Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

NTV - Mỗi mùa rau nhút


Mùa hoa nhút vàng,
Hoa nhỏ li ti ánh sắc vàng,
Điểm tô ao nhỏ chút Xuân sang....
Giúp người nông sản thêm ân sủng,
Đồng lúa giđây ngập nắng tràn...
NM
 
Mỗi mùa rau rút

Tháng 8, những cây rau rút đã không còn xanh mơn mởn với những “tay” vươn ra tua tủa. Tuy nhiên, người trồng rau vẫn còn tận thu được khoảng gần 1 tháng nữa. Được trồng từ tháng 4, khi những cơn mưa kèm theo tiếng sấm ì ùng vang vang, cây rau rút cứ thế mà lớn như thổi. Nhiều hộ gia đình bỏ cả ao cá để chuyển sang trồng cây rau rút bởi giá trị kinh tế của loại rau độc đáo này.

Cây rau “độc”

4 năm trước, bà Bùi Thị Hoan xóm Bồi Tây, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có dịp đến chơi nhà một người bạn ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) thấy chủ nhà có trồng cây rau rút. Được chủ nhà “tư vấn”, loại rau này rất “dễ tính” chỉ với 2, 3 yêu cầu cơ bản là có thể trồng được và cho hiệu quả kinh tế cao: nước sạch và phải “loãng”, cộng thêm việc cho “ăn” đạm, lân phù hợp. Bà Hoan về nhà, cải tạo lại diện tích ao và bắt đầu trồng thử nghiệm vụ rau rút đầu tiên. Để cải tạo ao, ban đầu bà bơm sạch nước, sục bùn, dọn cỏ… sau đó tiến hành bơm nước lần hai, mực nước cao chừng 30-50cm thì thả bèo tấm. Bà cho biết lý do thả bèo: “Bởi vì rau rút là loại cây thảo nổi ngang mặt nước nhờ lớp phao xốp màu trắng. Khi vào mùa mưa, thân rau rút thường bị nặng, dễ bị chìm. Bèo ở trong ao sẽ giúp nâng thân, phao rau rút. Bên cạnh đó, việc thả bèo tấm trong ao rau rút còn giúp giữ thân rau ổn định trên mặt nước. Ngoài ra, bèo còn có tác dụng che phủ, làm trong và mát nước ao". Bà Hoan tuyệt đối “canh” trong ao không cho bèo cái vào, sẽ ảnh hưởng đến sự sống của rau rút. Trồng rau rút, bà Hoan còn chú ý diệt sạch ốc bươu vàng vì đây là đối tượng gây hại chính cho rau. Đầu tháng 4, bà Hoan nghe “dân” trồng rau rút có kinh nghiệm “mách” lên chợ đêm Phạm Ngũ Lão, Thành phố Nam Định mua ngọn cái (còn gọi là rau giống). Mua được giống, bà pha “loãng” nước ao (bơm thêm nước) và cấy rau rút. Khi cấy rau, bà cẩn thận cắm một cành tre nhỏ kế bên và dùng dây buộc gốc rau rút vào cành tre để gió không đẩy cọng rau đi nơi khác. Cấy rau xong, bà chờ khoảng 15-20 ngày, rau rút sẽ bắt đầu mọc. Ngọn cái nhu nhú thì bà ném đạm với lân. Ngọn cái ăn đạm, ăn lân bắt đầu mọc ra các tay (gọi là cành) và phát triển, lan rộng khắp cả mặt nước trên ao. Khi ngọn cái dài quá, người trồng cũng có thể cấu ngọn để bán cho những nơi mua làm giống... Theo bà Hoan “trồng cây rau rút rất dễ và cũng không cầu kỳ trong việc chăm sóc. Chỉ cần cho cây ăn đầy đủ dưỡng chất, giữ nước ao sạch là có thể yên tâm”. Ao rau của bà Hoan trồng 1 tháng là đã cho số ngọn khá nhiều và bắt đầu thu hoạch. Thu hoạch liên tục trong khoảng 1 tuần thì bà tiếp tục cho rau ăn. Thời gian thu hoạch rau có thể kéo dài khoảng 4-5 tháng tùy theo mức độ chăm sóc, kỹ thuật của người trồng. Đối với riêng ao rau của bà Hoan, do được chăm sóc, vệ sinh tốt, ruộng rau nhà bà thường “tàn” muộn nhất xóm... Rau rút ngon là những cây rau có ngọn cái đẹp, khỏe, dài. Các phao trắng, to. Muốn trồng được những cây rau như vậy, kinh nghiệm của bà Hoan cho thấy: “nước càng sạch thì phao càng trắng, càng đẹp. Ao càng bẩn, ngược lại, phao đen và xấu. Ngoài nước thì cách cho ăn phân cũng rất quan trọng. Nước bẩn, cộng với cho ăn quá nhiều, rau sẽ tự rút ngọn không lên được nữa”.

Mùa rau rút bắt đầu từ tháng 4, rộ lên vào tháng 6 hằng năm. Được những cơn mưa mát mẻ của mùa hè tưới tắm, ao rau rút lớn theo ngày, ken đặc mặt nước với những tay rau tua tủa. Mỗi ngày, bà Hoan đều dành thời gian để hái rau đem bán. Những hôm đông khách, bà phải hái từ chiều để hôm sau kịp lên các chợ Cầu Sắt, Lý Thường Kiệt… bán buôn. Có những hôm, nghe tiếng gà gáy canh 3, canh 4 bà đã dậy hái rau kịp đi chợ sáng. Cuối tháng 7, đầu tháng 8, một vài ao rau rút đã có dấu hiệu “tàn”. Những ngọn rau cứ tự động rời ra. Tuy nhiên, ở những ao rau được chăm sóc tốt, đây là thời điểm mà những chủ ao rau có thể tận thu.

Bỏ cá trồng rau

Ao rau rút trước đây của bà Hoan vốn là ao nuôi cá. Vụ rau rút hết, bà mới chuyển về nuôi cá. So sánh hiệu quả kinh tế giữa nuôi cá và trồng rau rút, bà Hoan kết luận nhanh: “Trồng rau rút hiệu quả hơn nhiều mà lại không vất vả, tốn công chăm sóc. Hơn nữa, trồng rau rút, dân chúng tôi không phải lo nhiều về những khoản như… thời tiết, bệnh tật”. Đầu mùa, ấy là khi dân trồng rau rút “trúng quả” nhất. Rau rút được bán theo mớ, 1 mớ 5 ngọn, bán cất ngay tại chợ có giá khoảng 5.000 đồng. Giữa và cuối mùa, giá cả hạ xuống đôi chút, khoảng 3.500-4.000 đồng/mớ. Ngày nào bà Hoan cũng xuống ao hái rau rút. Mỗi ngày bà hái khoảng vài ba chục mớ, tính ra mỗi ngày chợ, trừ chi phí cũng được hơn kém 100 nghìn đồng. Vào đầu mùa, khi rau rút được giá, bà Hoan có thể thu về khoảng 200 nghìn đồng/buổi chợ. Không chỉ bán rau ăn, bà Hoan còn bán rau giống. Mỗi ngọn cái, bà bán giá 3.000 đồng. Theo ước tính của bà Hoan, ao rau rút rộng 10 thước, sau 3-4 tháng thu hoạch, trừ chi phí, thu về khoảng trên 10 triệu đồng. Ngoài thu hoạch rau rút, người trồng rau còn có thêm thu hoạch từ “phụ phẩm” của rau là bèo tấm. 1 tuần/lần bà Hoan lại vớt được vài bì bèo bán cho những người nuôi cá với giá 30 nghìn đồng/bì. Hiện xóm Bồi Tây, Mỹ Phúc theo ước tính của bà Hoan có khoảng 6, 7 nhà chuyên trồng rau rút. Một số nhà trồng nhiều có thể kể đến như nhà Tĩnh Huê, Năm Dân, ông Bảo… Đây là những nhà có diện tích trồng tương đối lớn, khoảng 2 sào trở lên. “Đương nhiên, họ trồng nhiều thì thu nhập phải lớn hơn tôi rất nhiều. Đó là những nhà có thể đạt thu hoạch khoảng 40-50 triệu đồng/vụ rau. Những nhà trồng nhiều, đôi khi còn không phải đi chợ bán, thương lái thành phố về tận nhà lấy cất. Đó là lý do vì sao, nhiều nhà không nuôi cá mà chuyển sang trồng rau rút khi vào mùa”, bà Hoan chia sẻ. Hiện tại, không chỉ có Mỹ Phúc mà một số nơi như Tức Mặc, Thượng Lỗi, xã Nam Vân, Nam Phong (TP Nam Định)… nhiều hộ gia đình cũng đầu tư để trồng loại rau này. Không chỉ sử dụng ao tại gia đình, nhiều hộ còn sử dụng một số diện tích mặt nước gần các con sông để cấy thả rau rút. “Thị trường rau rút… không phải lo khi vào mùa. Giá cả lại tương đối ổn định. Đây là loại rau ngày càng được ưa chuộng và “dễ” ăn với mọi nhà bởi những đặc tính “tốt” như mát, giàu dinh dưỡng, mùi vị thơm ngon… Do đó, người ta không chỉ sử dụng rau vào việc chế biến các bữa ăn hằng ngày, mà giờ đây rau rút còn có cơ hội góp mặt vào những “sự kiện” trang trọng hơn trong mỗi gia đình như đám cưới, đám giỗ, ngày rằm… Chúng tôi thường nhận được những đơn hàng lớn mua hàng mấy chục mớ vào những dịp như vậy”, bà Hoan chia sẻ một cách thành thật, vui vẻ.

Mùa tháng 7, tháng 8 khi những cây sấu già đã thưa dần quả và hết hẳn, cũng là thời điểm dần “suy tàn” của rau rút. Rau rút và quả sấu, thường là những thứ đi kèm với nhau không thể thiếu khi muốn chế biến món ăn. Chưa biết làm cách nào để có thể giữ được giống rau rút cho mùa trồng kế tiếp, những hộ trồng rau rút như bà Hoan chấp nhận cảnh… rau tàn. Tuy nhiên, khi những gốc rau tàn, cũng là lúc đất được bồi đắp một lượng dinh dưỡng mới để chào đón những mùa rau tiếp theo. Bà Hoan cho biết thêm: “Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa trồng loại rau nào đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cây rau rút. Trồng loại rau này cũng rất sạch sẽ, mang một đôi ủng khi xuống ao hái rau, khi lên bờ, người nông dân chúng tôi, rửa qua cái tay là có thể đi chợ, thậm chí ngồi vào bàn nước được ngay. Quá trình thu hoạch rau nhanh, trồng rau ít sâu bệnh lại bán được giá. Vì vậy, chúng tôi hy vọng đây là cây thoát nghèo, hướng đi mới của nhiều nông dân”. Cây rau rút vì thế đối với nhiều bà con nông dân, là loại cây được họ “tin dùng”./.

Hoa Xuân 

 

Ngắm ánh trăng vàng,
Dưới ánh trăng vàng chỉ có ta,
Hoa đào chớm nở dưới trăng ngà...
Ngắm hoa có nhân tình cũ?
Ngày một xa rời xa cách xa !!

Người muôn năm ấy đâu còn nữa...?
Người còn ở lại tâm vấn vương,
Hương vị quê nhà sao thương quá,
Dẫu biết lòng ta lắm đoạn trường !!
NM
 

Thềm trăng

Hoài về làng cũ, đó là ngôi làng hiếm hoi còn giữ được vẻ đẹp nếp xưa. Anh về hôm trước hôm sau cả xóm đã biết. Sáng xách làn đi chợ, cô hàng cá tủm tỉm nói vọng lên như hát:

/// Minh họa: Tuấn Anh
Minh họa: Tuấn Anh

- Anh Hoài chán vợ thành phố rồi à? Lại xách làn đi chợ thế này, đàn ông đàn anh vất vả quá, hay em đánh tiếng tìm cho một mối?

Có tiếng đàn bà con gái vang lên:

- Này anh Hoài ơi, đừng chê em xấu em đen, em như nước đục đánh phèn lại trong này…

Thế là cả khu chợ khúc khích xôn xao.

Ai đã từng đi chợ quê, thấy mớ rau mùi hành hoa thơm, thứ hương thơm nguyên thủy, xà lách non mơn mởn, cá tôm còn mùi bùn đất, đứng ở chỗ cô hàng xén hỏi thăm một chút, chỗ hàng thịt bỗ bã dăm ba câu, chỗ này gọi tên mình ới ơi, chỗ kia nằn nì ăn giúp vài đồng quà mới thấy được cái xôn xao, tươi tắn, ồn ào đến nao lòng mà những siêu thị đủ đầy ở thành phố không có được.

Mâm cơm quê nhà dọn lên là để thưởng thức vị ngon tự nhiên của nguyên liệu chứ không phải vị ngon nhân tạo của những loại gia vị đắt tiền. Mẹ già rồi, Hoài cũng không còn trẻ nữa, ăn uống có là bao, nhưng Hoài thèm được lui cui trong bếp, nấu bát canh cua khoai sọ thả thêm đọt rau nhút hay đĩa tép riu đỏ rọi rang với khế và lá chanh thơm phức rồi dọn lên cái mâm đồng. Khi mẹ trải chiếu ra hiên, Hoài bưng mâm cơm đặt lên giữa chiếu.

Mẹ con ngồi xếp bằng rồi so đũa, trăng sẽ rọi sáng mâm cơm suốt mấy mùa. Trăng sóng sánh trong bát canh, bóng mẩy trong bát cơm nấu bằng gạo tám, trăng tràn xuống thềm nhà hướng nam gọi gió, đầy ăm ắp khoảng sân gạch đỏ. Khoảng sân ấy ngày xưa mỗi dịp cuối xuân đầu thu ăm ắp rơm tươi. Mùa gặt ấy mà, mẹ cha sẽ lùa cơm thật vội, ăn xong còn đập lúa, thóc vàng tràn xuống sân, con cái cầm liềm cắt rơm giũ thật kỹ những hạt thóc còn sót lại rồi tung rơm ra ngõ, đợi nắng lên là có rơm thơm…

Mùa đông, một bát cà chua xào tóp mỡ nghi ngút khói hay yêu canh khoai tròn thêm vài lá thì là thơm phức là quây quần êm ấm giữa mùi tỏi tươi vừa nhổ về treo tăm tắp trên giàn tre trong sân.

Những điều giản dị ấy Hoài cứ nhắc nhớ mãi khiến vợ Hoài cáu gắt:

- Rơm thì dặm ngứa, tỏi thì hôi có gì mà đau đáu quá nửa đời?

Hoài chỉ cười thôi, nhớ quê thì trốn phố, có nơi nao an lành bằng bầu ngực quê hương. Hoài không bao giờ khiên cưỡng vợ theo ý mình. Có lẽ vì thế mà mỗi lần anh quẩy túi về quê chị cũng không cấm cản. Chỉ có điều mỗi lần Hoài ở quê lên phố nếp ăn ở lại thấy có chút gì xộc xệch, cần sắp xếp lại cho ngăn nắp, cần tập cho vào nếp. Nguyên - con trai Hoài từng trách:

- Bố về quê lâu quá, đến nhà mình mà cũng chẳng thấy thân quen.

Mẹ Hoài vẫn giữ thói quen ăn trầu, ngoài tám mươi mà hàm răng nhuộm thuốc vẫn còn đen bóng, khi mẹ cười răng đều tăm tắp hạt na. Nụ cười của mẹ bao dung và hiền hậu biết bao khi Mai cắp thúng ngô đi vào con ngõ, con Mực quen người chạy ra vẫy đuôi tíu tít, Mai chuyển thúng ngô ra trước bụng, ngượng nghịu rồi đặt xuống hiên. Mai ngồi ghé mép chiếu, từ tốn thưa rằng ngô mới bẻ, con mang biếu bác và anh Hoài ăn lấy thảo. Hoài dậy lấy thêm cái bát con và đôi đũa, nhưng Mai đứng lên, vân vê tà áo rồi về. Nhìn Mai đi khuất qua con ngõ, Hoài mới hỏi mẹ:

- Mai lập gia đình sao không ai báo con?

Mẹ gắt:

- Ai bảo nó lập gia đình?

- Nhưng con thấy bụng…

- Anh thấy đúng rồi đấy, lỗi cũng do anh.

Mẹ nói có sai đâu, Hoài là trai làng Diềm mà không biết hát dăm ba làn điệu quan họ, bạn về không biết giữ chân bằng Người ở đừng về, bạn đến nhà cũng không biết hát Khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà mời người xơi… Bảy tuổi Mai đã hát đúng vang rền nền nảy. Hội Lim, Mai làm chị cả ngồi tựa mạn thuyền rồng hát cho anh hai thổi sáo. Hội tan, chị cả anh hai lưu luyến mãi ở mom sông, anh hai qua bên kia sông là anh có người thương rồi, chỉ còn chị cả với rặng tre chắn lũ, với trăng non yếu ớt không đủ soi nước mắt nhạt nhòa, chị cả băng đồng về, áo tứ thân quét đất, nón quai thao gió giật bay đi. Có dài lắm đâu một thôi đê thế mà tiễn bạn hát hết một thời son trẻ.

Gái làng Diềm chẳng thiếu người như chị cả, họ kiếm một đứa con rồi đợi hội Lim. Vào hội hát “em còn son, anh cũng còn son”, “có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà”, hội tan lại gánh gồng cấy hái nuôi con…

Mẹ trách Hoài câu ấy xong thì vào giường nằm, Hoài thu dọn mâm bát rồi ra bể múc nước luộc ngô, ngô nếp bánh tẻ bẻ sơ lớp áo già xếp vào nồi, Hoài khua cái gáo gỗ trong bể nước thấy trăng lóng lánh tan ra. Nhà có bếp gas nhưng Hoài vẫn nhóm bếp, bẻ củi chất dưới kiềng. Mẹ giữ được tất cả nếp xưa, kể cả mấy cây ráy đã bóc lá không biết bao nhiêu lần, tàu cao nhất cũng vươn tới gần nóc bếp.

Sau thời bao cấp, trong khi dân làng thiếu thốn thì nhà Hoài vẫn sống phong lưu. Mẹ chăm chỉ ruộng đồng và không biết bằng cách nào mẹ bắt mối được với những bà vợ tận trên Hà Nội có chồng đi Liên Xô. Mẹ gom hàng của các ông chồng gửi về cho họ rồi phân phối khắp mấy huyện, từ giun xe đạp, thuốc men, vải vóc đến thau nhôm, bàn là… thượng vàng hạ cám. Trong số hàng mà mẹ bán, Hoài lục tìm được hộp màu vẽ, đó là món hàng xa xỉ chỉ dành cho đám cậu ấm cô chiêu. Nhưng mẹ để dành cho Hoài, mẹ xem tranh Hoài vẽ rồi bảo có triển vọng. Mai xem tranh thì cứ rúc rích cười suốt, Mai bảo có giống đâu, cổ con gái gì mà dài như cái cần câu, hoa lục bình sao không trôi líu ríu… Tranh ấy dân thành phố mới dám bỏ tiền mua về treo ở nơi trang trọng, bình phẩm hết ngày này sang ngày khác. Mai chỉ mê canh hát, mê anh hai thổi sáo tương ngộ tương phùng.

Mai sinh con gái đúng hôm rằm, gái hôm rằm trai mùng một, mẹ giục Hoài xúc ống gạo mang sang. Làng Hoài có tục lệ lâu đời, hễ người đàn bà nào trong làng không lấy chồng mà kiếm được đứa con, thì chòm xóm mỗi người mang sang nắm gạo, gạo ấy mang xay ra quấy bánh đúc, rồi thì phân phát mỗi người một miếng mang về. Hoài cứ chần chừ trong gian bếp chật ních, anh loay hoay sửa cái bóng điện nhấp nháy mãi mới chịu sáng, thắc thỏm nghĩ rồi đây một con một mẹ, không biết Mai xoay xở thế nào. Trên nhà mọi người đang bàn bạc hai sào lúa nếp muộn ở chân ruộng trũng nhà Mai còn chưa kịp gặt, rủ nhau mấy hôm nữa lúa chín đẫy thì đi gặt giúp, xưa nay xóm làng vẫn quen bảo bọc nhau. Hoài nói với mọi người anh cũng muốn xuống đồng, thế là trong nhà lại rộ lên một chặp đưa đẩy chòng ghẹo người thành phố. Mai phần Hoài cháy bánh đúc mang về biếu mẹ. Cháy bánh đúc nấu rơm vừa lửa, mẹ vẫn thích ăn từ ngày xưa…

Hoài và chòm xóm xuống đồng, đàn bà con gái thì gặt lúa, đàn ông xén rạ, bó lượm gánh ra đường lớn chất lên xe bò. Mỗi người một tay một chân, xế trưa là gặt hết hai sào nếp. Ai về nhà nấy ăn cơm hẹn trăng lên sang đập lúa cho mát. Nếp cái hoa vàng không ai mang tuốt cả, phải đập tay để giữ những cọng rơm cứng cáp, cột đầu bông lại rồi treo lên hàng tường gạch đều tăm tắp từ ngõ vào đến hết sân. Rơm ấy bện chổi, làm né tằm thì bền mà thơm lắm.

Hoài sang sớm nhất, anh ngồi bên hiên sửa lại mấy cái néo tuột dây, Mai đứng bên cửa sổ vừa đu đưa chiếc nôi mây cho con vừa khe khẽ hát. Cạnh chỗ Mai đứng là chiếc bàn mà lúc còn sống cha Mai ngồi khám bệnh bốc thuốc. Ở đấy lúc nào nắng cũng yếu ớt xuyên qua tán lá cây rọi vào, thìa đè lưỡi khám viêm họng luôn để trong cái nắp phích bằng nhôm đặt trên bậu cửa sổ, mỗi lần khám bệnh ông lại rót nước sôi vào tiệt trùng…

Thuở bé Hoài mắc chứng hen sữa, thành ra anh cứ qua lại nhà Mai suốt, lần nào khám cho Hoài xong cha Mai cũng vọng xuống nhà gọi: “Mai, ra vườn hái ít cam để anh Hoài mang về vắt nước uống cho nhẹ phổi”. Khi thì: “Mai, đào cho anh Hoài mấy nhánh gừng đặng về hấp mật ong con”. Giọng nói của cha Mai Hoài còn nhớ như in, như được thâu lại hàng trăm lần bằng trí nghĩ.

Rồi chòm xóm sang, tiếng thậm thịch dẻo dai của những lượm lúa mẩy vang trên cối đá, tiếng nhả rơm vun vút, tiếng giũ rơm, tiếng trang cào thóc, tiếng vò bông lúa sót, tiếng nói cười, tiếng bé con trong nhà ngủ dở giấc ré khóc lên, tất cả chan hòa và đầm ấm khơi lên trong lòng người những tình cảm tốt đẹp và dịu dàng. Ai đó đã rang xong mẻ thóc mới trong bếp, mùi nẻ rang thơm phức, đám đàn bà con gái nghỉ tay cắn chắt, đàn ông ngồi điếu đóm uống trà hãm trong cái ấm tích. Hoài cào gọn thóc vào một đống, đậy tấm bạt lên rồi chèn lại cho gió khỏi tốc, anh dặn Mai:

- Trăng quầng đấy, sáng mai anh sang trang thóc phơi cho, mới sinh hãy nghỉ ngơi đi đã.

Nhìn đứa bé ngủ say trong vòng tay mẹ, đôi má bầu bĩnh khiến anh muốn chạm vào nhưng mày thóc dính đầy người sợ làm dặm con bé.

Ngày vợ anh sinh con, anh đang đi tu nghiệp ở nước ngoài, khi trở về con đã biết đi lẫm chẫm thành ra cái cảm giác nhìn đứa bé con ngủ bình yên trong tay mẹ anh mới bắt gặp lần đầu.

Hoài về nhà khi trăng đã đứng giữa trời, vằng vặc sáng ngự trị cả khối thiên nhiên rộng rãi, trăng trùm lên xóm làng mảnh chăn ngà dìu dịu cho nhà nào nhà nấy ngủ an lành. Tiếng chão chàng rộ lên rồi im bặt khi Hoài múc nước bể lên xối cho mát, cho trôi đi mày thóc, mồ hôi. Đêm ấy là đêm hiếm hoi Hoài đặt mình là ngủ ngay đi được. Mẹ dậy sớm, ngồi trên phản têm trầu, bà nhắc Hoài rằng Mai nó nhắn có chị em hàng xóm phơi thóc cho rồi không phải sang nữa, bánh cuốn thì con bé Hằng cháu con chị cả mang cho, mẹ phần anh trong chạn bát, mệt thì ngủ tiếp, còn không thì dậy rửa mặt cho tỉnh táo chứ đừng nằm ươn nó hư người. 

  Hoàng Hiền

Con thôi rồi xa mẹ,
Mầm thương giờ không còn...
Quê nhà chừ xa lắm...
Người thương càng xa xăm !!

Giờ mầm thương lại nở,
Mẹ ch vắng nơi đây...
Lòng bỗng dưng ngây dại !
Tình ngoại vẫn đong đầy...
NM

 Mầm thương

Mỗi lần về thăm bà nội, tôi thấy mẹ ríu rít kể chúng đã biết chập chững những bước đi đầu tiên, biết bập bẹ những tiếng gọi ngọng nghịu đầu tiên. Kể chuyện về chúng chán, mẹ lại than thở với bà chẳng biết đến khi nào tôi mới lấy vợ. Mẹ về, ríu rít với bà nội như đứa con mới đi đâu xa về thăm nhà chứ không phải đứa con dâu đã đi lấy chồng khác.

Tôi đi theo bà nội trên con đường làng giăng đầy sương sớm. Sương đọng trên cỏ, bám vào hai ống quần. Ẩm ướt và lạnh lẽo. Tôi cúi xuống, nhìn đỉnh chóp nhọn của chiếc nón trên đầu bà lúc ẩn lúc hiện trong màn sương bàng bạc mà bước theo. Hai bên đường, cánh đồng lúa bốc lên mùi hoang hoải của rơm rạ đang dần mục đi, vùi tan vào đất. Đi hết con đường làng băng qua cánh đồng, ngược theo triền sông một đoạn nữa là đến bến đò. Ông lái đò già ngồi gạ gật trên bến chờ khách, nghe tiếng gọi choàng tỉnh. Bà cháu tôi không phải là người đi sớm nhất. Một vài người đàn bà đi chợ sớm đã ngồi đợi ở bến, quang gánh, thúng mẹt xếp quanh chân, những cặp mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ nhìn bà cháu tôi.

Ông lái đò đứng dậy, với cái điếu cày hút thuốc lào. Gió từ sông thốc lên, thổi bạt lửa. Đôi bàn tay ông lão khum khum che mãi mới hút xong điếu thuốc. Khà một hơi, ông lão xuống đò, cắm sào:

– Nào, mời các ông các bà.

Bà cầm chặt tay tôi dắt tôi bước xuống đò. Tự nhiên tôi bật cười. Bà nhỏ bé, cao chưa đến mét rưỡi, lưng đã hơi còng xuống nên nom càng thấp bé lại dắt tay đứa cháu gần ba mươi, to cao vạm vỡ hơn mét bảy. Nhưng tôi vẫn để yên cho bà dắt. Có lớn đến đâu, tôi vẫn là cháu nội của bà. Cũng như mẹ tôi. Bà bảo, dù thế nào, mẹ tôi vẫn là con dâu của bà.

Bà dắt tôi đi đón mẹ về.

Mẹ tôi đi lấy chồng ở ngôi làng bên kia sông từ hơn chục năm trước. Năm ấy tôi lên mười. Sang cát cho bố xong, mẹ chào bà nội, hôn lên má tôi một cái rồi qua sông làm vợ người khác.

Thi thoảng, tôi vẫn mơ thấy ngày cưới của mẹ. Một ngày mùa hè oi bức. Mẹ mặc chiếc áo mới may từ mảnh vải được mua bằng tiền bòn những mớ rau muống, rau nhút thả bè dưới ao của bà nội. Chiếc áo màu xanh nhạt xa dần rồi lẫn vào màu xanh ngắt của những rặng cây um tùm mọc lên phía bờ bãi bên kia sông. Tôi đứng trên bờ sông, nhìn theo mãi. Chẳng biết tại trời trưa oi nồng làm mồ hôi chảy cay xè mắt hay tại những lời trêu chọc của lũ bạn kéo một đoàn rồng rắn phía sau lưng mà trong lòng chợt nảy lên những hờn tủi. Ngày ấy, tôi đã trách bà nội sao lại đồng ý để mẹ tôi đi lấy chồng. Bà ôm tôi vào lòng, nhẹ nhàng bảo khi nào lớn lên cháu sẽ hiểu. Mùi trầu cay nồng phả ra từ bà dỗ tôi vào giấc ngủ còn nghẹn những tiếng nấc.

Bà tôi dọn căn phòng ngày còn ở nhà mẹ vẫn ở. Căn phòng có cánh cửa sổ nhìn ra khu vườn bốn mùa xào xạc gió. Mẹ ngồi tựa vào thành giường, nhìn ra. Chẳng biết mẹ nghĩ gì, còn tôi nhìn mẹ, đau xót. Mẹ gầy quá. Cơ thể mỏng dính, trong ánh sáng hắt ngược qua khung cửa sổ, trông mẹ như những vết gạch rời rạc, đứt gãy cố nối vào nhau mà tạo thành. Bà hái lá ngoài vườn, nấu nước cho mẹ gội đầu. Tóc mẹ rụng đầy bàn tay già cỗi, nhăn nheo, lổn nhổn những xương của bà. Bà cúi đầu. Giọt nước mắt người già rơi xuống chậu nước lá đặc quánh những chua xót. Bà phải đánh trống lảng:

– Phải có đứa cháu dâu rồi thì nó gội cho mẹ chồng nó, bà đỡ phải làm.

Tôi chẳng dám đáp lời bà. Tự nhiên tôi nghĩ đến M. Giờ này, em đang ở góc nào trong thành phố ngột ngạt. Em có trách tôi khi tôi hèn nhát không dám dũng cảm đối diện với tương lai của hai đứa.

Chẳng biết vì những lời thủ thỉ của bà nội hay bởi mẹ tôi vẫn giữ sự kết nối với bà nội và tôi trong những năm mẹ đã làm dâu nhà khác mà từ lâu, tôi đã chẳng còn giận mẹ. Có thể là còn cả vì người đàn ông mẹ lấy làm chồng là một người hiền lành và chất phác. Ông ít xuất hiện ở nhà bà cháu tôi nhưng tôi và bà nội vẫn biết đến ông qua những câu chuyện kể của mẹ, qua vẻ mặt rạng ngời của mẹ và những món quà ông gửi cho bà khi người làng tôi qua bên ấy làm thuê. Có khi là ít lá vối khô để bà pha nước uống, khi là chục trứng gà so. Ngày giỗ ông nội, giỗ bố tôi, mẹ tất tả trở về từ sáng sớm, đi chợ, nấu cơm cúng. Những ngày bà nội bị ốm, chẳng biết ai báo tin, mẹ về, chăm sóc bà, chờ bà khỏe hẳn mới lại qua sông về bên nhà chồng. Hơn mười năm mẹ sang sông, căn nhà của bà cháu tôi vẫn lưu lại dấu vết của mẹ. Chiếc gương soi nhỏ, cái lược sừng lên nước đen bóng, cây chanh năm nào cũng sai trĩu quả tự tay mẹ trồng trước sân. Cả cái nón mẹ hay đội đi làm đồng về treo trên chiếc đinh đóng bên hiên nhà. Mẹ đi lấy chồng nhưng những bước lớn khôn của tôi vẫn có mẹ bên cạnh.

Ngày chồng mẹ mất, bà ra bưu điện gọi tôi về. Tôi theo bà sang tiễn đưa ông ấy một đoạn đường cuối cùng. Mẹ tôi như người mất hồn trong chiếc áo tang, bước thấp bước cao trên bờ ruộng mấp mô. Chẳng biết có ai bên nhà chồng mẹ bảo nhìn mẹ gò má cao nên có tướng sát phu. Hai đời chồng đều mất đột ngột. Bố tôi đi làm thuê gặp lũ, đất sạt lở vùi xác cả nửa tháng tạnh mưa, lũ rút mới tìm được. Người chồng sau của mẹ đang khỏe mạnh tự nhiên đột quỵ, ra đi không lời trăng trối. Bà nội tôi cũng nghe thấy những lời không hay người ta dành cho mẹ. Khi đám tang kết thúc, bà bảo riêng mẹ:

– Nếu không thể sống được ở bên này thì về nhà với mẹ.

Mẹ tôi nghẹn ngào không đáp. Tôi chẳng biết phải an ủi mẹ như thế nào, chỉ có thể lặng lẽ theo bà nội về nhà.

Lời bà nội tôi nói thành sự thật. Khi người chồng sau của mẹ còn sống, mẹ tôi còn chỗ dựa. Ông và người vợ trước có hai người con trai, đều đã cưới vợ ra ở riêng hết. Khi những đứa cháu nội của chồng mẹ ra đời, mẹ chăm sóc, cưng nựng chẳng khác gì những đứa cháu ruột của mình. Mỗi lần về thăm bà nội, tôi thấy mẹ ríu rít kể chúng đã biết chập chững những bước đi đầu tiên, biết bập bẹ những tiếng gọi ngọng nghịu đầu tiên. Kể chuyện về chúng chán, mẹ lại than thở với bà chẳng biết đến khi nào tôi mới lấy vợ. Mẹ về, ríu rít với bà nội như đứa con mới đi đâu xa về thăm nhà chứ không phải đứa con dâu đã đi lấy chồng khác. Tôi thấy mẹ hạnh phúc. Hạnh phúc của một người đàn bà được chồng yêu thương, chiều chuộng và được hai đứa con riêng của chồng chấp nhận và tôn trọng – ít nhất là ngoài mặt.

Nhưng người đàn ông gánh vác, che chở cho mẹ không con nữa, hai người con trai riêng bóng gió xa xôi về căn nhà. Căn nhà họ cho rằng là của cha họ, phải chia đều cho ba người. Mẹ muốn ở lại phải trả tiền. Từ bóng gió xa xôi, họ nói thẳng. Họ đã chẳng nhớ những lúc vợ chồng đi làm ăn xa, con họ một tay mẹ chăm sóc. Họ chẳng nhớ đến những lúc vợ họ sinh nở, mẹ tận tình như một người mẹ ruột. Rồi mẹ đổ bệnh. Bác sĩ kết luận mẹ chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Họ gọi người vào bán nhà, tính đuổi mẹ đi. Bà nội nghe tin, dẫn tôi qua sông đón mẹ về.

Tôi buộc tóc cho mẹ. Có cơn gió ngoài vườn đưa vào hương hoa chanh thơm dịu. Mẹ nhìn tôi, mỉm cười:

– Sắp ba mươi đến nơi rồi, bao giờ mới tính chuyện vợ con đây.

Thấy tôi không đáp, mẹ cũng chẳng hỏi nữa. Chỉ có tiếng gió ngoài vườn thổi vào xào xạc.

Tôi có một đứa bạn học cùng lớp ở làng bên. Nó cũng giống tôi, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, ở với bà nội. Có lần qua nhà nó chơi, thấy bà nội nó cầm chiếc làn của mẹ nó vứt ra ngoài rồi đóng cổng, cấm mẹ nó bước vào nhà, tôi về hỏi bà sao không ngăn cản mẹ tôi lấy chồng mà vẫn đối xử tốt với mẹ như thế. Bà không đáp, lặng lẽ quết vôi lên lá trầu rồi ngồi bất động. Mãi đến khi vệt vôi trắng trên lá trầu xanh ngắt khô lại, bà mới thở dài:

– Khi nào lớn cháu sẽ hiểu.

Tôi đã chờ đợi ngày mình lớn lên để hiểu bà, hiểu mẹ. Lần đầu tiên biết yêu, tôi nghĩ đến tình yêu và trong lòng bật lên một câu hỏi, không biết mẹ tôi yêu bố tôi hơn hay yêu người chồng sau này hơn. Câu hỏi ấy ám ảnh tôi đến mức đã có lần suýt nữa thì tôi thốt lên hỏi mẹ nhưng rồi lại kìm nén được. Trải qua vài mối tình đổ vỡ, tôi tự tìm ra câu trả lời cho mình. Ở từng thời điểm, mỗi người sẽ có một người phù hợp với mình, có một người mà mình yêu sâu sắc. Tôi đã từng thầm lặng thương K suốt những năm cấp III. Thương mà không dám nói, cũng chẳng thể giãi bày cùng ai. Để rồi cuối cùng, niềm thương đau đáu ấy đọng thành một vệt sẹo trong lồng ngực, đến giờ tuy không còn buốt nhói nhưng vào thời điểm đó đã khiến tôi nghĩ rằng nếu như yêu thích một người khiến mình đau đớn thế thì có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ thích ai nữa.

Mẹ than thèm một miếng bánh đúc, thứ bánh đúc chính tay bà nội làm, có vị chát chát, nồng nồng của nước vôi trong, quệt với mắm cáy chứ không phải thứ bánh đúc nhạt nhẽo người ta cho thêm đủ thứ biến tấu như bây giờ. Bà lui cụi cả buổi trong bếp. Tôi ngồi bên cạnh bà, lau cẩn thận từng tàu lá chuối cắt từ vườn nhà, đặt vào chiếc mẹt tròn khói bếp hun lên nước bóng loáng. Bà đổ bánh vào lớp lá chuối, dàn bánh mỏng kín cả chiếc mẹt, chờ bánh nguội rồi cắt. Tôi nhón một miếng, đưa lên miệng. Bà nhìn tôi cười:

– Ngày xưa bố anh mê món bánh đúc này lắm. Lấy bố anh, mẹ anh cũng nghiện món này. Lúc có anh chỉ nghén bánh đúc.

Giọng bà tự nhiên nghẹn ứ lại:

– Mấy hôm nay chẳng ăn uống được gì, giờ lại tự nhiên thèm bánh đúc…

Miếng bánh đúc vướng víu trong cổ họng tôi. Có một cái gì đấy chua xót dâng lên từ lồng ngực. Từ lúc theo bà đi đón mẹ về, tôi đã chuẩn bị cho những điều mà tôi biết chẳng thể nào tránh khỏi. Nhưng biết thế, mà vẫn thảng thốt. Vọng qua hàng xóm tiếng ai ru con “Mấy đời bánh đúc có xương…”. Tiếng ho của mẹ từ trên nhà vọng xuống, ám khói căn bếp đã tàn lửa, mờ tối.

T đã kéo tôi ra khỏi mối tình câm lặng không thể nói với với K. Năm ấy, tôi học năm cuối Đại học. T cho tôi thấy tôi không phải là đứa lập dị. Ít nhất, T giống tôi. Nhưng chúng tôi yêu nhau lặng thầm. Không dám nắm tay ngoài đường, ngồi quán uống một ly cà phê cũng phải nhìn trước ngó sau sợ bắt gặp người quen. Tôi ngột ngạt trong mối quan hệ với T, chẳng biết trước rồi sẽ đi đến đâu nhưng vẫn cố chấp yêu. Cho đến khi bắt gặp T dẫn một người con gái khác đi thử đồ cưới trong chính tiệm váy cưới tôi làm thêm để mua tặng T món quà sinh nhật mà T mong ước từ lâu. Thoáng lúng túng, rồi T thản nhiên nhờ tôi lấy hộ đồ để cô dâu tương lai của T thử. Chỉ một dòng tin nhắn giải thích nhà cô dâu có gia thế, sẽ hỗ trợ T trong công việc. T nói vẫn yêu tôi, lấy vợ chỉ là bình phong, chúng tôi vẫn sẽ yêu nhau trong bóng tối. Tôi xin nghỉ làm, thay số điện thoại, cố gắng hoàn thành nốt những môn học cuối để tốt nghiệp rồi chuyển đến một thành phố khác sinh sống, tự gặm nhấm vết thương của mình, lòng đã nghĩ, sẽ chẳng thể nào mở lòng ra để yêu thương thêm bất cứ một ai khác.

Bởi vì nghĩ như thế, nên tôi trở nên khắt khe với chính mình và với chính cả M. Tôi nghĩ, M chỉ coi mình như một người để dựa vào giữa thành phố xa lạ khi em trải qua cú sốc mất người thân. Còn tôi, tôi coi M như người thế chỗ trống T để lại. Chúng tôi gặp nhau vào một đêm đầy gió, em say khướt, ngồi khóc trước cửa căn nhà cũ kỹ có giàn dây leo nằm tuốt trong con hẻm nhỏ tôi thuê để ở. Lúc ấy tôi vừa tan ca. Mệt mỏi và trống rỗng sau những ngày dài vùi mình vào công việc, nhìn cậu nhóc gục đầu khóc, tự nhiên thấy mình cũng đầy ứ nỗi buồn. Sau này em kể, căn nhà nhỏ có dây leo là mong ước của hai bà cháu lúc bà M còn sống nên lúc say em nhìn thấy giàn dây leo trước cổng căn nhà tôi thuê mà khóc. Tôi chẳng phòng bị, ngồi xuống cạnh M. Rồi cứ thế bước vào nhau và chẳng muốn nghĩ gì xa xôi. Vậy nên, khi tôi quyết định rời thành phố, tôi đã không trả lời câu hỏi “Còn em thì sao?” của M. Tôi bỏ ngỏ cả ước mơ được cùng trở về thăm bà, thăm mẹ cùng tôi, bỏ quên khát khao có một người thương bên cạnh, cùng sẻ chia vui buồn của M. Tôi cố không để ý đến những xao động trong lòng mình, cố quên đi cảm giác mỗi ngày tan làm háo hức trở về cùng M. Tôi cố tình không hiểu bằng tình yêu dịu dàng của mình, M đã xoa dịu những tổn thương trong tôi. Bên em, tôi cười nhiều hơn, ngắm nhìn cuộc sống nhiều hơn và tôn trọng chính mình. Nhưng tôi vịn vào vết thương T để lại cho mình để trốn tránh M. Và còn trách nhiệm. Lúc bà gọi điện, tôi hiểu, mình chẳng thể sống ích kỷ cho riêng mình. Mẹ chỉ có một mình tôi, bà nội cũng chỉ có một mình tôi. Tôi không đủ dũng cảm để lựa chọn bên M. Mẹ tôi còn bao nhiêu ngày tháng. Bà nội tôi còn bao nhiêu ngày tháng. Tôi chỉ có thể trở thành một kẻ nhẫn tâm, đối xử với M như cách T đã khiến tôi thương tổn.

Tôi vĩnh viễn mất mẹ vào một chiều mùa đông ảm đạm. Mẹ nằm giữa cánh đồng mênh mông gió, lòng tôi hoang hoải nỗi niềm của một đứa mồ côi. Tấm lưng của bà nội như càng thấp xuống, trĩu nặng. Trước khi mất, mẹ cầm tay bà nội, xin kiếp sau được làm con gái của bà. Mẹ nhìn tôi, bảo chỉ cần tôi hạnh phúc. Đêm đưa mẹ ra đồng, tôi gọi cho M, khóc như một đứa trẻ. M lặng im nghe tôi khóc. Hình như em khóc cùng tôi.

Bà nội kể cho tôi nghe câu chuyện bà giấu kín nhiều năm về trước. Bà góa chồng khi còn trẻ, có người đàn ông làng bên thương bà, muốn cùng bà xây dựng gia đình, hứa sẽ chăm sóc con riêng như con ruột. Bà cũng thương ông ấy nhưng lo bố tôi bị ảnh hưởng nên không đồng ý. Người đàn ông ấy bỏ làng lên mạn ngược, bao năm rồi chẳng có tin tức. Sau này khi đã có vợ, có con, bố tôi vẫn tự trách mình là nguyên nhân khiến bà không dám bước theo hạnh phúc. Bởi vậy, khi mẹ tôi đi lấy chồng, bà mừng vì mẹ tôi đã tìm được hạnh phúc, mừng vì mẹ tôi đã không coi bà nội và tôi là gánh nặng cản trở ước mơ có một mái ấm trọn vẹn vợ chồng của mình.

Bà nắm tay tôi, thủ thỉ:

– Bà vô tình nghe được cuộc điện thoại mấy đêm trước. Bà đã mất ngủ. Nhưng cũng như lúc mẹ cháu đi lấy chồng, bà mong cháu đừng coi bà là gánh nặng. Mẹ cháu cũng mong cháu sống thật hạnh phúc…

Tôi gục đầu vào lòng bà. Thấy mình thơ dại và hồn nhiên trong mầm thương bà gieo trồng, vun xới.

Đào Thu Hà


 

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

NTV - Ấm áp ngày rằm tháng Giêng


Phiên Gác Đêm Xuân

Rằm Tháng Giêng

Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa

Tôi đeo khánh bạc, lên chùa dâng nhang

Lòng vui quần áo xênh xang

Tay cầm hương, nến, đinh vàng mới mua

Chị tôi vào lễ trong chùa

Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên:

"Lòng thành lễ vật đầu niên,

Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng!"

Chị tôi phụng phịu má hồng

Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi

Tam quan, ngoài mái chị ngồi

Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn

Quẻ thần, thánh mách mà khôn:

Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều.

Chị tôi nay đã xế chiều

Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ

Hằng năm tôi đi lễ chùa

Chuông vàng, khánh bạc ngày xưa vẫn còn

Chỉ hơi thấy vắng trong hồn

Ít nhiều hương phấn khi còn ngây thơ

Chân đi, đếm tiếng chuông chùa

Tôi ngờ năm tháng thời xưa trở về...

Hồ Dzếnh

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

Ấm áp ngày rằm tháng Giêng

Ngày mai dậy sớm một chút đi chợ với mẹ nghe con!

Ngày mai là thứ bảy, mình đi chợ trễ trễ một chút được không mẹ.

Nhưng ngày mai chợ sẽ đông, sợ đi trễ đông người quá thì con lại cằn nhằn. Lo ngủ sớm rồi dậy sớm đi cô hai. Đã gần ba mươi mà như con nít.

Dì Năm thở dài bỏ lại một câu rồi khép cửa. Nhà dì Năm có hai đứa con, đứa con gái lớn đã gần 30 tuổi mà tính tình vẫn như trẻ con. Mỗi lần Tết đến Xuân về nhìn con gái thêm một tuổi mà vẫn còn chưa có chồng dì lại rầu lại lo. Con trai dì ngược lại kết hôn sớm, vừa ra trường đã kết hôn rồi sinh con. 27 tuổi đã có con trai ba tuổi. Mỗi lần nhìn thấy gia đình con trai vui vẻ hạnh phúc bà lại mong con gái sớm có gia đình.

Mẹ lại vào phòng chị hát bài ca chồng con à! Mẹ đừng hối thúc chị nữa, kệ đi mẹ à. - Tâm thấy mẹ đi từ phòng An ra nên vội vàng lên tiếng.

Kệ là kệ làm sao. Bây muốn chị bây ở giá lắm à! Mẹ vào dặn sáng thức sớm đi chợ với mẹ thôi. Bé Bình nó bệnh, con Linh chăm sóc nó cả ngày cả đêm thì nên để nó nghỉ ngơi. - dì Năm nhíu mày giải thích.

Từ hôm trước Tết Nguyên đán, việc đi chợ bếp núc trong nhà đều là Linh làm với dì Năm. Linh là đứa con dâu dì Năm rất hài lòng. Linh vừa hiền lành, lại giỏi giang tháo vát, vậy nên An luôn ỷ lại vào Linh. Những ngày chuẩn bị cho Tết cũng như những mâm cúng ngày Tết đều do Linh quán xuyến. An chỉ chủ động giữ bé Bình để Linh rảnh tay làm việc. An thích con nít và cũng biết cách chiều chuộng cho nên bé Bình cũng thích chơi với An. Nhưng mấy hôm nay bé Bình bệnh, Linh phải chăm sóc con, không có thời gian phụ dì Năm việc bếp núc cũng như đi chợ nữa.

Rằm tháng Giêng này mẹ muốn lên chùa nào? Ngày này người ta đi chùa đông lắm, chen chúc con sợ chị An không đi đâu. Chỉ không thích chỗ đông người mẹ biết mà. - Tâm nhớ lại rằm tháng Giêng năm trước mà ngán ngẩm.

Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, ngày này người ta đi lễ Phật đông cũng không thua kém những ngày đầu năm. Dịp này mọi nhà thường làm mâm cơm chay để cúng bái, kính nhớ ông bà tổ tiên cũng như đi lễ Phật cầu xin một năm mới bình an. Tâm còn nhớ rõ Tết Nguyên tiêu năm trước, mẹ bắt chị An cùng đi lễ chùa hy vọng chị gặp gỡ được nhiều người, có thể sớm gặp được duyên phận của chị. Nhưng không ngờ vừa đến cửa chùa nhìn mọi người đông đúc chen lấn, chị An lại viện cớ trong người không khỏe rồi chạy bỏ mẹ ở lại chùa một mình. Cuối cùng Tâm phải đi đến chùa đón mẹ về.

Mùng 1 Tết nó cũng đi với mẹ lên chùa rồi. Lần này nó cũng sẽ đi thôi. - dì Năm dứt khoát.

Hai hôm trước dì Năm trùng hợp gặp lại người bạn cũ, hai người chào hỏi rồi mới biết cả hai đều có đứa con trạc tuổi nhau mà chưa có gia đình. Cho nên cả hai hẹn nhau rằm tháng Giêng đi lễ chùa để giả vờ gặp gỡ lại lần nữa, cho hai đứa trẻ gặp mặt nhau. Dì Năm hy vọng lần này Phật sẽ xe duyên cho An.

Tâm nhớ ra mấy ngày Tết An điều nằm ở nhà, ngay cả đi họp lớp chị ấy cũng không đi. Họ hàng bà con đến nhà chơi chị ấy cũng trốn luôn trong phòng. Có lẽ bởi vì chị sợ mọi người sẽ hỏi đến chuyện chồng con, và có lẽ năm nay chị chịu đi chùa lễ Phật vào ngày đầu năm là để cầu duyên cho mình. Những năm trước chị không tin nhưng cô đơn quá lâu cũng đã đến lúc chị gieo niềm tin nơi cửa Phật một lần.

***

Bên ngoài trời vẫn còn tối, sương vẫn còn đọng trên phiến lá, tiếng ếch nhái vẫn còn đang vang vọng thì dì Năm đã vào phòng An gõ cửa. An muốn ngủ thêm cũng không được với dì Năm.

Chợ cách nhà An cũng không xa lắm, nhưng đi bộ thì khoảng 15 phút mới đến. Đi xe máy thì sẽ nhanh hơn và cũng tiện cho việc chở đồ. Vậy mà dì Năm nhất định không chịu cho An đi xe. An cứ nghĩ chỉ hai mẹ con An đi bộ trên đường nào ngờ đi khoảng một đoạn liền gặp được vài người khác cũng xách giỏ đi bộ ra chợ. Không khí yên tĩnh vắng lặng của buổi sớm mai nay đã náo nhiệt rôm rả tiếng cười nói của các cô các dì.

An và dì Năm ra chợ mua rất nhiều đồ, khi về cả hai đều xách nặng cả hai tay. Khi cả hai về đến nhà, An còn chưa kịp nghỉ ngơi thì dì Năm đã bắt An vào bếp phụ dì nấu nướng.

Làm hôm nay cho xong ngày mai lên chùa lễ Phật với mẹ. - dì Năm nói với An.

Con không đi có được không mẹ? Mùng 1 con đã đi rồi mà. - An không vui thử thương lượng.

Không được. Ngày mai nhất định phải đi với mẹ. - dì Năm nghiêm nghị.

***

Sáng sớm, sau khi đã dọn mâm cúng đâu vào đấy, dì Năm cùng An đi lên chùa. Ngày Rằm đầu tiên của năm mới cho nên người ta đi lễ Phật rất đông, cứ như ngày mùng 1 Tết vừa rồi. An nhìn dòng người tấp nập bên trong sân chùa chỉ muốn được quay xe chạy về nhà. An nắm tay mẹ từng chút một chen vào bên trong. Đúng lúc này, một giọng nói mừng rỡ gọi tên mẹ An làm An giật mình.

Thúy Nhạn?

Thu Liễu?

Sau đó An mới biết người phụ nữ trung niên gọi tên mẹ An ở chùa là bạn học cũ nhiều năm không gặp của mẹ. Hai người mừng rỡ nắm tay nhau cùng nhau đi vào bên trong chùa thắp hương. An vì sợ lạc mẹ nên vội đuổi theo bà bất ngờ bị người phía sau đâm trúng suýt thì ngã, cũng may có người nhanh tay kéo giữ An lại.

An không sao chứ?

Không, không sao. An cảm ơn. - An ngượng ngùng đến nói lắp.

Hưng là con trai của cô Thu Liễu bạn của mẹ An. Khi hai bà mẹ đang vui vẻ nói chuyện với nhau ở phía trước thì An và Hưng cũng đã ngượng ngùng làm quen bắt chuyện. Hưng lớn hơn An một tuổi hiện là kiến trúc sư làm việc ở Sài Gòn. An chưa bao giờ tin vào tình yêu sét đánh mà trên phim hay chiếu nhưng hôm nay ngay từ ánh mắt đầu tiên Hưng nhìn thẳng vào mắt An. Trái tim An đập thình thịch, má đột nhiên ửng hồng như vừa uống vài ly rượu.

Sau khi bốn người cùng nhau thắp hương thì lại cùng nhau ra phía sau chùa dùng cơm chay. Vì quá đông người cho nên không tìm được bàn cho cả bốn người cùng ngồi một chỗ. Khi hai bà mẹ muốn có nhiều thời gian nói chuyện với nhau cho nên để An và Hưng tìm chỗ khác. Hưng tinh mắt liếc nhìn một vòng rồi nhanh chóng tìm được chỗ cho cả hai. Suốt buổi cơm chay, An chẳng dám động đũa nhiều, phần vì An ngại chỗ đông người, phần vì có Hưng bên cạnh.

Rằm tháng Giêng người ta ăn chay nhiều quá An nhỉ?

Rằm tháng Giêng là một trong ba dịp dùng chay lớn nhất trong năm. Người ta ăn chay cũng như không sát sinh để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới mà. - An thì thầm giải thích.

Hưng ngoài cầu bình an, may mắn còn muốn cầu duyên không biết có được không? - Hưng mỉm cười nhìn An hỏi.

An sững sờ vội vàng cúi mặt, không biết vì sao mặt An lại ửng hồng.

***

Chị An sao vậy mẹ? Từ lúc lên chùa trở về con thấy chị lạ lắm. - Linh hỏi dì Năm.

Có lẽ Rằm tháng Giêng sang năm nhà chúng ta có thêm thành viên nữa. - dì Năm mỉm cười.

Trong lúc này An đang ngồi ngẩn ngơ bên cửa sổ, nhìn mây trắng trôi An nhớ đến câu nói của Hưng trước khi hai người tạm biệt.

Hẹn gặp lại An vào ngày 14/2 nhé!

An bất giác mỉm cười, An nghĩ thầm năm nay có lẽ lễ tình nhân An không còn phải cô đơn nữa.

TUYẾT LUÔN VÕ

Tháng giêng Út về,
Út về tìm lại tuổi thanh xuân,
Cho cả hai ta trả nợ trần !!
Ngày qua ngày cứ bâng khuâng
Người đi xa mãi ta dần lãng quên !?
 Tháng giêng bát ngát cỏ gà,
Hương cau, hương ổi bên nhà nở hoa...
Người về rồi lại đi xa,
Bỏ ta ở lại phôi pha tháng ngày !!
NM

Lời hẹn tháng Giêng

1. Chị Lan về lại xóm Hưng Hòa trong âm ỉ những tiếng thì thầm. Những tia mắt nanh nọc như có đạn.

2. Chuyện chị Lan chịu làm vợ ông Hùng lại thật đau mình cả xóm, đi đâu cũng nghe hăm hở, rỉ rả, lầm bầm chuyện con Lan.

- Con bé vậy mà khôn, thằng chồng có néo nhưng được hàng quan mới, no cơm ấm cật. Lại cứu cha khỏi tù khỏi tội, huê lợi trăm đường… Đám đàn ông nói.

- Đồ mặt đ… cái con ngon nhức mắt chưa ngậm đã thấm tận răng lại nộp cho thằng già sốt rét, phí của. Đám thanh niên lầm bầm.

- Sướng cái ăn mằn cái ấy, rồi cả đời chả biết gì là… đáng đời. Đám các bà rủa thầm.

Giải phóng đã hai năm rồi, xóm làng ai cũng biết chị Lan chờ anh Phường trở về. Ảnh là lính cộng hòa, thất tung ngày 30.4. Ai cũng khuyên chị đi có chồng, đời lính héo như con cờ, tàn cuộc rồi, cần chi hàng tốt. Mà có sống thì cũng chẳng dám mò về quê đâu, ngóc đầu sao nổi. Đám thanh niên làng từ lâu thậm thụt lại thấm niềm hy vọng. Chỉ thấy mỗi chiều chị một mình trên con đường kiệt vắng ngắt, nước mắt lưng tròng.

Rồi dăm đối tượng mới, lính Trường Sơn xuất ngũ, thanh niên xung phong, cán bộ xã rồi cán bộ huyện… Cái xóm Hưng Hòa sau hơn hai năm yên tĩnh lại trở nên tưng bừng.

Tội nghiệp bác cả gái, chồng đi cải tạo vì tội xã trưởng khu dồn, thân cò tha cơm tháng đôi lần đã kiệt sức, lại phải canh chừng đám giặc vườn héo lánh, khéo nhục cả đời, khôn ba năm dại một giờ. Nhưng chị Lan thì không mơ màng đứa nào trong đám lao xao ấy. Mắt vẫn cười tạnh ngắt. Miệng khéo cả đám mà không thân một ai.

Vậy mà, không báo trước một ai, chị chịu ông Hùng, làm phó trưởng ban gì gì đấy. Cũng không mấy già, chỉ tội nằm rừng hết mùa trai trẻ nên giờ nước da tái mét, răng chiếc còn chiếc mất, không biết thứ kia có còn không?

3. Đám cưới chị có lẽ tôi là người buồn nhất. Vậy là chị không giữ lời hứa với tôi rồi, chị nói ngày cưới chị sẽ cho tôi làm chú bé bưng quả đưa dâu. Tôi ra sau gốc mít, nhìn theo đám chị khóc tấm tức. Xóm này chị thương tôi nhất, chắc tại tôi là đứa trẻ thơm thảo, có trái ổi nào ngon ngon tôi thường dành phần cho chị. Những chiều vắng chị thường tha thẩn theo tôi lên đồi thả trâu, chị bảo ở nhà buồn lắm. Thích nhất khi hai chị em bứt cỏ gà đá nhau, ai thua chịu cõng. Thích nhất được chị cõng địu trên lưng, đầu tôi cứ vập vào tóc chị thơm lừng. Thích nhất khi thua lại được tập tò cõng chị, cứ rướn cả người lên mà chân chị còn chấm đất, rồi hai chị em té lăn cù, người chị cứ vô ý đè lên mình tôi ấm lạ.

Từ ngày có chị tôi đâm ra tư lự như người lớn, như người lớn theo từng câu hỏi của chị.

- Út Hoàng ơi, út thương ai nhất?

- Thương chị nhất.

- Thế đố út Hoàng, chị thương ai nhất?

- Chú Phường chứ ai mà không biết.

- Ừ, út giỏi ghê!

Đại loại những câu đối đáp của chị em tôi là thế.

Cũng có lúc tôi bạo dạn hỏi chị:

- Chị Lan ơi, lỡ chú Phường không về, chị có lấy chồng không?

- Thế út có muốn chị lấy chồng không?

- Út thì không, út muốn chị ở chơi với út.

- Ừ, mà lỡ chị ế chồng làm răng?

- Thế lớn lên út cưới chị nghe.

- Ừ, ừ, lớn mau chị chờ. Rồi chị váng lên cười, tay cù cù vào nách tôi thật nhột.

Vậy mà chị không chờ chú Phường về, không chịu chờ tôi lớn, chị đi lấy chồng, có buồn không?

4. Số chị Lan vậy mà sướng. Chồng chị rất biết chiều vợ, lại lắm tiền. Từ bữa có chồng, chị đi cái xe đạp mới toanh màu xanh. Xóm này duy nhất chị có cái xe đạp. Ngày giỗ ngày quảy ông Hùng đèo chị về, thơm đến cả làng. Các cụ bảo chị tốt số. Cánh thanh niên bảo thằng già tốt số. Tôi đâm băn khoăn tợn, hỏi chị. Chị cười cười bảo trẻ nít biết gì. Ai cũng một lần mà thôi, chị đã trót một lần rồi, ai dại lấy chị làm vợ hả út, được vậy cũng xuôi rồi. Tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng hiểu mô tê. Càng lớn tôi càng phổng phao. Chị cũng chưa chịu già. Mà ông Hùng thì hết gượng nổi cái tuổi, đã hom hem chiều. Tôi hết cho chị theo trâu lên đồi. Mỗi bận chị về, chiều lại tôi đèo chị đi chơi bằng cái xe đạp của chồng chị. Chị trắng phau ra, càng màu mỡ. Mắt chị càng đằm thắm hơn, nhất là mỗi khi ngắm nghía tôi rồi cười. Chị hỏi út răng chưa cưới vợ, tôi nói chờ có ai đẹp như chị Lan mới chịu cưới. Chị hỏi út có biết chị ước gì không? Chị chỉ ước được theo út theo trâu lên đồi như xưa thôi. Tưởng ước gì, dễ ợt.

Chiều hôm ấy đồi vắng ngắt. Chỉ vài con chim cúc cu trên ngọn mít phía xa. Trâu thẩn thơ gặm cỏ. Chị em ngồi bó gối. Không còn cái tuổi chơi cỏ gà đá nhau. Làm sao cõng nhau bây giờ? Bỗng chị giật mình thảng thốt, út ơi, về thôi, tối rồi. Tôi cũng giật mình thảng thốt, liều lĩnh ôm choàng lấy chị. Nóng rẫy. Chị nhũn người, ngã vật sóng soài. Tôi trườn lên người chị, thằng con trai không ai dạy dỗ nuôi nấng cứ bản năng tìm tòi. Phát hiện ra đường vào chị khó khăn chật chội. Như phát một con đường cỏ mới, thưa người qua lại. Thở rốc. Lúc chị em phủi cỏ bám trên người bước ra khỏi lùm cây dủ dẻ cũng là lúc ông Hùng lên đồi đón chị.

5. Chị ôm khăn gói về lại nhà cha mẹ. Ông Hùng ly dị, không biết lý do gì, chỉ thấy ông lầm lũi dắt chị về, rồi lầm lũi một mình trở ra, khuất dần, từ đó về sau không lui tới nữa. Trẻ nít làng không biết ai dạy ác cứ ông ổng hát rao: “Đứa này chẳng phải thiện nhân, chẳng phường trốn chúa cũng quân lộn chồng”. Đám đàn bà rỉ rả: “No cơm ấm cật rậm rật theo trai”. Đám đàn ông chép miệng thương dùm. Chỉ bác Cả già quen chịu đựng an ủi con: “Hồng nhan đa truân con ạ, thôi ở vậy có gì đã có mẹ có cha; tau già rồi, có đứa cháu ngoại bế bồng càng đỡ buồn”. Chị không buồn không vui, không một lần nhìn tôi. Duy một lần nhà vắng, chị nhắn tôi hái dùm chị mấy quả xoài.

6. Hồng nhan chẳng chịu đa truân bao giờ. Bỗng dưng ở đâu chú Phường lại nghênh ngang về làng. Sau hơn mười năm trở về, chú trắng lốp, đẹp như Tây. Chú Phường chẳng còn ai thân thích, hiển nhiên nhà bác Cả là nhà. Ngôi nhà tưởng tan nát heo hắt lại ồn ã hẳn lên, bà con tới lui tấp nập. Chú Phường kể, hè năm Bảy Lăm, tướng quân tan tác, lại độc một thân, không biết về đâu, chú bèn lên tàu viễn dương. Người ta thì lựa đường sống chết, riêng chú chỉ thỏa chí tang bồng, thêm một cuộc ngao du, vậy thôi. Cũng vì chán chuyện đánh nhau, nên qua bển chú chỉ chí thú làm ăn. Bây giờ chú trở nên giàu có. Ai cũng bảo nhà bác Cả có phước, trong mơ cũng không tìm ra người bà con thế ấy được.Vậy mà chị Lan lại tịnh như không, không buồn không vui. Chú Phường đòi cưới chị làm vợ, đòi được làm cha khi đứa bé ra đời. Chú nói không có chị thì chú đã không lặn lội về đây làm chi. Chú nói chú nhớ Lan ngày xưa quá. Ngày ấy chị mười bảy má hây hây. Tuổi trẻ như hoa thơm, tại chú. Chị lặng lẽ nấu cơm mời chú suốt tháng trời khi chú ở thăm, tận tụy như em nuôi anh, vợ nuôi chồng. Rồi chú lại ra đi, cả làng theo tiễn, chị thì không, chú vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lại.

Chú Phường không cưới được chị Lan làm vợ, đáp lại cái tình tìm về, chị chỉ nhận chú làm anh, dở dang cả rồi. Ngày có chú Phường về làm con, nhà bác Cả đã thôi neo nghèo, cuộc sống có màu khác hẳn. Thằng cháu ngoại được hưởng cái tình ông bà ngoại yêu thương bồng bế, vô tư dễ thương lạ. Thỉnh thoảng vắng người, tôi len lén bên này nhìn sang chỗ hai mẹ con đùa nhau ở sân bên, ước gì được cùng mẹ con chị vui đùa.

7. Rồi dường như càng lớn con người ta càng không chịu nổi cái không khí chật chội nhà quê, nhất là khi con người ta là một thanh niên trai tráng, tôi bỏ nhà quê lên phố. Lần hồi lăn lóc kinh kỳ, kịp làm cái chân quản đốc cho một công ty, cái ăn cái ngủ vậy là tạm ổn. Đám con gái thành phố đánh giá được cái thân vạm vỡ, lại được lòng tin ông chủ, nên cứ bám riết trêu cợt, chỉ tại tôi tịnh ngắt không mơ màng một ai. Thỉnh thoảng chiều về lại nhớ mẹ con người chị bên hàng xóm quá. Thư từ về nhà tôi đều tránh gọi tên hay hỏi thăm chị.

Tháng Chạp, như mọi năm tôi chẳng chịu về quê, ngày buồn tha thẩn với mấy dòng thư gia đình bạn bè thăm hỏi. Năm nay cầm trên tay tờ thư không địa chỉ người gửi, lòng lại bồi hồi. Nét chữ tròn như thân góa phụ, chị nhắn nhe chú Hoàng sao chưa có vợ, bộ muốn học chị ở góa hết đời sao? Chị nói con lớn rồi, có người nối dõi rồi. Chao ôi chị! Thèm được làm trẻ nít ngày xưa quá, thèm được đá cỏ gà với chị, thèm được cõng chị đi cùng trời cuối đất, cùng ngã đứ đừ, ấm áp. Hết thời trẻ nít rồi, làm sao lại dắt chị lên đồi thả trâu? Chao, thèm được về quê thăm bà con họ hàng một lần, thăm chị. Thèm lúc vắng người thỏ thẻ cùng chị rằng út thương chị nhất, chị cũng đừng thương chú Phường nữa nghe. Út chẳng thèm cưới vợ đâu, nối dõi đã có chị lo rồi. Rồi trong mắt tôi bỗng bát ngát một bầu trời tháng Giêng, bát ngát cánh đồng cỏ gà, bát ngát bờ vườn thơm lừng hương cau hương ổi, hoa ổi rụng trắng bên nhà người hàng xóm, dáng chị cung cúc cầm cái chổi tre, thằng cu lúc thúc…

Tôi viết vội vã những dòng thư: … tháng Giêng út về!

NGUYỄN TẤN ÁI 
 
Chào Tháng giêng
Tháng giêng hoa đào nở,
Nhặt từng chiếc lá dong...
Dịu dàng em bỡ ngỡ,
Ngắm hoa đào bên song,

Tháng giêng nắng đẹp trời trong,
Hoa đào nở rộ bên song đón mời...
Bên song hoa rụng tơi bời,
Như chào đón khách viễn khơi xa v
NM

Chuyện tháng giêng

(HBĐT) - Mẹ tôi gọi zalo cho tôi không được liền để lại tin nhắn: "Năm nay 26 Tết nhà mình gói bánh”. Gớm, sớm thế! Tôi tự nhủ. Mọi năm đến 28, 29 bố tôi mới rửa lá, mẹ ngồi tính toán bao nhiêu cân gạo, mấy cân đậu, rồi thịt vai hay thăn… Tôi thì chỉ tham gia cái chân trông bánh, chỉ ngửi hơi lá dong mà cái mặt đã tròn phinh phính…

Năm nay Tết ấm, tôi ngồi trông nồi bánh ở sân sau nhìn ra dòng sông lấp lánh ánh đèn và tiếng nhạc. Một bài hát mùa xuân vu vơ đã nghe đến cả trăm lần bỗng lọt vào tai: "Xuân đã đến bên em…”. Tôi buột miệng: "Xuân đã đến bên anh chưa?”. Lời vừa ra khỏi miệng, bỗng thấy giật mình với chữ "anh” vô định. Mẹ tôi ở sau lưng cất giọng: 
- "Anh” thì chả thấy đâu mà năm nào đôi già cũng lọ mọ vớt bánh đấy…
Tôi vẫn hoàn toàn làm chủ tình hình "phản công” lại:
- Con tự vớt được bánh nhé, mẹ yên tâm, hì hì.
- Ai khiến - mẹ tôi không chịu thua - nhà này phân công rõ ràng rồi: Mẹ đãi gạo, thổi đỗ, cái Thu ướp thịt. Bố mày gói, ông bà nội giám sát, còn vớt bánh á…, từ năm sau phải là chàng rể. Phong tục là vậy…
Tôi khiếp cái "phong tục” của nhà tôi quá, vừa xếp bánh nóng hổi vào rổ vừa thấp thỏm. Cứ đà này, biết đâu bố mẹ tôi lại làm mạnh như nhà cái Thùy bạn tôi, mỗi ngày giới thiệu 2 anh. Vị chi về ăn Tết 6 ngày là có đến 12 cái mặt khi đến hí hửng khi về thì hụt hẫng.
Nhưng hết mùng 1 rồi mùng 2 nhà tôi vẫn yên ắng. Cái khay bánh mứt còn đầy ắp chưa một lần được mở ra. Gói chè Tân Cương của bố tôi vẫn chưa được bóc. 
- Căng thật - cha tôi nhón chút hạt bí vào lòng bàn tay, tăng volume tivi. 
- Gì thế anh, chiến sự ở Ù cà à?
- Anh em gì, đã bảo từ giờ ông tôi cho ra dáng music đại nhân (bố nhắc mẹ).
- Thế là cái gì mà ông cuống lên thế? 
- Thằng rể tương lai đấy, nó đang trả lời phỏng vấn kìa.
Tôi thật chả hiểu bố kiếm đâu ra cái "chàng rể” nhưng vì tò mò cũng thò đầu ra khỏi chăn ngó xem nhưng chỉ kịp thấy máy quay lướt đến cảnh người đó đang nấu nướng, rửa bát. Hóa ra nhà đài cũng lắm chuyện, giờ khai thác cả chủ đề mấy ông mọt sách vào bếp. Mà kể ra anh ta cũng khéo thật, riêng cái khoản rửa bát siêu thế kia cô nào lấy được thì...
Lúc cái Thu, em gái tôi dọn cơm ra, bố tôi lên mặt thật sự với hai mẹ con:
- Đấy, ra giêng cô cả đi thực tập thì liệu mà đối tốt với người ta, mới có tí tuổi mà đã làm đến cái chức ấy, khá thật!
Khi tôi còn đang thắc mắc với bố mới "tí tuổi” ấy băm mấy thì "Tào Tháo” đã hiện ra ngay trước mặt. Anh cất tiếng chào làm tôi suýt nữa giật mình tuột tay khi đang bưng bát nước mắm tỏi ớt. Nhưng khác với cái dáng vẻ sang trọng mà tôi hình dung, anh chàng này nhìn ngô ngố, chắc cũng mới được lừa đến đây chưa rõ âm mưu của bố mẹ tôi.
Bỗng (lại bỗng dưng) mẹ tôi hốt hoảng:
- Ối, ngồi vào chỗ ghế ướt à Đức. Khổ, em nó vừa thay nước cho hoa quên lau đấy, con gái con lứa bằng đấy tuổi rồi… À không, từ hôm bị Covid mới thế chứ trước đây nó khéo lắm…
Anh kia nhìn thấy tôi thì bắt đầu đỏ mặt nhưng vẫn tỏ ta khá lạnh lùng:
- Thế mà cháu cứ tưởng… nhà mình có cháu bé vừa tè ra ghế.
- Làm gì có, em Huyền nhà cô học báo chí năm nay còn đang xin thực tập chỗ anh đấy…
Lúc ấy tay tôi đang gắp một miếng nem, nghĩ thế nào lại bỏ tọt vào miệng, định bụng sẽ đá khéo một câu nhưng hóa ra Đức lại "ra tay” trước:
- Cô cứ nói thế chứ em Huyền vừa xinh đẹp lại năng động thế này khối chỗ mời đến thực tập ấy chứ. Nhưng mà cơ quan cháu lại cũng có "luật” riêng...
- Luật gì anh? - Tôi bật nhanh hơn tôm nhảy trong chảo.
- "Luật” quy định là nếu cô nào đến thực tập mà chưa có người yêu thì khi đến cơ quan phải hát một bài, uống 3 chén rượu. Còn nếu… thì thôi.
Sáng mùng 8, ngày đẹp, nắng vàng, trời trong, tôi diện chiếc váy đẹp nhất đến cơ quan anh. Đập vào mắt tôi là một cây đào hoa nở rất đẹp. Sau khi làm việc với văn phòng, phòng biên tập, tôi được mọi người mời đến văn phòng để uống rượu vang và ra mắt. Chị văn thư nhắc khéo tôi: 
- Nay sếp trưởng đi vắng, Phó Tổng biên tập là nữ rất xì tin, chỉ cần khen chị ấy mặc váy đẹp là ok. Nhưng anh Trưởng Ban Biên tập thì hâm lắm, toàn bắt nạt gái trẻ. Cún liệu mà ứng xử cho vui vẻ nhé.
- Vâng, thế có phải anh Đức không ạ?
- Không nó thì ai, băm hai rồi đấy.
Khác với lúc đến nhà tôi ăn cơm, hôm nay mặt Đức lạnh tanh như một vị quan "thiết diện vô tư”. Sau khi chào hỏi tất cả mọi người, anh hỏi tôi:
- Thế bạn Huyền đã có người yêu chưa, tức là có bạn trai chưa, nếu chưa có thì...
Bắt đầu có những tiếng cười rồi rộ lên cả phòng họp, không hiểu sao lúc đó tôi lại nhanh nhảu đến thế, một ý nghĩ thoát hiểm lóe lên:
- Em thuộc dạng không phải uống 3 ly vang và hát một bài đâu ạ.
Lần này, mọi người còn cười to hơn đầy vẻ thích thú và tất cả các cặp mắt đều soi vào khuôn mặt Đức. Anh ta vội cười rồi nâng ly uống cạn. Tôi hả hê tột độ, hả hê như người nông dân trong câu chuyện "Trí khôn của ta đây”. 
Những ngày sau đó tôi ít gặp Đức, anh hình như có ý lánh mặt nên toàn nhờ các chị biên tập đến trao đổi với tôi. Một tháng thực tập đầu tiên qua đi, tôi nhận ra những chiếc váy, những đôi giày của mình không còn thích hợp nữa. Nó chỉ hợp với phong cách trẻ con, hợp với những cuộc đàn đúm bạn bè. Thế nên, từ khoản nhuận bút bài báo đầu tiên, cộng với tiền mừng tuổi tôi đã dành mua một đôi giày cao gót mới. Đôi giày ấy làm tôi thật sự tự tin từng bước chân, hình như cũng vì thế mà từ sáng đến giờ tôi toàn được các chị khen, nào là "viết khá hơn”, "sửa lỗi kỹ”, ngay cả đến chị lao công còn phải thốt lên: "Cún hôm nào nhìn điệu đà thế!”.
Tôi thế đấy, vậy mà lượn qua phòng Đức cả chục lần với tiếng gót giày vang trên đá lát nền mà chẳng làm anh bận tâm. Cửa phòng "giai tân” luôn mở một cách đường hoàng (các chị bảo lúc nào cũng thấy vậy) nhưng anh ta thì vẫn chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính như một kẻ đã đắc đạo. 11 giờ, nắng tháng giêng trải vàng ấm áp, tôi đi qua phòng Đức lần cuối, hôm nay là trưa thứ Sáu, nghe nói chiều anh có chuyến đi công tác dài ngày đến khi tôi thực tập xong cũng chưa về. Đang mơ hồ nghĩ xa xôi thì bỗng cắc một tiếng, dưới chân tôi đất như sụp xuống. Không đúng, là cái gót giày của tôi gãy, chân tôi khụyu xuống, cái cổ chân chẹo đi đau nhói tận óc. Tôi nhăn nhó nhìn xung quanh thì một cánh tay kịp đỡ lấy tay tôi, một đống giấy tờ rơi tứ tung. Tôi bất ngờ nhận ra Đức, anh dìu tôi ra chiếc ghế đợi ở sảnh:
- Em có sao không, hay anh gọi bố em đến đón nhé.
- Bố em đi vắng (tôi cố gắng nói thật nhỏ nhẹ mà không thể).
- Hay, em gọi bạn trai đến đưa em đi khám nhé...
- Khám gì mà khám em không có...
- Ấy, em đừng chủ quan, bây giờ không sao nhưng đêm về nó xưng tấy đấy.
- Em không có bạn trai...
Mắt Đức bắt đầu sáng lên rồi lại ấp úng:
- Thế sao hôm nọ em không...?
- Em có uống được rượu đâu mà dám nói thật. Tết đến nhà em còn chưa có người vớt bánh đây này...
  Bùi Việt Phương