Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!

Duyên kỳ ngộ
Bay trong cõi càn khôn vũ trụ,
Ngàn năm một thuở gặp do duyên...
"Mãn hoa thiên vũ" gọi tên em,
Trùng hợp với sắc mùa Đông chí
 
Không gian rộng ngàn năm hạnh ngộ,
 Duyên của Trời nào khác nhân gian ?
Thôi thì cũng vẫn hợp tan,
Cơ duyên một thuở lưu ngàn năm sau !!
NM

Lần đầu tiên cúng Đông Chí !!
 Thay cho lời tạ lỗi với những người của ngày xưa....
Trong suốt cuộc đời từ lúc còn bé sau đó lớn lên đi học, ra trường rồi về Bạc Liêu là quê hương bên ngoại, một tỉnh ở miền cuối Việt xa xôi, về Bạc Liêu trong lúc mùa Đông nên tôi mới biết và để ý đến Tiết Lập Đông và nhất là Tiết Đông chí vì Bạc Liêu là vùng đất có ba dân tộc cùng sinh sống:Việt, Khmer và người Hoa, cả ba dân tộc đều sống chan hòa với nhau, cùng vui chung trong những mùa lễ lớn, nhất là vào dịp cuối năm bắt đầu từ tháng mười âm lịch trở đi, khởi đầu là lễ đua ghe ngo của người Khmer rồi tiếp theo là một loạt các lễ hội lớn của người Hoa kéo dài cho đến Tết Nguyên đán mới hết
Năm đầu tiên về nhận nhiệm sở là đã cuối tháng 11 dương lịch, những bận rộn của cuộc sống mới cộng với những tháng ngày chính thức bước vào đời lại gặp số lượng học sinh khá cao và cũng ....khá lớn tuổi, lớn cả sức vóc, đa phần các em chỉ nhỏ hơn cô tối đa là 5 tuổi còn lại đôi khi có em lại bằng tuổi hay lớn hơn cô và đã có gia đình, nhưng em nào có gia đình thì trầm tỉnh dễ thương và rất lễ phép !
Cô giáo trẻ xa nhà, bỡ ngỡ cho nên ....nhớ nhà rất nhiều, năm đầu tiên còn được ở với ngoại vì vậy chỉ mong ban Giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu thuận tiện để bốn tuần được về Sài gòn thăm nhà, tất cả những dịp lễ hội đều không quan tâm đến dù các em học sinh hay giới thiệu và "quảng cáo" để giữ cô giáo ở lại chung vui....
Nhận nhiệm sở ngay giữa mùa Đông thì lại càng nhớ nhà nhiều hơn nữa vì lúc nầy là lúc quán cà phê của mẹ rất cần cả hai chị em phụ giúp, cô em gái bây giờ phải vừa đi học vừa đi chợ, nấu cơm rồi phụ quán, mỗi lần nhận điện thoại của mẹ than thở là một lần...khóc âm thầm, cho nên chỉ mong về thôi cho dù chỉ về thăm nhà được ba ngày hai đêm, cho dù ngày ngày cứ nghe tin đắp mô và đêm đêm thường nghe tiếng đạn pháo kích...!
Những buổi sáng mùa Đông ở Bạc Liêu vô cùng thích thú tôi thường đến trường thật sớm, trời Đông lạnh khô ráo tuy nắng bụi nhưng vẫn còn hơn là mưa bùn, được đi bộ đến trường giữa đám học sinh thân quen, có niềm vui nhìn ngắm vườn hoa sao nháy đủ màu sắc của các soeur ở nhà thờ lớn trên đại lộ chính hay ngắm cây đào lông duy nhất đang trổ hoa trong sân tennis bên cạnh trường, nhưng niềm vui lớn nhất là được vô trường sớm chạy đến hộp thư tìm thư "người quen" ! Và trong những sáng mùa Đông đó cũng có một người đến sớm không kém là anh VH, anh cũng lục tìm thư nhưng hình như chỉ để xem "những ai" có thư thôi, và mỗi khi thấy mình có thư thì anh lại hay nói đùa "Hạnh phúc thay cho người có thư !", phòng  giáo sư vắng người anh thường hay thổi kèn harmonica những bản nhạc buồn làm lòng càng nôn nao nhớ nhà, nhớ quán cà phê của mẹ !!
Trưa và chiều tan trường đi ngang qua chợ dịp cuối năm thì thật là nhộn nhịp, người ta chưng bày đủ thứ lễ vật cúng cuối năm, những tháp bằng đường đủ màu sắc, những bánh trái lựu to nhỏ xen với đủ loại giấy tiền, đèn lồng màu được bày bán đầy mặt tiền cửa hàng... Học trò vừa chỉ cô xem vừa giải thích để thuyết phục cô đừng về, ngoài việc ăn  mừng lễ Đông chí ra người ta còn tổ chức đi biển, thăm vườn nhãn., mừng vụ mùa thu hoạch cuối năm...Nhưng cô vẫn về vì niên học thứ hai một mình ở trọ, ngoại lên Sóc trăng, cậu cũng ít về Bạc Liêu, nhất là "người thân" cũng rời Bạc Liêu hẹn ...với ngoại sẽ trở lại khi tu nghiệp xong hai năm !!
Sự lạc lỏng cô đơn thiếu tình thân gia đình làm mình càng mong về hơn, thờ ơ với tình cảm gắn bó của học sinh dù trong lòng rất thương mến các em, biết bao lần anh VH đề nghị rủ thầy cô nhóm Văn tổ chức cho học sinh cắm trại chung cho vui, tuy rất ngại nhưng vẫn phải từ chối rồi lại khăn gói về Sài Gòn giữa 2g30 đêm mà không lo lắng đến những bất trắc mình có thể gặp trên đường đi vào thời chiến tranh !
Mùa Đông của niên học đầu học trò chưa thân thiết nhiều, nhưng qua niên học thứ hai thì các em học sinh thân gần cùng cô giáo hơn, nhất là khi thấy cô ở một mình thuê nhà người quen mà không ở tập thể cùng các cô giáo độc thân khác trong trường. Còn nhớ năm đó Tiết Đông Chí về thăm nhà, khi quay trở xuống thì bà chủ nhà báo hôm kia Đông chí, học trò xách một gà mên lớn đầy chè xôi nước đem đến biếu cho cô cả mấy chục viên! Tục lệ của lễ là ngoài những món bánh trái ra nhà nào cũng nấu chè xôi nước, bao nhiêu tuổi thì ăn bấy nhiêu viên ỷ. Viên ỷ nhỏ hơn viên xôi nước, cũng bằng bột nếp nhưng không nhân, nhà nào cũng thức suốt đêm để nấu chè, với người lớn tuổi người ta thay một viên xôi nước bằng 10 viên ỷ tương đương với 10 tuổi, các em chỉ đoán tuổi cô và vì thấy cô ở trọ cho nên mang lại cho cô trên hai mươi mấy viên ...! Và món quà đó dĩ nhiên cô chỉ nghe kể và chủ nhà "khen" học sinh thương cô quá, khen chè ngon và chè nhiều quá ăn không hết! Cô chỉ dùng hàm thụ mà trực tiếp là gia đình chủ nhà thưởng thức vì chè không thể để lâu được mà nhà cũng không có tủ lạnh !
Học trò thời đó thương cô giáo ở xa nhà cho nên quan tâm đến cô rất nhiều, biết cô cứ khoảng bốn tuần về Sài gòn thì cuối tiết học chót có em lại đem quà gởi biếu cô kèm theo phong kẹo chewing gum để cô dùng lúc ngồi gần cả ngày  trên xe hay đôi khi chờ phà bị kẹt, chờ phá mô. Có lần đang dạy hai tiết kề nhau nhìn ra ngoài thấy một em nam sinh ngại ngùng đứng ngoài cửa lấp ló ngoắc cô ra tặng cô túi hột gà mà mẹ em đã để dành cho em tặng cô dưỡng sức...!!
Hơn mấy chục năm qua, nếm trải biết bao nhiêu biến cố của thời cuộc nhưng mỗi lần Tiết Đông chí đến, nhìn các cửa hàng rực rỡ chưng bày quà bánh bán cho mùa lễ thì bỗng dưng thấy buồn, một nỗi buồn day dứt khó quên và ngậm ngùi ước gì mình được trải qua Tiết Đông chí một lần như ngày xưa nơi quê ngoại
.....Và tôi chưa bao giờ cúng Đông chí cho mãi đến năm nay, cô bạn lại tặng hoa ngày Chủ nhật, sau khi đi chợ Vườn chuối thì có việc ghé chợ Bàn Cờ mua rượu và vài món cần dùng, cô chủ tiệm là người Hoa cũng khá thân, cô tất bật bán hàng, qua câu chuyện mới biết ngày mai là Tiết Đông chí, khách hàng đến mua giấy tiền rất đông, có người không rành phải nhờ cô hướng dẫn, Cô giải thích thế nào là Đông chí và với người Hoa đó còn là Tết cuối năm cho nên người ta cúng thật rầm rộ
Cô cẩn thận hướng dẫn mua lễ vật và sắp xếp bàn cúng như thế nào, cô luôn căn dặn phải có ba viên xôi nước kèm theo mấy viên ỷ, cô nói bây giờ người ta cúng đơn giản hơn nhiều chỉ trừ những gia đình giàu có, gia đình đầy đủ đông vui thì mới cúng linh đình như  ngày xưa
Mọi việc trên đời đối với tôi đều có cái "duyên" của nó, ngày mai 21 tháng 12 là Tiết Đông chí và cũng là ngày Sinh nhật của Ti, ngày Đông chí năm nay còn có điểm thật đặc biệt là ngày duy nhất sau 800 năm hai sao Thổ và sao Mộc hội tụ cùng trái đất, cả hai tiến lại gần nhau và...lướt qua nhau !!Năm 2020 là một năm có nhiều biến đổi, toàn thể thế giới lao đao vì dịch bệnh Covid, biết bao gia đình mất mát đau khổ, thôi thì xin hãy lướt qua nhau và mang đi theo những nỗi buồn của dương thế
 Ti có đề nghị ăn buffet chay ở Đại Nam Hưng, không ngờ khi đến nơi thì quán đã đóng cửa ! Cả một tập thể nhà hàng rộng lớn tối thui không đèn làm hai cô cháu càng thêm chạnh lòng không còn vui vẻ hứng thú nữa, tôi nói thôi thì đi ăn  cháo lòng bánh hỏi Bình Định cho thuận đường và không phải chạy loanh quanh giữa lúc ngoài đường có quá nhiều xe cộ chen chúc nhau....
Khác với mọi năm, ngay tại trung tâm thành phố vẫn chưa có vẻ khởi sắc của dịp lễ lớn ngoại trừ các khuôn viên nhà thờ đông vui nhờ các xe bong bóng, những món hàng bày bán trên lề đường trước cổng nhà thờ...Khi đi ngang qua nhà thờ Tân Hương định nói với Ti dừng lại chụp vài tấm ảnh để chia sẻ cùng các bạn nhưng cảm thấy không còn hăng hái như các năm trước khi có dịch Covid
 Sáng sớm còn sốt sắng bày biện để cúng cho kịp trước khi Ti đi làm để Ti có thể đốt nhang "ăn Tết" Đông chí lần đầu tiên trùng hợp với sinh nhật của Ti, ngoài ra còn trùng hợp với sự hội tụ kỳ tích của sao Mộc và sao Thổ ngay trong đêm Đông Chí, một đêm dài nhất trong năm và cái duyên hạnh ngộ hiếm hoi đó mãi đến tám trăm năm sau mới có một lần !
Không biết tại sao mình lại có nhiều cảm xúc đến như thế, mong rằng thời gian tới sẽ thuận duyên hơn, tất cả nỗi đau sẽ qua mau và đi xa giống như sự chia tay của sao Mộc và sao Thổ, nỗi niềm của cô giáo ngày xưa cũng đã vơi đi ít nhiều...Có lẽ cảm xúc ấy đã làm mình quên chụp ảnh lại khi cúng, chợt nhớ ra thì đã dọn dẹp cả rồi chỉ còn lại cặp đèn cầy vẫn còn cháy cùng bình hoa của cô bạn, đó cũng là cái duyên vui ấm áp trong ngày Tết Đông chí nầy !
Thôi thì đành hẹn với lòng sẽ nhớ và ghi hình lại trong mùa Đông chí của năm sau vậy...!!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Ký ức mùa Đông)


Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Một sự thay đổi hoàn hảo,

 

Mẹ mãi mãi không bao giờ thay đổi,
Vẫn bên con trong suốt chặng đường đời....
Cho dù mẹ đã xa khơi,
Tình cha nghĩa mẹ muôn đời trong con
NM 
 
Một sự thay đổi hoàn hảo,
Như chưa từng có chuyện chia ly ...
Ngày này 3/12 cũng là ngày dương lịch mà 40 năm trước mẹ đã ra đi lặng lẽ giữa lúc chìm sâu trong giấc ngủ và con luôn ân hận sao giờ phút đó không có con bên cạnh như hằng đêm con luôn kề cận mẹ, có lẽ mẹ đã trả hết nợ trần hay con không còn duyên với mẹ ?!
Mẹ đã ra đời trong sự thương yêu và hãnh diện của gia đình nhất là của ông ngoại cho nên ông mới đặt tên cho mẹ là đại dương bao la, cái tên đó cho dù được thay bằng chữ lót mới bình thường thì nó cũng đã vận vào số phận của mẹ rồi
Khi mẹ gặp ba, hai người đã là một cặp đôi rất đẹp và tài hoa, ba và mẹ cùng tham gia chương trình ca nhạc của đài phát thanh Pháp Á thời đó, ba mẹ cùng thời với ca sĩ Thái Thanh, Hoài Trung và Hoài Bắc..Lúc đó nghệ danh của mẹ là Thùy Dương, ba đánh đàn và mẹ hát, nhưng từ lúc chính thức lập gia đình thì ba mẹ dứt khoát rời khỏi ban nhạc để cùng nhau xây dựng tổ ấm, chúng con đã có hơn tám năm tràn đầy hạnh phúc và vui vẻ, hạnh phúc tưởng chừng như kéo dài mãi nếu không có niềm vui khác của ba mẹ và chính niềm vui đó là nỗi bất hạnh của gia đình, con vẫn chưa bao giờ oán trách vì con đã hiểu lý do tại sao, đó chính là nghiệp duyên mà giờ đây con vẫn chưa có thể giải hết cho gia đình mình !!
Mẹ ra đi nhưng vẫn chưa hết đời lận đận, lần đầu tro cốt mẹ được gởi trong tháp Phú Lâm của chùa Ấn Quang... xa xôi vì sau năm 75 nhiều biến cố xảy ra, nhà lại không còn đủ phương tiện di chuyển như xưa, con bận bịu đủ điều vừa kiếm tiền mưu sinh vừa lo cho gia đình, nuôi các em, tài sản không còn ba vẫn đi làm nhưng chỉ có trợ cấp...cho nên lại dời tro cốt mẹ về chùa Hòa Khánh cho gần hơn, lúc đó ba còn sống, ba đã bốc mộ ông nội và cũng chọn nơi đây để gởi tro cốt của ông nội vì ngày xưa Gò Vấp và Xóm Gà là quê hương, gia đình nội đã từng sinh sống rất lâu
Gần ba mươi năm trôi qua, ba mất thì lại chôn ở Bình Hưng Hòa kế bên mộ bà nội, hàng năm con cháu luôn tề tựu về chùa thăm ông nội và mẹ ....Tất cả chị em đều vui vẻ với việc thăm viếng ông bà cha mẹ, ba và nội thì trước Tết, mẹ và ông nội lại ngay chiều mùng một sau khi con cháu sum họp về nhà đốt nhang bàn thờ, chúc Tết và lì xì cho năm mới....!
Vạn vật luôn vô thường, khu đất thổ mộ của gia đình thuộc chùa Xá Lợi lại được chính quyền ghé mắt, người ta có hàng vạn lý do hợp lý để cướp đi những gì của người khác cho dù có giấy tờ minh bạch, cho dù đó chỉ là nơi chôn nắm xương tàn, thế là con lại tất bật chạy lo tìm chỗ để gởi tro cốt cho bà nội và ba, luôn tâm niệm làm sao cho gần chùa, làm sao cùng nằm ở Gò Vấp vì ba yêu thương nơi nầy xem đó là quê hương của mình...
Cuối cùng con cũng gởi được tro cốt của bà nôi và ba vào tháp Gò Vấp, tưởng tượng con đã vui biết bao nhiêu cho dù ngày đưa bà nội và ba nhập tháp thì lại buồn thiu vì chỉ có ba người, con và cha con Ti, đứa con trai khác dòng và đứa cháu nộị không phải đích tôn của bà nội và ba...Ngồi sau xe Ti chở con đã ứa nước mắt nhìn H ngồi sau xe ôm với hai hủ cốt của nội và ba, con thầm cám ơn ba đã tốt và thương yêu cha con nó mà giờ đây con không phải cô độc lẻ loi để lo cho ba !!
Ngỡ rằng mọi việc an vui vì ít ra bà nội và ba cũng đã gần ông nội và mẹ, nhưng số phận vẫn còn nghiệt ngã với mẹ...Con lại phải vất vã lo chuyển ông nội và mẹ về tháp gởi cùng một phòng với bà nội và ba, căn phòng tuy đã đầy hết chỗ nhưng tâm thành có lẽ thấu đến Phật Trời, bỗng nhiên có một gia đình tự ý rút hai hủ cốt đem về quê, may mắn ông nội và mẹ được chấp nhận gởi vào thay hai chỗ đó, con đã mừng biết bao nhiêu vì cuối cùng ông bà nội và ba mẹ đã gặp nhau, cùng sum họp trong một căn phòng !
Tấm hình và bảng tên của mẹ theo thời gian không nhìn ra, hai cô cháu đành tìm ảnh khác thay thế cho mẹ về nhà mới, ngày gắn hình mẹ những người quản lý tháp ai cũng khen hình mẹ quá đẹp và hai hủ cốt xưa kết hợp với hình ảnh ông nội mặc áo dài khăn đóng trong đám cưới ba mẹ làm người ta trân quý hơn...
Con đã vui và hài lòng cho dù con đơn độc rất cực khổ mới gởi được lần sau nầy và nghĩ thầm chắc hẳn mẹ sẽ bình yên, nhưng không ngờ số phận còn trớ trêu với mẹ , lần nầy không phải là hủ tro cốt bị nạn mà lại là tấm hình của mẹ đang thờ bị thấm nước mưa dột lần thứ hai, tấm ảnh đã bị một lần 3,4 năm về trước nhưng nó chưa đến nỗi nào chỉ hơi ố ngoài rìa ảnh, lâu dần khô lại cũng chỉ hơi vàng một chút, thế nhưng lần thứ hai thì ảnh bị dộp và mặt ảnh bị dính vào kình có gỡ ra khéo léo mấy nó cũng mất vài chỗ...!
Rước cốt mẹ về tháp con vui và ngỡ mẹ sẽ yên vị với chỗ gởi mới nào ngờ số phận hẩm hiu vẫn còn đeo đẳng khiến cho hình mẹ loang lỗ, tấm hình thời trẻ hãy còn nét đẹp thanh xuân, tấm hình nầy được bà cô Photo Hưng chọn để rọi làm hình thờ của mẹ, bà cô nói chỉ chịu hình nầy vì giống thời mẹ còn trẻ hay đi chơi Đà Lạt hằng năm với bà, riêng con thì con lại thích tấm ảnh sau cùng của mẹ chụp ở Viễn Kính, lúc nầy mẹ đã trải qua đau khổ lớn nhất trong đời lần thứ hai sau khi chia tay với ba, mẹ đã lấy lại bình tĩnh để tiếp tục mở nhà hàng mua bán, mẹ vẫn đẹp với vẻ chính chắn và sang trọng hơn với mái tóc cắt ngắn, lúc làm lại hình gắn trên hủ cốt con đã dùng hình nầy hình trông sáng sủa và hợp với hình của ba hơn !!
Lại phải lục tìm hình cũ làm sao cho giống tấm hình thờ, nhưng cuối cùng con vẫn phải dùng hình sau nầy, đó cũng là ước nguyện của con, cô chủ tiệm cầm hai tấm ảnh trước và sau luôn miệng khen mẹ quá đẹp không thua gì Thẩm Thúy Hằng và Thanh Nga ngày xưa, con nói mẹ cùng thời với họ, nhưng mẹ hoàn toàn không sữa đổi gì cả, cô chọn tấm thứ hai là tấm sau nầy còn tấm cũ hình bằng giấy lụa rọi lớn sẽ thấy mờ và hột !!
Thật là vui vì đó cũng là tâm nguyện của con, nhưng thâm tâm không khỏi ngậm ngùi vì mẹ vẫn còn lận đận cho dù đã mất tròn 40 năm rồi ! Không còn trên cõi đời nhưng mẹ vẫn trải qua nghịch cảnh khó khăn lắm mới được cùng về một chỗ với bà nội và ba, tưởng đã bình yên nào ngờ vẫn chưa được êm xuôi, cùng một trang thờ mà hình ông bà và ba không hề bị thấm nước mà hình mẹ lại bị dột đến hai lần !!
Ngẫm lại con thấy thế mà hay giờ thì hình gắn trên hủ cốt và hình trên bàn thờ đã thống nhất hoàn toàn giống nhau và đó cũng là tấm hình con yêu thích, con nhớ lúc mẹ đang bệnh khi xem hình con chụp cũng cắt tóc ngắn mẹ đã so hai tấm gần nhau và nói hình nầy hai mẹ con rất giống nhau, giống nhất là khuôn mặt tròn phúc hậu, con đã vui biết bao nhiêu vì đó là lần duy nhất mẹ nói con giống mẹ, con biết mẹ nói cho con vui, an ủi con vì lúc đó con rất cực và chỉ có con ở gần chăm sóc mẹ thôi !
Giờ thì tấm hình mới thay cho tấm ảnh ố vàng đã bốn mươi năm, bàn thờ hình như sáng sủa hơn và ấm áp hơn, hôm nay ngày dương lịch là ngày mẹ ra đi, chỉ còn đúng một tuần nữa là giỗ của mẹ, bây giờ mới thật sự là một sự thay đổi hoàn hảo, chắc hẳn ba mẹ hài lòng và vui lắm con cứ ngỡ như là ba mẹ chưa từng có chuyện chia ly !!
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Gia đình tôi)

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Chùa Hang, nơi thường ghé

Bước chân trần
Những bước chân trần bước đi trong nắng,
Pháp y màu tươi sáng rực như tâm...
Bước chân đi chậm rải rất âm thầm,
Mỗi một bước an nhiên trong Pháp Phật!
Bỏ ngoài kia bao cảnh đời tất bật,
An trú trong giáo lý Phật thâm sâu...
Sá gì đâu kiếp sống khá cơ cầu,
Con đã ngộ vô thường nơi cõi thế !!
NM
 Chùa Hang, nơi thường ghé
          Sân trước của chùa Hang (còn gọi là chùa Cò hay chùa Bồ câu)vì nơi đây có một số lượng cò và bồ câu nhiều nhất, hơn nữa đa phần chùa Phật giáo ở Trà Vinh nhất là chùa Miên khg có tên Việt, chỉ có chùa Hang thôi vì nhờ những đặc điểm riêng của chùa, chứ thật ra chùa cũng có tên tiếng Miên
Lần nào về Trà Vinh cho dù đi loanh quanh nhiều nơi nhưng chùa Hang vẫn là nơi ghé "tạm trú' nhiều nhất có lẽ nhờ bóng mát của cây sala trong sân, sự thanh tịnh êm ả của buổi trưa vắng lạng
           Tự nhũ lần nầy cố gắng chụp hình kỹ hơn.  vì hôm nay có lẻ chùa có khách du lịch ngoại quốc tham quan, chùa chưng bày những sản phẩm điêu khắc do chùa làm ra ở bên ngoài văn phòng, đa phần nghệ nhân là các chú tiểu đang tu học tại chùa, ngoài ra chùa còn dạy nghề thêm cho người dân nghèo bên ngoài
        Đúng là mình khg phải "phóng viên chuyên nghiệp" ngồi ở băng đá mãi nhìn đoàn du khách  ngoại quốc đông viếng chùa lo nghe ngóng để ráng....hiểu mà quên chụp hình dù đi nhiều lần có khi ngay ngày lễ hay Chủ nhật cũng chưa thấy khách ngoại quốc chỉ toàn xe của Việt Kiều thôi, đây là lần đầu, nghe được người du khách nam nói với 1 ông Á châu khg biết Tàu hay Việt kiều đây là lần đầu tiên họ viếng chùa nầy....!!
        Phía sau chùa là xưởng vừa dạy nghề vừa sản xuất và cũng là nơi chưng bày các sản phẩm do chùa tạo ra, giờ nầy mọi người đều nghỉ tay duy chỉ còn lại người đàn ông nầy đẻo đẻo gọt gọt, có con gà làm bạn đứng trên đống gỗ gáy trưa. 
        Nhìn bộ dạng của người thợ thì có thể đoán ra đây là người nghèo bên ngoài vào học với tấm lòng say mê và cũng mong thành tài để kiếm sống, Trà Vinh nhiều chùa đẹp nhưng Trà Vinh có nghề nông là chính và cuộc sống của người nông dân khá là cơ cực

        Hôm nay trên đường đi hoa mai nở thật nhiều, nhìn cành và lá không giống mai thường và cũng không giống mai tứ quý mà hoa nở thành chùm, đứng đợi Ti đổ xăng chụp 1 tấm hoa mai nở còn tươi vì bây giờ là 2g trưa rồi, nhìn những hoa hơi héo có hoa tới 8 cánh
        Xin tặng những hoa mai nầy cho các bạn cùng học trường ..".Hoa mai vàng" của mùa Xuân bất tận !! Lạ nhỉ đang đi xa mà khg hiểu sao khi nhìn thấy một cây mai vàng bên đường mà mình lại nhớ đến ngôi trường xưa của thời học sinh thơ trẻ, có lẻ vì đây là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi hoa niên còn được sống dưới sự che chở của ba và mẹ
 

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre

   Biển Tình - Quang Lệ




Nơi đây kỷ niệm,
Kỷ niệm buồn của ngày xưa quá khứ,
Có dần quên theo con sóng thời gian ?
Cất bước ra đi mơ giấc mơ vàng...
Trong phút chốc bỗng tan thành bọt nước !!

Rồi quẩn quanh với cõi đời ô trược,
Quay tìm về nơi chốn ấy năm xưa...
Chốn cũ quạnh hiu, lau lách rặng dừa,
Sao lại thấy dường như hồn lạ lẫm...?

Có gì đâu qua tuổi xuân đằm thắm,
Biết bao điều nghịch lý đã trải qua...
Chỉ dạo chơi tìm một chút xưa mà,
Rồi trở lại sống những ngày quên lãng !!
NM

Làng đóng tàu và ghe ở Bình Đại Bến Tre
          Trước khi ra biển Thừa Đức bỗng dưng muốn tìm đến làng đóng tàu thuyền của Bến Tre, một nơi mà ngày xưa lúc phong trào vượt biên đang rộ rất rộn rịp khách đến đặt hàng !
        Vừa đi vừa hỏi cuối cùng cũng tìm ra cơ sở nầy nằm sâu trong huyện bên cạnh con sông và gần sát bên phà cửa Đại của biển Bến Tre, vị trí nầy thật thuận tiện cho cả ghe nhỏ và tàu lớn khi hạ thuỷ
          Trừ ngôi nhà lớn khang trang có lẻ của chủ xưởng đóng tàu ra, chung quanh là nhà nhỏ của người dân và thợ đóng tàu ở gần đó, phía sau và mặt trước của xưởng vẫn là những gian nhà lá lụp xụp, chung quanh xường người ta chất đầy cánh quạt, vỏ xe và vỏ gỗ thừa...
          Lại gặp "Bình Tân", địa danh nầy trùng với quận BT gần nhà, Bến phà khang trang nhưng vắng lặng có lẻ vì ngày hôm nay người ta tạm dừng tất cả mọi sinh hoạt để tham dự lễ Nghinh Ông. 
          Nhìn những chiếc ghe nhỏ còn nằm chờ trên con rạch chợt ngậm ngùi cho thân phận của những người vượt biên ngày trước vì mấy ai dám ra đi với chiếc ghe lớn ? Đoạn đường chờ đợi từ lúc đóng ghe, rồi hạ thuỷ ghe, len lỏi qua kênh rạch chờ giờ ra sông lớn rồi từ đó mới ra khơi ngoài biển rộng ....Mấy ai thành công và biết bao nhiêu người thất bại ?!

Đứng trước phà cửa Đại sông nước mênh mông lòng bỗng bâng khuâng như đối diện với một nơi có di tích lịch sử, cho người và cho....mình !!
NM Phan thị Ngọc Diệp


 

Nhạc - Thơ - Văn Biển Thạnh Hải (Cồn Bửng) Bến Tre và những con ốc viết

Biển và bờ,
Sóng cao rồi cũng cạn,
Cùng biển về bờ vui...
Nhớ đêm ngày vất vả,
Bao cay đắng ngọt bùi !
 
Sóng đời dâng biển động,
Sóng biển rộng bao la,
Biển cho ta tôm cá...
Biển mênh mông là nhà.
 
Những ngày thuyền xa biển,
Ôm nỗi nhớ không nguôi...
Biển đôi khi giận dữ,
Nhưng biển vẫn ngậm ngùi !
 
Thuyền về nằm trên cát,
Thảnh thơi nhìn khơi xa...
Ngoài kia muôn sóng vỗ
Thương biển cũng là nhà
NM

          Biển Thạnh Hải (Cồn Bửng) Bến Tre và những con ốc viết

Ti đi đám cưới bạn ở Thạnh Hải Bến Tre về quảng cáo và rủ đi TH liền Ti còn nói bảo đảm sẽ thích khi đến đó vì vẻ đẹp nên thơ của làng quê, sự yên tịnh mát mẻ của cây cối, và nhất là ốc viết rất nhiều trên bãi biển có thể tha hồ lựa những con to và đẹp mang về thả vô hồ nuôi cá

          Đến biển Thạnh Hải trong những ngày còn hoang sơ và biển đang xâm lấn dần vào đất liền, hàng quán ở đây đang dở ra lùi vào trong bờ, ngoài ra người ta còn nâng nền và gia cố ciment cho chắc vì vậy mà bãi biển còn trong tình trạng bừa bộn, ông chủ quán phải ra khiêng bổng xe phụ Ti đem vào sân quán, thấy Ti khg mang theo nón ông còn tử tế đưa cho mượn.chiếc nón rơm để đội...
         Lúc nầy Lucky hãy còn sống đi đâu cũng mang nó theo, ban đầu nó còn hăng hái lẩn quẩn bên chân, nhưng sau nắng quá nó rẻ vào một chòi lá bên đường nằm thở dốc và lim dim !!
          Từ trung tâm Bến Tre ra biển có rất nhiều vườn dưa hấu và dưa gang, dưa hấu muốn mua thì trên đường về ghé Bến Lức, nhưng dưa gang thì phải mua liền ở đây, trái dưa nào cũng "bự" phải chọn lựa tìm trái vừa đủ cho hai người ăn thôi vì nếu ăn không hết để tủ lạnh nó hay chảy ra nước
          Bây giờ thì tạm chia tay với biển, cũng ước mong sẽ có ngày quay trở lại, được nhìn ngắm vẻ đông vui và cảnh đẹp của biển, nhất là bờ biển quang đãng, ổn định hơn. Biển hãy còn rất thiên nhiên, nơi đây ngày trước là chỗ các thuyền cập bến để chở người ra đi và cũng là nơi chứng kiến biết bao sự thất bại của họ khi phải cặp bờ dưới sự quản thúc của dân quân thời đó (theo lời kể của những người từng vượt biên từ mấy chục năm về trước) Nhà tù vượt biên ở Bến Tre nổi tiếng là một trong những nơi khắt khe nhất có lẻ vì đây là "Quê hương Đồng Khởi" !! 
NM Phan thị Ngọc Diệp
(Biển Quê hương)