Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Nhạc - Thơ - Văn Quán Dã quì

HOA DÃ QUỲ

Đà Lạt Mùa Hoa Dã Quỳ

Tìm lại,
Tôi đi tìm lại tháng ngày qua,
Quá khứ tình yêu bao xót xa...
Người trong tranh vẽ chừ xa khuất,
Người trở về đây ký ức nhoà !

Dã quỳ còn đẫm trong sương,
Hoài mong dĩ vãng xót thương trong hồn...
Vấn vương chi kiếp cô đơn,
Mờ trong nhân ảnh tủi hờn kiếp hoa.!
Tưởng gần mà lại hoá xa,
Duyên xưa hoá bướm phôi pha cõi trần
Kiếp người nào khác phù vân,
Cố tìm chừ có bao lần gặp đâu ?
NM 
 

Quán Dã Quì

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn mười năm nhưng nếu độc giả cho rằng nó chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua hoặc sẽ xảy ra sau mười năm nữa thì cũng chẳng sao. Vẫn hoàn toàn hợp lẽ. Nghĩa là nó phi thời gian và thậm chí không có cả không gian, nó cũng mờ ảo như cái thành phố Đà Lạt đẫm sương mù này. Bạn hãy cứ coi là vậy.
 Cái quán nhỏ cheo leo trên sườn dốc ấy người ta thường gọi là Quán Dã Quì, nhưng thực ra nó không có tên, không có biển hiệu. Có lẽ do trước cửa quán có một dãy hoa dã quì vàng rực nên khách hàng trông thế mà gọi tên quán.
Cái quán nhỏ hẳn sẽ hết sức tĩnh lặng và chẳng có gì để nói nếu như không có một sự kiện xảy ra vào buổi sáng hôm ấy.
Một sớm mù sương, có một vị khách tuổi đã ngoại lục tuần bước vào trong quán. Ông khách chọn một góc khuất, gọi một tách cà phê không đường và bao ba số rồi cứ thế ngồi lì từ sáng đến tận quá trưa, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Có lúc người ông như chìm trong khói. Sự xuất hiện ban đầu của vị khách đã làm cho cô chủ quán không giấu được vẻ mừng rỡ. Cái quán nhỏ xa trung tâm thành phố, khách ra vào hàng ngày có thể đếm trên đầu ngón tay này mà có được một vị khách sộp như vậy thì quả là hi hữu.
Vậy mà ngay vào đầu giờ chiều hôm ấy, vị khách lại xuất hiện. Vẫn một cốc cà phê không đường và bao ba số. Cô chủ quán tươi tỉnh và đon đả hẳn lên. Vị khách lại ngồi một mạch đến tận lúc sẩm tối. Nếu như cô chủ quán không húng hắng một cái ho “nhân tạo” và bàn tay không khẽ rung rung chùm chìa khoá cửa thì chưa chắc ông đã đứng dậy.
Lạ lùng hơn, ngày thứ hai, vị khách lại lững thững bước vào quán và vẫn diễn lại toàn cảnh ngày hôm trước.
Cô chủ quán tất nhiên vẫn rất hồ hởi nhưng trong lòng đã khó tránh khỏi sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên thôi chứ không hề khó chịu. Vị khách có thể đem lại số lãi cho cô bằng cả năm, bảy người khách bình thường thì sao cô phải khó chịu.
Nhưng rồi cô đã thực sự kinh ngạc khi vị khách vẫn tiếp tục đến quán  vào những ngày tiếp theo. Sự xuất hiện liên tục của ông đã dẫn cô đến tâm trạng tò mò, ngờ vực. Cô nảy ý định kín đáo quan sát ông khách bất bình thường này. Ngồi trong quầy bán hàng, thỉnh thoảng cô lại đưa mắt liếc trộm vị khách. Và cô nhận ra, mỗi khi cô nhìn về phía ông cũng luôn gặp ánh mắt ông  đang hướng về phía cô. Một ánh mắt nồng nàn và thoáng buồn.
Đến ngày thứ năm thì cô đã hoàn toàn mất bình tĩnh. Cũng như mấy ngày hôm trước, cô luôn bị ánh mắt ông bủa vây. Dẫu sao cô cũng là phụ nữ. Mà đã là phụ nữ thì mấy ai có thể bình thản được trước sự chú ý của ánh mắt đàn ông, kể cả những người đàn ông đã vào tuổi cha chú mình. Cô thoáng rùng mình. Một ý nghĩ vụt thoáng qua: có lẽ nào ông si mê cô? Tuy cô không phải là một phụ nữ quá xinh đẹp nhưng lợi thế là còn trẻ và vóc người khoẻ mạnh, ưa nhìn. Nhưng rồi chỉ ít phút sau đó cô đã xua khỏi đầu cái ý nghĩ bất hợp lí ấy. Không! Ánh mắt của ông tuy chứa chan tình cảm nhưng không hề toả ra dục vọng như nhiều gã đàn ông khác. Đó là một ánh mắt dịu dàng và thấp thoáng nỗi đau. Những câu hỏi đầy nghi hoặc day trở trong lòng cô không dứt. Hay ông là một cán bộ an ninh đang điều tra một vụ việc nào đó mà đối tượng bị điều tra cũng không ngoại trừ cô. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Cô giật mình kiểm điểm lại xem mấy năm vừa qua có sơ sẩy điều gì với luật pháp mà không tự biết. Nhưng nghĩ mãi, cô vẫn thấy mình chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Tuy nhiên, cô cũng hiểu, ở đời có những chuyện không thể ngờ, biết bao nhiêu cây ngay vẫn phải chết đứng giữa rừng. Qua nhiều nghĩ ngợi, đoán gần đoán xa, cuối cùng cô thấy cần phải tìm cách trò chuyện với ông khách kì lạ nọ.
Vào lúc tách cà phê của ông vừa cạn, cô vội bê một ấm trà hảo hạng đến bên bàn, giọng run run:
- Mời chú! Trà Tân Cương cháu gửi mua tận Thái Nguyên. Chú thưởng thức thử ạ.
Ông khách tươi cười:
- Cảm ơn cô!
Giọng nói trầm ấm của ông làm cho cô mạnh dạn hơn:
- Thưa…Mấy hôm liền…À, vâng! Cháu thấy hình như chú có điều gì…
Ông như thấu hiểu gan ruột cô:
- Việc tôi tới quán mấy hôm nay đã làm cô băn khoăn phải không?
Như một người bị bắt quả tang, cô vội thanh minh:
- Dạ…không…không có chuyện ấy đâu ạ. Chả là vì cháu chỉ muốn biết…
- Muốn biết vì sao tôi lại ngồi lì ở đây năm ngày liền phải không?
Cô thấy tốt nhất là nên thành thật:
- Vâng! Quả…có thế ạ. Nhưng chú không....
Vị khách cười thành tiếng, trả lời với vẻ thản nhiên:
- Tôi đã ngồi đây năm ngày liền, đơn giản chỉ là để… suy nghĩ thôi.
- Suy nghĩ…? Về…về…điều gì ạ…
- Cô muốn biết thật sao?
- Nhưng nếu chú thấy không tiện thì không sao đâu ạ.
Vị khách lắc lắc mái tóc đã điểm bạc.
- Có gì mà không tiện. Nhưng chỉ sợ tôi nói ra, cô không tin thôi.
Không hiểu sao lúc ấy cô lại trở nên quả quyết:
- Chú cứ nói. Nhất định cháu sẽ tin ạ!
- Vậy thì tôi nói.
Uống một ngụm trà trong chiếc tách nhỏ cô vừa rót, ông tiếp tục:
     - Tôi ngồi đây năm ngày chỉ để nghĩ về một câu hỏi dường như không có câu trả lời rằng tại sao đã có rất nhiều năm chung sống hạnh phúc bên nhau mà vợ tôi lại bỏ tôi để đi theo một người đàn ông khác?
Nghe trọn câu nói của ông khách cô hơi sững sờ.
Ông khách khẽ thở dài:
- Thành thật xin lỗi cô. Nhưng cô có biết vì sao tôi ngồi lì ở đây và nhìn cô với vẻ hơi bất nhã không?
Không đợi câu trả lời, ông nói như điểm từng tiếng;
- Chỉ vì một điều đơn giản, buổi đầu tiên vào đây tôi đã phát hiện thấy cô giống y như vợ tôi hồi còn trẻ.
Cô cúi mặt, giấu vẻ lúng túng. Cô nhìn ông khách bằng con mắt cảm thông xen lẫn cảnh giác.
Một lát, cô quay trở lại quầy bán hàng, luống cuống tìm cái khăn khô lau đi lau lại mấy cái phin cà phê đã sạnh bóng. Bàn tay cô run lật bật.
Hình như phía ngoài quán những đụn sương mù trôi chậm hơn trên những tán thông xanh hư ảo.
Thỉnh thoảng bàn tay cầm khăn của cô lại ngập ngừng, trễ tràng một cách lười nhác. Giọng nói trầm buồn da diết của ông đã vô tình làm sống lại trong cô một kí ức buồn mà lâu nay cô đã cố quên. Nhưng cô hơi khác ông. Kẻ bạc tình ấy chỉ vồn vã yêu cô chưa đầy một mùa trăng đã ra đi như một kẻ trốn chạy, để lại trong trái tim cô một nỗi tuyệt vọng khó nguôi ngoai. Và cũng giống như ông, bao năm tháng cô đã tự hỏi mình cái câu hỏi không có tiếng trả lời: với một tình yêu nồng cháy và chân thành như cô, không hiểu tại sao anh ta lại bỏ cô để đi theo một người con gái khác?
Một tháng trôi qua. Trọn ba mươi ngày, vị khách nọ vẫn không chịu dời chiếc bàn nhỏ khuất trong góc quán.
Bây giờ thì ông đã trở nên thân mật với cô hơn. Ông vẫy cô lại gần, giọng hơi suồng sã:
- Cô gái! Cô đã thấy chán lão già lẩn thẩn này chưa?
- Dạ! Cháu đâu dám ạ! Cháu chỉ hơi lạ là vì sao…
Vị khách cắm cúi châm thuốc, rít một hơi dài, nhả khói mù mịt:
- Quả là cô và vợ tôi hồi trẻ giống nhau như hai giọt nước. Giống đến mức không sao tin nổi. Cô có biết không, chính vì cô mà tôi đã ngồi đây cả tháng để tìm lại những gì đã mất.
Với vẻ thiếu kinh nghiệm của một người còn quá trẻ, cô đã buột ra một câu đầy khờ khạo:
- Nhưng chú cứ ngồi ở đây thì làm sao có thể tìm lại được cô ấy?
Vị khách ngừng nhả khói thuốc, nhìn cô, cười chua chát:
- Không! Tôi không tìm ai cả! Tôi chỉ ngồi đây để tìm lại thời gian đã mất!
Cô tỏ ra không hiểu, nhắc lại lời ông một cách vô thức:
- …Tìm lại thời gian đã mất?
Nhìn vẻ ngơ ngác đến chân thành của cô, ông hiểu rằng mình đã nói những lời hơi xa lạ và không phù hợp với một người còn quá trẻ như cô. Hẳn cô chưa bao giờ có dịp biết đến cuốn tiểu thuyết lừng danh “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust*
Nhìn theo làn khói thuốc bay mờ, ông như nói với chính mình:
- Thực ra, cuộc đời là một hành trình đi tìm thời gian đã mất cô bé ạ. Nhưng chúng ta lại luôn bất lực. Ai đó đã nói rất chính xác rằng chỉ có thể biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo nghệ thuật mà thôi.
                                                                                         * * *
Năm năm sau. Cái Quán Dã Quì nhỏ bé sập sệ ngày trước đã được thay bằng một khách sạn ba sao đầy hoa lệ. Lạ kì thay, ông chủ mới đã chính thức đặt tên cho khách sạn của mình là khách sạn Dã Quì. Cũng có thể chỉ là sự trùng lặp vô tình, cũng có thể vì đó là một cái tên đẹp, mang đặc trưng cho cái thành phố ngàn hoa này. Tất cả mọi chuyện chẳng liên quan gì đến cô chủ quán Dã Quì ngày trước. Nghe nói, sau khi bán lại mảnh đất cho người chủ mới, cô gái đã đi đâu đó biệt tăm.
Ngày khánh thành, ông chủ khách sạn Dã Quì không hiểu đã tìm thấy từ đâu một bức tranh sơn dầu rất đẹp về treo trong căn phòng rộng, thoáng mát nhất. Vẻ đẹp của tác phẩm hội hoạ làm xôn xao giới mĩ thuật và người thưởng thức. Bằng những hoạ tiết và những mảng mầu không quá cầu kì, tác giả đã tạo dáng một thiếu nữ đứng bên khóm dã quì. Có người nói, sau khi hoàn thành bức hoạ, tác giả của nó đã chết vì một cơn nhồi máu cơ tim khi nhát cọ cuối cùng vừa kịp quệt lên tác phẩm. Những người có chút am hiểu lịch sử hội hoạ cho rằng lẽ ra phải đặt tên bức tranh là “Thiếu nữ bên hoa dã quì” mới đúng. Ý tứ muốn giống như bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh hoạ Tô Ngọc Vân. Vậy mà tác giả lại đặt tên cho tác phẩm của mình là “đi tìm thời gian đã mất”, vẻ như không ăn nhập gì với tác phẩm.    
Đến tận mười mấy năm sau đó vẫn chưa ai, kể cả những hoạ sĩ nổi danh nhất của thành phố có thể “đọc” nổi bức tranh. Thế mới biết, đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật luôn là những ẩn số khôn lường.
Một buổi chiều sương giăng như cổ tích trên những triền thông, có một người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ngẩn ngơ đứng hàng giờ bên bức tranh.
Người phụ nữ hết xoay bên trái lại xoay bên phải, hết nhìn chằm chằm vào cô gái trong tranh, rồi ánh mắt lại như nhìn vào đâu đó rất xa xăm. Bỗng người phụ nữ thốt lên bằng một giọng đau đớn:
     - Đúng là ông ấy! Đúng là ông ấy rồi! Ông ấy đã tìm thấy thời gian đã mất!
Mọi người đổ xô lại phía người phụ nữ. Và chị đã chỉ cho họ cách xem tranh: khi nhìn chính diện, cô gái trong tranh chỉ vào khoảng hai mươi tuổi. Vẫn là gương mặt ấy, nhưng ngắm tranh lệch về phía trái hoặc phía phải thì cô gái bỗng biến thành một bà già tuổi đã ngoài năm mươi.
Mọi người cùng “à” lên một tiếng, tỏ vẻ đã hiểu đôi phần về bức hoạ bí ẩn.
Trong lúc những người hiếu kì xúm quanh bức tranh để thưởng lãm vẻ kì ảo của nó, không ai để ý thấy người phụ nữ lặng lẽ bước ra khỏi quán. Một lúc khá lâu sau, ai đó trong đám người ngờ ngờ phát hiện ra cô gái trong tranh chính là người phụ nữ nọ.
Nhưng khi ngoảnh nhìn ra chỉ còn thấy một màn sương hư ảo.
                                                                                                 * * *
Tôi kể cái “sự tích” khách sạn Dã Quì cho một hoạ sĩ trẻ ngoài Bắc nghe làm cậu ta sướng mê, giao hẹn khi nào có dịp vào Đà Lạt nhất định tôi phải chỉ lối để cậu ta đến nghỉ và chiêm ngưỡng bức tranh ở cái khách sạn ấy.
Mấy tháng sau, từ Đà Lạt trở về, chàng hoạ sĩ gặp tôi với một lời trách:
- Bác chỉ đường thế nào mà em tìm đến nửa ngày vẫn không thấy khách sạn Dã Quì đâu cả. Hỏi người Đà Lạt, ai cũng lắc đầu nói chưa nghe về cái khách sạn Dã Quì và bức tranh kiệt tác ấy bao giờ.
Tôi cười, nói với chàng hoạ sĩ trẻ:
- Cái khách sạn Dã Quì ấy lẫn trong sương mù nên cậu không tìm thấy đấy thôi. À, mà cũng có thể cái tuổi của cậu chưa phải lúc đi tìm thời gian đã mất. Có lẽ, hai mươi hoặc ba mươi năm nữa về Đà Lạt cậu sẽ tìm thấy khách sạn Dã Quì chăng?
  HỒ THUỶ GIANG

Mùa dã quỳ đã qua,
Hoa nở rồi tàn hoa còn vương lại,
Phấn vàng ươm óng ả của tình hoa...
Cận kề mà ngỡ như xa,
Yêu thương lặng đến cho ta thêm gần...
NM
QUA RỒI MÙA DÃ QUỲ
Tôi thuộc típ đàn ông thích thì làm, dứt khoát và không chần chờ. Cái cách hôm nay tôi đứng trên mảnh đất Đức Trọng này là ví dụ tiêu biểu nhất. Một lần đi thăm ông bác nơi đây, nhìn những hạt cà phê đỏ mọng phơi trên sân, tôi nảy ra đề tài tốt nghiệp liên quan đến thứ chất lỏng gây nghiện này.
Tôi biết em lần đầu khi phỏng vấn gia đình chú Hoàng, hàng xóm nhà bác tôi để bổ sung cho bảng số liệu chạy Eview (một phần mềm kinh tế lượng). Đang nói chuyện thì ngoài sân có tiếng xe máy, một cô gái nhỏ nhắn, tóc chấm ngang vai chạy Vision trắng tiến vào.
- Về rồi đấy hả? Sao hôm nay về trễ thế? Bố cứ tưởng con ở lại chứ?
- Dạ, tại con ghé nhà chị Hương, hôm qua chị Thu có gửi lên cho con mấy cuốn sách.
Hóa ra là con gái thứ hai của chú Hoàng đang học dược trên Đà Lạt về chơi cuối tuần. Chất giọng em trong trẻo, lai giữa giọng Huế và giọng Bắc, dịu dàng, êm đềm như nước mùa thu.
-Em chào anh. - Theo phép lịch sự, em cúi đầu chào tôi. Hóa ra em cũng xinh phết, nước da trắng hồng đặc trưng của con gái Đà Lạt, cặp mắt sáng lanh lợi, đặc biệt chiếc răng khểnh làm nổi bật nụ cười tươi trên môi.
- Lên phòng cất đồ đi, dưới bếp còn cơm phần con với thằng Bi đấy. Cái thằng, đi học thêm la cà ở đâu mà giờ này chưa thấy về. - Giọng mẹ em cằn nhằn về chuyện cậu út nhà em, tôi bỗng thấy thân thương lạ. Có lẽ vì, bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn quá nhỏ, nên chưa một lần tôi cảm nhận được không khí gia đình.
Đêm ấy tôi về, mường tượng ra nụ cười em, cũng cười theo, ôm ấp một mối tình vừa thoáng qua vào giấc ngủ.
Tôi ở nhà bác ba tháng, cũng coi là quen biết với em, dù sao xóm nhỏ ấy, không gặp nhau trên đường cũng có thể thấy nhau ngoài chợ. Trời đầu tháng mười hai, mang theo cái lạnh đặc trưng của miền núi, sương giăng khắp nơi, tám giờ mặt trời mới bắt đầu ló dạng sau những tầng mây. Vì thế cứ cuối tuần, đều đặn bảy rưỡi tôi lại vác cầu lông sang nhà em chơi với thằng Bi em trai em. Thỉnh thoảng em vui cũng chơi với tôi vài đường cầu, nhìn cái vẻ giận dỗi khi thua của em rất thú vị, nó khiến một thằng con trai như tôi không muốn gallant nhường em thắng chút nào.
- Này, anh không biết nhường nhịn con gái sao?
- Nam nữ bình đẳng, tại sao anh lại phải nhường nhịn em.Thể lực yếu mà đòi đánh với anh. - Những lúc ấy, em lại hung hăng ném cây vợt cho Bi rồi liếc xéo tôi trước khi nổi giận đi trải bạt phơi cà phê.
Sống lâu nơi đây tôi mới hiểu, thứ thức uống thơm lừng quyến rũ ấy được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt của người trồng cà phê. Họ phải lo tưới khi nắng hạn, bón phân, tỉa cành trên những triền đồi dốc đứng mà chỉ leo lên tới đỉnh cũng mệt bỏ hơi tai. Mùa thu hoạch, mọi người thức dậy rất sớm vào rẫy bắc ghế hái cà, mấy đứa nhỏ ở nhà lo phơi cà, chạy cà khi trời mưa.
Có lần tôi ghé nhà em vào một trưa nắng vắt qua đỉnh đầu, em đang trang cà cho khô đều, mồ hôi lấm tấm trên trán. Thấy tôi gọi, em quay mặt lại, cười tươi rói, ánh mắt em phảng phất có hàng dã quỳ trổ bông vàng rực cả xóm nhỏ. Tôi tiện tay ngắt một bông to nhất, đẹp nhất ngay hàng rào.
- Tặng em.
- Sao lại tặng em loài hoa của sứ xở này chứ, ít nhất cũng phải là bó mimosa, không phải sao?
Tôi gãi đầu trước câu hỏi ấy, em trong mắt tôi rất hợp với dã quỳ, dân dã, bình dị, đẹp trong sáng mà không chói mắt. Với lại, muốn mua tặng em bó hoa đẹp phải lặn lội lên huyện cách đấy hơn chục cây số, tôi lại không có xe ở đây.
Cuối cùng, luận văn của tôi cũng hoàn thành, trước hôm trở về thành phố, bác gái có nấu vài món mời hàng xóm sang chơi, gọi là tiễn tôi. Em cũng đến nhưng không nói gì chỉ nhìn tôi với ánh mắt buồn xa xăm. Hôm đi, tôi lại gửi em một nhành dã quỳ đang chớm nở.
Tôi bảo vệ khóa luận thành công, tấm bằng cũng chuẩn bị cầm trên tay. Ba hỏi tôi có định hướng gì cho tương lai chưa, tôi trả lời không chút do dự.
- Con muốn làm nhân viên Marketing cho công ty trà Cầu Đất Đà Lạt. Con vừa nộp đơn rồi. Ba không ngăn cản con chứ.
- Có ước mơ, con cứ thực hiện. Nhưng đừng hối hận vì lựa chọn của mình là được.
Ăn tết xong tôi lên Đà Lạt ngay, vì công ty trên ấy gọi tôi lên phỏng vấn làm việc. Tôi không ghé nhà bác, vì tôi tin em và tôi sẽ gặp lại nhau ở mảnh đất này.
- Anh tỉnh rồi à? - Là giọng em, chúng tôi đúng là đã gặp nhau thật, chỉ là trong bệnh viện nơi em đang thực tập. Tôi bỗng nhớ lại mọi chuyện, hai nhân viên phòng tôi xích mích đánh nhau, tôi vào can, chẳng hiểu vì sao bị xô mạnh, đập đầu vào cạnh bàn ngất xỉu. Hai người ấy sợ quá, chở tôi đi cấp cứu, may mà không bị gì, chỉ khâu tám mũi sau đầu, nhưng cũng đủ làm tôi nín thở vì đau.
- Anh biết mình sẽ gặp lại em, cô bé dã quỳ! Tôi cười, cầm tay em.
- Nhưng, qua rồi mùa dã quỳ! Vì thế anh phải tặng em loài hoa khác. - Em triết lý với tôi.
- Được thôi, ở mảnh đất ngàn hoa này, chẳng lẽ anh không tìm được một loài hoa khác cho riêng em sao.
Phải, qua rồi mùa dã quỳ, chỉ còn những yêu thương đang lặng lẽ đến, ở lại trong tim hai con người bé nhỏ.
Phố núi Đà Lạt luôn thoáng buồn với những màn mưa trắng giăng trời, nhưng cũng đủ lãng mạn để mang chút chớm lạnh chợt đến sớm mai, để tôi đủ can đảm nắm lấy và sưởi ấm bàn tay nhỏ bé đang nằm gọn trong tay tôi.

Chiều Đà Lạt mưa giăng,
Thu Dương.​

Dã quỳ bừng nở
Trong vạt nắng hoa dã quỳ bừng nở,
Nao lòng người một thuở bước chân đi...
Vấn vương ôm mối tình si,
Người về nối lại chia ly thuở nào ?
NM
 

Đà Lạt mùa không có hoa dã quỳ 

Tháng Bảy Đà Lạt có những cơn mưa chiều, nên cũng dần vắng khách du lịch. Cô lễ tân khách sạn thấy tôi mừng như gặp người thân, rồi bố trí cho tôi căn phòng trên tầng 4, có cánh cửa sổ mở rộng, nhìn xuống trọn con đường Bùi Thị Xuân cong cong. Cô lễ tân gợi ý: “Thường thì đầu tháng 11 mọi người mới lên Đà Lạt nhiều, mùa đó hoa dã quỳ nở. Nhưng anh có thể đi Thung Lũng Vàng, Làng Cù Lần hay Chùa Ve Chai...”. Tôi cười với cô: “Ngày xưa tôi ở nơi này năm năm”. Nên tất nhiên tôi biết Đà Lạt mùa này không có hoa dã quỳ. Nhưng với Đà Lạt, dù có hoa dã quỳ hay không, thì trong mùi hương của ngàn thông cùng mùi các loại hoa, đã là chốn để tìm về, bất kể lúc nào.
Tôi đến Đà Lạt giống như một người xa nhà đã lâu, nay trở về. Thành phố nhỏ với những con dốc che khuất mặt người, là nơi tôi đã từng ở. Tôi đã có năm năm đặt dấu chân trên những con đường Đà Lạt, từng trở mình trong cái lạnh vỗ về mùa đông, cả lúc ngơ ngác khi sớm mai chợt gặp cả con phố bừng nở hồng sắc hoa mai anh đào. Tôi rời Đà Lạt lâu rồi. Thành phố ấy từ ngày tôi rời xa, có biết bao chân người tìm đến, biết bao mùa hoa dã quỳ quấn quýt. Và bây giờ tôi là một người khách lạ ghé qua, như thể một lữ khách muốn tận hưởng không khí se lạnh, nghe rộn ràng tiếng người và cả nhìn những đồi thông trập trùng.
Mà cũng lạ cho tôi, có năm tôi đi Đà Lạt vài lần, đôi khi chỉ sững sờ nhìn con phố gợn sóng, cố tìm một ngôi nhà rất quen, nhưng chưa bao giờ tôi đến ngôi nhà đó. Ở ngôi nhà đó, tôi vỡ lòng về một vòng ôm, về một nụ hôn, về mối tình đầu man mác giữa những cơn mưa xối xả lê thê bắt ghét ở Đà Lạt. Nếu ai đã từng ở Đà Lạt, sẽ khó chịu với những cơn mưa ở nơi này như thế nào. Buổi sáng mưa, rồi dùng dằng. Buổi trưa mưa, rồi than thở. Buổi chiều mưa, ngăn đường về. Nhưng mưa hay không mưa thì một phần đời của tôi đã ở Đà Lạt. Nơi đó giữ lại của tôi tình yêu thời non trẻ, một mối tình khờ khạo giống như những bông hoa dã quỳ cứ lén nở rồi lén tàn không ai hay biết. Mối tình ấy khởi đầu khi khắp con đường lớn nhỏ ở Đà Lạt rực rỡ màu vàng đến nao lòng của loài hoa dại mang tên dã quỳ.

Đường Bùi Thị Xuân giờ đây đã trở thành phố của khách sạn; không còn tìm ra dấu vết của hàng thông xanh cao vút và men theo hai bên đường có rất nhiều căn nhà trồng hoa. Tôi nhớ dưới lũng sâu có một khu vườn trồng nhiều mận, là căn nhà của hai vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Tôi đã dừng chân nhón nhìn vào trong căn nhà ấy vào đêm Đà Lạt chùng khói sương để nghe tiếng guitar thùng vỗ về đêm lạnh, cùng giọng ca làm buốt lòng người: “Hãy ngồi xuống đây như trong lần đầu, bối rối bên nhau vai rung thẹn lời, mắt sáng môi trinh da thơm tình ngời”.
Cuộc hành trình trở về của tôi là quán cà phê rất quen ở con dốc Lê Đại Hành. Quán cà phê nhỏ với bàn ghế xinh xinh. Bao quanh hàng hiên là những chậu hoa nhiều sắc màu. Ở nơi này, Nhung nhỏ xíu xiu nép mình bên tôi trong đêm Đà Lạt nhòa sương. Đà Lạt lạnh là cái cớ để hai đứa cùng vùi vào nhau, tìm chút hơi ấm. Khi đó tôi uống trà nóng, thêm viên xí muội để ngọt môi. Nhung vùi tay trong chiếc áo bành tô của tôi: “Trời ơi, anh ấm quá”. Mùi tóc em gội loại xà bông trầm, tản ra dìu dịu. Vậy đó thời gian, khi ta nhớ cũng có nghĩa cái ta đã từng nắm bắt đã trở thành quá khứ.
Bên vệ đường là những cây anh đào vẫn còn trổ lá, để đến Tết chúng sẽ trút hết lá và làm rực hồng cả con đường. Tôi kệ cho thời gian trôi, tôi nhìn những dáng người leo lên con dốc. Dễ chừng đã bao năm tôi không cùng cô gái nhỏ có mái tóc dài mượt mà, nắm tay leo lên con dốc đó. Để em vừa thở vừa níu tay tôi: “Anh có thấy em mệt không?”. Tôi đang nhớ Nhung và nỗi nhớ khi tôi chạm vào thành phố có bao nhiêu kỷ niệm của hai đứa, không một góc đường nào lại không loang tiếng cười em.
Tôi thuê một chiếc xe máy, như người đang giở lại những trang sách cũ, đọc từng trang một, không vội vã. Bề gì tôi cũng có mấy ngày ở đây, những ngày rất riêng tư, không công việc mà cũng chẳng tiếp xúc với bạn bè, dẫu rằng trong lòng thành phố này tôi có rất nhiều bạn.
Con đường từ khu Hòa Bình trổ xuống dốc nay là đường Ba Tháng Hai. Nơi này có một hàng tạp hóa nhỏ, định mệnh đã cho tôi gặp Nhung ở đó. Cô gái với chiếc dù, dáng nhỏ xíu xiu chạm vào tôi trong một khoảng khắc rất lạ của cuộc đời. Quán giờ chẳng còn, thay vào đó là một nhà hàng. Mà tôi không biết vào nhà hàng để làm gì. Lại lầm lũi đi như thể con dốc đang réo gọi. Rồi có một quán chè nóng, ghế ngồi chông chênh cao thấp. Quán vẫn còn, vẫn những ly chè trôi nước, đậu ván, đậu trắng nóng để cái lạnh vơi bớt. Tôi quay quắt tìm tiệm bánh mì góc phố, nơi bán những ổ bánh mì dài thiệt là dài. Mua ổ bánh mì bọc trong giấy báo, vừa đi vừa ăn.
Tôi và em hẹn hò lần đầu tiên ở thác Cam Ly. Nay thác đã thay cửa ra vào, nhưng vắng khách. Nơi này có cả một vạt dã quỳ vàng. Tôi và em cùng ngồi giữa vàng phai đó, kệ đất trời lộng lẫy hay buồn bã. Nụ hôn đầu trao nhau như làm cả thế gian chao đảo. Nhưng mùa này hoa dã quỳ chưa nở. Tôi đứng nghe thác reo mà ngơ ngác như có tiếng Nhung đang gọi: “Em đây nè”.
Cuối cùng tôi quyết định tìm đến căn nhà đó. Căn nhà nằm cuối đường Hoàng Diệu, con đường phải đi qua những vạt hoa dã quỳ. Tôi quen con đường này bởi tôi đã đi qua rất nhiều lần. Cuối cùng tôi bước vào căn nhà đó, nhà bằng gỗ thông, trước có hàng rào tường vi. Bao nhiêu năm trước, Nhung đã rời khỏi căn nhà này, nghe nói đã cùng gia đình đi định cư ở nước ngoài. Trong cái thế giới gọi là chật chội mà từ đó cho đến nay tôi và em vẫn còn lạc nhau.
Tôi tần ngần trước ngôi nhà rất quen mà giờ đã lạ, rất lâu. Tôi nhớ bóng Nhung thấp thoáng bên thềm. Nhớ tiếng nhạc vọng nhẹ nhẹ kể về một câu chuyện tình: “Đi dăm phút đã về chốn cũ… còn một chút gì để nhớ để thương”. Tôi nhớ những tia nắng mai Đà Lạt trong mùi dã quỳ ngai ngái, hai đứa cùng nằm trên thảm hoa đó, ôm nhau kệ cho đất trời xoay chuyển.
Tôi bấm chuông, tiếng chuông loang vào không gian. Đó là một động thái của tình yêu, của nỗi nhớ khôn nguôi. Để rồi tôi bất ngờ khi một chiếc xe taxi dừng trước cửa, một cô gái bước xuống trước mặt tôi:
- Xin lỗi, ông tìm ai ạ?
- Tôi nhớ ngày xưa nhà này có cô gái tên Nhung ở.
Cả đời tôi không tin vào cổ tích. Nhưng trong cuộc đời không ai có thể giải thích cho tôi trong buổi chiều Đà Lạt ấy, cô gái ấy có gương mặt như Nhung, nói: “Dạ, chú là bạn mẹ Nhung phải không? Hình như là chú Hoàng?”. Đó là Dã Quỳ, con gái Nhung. Dã Quỳ và Nhung vừa về Đà Lạt. Dã Quỳ nói: “Mẹ con hay nhắc đến chú. Chú có muốn gặp mẹ không. Mỗi khi về Đà Lạt, mẹ hay bảo con tới đây hỏi thử chú có ghé qua không? Chú có gởi thư từ gì không?”. Tên Dã Quỳ là ngày xưa Nhung hứa với tôi sẽ đặt tên cho con mình.
Tôi theo Dã Quỳ. Chiếc taxi chạy trên con đường đầy những khóm dã quỳ còn xanh lá. Nhưng lạ cho tôi chưa, tôi thấy hoa đã bung nở vàng cả đất trời. 
 KHUÊ VIỆT TRƯỜNG