Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Chuyện con rùa

Không thả con về biển,
Vì sợ nước biển sâu,
Đưa con về chùa ở....
Lại ngại chẳng ở lâu !

Thôi tùy duyên con nhé,
Dẫu dòng nước nông sâu.
Thì cũng mong con cố,
Vượt khổ và sống lâu...!

Nếu còn duyên hạnh ngộ,
Mình sẽ lại thấy nhau.
Con ngẩng đầu nhìn mẹ,
Mừng vui ôi xiết bao !!
NM

Gởi rùa vô chùa

Chiều hôm qua lễ Phật Đản cùng Ti quay trở lại chùa Một Cột một lần nữa để thả rùa vì buổi sáng ghé viếng chùa thấy có hồ nuôi rùa thật nhiều, quyết định chọn nơi đây trước khi đi vì thấy hồ nhỏ có thể nhìn thấy rùa mỗi khi rằm lớn mình lên chùa viếng Phật, không gian hồ tuy nhỏ nhưng có nhiều bạn và nước được thanh lọc !
Ở nhà một mình một hồ nước phải thay hoài cho nên "anh chàng"trắng trẻo ai nhìn cũng khen đẹp và dễ thương, vài tháng nữa chắc cũng rong rêu ....với hồ !! Rùa cứ ngẩng đầu nhìn mình hoài, thật thương và lòng lưu luyến không muốn về, dặn rùa những lần sau mẹ có lên thì nhớ ra nhìn mẹ như ở nhà vậy
Lúc còn nhỏ hay bây giờ lâu lâu thả rùa ra là anh chàng lịch kịch tìm mình bò tới nằm dưới chân, lần nào cũng vậy ai cũng ngạc nhiên, bây giờ thì hồ so với rùa chật chội nhìn vậy chứ khá nặng mỗi khi thay nước, thôi thì cho rùa về với đồng loại, buổi sáng đã đi tìm một bé rùa nhỏ xíu nhỏ hơn cả lòng bàn tay và nuôi bé trong khạp nhỏ sau bếp, khạp này trước kia nuôi cá bảy màu.
Mười năm nữa mới thả bé và không biết mình còn cơ hội để thả nó không, đem nó về để đỡ buồn và đỡ nhớ rùa kia đồng thời cho nó ăn bớt muỗi !! Số mình mắc nợ với thú vật hay sao đó nhưng nuôi con nào cũng khôn lanh và biết thương chủ
Ti là người đề nghị thả rùa ngày hôm nay vì Ti được nghỉ cả ngày, hôm nay cũng nhằm lễ Phật Đản và là ngày Thiên xá nữa !!
Hai hôm nay trong lòng bỗng dưng thắc thỏm vì chợt nhớ rùa là loại rùa tai đỏ, nó đẹp nhưng so với đồng loại rùa tai đỏ là loại có hại cho thiên nhiên vì nó phá hoại mùa màng, ăn cá tôm...Thông thường rùa ăn rau quả nhưng về nhà thì cho rùa ăn đủ thứ như hạt thực phẩm dành cho cá, rau muống và đầu tôm, có cả cháo của Lucky lúc còn sống ăn không hết hay cơm nguội, đây là con rùa thứ hai nuôi sau con rùa ở nhà cũ nó cũng ăn như vậy
Chợt nhớ ra thì đã muộn, chỉ cầu mong chùa không "kỳ thị" nó, nói với Ti thì Ti lại cho rằng chùa nuôi làm phước và nó có ở ngoài đồng đâu ? Nhìn nó ngoan ngoãn tìm bạn bằng nó và nằm gác đầu lên mình bạn lòng cảm thấy vui nhưng nghĩ đến hai cái tai đỏ lại ngậm ngùi lo lắng !! Thôi thì tùy duyên vậy chứ thật tâm không nhớ đến chuyện nầy nhưng trong lòng luôn cầu xin sẽ được gặp và nhìn được rùa trong mỗi dịp Tết hay rằm lớn đi viếng chùa!
NM Phan thị Ngọc Diệp

Về với biển với dòng đời nghiệt ngã,
Sóng trào dâng xô dạt trẻ bơ vơ...
Ai nâng niu chăm sóc bởi chốn bãi bờ ?
Ngoài khơi đó có ngàn muôn nguy hiểm !
NM

 Rùa biển

Chiếc xe du lịch dòng Hyundai Universe bốn mươi lăm chỗ tăng tốc dần khi bắt đầu leo lên con dốc hẹp. Bầu trời xanh thăm thẳm và cao vút thấp thoáng vô số dải mây mỏng đan xen bắt chéo vào nhau. Nắng vàng bao phủ khắp các con đường rải nhựa quanh co uốn lượn, dàn trải trên những quả đồi nhấp nhô xanh mượt và chiếu xuống mặt biển màu ngọc bích lấp lánh. Ngôi chùa mái ngói nhỏ bé nằm lẻ loi giữa núi non trập trùng toát ra một vẻ đẹp hiu quạnh kì lạ.

Tôi nhoài người kéo cái rèm hoa văn màu tím nhạt phủ kín ô cửa kính và ngó ra ghế sau xem Uyên đang ngủ hay thức, trong khi Thu Nương ngồi bên cạnh tôi đang ngủ say. Những lọn tóc xoăn màu hạt dẻ của cô nàng cuốn vào đám tóc đen nhánh thẳng đuột của tôi tạo nên một đám rối ngộ nghĩnh. Nhiệt độ trên xe khá mát mẻ – vào khoảng hai mươi lăm độ – nhưng tôi biết rõ ràng về cái nóng như thiêu như đốt đang bủa vây ngoài kia. Tôi đã xem dự báo thời tiết cho ngày hôm nay: ba mươi tám độ và có mưa nhỏ.

“Còn mười phút nữa là xe tới nơi,” – anh chàng lớp phó học tập da ngăm thông báo trong lúc đi từ đầu xe xuống cuối xe trên đôi bốt da trơn cổ cao, mà theo như ý kiến riêng của tôi, nếu không tính đến việc phải đi bộ hết cả một cây số đường rừng thì tôi phải thừa nhận là cậu ta có gout thời trang không chê vào đâu được – “các bạn thu dọn hành lý để chuẩn bị xuống xe nhé!” – cậu ta nói vẻ phấn khởi.

Chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên con đường độc đạo kéo dài thẳng tắp nằm giữa hai cánh rừng. Tôi đánh thức Thu Nương và tỉ mỉ gỡ mớ tóc rối của hai đứa. Một lúc sau thì xe ngừng hẳn. Tôi sửa sang lại giày, mặc áo khoác mỏng phủ kín hai cánh tay và đội mũ lưỡi trai.

Từng đợt gió nóng rát ập đến chào đón bọn tôi ngay khi mỗi đứa vừa ló mặt ra khỏi xe. Nhưng may mắn cảm giác đó kéo dài không quá lâu vì rừng cây rậm rạp cách con đường nhựa chỉ khoảng năm mét. Thu Nương kéo tay tôi và Uyên nhanh chóng nhào đến vị trí mát mẻ dưới tán lá rộng. Tôi nhìn thấy một lối đi nhỏ tiến sâu vào phía trong rừng, bên dưới đầy rẫy những rễ cây khổng lồ tỏa ra bốn phía và chồng chéo lên nhau trên mặt đất.

Bọn tôi nối đuôi nhau theo sát anh hướng dẫn viên có chất giọng địa phương trầm trầm và thân thiện, cả đám vừa đi bộ vừa nói chuyện. Kể ra thì đi bộ trong rừng là một hoạt động vui vẻ và thú vị. Không khí đầy hơi nước mát rười rượi. Tiếng chim chóc và động vật nhỏ vang vang lúc to lúc nhỏ, lúc réo rắt lúc trầm đục tưởng chừng như một dàn đồng ca không bao giờ chấm dứt. Mấy bụi dương xỉ xanh rì nhô ra từ vách đá mọc vô số ổ bào tử màu cam lốm đốm. “Cố gắng lên các em, chúng ta sắp tới nơi rồi.” – anh hướng dẫn viên quay lại và chờ cho đứa đi cuối cùng vượt lên trước. Lúc này trời đột nhiên tối sầm xuống và xuất hiện vô số tiếng động rào rạt ở trên đầu. “Mưa đấy”, anh hướng dẫn viên nói.

Phải mất một lúc lâu tôi mới cảm nhận được vài giọt mưa hiếm hoi – sau khi trải qua tầng tầng lớp lớp tán cây dày đặc ở phía trên – thấm vào da qua lớp áo khoác mỏng. Tiếng nói chuyện nhỏ dần. Bọn tôi cố gắng đi nhanh vì trời càng lúc càng tối và không khí dần trở nên lạnh hơn.

Không gian thoáng đãng chào đón khi tôi thoát ra khỏi cánh rừng rậm rạp. Mưa đã tạnh từ lúc nào và trời thì chưa tắt nắng. Nơi bọn tôi nghỉ lại qua đêm thuộc về một doanh trại quân đội đóng quân ở sâu trong rừng cách bãi biển gần nhất tầm mười phút đi bộ. Doanh trại biệt lập này là thứ duy nhất mang dấu hiệu của con người ở đây: một dãy nhà quét vôi trắng nằm chơ vơ giữa khu đất trống trải và bị bao vây bởi rừng rậm, biển và núi. Tiếng ầm ầm gào thét của sóng biển hòa lẫn trong tiếng gió vi vút khiến tôi nao nao. Thu Nương đã bớt say xe và lúc này đang tích cực làm nhiệm vụ của một lớp trưởng, cô ấy phân công bọn tôi thay phiên nhau tắm rửa, dọn dẹp và chuẩn bị bữa ăn tối.

“Anh Thanh hướng dẫn viên đã hỏi thăm người dân địa phương, tối nay rùa sẽ lên đẻ trứng,” – cô nàng lớp phó văn thể mỹ duyên dáng trong trang phục áo trắng kiểu cách phối với quần culottes ống rộng thông báo sau bữa ăn, do khoảng cách gần, tôi còn ngửi thấy mùi Tresemme từ tóc cô gái ngòn ngọt thoang thoảng – “các bạn nghỉ ngơi một chút rồi chuẩn bị đồ đạc để xuất phát nhé.”

Cả đám vỗ tay và reo hò ầm ĩ. Đây mới là mục đích chính trong chuyến đi khám phá lần này của bọn tôi – những học sinh cuối cấp vừa trải qua kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuẩn bị bước sang một trang mới trong đời. Sau nhiều lần bỏ phiếu bầu chọn, tất cả đã quyết định đăng ký tham quan bãi rùa đẻ ở Ninh Thuận, để được tận mắt chứng kiến hình ảnh những nàng rùa nặng nề chậm chạp bò lên bãi cát đẻ trứng. Đám con trai nghỉ ngơi hoặc đùa giỡn trong khi đám con gái bận rộn chuyền tay nhau cả tá thỏi son dưỡng đủ màu hoặc mấy lọ kem chống muỗi. Lúc này, cô nàng Thu Nương đang cố xịt cả đống Soffell hương cam trăng trắng lên người tôi và Uyên.

“Không cần nhiều vậy đâu,” – Tôi kêu lên kháng nghị một cách yếu ớt – “mình mặc quần dài mà.”

“Bọn mình đang ở trong rừng,” – Thu Nương trừng mắt với hai đứa tôi trong khi tay cô nàng không ngừng xoa xoa trét trét – “cậu có biết bao nhiêu người bị sốt rét khi đi rừng không hả? Khu dân cư cách đây cả cây số đường rừng, mà điện thoại thì hoàn toàn mất sóng…”

Thu Nương vẫn còn tiếp tục lải nhải một hồi lâu. Vài đứa con gái ngồi kế bên quay sang nháy mắt với tôi và Uyên. Tôi bật cười. Bọn tôi học chung lớp với nhau suốt ba năm, và ai cũng quá quen với việc Thu Nương chăm chút cho hai đứa bạn thân không thua gì một người mẹ tận tụy. Những tháng ngày bên nhau trôi qua như một cái chớp mắt. Ngày chia xa cũng đến thật gần. Viễn cảnh u buồn làm tim tôi thắt lại.

Bọn tôi tập trung ở bãi biển vào lúc tám giờ tối theo sự điều động của anh hướng dẫn viên. Đây không phải lần đầu tiên tôi đi dạo trên bờ biển khi màn đêm xuống, nhưng cảm giác tĩnh lặng pha lẫn nỗi sợ hãi mơ hồ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Tôi ngửa mặt nhìn ngắm hàng hà sa số những ngôi sao nhỏ trên bầu trời, tất cả đều tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo le lói từ một nơi nào đó xa xăm. Gió mang hơi sương lạnh lẽo ngấm vào da thịt. Biển tối đen như mực và tiếng sóng ầm ầm vang vang tưởng chừng như có một con quái vật đang lặng lẽ trở mình ở đâu đó ngoài kia. Tôi siết chặt cánh tay hai cô bạn thân.

Anh hướng dẫn viên chỉ cho bọn tôi một ổ trứng rùa đã đẻ: “Rùa mẹ đẻ trứng xong sẽ lấp cát lại để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của chúng.” Tôi đếm được năm quả trứng nhỏ tròn tròn màu trắng lấm tấm những hạt cát mịn. Sau khoảng một trăm ngày, từ năm quả trứng này sẽ nở ra năm chú rùa con xinh xắn – đấy là tôi thầm hi vọng thế, còn thực tế thì khả năng trứng rùa có thể nở được chiếm một tỉ lệ thấp hơn nhiều.

Ai nấy đều cố gắng đi từng bước chầm chậm nhẹ nhàng, đồng thời chú ý quan sát kỹ dưới chân để tránh dẫm phải những em bé rùa đang ngủ say dưới lớp trứng mỏng. Ở cách bọn tôi khoảng hai mươi bước chân có một đám đông đang tụ tập.

“Người dân ở đây và các nhân viên khu bảo tồn sẽ đem những ổ trứng này về khu ấp nở an toàn,” – anh hướng dẫn viên nói – “để tránh một số người đào trộm trứng rùa đấy.”

“Sau bao nhiêu ngày thì trứng nở ạ?” – Một đứa lên tiếng hỏi.

“Khoảng từ bốn mươi lăm đến sáu mươi ngày,” – anh nhân viên mặc đồng phục kiểm lâm trả lời – “một nửa số trứng sẽ được cho vào hồ có nhiều ánh sáng, số còn lại sẽ được ấp trong môi trường ít sáng hơn, làm như vậy để cân bằng tỉ lệ đực-cái ở rùa vì giới tính của chúng do nhiệt độ quyết định.”

Khi bọn tôi lại gần thì một nàng rùa cái đã đẻ trứng xong. Người ta đo đạc và đánh dấu rồi thả nó về biển. Một người dân kể cho bọn tôi nghe hai tháng trước có một cô rùa cái bị bắt trộm và mổ bụng lấy ổ trứng. “Lúc đó bọn anh nhìn thấy xác con rùa trôi vào, to chừng này,” – anh ta đưa tay ra ước lượng – “nhưng tiếc là cứu không kịp…”

Vài đứa con gái khe khẽ thở dài.

Uyên dụi đầu vào vai tôi, mắt đỏ hoe. Tôi không biết bao nhiêu quả trứng ở đây có thể thành công nở ra thành những chú rùa con, nhưng tôi biết rằng tất cả những con rùa đó đều sẽ hướng ra biển theo bản năng được kế thừa từ tổ tiên của chúng – những cư dân đã có mặt trên Trái Đất từ hơn một trăm triệu năm trước. Sau ba thập kỷ lang thang vùng vẫy nơi đại dương, những con rùa cái còn sống sót sẽ quay lại vào một ngày nào đó, tại chính nơi này, để hoàn thành nghĩa vụ duy trì nòi giống tiếp theo của mình.

Bọn tôi phụ giúp phát hiện các ổ trứng rùa và thu nhặt trứng để đưa về khu bảo tồn. Rùa biển được đưa vào sách đỏ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì một thực tế khá phũ phàng: tỉ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành để có thể quay lại của chúng chỉ chiếm một phần ngàn! Hầu như bọn tôi đứa nào cũng bị sốc trước hiện thực đau đớn đó. Tôi nhìn mấy đứa con gái đang cẩn thận nâng niu những quả trứng nhỏ, khuôn mặt đều toát lên vẻ dịu dàng.

Đoạn đường trở về doanh trại bỗng dưng lặng thinh, chỉ còn tiếng sóng vỗ bờ trầm đục và tiếng bước chân đạp lên đám lá cây lạo xạo. Không ai lên tiếng nói chuyện với ai, có lẽ vì mệt mỏi, có lẽ vì u buồn, cũng có thể vì cả hai. Ngày mai bọn tôi sẽ nói với nhau lời chia tay nhau lần cuối cùng. Và, giống như những chú rùa mới nở, tất cả bốn mươi hai “đứa trẻ” ở đây sẽ bơi ra đại dương rộng lớn của cuộc đời, để mặc cho những cơn sóng dữ ngoài kia đang chờ chực nhấn chìm tất cả…

Hoặc sẽ ngoi lên và tiến về phía trước.

PHƯƠNG LOAN

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Những ngày xưa thân ái

Những Ngày Xưa Thân Ái 


Ký ức xưa,
Luôn vẫn nhớ những ngày xưa thân ái,
Mùa phượng về rộn rã tiếng ve kêu...
Lúa vàng uôm nằm đợi dưới ráng chiều,
Chờ tay hái giữa ngày mùa vất vả !

Hè đã đến bao tiếng cười rộn rã,
Sắc hè tươi như phượng đỏ trên cành.
Khói bếp chiều lan tỏa tận trời xanh...
Theo với gió cành diều bay cao vút !

Tình quê ấy luôn nồng nàn thúc giục,
Cả đời người một nắng với hai sương....
Thương mẹ cha xưa tất bật tảo tần,
Là bến đỗ bình yên trong cuộc sống .

Dẫu bôn ba với cuộc đời biến động,
Luôn nhớ về thuở bé nhỏ ngây thơ !
Tình quê hương trong trẻo tự bao giờ,
Là điểm tựa giữa đường đời vạn nẽo !!
NM

Những ngày xưa thân ái

Tháng năm về, phượng thắp lửa trên cây và tiếng ve râm ran gọi cũng là lúc những đứa trẻ quê chúng tôi trở về với những gì tươi đẹp và hồn nhiên nhất của tuổi ấu thơ. Hồi ấy, chả có smartphone hay những trò chơi tiêu khiển của bọn trẻ bây giờ, cũng không phải những ca học thêm nối tiếp, hè ở quê có cái rộn ràng của ngày mùa, cái nắng gay gắt của buổi ban trưa, có những cơn mưa rào chợt đên rồi chợt đi, có tiếng sáo diều vi vu trong gió mát. Tất cả đọng lại một khung trời kỷ niệm của mỗi người, những ai sinh ra và lớn lên từ những miền quê yêu nghèo khó. Tuổi thơ…

Sau ngày tổng kết năm học tụi nhỏ chúng tôi tạm cất sách vở, “gác bút nghiên” vào hòm thật ngăn nắp. Một phần vì đã được nghỉ hè, phần khác là đống sách cũ kia phải được giữ cẩn thận cho lũ em trong năm học tới. Ngày đó cuộc sống thiếu thốn nên tiết kiệm được chừng nào là bớt đi gánh nặng trên vai cha mẹ chừng đó, anh em tôi lúc nào cũng thấm thía. Thời gian vậy mà trôi nhanh. Nghỉ hè được vài ngày, lúa trên đồng đã bắt đầu chín. Dưới cái nắng hè gay gắt, đứng trên bờ đê nhìn xuống-một màu vàng xuộm trải dài đến tận chân trời. Đã bao lần, vừa tung tăng trên cánh đồng, tôi vừa ngân nga bài thơ Tiếng hát mùa gặt của nhà thơ Nguyễn Duy:

Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời

Chỉ vài ngày sau đó, những bó lúa vàng ươm đã được trở về đầy các sân nhà. Mùa gặt, không khí ở quê rộn ràng hẳn lên. Mới bốn năm giờ sáng, tiếng người nói chuyện, tiếng loẹt quẹt của xe bò, xe thồ từ khắp các thôn xóm đã đổ ra đồng cho kịp ngày mùa. Chỉ có thể là người con của làng quê, sinh ra và lớn lên ở đất quê thì con người ta mới có thể cảm nhận được hết cái tươi vui rộn ràng, ngập tràn sức sống ấy. Dường như cái oi ả của nắng hè không làm người nông dân thấy mệt. Hay phải chăng niềm vui từ thành quả vụ mùa đã làm vơi đi nhọc nhằn, công sức bốn tháng gieo trồng nay đã được đền đáp bằng những xe lúa vàng nặng trĩu. Nét hạnh phúc lẫn những giọt mồ hôi lăn dài trên má, tôi thấy yêu thương và cảm phục người dân quê mình. Suốt một đời vất vả gian lao, một lòng kiên trì bám trụ đất quê.

Ngày mùa, lũ trẻ chúng tôi cũng có công việc của riêng mình. Bố mẹ gặt ngoài đồng, tôi cùng lũ em có nhiệm vụ phơi lúa hong khô khi mặt trời lên đến ngọn sào. Công việc tưởng đơn giản mà không dễ chút nào, những cơn mưa rào mùa hạ có thể cướp đi thành quả của tụi tôi trong chốc lát. Trời đang nắng chang chang, chợt những đám mây đen từ đâu ùn ụt kéo tới, trời nổi giông gió. Tôi nhớ mãi cái không khí của những lần chạy mưa ở quê. Chẳng ai bảo ai, đám trẻ đang tụ tập đứa nào về nhà đứa ấy, người lớn đang gặt ngoài đồng cũng mải mốt chạy về. Thế rổi kẻ cào, người quét, người khiêng, người đóng bao… mỗi người một việc hết sức khẩn trương. Mọi thứ diễn ra như một trận đấu gay go quyết liệt giữa con người với thiên nhiên. Kể thì lạ mà lần nào cũng vậy, cứ vừa chạy mưa xong trời mới đổ mưa dữ dội. Mưa như trút cơn giận hả hê sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt. Tôi lại cùng lũ em đằm mình trong những giọt nước mát lạnh. Thế mà cũng có lần vì mải chơi, tụi tôi để mưa ướt hết cả sân lúa. Đứa nào cũng nơm nớp lo sợ, kết lại là những chiếc roi “nhớ đời” từ bố. Đến bây giờ nghĩ lại, đôi lúc lại mỉm cười, nhớ về ngày bé…

Khi đồng đã gặt vãn, ấy là lúc thế giới của tụi trẻ chúng tôi mới thực sự mở ra. Mặc lũ trâu bò thung thăng gặm cỏ mà không sợ chúng ăn lúa của bà con như dạo trước, chúng tôi lao mình xuống con mương giữa đồng. Hết lặn ngụp, mò cua rồi bắt những chú cá rô, cá chép… khi đã được kha khá, cả bọn lại choàng lên bờ, đứa lấy rơm, đứa nhóm lửa… Thoáng chốc, dưới ánh lửa bập bùng đượm mùi rơm nếp mới, hương thơm tanh nồng của cá thoảng đi khắp nơi. Mỗi đứa một phần, mặt ai nấy đen nhẻm vì nhọ, nước mắt ứa ra vì khói, cả lũ nhìn nhau cười như nắc nẻ. Món quà tuổi thơ ấy tuy giản dị nhưng đậm đà hương vị tình quê mà có lẽ sau này dù đi bất cứ nơi đâu ta cũng muốn tìm về, để được ngồi giữa cánh đồng quê thân thuộc, để sống lại những tháng ngày đã qua.

La cà đến tận chiều muộn, khi mặt trời dần lặn xuống chỉ để lại vài tia sáng đỏ rực xuyên qua kẽ mây, chúng tôi rong đàn trâu về cho kịp trời tối. Vẫn nhớ cái khoảnh khắc ấy, tôi thường bước đi thật chậm rãi để lắng mình cảm nhận hết sự thanh bình yên ả của buổi chiều quê. Phía làng tôi, vài mái nhà tranh cấp bốn lụp xụp bên những lũy tre xanh ngả nghiêng vì gió, khói bếp chiều tà bảng lảng giữa không gian đầy tĩnh mịch. Xa xa vài cánh cò đang chao liệng tìm những con mồi cuối cùng trước thời khắc ngày tàn. Tôi từng thấy rằng làng quê mình vẫn còn nghèo lắm, người dân quê tôi vẫn một nắng hai sương vì cuộc mưu sinh không hồi kết… Tôi đã từng nghĩ về những miền quê phát triển, những vùng đất trù phú tốt tươi…

Đâu biết rằng tôi đã gửi bao ước mơ khát vọng vào cánh diều thuở nhỏ. Gió sẽ thổi ước mơ tôi bay cao thành hiện thực: ra khỏi lũy tre làng, đem ánh sáng của tri thức về với miền quê yêu dấu. Những tia nắng cuối cùng của buổi chiều mùa hạ cũng tắt, màn đêm dần lộ ra. Tôi rảo bước rong trâu về cho kịp trời tối. Tiếng sáo diều vẫn vi vu trong gió…

Bao năm tháng đã trôi qua, cuộc sống làng quê đã có nhiều thay đổi. Tôi vẫn giữ cho mình những kỉ niệm đẹp về một thời tuổi thơ nghèo khó dẫu mùa hè bây giờ, những đứa trẻ ở quê đã có cho mình những thú vui tiêu khiển, những đồ chơi có sẵn chẳng giống với chúng tôi thuở trước. Hè ấy, có dáng mẹ tôi tất bật tảo tần, có giọt mồ hôi cha chảy ròng trên má, có nét rạng ngời trên gương mặt người nông dân khi lúa được mùa. Tôi thấy mình hạnh phúc vì một tuổi thơ không game, không điện thoại. Bao trưa hè cùng lũ bạn đội nắng bẫy tổ chim, chiều lặn ngụp trên đồng bắt cua rồi lao mình xuống dòng nước mát. Lớn lên từ một tuổi thơ gian khổ nhọc nhằn, từ những gì thân thuộc nhất của làng quê, cái chất quê trong trẻo nồng nàn sẽ theo tôi đến mọi ngã rẽ của cuộc đời. Đó là điểm tựa tinh thần, là bến đỗ bình yên trong cuộc sống. Những ngày xưa thân ái…

Đức Đen

Bến sông xưa,
Bến sông xưa, con đò xưa vẫn đợi,
Vẫn những chiều mưa nặng hạt ven sông...
Tuổi thơ con đầy vất vả long đong,
Con theo ngoại để học tìm con chữ !

Thời gian qua nhanh ngoại không còn nữa
Con lại về, trở lại bến sông xưa,
Chỉ còn đây, một nền đất trống trơ,
Đâu dáng ngoại già nua vì mưa nắng ?!

 Tôi về áp mặt vào sông,
Nhìn hoàng hôn đỗ trên dòng nước xưa.
Chợt thèm ước một cơn mưa,
Ngóng trông ngoại với thuyền chưa trở về !!
NM
  





Về lại bến sông xưa

Hồi còn ở với ngoại trong căn nhà sàn cặp mé sông, cứ chiều chiều, tôi lại cho chân mình vào khỏa nước sông, đưa mắt nhìn những khóm lục bình trôi đi mải miết. Ngoại ngồi trên xuồng, lấy dầm vói vớt mấy nhánh củi mục trôi sông hay mấy chai lọ và những đồ bằng nhựa bị bỏ đi để bán lại cho cô mua ve chai mà buổi trưa nào cũng cập vào bến nói vọng lên bờ “hôm nay có gì bán không bà Hai ơi”.

Những ngày mưa nặng hạt, ngồi trong nhà ngó ra, bong bóng nước ken dày cả mặt sông. Lâu lâu lại có chiếc ghe bán hàng chạy vụt qua mà chẳng tìm chỗ trú. Người đàn ông cầm lái co ro trong miếng cao su chật chội vẫn xé mưa chạy về phía trước. Tôi vẫn nhìn về phía chiếc ghe cho đến khi nó chìm vào màn mưa trắng xóa. Nghĩ, bên trong ghe còn có bao phận người lênh đênh cố tìm cho mình một bến dừng chân?
Như tôi, 5 - 6 tuổi, ba má cập ghe lại bến sông nhà ngoại, dắt tôi lên bờ chỉ vì muốn con mình biết được chữ nghĩa, sau này lỡ có đi lạc cũng biết đường về… Bữa đó tôi khóc dữ lắm, cứ dõi mắt nhìn ra bến sông có mấy rặng ô rô xơ xác. Đêm đầu tiên ở nhà ngoại là một đêm mưa rả rích, căn nhà lá nghiêng một bên chỗ nào cũng dột, những cơn gió thổi vào lạnh cả sống lưng. Chắc vì vậy mà nước mắt cũng mau khô hơn. Ngoại nằm gác tay lên trán, lâu lâu lại vuốt tóc tôi “sao giờ này còn chưa ngủ nữa con, tới hè ba má con về rước, coi vậy chớ nhanh lắm”.

Hừng sáng, ngoại đã bơi xuồng dỡ lú dưới sông, cất vó luôn chỉ vừa đủ ơ kho quẹt cho hai bà cháu ăn sáng chiều. Hôm nào trời mưa, ngoại để tôi ở trong nhà, chẳng cho theo cùng. Cầm chiếc dầm nhỏ ngoại đẽo cho tôi mà lòng buồn đến lạ. Cái nón lá rách vành không che nổi gương mặt lạnh căm, tôi rưng rưng nắm đôi bàn tay móp méo đang khẽ run lên của ngoại. Chẳng biết phải thương bao nhiêu cho vừa.
Ngoại bán thêm nước màu thắng từ nước dừa. Mỗi lúc ngoại thắng nước màu, tôi vẫn ngồi cùng ngoại bên cái cà ràng rực lửa. Ngoại hay biểu tôi ngồi yên những lúc thấy tôi khỉ khọt với củi lửa. Khi đem nước màu đi bán, tôi ngồi trước mũi xuồng với chiếc dầm vừa tay, ngoại chèo phía sau, ngang qua những mái nhà, lại rao “ai mua nước màu nước dừa hôn”. Xuồng cập dưới mé sông, ngoại dỡ nắp cái khạp da bò nhỏ, múc từng vá nước màu sền sệt đen óng vào cái keo của người mua hoặc vào cái túi nylon rồi cột lại cho khách. Những đồng bạc lẻ được ngoại cất vào cái khăn màu cháo lòng kỹ lưỡng. Trên mỗi khúc sông qua, ngoại vẫn dừng lại mỗi khi thấy củi mục, chai lọ. Có hôm may mắn ngoại còn nhặt được món đồ chơi bằng nhựa cho tôi. Món đồ chơi đứa trẻ nào bỏ đi (hay làm rơi) lại là món quà cho đứa trẻ khác. Buổi chiều tắt nắng, tôi hay nằm dưới xuồng ngước mặt lên trời nhìn những áng mây trôi trên nền trời xa thẳm, một vài cánh chim lạc bầy cố nhớ đường bay về tổ. Trong ý nghĩ lúc ấy của tôi, chiều mênh mông hơn tôi tưởng.

 Có hôm trên đường về, xuồng của tôi và ngoại phải tấp vào một rặng dừa nước hay bụi cây nào đó để đụt mưa. Tôi ngồi trong lòng ngoại, hé miếng cao su nhìn ra bên ngoài mặt sông, màn mưa vẫn trắng xóa. Tôi đưa tay ra hứng nước mưa: “Mưa điệu này chắc còn lâu mới tạnh hen ngoại”. Ngoại chỉ cười: “Ờ, hồi tối nghe đài báo bão…”.
Những bận đi về trên nhánh sông quê, chợt thấy sông quê mình bao dung quá đỗi, chở che biết bao nhiêu thân phận con người mưu sinh lênh đênh cùng sóng nước. Ghe dừng lại không lưu lại dấu nằm dưới sông, chỉ có những ánh nhìn là còn vương lại đâu đó nơi bến sông, bởi những dáng người trên bờ vẫn hay nói vọng xuống ghe “có cần nước mưa thêm hông? Lên bờ xách mớ củi xuống ghe để dành chụm? Nhà có buồng chuối già đem xuống cho tụi nhỏ ăn lấy thảo?”. Để có lần quay ghe về lại, chủ ghe tức tốc nhảy lên bờ cầm tay nhau “má khỏe không má. Con mang cho má chục nem chua, mấy chai dầu gió với con chó phốc…”.
Giờ về lại bến sông xưa, mái nhà ngày xưa chỉ còn lại một bãi đến trống trơ. Ngoại đã không còn nữa. Trời lất phất mưa như cái hôm rời nhà ngoại, tôi đứng dưới ghe ngoái đầu nhìn lại dáng ngoại già nua vì mưa nắng. Má quệt nước mắt cho tôi, bảo tựu trường năm sau lại về ở với ngoại. Mà điều đó đã không thành hiện thực. Ngoại ra đi vào một ngày mưa rơi lất phất. Mớ nước màu thắng bằng nước dừa vẫn chưa kịp nguội đi. Chiếc xuồng chênh chao sóng nước. Tôi lấy cây dầm và cái khạp da bò xuống ghe, nước mắt rơi suốt dọc đường đi. 
Ngày về, tôi áp mặt vào sông, nhìn hoàng hôn đổ dài trên mặt nước. Chợt thèm một cơn mưa về qua lối cũ. Tôi ngồi bên bụi cỏ ven đường, chờ một chiếc xuồng lướt nhẹ trên sông. Tôi đã ngồi chờ ở đó rất lâu…
Nguyễn Chí Ngoan

Cô Bán Đèn Hoa Giấy (Tân Cổ) - Lệ Thủy 

Đèn hoa giấy 

      1.- Sáo ơi! Sáo à!
    Bà cứ hay gọi chiều như thế, nhất là những chiều bấc the thắt lên miệt đồng bưng. Hoàng hôn thẫm tím triền sông. Vệt nắng cuối ngày in hằn lên đôi mắt nua già đầy rẫy những vết xước của thời gian.
    Non tháng nữa là Tết. Nước rút đồng sau một mùa dâng lai láng. Đám sầu đâu bên vườn nhà xạc xào theo từng ngọn gió. Lá nõn biêng biếc. Phía trong vườn nhà, ông lừng lững chui ra từ đám lá xanh hình liềm, mọc đối xứng, mép lá có răng cưa, vị đắng nhẫn.
    Hình như ông cứ đợi bà gọi như thế, kiểu thành nếp rồi mới hề hà: Sáo đây, Sáo đây! Người dân xứ mình ưa hái những lá non xanh, hay những chùm hoa còn bum búp nụ, đem về trộn với khô cá sặc, ăn với mắm me thì thôi rồi nghen con. Ngon đến độ quên hết trời đất. Có bận ông nói với thằng cháu nhỏ, khi thấy nó mặt ửng đỏ lúc ăn phải món gỏi sầu đâu trứ danh của cái xứ tầm tang này. Vậy chớ bây nhai kỹ đi, chừng nuốt cái ực xuống cổ họng, sẽ thấy cái hậu ngọt đầm dịu mà hổng có loại lá nào sánh bằng.
    Ông mê cái món gỏi sầu đâu này. Ông mê đến độ dù là những năm tháng chiến tranh, thỉnh thoảng mới được đơn vị cho dìa thăm nhà. Vậy mà cứ theo lệ, ông canh những mùa sầu đâu mà dìa. Thể nào cũng nằng nặc đòi ăn cái món này. Ăn ngấu ăn nghiến. Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi. Đằng này ông bén mùi gỏi sầu đâu mà tìm dìa. Mỗi mùa ông dìa, đâu chừng một hai đêm rồi đi, vậy là lòi ra một đứa. Những đứa con ngơ ngác, đôi khi hổng biết mặt cha gì ráo trọi. Đôi khi chưa gọi được cái tên cha, thì ông đi biền biệt.
    2. Bà rầy Hai Thương, giữa Chạp rồi, sao bây hổng mua giấy màu về. Rồi thằng Ba Hoài đâu, uốn mớ tre mảnh cho má chưa. Chừng hổng kịp nghen. Thằng Tư Hòa nó khờ lắm bây à, nó ham chơi đi miết, chừng sẫm trời nghe đám bìm bịp kêu chiều mới chạy về. Cứ canh nhà nào có treo đèn lồng hoa giấy thì mới biết nhà mình. Thằng tánh kỳ. Hổng biết nhớ nhà là gì?
    Để Sáo mua cho. Ngoại bây lại lẩn thẩn rồi. Ông vừa tuốt lá mai, vừa thủ thỉ cùng thằng cháu nhỏ. Hổng phải ông nói vậy cho qua chuyện đâu. Ông phải mua cho bằng được mớ giấy màu để bà làm đèn hoa giấy. Ngoại bây cái gì quên thì quên, chứ đèn hoa giấy thì hổng bao giờ quên.
    Cái tập tục từ thời xa xưa của xứ mình, tết nhứt hay nhà có cưới hỏi là phải treo đèn hoa giấy. Đèn xanh đỏ tím vàng, màu sắc vui mắt vậy để cầu một năm mới sung túc đủ đầy duyên may.
    Hồi đó, bà làm đèn hoa giấy nổi tiếng nhất vùng. Đèn hoa giấy của bà đẹp, lại bền màu lắm. Xài năm ba mùa Tết mới phai lợt chút ít thôi. Giấy bà mua về, phết lên bề mặt màu một lớp dầu dừa, rồi đem phơi một con nắng đổ đồng. Giấy sẽ dai và lâu phai màu. Bà có đôi bàn tay khéo léo, uốn tre mảnh và cong theo từng tạo dáng của hoa, của lá. Rồi phải ngâm tre xuống nước sông, mượn cái phù sa mà ngâm đúng một con nước lớn ròng. Tre vì vậy mà có độ dẻo dai, thuận tay người uốn. Cứ thế, tiếng lành đồn xa. Mỗi bận Chạp đi chừng quá nửa con trăng là bà lại đem đèn hoa giấy ra gốc sầu đâu đầu chợ làng mà bán.
    Cũng tại cái gốc sầu đâu đó mà bà gặp ông. Năm đó ông mười tám, trong đợt về lính, ghé ngang gốc sầu đâu mà mua cặp đèn bông sen của bà. Thấy con nhỏ bán đèn mười sáu mà tiếng rao ngọt lịm. Ông mê mẩn cả người. Chỉ có ba ngày phép à. Mà ông đeo riết gốc sầu đâu. Chừng hết phép mới len lén người qua kẻ lại, dấm dúi vào tay bà chiếc khăn trắng thêu hình đôi chim sáo. Ông nói, hễ thấy con chim sáo nào nó bay theo bà, thì đó là ông nhớ thương mà tìm về.
    Ông cứ canh mỗi độ con tu hú kêu mùa gió lạnh là tìm về gốc sầu đâu mà cù cưa với bà. Chừng hai năm sau thì xin phép đơn vị cho về cưới. Đám cưới thời chiến khổ tứ bề, vừa lo bom rơi đạn lạc, vừa lo quen mùi nhớ miếng dăm hôm là phải chia xa. Một năm đôi ba bữa về thăm nhau đó đã là nỗi mừng khôn xiết.
    Chiến tranh cuốn ông đi một quãng đời đăng đẳng. Mấy đứa con cứ thế lớn lên theo những ngày củ ấu củ lang, bo bo độn bắp, còn gạo thì lúc nào cũng sát rạt đáp khạp nghen. Rồi có đứa lại đòi thoát ly đi làm nhiệm vụ, bà cũng gật đầu cái rụp. Mỗi lần tiễn con đi, là mỗi lần thắt thẻo ruột gan. Đi là đi vậy thôi, chớ đừng hoài vọng trông mong ngày về. Khi bom đạn còn giày xéo khắp nơi như thế, thì cái ngày về nó mù khơi xa tít tắp.
    Chiến tranh hay hòa bình, nói thì nghe đâu một cái rột liền miệng, nhưng đó là một quãng đời dài đớn đau với những xa xót và mất mát.
    3. Hai lăm Tết, người ta đi giãy mả từ mờ sáng. Bà lại đong đưa cái võng bên hiên nhà, canh người qua kẻ lại ngang bờ rào mà í ới chào hỏi.
    - Nay giãy sớm hen chị Tám, lát dìa ghé tui lấy cặp đèn treo Tết nghen!
    - Anh Tư, nhớ thắp giùm cây nhang cho cô Bảy, nói cổ tui già rồi hổng lội ra thăm cổ được nghen!
    Chừng hổng còn ai ngang cái bờ rào nữa, bà lại gọi: Sáo ơi! Sáo à!
    Sáo đây! Sáo đây! Sáo mới ra chợ mua mấy phong bao đỏ, đặng tết nhứt lì xì tụi nhỏ nè! Ông đến ngồi kế bên cái võng. Hai mái đầu trắng nhìn những tia nắng vàng xuyên đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ. Tết này Út làm đèn hoa giấy bông sen cho Sáo nghen! Chỉ Út làm Sáo mới ưng thôi hà!
    Bà cười móm mém trước câu vỗ về. Ông với tay đẩy nhẹ cánh võng. Bà lẩn thẩn nhớ quên những chuyện xưa xa. Nhưng ông thì vẫn cứ chìu bà tất thẩy. Có lần cậu Năm Bình nói với ông. Má lẫn rồi tía ơi! Cứ nhắc mấy chuyện xưa xa, rồi nhắc Tư Hòa, rồi gọi Ba Hoài. Tía chìu riết má càng lẫn hơn.
    Ông nhìn thằng con rồi hẫng nhẹ. Không khéo nói ra, bả lại khóc. Cái thằng Tư Hòa của bả đã ra đi hồi đợt pháo kích dữ dội của mùa hè năm mười lăm tuổi rồi. Nó có về được đâu. Người ta cũng chỉ gởi về đúng cái giấy báo tử và cái túi đeo bả may bằng cái khăn rằn có thêu tên nó, vậy thôi à. Cái túi đeo giờ nằm trên bàn thờ rồi.
    Còn thằng Ba Hoài của bả à, đâu đó bên chiến trường Cam lận. Chẳng thứ gì về. Chỉ tờ giấy báo tử, cùng bức thư bạn chiến đấu kể lúc nó bị bắn chết, bọn địch lôi xác đi mất tiêu.
    Những ngày đó, chiến trường khốc liệt lắm bây. Xứ này, người cứ ra đi rồi là đi hun hút. Có khi quay về, chỉ là cái áo, hoặc may mắn thì có thêm được dăm ba món đồ. Gọi là kỷ niệm. Đời má bây, toàn thờ kỷ niệm mà thôi.
    Chiến tranh nó nghiệt ngã quá đỗi, nên giờ mà nhắc lại, thì chẳng khác nào khơi thêm một cuộc chiến trong chính lòng mình. Cứ nhẹ nhàng thanh thản như vậy, cho bả sống với cuộc đời lẩn thẩn nhớ quên này, âu cũng là an yên tuổi xế bóng đường tà. Bả đâu còn bao nhiêu cái Tết!
    4. Gần Tết, chợ làng bắt đầu xôm tụ với nhiều thứ hàng hóa được chở từ Sài Gòn về buôn bán. Sáng sớm tinh mơ, đã nghe tiếng đãi bôi cò kè bớt một thêm hai rân trời. Loa của xã thông báo có đoàn tặng quà Tết sẽ về ghé thăm mấy gia đình chính sách. Nghe đâu chừng tiếng nữa họ ghé thăm ông bà. Năm nào nhà cũng được cho biết bao nhiêu là thứ quà Tết. Hết đoàn cựu chiến binh ghé, tới đoàn phụ nữ, đôi khi có những đoàn từ thiện cũng tạt ngang.
    Những ngày đó, ông bà lại vui lạ thường. Ông kể ron rót mấy chuyện xưa cũ, chừng như níu chân các đoàn ghé thăm quá vãng cả buổi trời mới chịu cho về. Chuyện Trường Sơn đỏ lửa. Chuyện đi ngang hang Vọng nghe tiếng xin cây lược của mấy cô thanh niên xung phong hồi ấy, hơn chục cô gái thanh tân, nằm lại mãi mãi trong hang, sau đợt càn của địch. Chuyện ông trở về sau cuộc chiến nhưng hai đứa nhỏ thì nằm lại mãi mãi với đồng đội. Chuyện ông thương bà như hồi còn son. Bà vẫn cứ là Út trong lòng của Sáo sau bao biến chuyển thời cuộc.
    Bà tiễn mọi người ra tận bờ rào, dúi vào tay mỗi người một cái đèn hoa giấy. Ngày tư ngày Tết treo cái lồng đèn hoa giấy cho nó có không khí nghen mấy cô mấy chú. Ngộ là khi ấy, bà tỉnh rụi, chẳng khóc, chẳng tiếc nuối về hai thằng con. Vẻ mặt ánh lên tự hào rất đỗi. Bà thương con lắm chứ, rứt ruột đẻ ra mà. Nhưng tàn cuộc chiến rồi, quá khứ cũng phải ngủ yên. Đời bà may vẫn còn có ông. Vậy là mừng rồi mấy cô mấy chú ơi. Tết bây giờ vẫn là vui hơn tết xưa. Trọn vẹn hay không trọn vẹn đâu quan trọng bằng cái cảm giác đón Tết yên bình ngay trên chính xứ quê mình hen.
    5. Hai chín Tết, đường quê rợp sắc màu hoa lá tươi mới. Má dọn nhà cửa đón gia đình cậu Năm Bình từ Sài Gòn dìa ăn tết với ngoại như thông lệ hằng năm. Má chưng dưa hấu lên bàn thờ. Xếp hộp mứt gừng mứt bí, mấy món bánh kẹo được làm từ dừa, từ chuối.
    Sớm tờ mờ ông đã đi cắt lá dong để tối gói bánh tét. Chiều chạng vạng đã nghe tiếng í ới của gia đình cậu Năm Bình ngoài bờ rào. Đường sá xe cộ kẹt rần rần. Ai cũng tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ thứ đồ về quê. Thấy nao nức gì đâu! Mợ năm vừa khỏa nước rửa mặt trên bến sông sau nhà, vửa hồ hởi kể chuyện cho cả nhà nghe.
    Rồi mọi người quây quần bên mâm cơm chiều, mùi mắm kho dậy cả chái bếp sau. Lần nào về quê, vợ chồng cậu Năm cũng đòi ăn mắm kho. Món ruột xứ mình mà. Về xứ mắm phải ăn mắm, rồi nghe tía hát. Tía ưa hát cái câu nịnh má đó chị. Tía hát lại đi tía. “Con cá làm ra con mắm, vợ chồng già thương lắm mình ơi!”. Cậu Năm Bình bắt chước giọng điệu của ông, cả bàn ăn cười rần rần.
    Ông cũng cười, gắp bỏ vào chén cơm của bà miếng mắm kho. Già tía tụi bây nghen! Ổng dạy tụi bây hư hết à! Bà lườm ông, bà nguýt cậu Năm. Bữa cơm chiều kéo dài đến tối trời.
    Trăng cuối Chạp vắt cao lên ngọn sầu đâu. Phía nhà trước, má với mợ Năm bắt đầu bày nếp bày lá ra gói bánh. Cậu Năm đặt gạch kê lò, lúi húi chụm lửa, cứ chạy ra chạy vào đòi bánh, khi nồi nước bắt đầu réo rắt.
    Bà lại bày giấy màu, tre mảnh ra ngồi dạy mấy đứa cháu nhỏ làm đèn hoa giấy. Chỉ khi làm đèn bà mới nhớ rõ mồn một cái nghề như chính phận đời của mình. Ông vừa dán giấy vừa nhìn ánh mắt sáng ngời tươi trong của bà.
    - Ủa chớ cô gì ơi, cho qua hỏi thăm cái này, hỡi cô bán đèn giấy hồng, đèn hồng cô bán, má hồng cô bán chăng?
    - Má hồng hãy hỏi song thân, em đây chỉ bán cho anh đèn hồng.

    Tiếng hát đối của ông bà lại thêm một phen náo động căn nhà. Giọng bà chẳng còn trong vắt ngọt lịm như hồi xưa, nhưng ông vẫn thương. Như có lần ông nói, thương bà thì dù bà lẩn thẩn nhớ quên, hay đã vàng phai xế bóng, thì cái thương của ông lại càng đầy đặn theo năm tháng, như cái câu ca ông vẫn thường hát nịnh bà. Mà ông chẳng hát để chơi. Ông hát, là hát cho tụi con cháu nghe. Cứ lấy cái hình ảnh của ông bà, mà sống sao cho quanh năm suốt tháng, bốn mùa thì vẫn là xuân.
    Thằng cháu nhỏ bắt ghế treo mấy cái lồng đèn hoa giấy lên cao. Bấc thổi mấy cánh sen hồng đong đưa, thấy Tết đã về bên hiên nhà.
Sưu tầm





Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Tết Chôl Chnăm Thmây 2020 tại chùa Hang Trà Vinh và ao Bà Om

Điệu Lâm Thôn Trà Vinh - Văn Hương (Album 13 Tỉnh Miền ...



Vang thanh âm tiếng nhạc,
Điệu Lâm Thôn vui vầy...
Người người cùng sum họp,
Tề tựu cả về đây !!
NM

Tết Chôl Chnăm Thmây 2020 tại chùa Hang Trà Vinh và ao Bà Om
Từ giã hai chị em chị Nâu hẹn nếu có dịp về Trà Vinh sẽ ghé thăm chị cùng chung nhau nấu nướng thức ăn cho vui, và bây giờ thì hai cô cháu sẽ đi chùa Hang trước. một ngôi chùa cổ và truyền thống xem người ta tổ chức Tết như thế nào vì buổi sáng khi đi ngang qua các chùa Khmer nhỏ hay chùa Phật VN tất cả đều cửa đóng then cài, nhưng có lẽ với các chùa lớn sẽ có không khí của lễ hội hơn
Quả đúng như thế hai cô cháu đến chùa Hang đã hơn 10g sáng, trong sân người ta cũng trang trí rạp, sân khấu, chỗ nầy thầy và mọi người đang đọc kinh, chỗ khác thầy giở sách giảng đạo, người ta mặc quần áo mới, đi từng nhóm nhỏ đến viếng chùa lạy Phật, nam phụ lão ấu đều có mặt vui vẻ...Sau khi làm đầy đủ nghi thức lễ ngoài sân thì họ tụ tập về gian nhà lớn, người nào cũng xách giỏ mang theo quà, họ ngồi thứ tự yên lặng chờ các sư từ khắp các phòng tụ tập về để dâng cúng. Khi các sư tụ tập về đây trên tay vị nào cũng có cầm riêng cho mình một cái đĩa hoàn toàn giống nhau từ kích thước cho đến màu sắc
Dưới gốc cây sala lớn trong sân cũng có một rạp lớn khá đông người tề tựu ngồi nghe giáo lý bây giờ nghi lễ xong họ cũng vội vã tập trung vào nhà lớn, có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh mọi người đều đeo khẩu trang cẩn thận, Ti ngồi lim dim trên băng đá trong sân sau của chùa, trong khi đó thì mình đi loanh quanh chụp vội những hình ảnh sau cùng của lễ hội ở ngoài sân
Đàn cò hôm nay cũng di trú sang hàng cây cao to phía sân trong, thấy người đông chúng cứ bay đi bay lại trông chừng tổ, năm nay gian hàng trò chơi và ăn uống cũng ít đi nhiều nhưng không khí Tết thì vẫn vậy, Ti lại đi một vòng tìm tòi cái mới chụp lưu lại, bây giờ thì chuẩn bị đi ao Bà Om đây
NM 

Ao Bà Om và những cây cổ thụ lạ mắt (Hình do Ti chụp)
Mùa này ao không có hoa súng hay hoa sen, trời hơi trở gió có vẻ sẽ mưa trong chiều nên nắng không gắt lắm 
Hôm nay là ngày cuối của Tết Khmer và lệnh cách ly xã hội vẫn chưa thu hồi cho nên ao khá vắng vẻ, chỉ có giới trẻ là nhiều nhưng không tụ họp thành nhóm đông, họ đi từng cặp mặc quần áo mới, tạo dáng chụp hình cho nhau, hàng nước có bày một số ghế xích đu, ghế đôi có trang trí hoa cho thuê chụp ảnh
Không khí trong lành êm đềm nên thơ giống như hồ ở Đà Lạt !!
 

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Nhạc - Thơ - Văn Bình minh trên quê nội

Bông Mù U

Ánh bình minh của một ngày vui mới,
Thật thanh bình êm ả giữa tinh mơ...
Tôi đi tìm hoa trắng giữa trời thơ,
Hoa chưa nở chỉ gió lùa qua lá !

Quê nội nên thơ ruộng đồng vất vã,
Con đường quê dẫn lối mỗi khi về...
Mùa thơm rơm ngan ngát thật chân quê,
Tôi như thấy tuổi thơ mình ở đó !!
NM


Đây là quê hương xứ sở bên nội của Ti, bên trong ruộng chỗ có tháp mộ của ông sơ, bà cố và ông nội của Ti, Buổi sáng mỗi khi có dịp về tảo mộ, thường hai cô cháu đi rất sớm, khởi hành từ 6g sáng cho nên đến nơi khoảng 7g lúc đó quang cảnh thật dễ chịu, xa xa mới có 1 căn nhà...Mát mẻ... yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót, chuồn chuồn bay, tiếng bìm bịp và chim cuốc buổi sáng không làm người nghe nặng lòng, thương nhất là tiếng gà gáy khiến ta có cảm giác thật thanh bình giữa đồng ruộng mênh mông !!
Điều đặc biệt nhất mà mình rất thích nhất là có cây mù u mọc gần sát bên, cây Mù u còn có tên là Nam Mai, cái tên hoa mai trắng lục tỉnh mà mình chọn làm bút hiệu NM Phan thị Ngọc Diệp, mùa nầy mù u đã kết trái cho nên khg còn một cái hoa nào cả !

Cây mù u con bướm vàng chưa đậu,
Nhưng em về nhớ mãi hoa mù u...
Bây giờ trời đã cuối Thu,
Thôi đành chờ ngắm mù u sang mùa !
Hai năm sau nầy các hủ tro cốt của Ông sơ, bà cố và ông nội Ti lại được thiếm Ba Cao dời vào thửa ruộng bên trong kế nhà bà con, nơi đó có 2 ngôi mộ của bà cố và bà dì chôn cất đã lâu và 3 hủ tro cốt được cất vào một tháp nhỏ trên dưới theo thứ bậc dòng tộc
Con đường đi từ con đường làng nhỏ vào thăm rất là khó khăn vì đây chỉ là đường đất men theo bờ ruộng, lần đầu tiên Ti chở đi thăm dịp Vu Lan, bờ ruộng nhỏ và chưa từng chạy xe như vậy, nhìn cỏ mọc hai bên Ti tưởng là đất chống chân ai ngờ bị hụt chân lọt 1 bên xuống ruộng, chiếc xe gắn máy nghiêng qua phía bên chân lọt xuống sình ! May mà Ti cao cho nên chỉ mất 1 chiếc dép, còn mình thì không biết có ai "độ" Ti chở ngồi phía sau, xe nghiêng qua suýt ngã xuống ruộng mà không hiểu tại sao mình lại đứng bình yên trên bờ ruộng nhỏ xíu vừa hết hồn vừa cười lại hoàn toàn bình tỉnh phụ với Ti kéo chiếc xe đang chực ngã đè lên chân Ti...
.Mãi đến giờ con đường mới được be thêm đôi chút do bà con biết hai cô cháu suýt lọt ruộng, ở đây trồng lúa sậy cho nên khoảng cách từ bờ xuống ruộng khá sâu ! Từ "biến cố" đó về sau mỗi lần đi thăm mộ thì Ti chạy xe một mình , còn KC đành xách giỏ lội bộ từ con đường làng vào. Cảnh thật nên thơ và bình yên , gởi xe nhà chú Ba Sum hai cô cháu lại băng ruộng qua thăm nếu nhằm lúc ruộng gặt xong vì vào mùa nắng ruộng khô, mùa mưa thì men theo bờ ruộng mà đi...!
Kể cho Thiếm Ba nghe, hỏi Thiếm sao Thiếm có tuổi chân đau khớp mà đi được trên con đường nhỏ đầy cỏ trơn trợt, Thiếm cười và nói mỗi lần về đó Thiếm đi theo ghe vào và "hú" bà con là những ông con trai ra "cõng" !! Thiếm nói mai mốt có đi thì con đi như vậy !! Hèn chi hai cô cháu lúc chưa biết thật ngưỡng mộ Thiếm Ba, Thiếm còn cho biết khi chỉnh trang và làm tháp Thiếm phải ở đó gần cả tháng ......Thôi chịu khó lội bộ vậy, cứ nghĩ kêu người cõng thấy....buồn cười làm sao ấy !
Ruộng nằm bên kia sông cho nên phải qua con phà nhỏ, chiều ngang sông không rộng vì thế khi đầy khách phà chỉ cần xoay đầu là đã đến bờ bên kia ! "Quay đầu là bờ" thêm một ý nghĩa cho việc thăm viếng, bờ thật gần đâu có xa xôi gì ?!! Thỉnh thoàng vẫn thấy khách ngoại quốc ngồi trên chiếc ghe máy chạy dọc theo sông ngắm cảnh xen với các ghe lớn chở gạo và nông sản, thật nên thơ vui tai với tiếng máy tàu, và cảm thấy sự thanh bình của thời không còn chiến tranh dù nơi đây vẫn còn nghèo nhà cất sơ sài, nhưng đâu đó có xen vào các ngôi nhà khang trang của chủ mới sau nầy...,
Hai cô cháu ước gì mở được 1 resort mini và dân dã ở đây kế bên nhà là hàng rào dâm bụt đỏ, có hàng hoa cát lồi vây quanh, sông nước hữu tình bên sông có chợ , cạnh ruộng vườn , trồng cây ăn trái, trồng rau làm vườn , đào ao thả cá, nuôi gà vịt chỉ làm cảnh thôi và nếu phục vụ thức ăn thì sẽ là món chay !!
Ôi, thật là Thơ mộng và mơ mộng ....?!!
NM PTND