Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Mộng ảo

Ảo mộng,
Cả tuổi thơ con nằm trong ảo mộng,
Mộng ươm mầm cho những giấc mơ xa...
Mộng phủ mơ bằng giọt nắng hiền hoà,
Con mơ mãi vì con cần có mẹ !

Mẹ đã đến và đi trên cầu mộng,
Lắp loá vàng những sợi nắng như tơ...
Mẹ của tôi cuộc sống thật như mơ,
Áo tầm xuân lẫn trong vườn hoa dại,
 
Mẹ đã đi và mẹ đi xa mãi...
Xa cõi đời nghiệt ngã lắm gian truân,
Con mãi mơ và thấy mẹ rất gần,
Như mẹ đến rồi đi trên cầu Mộng !!
NM
Mộng ảo
1. "Rơi từ chiếc cầu mộng Của đêm xuân Tôi thức giấc" Đó là những câu thơ mà mẹ tôi ưa thích. Thực ra đó là một bài thơ dài, nguyên văn là: "Rơi từ chiếc cầu mộng Của đêm xuân Tôi thức giấc Trên trời một áng mây Đã rời xa đỉnh núi
Nhưng hễ mẹ tôi cho tôi chép bài thơ này - trong một cuốn vở học sinh có kẻ ô rất nhỏ màu xanh nhạt - thì bà chỉ đọc cho tôi chép ba câu đầu tiên. Đó là để giản lược đi một gánh nặng cho đứa bé mới học đọc học viết như tôi. Nhưng cũng có thể vì bà chẳng muốn cho tôi phải có một cảm thức u buồn của sự biệt ly mà bài thơ ấy nói rõ trong hai câu cuối ngay từ khi tôi còn quá bé bỏng. Bà chỉ muốn tôi hiểu được bài thơ và yêu nó ở cảm thức dịu dàng của những mơ hồ và bí ẩn của một kẻ mơ mộng vừa tỉnh thức. Nhưng bài thơ này có lẽ chỉ mãi về sau tôi mới hiểu một cách rõ ràng như vậy. Đó là khi tôi đã trở thành người lớn. Có thể là tôi đã hiểu một cách khô khan quá đỗi về ý nghĩa của bài thơ. Khi đã hiểu vào một tầng nào đó trong những lớp ngữ nghĩa thì có lẽ tôi có thể nhớ một bài thơ rất lâu. Rồi thì tôi sẽ gán ghép nó với một triết lý nào đó của cuộc sống. Có thể rằng khi đó tôi mặc nhiên nghĩ rằng ồ, bây giờ mình mới hiểu. Nhưng thực ra đó là cách hiểu của một người đã già nua. Tôi vẫn thích cảm giác của tôi khi ban đầu được chép bài thơ mà mẹ tôi đọc ở bên song cửa bằng cái giọng thanh thanh của bà. Khi đó tâm trí trẻ thơ của tôi chỉ tràn ngập những giấc mộng. Mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến các giấc mộng bé thơ của tôi. Ngay từ khi tôi còn là một đứa bé tí xíu, nghĩa là khoảng 5 tuổi gì đó, bà ôm tôi vào lòng và ngồi lặng trước cái bàn gỗ ở trước khung cửa nhìn ra vườn rợp bóng những cây nhãn vào mùa hạ đang nở hoa thơm lừng. Bà chép ra một cuốn vở nhỏ, đó là cuốn vở của riêng bà về những giấc mộng của tôi. Tất nhiên khi đó tôi còn quá nhỏ và chưa biết chữ. Nhưng tôi vẫn nhớ những câu chuyện này là vì khi bà chép thì bà đọc lại cho tôi nghe. Những giấc mộng thời bé tí xíu của tôi thì có gì là ghê gớm đâu. Đại loại tôi kể cho mẹ nghe rằng tôi đã mộng thấy "một rừng ti mẹ". Hay là tôi đã mộng thấy "chỉ toàn là nhà và mẹ". Còn bà thì cần mẫn ghi lại những giấc mộng bé tí và đơn giản như thế. Bà rất thích thú khi nghe lại câu chuyện về những giấc mộng của tôi. Mỗi sáng, khi chải tóc cho tôi bằng một cái lược bằng ngà, bà thường âu yếm hỏi: Hôm nay con mơ thấy gì hả con trai của mẹ? Và tôi cố gắng nhớ lại một giấc mộng êm đềm nào đó của tuổi thơ và kể lại cho bà. Tất cả những giấc mộng này được ghi chép đầy đủ, ngay sau đó vào cuốn vở Mộng. Đó là giai đoạn đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Khi mà tôi còn quá bé và thế giới của tôi chỉ có mẹ là quan trọng nhất. Khi tôi có thể lũn cũn chạy quanh nhà, đi ra vườn, thăm thú mấy chú gà thơ thẩn bới đất kiếm ăn hay lơ láo nhìn một con chó con mắt đen láy và ướt rượt. Tôi cũng muốn kể lại ở đây ngôi nhà của tôi. Đó là một ngôi nhà gỗ điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng thay vì chỉ có ba gian thì nó rất rộng, với năm gian và hai chái. Mái lợp ngói mũi hài. Trần để trống và tôi có thể nhìn thấy những miếng ngói hình chữ nhật xếp ken với lớp gỗ làm xương của mái nhà. Những cây cột đều làm bằng gỗ lim đen bóng, tròn và to. Mỗi cây cột đều có câu đối. Cánh cửa nhà cũng làm bằng gỗ lim, chắc chắn và nặng nề. Chỉ trừ mùa đông lạnh giá, còn thì suốt những tháng còn lại, nhà của tôi mở cửa rộng. Tất cả các hành lang đều lộng gió từ bến sông thổi ùa vào. Và cây lá trong khu vườn xung quanh nhà tỏa ra hơi thở mát dịu của mùa hạ. Tôi muốn nói thêm rằng ở trong một khung cảnh như thế tôi thường ngủ rất ngon và ít khi nằm mộng. Một giấc ngủ bằng thẳng và trôi lướt như một cánh buồm no gió. Nhất là khi những cơn gió mát lạnh của đêm bay lượn quanh tôi và mẹ thì ôm tôi thật chặt đến nỗi cằm của bà ấp vào đầu tôi còn toàn bộ cơ thể của bà áp chặt vào người tôi. Đến nỗi tôi chỉ cảm thấy sự ấm áp và mềm mại của cặp vú cùng đùi của bà. Bà thường kể cho tôi nghe câu chuyện duy nhất, đó là giấc mộng khi bà hoài thai tôi. Và sau đó, cơn ngủ nhanh chóng nhấn chìm tôi trong một giấc mộng êm ái. Nhưng rồi tôi cũng biết thế nào là tan vỡ mộng tưởng. Đó là lần đầu tiên, vào năm tôi 6 tuổi, trong một đêm ngủ ngon giấc trong lòng mẹ, tôi bị lôi dậy và quăng vào một xó. Trong khi tôi ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì ba tôi nắm áo mẹ kéo lên, trong cơn điên hay cơn say, ông hét lớn, đập phá và tát mạnh vào gương mặt tái xanh của bà. Ông còn tiếp tục đấm đá túi bụi vào đầu mẹ tôi. Đó không phải là lần đầu tiên và là lần cuối cùng bi kịch này xảy ra. Nhưng với tôi là lần đầu tiên. Trong lần tan vỡ mộng tưởng này, tôi hầu như không còn nhớ được cảm giác gì. Tôi không thể nhớ là mình đã khóc, đã gào thét hay đã chết lặng đi. Nhưng có một cảm giác mà tôi nhớ rất rõ, đó là mẹ tôi cố gắng thoát ra khỏi sự bạo hành của cha để chạy đến bên tôi và bịt mắt tôi lại. Hốt nhiên, tôi nhớ lại hai câu thơ cuối của bài thơ về chiếc cầu mộng mà mẹ hay ru tôi hàng đêm:
"Trên trời một áng mây
Đã rời xa đỉnh núi"

Từ đó tôi bắt đầu có ác mộng. Trong cuốn vở Mộng mẹ có ghi lại những ác mộng của tôi. Tuy nhiên, bà không hỏi tôi về những ác mộng ấy. Bà chỉ lặng lẽ ghi lại. Một dòng chữ còn nhòe mực mà tôi ngờ là bà đã khóc khi chép lại một ác mộng của tôi cho thấy vào một đêm nào đó, tôi đã hốt hoảng khóc trong mơ và đến khi tỉnh lại thì mày mặt xám xanh, chân tay co quắp. Trong một giấc mộng không lành khác, tôi đầm đìa mồ hôi và miệng liên hồi gọi mẹ.
Tôi thì nhớ rất lâu những ác mộng của mình. Bởi vì tôi mộng thấy ma quỷ, những bóng áo trùm màu trắng hay màu đen đi lướt quanh mình và xung quanh bao la mênh mông là hoang vắng. Một giấc mộng hồi bé tí mà tôi rất sợ, đó là mộng thấy đang đi thì bước hụt xuống hố. Và thế là từ từ lăn xuống dốc. Một sự hụt hẫng đáng sợ. Kèm theo đó là cảm giác ngực bị đá đè. Có một điều đáng nói là sau sự kiện kinh khủng nói trên, tôi chẳng bao giờ mơ thấy những giấc mộng vui vẻ nữa. Cho đến khi bắt đầu mơ thấy những ác mộng và tỉnh lại trong đêm thì tôi mới biết rằng mẹ tôi thường thức trắng đêm. Bà chẳng có một giấc ngủ hay mộng nào cho ra hồn. Và trong đêm mẹ tôi thường nằm lặng lẽ khóc. Nước mắt của bà chảy tràn ra gối ướt đẫm. Hồi đó tôi còn bé quá nên cứ tưởng rằng khi khóc, người ta phải than van thành tiếng. Giống như tôi vậy. Nào ngờ con người ta chỉ khóc được thành tiếng khi họ còn bé và khi họ mất cha mẹ thôi. Còn thì đa phần người đời khóc không có âm thanh. Thậm chí chẳng còn nước mắt. Nhưng tôi biết mẹ tôi khóc là vì khi tỉnh ngủ, quờ tay tìm mẹ có khi tôi chạm phải cái gối đẫm nước mắt. Cũng có khi thì tôi rờ được vào dòng nước mắt đang chảy xuống từ đôi mắt đẫm lệ trong đêm của mẹ tôi. Khi đó, còn rất bé nhưng tôi đã cảm thấy được nỗi đau đớn của bà tuy chúng là nỗi đau không lời. Chao ôi, giờ đây tôi lại có cảm giác là những giọt nước mắt của bà nóng rát. Vào một năm tháng nào đó tôi chẳng còn nhớ rõ - có lẽ là khi tôi đã đi học - tôi quyết định biến những ngày tháng của tôi thành những ngày tháng của ảo mộng tươi đẹp. Tất nhiên không phải vì tôi toàn mộng thấy sự tươi đẹp để mà sống như mộng ảo. Nhưng tôi muốn biến những giờ khắc ngắn ngủi bên cạnh mẹ tôi thành hạnh phúc, khi vào buổi chiều, ánh sáng còn đủ lọt qua khe cửa và hai mẹ con lại ngồi trước cái bàn nhỏ, khi bà muốn ghi lại những giấc mộng của tôi thì tôi liền sáng tác ra những mộng ảo mới. Con đã nằm mộng và con mơ thấy mình hóa thành bướm. Bướm cứ bay nhởn nhơ và bay nhởn nhơ. Con mơ thấy con bay giữa cả một cánh rừng hoa - Tôi nói và mẹ tôi chăm chú ghi chép lại. Con đã mộng và con thấy những cánh rừng mở rộng trước mắt con, ngoài kia là bến sông. Trên sông có sẵn một chiếc thuyền có buồm. Buồm nâu và không có một miếng vá nào. Nó không giống mấy cái buồm vá ngoài kia đâu mẹ ơi. Con trèo lên và thuyền bay đi rất nhanh rất nhanh. Đến nỗi con chỉ cảm thấy có gió lướt bên tai con, gió thổi u u... thế này thế này - Tôi làm bộ chun mũi vào thổi cho mẹ nghe thấy tiếng gió. Con đã mộng và con mơ thấy...
Con đã mộng và con mơ thấy...
Con đã mộng và con mơ thấy...
Tôi đã phải suy nghĩ để sáng tác ra những ảo mộng tươi tắn cho mẹ tôi. May thay những giấc mộng mà tôi nghĩ ra cũng đủ phong phú và sống động đến nỗi mẹ tôi hoàn toàn tin đó chính là những gì mà tôi đã nằm mơ thấy. Bà ngày càng cảm thấy hứng khởi khi chép lại những giấc mộng của con trai. Tuy rằng công việc của bà trong nhà cũng khá bận rộn, và không phải chiều nào hai mẹ con tôi cũng có thể thư thái ngồi trong góc nhà để ghi chép lại các giấc mộng. Tôi cũng dần thích thú với trò chơi này của mình và thậm chí tôi còn tin là chính tôi đã mơ mộng như thế thật. Trong các câu chuyện về các giấc mộng, tôi đã mô tả lại cho mẹ tôi tất cả những gì mà tôi thấy. Những cây lá ngoài vườn, những con ong cần cù hút mật, những chú kiến đi lại lăng xăng kiếm mồi, con thạch sùng tặc lưỡi trên mái nhà, cây nhãn ngoài vườn đang nở hoa, vài bông hồng đang sắp tàn sau một ngày rạng rỡ, những cơn giông bất chợt mà tôi thấy trên bến sông. Tôi cũng kể cho mẹ tôi thấy hành trình của tôi trong những cuộc phiêu du trong mộng ảo tưởng tượng của tôi. Và mẹ tôi bắt đầu dạy tôi học ngày càng nhiều hơn. Có một điều là tất cả những thứ mà bà dạy tôi, đặc biệt là thơ, chỉ toàn là thơ về các giấc mộng. Bài tập viết của tôi sau bài Chiếc cầu mộng là bài Quán bên đường. Tôi rất thích các bài tập viết này vì nó hầu như luôn là ba câu thơ ngắn. Chẳng hạn như: "Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương"
Mẹ tôi duy trì các bài tập viết của tôi, ngay cả khi tôi đã mười mấy tuổi, bà vẫn muốn luyện chữ cho con trai của mình. Mẹ nói tôi phải luyện chữ cho đẹp và phải viết ngay hàng thẳng lối nhưng vẫn mềm mại. Bà bảo "Nhìn nét chữ là biết ngay nết người" - Tuy nhiên, càng ngày tôi càng thích các bài tập của bà vì bà đã cho tôi chép những bài thơ khó hơn và thực sự thì chúng ngày càng quyến rũ hơn. Bà cho tôi chép cả một chùm thơ Mộng mà tôi còn nhớ lõm bõm mấy bài sau đây: - 
"Nhớ nhung người
Nên trong giấc ngủ
Đã tìm thấy nhau
Nếu biết là trong mộng
Không thức nữa đâu". 
"Nhớ thương vô bờ
Đêm đen như huyền ngọc
Em nằm bơ vơ
Khoác lên người áo trái
Mơ về ai trong mơ". 
  Đôi khi tôi dừng lại hỏi mẹ: Thế nào là "Đêm đen như huyền ngọc". Mẹ tôi cười. Bà tên là Ngọc. Khi ấy, tôi mừng biết bao khi thấy mẹ tôi có một niềm vui. Thực ra mẹ tôi rất đẹp, răng bà đều và trắng bóng. Và nụ cười làm gương mặt của bà sáng lên. Bà rất ít khi cười. Bà chẳng giải thích cho tôi đêm đen như huyền ngọc là thế nào, nhưng từ đó, đêm đen như huyền ngọc gắn với nụ cười của mẹ tôi. Tôi bắt đầu học Truyện Kiều. Mẹ tôi là người có thể đọc Truyện Kiều bằng hai cách, đọc xuôi từ câu đầu tiên cho đến câu cuối cùng. Và đọc ngược lại. Tôi không hiểu vì sao mà mẹ tôi có thể thuộc làu câu chuyện thơ dày và có nhiều từ khó hiểu này. Nhưng mẹ bắt đầu dạy tôi hàng đêm bằng cách vừa kể chuyện theo kiểu diễn nghĩa nôm cho tôi hiểu và vừa đọc thơ minh họa. Bà luôn bắt đầu bằng câu mở đầu:  
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"
 
Rồi bà lặng đi một lúc. Sau đó mới kể tiếp. Về sau này tôi biết là cứ mỗi khi lặng đi như thế là bà rơi lệ. Làm sao có thể cứ khóc như thế vào mỗi đêm khi đọc Truyện Kiều? Nhưng rồi thì kết cục của tất cả mọi câu chuyện của bà xung quanh nàng Kiều cũng lại quy về các giấc mộng. Bà kể cho tôi nghe về các giấc mộng của nàng Kiều. Giấc mộng mấy lần nàng gặp Đạm Tiên. Hay là Đạm Tiên báo mộng cho nàng. Tôi nghe và trong trí óc non nớt ngây thơ của tôi khi ấy hình dung ra cảnh một người đẹp xương mai vóc hạc là Đạm Tiên hiện lên trong giấc mộng Thúy Kiều. Hai người đẹp và những giấc mộng buồn bã báo hiệu cả một kiếp đời thiếu may mắn. Sau này, khi tôi đã thuộc phần nào Truyện Kiều thì tôi và mẹ cùng ôn lại những giấc mộng trong đó. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại bói Kiều. Đó là lúc không có một ai trong nhà ngoài hai mẹ con. Mẹ tôi đốt một lò hương và một khay trầm đặt trên bàn. Hương khói nghi ngút bay lên rồi trôi bảng lảng khắp nơi. Mẹ tôi đọc một câu thơ dài trong đó tôi nhớ lõm bõm mấy câu "Lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều" và nhắm mắt lại, mở khẽ khàng một trang của cuốn Truyện Kiều đã cũ mèm tuy vẫn còn đủ gáy. Rồi thì bà từ từ mở mắt ra, đọc câu thơ mà ngón tay của bà đã trỏ vào đó. Thường thì những lần bói Kiều làm mẹ tôi rất buồn. Vì bà hay bói phải những câu thơ đại loại như: "Đường xa ngẫm lại nỗi mình mà kinh" hay "Thương thay thân gái dặm trường"... Mẹ tôi thành kính tin vào những cuộc bói thơ như vậy đến nỗi tôi cũng phải lây lan sự thành kính của mẹ tôi với cuốn sách nhỏ kia. Bà tin rằng cuốn sách kia, trang thơ kia đã vận vào đời bà từ kiếp nào xa lăng lắc và giờ đây nó chỉ nói ra những sự thực cay đắng. Tôi cũng đành tin là như thế, tuy rằng khi ấy tôi còn bé quá và chẳng hiểu gì về kiếp người hay thân phận. Mẹ tôi đặc biệt trân trọng Tố Như tiên sinh. Bà gọi tác giả Truyện Kiều như thế tuy rằng rất ít người vào thời đó còn dùng chữ "tiên sinh". Bà bảo sinh thời, ông hay nằm võng. Nằm đu đưa đu đưa. Được vài lượt thì đọc một hồi truyện Kiều lên, sau đó chép lại. Cứ thế mà viết dần viết dần cho đến câu thơ cuối cùng. Hết ngày này sang ngày khác. Tôi tin rằng mẹ tôi mơ hồ hiểu Nguyễn Du. Bà cho tôi chép một bài thơ của Nguyễn Du làm trên sông La Phù. Một dòng sông nhỏ bé, nằm ở miền Trung và nước của nó có màu xanh đặc trưng của các dòng sông ở đây do chảy qua những rặng núi đá và đổ về biển cả. Một đêm ngồi trong thủy các trên sông La Phù, Nguyễn Du viết: "Mở đôi mắt mộng trăm năm hỡi - Nén nỗi lòng đau cố lý ơi". Từ đó tôi chợt hiểu khi dạy truyện Kiều cho tôi, mẹ tôi hay nói chuyện về mộng ảo là như thế. Thực ra thì bài thơ viết trên thủy các ở sông La Phù ấy nguyên văn chữ Hán và mẹ tôi có chép cho tôi chữ "khai nhãn mộng" trong cả câu "Trần thế bách niên khai nhãn mộng" ấy ra một tờ giấy hoa tiên bằng mực nho. Chữ của bà không sắc sảo nhưng rất mềm mại và quyến rũ. Tôi vẫn còn giữ thủ bút của mẹ tôi. Tôi chẳng biết thủ bút đầu tiên của Nguyễn Du khi ông viết bài thơ này như thế nào nhưng "khai nhãn mộng" quả là một câu thơ đầy ẩn mật.  
2. "Ôi con mực phủ
Nằm ngủ quên trong bẫy
Mơ màng thấy ánh trăng" 
  Đó là một bài thơ mà tôi thích. Tất nhiên nó cũng nằm trong danh mục các bài thơ mà mẹ tôi vẫn thường dạy cho tôi qua các bài tập viết năm nào. Tôi chẳng biết Basho đã viết bài thơ về con mực phủ kia trên đoạn nào của cuộc hành trình dài dằng dặc của ông, trên con đường về thăm lại cố hương Ueno và đi Nagoya hay trong cuộc du hành lên phương Bắc nổi tiếng dài 2.500 km để kết thúc ở Edo sau khi đã rời cố đô Kyoto vào năm ông 45 tuổi. Mẹ tôi chỉ cho tôi chép mà chẳng dạy gì cho tôi về ý nghĩa uyên ảo của bài thơ này. Cho tới khi tôi gặp được thầy tôi. Thầy bảo: Ai cũng như con mực, tất cả đều sa vào bẫy và đều mơ màng thấy ánh trăng của đời mình. Tất cả những điều này được tôi hiểu ra khi tôi đã trưởng thành. Khi đó, tôi tình cờ tìm lại được trong di cảo của mẹ tôi sau khi bà đã từ giã cõi đời rất lâu một cuốn vở mà trong đó bài thơ về con mực phủ được chép một cách trân trọng ở hàng đầu. Đó là một cuốn vở Mộng. Nhưng là của mẹ tôi. Bà đã viết nó vào những đêm không ngủ. Tôi phải cố gắng đọc ra tất cả các ghi chép trong cuốn vở này. Tuy rằng điều đó rất khó khăn vì thời gian đã quá lâu, giấy đã ố vàng và từng trang muốn rơi rụng, có chỗ mực bị mờ đi. Tuy nhiên nét chữ của mẹ tôi thì vẫn mềm mại như bà mới dừng tay ở đâu đây. Cuốn vở ghi chép lại tất cả các giấc mộng của cuộc đời thiếu nữ của mẹ. Thời gian kể từ khi bà còn là một cô bé con trường tỉnh, kế đó là cuộc sống ở trường trung học. Khi bà thầm yêu. Có những giấc mộng thú vị. Ví như bà viết rằng mơ thấy bà biến thành nắng. Nắng lấp lóa vàng và trải dài ra như những sợi tơ. Rồi đột nhiên bà hiện nguyên hình thành một cô bé con mặc áo có đốm hoa tầm xuân và đứng trong một vườn hoa đầy dây leo dại. Giấc mộng này làm cho tôi khi nào đứng trong nắng cũng có cảm giác đang ở trong vòng tay êm ái của mẹ tôi. Có nhiều giấc mộng bà gặp trong đó người bạn cũ đã chết cách đây nhiều năm của bà. Chỉ có điều mẹ tôi viết rằng bà không thể nào chạm vào tay của người bạn ấy trong mộng dù bà rất mong muốn. Một giấc mộng mà tôi thuộc làu, đó là giấc mộng êm đềm khi bà hoài thai ra tôi. Nhưng có lẽ tôi cũng chẳng nên viết ra đây làm gì nữa. Nó là kỷ vật riêng của tình mẫu tử. Chỉ có một ác mộng được ghi lại trong cuốn vở Mộng. Đó là giấc mộng đêm hôn lễ. Bà viết: Hôn lễ kết thúc, cô dâu và chú rể vào phòng hoa chúc. Nhưng khi động phòng thì cô dâu bất tỉnh. Nàng như đã chết. 
 "Thắt giải khăn màu vàng
Linh hồn nàng tự sát
 
Âm thầm một đám tang"
Rồi tỉnh lại - bà viết, hóa ra là ác mộng.
"Em sợ hãi, em sợ hãi, sợ hãi quá chừng"

Những dòng sợ hãi sợ hãi này được viết nho nhỏ và run rẩy, tựa hồ như nó cũng đang run sợ vì cơn ác mộng vừa qua...
Và đó là giấc mộng cuối cùng được chép ra trong cuốn vở Mộng của mẹ tôi.
Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn vở Mộng của mẹ tôi nhiều lần để cố gắng hiểu thêm về bà. Tất nhiên những hiểu biết này cũng đều là mông lung vì khi mẹ tôi mất đi, tôi còn ít tuổi quá. Bà hầu như chẳng nói gì với tôi về cuộc đời lặng lẽ của mình. Tuy nhiên tôi cũng hiểu lờ mờ rằng dường như mẹ tôi thật khó sống trên cõi đời nghiệt ngã này vì rằng bà thuộc thế giới của những giấc mộng. Dù sao thì tôi cũng cho khắc những lời này lên tấm bia đá thô sơ ở mồ mẹ tôi. "Đến và đi trên cầu mộng". 
  Ngày 25/1/2003   V.B.H
Cánh hoa đào mộng mị,
Hoa đào rơi rụng cuối sân,
Người xưa cứ tưởng như gần lại xa...
Xuân thì em có mặn mà,
Sắc vàng hoa cải có nhoà đâu em ?
Xuân về lấp ló bên thềm,
Mắt xưa nhoà lệ trông về nơi xa.
Anh về gom lại mùa hoa,
Đào tuôn theo gió xui ta lỡ thì !!
NM

Cánh hoa đào mộng mị

Qua chiếc cầu bắc qua sông làng chừng nửa cây số mới đến chợ xép. Dạo trước ngày lũ nước sông còn dâng cao, chợ họp đến tối mịt vẫn còn nghe lao xao lãi lời.
Tôi và anh trai của con bạn gái hàng xóm nhô lên khỏi sông, nước nhỏ ròng ròng vẫn bước nhanh đến chợ mua miếng đường cục đen thui ăn như một phần thưởng cuối ngày. Con bạn gái đón anh trai mình và tôi ở chợ, bán những thứ mà hai chúng tôi kiếm được. Có tối tôi ăn cơm xong qua nhà thằng bạn, thấy em nó từ chợ vẫn chưa về, tự dưng cuống lên đi tìm, không hiểu sao. Khuôn mặt người con gái thôn quê không gợn lên suốt quãng thời gian lầm lũi kiếm ăn xứ người, thật lạ lại khiến tôi nhớ khi bàn chân vừa tụt khỏi xe ôm lấm bụi quê nhà. Vẫn cứ dặn lòng: đừng bao giờ để tôi thấy một cây đào nở rộ dịp xuân sang. Em và màu hồng của làn môi, của hoa đào rơi rụng, của xác pháo tan tành, tôi đã xóa sạch và ký ức cũng đã lụi tàn.
Trời hửng sáng. Mẹ ngạc nhiên đến nghẹn lòng đón đứa con xa về. Cây đào vẫn còn đó hồng thắm một góc vườn và phía dưới lả tả những cánh mỏng bâng khuâng giữa ngày cuối năm. Nó làm tôi nhớ đến xác pháo dưới chân người con gái ấy về nhà chồng cho tròn phận mỏng...
Tôi và anh trai của em vẫn thường bên nhau mỗi sáng sớm ngày nghỉ ra sông rải lưới và chiều tối ngụp lặn kiếm thêm tiền học phí. Tôi cũng không để ý nhiều lắm đến em, chắc hồi ấy hồn nhiên quá. Rồi có người dạm hỏi em, tôi mới ngỡ ngàng... Khuôn mặt em bỗng chốc rực một nỗi buồn, ám ảnh tôi trong suốt những tháng ngày quân ngũ. Làng chưa ai có điện thoại di động, liên lạc với nhau qua những lá thư nhuốm màu nắng gió thao trường. Mà không ai thông tin cho tôi biết rằng, theo ý nguyện quyết liệt của em, gia đình phải trả lễ trầu cau. Em vào Nam. Một mảng mờ nhòa. Nỗi hoài niệm giữa vô vàn cánh đào oằn oại dưới chân mình với xác pháo ngày vu quy âu chỉ là một dạng vọng tưởng xa xăm lạ lùng. Tôi khác xưa, khác lắm. Dường như sự nếm trải mùi đời cay đắng đã vùi lấp bao ký ức đẹp nơi nguồn tâm vẩn đục.
Chiếc túi xách nặng trĩu đặt xuống nền nhà. Cuốc bộ từ dưới chợ về, tôi cảm giác lâng lâng, tưởng đến một tiếng nổ và những đóa vô thường bung nở vào phút giao thừa thiêng liêng. Từ ngày ra quân, tôi không còn nhận được lá thư nào của người thân. Đôi khi nhớ đơn vị da diết. Nhớ cái hòm thư luôn hy vọng có tin em trong đó. Rồi cuộc đời xua đẩy, tôi thành một con người thật tức cười tức khóc với chính mình; lại ước có được ít ngày trở lại với môi trường quân ngũ.
Tôi co nắm đấm. Gượng. Chừng như có khuôn mặt vừa ló khiến thân tâm chùng lại. Hồi ấy tôi bày ra việc quấn pháo. Cả gia đình không hề tưởng đến một tiếng nổ lại mang về tai họa. Sau này hễ nghe tiếng pháo là tôi nhói đau... Nhớ những gì muốn quên. Những cuốn sách, cuốn vở cũ nằm bất cứ xó xỉnh nào trong nhà được lôi hết ra rọc thành miếng; tôi còn kiếm vỏ bì xi măng quấn những quả pháo lớn. Điều đáng quên nhất vẫn là bàn tay chưa một lần chạm vào người con gái bên kia bờ rào. Thường mỗi tết tôi cuốn những bánh pháo cỡ bằng ngón trỏ, pháo đại chêm vào từng đoạn. Trong xóm ai mua, đến giao thừa tôi nghe và nhận ra rất dễ.
Mẹ bưng lên ly nước chè đậm, tôi đứng ở cửa vừa uống vừa nhìn ra cây đào vẫn như đang từng khoảnh khắc bung nụ. Ra năm đào sẽ cho quả, vị ngọt chua. Thời điểm tôi rời nhà, làng chưa có cây đào nào lớn bằng, nên bây giờ nó trở thành của hiếm. Bờ tường cách gốc đào một mét, bên kia là nhà thằng bạn có đứa em gái tôi vừa sực nhớ, giờ em ra sao, còn ở nhà không?

Cánh hoa đào mộng mị - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên1
Minh họa: Văn Nguyễn
Mẹ ngồi đun củi, tay trái cầm chuỗi tràng hạt vừa lần vừa niệm Phật. Tôi rất ngạc nhiên. Loáng thoáng lần nào đó trong điện thoại mẹ nói làng vừa có một ngôi chùa lớn, mẹ cũng hay lên tụng kinh. Khoảng ba năm qua, mẹ một mình lui cui trong bếp, ngôi nhà cũng trở nên rộng thênh. Tôi hiểu nếu không tụng kinh niệm Phật hẳn mẹ đã héo hắt, rồi cây đào ngoài kia đâu xanh mướt và hoa nở rộ đúng dịp xuân về.
Tự nhiên niềm hứng khởi về một những quả pháo vút lên bầu trời đêm tĩnh lặng nổ đoàng trỗi lên như một cơn nghiện u tối. Tôi giờ là một người khác, không nhút nhát e dè như xưa. Tôi tới mở chiếc túi, lôi áo quần quà cáp ra hết, đến lúc tay chạm vào quả pháo hoa loại không dễ kiếm. Phải giấu diếm mệt nhọc và cả lo âu tôi mới mang được nó về đây.
Châm thuốc, tôi ngả lưng trên giường mà hút. Rồi cánh tay xoài ra, thuốc tự cháy rơi tàn xuống nền nhà. Tiếng chó sủa, tiếng người lam nham. Mẹ tiếp khách, hình như là thằng bạn hàng xóm của tôi. Vẫn khuôn mặt gầy và dài. Thời điểm này tôi không phân biệt được mình mớ ngủ hay thức. Lúc thì thấy ngồi cùng bàn trò chuyện, lúc thấy vẫn nằm nguyên trên giường, rồi tự hỏi sao bạn lâu ngày gặp mặt lại mặc hắn ngồi trơ. Hắn uống ngụm nước chè xanh còn ấm nóng mẹ tôi om, cũng rít thuốc rất sâu, phả khói vào ánh nắng xuyên vào. Hắn than van công việc khổ, từ dạo ấy đến nay chẳng một lần được đón giao thừa, cứ phải chạy như điên như cuồng.
Tôi nhìn ra. Cây đào vẫn đó. Chẳng lẽ tôi nghĩ nó sẽ bị ai bứng đi. Đầu óc thật lạ, nhiều khi một ý nghĩ cực xấu từ đâu phóng lên để lại nỗi ân hận vô biên. Mẹ tôi đang nhẹ nhàng rửa những trái cam sợ rụng cuống để đặt lên bàn thờ. Tôi lại tự hỏi mình hái cam lúc nào? Mẹ không thể hái được những trái cam còn nguyên cuống từ trên cao thế kia được. Và ô kìa, gốc đào hoa rụng dày. Tôi bước ra nhìn lên. Rõ, cây đào vừa bị cưa một nhánh lớn. Ai? Sao tôi không hay gì trong lúc chưa bước khỏi nhà. Nhìn lại giếng, mẹ vào bếp rồi thì phải, như chưa từng có một bóng dáng vừa khoát nước rửa ráy ở đó. Nhánh đào bị cưa, sức lay động mạnh khiến hoa rụng ngút ngàn tan tác. Tôi lún chân giữa xác pháo ngày em về nhà chồng không thể nhấc nổi bước chân.
Hồi xưa lắm ấy tôi từng ước đến ngày cưới sẽ tự quấn bánh pháo thật kêu nổ đón dâu về. Niềm mong thành hư huyễn, không phải từ lâu lệnh cấm pháo ban hành mà ngay đến ý nghĩ tổ chức một lễ cưới cũng chừng như không còn tồn tại. Tôi chỉ cần tờ giấy kết hôn là đủ. Nhưng tiếng nổ đinh tai của tràng pháo ảo vọng còn vang. Và bây giờ tôi sẽ thức dậy niềm xúc cảm mơ hồ bằng những tiếng nổ trên không trong đêm giao thừa tĩnh mịch, sẽ châm ngòi mấy quả pháo hoa mua lậu ở vùng biên giới. Có một giao thừa năm nào tôi dạo quanh xóm, ngu ngơ sao lại bước vào nhà thằng bạn. Có lẽ khuôn mặt em giữa sân luyến tiếc giao thời đã hút tôi. Không lời chúc năm mới, tôi cứ ngồi như bức tượng ảo trước sự ngạc nhiên của em. Tôi cũng không nhớ cả năm đó gia đình em có gặp may mắn gì không.
Trường đoạn phim quay cảnh mẹ tôi và thằng bạn hàng xóm lại lướt qua đầu. Tôi nghe, em đã lấy chồng, tự cảm nghiệm thấy mình không dậy lên phản ứng. Lần nữa chứng tỏ hình bóng em vẻ như mờ nhạt. Tại sao trong lúc ăn cơm với mẹ, nhắc đến em bị bỏ rơi lại khiến tôi rung động. Em không dám bỏ về quê mà theo sắp xếp của anh trai, ở trọ tại một thành phố khác. Tưởng ngay chồng của em hiện ra trước mặt, tôi phốc dậy đấm một cú.
Về nhà sau bao thời gian xa quê đằng đẵng, tôi chưa dạo quanh xóm, muốn ở nhà luôn đến giao thừa. Sẽ không ai biết tôi ở nhà, kể cả em. Mẹ tôi cũng không biết những quả pháo của tôi mang thông điệp gì. Tôi sẽ né tránh không nghĩ tới hình ảnh người công an xã vốn quen biết từ nhỏ. Song tế nhị, tôi sẽ không bắn pháo theo chiều thẳng đứng. Phía sau nhà tôi là đường cái; phía trước nhà bên kia hàng rào là nhà phó công an xã. Phía bên phải là nhà một nữ tu tại gia, bạn của mẹ tôi (tôn trọng, tôi cũng sẽ không bắn pháo về phía đó); bên tay trái là gã trung niên ngầu đời. Gã từng vào Nam làm ăn thời gian dài, chưa biết sợ ai...
Tôi cảm nhận được: mọi ký ức không bao giờ mất đi, chỉ là khuất lấp đâu đó trong tiềm thức, và biết đâu sẽ tồn lưu đến những kiếp sau để rồi thôi thúc sinh mạng mới rẽ vào lối mòn dẫn từ quá khứ. Tôi cũng không hiểu một vài kỷ niệm cũ mèm với em, nó không hề được gợi lại lần nào, tưởng đã bốc hơi vào mịt mù không gian nay lại trỗi lên như một cơn choàng tỉnh giữa khoắt khuya. Đầu xuân năm nao tôi cùng em trốn tìm giữa bạt ngàn hoa cải. Cái gam màu vàng rộm nhức nhối khô chết trong sâu thẳm tâm thức bỗng bừng sáng, bỗng khiến tôi nhớ những cánh đồng cải ngồng thăm thẳm ngút ngàn...
Bàn thờ Phật của mẹ giản dị. Tượng phật, một ngọn đèn, hai lọ hoa tươi nhỏ nhắn, hai ly thủy tinh trong suốt mẹ thay nước mỗi sáng. Đêm cuối năm tôi ngồi xem thời sự, mẹ lặng lẽ thắp hương, lễ Phật rồi ngồi xếp bằng niệm Phật giữa ti vi phát ồn ào; đến lúc tiếng niệm chậm, rõ ràng từng chữ “A Di Đà Phật” lọt vào tai, tôi mới khẽ giật mình để bấm vô lum nhỏ lại; tiếng mẹ cũng lẫn vào u huyền của đêm. Rất lâu, đồng hồ gần điểm giao thừa. Quanh xóm râm ran tiếng người. Mẹ vẫn không mở mắt, khuôn mặt lặng phắc. Tôi bước ra sân.
Tôi ước sẽ bắn những quả pháo hoa phía sau bếp và mẹ không chứng kiến. Hồi hộp, lại nhìn đồng hồ. Đinh ninh nếu có quả pháo đâu đó tung lên, là lúc tôi cũng sẽ châm ngòi. Sửa lại thế đứng. Tim đập nhanh. Chập chờn bóng thằng bạn hàng xóm... và em. “Đùng!” Tôi như bị đánh bay ra...
Tiếng nổ khiến tôi choàng dậy. Vội ra hiên. Màn đêm điểm vài vì sao xa lắc, yên tĩnh. Và, kìa. Em đang bước vào, người lấm lem bóng tối song tôi nhận ra liền. Em một mạch vào bên gian thờ, thắp cây hương trầm ngước nhìn rất lâu tượng phật, rồi cúi gục trước một bức ảnh... Mẹ tôi và em cùng cầu nguyện.
Tết năm đó... xác quả pháo tươm muôn ngàn mảnh hồng đỏ như hoa đào xối xả giữa nền trời trắng nhức. Bao nhiêu năm rồi không nhớ. Nhưng hình ảnh về em thì vẫn trong veo. Trong veo cho đến cái ngày cuối năm ấy, tôi quấn một cái pháo bằng bắp chân. Tiết xuân mưa phùn. Thằng bạn hàng xóm - người anh trai của em đến rủ tôi đi chợ tết, nhưng tôi phải sấy pháo cho giòn. Tôi đặt pháo cối trên mẹt sấy trên bếp lò. Khoảnh khắc phân tâm, bếp bén lửa bốc lên khiến quả pháo phát nổ...
Tôi có lỗi. Tôi mang tội với em. Không thể gặp em nữa, tôi chỉ biết có vậy. Tôi muốn đi ngay khỏi thôn xóm và biệt xứ. Nhưng cũng là dịp tòng quân, tôi liền viết đơn tình nguyện, giấu mặt ở nhà người thân miền biển mà đợi...
Trên chuyến tốc hành rời quân ngũ buồn vui lẫn lộn, xe dừng lại bên đường và tôi thấy đôi tình nhân lội xuống vồng cải chụp hình; sao lúc đó không khiến tôi nhớ đến kỷ niệm với em thuở nào? Sao phải đến bây giờ hình ảnh quá vãng lật ngược để tôi đau đáu tiếc nghẹn khuôn mặt ửng vàng lấp ló dưới màu nắng tinh khôi chừng có thể hứng được như mật ong sóng sánh. Dáng em thấp thoáng ngoài cửa, đứng lại dưới gốc đào, tay bồng con nhìn xa xôi. Lại một đoạn phim khác lội qua trí não, tôi thấy em đẫm lệ hạnh phúc, và hoa đào tuôn theo gió lỡ xuân thì...
Nhuỵ Nguyên  
Đoán mộng,
Cả một đời tôi đi tìm đoán mộng,
Mộng ở gần và mộng cả nơi xa...
Và trong tôi vũ trụ thật bao la,
Tôi xin gửi mộng về theo lối cũ
NM
Người đoán mộng giỏi nhất thế gian
Ngày mười lăm tháng hai năm một ngàn chín trăm tám mươi bảy, tòa án nhân dân thành phố H. mở phiên tòa xử một trường hợp đặc biệt.
Bị cáo là một phụ nữ bốn mươi tuổi, độc thân, phạm tội hành nghề mê tín dị đoan có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, nổi tiếng dưới tên gọi "người đoán mộng giỏi nhất thế gian". Phiên tòa không luật sư bào chữa, bị cáo khước từ mọi quyền lợi trước pháp luật. Bảy công tố viên thay phiên nhau như chạy tiếp sức, phóng viên và cảnh sát dày đặc hành lang, đám đông tụ tập ngoài sân tòa và tràn ra mặt đường mang theo bánh mì, bi đông nước, nhiều người mang cả chiếu. Phiên tòa kéo dài sáu tháng không kết quả và chắc sẽ chẳng bao giờ kết thúc, nếu bị cáo không đột ngột biến mất khỏi nơi giam giữ nghiêm ngặt. Những người đại diện cho công lý đã thầm cám ơn giải pháp may mắn ấy và không quá nhiệt tình truy tìm kẻ mất tích. Suốt sáu tháng trước vành móng ngựa, bị cáo không hề lớn tiếng, trừ những lúc bắt buộc, nhưng trước khi mất tích để lại một bản khai, sau này được báo chí công bố như thành tựu chính của phiên tòa gây nhiều dư luận nói trên. Phải nói thêm rằng bị cáo có sắc đẹp kỳ lạ, chưa gặp trong văn chương cổ kim, nhưng hoàn toàn không mê hoặc, đơn giản vì sắc đẹp ấy quá xa lạ với những gì người cùng thời có thể biết hoặc phán đoán về cái đẹp. Mẹ tôi sinh tôi giữa đường chạy nạn, quây vội cót thành cái lều, trên trời dưới cỏ, xung quanh ầm ào tiếng súng, người vật gọi nhau táo tác. Tín hiệu chào đời của tôi lạc mất địa chỉ, chẳng ai làm chứng, tất cả phụ thuộc vào bộ nhớ rất hữu hạn và quá nhậy cảm với thời gian tàn phá của mẹ. Có một chú dế nhỏ mục kích từ đầu chí cuối cuộc sinh thành, nhưng nếu có gặp lại, mẹ tôi cũng không dám chắc sẽ nhận diện được. Thế là tôi nằm trong chiếc lều cót, ngửa mặt nhìn trời, với một chú dế trong vành tai, tư thế lý tưởng để phát sinh mọi mộng mơ và tôi đã mơ ngay từ phút chào đời vô vàn giấc mơ mà lắm kẻ bạc đầu chưa từng nếm trải. Đó là hướng nghiệp đầu tiên dành cho tôi. Ba năm đầu tôi lớn lên trong một chiếc thúng, bồng bềnh nhún nhảy theo nhịp quẩy của mẹ. Mẹ vừa chạy nạn vừa bán hàng rong, nửa gánh đằng kia là cả một thế giới nhỏ biến hóa vô cùng, nước mắm hóa thành muối, muối thành gạo, gạo thành gà, gà thành cá, cá thành nước mắm, nước mắm lại biến hóa vòng hai, cứ như thế luân hồi. Thoạt tiên, thế giới ấy nặng hơn tôi, mẹ phải an ủi bằng cách tặng tôi bằng hòn đá nhặt dọc đường làm đối trọng; sau này, thế giới đầu đòn gánh đằng ấy càng ngày càng nhẹ bỗng, tôi phải an ủi bằng cách nhượng lại dần cho nó số đá kia. Ngồi trong chiếc thúng đong đưa, tôi gục mặt nhìn đất, thỉnh thoảng ngắm gấu quần thiên hạ để giải trí, và mơ tiếp vô vàn giấc mơ. Đó là hướng nghiệp thứ hai. Sau đó là ba năm những giấc mơ chững lại. Các nhà tâm lý học trẻ em đã lầm to khi sốt sắng bày ra đủ phương tiện nhằm kích thích trí tưởng tượng và khả năng mơ mộng của trẻ nhỏ lúc tuổi ấy. Sự thật là đứa trẻ đã mang sẵn một thế giới mộng mơ khổng lồ, bắt nguồn từ lòng mẹ, vụt nhận hình hài khi chào đời, tự do phát triển theo những quy luật không thể nắm bắt, và đột nhiên bị thế giới ngôn từ thâm nhập như một trong những ngoại tố phức tạp nhất, vừa phá hủy, vừa định hướng và thường là một định hướng sai lầm. Tôi chững lại để tập, để thu nhận và khám phá một thế giới khác, thế giới có thực, thuần túy khám phá và thỏa hiệp, bằng cách gọi tên, bắc cây cầu ngôn ngữ, hoàn toàn không tưởng tượng hay mộng mơ gì hết, ví dụ đơn giản nhất là mẹ. Trước khi biết nói, tôi thường mơ về mẹ, như một con cá chép, bụng đầy trứng, trắng óng ánh và thích nằm một chỗ. Sau này, biết đó là người đẻ ra mình, biết ngoan cho mẹ vui lòng, không bao giờ giấc mơ ấy trở lại với tôi nữa. Suốt ba năm đó, hầu như chỉ có mẹ, và tôi. Mẹ ít nói, chỉ hay hát ru. Những lời ru lạ lùng, chẳng chuyên chở một ý nghĩa nào cả: "đêm vông vang rơi chiếc vòng vàng..." Tự chúng cũng là một thế giới riêng, không áp đảo, mà có lẽ còn nâng đỡ những giấc mơ của tôi. Tôi không dứt đoán mộng mơ vì lẽ ấy. Mười năm đi học, tôi lại được thời mơ tiếp vô vàn giấc mơ, vì đó là cách duy nhất vừa để giết, vừa để xứng đáng với thời gian khi người ta còn ngồi trên một chiếc ghế băng nào đó trong một ngôi trường nào đó. Tôi thường đứng trước lớp, thay vì biểu diễn các công thức mà đàng nào rồi người ta cũng sẽ quên, lại kể về những giấc mơ, trong đó có một đàn chim mổ vào mắt nhau, những con mắt lăn lóc khắp nơi, tôi không biết trốn đâu cho thoát những con mắt, hay chuyện tôi bé bằng ngón tay, sau lớn dần, lớn dần, thành hẳn một quả núi, và lại nhỏ dần, nhỏ dần trở về ngón tay... Tôi trở thành trường hợp tuyệt vọng cho toàn trường. Giáo viên lúc đầu tò mò, sau bực bội, và cuối cùng để mặc tôi ở một xó bàn cạnh cửa sổ; sau này những người hâm mộ và cuồng tín kéo nhau về ngôi trường ấy, mua đấu giá chiếc bàn chi chít bút tích tôi. Lời đoán mộng ứng nghiệm đầu tiên của tôi phát vào năm mười sáu tuổi, cho cô bạn cùng lớp xinh đẹp nhất. Cô bé không có chữ nào trong đầu, nên trông càng mê hồn. Đến kỳ thi tốt nghiệp, cô cài bông huệ gắn lên tóc, khoe đêm qua nằm mơ thấy toàn hoa huệ. Tôi rùng mình: "Đừng, sông sâu nước cả". Chín tháng sau, cô bé sinh hạ, hai mẹ con ôm nhau ra sông tự vẫn, bố đứa trẻ là một trong số giáo viên về coi thi, và cô bé Hoa Huệ đỗ thủ khoa năm ấy. Tiếng đồn bắt đầu dậy lên. Chính quyền tìm đến tận nhà. Hai mẹ con tôi được yên ổn chỉ nhờ phép mầu của tấm bằng gia đình liệt sĩ phủ đầy bồ hóng và mạng nhện. Nhiều năm trôi qua. Tôi làm đủ mọi nghề nuôi mẹ, có lúc cũng quẩy hai cái thúng với những món hàng biến hóa vô cùng, dấu kín chiếc chìa khóa mà hình như chỉ riêng tôi có mở vào thế giới của những giấc mơ. Có giấc mơ nào tôi chưa quen? Tất cả như một mớ chỉ, khẽ rút sợi này là kéo theo hàng loạt sợi khác. Giải mộng chẳng qua là rút đúng sợi chỉ cần rút, đối với tôi đấy là chuyện vặt. Và khi lời đoán đầu tiên năm người ta mười sáu tuổi ứng ngay vào cái chết, thì tất cả các sợi chỉ rút sau quả là chuyện vặt. Một hôm, có ông lão nốt ruồi mọc giữa nhân trung đến mua kim, ngồi bệt ngay bên gánh hàng của tôi, vừa run run díu lại mảng áo rách vừa than phiền về một giấc mơ quái gở, toàn là mèo, con nọ cắn đuôi con kia thành vòng tròn vây chặt ông, không sao ra thoát, chúng còn đồng ca một bài nghe cũng xuôi tai. Tôi lại buột miệng: "Nhà sắp thêm người, cụ không phải vá áo lấy nữa". Ông lão lầu bầu: "Tôi bảy mươi, mười một năm tám tháng hai chục ngày chỉ một mình với túp lều. Con trai thì núp váy vợ, con gái lấy chồng xa, bà lão trời bắt sớm, có ai mà thêm. Thêm ma à?" Rồi chống gậy bỏ đi. Chưa đầy tuần lễ, có người đàn bà chỉ ngoài bốn mươi, trông rất duyên dáng, lẳng lặng ôm tay nải đến túp lều lợp giấy dầu của ông lão, hỏi thế nào cũng không nói. Họ sống với nhau hai chục năm, rồi ông lão qua đời, được một con trai học hành rất tử tế. Người mẹ vẫn câm lặng như một bóng ma, hiền và lạc đàn, tới lúc chết không hé răng nói một lời. Anh con trai bán túp lều chôn cất mẹ rồi bỏ làng đi. Sau này anh ta sớm thành tài, nổi tiếng thần đồng trong giới khoa học và là người bảo trợ đáng yêu nhất của tôi. Đáng yêu ở cái nỗ lực phi lý mong tăng cường chiều thần diệu cho mặt phẳng logic nhạt nhẽo của khoa học, bằng cách gán cho thế giới mộng mơ của tôi một vài yếu tố trí tuệ, và gán cho khoa học một vài sắc thái tâm linh. Các vị hãy giở lại hồ sơ tòa án. anh ta là nhân chứng số một, một chàng trai dễ thương, có tham vọng thông thiên và ngoại cảm, lại còn làm thơ và thạo nhiều ngoại ngữ. Nhưng đáng tiếc, anh ta luôn xuất phát từ một điều gì đó và nhằm một điều gì đó. Còn tôi, tôi không xuất phát, không định hướng, tôi chỉ là một môi trường cho các giấc mơ đi qua, tôi chỉ rút các sợi chỉ. Tiếng đồn lại dậy lên, người khắp thiên hạ truyền nhau tìm đến. Tôi không còn phải quẩy gánh bán hàng rong nữa. Đây mới thật là một nghề gia truyền. Người đàn bà nào trong dòng họ tôi cũng biết cân đong, nhìn xuống đất và nhặt nhạnh hào lẻ. Cái nghề thấm vào máu. Khi đã trở thành người đoán mộng giỏi nhất thế gian tôi vẫn nhìn tất cả như vòng luân hồi biến hóa vô cùng trong chiếc thúng nhỏ ở một đầu đòn gánh: giấc mộng đế vương, giấc mộng hoàng lương, giấc mộng vô thường, tất cả không ra ngoài miệng thúng. Người ta lắm mộng mị, mộng ban đêm, mộng ban ngày, thậm chí ngủ gật dăm phút trong hội nghị, giữa buổi cầu kinh, lúc chờ người yêu, khi nghe bố mẹ giảng bài học hiếu đễ, giữa hai nước cờ của đối thủ lề mề, hay trên cầu tiêu... cũng mộng. Mấy chục năm hành nghề cho phép tôi phân loại và thuộc lòng mộng thiên hạ như nhà đông y làm việc với các ô thuốc. Đứng đầu là mộng tiền bạc, từ mấy đồng xu rơi vãi ngoài đường, dăm chục đồng bạc lên lương, vài ba nghìn manh múng cò con, đến hàng vạn quan tiền lộc ngoại quốc và triệu triệu tiền siêu hình, tiền âm phủ khoét từ các vết thương chính quy của cái cơ thể duy nhất độc quyền sản sinh tiền bạc là nhà nước. Vì lẽ sống đó, còn ai trong cái thành phố bất lực mà hồn nhiên này không tìm đến tôi? Nào là đám ăn mày chuyên nghiệp, tràn từ thành phố này sang thành phố khác như nạn giặc châu chấu, đánh đeo với thể diện xã hội và chứng minh sự bất hợp lý vĩnh cửu của ban phát và hưởng thụ. Nào là anh chị em viên chức mòn mỏi ngóng về một quá khứ trong đó con người còn dám cho mình cái quyền lãng mạn và nhàn tản. Rồi em bé hát rong, ông chủ hợp tác xã khéo tay vui tính, nhà viết kịch thời thượng, những chàng thanh niên hăm hở chiếm lĩnh đời sống bằng hai bàn tay trắng, các cô gái không của hồi môn, vị thủ trưởng trước bước về hưu ngơ ngác trước nhân tình thế thái... tất cả đều nghĩ sâu sắc rằng thiếu tiền họ sẽ chẳng là gì, sẽ không còn là một người con, một người cha hay một người dân nào đó, cùng lắm bàng vai loài vật đi hoang ngoài đường, và vì thế ham tiền chỉ là ham muốn là người thuần túy nhất. Mộng tiền bạc thường hiện lên cụ thể, máu, phân, răng rụng, lửa cháy, nước tràn, súc vật hỗn chiến. Sau đó đến mộng tình ái. Tình ái cần đối tượng. Chồng bạn, vợ người, thứ nữa mới đến gái đồng trinh, quả phụ và kỷ nữ. Các giấc mộng tình ái đều hao hao giống nhau, hoặc gắn liền với ma, mèo, mưa, hoặc đầy rẫy các con số, các mã hiệu: nói chung là nhốn nháo. Tôi rất ngạc nhiên thấy những giấc mộng sinh, lão, bệnh, tử chỉ đứng vào hàng thứ ba. Hay đấy là dấu hiệu của sự tiến bộ của con người trong cuộc cạnh tranh muôn thuở với tự nhiên, luật của đấng tối cao đã lùi lại phía sau luật của con người áp đặt lên chính con người? Trong khi đó, đối với người giải mộng, những giấc mộng vô thường mang lại nhiều cảm xúc và ý thức nghề nghiệp nhất. Dường như ở đó, tôi rút những sợi chỉ như rút các dây thần kinh tỏa về não tủy. Cuối cùng là đủ loại mộng mị vặt vãnh, bi, hài và vô thưởng vô phạt: chửi nhau với hàng xóm, mất trộm, chức trưởng phòng, ăn cỗ đũa lệch, ra chợ mua hớ, của người phúc ta, không nên đi xa, ra đường tránh chó... Năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, tôi đã đoán cho hàng vạn người giấc mộng đoàn tụ. Năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín, lại đoán cho hàng vạn người giấc mộng biệt ly. Đám số đề, cờ bạc bàn nhau mua phắt một biệt thự kín cổng cao tường có vệ sĩ canh gác cho tôi ở, độc quyền khai thác lời giải những mộng mị oái ăm, đại loại như bước chân trái ra khỏi nhà là số 57, nấc nghẹn giữa miếng ăn là đầu chẵn, tự nhiên có người giúp đỡ là con số xui 13... Học trò đến kỳ thi đại học bao vây chặt cửa nhà tôi đoán đề bài. Các thiếu nữ đến mùa cưới cũng vây chặt cửa nhà tôi đoán tương lai cuộc hôn nhân sắp tới. Người đẻ đến đoán con gái con trai. Người ra đi đến đoán lòng người ở lại. Người già đến đoán kiếp sau. Người trẻ đến xem phải trả oán gì cho kiếp trước. Có cả những nhà tiểu thuyết nhờ đoán số phận các nhân vật của mình và những linh mục dẫn con chiên tới xem ngày phán xử cuối cùng bao giờ sẽ đến. Cứ như thế, tôi phục vụ. Không vì danh tiếng, còn danh vị nào hơn "người đoán mộng giỏi nhất thế gian"? Cũng không vì tiền bạc. Món tiền lớn nhất tôi cần đã dùng vào đám tang cho mẹ tôi, đơn giản chỉ để khoản đãi nửa triệu người đưa mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ có bà chúa ong mới được một đàn con đông đúc như thế. Ngày tang lễ thứ ba, tôi bị bắt. Hồ sơ về những hoạt động mê tín dị đoan của tôi chất đầy một căn phòng rộng hơn chính nơi tôi ở, đỉnh cao là đám tang phạm thượng náo loạn này. Tôi bị kết tội mê hoặc đám đông bằng phép bùa phù thủy. Người ta ngờ đằng sau là những mưu đồ tôn giáo và chính trị sâu xa. Một mạng lưới cảnh sát dầy đặc chăng ra truy tìm con át chủ bài dấu mặt. Báo chí bắt đầu cảnh giác. Giới khoa học được triệu tập cấp tốc. Chuyên gia nước ngoài cũng có mặt. Và ngày ngày, hàng trăm hàng ngàn rồi hàng vạn người chờ đợi trước cổng nhà giam, người nào cũng ôm ít nhất một giấc mộng chưa lời giải, ngóng qua đầu ruồi mũi súng anh lính gác về phía tôi. Bản thân anh ta cũng sẵn sàng đồng lõa. Một tuần sau, tôi được tự do. Ân nhân của tôi là một quý bà sang trọng, đeo kim cương ở khắp những chỗ quần áo không che hết da thịt. Quý bà sang trọng thuật lại cơn ác mộng của bà đêm qua. Tôi khuyên bà nên đi tu, nếu không muốn để gia đình rơi vào thảm họa. Bà ta lẳng lặng về. Mấy hôm sau, cửa nhà giam mở ra. Tôi lặng người trước đám đông. Một biển hoa. Dàn đồng ca và giao hưởng thành phố cử khúc "An die Freude" nổi tiếng trong bản giao hưởng số chín của Beethoven. Nhưng trong tôi, nỗi hoài nghi đã thay thế niềm vui, và lần đầu tiên, ý nghĩ đoạn tuyệt với nghề xuất hiện. Tôi tiếp tục hành nghề, bảy năm, như người tù khổ sai biệt xứ, bởi loài người đã phái tôi đến xứ mộng mơ để cày cấy gieo trồng và cung nộp toàn bộ thành quả lao dộng. Tôi là kẻ được chọn lựa, và giờ đây tôi không thiết tha gì tư cách của kẻ được chọn lựa nữa. Các vị hãy giở lại hồ sơ tòa án, nhân chứng số hai của tôi là một giáo sư bác sĩ nổi tiếng. Ngành y học quan tâm tới tôi thuần túy vì mục đích nhân đạo. Tôi nghiên cứu các giấc mộng, còn ông ta nghiên cứu tôi, con bệnh đầu đàn trong mọi con bệnh, giải pháp lâm sàng hứa hẹn ít nhất một Nobel. Theo sau ông ta là các nhân chứng khác. Một nhà thần học, thấy trong tôi sự giao lưu giữa con người và thần thánh. Một nhà phân tâm học, tự xưng là tín đồ duy nhất của Freud, Adler và Jung ở Đông Dương, khẳng định tôi là hiện thân của toàn bộ lý thuyết tâm lý học tầng sâu về mộng mị. Một triết gia lấy tôi là ví dụ cho tính năng động của ý thức trong tương quan với tồn tại. Một nhà nghiên cứu nghệ thuật hy vọng dùng tôi giải mã tranh cua Bosch, truyện của Kafka và nhạc Stravinsky. Một nhà xã hội học quyết định suy từ phương pháp thống kê mộng mị ra thực tế vốn khó tiếp cận hơn nhiều. Và một nhà sử học tìm kiếm chứng tích của các nền văn minh chìm trong những hoạt động vô thức. Họ đến với tôi, và giờ đây, ra trước tòa, đặt tay lên ngực thề khai sự thật và không gì khác hơn ngoài sự thật. Nhưng toàn bộ sự thành khẩn của họ và của đám đông khổng lồ mà tôi đã không tiếc công phục vụ chỉ càng chứng minh rằng tôi, người đoán mộng giỏi nhất thế gian, đã có mặt vô lý với tư cách kẻ được chọn lựa. Loài người bao giờ cũng chọn một kẻ nào đó để đặt tất cả lòng tin, và để đem ra trước vành móng ngựa. Một hôm, những người trước đây đã kết tội tôi dùng phép bùa phù thủy đích thân đến mời tôi cộng tác. Khoa học hình sự đã phát triển tới mức đủ sức liên kết với mọi lãnh vực tri thức khác. Tôi từ chối. Tôi chỉ là một môi trường cho những giấc mơ đi qua, tôi chỉ rút các sợi chỉ. Và ngay cả việc ấy tôi cũng không thiết tha nữa. Người ta mời tôi tới các hội nghị. Người ta đưa tôi ra nước ngoài. Người ta vời tôi vào nơi cung cấm. Người ta trao vào tay tôi vận mệnh quốc gia. Người ta đặt tôi dưới một chế độ ăn uống và bảo quản nghiêm ngặt. Và trong tôi, ý nghĩ đoạn tuyệt với nghề chín dần. Phải, giấc mơ nào cũng ứng vào một điều gì, từ chuyện cho mèo mẹ sẽ đẻ mấy con nhị thể, mấy con tam thể, đến chuyện chiến tranh và nạn hồng thủy. Còn giấc mơ ứng vào chính nó, mộng mơ như một dạng tồn tại, không biểu tượng, không ám chỉ, như hai vạn năm trước từng là lối sống duy nhất của một chủng tộc nào đó, thì đồng loại tôi chưa bao giờ gặp. Trong trường hợp này, không thể dùng những khái niệm đã biết để hình dung điều chưa biết, nên người làm một động tác xóa sổ đơn giản, bảo đó là trò chơi dễ dãi của ngôn từ. Tôi quyết định chọn ngày sinh lần thứ bốn mươi của mình làm ngày hành nghề cuối cùng. Hôm đó, thành phố bãi bỏ toàn bộ hoạt động, người nào cũng tranh thủ có một giấc mộng trọng đại cuối cùng. Rõ ràng tôi không đủ sức thỏa mãn từng cá nhân trong vòng hai mươi tư tiếng đồng hồ ấy, chỉ còn cách phân loại và giải đáp từng nhóm mộng to, mộng nhỏ. Có nhóm được nghe lời phán định về sự suy sụp của cả một chế độ. Có nhóm biết mình sẽ đứng ra thâu tóm đời sống xã hội trong mười năm sắp tới. Có nhóm được quyền nhàn tản thung dung bất chấp mọi đổi thay của thời cuộc. Và biết bao nhóm khác sẽ quẩn quanh trong những biến cố nho nhỏ của trái tim. Rồi việc phải đến đã đến. Đám đông gào lên, kẻ tung hô tôi, kẻ đòi tôi không được từ chức, kẻ đe dọa tự thiêu ngay tại chỗ để phản kháng lời giải mộng về một số kiếp chẳng ra gì, kẻ phát cuồng về một tương lai vượt quá mọi mong đợi. Cuộc náo loạn lần này đẩy tôi ra đây, trước vành móng ngựa. Các vị đã tự giằng co sáu tháng trời, không quyết định nổi nên tiếp tục đặt tất cả lòng tin vào tôi, hay đành sống không điểm tựa. Đây là phiên tòa dành cho các vị. Hãy kết tội niềm tin đi, nếu nó không còn cần thiết nữa, và thay vào chỗ nó những quy chế nghiêm ngặt của cộng đồng. Để tiện cho các vị, tôi, người đoán mộng giỏi nhất thế gian, xin vĩnh biệt. Tôi không có môn đệ. Các vị hãy yên tâm. 
 Phạm thị Hoài (SH38/07&08-89)


Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Tin vào mùa Xuân


Những Ca Khúc Hay Về Mùa Xuân


                               Xuân dạo
                                 Xuân vừa dạo bước bên thềm,
                       Hương Xuân rạo rực ủ mềm dángxưa.
                              Trời Xuân hong nắng cho mưa,
                    Mong tìm dấu tích người xưa năm nào....!
                        Quản chi tuổi hạc đã cao,
                     Tâm tình dàn trải khác nào thanh xuân?!
                           Đôi dòng tình tự bâng khuâng,
                       Như mầm non nhú hân hoan gọi mùa...
                       Hoa về dạo chợ Xuân xưa,
                       Lời buồn liệu có Xuân ưa bây chừ ?!
                  NM

 Tin vào mùa Xuân
Nghe tin ông già mới được một tờ báo nào đó đặt bài, mà lại là bài tết khiến cả xóm nháo nhào.
Cái tin ấy từ miệng thằng nhỏ đánh giày được truyền nhanh khủng khiếp. Nhanh đến mức mới xế chiều mà cả xóm dạo đã từ khắp mọi nẻo đường trở về đông đủ. Chỉ chờ nhân vật chính xuất hiện là nhao nhao hỏi. Nhuận bút báo tết chắc là cao lắm hả? Đủ tiền mua vé vào nam thăm cháu ngoại không ông? Ủa mà báo nào vậy nhỉ? Mày không biết chữ thì hỏi để làm chi? Thì để hôm đó đi bán báo tui còn rao: “Cô chú mua báo đi. Báo có bài của ông bạn già xóm dạo viết chơi. Mua đi! Mua đi! Bảy mươi năm mới có một lần”. Rao gì mà kỳ vậy mày, sao lại bảy mươi năm? Thì không phải năm nay ông già vừa tròn bảy mươi cái xuân xanh hay sao? Ông cứ nói khơi khơi là ông viết báo mà tụi mình đâu có thấy bài đăng. Hy vọng lần này tụi mình không mừng hụt. Hay là cược cái gì đó cho vui? Một chầu bia đã đời có kèm thêm mực nướng, chơi không? Ủa mà bài báo tên gì? Ai là nhân vật chính vậy ông ơi? Sau câu hỏi đó thì đám người lại nhao nhao: “Tui này! Tui này! Viết về tui đi này”. Ông già nãy giờ vẫn ngồi cười, gió lùa vào hàm răng đã có nhiều chỗ trống. Hỏi chỉ để vui vậy thôi chứ cả xóm này ai cũng biết nhân vật chính đâu có đến lượt mình. 
 
Nhân vật chính là bà già từng bán xôi dạo nhưng giờ có khi không còn bán nữa. Chú Bảy xe ôm nói: “Hôm nọ đứng bắt khách ở bến xe tình cờ chở một người cùng quê với bà già. Nghe đâu bà già đã tìm thấy con trai ở mãi tận Sài Gòn nên bà gồng gánh vào đó cho gần con cháu”. Ông già nghe thấy thì vui lắm nhưng đêm vắt tay lên trán lại nghĩ ngợi hoài nghi. Giữa biển người mênh mông này muốn tìm lại người thân đâu có dễ. Nhất là khi bà thất lạc con từ lúc nó còn đỏ hỏn. Mà manh mối kiếm tìm chỉ dựa vào một nốt ruồi son ở đằng sau gáy. Có khi theo thời gian nốt ruồi đã mất đi, vài cái sẹo nào đó lại chen ngang trên mặt. Nhiều đêm ông mường tượng ra cảnh người đàn bà mình thương đang rong ruổi ở ngõ chợ, bờ sông hay đoạn đường vắng ngắt. Trên chiếc quang gánh là thúng xôi nóng hổi chỉ chờ cất tiếng rao là dậy lên hương vị. Bà già ấy lúc xới xôi cho khách luôn tìm cách nhìn vào gáy người ta. Đến cả lúc khách quay gót đi xa bà vẫn dán ánh nhìn vào gáy họ trút một tiếng thở dài khe khẽ. Thỉnh thoảng bà cũng kể câu chuyện về đứa con mất tích như một cách hỏi dò. Trong đó có đoạn “nó quấn chiếc tã được cắt từ chân quần cứng còng queo. Mắt nó đen láy tròn xoe. Hai bàn tay bụ mẫm như hai nải chuối mắn. Lúc nào cũng chỉ thích rúc vào ti mẹ. Ngày đó tôi ăn toàn sắn, sữa vừa ít vừa nghèo chất. Tội nghiệp thằng nhỏ…”. Người ta nghe cũng chỉ biết tặc lưỡi xót xa chứ kể như bà làm sao biết thằng nhỏ là đứa nào trong hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ thất lạc gia đình.
Hồi xưa ông hay chở xe ôm thuê trong nhà ga thành phố. Hành nghề lâu đến mức cái gốc bàng già được dân xe ôm mặc định đó là “nhà” của ông. Ngoài giờ đón khách mỗi khi tàu về ga, còn lại thời gian ông dựng chiếc xe cà tàng rồi nằm vắt vẻo trên đó đọc báo, ngắm người qua lại chờ một cái vẫy tay của khách. Ông ở đó suốt bốn mùa. Từ khi cây bàng khoác lên mình bộ áo già nua với những chiếc lá bám đầy bụi bặm. Cho đến khi cây bàng thay lá trụi trơ ông vẫn ngồi đó ngửa mặt nhìn trời qua cành nhánh khẳng khiu. Ngủ một giấc mùa đông, mở mắt ra đã thấy những chồi non bừng nở. Ngồi cho đến khi bà già xuất hiện thì ông bỏ nghề xe ôm đi bán nước trà. Thiên hạ hỏi đang làm xe ôm kiếm cũng được mà sao lại bỏ nghề? Ông cười bảo “già rồi, xương khớp yếu đi. Đâu có thể luồn lách ngoài đường mãi”. Vẫn gốc bàng xưa, vẫn chiếc xe máy cũ dọn thêm vài cái ghế cho khách ngồi thế là thành quán nước. Người đi tàu thường ghé qua quán của ông bắn điếu thuốc lào, làm cốc trà nóng. Ai cũng mê ông chủ quán hóm hỉnh, chuyện trên trời dưới đất đều thấy tỏ tường. Đâu ai biết ông thường nhòm vô gáy người ta đăm đăm kiếm tìm một cái nốt ruồi màu đỏ. Nhưng dễ gì mà thấy. Bà già nói nốt ruồi chỉ bằng cái đầu tăm. Mắt ông thì mờ. Đôi lúc muốn chạy lại vạch gáy từng người nhìn cho thật kỹ. Người trong xóm dạo bảo nhau “hèn gì ông bỏ nghề xe ôm. Nghề xe ôm thì suốt ngày ngồi phía trước cho người ta nhìn gáy của mình. Chứ có mấy khi ngó được gáy người ta”. Ừ nhỉ…
Ông già tính làm cái bảng ghi dòng chữ “tìm nốt ruồi son sau gáy” rồi treo dưới gốc bàng. Nhưng làm vậy kỳ lắm. Người có nốt ruồi son đã chắc gì người ta muốn nói. Nhiều khi chính họ cũng không biết gáy mình có nốt ruồi nhỏ xíu ấy hay không. Mà giờ giả dụ tìm được người có nốt ruồi son sau gáy cũng chẳng biết bà già ở đâu mà báo tin. Ông để thất lạc bà từ mùa đông ba năm về trước. Một sáng trước khi gánh thúng xôi đi bán bà có dặn “tối cứ ăn cơm trước, đừng chờ”. Thế rồi bặt tin nhau đằng đẵng. Manh mối tìm lại người thương không có gì nhiều ngoài “bà già bán xôi đi tìm nốt ruồi son”. Xóm dạo nghĩ thể nào ông già cũng bỏ việc cất công đi tìm bà khắp nơi. Nhưng không, ông vẫn ngồi đó dưới gốc cây bàng già ngóng về phía nhà ga thành phố. Bởi ông biết có tìm thấy cũng không giữ nổi bà. Một người mẹ chừng nào chưa tìm thấy con mình thì làm sao còn tâm trí sống những ngày thanh thản. Thỉnh thoảng ông có kể về bà với những người xuôi ngược bắc - nam. Ông tin rằng rồi sẽ có ngày một ai đó gặp bà, họ kể về ông già ngồi dưới gốc bàng già để đợi một bà già quay lại. Bọn nhỏ trong xóm dạo bảo nhau “chuyện tình già còn mùi mẫn hơn chán vạn tụi trẻ bây giờ. Cần gì phải yêu đương thề thốt mà vẫn giữ chặt được tim nhau”. Ừ thì…

* * *
Xóm dạo nằm lọt thỏm trong lòng thành phố. Từ đường lớn ồn ã rẽ vào một con ngõ nhỏ, đi quanh co chừng hút xong điếu thuốc là đến xóm dạo thôi mà. Gọi là xóm dạo vì cả xóm làm nghề bán dạo. Vé số dạo, báo dạo, cà phê dạo, đánh giày dạo đến thúng bánh đúc, bánh khoai, hàng hoa, mẹt quả cũng đều đi bán dạo khắp đường cùng ngõ hẻm. Yên tĩnh như một ốc đảo giữa thành phố, chui qua chiếc cổng vòm là hiện ra những mái nhà cấp bốn nối nhau. Gọn gàng, sạch sẽ chứ không giống như mường tượng về một khu ổ chuột dành cho những người lao động nghèo. Ngay cả những chiếc áo cũ sờn cũng thơm tho mùi nắng. Phòng nào cũng đơn sơ, đồ đạc chẳng có gì ngoài những vật dụng thiết yếu. Tủ đồ đã cũ, vài chiếc bát ăn cơm, những đôi giày được xếp ngay ngắn trong góc nhà. Chiếc đài cát sét thỉnh thoảng lại lẹt xẹt dò sóng. Cũng có phòng tậu được chiếc ti vi cũ sóng nhiễu nhập nhằng, mặt cô diễn viên bị kéo dài méo xệch từ góc này đến góc kia màn hình. Ngoài giếng những người về sớm ngồi quây lại nhặt rau, thái thịt. Họ hỏi nhau hôm nay kiếm được nhiều không? Khách có đông không? Thằng nhỏ đánh giày nói mai nó phải ra bưu điện gửi ít tiền về nhà đóng tiền học cho em. Chị bán vé số tính đi mua ít quần áo ấm cho chồng con, shop hàng thùng đầu ngõ mới mở kiện đẹp mà cũng hợp với túi tiền. Ông già ngồi nhìn cây đào bích đang khẳng khiu thay lá, đặt bút viết những dòng truyện tết đầu tiên.
Thực ra ông già đâu phải dân viết chuyên nghiệp. Ngày trẻ cũng thơ phú ra trò nhưng chỉ để bạn bè đọc cho vui. Hồi còn chở xe ôm, những lúc rảnh chẳng biết làm gì ông hay mua báo đọc chơi. Hôm bà già xuất hiện đến ngồi nhờ dưới gốc bàng bán xôi ông cũng đang đọc đi đọc lại tờ báo chi chít chữ trên tay. Bà già ngồi tỉ mẩn cắt những tờ báo cũ thành từng mảnh nhỏ bọc xôi cho khách. Ông để ý thấy bà cắt lạ lắm, chẳng theo hình khối gì. Như thể bà không nỡ cắt đôi một bài thơ hay chia năm xẻ bảy một trang truyện ngắn. Mỗi mảnh báo gói xôi là trọn vẹn một tác phẩm, một chân dung nào đó. Ông cười: “Cắt báo gói xôi thôi mà bà. Cần phải cắt có tâm đến vậy không? Bà cắt vậy để người ta vừa ăn xôi vừa đọc thơ tình yêu chắc? Trời ơi, sáng ra người ta bận trăm công ngàn việc. Nhiều khi cố nhét ít xôi vào bụng để có sức chiến đấu. Chứ còn thời gian, tâm trí đâu mà thưởng thức thơ văn”. Bà chép miệng “Ừ thì…”. Bà cứ hay “ừ thì” như thế, ông nghe cứ thấy xót lòng. Có bữa ngồi đọc Coi tay vào sáng mưa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bà già lấy tay áo lau nước mắt. Như thể từng câu chữ là muối trắng xát vào lòng người mẹ mất con. Tư kể về câu chuyện người đàn bà rất giỏi coi tay đoán vận mệnh cuộc đời. Do từ bé đã được đọc mười ba cuốn Thuật pháp nhân tướng học của ông nội. Sau này vì mải coi tay cho người ta mà bà để lạc mất con ở một cái chợ Sương nào đó. Người đàn bà ấy sau này đã bỏ nghề coi tay vì không chịu đựng được ý nghĩ “mình níu người dưng đây mà buông bỏ máu thịt của mình”. Đến một ngày có người mang đến một bàn tay đã bị chém đứt lìa đặt trước mặt bà nhờ coi thử. Bàn tay xanh và lạnh ngắt ấy có một chiếc bớt đỏ trên cổ tay và lóng cuối cùng của ngón út bị gù do một lần đứt sâu băng bó cong queo. Đó là bàn tay đứa con mà bao năm nay bà chờ đợi, kiếm tìm. Cũng là bàn tay của tên tội phạm bị mã tấu chặt đứt trong một cuộc thanh trừng băng nhóm. Bà thầy bói già trong câu chuyện sau bao năm thất lạc con cuối cùng cũng chỉ tìm lại và níu giữ được một bàn tay đã chết. Ông già nhớ khoảnh khắc bà già bán xôi bo chặt lấy ngực mình. Như thể một cơn đau tim vừa mới chạy qua, nó mang theo hình ảnh nốt ruồi son sau chiếc gáy của một đứa trẻ còn thơm tho mùi sữa. Bà già lạc nó ở sân ga quê nhà. Lúc đặt nó nằm ngủ trong chiếc thúng, còn bà thì đội mẹt bánh gai, ngô luộc trên đầu chạy khắp các toa tàu mời khách. Tàu chạy, bà quay lại đã không thấy con đâu. Mấy chục năm qua bà chỉ biết lần theo nốt ruồi son bé xíu mong tìm thấy máu mủ của mình. Bà già từng ước ao: “Giá mà tôi cũng biết viết truyện như cô Tư thì có lẽ tôi sẽ viết về nốt ruồi son đằng sau gáy. Như một ngôi sao luôn lấp lánh ở phía trước, giúp tôi đi qua bao chặng đường tăm tối mịt mù”. Ông già nhủ thầm “có khó gì đâu...”. Kể từ đấy người xóm dạo thấy đêm nào ông già cũng chong đèn ngồi bên trang giấy. Họ không biết ông viết những gì? Viết gửi cho ai? Thằng nhỏ đánh giày từng ghé tai nói nhỏ với chị bán vé số: “Chiều nay thấy ông già đứng tần ngần trước cửa một tòa soạn báo. Tay ông cầm mấy trang giấy chi chít những dòng chữ ngoằn ngoèo”.
Biên tập viên cầm bản thảo của ông khẽ rụt cổ, lắc đầu. Thời đại công nghệ mấy ai còn viết văn bằng bút mực trên giấy trắng như ông. Bản thảo gửi đến tòa soạn chủ yếu qua hòm thư điện tử, được đánh máy sạch sẽ, trình bày đâu ra đấy. Ấy thế mà có khi còn bị bỏ xó vì lượng bài cộng tác gửi về nhiều quá, sức nào đọc nổi. Nhưng tác phẩm nào của ông già ban biên tập cũng phải phân công nhau đọc, không bỏ sót một chữ nào. Vừa đọc vừa dịch những nét chữ xô đẩy lẫn nhau. Vừa mường tượng ra một ông già run tay đêm nào cũng dồn hết tâm trí và sức lực vào cây bút. Có chỗ nét bút ghì xuống giấy hằn sâu như vết sẹo. Lại có chỗ nét bút bỗng dưng nguệch ngoạc như thể ông già vừa viết vừa chống chọi lại một cơn ho rạc cổ. Trong phòng khách của tòa soạn luôn có một ấm chè được pha sẵn chờ ông già ghé đến chơi. Người ta nói “văn mình, vợ người”. Nhưng chẳng ai như ông già, văn bị chê tả tơi mà vẫn cười hào sảng. Chê đâu sửa đó, ông già cần mẫn nhặt chữ dành dụm vốn liếng cho mình. Chắc vì đồng cảm với một ông già yêu chữ nghĩa. Nên ban biên tập bảo nhau “hay là tìm một truyện được nhất rồi biên tập lại để đăng cho ông già vui?”. Nhưng ông già phẩy tay chối từ: “Thôi khỏi. Đời cầm bút của tôi chỉ cần được đăng một lần duy nhất. Kể một câu chuyện duy nhất mà thôi”. Họ tò mò hỏi đó là câu chuyện gì? Ông chậm rãi rót trà, chậm rãi uống, chậm rãi kể về bà già bán xôi và cuộc kiếm tìm một nốt ruồi son mọc đằng sau gáy. Nghe xong hình như mũi họ cay, hình như ai đó vừa buông tiếng thở dài hoặc cũng có khi chỉ là tiếng gió. Họ ngậm ngùi bảo báo xuân năm nay sẽ dành hẳn một trang khổ lớn để ông già đăng tin tìm dấu vết thương yêu qua truyện ngắn của mình.
Truyện của ông được mở đầu dung dị như một lời thủ thỉ thế này: “Thằng nhỏ đánh giày kiếm đâu được một đôi giày vải tuy đã cũ nhưng chất thì “ngon lành lắm”. Nó nói để phần bà già đi bán xôi mùa đông vừa ấm lại vừa mềm. Không lo tấy đỏ gót chân sau mỗi ngày gánh rong ngoài phố như đi đôi giày nhựa cũ. Chú Bảy xe ôm vừa cầm áo rách mà than “giá mà bà già còn ở đây thì đã có người khâu áo giúp mình”. Thực ra đâu phải không có người để nhờ khâu áo. Nhưng khâu mà từng đường kim mũi chỉ thẳng thớm trên thớ vải thì chỉ có bà già mà thôi. Tụi trẻ bây giờ khâu qua quýt cho xong. Đâu có để hồn mình trong vết sờn vết rách. Nên cũng không có cảnh vừa khâu áo vừa than “chú em mặc áo rách chắc là muốn để ai ngó mà thương. Nhưng trước khi người thiên hạ xót lòng thì mình đã xót da xót thịt. Mình không thương mình thì còn mong ai thương hả chú em”. Có nhiêu đó thôi mà vẫn thường nhắc nhau. Như hôm gió mùa về, trong bữa cơm “chú em” bỗng dừng đũa chống cằm bảo: “Chẳng biết bà già đang ở đâu? Nơi ấy hôm nay liệu gió mùa về? Nếu chỉ một thân một mình không biết bà già có ăn uống điều độ hay không? Nói vậy thôi chứ bà già chắc biết tự thương mình”. Cây bàng già chỗ tôi với bà từng ngồi hình như nó vừa mới cựa mình. Những chồi non ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì thức giấc vươn vai gọi mùa xuân đến. Bà từng ví chúng giống như những mầm yêu thương chồi lên trong tâm hồn già nua, cằn cỗi của mình.
Mùa xuân về thật rồi bà ơi. Mùa này người ta hay quàng khăn ấm cho nhau nên tôi ít nhìn thấy gáy...”.
Ông viết đến đó thì dừng bút vì vừa ngửi thấy trong gió xuân có mùi của hoa đào, hoa cúc. Xóm dạo có thêm người bán dạo vừa mới chuyển đến mấy hôm. Cũng một đôi quang gánh, mấy bộ quần áo rét và ít nồi niêu xoong chảo. Y như ngày bà già theo ông đến đây, đồ đạc không có gì ngoài một đôi quang gánh. Người mới đến đang đảo những mẻ mứt nóng hổi để sáng sớm còn kịp mang đi bán. Chị ta nói mình là người đàn bà bán mùa. Mùa thu bán cốm, mùa hè gánh bán hoa sen, mùa đông cần mang hơi ấm chuyền tay nhau trong mùi hạt dẻ. Đến mùa xuân thì để từng vị mứt kể câu chuyện vùng miền. Nhìn cái dáng lom khom nhóm bếp than của người hàng xóm mới khiến ông già nhớ tới bà. Dù ngày hè nóng bức hay mùa đông lạnh cắt da cắt thịt thì cứ bốn giờ sáng là bà đã thức dậy lụi cụi thổi xôi. Chiếc bếp ngoài trời được ông mua mấy tấm fibro xi măng lợp lên để che chắn mưa dầm sương lạnh. Mấy năm trước cũng vào những ngày này, cũng lất phất mưa bay. Ông dậy cùng bà nhóm bếp, hơ hai bàn tay lạnh cóng trên lửa ấm rồi chờ nồi xôi của bà vừa kịp chín. Giữa lúc ông mải đắm chìm trong ngọn lửa đầy ma mị thì bất chợt thấy gáy mình nóng ran. Bà từng bảo gáy ông cũng có nốt ruồi son nên mắt bà có đôi lần vướng víu. Trong ánh lửa bập bùng nốt son như một hòn than ấm. Âm ỉ và nung nấu tâm can…
Ông già viết xong truyện lúc người ta chở hoa về khắp phố. Những chợ hoa tự phát mọc lên, đào từ rừng xuống phố vẫn còn e ấp nụ. Trên sạp báo đã thấy có vài ấn phẩm báo xuân bày bán sớm. Thư ký tòa soạn nheo mắt qua cặp kính, khẽ thở dài:
- Viết buồn vậy làm sao đăng báo tết chú ơi? 
Vũ thị Huyền Trang



 Mùa chim én bay
Chim én bay trong ngày Xuân vĩnh cữu,
Ánh thiều quang ủ ấm gió lạnh căm...
Đông dẫu qua còn giá rét âm thầm,
Xuân vẫn đến với mai vàng rực rỡ
Hãy trả lại những gì Xuân khai mở
Cánh én chao bay liệng giữa mênh mông..
Xuân thiêng liêng hiện diện ở trong lòng..!
Sẽ rủ bỏ những ngày Đông u ám...
NM
Đinh bằng hữu, người bạn của tôi nói về buổi xuất hành đầu năm đầy thi vị của anh. Chuyện kể trong một ngày lạnh căm sau Tết. Đợt giá rét lê thê, dài hơn so cơn rét Mậu Thân lịch sử…
Thành phố Huế vào xuân. Hai bà cháu nhà quê và một chiếc lồng tre đầy chim én. Họ ngồi bên vệ đường, mắt đăm đăm nhìn mặt người qua lại.
– Đầu xuân. Mua én phóng sinh làm phước…
– Ồ, én mô nhiều rứa mệ hè.
– Dưới đồng quê. Mưa lạnh dài ngày, làm ruộng mất mùa cực lắm chú ơi.
Anh bạn dừng lại nhìn những con én ngơ ngác, đang chen chúc nhau đứng ủ rủ trong lồng. Các sứ giả của mùa xuân đây ư? “Vòm trời nan tre” và chút thức ăn ân huệ. Ruột bánh mì lăn lóc và những cú mổ xuống đầu nhau xù lông, rướm máu. Vâng, khi mà chung quanh chúng – bên ngoài – trăm hoa đang mãn khai, khoe sắc…
“Từng bầy én tung bay muôn ngàn lối” Bản nhạc xuân từ một quán bên đường vẫn không ngừng nhịp Fox rộn rã. Phải chăng, lắm lúc sự vô tình cũng làm nên hạnh phúc? Thứ hạnh phúc mặc nhiên sau cánh cửa mỗi nhà…Gió thổi buốt từng hồi làm hai tay tê cóng. Dòng sông Hương lặng lờ, vắng khách hơn ngày thường. Đây đó một đôi dáng thuyền rồng còn nằm yên, neo bến.
Anh bạn ngó quanh, bắt gặp nhiều đôi mắt đang ngời lên tia giễu cợt. Những đôi mắt như những câu chữ vô hình ẩn hiện trên mặt người qua lại…“Mua làm gì? Càng khiến người ta đi bắt” “Phóng sinh ư? Cái vòng lẩn quẩn” “Thấy chưa, chính bạn cũng đang mắc bẫy luôn rồi”. “Này nhé, nhân đạo là tự sát”. Những câu đàm tiếu kiểu ấy cơ hồ đã cũ kỹ, chẳng có gì mới mẻ hơn chăng?
Lạ thay, mọi người dường như sẵn sàng hào phóng sự khôn ngoan để mặc nhiên quên đi điều cần thấy. Vâng, ở đây còn có lý công bằng. Thuận được mua, vừa sẽ bán. Không có ai ức ép ai để sau rốt, chẳng bên nào là nạn nhân hoặc là kẻ nghiễm nhiên mưu lợi trên nỗi đau đồng loại. Có chăng, tất cả đều được chút niềm vui thanh thản… Kể cả mấy con vật nhỏ bé kia, bất đắc dĩ phải lệ thuộc trước con người.
“Chim trời, cá nước”. Thực ra, những kẻ giễu cợt sự phóng sinh kia chưa hẳn đã tự tại dưới vòm trời nhân thế? Vâng, khi mà sự cứu rỗi cứ vẫn luôn là khát vọng muôn đời trong bản tâm nhân loại. Tham vọng chính đáng ấy khiến người và vật vẫn còn có chỗ cảm thông nhau hơn nữa. Nhà Phật từng giáo huấn trẻ thơ “em hãy thương yêu người và vật”. Lời khuyên ấy đi đôi với kiêng cữ sát sanh, hại mạng.
Anh bạn cảm nhận điều gì đó không nói đủ nên lời, vừa gợn lên trong câu khẩn khoản của hai bà cháu nhà quê khốn khó :
– Chú ơi chú. Phóng sinh làm phước chú ơi….
– Lụt lội mới đó chừ tới lúa chết lạnh. Nhà nông bòn chài đôi xu biết lấy mô ra…
Quả thực một đôi cánh én không làm nổi mùa xuân. Nhưng sẽ còn lại gì ngoài mấy tầng mây tro xám? Bầu trời xuân vô cảm kia đã không còn tìm ra cánh én. Rộng lớn như trời đất mà sao những con én lạc loài nầy còn đây, vẫn co ro cụp cánh? Ngày xuân vốn tươi vui biết bao với những cõi lòng rộng mở? Sao người không đến với người bằng chút ánh mắt sẻ chia? Và tại sao đất – đến cả ngàn năm quen thuộc từ ông cha, tiên tổ – vẫn cứ mãi nhọc nhằn dẫu đã đi qua hàng trăm, ngàn thế hệ…
Hai bà cháu ngồi dựa vào nhau trong cùng một tấm áo mưa đầy bùn lầy đất ruộng. Chắc chắn họ phải cách nhau không dưới nửa thế kỷ tuổi trời. Vẫn có điều đồng bộ trong một ngày nguyên đán lạnh căm. Cả hai đều đang cố níu vào nhau để che đi run rẩy…
Trong chỉ một giây, anh bạn mua nguyên lồng chim với giá đầu tiên, không mặc cả.
Hai bà cháu sáng mắt lên nhìn nhau, không nói nên lời. Bà già nhà quê đứng dậy chấp hai bàn tay nhăn nheo vào nhau, con mắt hướng lên trời “Cầu cho chú căn an, mạng vững. Vô bệnh vô hoạn, tật nạn tiêu trừ. Sự lành đem đến, sự dữ lánh xa. Phước thọ quan gia, đầy nhà con cháu. Cầu cho chú bạc đấu vàng thoi, ngựa quỳ voi cỡi… Bước tới vận thời, đi chơi che lọng. Cầu cho chú trước cổng lân chầu. Ngoài hiên phượng đậu…”
Câu chúc dài đến nổi anh bạn bật cười sốt ruột kêu lên :
– Được rồi, thôi mệ ơi. Mệ thả ra đi.
– Nì, chú tự tay phóng sinh chơ răng rứa. Phước ai, mua nấy.
– Ai cũng được. Hề chi mệ. Én bay ra đâu cần biết ai thả.
Khi con én cuối cùng vút khỏi lồng tre do chính bà già nhà quê tự thả, anh bạn quay lưng đi còn nghe hai bà cháu mãi thầm thì chuyện may mắn ngày xuân :
– Mệ hỉ. Chú nớ điên… điên lạ hè.
– Đừng có nói. Nhờ rứa đó, không thì ngồi thấu tối chưa chắc có xu mô.
– Người khôn chỉ có tốt giả đò thôi. Người dại mới là người tốt thiệt, mệ hỉ.
– Ừ, người khôn ăn hết cho ai cái chi mô. Người dại rứa mà có đức.
Những đợt giá rét kéo dài qua Tết. Câu chuyện xuất hành của Đinh bằng hữu, bạn tôi đem lại chút dư vị trong một thoáng cười vui, ấm áp. Đợi nắng Huế lên. Ai cũng mong chờ chút ít ánh thiều quang trở lại :
“Ngày xuân con én đưa thoi”
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”
Ba tháng xuân trong truyện Kiều chưa hề trọn vẹn, song hơn sáu mươi ngày vẫn tràn ngập ánh thiều quang cho tới khi cuộc bể dâu khai mở…
Chim én bay liệng giữa trời xuân nào khác chiếc thoi đưa ngày tháng. Biểu tượng ấy dệt nên đường đi vĩnh cửu giữa vũ trụ vốn vô chung, vô thuỷ. Hãy trả lại những cánh én cho mùa xuân tự nhiên như trả lại từng chiếc thoi vốn không thể rời xa khung cửi…
Trần Hạ Tháp
Thành nội – Huế 2008
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)

  
Ngõ hoa vàng
Ngõ hoa vàng Rốn Bão,
Giờ đây sao khác xưa...
Chỉ có hoa vàng nở,
Trong nắng vàng đong đưa...!
Bao nhiêu kỷ niệm cũ,
Của một thời trẻ thơ..
Âm thầm luôn ấp ủ,
Biết tìm đâu bây giờ ?
NM

Mùa xuân hoa vẫn nở vàng

GN - Tôi trở lại nơi chốn ấy vào mùa xuân như một cách nhớ về một thời thơ ấu đầy vui buồn, và bên cạnh đó còn có một người. Mọi thứ đều đã khác, bởi thời gian vẫn theo quy luật tự nhiên, cuốn mọi vật lao theo dòng xoáy của nó. 
Tôi trở lại một ngôi trường nhỏ ở làng quê. Làng quê nơi ngày xưa tôi ở, được mọi người đặt cái tên rất lạ: Rốn Bão. Bởi bất cứ cơn bão nào đi qua, nó cũng nhắm vào ngôi làng dựa vào hai vách núi, mặt nhìn ra biển kia mà đổ. Mỗi năm có khi làng hứng tới gần chục cơn bão. Bão đổ vào suốt nên rồi cả làng cũng quen. Quen nhìn những bao cát chắn trước nhà để ngăn những cơn sóng biển giận dữ đổ vào, để tránh những cơn mưa tạt rát cả mặt. Quen những đôi chân trần đen vì nắng táp cứ chạy trên cát biển, cứ lội xuống biển mà leo lên những chiếc thuyền thúng bơi ra ngoài khơi, đón những chiếc thuyền đánh cá trở về. 
Làng Rốn Bão của tôi cũng khá đặc biệt vì chỉ có một con đường độc đạo từ quốc lộ đi vào. Đó là con đường rất buồn, được làm bằng đất sét trộn với sỏi trải ra cho dễ đi lại. Con đường đi qua một cánh rừng thông đã bị chặt gần hết, những gốc thông còn sót lại cố bung ra những mầm mới. Con đường đi qua một đồi cát trắng, mỗi khi gió bay, cát tràn xuống lấp con đường, thế là dân làng lại phải tập trung lại để dọn cát. 
Vì đi lại khó khăn, vì thời tiết khắc nghiệt mà làng có một thời gian dài không có trường. Lũ trẻ chúng tôi đi học bằng xe đạp, có khi đi bộ trên con đường buồn tênh đó để tới ngôi trường cách làng cả 6 cây số. Nếu thời tiết không thuận tiện, chúng tôi phải ở nhà mà không đến trường.
 Đó là câu chuyện ngày xưa. Ngày xưa luôn gợi nhớ những kỷ niệm. Ngày xưa của chúng tôi lại bắt đầu từ ngôi trường được dựng lên sát vách núi. Và ngày xưa lại nhắc cho tôi nhớ về cô giáo Liên, người đã truyền dạy cho những đứa trẻ ở Rốn Bão những bài học vỡ lòng. 
Ngôi trường được huyện đầu tư xây dựng chỉ vỏn vẹn có 3 phòng học. Nhưng ngày khánh thành ngôi trường là niềm vui ngợp trời của cả làng. Vì dẫu ngôi trường nhỏ, nhưng mấy chục học sinh ở làng có thể học cho hết cấp I. 
Tôi có cả một thời gian dài học ở ngôi trường dựa vào vách núi đó. Nhưng vì làng của tôi buồn tênh, đêm xuống chỉ nghe tiếng sóng biển vỗ, chỉ nghe tiếng gió hú lồng lộng cho nên dẫu không phải là hải đảo hay miền núi, các cô thầy đến trường dạy dẫu chỉ dăm người, nhưng chỉ trọn một niên khóa là họ tìm cách về huyện hay về tỉnh, chẳng có ai chịu khó ở lại với lũ học trò làng biển, đi học với mái tóc khét nắng và đôi chân trần đến lớp. 
Cô Liên đến làng tôi vào một buổi chiều nhòa nhạt nắng, khi đó mọi gia đình đã vào trong căn nhà của mình, ngoài khơi xa chỉ có một màu biển đục. Cô đạp chiếc xe đạp với một túi xách đồ đạc, chiếc xe đạp của cô sau khi đi hết con đường đất đã bị lún vào trong cát biển. Tôi là người nhìn thấy cô đầu tiên trong buổi chiều đó. Lúc đầu tôi tưởng cô đi đến nhà một người quen, nào ngờ lại là một cô giáo tình nguyện. Bởi gần như tất cả thầy cô giáo đến làng họ đều đi xe máy hoặc có người thuê xe ôm chở vào, chẳng có ai đi xe đạp bao giờ.

Hôm đó tôi đã gọi thêm mấy đứa trẻ trong làng phụ mang vác đồ đạc của cô Liên, rồi đưa cô đến nhà ông tổ trưởng dân phố. Cũng từ ngày đó, cô Liên đã trở thành công dân làng Rốn Bão của chúng tôi. Mà làng có cái lạ là nhà nào có đám cưới, đám giỗ hay tiệc tùng gì đó thì gần như trở thành ngày hội, cứ ới ới gọi nhau mà đến, mỗi nhà lại góp một ít thức ăn hoặc bia rượu để cùng vui. Cô Liên khá khéo trong cách chế biến các món ăn lạ, cho nên mỗi lần như thế cô trở thành đầu bếp.
Cho đến khi tôi rời làng, ngôi trường 3 lớp học kia vẫn chỉ có mình cô Liên trụ lại, thỉnh thoảng cũng có dăm thầy cô đến, nhưng họ cũng mau chóng rời làng. Cuộc sống của cô giáo Liên với lũ học trò chân đất ở làng biển của chúng tôi chính là những ngày vui. Lúc đầu cô ở nhờ căn nhà của tổ dân phố, sau đó cô dọn về trường ở, cả làng cùng phụ xây cho cô một căn phòng khá khang trang. Chúng tôi gọi căn phòng nhỏ đó là: “Nhà của cô Liên”. Đặc biệt, cô đi tìm về rất nhiều hoa hoàng anh, vàng cả một đoạn đường vào ngôi nhà nhỏ của cô. Tụi học trò chúng tôi gọi đùa đó là: ngõ hoa vàng. 
Mỗi ngày, sau những giờ đứng lớp, cô Liên lại đi trồng rau xanh, đó là loại gia vị hiếm hoi của làng chúng tôi. Vì ít người nghĩ ra là phải trồng cây ớt, cây húng quế, cây xà-lách…, để khi cần chỉ cần ra vườn nhón hái. Rồi cũng từ vườn rau nhỏ của cô Liên, cả làng rộ lên phong trào trồng rau xanh trong những thùng xốp. Vào những đêm thứ Bảy, Chủ nhật, cô Liên tụ tập đám học trò của mình lại tập hát, bày những trò chơi. Chúng tôi gom những cành khô đốt lửa giống như mọi người sinh hoạt lửa trại. Nhiều khi người lớn cũng tham gia góp con cá tươi mới lưới về, nướng trên lửa củi ấy để cô giáo cùng ăn với học trò.
 Trong tuổi thơ của tôi, tôi nhìn thấy cô Liên giống như bà tiên trong truyện cổ tích. Cô gần như ở lại trong làng, chỉ khi nào đi họp hoặc đi lãnh lương, mua thêm lương thực cô mới đạp chiếc xe đạp của mình đi trên con đường đất của làng ra lộ đón xe về huyện. Dáng cô đi trong cái buồn buồn ấy là một hình ảnh gần như đã đọng mãi trong trí nhớ của tôi. Vui nhất là vào ngày Tết năm đó, cô Liên cùng ở lại với làng. Cô Liên ăn Tết một mình, hay nói đúng hơn là ăn Tết với cả làng Rốn Bão. Cô đã làm cho lũ trẻ chúng tôi vui khi cô nghĩ ra lắm trò chơi trên bãi biển vào ngày xuân khiến cho không gian trở nên rộn rịp. Rồi đêm mùng một Tết, cô Liên uống rượu thật nhiều, cô về lại căn phòng nhỏ của mình mà khóc. Tôi theo cô, cứ lấy củi châm cho cháy bùng trong đêm Tết, mà không hiểu tại sao cô buồn. 
Sáng mùng 7, một mình tôi chèo chiếc thuyền thúng ra vũng nước xoáy câu cá với ý nghĩ là câu con cá ngon tặng cô Liên vào ngày đầu năm. Hôm đó biển động. Nơi vùng nước xoáy khi biển động có rất nhiều cá to tụ về, việc câu cá rất dễ dàng. Tôi mải mê chạy theo đàn cá nên bị một con sóng lớn bất ngờ đổ ập lên, hất tôi ra khỏi chiếc thuyền thúng, nhấn chìm xuống nước. Lúc đó tôi gần như kiệt sức thì cô Liên xuất hiện. Cô đã bơi thuyền ra cứu tôi thoát chết trong gang tấc. Tôi không hiểu tại sao một người con gái nhỏ con như cô lại có thể có sức mạnh phi thường như thế? Cô đưa tôi vào bờ mà nói: “Em khờ lắm. Ai biểu em câu cá làm gì? Em chỉ cần tới nhà đốt lửa cho cô ấm là được”.
Việc xây dựng một nhà máy ở ngay đụn cát, nơi đoạn đường vào làng mà các cây thông bị chặt sát gốc đã làm cho làng Rốn Bão của tôi trở nên phồn thịnh. Một công ty du lịch cũng đã chọn khu vực nhiều mỏm đá, nơi tôi bị tai nạn thành một khu du lịch. Làng Rốn Bão nay trở thành một điểm du lịch với cái tên hấp dẫn: Bãi Tiên. Nhưng đó là chuyện xảy ra gần 15 năm sau khi tôi xa làng, đi học. Cả nhà tôi cũng đã chuyển đi, nên ngần ấy thời gian, tôi đã không trở lại làng. 
Tôi trở lại làng đón Tết, trước sự thay đổi ấy, chỉ một mình tôi. Tôi muốn tìm gặp cô giáo Liên của tôi. Chiếc xe ô-tô chở tôi đã có thể thong dong phóng xe trên con đường nhựa tới thẳng sát ngay ngôi trường cũ. Trường giờ đây đã trở thành trường cấp 1, 2 khang trang và đẹp đẽ. Mùa xuân như đang rộn rã. Tôi nhủ sẽ đốt lửa như ngày nào đốt lửa cho cô ngồi khóc trong đêm Tết. 
Nhưng cô Liên đã rời trường từ 7 năm về trước, không ai biết cô đi đâu. Ngay cả căn phòng nhỏ mà dân làng xây dựng cho cô nay cũng không còn. Còn lại duy nhất là con đường nở rực một màu vàng hoa hoàng anh. Trong nắng mai lộng lẫy kia, tôi tưởng chừng như cô Liên đang đi qua ngõ hoa vàng ấy. Hoa vẫn rực vàng trong mùa xuân.
 Khuê Việt Trường