Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Nhạc - Thơ - Văn - Cảm xúc tháng 12

Xúc cảm tháng mười hai,
Tôi đi tìm lại tháng ngày qua,
Lãng đãng mình tôi với xót xa...
Biết bao kỷ niệm cùng mơ ước,
Thấp thoáng trong tôi chút nhạt nhoà !!

Ước hẹn cùng nhau vẫn xa nhau,
Một vòng thương ghét khá đậm sâu...
Nhớ chi khoảnh khắc vô thường đó ?
Ngoảnh lại chừ ta đã bạc đầu !!

Đêm dài mộng cũng dài lâu,
Xin đem cất giấu chôn sâu nỗi buồn.
NM             

Cảm xúc tháng 12

Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.
Sáng ra, xé tờ lịch cũ chợt giật mình, hóa ra đã sang tháng mười hai. Dạo một vòng trên Facebook, thấy bạn bè mỗi người chào tháng mười hai với một tâm trạng khác nhau. Kẻ háo hức, mong chờ, người thẫn thờ tiếc nuối.
Hiển nhiên rằng, dẫu mình đứng yên thì đời vẫn chảy. Dẫu muốn hay không thì ngày vẫn qua. Hôm nào, hè còn rực rỡ, rồi thu vàng phơi phới gõ cửa, chóng vánh lắm đã đến đông. Giờ đây, đông cũng rũ áo đi nhanh, buông mành cho những gì ở lại. 
Thời gian trôi nhanh nên người cũng gấp gáp quá chăng. Hôm qua, gặp đôi bạn trẻ hỏi đường, nó chỉ tận tình, cặn kẽ, vì đã thấm cảm giác đi lạc nhiều lần - cái hồi mới vào thành phố, ngơ ngác như gà lạc mẹ.
Thế nên, mỗi khi có ai hỏi đường, nó chỉ cho họ tựa như bằng cả trái tim. Lấy cả giấy bút ra minh họa cho hai bạn dễ hình dung. Nghe xong, cả hai người bình thản đi luôn, quên thả lại một câu cảm ơn nhẹ nhàng. Chặc lưỡi, chắc là họ đang vội. Nghĩ thế để đỡ buồn hơn với cuộc đời.
Lại nhớ, cái hình ảnh ghim sâu vào tâm trí hồi ở Huế, cũng tháng mười hai. Năm ấy, trời rét cắt da cắt thịt. Lang thang trên cầu Tràng Tiền, chợt thấy phía chân cầu, một người đàn ông đạp xích lô gầy nhom đang còng lưng chở ông bà khách Tây to gấp ba, gấp bốn lần.
Giữa tiết trời giá rét mà bác túa mồ hôi như nước, hì hục nhấc từng bàn đạp nặng trịch để bánh đỗ lăn trên cầu. Nhìn mà cứ sợ, bởi chiếc xe chỉ chực tuột xuống lúc nào không hay. Hai người khách ngồi trên điềm nhiên, chỉ trỏ, chụp hình.
Chạnh lòng mà nghĩ, chắc là cuối năm, bác cố gắng vượt sức để sắm cho con tấm áo manh quần. Người ta thi đua, nỗ lực đạt chỉ tiêu cuối năm cuối tháng thì bác cũng thế, âu cũng là cơm áo gạo tiền. Có chăng, khi cơ quan đoàn thể mừng thành tích, liên hoan cuối năm bằng những ly men sóng sánh thì người đạp xích lô ấy mừng bằng nụ cười của con trẻ, no đủ của gia đình. 
Chạy dọc đường quê, tháng mười hai, ở quê cũng vào vụ cuối. Ước sao những cánh đồng xanh mướt, thấm mồ hôi, đậm nụ cười cứ trải dài bất tận theo nhọc nhằn của người nông. Cho cơn gió tạt qua chỉ khẽ vỗ về, cho mưa cũng đừng nặng hạt. Cho ngày đủ nắng, cho người đủ sức cày sâu. Bát cơm cuối năm có thêm chút mặn mòi, để người nông đỡ tủi thân.
Tháng mười hai có sinh nhật ba, năm tháng qua lại nhắc rằng ba đang già thêm một tuổi. Bất giác lại để ý đến mái tóc của ba và vết chân chim ở đuôi mắt mẹ. Dấu vết thời gian cứ thi nhau vẽ vời, điểm tô lên hai nơi yêu thương ấy. Nghĩ mà xót xa, ước ao lắm cũng thế thôi bởi đó là quy luật muôn đời của tạo hóa.
Vạn vật cứ sinh sôi, trưởng thành, già cỗi... Tháng mười hai, cũng nhớ tròn một năm rưỡi ngày nội mất. Người còn vấn vương lắm bao chuyện ở đời, lo lắm cho từng đứa con đứa cháu, nhưng có lẽ đã xong chuyện nhân gian, đến lượt nên người phải đi.
Thương nhớ lắm nụ cười móm mém hơi trầu và cái dáng lưng còng thân thuộc của nội.
Nó cũng sinh ra trong một ngày cuối tháng cuối năm, hó hé ra đời trong một ngày sắp thay lịch mới. Những năm tháng tràn trề nhựa sống của thời con gái cũng sắp qua mà hóa ra vẫn chưa làm gì, chưa được gì. Có những cơ duyên đến rồi đi vì bỗng dưng người hay ta vô tình để tuột, không cố gắng để giữ.
Cũng bởi bao cám dỗ, thị phi ở đời làm lay động cái con người vốn thiếu lập trường ấy. Cuộc sống vẫn dửng dưng trôi đi bao ngày, người đi người ở lại. Người ước hẹn cùng nhau rồi cũng xa nhau khi đi hết một vòng yêu thương, ghét bỏ, những luẩn quẩn vô thường...

Ngẫm ra, tháng mười hai chỉ vừa đến, vẫn còn mấy mươi ngày nữa để hoàn thành nốt những việc của năm cũ. Sẽ yên tâm gói ghém và cất vào kho kỷ niệm, chỉ mang niềm vui và yêu thương sang thôi, bỏ lại buồn đau cho ngày tháng cũ. Rồi ta sẽ thay tờ lịch ấy, viết tiếp cho một năm tháng mới bắt đầu. 
Tháng 12 vừa về, tìm một chút lặng để thoáng qua bao cảm xúc mông lung, bộn bề thế thôi
 Alex Chu

Một chút lao xao,
Gió Đông chợt đến lao xao,
Miên man lạnh giá thấm vào con tim...
Sao em cứ mãi kiếm tìm,
Giang tay se chỉ chi miền hư vô ?
 Giờ thì thổn thức ngẩn ngơ,
Nhìn Đông ẩm ướt lòng thơ thẩn buồn !
NM

Suốt một mùa đông

Mùa đông rù rì đến sớm. Tôi ngồi uống ly mocha nhiều đường, trà bạc hà và ăn bánh rán nhân mứt quả bồ anh tử. Don lái xe dọc miền Nam, bảo sẽ mang về cho tôi chút gió. Sao lại gió? Vì gió thì miễn phí. Đồ keo kiệt. Vậy thì nắng nữa nhé? Ừ thì nắng nữa! Nghe đọc truyện
M. kéo cổ áo tôi cao lên. Anh bảo mặc phong phanh thế có ngày không còn tiếng mà cãi nhau với người ta. M. mặc áo dạ màu ghi xám. Quần âu kẻ sọc nhỏ mờ màu đen. Hai tay đút túi quần. M. đi thẳng lưng, đầu luôn hướng về phía trước, vuông với mặt đất một góc 90 độ. Tôi nhớ M. đến mê man lên được. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi M. nhìn tôi. Khi M. ôm chầm lấy tôi. Khi M. vuốt dọc sống lưng tôi. Cái cảm giác tê buốt đầu lưỡi khi mùa đông ràn rạt không thể lọt nổi qua kẽ hở bé tẹo lúc chúng tôi ôm nhau.
Don rủ đến Barca đi. Ở đấy có nhiều nắng lắm. Don sẽ mua tapas cho tôi, tuy không miễn phí nhưng cũng không đắt là mấy. “Đồ keo kiệt!”. Tôi lại hét ầm lên.  “Tapas mà chê à?”. “Về nhà đi Don, con Don đang đợi bố về”.  “Không, ở Barca cũng có mùa đông”.
Tôi sơn móng tay đỏ, mặc áo vàng. M. bảo tôi đang sưởi ấm mùa đông. Tôi rúc đầu vào ngực M. Mình lấy nhau đi. M. cười. Ừ lấy đi. Lấy luôn bây giờ! Tự nhiên thấy M. bị cuốn phăng đi. Bay chới với trong không gian với nụ cười còn chưa kịp tắt trên khóe môi. Lưng M. vẫn thẳng. Mắt M. vẫn nhìn tôi. Đầu lưỡi vẫn còn tê buốt. M.!
 Don kể vừa gọi điện về hỏi thăm con rồi Don im lặng. Don lại bảo hôm qua sinh nhật Breana tròn 6 tuổi. Lúc Don gọi về,  vợ Don - Karen nghe máy, nhất quyết không cho nói chuyện với con. “Đáng đời!”. “Làm ơn đừng mắng!”. “Cứ mắng”. Don trầm giọng đi hẳn. “Làm thế nào để nói với Karen?”. Tôi hỏi:  “Nói gì?”.
M. dắt tôi đi siêu thị. M. chỉ biết mua cà chua và thịt bò viên băm nhỏ. Tôi cười M. “Sao mà cười? Mua thêm cả phô-mai nhé. Thế mới đủ chất mà chống chọi với mùa đông”. “Ừ. Chống chọi với mùa đông”. Tôi lẩm bẩm một mình: “Chống chọi, chống chọi...”. M. rủ tôi đi chống chọi. Với nỗi sợ hãi. Với sự cô đơn. Với những cao hứng nhất thời bộc phát. Buổi tối hôm ấy, nằm bên cạnh M., tôi mơ thấy mình ngồi trước một nồi thịt bò viên hầm cà chua, à cả phô-mai nữa, to như cái vại. M. đứng sau lưng tôi, khăn buộc trên đầu hét lớn: “Cố lên! Cố lên!”. Tôi choàng mình tỉnh dậy. Ôm chặt lấy M. Nước mắt rịn ra. Ôi M.!
Tình yêu đã hết. Như thế nào là hết? Nghĩa là không còn thấy đam mê. Tôi không thôi nghĩ đến Don. Trẻ con cần có bố. Nhưng trẻ con cũng cần bố và mẹ chúng nó yêu nhau.
M. bắt đầu đi làm. Công việc của một nhân viên có trách nhiệm. M. mặc áo sơ-mi, quần u là thẳng mượt, li nào ra li nấy, xách túi da màu nâu, nhìn ra vẻ người đàn ông chững chạc, có trách nhiệm. M. là một người đàn ông chân chính. Chân chính vì hạnh phúc khi biết mình đang sống với một trách nhiệm trên vai. Buổi sáng M. đi làm, tôi pha cà phê thêm vào một nửa thìa mật ong vàng sánh. Loại mật chiết xuất từ hoa cây keo, màu tím, rất hiếm. Đấy là trên vỏ chai người ta quảng cáo thế, chắc để cho tương đương với cái giá 8 euro. Tôi thắt cà-vạt cho M. Sửa cổ áo cho M., lắng nghe M. thở nhè nhẹ vào bầu không gian lạnh quánh. Tôi nhìn M. mang giày. Mở cửa. Gió ở ngoài đùn đẩy ùa vào, thi nhau chích lên đầu những ngón chân trần.
Mùa đông rù rì. Lẩn quất.
Don đã về đến Philadelphia. Ở sân bay Don gọi điện, bảo trời mưa ghê quá, chắc chưa về nhà vội. Tôi trả lời: “Thôi đừng có kiếm cớ”.  “Chắc từ nay không gọi điện nữa”. “Tại sao?”. “Mỹ với châu Âu, phí cao lắm!”. “Về nhà cài cái chương trình MSN vào máy tính cho miễn phí”. Don im lặng. Tôi im lặng. Không có chiến tranh. Không có sinh ly tử biệt. Không có bom đạn khủng bố. Không có vũ khí hóa học, quái vật ngoài hành tinh. Vậy mà im lặng đôi khi có thế giết chết người. “Thôi đi về đi! Karen có thể sẽ hiểu, có thể sẽ không hiểu. Trẻ con có thể hiểu, có thể cũng sẽ không. Nhưng dù sao, trở về để không còn xa cách nào nữa”. Tôi nói với Don, mà tưởng như đang độc thoại.
Những con đường lát gạch trong khu phố cổ phủ đầy khói lúc mùa đông. M. bảo là do sương không tan đi được. Những con đường đó làm tôi thấy mình đang sống trong ảo ảnh, và M. là một phần của nó. M. mua cho tôi một cốc vang đỏ nóng, bên cạnh một cửa hàng bán đủ loại đồ lưu niệm thập cẩm. Từ những cái hộp nhạc lò xo rè rè những bài tình ca cũ kỹ cho đến những chai rượu mùi sô-cô-la gói ghém lòe loẹt. M. nhận xét cũ mèm ra thế rồi còn bán. Tôi cười, nghĩ chắc vì đây là phố cũ. M. lại nhận xét cũ thế có khi thành mốt, thành nghệ thuật, thành lãng mạn. M. có vẻ thích thú lắm khi chỉ trích vào lãng mạn! Khói ở những con đường cũ tan dạt ra, bay về hai, ba, bốn năm hướng, để lộ những ngôi nhà mòn vẹt vì thời gian, vì hàng ngàn hàng vạn điều rủ rỉ không thành lời.
Vợ Don dọn đi khi anh trở về. Don bận tối mắt tối mũi. John chỉ lên 2. Breana lên 6, học lớp 1. Buổi sáng Don dậy lúc 5 giờ, cho bọn trẻ con đánh răng, ăn sáng, đến lớp. Buổi chiều đón chúng về, nấu cơm, tắm rửa. Don bảo cuộc sống thật hạnh phúc. Chúng là những thiên thần. Tự nhiên hai bàn tay tôi siết chặt. Tôi buột miệng hỏi có cần tôi đến giúp. “Đến đâu?”. “Đến Philadelphia, nhà Don”. Ngôi nhà màu trắng, cửa mở trông ra con đường gọn ghẽ như được vẽ ra từ trong giấc mơ. Tôi biết làm pancake buổi sáng. Biết trẻ con cần phải ăn rau củ đầy đủ. Biết trẻ con cần sự kiên nhẫn vô cùng từ người lớn. Don chúc tôi ngủ ngon bằng một nụ hôn nhẹ như thở qua điện thoại. Từ đây cách Philadelphia 6 múi giờ.
M. đang thao thao về một tổ chức xã hội đang nổi lên ở một thành phố lớn nào đó của Trung Đông. Nó ảnh hưởng đến cả bữa cơm tối lãng mạn. Dạt cả nến, cả hoa. Tôi nắm tay M. Tôi nhìn thẳng vào mắt M. Tôi để mặc cho đám tin tức về cái tổ chức xã hội của M. bay vò vè quanh tai. Đầu tôi lắc khẽ, cố để xua đi. Một hành động vô hình. Chắc M. chẳng bao giờ để ý đến. Đột nhiên M. im bặt. M. hỏi tôi có thích đi du lịch vào mùa hè không. “Đi đâu?”. “Đi đến nơi nào em muốn”. Trong đầu tôi bật ra ngay hình ảnh Philadelphia. Ngôi nhà trắng. Con đường gọn ghẽ. Hai tờ báo sáng cuộn tròn quăng trước cửa. Don và bọn trẻ. Những hình ảnh đó tới tấp bay vội vã ra khỏi nơi ẩn náu tận sâu trong đầu óc tôi như thể nếu không trốn thoát ra khỏi lúc này thì đến một vạn năm sau chúng vẫn phải còn ở nguyên chỗ ấy. M. hắng giọng. Rượu vang đỏ hết. Chúng tôi nắm tay nhau, bước đi trên con đường lát gạch lởm chởm, gập ghềnh. Đã từ rất lâu, chúng tôi không còn đặt tên cho nỗi buồn nữa. Phải, đã từ rất lâu, từ khi M. nói thủ thỉ với tôi: “Anh không đủ để lấp hết những nỗi buồn của em ư?”.
Mùa đông ẩm ướt.
“Bọn trẻ con sẽ không hiểu”. Don mở đầu e-mail như thế. Philadelphia trở lạnh. John ốm. Don ốm. Mọi thứ rối tung như món thập cẩm nào đó ở quận Mười ba Paris. Tôi bật cười. Don nhớ Paris. Paris có tôi tóc dài “không có mùi hóa chất”, hay thở dài để kiếm cớ hát những bài hát tiếng Anh thật kinh khủng. Những cuộc bỏ trốn bao giờ cũng thú vị. Vì những sợ hãi, lo lắng rất thật sẽ khiến trái tim kích thích khôn cùng. Cho đến trước khi tôi 30, hãy cố mà bỏ trốn lấy một lần. Đến một nơi xa lạ. Gặp một người xa lạ. Xao động với hắn ta. Mơ mộng với hắn ta về New Zealand, về những con cừu, về xe ngựa leng keng ngày cưới. Bất kể là thứ gì. Miễn phí mà, phải không? Đừng nắm trái tim mình bằng cả hai bàn tay siết chặt. Tôi thấy Don như thế đang đứng phía bên kia cánh cửa. Mỉm cười. M. mà biết chắc đánh Don tím người, M. nhỉ!
M. bảo tôi đưa hộ chiếu để M. làm giấy tờ cho tôi đi Mỹ vào mùa hè. Lúc M. nói, tôi đã nhìn chăm chú vào mắt anh. Tôi kiếm tìm sự nghi kị, dò hỏi, ghen tuông, hay bất kỳ một dấu chấm hỏi nào đấy cũng được. Tôi nghiêng đầu sang trái, quay mình sang phải, nắm lấy tay M. Chỉ có tiếng rè rè phát ra từ lò sưởi gắn tường. M. vừa soạn giấy tờ vừa “quảng cáo” về Philadelphia một cách nhiệt tình. Nào là Liberty Bell, và món bánh mì kẹp thịt bò và phô-mai đun chảy, cả những trung tâm thương mại nữa... M. có vẻ như đã tìm hiểu rất kỹ và rất nhiều. “Anh không thắc mắc tại sao em muốn đi Philadelphia à?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Anh nghĩ là em thích”. Mắt M. vẫn chưa ngước lên. “Nhưng tại sao lại thích thành phố ấy, mà không phải New York hay Cali?”. Tay M. vẫn tiếp tục soạn giấy. “Có bao giờ em thích gì mà cần lý do đâu nào”.
Mùa đông mưa bay lất phất.
Tôi nghe gió về sàn sạt. Cuối tháng mười một, trời đã bắt đầu có tuyết. Lúc ra đường, hai tay cứ phải ghì chặt lấy cổ áo, mặt mũi cúi gằm vì buốt. Những ngày cuối năm kề cận, M. bận túi bụi với những báo cáo tổng kết. Tối nào cũng gọi điện một lần hỏi xem hôm nay tôi có ăn đủ bữa hay không. Tôi thấy tháng mười hai hối hả ngoài cửa sổ, vậy là vội vã quay mình, giấu đầu trong lớp chăn bọc vải hoa tím ngát. Don ngày nào cũng kể chuyện trẻ con. Nào là hôm Halloween cùng trẻ con đi xin kẹo, khắc bí ngô. Breana khéo tay nhất nhà. Lễ Tạ ơn lại còn bận hơn cả, suýt nữa thì làm cháy con gà. John đã nằng nặc đòi mang cây thông về trang trí. John lý luận rằng nhà nào có cây thông sớm, ông già Noel sẽ đến sớm hơn. Don hỏi tôi đã viết thư gửi ông già Noel chưa mà sao Don chưa nhận được. Ăn ngoan, ngủ ngoan, Don sẽ để dành cho tôi một nụ hôn giao thừa thật lớn... Tôi nhìn thấy tháng mười một giãy giụa. Vậy là tôi khóc. Òa lên. Nấc lên. Tôi đổ thừa tại tháng mười một đã bỏ đi quá vội. Tôi đổ thừa tháng mười hai, người ta rủ nhau hân hoan, rủ nhau hạnh phúc. Tôi đổ thừa gió, đổ thừa mùa đông, đổ thừa cả cái lò sưởi rè rè không dứt... Ấy vậy mà không thể đổ thừa Don.
M. bảo dạo này tôi hay nói mê trong giấc ngủ nhưng nói gì thì M. không nghe rõ. Tôi lại hay giật mình hơn trước. Đừng sợ vì có M. ở bên. M. sẽ chống cả bầu trời cho tôi được an giấc. Thỉnh thoảng, tôi thích chống cằm ngắm M., nhìn bản năng đàn ông đầy trách nhiệm và che chở như một vầng hào quang bao phủ lấy anh. Tuần nào M. cũng gọi điện về Việt Nam cho gia đình, cho cả mẹ tôi. Bất kỳ một cuộc gọi nào, M. cũng kết thúc bằng câu: “Cô cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe, con sẽ lo lắng đầy đủ cho em”. Tôi biết mình không phải là một đứa con gái ngoan nhưng đủ hiểu chuyện để cảm thấy biết ơn M. mỗi lần như thế. Mà lòng tốt ấy đôi khi như tấm vải vuông che ngang trước mắt.
Mùa đông lỡ cỡ.
Don viết một e-mail rất dài. Không rõ đâu là đầu và đâu là cuối. Chỉ có những dư âm vảng vất cứ chạy dài từ dòng chữ này sang dòng chữ khác. Don thôi không kể chuyện về trẻ con. Về thời tiết hôm nay ở Philadelphia. Về nhiệt độ ở những công trường mà Don hay phải tới. E-mail của Don đầy những chữ cái cụt ngủn. Đầy những dấu chấm cảm và chấm xuống dòng. E-mail của Don là lời chào vĩnh viễn. Giống như một buổi sớm mai thức dậy, Don mở cửa và ra đi.  Đọc xong mail Don, tôi chợt nhớ đến lúc tôi mười sáu tuổi, cậu bé nhà hàng xóm gửi tặng một tấm bưu thiếp vẽ đầy hoa. Trong bưu thiếp viết: “T. à, đừng bao giờ buồn lúc mùa đông nhé, trời lạnh lắm, chúng không tan ra được đâu!”. Ừ phải, trời lạnh lắm! Làm thế nào để những nỗi buồn của tôi có thể tan ra được chứ?
Tôi sinh vào cuối tháng hai. Khoảng thời gian mà mùa xuân và những ngày nắng ấm đã bắt đầu nhen nhóm thèm khát trong lòng người. Vào lúc mười ba giờ hằng ngày, tôi ngồi uống trà trong một tiệm nhỏ ngay trong trung tâm thương mại. Phải đến tuần thứ ba, tôi mới nhận ra rằng, mình là kẻ duy nhất lạc lõng ở đây. Ở phía cửa sổ là người đàn ông quần áo chỉnh tề, cắm cúi vào máy tính xách tay, tập trung đến độ không thể ngẩng đầu lên nhìn người phục vụ để nói lời cảm ơn khi anh ta đặt ly cà phê xuống bàn. Ngay bên cạnh tôi, ba người phụ nữ trung niên văn phòng, hăm hở khoe mình giảm cân, mua ti vi màn hình phẳng, chồng tặng váy lụa Maje đến tận mấy trăm euro, mùa hè này cả nhà sẽ đi đảo Martinique... Một đám thanh niên tầm mười sáu, mười bảy tuổi ồn ào nói cười ở góc quán. Tôi đôi khi cảm thấy ganh tị với họ. Tôi gọi điện cho M. M. bảo ai cũng có những chuyện khổ sở của riêng mình. M. bận, bảo tôi đừng nghĩ vớ vẩn nữa hay thôi ngồi quán lúc nghỉ trưa, mua cà phê về văn phòng mà uống. Những chuyện nói cười, khát khao của thiên hạ hà cớ gì mà tôi phải ganh? Cuối tuần M. sẽ dắt tôi đi mua một loạt váy mùa xuân. Tôi không đi Philadelphia nữa.
Phan Ý Yên

Kỷ niệm tháng 12,
Tháng mười hai thật nồng nàn yêu dấu...
Dẫu cố quên mà nhớ thật thiết tha,
Cuộc đời người là những chuyến tàu xa...
Cứ đi mãi biết bao giờ trở lại ?

Tháng mười hai hết thu vàng phai lá,
Đã qua rồi ký ức kỷ niệm xưa...
Chuyến tàu qua có dừng lại bao giờ,
Trong Đông rét một mình ai ngóng đợi  ?

Thân tình xưa giờ cách xa vời vợi,
Biết khi nao đáp tạ được thâm ân ?
Bó hoa thơm ấm áp cõi hồng trần...
Trong sương sớm đôi má dường ướt đẫm !
NM

Chào nhau trong sương đêm 
GN - Chiều hai bảy tháng Chạp, sư thầy về tới chùa thấy một bó huệ trắng đặt trên tợ gỗ. Nghe chú tiểu thưa chiều nay có một người đàn ông đến thăm chùa, dâng hoa cúng Phật. Người đó sao? Chú tiểu nghĩ một lúc mới nhớ ra, à, ông ấy bảo làm nghề lái tàu hỏa. Vị thí chủ nhắn gì nữa không? Thưa thầy, hình như không, ông về lúc nào con cũng không hay.
Thầy cho phép đệ tử ra ngoài. Cái chú tiểu này chắc ham chơi nên chẳng thiết tha đón khách, hoặc cũng có thể vị thí chủ kia vội quá không ở chơi đợi thầy được. Tiếc quá, lâu nay thầy mong gặp người lái tàu mà giờ người ấy đến chùa lại nhằm lúc thầy vắng. Thôi thì tùy duyên. Cuối năm, thầy trò ở chùa vẫn thư thả mặc nhiên như giao thời vô thường, còn ngoài kia dân tình ai cũng bận rộn.
* 
Lối ra đài Quan Âm sương phủ mỏng trên những lớp cỏ. Quanh năm hầu như đều thế, có sương, lúc ba giờ sáng, khi sư thầy thức dậy đi thắp hương quanh chùa để chuẩn bị tụng kinh. Vừa đi, thầy vừa niệm: Tùng triêu Dần đán trực chí mộ, nhất thế chúng sanh tự hồi hộ, nhược ư túc hạ táng kỳ hình, nguyện nhữ tức thời sanh Tịnh độ (Từ sáng giờ Dần suốt đến tối, hết thảy chúng sanh tự giữ mình, nếu lỡ mất mạng dưới chân tôi, cầu nguyện tức thì sanh Tịnh độ). Bài kệ trong sách Tỳ ni nhật dụng thiết yếu thầy thuộc lòng từ thuở bắt đầu học đạo. 
Dường như thời khắc đó loài côn trùng đang ngủ, thầy không nghe được tiếng rỉ rả nào. Chỉ có một tiếng còi tàu hú rất gần. Tiếng hú ngắn, vừa đủ cho những ai đang đến gần đường ray nghe được, ai ngủ rồi thì không bị đánh thức. 
Vùng bán sơn địa này mấy ai dậy giữa đêm, chỉ có thầy công phu khuya. Ngay cả đoàn tàu chạy qua đây, hành khách cũng không nhiều người thức, chỉ có người lái tàu vẫn phải tỉnh táo. 
Hai con người đã nhìn thấy nhau giữa đêm. 
Và họ đã chào nhau. Trong sương đêm. 
Kiểu chào cũng có đổi khác theo thời gian. Lúc thầy còn là chú tiểu mười hai tuổi, chú tiểu khi ấy đã cúi đầu chào người lái tàu. Người lái tàu hồi đó còn trẻ, cũng gật đầu chào lại. 
Sau thọ giới Sa-di, chỏm tóc trên đầu chú tiểu đã được cạo sạch. Người lái tàu và chú Sa-di đưa tay trái lên vẫy chào. 
Đến lúc thầy đã thọ Tỳ-kheo, mỗi lần thấy nhau cả thầy cả người lái tàu đều đưa một tay lên ngực, các ngón tay khép khít, cung cách như đang vái nhau, rất khẽ. 
Thầy có cảm giác đoạn qua đây người lái cho tàu chậm lại. Chỉ vài giây lướt qua, với một khoảng cách không quá gần không quá xa, đủ nhận ra khuôn mặt của nhau và nhìn thấy nụ cười nhau.  
Thường mỗi tuần, vào đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật, thầy và người lái tàu lại nhìn thấy nhau. Cái thời gian biểu lặp đi lặp lại khiến thầy nghĩ hẳn người lái tàu phải là một người cô đơn lắm. Sao cứ phải nhận lấy những ngày cuối tuần ngồi buồng lái, chắc là không vợ con ít bạn bè. Ý nghĩ đó có dấy lên trong thầy chút thương cảm, và thầy mong có ngày gặp được người lái tàu.
* 
Thế mà chiều nay người ấy chủ động đến chùa thầy lại đi khỏi. 
Thầy cắm bó huệ trắng lên bàn chính giữa, ngay trong chánh điện, không quên nguyện cho người lái tàu được an lành. 
Lật lịch, ba hôm nữa là giao thừa, đúng vào đêm thứ Bảy, là ca làm việc của vị thí chủ. Như thế thì thầy và người lái tàu sẽ được chào nhau vào ngày đầu năm mới. 
Thầy cảm nhận rõ sự tất bật từ những chuyến tàu chạy qua bên vườn chùa. Những nhốn nháo lố nhố chật chội trên toa mấy ngày cận Tết, khác hẳn ngày thường. Nhưng thầy cũng thấy xốn xao vui lây niềm vui của những người được về quê đón Tết. Thỉnh thoảng thoáng qua cửa toa một cành đào hồng trên chuyến tàu vào Nam, hay một chậu quất chở ngược ra Bắc. Thầy vui, như ngày xưa còn nhỏ ở chùa nhìn thấy máy bay lướt qua bầu trời. Chỉ một vài khoảnh khắc đó thôi mà như thấy cả sự chuyển động bên ngoài kỳ vĩ. Ít ra nó làm cho cái sự yên tĩnh ở ngôi chùa này bớt cô quạnh. Nhất là trong những ngày năm cùng tháng tận, hoa trên tàu như gợi nỗi tha hương. 
Thầy không biết quê hương. Ngài sư phụ đã nhận được thầy trên thềm hiên ngôi chùa này, lúc đó thầy mới sanh được vài ba tháng. Lớn lên thầy nhận đất Phật làm quê hương.

Hồi thầy còn là chú tiểu, mỗi bốn giờ sáng lục cục thức dậy tụng kinh, sư phụ cứ tưởng chú tiểu đang sửa soạn bỏ chùa đi. Đấy là khoảng thời gian đoàn tàu sắp chạy qua chùa huýt một hồi còi nửa xua đuổi nửa mời gọi. Một đứa trẻ không biết gốc gác rất dễ sẽ nhảy lên cái đoàn tàu giữa đêm để đi tìm nơi chốn mới 
Chú tiểu đã đôi lần xao động, nhưng nhờ cái điệu chào của người lái tàu đã giúp chú bình tâm trở lại. Một cái gật đầu từ trên buồng lái như dặn dò chú tiểu phía dưới hãy ở yên đấy. Sau đến kiểu chào vái tay, thầy biết mình đã được tôn kính trên con đường đạo, giờ mà xả giới thì phải làm lại từ đầu, phá bỏ hết công năng tu tập bấy lâu.
Nghề lái tàu chắc là chán lắm? Thầy muốn gặp người ta chỉ để hỏi một câu đó thôi. Một hành trình lặp đi lặp lại không gì đổi khác, một cái khoang nhỏ tự đóng mình trong đó với sự canh chừng đầy căng thẳng. 
Thầy cũng đóng mình trong ngôi chùa đó thôi
Thậm chí ngôi chùa này còn không có một hành trình nào cả. 
Thầy và người lái tàu, hai con người buộc giữ mình trong hai khoảng không cố định. Một cái động lướt qua một cái tĩnh. Cái động làm cho cái tĩnh đỡ vắng lặng. Cái tĩnh của thầy cũng giúp cho cái động ổn định trên hành trình của nó. Bốn giờ sáng, thời điểm người ta rất dễ bị chìm vào giấc ngủ. Người lái tàu qua đây nhớ ra phải tỉnh táo để chào thầy một cái. Thành ra, cả hai người như mang ơn nhau, có duyên với nhau trên hành trình của mình. 
Qua giao thừa, thầy ngồi uống trà khai xuân. Đây là đêm duy nhất trong năm có nhiều người thức. Một khởi đầu năm mới thức đón những tinh hoa ban mai. Thầy cũng thức trắng để đợi người lái tàu. 
Lúc thầy cắm nhang vào chiếc lư ở đài Quán Âm chợt giật mình nghe tiếng còi tàu. Tiếng còi khác những lần trước, réo vang hơn, sảng khoái. Bắt đầu một năm cái gì cũng mang tín hiệu mới. Nhưng đó không phải người lái tàu thường chào thầy. Ngày Tết, ngành đường sắt thay đổi lịch làm việc là chuyện bình thường. 
Thầy vẫn đưa tay lên chào đoàn tàu, dù không có bàn tay nào trên kia chào lại. 
Tết, người ta có thể nghỉ ngơi để vui xuân, chùa thì vẫn khói hương tụng kinh như thường. Bắt đầu từ ngày mùng một là ngày vía ngài Di Lặc - Đức Phật vị lai biểu thị niềm lạc quan hạnh phúc. Nếp quen bốn giờ sáng dậy tụng kinh thầy vẫn giữ, không có nghỉ Tết
 Đã hai mươi ba năm thầy biết người lái tàu, một quãng thời gian dài trong đời người. Tàu lướt qua nhanh, thầy chỉ thoáng thấy gương mặt mà không nhìn được mái tóc người lái tàu, có lẽ ông ta đã già, đã nghỉ hưu. Cũng có thể ông chỉ nghỉ phép trong dịp Tết này. Hay vì một sự cố nào đó trên đường ray ám ảnh buộc ông phải nghỉ dài ngày để tĩnh tâm. 
Hết Tết, vẫn chưa được chào người lái tàu, thầy dò la thông tin xem mấy bữa trước có sự cố tàu hỏa nào không. Tin tức ngành đường sắt ngày Tết ngoài chuyện hành khách đông đúc không thấy có gì trầm trọng. Tất nhiên có nhiều chuyện trong ngành chỉ biết với nhau, thậm chí chỉ những người trong khoang lái biết thôi. 
Hoa huệ của vị thí chủ lái tàu đem cúng đã tàn. Ngày đem bình xuống súc rửa thầy nghĩ thôi thì dù sao người lái tàu cũng không phải rong ruổi trên hành trình quen thuộc mấy ngày Tết. Có khi vị thí chủ được ăn Tết ấm cúng rồi cũng nên. 
Phải chăng thầy và người lái tàu chỉ có duyên chào nhau mà không thể bắt tay nhau, không nói được câu nào với nhau.
* 
Từ cái Tết đó, phải thêm mười năm sau thầy mới lại nhìn thấy người lái tàu và biết tên ông, thậm chí thấy rõ hơn khuôn mặt từng thoáng qua sau tấm kính trong. Một tấm hình bán thân đen trắng kèm theo bài báo tưởng niệm người lái tàu cần mẫn. 
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong ba mươi sáu năm làm nghề lái tàu của ông là lần kịp hãm phanh cứu sống một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi giữa hai đường ray. Người lái tàu đã bồng đứa bé ra từ dưới đầu máy, và gửi vào một ngôi chùa. Trên hành trình chạy tàu, qua chùa, ông vẫn nhìn được sự trưởng thành của đứa bé mình từng cứu sống, bây giờ đã là sư thầy. Nhưng người lái tàu không gặp lại sư thầy để cho biết chuyện xưa, bởi ông không muốn sự xuất hiện của mình làm xáo động con đường đang đi của người kia. Hơn ai hết, người lái tàu hiểu một hành trình khi bị trật ray nguy hiểm đến nhường nào”. 
Bức ảnh in kèm bài báo chụp người lái tàu mỉm cười, đưa tay lên khép ngón như đang vái chào
Thầy cũng đưa tay lên chào bức hình. Trong đêm sương đẫm.
Hoàng Công Danh

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chiếc quạt mo cau

Quạt mo xưa,
Tim đâu luồng gió mát,
Của chiếc quạt mo xưa...
Những trưa hè nóng nực,
Ầu ơ nhịp võng đưa !

Trong hanh hao ngày nắng,
Con say giấc ngủ nồng...
Quạt luôn tay phe phẩy,
Mẹ nhớ ngày sang sông !
NM

Quạt mo một thời

Trưa nay, điện lại cúp. Má lom khom tìm một vật gì đó đại loại như một tờ giấy cứng, một cuốn vở để quạt. Loay hoay mãi bà cũng tìm ra thứ để làm vơi bớt cái nóng miền Trung đang gay gắt. Bà lẩm bẩm: "Những lúc như thế này lại nhớ quê, nhớ cái quạt mo ngày xưa”. 
Lời than thở của má thoáng làm tôi giật mình. Cái dáng má gầy gầy dưới ngọn đèn dầu cầm chiếc quạt mo ru thằng em ngủ trong mái nhà tranh ngày nào lại hiện về trong ký ức tôi.
Ngày mẹ tôi về làm dâu, nhà ông bà nội còn nghèo lắm. Cả gia đình mười mấy miệng ăn, ông bà cho ba má ra ở riêng. Căn nhà tranh vách đất dựng tạm bên góc vườn nhà nội hằng ngày rộn tiếng cười của chị em tôi. Ba đã quyết chí lập vườn, trồng cau, cải thiện kinh tế cho gia đình. Được ba mẹ chăm nom, nuôi nấng từng ngày, khi tôi biết chạy nhảy nô đùa, vườn cau nhà tôi đã lớn lắm rồi.
Đến mùa cau trổ bông, mẹ lại lấy bẹ cau vừa rơi xuống, tỉ mỉ dùng dao cắt mo cau thành cái quạt. Chỉ cần má huơ qua huơ lại vài vòng trên cái lưng trần là chị em tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Tôi lớn lên cùng với những chùm hoa cau tinh khiết tỏa hương bên khung cửa, với những buổi trưa hè, buổi tối cố nhích thật gần để tận hưởng làn gió mát từ chiếc quạt mo trên đôi tay gầy gò của má. Đó là chưa kể những hôm tôi hay em bị cảm sốt, má phải thức trắng đêm quạt để giảm bớt cơn sốt.
Không biết từ bao giờ, chiếc quạt mo đã gắn liền với đời sống của nhiều người nơi vùng nông thôn nghèo như quê tôi. Chiếc quạt bé nhỏ được làm từ mo cau nhặt ngoài vườn, ấy vậy mà đã xua đi bao cơn nóng hừng hực của những luồng gió tây nam len lỏi vào từng ngõ ngách, xua bớt cái mỏi mệt của một ngày làm việc nhọc nhằn...
Tuổi thơ tôi với những ngày cơ cực cũng qua đi. Tốt nghiệp đại học tôi quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người. Lâu lâu, tranh thủ những lúc rảnh rỗi tôi chở má về thăm quê.
Diện mạo quê tôi thay đổi từng ngày. Những con đường được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Ngang qua lối cũ, vườn cau đã không còn. Từ ngày có điện, cơm ăn hằng ngày được nấu bằng nồi cơm điện, tủ lạnh bảo quản thức ăn, máy giặt để giặt quần áo, quạt cũng chạy bằng điện..., người ta không còn thói quen dùng quạt mo nữa.
Quạt mo đã không còn giá trị, thậm chí đa số trẻ con bây giờ không biết và không còn nghe nhắc đến quạt mo. Phải chăng có những điều đã thật sự chỉ còn là kỷ niệm một thời? 
PHAN THANH LY

Quạt mo

Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ. Mẹ cầm chiếc quạt, huơ qua huơ lại, xua tan cái nắng nóng, làm mát rượi tấm lưng trần, các con bình an chìm vào giấc ngủ…
Trước sân nhà tôi có cây cau, ngày nhỏ chị em tôi cứ đu dưới gốc tập trèo rồi ngã kềnh xuống đất. Cây cau không cho bóng mát, trái cau trẻ nhỏ không ăn được, giá như trẻ con cũng nhai trầu, chắc tôi đã có “thiện chí” hơn với cây cau. Tóm lại, mấy chị em không vui vẻ gì chuyện nhà có cây cau trước cửa. Có lần chị Sáu đem về cây si, chị xin mẹ trồng trước ngõ cho mát. Cau ốm nhách, không có bóng mát để chơi - chị nhìn cây cau bĩu môi nói thế. Mẹ tôi không chịu, mẹ bảo, đó là cây cau bà nội trồng. Bà nội không phải là người nghiện trầu, chỉ có những ngày lễ Tết bà mới ăn trầu để vui với mấy người bạn già. Bà trồng cau vì bà lí lẽ rằng: Không phải cứ thích cây gì là trồng cây đấy được, phải nhớ “Trước cau sau chuối”. Cây có nhiều lá đem trồng trước nhà sẽ cản trở gió lành. Trước nhà chỉ nên trồng cây mảnh, dáng cao, lá sáng… như một hàng “danh dự” đẹp mắt.
Chị em tôi lớn cùng cây cau trước ngõ, rồi tôi cũng dần hiểu những tiện ích và vẻ đẹp của cây cau… Hoa cau đẹp, thánh thiện và linh thiêng. Hương cau thoang thoảng, ngọt ngào… Hoa cau nở vào cuối xuân đầu hạ. Hoa cau đặc biệt lắm, nó nở không có ngày tàn, nở mãi cho đến khi có quả. Những ngày lễ Tết, mẹ bày hoa cau trên bàn thờ, hương thơm thanh cao, tôn kính. Trong những ngày lễ truyền thống của người Việt ta không thể thiếu cau khi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi “tay mang trầu đầu đội lễ” trong ngày cưới. Đám cưới lớn thì trong quả lễ đầy ắp buồng cau trăm quả, đám cưới nhỏ, chuẩn bị đơn sơ thì cũng chẳng thể thiếu chùm cau với lá trầu đặt vừa đĩa… Lá cau là bạn của những người nội trợ. Mẹ rửa sạch lá, lau khô gói bánh tro, miếng bánh dẻo thơm mùi nếp, thơm thoang thoảng mùi lá cau.
Mùa cau trổ bông, mẹ nhặt bẹ cau mới rụng (cái nào bao bọc buồng cau thì gọi là mo cái, còn cái nào trong không có buồng gọi là mo đực) làm quạt. Mo cái thanh mỏng, ruột trắng phau làm quạt vừa nhẹ, vừa đẹp. Làm quạt mo cũng phải có “nghề” chứ không phải có mo là có quạt đâu nhé. Tôi ngày nhỏ thấy bẹ cau rơi thì lượm và bắt chước mẹ làm quạt mo nhưng rồi hí hoáy mãi vẫn không thể “chế biến” ra cái quạt mo. Hèn chi cái quạt của thằng Bờm làm phú ông thích thú đến vậy.
Mẹ bảo, khi mo cau còn tươi, vừa mới lìa khỏi cây cau, đem cắt bỏ tàu lá và khéo léo gấp hai mép ở một đầu sao cho dễ  cầm còn đầu kia cắt cho đẹp để lùa gió (nhìn quạt mo có hình tương tự chiếc lá bàng nhưng dẹt và dài hơn một chút). Sau khi đã làm xong thì lấy đồ vật nặng để ép cho quạt phẳng. Chờ ít hôm quạt khô là có thể phe phẩy vô tư. Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ. Mẹ cầm chiếc quạt, huơ qua huơ lại, xua tan cái nắng nóng, làm mát rượi tấm lưng trần, các con bình an chìm vào giấc ngủ…
Ngày đó nghèo, cuộc sống đơn sơ nhưng ấm áp. Đêm nào cũng vậy, sau khi chị em tôi làm xong bài mẹ trải chiếu ra giữa sân, lấy chiếc quạt mo huơ phành phạch, chị em nằm ngoan ngoãn nghe mẹ kể chuyện đời xửa đời xưa, nghe mẹ đọc ca dao… Khi chúng tôi thiêm thiếp ngủ, mẹ sẽ ẵm từng đứa vào giường. Chị em tôi lớn lên cùng tiếng ru hời của mẹ, cùng những lời hát cái cò cái vạc, cùng tiếng phành phạch của chiếc quạt mo trên tay mẹ… Thời gian qua đi, con gái mẹ bây giờ cũng đã làm mẹ…
Cuộc sống hiện đại, máy điều hòa, quạt điện, quạt hơi nước đủ kiểu. Con tôi đi học, về nhà đọc “Thằng Bờm có cái quạt mo…” rồi cười toe toét hỏi mẹ “ Quạt mo là gì hả mẹ?”. Tôi sững người, đưa mắt nhìn ra sân. Trước sân nhà tôi trồng đủ cây cảnh nhưng không có cây cau mảnh khảnh… Những kỉ niệm tuổi thơ hối hả ùa về, tôi thấy nhớ chiếc quạt mo mẹ thường bỏ trên đầu giường mà mỗi đêm trời nóng bức, dù chập chờn thức ngủ vẫn đưa tay tìm được. Tôi như nghe tiếng phành phạch của chiếc quạt trên tay mẹ…
Con gái xa quê, nhớ chiếc quạt mo, nhớ nhà, nhớ mẹ…
Nguyễn Thị Bích Nhàn(Xã Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)

 Cơm nắm mo cau,
Dẻo thơm cơm nắm nóng,
Con ngồi nhớ tích xưa...
Thuở bé thơ con ngủ,
Giữa trưa hè võng đưa.

Tiếng mẹ ru êm ả,
Gió xào xạc vườn sau..
Hương mo cau thoang thoảng,
Giọng mẹ thêm ngọt ngào !!

Bao giờ trở lại vườn quê,
Cho con nguôi nhớ nẻo về vườn sau...
Ôi thương chiếc quạt mo cau,
Thương cơm nắm nóng năm nào mẹ ơi !!
NM

Cơm nắm mo cau
Đêm mùa hạ êm đềm nơi quê ngoại. Lặng ngắm ánh trăng vằng vặc chiếu qua khung cửa sổ mở rộng đón gió trời và tận hưởng hương hoa cau dịu ngọt trước thềm nhà thoảng đến. Trong yên tĩnh của đêm, chợt nghe âm thanh của một tàu cau già khô giòn rơi bộp trên nền đất, những kỷ niệm gắn liền với chiếc mo cau lại ùa về.

***
Mảnh vườn trước nhà ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng trồng một hàng cau thẳng tắp. Cây cho bóng mát, quả để ăn trầu và những tàu cau già rụng xuống cũng không hề bỏ phí. Những tàu lá cau buộc chụm lại, cắm vào giữa một chiếc gậy tre làm thành chổi quét sân, quét ngõ cho bà không phải cúi mỏi lưng. Mo cau ép phẳng, cắt thành những chiếc quạt vừa bền vừa mát. Ngày hè, dòng nước mưa từ thân cau được hứng bằng những tàu cau chảy vào bể dường như mát ngọt và thơm hơn như được ướp hương hoa. Đối với đám trẻ con nông thôn, mấy ai chưa từng một lần ngồi lên chiếc xe mo cau để chúng bạn kéo đi khắp sân và cười giòn giã khi đứa bạn tuột tay làm ngã lăn ra đất. Sướng nhất là được ăn cơm nắm mo cau, bởi món này ngày thường đâu phải cứ thích là có ngay. Chỉ khi nhà có người đi đâu xa hoặc vào lúc mùa vụ, công việc nhà nông bận rộn, cánh thợ cấy, thợ cày, thợ gặt tranh thủ làm, không kịp về ăn cơm trưa thì các bà, các mẹ mới làm cơm nắm. Người quê vốn tiết kiệm, bản tính lại chu đáo, hay lo xa, sợ người thân khi có việc đi đâu lỡ độ đường phải cơm hàng cháo chợ nên có mo cơm nắm vừa lành dạ, vừa yên tâm. Dạo ấy, các dì tôi đi học trường trung cấp Sư phạm cách nhà mấy chục cây số, lần nào về quê lên trường cũng được bà ngoại đùm dúm cho gói cơm nắm mo cau. Từ sáng tinh mơ, bà đã trở dậy, nhóm bếp nấu cơm. Những chiếc mo cau trắng ngà được cắt vừa vặn với lượng cơm cần nắm. Trong lúc chờ cơm chín, bà rang chảo muối vừng, ngồi giã kỳ cạch. Cơm vừa chín tới, mở vung nồi tỏa hương thơm nức, bà nhanh tay xới vào mo cau, cuộn hai đầu lại rồi dùng sức vò và nén chặt cho đến khi những hạt cơm quyện với nhau thành khối hình trụ, chắc nịch như chiếc giò thì lấy dây chuối buộc bên ngoài cẩn thận. Các dì tôi đi cả chặng đường dài, khi giở mo cơm nắm ra vẫn còn dẻo thơm, ấm nóng. Chỉ việc lấy dao cắt từng khoanh mỏng, chấm với muối vừng là ấm bụng lên lớp.
Bây giờ, trên phố cũng có hàng cơm nắm muối vừng, bán cho những người mang theo những chuyến hành hương lễ Phật. Nhớ món quê một thuở, thỉnh thoảng ghé vào mua nắm cơm về ăn, nhưng không còn thấy ngon như trước. Có lẽ là do cuộc sống không còn thiếu thốn và cơm nắm thiếu hương vị dân dã của chiếc mo cau bọc ngoài, thiếu bàn tay tảo tần, tình cảm yêu thương của bà, của mẹ./.
Lam Hồng

Gió mát từ quạt mo cau

Từ lúc bà nội hay làm những chiếc quạt mo cau như thế thì gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho việc mua quạt giấy, quạt nan ở chợ. Quạt mo cau không chỉ nhẹ, cũng tạo được nhiều gió mát cho người quạt, mà còn rất bền
Ngày tôi còn nhỏ thì đâu đã có điện cũng như những cái quạt máy chạy vù vù và mang tới làn gió mát mẻ như ngày nay, mà cuộc sống sinh hoạt của hết thảy người nông dân trong mùa hè oi nồng và nóng bức vẫn chỉ quẩn quanh bên những chiếc quạt đan nan, quạt giấy và quạt mo cau mà thôi. Những loại quạt mộc mạc bình dị ấy xuất hiện trong bất cứ nhà ai và nó làm xua tan bớt đi cái nóng hầm hập trong bữa cơm, trong lúc nghỉ ngơi, cũng như trong giấc ngủ ban trưa, buổi đêm. Mỗi thành viên trong các gia đình thường có một chiếc quạt, bởi không có quạt thì sẽ không thể chịu nổi cái nóng của mùa hè có những khi lên tới gần 40 độ.
Nhà tôi có 3 anh chị em, cộng cả bố mẹ với ông bà nội là 7 thành viên, vì thế mà trong nhà ít nhất cũng phải có 7 chiếc quạt các loại. Khi đi chợ phiên bên làng lúc đầu mùa hè bao giờ mẹ cũng không quên mua mấy chiếc quạt giấy và quạt đan nan về để phân phát cho mỗi người trong nhà một cái. Những chiếc quạt giấy, quạt đan nan to bản, nhẹ và quạt mang lại nhiều gió nhưng lại rất nhanh hỏng, nhanh rách. Có khi chỉ được dăm bữa, nửa tháng là đã hỏng, đã rách rồi và mẹ lại phải mua loạt quạt mới. Thấy việc mua quạt liên tục gây tốn tiền như vậy nên bà nội tôi đã nói mẹ không phải mua quạt nữa, mà bà nhặt những cái mo cau tách bẹ từ trên cây cau xuống để cắt làm quạt cho bền. Nhà tôi có hàng cau gần chục cây trồng ở phía trước sân để lấy quả phục vụ cho việc cúng giỗ, tết nhất, hay dùng khi nhà có tiệc tùng, vì thế mà mo cau rất nhiều. Hầu như tháng nào các cây cau cũng thay một vài tàu lá và khi tàu lá vừa rụng xuống, cái bẹ còn trắng nõn là bà tôi đã vội mang dao sắc ra cắt làm quạt. Chỉ cần một loáng là nội đã cắt, làm được một chiếc quạt mo cau có hình bầu dục.
Quạt mo cau to hay nhỏ là tùy vào chiều rộng của cái bẹ tàu lá. Quạt mo nội thường cắt xén gọn gàng dài cỡ, 30- 35cm, và rộng ngang khoảng 20-25cm. Phía đầu quạt bao giờ nội cũng “thiết kế” nhỏ nhơn, và có chỗ tay cầm nhô lên to bằng bàn tay để khi cầm vào đó quạt sẽ không bị mỏi tay. Còn phía dưới của quạt nội xén to dần trở xuống để làm sao đấy khi quạt nó đón được nhiều gió hơn. Khi cắt xén và định xong hình hài của chiếc quạt mo cau là công đoạn rửa nước cho sạch sẽ, cũng như mang quạt ra phơi nắng cho khô để chống nấm mốc. Công việc này tôi thường giúp bà nội, bởi nó đơn giản, dễ chứ không khó như cắt xén tạo hình quạt mo. Quạt mo sau khi đã rửa sạch, phơi khô dưới nắng khoảng 3-5 ngày là mang vào dung được. Trước khi dung còn có một công đoạn cuối cùng mất thêm chút ít thời gian, đó là mang ép dưới vật nặng khoảng vài, ba tiếng đồng hồ cho quạt phẳng phiu ra, bởi khi phơi nắng quạt mo cau thường bị co cong tròn lại.
Từ lúc bà nội hay làm những chiếc quạt mo cau như thế thì gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho việc mua quạt giấy, quạt nan ở chợ. Quạt mo cau không chỉ nhẹ, cũng tạo được nhiều gió mát cho người quạt, mà còn rất bền, thậm chí là siêu bền nếu như nó được “gia cố” thêm đường vải viền khâu bao xung quanh lề ngoài của quạt, cùng đoạn que nẹp làm khung xương theo chiều dài của chiếc quạt. Thường chỉ có mùa Đông giá lạnh nhà tôi mới không sử dụng tới quạt, còn suốt cả 3 mùa với gần chục tháng ròng rã như vậy, quạt mo “hoạt động” hết công suất vậy mà có khi phải tới vài năm mà quạt còn không suy suyển làm sao.
May ra là do sử dụng lâu quá, màu quạt xỉn đi, muốn thay những chiếc quạt mo mới nên nội mới làm các chiếc khác mà thôi. Khi nội làm quạt mới, mấy anh chị em chúng tôi hay tranh những chiếc quạt mới, và vứt bỏ những chiếc quạt cũ. Nội thấy tiếc nên hay mang giặt lại những chiếc quạt mo cũ, phơi khô rồi mang cho những nhà hàng xóm không có trồng cau để họ quạt, bởi có dung thêm lâu nữa quạt vẫn còn chưa thể hỏng được. Nhà có 7 người nhưng bao giờ nộ cũng tính làm tới hơn chục chiếc quạt mo cau bởi phòng khi nhà có khách khứa, hay những hôm có cỗ bàn nhiều người tới thì còn có cái mà quạt. Khi tôi còn ở tuổi mẫu giáo, mỗi lần tàu bẹ cau rơi xuống tôi vẫn thường tranh “hàng” với nội, bởi bọn nhỏ trong xóm vẫn thường rủ tôi chơi trò ngồi kéo mo cau quanh sân, quanh ngõ. Vì nhà nhiều cau, lắm tàu bẹ lá nên nội thường cười tươi nhường tôi ngay, bởi bà có thể làm quạt lúc nào cũng được mà…
Ai sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt mà chẳng có những kỷ niệm đầy ăm ắp về những chiếc quạt mo cau tạo gió mát xua đi cái oi nồng nóng bức trong đêm hè. Tôi cũng không phải là ngoại lệ, bởi những cái gì đã trở thành kỷ niệm dù đẹp hay xấu, dù chóng vánh hay dài lâu thì sẽ khó lòng mà quên được. Giờ đây sống ở thành phố với đủ đầy những kiểu quạt điện hiện đại, thậm chí cả máy lạnh nhưng thi thoảng tôi vẫn hay hoài niệm nhớ về cái thời quạt mo nghèo khó, vất vả nhưng mà đẹp và đáng nhớ…
Nguyễn thị Loan

TIẾNG NẮNG 

(Bài nầy để tặng Ngọc Tú Mai )

Rắc… rắc… rắc…
Ngoại than, hồi đó nhà tranh vách đất không sao, giờ bị “giam” trong nhà tường mới mấy tháng sao giống mẹ con Quách Hải Thọ sống trong lò gạch mấy chục năm quá. Rồi ngoại xin cậu Út cho ngoại cái chòi lá ở ngoài vườn trầu, vừa mát mẻ vừa dễ đi vệ sinh và nhất là để ngoại được gần gũi mấy nọc trầu thương mến. “Sao mà được, má biểu chuyện cho thiên hạ cười con không hà! Ai có nghĩ má ở chòi cho mát, họ sẽ cho con là giàu có rồi búng rãy mẹ già, tiếng oan kêu mấy ông trời cho thấu?”. “Mình có hay không thì trời biết, đất biết chứ ăn nhằm gì tiếng đời hả con? Mày mà không cho má ra vườn trầu ở mà cứ “giam” trong nhà tường hoài thì coi như tao là thây ma chưa chôn đó!”
Cuối cùng thì ngọai cũng toại nguyện. Một chiếc giường tre với mùng mền sạch sẽ. Một cái bàn nước kiêm bàn ăn trầu, ăn cơm và cũng là bàn… uống thuốc. Căn chòi nhỏ như phòng trọ, ngòai vườn trầu nhưng thông với của sổ phòng cậu mợ Út, “Để tối khuya còn dòm ngó được má”, cậu bảo, mợ dẩu môi cao cả thước. Vách lá, nền đất nhưng cậu nhất quyết lợp tôn vì “Mái lá nửa đêm nửa hôm có con rắn con rít nào đó rớt xuống thì má làm sao?”. Ngọai đành nhượng bộ. Nhà mái tôn, la-phông bằng mút xốp, cũng không đến nỗi là nóng nực.
Rắc… rắc... rắc…
Ngoại ngoài tám mươi, đôi mắt đục lờ nhìn trân trân lên nóc nhà giọng khàn khàn:
- Na ơi… bé Na… ơi… mưa rồi kìa con, đi che mấy nọc trầu mới trồng giùm nội…
- Nắng chang chang muốn bể đầu chứ mưa gì hả nội?
- Vậy à? Sao nội nghe rắc rắc như ông trời vừa nhểu hột?
- Nắng quá, mái thiếc giãn ra nó kêu vậy đó nội ơi!
- Ừ! Thôi nội ngủ chút à!
Mợ Út không ưa mấy nọc trầu chằng chịt bên hông nhà. Vừa mất công tưới hao điện, tốn thời gian, vừa phải hái trầu… cho hàng xóm. Và nhất là muỗi cũng nhiều, muỗi từ những thứ lá ủ làm mát gốc trầu. Còn mấy cây cau nữa chứ, bán buôn gì, chỉ tổ cầu có người xin để cho, ấy là chưa kể trái già, trái non, bẹ rụng bất kể lúc nào. “Rầm” một phát, đang thiu thiu ngủ xem như là giật mình cái tựt. Mợ thỏ thẻ cậu bỏ vườn trầu đi, chỗ đất đó trồng một khoảng hoa thì coi như đẹp nhà mát phố. Cậu trợn mắt “Đốn vườn trầu hôm trước để hôm sau chôn bà già hả? Cứ để đó, tốn cơm tốn gạo gì, chờ má chết rồi bà muốn làm gì cũng được!”. “Biết chừng nào má chết?”. Mợ làu bàu. “Bà nói cái gì, đừng nói có luật phòng chống bao lực gia đình rồi tôi không dám dzộng bà vì câu đó nghen!”. Mắt cậu long lên.
Ông trời thiệt lạ. Hễ mưa là thối đất thối cát, mưa mịt mờ mắt mũi, mưa ẩm ương áo quần, mưa như sợ rằng ngày mai ngày kia ổng sẽ hết nước để mưa vậy đó. Còn nắng cũng nắng thiệt kỳ. Nắng như đổ sao lên mắt, như tấm gương không lồ bị nghiền vụn ra rồi rải đều xuống mặt đường, cứ chói chang đến quờ quạng cả tay chân. Nắng bắt người ta không nhúc nhích cũng phải thoát mồ hôi, nắng làm người ta choáng vì mất quá nhiều muối trong cơ thể. Ngọai kêu:
- Vợ thằng Út ơi… mẹ con bé Na à… cái quạt mo cau con giằn dưới bếp ngay chưa, cho má xin má quạt chút…
- Con để cây quạt máy cho má rồi mà, má ấn nút là xong!
- Má… sợ tốn điện… của con.
- Ối trời, vậy thì má phải sợ tốn nhiều thứ lắm đó. Cái quạt con giằn chưa ngay.
- Vậy à?
- Mà sao má cứ hay làm khổ mình vậy không biết. Thời nào thứ ấy, bây giờ mà xài quạt mo cau mắc cười lắm má ơi! Không khéo người ta lại cho rằng con nhím với má nữa là…
- Ai nói gì nói, mình không có thì thôi, bận tâm làm gì hả con? Tại bây hổng biết chứ hồi thằng Út còn ẵm ngửa nó thích ngủ bằng quạt mo cau lắm. Suốt đêm suốt ngày má quạt muốn rụng tay vậy đó. Vậy mà nó lớn nhanh, cùi cụi như củ khoai củ từ chứ có quạt máy quạt móc gì đâu!
- Trời ơi… chuyện xưa nửa thế kỷ rồi mà má còn nhớ chi cho khổ con khổ cháu? Mợ Út dài giọng vẻ khổ sở.
Tiếng rắc… rắc… vẫn không ngừng hát trên mái tôn. Người ta “Trồng hường bẻ lá che hường, nắng che mưa đậy cho hường tốt tươi”, còn ngọai thì “Trồng trầu bẻ lá che trầu” dù chẳng biết trầu tốt tươi để làm gì, mỗi ngày ngọai chỉ ăn vài lá chứ mấy. Chắc là ngọai ghiền màu xanh ngọc mát của lá trầu? Bé Na mười lăm tuổi, cái tuổi vẫn còn ham chơi ham ăn lắm, không biết mấy phen rồi cậu Út thủ thỉ với con gái rằng con ráng thay ba chăm sóc mấy nọc trầu cho nội, ba đi làm suốt ngày ở ngoài mệt lắm rồi. Mẹ con không ưa chuyện trầu cau nên đừng nhờ vả làm bả bực. Nhưng Na cứ quên hoài. Ngọai réo:
- Bé Na ơi… con đi thắt sỏi ở đâu rồi? Nắng quá, về che mấy nọc trầu cho nội đi… nắng quá con ơi… người ta còn chịu hổng thấu lấy chi là trầu?
- Nội này… con không có thắt sỏi, con lớn rồi. Con đang xếp hạc giấy.
- Hạc giấy là cái gì, có hơn mấy nọc trầu của nội không?
- Dà… để con che liền. Nhưng mà nội ơi, nội chăm trầu chi dữ vậy, mai mốt nội chết rồi cũng bỏ thôi hà! Bé Na nói một hơi rồi chợt bụm lấy miệng. Cậu Út không cho nó nói từ “chết” với bà, vậy mà nó…
- Ai chết mà hổng bỏ hả con? Tại… trầu làm bạn với nội từ hồi nội bằng con vậy đó nên không bỏ được.
- ???
- Mười lăm tuổi má của nội đã bắt nội tập ăn trầu- Giọng bà trầm như tiếng chuông chiều- ăn trầu để được chắc răng, con gái mười lăm tuổi hồi đó đã lớn, đã biết quán xuyến gia đình và sắp sửa gả chồng được rồi chứ không phải tối ngày lêu lổng như con bây giờ đâu… Đất nước giặc giã khắp nơi, ăn trầu để bôi khắp mặt mày, mình mẩy, áo quần mình cho dở bẩn ra, càng dơ càng tốt. Đó cũng là cách giữ mình khỏi rơi vào tay bọn ác ôn… Trầu cau không chỉ để ăn cho vui mà còn thể hiện tình cảm xóm làng với nhau. Hôm nay nhà này hết trầu, ngày kia nhà nọ cau chưa tới lứa… thì sang đổi cho nhau để ai cũng có mà dùng. Tàu cau khô để bó chổi, bán thì ít, tặng nhau để thắt chặt tình láng giềng là chủ yếu. Cây cau già làm cột làm kèo, một căn nhà trong xóm bị sập, mươi cây cau của làng giềng gom lại, vậy là ngôi nhà lại đứng lên. Mo cau để ủ cơm ra đồng, mùi thơm còn quyện mãi đến mấy ngày sau… mo cau để làm gàu tát nước, làm quạt mát trưa hè… hồi đó không ai bị viêm mũi viêm họng vì quạt máy, tòan là quạt mo cau thôi con à… Ba của mày cũng lớn lên từ gió quạt mo cau…
Giọng ngọai tôi dừng hẳn từ lâu mà nước mắt bé Na còn chưa ngưng đọng. Chả là nó và mẹ đã dối bà, chiếc mo cau bà “nhờ” làm quạt đã bị nó băm nhuyễn  theo lệnh của mẹ. Bởi mẹ nó không biết cắt quạt mo cau, nó thì ớn sẽ bị “rụng tay” vì cầm quạt hầu bà. Phi tang đi, quạt máy đó, bật “cốc” là xong. Gió nào không là gió!
Mấy ngày nay nắng nhiều và gay gắt quá. Bà lại bệnh, chứng viêm phế quản hành hạ tuổi già. Mợ Út cằn nhằn, tại má nằm ngoài gió, nay thốc hướng này, mai thốc hướng kia, biết đường đâu mà che mà chắn. Phải má chịu nằm trong nhà, phòng máy lạnh bật 25 độ đều đều, thánh cũng không bệnh được (?). Mấy nọc trầu không ai tưới, màu xanh ngọc mát mắt giòn kháu đã biến mất, thay vào đó sắc úa dai dẳng của nắng nung.
Mẹ tôi tức tốc về với ngọai vì e rằng bà không qua khỏi. Giọng mợ Út léo nhéo trong điện thọai:
- Chị về, về ngay đi, từ đó tới đây nửa ngày xe chứ mấy! Hôm rằm em đi chùa cầu an cho má, thầy nói má như thế là đại thọ rồi, không khéo sẽ không qua khỏi con trăng này.
Mẹ tôi ghé sát mặt xuống giường ngọai, hai khuôn mặt héo xèo không nói được lời nào. Rồi mẹ quay ra hỏi mợ Út:
- Mấy cái quạt mo cau má nhờ mợ giằn ở đâu rồi?
- Em… em…
- Ở đâu? Giọng mẹ chợt giận dữ.
- Em… bỏ rồi chị Hai! Vì em… không biết cắt sao cho thành cái quạt!
- Trời ơi… Má tui mà chết! Tui “thưa” mợ ở tù cho mợ coi!
- Sao… sao… em lại… ở tù hả chị Hai? Giọng mợ Út bất chợt lo sợ.
          - Bà già viêm phế quản mợ không biết sao mà bắt quạt máy suốt ngày đêm? Thằng Út đâu, leo lên giựt mất tàu cau xuống coi!
Nhanh như chớp, hai chiếc mo cau đã được đem xuống, bàn tay như múa của mẹ tôi chưa đầy mười phút đã biến chúng thành hai chiếc quạt của Bờm.
- Làm cách nào nhanh nhất để nó thẳng ra! Mẹ tôi ra lệnh và trao hai chiếc quạt về phía mợ.
Nắng vẫn rơi tanh tách trên mái tôn như không hề biết ruột gan mẹ tôi đang nóng như hơ lửa. Mợ Út mang quạt ra, hơi còng queo một chút nhưng mợ bảo chắc mẹ tôi rất mong và mợ đã lấy bàn ủi điện mà ủi mo cau đấy!
Mẹ tôi dưới chân, cậu Út trên đầu, hai chiếc quạt khe khẽ đưa gió đến.
Đôi mắt già nua đục lờ từ từ mở ra. Cậu Út reo như trẻ con:
- Má, má tỉnh rồi chị Hai ơi!
- Má, con đây, má khỏe không?
- Khỏe… con gái…
- Má ráng tịnh dưỡng nghe má…
- Cái quạt mo… vợ thằng Út… ngay rồi à? Ngọai chỉ tay về phía mợ
- Dạ…- mợ nhỏ giọng hối lỗi
- Thôi… má nghỉ…
Nắng vẫn rơi rắc… rắc… trên mái thiếc. Từng milimet tôn giãn ra để khi mưa về là co lại còn con tim của mẹ và cậu tôi mãi mãi ướt nhòe vì cánh tay ngọai đã thỏng xuống xa rời cõi trần gian.
Nắng hồn nhiên hay nắng vô tình chỉ có con người là là hữu ý...
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)