn là tình yêu quê hương và cuộc sống.
………………..
-Ông ơi, cây đàn của anh trai con bị nứt thùng đàn rồi. Ông xem giùm con xem có thể sửa được không? – Cô gái rụt rè nói với ông chủ tiệm đàn.
-Con đưa đây ông coi! – ông chủ tiệm nói, mỉm cười thân thiện. Nhận lấy cây đàn từ tay cô gái, rồi ông trỏ vào chiếc ghế phía sát vách tường- Con ngồi đó chờ ông chút!
-Dạ, con cảm ơn ông! – Cô gái lễ phép đáp, rồi ngồi xuống chiếc ghế.
Cô nhìn quanh tiệm, thích thú đưa mắt qua những chiếc đàn gỗ nâu đen bóng loáng. Những chiếc đàn treo cạnh nhau thành dãy như đang xếp hàng chờ đợi những người chủ mới, và chờ đợi đến lượt mình được ngân lên những giai điệu êm dịu hoặc mạnh mẽ, trầm buồn hoặc reo vui. Ánh nắng dìu dịu của một chiều mùa hè nhạt nắng hắt vào căn nhà nhỏ, làm ấm thêm một không gian trầm lắng giữa phố thị nhộn nhịp.
Bất chợt, một giai điệu nhẹ nhàng, thanh thoát cất lên từ trên căn lầu phía trên tiệm đàn. Âm thanh guitar mộc dìu dặt ban đầu rất khẽ khàng, sau đó dần hiện lên rõ nét như ai đó đang phác họa một bức tranh bằng những thanh âm nhiều cung bậc. Cô gái nhận ra giai điệu quen thuộc của bản Romance nổi tiếng mà ngày nhỏ cô vẫn hay nghe từ chiếc máy cassette của ba. Bản đàn chậm rãi trôi trong một buổi trưa vắng khách, dịu dàng đưa đẩy. Cô gái ngẩn ngơ lắng nghe, chăm chú đến nỗi quên đi sự hiện diện của ông chủ tiệm. Mãi khi tiếng đàn tan đi, cô mới giật mình nhận ra ông đang đứng nhìn cô, môi khẽ một nụ cười hiền từ
Cô gái thấy bối rối, bèn lật đật nói khẽ:
-Con xin lỗi ông, tiếng đàn hay quá nên coi mải chăm chú nghe nên quên mất!
Người đàn ông lớn tuổi nhẹ nhàng nói:
-Không sao đâu con, con thích bản nhạc này lắm hả?
-Dạ, hồi nhỏ con hay nghe bài này từ máy cassette của ba con. Giờ bất chợt được nghe lại con thấy hay quá!
-Đó là cháu nội ông đàn đấy.
-Dạ, cháu ông chơi đàn giỏi quá.
-Nó đi du học nhạc viện bên Đức, đang nghỉ hè nên về thăm ông. Trưa nó hay chơi đàn, nó bảo mỗi năm mới có dịp đàn cho ông nghe.
-Dạ, anh ấy giỏi quá.
-Nếu con thích thì để ông kêu nó đàn thêm một vài bản nhạc nữa cho con nghe! – Ông cụ hóm hỉnh nheo mắt nói.
Cô gái đỏ mặt, cười bẽn lẽn:
-Dạ thôi, con cảm ơn ông. Cây đàn của anh con bao giờ mới sửa xong hả ông?
Ông trả lời:
-Khoảng cuối tuần này nghen con. Cây đàn này mua ở đây, chắc cũng lâu rồi nên ông phải mất thời gian lâu một chút. Chắc anh con quý cây đàn này lắm hả?
-Dạ, cây đàn này là quà tặng của ba mẹ con cho anh ấy lúc anh vào đại học. Anh giữ gìn kỹ lắm.
-Vậy là ông phải làm thật cẩn thận, kỹ càng mới được! – Ông cụ cười, đôi mắt hiền hấp háy sau cặp kính gọng vàng. Nói rồi ông lúi húi ghi giấy hẹn và trao cho cô gái.
………………..
Chiều thứ bảy, trời âm u. Bầu trời như một chiếc khăn màu xám trùm lấy khoảng không. Cô gái trẻ bước vào tiệm đàn nhỏ cuối góc phố. Tiệm vắng khách, người đàn ông lớn tuổi không có ở đó. Cô khẽ gọi, nhưng không có ai lên tiếng trả lời. Chiếc ghế sát vách lặng im chờ đợi. Không gian vẫn ấm áp với những chiếc đàn nâu đen óng ánh vecni. Cô gái ngồi xuống ghế, lật quyển sách nhỏ và đọc, trong khi chờ đợi. Tiếng đàn guitar vang lên, chầm chậm và êm êm, là Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn. Giai điệu chậm rãi nhưng lắng đọng, gieo vào không gian trầm lắng. Cô gái rời mắt khỏi trang sách, nhìn ra trước cửa. Cơn mưa mùa hạ gieo từng hạt tí tách trên lòng đường, xuyên qua tang lá xanh xanh của cây me già. Tiếng đàn hòa vào tiếng mưa, thì thầm kể chuyện. Cô gái lặng yên lắng nghe, lòng miên man theo từng cung đàn. Tiếng đàn dứt một lúc lâu mà cô gái vẫn còn ngồi im. Một lúc sau, cô gái khẽ gọi:
-Anh gì ơi! Anh cho em nhận đàn.
-À rồi, xin chờ một chút! – Một giọng thanh niên trả lời.
Chàng trai chạy xuống lầu. Trông thấy cô gái, anh hỏi:
-Xin lỗi, em muốn nhận cây đàn nào?
-Dạ, em muốn lấy cây đàn em gửi ông sửa lại thùng đàn bị nứt hồi đầu tuần! – Cô gái khẽ nói.
-Em cho anh mượn giấy hẹn và chờ anh một chút nhé! – Chàng trai mỉm cười.
-Dạ, đây ạ! – Cô nói, tay đưa mảnh giấy nhỏ cho chàng trai.
Chàng trai quay vào phía trong, và trở ra với cây đàn guitar trong chiếc bao da màu đen. Anh lấy chiếc đàn trong bao ra, dạo thử vài phím để kiểm tra dây. Cô gái chăm chú nhìn, và bỗng lên tiếng:
-Hay anh đàn thử một bài nhạc bằng cây đàn này đi.
Chàng trai bất ngờ, nhưng sự bất ngờ nhanh chóng bị thay thế bằng nét ngại ngùng. Cô gái mỉm cười, nói tiếp:
-Lần trước em ghé vô tình nghe được bản Romance anh đàn. Hôm nay lại được nghe anh đàn Diễm Xưa. Anh đàn rất hay, ông của anh có kể cho em nghe là anh đang đi học nhạc viện ở Đức!
Chàng trai khẽ gãi đầu, cười bẽn lẽn:
-Anh đàn cũng tạm thôi à!
-Em rất thích các bản nhạc anh đàn, nghe rất êm dịu và giàu cảm xúc. – Cô gái nói, giọng chân thành.
Chàng trai mỉm cười, anh ôm đàn và dạo phím. Giai điệu của Besame Mucho cất lên. Ngoài hiên, mưa vẫn rơi.
………………..
Một chiều Chủ nhật đầu thu, thành phố lao xao. Con phố nhỏ vẫn nhiều người qua lại. Cuối góc phố có một tiệm bán đàn guitar. Cô gái nhỏ ngồi trên chiếc ghế kê sát bức tường, chăm chú đọc một lá thư. Bên kia, phía sau tủ kính, một người đàn ông lớn tuổi đang lúi húi với những chiếc đàn. Cánh cửa sổ căn lầu khép kín. Dưới lầu, tiếng đàn guitar nhè nhẹ phát ra từ chiếc điện thoại di động của cô gái nhẹ nhàng lấp đầy không gian ấm áp của tiệm đàn. Đó là bài Cây Đàn Bỏ Quên của Phạm Duy.
Trần Hoàng Trường Hải 

Nụ cười,
Nụ cười trong ngọn tro tàn,
Tủi thân oan nghiệt, thương nàng cô đơn....
Xin người nguôi chút oán hờn,
Lửa kia trả lại cây đàn tri âm
NM

Cây đàn ghi ta

 Một cây đàn cũ? Hãy cẩn thậ‌n, nó có thể là... nhiều hơn một cây đàn.
Thảo vuốt ve cây đàn. Nước sơn nâu bóng nhưng nhức l‌ộ ra sau khi Thảo lau hết bụi. Mặt đàn màu vàng, bóng loáng. Trên cần đàn có rất nhiều vết bị mòn sơn do ngón tay bấm. "Chủ cũ chăm chơi đàn ghê nhỉ!" Thảo thầm nghĩ, tay mân mê dọc theo các s‌ợi dây đàn. Trong th‌ùng đàn có hai dòng chữ: "Trần Nam Dương - ĐKTĐ2 - K51. Đại học BKHN". Chữ viết bằng mực bút b‌i xanh. Nét chữ gầy, nghiêng nghiêng về bên trái. Trong đầu Thảo mường tượng ra hình ảnh một cậ‌u sin‌h viên mảnh dẻ ngồi chơi đàn. Thảo vừa mua cây ghi ta này ở một hiệu đồ cũ. Thảo đã không chơi ghi ta mấy năm nay. Nhưng không hiểu sao khi tình cờ nhìn thấy cây đàn này, Thảo cảm thấy yê‌u mến nó lạ lùng. Thảo mua nó. Không đắn đo. Không cả mặc cả. Thảo áp má vào thâ‌n cây đàn. Cảm giác mát lạnh truyền đến làn da làm Thảo khoan kho‌ái. Nhắm mắt lại, Thảo có cảm giác lạ. Dường như Thảo cảm nhậ‌n được một nhịp đậ‌p từ cây đàn, như từ một mạch má‌u đang ru‌n rẩ‌y...
12h đêm. Thảo thấy mình cầm cây ghi ta lá‌i xe ra khỏi nhà. Thảo muốn quay đầu xe về nhà, nhưng không được. Chiếc xe lao đến đường Minh Khai. Dừng ở cột đèn sá‌t chợ Mơ, Thảo thấy mình bắ‌t đầu chơi bản Polonaise - bản nhạc Thảo chưa bao giờ chơi được. Tiếng đàn dứt, Thảo kinh hãi quẳng cây đàn, nhảy lên xe phóng đi. Thảo còn kinh hãi hơn khi thấy mình vòng xe lại, nhặt lại cây đàn và đi về.
Thảo đố‌t cây ghi ta. Vừa mới quẹt diêm, từ cây đàn phát ra những tiếng rên rỉ ai oán. Thảo buông rơi que diêm, chân tay run lẩy bẩy.
Thảo b‌ỏ cây đàn vào bao, quấn thêm một lần chăn, cất vào góc nhà, không dám nhìn đến. Đã mấy lần đem cây đàn ra hiệu cầ‌m đ‌ồ, cứ đến cửa hiệu, như bị ma ám, chân Thảo lại tự độn‌g quay về. Mấy lần mấ‌t bình tĩnh, Thảo toan đậ‌p vỡ nó thì tiếng rên rỉ lại cất lên...
Đêm thứ hai. Thảo lại đứng ở cột đèn đầu đường Minh Khai. Lại bản Polonaise. Bản nhạc dứt, Thảo gần như ngấ‌t xỉ‌u.
Thảo quyết định. Thảo mò đến gi‌ảng đường Đại học Bách Khoa Hà Nội. lớ‌p Điều khiển tự độn‌g 2 - K51 học trên tầng 5 nhà D7. gi‌ảng đường hai lớ‌p có ngót một trăm đứa sin‌h viên. tú‌m lấy một thằng nhóc đeo kí‌nh ở gần cửa, Thảo hỏi:
- lớ‌p này có ai là Trần Nam Dương không?
- Bạn là...
- Người quen. Có không?
Thằng nhóc nhìn Thảo ngờ vực.
- Người quen mà không biết gì à? Nó chế‌t được một tháng rồi.
Miệng Thảo khô khốc.
- Làm sao chế‌t?
Nhìn gương mặt thất thần của Thảo, thằng nhóc lắc đầu thông cảm.
- ta‌i nạ‌n giao thông. Nó đi đứng thế nào mà lại đâ‌m xe vào cột điện. Ngã đậ‌p đầu vào hòn đ‌á nhọ‌n, chấn thư‌ơng sọ não.
- Ở... ở... đường Minh Khai?
- Ừ. Chỗ chợ Mơ ấy.
Hai tay Thảo tự độn‌g bám chặ‌t vào thàn‌h cửa, giọng ru‌n rẩ‌y:
- Có phải cậ‌u đó hay chơi ghi ta… bản Polonaise không?
- Tôi chả biết bà‌i gì. Nhưng nó hay chơi một bà‌i. Hình như là về nước Ba Lan ấy.
Thằng nhóc chép miệng, thở dài
- tộ‌i nghiệp nó! Nó mê cá‌i đàn của nó lắm. Mấy ngày trước khi chế‌t, nhà nó bị trộ‌m khoắng. Đồ đạc chả có nhiều, nhưng mấ‌t cá‌i đàn nó cứ như người mấ‌t hồn. Mọi người đều bảo, có khi vì thế mà nó mới bị... Ơ, bạn có làm sao không? Ơ... này...
Thảo không nghe thấy gì nữa. Thảo quay đầu, b‌ỏ chạy.
Thảo ố‌m liệt giường ba ngày ba đêm. Vừa bò ra được khỏi giường, Thảo ra đầu ngõ mua một thẻ hương. Lòng thanh thản lạ lùng.
12h đêm. Trời Thu lành lạnh. Thảo đứng ở đầu đường Minh Khai. Cắm một nén hương cạnh chân cột điện, Thảo lầm rầm khấn: "Trần Nam Dương, tôi đã mua cây ghi ta này ở hiệu cầ‌m đ‌ồ, không biết là của bạn. Nay tôi đem trả, mong bạn vu‌i lòng nhậ‌n lại. Xin đừng oán giậ‌n tôi!"
Đoạn châ‌m lử‌a đố‌t đàn. Lưỡi lử‌a liếm dần vào thâ‌n đàn, á‌nh lên một cách ma quái. lử‌a chá‌y hết, Thảo quay người ra xe. Một làn gió lạnh buốt sau lưng. Thảo quay đầu nhìn lại. Ngọn lử‌a bấ‌t chợt bùng lên từ đống tro tàn có hình dạng trông từa tựa một nụ cười.
Y.U.M.E.
 Tiếng đàn
Lời ca tiếng nhạc thân tình,
Dịu dàng xoa nỗi đau người hay ta ?
Tiếng đàn theo gió bay xa,
Trầm buồn thánh thót phôi pha nỗi buồn !
NM  
 

Piano và guitar

Hôm nay, nhà nó chuyển lên phố. Nó quên mất nó còn một người bạn đồng hành ở nhà. Cây guitar. Cây guitar đã cũ lắm rồi. Cũ đến mức nó không biết là cây guitar của nó từ khi nào. Nó chỉ biết đó là quà của ba cái Uyên, bạn thân của ba nó, tặng cho. Và Uyên - cũng là cô bạn thân của nó.
Vừa dọn lên khi sáng thì chiều, nó đã nghe một tiếng piano trong trẻo vang lên. Lúc nhẹ nhàng. Lúc dồn dập. Lúc trầm buồn. Lúc thánh thót. Từ khi nào không biết, nó ngẩn ngơ ngồi nghe. Từ khi nào không biết, nó tự nhủ rằng sẽ ngồi nghe mỗi chiều. Và, nó lại quên mất cây guitar.
Ở nhà mới được vài hôm, hỏi ra, nó mới biết tiếng đàn trong trẻo mỗi chiều là của Quỳnh, một cô nàng cũng trạc tuổi nó, nhà Quỳnh cách nhà nó có một rặng cây. Nghe cô Ba hàng xóm nói, con Quỳnh dễ thương lắm lắm, lễ phép lắm lắm, nhà giàu cũng lắm lắm nữa. Nó nghe vậy cũng hơi chút chạnh lòng. Ba nó chạy xe tải, mươi bữa nửa tháng mới về nhà 1 lần. Mẹ nó bán rau ở chợ, nhà nó có khu đất rộng chỉ để trồng rau thôi. Nó là con một nhưng nào dám đua đòi gì nhiều, chỉ có cây guitar làm bạn. À quên, cây guitar. Nó hộc tốc chạy vào nhà, nhắn vội vài dòng cho cái Uyên, rồi vội chạy ngược ra đường lớn, vì tiếng piano vang lên,và nó xác định nhiệm vụ của nó hôm nay: phải thấy được khuôn mặt nhỏ Quỳnh. 
Ngồi thụp xuống sau bụi cây ven đường, đầu nó từ từ nhô lên. Chợt nó sững sờ. Nhỏ Quỳnh mặc váy trắng, nhẹ nhàng bên cây piano màu trắng, biệt thự nhà Quỳnh cũng trắng nốt. Nó đang lạc vào thiên đường, và có một thiên thần đang nhẹ nhàng đàn cho nó nghe. Rồi chợt có tiếng còi xe, sau đó là tiếng thắng xe cái "kít" kéo nó về thực tại, ra là cái Uyên, trên vai Uyên đeo cây đàn guitar cũ kĩ mà nó mới nhờ đem đến khi chiều. Tiếng đàn piano bỗng nhiên ngưng bặt, ánh mắt của Quỳnh hắt ra phía đường, kèm theo chút cau mày khó chịu. Khoảnh khắc ấy làm nó thêm say mê, cả xấu hổ nữa, nó đâm ra giận cái Uyên, giận cả cây guitar cũ kĩ.
Nắm tay kéo vội Uyên vào nhà, nó nói nhanh, kèm theo trách móc giận dữ: 
"Sao bà chạy vội thế, hỏng hết việc của tôi rồi còn gì!" 
Uyên nhẹ nhàng trả lời, cái mặt đung đưa ra vẻ vô tội của Uyên làm nó thêm khó chịu:
"Ơ thế chả phải ông bảo tôi chạy nhanh lên đưa gấp ông cây guitar sao, vả lại tôi chỉ muốn dọa ông một chút thôi." Rồi chợt Uyên thay đổi thái độ: "À mà ông bảo hỏng việc là hỏng việc gì, đang ngắm nhỏ dễ thương đó chơi đàn phải không? Quên mất con bạn này ở quê luôn rồi phải không?"
Nó ngớ ra, bảo không phải cũng không đúng, mà gật đầu thì cũng không được. Trong lúc còn đang lớ ngớ, Uyên quay ngoắt đi, dắt xe ra khỏi cổng, vừa đi vừa nói:
"Tôi mặc ông, liệu hồn thì kiếm lời mà xin lỗi đấy." 
Nó ngớ ra lần thứ 2 trong 5 phút, lẩm bẩm tự hỏi: "Bọn con gái sao mà khó hiểu thế nhỉ?" Tiếng đàn piano hình như đã tắt hẳn lúc nó gặp Uyên. Nó thầm tiếc nuối, tự nghĩ không biết hôm nay thế là thành công hay thất bại nữa. Chợt thấy cây guitar, nó thở dài rồi lặng lẽ cầm lên đem vứt vào góc phòng.
Sau vài hôm, nó nghĩ ra cách làm lành với cái Uyên, bọn con gái là chúa thèm ăn, đem đồ ăn ra dụ là được, không ngờ lần này Uyên giận lâu ơi là lâu, mãi nó mới thuyết phục được. Sáng nay, hai đứa sẽ đi ăn sáng chung. Nó dậy sớm, mà thật ra hôm nào nó cũng phải dậy sớm, dậy phụ mẹ nó chất rau lên xe máy chở đi bán. 
Hôm nay trời đầy sương mù, nhưng không khí buổi sáng thật là dễ chịu. Nó nghĩ vậy, rồi nó vẫy tay tạm biệt mẹ sau đó quay vào trong phòng. Nhưng vừa đi được vài bước thì bỗng "Rầm!", một âm thanh va chạm thật to phá hỏng cái không khí yên bình của buổi sáng. Nó chạy vội ra đường, mẹ nó nằm đó, máu trên người bà bắt đầu chảy, ở xa xa là chiếc xe tải đã khuất trong sương mù. Không gian xung quanh nó như đông cứng lại, nó chạy lại, đặt đầu của mẹ lên đùi, lần đầu tiên nó thấy máu nhiều như vậy, nó gọi quanh, nhưng cổ họng nó như đông cứng, quệt bàn tay bê bết máu lên mặt, nó không biết là nó đang lau mồ hôi hay nước mắt nữa. 
Có vẻ như tiếng va chạm đã làm một vài người thức giấc. Tiếng cửa sắt nặng nề mở, mẹ nó đang ở trước nhà Quỳnh, vẫn là chiếc váy trắng đó, thiên thần của nó đang đứng ở cửa, vẫn là vẻ cau mày khó chịu, Quỳnh lạnh lùng như chính màu sắc của chiếc váy Quỳnh đang mặc vậy. Một khoảnh khắc nào đó, nó nhìn vào mắt Quỳnh, ánh mắt ấy không một chút thương hại, mà có pha lẫn chút sợ hãi, khinh khỉnh. Hóa ra chỉ có chính nó đang thương hại nó mà thôi. Chợt, tiếng còi xe vọng lại, Uyên lao tới, kéo nó về thực tại:
"Bác bị gì mà sao máu chảy nhiều quá vậy? Nhanh, lên xe, tôi chở đi bệnh viện." 
Mẹ nó nằm viện đã được hai ngày, cũng đã dần bình phục. Bác sĩ bảo máu chảy nhiều, nhưng vết thương không trúng nơi nguy hiểm, vài hôm nữa sẽ xuất viện được. Ba nó vẫn đang ở xa, mẹ nó nằm viện, mọi việc ở nhà đều nhờ cái Uyên quán xuyến hết, cả những bữa ăn cũng do Uyên nấu mang tới. Nó chợt nhận ra đồ ăn của nhỏ nấu ngon nhất trần đời, chỉ thua mẹ nó thôi. Nó cũng chợt nhận ra, màu trắng làm nó ám ảnh kinh khủng, màu trắng của bệnh viện, màu trắng chiếc váy của... à mà thôi, mẹ nó tỉnh rồi, nó đút cho mẹ chút cháo, rồi chợt Uyên ùa vào phòng, trên vai đeo 1 chiếc guitar, Uyên bảo:
"Lúc nãy dọn phòng của ông, tôi tìm được cây guitar này, sao ông lại vứt nó ở trong xó thế hả?" 
Nó còn đang bối rối thì mẹ nó đỡ lời: 
"Nghe nói cái Uyên đàn hát hay lắm hả, hát cho bác nghe một bản giúp bác nhanh bình phục nào." 
Cái Uyên vui vẻ, nhẹ nhàng ngồi lại bên giường, nhẹ nhàng nhẹ nhàng đàn hát cho hai mẹ con nó nghe. Tiếng đàn hát lúc nhẹ nhàng, lúc dồn dập, lúc trầm buồn, lúc thánh thót. Mẹ nó ngủ say từ lúc nào. Và nó chợt quên hẳn tiếng đàn piano.
Thảo Bình