Mùa Phượng cũ ...!!
Dư âm mùa phượng vĩ
Phượng đã nở hoa. Một cảm xúc nào đó vừa lạ vừa quen ùa về làm xốn xang tâm hồn các cô cậu học trò suốt mười hai mùa hè trong quãng đời đẹp như giấc mộng. Màu hoa phượng đỏ thắm, tiếng ve sầu ngân vang. Phượng vĩ là ngọn đèn, còn tiếng ve là khúc nhạc nhắc nhớ mùa thi đang ngập ngừng trước cửa, nét bút vẫn chưa nhòe mà khoảnh khắc chia tay đã đến. Còn nỗi buồn nào hơn?
Tôi thấy lòng mình đắm say mỗi lần đi trên con đường rợp màu hoa phượng. Cái màu đỏ ấy, rực rỡ và xao xuyến, quyến rũ mà vương buồn. Trong ký ức tuổi học trò, màu đỏ trở thành nỗi niềm lưu luyến nhớ thương. Ai đã từng đi qua quãng đời học sinh mà không một lần trèo cây hái phượng gấp bướm ép trang thơ rồi ngẩn ngơ đề vào vài dòng tâm tình ngô nghê vụng dại. Theo năm tháng nét chữ rồi sẽ mờ nhòe nhưng những ký ức tuổi xưa vẫn còn đọng lại trong con tim nhuốm màu phượng vĩ. Ngày xưa tôi cũng từng tinh nghịch hái cành phượng vĩ trước sân trường trao cho cô bạn lớp bên. Cảm giác đó lạ lắm, một chút rung động trong lòng, một chút mơ mộng, luyến lưu. Tôi không biết đó có phải là cảm xúc yêu đương hay không, nhưng cành phượng vĩ chính là món quà mà lần đầu tiên trong cuộc đời tôi trao tận tay một người con gái. Cô gái ngày xưa của tôi có mái tóc buông dài, có đôi mắt trong veo và nụ cười duyên. Em vẫn thường mặc chiếc áo dài trắng tinh khôi đi dưới những hàng phượng già trổ hoa đầu mùa. Nhớ biết bao giờ tan trường đứng ngơ ngẩn trước sân, mắt đăm đăm trông đợi bóng người em gái bước ra từ cánh cửa lớp màu xanh cũ kỹ, chiếc xe đạp tróc sơn tôi chở em dạo trên những cung đường thành phố. Thế rồi, mùa hoa phượng cuối cùng cũng nở chấm dứt quãng đời học trò của tôi. Tôi và em, mỗi người mỗi ngả. Cánh phượng ngẩn ngơ buồn, lưu bút ngày xanh em bỏ quên trong ngăn kín thời gian, mơ màng ngủ trong miền ký ức...
Chiều Hạ mưa rơi. Thành phố không em, thành phố chỉ còn lại mình tôi với những vòng xe xoay tít trên cung đường trải nhựa phẳng lì rợp màu hoa phượng. Tôi cầm ô đứng dưới gốc phượng già, không nhớ cây phượng này, hàng phượng này đã bao nhiêu tuổi, đã nở rộ mấy mùa hoa và tiễn đưa bao nhiêu thế hệ học trò rời mái trường yêu dấu.
Hạ buồn, phượng vĩ rợp đường đi lối về. Chiếc radio ở một cửa tiệm cổ kính nào đó văng vẳng ca khúc “Phượng hồng” – nhạc phẩm đã từng gợi nhớ gợi thương trong tâm hồn học trò mỗi mùa phượng vĩ. Ai ôm đàn ngồi hát tình ca? Ai ra đi? Và ai ở phố đếm cánh phượng rơi đợi cô học trò năm nào trở lại? Tôi nghe trong gió có nỗi lòng, trong giọt mưa rơi có lời thủ thỉ tâm tình và trong màu đỏ của phượng học trò có nụ cười, nước mắt. Tôi thì thầm hát theo, bùi ngùi nhớ về mái trường xưa cũ. Ai rồi cũng phải lớn lên, ai rồi cũng học cách xếp ký ức vào lòng để sống cho hành trình kế tiếp.
Tháng năm. Phượng vĩ ngập lối. Tôi về...
Hoàng Khánh Duy
|
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn... Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng... Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
-Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:
-Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó! Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: "Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết..." Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
-Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay! Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: "Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa..." Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ: "Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ". Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên. Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất... Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người bố đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là cây hoa Phượng ngày nay. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước...
Những ngày này, Hà Nội như trẻ trung hơn bởi sắc màu của “hoa đường phố” báo hiệu hè đã về - đó là mùa hè của Hà Nội cổ kính. Hoa phượng không phải là “đặc quyền” của riêng thành phố Hải Phòng, nó còn là vẻ đẹp của Hà Nội và những miền quê khác.
Những chùm phượng và tiếng ve kêu râm ran, cả cánh hoa ép trong cuốn sổ lưu bút có dần trở thành cổ tích? Hoa phượng gắn với sự lưu luyến chia tay và những ngày nghỉ hè cũng đang đến. Cùng với sắc đỏ mênh mang ấy là biết bao dự cảm thật nhẹ nhàng, êm dịu.
Có ai hiểu tại sao phượng nở là chia tay, sao tuổi học trò lại yêu hoa phượng? Hình bóng thầy cô, bạn bè cứ trải dài theo những trang sách nhỏ, bên tấm bảng đen, và trên cả những buổi sớm mai như thế với màu hoa đỏ lốm đốm in trên bầu trời, trong khoảng sân trường vắng lặng ươm đầy hoa nắng.
Không biết đã bao nhiêu mùa hoa như thế và cũng không biết bao nhiêu lứa học trò đã mãi chia xa. Cánh phượng hồng bất chợt rơi, khẽ chạm vào nụ cười của những cô cậu học trò cuối cấp, họ nhìn theo, một thoáng ngơ ngác, bâng khuâng và nuối tiếc, một cái sợ đến vô hồn…
Phượng cũng giống như học trò, cũng không muốn chia tay, cũng không muốn ở lại một mình giữa sân trường vắng lặng, phượng cũng cô đơn lắm! Khi những chiếc cặp sách đã lần lượt ra về, hoa phượng ở lại, nhìn theo, dường như cũng có chút buồn, chút nhớ
Liệu có ai hiểu được phượng chăng? Cô bé học trò mỗi sáng đến bên gốc phượng già, nhặt từng cánh phượng rơi để xếp thành những cánh bướm mà vào cái ngày xa xưa cô vẫn cùng đứa bạn thân làm như vậy.
Cô cũng không thích mùa hạ, bởi hạ đến, cô phải rời xa người bạn thân ấy, mất đi những ngày tháng xa xưa tươi đẹp ở ngôi trường cũ, và mùa hoa phượng này, hạ lại lấy đi của cô một người cũng rất quan trọng…, mà biết đâu cả thời gian dài sau này, cô sẽ không còn có thể gặp lại.
Phượng vỹ là nhân chứng cho những tình yêu lãng mạn, mơ mộng, vu vơ của thời áo trắng, và còn nhiều nữa…Có phải vì thế mà phượng vỹ còn có cái tên Hoa Học Trò ?
Phượng vỹ nở rất lâu, mùa phượng thường kéo dài từ tháng năm đầu mùa hạ, cho đến tháng chín cuối mùa, chống chọi với những cơn bão vùng nhiệt đới, phượng vỹ chứng minh sự kiên cường của mình. Sự bền bỉ của cây phượng đã qua bao năm tháng, dù trụi cành giữa mùa đông nhưng xanh tươi trong những tháng ngày còn lại, tán lá xanh um mở rộng như chiếc dù che nắng, che mưa.
Biết bao người ra về mà về sau lưng còn lại những vần thơ hòa lẫn trong bóng nắng:
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Tuổi chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu
Mùa Hạ không bình yên
Ngày cuối tuần, giờ tiết toán trôi qua một cách chậm chạp, mêt mỏi. Cái
oi bức, cái nồng nồng của khí trời cứ quấn chặt lấy khoảng không vốn
nhỏ bé, được bao bọc bởi bốn bức tường và thông ra ngoài qua tiếng thở
dài, lại những tiếng ve kêu inh ỏi bên tai. Có đứa thì thào: "Ve bắt đầu
than vãn rồi đấy!" Một cảm giác chẳng định hình ập đến. Nao nao buồn,
nao nao nhớ một cái gì không rõ... Ừ, thì ba năm rồi còn gì. Ba năm kể
từ ngày chia tay dưới mái trường phổ thông trung học. Ba năm rát bỏng
nỗi nhớ thương, ba năm quay tròn theo quy luật của thời gian và chiều
dài của nỗi nhớ. Đôi lúc tưởng chừng như lãng quên vồn vã nhưng tất cả
vẫn còn đó, hiển hiện như vầng trăng mỗi tháng lại một lần tròn...
Anh chàng lớp trưởng ghé tai nó, nói nhỏ: "Này, nghĩ gì mà sượng người ra thế. Bài hôm nay khó lắm đấy!" Nó quay lại định thuyết cho một hồi, nhưng nhìn vẻ mặt "hình sự" được che đậy dước cặp kính cận ngồi bên, nó lại thôi mà mỉm cười... Một nụ cười không trọn vẹn... Bên ngoài ve vẫn thi nhau réo rắt. Thoáng một cánh phượng vừa nở. Có lẽ nó sẽ tung ra cái sắc đỏ chói chang để đốt cháy những con người như nó. Chẳng chịu được nữa rồi. Nó xin phép cô bước ra ngoài, dạo lòng vòng trên những con đường quen thuộc trong công viên. Thế là, lại một lần nó cúp học, nhưng có ngồi đó cũng chẳng vào được chữ nào. Cố gắng lắm - vô ích thôi. Con người ta đôi lúc nghĩ cũng buồn cười. Có những điều biết rằng không thể thực hiện được, ấy thế mà vẫn cứ đâm đầu vào... Vừa nghĩ, nó vừa lang thang cho đến khi nhìn thấy một gốc phượng già đang nằm trơ mình nơi phía góc sân. Nó tìm lại và bắt gặp trên thân cây những dòng tên chồng chất. Mơ hồ như bao con người đi qua để lại những dấu vết cho đời. Nó lấy tay sờ soạng rồi lẩm bẩm: "Ngày xưa, mình cũng thế này!" Rồi ngồi xuống, mắt để vào một khoảng không vô định. Những dòng chữ trên cây phượng ngày xưa hiển hiện, thương quá đi thôi... Bốn cái tên không sắp đặt, ấy thế mà cùng chung một chữ đầu là D. Gặp nhau, chơi với nhau rồi thân nhau tự bao giờ chẳng rõ. Bốn đứa lúc nào cũng bảo: "Tụi mình đều là nửa vầng trăng, cố gắng đi tìm nửa phần còn lại để thành một vầng trăng tròn. Rồi cười đùa, chọc ghẹo, vô tư và hồn nhiên lắm lắm. Thoáng chợt, nó tìm về ngày xưa lúc nào chẳng hay. Người đầu tiên nó nghĩ đến lại là Diệu cô bạn nhỏ nhất nhóm nhưng có vẻ thông minh và hiền lành. Diệu ít nói, chăm học lại ngoan ngoãn. Vì thế những cái đuôi cứ loằng ngoằng tiếp nối - không biết đến một ngày nào đó, họ có phải hóa đá vì cái duyên ngầm vốn có của cô bé này không. Diệu thường hay nói: "Cái gì tồn tại trong cuộc đời cũng bị thời gian làm phai mờ". Nó phản đối một cách quyết liệt và cho rằng: "Cái gì thì có thể chứ tình bạn của tụi mình thì không thể". Chẳng ai có ý kiến gì. "Ừ, thì cứ để thời gian trả lời đi". Duyên xen vào. Duyên lúc nào cũng thế - thẳng thắn, mạnh mẽ cái gì "chướng tai gai mắt là lên tiếng, không sợ mất lòng ai. Nó đã một hồi để rồi quên. Nhờ có thế mà không ai giận Duyên lâu được. Cô bạn nổi tiếng quậy nhất trường này đã nhiều phen làm nó điêu đứng. Nhưng rồi cái gì cũng qua, nó chẳng trách móc gì được. Duyên cho rằng: cuộc sống này phù phiếm, vô tâm đến chóng mặt. Mọi cái đều giả tạo đến đáng sợ. Nói cho lắm vậy thôi chứ thật ra, Duyên không nghĩ gì cả. Chẳng qua đọc quá nhiều truyện ngắn Nam Cao nên bị "ảnh hưởng" chút xíu vậy mà. Duyên thường có những câu nói thông minh, hóm hỉnh đột xuất. Vì thế lần đi chơi nào có Duyên là sôi động hẳn lên. Bù lại cho Duyên, có Dung, cô bạn lúc nào cũng suy nghĩ. Trong bọn, Dung có vẻ chín chắn hơn cả. Vì thế mọi chuyện trong nhóm đều nhường phần cho Dung quyết định - Dung đảm đang mọi việc trong gia đình, từ việc lớn cho đến việc nhỏ nên con người có vẻ già dặn và lớn hẳn ra. Nó thường hay trêu Dung là "bà cụ non" nhưng Dung chẳng giận nó bao giờ. Có lần Dung bảo cả bọn: "Tụi mình chơi thân quá, không biết sau này có hóa ra thù không đây?". Rồi lại trầm tư. Sao nụ cười của Dung khó đến vậy. Ấy thế mà, anh chàng Cường vẫn cứ lẽo đẽo theo sau, trông thật tội. Phần nó - lỡ mang cái tên hơi kêu: Kiều Diễm nhưng con người thì chẳng "diễm" chút nào... Chỉ được cái hay cười nên vẻ mặt lúc nào cũng tươi tắn và có duyên "chút xíu". Ai gặp không đến nỗi phải chạy xa, như Duyên nói "để rồi lấy đà chạy tới". Cả bọn cho rằng nó lãng mạn nên khổ, nhưng nó thì không nghĩ thế. Chẳng qua nó hơi khác người một chút. Ương bướng nhưng dễ xúc động và nhạy cảm. Nó thầm nghĩ: Hay cả bọn thấy nó có ý mến Lâm - anh chàng lãng tử nhưng là học sinh cá biệt nhất trường. Chao ôi, khi đã nghi ngờ thì có hàng trăm điều để nghĩ. Vì thế nó chẳng cần biện bạch. Miễn hiểu nhau và thông cảm cho nhau là được. Nói như thế nhưng cũng có đôi lần giận nhau, làm mặt lạnh suốt một tuần để rồi chỉ cần một cái cười là huề tất cả... Bốn đứa - bốn cá tính khác nhau, lại chơi thân với nhau, đi đâu cũng bốn, cái gì cũng chia bốn... nhưng có một điều cho đến bây giờ nó vẫn chưa giải thích nổi. Đó là chẳng bao giờ đề cập đến chuyện riêng tư của nhau. Người ta quả nói không sai: Họ đến với nhau không chỉ đơn thuần là hợp nhau mà họ còn muốn tìm đến những điều họ không có. Không biết tình bạn của nó có như vậy không? Năm cuối thời phổ thông. Ai cũng ý thức được chuyện tương lai sau này nên đầu tư rất nhiều cho việc học. Những chuyến đi chơi giảm dần, những đêm nói chuyện không còn nữa, những anh chàng hằng ngày thường nhắc đến cũng bị vồn vã lãng quên. Bốn người đều có ý nguyện vào đại học và chung một ngành: Sư phạm! Ngày cuối, lớp học buồn tênh. Bốn đứa, chẳng ai nói với ai điều gì. Họ lặng im, nhưng trong ánh mắt của mỗi người cùng chung một nỗi niềm sâu kín. Không ai khóc, chỉ nhìn nhau để rồi cùng nhau đến bên gốc phượng già hì hục khắc bốn dòng tên. Rồi mỉm cười. Lại là những nụ cười không trọn vẹn... Cuối cùng, họ chia tay, cái điều không ai muốn nghĩ lại đến. Ấy thế mà có lúc trong dòng suy nghĩ của mỗi người, họ khó có thể rời nhau được. Một hôm, cái tin bốn đứa trượt đại học lan ra một cách nhanh chóng. Những ánh mắt ngạc nhiên, hững hờ, không kém phần thương hại cứ nhìn nó không ngớt. Thế là hết, ước mơ... Ngày ấy nó càng hy vọng, tự tin bao nhiêu, thì bây giờ càng thất vọng bấy nhiêu. Buồn, thất vọng, bao nhiêu cảm giác chán chường vây quanh nó. Đâu còn ai để san sẻ... Sau lần ấy, Diệu theo gia đình vào Sài Gòn. Dung xin vào làm trong huyện. Duyên theo học lớp cao đẳng. Chỉ mình nó là chẳng biết đâm đầu vào đâu. Thế mà bên nó vẫn có Trung - người bạn trai cùng lớp, lúc nào cũng an ủi động viên. Đôi khi, những lời nói ấy vô tình làm nó tủi thân và khóc một cách ngon lành trước mặt Trung. Lúc này, mọi cái với nó đều vô nghĩa, Trung đâu có thất bại để nếm mùi cay đắng như nó. Trung đâu có trượt đại học để mà hiểu nó. Nó nghĩ thế nên cứ mãi làm Trung buồn. Và cuối cùng, Trung cũng phải xa nó để lên thành phố nhập học. Lần này thì nó không khóc nhưng người khóc lại là Trung. Nó trêu: "Con trai ai lại khóc bao giờ?" Trung bật cười nhưng ánh mắt vẫn không giấu nổi những điều chỉ có Trung mới biết. Rồi, nó hứa với Trung, sẽ làm lại từ đầu... Thời gian cuốn trôi mọi thứ. Ngày xưa, Diệu nói thế mà đúng thật. Hôm nay nó đã là sinh viên năm hai trường đại học sư phạm Huế. Diệu vào trường kế toán ở tận Sài Gòn. Duyên và Dung vẫn như ngày nào... Thỉnh thoảng có liên lạc với nhau nhưng chẳng ai nhắc lại chuyện ngày xưa nữa. Có lẽ ai cũng muốn giữ cho riêng mình để mà nhớ. Quá khứ bao giờ cũng ngọt ngào và cay đắng. Và hiện tại bây giờ, nó cũng có bạn bè, trường lớp, thầy cô nhưng tất cả có vẻ xa lạ quá. Nó muốn tìm lại chút hồn nhiên vô tư của ngày xưa. Tìm lại bốn cái tên như vầng trăng xẻ nửa. Tìm lại nó của những ngày buồn bã - thất vọng. Tìm lại ánh mắt xa vời của Trung... Tất cả vẫn còn đó, nhưng làm sao nắm bắt được. Phải chăng khi con người muốn quay về kỷ niệm của mình, thì cũng là lúc họ nhận ra giá trị đích thực của nó. Những kỷ niệm đẹp bao giờ cũng làm cho người ta nhớ, nhưng kỷ niệm buồn thì quả rất khó quên... Với chuỗi kỷ niệm ấy đã khép lại giữa một mùa hạ. Mùa hạ không bình yên. Huỳnh Diễm Diễm
Hôm
Triệu đưa lại cho tôi những tờ rời cuối cùng của tập nhật ký anh viết
ngoài Hà Nội, tôi biết tôi vẫn còn anh. Còn theo cái nghĩa con người còn
gắn liền với chiến đấu, với tin tưởng. Bởi vì Triệu đã một thời kỳ tách
rời khỏi chiến đấu khỏi tin tưởng. Phơi mở một thứ tâm sự bấy lâu ẩn ức
trong tâm hồn ngoài ánh sáng, Triệu đã giải thoát cho anh được sự ẩn ức
này. Nó là một thứ ung nhọt chứa nén tinh thần và tác động rức buốt đau
đớn khắp thể chất. Tôi nghĩ đến một người vừa mở một cánh cửa, mở thật
rộng, cởi bỏ khỏi mình tấm áo mặc trong mùa giá buốt cũ, cởi trần đi ra
ngoài ánh sáng, ngoài thiên nhiên.
Cầm những tờ nhật ký đã nhầu cũ trong tay, hôm đó tôi đã được chào mừng ở Triệu một con người khuất vắng lâu ngày sau một bức tường dĩ vãng nào, vừa về đến hiện tại. Và nói lớn lên sự có mặt của mình. Triệu bảo tôi: “Chuyện tôi với Lựu trong mấy năm đằng đẵng, anh có thể coi như trọn vẹn trong mấy trang nhật ký này. Cũng không cần nhật ký. Tôi chỉ ghi lại vài lần họp mặt, tôi ghi lại tôi. Tôi với Lựu. Chúng tôi với dĩ vãng”. Tôi gật đầu. Tôi biết trước rồi. Bởi câu chuyện của Triệu, những điều anh ghi lại, với những tâm tình thái độ của anh trước một dĩ vãng riêng lẻ, nhưng cũng lại là cái dĩ vãng duy nhất của tất cả, của thế hệ, chính là cái thực thể chua xót mà rất nhiều người như Triệu và tôi đã sống hay ít nhất cũng đã thấy đi qua bằng những hình khối tối xám trong đời mình. Sự quan trọng là để cho nó đi qua đời mình như một người đi qua, đừng để nó đến với mình một buổi và ở lại vĩnh viễn. Riêng Triệu, Triệu đã giữ lại khá lâu, cho mãi đến hôm nay, anh mới đẩy được ra ngoài và để cho đi khỏi. Tôi chắc Triệu đã có được một cái cảm giác nhẹ thoáng ghê gớm lắm đấy! Nhẹ thoáng đến có thể bay lên không khí. Sau một lần cắt đứt, sự sống thoải mái khởi đầu. Và cũng có nghĩa Triệu đã chiếm lại cho anh, rất nhiều tự do. Tôi nghĩ đến một người bạn đường vác nặng không thể nào đi xa. Triệu đã bứt bỏ một gánh nặng mang cái danh từ rất đẹp là dĩ vãng. Triệu sẽ đi thật xa. Lìa bỏ những tâm tình xưa cũ của chính mình, hành động của Triệu quyết không phải là một hành động bội phản. Anh chỉ vượt thêm một lần, sau lần vượt vĩ tuyến 17, một thứ vĩ tuyến tù đầy nữa là kỷ niệm, là Lựu, là dĩ vãng, để gặp lại con người tự do trong anh. Tôi đọc những trang nhật ký không ngày của Triệu. Những nhành hoa kỷ niệm não nùng của một buổi họp mặt. Tôi nghĩ đến căn gác phố Huế của anh trong khu vực cộng sản tăm tối. Đến buổi họp cuối cùng của hai người. Triệu lên đường vào Sài Gòn. Lựu ở lại Hà Nội. Những người như Triệu đều có một người như Lựu ở lại ngoài Hà Nội. Làm thế nào được. Bởi một con người gần nhau nhất trong lãnh vực tình cảm thường vẫn lựa chọn những ngả đường thật xa cách nhau. Những sự chọn lựa khác biệt ấy đẩy đưa con người đến những buổi chiều cô độc. Nhưng tôi nhất định không chịu tin cô độc là một trạng thái thường xuyên của người. Chứng cớ là hôm nay, Triệu đã bằng lòng mất Lựu để khởi đầu cho anh, trong một tâm trạng không còn cô độc nữa. Tôi ghi lại dưới đây những tờ rời vừa xé khỏi đời Triệu. Chính tay anh đã xé chúng nó để chúng nó chỉ còn là những tờ rời. Gác phố Huế, không ngày: “Xa anh suốt bấy lâu, em đã sống cho tình yêu của chúng ta qua những kỷ niệm cũ”. Lựu nói, tiếng ấm và nhỏ, dư âm len vào từng danh từ. Tiếng nói ấy chiều nay với tôi đã là những đường tơ xưa cũ vừa rung lên và đã làm nổi dậy những hình khối màu sắc tôi tưởng chúng đã ngủ giấc ngủ nghìn đời trong lãnh vực kỷ niệm. Gặp lại Lựu, chúng sống lại trong tôi, những nét những đường đã viền sương viền khói mà vẫn còn lấp lánh bay múa. Yên yên một lát tôi còn cảm thấy nội tâm mình thơm ngát hương mùa. Từ tim phổi, hương thơm ngày cũ dâng lên, thơm ngát cả gian gác bé nhỏ nhìn xuống Hà Nội. Lựu ngồi nghiêng, một nửa mình dưới ánh sáng, một nửa chìm trong bóng tối của buổi chiều cuối năm. Từ ngoài gió thấm vào. Nét mặt Lựu in thành một đường nhờ nhờ, yên lặng trên cái nền lẫn lộn ánh sáng bóng tối của những bờ tường bên kia. Trước mặt tôi, cách một tầm tay với, tôi ngồi đối diện với kỷ niệm. Bởi Lựu là tất cả cuộc sống, tất cả kỷ niệm. Tôi chỉ còn Lựu. Tôi chỉ còn kỷ niệm. Chưa bao giờ tôi lại thấy những phút giây của buổi chiều gặp lại này lại có thể ngân nga, kỷ niệm lại đằm thắm chứa đựng và Lựu lại có những nét đẹp diễm ảo như thế. Ngày cũ dần dần xuôi về. Nhịp đi từ từ rồi nhanh mau dần dần. Vội vội, miên man. Tôi nhìn vào kỷ niệm là những sự kiện cụ thể nhất của bây giờ đã nhoà biến. Một hương khói của một điếu thuốc nào đang cháy dâng lên. Khói thuốc khuất khúc, vật vờ. Như một ngả đường. Một lối đi về cũ. Như những nhành hoa. Và bay múa thoang thoáng như tà áo người đàn bà. Trong khói thuốc xanh biếc nhỏ dần những sợi tơ chỉ, bóng tối Hà Nội giăng lưới xuống những cảm xúc tôi lênh đênh trôi nổi giữa hai bờ kỷ niệm. Bắt đầu là một nhành hoa phượng. Màu đỏ huyết dụ, lấp lánh đời lửa mùa hè. Đỏ như lòng Hồng Hà phía bãi ngô cuối tỉnh lỵ bé nhỏ, thành phố của Lựu, của chúng tôi. Tôi nhớ những con đường mùa hè. Con đường nào cũng hình như nằm dưới cái mái chói loà của hoa phượng. Hoa đỏ lặng lẽ cháy lên trong buổi trưa yên tĩnh một ngày tháng Sáu, hôm Lựu nhìn tôi đi về phía Hồng Hà, đợi một chuyến tàu đêm. Thành phố bé nhỏ của Lựu, năm nào hoa phượng cũng cháy lên như một mớ lửa đốt rừng, trên lòng phố, dưới chân đê, ngay trước cửa nhà Lựu. Tháng năm vào cũ, màu hoa trở nên huyền bí, nhưng tôi cảm thấy rằng trong đua nở vĩ đại của rừng hoa mùa, lửa vẫn cháy đấy, Lựu ạ! Ngọn lửa cháy đỏ trên những sự kiện khác của dòng đời thiêu huỷ tiêu diệt đã sáng lên trong cái thế giới bé nhỏ của chúng ta như một niềm tin. Nó cháy trong Lựu, trong tôi, và mùa hè của chúng ta không bao giờ hết nắng. Hà Nội, ngày hôm sau: Nói với Lựu nhiều về những chùm hoa phượng. Về một ngọn lửa. Về một thành phố cũ, về tháng Sáu. Mắt luôn luôn rưng rưng. Kỷ niệm rung động mãnh liệt. Vẫn còn Lựu. Hai người vẫn còn nhau bằng kỷ niệm. Tôi chỉ còn những kỷ niệm này. Góc phố Huế, không ngày: Chiều Hà Nội xuống dần. Một thoáng sương từ ngoài trôi vào xanh hẳn một bên mái tóc Lựu. Trong tôi có một cái gì đang ngả màu. Màu phượng vỹ? Không, một màu đỏ khác. Man dại, úa chết. Đỏ của một dòng máu khô. Đó của chiến thời. Sắc màu tàn lụi này tôi đã gặp lại cũng ở trong cái tỉnh lỵ bé nhỏ của Lựu bây giờ đã nằm trong một cảnh đổ vỡ ghê gớm. Những mảnh ngói nằm từ bao giờ bên lề đường, mà tôi nhìn thấy như chúng còn đang rơi vỡ lăn lóc. Những viên gạch đang huỷ thể từng phút từng giờ. Kỷ niệm đấy, Lựu ạ! Một con đường đầu tỉnh lỵ đã nhoà dấu vết. Một mảnh đất phố Hiến còn chứa đựng cái hình ảnh vui ấm của cửa sổ mái nhà, của những ánh đèn xanh. Tôi nhớ nhiều đến những sự kiện khác, vụn vặt bé nhỏ: Một tấm biển số nhà treo nghiêng trên khung cửa. Khung cửa đóng im trước cái chói chang của nắng đường. Lựu đi đất, mặc áo lụa. Tiếng máy nước chảy ồ ồ buổi tối đợi Lựu. Tôi đã về thăm cái tỉnh lỵ yêu dấu. Về một mình. Tôi đã đứng lâu lắm dưới đống gạch ngói đổ vỡ nguội lạnh. Những nhành phượng chết dưới chân tôi. Tôi cảm thấy từng tấc đất đá, từng nhành hoa phượng đang nhìn lên. Cái nhìn thăm thẳm chăm chú lại như con mắt to đen của Lựu nhìn vào sự kiện lưởng vưởng tàn lụi. Chúng nói gì? Chúng muốn nói gì với tôi? Nơi này, sự sống hoa bướm cũ thật không còn nữa. Đến những tháng năm nào vắng Lựu, hoa phượng lại có thể đua nở vĩ đại cho một mùa hè của chúng ta? Lần về thăm cái tỉnh lỵ bé nhỏ ấy, tôi đã nhớ thương một tà áo màu hoa sen, màu Lựu vẫn ưa thích ngày xưa, từ mặt đường dĩ vãng bay lên, đỏ ấy nhoà với đỏ hoa trên cành làm thành một thứ tâm tình chói chang toàn diện. Màu đỏ ấy nở lên như nắng, lại như một cuộc tình duyên thắm thiết đang trưởng thành. Như một ngọn triều. Như một sự kiện có chứa đựng cuộc sống lứa đôi, từng phút từng giờ đi lên, ồ ạt lớn rộng, và choán lấy tất cả. Cái chói chang lớn rộng ấy tắt ngấm trong chiến thời. Rồi Lựu cũng bỏ cái thành phố hoa phượng ấy mà lên đường. Hôm người đi, hoa rụng trên lối buồn, màu đỏ rưng rưng dềnh lên phút chia tiễn thê thảm. Tự đó như tôi biết, Lựu không một lần trở lại thành phố này. Tôi còn biết rằng ở những chân trời khác của Lựu, khởi đầu sự thiếu vắng những nhành hoa cũ. Lựu lấy gì để đốt cháy lại cái mùa hè vĩ đại của chúng ta? Hà Nội, ngày hôm sau: Như lần trước gặp Lựu, lại chỉ có những kỷ niệm được ôn lại. Không hiểu tại sao, cả hai người cùng buồn ghê gớm. Nhắc Lựu cùng nhớ lại một thành phố thiêu huỷ. Những bông hoa phương đã bắt đầu héo chết. Lựu khóc. Vì buổi chiều tối xuống bên ngoài. Hay vì những nhánh hoa phượng? Dĩ vãng dày đặc. Chỉ còn dĩ vãng, tôi chỉ còn dĩ vãng. Gác phố Huế, không ngày: Bóng tối xuống hẳn. Lựu nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, Lựu không nói gì. Tôi biết giờ phút này bóng tối Hà Nội cũng đang đi vào những sự kiện bên trong, nơi Lựu còn nhiều tàn phai đổ vỡ. Lựu chớp mắt, ngón tay lặng lẽ khép lại một tà áo. Lựu khóc không tiếng, nước mắt lưng tròng. Chúng tôi lại gặp nhau trong buổi chiều này nhưng nhiều mùa phượng vĩ đã qua và nhành hoa cũ đã rụng theo những thời kỳ gió bão. Trong tôi bỗng u uất vì ý nghĩa ấy khi thấy mình nhìn về sau đổ vỡ, chỉ còn tối đen. Tối mênh mông. Đêm dĩ vãng trong nội tâm người không ánh lên một vì sao bé nhỏ nào. Chúng tôi đứng lên. Tôi đưa Lựu đi về phía cửa sổ. Dưới lòng đường màu xanh sương bụi trắng đục dâng lên. Những người đi đường hình như cũng bé nhỏ hơn. Tôi nhìn những người đi đường. Tôi nhớ đến góc trời của Lựu. Những góc trời của tôi, của Lựu. Cái biệt thự bé nhỏ vùng Ngọc Hà. Những chân tường xanh rêu. Một lối đi sỏi đá lẫn lộn. Đằng sau, rừng lá Bách thảo xanh biếc. Lựu kể cho tôi nghe về những ngày tháng Lựu về sống một mình ở Ngọc Hà. Tôi đến đó nhiều lần. Tôi nhìn thấy bóng Lựu thoáng hiện sau bức mành. Một tà áo lụa trắng. Một mái tóc, cái nhìn của Lựu lặng lẽ trao gửi. Thế thôi. Ngày tháng yên lặng nghiêng đi. Cuộc đời của Lựu từ đó bình yên không mưa nắng, không gió bão vẫn là nỗi bận tâm duy nhất của tôi, đôi khi đến rồi bỏ đi, chìm vào bóng tối, về sau những ngả đường. Thời gian từng lớp phủ mãi lên thời gian này những lớp bụi phấn của kỷ niệm. Rất mong rất nhẹ, phảng phất hương thơm. Có một cái gì giữa chúng ta đang đổi màu. Những sự kiện gì bền chặt nhất mà không đổi màu? Nhưng tôi còn Lựu. Tôi vẫn còn tin rằng những nhành phượng vẫn thơm đỏ lấp lánh. Và vẫn có một nơi nào trong kỷ niệm để những nhành hoa ấy đua nở vĩ đại cho mùa hè của chúng ta. Hà Nội, ngày hôm sau: Những kỷ niệm nhắc lại hôm qua với Lựu đều chứa đựng một cái gì xuông nhạt. Một cái gì không màu. Đôi mắt Lựu phẳng lặng ghê gớm. Bắt gặp một cảm giác biên giới. Lựu nhìn đi đâu? Lựu có nhìn về dĩ vãng? Lựu ơi! Đừng làm cho cái thế giới cuối cùng của tôi đổ vỡ. Tôi chỉ còn những đổ vỡ này. Tôi chỉ còn đôi mắt Lựu rưng rưng. Tôi chỉ còn niềm tin của tôi về đôi mắt Lựu rưng rưng. Gác phố Huế, không ngày: Đau buồn đã xảy đến trong loạn ly, trong chia cách. Những lớp người thiên đô, những ngả đường mòn. Những hình chiến luỹ. Tôi xa Lựu trong luôn mấy năm. Tôi nhớ Lựu nhiều nhất vào những ngày tháng đau khổ mất mát ấy. Tất cả những ngả đường nào ở đó tôi hy vọng gặp lại Lựu đều nhoà đi cái chiều nối kết. Chiến thời như mưa bão lụt lội làm cho cái chân trời của chúng ta trở nên mịt mùng. Một cánh thư tôi gửi cho Lựu không nhận được trả lời. Lựu bỏ vào Hà Nội. Giữa hai cuộc đời, biên giới dựng lên từ đó. Hai bờ chia cách đứt đoạn. Bên này bên kia, hai miền đất nước nhớ thương nhau. Từ miền ngoài tôi nhớ Lựu, tôi nhớ Hà Nội. Những ánh lửa viễn phố ma quái đốt cháy nội tâm tôi. Người em bé nhỏ của tôi đã chọn ngả đường nào trong muôn vạn ngả đường của Hà Nội, 48, 49? Lựu bỏ đi, có phải những nhành phượng sẽ không bao giờ nở nữa cho mùa hè của chúng ta? Bẵng đi hai năm sau, tôi cũng vào Hà Nội. Tôi gặp lại Lựu, nhưng thời gian cũng đã sinh thành những sự kiện mới. Tôi có cảm giác Lựu đã đổi khác, Lựu đã đi xa. Lựu đã lên đường về bên kia sông, nơi những cuộc đời gió bão nhất cũng trở nên an định. Chuyến đi ấy đã đưa Lựu đến bến. Lựu ở lại đó. Lựu còn nhớ hay đã quên? Hà Nội, ngày hôm sau: Gặp Lựu trong hiện tại, mời Lựu nhớ dĩ vãng. Mắt Lựu mở lớn bỡ ngỡ. Chắc Lựu lạ lùng về thái độ mình. Về con người mình đúng hơn. Vậy mà dĩ vãng vẫn cứ là một thực thể có một sức tác động mãnh liệt. Lựu cũng là một thực thể của dĩ vãng rồi mà! Cái cảm giác biên giới cách biệt lại nổi lên. Đau nhói trong tim. Dĩ vãng. Những nét đẹp não nùng không có gì trong hiện tại này, chỉ còn những nét đẹp não nùng của dĩ vãng. Thương nhớ về đầy hồn tôi. Phải lấy lại Lựu bằng kỷ niệm. Gác phố Huế, không ngày: Chiều nay gặp lại Lựu, cuộc tình duyên của chúng tôi vừa được 12 năm. Muôn vàn hình ảnh lệ kiều đã ánh lên và cũng đã phai tàn trong khoảng thời gian này. Nhưng chúng tôi, chúng tôi vẫn không hề thay đổi. Đời Lựu và đời tôi đều là những thế giới không mùa. Ở đây, trời đất của chúng tôi vững bền chung thuỷ. Ngọc đá cũ còn nguyên khối tinh anh trên những ngả đường còn nguyên vẹn lối đi về xưa. Lối đi về miền thuỳ dương. Buổi chiều này của Hà Nội mở xuống một chân trời cũ. Ở đó hai tâm hồn đang cố gắng tìm kiếm một điểm nào để có thể theo đó gặp lại những xúc cảm non xanh của buổi đầu. Điểm nào? Ngọn lửa nào đã cháy lên? Những sự kiện gì lả tả đổ vỡ đang được chắp lại để lên hình? Tôi nhìn thấy bóng chiều nhoà nhoà phảng phất chung quanh đôi mắt Lựu lặng lặng thơ nhỏ. Đường vai Lựu rung lên. Con mắt ấy và đường vai này được thuộc về dĩ vãng rồi. Chúng tôi đến đứng bên cửa sổ, yên lặng nhìn xuống Hà Nội. Một ngọn lửa quảng cáo cứ một lúc lại vụt đến sáng loé chỗ chúng tôi. Tôi tin tưởng ở điều này Lựu ạ! Tin rằng chiều nay Lựu đã về với tôi, và những chùm hoa phượng lại nở thơm cái chân trời dĩ vãng mà bỏ đi mười mấy năm Lựu đã gặp lại. Lựu gặp lại những đời phượng vĩ của chúng ta là được là đủ. Riêng tôi, mỗi lần gặp lại Lựu là tôi nhớ lại đến nhiều vùng. Một ngả đường trong tỉnh lỵ bé nhỏ. Một mái nhà Ngọc Hà. Những ngày lửa đạn xa cách, nhớ thương. Những địa điểm xa vời đứt đoạn ấy, tôi nối kết lại thành cái vòng kỷ niệm. Tôi đưa Lựu đi xuống. Buổi chiều Hà Nội đã tối hẳn. Từ lúc nào mưa bụi đã dấy lên. Lựu đưa tay khẽ vuốt lại một bên mái tóc. Tôi nhìn sang, bắt gặp một nụ cười của Lựu, vẫn nụ cười thiếu nữ ngày xưa, và đôi mắt Lựu nhìn tôi, trong mưa nhỏ buổi chiều. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi đứng lại trên hè phố nhìn Lựu lên xe về Bạch Mai, cái hình ảnh cuối cùng vẫn là một mái tóc, một đường vai tôi đã yêu mến ngày nào trong dĩ vãng. Những hình ảnh đẹp nõn nà này đi dần vào nội tâm tôi, vào chỗ sâu kín nhất của thế giới bên trong, nơi tôi còn giữ gìn được nguyên vẹn hoa hương của tuổi hai mươi. Thế giới ấy là của Lựu, của tôi trên suốt dọc đường số kiếp. Vì vậy mà tôi gắn bó với kỷ niệm với dĩ vãng, qua niềm tin của tôi gửi vào sự chung thuỷ của lòng người. Lựu ơi! Chiều nay người em bé nhỏ của tôi về đâu? Ngày mai Lựu về đây? Gặp Lựu tôi sẽ đưa Lựu về cái thế giới riêng của chúng ta. Tôi sẽ đưa Lựu về kỷ niệm. Ở chân trời nào những nhành hoa phượng cũng vẫn đua nở vĩ đại cho mùa hè của chúng ta. Tôi chỉ còn những nhành hoa ấy. Tôi chỉ còn Lựu. Tôi chỉ còn kỷ niệm. Tôi sẽ chẳng bao giờ mất Lựu. Tôi chỉ còn kỷ niệm. Tôi sẽ chẳng bao giờ mất Lựu, tôi sẽ chẳng bao giờ mất kỷ niệm. Bởi Lựu sẽ không bao giờ đổi thay, kỷ niệm sẽ không bao giờ đổi thay. Dĩ vãng sẽ không bao giờ đổi thay. Hà Nội, ngày hôm sau: Lựu không đến. Tôi vẫn còn Lựu. Tôi vẫn còn dĩ vãng. Tôi vẫn còn kỷ niệm. Gác phố Huế, ngày cuối cùng: Thế là Lựu đã ở lại. Tôi chỉ còn dĩ vãng. Tôi chỉ còn kỷ niệm. Tôi lên đường mang theo hình ảnh Lựu. Lựu là một dĩ vãng bé nhỏ trong dĩ vãng rộng lớn của tôi. Lựu có thể đổi thay. Mặc Lựu. Tôi sẽ không thay đổi, tôi sẽ sống ở bên kia vĩ tuyến cho một cái gì không bao giờ thay đổi. Tôi vào hẳn kỷ niệm. Dĩ vãng bây giờ mới thực sự bắt đầu. Gửi Lựu, gửi dĩ vãng, gửi tôi. Chúng mình sẽ gặp nhau trong kỷ niệm. Thoạt đầu, những tờ nhật ký của Triệu làm tôi thất vọng ghê gớm. Tôi đã đợi chờ một cái gì sấm sét gió bão hơn. Tôi chỉ thấy những hình ảnh nằm nghiêng nằm dọc như những xác chết chưa khâm liệm. Một nhành hoa phượng, một thành phố trơ trụi, một buổi chiều mưa phùn, và sau cùng một người đàn bà. Tất cả chứa đựng trên nền trời thời chiến tối xám. Tôi nghĩ rằng Triệu đã thần tượng hoá những hình ảnh này. Anh đã đặt chúng lên một thứ khay vàng, đốt cho chúng những tuần hương. Nếu chúng còn một tác động nào, chỉ vì Triệu vẫn còn đốt cho chúng những tuần hương. Tôi nghĩ rằng thực ra Triệu không sống hoặc là anh đã sống hết sức giả tạo. Thế thôi. Không có một cuộc chiến đấu nào đã xảy ra trong nội tâm anh. Nhưng nghĩ thế tôi chỉ mới xét đoán Triệu, qua những tờ rời. Những tờ rời không nói gì. Những tờ rời không bao giờ nói gì. những giai đoạn riêng lẻ, những hình ảnh đơn độc không bao giờ toát ra được một sự thực nào dù bé nhỏ mong manh. Nhưng tôi đem đóng những tờ rời ấy lại tôi đã có được một cuốn sách, ghép những nhành hoa phượng, mảnh ngói vỡ, người đàn bà, tôi đã có được một bức hoạ. Nhìn cái toàn thể của tình cảm Triệu, tôi đã có được một thế giới. Tôi có con người của Triệu, cái thế giới tình cảm của anh đặt định bấy lâu bằng những nền tảng bền vững nhất trong lãnh vực quá khứ hiện liên sâu thẳm ngột ngạt, sừng sững trước mắt tôi. Sự thanh toán này đòi hỏi ở con người một cuộc chiến đấu anh dũng. Từng giờ từng phút chung quanh tôi, những cuộc chiến đấu vẫn đang tiếp diễn. Để chiến thắng một kẻ thù. Để chiến thắng một tư tưởng. Để chiến thắng một chủ nghĩa. Nhưng có ai như Triệu, đã chiến đấu đau đớn không phải để chiến thắng một kẻ thù nào, mà là để đánh ngã chính những tình cảm mình, chính cái thế giới cá nhân của mình. Thì đau đớn ấy còn gấp muôn vạn lần đau đớn của đổ máu. Hôm nay Triệu đã phá đổ một thế giới. Bởi một hiện tại này đã đẹp hơn một dĩ vãng kia. Bởi cái năng lực mãnh liệt của con người khi một ngọn lửa tin lại về, lại đốt cháy, lại đẩy tới. Tôi muốn gửi Triệu điều này, tôi muốn gửi cho tất cả những người bạn đường của tôi như Triệu điều này: “Các anh đã phá được cái thế giới cũ của các anh. Các anh sẽ dựng được cái thế giới mới cho các anh”. Nhưng mà hình như tôi không thấy họ nữa. Họ đã đi xa, hết sức xa.
Mai Thảo Hoa Phượng
Hoa phượng nở về mùa hè. Khi ve kêu thì cũng là lúc hoa
phượng nở nên hai thứ nầy, ve và hoa
phượng là biểu tượng của mùa hè. Cũng vì đặc tính đó, hoa phượng và
ve sầu rất gần gủi với học sinh. Khi ve bắt đầu kêu và hoa phượng
chớm nở trên cành là lúc bọn học trò chuẩn
bị cho các kỳ thi và nghỉ hè.
Hồi trước, nền giáo dục Việt Nam chịu
ảnh hưởng Pháp nên mỗi năm có rất nhiều
kỳ thi: Thi tiểu học, thi trung học đệ
nhất cấp, tú tài 1, tú tài 2. Ngoại trừ thi tiểu
học, các kỳ thi khác được tổ chức hai
lần trong một năm: đầu hè, cuối hè, nên
học trò rất bận rộn. Khi nghe ve kêu, khi thấy
hoa phượng nở là thấy lòng xao xuyến lẫn lo
âu: Xao xuyến vì nghỉ hè, xa trường, xa thầy cô,
xa bạn bè, lo âu vì thi cử đã gần kề.
Những nỗi xao xuyến và lo âu ấy, dĩ nhiên,
được thể hiện trong văn chương
học trò; không những ở học trò mà ngay cả trong
lòng những người đã bỏ trường học
và bạn bè lại sau lưng.
Ở Huế, như tôi viết trong bài ve
sầu, ve đã nhiều mà hoa phượng thì cũng không
ít.
Nếu có một ngày hè nào đó, dĩ nhiên vào mùa hè, đi
ngang cầu Trường Tiền, nhìn ngược lên phía
Tây, hướng chùa Linh Mụ, cồn Giã Viên, người
ta bỗng thấy hoa phượng nở đỏ cả
hai bờ sông Hương, bên phía Thương Bạc hay bên
phía bệnh viện Huế cũng vậy.
Dọc theo hai bờ sông, từ thời
Tây còn đô hộ, Tây đã cho trồng hai hàng
phượng. Cây phượng cao, cành lớn.
Hoa phượng nở, trước khi
phượng ra lá. Lá chỉ mọc
đầy sau khi hoa phượng đã kết trái. Hoa phương đỏ như màu lửa,
rực rỡ cả hai bờ sông, làm cho người ta
phải chú ý, trầm trồ khen ngợi vì cái vẻ
đẹp rực rỡ của nó. Hoa phượng
đỏ như lửa nên người Pháp gọi
phượng là flamboyant. Trong
tiếng Pháp, flamboyant cũng có nghĩa là sáng chói, sáng
rực, sáng ngời, sáng quắc, lòe loẹt, rực
rỡ. Tất cả các định nghĩa
ở trên cũng có nghĩa là màu sắc của hoa
phượng.
Kể ra, tạo hóa không những vừa
nhiệm mầu mà lại còn nhân đạo. Giả
tỉ màu trời, màu nước sông không xanh mà đỏ
chói, cây lá không xanh mà toàn màu lửa thì chói mắt
ngươi biết bao nhiêu! Màu xanh là màu
dịu, làm cho mắt người ta dịu lại,
thoải mái khi nhìn trời, nhìn sông, nhìn cây, lá. Tuy vậy, trong màu xanh mênh mông của nước,
của trời, của cây lá, bỗng hiện lên hai hàng
phượng đỏ, nổi bật trên nền xanh.
Sự tương phản của màu, giữa
xanh và đỏ làm cho người ta chú ý, thích thú. Cái đẹp của phượng là ở màu
đỏ và cũng ở chính sự tương phản
của màu sắc vậy.
Thành phố Huế có hai khu vực: Khu thành cổ ở
tả ngạn tức là khu hoàng thành, với đại
nội, chợ Đông Ba, phố Gia Hội, gồm cả
Ngự Viên cũ. Khu phố mới, tức là phố Tây, -
theo cách gọi hồi xưa - tức hữu ngạn,
gồm Morin, bệnh viện Huế, các trường
học, Ga Huế, Nam Giao, Bến Ngự, cung An
Định, An cựu, v.v… Phú Cam, hay tên trên giấy tờ là
làng Phước Quả, không thuộc địa giới
thành phố Huế mà thuộc quận Hương Thủy.
Dĩ nhiên - tại sao gọi là dĩ nhiên, tôi sẽ phân
giải ở phần sau -, khu phố mới, ngoài những
cây đoác, - cây cọ Tây - người ta trồng
phượng hai bên đường, nhất là con
đường bờ sông, tức là đường Lê
Lợi, từ đầu cầu Trường Tiền lên
tới Ga Huế.
Hai
bên bờ sông Hương có nhiều vườn hoa: Từ
chân cầu Trường Tiền lên tới Thương
Bạc, Phú Văn Lâu hay cả Vườn Ương Cây
trước của Nhà Đồ (Sau nầy gọi là
cửa Sập vì cửa Nhà Đồ bị sâp trong
trận lụt lớn năm 1953 -) là
những vườn hoa. Bên kia sông,
từ Câu Lạc Bộ Thể Dục Thể Thao trở
lên cho đến sân bóng tròn Trường Quốc Học,
kế Đài Kỷ Niệm cũng là những vườn
hoa. Bên nầy cũng như bên kia,
cuối vườn hoa, sát bờ sông là một hàng cây
phương dài. Khi hoa phượng nở, không những
ở hai hàng hai bên đường mà còn sát bờ sông là hàng
phượng thứ ba hoa nở rộ thành ra nhìn thấy
một màu hoa lửa, rực rỡ cả một khung
trời.
Trong thành nội, ngày trước, phần nhiều
người ta trồng nhãn hay mù u. Tuy nhiên, cũng có vài
đọan đường, như con đường
đi ngang cửa Ngọ Môn, song song với
đường Cột Cờ, không trồng mù u hay nhãn mà
lại trồng phượng.
Cũng dĩ nhiên, trong hầu hết sân các
trường học, đều trồng phượng; -
ngoại trừ Quốc Tử Giám, sau nầy là
trường Hàm Nghi (trước 1975). Các
trường học nầy được dựng nên sau
khi Tây đã đô hộ nước ta rồi.
Hình ảnh hoa phượng nở đỏ hai bên bờ
sông, trong sân trường, v.v… làm cho người Huế,
học trò Huế và cả những người đến
Huế vì một lý do nào đó, trong dịp hè, không thể
không có những ý tưởng, xúc cảm, viết vài câu
thơ về hoa phượng.
Anh “học trò Duy
Khánh”, có lẽ cũng đã “trồng cây si” một hoa khôi
học trò nào đó nên than vãn rằng 3 tháng hè dài như
một thế kỷ: “Rồi chiều nay Hè trở lại
đây. Phượng thắm rơi
Phượng thắm rơi đầy, Lại cách xa nhau
chín mươi ngày. Hay là một thế
kỷ dài.”
Trần Trung Đạo cũng
vậy, nhà thơ viết:
Ta, học trò dù chẳng phải ra thi
Và em, đẹp như vầng trăng quê cũ Chiều sông Hương, đêm Nam Giao không ngủ Một gả làm thơ, nhút nhát, si tình Huế u trầm và khó hiểu như em Huế nhẫn nhục trong trăm ngàn nỗi khổ Ta ghé Huế mỗi mùa hè phượng nở Để nghe tình vương vấn buổi về thăm (Một Chút Tình Cho Huế)
Trần
Trung Đạo cố phủ nhận việc ông
đến Huế không phải để đi thi, vì dân
Quảng Nam đến Huế để đi thi
thường bị chê:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái
Huế chân đi không rời.
Tuy nói vậy, Trần Trung Đạo cũng không thể
thoát khỏi lưới tình khi nhà thơ viết: “Và em, đẹp như vầng
trăng quê cũ” để cho ông có những đêm không
ngủ vì… si tình.
Trần
Trung Đạo là lớp sau. Lớp trước, mà cũng
là người “cõi trên”, như Bùi Giáng, cũng không ra ngoài
hình ảnh hoa phượng và tình yêu, cũng không thoát
khỏi vòng tục lụy:
Rập rờn
đầu liễu xanh buông
Mùa trăng nước đẩy xô buồn đi xa Trang hồng kim rải ra hoa Trổ bông mùa phượng cũ đà hồ phai Tơi bời ngọc trắng măng mai Khuynh thành sắc nọ đưa vai nghiêng về (Mùa Phượng Cũ – Bùi Giáng)
Có lẽ cũng thấy cảnh sắc như tôi nói ở
trên nên Bảo Cường viết trong bài thơ Nhớ Mùa
Phượng Cũ:
Ta nhớ mùa hoa phượng
Màu hoa đỏ thắm đường Hàng cây buồn lặng sóng Sóng sánh bờ sông Hương Thành quách sao ngủ vùi? Phố cũ nhớ khôn nguôi Người đi mờ năm tháng Một cánh chim cuối trời.
Cũng một “tình cảnh” như thế, có anh “thi sĩ
học trò” viết:
Hoa phượng vĩ cười trong nắng hạ
Tuổi học trò tấc dạ bâng khuâng Ngày qua ta tiếc mùa xuân Hạ về chia rẽ tình thân tuổi ngà
(Hoa
Sơn)
Hoài
Châu, cũng không khác mấy với “bọn học trò”,
đi thơ thẩn dưới nắng hè, để
nhớ một khung trời, nhớ tiếng ve kêu và nhớ
những cành hoa phượng
Tôi đi thơ thẩn
dưới nắng hè,
Bỗng dưng nghe nhớ Phượng sắt se, Ngày ấy một khung trời kỷ niệm, Quê hương buồn rộn rã tiếng ve. Tôi nhớ khi xưa ở quê nhà, Cách trường tôi học chẳng bao xa, Có cây Phượng vỹ còn xanh lá, Một buổi hè về chớm nở hoa. Thằng tôi ngày hai buổi đi về, Hay dừng chân ngắm Phượng si mê, Để có nhiều đêm tôi mơ thấy, Phượng cười xao xuyến cả giấc mê.
Những ý
tưởng về phượng của Trần Trung
Đạo, Bảo Cường và Hoài Châu cũng
tương tự như Luân Hoán tróng bài thơ “Trong Sân
Trường Bữa Ấy”. Tuy nhiên
ở đây không phải là hoa phượng mà lai là gốc
phượng. Mùa đông, hoa
phượng đã tàn nhưng má thì vẫn hồng như
hoa phượng. Tác giả nầy viết: em có nhớ trong sân trường
bữa ấy
giờ ra chơi em phơi nắng chiều đông gió bấc khô làm đôi má se hồng cùng chúng bạn em ngồi quanh gốc phượng
(Luân Hoán)
Ông “học trò
già Kiên Giang” có khác đi chăng?! Không hẵn, khi tác
giả mơ một mái tóc thề, không thể không nhớ
màu hoa phượng:
Cuối tháng,
thầy vô trường võ bị
Xa trời Đồng Khánh, học trò yêu Xa rời Bến Ngự sông An Cựu Nắng đục, mưa trong lắng tiếng chiều Thầy sắp đi xa trò ở lại Mùa hoa phượng cũ úa phai rồi Cổng trường bỗng biến thành ga nhỏ Trò tiễn thầy đi, ai ngậm ngùi
(Tóc Thề Xứ Huế)
Ve sầu, phượng đỏ, ly biệt
là tâm tư của học trò nam nữ khi “Hè về, hè
về, tiếng ca nhịp phách lên khơi” như trong bài hát
của Hùng Lân.
Trong
ba mươi năm chinh chiến, nỗi ly biệt của
thầy trò thắm thiết hơn, đau đớn
hơn, đậm mùi… thuốc súng hơn và không thiếu
vĩnh biệt: Thầy đi không về, và cũng lắm
khi trò đi cũng không về. Ai cũng thấy, cũng
biết và chấp nhận “Quốc gia hưng vong…”
Huế của các o, có nhiều
phượng, hoa phượng nở vào mùa hạ. Điều đó được
thể hiện qua thơ của Tiều Phu:
Huế của O .
Phượng đỏ hồng lửa Hạ
Hương Giang cươì . vụn vỡ nhịp chèo khua nắng
chờ O . vương
vãi chuổi hạt ngà
rụng lốm đốm . hoa vàng nền cỏ lụa...
(Tiều phu)
Tôi
Tìm Huế
tôi ở đâu rơi về gốc Huế mười năm có lẽ buồn vui một vợ hai con có bia hộ khẩu có một làng quê mong ngóng phía mặt trời mà sao tôi chẳng là tôi khi hèn mọn đánh rơi mình vào quên lãng tôi tìm tôi lang thang đêm nào lả chả trăng như nước mắt trầm ngâm tôi với Ngự Bình trước mộ đứa con trai thiếu tháng cháu là người ngoài cuộc đời chỉ được nhìn Huế năm ngày qua lồng kính tôi tìm tôi khuya khoắt lập lòe lửa nhang góc phượng sương mờ nhấp nháy hoài như mắt cây mắt gió bên những người xe thồ xích lô gác chân lên trời nằm đợi khách khẽ hát về "Đêm Tàn Bến Ngự"... vâng cho đến khi tàn đêm tôi mới gặp được lời của phố nỉ non vệ cỏ bên đường tôi tìm tôi lửa đốt chiều nào mỏi rời chân đứng chờ vợ đẻ cửa hạnh phúc đầy tiếng rên la bắt chước ai tôi cắm nén nhang bên gốc xà cừ
Ngô
Minh
Ngô Minh tự nhân không phải là người Huế,
nhưng do đời đưa đẩy về đây,
sau 1975? Ở đó, kẻ ly hương đi lang thang, lã
chã trăng với nước mắt, trầm ngâm với
Ngự Bình, hát khẽ với “Đêm Tàn Bến Ngự” và
tìm tới những gốc phượng, lập lòe với
ngọn lửa nhang (hương) trên tay. Ông đi thắp
nhang cho những ngôi mộ nhỏ, nơi chôn những bào thai sinh thiếu tháng. Ông quả
có nhận xét tinh tế. Huế không
thiếu những “nghĩa trang” nhỏ như thế ở
vườn hoa cây đoác bên hông bệnh viện Huế.
Hay có khi gọi là “mả ông trạng” ở
đường Trung Bộ. Huế,
sau 1975, không thiếu những gian khổ, đói khát và
đau buồn.
Tế Hanh nhìn hoa phượng theo
một nhãn quan đặc biệt và kỳ lạ hơn:
Lưu ly chất ngọc đọng màu
bông
Cành rực hừng theo trận gió nồng Ơi phượng! ngươi là cây đuốc sáng Đất đầy tin tưởng vọng lên không. Đốt cháy bao la sáng mặt trời, Linh hồn mùa hạ hiện thân ơi! Đời người kết tụ bao nhiêu nắng? Trưa chói chang cao, lửa rạng ngời Phung phí tình yêu quá mức thường Sống thời hoàng tử, chết quân vương Nguy nga cây nở bừng son thắm Lộng lẫy hoa rơi sắc ngợp đường. Ta đứng trên cao gió lộng bày Ngọn đèn tâm tưởng đảo điên lay Cầu ngươi hỡi Phượng tươi như máu Dâng sáng linh hồn cánh dợn bay. (Phượng - Tế Hanh) 1944
Ông gọi phượng là ngọc lưu ly, là lửa, là
tươi như màu máu, là cây đuốc sáng, là niềm tin
tưởng, là ánh sáng mặt trời, là linh hồn mùa
hạ, là nắng hạ kết tinh, là lộng lẫy màu
son thắm. Ông yêu phượng và dâng cả
linh hồn cho cánh phượng muốn bay. Chỗ
nầy cần đặt một dấu hỏi: Có phải
nhà thơ yêu một người có màu má đỏ như
phượng, hay yêu một người tên phượng.
Câu trả lời sẽ có sau!
Hình như Xuân Diệu có một mối
tình nào đó với phượng. Mối tình của một người
rời xa sân trường đã mười năm hay
với một người tên phượng cũng đã
mười năm. Dĩ nhiên, với tình đó, ông ca
ngợi màu hoa phượng “hồng trên một cõi”, như
muôn tiếng đàn cùng gảy, trong ánh sáng vòi vọi
của không gian. Dù mùa hè đang vui, màu sắc hoa
phượng rực rỡ, dưới con mắt Xuân Diệu,
vẫn có một chút buồn nào đó trong khoảng cách
thời gian “mười năm”, cùng với nỗi nhớ
“mười năm” và “hiu hắt gió mười năm”.
Phượng trong sáng nảy hồng trên một cõi Như muôn đàn cùng gảy dưới máy cao Ánh sáng trùm trong không gian vòi vọi Tấc lòng hè kiều diễm hoá li tao Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát Lá non xanh như suối chảy trên trời Phượng, phượng hỡi, cớ sao mà man mác Mỗi mùa hè run rẩy dưới triều môi Xanh đã ngủ ở dưới trời yên tĩnh; Đỏ còn ngân trong tiếng nói dịu dàng; Ta mơ màng thấy gió đang sóng sánh, Trống sân trường văng vẳng đánh - mười năm. Mười năm phượng, phượng huy hoàng vẫn phượng Áo trắng trong ngày tháng phất phơ soi Ta cùng mình như cành cây riết quấn Vương lòng nhau ràng rịt biết bao đời Phượng mười năm.... hiu hắt gió mười năm Yêu mười năm.... nhớ muôn thuở.... mười năm (Phượng Mười Năm - Xuân Diệu)
Không riêng gì Huế mới có nhiều
phượng. Nhiều thành phố khác ở Việt
Nam, kể từ sau khi Tây cai trị, có
trồng nhiều phượng. Hải Phòng được
mệnh danh là “Thành phố hoa phượng đỏ” và Hà
Nội thì, như Tạ Tỵ bày tỏ nỗi nhớ
trong bài “Thương về năm cửa ô xưa”:
Cầu Giấy đường hoa
phượng vỹ
Nhớ thương biết mấy cho vừa
Phượng
là tên hoa mà cũng là tên người. Người ta yêu hoa
phượng và cũng yêu người tên phượng,
gọi phượng là “Phượng yêu” như tên một
bài hát của Phạm Duy. Tác giả Hoàng Thụy thì cho
rằng “Tên em chói chang” như màu hoa phượng?
Em là hoa phượng Sao em chỉ nở Một lần năm xưa ? Cánh hồng tuổi thơ Nhuộm anh nỗi nhớ Sắc hè chói chang... Hoa phượng vẫn nở Mỗi bận hè sang Mùa sau mùa trước Sắc hè chói chang... Nhưng người đâu thấy? Sắc hoa đang cháy Trên bầu trời xanh!
Hương Xuân cũng cùng một tâm
trạng, nhưng phượng của Hương Xuân là
phượng của Saigon:
Sài Gòn đó với chùm hoa phượng vĩ Thật lâu rồi mà sao vẫn chưa quên Để trong em còn mãi những muộn phiền Ngày tháng cũ, hồn nhiên tà áo trắng (Chùm Phượng Vĩ)
Dĩ nhiên, một nhà thơ được
người đời mệnh danh là thi bá, thơ ông
cũng không thể vắng bóng phượng, nhưng
phượng của ông là “Phượng nở đêm nào
cặp má khanh.” (Thu có nguyệt)
Du Tử Lê cũng một thời đi “theo
trời hoa phượng xưa” và rồi “mộng vữa”.
Lê Du Tử trách mình hay trách người cho sự tan vỡ
ấy?
người đã vì ta tan ước
mơ
phấn son chưa ngát thịt da ngà môi non đã lỡ tình đau đớn mộng vữa theo trời hoa phượng xưa Tình Sầu Du Tử Lê
Người ta nói tới hoa phượng là
để nói tới mùa hè. Nhạc sĩ Nguyễn
Văn Đông lại chờ tới mùa thu,
khi hoa phương không còn thì than vãn cùng thu rằng nhớ
màu hoa phượng quá, nhớ tới phượng rơi
trên tóc, sắc đỏ hoa phượng như màu
đỏ của pháo của một buổi chiều nào
đó, tiễn em ra đi!
Hoa phượng
rơi đón mùa thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi Sắc tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy
Nguyễn văn Đông
Người ta nói tới hoa phượng, Nhã
Ca khác hơn, khác ở chỗ nói tới trái phượng
hơn là hoa. Hoa phượng không ăn
được, trái phượng có hột, hột
phượng ăn thì… ngon
Quả
phượng vừa khô trên nhánh cao
Cây vưà hiu quạnh cổng trường sâu Tôi về ngó lại thời con gái Thành phố già nua những gốc sầu
Cũng không hẵn Nhã Ca ưa ăn hột
phượng. Nhã Ca tìm thấy những trái
phượng khô trên cành cao, như những khô héo trong
cuộc đời của một đời con gái, tìm
lại những khô héo ấy, trong cổng trường sâu
- Cụ thể là trường Đồng Khánh, một
thời Nhã Ca làm học trò ở đó. Có lẽ vậy - Một ngôi trường cổ, trong
một thành phố già nua.
Trái với các nhà thơ khác, phượng trong thơ Nhã Ca
man mác những nỗi buồn của đời, của
một thời, không oán trách ai, hờn giận ai như
trong thơ Du Tử Lê.
Vậy là các nhà thơ đã nói hết
những gì về hoa phượng. tôi
còn chi để nói. Tôi bèn tìm trong tự
điển, xem thử sách có nói gì về loài hoa nầy, cây
nầy chăng.
Tự điển “Wikipedia toàn thư”
giải thích cây phượng như sau:
“Nguồn
gốc, đặc điểm
“Phượng vĩ được miêu
tả như là loài cây nhiều màu sắc nhất trên
thế giới. Các bông hoa
màu đỏ/da cam rực rỡ của nó cũng như các
lá màu xanh lục sáng làm cho nó rất dễ nhận thấy.
“Phượng
vĩ có nguồn gốc từ Madagascar,
tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng
ở miền tây Malagasy. Trong điều
kiện hoang dã, nó là loài đang nguy cấp, nhưng nó
được con người trồng ở rất
nhiều nơi. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có
tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong
điều kiện nhiệt đới, do thông
thường nó có thể cao tới một độ cao
vừa phải (khoảng 5 m, mặc dù đôi khi có thể
cao tới 12 m) nhưng có tán lá tỏa rộng và các tán lá dày
dặc của nó tạo ra những bóng mát. Trong
những khu vực với mùa khô rõ nét thì nó rụng lá trong
thời kỳ khô hạn, nhưng ở những khu vực
khác thì nó là loài cây thường xanh.
“Những
quầy bán hàng dưới gốc phượng vĩ bên
ngoài nhà thờ Santo Domingo, Oaxaca, Mexico
“Các
hoa của phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa
tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ-da cam,
dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh
hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm
đốm màu trắng/vàng. Thứ flavida nguồn gốc
tự nhiên có hoa màu vàng (kim
phượng). Quả là loại quả đậu có màu nâu
sẫm khi chín, dài tới 60 cm và rộng khoảng 5 cm; tuy
nhiên, các hạt riêng rẽ lại nhỏ và cân nặng trung
bình chỉ khoảng 0,4 g, hạt to cỡ hai ngón tay út,
hạt ăn rất bùi và ngon. Các lá phức có bề ngoài
giống như lông chim và có màu lục sáng, nhạt
đặc trưng. Nó là loại lá phức lông chim kép:
Mỗi lá dài khoảng 30-50 cm và có từ 20 đến 40
cặp lá chét sơ cấp hay lá chét lông chim lớn, và mỗi
lá chét lông chim lớn lại được chia tiếp
thành 10-20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con. Phượng
vĩ cần khí hậu nhiệt
đới hay cận nhiệt đới để phát
triển tốt, nhưng nó có thể chịu
được các điều kiện khô hạn và đất
mặn.
“Khu
vực trồng
“Phượng vĩ được
trồng khá phổ biến tại khu vực Caribe.
Tại
Hoa
Kỳ, nó được trồng ở khu vực Florida, thung
lũng Rio Grande ở miền nam Texas, các sa
mạc ở Arizona
(đến tận Tucson) và California,
Hawaii, Puerto Rico,
quần
đảo Virgin và Guam. Nó là loài cây biểu tượng chính
thức của quần đảo
Bắc Mariana
Phượng
vĩ được coi là đã thích nghi với thủy
thổ ở nhiều khu vực mà người ta trồng
nó, và bị coi là loài xâm hại tại Australia,
một phần là do các bóng râm cũng như bộ rễ
của nó đã ngăn cản sự phát triển của
nhiều loài thực vật bản địa mọc
dưới tán lá của nó. Nó cũng
được tìm thấy tại Ấn Độ, tại đây
người ta gọi nó là gulmohar, hay tại Việt
Nam.
“Quả
phượng vĩ được sử dụng tại
khu vực Caribe trong vai trò của bộ gõ âm nhạc
với tên gọi shak-shak hay maraca.
“Cây
phượng vĩ tại Blakiston St, Harare, Zimbabwe, 1975
“Mùa
nở hoa
“Phượng
vĩ nở hoa từ khoảng tháng 4
đến tháng 6, tùy theo khu vực.
“Ý
nghiã tên
“Tên
“phượng vĩ” là chữ ghép Hán Việt –
“Phượng Vỹ” có nghĩa là đuôi của con chim
phượng. Đây có thể là một hình thức
đặt tên gọi theo cảm xúc vì các
lá phượng vỹ nhất là các lá non trông giống
như hình vẽ đuôi của loài chim phượng.
“Biểu
tượng
“Tại
Việt
Nam, phượng vĩ là biểu tượng gắn
liền với tuổi học trò, do mùa
nở hoa của nó trùng với thời điểm kết
thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ
học trò. Do vậy, nó gắn liền với nhiều
kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì
thế người ta gắn cho nó tên gọi “hoa học
trò”. Thành phố Hải Phòng là khu vực trồng
rất nhiều phượng vĩ, vì
thế thành phố này còn được gọi một cách
văn chương là “thành phố Hoa Phượng
Đỏ”. Nhà thơ Thanh Tùng có bài thơ Thời hoa
đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn
Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, viết
về những kỷ niệm của tuổi trẻ
với mùa hoa phượng vĩ.”
Thật
ra, theo tôi biết, có hai loại hoa
phượng khác nhau chút ít: Một thứ, như trình bày
ở trên, thường gọi nôm là phượng.
Phượng vĩ là tên thường
thấy trong văn chương. Tên
phượng tây cũng vậy. Thật
ra, thông thường, người ta hiểu đây là
phượng ta, đối nghịch với cách gọi
trong phần giải thích nói trên. Phượng
tây là tiếng dùng để gọi một loại
phượng khác, loại nầy cao chỉ mới quá
đầu người. Chỉ cần
đứng trên ghế là người lớn tuổi có
thể hái được những chùm hoa trên ngọn cây.
Đây cũng là loài cây mộc, nhưng cành và
thân nhỏ, bông cũng mọc chùm, hình dáng như bông lau,
cánh hoa màu đỏ, viền vàng. Những
bông hoa phía trong thì đã nở trong khi những bông hoa
đầu ngọn còn búp. Loại phượng
nầy thường được trồng trong sân các
đình, chùa, miếu, vũ để lấy hoa chưng trên bàn thờ; có khi cũng
được trồng trong công viên. Trước 1945, khi
tôi còn nhỏ, tôi đã theo người
anh cả, qua “Nhà Giây Thép” xin ít cánh hoa về để
bố tôi chưng trên bàn thờ.
Đây cũng là loại hoa thường
được gọi là “bông cúng” - cúng bái. Tuy nhiên, loại nầy
không phổ biến như hoa phượng.
Trong
một cuốn sách của ông Nguyễn Tường Bách,
người gốc Huế, cũng cho biết rằng loài
phượng vĩ gốc gác từ
Madagascar. Pháp đô hộ Madagascar
trước, sau đó tới các nước Đông
Dương.
Khi
người Pháp bắt đầu xây dựng những thành
phố mới ở Việt Nam hay chỉnh trang, phát
triển những thành phố đã có từ trước
khi họ đến Việt Nam, có lẽ họ đã cho
nhập giống phượng từ Madagascar qua Việt Nam
để trồng và làm đẹp các đường
phố, các trường học, công sở, công viên ,v.v…
Thành phố Huế chẳng hạn. Ở khu phố Tây là phố mới, có
nghĩa là được xây dựng sau khi Tây đã đô
hộ, thì hầu hết các đường phố ở
khu vực nầy được trồng phượng hai
bên đường, bên bờ sông, bên cạnh những cây
đoác hay cây chuối Tây cũng là loại cây
được “nhập cảng.”
Ở
khu phố cổ, - tả ngạn - phượngg chỉ
được trồng bên bờ sông, hoặc vài ba cây còn
nhỏ trên đường ngang cửa Ngô Môn - song song
với đường Cột Cờ, đoạn gần
cửa Ngăn. Có lẽ đây là một sự “lạc
giống” được sở Công Chánh trồng “bổ
sung” khi một số cây cũ đã chết.
Trong
thành nội Huế, dọc theo đường Hộ Thành
- nay là đường Đinh Bộ Lĩnh -, khu vực
cửa Hiển Nhơn, hầu hết trồng nhãn - nhãn
lồng - đường Tam Tòa trồng mù u.
Loại
cây trồng ở Huế, trước khi Tây cai
trị phần nhiều là thông, bàng và mù u. Người
Huế có câu ca dao:
Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Ngó lên Xã Tắc hai hàng mù u.
Năm
tôi học Đệ Tam với ông VĐH, môn Văn
Chương Bình Dân, có đứa trong bọn chúng tôi thóc
mách hỏi thầy tại sao Văn Thánh trồng thông mà
không trồng bàng, Xã Tắc lại trồng mù u? Ông thầy
tôi không trả lời!
Năm
Đệ Nhị, học về Nguyễn Công Trứ, tôi
nhớ đã học bài thơ sau đây của Nguyễn
Công Trứ từ năm Đệ Tứ:
Kiếp sau xin chớ làm
người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Cụ
Võ Liêm Sơn, một nhà cách mạng, “đồng chí”
với cụ Phan Bội Châu, sau nhiều năm bị
đày ra Côn Đảo, được tha về, dạy
học ở trường Khải Định, có bài thơ
“Ngắm Non Hồng”, có mấy câu kết như sau:
Vẫn cứ đinh ninh
lời nguyện ước:
Bên mồ có mọc một cây thông
Để cho xương thịt máu vung trồng
Theo gió reo lên một khúc nhạc
Kêu vang chín chín ngọn non Hồng.
Tôi
không bàn về sự khác biệt tư tưởng giữa
hai tác giả nầy: Một bi quan và một lạc quan, dù
là ở “kiếp sau”, người đọc thấy
rằng:
Cây thông tượng trưng cho người
quân tử vì thân thẳng và cao, như người quân
tử chẳng bao giờ chịu oằn lưng vì danh
lợi. Tấm
lòng quân tử bao giờ cũng xanh, không đổi màu,
không thay lòng.
Tư tưởng đó gần gủi
với văn hóa nên có phải vì vậy mà thông
được trồng ở Văn Thánh, nơi thờ Khổng
Tử và thất thập nhị hiền.
Võ Thánh trồng bàng?
Cây bàng gỗ cứng, chịu
đựng được sức nặng, lại có tàng
rộng, che nắng cho người. Có phải đó là tính
chất của các võ tướng.
Xã Tắc trồng mù u?
(Xin
độc giả xem bài sau: Hoa Mù u)
Về
chữ phượng, “Bách Khoa Toàn Thư” còn giải thích
thêm:
“Chòm
sao Phượng Hoàng, (tiếng La Tinh:
Phoenix) là một trong 88 chòm sao hiện đại, mang hình
ảnh chim phượng hoàng.
“Đèo
Phượng Hoàng
“Đèo
Phượng Hoàng là con đèo nằm trên quốc lộ 26 đoạn giáp
ranh giữa tỉnh Đăk Lăk với Khánh Hòa.
Phượng,
hay Phượng hoàng, Phụng, là một trong 4 tứ linh theo tín ngưỡng dân gian Việt
Nam và các nước Á Đông khác. Phượng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ,
vẩy cá chép, móng chim ưng,
đuôi công...
Các bộ phận của phượng đều có ý
nghĩa của nó: đầu đội công lý và
đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu
trời, cánh là gió, đuôi
là tinh
tú, lông
là cây cỏ, chân là đất.
Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi
nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng
trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế
phượng là hình tượng của thánh nhân, của
hạnh phúc. Nếu rồng
có yếu tố dương,
tượng trưng cho vua chúa thì phượng lại có yếu tố âm nên
tượng trưng cho hoàng
hậu và người đàn bà đẹp.”
Phượng hề,
phượng hề qui cố hương
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng.
Con chim phượng trở về quê
cũ (hề chỉ là tiếng đệm trong thơ
cổ), sau khi ngao du khắp bốn biển để tìm
con chim hoàng. Do ý nghĩa
đó mà có bản đàn “Phượng cầu kỳ hoàng.”
Trong
truyện Kiều, ở đoạn Kiều gảy đàn
cho Kim Trọng nghe (Bản đàn thứ nhứt), cùng
một ý như trên, Nguyễn Du viết:
“Khúc đâu Tư Mã
Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Đời
nhà Hán bên Tàu, có ông Tư Mã Tương Như gảy khúc
“Phượng cầu kỳ hoàng” để ve vản
người đẹp Trác Văn Quân. Nghe riết thành mê,
Trác Văn Quân bỏ nhà, trốn theo
Tư Mã. Ai bảo người xưa không lãng mạn và
đa tình và không… quậy!!!???
Như thế, trước khi có
“phượng thực dân”, nếu người Việt có ai
tên phượng thì tên đó có nghĩa là con chim
phượng. Từ khi
Tây đem phượng qua trồng ở xứ ta, thì tên
phượng có hai nghĩa: Một là con chim phượng,
hai là hoa phượng. Nếu cô nào, bà nào có tên kép thì có
thể là Kim Phượng, Túy Phượng, Bích
Phượng, Ngọc Phượng, Hoàng phượng,
Lạc Phượng. Bàng Thống trong truyện Tam
Quốc, hiệu là Phượng Sồ, khi đi đánh
giặc qua đồi Lạc Phượng thì tự
biết mình tới lúc tiêu vong.
Người
bây giờ đặt tên lung tung, chẳng có ý nghĩa gì
cả, miễn nghe cho kêu, cho
“rổn rảng” là được. Người
xưa không thế. Tên chính hay tên đệm
đều ý nghĩa phân minh. Ví dụ: Kim Phượng có
hai nghĩa: Một là con chim phượng nhỏ (như kim cúc là loài hoa cúc nhỏ) họặc con
phượng bằng vàng (Kim: vàng. Kim hoàn là
tiệm vàng). Một tên nữa là Túy Phượng.
Chữ túy có hai nghĩa: Túy là thuần một chất,
như chữ thuần túy chẳng hạn. Hoặc túy là say
rượu, như trong câu thơ “Túy ngọa sa
trường quân mạc tiếu” (Say rượu nằm
ngủ ngoài sa trường, xin chàng
đừng cười) hoặc trong câu đối của
Nguyễn Công Trứ: “Sáng một một rượu say túy
lúy, đưa tay bồng ông phúc vào nhà). Túy Phượng là
thuần một chất và say đắm phượng.
Vậy là yêu lắm đấy!!!! Thúy Phượng thì
trật lất: Chim Thúy không ở với chim phượng
được. Thúy là loài chim nhỏ, phượng là loài
chim lớn, mỏ quắp, như diều hâu, ăn thịt. Thúy ở với
phượng, phượng sẽ ăn
thịt thúy. Ai đặt tên Thúy Phượng là sai!
Ngọc Phượng là con phượng chim phượng
bằng ngọc, cũng tương tự như bích
phượng vậy. Bích là tên một loại
ngọc. Bích cũng có nghĩa là bức
tường. Bích phượng là phượng nở
đỏ cả một ven sông như bức tường
đỏ, như bức tường lửa, như
trận Xích Bích trong Tam Quốc, Tôn Quyền đốt cháy
thuyền của Tào Tháo trên sông Trường Giang cháy
đỏ rực như một bức tường lửa
vậy. Xích Bích dịch theo tiếng Anh
là Fire wall, là bức tường lửa ngăn chận
người Việt trong ngoài nước e-mail cho nhau. Tôi nói như vậy chắc đúng đấy.
Quí vị nào còn nghi ngờ xin hỏi lại thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, chắc ăn hơn.
Trong
bài thơ Nhã Ca, bà ta có nói tới trái phượng, nhưng
không thấy nói tới việc ăn trái
phượng.
Trái
phượng hình giống con dao chặt cây, dẹp và dài
cở ba, bốn tấc tây. Khi trái
phượng đã có hột, bọn trẻ chúng tôi
thường hái xuống, đập dập hai cạnh cho
dễ lột thành hai mảnh, lấy hột ăn. Hột mầm hơi ngọt, hai lá mầm lạt
hơn. Trái phượng khi đã già thì
đen. Khi có bão, vài cành phượng gãy xuống, người
ta có thể hái trái về nấu lấy hột ăn vì lúc nầy hột đã già và
cứng.
Gỗ
phượng thuộc loại dỗm, không đóng bàn
ghế hay dụng cụ được, chỉ để
đun bếp mà thôi. Gỗ nầy không có than, nếu có thì
cháy cũng không bền.
Nói
chung, không ai trồng phượng
để lấy gỗ, chỉ là để có bóng mát và có
bông đẹp khi hè tới mà thôi.
Tôi chưa từng thấy ở Việt Nam có
phượng tím. Có lẽ tôi hơi quê
chăng. Vì vậy, lần đầu
tiên tới Nam Cali tôi thấy ở quận Cam có nhiều
hoa phượng tím. Tôi hơi ngạc
nhiên.
Tôi không cho rằng phượng tím là
đẹp mặc dù tôi vẫn thích màu tím hoa sim, hoa mua, hoa
cà. Có phải tôi có định kiến
hay chăng. Bởi vì cũng có không ít người khen
phượng tím đẹp, hoặc nhìn phượng tím mà
nhớ phượng đỏ như nhà thơ Nguyễn
Nam An có mấy câu thơ tôi trích sau
đây:
Phượng
Phượng ở công viên nở toàn hoa tím Phượng xưa đỏ cành đã bỏ đi đâu Phượng của tình tôi nhánh sầu tay hái Phượng nay đường dài mình chẳng gặp nhau ….. Phượng ở Mỹ châu phượng sầu hoa tím Trống vắng lòng xe trống vắng hiên che Tháng sáu tôi thề khi đêm ra biển Dầu sẽ như ve hết kiếp không về
hoặc:
Mùa Phượng Tím
Nắng Xuân ấm lung linh mời Hè đến Gíó giao mùa lay nhẹ cánh phượng yêu Đẹp biết bao hoa tím dáng mỹ miều Lòng rộn rã ôm chầm màu kỷ niệm
Hoàng Long Hải
Massachusetts,
một nơi
không có hoa phượng! |
Bạn đang copy trái phép bài viết đã được bảo hộ bản quyền. Nếu bạn copy bài với mục đích cá nhân (phi lợi nhuận), vui lòng ghi rõ nguồn nhacvangbolero.com. Nếu copy sang website khác với mục đích MMO, bạn có thể bị report bản quyền
Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” (Thanh Sơn) – Người xưa biết đâu mà tìm…
Bạn đang copy trái phép bài viết đã được bảo hộ bản quyền. Nếu bạn copy
bài với mục đích cá nhân (phi lợi nhuận), vui lòng ghi rõ nguồn
nhacvangbolero.com. Nếu copy sang website khác với mục đích MMO, bạn có
thể bị report bản quyền
Bạn đang copy trái phép bài viết đã được bảo hộ bản quyền. Nếu bạn copy bài với mục đích cá nhân (phi lợi nhuận), vui lòng ghi rõ nguồn nhacvangbolero.com. Nếu copy sang website khác với mục đích MMO, bạn có thể bị report bản quy
|
|