Cây mù u 2


Thuở nhỏ xa xưa tôi có đọc câu thơ tình cờ: “Trái mù u trên núi / Chảy xuống cửa Phan Rang / Anh đi về ngoài nớ / Trong lòng tôi chẳng an”.
Về miền Tây Nam Bộ, tôi gặp được loài cây ngỡ chỉ có trong câu thơ xưa này… Người dân miệt vườn Nam Bộ thường trồng mù u quanh vườn để dùng vào rất nhiều công việc. Trồng ở mí vườn càng dày cây càng thẳng vì chúng chen nhau đón nắng mặt trời. Lá mù u lớn như lá bàng nên lũ kiến vàng lấy đó làm “đại bản doanh” họ hàng của chúng. Từ những chiếc tổ lủng lẳng trên cành mù u, lũ kiến vàng tỏa khắp vườn cam, chanh để bắt sạch lũ sâu ăn hại… Sau dăm bảy năm, khi cây đã lớn thì người ta hạ xuống, ngâm sình cả năm rồi vớt lên làm cột nhà, xẻ ván thì ít có cây gỗ vườn nào sánh bằng…
2. Chẳng cần chăm sóc nhiều, cây mù u cứ lặng thầm lớn lên, lặng thầm cho con người biết bao nhiêu thứ. Theo ông bà xưa kể lại, thời còn Tây, dân mình rất khổ, thiếu thốn trăm bề. Để thắp sáng, người ta nhặt trái mù u rụng, phơi khô, xỏ xâu rồi đốt lên. Đèn mù u tỏa sáng những xóm nghèo, thắp lên ngọn lửa lòng của những con người biết bám làng bám đất.
Nếu cây mù u không thẳng, không dùng vào việc làm nhà thì xẻ ra những tấm thớt đặc biệt. Thớt mù u có màu vàng sẫm, rất chắc và bền. Những chiếc xe mang thớt mù u bán tận thị thành bởi nhà nào cũng chuộng loại thớt này vì sạch, đảm bảo an toàn khi sử dụng. Lá mù u rụng, nhóm lại đốt lên xua lũ muỗi mỗi chiều chiều… Nhờ “ngọn mù u” mà ta có câu ca não lòng người một thuở:“Bướm vàng đậu ngọn mù u / Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”.
3. Làng quê mình vẫn còn cây mù u thân bạc trắng, đứng canh vườn, canh đất cho con người. Cây mù u đứng đó, chứng kiến bao cảnh đời kẻ ở người đi xa nơi làng quê dân dã… Những năm gần đây, các cô gái miệt vườn thi nhau làm dâu xứ lạ. Chắc bướm vàng buồn lắm bởi “ngọn mù u” nào cũng thiếu dáng người quen. Quê mình dẫu nghèo nhưng tình người luôn dư dả, có bao giờ thiếu đâu! Làm dâu xứ lạ, ngôn ngữ bất đồng, phong tục, tập quán khác xa, thậm chí trái ngược nhau thì làm gì có hai chữ “tình yêu” đúng nghĩa? Họ có thể giàu tiền giàu bạc nhưng chưa hẳn giàu nghĩa giàu tình…
Bướm vàng ơi cứ đậu “ngọn mù u”, cứ đậu để ngóng người trở về, để nghe lời ca não lòng thời hiện đại: Bướm vàng đậu ngọn mù u / Lấy chồng ngoại quốc, em ru… tiếng gì?
Hồng Lam Sơn