Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

NTV 48 - Thương khói lam chiều



Khói lam chiều....
Thương khói lam chiều, thương khói quê,
Khói theo quấn quýt no đường đê.......
Khói
loang ôm ấp đồng khô hạn,
Bãng lãng chiều quê ngập lối về !
Làn khói lam chiều dường dáng mẹ ?!
Dịu dàng lưu luyến
luỹ tre xanh,
Vương vấn bờ ao, hàng dậu nhỏ.....
Ru bóng hoàng hôn giấc mộng lành !!
NM 

 Thương khói lam chiều

Suốt một tuổi thơ ruộng đồng tôi luôn thích hương vị khói đốt  đồng, tôi như đứa trẻ nghiện khói, tôi thả hồn mình cho khói  phủ tràn ngập tâm hồn, khói che phủ cay xè đến tận tâm can những sợi khói nhỏ ấp iu những buồn vui. Cứ sau vụ gặt, cánh đồng lúa vàng hôm nào trước ngõ nhà chỉ còn trơ gốc rạ. Nắng vài hôm, đám gốc rạ ấy khô lại, chúng tôi bứt rạ dồn thành từng đống nhỏ rồi đốt. Lửa rơm cháy phần phật, gặp gió phất lên cao một màu vàng rực.
Và khói, khói như mây nhỏ tỏa ra từng đụn nồng nàn mùi bùn đất phù sa, mùi phân chuồng, sương mai, và mùi nắng gió những ngày vắng mưa. Quanh đống gốc rạ cháy bỏng ấy, chúng tôi nhảy múa và ca hát những lời hát ngu ngơ đến khản cổ, mồ hồi, mồ kê ra đầm đìa áo quần. Khói hắt lên mặt, lên mắt mũi cay xót một niềm thích thú kỳ lạ. Để cho đám cháy tỏa nhiều khói, cả bọn tỏa ra đi tìm những đám lúa lép, đổ dồn quanh đám lửa. Lúa lép gặp lửa già, nổ lép bép, tỏa một thứ khói un hương thơm mùi cơm cháy nấu bằng trả đất. Đốt rơm ngày lên đồng là một trò chơi thú vị nhất của tuổi thơ nghèo khó.
Chúng tôi gần như tự do giữa một cánh đồng mênh mông, chỉ có trời xanh cao vời vợi, chỉ có nắng mênh mang và gió thổi lồng lộng đến tận chân trời xa hút. Nếu bắt được cá hay lượm được trứng vịt đẻ sót trên ruộng, thì lấy lúa non đắp quanh rồi nướng vùi trong đám lửa đang cháy rần rật. Cá và trứng chín, đập bỏ phần bùn đã thành đất nung, bẻ chia nhau miệng đứa nào cũng đầy tro than đen nhẻm. Có nhớp nháp thì còn đó con sông quê bốn mùa nước xanh trong mát rượi. Chỉ cần nhảy ùm xuống bơi vài chục sải tay là người sạch sẽ
Không gì đẹp bằng những buổi chiều mùa hè khi mặt trời chưa tắt, bóng khói lam chiều, tỏa ra từ những mái bếp tranh nghèo. Giữa bầu không gian tịch mịch, khói bếp như là hình ảnh sinh động, sự sống duy nhất làm cho tạo vật mờ ảo hơn. Ngọn khói mỏng có lúc leo lét như một ánh lửa nhỏ, bò dọc theo lưng mái tranh đẫm sương chiều, rồi gặp gió bung ra bãng lãng thành một vùng lớn lam nhẹ lơ lửng trên trời cao.
Ký ức tuổi thơ tôi khó có thể quên hình ảnh đẹp như một bức họa ấy. Từ con đường nhỏ rợp bóng tre xanh, phóng tầm mắt về tận cuối làng chỉ thấy độc một màu khói lam chiều bãng lãng trên những mái tranh. Màu khói thiết tha nhung nhớ đến thắt lòng. Ký ức ngủ yên bỗng như con chim trời trỗi dậy giang đôi cánh rộng đập thảnh thốt vào giữa vùng nhớ ngày xưa. Nhớ gì như nhớ làng quê: cánh đồng, con đường nhỏ và một bầu trời quang đãng. Ở đó, trong bóng khói lam chiều tà có mẹ, qua tháng năm hao gầy vẫn bên trời một vóc hạc xương mai.
Bóng mẹ nhạt nhòa trong ngọn khói lam chiều khiến lòng xót xa. Như thể bóng khói lam dịu buồn trong ký ức là hình ảnh mẹ trong một hiện thân của cõi vô thường. Sự tương cận của hình ảnh khói lam chiều và dáng mẹ, chợt cận nhân tình và bao trùm lên quê hương. Sợi khói nhỏ nhoi mà huyền hoặc ấy đã chuyển tải trọn vẹn một thông điệp sầu nặng của tâm hồn: dẫu đã từ giã tuổi thơ ruộng đồng, nhưng chưa một ngày tôi xa những sợi khói lam chiều, xa cõi ngày xưa với biết bao thương nhớ. Và quê nhà xa lắc bất chợt trở về mỏng manh một sợi khói nhỏ vướng vào mắt cay xè.

Lâm Ngọc Tường Nguyên


Nhớ thương mùi khói quê xưa  
Ngày lễ, theo lời rủ rê của bạn bè, anh khoác ba lô, trong đó có vài bộ quần áo mang theo để mặc trong mấy ngày nghỉ. Tất nhiên không thể thiếu chiếc ví đựng một ít tiền và giấy tờ tùy thân. Anh lên đường với niềm háo hức khôn tả. 
Địa điểm mà anh và mấy người bạn tới là bản Lác và bản Com Pọong thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đây là địa điểm du lịch nổi tiếng mà anh mới chỉ biết qua sách vở, đặc biệt là hồi học phổ thông, câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” của người thi sĩ xứ Đoài bám vào tâm trí anh, trở thành một hình ảnh đầy thơ mộng khiến anh háo hức chờ dịp để tới. 
Anh cũng như ba người bạn kia, đều cảm thấ hức khi người xe ôm vừa chở tới bản. Cả bốn người không ai bảo ai, vội vàng mang đồ lên nhà sàn theo hình thức homestay, rồi chạy đi thăm quan khắp bản. Mùa này đang là thời điểm các du khách, cả ta lẫn Tây kéo về tham quan nên bản tương đối nhộn nhịp. Dù thế, vẫn yên tĩnh và thoải mái gấp nhiều lần cuộc sống ở thành phố. 
Anh và ba người bạn đi dạo quanh bản một lúc thì về nhà chủ tắm rửa chuẩn bị ăn cơm. Vừa lúc cái bụng sôi réo ầm ĩ, cũng là lúc mâm được dọn ra. Nhìn mâm cơm với đĩa thịt gà, đĩa măng vàng ươm, bát canh chua thơm lừng, nồi cơm gạo nương trắng ngần… toàn những thức ăn được lấy trong vườn hay trong rừng, bụng anh cồn cào, thúc giục. Anh cầm đũa rồi mê mải ăn. Đang ăn ngon lành như vậy, chợt một người bạn buột miệng: “Lâu rồi mới được ăn một bữa cơm có mùi khói, ngon đến như vậy!”. Miếng cơm trong miệng anh trở nên nhạt thếch. Anh ngồi ngẩn giữa mâm cơm đầy thức ăn. Đúng là lâu rồi anh mới được ăn một bữa cơm “ám” mùi khói. Ở thành phố, không bằng điện thì bằng gas, những bữa cơm được nấu ra chín tới, bắt mắt lại nhanh chóng
Thực sự sau câu nói của người bạn, anh thấy lòng quắt quay. Chẳng phải anh đang phiền lòng vì những bữa cơm thành phố, mà chính câu nói của người bạn, đã đưa anh về với miền quê nghèo, nơi anh đã sống những ngày tuổi nhỏ. Ở đó, có những bữa cơm “ám khói” đầy ấm cúng. Rất tự nhiên, anh cứ ăn rồi lớn, không biết rằng, sau này nó lại trở thành một vệt nhớ dai dẳng đến như vậy. Anh nhớ hồi mình còn bé, thường được giao nhiệm vụ “cấp dưỡng” cho cha mẹ và anh chị ra đồng. Ở nhà, cứ đến giờ nấu cơm, anh đều tự giác lấy gạo vo qua một lượt rồi đổ nước bắc lên bếp. Xong nồi cơm thì đến nồi canh, nồi cá… Cho đến khi cha mẹ và anh chị đi làm đồng về, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm đạm bạc, ăn một cách ngon lành, vui vẻ. Ngày đó, nhà anh cũng như bao nhà khác ở quê, trong nhà bếp luôn luôn được chất đầy củi, khi thì rơm rạ, vỏ trấu; lúc thì cành củi và lá khô trong vườn… Ở quê không bao giờ thiếu chất đốt. Những bữa cơm đều được tạo nên từ những thứ củi ấy. Hay anh nhớ những hôm trời mưa tầm tã, trong bếp đã cạn sạch chất đốt, mẹ anh đội mưa ra rút rơm ngoài vườn, rồi cặm cụi thổi lửa. Rơm ngấm mưa, ướt nhoèn nhoẹt. Hôm đó, mẹ anh rất vất vả để cha con anh có bữa cơm như thường lệ mặc cho khói bếp làm nước mắt nước mũi theo nhau chảy tràn trên má mẹ. Anh cũng lại nhớ những buổi sáng mùa đông, mỗi sáng sớm thức dậy, mẹ đều đưa cho một củ khoai nướng được gói ghém cận thận trong một tờ báo. Trên đường đến trường, anh vừa đi vừa dở tờ báo ra, chậm rãi gỡ từng miếng khoai nướng cho vào miệng. Khoai nướng vừa ngọt vừa bùi, có lẽ hồi đó với anh, đó là món ăn ngon không gì sánh được. Những củ khoai nướng ngọt bùi, thêm vị nồng nồng, khen khét của khói đã đi cùng anh suốt những mùa đông tuổi nhỏ, cho anh ấm bụng hơn trong hành trình tìm kiếm tri thức.
Bữa cơm đang diễn ra hết sức vui vẻ nhưng anh liền buông đũa. Anh không tiếc số tiền đã bỏ ra để có bữa cơm ấy, chỉ trách mình sao không về quê. Biền biệt cả năm trời, giờ có được mấy ngày nghỉ, cũng vui bạn vui bè mà quên đi rằng, nơi miền quê nghèo ấy, người mẹ hiền tần tảo vẫn mong ngóng anh từng ngày. Nhưng qua bữa cơm ngày hôm ấy, anh hiểu rằng, mình vẫn còn đó một nơi chốn để đi về, vẫn còn đó những kỷ niệm thân thương – là những bữa cơm “ám khói” để thương để nhớ trong anh. Anh gọi đó là hạnh phúc!
Hồ Huy Sơn

  
Khói đồng...

Khói đồng bay trong những ngày tháng Tám, khi những chim ngói tìm đi trên những đám mây trời. Quanh đấy, những cánh đồng đã qua vụ gặt, những mô rạ nằm khô chờ quang chờ gánh. Những luống cày lật sấp, khô trắng trong heo may…
Những ngói nâu, những nhà cửa nâu nâu, những cành cây nâu nâu vẫn nhìn ra mặt phố. Bàng có những buổi chiều tự đỏ. Con đường tự bụi. Nắng tự nhạt. Và người ta bỗng tự nhiên ngồi đó, trong những ngọn gió mơ hồ thổi qua… 
Phi lao đu đưa đầu phố huyện. Trên lối đi dẫn ra cánh đồng những chớm cỏ bắt đầu úa vàng. Phía sông xa, những bờ đê tre ngà sẫm lại. Cỏ may xiên lên trời từ mặt đất. Những cỏ may nghiêng theo heo may. 
Gió heo may có tìm về phố, rồi cũng lại thổi ra đồng. Thị trấn có mười con đường tạo thành hình xương cá. Đường nào cũng đầy cây xanh, những cây non chen những cây già. Đường nào cũng tìm ra cánh đồng cả… Cỏ cũng từ đồng xanh tìm về, mọc lan trên những bức tường công cộng, những khoảnh đất bỏ hoang, những sân kho, nhà ủy ban, bờ ao cá hợp tác…
Thế nên trong những chiều chớm nắng của thu mờ, khi ngồi trên những tĩnh lặng, sẽ thấy khói bay về từ đồng đất quen thuộc. Những đám khói chiều từ những vạt đồng xa, hăng hăng mùi đất khô nẻ, thơm thơm mùi rơm rạ cháy. Bởi ngoài ruộng, nhà ai đó vừa đốt đống giấm chờ vụ đông xuân, cỏ khô thơm khen khét… 
Xưa ấy, lúc nhà cửa chưa nhiều, ngồi trên gác thượng, chỗ cái cần ăn-ten tivi bây giờ, có thể nhìn thấy trên cánh đồng nhiều đám khói quẩn lên như thế. Những đám khói bay lên bảng lảng chờn vờn trong những chiều hôm. Thỉnh thoảng, có cơn gió làm bùng lên những ngọn lửa, và những đám tro xoáy xoáy bay lên tung tóe đầy trời… Những đám lửa khói trên đồng sẽ như có chút gì đó hoang liêu, thần bí và ám ảnh, nhất là trước những buổi chiều muộn… Đôi khi, có cả những đám khói bay về từ nghĩa địa, sau khi ai đó vừa đi ấp mộ, trên ngôi mộ mới của một người già trong thị trấn mới được đưa ra đồng. Trong khói ấy lại dường như có đôi điệu buồn ảm âm u của những chân trời khác… 
Thị trấn khi ấy không có khói bụi của xe cộ giờ cao điểm, hay những khói xám mịt mù của những công xưởng, nhà máy đang giờ vào ca. Tất cả chỉ là khói đồng, khói của những chiều tuổi thơ đầu trần chân đất, khói của những chiều thu đất cày khô ải, của những luống cày hanh nẻ, trắng trong gió heo may. Nhìn qua khói, có thể thấy trong nắng chiều chênh chếch những bóng trâu bò về chầm chậm từ chân đê. Lối ra bến đò có những bóng người đạp xe về vội, những chiếc nón lá bay lật phật trong gió.
Và khi màu khói ngoài đồng đã bắt đầu sẫm lại, tan vào bóng tối, lại thấy những màu khói khác bay lên khi những nhà nhà trong phố ngoài làng bắt đầu nhóm bếp. Lửa cháy bập bùng mỗi căn bếp nhỏ. Đèn điện ấm ấm chen lẫn những đèn dầu tù mù. Khói ấm chen mùi thơm ngon xào nấu sẽ tỏa lên muôn chiều. Đứng bên bờ sông, nhìn về xóm phố nhỏ sẽ thấy những ụn khói lam chiều bay lên từ những rặng cây. Thấy dáng bà còng lưng ôm những ôm rơm vào bếp. Thấy mẹ lụi cụi làm bếp quanh những đống củi chặt xếp đầy. Mùi dầu hỏa, mùi mùn cưa bay lên cùng khói, ám ảnh như những mùi kỷ niệm…
Sau mùa khói, sau những những ngày người ta hối hả trên mặt ruộng, khoảng tháng sau, sẽ thấy xanh lên những ruộng màu, những luống hành, luống tỏi, những ruộng ngô khoai. Hàng trăm thứ rau màu của vụ đông xuân sẽ trải ra mênh mang tầm mắt. Mười con đường của phố, rau quả xanh của mùa sẽ theo những xe thồ, xe ba gác, theo quanh gánh người quê tìm đi… 
Ấy thế rồi cũng gần 20 năm… 
Những lối mùa chim ngói bay đi, đã bao năm rồi không gặp lại. Chẳng thể kiếm đâu ra một vùng trời khói bay mênh mang như thế… 
Chim ngói dĩ nhiên là của riêng những mùa khói bay…  

KI-EN 



Hương khói quê nhà
         Bỗng nhiên nhớ khói, nhớ cái mùi cay xè nơi sống mũi làm cho nước mắt nước mũi chảy tèm lem. Đó là nỗi nhớ dáng hình còm cõi, tấm lưng còng của ngoại khi ngoại dậy sớm bắc ấm nước và đun mớ củi khô, dùng ống thổi lửa thổi từng làn hơi yếu vào bếp. Nhiều sáng sớm, khi đang ngủ say bất chợt nghe tiếng ngoại gọi: “Cu ơi, dậy đi học”. Thỉnh thoảng, tôi lại kỳ kèo với ngoại, bảo cho con “nướng” thêm miếng nữa. Mùi khói bếp của ngoại quyện vào ký ức. Có lúc ngoại đùa “tóc ngoại bạc vì khói”, tôi đã tin và rồi đến lúc cũng ngộ ra rằng: những nhọc nhằn mưu sinh cho con cháu đã làm tóc ngoại đổi màu.      
 Tôi từng tự hào về màu tóc của ngoại trong những đoạn văn tả bà rằng: “tóc bà tôi như tóc một bà tiên, trắng như cước…”. Đoạn văn tả bà ngoại thời cấp I, tôi nhớ mãi đến bây giờ.
        Những ngày này, quê tôi đang vào mùa thu hoạch. Những đám ruộng lúa vàng ươm sau mùa gặt chỉ còn lại những đống rơm thật lớn. Người dân quê có khi gánh rơm về chất thành cây để đến tháng trời mưa dầm thì cho trâu bò ăn, còn không thì đốt rơm để tạo chất mùn cho đất. Kinh nghiệm người nông dân, đốt đồng cũng là cách dưỡng đất cho mùa sau…

Khói đốt đồng bảng lảng. Khi lửa tắt cũng là lúc trời vừa nhá nhem tối, khói bay quyện vào đêm, thoang thoảng cả mùi của những hột lúa còn sót sau khi đốt, thơm như mùi bánh nổ, một thứ bánh được làm từ lúa rang, bung thành những “bông hoa” lúa, thường được làm về dịp cuối năm, tết nhứt.       
Mùi khói quê nhà còn là mùi sau khi đốt những ụ lúa lép để lấy tro. Tro ấy được dùng để bón lúc trỉa đậu phộng. Mẹ tôi bảo có tro tẩm nước tiểu thì đậu sẽ sai quả hơn, không cần phải bón phân hóa học… Mùi khói từ những ụ tro lúa lép ấy còn vương trên cả áo quần. Trời chiều lành lạnh, ngồi bên đống lửa un từ lúa lép thì ấm hết chỗ chê. Mùi khói quê nhà có lẽ đã góp một chút gì đó nuôi nấng tuổi thơ tôi và những đứa trẻ quê nghèo lớn lên

Nguyễn Diễm My


Khói bếp quê nhà

Đôi khi tôi nghĩ, những ai đã từng lớn lên trong khói bếp quê nhà mới đúng là một người Việt Nam hạnh phúc. Mình xa xưa già cỗi quá chăng, nhưng biết làm sao đây khi màu khói bay bên vách bếp ấm lửa hồng là hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất của thời thơ ấu. Bàng bạc trong khung cảnh êm ả của làng quê, khói bếp bay lên như điểm xuyết vào bức tranh thanh bình hiền hậu.
Dù cho khi lớn lên những đứa con có phiêu bạt phương nào thì những món ăn thân thiết và khẩu vị quen thuốc của bếp lửa gia đình từ nhỏ sẽ mãi không bao giờ thay đổi.  Đi đâu, đến đâu, ăn những món cao sang quyền quý nào thì khi trở lại quê nhà được thưởng thức lại hương vị cũ luôn thấy rằng đó mới chính là những gì mình mong đợi
Mỗi lần về quê, tôi lại mang tâm trạng của một đứa bé hồn nhiên, rũ bỏ hết những phiền tóai lo toan của cuộc sống thị thành thường nhật. Thật may mắn biết bao khi có một chốn để tìm về, để nhớ rằng mình có một cội nguồn và đó mới chính là nơi mình thật lòng gắn bó. Trong tâm trạng của trẻ thơ tôi cũng đã được người nhà nấu cho những món ăn thân quen cũ. Nói theo kiểu thời thượng thì là “hàng hiệu, hàng độc” không đụng với ai. Từ những con ốc bươu vớt dưới mương vườn nhà ướp muối tiêu nướng chấm nước mắm sả ớt đến món cháo hến nấu với nước cốt dừa đậm đà béo ngậy. Từ món gà xào lá cách thơm tho đến món bánh xèo vàng ươm giòn tan ăn kèm với lá cách, lá xòai non và cả lá điều.  
Trong lần về quê gần đây chúng tôi lại được ăn món bánh xèo đặc biệt của nhà tôi. Vui biết bao khi mọi người lăng xăng đi hái dừa, nạo dừa, vắt nước cốt, pha bột. Nhóm còn lại ra vườn hái rau, hái chanh làm nước mắm. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng nồi chảo khua lách cách… Và cuối cùng thì bếp lửa được nhóm lên. Củi cháy tí tách, khói bếp bay lững lờ trong buổi sáng mùa hè tươi đẹp.
Bên chiếc bếp ấm áp, những cái bánh xèo giòn rụm ra đời, trở mình trong bàn tay mềm dẻo của người đổ bánh. Mùi mỡ thơm, tiếng bột đổ vào chảo với tiếng “xèo” vui tai. Rồi từng cọng giá trắng, từng nhúm củ sắn xắt sợi được thêm vào bên màu đỏ hồng của tôm, màu mỡ màng của thịt, màu vàng của bánh. Bao nhiêu hình ảnh của ký ức bỗng chợt đến như một khúc phim quay chậm. Những kỷ niệm ấu thơ ấm áp hiện về, thương yêu tràn ngập và nước mắt rưng rưng.
Bánh xèo quê nhà – có nơi nào ngon hơn nữa? Mộc mạc, bình dị mà đậm đà, ngon miệng đứa nhà quê. Để rồi khi giã biệt lại thấy lòng đa mang thương nhớ, bước chân lang thang nào cho hạnh phúc lang thang?

Ngô Thị Mỹ Trân        

Khói mang mùi tết

Đối với tôi, tết đến là khi những bông hoa chùm hôi nở trắng hai bên đường quê. Tôi gọi đó là “chớm tết”. Nhưng phải đến rằm tháng chạp, tết mới thật sự có “mùi”, khi những cây mai trước nhà được nhặt lá, khi những cánh đồng quê tôi đều xanh mướt một màu của đậu phộng. Đó mới là mùa tết.
     Tết, người ta luôn nghĩ đến điều gì đó tươi mới và đầy màu sắc. Còn tôi, tôi lại nhớ hình ảnh, nhớ cái mùi của đống un ngày cuối năm.
Chiều cuối năm, quê tôi không bao giờ thiếu mùi khói của những đống un. Ai cũng tranh thủ quét dọn cho sạch sẽ sân vườn nhà mình, và gom rác lại rồi đốt vào buổi chiều cuối cùng của năm cũ. Mọi người đều muốn nhà cửa, vườn tược phải thật tinh tươm trong năm mới, và cũng vì kiêng kị không được quét dọn ngày đầu năm.
Mùi khói ấy không gây cảm giác khó chịu mà chỉ làm cay cay ở sống mũi, tôi cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết đó là mùi của tết, mùi đặc trưng của vùng quê tôi mỗi khi tết đến. Cái mùi ấy chẳng có gì thơm nhưng nó nhắc tôi nhớ tới những cái tết của ngày xưa.
Ngày xưa xung quanh nhà tôi là những hàng rào tre. Đến tết, lá tre khô rụng đầy, mẹ phải quét hết cả khu vườn, dưới những cái đìa khô ráo. Nhưng đất quê tôi là đất cát, những lớp cát dày và lá tre lẫn vào nhau nên khó mà quét cho sạch. Mẹ phải quét thật nhẹ và gom lá thành từng ụ nhỏ rồi đốt. Khi ấy, tôi cũng chạy loanh quanh quanh mẹ. cũng cầm chổi tàu cau để phụ mẹ, nhưng có lẽ chơi nhiều hơn phụ. Tôi thích được chạy qua chạy lại những ụ lá tre đầy khói.
Cũng là khói, cũng là đống un, nhưng mùi khói của những đống un cuối năm lại mang một mùi khác biệt, đó là mùi của tết. Có lẽ chính vì vậy mà đến tận bây giờ tôi vẫn thích những đống un ngày tết, dù không còn mùi của lá tre xưa.
Nhớ lúc anh em tôi còn nhỏ, mỗi khi gói bánh tét, mẹ luôn dành cho chúng tôi ba đòn bánh nhỏ xíu, chỉ có nếp không thôi, nhưng đứa nào cũng thích thú ngồi quanh mẹ và chờ những chiếc bánh bé xíu xiu kia chín. Lúc làm kiệu chua cũng thế, mẹ lựa những củ nhỏ hơn đầu đũa, rồi làm một hũ nhỏ cho chúng tôi. Khi ông nội vót đũa, ông luôn làm cho anh em tôi những đôi đũa tre nhỏ, đến bữa cơm đầu năm lại "xí xọn" lấy ra gắp thức ăn.
Tết của gia đình tôi hôm nay không còn gói bánh, không còn vót đũa, cũng không còn lá tre để quét như trước, nhưng vẫn giữ đúng truyền thống xưa, và vẫn không thể thiếu những đống un của chiều cuối năm. Tết trong tôi đơn giản thế thôi, nhưng những điều bình dị ấy luôn đủ sức để kéo tôi quay về nhà mỗi năm. Khi làn khói trắng đục xuất hiện, có nghĩa những công việc của năm cũ đã xong. Gia đình tôi đã có thể nghỉ ngơi, cùng đón giao thừa và cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên vào sáng mùng một tết. Với tôi, đó là điều thiêng liêng nhất mà gia đình tôi luôn giữ được.

LÂM CẨM THY (Long An)
 

Không khói hoàng hôn…

Chốn quê. Mùi đất sét suốt ngày ngai ngái. Mùi khét nắng da trâu hoang hoải. Mùi cỏ tranh ngoài bãi thơm nồng. Chiều lên, thơm nức khói đốt đồng mùa gặt. Ấy là mùi quê, quyện vào cả cuộc đời những ai lớn lên từ gốc rơm gốc rạ.

Chốn quê. Nhà tranh vàng ruộm. Bãi mía nương dâu xanh ngút ngàn. Áo mẹ đẫm mồ hôi ngả màu lam lũ. Màu khói lam chiều bàng bạc như sương… Lại là khói. Màu của quê ta đó! Khói lam chiều, một thứ sợi mỏng manh tơ vương mà ám ảnh, trói buộc cả đời ta. Ôi, sao mà dễ thương lạ lùng:
"Chiều chiều từ mái rạ vàng 
 Xanh rờn ngọn khói nhẹ nhàng bay lên
Chăn trâu ngoài bãi, bé nhìn 
 Biết là bếp lửa bà nhen chiều chiều…"
 (Khói chiều, thơ Hoàng Tá).
Ðó không chỉ là thi ảnh của nhân gian mà đã thành cả một miền nhớ day dứt tâm can. Trong sợi khói ấy có dáng của bà lụi cụi bên chái bếp sau hè chuẩn bị nồi bánh đêm Xuân. Trong sợi khói ấy có bữa cơm tối đạm bạc của mẹ với dĩa rau luộc, một chén nước cá kho. Trong sợi khói ấy có bóng cha quẩy đôi quang gánh chứa đầy cốm Tết. Trong sợi khói ấy có thời con gái của chị chín vàng cùng màu hoa cải ven sông. Và trong sợi khói đang bay lên ấy có giọt nước mắt đã chảy xuống. Khóc vì cay xè đôi mắt hay khóc vì nhớ bóng quê nhà, nhớ tiếng chim tu hú "kêu chi hoài trên những cánh đồng xa"…
Có xa xôi đâu một quãng đường về quê. Vậy mà tuổi thơ ta với khói lam chiều như đã trôi tuột về phía xa xăm để bây giờ ngồi đây mường tượng rồi nhung nhớ. Ngày trước, cứ mỗi lần về nhà, chạy ngang những cánh đồng sau mùa gặt, ta dừng xe lại để ngửi cho tận hết cái mùi khói quê để bù đắp lại những tháng ngày thiếu vắng. Rồi cố nán lại để nhìn thấy những sợi khói mỏng manh năm nào bay lên trong nắng chiều cuối ngày bảng lảng, mênh mông.
Xa quê. Một buổi chiều hoàng hôn giữa chốn lao xao thị thành, cửa nhà nghìn nghịt, bất giác thèm được nhìn thấy một sợi khói bếp bay lên. Làn khói bếp trong mơ, mới ngày nào còn chung sống với tuổi thơ ta đây thôi mà nay chỉ còn trong tâm tưởng. Rồi ước phải chi có ai đó nơi quê nhà gói giùm ta vài sợi khói lam chiều, gửi cho ta cất giữ để mang theo bên mình trong suốt cuộc mưu sinh, để thấy luôn thật gần với chốn quê.
Lòng vẫn tưởng trong ngày ta trở lại 
Dưới hiên xưa mẹ ngồi đợi ta về
Ðám mây cũ sau nhà bay lặng lẽ 
Cụm khói chiều quanh quẩn dưới trời quê (*)  
Chốn quê, dẫu không có khói hoàng hôn mà vẫn nhớ!
  Minh Nga 

Kết quả hình ảnh cho khói lam chiều