NamMai 1

Những ngày tháng không quên

Giới thiệu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Tuỳ bút NM
  • Âm nhạc
  • Tìm bạn cũ
  • Trang Bạn

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

NTV 33 - Còn đây bài hát năm xưa

Duyên Quê
 Tình Lúa duyên Trăng
Album Tình Nghèo 

Phận nghèo.....    
 "Một đời sum vầy" , Ôi mỉa mai !
Vừa mới yêu nhau đã chia tay.....
Dựng xây hạnh phúc trong nghèo khó,
Sao lắm gian nan và đắng cay ?!

Vốn liếng cho tình, một ánh trăng,
Lấp biển trèo non vượt khó khăn...
Thuỷ chung ngày tháng dù mưa nắng,
Say đắm cùng trăng dệt mộng vàng !

Dăm miếng trầu cay với buồng cau,
Mơ kết đôi ta mãi bên nhau...
Bên em giặt áo, anh cày xới,
Một mái tranh vui sống suốt đời !!

Dẫu tình trong trắng, vầng trăng sáng,
Hạnh phúc đâu còn do đôi tay ?
Giọng hò em đã vào phiêu lãng,
Mà tấm tình anh chẳng nhạt phai !
  NM
 
Còn đây bài hát năm xưa
Từ ngày tía tui nằm xuống, gia đình tôi càng nghèo khó hơn. Thiệt tình không hiểu sao tía tui đành đoạn bỏ vợ, bỏ con mà đi theo ông bà chi sớm để má tui và anh em tui khổ
 Tội nghiệp má tui, làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối. Má tui hễ có ai kêu làm gì thì làm nấy. Ngày mùa thì đi cấy, đi nhổ mạ mướn cho người ta, rồi đi gặt, đi đập lúa... tối mịt mùng mới về ôm theo một thúng lúa. Về tới nhà má còn đốt đèn rê, xẩy lúa. Anh em tui thì ngủ gà ngủ gật. Có tối Má hỏi tui:
- Con đã cho em ăn cơm chưa mà sao nó đã ngủ queo rồi.
 Tui nhìn má mồ hôi chảy ướt áo, bùn đất lấm lem trên tóc má, mà lòng đau quặn. Tôi nói với má :
- Con cho em ăn cơm nguội rồi má. Sao má về trễ quá vậy má. Em con nó mong, nó chờ miết rồi nó ngủ luôn...
 Tui không dám nói với má tui là...cơm đã hết, tui chưa có ăn gì , mà má tui chắc cũng đâu đã có gì vô bụng chớ.
 Má tui ngó về chiếc giường em tui ngủ, đưa tay quẹt nước mắt, rồi ôm tui. Tui nhìn thấy nước mắt má ứa ra, mắt tui cũng mờ đi, tôi chả còn trông thấy rõ những gì trên khuôn mặt của má nữa, chỉ còn mùi hăng hăng của bùn, của xình, cái mùi quen thuộc với má con tui từ ngày tía tui mất. Từ ngày tía tui không còn thương anh em tui nữa, tía tui ra nghĩa địa nằm, anh em tui bữa đói, bữa no.
- Con ghét tía. Tía bỏ đi để má một mình khuya sớm. Má dạo này ốm và đen...không còn giống má hôm nào. Con thương má. Con chỉ thương má.
Má tui xiết chặt tui vô lòng, giọng nói nghẹn nấc:
- Hổng được nói như vậy con. Tía con thương Má, thương các con lắm. Tía cũng chẳng muốn đi như vậy đâu con. Chỉ tại cái số của tía con ngắn ngủn vậy thôi. Chắc tía con ở đâu đó cũng đang nhìn má con mình tía khóc...
 Tui mơ màng thấy tía tui da mặt trắng bệch, tóc tai bù xù, đưa tay ra với với tui. Tui sợ quá co rúm người lạị. Cái bụng tui nó cồn cào, nó cồn cào và tui ngủ thiếp đi trong vòng tay má tui lúc nào tui không biết. Khi tui thức dậy thì ông mặt trời đã nhô lên khỏi ngọn cau. Em tui vẫn còn ngủ. Nhà êm vắng. Tui biết má tui đã đi làm. Bữa nay người ta kêu bả đi nhổ cỏ lúa...
 Mùa học tới chắc tui phải nghỉ học quá. Hôm trước má tui bị cảm, tui nói má nghỉ vài bữa cho khỏe, nhưng má tui nói má tui cố gắng làm để có tiền sắm cho tui bộ đồng phục. "Năm tới con học lớp sáu rùi, đâu có thể muốn mặc sao thì mặc đâu. Con bây giờ là học cao nhất họ hàng rùi đấỵ. Họ nội, họ ngoại đâu thấy ai có cái tiểu học đâu con. Thấy vậy má cũng mừng lắm. Cũng hãnh diện với người ta.".
 Thiệt đó, má tui gặp ai cũng khoe là tui học giỏi, là tui năm tới lên trung học rồi. Tội cho cái ước vọng nhỏ nhoi của má, nhưng tui sao đành thấy má lam lũ một mình. Cứ mỗi buổi tối khi má về, nhìn thấy khoảng lưng má ướt đẫm, đôi bàn tay má chai cứng, chân đi đất xướt xát gai cào, nước mắt tui lại trào ra. Nhìn thấy má người ta mà thương má mình quá. Má người ta đâu có phải lặn lội bương chải như vậy đâu. Má người ta còn có những bộ đồ lành lặn, má tui bộ nào cũng một vài miếng vá. Tui đi học nữa sao đành.
Nhìn đứa em vẫn nằm ngủ yên trên giường, khuôn mặt thật ngoan. Tui lấy tay áo chùi sơ đám nước miếng trên miệng nó rồi lững thững bò xuống giường, đi ra cửa. Tui đi ngang qua bàn thờ tía tui. Nhìn tấm ảnh tía tui cười. Tui dừng lại thắp nhang cho tía. Dù không có tiền mua gạo, nhưng má tui bao giờ cũng phải gắng cho có bó nhang; Phải có nhang khói để tía con không lạnh lẽo. Tía con ở dưới khoẻ mạnh phù trợ cho má con mình." Tui cố nhớ lại những ngày tía tui còn sống, gia đình tui đỡ hơn nhiều... Những ngày ấy chỉ còn trong giấc mơ của tui thôi.
Ngoài xóm bọn trẻ con đang gọi nhau ơi ới. Những ngày hè này chúng hay rủ rê nhau đi tát cá, đi bắn chim, chạy ra đồng thả diều, vui chơi hồn nhiên. Tui sao không còn ham chơi nữa rồi.
- Quang ơi, ra đây tao nói mày nghe
 Thằng Tâm gọi tui. Tui đứng trong cửa nhìn ra:
- Có chuyện gì không mày?
- Đằng cây sao cuối khu rừng đó mày. Tao thấy cặp sáo đá bay về đó miệng ngậm mồi. Tao rình mấy ngày nay, tao đoán chắc là có ổ sáo trên đó. Tao đã tới gốc cây, lắng tai nghe, có tiếng kêu chiêm chiếp, mày đi với tao...
Trong đám bọn trẻ ở xóm, tui là đứa trèo cây hay nhứt, nên chúng hay rủ tui đi bắt chim lắm. Có bữa leo lên đụng tổ ong, ong nó bay ra chích tui túi bụi, tưởng đâu tui té xuống đất rồi. Tui cố gắng cầm cự, tụt xuống, chạy và lao ngay xuống cái đìa gần đó, lặn xuống, núp một hồi mới dám ngoi lên. Bữa đó mặt tui xưng như cái mâm. Má tui ngồi khóc... Từ đó tui tự hứa với lòng là tui không đi bắt chim nữa.
- Tau không đi đâu. Tao phải ở nhà coi em tau...
Nắng đã lên cao. Cái nắng hè gay gắt làm sao. Tui vào bếp lục lọi. Má tui đã nấu cơm dành dụm cho anh em tui ăn cả ngàỵ. Cầm tô cơm lên, gắp một miếng cá kho, tui ra ngồi trên hè cửa, vừa ăn vừa nhìn ra đường. Góc đường bên kia, dưới tàn cây râm mát. Bọn con gái đang tụm năm, tụm ba chơi đánh chuyền, chơi nhảy cò cò. Lúc thì chúng cười toáng lên, lúc thì cãi nhau chí chóe. Đứa này bảo đứa kia ăn gian, ngùng ngoằng nghỉ chơi. Một lúc rồi chúng lại tụ lại chơi năm mườị. Có đứa chạy núp ngay trong vườn nhà tuị..Tui thờ ơ, lơ đãng ngậm đôi đũa , nhìn những hạt nắng lung linh trong vườn. Nắng nhảy múa trên khoảng đất cát reo vui, nhưng trong lòng tui nắng làm rối loạn hoang mang. Nắng tong lòng tui thúc giục tui : "Chắc tui phải đi làm cái gì đó để phụ má tui. Phụ được chút nào hay chút đó, để cho em tui đi học...".
Tối hôm đó khi má tui đi làm về. Chờ cho má tắm rửa đâu đó xong xuôi. Tui dọn cơm lên. Bữa cơm có cá kho và rau muống luộc chấm nước mắm. Gia đình tui là dân rau gía, nhưng lại thích ăn rau muống. Ba má con tui tụ lại bên ánh đèn dầu leo lét, cùng ngồi ăn. Má tui gỡ xương cá cho em tui. Tui ngập ngừng :
- Má à...Con muốn thưa với má...
 Má tui ngạc nhiên, ngừng ăn nhìn tui :
- Có chuyện gì mà bữa naỵ..con ấp úng hoài dzậy?
- Con muốn...con muốn nghỉ học để đi làm giúp má...
Má tui thở dài :
- Cỡ con bây giờ đi làm được gì? Con tính làm gì để giúp má đây.
- Con cũng chưa biết...nhưng...
- Thôi ăn cơm đi rồi đi ngủ. Đi ngủ sớm đi. Má còn chút chuyện phải làm.
 Dọn dẹp chén bát xong. Tui dẫn em tui đi ngủ. Đêm đó tui không tài nào ngủ được. Nằm nhìn hé ra thấy má ngồi cặm cụi sàng lúa. Đôi tay má thoăn thoắt, thỉnh thoảng má lại ngừng, kéo vạt áo lên lau mặt. Tui nghĩ má tui đang khóc. Tự dưng nước mắt tui cũng ứa ra.
Má tui làm việc tới khuya mới dừng tay, đứng dậỵ. Má vặn nhỏ chiếc đèn dầu rồi tiến về phía giường anh em tui. Tui làm bộ nhắm mắt nằm im như ngủ. Tui nghe tiếng má tui thì thầm: Trời ơi , Quang ơi . Sao không buông mùng xuống hở con? Muỗi tha tụi con đi mất thôi. Rồi má tui thả cái mùng xuống. Cái mùng may bằng vải thô quá dày đã che tối căn phòng hơn. Em tui cựa quậy, hình như thức giấc. Má tui nằm ké bên nó, vỗ về bằng tiếng hát nho nhỏ:
Em gái vườn quê
cuộc đời trong trắng
dầm mưa dãi nắng
mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm
anh biết mặt em
một chiều bên thềm
giọng hò êm đềm
và đôi mắt em lóng lánh sau rèm....
 Bài hát này má thường hát ru anh em tui đã bao năm , nên tui cũng thuộc lòng. Mỗi lúc giọng hát của má như nghẹn lại. Em tui cũng đã nằm im. Má đưa tay lên quẹt mắt, nhẹ nhàng ra khỏi mùng tiền về phía cái giường ọp ẹp của má. Tui muốn níu má lại: Má ơi ngủ chung đi má. Con muốn được ngủ trong vòng tay yên lành của má mà....
****
 Hôm nay má tui nghỉ làm. Bả lo sắp xếp một ít quần áo cho tui vào cái bao vải. Má chọn cho tui bộ đồ tươm tất nhất mà tui vẫn dành để đi học. Má bảo tui mặc vào. Hôm nay đám bạn tui bắt đầu năm học mới, còn tui bắt đầu đi làm. Má tui dẫn tui đi tới nhà Ông Cả Sang ở làng bên. Nhờ có người quen bên đó họ giới thiệụ. Ông Cả nhận cho tui vô giúp việc nhà. Công việc đầu tiên là Ổng giao cho tui chăm bầy vịt cả ngàn con.
 Trên đường đi tới nhà ông Cả, Má tui dặn dò đủ điều nào là phải luôn ngoan ngoãn, phải vâng lời , phải kính trên nhường dướị. Nhà người ta là nhà giàu có con ạ. Mình chỉ là kẻ tôi tớ, làm công. Sống làm sao cho người ta yêu thương , thì mới dễ thờ...Nghe má khuyên nhủ tui chỉ muốn khóc. Nhìn chúng bạn tung tăng cắp sách tới trường tui càng muốn khóc hơn. Tui nhớ lại năm sáu năm về trước cũng ngày này Má dẫn tui đi học. Mọi cái lạ lẫm lắm đối với tui. Bây giờ cũng thế, cũng con đường này mà sao tui có cảm tưởng như mới đi lần đầu , nếu không có má dắt đi chắc tui đi lạc không biết lối về. Tui tự an ủi mình. Cái chuyện này là tui tình nguyện mà. Má tui thì muốn tui tiếp tục học , nhưng tui đã quyết rồi. Má tui cũng chìu theo...
 Khi đi ngang qua cổng ngôi trường thân yêu cũ, thằng Tâm chạy ùa ra:
- Quang ơi, tao chờ mày lâu rồi nè. Vô lớp cho tao ngồi bên mày nha. Ủa mà cặp mày đâu , sao lại mang cái bao này...
 Tui không trả lời nó. Tui muốn bỏ chạỵ. Má tui quay đi. Tui biết Má tui đau lòng lắm. Tui đi xa rồi, xa hẳn tuổi học trò một sớm thu se lạnh.
 Tới cổng nhà Ông Cả, hai con chó bẹc giê nhảy chồm ra sủa gâu gâu. Một cô gái, sau này tui biết tên là Thuyên, ra mở cửa. Thuyên mồ côi mẹ, cha Thuyên lấy vợ khác và Thuyên cũng như tui được giới thiệu vào làm việc cho gia đình Ông Cả. Má tui vào nói chuyện gởi gấm tui và đội ơn Ông Cả đã thương xót cho tui được tới hầu hạ Ông bà... Rồi Má tui ra về. Lúc này tui mới thấy cô đơn , thấy lạc lõng làm sao. Tui hối hận, tui níu tay Má, tui chỉ muốn đi về với má...Nhưng đã bước vào rồi , phải đi tiếp con đường này thui. Má tui bước đi thật nhanh, tui trông theo có cảm tưởng như là ly biệt. Tui sẽ sống ở cái nhà nàỵ. Ăn ngủ ở đây. Nhà má tuy gần mà xa. Xa thật rồi
 Suốt buổi sang tui ngồi ngoài hiên nhà Ông Cả, chả biết làm gì. Tới giờ ăn cơm , tui phụ với Thuyên dọn cơm lên, rồi đứng hầu quạt cho Ông Cả dùng cơm. Sau đó tui, Thuyên và vài người nữa cùng nhau ăn cơm dưới gian nhà bếp.
 Buổi chiều tui lững thững ra bờ ao. Vườn nhà Ông Cả thật đẹp, cây cối lớp lang. Những chậu kiểng ngạo nghễ khoe cái giàu sang phú hộ. Chim chóc hót suốt ngàỵ. Tui vừa đi vừa nghĩ tới em tui. Em tui tối nay ngủ chắc nó sẽ nhớ tui lắm. Tui đang nghĩ về Má... thì nghe gịong hát thánh thót từ phía dưới ao :
Ai hát ngoài ao
chừng ngồi giặt áo
giọng hò êm quá
mà anh ngỡ ai rót mật vào lòng
anh cuốc vườn sau
mặt trời trên đầu
ruộng vườn lên màu
vì em ước mong đây đó chung lòng....
Tui dừng lại lắng nghe lời hát, bồi hồi. Lại bài hát quen thuộc nàỵ. Bài hát đã từng xoáy tận tâm hồn tui. Tui nhớ Má tui quá, tui ngồi bệt xuống trên con đường lót gạch ngoằn ngoèo từng bậc. Người tui chùng xuống ... Buổi chiều như tím thẫm hơn dưới bóng mát của những tàn câỵ
Tui ngồi đó cho tới lúc trời nhá nhem tối. Thuyên ra gọi tui vào và chỉ cho tui chỗ ngủ. Đêm đó có lẽ là một đêm dài nhất trong đời tuị
 Sáng sớm hôm sau, một chú gia đinh dẫn tui ra cánh đồng sát bờ con sông. Nơi bày vịt đang kêu cạp cạp, có con đang rướn người, giơ hai cánh lên cao, vỗ vỗ trong không khí, giống như người ta đưa tay lên vươn vai sau một giấc ngủ không đầy. Chú ta chỉ cho tui một cái chòi làm bằng rơm:
- Đây là căn nhà của cậu đây. Sáng cậu lùa vịt đi qua những ruộng lúa đã gặt để cho chúng ăn. Chiều lùa chúng về đâỵ. Rồi ngủ ở đây để coi bầy vịt. Cố gắng quan sát chúng đừng để chúng đi lạc, mất vịt. Coi chừng Ông Cả sẽ bắt cậu phải đền đấy.
Chú ta nói xong, đi lại chỗ thoai thoải của bờ sông nhặt những hột trứng vịt:
- Đêm vịt nó đẻ. Cậu nhớ gom hết vô thúng, sẽ có người ra lấy mang về. Hôm nay cậu đi theo học nghề cho quen nha.
 Tui dạ dạ, vâng vâng cho có lệ. Đi chăn vịt thôi mà có chi là khó.
 Vài ngày tập việc đã qua. Người ...tiền nhiệm của tui chính thức bàn giao để đi nhận nhiệm vụ mới. Hắn bàn giao cho tui cây gậy trúc trên đầu cây gậy có cột một chiếc áo rách. Hắn bảo đây là cây gậy trấn sơn, hắn trao cho tui giang san của bầy vịt. Tui cũng làm bộ trịnh trọng tiếp nhận ấn tín. Rồi chúng tui phá lên cười, cười sặc sụạ...Tui đã bắt đầu thật sự kiếp lang thang trên những cánh đồng.
Hằng ngày tui mong nhất là lúc lùa bầy vịt về chuồng. Khi bầy vịt bắt đầu về tới chuồng thì cũng là lúc tui nghe văng vẳng tiếng hát của Thuyên. Thuyên có nhiệm vụ mang cơm cho tui mỗi buổi chiều. Cùng cái nghề tôi tớ nên chúng tôi thân nhau thật dễ dàng:
Gió lay ao bèo
em thương anh không kể là giàu nghèo
miễn rằng tình đặng sơn keo
núi cao em cũng trèo
sông sâu em cũng lội vạn đèo em cũng qua...
 Lùa vịt vào chuồng xong xuôi đâu đó. Tui vội vã chui vào chòi, nhìn Thuyên cười. Thuyên đang nằm chờ tui về , thấy tui chui vô cô ta vội vã ngồi lên. Tui chào và hỏi:
- Sao bữa nay Thuyên mang cơm cho tui sớm thế.
- Thì tui cũng mong ra khỏi cái nhà lớn đó càng sớm càng tốt mà. Ra đây thấy thoải mái thở hít không khí trong lành. Tui thấy cậu sướng hơn tui...
- Đi làm mướn mà...giống như đi ở đợ...có gì mà sướng hở Thuyên.
 Thuyên nghe tui nói, cô ta sụ mặt xuống không thèm nhìn tui:
- Phải tui ở đợ mà.
Tui biết tui đã lỡ lời nên tui dỗ dành Thuyên:
- Thì tui cũng là...ở đợ, hơn gì ai đâu Thuyên.
 Thuyên hơn tui vài tuổi nhưng người nhỏ nhắn. Thuyên có khôn mặt thật dễ thương. Đôi mắt to long lanh buồn. Để phá tan cái không khí nặng nề vì câu nói hớ của mình. Tui gọi Thuyên
- Thuyên ơi, Thuyên ơi...
- Có gì thì nói đi gọi hoài...
- À này...Sao Thuyên cũng biết hát bài hát...
- Biết hát thì có gì lạ...
- Ừ...nếu là bài hát khác thì không lạ, nhưng bài này là bài ruột của Má tui đó.
- Má cậu cũng biết hát hả?
- Má tui hát hay lắm đó. Giật giải thưởng cấp tỉnh đó.
 Thuyên sáng mắt nhìn tui hỏi vồn vã:
- Thiệt hả...Kể tui nghe đi...
Tui rủ Thuyên ra ngồi trên bờ con sông. Con sông nước chảy êm đềm. Những đám lục bình nở hoa tim tím lững lờ trôi. Tui kể cho Thuyên nghe chuyện bài ca "Duyên Quê" của Má.
Ngày xưa lúc má còn là con gáị. Quê má không phải ở đâỵ. Quê má ở miền Đông. Má nổi tiếng xinh đẹp và có giọng ca rất ngọt, nên má được tuyển chọn vào ban văn nghệ xã. Má đã từng tham dự " Hội diễn văn nghệ cấp Huyện". Má đã đem danh dự về cho xã với bài đơn ca "Duyên Quê". Rồi má lại được tuyển vào đội văn nghệ Huyện để đi dự "Hội diễn cấp Tỉnh ". Lần này thì Má hát "ca đôi" với một chàng thanh niên xã khác. Chàng thanh niên này chính là Tía của tui sau này đó. Cũng vẫn bài "Duyên Quê" này Tía Má tui được trao giải nhất. Bài ca kỷ niệm của Má tui mà. Nhờ bài ca này mà Tình yêu giữa Tía và Má tui nẩy nở. Họ hẹn hò nhau, họ yêu nhau say đắm. Nhưng tình yêu của họ không được sự đồng ý của hai gia đình...
Thuyên ngắt lời tui:
- Sao vậy ...Xứng đôi quá mà...
- Vì cái tuổi. Cái tuổi kỵ...Má tui tuổi Dần, Tía tui tuổi Hợi... Nghe nói đâu Dần, Thân, Tỵ, Hợị..tứ hành xung gì đó...Không nên thành vợ thành chồng. Không thể có hạnh phúc, sẽ bị đổ vỡ...
- Sao cậu còn nhỏ mà rành dữ...
- Thì tui nghe Má tui kể lại chứ tui đâu biết chi. Mỗi lúc Má tui nhớ Tía tui Má tui hay hát bài ca nàỵ...
- Rồi sao hai người thành đôi vợ chồng vậy?
- Tía tui và Má tui rủ nhau bỏ trốn về miền Tây này lập nghiệp để có thể được cùng chung sống với nhau....Mà đúng thiệt đó nha... Sau khi có hai anh em tui rồi, Tía tui cứ bịnh hoài, rồi cuối cùng Tía tui chết. Chết lúc quá trẻ... Má tui buồn như chim lẻ bạn, má tui khóc hoàị...
Cả hai đứa chúng tui im lặng hồi lâu. Chiều đang xuống. Những đàn trâu cũng đang được lùa về chuồng. Thấp thoáng vài người nông dân quẩy gánh bước nhanh... Thuyên đứng lên:
 - Thôi vô ăn cơm đi để chị về kẻo tối rồị Bà Cả lại la...
Thuyên tự nhiên xưng chị với tui, nhưng tui không thích gọi Thuyên bằng chị. Tui gọi tên trổng thôi à.
Thuyên ra về rồi , tui lững thững bước vô chòi, nằm dài trên tấm cói mở miệng lẩm bẩm hát :
Gíó lay cành đa
Anh thương anh thương em thật thà
Mưa lay hoa cà
Da em quá mặn mà
Và thương bao giọt mồ hôi
đẹp má mặn môi ….
Tui nằm nghĩ về Thuyên, nghĩ thương cho hoàn cảnh Thuyên. Tui đúng là may mắn hơn Thuyên thiệt vì tui còn Má. Má tui ở vậy nuôi lớn anh em tui, dù tui biết mấy năm qua có vài nơi dòm ngó, nhưng Má tui không chịu. Trên trời đã hiện ra những vì sao. Con trăng đầu tuần lưỡi liềm cũng đã nhô khỏi rặng tre cuối làng. Tui thiếp đi trong giấc ngủ. Trong giấc ngủ tui mơ màng thấy mình dắt tay Thuyên chạy tung tăng trên cánh đồng. Cùng nhau đuổi theo những con bướm muôn màu.
 Thăm thoát mà tui đã tới làm việc cho nhà Ông Cả được ba năm rồi. Công việc kể ra cũng nhàn, chỉ mỗi tội là cả ngày phải phơi nắng trên những thửa ruộng đã gặt còn trơ lại những gốc rạ và những đống rơm. Suốt ngày nhìn bầy vịt tranh nhau kiếm ăn tui lại nghĩ tới mình. Người hay vật trong cõi đời này cũng vì kế sinh nhai mà phải bương chải. Mỗi người, mỗi vật một cách. Tui thì bận rộn với bầy vịt ngày đêm, chả còn thì giờ mà nhớ tới Má tới em. Mà lạ ghê dạo này tui ít nghĩ về Má như hôm xưa, mà bây giờ tui hay nghĩ tới Thuyên hơn. Lúc nào trong đầu tui, hình bóng của Thuyên với chiếc áo bà ba nâu, cái quần đen trúc bâu cũng lảng vảng. Hình bóng đơn sơ ấy vẫn theo tui đi khắp những cánh đồng. Tui đánh mất những cuộc chơi bắn bi, đánh khăng với đám bạn, thì giờ đâu nữa. Lắm lúc ngồi thơ thẩn một mình nghĩ lại tui nhớ tiếc làm sao!
Chiều nay tui cho bầy vịt về chuồng sớm hơn mọi bữa. Về gần đến chòi tui đã nghe tiếng hát thánh thót buồn của Thuyên. Thuyên chạy ra tươi cười:
- Bữa nay dìa sớm hả?
- Ừa …Dưng không nhớ ngày xưa, lúc cùng chúng bạn vui chơi …buồn nên cho vịt dìa sớm một bữa .
- Hay mình bầy trò chơi nhạ Quang thích chơi gì nhỉ?
- Quang hả? Quang thích chơi bắn bi...
- Cái này thì Thuyên chịụ..Hay chơi Ô Quan với chị nha
Ừ thì Ô Quan. Chúng tui hai đứa mò mẫm ra bờ cát nhặt những hòn sỏi , vẽ cờ Ô Quan...Tui chơi ăn hết quân của Thuyên. Thuyên thua cười gượng:
- Hết Quan tàn dân thu quân đánh lại...
- Thôi , tui không chơi nữa đâu chơi Ô Quan không zui gì hết...
- Hay mình chơi chi chi dành dành ...
- Ừ ha... Tui xòe bàn tay ra và Thuyên đặt ngón tay trỏ lên ngay giữa bàn tay tuị Hai đứa cùng đọc : Chi chi dành dành, cái đanh thổi lửa , con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế , cấp kế đi tìm con chim. Nắm được. Tui nắm bàn tay lại thiệt nhanh, Thuyên không kịp rút tay về. Tui nắm hoài không buông. Thuyên nhỏ nhẹ: Buông tay Thuyên ra đi...Tui buông ra, tui nói không nhìn Thuyên, tui nói trong hơi thở gấp gáp, giọng rung rung: Tui muốn nắm tay Thuyên hoài, nắm hoài thôi....
Tối đó hai đứa tui nói nhiều chuyện lắm, mãi tới khuya Thuyên mới ra về. Ngày hôm sau không thấy Thuyên mang cơm ra cho tui. Tui ngạc nhiên khi chú gia đinh mang cơm tớị Khi chú ra về, tui mới dở gà mên cơm ra. Trong đó có một miếng giấy gấp làm tư. Tui mở ra đọc:
"Tối qua về trễ bị Bà Cả phạt . Hôm nay không thể mang cơm cho Quang được..."
Tui buồn. Rồi hai ngày, rồi ba ngày, tui mong Thuyên tới. Ngày thứ tư Thuyên tới. Tui mừng hơn năm xưa Má về chợ. Tui mừng chưa hết thì nghe Thuyên nói: Má tui bịnh, Bà Cả cho tui về bên nhà một ngày thăm má. Đàn vịt bỏ đấy cho Thuyên coi, Thuyên đã bê ra đây một thúng thóc cho vịt ăn, ngày mai vịt dậm chân tại chỗ.
 Tui lo quá không biết Má bịnh làm sao. Tui muốn bỏ chạy về ngaỵ Thuyên kéo tui lại , ghé sát tai tui nói nhỏ :
- Bắt con vịt về nấu cháo cho Má ăn.
Tui tròn xoe đôi mắt: Úy trời đâu được. Ông Cả mà biết thì chết...
Thuyên ra chỗ bầy vịt tóm một con, trói lại đưa cho tui :
- Cầm đi. Không ai biết đâu. Thuyên chịu tội cho...
Tui lưỡng lự cầm và chạy tắt qua ba bốn cánh đồng để về nhà thăm Má. Tui nói dối Má là Ông Cả nghe nói Má bịnh nên cho Má con vịt để Má bồi dưỡng.
Tui về ở chơi với Má một ngày rồi trở lại làm việc.
***
Một tuần sau.
Không biết từ đâu mà Ông Cả phát giác chuyện tui bắt vịt về nhà. Thuyên nhận tội thay cho tui , nhưng cũng không xoay chuyển được quyết định của Ông Cả: Tui và Thuyên bị đuổi việc. Trưa hôm đó hai đứa tui khăn gói rời nhà Ông Cả, chả biết đi đâu, về nhà thì chưa biết phải nói với má thế nào, nên chúng tôi đứa trước đứa sau lững thững ra bờ sông ngồị Thuyên hỏi tui:
- Giờ tính sao Quang?
- Kệ tới đâu hay tới đó , lo gì.
Mà thiệt đó nha, tui không có lo gì hết, bây giờ lớn khôn rồi bộ không kiếm được việc gì làm hay sao mà lọ Tui săn ống quần lên lội xuống nước. Nước sông mát lạnh, tui vục nước rửa mặt. Thuyên nằm ngả lưng trên bờ cỏ, nhìn những cụm mây lờ lững bay. Thuyên hát như đang lạc vào vùng cổ tích, một giấc mơ êm đềm, mượt như nhung:
Dăm miếng trầu cay
Một buồng cau trắng, một buồng cau trắng
mà duyên đôi ta nên vợ thành chồng
Một túp lều tranh
Một vừng trăng tròn
Một vừng trăng tròn
Mà tha thiết yêu cho hết tơ lòng
Tui ngẩn ngơ, chơi vơi trong giọng hát Thuyên:
- Thuyên đã có ngườị..thương rồi phải không?
Thuyên cười tủm tỉm : Ừa đó...Có rồi đó...
Tui biết Thuyên nói chơi nhưng trong lòng tui vẫn xốn xang. Tui buồn, tui không tin ở tui chút nào...
Hai đứa tui lang thang đi hái bình bát, những trái bình bát chín vàng gợi thèm, nhưng không đứa nào muốn ăn. Ở nhà quê trời tối rất nhanh, cuối cùng rồi chúng tôi cũng phải về nhà. Vừa bước vô cửa má đã hỏi:
- Bị đuổi rồi phải không?
Tui vo vo cái đầu :
- Dạ...Cả Thuyên cũng bị đuổi luôn Má. Tui giới thiệu Thuyên với Má. Má nói với Thuyên :
- Không sao, thì ở đây với Má. Má đi làm gì thì bay đi làm cái đó...
Từ hôm đó Thuyên ở lại trong nhà tui. Em tui thích Thuyên lắm vì Thuyên chìu nó hết mực. Chúng tôi sống thật êm vui, đầm ấm dù trong cảnh nghèo. Tui ban ngày làm mướn cho người ta, đêm về đi soi cá, soi chim kiếm thêm, vất vả một chút nhưng cuộc sống cũng dễ thở hơn.
Một tối nọ, tự nhiên Thuyên muốn đi theo tui soi cá. Tui nói đi đêm đi hôm cực lắm đó. Thuyên nói : Cho chị đi theo để biết Quang cực như thế nào. Tui đồng ý. Tui cầm cái vợt dài, còn Thuyên cầm giỏ theo saụ Buổi chiều vừa đổ cơn mưa, nên mặt ruộng xâm xấp nước. Cóc nhái kêu inh ỏị Tui đeo cái đèn pin trên trán. Đi mãi mà chưa kiếm được con gì. Bỗng có tiếng nước động, tui soi đèn về hướng đó, một chú vịt le le đang cựa quậỵ. Tui đưa cái cần vợt ra, chưa kịp chụp xuống thì Thuyên la lên: Coi chừng Quang. Tui chưa biết chuyện gì thì Thuyên đã nhào tới tui làm tui té xuống bờ ruộng. Tui hỏi: Chuyện gì vậỵ. Thuyên nói: Rắn. Tui vùng đứng lên, vừa chợt nhìn thấy con rắn hổ lao đi. Tui vung cây cần vợt đập nó chết.
- Nó cắn chị rồi Quang ơi.
Tui nghe mà hết hồn. Tui chạy lại bên Thuyên. Vết răng in sâu trên bắp chân. Tui xé cái aó thung của tui để cột ngay trên đùi của Thuyên. Tui vứt hết. Tui cõng Thuyên, tui chạy thục mạng trên những bờ ruộng về hướng nhà ông Năm thày rắn, ông thày rắn đã lấy nọc độc và rịt thuốc chổ vết thương. Ông nói với tui nên đưa cổ đi bịnh viện ngay đi. Tui lại cõng Thuyên tui chạy về hướng trạm xá xủa xã. Nhưng Thuyên nói với tui giọng đứt quãng :
- Thuyên khó thở quá, ngực Thuyên đau nhói. Cho Thuyên dìa nhà Má đi .
- Không được, phải đi cấp cứu chớ Thuyên.
- Cho Thuyên dìa nha đi.
Thuyên khóc, nước mắt nhỏ âm ấm trên vai tui. Tui cũng khóc. Tui cõng Thuyên về nhà. Trên đường về nhà Thuyên ghì chặt đôi vai tui , thì thào:
- Những ngày sống bên Má, Thuyên vui lắm, Thuyên sẽ nhớ mãi …
Sáng hôm sau Thuyền vĩnh viễn rời xa tui. Thuyên nằm đó thân hình tím bầm. Tui đau lòng quá mà không khóc được. Suốt mấy năm sống gần nhau mà Thuyên chớ hề nói cho tui biết Tía của Thuyên ở đâu. Muốn báo tin cho Ổng mà đành chịu.
Bây giờ Thuyên đã mồ yên mả đẹp. Thuyên đi Thuyên đã mang cả hồn tui đi mất. Tui thờ thẫn ngồi một đống, mắt nhìn xa xôi. Mẹ tui cả tuần ủ rũ chả muốn đi làm. Nhìn thấy tui bơ phờ, Má tui chỉ biết lắc đầu.
Tui bước lại bên bàn thờ Thuyên, đưa tay nâng tấm hình lên. Hình Thuyên cười thiệt tươi. Tui nghe văng vẳng tiếng hát của Má từ sau bếp:
Cho đến ngày mai
Dù mưa hay nắng
Lòng ta vẫn thắng
Mà đôi chúng ta xây dựng đời này
Ta có bàn tay
Một tình yêu này
Một đời xum vầy
Thì đâu khó chi lấp biển vá trờị
“Một đời sum vầy“. Nghe sao mặn đắng ở trên môi. Lời yêu thương còn chưa tỏ mà ước chi chuyện trăm năm cau trầu. Má hát cho tâm sự cuả Má hay Má hát cho tui. Những giọt nước mắt tui âm thầm nhỏ xuống trên khung ảnh Thuyên. Tui thấy nụ cười của Thuyên nhoà đi.
Lê Du Miên
Một Mình
Mot minh 
 
Vẫn là Ta....!!
Đã trót sinh ra chốn trần ai,
Ta vốn là người "không giống ai " !
Tha nhân mặc kệ tha nhân nhé.....
Ta vẫn là ta suốt kiếp nầy !!

Sống sao trọn vẹn tình thân ái,
Đoàn kết nghĩa tình, thương thế nhân....
Mai sau về cõi thiên thu - Nhẹ !!
Ta vẫn là ta, chẳng bụi trần.....

Đóa sen hồng thắm trong tâm nở,
Đem đến cho đời một chút hương.....
Ra đi chắc hẳn không vương vấn ?
Chỉ có người người luôn tiếc thương !!
NM

Người không giống ai           

 Hắn là bạn thân của tôi từ thuở tóc còn để chỏm đến bây giờ – Hắn có một cái tên rất ấn tượng: “ Trần Đại Hà”. Do vậy mà lũ bạn của Hắn và tôi hay gọi Hắn bằng cái tên trìu mến là “ thằng cầu Nại Hà” hay là người – giữ – cầu – Nại – Hà. Là bạn rất thân của Hắn, đôi khi thấy lũ bạn đùa giỡn quá trớn, tôi cũng cảm thấy tội nghiệp – xót xa, trong khi đó Hắn lúc nào cũng cười tỉnh bơ xem như không có việc gì xảy ra cả! Và, đôi khi, tôi còn có cảm giác Hắn lại tỏ ra thích cái tên đó nữa chứ. Nhiều lần bực mình – tôi gắt: 

Bộ cậu đông cứng lại rồi à? Sao cậu không phản ứng gì hết vậy? Đùa giỡn gì mà quái ác quá?

Hắn cười hiền:
           Lỗi đâu phải ở họ, tại ba, mẹ mình đặt tên vậy mà. Với lại họ gọi đùa vậy chứ có ác ý gì đâu?
           Hắn còn nói thêm:
           Như thế này mà cậu thấy buồn rồi sao? Ở xóm này ai cũng yêu quý mình, nhưng họ luôn dặn mình là không được đến nhà họ vào ngày mồng một, ngày rằm; có người còn cẩn thận hơn cấm cửa mình vào buổi sáng nữa kìa, họ sợ mình mang điều không may đến cho họ. Ban đầu mình buồn lắm, nhưng lâu dần mình quen rồi…
         Tôi không biết nói gì để an ủi Hắn trước một sự thật quá đau lòng và quá quắt như thế – đành yên lặng lãng sang chuyện khác.
         Người ta thường nói: “Không ai thương mình bằng chính mình thương mình”. Vậy mà Hắn nhiều lần bảo với tôi: “Mình ghét cái bản mặt của mình nhất, ghét kinh khủng, ghét thâm căn cú đế, ghét cái tính chẳng giống ai của mình!”. Lần đầu nghe vậy, tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Hắn, nhưng lâu dần tôi cũng quen dần với những câu chuyện mà Hắn bảo là “chẳng giống ai”, quen đến nỗi chúng ngự trị trong đầu óc của tôi, và lúc nào buồn tôi dùng chúng để tự an ủi cho mình. Mặc dù đã quen nhưng cứ nghĩ lại và nhớ đến điệu bộ của Hắn là tôi không sao khỏi phì ra cười.
          Chuyện đầu tiên mà Hắn vẫn thường ca cẩm đó là chuyện hắn sinh ra trong một cái lều rách nát, không gọi là nhà được, túp lều ấy lại tọa lạc ở một bãi đất hoang bên bờ sông Đại Hà – tên của con sông cũng gần giống như Cầu Nại Hà trên con đường dẫn xuống cõi chết. Vậy mà không hiểu sao ba, mẹ Hắn lại chọn nơi này làm túp lều hạnh phúc cho họ và còn lấy luôn tên cây cầu đặt cho Hắn nữa chứ? Ba, mẹ Hắn cùng cảnh mồ côi sớm, ông bà nội, ngoại của cả hai người cùng dắt dìu nhau, kẻ trước người sau – cùng nhau viễn du đến nơi vô định mà không hẹn ngày về. Lúc còn sống, họ là những trưởng lão cái Bang hàng bốn túi, nên khi họ ra đi, không có gì để lại cho hắn cả, chỉ có một mảnh dất cắm dùi, hắn cũng bán nốt để chữa trị cho mẹ lúc nằm viện. Cha, mẹ chết khi Hắn học hết lớp 11, vậy là năm 12 Hắn vừa mò cua, bắt ốc, vừa sống nhờ vào tình thương yêu đùm bọc của các cô chú trong họ và bà con xóm giềng. được cái Hắn rất sáng dạ, học ít nhưng  vẫn học rất giỏi. Và cuối năm, Hắn đã thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh trước sự ngỡ ngàng của những người thân và hàng xóm. (Họ không ngờ thằng bé khù khờ, quần áo xốc xếch, quanh năm lấm lem bùn đất lại giỏi như vậy). Thế là bà con làng xóm lại có dịp nhắc lại giai thoại Hắn mặc áo mưa đi học vào mùa hè khi trời nắng như đổ lửa. Nhà  nghèo quá, Hắn luôn đến trường trong bộ đồ rách bươm, vá chằng, vá đụp và đủ màu sắc. Mẹ Hắn cứ nhặt được miếng vải nào lành lặn, bất kể màu gì – là để dành để chằm quần áo cho Hắn. Nhìn Hắn lúc đó giống như một con cá ngũ sắc vậy. Một người bà con xa đến thăm ba, mẹ và cho Hắn một bộ đồ áo mưa bằng nhựa màu nâu. Vậy là chiều đó hắn mặc bộ đồ áo mưa đi học, khi cô giáo bắt cởi bộ áo mưa ra, Hắn thành ra trần như nhộng, còn chúng tôi thì được một trận cười nghiêng ngả.
           Ngày Hắn nhập trường, bà con cô bác giúp cho hắn một ít tiền đủ cho Hắn mua vé xe và sống những ngày đầu tiên khi bước chân vào đại học. Hắn lại phải vừa lo học, vừa lo cơm, áo hàng ngày cho chính mình. Hắn làm gia sư, phụ việc ở quán ăn, bốc vác, cho đến việc thông cống, sửa hầm cầu, không chuyện gì mà hắn không làm. Vậy mà trong khi tôi học ở Trường tổng hợp phải tất bật, lo lắng với các kì thi đi, thi lại, còn Hắn học phần nào cũng qua một cách nhẹ nhàng, có lúc tôi không hiểu Hắn có phép màu gì nữa?
           Năm năm đại học rồi cũng trôi qua, tôi và Hà cùng ra trường. Hắn không còn gì ở quê nữa, bàn thờ ba, mẹ ngày Hắn vào Đại học đã gởi họ vào ngôi chùa làng, để có người hương khói, chỗ túp lều rách nát ngày nào giờ chỉ là một bãi đất trống, lau sậy mọc um tùm. Vậy mà Hắn không ở lại thành phố, nơi phồn hoa có nhiều cơ hội cho Hắn xin được việc làm tốt, Hắn nhất quyết đòi về quê. Đêm cuối cùng ở thành phố, tôi hỏi Hắn:
           Cậu quyết định về quê thật à?
           Thật chứ sao không? Hắn quả quyết trả lời
           Tôi nhìn lướt lên mặt hắn, một gương mặt chai sạm với đôi mắt trũng sâu vì những đêm mất ngủ, tôi thực sự thấy thương Hắn. Tôi không muốn phải xa Hắn nhưng tôi không muốn hắn phải khổ thêm nữa.
           Tôi tiếp tục góp ý:
           Cậu về quê làm gì? Rất khó xin việc. Hãy ở lại đây đi,  mình nghĩ với tài của cậu không mấy chốc sẽ làm giàu lên thôi.
           Hắn mân mê ly trà trên tay – cười buồn, đáp lời tôi:
           Tôi cũng có lúc nghĩ như cậu vậy. Nhưng tôi không thể xa ba, mẹ tôi, không thể xa những người đã cưu mang tôi, và hơn nữa làng mình đã giữ của tôi biết bao kỉ niệm vui, buồn…
           Tôi bật cười:
            Cậu làm thơ à? Cậu lãng mạn và đa sầu đa cảm quá rồi! Còn hơn mấy ông nhà thơ nữa mà? Người chết, người sống gì cậu cũng nhớ hết vậy? Ai bảo cậu đi luôn đâu? Nếu thích cậu cũng có thể xin nghỉ phép về thăm quê mà?
            Cậu đừng khuyên tôi nữa, tôi đã quyết định rồi, sẽ không đổi ý đâu. Hắn nhăn mặt đáp lời tôi.
            Tôi bỗng dưng cảm thấy ghét cái tính ngang bướng của Hắn nên nói lẫy:
            Tùy cậu thôi! Cậu muốn làm sao thì làm, mình không dám can thiệp vào đời riêng của cậu nữa.
            Hắn biết tôi giận, vội ôm lấy vai tôi – hạ giọng, năn nỉ:
            Trước kia mình không có gì hết, là một thằng bé mồ côi mà vẫn sống được, giờ mình đã là ông kỉ sư rồi, làm sao chết đói mà cậu lo?
            Dù có bằng tốt nghiệp loại Khá trong tay, nhưng thân cô thế cô Hắn không xin được việc làm vừa ý. Người ta vẫn thường nói đi nói lại đến nhão nhẹt câu “Quý trọng nhân tài, ưu tiên hiền tài”. nhưng Hắn vác đơn đi đến đâu, cũng khó chui qua “cánh cửa hẹp”. Cuối cùng, cũng xin được làm một chân quản lý máy điện của công ty may mặc ở huyện. Còn tôi một thằng kiến thức chỉ lõm bõm, lơ mơ thôi nhưng tương lai thì rộng mở. Ba, mẹ tôi nhờ sự quen biết của mình đã xin cho tôi vào dạy ở trường cao đẳng gần nhà.
           Hắn làm việc vất vả chứ không nhàn hạ gì. Tổ điện của Hắn có bốn người, ba người trên Hắn học Trung cấp Điện, Hắn có bằng cấp cao nhất Kỉ sư Điện, vậy mà trong phòng, Hắn chỉ là một người để sai vặt, phải làm đủ mọi việc từ sửa điện, bắt ống nước, đến việc giữ các hóa đơn chi phiếu. Hắn về quê ở tạm nhà tôi, bốn tháng sau khi có việc, nhận được những đồng tiền lương ít ỏi. Hắn thưa với ba, mẹ tôi cho hắn ra dựng nhà ở riêng trên bãi đất hoang um tùm lau sậy mà trước kia là nhà của Hắn. Và sau đó không bao lâu, một ngôi nhà bằng tre được dựng lên giống như ngôi nhà nhỏ trong rừng của Bảy chú lùn vậy. Đúng là Hắn lập dị, làm những chuyện không đâu vào đâu cả, vậy mà không hiểu sao, cha, mẹ tôi cứ đem Hắn ra làm gương cho tôi và mấy đứa em của tôi học theo mới chết chứ.
           Hắn lại ghét hắn về cái khoản cưới vợ. Đầu tiên, Hắn yêu một cô gái làm kế toán ở cùng công ty, nhưng khi biết Hắn mồ côi, và ở trong một ngôi nhà tranh vách đất gần bờ sông, ba mẹ của cô gái kia cấm cửa không cho con mình qua lại với Hắn nữa. Mà cũng không cần cha, mẹ ngăn cản, cô gái kia không muốn có một người chồng nghèo hèn như vậy làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời có quá nhiều ước mơ cao vời của mình. Chỉ hai tháng sau khi chia tay với Hắn, cô ta lên xe hoa với một anh chàng hào hoa, nghe đâu làm việc ở cảng. Hắn cũng đẹp trai, gương mặt khôi ngô – nên rất nhiều cô gái theo đuổi, nhưng cứ quen Hắn một thời gian là họ bỏ hắn để đi lấy chồng khác. Nghe thấy vậy – tôi hay đùa Hắn:
           Cậu chắc tích được nhiều phúc lắm? Cô nào ế ẩm, không có ai, chỉ cần quen cậu một thời gian là có chồng liền.
           Hắn cười buồn:
           Cái số mình nó vậy mà! Nhưng mình nghĩ đó không phải là tình yêu đâu? Rồi mình sẽ tìm được một người vợ đúng nghĩa của chữ yêu cho cậu xem.
           Và rồi người vợ đúng nghĩa, cái tình yêu đúng nghĩa của Hắn, cũng xuất hiện. “Hễ có mong chờ và hy vọng – là sẽ có kết quả thôi” – Hắn đã tâm sự vậy khi báo tin vui với tôi. Vợ Hắn – một cô gái nghèo, mẹ mất sớm ở với cha và mẹ kế. Học hết lớp 12, không có điều kiện học tiếp nên nghỉ học xin vào công ty may. Cô có duyên – xinh xắn, nên chỉ một thời gian ngắn cô cũng tìm cho mình được một anh chàng hào hoa, giàu có. Những tưởng mình có thể đổi đời nên cô quá tin vào lời dụ ngọt kia, rồi đã đánh mất đời con gái. Khi giọt máu đã tượng hình trong bụng, thì người tình hào hoa phong nhã giàu có kia cũng quay lưng để mặc cô trong nỗi sợ hãi khốn cùng. Bẫy tình xưa nay vẫn vậy – nhưng sao có lắm kẻ còn mờ mịt để lại sập vào đó nhỉ? Thì ra, cảnh sang giàu, tiền bạc – luôn làm lu mờ tâm trí, và là hấp lực mãnh liệt cho tất cả mọi người sao?
            Cô muốn tìm đến cái chết để chấm dứt mọi chuyện thì gặp Hắn. Hắn không những cứu cô khỏi chết mà còn cùng cô về nhà chịu lỗi với ba, mẹ cô. Thế là một đám cưới chóng vánh xảy ra, không hân hoan, không mong đợi.     Tôi lại một lần nữa làm kì đà cản mũi:
            Cậu bị làm sao vậy? Cậu cứu cô ấy là được rồi, sao lại nhận đứa con là con của cậu chứ?
            Hắn lại giở trò biện minh cho mình:
            Cô ấy hoàn cảnh cũng tội lắm. Với lại đứa trẻ có tội gì đâu chứ? Đành rằng nó không phải là con mình, nhưng cậu nghĩ mà xem mọi người xin trẻ mồ côi về nuôi làm con thì sao?
            Tôi cự lại:
            Đó là những người giàu có mà không có con, còn cậu còn trẻ, vả lại cậu có thể có những đứa con do chính mình đẻ ra mà.
            Tôi yêu cô ấy cậu à – Hắn thì thào, rồi cậu sẽ thấy vợ tôi tuyệt vời như thế nào – Hắn ra vẻ hài hước
            Tôi một lần nữa lại ôm đầu kêu lên: “Cậu đúng là ngớ ngẩn, không giống ai”.
            Không ai nghi ngờ gì về bé Mai – con đầu lòng của vợ chồng Hắn cả, vì ai cũng nghĩ nó là con Hắn, chỉ có tôi là biết rõ sự thật mà thôi. Sau bé Mai, vợ Hắn sinh thêm cho Hắn hai thằng con trai bụ bẫm, mà Hắn đặt tên là Hải, Sơn. Hắn tự hào khoe với tôi nhà Hắn có đủ núi, biển, sông, nước – vì vợ hắn tên Thủy. Vợ Hắn khéo tay, chịu khó, chìu chồng, yêu con hết mực. Hắn ngập tràn trong hạnh phúc. Rồi thì hai vợ chồng Hắn cũng xây dựng được một ngôi nhà ngói khang trang, và trong nhà  sắm đầy đủ các tiện nghi, có của ăn của để. Cuộc sống như vậy đã là mơ ước của biết bao người.   Nhưng rồi một hôm hắn lại tìm tới tôi với một vẻ mặt thiểu não:
           Tôi có một chuyện thật khó xử, tôi không biết phải giải quyết làm sao? Cậu giúp tôi với?
           Tôi quan trọng vậy sao? Mà là chuyện gì? Tôi cố đùa cho Hắn bớt căng thẳng
           Ba ruột con Mai tìm gặp tôi, xin nhận lại con?
           Hắn còn muốn nói thêm điều gì – nhưng tôi đã ngắt lời, phản đối:
           Không được! Mai là con của cậu và Thủy, cậu nhất định không được đồng ý đâu đó. Thằng Sở Khanh đó không có tư cách nhận lại con. Nó có bằng chứng lý lẽ nào đâu?
           Ban đầu tôi cũng giận lắm, cũng muốn cho hắn một nắm đấm vào ngay giữa cái bản mặt điểu cán khinh khỉnh của nó – nhưng nhìn nó tiều tụy quá, tôi có cảm giác nó đang đau nặng, sắp chết cậu à?
           Mặc xác hắn, Tôi bực tức hét lớn.
           Hắn vẫn nhỏ nhẹ, kiểu mưa dầm thấm lâu:
           Ông ấy sắp chết, phải để Mai nhìn mặt ba nó chứ, nếu không thì không còn kịp cậu à?
           Vậy cậu muốn làm gì thì làm đi, hỏi tôi làm gì? Tôi trừng mắt nhìn Hắn.
           Hắn thấy tôi giận không dám nói gì thêm, lẳng lặng đi về. Tôi không hiểu Hắn thuyết phục Thủy như thế nào mà sau đó hai vợ chồng Hắn dẫn bé Mai đi thăm người đàn ông kia, và để bé Mai ở lại bên ông ta những ngày cuối đời.
           Dự án qui hoạch dất đai, một con đường mới sẽ được mở ngang qua nhà Hắn, và bỗng dưng những lô đất trước kia rẻ như bèo, Hắn mua chỉ để trồng thêm rau, cải ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập, bây giờ lại trở nên có giá trị ngàn vàng. Vậy là vợ chồng Hắn tự dưng trở nên giàu có. Rồi dự án đình lại, khu đất lại trở nên hoang vắng như xưa, những người mua đất của Hắn cất nhà mặt mày trở nên ủ rủ, buồn hiu. Hắn lại sang bàn với tôi:
           Tôi và vợ tôi bàn với nhau lấy lại đất, trả lại tiền cho họ cậu à?
           Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhưng tôi biết Hắn nói thật:
           Tại sao cậu lại làm như vậy? Thuận mua, vừa bán chứ cậu có ép họ đâu chứ?
           Tôi cũng biết như vậy, nhưng cứ nhìn thấy khuôn mặt buồn như đưa đám và nghe tiếng thở dài của họ là lòng tôi lại xốn xang không chịu nổi – Hắn phân bua
           Tôi cố ngăn Hắn lại:
           Nếu cậu thấy khó chịu thì sẵn có tiền cậu lên huyện mua một ngôi nhà khác để ở, nơi đồng hoang, cỏ cháy này cậu luyến tiếc làm gì?
           Tôi đã nói đến vậy rồi mà Hắn vẫn gàn, bướng:
           Họ làm cả đời mới có một ít tiền những tưởng mua được một nơi lí tưởng để làm nhà, vậy mà… Tôi có cảm giác như đang đi lừa họ vậy?
           Sáng hôm sau vợ chồng Hắn trả tiền lại cho những người mua nhà, và lấy lại đất. Hắn đã “khùng” rồi, không ngờ Thủy – vợ hắn, cũng “ngớ ngẩn” theo. Cuối cùng Hắn cũng bán được đất của mình cho những người nghèo khổ, cơ nhỡ với giá rẻ mạt mà còn cho họ trả góp nữa.
           Và lần này – không phải riêng tôi mà cả xóm đều có chung một nhận xét : “Vợ chồng hắn không giống ai, lập dị nên luôn làm những chuyện không đâu vào đâu cả”. Nói vậy thôi, chứ mọi người trong cái xóm ai cũng yêu thương gia đình của Hắn. Họ xem Hắn như người thân của họ vậy. Hắn không trở nên giàu có như Hắn đã nói với tôi ngày nào, mặc dù Hắn có nhiều cơ hội, nhưng tất cả – ai ai cũng nghĩ và thấy rõ được rằng cuộc sống của gia đình Hắn đang thật Hạnh Phúc và tuyệt vời…
Trần Minh Nguyệt                          

Image Detail
Dù tình yêu đã mất! 
Quên đi ngày tháng cũ....
Liệu ta có quên đi ngày tháng cũ ?
Vết thương lòng nào dễ sớm phôi pha.....
Dù cố quên nhưng không thể xoá nhoà,
Trong tình cũ có trái tình đã chín !!

Ôm nỗi đau với nỗi niềm sâu kín,
Quá khứ xưa đôi lúc cứ hiện về....
Thân yêu xưa ngỡ biền biệt sơn khê,
Nào ai nghĩ có một lần gặp lại ?!

Ôi , cách biệt giàu nghèo sao oan trái ?
Những khổ đau rồi cũng đã qua đi.....
Gặp lại nhau không còn thuở xuân thì !
Ngày tháng cũ cũng chìm vào dĩ vãng,

Hạnh phúc xưa tựa mây trời phiêu lãng,
Theo gió bay rồi lại sớm quay về.....
Ngỡ như còn sống lại giữa trời quê,
Với hạnh phúc bình yên ngày tháng cũ !!

NM
            

   alt

QUÊN ĐI NGÀY THÁNG CŨ

Tôi sinh ra là một người con gái con nhà nghèo. Bố tôi mất sớm lúc tôi chưa được 8 tuổi, mẹ tôi phải đi ở đợ cho một gia đình giầu có. Công việc hàng ngày của mẹ tôi là dọn dẹp nhà cửa, đi chợ và nấu ăn cho nhà bà Đạm, một thương gia, chồng chết, có 2 người con, một trai và một gái. Con gái bà tên Minh Thư bằng tuổi tôi, có lẽ vì lý do này mà bà Đạm đã mướn mẹ tôi để có người chơi với con gái bà. Con trai bà tên Thuấn hơn tôi 7 tuổi.
   Tôi được đi học cùng với Minh Thư, chúng tôi chơi thân với nhau khiến bà Đạm rất vui mừng và đối xử tử tế với mẹ con tôi. Tôi được biết trước đây bà Đạm có mướn một người làm nhưng Minh Thư không thích chơi với người con gái nên đã bị cho nghỉ việc.
   Thuấn thương em gái nên tôi được thương lây. Thuấn thường hay đưa chúng tôi đi chơi, đi coi hát và chỉ dẫn cho chúng tôi làm bài ở trường. Thuấn che chở cho tôi và bênh vực tôi mỗi khi bị những đứa trẻ khác bắt nạt. Có lần chơi ở sân tôi bị té ngã, Thuấn ôm tôi vào lòng và an ủi tôi: “Em bé ngoan đừng khóc nữa anh thương”. Tôi cảm động muốn trào nước mắt. Thuấn vuốt nhẹ  mái tóc tôi và lau nước mắt cho tôi . Chàng bảo “ Ngân Khánh phải cười trông mới đẹp”. Được Thuấn khen đẹp tôi thích và cười với chàng. Thuấn ôm chặt tôi một lần nữa rồi mới buông ra. Tuy mới 12 tuổi nhưng tôi mơ hồ hình như có một cảm giác là lạ, hay hay. Tôi mong té ngã một lần nữa để được Thuấn ôm tôi và lau nước mắt cho tôi… Tôi buồn nhất là ngày Thuấn phải ở nội trú trong trường Đại học. Tôi bắt đầu nhớ Thuấn. Mỗi cuối tuần tôi đứng ở cửa đợi Thuấn về và cứ như thế năm này qua năm khác rồi chúng tôi đã yêu nhau lúc nào tôi cũng không biết. Khi tôi học xong bậc Trung học thì Thuấn tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Tôi yêu Thuấn, một tình yêu chân thật, trọn vẹn chứ không bao giờ dám có ý định làm vợ Thuấn vì hai gia đình quá cách biệt, mặc dù Thuấn có nói với tôi là Thuấn sẽ cưới tôi làm vợ. Tôi tin tưởng ở Thuấn nhưng làm sao bà Đạm có thể chấp nhận mẹ tôi thông gia với bà. Tuy biết như thế nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau say đắm và không thể rời xa nhau được. 
   Bà Đạm là một người đàn bà tốt nhưng rất cương quyết và thẳng thắn. Hình như bà đã biết được chuyện hai chúng tôi yêu nhau và chuyện Thuấn muốn cưới tôi làm vợ.  Một hôm đợi Thuấn và Minh Thư đi vắng bà Đạm gọi hai mẹ con tôi lại và nói rất ôn tồn: “ Con gái chi Tư đã lớn nên ở đây bất tiện. Mặc dù tôi và hai con tôi rất quý hai mẹ con chị nhưng tôi vẫn phải cho chị nghỉ việc. Trai gái không nên để chúng nó gần nhau. Trong vòng một tuần chị tìm nơi khác để dọn ra. Tôi cho chị 6 tháng đủ tiền ăn ở, sau đó mẹ con chị có thể tự túc được. Tôi chỉ yêu cầu chị và cháu hứa với tôi một điều là không cho hai con tôi biết gì hết và không bao giờ được liên lạc với chúng nữa. Chị cứ sẵn sàng rồi đợi hôm nào hai con tôi không ở nhà thì dọn ra…”.  Tôi quá bất ngờ và sửng sốt. Tim tôi ngừng đập, mặt tôi tái đi. Bà Đạm nhìn hai mẹ con tôi như ra lệnh. Tôi thấy bà thật nghiêm nghị. Gần 10 năm sống trong nhà bà, lần đầu tiên tôi thấy nơi bà đáng sợ như vậy. Mẹ tôi cũng sợ bà và nói trong nghẹn ngào: “ Tôi xin hứa và sẽ làm theo lời bà”. Bà Đạm gật đầu như để chấp nhận lời hứa của mẹ tôi. Bà nhìn sang phía tôi. Lúc này nước mắt tôi đã trào ra. Tôi nghĩ đến ngày phải xa Thuấn, xa Minh Thư, xa mái nhà thân yêu với bao kỷ niệm thời niên thiếu mà tôi đã quên đi tưởng như nhà mình. Không thấy tôi nói gì, mẹ tôi nắm chặt tay tôi và lắc nhẹ. Bà Đạm nhướng mắt lên ra lệnh. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Cháu xin hứa sẽ làm theo lới bà ”. 
   Bốn hôm sau Thuấn và Minh Thư đi vắng, mẹ con tôi dọn ra khỏi nhà bà Đạm. Trước khi lên xe tôi nhìn ngôi nhà một lần cuối lòng không khỏi bùi ngùi.  Nơi đây như một mái ấm gia đình trong thời niên thiếu, có bao nhiêu kỷ niệm, có mối tình đầu. Tôi bước đi nhưng đôi chân như hụt hẫng. Tôi thương tôi nhưng nhìn mẹ sụt sùi lau nước mắt tôi càng thương mẹ hơn. Thuấn ơi! Từ nay em sẽ phải xa anh, vĩnh viễn xa anh. Vì danh dự, vì giữ lời hứa với bà Đạm em không thể nào gặp lại anh được. Mối tình em với anh tưởng là thần tiên, bây giờ đây mỗi người một ngả. Anh biết gia đình em quá nghèo sao anh lại còn yêu em, sao anh lại muốn cưới em làm vợ để em phải xa anh… Đứng ở cửa tần ngần một lúc rồi mẹ con tôi lên xe để  đến ở chung nhà với bà bán rau muống ngoàì chợ mà mẹ tôi đã quen vì hay mua rau của bà. Cuộc sống của mẹ con tôi hoàn toàn thay đổi. Bao nhiêu mộng đẹp của thời con gái đã tan theo mây khói. Tôi đang dự định thi vào một trường chuyên nghịêp nào đó để giúp đỡ mẹ tôi, nhưng không may chuyện xẩy ra quá bất ngờ, tôi không kịp xoay xở gì nữa. Tôi phải xin đi làm thư ký cho một hãng bào chế thuốc Tây.  Nhìn những chuyên viên mặc áo trắng đi qua lại, tôi liên tưởng tới Thuấn trong bộ đồ bác sĩ y khoa, lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi không bao giờ được gặp chàng nữa.   
   Mẹ tôi từ ngày dọn ra ngoài ở thì sức khỏe đã suy yếu nên không còn làm được gì nữa ngoài việc nấu ăn. Mẹ tôi nấu ăn ngon lắm. Nếu mẹ tôi còn trẻ bà đã mở một quán ăn. Gần 10 năm nấu ăn, cả nhà bà Đạm mọi người đều thích. Thuấn, con trai bà  Đạm đã nói với mẹ : “ Con đã đi ăn tiệc ở nhiều nơi nhưng không ăn ở đâu ngon bằng ăn ở nhà do bà Tư nấu” . Nào là món gỏi gà bắp cải thêm chút rau răm, đậu phộng rang rắc lên trên . Rau muống xào tỏi hoặc xào với thịt bò, rồi món rau muống trộn với mắm tôm vắt chanh, thêm ít ngò gai, kinh giới và đậu phộng rang, có khi mẹ tôi cho thêm tép hay thịt thái nhỏ. Món nộm hoa chuối mẹ tôi gọi là nham hoa chuối cũng rất ngon. Cuối tuần mẹ tôi hay nấu bún riêu, bún ốc hoặc canh chua… món nào cũng đặc biệt. Nay mẹ con tôi đi rồi Thuấn không được ăn những món mà chàng thích nữa. Càng nghĩ tôi lại càng thương chàng. Anh ơi mẹ em đi rồi ai nấu cho anh ăn những món mà anh thích. Em đã học ở mẹ một vài món, dự định sẽ nấu cho anh ăn nhưng em chưa kịp làm thì đã phải xa anh. Xa anh em không được nói câu từ giã. Anh có trách em vô tình em cũng xin đành mang. 

            
“Ngày đi lặng lẽ không từ giã 
            Cất bước âm thầm thương nhớ thôi” 

   Hai câu thơ của NT đã áp dụng với tôi bây giờ thấy đúng làm sao. Nếu một ngày kia tình cờ gặp lại anh hay Minh Thư em sẽ phải trả lời ra sao. Em có được nói sự thật là vì chúng mình yêu nhau  nên mẹ anh đuổi mẹ con em không? Đầu óc tôi rối loạn, tôi không tìm được câu tả lời. Chắc tôi không nói thế được. Tôi không oán trách gì bà Đạm, nếu là tôi liệu tôi có làm khác bà được không ? Bà Đạm là người đàn bà có thế lực, làm sao bà có thể thông gia với mẹ tôi, một tôi tớ trong nhà mà bạn bè, khách khứa ai cũng biết. Tuy buồn nhưng tôi cũng thông cảm với bà. Mẹ tôi cũng biết thân phận mình nên không hề oán trách bà Đạm. Đôi lúc tôi tự trách tôi, làm sao tôi dám với quá cao để giờ bị té đau, nhưng rồi tôi lại bênh vược cho chính tôi. Người con trai như Thuấn làm sao tôi không yêu được. Thuấn có đầy đủ mọi điều kiện, người con gái mới lớn như tôi sao không ngã lòng. Con tim có những lý do riêng của nó, người ta vẫn nói thế.       
   Nhưng nếu chỉ yêu nhau rồi xa nhau thì cũng là sự thường tình của thế nhân, hợp để rồi tan, Trên đời này có biết bao nhiêu mối tình chia ly bằng nước mắt. Nhưng tôi đã yếu đuối, không làm chủ được thân xác tôi và đã dâng hiến trọn vẹn đời con gái của tôi cho Thuấn. Hai tháng nay tôi không thấy có kinh nguyệt, cơ thể tôi bắt đầu thay đổi, ngực tôi căng phồng thêm, tôi bắt đầu lo sợ. Tôi đi thử nghiệm và được biết tôi đã mang thai. Tôi đắn đo nhưng rồi cũng phải thú nhận với mẹ. Mẹ tôi không la mắng như tôi nghĩ, bà chỉ khuyên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ cho cái thai được tốt. Mẹ tôi cũng nghĩ như tôi là vì danh dự và giữ lời hứa nên không cho Thuấn biết tôi đã có thai với chàng. Tôi thấy mẹ tôi buồn, tôi hỏi là mẹ có trách vì tôi mà bà Đạm đuổi mẹ con tôi không thì mẹ tôi trả lời là bà không trách nhưng thương tôi, tội nghiệp cho tôi. Bà biết trai gái mà để sống chung với nhau trong nhà thì chuyện gì rồi cũng sẽ phải xẩy ra, nhưng bà chưa kịp khuyên bảo tôi. 
   Tôi mang thai được gần 9 tháng thì mẹ tôi qua đời. Buổi tối mẹ tôi nói bà bị nhức đầu, tôi lấy thuốc cho mẹ uống và nửa đêm thì mẹ tôi ra đi. Bà ra đi bình yên, lặng lẽ, buồn thảm như cuộc đời mẹ,  Tôi không ngờ mẹ tôi chết dễ dàng quá. Tôi đau buồn và đã ngất xỉu đi, không còn biết gì nữa… 
   Sau  năm ngày ở trong bệnh vịên, tôi tỉnh lại và đã nhận thức được. Sờ tay lên bụng thấy bụng  đã xẹp xuống biết là tôi đã sinh nhưng không biết đứa bé giờ ra sao. Đợi người y tá đến gần tôi hỏi thăm về con tôi. Người y tá trả lời: “ Bác sĩ thấy không có hy vọng cứu sống cô nên đã mổ để lấy cháu bé ra. Cháu rất khỏe mạnh. Không biết cô có đủ sức để nuôi nấng con không.  Cháu là con gái, mặt mày sáng sủa lắm. Rất mừng cô bình phục trở lại, đó cũng là nhờ 3 vị bác sĩ đã tận tình chữa trị, các vị ấy tử tế với cô lắm, coi cô như người nhà …”. Một giờ sau người y tá mang con đến đưa tôi bế và nói : “Cho cháu ở đây với cô một lúc rồi tôi đưa cháu trở lại phòng để cô nghỉ vì vết mổ chưa lành”. Nhìn thấy con, tôi hết sức vui mừng, sao tôi thấy nó thân thương gần gũi quá. Có nhà văn đã nói: “ Đứa con là tác phẩm vĩ đại nhất trong số những tác phẩm mà tôi có”. Nhưng vừa vui tôi chợt buồn ngay. Tôi chỉ có một thân một mình làm sao có thể nuôi được con. Tôi lại phải đi ở đợ như mẹ tôi ngày xưa. Nhưng mẹ tôi còn có người  mướn chứ tôi đứa con còn đỏ hoẻn ai chịu cho làm. Hay tôi nhờ người báo cho Thuấn biết. Tôi vội xua đuổi ý nghĩ này, vì tự trọng, vì danh dự của hai mẹ con, tôi không thể liên lạc với gia đình bà Đạm được nữa. Người y tá đến mang con tôi trở lại phòng dưỡng nhi, nước mắt tôi trào ra…     
   Tôi khai ở bệnh viện là chồng tôi đi lính chết bây giờ chỉ có mình tôi, không có thân nhân, không bạn bè, mẹ tôi mới chết hôm tôi vào đây. Hoàn cảnh của tôi đa số các nhân viên đều biết, họ nói chuyện với nhau tôi nghe được: “Cô ta còn trẻ và xinh đẹp quá, tội nghiệp chồng bị chết 
sớm”. Mấy hôm sau ông chủ sự phòng hành chánh của bệnh viện đến bên tôi và nói: “ Tôi xin lỗi đã đi vào đời tư của cô và có thể làm cô buồn, nhưng trong hồ sơ tôi thấy hoàn cảnh cô thật khó khăn. Chúng tôi rất aí ngại không biết khi xuất viện cô ở đâu và làm sao nuôi được con, lúc đó cô cũng phải đem cho hoặc bỏ vào viện mồ côi và người nhận nuôi con cô không biết họ thế nào, có được tốt không, rồi lại tội nghiệp đứa bé… Tôi có quen hai ông bà này rất giầu và tử tế, họ lấy nhau trên 16 năm mà không có con, đang có ý định tìm nuôi một đứa con nuôi, nếu cô đồng ý cho họ nuôi tôi sẽ nói với người ta. Cô suy nghĩ rồi cho tôi biết”. Tôi quá đau buồn, mới gặp con vài lần giờ sắp phải xa nhau. Ông chủ sự nói đúng, tôi không đủ phương tiện để nuôi con. Biết bao người hoàn cảnh như tôi đã phải bỏ con ngoài đường, bỏ  vào cổng chùa, viện mồ côi… Nếu con tôi có được người tử tế nuôi cũng là điều may cho nó. Đi ở với người ta cuộc đời nó có thể khá hơn là ở với tôi. Tôi đã làm khổ con tôi rồi, nó không có tội gì để phải khổ thêm nữa. Tôi không thể ích kỷ giữ mãi con bên tôi. Nghèo là khổ lắm. Tôi với Thuấn yêu nhau chỉ vì tôi nghèo mà phải xa nhau. Thuấn ơi! Chỉ vì nghèo mà em phải xa anh, chỉ vì em nghèo mà chúng ta phải xa con chúng ta. 
   Tôi trả lời ông chủ sự là tôi muốn được gặp bố mẹ nuôi của con tôi. Hôm sau hai người này tới. Đúng như ông chủ sự nói, nhìn hai ông bà rất phúc hậu khiến tôi yên tâm. Người chồng hỏi tôi có yêu cầu đìều gì không, tôi nói tôi chỉ mong có con và đặt tên là Thuận Khanh (tức là gần tên Thuấn và tên tôi), nhưng nay tôi không còn cái quyền này nữa. Người chồng ôm vai vợ cười lớn: Em tên Thuận, cô ấy tên Khánh. Một bên mẹ nuôi, một bên mẹ đẻ, đúng là trời đã xếp đặt, sau này cháu bé sẽ gặp nhiều may mắn lắm. Chúng tôi bằng lòng với lời ước nguyện của cô. Cô còn yêu cầu điều gì nữa không? Tôi lắc đầu không nói ra lời… Buổi chiều ông chủ sự gặp tôi để cho biết lúc tôi xuất viện thì họ mang con tôi đi. Ông còn nói thêm là ông bà này rất mừng khi thấy tôi không đề cập đến tiền bạc, chỉ lo đặt tên cho con chứng tỏ tôi trọng tinh thần chứ không phải vật chất, như vậy gốc đứa bé rất tốt. Cô lại rất xinh đẹp, họ hy vọng con họ sau này cũng sẽ đẹp như cô. Ngày cuối cùng tôi được bế con tôi một giờ. Tôi ôm chặt con tôi trong lòng như giữ gìn một báu vật, tôi không muốn rời xa nó nữa, nhưng vì chữ tín tôi không thể nào đổi ý được. Nước mắt tôi trào ra, ai nhìn thấy cảnh chia ly này cũng phải ngậm ngùi. Dù đã quá giờ người y tá không nỡ lấy đứa bé ra khỏi tay tôi. Tôi ghì chặt con tôi vào lòng và đặt chiếc hôn lên má con rồi đưa cho người y tá. Đích thân ông chủ sự trao tôi một túi vải lớn, nói tôi nên giữ cẩn thận vì đây là số tiền khá nhiều do bố mẹ nuôi đứa bé đưa, đủ cho tôi ăn ở  4, 5 tháng như là để cám ơn tôi chứ không có ý mua bán gì đâu. Tôi nói lời cám ơn ông chủ sự cùng bác sĩ và các nhân viên trong nhà thương rồi ra về.     
   Tôi thuê xe đến thẳng nhà bà bán rau muống. Khi đến nơi tôi không gặp bà và thấy có người lạ ở trong. Tôi hỏi thì được biết vì có người chết nên bà bán rau sợ hãi và đã bỏ đi. Người thuê nhà mới con cái đông và giá thuê rẻ nên đã dọn vào. Tôi ra ngoài đường và phân vân không biết đi đâu, chợt một chiếc xe Honda dừng trước mặt, tôi nhận ra chị bạn làm chung hãng với tôi khi trước. Sau khi hỏi han chị biết chuyện nên đã thương tình rủ tôi về nhà ở chung với chị. Trong khi đó những người trong hãng họ không biết lại tưởng tôi đã theo chồng đi ngoại quốc.   
             “ Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua…” 
       Lời ca của bản nhạc trong “Bài không tên số 5” đã thức tỉnh tôi phải can đảm và cố gắng chịu đựng. 
   Mấy tháng sau nhờ có người chỉ dẫn tôi tìm được mộ mẹ và thắp nén hương lên mộ bà. 
 Thời gian này tình hình Saì Gòn  ngày càng giao động và biến cố tháng Tư năm 1975 xẩy ra. Tôi theo đoàn người ra bến Bạch Đằng, sao may tôi lên được tàu và sang tới Hoa Kỳ, định cư tai tiểu bang California. 
 Tôi cố gắng lập lại cuộc đời, vừa đi làm vừa đi học . Sau một năm bổ túc Anh văn tôi ghi danh vào Đại học, 4 năm tôi ra trường về ngành kỹ sư điện tử, rồi tôi lập gia đình với một nha sĩ giầu có. Tôi đi khám răng và gặp chồng tôi. Chồng tôi hơn tôi 11 tuổi, góa vợ và có một con trai.  Chúng tôi lấy nhau được gần 14 năm. Chồng tôi mới qua đời cách nay 3 năm. Tôi tiếp tục vừa làm chủ trung tâm nha khoa cũ của chồng tôi vừa đi làm cho công ty điện tử.  Đời sống tuy có bận rộn nhưng vật chất rất đầy đủ vì có hai nguồn lợi tức. Tôi nghĩ đến thời gian nghèo khổ khi xưa, nhớ đến mẹ và đứa con gái riêng lòng không khỏi xót xa. Tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không biết được con tôi bây giờ ra sao, còn ở lại Việt Nam hay đã qua Mỹ ? Tôi có nhờ hội Hồng Thập Tự tìm kiếm nhưng không ra. Tôi ngày đêm cầu nguyện để được gặp con gái tôi… 
   Tôi đi khám định kỳ hàng năm và được giới thiệu đến bác sĩ Nguyễn Trọng Toản chuyên về tim mạch. Nghe tên bác sĩ tôi chợt nhớ ra vị bác sĩ đã cứu sống tôi ở bệnh viện Việt Nam khi xưa. Sau khi khám bệnh và cho thuốc, tôi nói với bác sĩ Toản chính tôi là người được bác sĩ  chữa trị gần 25 năm về trước.. Nhận ra tôi vị bác sĩ này mừng lắm. Cũng may tôi là người khách cuối cùng nên ông đã có nhiều thì giờ nói chuyện với tôi. Bác sĩ Toản cho tôi biết cách đây 2 năm trong cuộc họp mặt của hội y sĩ toàn quốc tại Texas ông có gặp Thuấn, người tình cũ của tôi. Nghe tên Thuấn tôi lặng người đi nhưng cố giữ bình tĩnh để nghe kể: “ Thuấn với tôi học cùng lớp với nhau nhưng không thân. Tôi có gặp chị đi chơi với Thuấn vài lần nên nhớ. Tôi chữa trị cho chị và nghĩ Thuấn bỏ rơi chị, nên tôi tránh không muốn nói gì với ai, ngay cả lúc chị sinh đẻ trong bệnh viện cũng vậy
.
Kỳ vừa qua gặp nhau ở Texas tự nhiên Thuấn tâm sự với tôi là Thuấn yêu chị lắm nhưng bị bà mẹ ngăn cản và không có cách nào gặp được chị. Sau khi chị đi rồi Thuấn giận mẹ nên không chịu lấy vợ, mãi  sau thấy bà cụ quá buồn nên Thuấn mới lập gia đình
. Đến nay Thuấn vẫn không có con và vợ chồng đã ly dị vì không hợp nhau. Nghe tôi nói chị đã có thai với Thuấn và chính tôi chữa trị cho chị, Thuấn xúc động lắm. Thuấn thương chị và thương đứa con của anh chị phải đi làm con nuôi người ta, không biết giờ này ra sao. Mẹ Thuấn biết tin cũng buồn lắm,  bà đã hối hận cho hành động của bà để đứa cháu duy nhất bị bỏ rơi, nay bà đã trên 80 tuổi vẫn chưa có cháu bế…”.  Nghe lại chuyện xưa lòng tôi nặng chĩu và không cầm được nước mắt. Bác sĩ Toản hỏi tôi có đồng ý cho Thuấn biết đã gặp tôi không,  tôi dặn bác sĩ thôi đừng nói gì cả, chuyện xưa nên cho vào dĩ vãng, điều cần thiết là tìm được đứa con chúng tôi. Tôi chào bác sĩ Toản rồi ra về, lòng buồn mênh mang: 
              
 Biết được tin anh cũng đủ rồi 
               Tâm sự có nhiều vẫn thế thôi 
               Ra đi không nói câu từ giã 
               Em biết chuyện mình mãi cách đôi 

                                      * 
               Cứ mỗi năm nhìn lá uá vàng 
               Chạnh lòng nhớ lại lúc Thu sang 
               Anh ơi! Thu đến mang sầu tới 
               Khơi dậy mối tình đã cách ngăn 
                                     * 
               Một lần yêu đã quá khổ rồi 
               Nhắc làm chi chuyện cũ anh ơi 
              Thân tuy gầy yếu tim băng gía 
              Giữ mãi trong em bóng một người 

                                * 
              Biết được tin anh đã đủ rồi 
              Em bây giờ cũng vẫn đơn côi 
              Bao nhiêu kỷ niệm, bao đau đớn 
              Và khóc âm thầm, khóc mãi thôi…

    Nhưng thôi tôi không muốn tiếp tục làm thơ buồn nữa. Tôi trở về với đời sống hiện tại của tôi. Tôi không có con nên yêu con trai của chồng tôi như con đẻ. Tân (tên con trai của chồng tôi) rất quý tôi. Tuy đã ra hành nghề bác sĩ nhưng tất cả những chuyện riêng tư Tân đều mang ra hỏi ý kiến mẹ. Một hôm Tân khoe với tôi Tân quen một cô gái tên Thuận Khanh kém Tân 4 tuổi. Hiện nay Thuận Khanh là dược sĩ, trông nom tiệm thuốc Tây của gia đình. Tân và Thuận Khanh quen nhau qua dịch vụ thương mại. Nghe con trai nói đến Thuận Khanh tôi rất hồi hộp, liệu có sự trùng tên, trùng tuổi  được không? Thuận Khanh có phải là con gái tôi không? Tôi hỏi con trai xem gia đình Thuận Khanh ra sao, thì được biết bố Thuận Khanh đã mất chỉ còn mẹ già trên 70 tuổi. Nhà giầu lắm, tất cả tài sản sau này sẽ là của Thuận Khanh hết. Tôi hơi lạ, nếu là mẹ nuôi thì  đúng chứ mẹ đẻ có thể trùng tên. Tôi nói con trai tôi đưa Thuận Khanh về nhà tôi chơi. Gặp Thuận Khanh tôi linh cảm ngay người con gái này là con tôi. Nét mặt vừa giống tôi vừa giống Thuấn. Không cầm được lòng tôi ôm chầm lấy Thuận Khanh và thốt lên: “con ơi! mẹ đây”, nhưng rồi tôi chợt nhớ ra, chưa phải là lúc mẹ con thổ lộ tâm tình nên đã buông Thuận Khanh ra và nói lời xin lỗi: “ Bác xin lỗi con, tại bác thấy con dễ thương quá nên bác mến”. Thuận Khanh nói: “ Không sao đâu bác. Được bác yêu quý và cho đến nhà thăm bác con rất vui mừng. Trước khi đến con sợ lắm, nay thấy bác vui vẻ như mẹ con ở nhà, con thật có phước. Mới gặp bác lần đầu nhưng con có cảm tưởng như đã gặp bác từ lâu rồi ”. Lòng tôi dịu xuống, tôi thầm cám ơn ông bà mẹ nuôi đã dạy giỗ con gái tôi nên người, dạy cách ăn nói khôn khéo và lễ phép. Tân thấy mẹ yêu thích bạn thì mừng lắm, chàng mỉm cười nhìn Thuận Khanh. Tôi giữ Thuận Khanh ở lại ăn cơm. Lần đầu tiên tôi được nấu cơm cho con gái tôi ăn. Tôi hỏi thăm sơ qua về những ngày đã qua của Thuận Khanh, tôi tránh những chi tiết sợ con gái nghĩ tôi tò mò.  Cám ơn Trời Phật đã  giúp cho mẹ con tôi được gặp lại nhau… 
   Khi Thuận Khanh ra về tôi hỏi con trai tôi chương trình dự trù như thế nào, Tân cho tôi biết tháng sau chúng định làm đám hỏi và 4 tháng nữa sẽ làm đám cưới. Thuận Khanh muốn lo sớm vì mẹ đã già, muốn cho mẹ được vui. 
   Ngày đám hỏi qua đi một cách thuận lợi. Người mẹ nuôi của con gái tôi không nhận ra tôi. Có lẽ bà không ngờ một cô gái nghèo khổ ngày xưa nay là thông gia với bà. Tôi nhận ra bà Thuận nhưng vẫn giữ im lặng không cho ai biết chuyện tôi là mẹ đẻ của Thuận Khanh để cho các con tôi không phải bận tâm và tránh gây nên sự buồn phiền cho bà mẹ nuôi, một ân nhân của tôi. Tôi rất vui mừng sửa soạn đám cưới cho con. Tôi hồi hộp lo đến ngày đám cưới vừa cho con gái vừa cho con chồng.                                                             
   Bốn tháng qua đi thật mau. Đám cưới của các con tôi tổ chức rất trọng thể.  Gần 700 quan khách tham dự. Con gái tôi lộng lẫy trong bộ áo cưới. Có nhiều người đã nhận xét là mẹ chồng với con dâu trông rất giống nhau như hai mẹ con, chắc là sẽ hợp với nhau lắm. Tôi vui mừng nghĩ ngợi từ nay con gái tôi sẽ được ở chung nhà với tôi, và tôi sẽ dành hết thì giờ săn sóc con gái tôi. Văng vẳng bên tai như lúc nào cũng nghe thấy lời chúc mừng hạnh phúc… 
   Đám cưới xong hai con đi hưởng tuần trăng mật, tôi ở nhà một mình. Vì quá lo lắng và bận rộn cho ngày đám cưới nên tôi thấy trong người hơi mệt. Tôi sợ có vấn đề về tim như trước nên đi khám bác sĩ gia đình nhưng khi đến nơi mới biết bác sĩ đã đi nghỉ hè và ông nhờ người khác tạm thay thế vài ngày. Vì đến trễ và không có hẹn trước nên tôi là người được khám sau cùng. Cô y tá cân đo và thử nhiệt độ. Nhịp tim và nhiệt độ của tôi bình thường. 
 Tôi ngồi trong phòng đợi một lúc thì Thuấn mở cửa bước vào. Bất ngờ gặp Thuấn tôi kêu lên: “Anh!”. Thuấn cũng ngạc nhiên, ôm chầm lấy tôi: “Em ! Không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá !”. 
 Thuấn kể lể những sự nhớ nhung và xin tôi tha lỗi. Thuấn nói : “Anh không ngờ mình đã có con với nhau. Từ ngày nghe bác sĩ Toản nói chuyện về em anh buồn và ân hận quá. Khi đẻ chỉ có một mình em làm sao xoay xở…”. Tôi bảo Thuấn : “ Hãy quên đi ngày tháng cũ”. Bây giờ mỗi người có một cuộc sống riêng, còn gặp nhau và quý nhau là đủ rồi. Tôi không oán hận ai cả, chỉ mong mọi chuyện cho qua đi. Thuấn hỏi tôi về con gái chúng tôi, tôi nói Thuận Khanh bây giờ rất hạnh phúc nhưng chuyện hơi dài, sẽ nói cho Thuấn sau. Thuấn rất mừng khi thấy tên con gái là tên Thuấn và tên Khánh hợp lại. Biết tôi bây giờ vẫn còn độc thân nên Thuấn đề nghị cùng chàng tái hợp. Mặc dù vẫn còn yêu Thuấn nhưng tôi rất ngại, một lần chia tay đã quá khổ rồi, bây giờ tôi đang sống yên ổn và hạnh phúc với con gái mới tìm được, tôi không muốn có sự xáo trộn trong đời sống nên đã từ chối.  Không được tôi chấp thuận Thuấn có vẻ thất vọng. Một lúc sau Thuấn hỏi thăm về mẹ tôi, khi biết mẹ tôi đã qua đời chàng cúi đầu xuống che dấu sự xúc động rồi cho biết bà Đạm bây giờ bệnh tình rất nặng, sức khoẻ được tính từng ngày. Bà đang nằm trong bệnh viện, nếu được tôi bỏ qua chuyện cũ thì bà mừng lắm. Thuấn gợi ý muốn tôi đến bệnh viện thăm bà Đạm, tôi nhận lời. 
   Hôm sau tôi đến bệnh viện thấy Thuấn và vợ chồng Minh Thư đã ở đó. Minh Thư gặp tôi rất mừng . Minh Thư hỏi thăm tôi và cho địa chỉ mời đến nhà chơi.  Hàn huyên một lúc, Thuấn và vợ chồng Minh Thư ra ngoài cho tôi nói chuyện với bà Đạm. Tôi cầm bàn tay gầy yếu của bà và hỏi: 
- Bà còn nhớ cháu không, cháu là Ngân Khánh đây ? 
Bà Đạm thều thào: 
-   Ngân Khánh ! Làm sao tôi quên được cháu. Mong cháu tha lỗi cho tôi. Vì tôi quá nghiêm khắc mà mẹ  con cháu phải khổ. Tôi cũng nghe tin bà Tư đã qua đời. Tội nghiệp bà Tư. Thôi tôi sẽ gặp bà ở bên kia thế giới để xin lỗi bà vậy. 
   Bà Đạm tiếp: 
-  Ông trời đã phạt tôi. Có đứa cháu duy nhất thì hất hủi nó, bây giờ tôi không có cháu  nào ở bên cả. Vợ chồng Minh Thư lấy nhau lâu rồi vẫn chưa có con.   
   Nói xong nước mắt bà trào ra vì ân hận khiến tôi cũng buồn lây. Giọng bà run run tiếp : 
-   Tôi không sống được nữa và sắp phải ra đi. Tôi xin cháu một điều không biết cháu có thể giúp tôi không ? 
   Tôi lắc tay bà Đạm: 
- Xin bà cứ nói. 
   Bà Đạm cố lấy sức lực còn lại nói ngắt quãng từng câu: 
-   Bác mong cháu nhận lời tái hợp với con trai bác, có như vậy bác mới yên tâm ra đi. 
Thuấn yêu cháu lắm. Thuấn đã lấy vợ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến cháu nên hai vợ chồng đã bỏ nhau.  
Đôi mắt bà Đạm yếu đuối nhìn tôi như cầu xin. Tôi thấy thương bà như mẹ.  Gần 10 năm ở với nhau tình cảm dù sao cũng đã sâu đậm, thật khó có thể từ chối lời yêu cầu của một người sắp lìa đời như bà. Tôi im lặng suy nghĩ giây lát rồi nói trong xúc động:
- Vâng, con xin nghe lời bác.
   Bà Đạm mỉm cười, mắt bà mở hé ra như thầm cám ơn tôi. Giữa lúc đó Thuấn  và vợ chồng Minh Thư đi vào. Bà Đạm cầm bàn tay Thuấn để lên bàn tay tôi, một lúc sau mắt bà nhắm lại và hơi thở yếu dần. Y tá vội vàng gọi bác sĩ. Tôi và Thuấn đứng cách ra xa cho y tá làm việc. Tôi lau nước mắt cho Thuấn rồi nắm chặt tay chàng, nghẹn ngào nhìn bà Đạm từ từ lịm đi…

Hoàng Nguyên Linh
 
Posted by NM Phan thị Ngọc Diệp at 02:22
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Labels: Tinh cảm

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

NTV 32 - Cây chùm ruột

Chùm ruột trong nỗi nhớ | THKG

Quê Hương Tuổi Thơ Tôi

 
Hương trái ngày thơ.....
Hương vị chát chua lẫn mặn cay,
Mà nào có dễ sớm nhạt phai......
Nhớ ngày thơ bé nơi vườn cũ,
Chùm ruột chín vàng mọng ngất ngây !
Món quà dân dã sao thân thiết ?
Đặc sản vườn quê hương cỏ cây.....
Ngọt ngào thắm đỏ vui ngày Tết,
Ai bảo lòng người mau dễ phai !?

Thơ ấu giờ đây trôi qua mau,
Ngàn xưa luôn nối tiếp ngàn sau.........
Tôi vẫn nhớ hoài hương quê cũ ,
Làm sao tìm lại thuở ban đầu ?!...
........................................
Ầu ơ , lúa chín vàng đồng ,
Chùm ruột sai trái tô hồng tuổi thơ.....
Xa quê tôi vẫn mong chờ,
Ngày tôi trở lại, tuổi thơ qua rồi !!
NM

 

Cây chùm ruột 1

Nhà tôi tuy ở thành phố nhưng trong sân nhà lại có những loại cây to rất nhà quê như trứng cá, chùm ruột… Cây chùm ruột (hay còn gọi là cây tầm ruột) to lớn cành lá rậm rạp, đến mùa quả ra từng chùm lớn bám vào nhau lúc lỉu trên cành. Trái chùm ruột nhỏ bằng đầu ngón tay có màu xanh nhạt, khi chín sẽ đổi màu vàng xanh nhìn thật bắt mắt. Những trái chín thường rất ngọt, hàng xóm cạnh nhà tôi toàn con gái nên loại trái cây chua này luôn được chiếu cố tận tình. Bọn con gái chúng tôi hay đem chùm ruột dầm với nước mắm đường, tiêu ớt vừa ăn vừa hít hà, ngon bắt chết. Trái chùm ruột là hàng quà vặt dân dã, vừa với túi tiền của đám học trò nhà nghèo. Đầu cổng trường luôn có các bà, các chị với một cái thúng con con đầy chùm ruột ngâm nước đường cam thảo quyến rũ bọn con gái thích ăn chua (Trời, nhìn mấy cái miệng xinh xinh ăn chùm ruột còn quẹt thêm miếng mắm ruốc nữa tui đố mấy cây si nào dám đứng lâu). Đi về vùng quê miền Nam, có khách ghé thăm nhà bất chợt, chủ nhà cứ chạy ra vườn hái vài ngọn lá chùm ruột non ăn kèm với mắm lóc lúc nào cũng sẵn trong nhà. Nếu có thịt ba rọi trộn thêm vào, trời mưa lạnh lạnh ăn chén cơm nguội có trái ớt đưa cay thì không gì bằng.
Vào mùa Tết, trái chùm ruột được chế biến thành một món mứt thơm ngon. Chị tôi rất khéo tay, năm nào cũng rị mọ làm đủ các loại mứt. Cây nhà lá vườn có sẵn, mứt chùm ruột luôn là món không thể thiếu trên khay bánh mứt ngày Tết. Tôi còn nhỏ không biết làm gì nên được giao cho việc đứng canh chừng khay mứt trong bếp. Mỗi lần làm mứt xong, sau khi phơi nắng thì một khay chỉ còn lại… một nửa vì bàn tay bốc nhón của bọn con trai. Có lần mấy ông anh tôi phá, rủ nhau tắt đèn rồi nhào vô… khay mứt vừa làm xong. Nghịch phá cho vui nhưng đến lúc nhìn chị tôi khóc bù lu trong tối ba mươi Tết làm ai cũng ân hận và không bao giờ dám tái phạm nữa.
Làm mứt chùm ruột rất công phu. Không biết thì thôi nhưng đã biết rồi thì khi nhón tay ăn một quả lại càng thấy thương cái tình của người nội trợ đảm đang. Giai đoạn kỳ công nhất là dùng kim châm đều lên từng trái chùm ruột để khi sên đường dễ ngấm hơn. Mứt chùm ruột có màu đỏ au, trong veo, khi ăn vẫn giữ được độ giòn là người phụ nữ đã khéo tay lắm đấy. Ngày Tết khách đến thăm nhà, mở khay mứt do người con gái tự làm đem ra mời khách cùng tách trà thơm thảo chẳng là tấm lòng quý mến lắm sao?
Tết nhất ngày nay chẳng cần kỳ công thế. Thời đại công nghiệp ít người muốn tiêu pha thời gian vào những công việc tỉ mỉ như thế nữa. Đến sát ngày Tết chỉ việc chạy ra các cửa hàng mua đại cặp bánh chưng cùng dăm ba thứ bánh mứt là cũng đủ cho mấy ngày Tết rất xênh xang rồi. Và lần nào cũng vậy, khi nhìn những hộp bánh mứt được gói trong các bao giấy kiếng lộng lẫy luôn làm tôi nhớ đến khay mứt Tết có những trái chùm ruột đỏ thắm của thuở nào.
Bây giờ người ở nơi đây, còn cây chùm ruột năm xưa đâu rồi. Thơ ấu ơi!
Nguyễn Tú My 
Kết quả hình ảnh cho cây chùm ruột ngọt

Trái đời sẽ ngọt

Một chiều cuối tuần tôi về thăm quê cậu. Qua mấy con đường heo hút chỉ vừa đủ cho hai người qua lại, nhà cậu nằm im ắng, thấp thoáng sau bụi tre đầu ngõ. Quê cậu với ngút ngàn những đồng nối đồng, lúa tiếp lúa. Bên hông và sau chái bếp nhà cậu trồng rất nhiều cây ăn trái mà cây nào cũng gợi vẻ xa khơi, mong nhớ.
Nhớ sao không khi quê hương cũng như mẹ, “mỗi người chỉ một mà thôi” và quê hương gắn với biết bao tháng ngày trong trẻo, hồn nhiên.
Cây mít trĩu oằn ngày nào chỉ vượt đầu đám nhóc mười ba một tí mà lủ khủ trái đập vào đầu côm cốp giờ cao vút mắt. Cây ô môi hoa nở hồng lên tô thắm một vùng trời. Lúc nào cũng vậy, tôi thích nhất được ngắm nhìn loài cây này lúc nó trổ hoa nhất. Đẹp và quyến rũ đến đê mê. Ấy vậy mà tôi lại không chịu nỗi mùi hăng hắc khó chịu của trái ô môi trong khi đứa trẻ nào miệng cũng tèm lem những vệt đen rin rít.
Riêng tôi, xao lòng nhất là khi được nhìn lại cây chùm ruột sát ranh nhà cậu. Nó như khẳng khiu hơn, lẻ loi hơn. Trái vẫn chi chít nhưng thôi căng mọng, no tròn vì đã đứng đây khá lâu dể nhìn lũ trẻ chúng tôi ngày một lớn, ngày một xa rời nó lên miệt thị thành.Cậu bảo giờ nó "lão” rồi càng làm tim tôi ray nhói.
Ngày đó, tôi thường cùng nhỏ Mai - đứa bạn ấu thơ duy nhất của tôi làm lồng khều trộm chùm ruột của bác Hai hàng xóm. Bác ấy thà để chùm ruột chín lả, rụng đầy dưới đất chứ không cho tụi nhỏ đến gần. Đứa nào bị bác Hai bắt được coi như tiêu đời. Bác ấy dữ lắm, sợi dây thừng quấn quanh thân cây là một sự cảnh báo đến ghê người – nếu không muốn bị bác ấy trói vào ổ kiến lửa thì cứ hái trộm! vì thế tôi và nhỏ Mai mỗi lần đứng bên ranh bên này mà khều chùm ruột cũng đều phập phồng, sợ bị phát hiện. Vậy mà vẫn thích thú như kẻ trộm tài ba vừa rinh được thứ gì cực quí.
Dụng cụ “gây án” của tôi và nó là cái lồng trúc yểu xều, một đầu được gắn thêm cái bọc nhỏ. Cuốn chùm ruột rất mỏng manh, khều nhẹ thôi là chúng đã lọt thỏm vào lồng. Có lúc đuối tay hai đứa làm chúng rớt lộp bộp xuống gốc mà muốn nính thở. Bác Hai thính tai lắm, hớt hãi chạy ra kèm cái chống nạnh thật oai hùng nhưng hai đứa tinh quái đã kịp tìm chỗ núp.
Chùm ruột đem về chúng tôi hí hoáy bỏ vào cái ô (cái thố nhỏ bằng nhôm dày) có khi quên cả rửa sạch chúng. Trái xanh, trái vàng, trái non, trái già gì chúng tôi đều quất láng. Giã nát nhừ chúng ra. Tiếng chày côm cốp vào ô mà tôi và nó tưởng tượng mình đang ở trong bài hát có đuốc lồ gì đó vừa nghe trên radio. Rồi chúng tôi đem chùm ruột giã trộn chung với tí nước mắm sống, bột ngọt và nhiều nhiều đường, thêm tí ớt hiểm xanh mới đê mê. Sở dĩ phải dùng ớt xanh vì khi đó nó sẽ lẫn vào với màu của chùm ruột. Ăn trúng một phát là cứ lùng bùng lỗ tai chứ chẳng chơi
.
Kết quả hình ảnh cho Chùm ruột ngọt

Và món ăn này đã trở thành món ăn chơi dân dã rẻ tiền mà khoái khẩu cho đám trẻ quê như tụi tôi. Nước mắm và đường sẽ hòa bớt cái chua, chát trong từng trái chùm ruột xanh non. Chúng thơm sực, đậm đà mà chỉ cần nghe mùi bạn đã cảm nhận được cái chua chực trào trong miệng. Múc một muỗng nhỏ đưa vào miệng nó ngon tê, chạy rần rật trong đầu lưỡi. Hai đứa tranh nhau múc từng muỗng chùm ruột dằm, nát nhừ sệt nước rồi còn húp sồn sột nữa chứ! Cảm giác lưỡi bạn chạm phải sự chua chát, mặn mòi, có khi cay thấu lòng rồi lại lịm ngọt làm tôi liên tưởng đến vị đời và nhớ Mai da diết. Vì những biến cố của gia đình bạn tôi đã rời xa cái xóm nhỏ, xa những buổi trưa trốn ngủ đi hái trộm trái “đời”, sớm xa tuổi thơ êm đềm để rong ruỗi trên sông. Phương xa tôi mong nhỏ sẽ sớm hưởng được vị ngọt ngào, hạnh phúc như món chùm ruột dằm. Nhớ mong lắm!
Cây chùm ruột ngày nào giờ vẫn còn nằm im đó. Vẫn lặng lẽ cho ra những trái đời chua chát nhất. 
Tôi xin gọi nó là cây trái cuộc đời cho riêng mình, 
cho riêng Mai. Và dù đời có chua chát, đắng cay 
nhưng khi bạn biết chế biến, biết làm giàu thi vị 
cuộc sống trái chua sẽ ngọt và có vị nhớ khó quên!

THU HIỀN

Cây chùm ruột 2

Ngày nhỏ, tôi luôn đợi mùa hè để được về ngoại chơi, lúc thì ở một, hai tuần, thi thoảng lại được đến cả tháng. So với cái xô bồ, nhộp nhịp của thành phố thì dường như làng Mạch Nước là một điều kỳ diệu.
Suốt những ngày thơ ấu đến khi trưởng thành, ngoài con đường nhựa thì làng tôi không thay đổi là mấy, cứ như cả làng hờ hững với sự phát triển ồ ạt của đô thị hóa. Buổi sáng ở làng bắt đầu bằng tiếng rè rè của đài phát thanh đặt cách nhà ngoại tôi ba căn, đều đặn hơn hai mươi năm qua, vào lúc năm giờ rưỡi sáng và tối.
Trong làng có hai nhánh dòng tộc chính: họ Huỳnh và họ Phan. Các nhà trong một họ ở cùng một khu đất, vì vậy cứ hễ ra đường là thể nào cũng gặp ít nhất một người có cùng máu mủ. Anh em họ hàng ở gần nhau nên thường nhà này cách nhà nọ không bằng những hàng rào sắt kẽm gai mà chỉ bằng mấy cây hàng rào ra hoa trăng trắng hay rặng bồ ngót xanh um. Nhà ngoại tôi thì rặng hàng rào lại có đuề huề một cây chùm ruột mọc chắn ngang, nhô cao lên như một cô bảo mẫu giữa một bầy trẻ lúc nhúc.
Hồi ấy, nghe ông ngoại bảo gọi là cây chùm ruột vì trái nó giống ruột của người, tôi nghe mà rùng mình mấy lần, chẳng lẽ cái ruột người ta lại xanh lè, óng ánh vàng dưới trời nắng như vậy, nhưng sau đó cũng dẹp bỏ ý nghĩ trong bụng mình có cái thứ xanh ngọc như thế.
Ngoài cây trâm mốc ở bên hông nhà và cây xoài trước ngõ chỉ ra trái vào đầu hè thì cây chùm ruột là thứ duy nhất sai quả. Trái chùm ruột mọc thành chùm, trái chín hay sống đều chua, cắn vào là nhăn mặt lè lưỡi, nhưng mứt chùm ruột lại đặc biệt ngon đến kì lạ. Ấy thế nên tôi rất thích cái giống quả này, mỗi lần về ngoại đều bắt dì Sáu làm, đến ngày về thành phố còn cầm theo một keo màu đỏ sẫm, sền sệt thứ mứt dòn ngọt về ăn dần.
- Ê, ai cho mày leo cây của ông nội tao?
Chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì tôi bị lắc mạnh, may mà leo trèo cũng khá nên bám vội lấy cái nhành cây để giữ thăng bằng. Dưới gốc cây chùm ruột, bên kia hàng rào là một con nhỏ đen thui, tóc cột thành hai chùm, mặc đồ là một bộ nhưng ngộ là áo này quần kia, theo sau nó là một thằng nhỏ đang thút thít, nước mũi chảy xệ xuống tận môi, vận độc mỗi cái áo thun ba lỗ.
- Ai nói là cây của nhà mày? Đây là cây ông ngoại tao trồng. - Tôi gân cổ lên cãi lại.
- Mày giỏi thì xuống đây.
Tôi cũng leo xuống. Xét về hình thể, chấp hai đứa như nó, tôi cũng thắng chắc, xét về lý thì cây này ông ngoại trồng, tôi ăn đã mấy cái mùa hè rồi mà có nghe ai bảo gì đâu. Không đợi tôi leo đến được xuống đất, con nhỏ đó lấy tay tét vào mông tôi một cái rõ đau. Đồ đánh lén, đồ hèn hạ. Tôi vật nó ra đất, con nhỏ té lăn quay, tôi tưởng nó khóc, ai dè nó chỉ cắn môi, ra chiều đau lắm, cố vùng vẫy đạp tôi ra. Tôi chỉ nghe độc mỗi tiếng khóc phát ra từ thằng nhóc kia - chắc là em nó. Dì Sáu ở sau hè kiếm cái thúng đựng chùm ruột nãy giờ, nghe tiếng khóc vội chạy lên, thấy tôi với con nhỏ đó mặt mày lấm lem, vật nhau xước cả tay chân, dì lại can ra. Tôi cũng hơi đau, nhưng vì tính sĩ diện, không khóc. Mãi đến khi dì bảo, sao con gái lại đi đánh nhau thế này thì tôi mới òa khóc, tại nó dám bảo cây chùm ruột của nhà nó chứ bộ.
Hình ảnh có liên quan
Chiều hôm đó, đích thân ông ngoại dắt tôi qua nhà bên xin lỗi, nhà ông cố Út. Giờ tôi mới biết, nó là con ông bà Sáu, hồi nhỏ sống ở chòi, giờ ra sống với ông bà cố. Xét theo vai vế, tôi phải gọi nó bằng dì, còn thằng nhóc kia là cậu.
Hai bữa sau nữa, tôi biết nó tên Mén, thằng kia tên Tửng. Rồi tụi tôi chơi với nhau, hè này sang hè khác.
Năm lớp bảy, tôi nghe tin ba con Mén, tức là ông Sáu tự tử ở cái tuổi ba mươi tư. Nghe đâu ông Sáu góp vốn làm ăn với người ta nhưng lại bị lừa, tiền mất hết, ông lao vào rượu chè. Rồi một ngày, ông không say xỉn, thắp ông bà ba nén nhang, vào buồng khóa trái cửa.
Con Mén và thằng Tửng mồ côi cha ...
Tôi và mẹ đi đám tang. Hai đứa nhỏ thay nhau quỳ trả lễ bên quan tài cha nó, còn bà Sáu thì cứ ngất lên ngất xuống, lúc tỉnh thì mắt đỏ hoe.
Hè đó, nó với thằng Tửng theo mẹ về quê ngoại ở. Cứ ngỡ đời nó tới đó là đỡ khổ, không ngờ nửa năm sau, mẹ nó gặp cơn bạo bệnh, cộng thêm sức khỏe vốn dĩ không được tốt, lại phần cũng vì quá đau buồn, cũng theo cha nó mà đi. Đêm tôi hay tin, trời mưa to như trút nước...
Con Mén và thằng Tửng mồ côi cả cha lẫn mẹ...
Ngày giỗ đầu của ông Sáu, tôi gặp con Mén ở sau bếp, nó nhìn tôi không nói gì rồi lủi vào trong buồn soạn trái cây tặng khách khi về. Tôi nhìn nó mà cũng buồn buồn. Trưa đó, đang ngồi hóng mát ở hành lang thì tôi thấy nó chui qua, băng ngang cây chùm ruột. Con Mực thấy nó, chạy lại vẫy đuôi và liếm liếm cái gót chân chai sạn. Buổi trưa người lớn nghỉ ngơi cũng là lúc đám con nít tụi tôi được tự do thoải mái. Tôi, con Mén, thằng Tửng từng cùng nhau leo cây, chơi cút bắt, đi vòng hết khắp làng lùng trái chùm rụm. Trưa nay, chỉ có nó và tôi, không buồn tìm dép để đi chơi nữa
- Ông nội kêu tao đem trái cây qua cho mẹ mày nè.
- Ừ, tôi ngập ngừng đôi chút.
- Mốt mày không gặp tao nữa đâu.
- Là sao?
- Bà dì của tao xin tao về nuôi, tao phải đi với bả, xa lắm...
Tôi lúc này, nửa muốn ôm nó khóc, nửa muốn xoa đầu nó, nhưng rốt cuộc chỉ thấy hai cái tay cầm chặt bịch trái cây, chỉ bừng tỉnh khi con Mén cười buồn, thôi tao về...
Những mùa hè sau tôi không gặp nó thật, mẹ tôi bảo nó về sống ở Bến Tre, đi canh chòi nuôi tôm, mùa nước lên thì xuôi thuyền đi mót lúa ở tận đâu
Tháp Mười.

Tháng ba, tôi tranh thủ về thăm làng Mạch Nước trước khi sang Anh du học. Về thăm ông bà cố Út, vẫn ông cố đu đưa trên cái võng vải, thắp nén hương cho ông bà Sáu. Ông cố nói, Tết này con Mén mới về thăm mả ba mẹ nó. Nó có chồng rồi, một đứa con bảy tháng tuổi, giờ sống ở Vĩnh Long. Thằng Tửng thì nghỉ học từ năm lớp 10, đang đi dân quân.Chiều ngả vàng hắt xuống thềm gạch Tàu, vàng luôn cả mấy trái chùm ruột non. Gió thổi, cái cây nghiêng nghiêng khẽ rùng mình một cái. Chiều, vang vọng tiếng đài truyền thanh...
Mai Phạm
(Truyện ngắn của tôi)


 Cúi xuống là đất
Cậu tôi chém một nhát dao phay vô cột nhà, tuyên bỏ từ bỏ con gái khi chị bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu. Chị thương một anh chàng đào đất mướn lêu têu không nhà không đất, không biết từ đâu tới và sẽ đi đâu. Chuyện cũng đã lâu, một năm vài ba lần, ghé qua nhà cậu, tôi lại nhớ người con gái lanh lẹ, giỏi giắn, hay cười, đồng tiền lún sâu một bên má. Nhớ mà không dám nhắc, vì vết dao khắc sâu vào gốc cột, cảm giác bén lẹm ớn xương…
Cảm giác có chút đau ở đâu đó. Mười năm, ký ức về chị vẫn đứng yên, trong khi chị đã cùng thời gian đi xa lắm. Nhưng gặp lại ở một nơi bất ngờ, thị trấn cửa biển, trong xóm lao động nghèo, chị ngồi bên cái cối đá xay bột trước hàng ba, tôi không chút ngại ngần nào, lập tức gọi tên một nhan sắc cũ.
Cuộc gặp nhau mừng tủi, chị khen tôi nhớ giỏi, chứ chị giờ đen đúa, má nám, tóc xác xơ… Chỉ vào cây chùm ruột trước nhà, tôi cười, em nhận ra chị từ nó. Cái cây này trước nhà cậu tôi cũng có, và khoảng sân nhỏ nhoi ở nơi này cũng gợi nhớ nhà cậu. Chùm ruột đã cao khỏi đầu, cây mai tứ quý đèo đẹt, dây mồng tơi leo kín cái rào thấp lủn tủn ngăn hờ hững với nhà bên cạnh. Một mớ cải xanh gieo ở góc đất sát hàng ba, vài cây cuối giồng đã lên ngồng, màu hoa vàng như sắp cháy. Chị cười buồn, bảo, nhớ nhà quá, nên trồng chơi…
Mười năm lập thân, chị vẫn chưa có mảnh đất cho mình. Chồng đi biển, chị ở nhà xay bột làm bánh cam, bánh còng bưng bán dạo, chăm chút hai đứa con nhỏ. Tôi nhìn thấy cuộc đời rày đây mai đó ở hình ảnh những viên gạch tàu kê tạm bợ rời rạc trên nền nhà. Ờ, sống trên đất mướn mà, khi cần thì xếp lại, cặm đời chỗ khác. Chỉ cây ở trước nhà là không sống đời tạm bợ, chúng vẫn lớn lên dù hơi cằn cỗi, bởi gió biển bàng bạc vị muối.
Không cần chị nói, tôi cũng biết chị nhớ đất lắm, nhớ mảnh vườn mảnh sân quê nhà, nên thiết tha ân cần với cây cỏ dù đất dưới chân giờ chưa phải là của chị. Mà có hề gì đâu, đất không quan tâm mình thuộc về ai, hễ có một bàn tay biết vun xới gieo trồng, đất sẽ run rẩy nuôi cây lớn. Cây mai này đỏng đảnh lắm rồi cũng trổ mươi cái bông, cải với mồng tơi nhà ăn không hết san sẻ cho cả láng giềng, chùm ruột ra trái đã ba mùa, trẻ con cả xóm trèo hái chấm muối chán chê, số còn lại chị ngào đường để dành trong tủ. Chị cười nhẹ, “hồi đó, ba chị thích ăn chùm ruột ngào lắm…”. Chợt nhớ ra, chị hỏi, “em thấy cây chùm ruột bên nhà còn không ? ”
Không, nó bị đốn mất rồi. Ký ức của chị ở lại với ngày xưa, trong khi mảnh sân, khu vườn và cánh đồng đó thì đi với mười năm. Nhiều đổi thay, mất mát. Giờ từ ngoài đường ngó vô thông thốc, trống hoang, trụi lủi căn nhà đã già tường vôi mái ngói. Đứng dựa cửa sau, trong mắt cũng chỉ còn hình ảnh cái chòm mả trơ trọi giữa vườn. Ở đó có một ông già cứ gặp tôi là ca cẩm, càm ràm mấy đứa con. Ông ca cẩm, hờn giận luôn cái xóm Rạch Ruộng đã bỏ đất khi vẫn đang đứng trên đất.
Họ mất cảm giác đất, như cầu thủ đá bóng mà mất cảm giác với trái bóng, cứ xuôi ngược vật vờ. Sáng sớm, đi đổ lú xong, lượm được mấy con tôm bán cho vựa, bỏ túi ít chục ngàn, là xong một ngày. Vuông tôm bỏ mặc cho nắng trời, gió trời. Mọi người nằm toòng teng trên võng nghe cải lương, coi phim tình cảm Đài Loan, rồi cáp độ nhậu nhẹt, ca hát, đánh bài… Cuộc chơi bất tận. Cần một cọng hành, trái ớt, nải chuối… thì ra sông ngoắc ghe hàng bông. Ở đó cái gì cũng sẵn, và bất cứ gì con tôm cũng đổi được, nên chẳng ai còn tha thiết chuyện cuốc đất lên giồng, chuyện gieo trồng kiếm chút tiền con con. Sáng sáng ra vuông lượm tiền có phải khỏe hơn không, anh con lớn của cậu vừa nói vừa cười hệch răng vàng.
Dưới chân anh là đất, chỉ cần cúi nhìn sẽ thấy, nhưng anh không nhìn. Nên cha và con cứ hục hặc nhau hoài, bởi kẻ nhớ người quên, kẻ đi người ngoái lại . Cậu tôi nhớ, nhưng những cơn đau cột sống, đau khớp, những chứng bệnh tuổi già cứ giữ chặt cậu trong nhà. Ngoài kia là đất thênh thang, đang từng ngày bạc đi từ khi nước mặn tràn về trắng xóa. Nhớ quá, cậu lụm cụm đi trồng cây ớt, đặt mấy hom mía, tỉa mấy dây dưa gang, đi vắng ít ngày về thấy cây héo queo, người ở nhà quên tưới.
Buổi trưa, ra ngồi bộ bàn giữa uống trà, nhìn khoảng sân chang chang nắng, cậu ngậm ngùi, mầy coi, có cây chùm ruột mà thằng Hai nó cũng đốn rồi, nó chê cây này rụng lá quá, dơ nhà. Tao đi một cái đám giỗ về là thấy mất thêm mấy cái cây. Nó nói trống trải con tôm mới thở được, mới mau lớn. Tôm tép làm ra tiền nên xá gì mấy cây chùm ruột, cây vú sữa… Trời, giữ mấy cái cây đâu phải chuyện tiền bạc mậy, cứ để đó, người đi đâu xa mới nhớ đường về nhà…
Nghe mấy chữ, “người đi đâu xa…” tôi biết cậu đang nhắc tới đứa con gái lưu lạc bìa trời. Một thâm tình mà trong cơn giận hờn ông đã từng vung tay phung phí. Ông già nhớ chị, nhưng vì tự ái, vì gốc cột không chịu lành lặn lại, để xóa đi một lời thề. Bỗng dưng tôi thấy cậu già hơn cái tuổi bảy lăm. Già nua bởi bất lực và nuối tiếc.
Và trong buổi chiều ngồi kể chuyện nhà cho chị nghe, tôi tự hỏi, cái vuông sân nhỏ nhoi này, một lần nào đó nhìn thấy, có làm cậu tôi ứa nước mắt ? Mỗi lần nhìn cây nhìn đất là họ nhớ nhau, mối quan hệ cha con có đứt đoạn bao giờ đâu. Tôi hỏi chị chừng nào về nhà, về thật, bước qua ngạch cửa, chứ không phải đi ngang qua, hay đứng xa xa nhìn như những lần không cầm được nhớ chị từng quay về xóm cũ. Chị cúi nhìn cái cối xay bột, tần ngần, một cuộc ra đi gây tổn thương bằng đó, không biết lòng cha già đã lành lặn chưa, nên cứ chần chừ…
Thôi thì, tôi mang món quà nhỏ về trước. Ngó cái hủ chùm ruột ngào đường đỏ au mà tôi nói là của một người quen cũ gởi biếu cậu, ông già thoáng nghẹn ngào. Hồi lâu, cậu ngập ngừng hỏi, con nhỏ… lúc rày sống sao, làm gì. Tôi cười, chị ấy trồng cây, trái này hái từ cây mọc trên đất quê người. Nó chua, nhưng chị không quên cách làm cho nó ngọt.
Hành trình ngược về quê, không biết trái có mọc thành cây, khi mùa mưa tới.
Nguyễn Ngọc Tư
         Mùa chùm ruột đong đầy nỗi nhớ
Tháng 3, gió như một đứa trẻ mới tập đi bị nhốt vào chiếc cũi tre không đủ sức cứ quanh quẩn một vùng. Nắng điên người như muốn thiêu rụi tất cả sự sống. Nắng làm mấy chậu xương rồng trước nhà khô quắt, màu xanh biến mất, thay vào toàn gai đâm ra tua tủa trong như con sâu đo. Mới gần 7 giờ sáng, nắng đã đủ sức làm cho con người chảy mồ hôi ròng ròng. Nắng theo dấu chân người, bám chặt vào những con bò gầy rộc xương đang nhởn nhơ gặm những gốc rạ mòn lẹt giữa đồng...  
Đầu tháng 3, mùa chùm ruột bắt đầu. Từ những cành cây chùm ruột mảnh khảnh nhú lên những lá non bé tẹo xanh ngắt. Chúng lớn nhanh theo từng ngày nắng xanh ngọt lịm. Chẳng mấy chốc, trên những cành cây xuất hiện chùm trái non nhỏ tẹo xanh lơ chát ngắt, cựa mình theo ngày nắng. Những chùm chùm ruột không sợ nắng. Trái lại, chúng ưa nắng, nắng nhiều sẽ giúp chúng cho trái nhiều hơn. Cây chùm ruột nặng oằn trái. Chúng lớn nhanh chóng mặt. Từ màu xanh, theo ngày nắng chúng chuyển sang màu vàng nhạt rồi lớn dần to bằng viên bi và ngả màu vàng ươm ngon mắt. Khi ấy chúng đã chín, chúng bắt đầu lìa cành rụng xuống đất...
Tháng 3, hàng chùm ruột sau nhà trĩu cành. Nhứt lại hái chùm ruột làm mứt mang ra chợ bán. Mứt chùm ruột Nhứt làm ngon tuyệt! Nhứt cũng hay làm món chùm ruột đâm nhuyễn cùng một trái ớt hiểm, nêm thêm muối, bột ngọt. Món này mà đưa một thìa vào miệng, ngay lập tức muốn ăn thìa thứ hai...
Tháng 3 nắng hạn, đồng ruộng nứt nẻ. Những con mương dẫn nước vào ruộng cạn khô, chỉ còn trơ lại vài vũng nước trũng. Những con cá bé thoi thóp thở, ưỡn bụng chờ chết vì thời tiết quá nóng bức, chỉ những con lớn hơn mới đủ sức chui sâu xuống bùn duy trì sự sống, khao khát chờ cơn mưa đầu mùa. Nhứt xắn tay áo và ống quần, cầm cái xô nhỏ men theo bờ ruộng, thọc tay xuống trũng nước. Những con cá trồi đầu lên bắn bùn tung tóe. Chẳng mấy chốc chúng nằm gọn lỏn trong cái xô, nào là cá sặc, cá rô, thậm chí là một cặp cá lóc... Nhứt lại men theo bờ ruộng hái từng cọng rau đắng đồng non xanh mơn mởn, bẻ cái bắp chuối hột, vài cọng ngò gai, vài trái ớt hiểm chín mọng, cuối cùng là một chùm chùm ruột to nhất. Nồi canh chua chùm ruột bốc khói thơm phức cả gian nhà. Canh chua chùm ruột ngon đáo để. Thịt cá ngọt, vị chua của chùm ruột, chan chát của bắp chuối, đắng của rau đắng đồng... cứ tê tê ở đầu lưỡi, len đến tận kẽ răng. Nhứt cười múc cho tôi chén thứ hai canh chua chùm ruột. Nhứt bảo: “Canh chua chùm ruột món ăn dân dã, hiếm người biết nấu”. Tôi hồ hởi đón lấy chén canh: “Mai Nhứt nấu canh chua chùm ruột nữa nghen!”. Nhứt cười giòn: “Nhứt sẽ đãi canh chua chùm ruột cho tới mùa mưa xuống, chùm ruột rụng hết thì thôi...”. Bữa cơm quê ấm áp còn vang mãi nụ cười...
 chùm ru Ùt 
Tháng 3, mùa chùm ruột lại bắt đầu. Nhứt đã về với đất vì căn bệnh ung thư quái ác không chừa một ai. Ông ngoại của Nhứt già không đủ sức mang ghế đẩu với tay hái chùm chùm ruột chín vàng ươm. Ngoại chỉ đủ sức nhặt những trái rụng thả xuống ao cá. Ngoại nhớ Nhứt, len lén quẹt dòng nước mắt... Tháng 3, tôi đi giữa phố, đầy vơi nỗi nhớ: Nắng tháng ba - Mùa chùm ruột - Con cá đồng mắc cạn - Nồi canh chua chùm ruột - Nhứt của tôi - Quê nhà. Tôi bật khóc... 
Nguyễn Hoàng Nhân



Posted by NM Phan thị Ngọc Diệp at 19:56
Gửi email bài đăng nàyBlogThis!Chia sẻ lên XChia sẻ lên FacebookChia sẻ lên Pinterest
Labels: Cây trái quê hương
Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Trang chủ
Đăng ký: Bài đăng (Atom)

Tìm kiếm Blog này

Powered By Blogger

Đăng ký

Bài đăng
Atom
Bài đăng
Tất cả nhận xét
Atom
Tất cả nhận xét

Danh sách Blog của Tôi

  • NamMai 1
  • NamMai 2
  • NamMai 4
  • Thơ NM 3

Trang

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Tuỳ bút NM
  • Tìm bạn cũ
  • Âm nhạc
  • Trang Bạn

Nhãn

  • Áo dài
  • Âm nhạc
  • Bánh quê hương
  • Bếp lửa hồng
  • Biển Bến Tre
  • Biển Gò Công
  • Biển quê hương
  • Biển Trà Vinh
  • Biển Việt Nam
  • Bồ Câu
  • Bún VN
  • Bướm
  • Cá
  • Cá Bống
  • Cải lương Nam Bộ
  • cảnh đep quê hương
  • Cát bụi
  • Cầu vồng
  • Cây trái quê hương
  • Chiếc áo quê hương
  • Chiếc bánh quê hương
  • Chiếc quạt quê hương
  • Chim
  • Chợ quê
  • Chợ Quê hương
  • Chùa quê hương
  • Chùa VN ( Một ngày Như Ý)
  • Cỏ quê
  • Con hến
  • Con quay gỗ
  • Di tích cổ VN
  • Động vật
  • Gia đình tôi
  • Giáng Sinh
  • Giấc mơ
  • Guốc gỗ
  • Hình bóng Quê hương
  • Hình và bóng
  • Hoa
  • Hoa cẩm tú cầu
  • Hoa lục bình
  • Hoa mai
  • Hoa Phượng
  • Hoa quê hương
  • Hoa quỳnh
  • Hoa sen
  • Hoa tím
  • Hoa trái quê hương
  • Hoa vàng
  • Hoàng hôn
  • Hương rơm
  • Khói quê
  • Kỷ niệm xưa
  • Kỹ niệm xưa
  • Lá
  • Lễ hội Quê hương Bến Tre
  • Lòng Mẹ
  • Lộc Xuân
  • Lời ru
  • Màu tím
  • Món ăn quê hương
  • Món ngon Việt
  • Mộng
  • Một Ngày Như Ý (1)
  • Một Ngày Như Ý (2)
  • Một Ngày Như Ý (3)
  • Một Ngày Như Ý (4) PG
  • Một Ngày Như Ý (5)
  • Một Ngày Như Ý (P1- 2022)
  • Một Ngày Như Ý (P2- 2022)
  • Mùa Đông
  • Mùa lũ
  • Mùa Thu
  • Mùa Vu Lan
  • Mùa Xuân
  • Mùi hương
  • Muối
  • Mưa
  • Mưa Quê hương
  • Mưa Tha hương
  • Mưa tháng 12
  • Năm khỉ
  • Nắng Quê hương
  • Ngôi nhà xưa
  • Nhạc cụ dân tộc
  • Nhạc cụ quê hương
  • Những chuyến xe
  • Những hình ảnh bên đường
  • Những hình ảnh trên đường
  • Núi quê hương
  • Phật giáo
  • Quê hương
  • Rau quê
  • Rêu
  • Rùa
  • Rượu quê hương
  • Sa Đéc
  • Sài Gòn
  • Sông quê
  • Sông quê hương
  • Sư Phạm
  • Tâm lý
  • Tâm lý tình cảm
  • Tân Định
  • Tết
  • Tết Đoan ngọ
  • Tết Khmer
  • Tết quê hương
  • Tháng 11
  • Tháng ba
  • Tháng bảy
  • Tháng chín
  • Tháng giêng
  • Tháng mười
  • Tháng mười hai
  • Tháng năm
  • Tháng sáu
  • Tháng tám
  • Tháng tư
  • Tiếng ve
  • Tinh cảm
  • Tình Cha
  • Tình quê hương
  • Tơ Nhện
  • Trà
  • Trăng
  • Trăng và Hoa
  • Trung Thu
  • Trường xưa
  • Tuổi thơ
  • Tuỳ bút
  • Tùy bút
  • Từ thiện
  • Xuân quê hương
  • Xuân Tha Hương

Tìm kiếm Blog này

Lưu trữ Blog

  • ▼  2024 (7)
    • ▼  tháng 9 (1)
      • ▼  thg 9 21 (1)
        • NamMai 1: NTV - Mưa nơi này, Nhớ mưa bên kia
    • ►  tháng 7 (2)
      • ►  thg 7 20 (2)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 09 (1)
    • ►  tháng 4 (3)
      • ►  thg 4 27 (1)
      • ►  thg 4 05 (2)
  • ►  2023 (8)
    • ►  tháng 9 (1)
      • ►  thg 9 16 (1)
    • ►  tháng 6 (1)
      • ►  thg 6 09 (1)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 15 (1)
    • ►  tháng 3 (1)
      • ►  thg 3 14 (1)
    • ►  tháng 2 (2)
      • ►  thg 2 20 (1)
      • ►  thg 2 19 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 31 (1)
      • ►  thg 1 28 (1)
  • ►  2022 (17)
    • ►  tháng 12 (2)
      • ►  thg 12 28 (1)
      • ►  thg 12 21 (1)
    • ►  tháng 10 (2)
      • ►  thg 10 15 (1)
      • ►  thg 10 13 (1)
    • ►  tháng 8 (2)
      • ►  thg 8 27 (1)
      • ►  thg 8 16 (1)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 04 (1)
    • ►  tháng 4 (5)
      • ►  thg 4 23 (1)
      • ►  thg 4 21 (1)
      • ►  thg 4 20 (1)
      • ►  thg 4 19 (1)
      • ►  thg 4 18 (1)
    • ►  tháng 3 (5)
      • ►  thg 3 17 (1)
      • ►  thg 3 12 (1)
      • ►  thg 3 11 (3)
  • ►  2021 (27)
    • ►  tháng 12 (3)
      • ►  thg 12 31 (1)
      • ►  thg 12 07 (1)
      • ►  thg 12 04 (1)
    • ►  tháng 11 (6)
      • ►  thg 11 27 (1)
      • ►  thg 11 18 (1)
      • ►  thg 11 17 (1)
      • ►  thg 11 14 (1)
      • ►  thg 11 08 (1)
      • ►  thg 11 07 (1)
    • ►  tháng 10 (1)
      • ►  thg 10 30 (1)
    • ►  tháng 9 (2)
      • ►  thg 9 24 (1)
      • ►  thg 9 08 (1)
    • ►  tháng 8 (1)
      • ►  thg 8 20 (1)
    • ►  tháng 7 (1)
      • ►  thg 7 02 (1)
    • ►  tháng 6 (2)
      • ►  thg 6 18 (1)
      • ►  thg 6 04 (1)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 22 (1)
    • ►  tháng 4 (5)
      • ►  thg 4 23 (1)
      • ►  thg 4 20 (1)
      • ►  thg 4 17 (1)
      • ►  thg 4 13 (1)
      • ►  thg 4 03 (1)
    • ►  tháng 3 (2)
      • ►  thg 3 26 (1)
      • ►  thg 3 22 (1)
    • ►  tháng 2 (1)
      • ►  thg 2 24 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 29 (1)
      • ►  thg 1 05 (1)
  • ►  2020 (28)
    • ►  tháng 12 (2)
      • ►  thg 12 22 (1)
      • ►  thg 12 20 (1)
    • ►  tháng 11 (1)
      • ►  thg 11 01 (1)
    • ►  tháng 10 (3)
      • ►  thg 10 29 (2)
      • ►  thg 10 24 (1)
    • ►  tháng 9 (2)
      • ►  thg 9 29 (1)
      • ►  thg 9 20 (1)
    • ►  tháng 8 (3)
      • ►  thg 8 14 (1)
      • ►  thg 8 08 (1)
      • ►  thg 8 05 (1)
    • ►  tháng 7 (2)
      • ►  thg 7 11 (1)
      • ►  thg 7 05 (1)
    • ►  tháng 6 (3)
      • ►  thg 6 28 (1)
      • ►  thg 6 01 (2)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 16 (1)
    • ►  tháng 4 (3)
      • ►  thg 4 18 (1)
      • ►  thg 4 10 (1)
      • ►  thg 4 04 (1)
    • ►  tháng 3 (4)
      • ►  thg 3 22 (1)
      • ►  thg 3 12 (1)
      • ►  thg 3 09 (1)
      • ►  thg 3 07 (1)
    • ►  tháng 2 (3)
      • ►  thg 2 26 (2)
      • ►  thg 2 23 (1)
    • ►  tháng 1 (1)
      • ►  thg 1 30 (1)
  • ►  2019 (48)
    • ►  tháng 12 (5)
      • ►  thg 12 27 (1)
      • ►  thg 12 16 (1)
      • ►  thg 12 15 (1)
      • ►  thg 12 14 (1)
      • ►  thg 12 06 (1)
    • ►  tháng 11 (4)
      • ►  thg 11 28 (1)
      • ►  thg 11 23 (1)
      • ►  thg 11 19 (1)
      • ►  thg 11 06 (1)
    • ►  tháng 10 (6)
      • ►  thg 10 25 (1)
      • ►  thg 10 21 (1)
      • ►  thg 10 17 (1)
      • ►  thg 10 11 (1)
      • ►  thg 10 10 (1)
      • ►  thg 10 05 (1)
    • ►  tháng 9 (8)
      • ►  thg 9 29 (1)
      • ►  thg 9 26 (2)
      • ►  thg 9 25 (1)
      • ►  thg 9 21 (1)
      • ►  thg 9 18 (1)
      • ►  thg 9 17 (1)
      • ►  thg 9 02 (1)
    • ►  tháng 8 (4)
      • ►  thg 8 31 (1)
      • ►  thg 8 27 (1)
      • ►  thg 8 22 (1)
      • ►  thg 8 10 (1)
    • ►  tháng 7 (4)
      • ►  thg 7 30 (1)
      • ►  thg 7 19 (1)
      • ►  thg 7 15 (1)
      • ►  thg 7 03 (1)
    • ►  tháng 6 (4)
      • ►  thg 6 26 (1)
      • ►  thg 6 14 (1)
      • ►  thg 6 12 (1)
      • ►  thg 6 03 (1)
    • ►  tháng 5 (5)
      • ►  thg 5 29 (1)
      • ►  thg 5 17 (1)
      • ►  thg 5 14 (2)
      • ►  thg 5 03 (1)
    • ►  tháng 4 (1)
      • ►  thg 4 06 (1)
    • ►  tháng 3 (2)
      • ►  thg 3 09 (1)
      • ►  thg 3 03 (1)
    • ►  tháng 2 (3)
      • ►  thg 2 12 (1)
      • ►  thg 2 09 (1)
      • ►  thg 2 03 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 21 (1)
      • ►  thg 1 03 (1)
  • ►  2018 (43)
    • ►  tháng 12 (5)
      • ►  thg 12 29 (2)
      • ►  thg 12 26 (1)
      • ►  thg 12 13 (1)
      • ►  thg 12 05 (1)
    • ►  tháng 11 (4)
      • ►  thg 11 18 (1)
      • ►  thg 11 09 (1)
      • ►  thg 11 05 (1)
      • ►  thg 11 04 (1)
    • ►  tháng 10 (9)
      • ►  thg 10 29 (1)
      • ►  thg 10 27 (1)
      • ►  thg 10 25 (1)
      • ►  thg 10 20 (1)
      • ►  thg 10 17 (1)
      • ►  thg 10 14 (1)
      • ►  thg 10 13 (1)
      • ►  thg 10 12 (1)
      • ►  thg 10 04 (1)
    • ►  tháng 9 (5)
      • ►  thg 9 29 (1)
      • ►  thg 9 23 (1)
      • ►  thg 9 11 (1)
      • ►  thg 9 08 (1)
      • ►  thg 9 02 (1)
    • ►  tháng 8 (5)
      • ►  thg 8 26 (1)
      • ►  thg 8 17 (1)
      • ►  thg 8 12 (1)
      • ►  thg 8 09 (1)
      • ►  thg 8 03 (1)
    • ►  tháng 7 (3)
      • ►  thg 7 20 (1)
      • ►  thg 7 11 (1)
      • ►  thg 7 05 (1)
    • ►  tháng 6 (4)
      • ►  thg 6 29 (1)
      • ►  thg 6 24 (1)
      • ►  thg 6 17 (1)
      • ►  thg 6 02 (1)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 29 (1)
    • ►  tháng 4 (1)
      • ►  thg 4 12 (1)
    • ►  tháng 3 (2)
      • ►  thg 3 11 (1)
      • ►  thg 3 05 (1)
    • ►  tháng 2 (2)
      • ►  thg 2 19 (1)
      • ►  thg 2 05 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 20 (1)
      • ►  thg 1 12 (1)
  • ►  2017 (22)
    • ►  tháng 12 (1)
      • ►  thg 12 17 (1)
    • ►  tháng 11 (2)
      • ►  thg 11 28 (1)
      • ►  thg 11 12 (1)
    • ►  tháng 10 (1)
      • ►  thg 10 20 (1)
    • ►  tháng 9 (3)
      • ►  thg 9 30 (1)
      • ►  thg 9 22 (1)
      • ►  thg 9 11 (1)
    • ►  tháng 8 (5)
      • ►  thg 8 26 (1)
      • ►  thg 8 23 (1)
      • ►  thg 8 18 (1)
      • ►  thg 8 12 (1)
      • ►  thg 8 02 (1)
    • ►  tháng 6 (3)
      • ►  thg 6 29 (1)
      • ►  thg 6 09 (1)
      • ►  thg 6 03 (1)
    • ►  tháng 5 (2)
      • ►  thg 5 21 (1)
      • ►  thg 5 13 (1)
    • ►  tháng 3 (3)
      • ►  thg 3 28 (1)
      • ►  thg 3 17 (1)
      • ►  thg 3 05 (1)
    • ►  tháng 2 (1)
      • ►  thg 2 26 (1)
    • ►  tháng 1 (1)
      • ►  thg 1 12 (1)
  • ►  2016 (27)
    • ►  tháng 12 (3)
      • ►  thg 12 31 (1)
      • ►  thg 12 17 (1)
      • ►  thg 12 15 (1)
    • ►  tháng 11 (2)
      • ►  thg 11 13 (1)
      • ►  thg 11 11 (1)
    • ►  tháng 10 (3)
      • ►  thg 10 30 (1)
      • ►  thg 10 15 (1)
      • ►  thg 10 08 (1)
    • ►  tháng 9 (2)
      • ►  thg 9 27 (1)
      • ►  thg 9 12 (1)
    • ►  tháng 8 (2)
      • ►  thg 8 22 (1)
      • ►  thg 8 07 (1)
    • ►  tháng 7 (2)
      • ►  thg 7 27 (1)
      • ►  thg 7 09 (1)
    • ►  tháng 6 (3)
      • ►  thg 6 25 (1)
      • ►  thg 6 17 (1)
      • ►  thg 6 12 (1)
    • ►  tháng 5 (1)
      • ►  thg 5 23 (1)
    • ►  tháng 4 (1)
      • ►  thg 4 29 (1)
    • ►  tháng 3 (1)
      • ►  thg 3 14 (1)
    • ►  tháng 2 (2)
      • ►  thg 2 27 (1)
      • ►  thg 2 12 (1)
    • ►  tháng 1 (5)
      • ►  thg 1 31 (1)
      • ►  thg 1 22 (1)
      • ►  thg 1 12 (2)
      • ►  thg 1 09 (1)
  • ►  2015 (25)
    • ►  tháng 12 (2)
      • ►  thg 12 21 (1)
      • ►  thg 12 03 (1)
    • ►  tháng 11 (2)
      • ►  thg 11 17 (1)
      • ►  thg 11 07 (1)
    • ►  tháng 10 (1)
      • ►  thg 10 11 (1)
    • ►  tháng 9 (1)
      • ►  thg 9 26 (1)
    • ►  tháng 8 (3)
      • ►  thg 8 29 (1)
      • ►  thg 8 21 (1)
      • ►  thg 8 17 (1)
    • ►  tháng 7 (3)
      • ►  thg 7 28 (1)
      • ►  thg 7 21 (1)
      • ►  thg 7 10 (1)
    • ►  tháng 6 (3)
      • ►  thg 6 19 (1)
      • ►  thg 6 12 (1)
      • ►  thg 6 04 (1)
    • ►  tháng 5 (2)
      • ►  thg 5 31 (1)
      • ►  thg 5 17 (1)
    • ►  tháng 4 (3)
      • ►  thg 4 25 (1)
      • ►  thg 4 19 (1)
      • ►  thg 4 08 (1)
    • ►  tháng 3 (2)
      • ►  thg 3 29 (1)
      • ►  thg 3 02 (1)
    • ►  tháng 2 (2)
      • ►  thg 2 22 (1)
      • ►  thg 2 02 (1)
    • ►  tháng 1 (1)
      • ►  thg 1 14 (1)
  • ►  2014 (35)
    • ►  tháng 12 (3)
      • ►  thg 12 28 (1)
      • ►  thg 12 16 (1)
      • ►  thg 12 09 (1)
    • ►  tháng 11 (4)
      • ►  thg 11 27 (1)
      • ►  thg 11 23 (1)
      • ►  thg 11 19 (1)
      • ►  thg 11 16 (1)
    • ►  tháng 10 (3)
      • ►  thg 10 24 (1)
      • ►  thg 10 18 (1)
      • ►  thg 10 08 (1)
    • ►  tháng 9 (4)
      • ►  thg 9 21 (1)
      • ►  thg 9 13 (2)
      • ►  thg 9 05 (1)
    • ►  tháng 8 (4)
      • ►  thg 8 28 (1)
      • ►  thg 8 22 (1)
      • ►  thg 8 13 (1)
      • ►  thg 8 11 (1)
    • ►  tháng 7 (6)
      • ►  thg 7 31 (1)
      • ►  thg 7 23 (1)
      • ►  thg 7 17 (1)
      • ►  thg 7 10 (1)
      • ►  thg 7 02 (2)
    • ►  tháng 6 (3)
      • ►  thg 6 13 (1)
      • ►  thg 6 09 (1)
      • ►  thg 6 03 (1)
    • ►  tháng 5 (3)
      • ►  thg 5 30 (1)
      • ►  thg 5 17 (1)
      • ►  thg 5 10 (1)
    • ►  tháng 4 (1)
      • ►  thg 4 12 (1)
    • ►  tháng 3 (1)
      • ►  thg 3 11 (1)
    • ►  tháng 2 (1)
      • ►  thg 2 25 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 08 (1)
      • ►  thg 1 07 (1)
  • ►  2013 (21)
    • ►  tháng 12 (1)
      • ►  thg 12 08 (1)
    • ►  tháng 11 (2)
      • ►  thg 11 23 (1)
      • ►  thg 11 05 (1)
    • ►  tháng 10 (1)
      • ►  thg 10 17 (1)
    • ►  tháng 9 (2)
      • ►  thg 9 07 (1)
      • ►  thg 9 04 (1)
    • ►  tháng 8 (2)
      • ►  thg 8 22 (1)
      • ►  thg 8 07 (1)
    • ►  tháng 7 (1)
      • ►  thg 7 15 (1)
    • ►  tháng 6 (2)
      • ►  thg 6 29 (1)
      • ►  thg 6 16 (1)
    • ►  tháng 5 (2)
      • ►  thg 5 20 (1)
      • ►  thg 5 03 (1)
    • ►  tháng 4 (4)
      • ►  thg 4 25 (1)
      • ►  thg 4 18 (1)
      • ►  thg 4 12 (1)
      • ►  thg 4 06 (1)
    • ►  tháng 3 (2)
      • ►  thg 3 20 (1)
      • ►  thg 3 17 (1)
    • ►  tháng 1 (2)
      • ►  thg 1 16 (2)
  • ►  2012 (43)
    • ►  tháng 12 (1)
      • ►  thg 12 16 (1)
    • ►  tháng 10 (6)
      • ►  thg 10 31 (1)
      • ►  thg 10 29 (1)
      • ►  thg 10 19 (1)
      • ►  thg 10 16 (1)
      • ►  thg 10 12 (1)
      • ►  thg 10 09 (1)
    • ►  tháng 9 (7)
      • ►  thg 9 30 (1)
      • ►  thg 9 24 (1)
      • ►  thg 9 21 (1)
      • ►  thg 9 13 (1)
      • ►  thg 9 12 (1)
      • ►  thg 9 07 (2)
    • ►  tháng 8 (12)
      • ►  thg 8 28 (1)
      • ►  thg 8 24 (1)
      • ►  thg 8 23 (1)
      • ►  thg 8 21 (1)
      • ►  thg 8 20 (1)
      • ►  thg 8 17 (1)
      • ►  thg 8 11 (2)
      • ►  thg 8 09 (1)
      • ►  thg 8 08 (1)
      • ►  thg 8 03 (1)
      • ►  thg 8 01 (1)
    • ►  tháng 7 (17)
      • ►  thg 7 31 (1)
      • ►  thg 7 29 (1)
      • ►  thg 7 27 (1)
      • ►  thg 7 25 (1)
      • ►  thg 7 24 (2)
      • ►  thg 7 20 (2)
      • ►  thg 7 18 (1)
      • ►  thg 7 16 (1)
      • ►  thg 7 15 (1)
      • ►  thg 7 14 (3)
      • ►  thg 7 10 (1)
      • ►  thg 7 09 (1)
      • ►  thg 7 08 (1)

Bài đăng phổ biến

  • Nhạc - Thơ - Văn Hoa Phù dung ngày ấy
      Album Hòa tấu Guitar  Một cõi đi về  Thương Đời Hoa Những Kiếp Hoa Xuân Sắc màu phù dung Ba sắc màu h...
  • NTV - Mưa nơi này, Nhớ mưa bên kia
    Kim Chi đã cố tìm kiếm trong bộn bề thư cũ cách đây 10 năm chỉ có hai bài viết ngắn này của anh, thôi thì đành vậy, hai bài viết nầy đối với...
  • NamMai 1: NTV - Mưa nơi này, Nhớ mưa bên kia
    NamMai 1: NTV - Mưa nơi này, Nhớ mưa bên kia : Kim Chi đã cố tìm kiếm trong bộn bề thư cũ cách đây 10 năm chỉ có hai bài viết ngắn này của a...
  • NTV - Bóng mát nhà xưa
    Làng Tôi Quê mẹ trong con Mẹ ra đi nhưng mẹ còn sống mãi, Với vườn xưa, với kỷ niệm hôm nào.... Trong sân nhà mùi hương nhãn xôn xao, Con mu...
  • NTV - Nguồn gốc địa danh Sa Đéc và những danh lam nổi tiếng (P2)
      Sa Đéc thành phố Hoa bên dòng Sa Giang Đây dấu tích xưa, Dấu tích ngàn xưa chẳng nhạt phai, Người đi như thể cánh chim bay.... Để bao thư...
  • NamMai 1: Nhạc - Thơ - Văn Bóng nước
    NamMai 1: Nhạc - Thơ - Văn Bóng nước : CHA TÔI Cha Tôi (Papa ) Cha tôi, Suốt cả một đời cha cưu mang, Những...
  • Nhạc - Thơ - Văn Giấc mơ có hoa Mimosa
    Mimosa Hoa Mimosa, đèo Mimosa Mimosa giờ đã không hoa, Tôi đi tìm lại bao thiết tha... Dáng hoa đài các không còn nữ...
  • NTV 26 - Nhớ ánh trăng năm xưa
      Trăng Về Thôn Dã - Thùy Trang Trăng Về Thôn Dã; Rước Tình Về Với Quê ... Trăng Về Thôn Dã - Thùy Trang Trăng Về Thôn Dã;...
  • NTV 23 - Mùa hoa Phượng 2
    RADIO SỐ 3 - MÙA HOA PHƯỢNG  Nỗi Buồn Hoa Phượng | Nhạc Không Lời Album: Phượng Yêu - Ý Lan  Lưu Bút Ngày Xanh - Hương Lan ...
  • Nhạc - Thơ - Văn Về bên kia núi
    Rừng Xưa Đã Khép Chị mãi rời xa, Chị đã đi về phía bên kia núi, Bỏ lại rừng nương rẫy dốc đồi cao... Không còn ai...

Bài đăng nổi bật

Nhạc - Thơ - Văn Giấc mơ có hoa Mimosa

Mimosa Hoa Mimosa, đèo Mimosa Mimosa giờ đã không hoa, Tôi đi tìm lại bao thiết tha... Dáng hoa đài các không còn nữ...

Translate

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Tìm kiếm Blog này

Chủ đề Cửa sổ hình ảnh. Hình ảnh chủ đề của konradlew. Được tạo bởi Blogger.