Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Nhạc - Thơ - Văn Chiếc quạt mo cau

Quạt mo xưa,
Tim đâu luồng gió mát,
Của chiếc quạt mo xưa...
Những trưa hè nóng nực,
Ầu ơ nhịp võng đưa !

Trong hanh hao ngày nắng,
Con say giấc ngủ nồng...
Quạt luôn tay phe phẩy,
Mẹ nhớ ngày sang sông !
NM

Quạt mo một thời

Trưa nay, điện lại cúp. Má lom khom tìm một vật gì đó đại loại như một tờ giấy cứng, một cuốn vở để quạt. Loay hoay mãi bà cũng tìm ra thứ để làm vơi bớt cái nóng miền Trung đang gay gắt. Bà lẩm bẩm: "Những lúc như thế này lại nhớ quê, nhớ cái quạt mo ngày xưa”. 
Lời than thở của má thoáng làm tôi giật mình. Cái dáng má gầy gầy dưới ngọn đèn dầu cầm chiếc quạt mo ru thằng em ngủ trong mái nhà tranh ngày nào lại hiện về trong ký ức tôi.
Ngày mẹ tôi về làm dâu, nhà ông bà nội còn nghèo lắm. Cả gia đình mười mấy miệng ăn, ông bà cho ba má ra ở riêng. Căn nhà tranh vách đất dựng tạm bên góc vườn nhà nội hằng ngày rộn tiếng cười của chị em tôi. Ba đã quyết chí lập vườn, trồng cau, cải thiện kinh tế cho gia đình. Được ba mẹ chăm nom, nuôi nấng từng ngày, khi tôi biết chạy nhảy nô đùa, vườn cau nhà tôi đã lớn lắm rồi.
Đến mùa cau trổ bông, mẹ lại lấy bẹ cau vừa rơi xuống, tỉ mỉ dùng dao cắt mo cau thành cái quạt. Chỉ cần má huơ qua huơ lại vài vòng trên cái lưng trần là chị em tôi đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Tôi lớn lên cùng với những chùm hoa cau tinh khiết tỏa hương bên khung cửa, với những buổi trưa hè, buổi tối cố nhích thật gần để tận hưởng làn gió mát từ chiếc quạt mo trên đôi tay gầy gò của má. Đó là chưa kể những hôm tôi hay em bị cảm sốt, má phải thức trắng đêm quạt để giảm bớt cơn sốt.
Không biết từ bao giờ, chiếc quạt mo đã gắn liền với đời sống của nhiều người nơi vùng nông thôn nghèo như quê tôi. Chiếc quạt bé nhỏ được làm từ mo cau nhặt ngoài vườn, ấy vậy mà đã xua đi bao cơn nóng hừng hực của những luồng gió tây nam len lỏi vào từng ngõ ngách, xua bớt cái mỏi mệt của một ngày làm việc nhọc nhằn...
Tuổi thơ tôi với những ngày cơ cực cũng qua đi. Tốt nghiệp đại học tôi quyết tâm lập nghiệp nơi xứ người. Lâu lâu, tranh thủ những lúc rảnh rỗi tôi chở má về thăm quê.
Diện mạo quê tôi thay đổi từng ngày. Những con đường được bê tông hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên. Ngang qua lối cũ, vườn cau đã không còn. Từ ngày có điện, cơm ăn hằng ngày được nấu bằng nồi cơm điện, tủ lạnh bảo quản thức ăn, máy giặt để giặt quần áo, quạt cũng chạy bằng điện..., người ta không còn thói quen dùng quạt mo nữa.
Quạt mo đã không còn giá trị, thậm chí đa số trẻ con bây giờ không biết và không còn nghe nhắc đến quạt mo. Phải chăng có những điều đã thật sự chỉ còn là kỷ niệm một thời? 
PHAN THANH LY

Quạt mo

Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ. Mẹ cầm chiếc quạt, huơ qua huơ lại, xua tan cái nắng nóng, làm mát rượi tấm lưng trần, các con bình an chìm vào giấc ngủ…
Trước sân nhà tôi có cây cau, ngày nhỏ chị em tôi cứ đu dưới gốc tập trèo rồi ngã kềnh xuống đất. Cây cau không cho bóng mát, trái cau trẻ nhỏ không ăn được, giá như trẻ con cũng nhai trầu, chắc tôi đã có “thiện chí” hơn với cây cau. Tóm lại, mấy chị em không vui vẻ gì chuyện nhà có cây cau trước cửa. Có lần chị Sáu đem về cây si, chị xin mẹ trồng trước ngõ cho mát. Cau ốm nhách, không có bóng mát để chơi - chị nhìn cây cau bĩu môi nói thế. Mẹ tôi không chịu, mẹ bảo, đó là cây cau bà nội trồng. Bà nội không phải là người nghiện trầu, chỉ có những ngày lễ Tết bà mới ăn trầu để vui với mấy người bạn già. Bà trồng cau vì bà lí lẽ rằng: Không phải cứ thích cây gì là trồng cây đấy được, phải nhớ “Trước cau sau chuối”. Cây có nhiều lá đem trồng trước nhà sẽ cản trở gió lành. Trước nhà chỉ nên trồng cây mảnh, dáng cao, lá sáng… như một hàng “danh dự” đẹp mắt.
Chị em tôi lớn cùng cây cau trước ngõ, rồi tôi cũng dần hiểu những tiện ích và vẻ đẹp của cây cau… Hoa cau đẹp, thánh thiện và linh thiêng. Hương cau thoang thoảng, ngọt ngào… Hoa cau nở vào cuối xuân đầu hạ. Hoa cau đặc biệt lắm, nó nở không có ngày tàn, nở mãi cho đến khi có quả. Những ngày lễ Tết, mẹ bày hoa cau trên bàn thờ, hương thơm thanh cao, tôn kính. Trong những ngày lễ truyền thống của người Việt ta không thể thiếu cau khi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi “tay mang trầu đầu đội lễ” trong ngày cưới. Đám cưới lớn thì trong quả lễ đầy ắp buồng cau trăm quả, đám cưới nhỏ, chuẩn bị đơn sơ thì cũng chẳng thể thiếu chùm cau với lá trầu đặt vừa đĩa… Lá cau là bạn của những người nội trợ. Mẹ rửa sạch lá, lau khô gói bánh tro, miếng bánh dẻo thơm mùi nếp, thơm thoang thoảng mùi lá cau.
Mùa cau trổ bông, mẹ nhặt bẹ cau mới rụng (cái nào bao bọc buồng cau thì gọi là mo cái, còn cái nào trong không có buồng gọi là mo đực) làm quạt. Mo cái thanh mỏng, ruột trắng phau làm quạt vừa nhẹ, vừa đẹp. Làm quạt mo cũng phải có “nghề” chứ không phải có mo là có quạt đâu nhé. Tôi ngày nhỏ thấy bẹ cau rơi thì lượm và bắt chước mẹ làm quạt mo nhưng rồi hí hoáy mãi vẫn không thể “chế biến” ra cái quạt mo. Hèn chi cái quạt của thằng Bờm làm phú ông thích thú đến vậy.
Mẹ bảo, khi mo cau còn tươi, vừa mới lìa khỏi cây cau, đem cắt bỏ tàu lá và khéo léo gấp hai mép ở một đầu sao cho dễ  cầm còn đầu kia cắt cho đẹp để lùa gió (nhìn quạt mo có hình tương tự chiếc lá bàng nhưng dẹt và dài hơn một chút). Sau khi đã làm xong thì lấy đồ vật nặng để ép cho quạt phẳng. Chờ ít hôm quạt khô là có thể phe phẩy vô tư. Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ. Mẹ cầm chiếc quạt, huơ qua huơ lại, xua tan cái nắng nóng, làm mát rượi tấm lưng trần, các con bình an chìm vào giấc ngủ…
Ngày đó nghèo, cuộc sống đơn sơ nhưng ấm áp. Đêm nào cũng vậy, sau khi chị em tôi làm xong bài mẹ trải chiếu ra giữa sân, lấy chiếc quạt mo huơ phành phạch, chị em nằm ngoan ngoãn nghe mẹ kể chuyện đời xửa đời xưa, nghe mẹ đọc ca dao… Khi chúng tôi thiêm thiếp ngủ, mẹ sẽ ẵm từng đứa vào giường. Chị em tôi lớn lên cùng tiếng ru hời của mẹ, cùng những lời hát cái cò cái vạc, cùng tiếng phành phạch của chiếc quạt mo trên tay mẹ… Thời gian qua đi, con gái mẹ bây giờ cũng đã làm mẹ…
Cuộc sống hiện đại, máy điều hòa, quạt điện, quạt hơi nước đủ kiểu. Con tôi đi học, về nhà đọc “Thằng Bờm có cái quạt mo…” rồi cười toe toét hỏi mẹ “ Quạt mo là gì hả mẹ?”. Tôi sững người, đưa mắt nhìn ra sân. Trước sân nhà tôi trồng đủ cây cảnh nhưng không có cây cau mảnh khảnh… Những kỉ niệm tuổi thơ hối hả ùa về, tôi thấy nhớ chiếc quạt mo mẹ thường bỏ trên đầu giường mà mỗi đêm trời nóng bức, dù chập chờn thức ngủ vẫn đưa tay tìm được. Tôi như nghe tiếng phành phạch của chiếc quạt trên tay mẹ…
Con gái xa quê, nhớ chiếc quạt mo, nhớ nhà, nhớ mẹ…
Nguyễn Thị Bích Nhàn(Xã Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên)

 Cơm nắm mo cau,
Dẻo thơm cơm nắm nóng,
Con ngồi nhớ tích xưa...
Thuở bé thơ con ngủ,
Giữa trưa hè võng đưa.

Tiếng mẹ ru êm ả,
Gió xào xạc vườn sau..
Hương mo cau thoang thoảng,
Giọng mẹ thêm ngọt ngào !!

Bao giờ trở lại vườn quê,
Cho con nguôi nhớ nẻo về vườn sau...
Ôi thương chiếc quạt mo cau,
Thương cơm nắm nóng năm nào mẹ ơi !!
NM

Cơm nắm mo cau
Đêm mùa hạ êm đềm nơi quê ngoại. Lặng ngắm ánh trăng vằng vặc chiếu qua khung cửa sổ mở rộng đón gió trời và tận hưởng hương hoa cau dịu ngọt trước thềm nhà thoảng đến. Trong yên tĩnh của đêm, chợt nghe âm thanh của một tàu cau già khô giòn rơi bộp trên nền đất, những kỷ niệm gắn liền với chiếc mo cau lại ùa về.

***
Mảnh vườn trước nhà ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng trồng một hàng cau thẳng tắp. Cây cho bóng mát, quả để ăn trầu và những tàu cau già rụng xuống cũng không hề bỏ phí. Những tàu lá cau buộc chụm lại, cắm vào giữa một chiếc gậy tre làm thành chổi quét sân, quét ngõ cho bà không phải cúi mỏi lưng. Mo cau ép phẳng, cắt thành những chiếc quạt vừa bền vừa mát. Ngày hè, dòng nước mưa từ thân cau được hứng bằng những tàu cau chảy vào bể dường như mát ngọt và thơm hơn như được ướp hương hoa. Đối với đám trẻ con nông thôn, mấy ai chưa từng một lần ngồi lên chiếc xe mo cau để chúng bạn kéo đi khắp sân và cười giòn giã khi đứa bạn tuột tay làm ngã lăn ra đất. Sướng nhất là được ăn cơm nắm mo cau, bởi món này ngày thường đâu phải cứ thích là có ngay. Chỉ khi nhà có người đi đâu xa hoặc vào lúc mùa vụ, công việc nhà nông bận rộn, cánh thợ cấy, thợ cày, thợ gặt tranh thủ làm, không kịp về ăn cơm trưa thì các bà, các mẹ mới làm cơm nắm. Người quê vốn tiết kiệm, bản tính lại chu đáo, hay lo xa, sợ người thân khi có việc đi đâu lỡ độ đường phải cơm hàng cháo chợ nên có mo cơm nắm vừa lành dạ, vừa yên tâm. Dạo ấy, các dì tôi đi học trường trung cấp Sư phạm cách nhà mấy chục cây số, lần nào về quê lên trường cũng được bà ngoại đùm dúm cho gói cơm nắm mo cau. Từ sáng tinh mơ, bà đã trở dậy, nhóm bếp nấu cơm. Những chiếc mo cau trắng ngà được cắt vừa vặn với lượng cơm cần nắm. Trong lúc chờ cơm chín, bà rang chảo muối vừng, ngồi giã kỳ cạch. Cơm vừa chín tới, mở vung nồi tỏa hương thơm nức, bà nhanh tay xới vào mo cau, cuộn hai đầu lại rồi dùng sức vò và nén chặt cho đến khi những hạt cơm quyện với nhau thành khối hình trụ, chắc nịch như chiếc giò thì lấy dây chuối buộc bên ngoài cẩn thận. Các dì tôi đi cả chặng đường dài, khi giở mo cơm nắm ra vẫn còn dẻo thơm, ấm nóng. Chỉ việc lấy dao cắt từng khoanh mỏng, chấm với muối vừng là ấm bụng lên lớp.
Bây giờ, trên phố cũng có hàng cơm nắm muối vừng, bán cho những người mang theo những chuyến hành hương lễ Phật. Nhớ món quê một thuở, thỉnh thoảng ghé vào mua nắm cơm về ăn, nhưng không còn thấy ngon như trước. Có lẽ là do cuộc sống không còn thiếu thốn và cơm nắm thiếu hương vị dân dã của chiếc mo cau bọc ngoài, thiếu bàn tay tảo tần, tình cảm yêu thương của bà, của mẹ./.
Lam Hồng

Gió mát từ quạt mo cau

Từ lúc bà nội hay làm những chiếc quạt mo cau như thế thì gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho việc mua quạt giấy, quạt nan ở chợ. Quạt mo cau không chỉ nhẹ, cũng tạo được nhiều gió mát cho người quạt, mà còn rất bền
Ngày tôi còn nhỏ thì đâu đã có điện cũng như những cái quạt máy chạy vù vù và mang tới làn gió mát mẻ như ngày nay, mà cuộc sống sinh hoạt của hết thảy người nông dân trong mùa hè oi nồng và nóng bức vẫn chỉ quẩn quanh bên những chiếc quạt đan nan, quạt giấy và quạt mo cau mà thôi. Những loại quạt mộc mạc bình dị ấy xuất hiện trong bất cứ nhà ai và nó làm xua tan bớt đi cái nóng hầm hập trong bữa cơm, trong lúc nghỉ ngơi, cũng như trong giấc ngủ ban trưa, buổi đêm. Mỗi thành viên trong các gia đình thường có một chiếc quạt, bởi không có quạt thì sẽ không thể chịu nổi cái nóng của mùa hè có những khi lên tới gần 40 độ.
Nhà tôi có 3 anh chị em, cộng cả bố mẹ với ông bà nội là 7 thành viên, vì thế mà trong nhà ít nhất cũng phải có 7 chiếc quạt các loại. Khi đi chợ phiên bên làng lúc đầu mùa hè bao giờ mẹ cũng không quên mua mấy chiếc quạt giấy và quạt đan nan về để phân phát cho mỗi người trong nhà một cái. Những chiếc quạt giấy, quạt đan nan to bản, nhẹ và quạt mang lại nhiều gió nhưng lại rất nhanh hỏng, nhanh rách. Có khi chỉ được dăm bữa, nửa tháng là đã hỏng, đã rách rồi và mẹ lại phải mua loạt quạt mới. Thấy việc mua quạt liên tục gây tốn tiền như vậy nên bà nội tôi đã nói mẹ không phải mua quạt nữa, mà bà nhặt những cái mo cau tách bẹ từ trên cây cau xuống để cắt làm quạt cho bền. Nhà tôi có hàng cau gần chục cây trồng ở phía trước sân để lấy quả phục vụ cho việc cúng giỗ, tết nhất, hay dùng khi nhà có tiệc tùng, vì thế mà mo cau rất nhiều. Hầu như tháng nào các cây cau cũng thay một vài tàu lá và khi tàu lá vừa rụng xuống, cái bẹ còn trắng nõn là bà tôi đã vội mang dao sắc ra cắt làm quạt. Chỉ cần một loáng là nội đã cắt, làm được một chiếc quạt mo cau có hình bầu dục.
Quạt mo cau to hay nhỏ là tùy vào chiều rộng của cái bẹ tàu lá. Quạt mo nội thường cắt xén gọn gàng dài cỡ, 30- 35cm, và rộng ngang khoảng 20-25cm. Phía đầu quạt bao giờ nội cũng “thiết kế” nhỏ nhơn, và có chỗ tay cầm nhô lên to bằng bàn tay để khi cầm vào đó quạt sẽ không bị mỏi tay. Còn phía dưới của quạt nội xén to dần trở xuống để làm sao đấy khi quạt nó đón được nhiều gió hơn. Khi cắt xén và định xong hình hài của chiếc quạt mo cau là công đoạn rửa nước cho sạch sẽ, cũng như mang quạt ra phơi nắng cho khô để chống nấm mốc. Công việc này tôi thường giúp bà nội, bởi nó đơn giản, dễ chứ không khó như cắt xén tạo hình quạt mo. Quạt mo sau khi đã rửa sạch, phơi khô dưới nắng khoảng 3-5 ngày là mang vào dung được. Trước khi dung còn có một công đoạn cuối cùng mất thêm chút ít thời gian, đó là mang ép dưới vật nặng khoảng vài, ba tiếng đồng hồ cho quạt phẳng phiu ra, bởi khi phơi nắng quạt mo cau thường bị co cong tròn lại.
Từ lúc bà nội hay làm những chiếc quạt mo cau như thế thì gia đình tôi cũng tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho việc mua quạt giấy, quạt nan ở chợ. Quạt mo cau không chỉ nhẹ, cũng tạo được nhiều gió mát cho người quạt, mà còn rất bền, thậm chí là siêu bền nếu như nó được “gia cố” thêm đường vải viền khâu bao xung quanh lề ngoài của quạt, cùng đoạn que nẹp làm khung xương theo chiều dài của chiếc quạt. Thường chỉ có mùa Đông giá lạnh nhà tôi mới không sử dụng tới quạt, còn suốt cả 3 mùa với gần chục tháng ròng rã như vậy, quạt mo “hoạt động” hết công suất vậy mà có khi phải tới vài năm mà quạt còn không suy suyển làm sao.
May ra là do sử dụng lâu quá, màu quạt xỉn đi, muốn thay những chiếc quạt mo mới nên nội mới làm các chiếc khác mà thôi. Khi nội làm quạt mới, mấy anh chị em chúng tôi hay tranh những chiếc quạt mới, và vứt bỏ những chiếc quạt cũ. Nội thấy tiếc nên hay mang giặt lại những chiếc quạt mo cũ, phơi khô rồi mang cho những nhà hàng xóm không có trồng cau để họ quạt, bởi có dung thêm lâu nữa quạt vẫn còn chưa thể hỏng được. Nhà có 7 người nhưng bao giờ nộ cũng tính làm tới hơn chục chiếc quạt mo cau bởi phòng khi nhà có khách khứa, hay những hôm có cỗ bàn nhiều người tới thì còn có cái mà quạt. Khi tôi còn ở tuổi mẫu giáo, mỗi lần tàu bẹ cau rơi xuống tôi vẫn thường tranh “hàng” với nội, bởi bọn nhỏ trong xóm vẫn thường rủ tôi chơi trò ngồi kéo mo cau quanh sân, quanh ngõ. Vì nhà nhiều cau, lắm tàu bẹ lá nên nội thường cười tươi nhường tôi ngay, bởi bà có thể làm quạt lúc nào cũng được mà…
Ai sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt mà chẳng có những kỷ niệm đầy ăm ắp về những chiếc quạt mo cau tạo gió mát xua đi cái oi nồng nóng bức trong đêm hè. Tôi cũng không phải là ngoại lệ, bởi những cái gì đã trở thành kỷ niệm dù đẹp hay xấu, dù chóng vánh hay dài lâu thì sẽ khó lòng mà quên được. Giờ đây sống ở thành phố với đủ đầy những kiểu quạt điện hiện đại, thậm chí cả máy lạnh nhưng thi thoảng tôi vẫn hay hoài niệm nhớ về cái thời quạt mo nghèo khó, vất vả nhưng mà đẹp và đáng nhớ…
Nguyễn thị Loan

TIẾNG NẮNG 

(Bài nầy để tặng Ngọc Tú Mai )

Rắc… rắc… rắc…
Ngoại than, hồi đó nhà tranh vách đất không sao, giờ bị “giam” trong nhà tường mới mấy tháng sao giống mẹ con Quách Hải Thọ sống trong lò gạch mấy chục năm quá. Rồi ngoại xin cậu Út cho ngoại cái chòi lá ở ngoài vườn trầu, vừa mát mẻ vừa dễ đi vệ sinh và nhất là để ngoại được gần gũi mấy nọc trầu thương mến. “Sao mà được, má biểu chuyện cho thiên hạ cười con không hà! Ai có nghĩ má ở chòi cho mát, họ sẽ cho con là giàu có rồi búng rãy mẹ già, tiếng oan kêu mấy ông trời cho thấu?”. “Mình có hay không thì trời biết, đất biết chứ ăn nhằm gì tiếng đời hả con? Mày mà không cho má ra vườn trầu ở mà cứ “giam” trong nhà tường hoài thì coi như tao là thây ma chưa chôn đó!”
Cuối cùng thì ngọai cũng toại nguyện. Một chiếc giường tre với mùng mền sạch sẽ. Một cái bàn nước kiêm bàn ăn trầu, ăn cơm và cũng là bàn… uống thuốc. Căn chòi nhỏ như phòng trọ, ngòai vườn trầu nhưng thông với của sổ phòng cậu mợ Út, “Để tối khuya còn dòm ngó được má”, cậu bảo, mợ dẩu môi cao cả thước. Vách lá, nền đất nhưng cậu nhất quyết lợp tôn vì “Mái lá nửa đêm nửa hôm có con rắn con rít nào đó rớt xuống thì má làm sao?”. Ngọai đành nhượng bộ. Nhà mái tôn, la-phông bằng mút xốp, cũng không đến nỗi là nóng nực.
Rắc… rắc... rắc…
Ngoại ngoài tám mươi, đôi mắt đục lờ nhìn trân trân lên nóc nhà giọng khàn khàn:
- Na ơi… bé Na… ơi… mưa rồi kìa con, đi che mấy nọc trầu mới trồng giùm nội…
- Nắng chang chang muốn bể đầu chứ mưa gì hả nội?
- Vậy à? Sao nội nghe rắc rắc như ông trời vừa nhểu hột?
- Nắng quá, mái thiếc giãn ra nó kêu vậy đó nội ơi!
- Ừ! Thôi nội ngủ chút à!
Mợ Út không ưa mấy nọc trầu chằng chịt bên hông nhà. Vừa mất công tưới hao điện, tốn thời gian, vừa phải hái trầu… cho hàng xóm. Và nhất là muỗi cũng nhiều, muỗi từ những thứ lá ủ làm mát gốc trầu. Còn mấy cây cau nữa chứ, bán buôn gì, chỉ tổ cầu có người xin để cho, ấy là chưa kể trái già, trái non, bẹ rụng bất kể lúc nào. “Rầm” một phát, đang thiu thiu ngủ xem như là giật mình cái tựt. Mợ thỏ thẻ cậu bỏ vườn trầu đi, chỗ đất đó trồng một khoảng hoa thì coi như đẹp nhà mát phố. Cậu trợn mắt “Đốn vườn trầu hôm trước để hôm sau chôn bà già hả? Cứ để đó, tốn cơm tốn gạo gì, chờ má chết rồi bà muốn làm gì cũng được!”. “Biết chừng nào má chết?”. Mợ làu bàu. “Bà nói cái gì, đừng nói có luật phòng chống bao lực gia đình rồi tôi không dám dzộng bà vì câu đó nghen!”. Mắt cậu long lên.
Ông trời thiệt lạ. Hễ mưa là thối đất thối cát, mưa mịt mờ mắt mũi, mưa ẩm ương áo quần, mưa như sợ rằng ngày mai ngày kia ổng sẽ hết nước để mưa vậy đó. Còn nắng cũng nắng thiệt kỳ. Nắng như đổ sao lên mắt, như tấm gương không lồ bị nghiền vụn ra rồi rải đều xuống mặt đường, cứ chói chang đến quờ quạng cả tay chân. Nắng bắt người ta không nhúc nhích cũng phải thoát mồ hôi, nắng làm người ta choáng vì mất quá nhiều muối trong cơ thể. Ngọai kêu:
- Vợ thằng Út ơi… mẹ con bé Na à… cái quạt mo cau con giằn dưới bếp ngay chưa, cho má xin má quạt chút…
- Con để cây quạt máy cho má rồi mà, má ấn nút là xong!
- Má… sợ tốn điện… của con.
- Ối trời, vậy thì má phải sợ tốn nhiều thứ lắm đó. Cái quạt con giằn chưa ngay.
- Vậy à?
- Mà sao má cứ hay làm khổ mình vậy không biết. Thời nào thứ ấy, bây giờ mà xài quạt mo cau mắc cười lắm má ơi! Không khéo người ta lại cho rằng con nhím với má nữa là…
- Ai nói gì nói, mình không có thì thôi, bận tâm làm gì hả con? Tại bây hổng biết chứ hồi thằng Út còn ẵm ngửa nó thích ngủ bằng quạt mo cau lắm. Suốt đêm suốt ngày má quạt muốn rụng tay vậy đó. Vậy mà nó lớn nhanh, cùi cụi như củ khoai củ từ chứ có quạt máy quạt móc gì đâu!
- Trời ơi… chuyện xưa nửa thế kỷ rồi mà má còn nhớ chi cho khổ con khổ cháu? Mợ Út dài giọng vẻ khổ sở.
Tiếng rắc… rắc… vẫn không ngừng hát trên mái tôn. Người ta “Trồng hường bẻ lá che hường, nắng che mưa đậy cho hường tốt tươi”, còn ngọai thì “Trồng trầu bẻ lá che trầu” dù chẳng biết trầu tốt tươi để làm gì, mỗi ngày ngọai chỉ ăn vài lá chứ mấy. Chắc là ngọai ghiền màu xanh ngọc mát của lá trầu? Bé Na mười lăm tuổi, cái tuổi vẫn còn ham chơi ham ăn lắm, không biết mấy phen rồi cậu Út thủ thỉ với con gái rằng con ráng thay ba chăm sóc mấy nọc trầu cho nội, ba đi làm suốt ngày ở ngoài mệt lắm rồi. Mẹ con không ưa chuyện trầu cau nên đừng nhờ vả làm bả bực. Nhưng Na cứ quên hoài. Ngọai réo:
- Bé Na ơi… con đi thắt sỏi ở đâu rồi? Nắng quá, về che mấy nọc trầu cho nội đi… nắng quá con ơi… người ta còn chịu hổng thấu lấy chi là trầu?
- Nội này… con không có thắt sỏi, con lớn rồi. Con đang xếp hạc giấy.
- Hạc giấy là cái gì, có hơn mấy nọc trầu của nội không?
- Dà… để con che liền. Nhưng mà nội ơi, nội chăm trầu chi dữ vậy, mai mốt nội chết rồi cũng bỏ thôi hà! Bé Na nói một hơi rồi chợt bụm lấy miệng. Cậu Út không cho nó nói từ “chết” với bà, vậy mà nó…
- Ai chết mà hổng bỏ hả con? Tại… trầu làm bạn với nội từ hồi nội bằng con vậy đó nên không bỏ được.
- ???
- Mười lăm tuổi má của nội đã bắt nội tập ăn trầu- Giọng bà trầm như tiếng chuông chiều- ăn trầu để được chắc răng, con gái mười lăm tuổi hồi đó đã lớn, đã biết quán xuyến gia đình và sắp sửa gả chồng được rồi chứ không phải tối ngày lêu lổng như con bây giờ đâu… Đất nước giặc giã khắp nơi, ăn trầu để bôi khắp mặt mày, mình mẩy, áo quần mình cho dở bẩn ra, càng dơ càng tốt. Đó cũng là cách giữ mình khỏi rơi vào tay bọn ác ôn… Trầu cau không chỉ để ăn cho vui mà còn thể hiện tình cảm xóm làng với nhau. Hôm nay nhà này hết trầu, ngày kia nhà nọ cau chưa tới lứa… thì sang đổi cho nhau để ai cũng có mà dùng. Tàu cau khô để bó chổi, bán thì ít, tặng nhau để thắt chặt tình láng giềng là chủ yếu. Cây cau già làm cột làm kèo, một căn nhà trong xóm bị sập, mươi cây cau của làng giềng gom lại, vậy là ngôi nhà lại đứng lên. Mo cau để ủ cơm ra đồng, mùi thơm còn quyện mãi đến mấy ngày sau… mo cau để làm gàu tát nước, làm quạt mát trưa hè… hồi đó không ai bị viêm mũi viêm họng vì quạt máy, tòan là quạt mo cau thôi con à… Ba của mày cũng lớn lên từ gió quạt mo cau…
Giọng ngọai tôi dừng hẳn từ lâu mà nước mắt bé Na còn chưa ngưng đọng. Chả là nó và mẹ đã dối bà, chiếc mo cau bà “nhờ” làm quạt đã bị nó băm nhuyễn  theo lệnh của mẹ. Bởi mẹ nó không biết cắt quạt mo cau, nó thì ớn sẽ bị “rụng tay” vì cầm quạt hầu bà. Phi tang đi, quạt máy đó, bật “cốc” là xong. Gió nào không là gió!
Mấy ngày nay nắng nhiều và gay gắt quá. Bà lại bệnh, chứng viêm phế quản hành hạ tuổi già. Mợ Út cằn nhằn, tại má nằm ngoài gió, nay thốc hướng này, mai thốc hướng kia, biết đường đâu mà che mà chắn. Phải má chịu nằm trong nhà, phòng máy lạnh bật 25 độ đều đều, thánh cũng không bệnh được (?). Mấy nọc trầu không ai tưới, màu xanh ngọc mát mắt giòn kháu đã biến mất, thay vào đó sắc úa dai dẳng của nắng nung.
Mẹ tôi tức tốc về với ngọai vì e rằng bà không qua khỏi. Giọng mợ Út léo nhéo trong điện thọai:
- Chị về, về ngay đi, từ đó tới đây nửa ngày xe chứ mấy! Hôm rằm em đi chùa cầu an cho má, thầy nói má như thế là đại thọ rồi, không khéo sẽ không qua khỏi con trăng này.
Mẹ tôi ghé sát mặt xuống giường ngọai, hai khuôn mặt héo xèo không nói được lời nào. Rồi mẹ quay ra hỏi mợ Út:
- Mấy cái quạt mo cau má nhờ mợ giằn ở đâu rồi?
- Em… em…
- Ở đâu? Giọng mẹ chợt giận dữ.
- Em… bỏ rồi chị Hai! Vì em… không biết cắt sao cho thành cái quạt!
- Trời ơi… Má tui mà chết! Tui “thưa” mợ ở tù cho mợ coi!
- Sao… sao… em lại… ở tù hả chị Hai? Giọng mợ Út bất chợt lo sợ.
          - Bà già viêm phế quản mợ không biết sao mà bắt quạt máy suốt ngày đêm? Thằng Út đâu, leo lên giựt mất tàu cau xuống coi!
Nhanh như chớp, hai chiếc mo cau đã được đem xuống, bàn tay như múa của mẹ tôi chưa đầy mười phút đã biến chúng thành hai chiếc quạt của Bờm.
- Làm cách nào nhanh nhất để nó thẳng ra! Mẹ tôi ra lệnh và trao hai chiếc quạt về phía mợ.
Nắng vẫn rơi tanh tách trên mái tôn như không hề biết ruột gan mẹ tôi đang nóng như hơ lửa. Mợ Út mang quạt ra, hơi còng queo một chút nhưng mợ bảo chắc mẹ tôi rất mong và mợ đã lấy bàn ủi điện mà ủi mo cau đấy!
Mẹ tôi dưới chân, cậu Út trên đầu, hai chiếc quạt khe khẽ đưa gió đến.
Đôi mắt già nua đục lờ từ từ mở ra. Cậu Út reo như trẻ con:
- Má, má tỉnh rồi chị Hai ơi!
- Má, con đây, má khỏe không?
- Khỏe… con gái…
- Má ráng tịnh dưỡng nghe má…
- Cái quạt mo… vợ thằng Út… ngay rồi à? Ngọai chỉ tay về phía mợ
- Dạ…- mợ nhỏ giọng hối lỗi
- Thôi… má nghỉ…
Nắng vẫn rơi rắc… rắc… trên mái thiếc. Từng milimet tôn giãn ra để khi mưa về là co lại còn con tim của mẹ và cậu tôi mãi mãi ướt nhòe vì cánh tay ngọai đã thỏng xuống xa rời cõi trần gian.
Nắng hồn nhiên hay nắng vô tình chỉ có con người là là hữu ý...
Đào Phạm Thuỳ Trang (Tây Ninh)