Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chào Tháng 4

Đôi mắt Xuân Sơn 
Chiều tháng tư Xuân Sơn, chiều không lạnh,
Đất với Trời sao lặng lẽ em ơi...
Trà mùa khô hương vị thoảng chơi vơi,
Khói đốt rẫy anh ngỡ là mây núi !

Hương Ô Long dường như còn phảng phất,
Đào má hồng đượm vị ngọt chua chua...
Về Sài Thành anh tiếc ngẩn tiếc ngơ,
Nhớ đôi mắt long lanh trong tranh vẽ

Đã thoát qua một thời đầy binh lửa,
Xuân Sơn chừ yên ả một vùng quê...
Đôi mắt em theo dõi dọc lối về,
Tôi bắt gặp nụ cười em trong đó !!
NM
Đôi mắt Xuân Sơn
Chiều tháng tư ở Xuân Sơn không lạnh một chút nào. Ai bảo Đà Lạt lúc nào cũng lạnh? Xuân Sơn, hai tiếng ấy vang lên cứ như tên một bài thơ. Cũng đúng, sơn là núi, núi mùa xuân, mùa xuân là mùa để cỏ cây hoa lá đua nhau khoe sắc, thơ quá đi chớ? Xuân Sơn đương xuân, xa xa trùng điệp một màu xanh của núi, gần hơn một chút, những vạt cà phê và trà cheo leo trên những sườn đồi cũng một màu xanh. Con đường đổ bê tông nhựa nóng ngoằn ngoèo êm ru chạy ngang một sườn đồi, cảnh vật vụt qua đằng sau chiếc Future Vân đang chở tôi. Vân hơi quay lại
 Tôi lắc đầu:
- Không, Xuân Sơn thanh bình quá!

Vân hỏi lại:
- Anh nói sao, thanh bình à?

Tôi nói đúng vậy và dõi mắt ra xa, dưới chân núi mây mù che phủ, tôi chỉ tay về hướng đó:

- Vân thấy không, ở dưới chân núi đó mây đang che phủ giống y như cảnh thần tiên trên… Thiên Đàng!

Vân nói:

- Mùa này là cuối xuân, đã tháng tư rồi, nếu anh đến Xuân Sơn vào mùa đông anh sẽ thấy sương mù xuất hiện từ lúc 3 giờ chiều, nhiều khi đi ngoài đường chạm mặt nhau mới biết trên đường còn có người, hết cả hồn!

- Vậy sao?

Vân nói đúng vậy, cây trà mùa khô nhờ những hạt sương nên hương vị nó rất nồng nàn, khác hẳn vùng trà B’Lao, vậy mới có thương hiệu trà Cầu Đất. Bây giờ người ta mang giống trà Ô long bên Đài Loan qua trồng, lạ thiệt giống trà đó không ướp hương vẫn nồng thơm một cách tự nhiên.

 Vân tiếp:

- Nhưng đó là chuyện ở thôn Phát Chi kia! Vân chỉ tay về một đỉnh đồi cao nơi một con đường có vẻ đang cố sức bò lên: - Xuân Sơn thôn em người ta chặt trà gần hết rồi, họ chuyển qua trồng cà phê Catimor, ba em cũng vậy… Còn sương mù em kể anh nghe chơi chuyện ngày xưa thôi chớ bây giờ sương mù là của hiếm, ngay cả trong mùa đông. Thứ mà anh tưởng là mây ngàn dưới chân núi có thể là khói đốt rẫy đó.

Tôi không kịp nhận ra những gì Vân kể, tôi đang nhớ lại tách trà Ô long mà ông nội Vân mời tôi lúc nãy, hương thơm dường như còn phảng phất đâu đây. Ông nội Vân vừa đi đâu về, lúc trưa khi tôi đến nhà Vân không gặp ông. Tôi nhấp một ngụm trà và nháy mắt với Vân, em nói:

- Nội ơi tụi con ra ngoài này chơi chút nghe nội?

Không chờ nội có đồng ý hay không, Vân kéo tôi ra sân chỗ mấy cây đào lúc lỉu trái. Vân giục tôi leo lên hái cho em mấy trái đào má hồng, tôi ngạc nhiên, hỏi lại “má hồng” à? Em cười và hồn nhiên, líu ríu: - Đúng má hồng, anh cứ leo lên cây chọn trái nào một bên có màu hồng căng mịn là trái chín, anh hái rồi thả xuống. Nhớ thả trúng tay em nha… Đào má hồng giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt, em phải lòng thứ trái này từ hồi còn nhỏ.

Tôi hỏi lại “phải lòng” à? Vân cười…

- Vậy anh phải lòng em mất thôi!?

Tôi trên cây đào má hồng dòm xuống, em dưới gốc cây ngước lên, bốn con mắt quyện vào nhau, tôi thoáng thấy một màu hồng xuất hiện trên má em.

- Anh ăn gian, ai cho anh phải lòng em hả?

Tôi đang ngẩn ngơ với tiếng “ăn gian” thì Vân đã vụt chạy vào nhà, em dắt xe ra hối tôi:

- Em chở anh ra Xuân Trường, chậm là hết xe buýt đó!

Tôi tiếc ngẩn ngơ. Thời gian sao mà nhanh quá, mới đó mà đã chiều rồi, tôi chần chừ:

- Hết xe thì anh đi bộ, sợ gì?

- Anh đi bộ lên Đà Lạt à, sao không đi xe ôm?

Tôi nói, xe ôm thì mắc quá, chắc là hết nửa số tiền về lại Sài Gòn, anh là sinh viên nghèo mà. Vân cười, vậy thì nhanh lên một chút ông tướng ơi. Ôi Vân, em trở về nhà có mấy ngày mà đã dùng lại ngay “ngôn ngữ Xuân Sơn”, ở Sài Gòn em có nói vậy đâu? Em cười, con gái Xuân Sơn mà, tụi em còn dùng nhiều từ ngữ lạ huơ lạ hoắc hơn nhiều, anh không biết đâu. Nghe vậy tôi ước sao được một lần cùng Vân và đám bạn tung tăng vui vẻ trong cái không gian xanh của Xuân Sơn. Xuân Sơn ai khéo đặt tên? Vân nói anh đi bộ lên đường cái, con dốc này cao quá xe chở hai lên không nổi đâu. Lạ quá chừng, đường cái à, tôi hỏi lại. Em đáp ừ đường cái, em cũng không biết vì sao gọi là đường cái nữa, ba gọi vậy, mẹ gọi vậy em cũng gọi như vậy thôi. Anh đúng là con trai thành phố, ở phố về quê thấy cái gì cũng lạ, cũng hỏi, cũng thắc mắc… Vân cười khoe một cái răng khểnh, tôi thấy màu hồng trên gương mặt em tươi thắm một cách lạ lùng, khác hẳn lúc ở Sài Gòn, chắc là nhờ gió núi mây ngàn? Thấy tôi nhìn hơi lâu, Vân đỏ mặt:

- Leo lên xe đi ông tướng, nhìn gì mà nhìn kỹ vậy?

- Nhìn kỹ để chút nữa về tới Đà Lạt ngồi trên xe Thành Bưởi đỡ nhớ ai đó chớ sao!

Vân mím môi vặn tay ga, chiếc xe bỏ lại đằng sau một chút bụi mờ. Sắp xa Xuân Sơn rồi, một buổi chiều sắp trở thành kỷ niệm, tôi rầu rầu nghĩ, chắc gì mình còn có một kỷ niệm như vậy nữa? Thấy tôi im lặng, Vân gợi chuyện:

- Anh thấy quê em ra sao?

- Anh nói rồi, thanh bình!

- Anh có thích Xuân Sơn không?

- Thích, nhưng không biết người ta có cho mình thích không nữa?

Tôi nói cứ như một lời than hay một lời trách móc, chẳng ai có lỗi trong một buổi chiều mùa xuân với cảnh đẹp như tranh! Hình như Vân mơ hồ nắm bắt được một chút sường sượng trong câu trả lời của tôi, em nói:

- Anh không vui sao?

- Vui chớ, về nhà em mà không vui, mai mốt vô lại Sài Gòn em nghỉ chơi với anh thì chắc là anh buồn… tới chết!

Vân nghiêm mặt, em hỏi thiệt đó, giọng nói của anh có chút gì đó không vui, sao vậy? Bộ chiều nay nhạt nhẽo lắm sao, hay là em tiếp khách Sài thành dở quá, hay ông nội em không cởi mở hả? Ôi, Vân, em, con gái sao mà cả nghĩ, tôi tự than, lần này là một câu than thầm trong bụng. Tôi nói em dừng xe lại đi, mình ngồi với nhau trên bãi cỏ xanh kia chắc là thú vị lắm. Cỏ xanh làm dịu lòng người.

Quả vậy cỏ xanh làm dịu lòng người thật. Ngồi bên Vân tôi quên hết cái ý nghĩ vẩn vơ lúc nãy. Còn Vân thì không, em nói:

- Anh nói đi?

Một cặp mắt mở to, tôi thấy cả trời Xuân Sơn xanh trong đó và một chút lấp lánh khuôn mặt tôi trong con ngươi mắt em. Vân tiếp, sao anh nhìn gì lâu vậy, nói đi chớ? Nếu không thì anh đi bộ ra đón xe còn em quay lại nhà, nội đang chờ… Tôi la lên:

- Đừng… để anh nói, ai vẽ tặng em bức tranh chân dung đó?

- Bức tranh nào?

- Bức tranh có chữ Hồng Mây… Ai đó vẽ em giống lắm, anh đã học môn giải phẫu, những cơ mặt em người ta vẽ cứ như là “đánh cắp” từ gương mặt em ra, những mạch máu anh thấy nó đang chảy dưới làn da hồng hào của em… Chắc tay hoạ sĩ đó đã để hết tâm hồn vào em khi vẽ, là ai vậy cho anh biết được không?

Vân mở to mắt nghe tôi nói, còn tôi cũng căng tai ra để nghe em trả lời. Nhưng em im lặng. Khó trả lời vậy sao, tay hoạ sĩ tài hoa là ai mà em không muốn cho tôi biết chứ? Và nhất là quan hệ ra sao với em? Thắc mắc và dằn dỗi lớn dần lấp gần kín đầu óc tôi khiến tôi mụ mị. Tôi mím môi hỏi:

- Chắc là một chuyện riêng của em, em không kể được phải không?

Lúc này em mới trả lời tôi:

- Anh nghĩ vậy sao? Đúng đó là chuyện riêng nhưng em “kể được” nếu anh muốn nghe?

Cặp mắt em lại nói khác, tôi đọc thấy trong đó một câu hỏi “sao, muốn nghe không ông tướng?”. Tôi trả lời liền:

- Em kể đi, anh đang lắng nghe đây.

Thay vì kể câu chuyện riêng như em nói, Vân hỏi lại tôi:

- Anh thấy nội em ra sao?

Đôi mắt bạc màu thời gian của nội Vân giống như đám mây trắng đang lững lờ trôi trên bầu trời Xuân Sơn tháng tư hiện ra trong trí nhớ tôi. Tôi nói chắc nội Vân đang mang một nỗi buồn nào đó, anh thấy nội ủ dột, tia nhìn cứ thăm thẳm… mà thôi chuyện của người già, còn lâu lắm anh và Vân mới đến tuổi đó, để ý làm chi?

Vân nghiêm mặt, em nhìn tôi dường như trách móc:

- Sao không? Mỗi khi đến tháng tư nội đều buồn, nhất là tháng tư năm ngoái nội càng buồn nhiều hơn khi em mang bức tranh về. Trưa nay nội lại về nhà cũ, vườn nhà em trong đó…

…Cô Hai là chị của ba em, cô Hai tên là Song Mây, cô ba là Tam Mây, ba em thứ tư. Không biết sao nội lại thích tên Mây đến vậy. Nội cưng hai cô em lắm. Thời trước, nghĩa là cách đây lâu lắm, thôn Xuân Sơn của em không như vầy đâu. Thôn cũ cách thôn bây giờ chừng một cây số, trong đó có một con suối nước trong veo, nội lập vườn men theo bờ con suối. Nội từ ngoài Quảng vô, là dân kháng chiến cũ, em nghe nội kể vậy. Vì vậy khi Đội công tác đến Xuân Sơn, nội em vui lắm. Lúc nhỏ nghe nội kể chuyện cũ Xuân Sơn, em không để ý và quên liền. Sau này khi có bức tranh em mới hối hận sao mình thờ ơ với nội quá. Từ đó em mới tìm hiểu kỹ chuyện nhà mình. Là như vầy, cô Hai và cô Ba được nội cho lên Đà Lạt học, hai cô em ở nhờ nhà ông Chín, ngày ngày đi học ở trường Bùi Thị Xuân là trường nữ trung học thời đó. Lạ ghê há anh, con trai học riêng, con gái học riêng không như bây giờ… Mùa hè hai cô em về nghỉ hè và làm vườn giúp ông nội. Năm đó đâu như năm bảy ba, trong kỳ nghỉ hè cô Hai cứu được một anh bộ đội đi công tác lẻ bị thương tại con suối gần nhà, anh bộ đội vướng một quả lựu đạn gài. Anh nói thôn Xuân Sơn của em thanh bình à? Em cũng có lúc nghĩ vậy, nhưng nội kể trước năm bảy lăm, người ta không cho dân ở thôn cũ, sợ dân tiếp tế cho Việt Cộng, họ lùa dân ra chỗ bây giờ, lính hành quân càn quét liên miên, súng đạn liên miên, cái vẻ thanh bình hôm nay anh thấy có được đâu dễ dàng gì… Em không biết những chuyện này, không ai kể cho em nghe chuyện ngày trước cả, một đứa con gái như em ai mà kể chứ?

Tôi hỏi:

- Vậy sao Vân biết?

Em nhìn tôi, đôi mắt màu nâu của em ánh lên một tia tinh nghịch:

- Anh đoán thử coi?

Tất nhiên tôi chịu. Là vầy. Năm ngoái, em đi học đụng một trận mưa to, em phải tấp vô một cái quán ven đường. Đang ngồi nhìn mưa buồn muốn chết, vậy mà có một anh chàng cứ nhìn lén hoài, rồi lại làm quen. Sau một hồi nói chuyện, anh chàng nói trúng phóc là em ở Xuân Sơn và cứ gọi em là Mây, nhưng không rõ Hồng Mây hay Thanh Mây! Em ngạc nhiên ghê lắm nhưng cứ giả tảng để đi hết câu chuyện. Là vầy. Chú anh chàng đi thoát ly và hoạt động ở vùng này, khi đi công tác lẻ, chú Út của Hoàng bị thương và được cô Hai em cứu. Sau một tháng dưỡng thương, chú Út về lại đơn vị, ít lâu sau cô em cũng thoát ly. Hai người hứa hẹn những gì em và Hoàng không biết nhưng cô Hai em tặng cho chú Út một tấm hình. Tấm hình đó chu du ra tận miền Bắc, năm trước, một người cùng đơn vị với chú Út tìm đến nhà nội Hoàng để đưa một cuốn nhật ký, trong đó có ép tấm hình của cô Hai. Bữa đó trời xui đất khiến em vô quán mà Hoàng làm thêm, nghe giọng Đà Lạt của em, Hoàng nhận ra em liền vì em giống cô Hai như đúc. Chỉ có điều Hoàng cứ tưởng tên em là Mây vì trong nhật ký chú Út viết rằng cái tên Mây sẽ đặt cho con gái của cô Hai, sau này khi cô lấy chồng… đại loại là như vậy. Em tưởng câu chuyện chấm dứt ở đó, ai dè một tháng sau Hoàng gởi tặng em một bức chân dung bên dưới có đề mấy chữ “tôi vẫn gọi em là Hồng Mây”, anh chàng đang học năm thứ tư mỹ thuật.

Vậy là đã rõ, nỗi ấm ức nãy giờ cũng được giải toả đôi chút, không biết cái anh chàng tên là Hoàng đó có còn gặp Vân lần nào nữa không? Hai người có qua lại nhau sau một dịp gặp gỡ rất tình cờ, lại có uyên nguyên từ lớp người trước… Nhưng tôi để dành những câu hỏi gai góc đó cho một dịp khác, trong không gian này, chuyện của nhà Vân còn đọng lại những cái lớn hơn rất nhiều mà em chưa kể hết. Tôi hỏi:

- Cô Hai giờ ở đâu?

- Em nghĩ cô quanh quẩn trong thôn thôi, cô Hai yêu Xuân Sơn lắm, nội em nói vậy!

- Vân nói rõ hơn được không?

- Là cô chết vào năm bảy lăm. Ngày hai tháng tư, nhìn dòng người xe cộ lính tráng rã ngũ chạy về Phan Rang, nội đã chờ cô Hai về. Rồi hết tháng tư cũng không thấy cô trở về, nội bắt đầu sốt ruột. Mãi đến cuối năm, người ta mới báo tin cô đã hy sinh.

Giọng em buồn thiu. Tôi tôn trọng tâm trạng của em trong lúc này, tôi quay qua hỏi chuyện chú của anh chàng tên Hoàng. Vân nhìn tôi trách móc, anh không để ý sao, một người bạn chiến đấu cùng đơn vị với chú Út ở tận ngoài Bắc tìm đến nhà nội Hoàng… Chú hy sinh năm bảy tư, chắc trước cô Hai vài tháng.

Tôi im lặng lấy máy ảnh ra và bật chế độ xem lại ảnh. Tôi chụp lại tấm hình này từ bức tranh mà không cho Vân biết. Vân chụm đầu vào cùng xem với tôi, em hỏi:

- Anh chụp lúc nào mà em không biết?

- Lúc em xuống bếp, giờ thì anh rõ chuyện bức chân dung rồi, nhưng vẫn không biết anh chàng Hoàng đó vẽ cô Hai hay là vẽ em?

- Em cũng có lúc nghĩ như anh, anh đoán xem?

99 phần trăm anh chàng Hoàng vẽ Vân rồi, có lẽ hắn ta vẽ Vân qua gợi ý từ tấm ảnh của cô Hai mới ghi mấy chữ “tôi vẫn gọi em là Hồng Mây” chứ? Một nỗi hờn ghen vô cớ xông lên trong đầu óc tôi. Hay cho cái anh chàng Hoàng này. Tôi nhìn kỹ vào tấm hình, bỗng tôi nhớ lại đôi mắt của nhân vật trong tranh, một đôi mắt mở to, cái thần trong đôi mắt ẩn chứa một tia nhìn quyết liệt.

Tôi ngộ ra rằng cái tay Hoàng đó sai rồi, hắn vẽ cô Mây mà cứ gán cho Vân. Thời của cô Mây là một thời binh lửa, còn bây giờ Xuân Sơn đang yên ả một vùng quê, Vân đâu có được một cái nhìn như vậy. Tôi nói:

- Hắn vẽ cô Hai, chính xác là như vậy!

- Sao anh biết?

- Anh nhìn vào đôi mắt trong tranh.

- Anh nói rõ hơn được không?

Tôi không vội trả lời, tôi nhìn thật sâu vào mắt Vân, tôi bắt gặp một nụ cười của em trong đó, đôi mắt của em đã cướp linh hồn tôi từ ngày mới gặp.

Giờ thì tôi biết chắc rằng mình đã lạc vào mắt Vân, một đôi mắt Xuân Sơn.

Võ Anh Cương


   
Hoa súng đỏ
Trời tháng tư anh tìm hoa súng đỏ ?
Giữa tháng mười trời đất đổ cơn mưa...
Lục bình buồn héo rũ giữa trời trưa,
Lại nhắc nhở tích xưa hoa súng đỏ !
 
Giữa trời nắng lửa chênh chao,
Tìm hoa súng đỏ ngày nào tích xưa...
Em về thương nhớ tháng tư,
Mơ hoa súng đỏ từ ngày bên anh !!
NM

Ngụ ngôn của tháng tư

Tạp chí Hồng Lĩnh số 139 giới thiệu truyện ngắn "Ngụ ngôn của tháng tư" của tác giả Trần Tú Ngọc.

Tháng Tư ngầu bụi. Không có mây. Không có mưa. Chỉ những cơn gió khô khốc đưa móng vuốt lồng lộn cào qua đám cỏ cháy. Đất trời rùng rùng. Không khí căng phồng. Nứt nẻ.

Tôi đi tìm một bông súng đỏ.

Những bờ sông lở lói nhìn tôi giễu cợt. Tàu hút cát chạy ầm ầm. Đến cây to còn tróc rễ đổ xuống nữa là yếu ớt như phận sen phận súng.

Những con mương trơ lòng ngập trong rác rến. Chuột bọ chết trương bụng. Đám trẻ con lem luốc quệt nước mũi lòng thòng.

Bà lão bán bánh bò ở Châu Đốc nhọc nhằn chèo xuồng đưa tôi qua đầm nước sắp cạn khô. Thở dài não ruột: thật hết biết tụi trẻ bọn bây, chẳng nhớ gì ráo trọi. Muốn tìm hoa súng phải đợi đến tháng chín tháng mười, về đây khi mùa nước nổi nghen con.

Nói vậy nhưng chính bà cũng không biết mình có lẫn hay không. Đã mấy năm rồi không có mùa nước nổi. Nghe thèm bông súng bóp xổi với dấm và đường cát, thêm chút rau răm, chấm với nước mắm kho quẹt hay nước tương kho, nhắc đến đã nhểu nước miếng. Sang hơn thì tước cọng súng nấu canh cá trê, cá linh, cá sặc đồng, húp một miếng nghe đã rồn rột. Không có nước, súng quắt queo chẳng trổ nổi bông, tôm cá cũng bỏ đi hết. Đất đai mặn xót.

Tôi không nghe bà lão lẩm bẩm những gì. Tôi nghĩ đến Nguyên khi ngồi trên con xuồng luồn lách qua những đám lục bình héo rũ. Nguyên có đợi được đến mùa nước nổi.

Nước mình đâu đâu cũng ao đầm sông suối. Bạt ngàn súng tím, súng vàng, súng trắng, súng xanh. Có lần tôi bảo, nếu được chọn, anh sẽ lấy quốc hoa là hoa súng chứ không phải hoa sen. Hoa súng cũng đẹp cũng thanh chẳng kém sen, lại chỗ nào cũng có, chớ sen giờ còn mấy nỗi. Bảo quốc hoa mà phải tìm trên mạng để coi thì sao được. Nguyên bật cười: anh nói ngon ha. Ngoài đó có cái hồ Hoàn Kiếm lại gọi tắt là hồ Gươm. Tới lượt quốc hoa liền lấy luôn hoa súng. Tôi chịu. Nhớ lần đi Ấn Độ, ông lão chạy xe tuk tuk khi biết tôi đến từ Việt Nam liền hỏi: Bên đó đánh nhau xong chưa? Nghe ông nói mà mình cười như mếu. Nghĩ tới đất nước mấy nghìn năm tay chẳng mấy lúc rời súng rời gươm. Máu đổ xuống biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà giờ không kiếm đâu ra bông súng đỏ.

Hay tôi về Búng Bình Thiên. Mùa này vẫn mênh mang nước?

***

Tháng Ba năm 1782, Nguyễn Huệ đưa quân nam tiến, đụng trận dữ dội với Nguyễn Ánh ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ. Nguyễn Ánh thất trận dẫn tàn quân chạy trốn xuống phía nam, bên Tây Sơn có tướng Võ Văn Vương đuổi theo sát nút. Quân Nguyễn Ánh đi suốt ngày đêm không dám nghỉ. Tới ngày thứ bảy thì họ vượt qua một con sông lớn chảy từ Cao Miên sang. Qua xứ cù lao, tiến sâu vào một vùng mênh mông hoang địa. Xứ này vốn trước đây là đất Tầm Phong Long được vua Nặc Tôn dâng cho chúa Nguyễn để tạ ơn giúp củng cố vương triều. Dẫu các chúa Nguyễn đã ra sức khai phá, nhưng vì thủy thổ khắc nghiệt nên dân cư vẫn còn thưa thớt.

Đang giữa mùa khô, lương thực cạn kiệt, nước uống mang theo cũng hết, xung quanh rặt một màu cằn cỗi của cà na giữa sình lầy hôi thối. Quân sĩ kiệt sức gục xuống trong cơn khát cháy họng.

Đây đâu phải thời Tam Quốc, để nói rằng phía trước có rừng mơ.

Võ Văn Vương nôn nóng lập công nên tiến binh quá nhanh, tiếp viện phía sau không theo kịp. Binh sĩ vốn toàn người Bắc hà. Kết quả cùng bị kẹt giữa đồng hoang.

Hai bên cầm cự nhau giữa mùa nắng lửa.

Mỗi ngày bên nào cũng có vài người chết. Xác chết khát đều giống nhau, cổ họng sưng phồng, nhưng thi thể không trương sình lên mà khô lại đen kịt.

Trận đó không đánh mà mấy trăm người vong mạng, tới mùa này đom đóm bay đầy bên bờ Búng Bình Thiên.

***

Chuyện hai ông tướng kìm chân nhau ở cù lao An Phú, tôi được ông Tư Ròm kể cho nghe trong một lần điền dã về miền Tây. Ông Tư chừng hơn bảy mươi tuổi, người cao khòng, lông mày hơi xếch mà sợi nào cũng mọc dài rủ xuống trông rất ngộ. Hai người một già một trẻ nhậu ngay trên sạp thuyền, giữa đồng nước mênh mông hoàng hôn xuống đỏ ối. Mồi câu gỡ ngay từ dưới hồ lên, cá sặt, cá chốt, cá rô lớp chiên lớp nướng giòn rụm.

- Vậy chớ con đọc trong sách, nghe biểu ông này hay ông kia tới xứ này mùa hạn, thiếu nước, lập bàn cúng tế trời đất rồi rút gươm đâm xuống nước ngọt trào lên thành cái búng này đó tía.

Ông lão bó gối nhìn ra mặt nước mênh mông, mấy cái cây ô môi đứng chơ vơ bên kia bờ đầm nhòa dần trong bóng tối. Giờ lâu ông mới nói:

- Chuyện đó tao cũng nghe người ta nói, ai muốn tin thế nào thì tin. Ờ nghĩ cũng hay ha. Cái xứ này hồi trước dữ lắm, toàn cá sấu rắn rết với muỗi mòng, đỉa thì nhung nhúc vô thiên. Có ai sống nổi đâu. Vậy mà mình tới đây khai khẩn. Rồi lớp này lớp nọ kéo qua đánh nhau. Người chết nhiều gấp mấy mươi lần người sống.

Như cái hồi giải phóng đó mậy, mấy ổng đụng nhau cả trăm trận, tới giờ xương cốt bốc hoài chưa hết. Nhưng ghê gớm nhất là cái đợt năm bảy tám. Cũng tháng Tư vậy nè. Tự nhiên đang yên đang lành bên kia biên giới tràn sang, giết một lúc mấy nghìn mạng người. Mà toàn bằng cuốc xẻng mới ghê. Lúc đó đang giữa mùa khô, sau một đêm máu nhuộm đỏ đồng, sáng ra bỗng nhiên súng nở bông khắp xứ. Cả một vùng bạt ngàn bông nào bông nấy đỏ bầm như máu.   

Đêm đó tôi trở mình mãi trên con đò chênh chao, thao thức trông ra bờ đầm tối sẫm. Xa xa mấy chiếc thuyền câu nhà ai sáng đèn le lói. Nhìn mờ mờ ảo ảo cứ nhập nhòa như bầy đom đóm kéo về. Những hồn oan trong trận đánh năm xưa đã siêu thoát được hay chưa. Chỉ mơ màng nghe trong mênh mang sông nước, lẫn giữa bùn non ngai ngái, thoang thoảng mùi hương bông súng đỏ.

Tôi về lại Sài Gòn, kéo Nguyên đi dạo lòng vòng cho đỡ nhớ. 

Nguyên của tôi vốn dân gốc mấy đời quận Nhất. Từ thời cụ cố đã có sạp vải to nhất chợ Bến Thành. Hồi mới ngoài bắc vào tôi gặp bà nội Nguyên, bà lão gần chín mươi mà da dẻ hồng hào như con gái mười tám. Hỏi bà hồi chiến tranh mình ở trong thành cuộc sống nó ra sao. Bà bảo chuyện đánh nhau bà không có biết. Lúc căng nhất thì cũng nghe bom rơi đâu đó bên miệt Thủ Thiêm, chứ dân đây cứ thường thường mà mần ăn buôn bán vậy thôi. Cho nên hồi tháng tư năm bảy lăm mấy ổng tiến vô, cậu em kêu tui chạy lên nóc nhà trực thăng nó bốc ra tàu qua Mỹ mà tui đâu có đi. Tới đận cải tạo tư sản, muốn đi lại không được nữa. Giờ già rồi, chỉ mong yên ổn đợi lúc nằm xuống là xong.

Ba Nguyên vượt biên sang Mỹ bốn năm sau giải phóng, cưới một bà người da trắng, lâu sau đó mới sinh ra Nguyên. Nhưng rút cục lòng vòng rồi Nguyên lại quay về Việt Nam sống cùng bà nội. Nguyên học bên lịch sử, tôi làm báo cho quân đội. Gặp nhau, quay qua quay lại thế nào lại nói chuyện chiến tranh.

- Này anh - Nguyên khuấy cốc cà phê đã tan hết đá - mình kể chuyện gì khác đi. Chuyến nào đi về anh cũng ì ùng súng đạn với cờ bay phấp phới. Nói hoài không chán sao.

ên, như vô vàn những người lính tôi đã gặp, đột ngột rơi tõm vào lặng im khi tôi khẽ khàng xen vào một câu hỏi riêng tư giữa trận chiến. Vậy chớ hồi đó ở trong bưng, chú Hai có thương ai không. Hồi đó mùa nước nổi chú Ba nằm hầm nó ra làm sao, ăn uống nó ra làm sao. Cái cô giao liên dẫn chú Tư băng đồng hôm đó tóc dài hay tóc ngắn. Mấy chú bỗng nhiên im bặt. Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích. Giờ có tìm cách khơi gợi lại cũng chỉ là một khoảng trống mênh mang, mất mát, hoang hoải như cánh đồng mùa nước lên sóng gợn tới chân trời.

***

Tôi kể Nguyên nghe về ông Tư Ròm tôi gặp bên Búng Bình Thiên.

Đó là những năm tháng dữ dội trên biên giới Tây Nam, còn khốc liệt và đẫm máu hơn cuộc chiến tranh mà chúng ta mới vừa bước ra trước đó. Đánh nhau liên miên, nhưng với người lính, súng đạn gầm thét không đáng sợ bằng những phút giây im lặng trên chiến trường. Trước và sau mỗi trận đánh, là một khoảng thẳng căng, vắng rợn.

Ông phụ trách khẩu M40 106 mm, một loại hỏa lực cực mạnh ta thu được của chế độ cũ mà chỉ có rất ít người được đào tạo bài bản mới biết sử dụng. Khi xung trận, uy lực của M40 làm quân địch nhiều phen kinh hoàng.

Nhưng điều đó xoáy sâu vào lòng ông một nỗi buồn thăm thẳm.

Hận thù sẽ chìm đi khi đã buông súng sau cuộc chiến mà những ranh giới mỏng manh vẫn không thể bước qua.

Ý kiến của ông tham gia vào các kế hoạch tác chiến đều bị gạt đi bởi cái nhìn nghi ngại của cấp chỉ huy. Nhiều người lính trẻ măng ngã xuống vì sơ suất điều nghiên không đáng có.

Lẽ nào đổ lỗi cho chiến tranh để lòng thôi day dứt.

Cô y tá người Bắc có đôi mắt rất trong đã từng hỏi ông như thế. Quê cô hình như đâu đó bên suối Yến, tháng mười hoa súng dệt hồng hai bên bờ sông uốn mình như dải lụa. Cô phải viết đơn bằng máu mới được ra chiến trường.

Họ đã gặp nhau trong một cái nhìn rất lặng. Những khi hoàng hôn vàng rực buông xuống bên trời, một cánh chim chao nghiêng giữa thinh không thăm thẳm, cô dõi mắt về nơi xa xăm và khẽ hát: Trong gió bay đi tôi nghe mùa hạ về/Mùa thu chưa đến, tôi nghe mùa hạ đi/Ôi những mùa mưa, mùa nắng màu rất lạ/Mùa này tôi thấy, bao nhiêu áo quan về.

Tiếng cô lẫn vào trong gió như thanh âm nức nở lùa qua vòm cây thốt nốt trầm u. Giữa đổ nát hoang tàn của đền tháp sẫm dần trong bóng tối, điệp khúc da diết của Trịnh Công Sơn ngân lên đau xót và buồn thương. Mắt ông nhòa lệ.

Chuyện đến tai chính ủy sư đoàn. Không biết cấp chỉ huy đã nói gì mà khi trở về, cô y tá úp mặt vào đôi bàn tay để những người thương binh không thấy cô đang khóc.

Cô được lệnh ngay lập tức chuyển về tuyến sau, nhưng mới ra khỏi vị trí đóng quân đã vấp phải mìn địch phục kích gài lại. Vết thương quá nặng, khi ông hay tin thì cô gái đang hấp hối trong trạm phẫu.

Cô chỉ tiếc trước khi nhắm mắt không được nhìn lần cuối một bông hoa súng. Lúc đó đang tháng Tư, giữa mùa khô kiệt nhất. Ông điên cuồng băng đồng lội ruộng trong tuyệt vọng, bất chấp lúc nào cũng có thể đụng địch mong kiếm về cho cô một bông hoa. Vậy mà cuối cùng ông cũng thấy. Giữa mùa nắng lửa. Nở bừng một bông súng đỏ tươi như máu.

Hết chiến tranh, ông về bên Búng Bình Thiên, sống đơn độc một mình.

Bây giờ đi dọc bờ búng, ông Tư Ròm đã mất lâu rồi, tôi không nhớ nổi chuyện  đó là ông Tư kể cho tôi, hay tôi nằm mơ thấy rồi tưởng tượng ra. Nhưng thôi. Tìm hiểu kỹ ngọn ngành làm gì. Mất mát và đau thương nhiều quá, có khi phải dựa vào một cánh hoa yếu ớt, để mà trụ lại giữa dằng dặc bão giông.

***

Mãi rất lâu sau này, nhiều lần qua lại dọc mạn sông Châu Đốc, tôi mới hay ông Tư Ròm cũng như nhiều người xứ này trước đi lính cho chế độ cũ, tới đợt Pon pot tràn sang, lại tình nguyện qua chiến đấu bên Campuchia. Hai cuộc chiến mang hai màu áo khác nhau, nên tới lúc hòa bình trở về, lòng có lúc chênh chao như sóng.

Bởi lòng người đâu có ai cũng bao dung được như Búng Bình Thiên, mùa khô hay mùa mưa đều có nước.

Bởi nhiều lúc tháng Tư về, nhà này treo cờ đỏ loa mở tưng bừng thì nhà kia âm thầm đóng kín cửa. Đóng kín cả cõi lòng.

Bởi nhiều lúc đang yên ổn làm ăn, có người lại nhắc chuyện từ thời xa lăng lắc nào đó, một ông vua bên này dâng đất cho một ông vua bên kia, để con cháu cứ vin vào đem ra cự cãi.

Những lúc lòng rối bời như sóng, tôi lại tìm đến Nguyên. Ngồi nghe Nguyên hát “Ngụ ngôn của mùa đông” trong quán cà phê nhạc Trịnh: Một ngày mùa đông/Một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Từ đó ra đi/ Một ngày mùa đông/ Một người Việt Nam/ Thôi ra dòng sông/ Súng nổ thật gần/ Tiếng đạn đầy hồn/ Từ đó bâng khuâng/ Nhớ thủa mẹ bồng/ Lời ru trong sáng/ Nhớ mẹ hiền lành/ Ngồi với đàn con.

Nguyên của tôi, hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu, một hình xăm hoa hồng bên vai trái. Tôi mãi mãi nhớ dáng nàng ngồi nghiêng nghiêng bên cây đàn ghi ta, nhớ đôi mắt nàng lấp lánh như hai ngọn lửa nhỏ, nhớ tiếng thở dài rất khẽ khi chỉ có hai người lặng im.

Giữa Sài Gòn rộng lớn này, chúng tôi chỉ bé như hai hạt cát. Vậy mà những lần lang thang bên nhau đó, cuối cùng cũng đến tai bố mẹ tôi ngoài Hà Nội. Bố tôi gọi tôi về Bắc, một chuyến bay dài hơn hai nghìn cây số, chỉ để hỏi: Bố nghe dạo này con vào trong đó giao du rộng rãi lắm phải không?

Mẹ tôi nhỏ nhẹ khuyên bảo. Con phải nhớ con là ai. Phải nghĩ tới cuộc đời cống hiến của bố con. Phải nghĩ tới vị trí mà con đang có. Rồi còn tương lai của con cháu sau này nữa.

Nhiều thứ như thế, tôi nhớ sao hết.

Tôi gánh sao nổi trên hai vai này.

Hà Nội tháng Tư không quá nóng, cũng chưa inh ỏi tiếng ve, vậy mà tôi nghe đầu ong ong như sắp vỡ. Bố mẹ nhìn tôi như một kẻ sắp sa ngã, sắp đào tẩu, sắp phản bội cả gia đình dòng họ.

Tôi và Nguyên đã làm gì nên tội.

Ngày đó tôi chưa kịp hỏi ông Tư, trong cái trận đánh nhau thời Tây Sơn đó, vậy rồi tại sao cuối cùng tướng Võ Văn Vương lại tha cho Nguyễn Ánh, để ông ấy thoát ra được ngoài đảo Thổ Chu.

Tôi cũng không hỏi ông ngày đó cô y tá người Bắc có biết ông thương thầm cô không. Hay là cô cũng thương ông mà không dám nói.

Nhưng điều tôi day dứt nhất, là không biết cái bông súng đỏ đó, cái bông súng mà ông tìm được giữa tháng Tư khô kiệt, có kịp mang về cho cô gái đó trước khi cô mất hay không.

***

Bà má người Châu Đốc cho tôi ở nhờ, đã ngoài bảy mươi tuổi mà chưa chồng nên người ta vẫn gọi là cô Ba. Ở vùng này ai cũng biết cô Ba bán bánh bò. Bánh của bà làm từ bột gạo, với đường thốt nốt, thêm một vài bí quyết gia truyền, dậy mùi thơm không tả nổi. Nhà bà cất ngay bên bờ kinh, sàn ghép bằng ván, đêm nằm nghe gió lùa mát rượi.

Ba giờ sáng tôi trở dậy ngồi coi bà hấp bánh bò, từ từ chuyện nọ chuyện kia rồi hỏi: Vậy chớ hồi nào tới giờ cô Ba có thương ai không. Bà cười mủm mỉm: Có chớ. Hồi xưa cô Ba cũng có thương một người. Hai bên tình cảm dữ lắm. Nhưng mà nghèo quá không đăng đối, nên thôi mình giãn ra khỏi tội người ta. Ổng không hiểu vì cớ gì mình từ chối nên buồn lắm, cứ đón đường tìm cô Ba hoài mà tui lánh mặt. Giờ ông đó còn không cô Ba? Ông mất lâu rồi con. Ông đi lính hồi năm bảy mươi cho chế độ cũ, tử trận cũng chưa vợ con gì. Nhà đó di tản qua Mỹ hết. Mộ ổng nằm giữa đồng hoang, mấy lần loạn lạc, chẳng biết thất lạc từ đời nào.

Đêm u u gió. Đom đóm bay rợp bờ kinh Vĩnh Tế. Tôi nghĩ nếu trong những linh hồn xiêu dạt đó có ông người yêu cũ của cô Ba, thì lúc nửa đêm ghé qua lò bánh bò này, ông cũng chẳng nhận ra cái người mình thương mình nhớ khi xưa nữa. Người chết còn trẻ mãi. Không chừng lại hỏi này chớ bà già ơi, bà có biết cái cô tóc dài dài da trăng trắng hồi trước hay bán bánh bò ở mạn này giờ đâu rồi không. Bà già sẽ nín thinh không nói. Để mặc linh hồn ông cứ lang thang tìm hoài tìm hoài.

Bà lão hấp xong bánh bò, dỡ ra đợi nguội. Bánh phồng lên vàng ruộm. Bà bảo tôi cậu cũng đang thương cô nào phải không. Nhìn cái bộ dạng cậu như người thất hồn lội khắp bưng biền tìm hoa bông súng mùa này, là tôi biết đang mang tâm sự dữ lắm. Nếu thương người ta thì cứ nói ra, đừng có giữ trong lòng rồi sau hối không kịp. Quay qua quay lại đã hết một đời người.

Nguyên bảo tháng Tư làm gì có hoa súng.

Cũng không bao giờ có hoa súng đỏ trên đời.

Tôi mới trở vô Sài Gòn được hai ngày thì có ngay cái giấy gọi ra Bắc học lớp bồi dưỡng chính trị. Tôi biết cuộc nói chuyện ngắn ngủi giữa hai bố con ngày càng có khoảng cách với nhau khiến ông không thể yên lòng. Tuổi trẻ của bố tôi bị chiến tranh nghiền nát trên chiến trường B rồi đến chiến trường K, đến giấc mơ mấy chục năm sau hòa bình còn hoảng hốt bởi tưởng giặc đã xông vào tận cửa. Tôi thương ông, nhất là những ngày tháng Tư tháng Bảy thấy ông run rẩy đi thắp hương trên mộ đồng đội cũ.

Bố chỉ có một mình tôi.

Tôi có một mình Nguyên.

Nguyên chẳng có gì. Tôi muốn tìm cho em một bông súng đỏ.             

Tháng Tư nắng đỏ.                  

***                                           

Tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi hai mươi lăm tuổi, tóc nâu, mắt nâu. Ở bên Mỹ người ta bảo tôi là người Việt Nam. Về Việt Nam mọi người gọi tôi là người Mỹ.

Tên tôi là Jacqueline Nguyễn. Bạn bè thường gọi tôi thân mật là Jenny. Chỉ mình anh gọi tôi là Nguyên.

Tôi gặp anh lần đầu tiên trong bảo tàng lịch sử chiến tranh. Anh mặc bộ quân phục màu xanh rêu, vai đeo quân hàm, trên ngực áo có tấm biển nhỏ màu đỏ ghi họ tên. Anh là nhà báo, hôm đó được phân công đi cùng với đoàn của trường đại học Yale.

Anh khá đẹp trai, nói tiếng Anh rất chuẩn, nhưng trông không cuốn hút, thậm chí hơi khô khan. Mãi đến khi chiều tối, gặp lại nhau trong một quán cà phê bên sông Sài Gòn với mấy người bạn chung, tôi mới thật sự bị anh thu hút bởi cái giọng Bắc pha tiếng người Nam, nghe dễ thương đến lạ. Trong cái rì rầm thổn thức của sóng nước chiều hôm, anh nâng cây đàn ghi ta lên và hát: Một ngày mùa đông/một người Việt Nam/ Ra bên dòng sông/ Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi/ Nhớ về biển rộng/ Thuyền ghe lướt sóng/ Nhớ về nghìn trùng/ Nòi giống của chim.

Tôi biết mình đã tìm lại được Việt Nam, vào cái buổi hoàng hôn hôm đó.

Anh đã đưa tôi qua những cánh đồng mênh mang mùa nước nổi, đã cùng tôi ngắm bình minh lên nơi đất mũi Cà Mau, đã hát cho tôi nghe bài hát đẹp đến bi thương mà những người lính hát trước ngày ra trận.

Tôi nhớ nụ cười anh rất hiền, giọng nói anh rất ấm, và anh chưa từng nắm tay tôi.

Chỉ có một cái nhìn khắc khoải.

Nên tôi sẽ ra đi. Bởi tháng Tư làm gì có hoa súng đỏ.

Dòng người nối dài chậm rãi bước qua quầy làm thủ tục.

- Nguyên. Nguyên ơi.

Có tiếng ai gọi từ phía sau, mắt tôi nhòa nước. Trên đời này có duy nhất một người gọi tôi bằng cái tên đó.

Tôi đã bước qua bên kia cổng kiểm soát an ninh. Anh đứng ở phía bên này. Trên tay anh là một bông súng đỏ

Chào nhé tháng Tư./.

Trần Tú Ngọc 


Tháng Tư Và Nỗi Nhớ 

Tôi giật mình thức giấc đã là giữa trưa, thành phố hôm nay ôi bức đến lạ! Cái nắng Sài Thành cứ như thiêu đốt tất cả, tiếng quạt máy chạy vù vù hết công suất mà vẫn chẳng làm dịu bớt được bao nhiêu. Tôi cho phép mình làm con mèo lười trong căn gác nhỏ, lục lọi, dọn dẹp lại cái kệ sách bụi đã bám khá nhiều. Bỗng một quyển lưu bút rơi ra, từng trang giấy đã ngả màu vì năm tháng, cánh phượng hồng ngày nào giờ cũng chẳng còn thắm đỏ một màu.

Tôi ngâm nga với nét buồn trong đáy mắt:
Ta chợt nhớ một mùa yêu xa lắm!
Thuở ve kêu thấp thoáng nỗi đợi chờ
Phượng rực cháy những hồn thơ xanh thẳm
Ta yên bình chở mùa hạ vào mơ
Đâu ai biết phượng tàn theo sắc áo
Giọt lệ gầy rơi vỡ giấc thơ ngây
Đôi mươi đến tô hồng môi thiếu nữ
Đường ta đi nắng hóa những đọa đày..
(Một giấc mơ say)

Đang thả hồn vào trang vở thì "Ting ting" (tiếng báo tin nhắn kéo tôi về với thực tại) :
- Tao yêu mày! Làm mẹ của con tao nhé! Hihi Cá tháng tư vui vẻ".
Con bạn trời đánh, sắp làm mẹ của hai đứa trẻ rồi mà cứ như con nít. (Tôi mỉm cười rồi rủa thầm). Thế là tháng tư lại về, ngày này 7 năm trước chúng tôi còn là những cô nàng nữ sinh cấp ba, duyên dáng, thướt tha trong tà áo dài mỗi buổi chiều tan lớp.
Tôi nhớ mãi tháng tư năm cuối cấp, đó là cái tháng đỏng đảnh nhất trong năm, có chút mãnh liệt lại pha ít nhẹ nhàng, rõ ràng rất cuồng nhiệt sao vẫn thấy trong đó sự thờ ơ đến lạ! Tháng tư quê tôi ngập tràn trong sắc tím của cô nàng bằng lăng mong manh, dịu dàng mà quá đỗi lãng mạn, nên thơ. Sân trường tôi lại như cài hoa đỏ, từng cánh phượng hồng như thắp lửa cho mùa hè đang đến, trong vòm lá mấy chú ve cũng bắt đầu tấu lên những giai điệu đầu tiên..
Đến tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được cái nét thẹn thùng của cô thiếu nữ và sự lúng túng của cậu học trò, trao vội cho nhau phong thư rồi vội vã quay đi. Mấy năm nay trong guồng quay không hồi kết của cuộc sống, tôi không còn cơ hội nhìn thấy những khoảnh khắc ấy nữa. Trong thế giới của công nghệ thông minh, những dòng thư tay lùi dần vào dĩ vãng - một dĩ vãng xa xôi mà nên thơ, nên nhạc.
Tôi nhớ sân trường chiều hôm chia tay tà áo trắng thơ ngây, nhớ giọt nước mắt của từng đứa bạn cả trai lẫn gái. Nhớ cả cái nắm tay vụng về của cậu bạn chung lớp chung trường:
- Tớ đi du học, cậu chờ tớ được không?
Lúc ấy tôi chỉ cười buồn:
- Yên tâm đi, cả lớp mình sẽ chờ cậu về mà!
Tôi không cho cậu một lời hứa, không muốn cậu bận lòng nơi đất khách, cũng không muốn ràng buộc bản thân trong những tháng ngày thanh xuân tuổi trẻ, phải đau đáu một dáng hình ở tận trời Tây. Tôi vội vàng quay đi để tránh cho cậu nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe, nhòe lệ của đứa con gái vốn được cho là mạnh mẽ, bất cần! Vậy mà tôi vẫn kịp nghe tiếng cậu lằm bằm: "Rõ ràng là cậu hiểu ý tớ mà!"
Ngày cậu lên máy bay, tôi không đi tiễn mà ở nhà ngấu nghiến quyển "Cổ tích tình yêu" của tác giả Nguyễn Thị Phương, nước mắt ngắn, nước mắt dài nhòe cả trang sách. Chẳng biết vì tác giả viết cảm động quá hay vì tôi buồn, tôi nhớ ai đó nên cứ quằn quại với mớ khăn giấy mẹ mới mua lúc sáng. Sau ngày đó, con bạn thân nó trách tôi, nó bảo hôm lớp ra tiễn cậu, cậu cứ trông hoài theo dòng người, mắt như tìm kiếm một bóng hình nào đó cho đến tận lúc vào làm thủ tục mới thôi. Biết sao được, khi ngay cả bản thân tôi còn chưa thuyết phục được mình thì làm sao dám hứa hẹn điều gì với cậu. "Yêu xa" - hai từ này quá nặng nề với một cô nhóc sớm nắng chiều mưa, trưa buồn buồn lại nổi bão như tôi.
Ấy vậy mà ngần ấy năm, tôi vẫn không có nổi một mối tình nào cho ra hồn cả, cô độc đi về căn gác nhỏ, sắp xếp được công việc thì lại rày đây mai đó ngao du sơn thủy khắp nơi. Đến khi chùn chân mỏi gối thì bắt xe về nhà sà vào lòng mẹ làm nũng, nghe bà cằn nhằn và nghe chính mình ngâm nga câu ca nhạc Trịnh: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..." Thế thôi! Với tôi đấy gọi là bình yên!
Tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Tôi nghĩ thầm: "Chắc con bạn sợ tôi một mình buồn, nên rủ qua nhà nó đây mà!"
Tôi chau mày, lẩm bẩm:
- Số lạ! Ai vậy nhỉ?
Tôi nhấc máy:
- Hello! Ai vậy ạ?
Bên kia:
- Cậu khỏe không? Lần trước trốn lớp không đi tiễn tớ, lần này đừng vậy nữa, tớ về rồi, cậu đón tớ được không?
Tôi mỉm cười:
- Chào mừng cậu đã trở về!
Tôi nghe bên kia vang lên tiếng cười giòn tan của cậu, giây phút ấy cái nắng chói chang của Sài Gòn dường như trở nên quá đỗi dịu dàng!
Tôi trốn việc một tuần nhưng lần này không đi du lịch bụi nữa, mà làm hướng dẫn viên du lịch không công cho cậu bạn! Chúng tôi về lại trường cũ, đi lại con đường cũ, thăm lại những người cũ và hâm nóng lại mối tình ngỡ như đã cũ.
Cậu kể tôi nghe nhiều về những ngày tháng xa quê, kể với tôi niềm hạnh phúc khi trên đường vô tình bắt gặp một dáng người bé nhỏ da vàng và cậu kể về những giọt nước mắt khi thành phố chìm trong đêm, một mình cậu dõi về một miền nào xa xăm lắm. Tôi cũng kể cho cậu nghe về những con đường tôi đã đi qua, về những nơi giày tôi đã in dấu. Cậu nhìn tôi bằng đôi mắt không hề che giấu sự ganh tỵ:
- Có lúc nào cậu nhớ tớ không?
Khi đó tôi chỉ cười không đáp, thế là ngay lập tức đổi lấy cái cốc đầu đau điếng từ cậu bạn - người mà vốn dĩ tôi luôn cho là hiền lành, dễ mến có tiếng ở trường.
Tôi hỏi cậu:
- Khi nào cậu lại đi?
Cậu cười:
- Không đi nữa, về đây lập nghiệp, cưới vợ sinh con, góp sức cho quê mình! Còn cậu? Có đi nữa không?
Tôi tinh nghịch:
- Chưa biết! Để xem ai kia có đủ khả năng giữ chân tớ không đã!
Thế là cậu kéo tôi vào lòng:
- Không đủ sức thì anh đi cùng em!
Chúng tôi tựa vào nhau, nhìn hàng bằng lăng nhuộm tím cả con đường. Tôi bâng khuâng nghĩ: Tuổi trẻ - mỗi đứa một hoài bão, một giấc mơ, đắm mình trong cơn mưa thanh xuân mà đôi lần làm ta cảm lạnh. Song đến cuối cùng, ta lại tìm về bên nhau, như cậu - chọn rời thành phố xa hoa về lại quê nhà mộc mạc, hay như tôi - đi mỏi chân rồi cũng về với đôi vai gầy, vòng tay ấm và mấy câu cằn nhằn của mẹ. Và như cái cách chúng tôi giao nhau một lần nữa trong cuộc đời này.
"Mày à! Lần này tao không đi nữa!" Tối hôm đó, tôi nhớ mình đã nhắn cho con bạn thân như thế, khi nó lo lắng hỏi: "Mày định thế này mãi à? Kỳ này lại muốn đi bao lâu?"
ST 
 
Tháng tư qua đi,
Tháng tư qua đi không bao giờ trở lại,
Lá rơi đầy sau một trận mưa đêm...
Nắng chưa hanh và hoa nở bên thềm,
Hoa rực rỡ mang sắc Xuân mùa cuối !
NM
 Tháng Tư
Tôi nhớ một truyện ngắn trong sách thiếu nhi, kể về một cô bé nửa đêm nghe mưa rơi ào ạt ngoài cửa sổ, đến sáng hôm sau mở cửa ra đã thấy trời trong xanh trở lại, lá rơi đầy sân. Cô tiếc nuối vì đêm qua đã bỏ lỡ mất cơn mưa cuối mùa. Truyện đơn giản vậy thôi mà tôi cứ nhớ mãi, vì sự tiếc nuối trẻ con của cô bé ấy với một cơn mưa, với mùa đã qua, với những gì phải đi và không bao giờ trở lại. Dù một năm có bốn mùa, tuần hoàn như vậy, nhưng mùa xuân năm nay sẽ không còn là mùa xuân năm trước, những gì đã qua đều trôi mãi vào quá khứ. Tôi không nhớ rõ mùa đã đi qua trong truyện ấy là mùa nào, thu, đông hay xuân, nhưng vào tháng Tư năm nay, cũng có những cơn mưa khiến trời trở lạnh, nên tôi bỗng nhớ đến truyện ngắn ấy. Tháng Tư luôn đặc biệt với tôi.
Tháng Tư là lúc mọi thứ đều lưng chừng ở giữa, mùa hạ chưa sang, năm học chưa kết thúc, nắng chưa quá gắt gỏng, hoa vẫn còn rực rỡ. Vậy mà tôi ít khi nào vui quá mức vào tháng Tư. Lúc nào cũng vậy, tôi cứ ở lưng chừng, có lẽ là vì kí ức với tháng Tư. Kí ức ấy, tôi cất trong một ngăn tủ không vâng lời, cứ chực mở tung ngay cả khi tôi không chủ ý chạm đến nó.
Tôi có những người bạn, ngày 1 tháng Tư năm nào cũng nhắc tới Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung), chia sẻ ảnh của anh, viết bài về anh – một người đã ra đi mãi mãi vào năm 2003. Anh là cánh chim trong gió cô độc với những nỗi buồn không cách nào hóa giải, vào một ngày tháng Tư đã gieo mình xuống từ ban công khách sạn Mandarin Oriental (Hong Kong). Ngày Cá tháng Tư, khắp nơi người ta làm nhau cười bằng hàng loạt trò đùa đủ cấp độ. Ngày Cá tháng Tư, Leslie vĩnh viễn không còn nhìn đời bằng cặp mắt “chỉ có thể thấy trong những giấc mơ phù hoa về quá khứ của chúng ta” (Trần Khải Ca). 
Có những người, khi mà tôi biết đến họ, thì hoặc là họ đã không còn ở thời đỉnh cao rực rỡ nhất, hoặc là họ thậm chí còn không ở trên đời này nữa. Họ như những ngôi sao mà ánh sáng phải mất thật lâu mới đến được tới chỗ tôi, mà khi đó thứ tôi trông thấy chỉ còn là ảo ảnh của một thời đã xa. Khi tôi biết đến Trương Quốc Vinh thì anh không còn nữa, tôi chỉ còn thấy anh trong một cảnh phim của loạt phim Reply, trong đó các nhân vật ngồi thần người ra trước màn hình TV, mê mẩn anh và Vương Tổ Hiền trong Thiện nữ ưu hồn. Các bộ phim của Leslie tôi cũng chưa xem nhiều, nhưng ngay từ khi biết đến anh, cuộc đời của anh, xem vài cảnh phim anh đóng, tôi đã bị người nghệ sỹ này ám ảnh, và biết được rằng tháng Tư sẽ không bao giờ như trước nữa. Tôi biết ở nhiều nơi trên Trái Đất cũng có những người như mình, tháng Tư năm nào cũng nhớ đến Leslie với rất nhiều tình cảm.
Tháng Tư cũng gắn với một kỉ niệm khá buồn của tôi. Năm 2010 tôi nộp đơn xin học bổng UWC và bất ngờ được chọn vào vòng phỏng vấn ở Hà Nội. Lúc nhận được điện thoại mời đi phỏng vấn tôi bất ngờ lắm, không tin nổi một đứa ở tỉnh lẻ, tiếng Anh bình thường như mình lại được chọn. Tôi vui đến nỗi xoay mấy vòng như diễn viên múa rồi mới bình tĩnh lại. Kì tuyển chọn năm đó, tôi gặp nhiều bạn giỏi và tài năng, thú vị, và cũng có thể nói cuộc gặp gỡ đó đã có tác động đến đời tôi theo một hướng nào đó. Hóa ra là tôi cũng có thể làm được một điều gì đó vượt khỏi biên giới tỉnh lẻ của mình, con bé tôi mười mấy tuổi lúc đó lần đầu nhận ra như vậy. 
Nhưng năm đó cuối cùng tôi trượt, không được học bổng. Tôi vẫn nhớ mình ngồi trước màn hình máy tính và nước mắt chảy ròng ròng trên mặt, không buồn lấy tay quẹt lại. Tháng Tư năm ấy gắn với thất bại đầu đời của tôi, và tôi đã khá khó khăn để vượt qua nó. 
Giờ nghĩ lại, tôi không còn buồn như ngày xưa nữa, mọi thứ đã nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhưng đôi lúc tôi nhớ cái con bé tôi ngày trước, khờ khạo và liều lĩnh, lên gặp thầy hiệu trưởng xin thư giới thiệu, thầy đi qua mặt tôi mà không nói một câu nào, mà tôi chỉ hơi mất tinh thần một chút rồi qua gõ cửa phòng cô hiệu phó. Có khi tôi nghĩ, nếu ngày xưa mình vào trường khác, không nộp hồ sơ học bổng, thì có lẽ mình sẽ sống như những người khác, sẽ không có lúc buồn rầu ở tuổi 16 vì một cơ hội vuột qua. Nhưng nếu như vậy, tôi cũng sẽ không được chứng kiến bản thân mình có lúc trở nên kiên quyết như vậy vì một giấc mơ. Tôi vẫn sẽ nhớ về tháng Tư ấy, nơi giấc mơ thời trung học của tôi nằm lại đó. 
Tháng Tư năm nay, trong cơn mưa lạnh, tôi xem bản tin, nhìn nhà thờ Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) bốc cháy ngùn ngụt trong sự sững sờ của nhân loại. Biểu tượng của Paris tráng lệ, hội hè miên man bỗng chốc chìm trong khói lửa. Tôi vẫn chưa được nhìn thấy tận mắt nhà thờ này, hay Paris, và tôi cũng không rõ đến lúc có cơ hội được đến Pháp, thì khi ấy còn có thêm điều gì thay đổi nữa. Ngay cả Notre-Dame de Paris tồn tại qua bao thăng trầm lịch sử mà còn có thể bị tác động như vậy, thì đâu có gì hứa hẹn sẽ ở mãi một nơi, sẽ vững vàng? 
 Có khi đến một lúc nào đó, tôi nhận ra cơn mưa vừa qua chính là cơn mưa cuối mùa, mùa đã qua không quay trở lại nữa. Tháng Tư cũng cứ thế mà qua đi. 
Việt Anh
 


                            

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bánh giá Gò Công Đông


Chợt nhớ...
Chẳng phải quê hương mình,
Sao thân thương gần gũi...
Hai phận đời linh đinh,
Ra đi có buồn tủi !?

Luôn nhớ thân tình xưa,
Trải qua bao gió mưa,
Chùa nay vẫn còn đó..
Độ người qua gió mưa !

Trong thinh không vắng lặng...
Lắng sâu bao nghĩa tình.
Chuông ngân nga thanh thoát.
Dẫn hồn xa u minh  !!
NM
Bánh giá Gò Công Đông 
        Bài viết đầu tiên mở đầu cho phần Du lịch của NamMai 4 là một bài viết về những di tích của Gò Công, nhưng thật là thiếu sót nếu không giới thiệu về món bánh giá được xem là món đặc sản của quê hương nầy....!
        Đây là món quà quê hương tinh thần mà Nam, một người em trai kết nghĩa lúc còn sống Nam thường quảng cáo và tha thiết mời chào hai cô cháu về chơi sẵn dịp thưởng thức món "Bánh giá Gò Công Đông". Nam đặt tên như vậy vì một phần để phân biệt với bánh giá chợ Giồng và bánh giá Gò Công Tây, và cũng vì quán bánh giá nầy cùng ở trên con đường đến nhà Nam thuộc địa phận Gò Công Đông ...
       Thế nhưng hồi đó tôi chỉ được viếng Gò Công hai lần, tất cả hai lần đều đến và đi trong vội vã, lần thứ nhất khi nhà Nam vừa mới cất lại, ăn tân gia vừa đông người, vừa đi về trong ngày cho nên chưa biết quán nơi đâu ? Lần về thứ hai càng buồn hơn vì đó là lần về đưa tiễn Nam ra đi đột ngột !! Đông, anh của Nam cũng ân cần mời hai cô cháu khi nào có dịp về chơi, vợ chồng Đông sẽ chiêu đãi món bánh giá mà Nam vẫn thường nói với Đông mỗi khi về thăm nhà....
         Ngày qua ngày công việc và cuộc sống đã làm cho tôi dường như quên mất những cuộc đi chơi, những lời hứa với Nam rồi với Đông....Bây giờ thì "về hưu", nói cho vui chứ hàng họ càng ngày càng ít đi do kinh tế khó khăn khiến thời gian rảnh rổi nhiều hơn, tuổi tác cũng cao, hai cô cháu bàn nhau đi chơi, ngoài những chuyến đi Sóc Trăng dịp Thanh Minh ra, cô cháu còn đi Sa đéc thăm vườn hoa cảnh, đi Trà Vinh thăm bạn, rồi Cần Thơ.....
        Những chuyến đi như vậy toàn là đi trong ngày và bằng xe gắn máy để có thể ghé bất cứ nơi đâu chụp lại phong cảnh đẹp hay thưởng thức món ăn ngon bình dân đặc biệt của vùng miền địa phương. Nhưng rồi cuối cùng hai cô cháu cũng được thưởng thức món bánh giá Gò Công Đông !
        Trong những lần đi chơi trước hai cô cháu đã thưởng thức bánh giá Hoà Đồng cũng như bánh giá chợ Giồng, nhưng quán bán bánh giá nơi đây hai cô cháu rất thích vì cảnh quang dân dã hai bên đường, cận kề quán là những bạn hàng khác tạo thành nhóm như một cái chợ nhỏ, có rau, thịt, tôm cá và bánh quê đủ thứ như bánh chuối, bánh bò, bánh da lợn, bánh tầm bì...
        Ngoài món bánh giá ra quán còn bán bún thịt nướng mang hương vị riêng của làng quê, đặc biệt bún Gò công rất ráo sợi lớn hơn sợi bún bình thường, kết hợp với rau giá và miếng thịt nướng bằng than thơm lừng hoà với nước mắm ngon đã khiến hai cô cháu lần nào ghé cũng phải ăn cả hai món và mua bánh đem về !!
         Gò Công tương đối gần nên chúng tôi thường xuyên về chơi, ghé quán ăn sáng rồi chạy ngược chiều ra biển Tân Thành hóng gió đến trưa lại quay về. Mấy lúc sau lại bàn nhau đi tìm thăm di tích cổ....Dần dà hai cô cháu trở thành khách thân quen, tôi nói với cháu hay là mình sẽ viết bài phóng sự vui về quán bánh giá nầy của Gò công Đông....? Ti vui vẻ hưởng ứng liền
 
        Chủ quán là bà Tám cũng trạc tuổi tôi, bà cho biết sau năm 75 gia đình làm ăn thua lỗ... Hai vợ chồng bà dọn về đây, lúc đó ông Tám còn sống, ông được một người bạn quen nổi tiếng về bánh giá ở Gò công Tây giúp đỡ truyền dạy cho món bánh giá nầy, rồi cả gia đình họp nhau bán và nhờ đó trở nên khá giả, quán đã hoạt động trên 40 năm, sau khi ông Tám mất bà đã cùng các cô con gái tiếp tục buôn bán....
         Tôi ngỏ ý muốn giới thiệu quán thì bà rất vui vẻ hướng dẫn, quán nằm trên đường đi Gò công Đông. ấp Chợ Bến, xã Bình Ân. Từ trung tâm thị xã Gò công chúng ta tìm Ấp Gò Me, xã Bình Ân , qua khỏi cầu Trần văn Đông chừng 800m là đến quán, quán nằm phía bên tay trái, cùng sinh hoạt quây quần với khu chợ nhóm nhỏ, vì món ăn vừa ngon lại vừa rẻ nên hết rất sớm, có hôm chưa tới 8g sáng đã không còn...Mỗi lần muốn mua bánh đem về Sài gòn làm quà biếu thì chiều hôm trước Ti phải gọi điện thoại dặn trước !
         Bà Tám nói dễ nhất là hỏi tên bà Tám Diễm Ca, đó là tên cô con gái lớn, ở đây ai cũng biết ! Món ngon lại thêm cái tên thật là...thơ !! Ti nói đùa "Nhờ "Diễm Ca" cho nên bán hơn 40 năm vẫn đắt, nếu "Diễm xưa" thì có lẻ dẹp tiệm từ lâu !"
        Bây giờ Bà Tám chuyên ngồi chiên bánh, nướng thịt và phục vụ khách thì hai cô con gái phụ trách, cô bé gái Diễm Ca giờ đã có chồng và có con, bà tâm sự lúc khổ mở quán thì hai vợ chồng còn trẻ cùng nhau làm, con cái hãy còn bé bỏng....Ngồi ngay lò chiên bánh nhưng bà rất vui vẻ, khi blog nầy chưa hoàn tất tôi đã muốn viết nhưng cảm thấy có một điều gì đó không hợp lý, giờ thì có thể viết rồi và viết với một tâm lý thật nhẹ nhàng thoải mái, cũng thầm xin lỗi bà Tám Diễm Ca, có lẻ bà trông đợi khách sẽ đông hơn qua bài viết của một "nữ văn sĩ quèn" như tôi, hay bà lại nghi ngờ tôi muốn bán bánh giá Gò Công Đông ngay tại Sài gòn nầy vì có lần bà hỏi vui như vậy...
        Tôi chỉ có thể về Sóc Trăng dịp Thanh Minh thăm mồ mã ông bà, đi loanh quanh dạo chợ, ghé hàng bánh bía mua làm quà, ăn món bún mắm thân quen, rồi vào chùa nghĩ mệt dưới táng cây sala thưởng thức mùi hương dừa thốt nốt, không biết tại sao chỉ có ở nơi nầy hương thốt nốt thật đậm đà dễ chịu !?...Và chỉ như thế rồi quay về, khác với sự vui vẻ thân tình khi đến Gò Công, có phải vì quê ngoại giờ đây không còn ai để lưu luyến và thăm viếng....?
Bánh giá chợ Giồng
        Mà buồn làm chi bởi vì nơi đâu cũng là quê hương của mình dẫu gần hay xa, cho nên mỗi khi muốn đi chơi xa vừa đủ cho kịp giờ về đi làm là Ti lại rủ về Gò Công, chỉ cần đi ngang qua ngõ vào chùa Thái Bình, hay ngang qua nhà Đông, nhìn vào sân thấy nhà đóng cửa là biết giờ nầy Đông đang chăm sóc đồng ruộng, vợ đi làm và hai con gái đi học...cuộc sống thật bình dị, chỉ xôn xao vào những dịp Xuân về !! Nhưng con đường từ thị xã về đây quanh năm cây cỏ xanh mát, hoa nở bốn mùa thật mát mẻ nên thơ, nhất là những cây sơ ri đầy quả đỏ...
        Trong thâm tâm tôi Gò Công thật là gần gũi, một thứ tình cảm tự nhiên, đằm thắm và mỗi lần có dịp về đây tôi lại bồi hồi nhớ đến Nam, một đứa em trai kết nghĩa nhưng thật chu đáo và thân tình  ...Cũng đã hơn mười năm rồi Nam nhỉ ?
NamMai Phan thị Ngọc Diệp 
(Tùy Bút)



Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bếp lửa hồng

(Nhạc Phật giáo)

Bên bếp lửa hồng,

Bên bếp lửa hồng là hình bóng mẹ,
Khoảng không gian ấm áp lẫn yêu thương ....
Bếp ghi bao khổ nhọc cả trăm đường,
Cùng dáng mẹ sớm chiều luôn vất vả !!
NM

Bên bếp lửa hồng
Mẹ tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa, dù anh trai tôi đã trang bị khá đủ đầy cho một gian bếp hiện đại: bếp ga, ấm điện, tủ đựng chén bát…
Chị dâu thường nói: “Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, mẹ không phải tốn thời gian nhen lửa nấu nước, nấu cơm. Mẹ để con làm, chỉ một loáng là xong hết ngay thôi mà”. Tôi hiểu ý tốt của chị dâu. Nhưng tôi cũng không phản đối mẹ. Vì với mẹ, bếp là cả một khoảng không gian ăm ắp nỗi niềm.
Ngày chúng tôi còn nhỏ, ngoài việc ruộng đồng, không gian của mẹ là cái bếp. Mẹ quần quật với bao nhiêu chuyện của nhà nông thời công điểm, vậy mà về nhà, vừa thả đôi quang gánh xuống là mẹ xắn tay vào chuyện bếp núc. Nấu ăn, nấu cháo heo, xắt khoai cho gà… Đêm về là xay lúa, giã gạo, xắt chuối độn thêm cho lũ heo, cứ hở ra là đòi ăn eng éc đến inh tai. Mỗi đêm, khi học bài xong, tôi thường ngồi xem lớp lớp lát chuối cây tròn to ngả ra đều đặn theo từng nhát dao của mẹ. Nhiệm vụ của tôi là dùa phần chuối trồi lên miệng cối mỗi khi mẹ giã. Tôi cũng thường nhìn mẹ và các anh trai giã gạo nhịp chày đôi, chày ba bên ánh lửa bập bùng. Tôi nhớ mùi cám heo thơm lừng mỗi khuya, khi mẹ dùng đôi đũa bếp to khuấy đều cho nồi cám khỏi bị sít. Gian bếp này đã ghi dấu những ngày thơ của tôi, bên sự vất vả tảo tần của mẹ. Là biết bao khốn khó và thương yêu.
Những mùa đông lạnh giá, sau buổi chăn bò ngoài đồng, anh em tôi thường quây quần bên bếp. Những tiếng cười và câu chuyện râm ran. Đứa phụ mẹ nấu cơm, đứa hì hục xâu những trụi cua, trụi cá vừa làm sạch (trụi là thanh tre nhỏ bằng cái que dài khoảng 4-5dm, vót nhọn một đầu, xâu cá cua vào để nướng). Cua thì chỉ cần gỡ yếm, để nguyên vỏ mới dễ trụi. Cá cẩn, cá nhét thì bẻ cong từng con, xâu ngang qua hai phần thân, cá rô chỉ cần xỏ trụi ngang giữa bụng. Mẹ gạt ra một nồi than hồng để chúng tôi vừa sưởi ấm, vừa nướng. Chỉ cần kê hai bên nồi than mấy viên gạch, gác các trụi cua cá vừa xâu lên, vài phút sau, mùi thơm ngậy đã bay khắp nhà. Cá nướng chín, dầm mắm nêm hoặc nướng cho héo, sau đó kho với lá nghệ tươi, lá gừng. Sản vật vô giá này của ruộng đồng, mùa mưa là ngon nhất. Thịt cua, thịt cá đều thơm đượm mà không gắt như mùa nắng. Gương mặt mấy anh em đỏ hồng vì ấm và sung sướng. Hơi ấm của lửa, hay tình cảm gia đình bình dị mà thiêng liêng sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ nhà quê từ thuở bé thơ như thế đó. Niềm vui bên bếp tự nhiên như cỏ cây muôn màu.
Tôi nhớ cái gian bếp đơn sơ mà ấm áp. Nhớ cái kiềng ba chân đặt giữa bếp. Củi được chụm vào từ hai bên. Nấu nướng xong, bao giờ mẹ cũng giụm vào bếp gốc củi thật to, thêm ít trấu để giữ lửa. Góc bàn bếp là ống tre, đựng mấy đôi đũa bếp và ống thổi lửa. Đôi để chắt nước, xới cơm; đôi để khuấy cám heo. Trên một góc bếp, mẹ thường treo chùm bắp giống, nếp giống hoặc quả mướp, quả bầu chín khô. Khói bay lên lâu ngày, quyện vào chúng màu bồ hóng. Chẳng con mọt nào dám tới để ăn những hạt giống đó. Những ảnh hình đơn sơ bỗng một ngày hiện diện trong niềm nhớ, lại trở thành ký ức thiêng liêng.
Nghĩ cũng thật lạ kỳ. Khi phải tất bật với bộn bề cuộc sống; khi nồi cơm điện, bếp ga, bếp từ trở thành vật dụng tiện lợi, con người lại nhận ra: không gì ngon bằng cơm mẹ nấu; cũng không lò nướng nào nướng thơm bằng nồi than! Cái gian bếp cũ kỹ, đơn sơ mà ấm áp vẫn luôn là “một cõi đi về” trong lắng sâu tâm khảm. Cái gian bếp gắn liền với hình bóng người mẹ quê tảo tần là ngọn lửa hồng trìu mến, bình yên.
Nguyễn thị Diệu Hiền
 Chái bếp của Ngoại
Nhớ bếp cũ, gian nhà sau của ngoại,
Bao thân thương, bao kỹ niệm trong lòng...
Xa giờ xa nào cách trở ngăn sông ?
Con có đến cũng không còn có ngoại !!

Hình ảnh xưa đơn sơ sao nhớ mãi ?
Khói chiều vươn trên mái lá ngày mưa.
Trong đêm dài khắc khoải kể chuyện xưa...
Cùng tiếng võng đong đưa buồn não nuột !!
NM

      Chái bếp hạnh phúc

Ông bà Tư về quê sống trong căn nhà lợp tôn cùng mảnh vườn nhỏ, tới nay đã gần hai mươi năm. Con cái có gia đình riêng, lập nghiệp xa. Chỉ cô con gái út có chồng gần, tới lui thăm viếng thường xuyên. Thấy cha mẹ hàng ngày phải tự lo chuyện bếp núc, Vân ái ngại bàn:
– Hay mỗi trưa chiều con kêu tụi nhỏ đem cơm cho ba má, xe máy chạy chừng mười lăm phút là tới…
Bà Tư cười lắc đầu. Ông nhìn bà rồi cười theo:
– Ba má già ăn uống bao nhiêu, cá ao rau vườn, làm chút xíu là xong. Được mà con!
Vài bữa sau, Vân kêu thợ đến làm cái khuôn bếp gọn gàng, đặt bếp gas, gắn móc xoong nồi tươm tất. Thấy chuyện đã rồi và không muốn làm con buồn nên ông bà Tư im lặng. Chừng Vân gọi chở bình gas thì ông ngăn lại:
– Khoan con! Ba má quen dùng cái chái bếp sau hè rồi, vật dụng để lung tung vậy mà… dễ coi hơn!
– Nhưng nó nhỏ quá, hơi bất tiện sinh hoạt…
Ông Tư nói như để hài hòa với con gái phần nào:
– Ba má biết ý con, mà thôi… sẵn có thợ con kêu họ cơi nới cái bếp cũ rộng một chút là thuận tiện. Nói thiệt, như vậy ba má vui hơn!
Chìu ý cha, Vân làm theo lời. Trong bếp, bà Tư lấy gạch sắp khít làm chỗ để mắm muối tiêu hành… vừa tầm tay. Kê ông táo cũng là gạch chồng lên nhau, một ít bẹ dừa, củi khô chặt ngay ngắn để xa xa, che bằng tấm thiếc. Nắng trưa, nắng chiều chỉ loang lổ trên mái lá, bởi được che bằng hàng dừa bên bờ ao và mấy bụi chuối già, chuối hột. Ông Tư lấy võng buộc một đầu vào thân ổi, đầu kia buộc vào thân chuối hột. Đang ngồi ướm thử thì bà Tư ra kêu lên:
– Trời đất! Hết chỗ cột võng sao ông cột vô cây chuối? Thử hỏi ai lấy dây cột vô mình ông rồi lắc, rồi đưa thì…
Như cảm thấy lỡ lời, bà dừng lại. Ông cười xòa, tháo dây võng cột chỗ khác, chống chế:
– Bà nói phải, nhưng tôi nhẹ hều, nhúc nhích chi cây chuối! Mai tôi mua thêm cái võng nữa, giăng kế bên nghen bà!
Bà Tư hứ một tiếng, làm mặt nghiêm:
– Già rồi mà ông ăn nói kỳ cục, hổng sợ đám nhỏ nghe được nó cười…
Nhún nhún cái võng, ông nhìn bà:
– Ủa vậy hả? tôi đâu có biết…

– Giả ngộ hoài! ông làm ơn hạ thấp võng xuống cách đất hơn gang tay thôi, treo cao lỡ có bề gì chắc một mình tôi…
Bỏ lửng câu nói, bà Tư bước nhanh vô nhà…

Khuya nào cũng vậy, độ 4 giờ sáng là ông Tư thức ra chái bếp, cố nhẹ nhàng tránh làm bà mất giấc. Ở đó ông sẵn bếp lò, nhóm lửa bắc ấm nước, rửa mặt xong trở vào là nước sôi. Thong thả sức bình, bỏ trà, châm nước, ông Tư ngồi hơ ấm đôi tay rồi tựa vách uống chén trà thơm đầy hương vị đầu ngày. Trời hừng đông, ông xách giỏ đục lần ra mé rạch thăm tay lưới giăng lúc chiều tối. Vừa kéo nhẹ lưới là ông có thể ước lượng bữa nay “trúng” nhiều hay ít. Cá bống cát, cá phi sông… dính lưới khi thì mươi con, kém cũng vài ba con, có khi còn được cua; bấy nhiêu dư sức ông bà ăn trong ngày. Cũng do ông thích mà giăng chơi, chớ ao nhà thiếu chi cá. Ông Tư thường giành xuống bếp thay bà, lúc canh chua bắp chuối, cá kho, lúc cá chiên dầm nước mắm, rau luộc. Nhiều lần ông nói với bà: “Mình có phước, thời trẻ làm lụng vất vả, giờ được vầy là hạnh phúc lắm, cần gì phải bon chen, tìm kiếm xa xôi. Phải biết tận hưởng cuộc sống, tận hưởng những gì mình có bằng sự chính đáng…”. Bà gật gật đầu khiến ông rất hài lòng vì có người đồng tình, hiểu bụng mình…
Xách giỏ cá vào, đang rửa tay thì bà Tư lò dò ra, lên võng nằm. Ông cũng lại võng kề bên ngồi đốt thuốc hút. Mới được mấy hơi, bà lên tiếng:
– Hồi khuya tôi nghe ông ho… Hút thuốc nhiều nóng phổi rồi dậy sớm phải hông?
Câu nói của bà làm ông sặc nhẹ. Dập tắt thuốc, ông thấp giọng:
– Ờ… tôi nghe bà, từ giờ bớt lại!
Hai người im lặng, hướng mắt qua bên kia con lộ. Mặt trời lên dần, ánh hồng lấp ló xuyên bụi tre cao cao đầu xóm…
***
… Ông bà Tư mất cách nhau vừa đầy năm. Ngày cúng thất bà Tư, chú Hai hàng xóm buồn buồn nói với Vân: “Như chim liền cánh, như cây liền cành. Hai ông bà như hai cái cây đan xen nhau, một cây khô rễ thì cây kia tủi thân, rầu lòng lắm cháu ơi. Phần số là của cha mẹ, còn tụi cháu lo mồ mả vậy cũng báo hiếu vẹn toàn!”.
Cúng xong, Vân cùng mấy đứa em ra thăm chái bếp. Tất cả vật dụng còn y nguyên, ngăn nắp, khác là vắng bóng chủ nhân. Chừng nhìn hai cái võng sát bên, hơi lắc lư theo gió, không dằn lòng được Vân ngồi thụp xuống ôm lấy cả hai cái võng như còn hơi hướm thương yêu mà khóc nức nở. Chen lẫn trong tiếng khóc của những đứa con, thấp thoáng niềm hạnh phúc tâm linh, điểm sáng đời người…
Nguyễn Kim

Mẹ và bếp lửa hồng,
Bếp lửa hồng như tấm lòng của mẹ,
Luôn bao dung ấm áp lẫn chở che...
Lặng lẽ hy sinh, cô độc lúc đêm về,
Mẹ thầm lặng như bà tiên trong cổ tích
NM

Mẹ và bếp lửa

Đi qua mưa nắng tháng ngày, có những thứ đổi thay, có những điều không tồn tại nữa. Trong tổ ấm gia đình, theo thời gian, con cái sẽ lớn lên và xa dần căn nhà nhỏ tuổi thơ để bay ra với trời rộng bao la của tương lai, mơ ước. Còn cha mẹ tóc sẽ thay màu, vai thêm gánh nặng thời gian, nhiều thêm tuổi tác… Có những thứ sẽ thành nạn nhân của bụi thời gian mờ phủ, nhưng có những điều không bao giờ thay đổi. Như quê hương bao đời, mẹ và bếp lửa sẽ cứ mãi còn, vững bền và yêu thương nồng đượm như từ thuở ban sơ…

Mẹ và bếp lửa, đó là sự ấm áp vô cùng. Trong những ngày giông bão, trong những lúc yếu lòng, những khi thấm mệt, khi cần một bàn tay, một hơi ấm, con người biết tìm đâu một nơi an ủi, chở che, nơi mà mình có thể khóc vỡ òa cho quên hết mọi phiền muộn, ngoài việc chạy về với mẹ bên bếp lửa hồng. Những khi vấp ngã trên đường đời, những lúc bạn bè lánh xa, ghẻ lạnh, những lúc cô đơn và hụt hẫng, cần một nơi sưởi ấm, vỗ về để thôi thấy lòng mỏi mệt, cũng bếp lửa than nồng  và mẹ hiền bao dung sẽ luôn mở rộng vòng tay chờ đón ta về. Trên hành trình của kiếp người vô thường, ta đi trong bao khó nhọc và đôi lúc không còn phương hướng, ta lạc mất đường về, ta sẽ nghĩ về ai ngoài mẹ và “bếp lửa ấp iu nồng đượm” nơi quê nhà thân quen…

Mẹ và bếp lửa, đó là nơi ấp ủ niềm tin yêu, ước mơ và hy vọng. Bếp lửa có thể tắt nhưng ngọn lửa không tàn, ẩn sâu trong lòng là tro ấm và hòn than le lói, lửa vẫn âm ỉ cho ngày bùng lên một đốm nồng nàn. Mẹ có thể bên ta, ở cách xa ta nhưng niềm tin, nghị lực từ mẹ đâu dễ gì mất đi trong ta. Bên ánh lửa bập bùng cháy ngời lên bao tin yêu, khát vọng, ta đi qua tuổi thơ bằng những câu chuyện cổ tích ở hiền gặp lành, sống chân thành và phấn đấu vươn lên sẽ được đền đáp mẹ kể đêm đêm. Có chàng Thạch Sanh thật thà dũng cảm được lòng công chúa, có người em hiền lành được vàng đầy túi ba gang. Có cả chính ta là cổ tích ngày mai của mẹ. Bên bếp lửa âm ỉ niềm tin dai dẳng, ấm nóng hoài những nghị lực bền bỉ, lời dạy dỗ, tâm tình của mẹ là hành trang đơn sơ mà có sức mạnh lớn lao cho ta vào đời. Bếp lửa muôn  đời vẫn không tắt, qua các thế hệ nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai. Đi hết cuộc đời, mẹ vẫn luôn kỳ vọng vào con, là động lực, nguồn động viên cho con vươn tới làm thành lý tưởng khát khao, cũng là bến đỗ, là nơi quay về cho con sau những chặng đường dài vất vả. Còn điều gì bền bỉ trường tồn như lửa, có niềm tin yêu, kỳ vọng nào bền chặt như của mẹ hiền…

Mẹ và bếp lửa, đó còn là lòng nhân từ, hy sinh và tha thứ. Bếp lửa thuần khiết, có thể thiêu cháy hết mọi nhơ nhớp. Mẹ nhân từ có thể xóa sạch mọi tội lỗi trong con. Bếp lửa thầm lặng có thể nhận cho mình mọi thứ dù chẳng tốt đẹp gì và làm tròn sứ mệnh đem lại ánh sáng, hơi ấm cho đời. Con dù có đối đãi với mẹ thế nào, mẹ bao dung vẫn sẵn lòng chấp nhận, thứ tha mà không oán trách nửa lời, miễn sao con sống vui tươi, hạnh phúc. Trong thần thoại Hy Lạp, lửa từ bỏ địa vị thiêng liêng thần thánh trên chốn thiên đình của mình theo thần Prometheus xuống trần giới làm bạn với con người và đưa họ ra khỏi tối tăm. Trong cuộc đời, mẹ nhân từ có thể từ bỏ tất cả vì con, ấy là những trang cổ tích nhiệm mầu giữa đời thường đó thôi…

Ta nhớ mẹ và bếp lửa tuổi thơ biết mấy. Nhớ những chiều mùa đông mây sầu giăng kín lối, ta ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa tí tách mùi hương nồng nàn củi khô, củi mục. Nhớ những ngày tháng mười mưa dầm lạnh lẽo, ngồi bên mẹ ăn củ khoai nướng nghe chuyện bìm bịp kêu nước lớn nước ròng ngoài sông đang lên. Ta đi qua tuổi thơ khổ nghèo bằng chiếc bánh  ú sắn mẹ nấu, cái bánh xèo mẹ đúc đơn sơ mà ấm lòng bên bếp lửa cháy rơm đượm mùi đồng quê bùn rạ. Ta nhớ những lần trái gió trở trời, mẹ ta đau lưng nhức mỏi, ta lại ngồi đấm bóp cho người mà nghe bếp lửa thao thức. Nhớ những lần đau ốm, mẹ lại ngồi hơ lửa xoa bụng cho ta. Cả một đời lặng lẽ, mẹ âm thầm nhen nhóm cho bếp lửa cháy nồng, lo lắng, săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ con thơ. Rồi khi ta chìm vào sâu giấc ngủ tuổi thơ vô tư đến nhanh như cơn gió thoảng nhẹ, mẹ lại ngồi bên bếp lửa đến tận đêm khuya may áo kiếm thêm vài đồng cho con chiếc áo mới ngày mai đến trường.

Có những điều vĩ đại mà quá đỗi đơn sơ, có những điều thân thương nên hóa đời thường, gần gũi bên ta mà đôi khi ta không nhận thấy. Ta có những bữa ăn ngon, những giờ phút ấm áp mùa đông nhưng mấy khi ta nghĩ về bếp lửa. Mẹ cho ta tất cả, nhưng lắm lúc ta quên mất mẹ già, có nhiều khi ta dành thời gian cho những điều vô bổ còn nhiều hơn mẹ. Nhưng quản chi cuộc đời mưa nắng đổi thay, tính toán chi lòng con đôi khi hờ hững, mẹ vẫn sẵn lòng thứ tha, hy vọng mà che chở cho con đi qua giông tố cuộc đời. Mẹ và bếp lửa vẫn ấm áp yêu thương, chan chứa tin yêu, nồng đượm hy vọng, lặng lẽ hy sinh và sẵn lòng tha thứ. Mẹ và bếp lửa yêu thương nơi quê nhà là hình bóng quê hương bên ta trong những khó khăn, hoạn nạn, là bến đỗ quay về cho ta sau những vất vã, nhọc nhằn. Bởi qua bao thời đại, lửa vẫn ở mãi với con người, còn mẹ, “đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”

ST