Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Nhạc - Thơ - Văn Quả về Thu

    Tháng tám, hương bưởi...
Hương của bưởi chỉ còn trong ký ức,
Ngày mùa thu bỗng chợt nhớ mùi hương....
Bưởi sai cành, hoa bay toả muôn phương ,
Sao lại thấy dửng dưng xa lạ thế ?!

Trong nhung nhớ vẫn luyến lưu hoài niệm!
Bưởi vườn xưa với tuổi dại ngây thơ...
Đã xa rồi sao ta cứ mộng mơ ?
Như tầm gửi bám hoài trên thân bưởi....?

Gió heo may thu về hong khô lá.
Hoa trắng thơm, thơm ngát góc vườn xưa,
Mẹ không còn tiếc nuối mỗi chiều mưa...
Hương bưởi cũ vùi chôn theo dĩ vãng ?!!
NM

Photobucket Image Hosting

Quả về thu

Có những đàn chim bay ngang trời tháng Tám. Phố huyện dần chuyển mùa. Nắng nhẹ, vàng sánh, lây rây như màu mật. Ngồi trước quán nước dưới hiên nhà, có thể nghe tiếng gió rì rào đi trong vườn quả… Chiều chơm chớm heo may…
Nắng tháng tám rám trái bòng. Bưởi bòng đã rám ngọt rồi đấy. Những quả bưởi lúc lỉu trên cành bắt đầy ngả sang những màu vàng chanh, vàng cam, pha thêm cả màu đỏ nhẹ. 
Cây bưởi già nằm bên cổng gỗ, chẳng còn nhớ nổi đã bao mùa đơm hoa kết trái. Chỉ biết mỗi độ thu về. Bên những cốm, hồng, na, dâu da, mít, chuối… của mùa, bưởi góp vào vị chua mát, vị ngọt dịu của những tép bưởi, vị xốp mềm và mát của cùi bưởi và vị thơm cay hăng hắc dễ chịu của những hạt tinh dầu ngoài vỏ.
Cây bưởi năm nào cũng sai quả. Chín trĩu cả những cành xa cành gần.
Mới hôm nào tháng Ba sang, hoa bưởi rụng trắng một khoảng sân hẹp, bay ra cả lối đi ngoài phố. Hương bưởi bay thơm cả một đoạn phố dài. Không ai giật mình bởi mùi hương đã quá quen thuộc. Phố ấy có đến gần chục cây bưởi, hệt như có một gã chim tha hạt rồi đánh rơi trên đường bay, rồi hạt mọc thành cây giăng theo một dải phố…
Nhưng cây bưởi nhà lại có những vị ngọt khác, vị chua khác. Nó khác với những giống bưởi vườn bên cạnh ở quả to, múi to, dài và cong nhưng lõi quả lại rỗng. Hạt bưởi nhỏ và tép bưởi bóng mượt, tròn múp míp xếp vào nhau. Cuối mùa thì múi bưởi dường như căng nứt. Không phải bưởi đào để cho những màu hồng đào quyến rũ, không phải bưởi cay để cay cho đến những ngày cuối cùng, cũng không chua hẳn để đong đưa như những nàng bưởi chanh. Bưởi nhà chua chua, ngọt ngọt, mát mát, the the. Nó tạo cảm giác xa gần, nhung nhung nhớ nhớ cho những người đi xa….
Năm 12 tuổi tôi bị ngã một lần từ trên cành bưởi bị sầu khi leo lên chặt cho mẹ cành tầm gửi. Cú ngã đau điếng làm mẹ thương lắm. Từ ấy không ai leo lên chặt cành tầm gửi nữa. Ông nội tự chế ra một cái móc sắt giống cái liềm, buộc vào đầu một cái sào, cứ tầm gửi mọc lên thì mang ra kéo gãy xuống…
Nhưng người ta lại bảo cây bưởi nào cũng cần phải có một hai cành tầm gửi, bưởi mới ngon…
Cái sào này cũng được dùng để hái bưởi. Trừ khi có dịp lễ lạt giỗ chạp gì cần lấy bưởi để thờ cúng, sẽ có những người leo lên, còn lại thì thường là lấy sào chọc cho quả rụng xuống. Ngày hái bưởi, bưởi rụng xuống sân bồm bộp chắc khỏe. Có quả theo đà lăn lông lốc cả ra ngoài đường…
Mùa hè ở phố huyện, trẻ con người lớn hay ở xa về. Và trước mỗi năm học mới trở lại thành phố. Ông nội hay sai người lấy bưởi xuống, rồi dùng một sợi dây dài, xiên từng quả thành xiên như chuỗi vòng, gửi mang đi làm quà. Xe đạp (ngày xưa), xe máy (gần đây) đi khỏi phố huyện tòng teng những quả bưởi trước và sau xe. Và tôi chắc rằng những đứa trẻ kia, trên đường đi đều háo hức về đến nhà, để mau mau được chia quà quê cho bạn. Để được quây quần gọt bưởi ngay tắp lự sau khi xuống khỏi cái yên xe bố mẹ đèo và nhảy chân sáo. Bưởi đồng bằng từ đó mang lên Hà Nội, ra Hải Phòng, Quảng Ninh… thậm chí theo xe khách, theo tàu Thống Nhất vào tận Biên Hòa…
Nhớ lần đầu tiên được ăn chè bưởi. Quán chè do một cô công nhân về hưu mở. Thú vị vô cùng vì phát hiện ồ cùi bưởi mà cũng có thể nấu chè được nhỉ. Chè bưởi thơm mềm quánh quánh bột nếp, bột đao, đậu xanh. Lại thỉnh thoảng cắn vào miếng cùi nhỏ cắt hạt lựu xôm xốp man mát sần sật. Chè bưởi ở các thành phố sau này trong tôi vẫn mãi là thứ quà quê như buổi đầu được ăn năm 12 tuổi góc phố huyện ngày ấy… 13 tuổi tôi chưa biết sau này ở các quán cà phê còn có nhiều món như sinh tố bưởi, nước ép bưởi… Rồi bưởi lại còn có thể đàng hoàng vào các quán karaoke giải sầu và ở luôn đấy, trở thành món thời thượng. Có lẽ vì khi ăn bưởi, người ta thấy ngọt giọng hơn, và hát hăng hơn…
Nhưng năm 12 – 13 tuổi chúng tôi đã không còn chơi đèn đèn lồng hạt bưởi nữa rồi. Chưa hẳn vì chúng tôi đã lớn, mà những trường chuyên lớp chọn đã làm mờ đi, mất đi rất nhiều những kỷ niệm tuổi thơ. Một vài đứa theo gia đình chuyển lên các thành phố, thị xã lớn. Hai năm sau thì có đứa bỏ học đi xa hoặc ở nhà làm ăn với gia đình… Không còn ai đi nhặt hạt bưởi, bóc vỏ rồi phơi khô, rồi xiên thành từng tràng hạt dài, để có những buổi tối mùa trung thu mang đi khắp xóm đốt. Hạt bưởi có dầu, cháy nổ lép bép, lại tỏa mùi khét bùi bùi của hạt khô bị cháy. Để thấy lẫn trong những chùm sáng lấp lánh tuổi nhỏ là những đèn ông sao, đèn kéo quân, và nến sáng… Những chùm sáng chen giữa những mâm cỗ, đĩa bánh trung thu giản dị, có bánh bích qui, kẹo vừng kẹo lạc, chuối, cốm và hồng, hay chỉ có một trong những thứ ấy. Nhưng chắc chắn mâm cỗ trông trăng nhà nào cũng không thể thiếu bưởi. Bưởi nguyên quả lấy từ cây nhà, bưởi múi được chia từ sân khu tập thể, từ chi đoàn thanh niên, từ cơ quan của bố mẹ mang về…
Sau trung thu vỏ bưởi trắng đầy phố. Lại cô lao công già cần mẫn quét nó đi. Chẳng ai phàn nàn vì trẻ con và trung thu. Ai cũng muốn những đứa trẻ trọn vẹn với niềm vui mỗi năm chỉ có một lần, để rồi vài năm sau lại lớn lên, và đi xa, và lo toan học hành, đời sống…
Những đứa trẻ đi xa học hành, rồi sẽ trở thành vô tình, thường thế... Còn lại vài người mẹ, người bà, người chị lỡ thì ngồi gọt vỏ bưởi, phơi khô để gội đầu. Nồi nước gội đầu tôi nhìn thấy hồi ấy có hương nhu, bạc hà, lá tre, lá bưởi hay nhiều nhiều những lá gì đó có tinh dầu… Bây giờ những người bà ấy hầu như đã mất, những người mẹ người chị ấy trở thành hiếm hoi ở phố huyện, giữa những mỹ phẩm dầu gội quảng cáo tràn lan ngoài phố, ngoài chợ, trên sách báo, ti vi…
Tôi về phố huyện, leo lên gác nằm đọc báo. Đọc chán thì ra sân thượng ngắm phố. Cái phố huyện nhỏ này cũng đang rùng rùng chuyển động. Những mái ngói màu nâu sẫm mất dần, những nhà cao tầng xây hình ống kiểu nhà phố mọc lên tới tấp. Đất phố huyện đắt tương đương đất Hà Nội, dân phố nháo nhác nói chuyện tiền tỉ. Cùng lúc là những cây cối mất dần đi. Hàng nhãn lối ra trường chuyên bị chặt, hàng xà cừ biến mất tự bao giờ… Hàng dâu da cổ thụ còn lác đác vài cây ở lối vào bệnh viện… Hàng bàng cũng còn thưa thớt. Chỗ những căn nhà mới, vài cây hoa sữa mọc lên, như để làm cảnh, như để theo mốt hoa sữa thơm Hà Nội. Phố huyện cũng chẳng còn vẻ lơ mơ trầm buồn tĩnh lặng của mười mấy năm trước, khi mà trẻ con có thể ngồi ở hiên nhà mà đếm được những chuyến xe qua…
Chỉ duy nhất khu sân trường cấp hai vẫn còn xanh um. Hay chỉ trẻ con là còn cần bóng mát?
Những cây bưởi giờ xanh nơi đâu, những hoa bưởi giờ bay nơi đâu. Mà chiều nay trời sầm sì như sắp có bão. Bưởi sẽ rụng về đâu sau cơn bão này. Khi mà đến cả mẹ cũng thờ ơ với bão, không còn lo lắng sợ bưởi rụng, rồi lo che chắn, lấy bao vải buộc túm lại những cành đong đưa. Cây bưởi nhà vốn to và cao lắm, gần bằng một cây xà cừ. Ngày xưa mỗi lần sau bão, bưởi rụng lăn lóc đầy sân, bà tôi mẹ tôi ra mở cửa thế nào cũng xuýt xoa than trời tiếc rẻ.
Duy chỉ trẻ con là thích, cứ như là vớ được quà của trời, vì có thể được ăn đến no nê, được hào phóng cho nhau thoải mái. Thậm chí ngay khi quả còn cay, còn nhặng đắng, vẫn gọt ra chén. Bưởi non quá thì dùng để đá bóng hay đôi khi chơi trò ném nhau…
Giờ cả đoạn phố hình như còn mỗi cây bưởi này, dù nhà đã được xây lại, nhưng cây bưởi vẫn không bị chặt. Xa hơn vào trong làng, còn một vài cây đứng quay quắt…
Nhưng bọn trẻ con chả còn quan tâm đặc biệt đến những thứ cây cối xung quanh. Chúng ăn bưởi và biết đấy là quả bưởi thế thôi. Có đứa bé nào kịp nhận ra khi mẹ đèo xe máy vèo qua một cái, để mà hỏi mẹ ơi cây này là cây gì, hay thích thú reo lên khi nhìn thấy một cây bưởi sai lúc lỉu quả…
Sân vẫn trắng mưa và hương bưởi tháng Ba, vẫn vàng chanh hanh khô ngày nắng tháng Tám.
Đôi khi có đàn chim vẫn bay qua đây, có con chim dại khờ vẫn nán lại làm tổ nơi đây…
Để tháng Mười bay đi hết…
Ngồi trên căn gác, giữa muôn nóc nhà lô xô của kỷ niệm và không – kỷ - niệm. Tôi có phải là một gã chim dại khờ đến làm tổ trên cây bưởi già cheo leo…
Và tha đến những sợi rơm khô của ký ức…
Tháng Tám không còn giữa muôn cây. Dù cành bưởi thu vẫn đu đưa chùm quả. Con đường trước mặt hóa thành một nhánh phố lạ lùng. Thành một nhánh cây có nhiều tầm gửi.
Tháng Tám... Tôi chỉ thấy những thông điệp của mùa thức dậy, bay đi…
Ki-en
 Thương nhớ làm sao trâm quê tôi ?!
Chát chua thơm ngọt vị đầu đời....
Bao mùa hoa nở, bao chờ đợi,
Tím màu thương nhớ dẫu xa xôi....

Sao nhớ mùa xưa quá đi thôi,
Trái quê hương vị thắm đôi môi...
Một thời hoa mộng ngày thơ trẻ,
Vương vấn trong tôi suốt một đời,

Và mùa trâm mới lại qua đi...
Tôi trở về đây tuổi xuân thì,
Còn đâu màu tím mùa xưa cũ ?
  Chỉ tím hoàng hôn lệ ướt mi !!
     NM

Tìm Lại Mùa Trâm

Khi những cơn mưa hạ đầu mùa lang thang đáp xuống vùng quê thanh bình yên ả. Chiều, bước chân qua chợ nhỏ miền quê, chợt sững lại khi thấy một rổ trâm căng mọng màu tím sẫm. Mua một lon, bà cụ chỉ lấy vài ngàn đồng. Đường về rạt rào, cay cay nơi khoé mắt khi những trái trâm bây giờ đang gợi nhắc về một thời xa lắc.
Nghe lại câu hát đồng dao được chuyển thành điệu ru hời của chị hàng xóm khi dỗ giấc cho thằng bé đang cục cựa trên cái võng bên hiên nhà: Ầu ơ… trời mưa lâm râm cây trâm có trái, con gái có chồng, đàn ông có vợ, đàn ông có vợ ờ… ầu ơ… đàn ông có vợ đàn bà có con….
Nhớ lại cái hồi dại khờ lêu lỏng, anh em tôi còn là hai đứa con nít suốt ngày chạy nhông ngoài đồng ngoài rẫy. Đi bắt dế, đi tắm sông, nạo đất sét dưới lòng kênh nặn mấy con trâu có đôi sừng bóng lưỡng, rồi chơi trò nắn tu na ở bờ đê nên tay chân mặt mũi lúc nào cũng lấm lem và dơ bẩn đến nỗi phải bị đòn. Tính hiếu động ấy cũng là nét đặc thù của trẻ nhỏ ở miền quê thiếu thốn những thứ đồ chơi xa xỉ.
Mấy món đồ ăn vặt cũng chẳng có gì mà kén, mùa nào thì ăn nấy, đơn giản và dễ tìm ngay ở xung quanh nhà thôi. Nào là trái bình bát chín vàng bị rụng cuống vớt được ở ven sông, trái nhãn lồng chín múp ngọt lịm núp trong bụi tre gai nên lũ trao trảo chẳng khi nào tìm tới, trái thù lù có hương vị là lạ mọc hoang trong ruộng bắp của mẹ… Nhưng món thích nhất thì phải đợi đến đầu mùa mưa mới có.
Bắt đầu bằng cái chớp sáng ngời vạch dài qua bầu trời thăm thẳm, những cơn mưa hạ đầu mùa bắt đầu trút xuống lúc lâm râm lúc thì dử dội, lúc cây trâm ở sau vườn bắt đầu ra một lượt những chùm bông trăng trắng phớt hồng. Cây trâm này có từ khi ông nội còn khỏe mạnh, có thể vác trên lưng bao lúa chạy cời cời để tránh mưa. Cây hút nhựa của đất phù sa, tỉ mỉ chắt chiu nuôi từng trái bé xíu cỡ chiếc tăm, rồi lớn dần bằng đầu ngón tay cái. Cơn mưa mùa hạ vội vã ùa về, trái no tròn tắm mình thơi thới như trẻ nhỏ thích đùa nghịch trong làn nước thiên nhiên tươi mát. Chờ thêm chút nữa để cho trái dần chuyển từ tim tím sang một màu đen bóng và căng mọng trong đôi mắt thòm thèm và háo hức của lũ trẻ con.
Anh Hai tôi lúc đó cũng độ mười ba, mười bốn tuổi rồi mà vẫn cởi trần và mặc độc chiếc quần xà lỏn, suốt ngày leo tuốt lên ngọn cây. Bà nội nói cây cao bóng cả, coi chừng có ông bà khuất mặt khuất mày trú ngụ quở phạt thì khổ thân, vậy mà anh cũng đâu có sợ. Ăn mấy trái trâm đầu mùa có vị ngòn ngọt, chua chua và hơi chát kia cũng đâu có dễ, lũ kiến vàng trú ngụ ở trên cây là đội quân háo chiến và hung tợn. Có khi bị cắn, rồi bị nó tiết ra cái chất nước gì có mùi hăng hăng làm cho da bỏng rát, anh đau điếng tuột lẹ xuống đất mà phủi lia lịa, mà la ó giẫy giụa. Tôi căm thù kiến vàng và chà xát giúp anh, tôi còn nhè đầu của nó mà ngắt. Bị đứt đầu ra khỏi thân mình mà nó còn kiên trì ngoạm hai chiếc răng hàm to tướng vào thịt người chứ chẳng chịu buông ngay, làm chúng tôi cũng phải kiêng sợ phần nào. Ông nội mới bày cho anh tôi một cách:
- Bây hốt tro bếp bỏ vô cái bọc vắt ở lưng quần, rồi vừa leo vừa bốc tro rải lũ kiến vàng, nó sợ mà chạy ráo trọi chớ gì. Hồi khỏe còn leo được tao cũng hay làm vậy đó.
Anh Hai làm y theo lời của nội thì quả thật là có công hiệu đến bất ngờ. Lũ kiến vàng cứ tránh xa ra nhường chỗ cho anh hái trái. Trái trâm nhiều đến mức hoa cả mắt. Từng chùm chín đen mọng và lủng lẳng làm cho tôi đứng ở dưới đất nhìn lên mà thèm rỏ nước dãi, giậm đôi chân bé xíu và nhõng nhẽo với anh:
- Anh ẵm em lên đó đi anh Hai, cho em leo lên hái với anh đi mà!
Vừa nói tôi vừa giơ cánh tay đòi được bế lên trên cây. Anh trở xuống cõng tôi trên lưng, tay tôi quàng vào cổ anh và ôm siết vì sợ rơi xuống đất. Và thế là hai anh em tôi trở thành Tôn Ngộ Không đi ăn trộm vườn đào của Vương Mẫu nương nương, cũng không thèm nhả hột mà cứ nuốt chửng cho nhanh, no một bụng, lè lưỡi ra mà nhát nhau. Ôi cái lưỡi tím ngắt, cái môi đen xì lì như quỷ sứ và quần áo thì bị trây trét toàn màu tím, nó khô lại và trở thành đen sẫm. Chúng tôi nhìn nhau rồi cười vang trên đọt cây. Ông nội đang ngủ trưa giật mình thức giấc chạy ra la om sòm, biểu thả con em mày xuống đất, nhánh cây giòn dữ lắm mà nếu không thì lỡ trợt chân là đỡ không kịp.
Ba xách cây roi, đứng ở dưới gốc cây mà dọa. Nhưng ba bị ông nội kéo vô nhà, ông nội dặn ba đợi cho nó trèo xuống an toàn cái đã, nếu không mày làm quá, nó hoảng sợ run tay là rớt như trái rụng cho coi. Anh Hai kêu tôi ôm ghì vào cổ rồi rón rén tuột xuống. Tôi tưởng tượng trong đầu đủ thứ cảnh anh bị ba đánh đòn, la khóc om sòm, rồi lúc đó ai trèo cây hái trái cho tôi ăn nữa. Chưa kịp suy nghĩ hết là hai anh em đã tới mặt đất rồi. Tôi rơm rớm nước mắt chạy vô nhà, mặc cho ba đang hầm hừ tức giận, tôi níu ống quần đi đồng bạc phết của ba, năn nỉ bằng cái giọng nhè nhè vì vị chát của trái trâm làm cho ứ cổ:
- Ba, ba đừng đánh anh con nghen ba! Ba đánh anh Hai rồi mai mốt ai hái trâm cho con ăn nữa!
Cả nhà cười ồ lên. Té ra nó hổng có thương anh Hai bằng thương mấy… trái trâm. Mẹ bế tôi vào lòng, xoa cái đầu khét lẹt mùi nắng và nhè vào cái trán hôi rình ướt đẫm mồ hôi của tôi mà hun chùn chụt:
- Thôi mình cho tui xin tội giùm hai đứa con của tui, mình đừng có đánh nó tội nghiệp, con nít mà.
Mẹ quay sang anh Hai đang ngồi gỡ mấy con kiến vàng còn bâu trên lưng, trên cổ, trên cái bụng óc ách dính đầy bụi bẩn.Mẹ lấy dầu bôi lên mấy chỗ bị sưng đỏ cho anh rồi trách mắng nhẹ nhàng:
- Cái ông anh Hai này quý dữ à! Leo lên đó mà còn ẵm con em lên nữa, lỡ sẩy tay rớt một lượt hai đứa rồi làm sao?
Anh Hai tỉnh bơ, cầm ca nước dừa uống ừng ực rồi quay qua nhìn tôi cười, chỉ ngón trỏ vô cái má phụng phịu của tôi mà rằng:
- Mai mốt cô nương đứng ở dưới đất đừng có đòi anh Hai cõng leo cây giùm cái nghen. Anh Hai chút xíu nữa là no đòn của ba rồi đó!
Hôm đó ba tức tốc xách cây dao chành chặt một cây trúc thiệt dài ở trước cửa nhà, rồi ông nội tẩn mẩn làm thành một cây lồng xinh xắn cho tôi đứng dưới đất hái trái. Còn anh Hai thì vẫn “khỉ khọt”, trèo lên cây vừa ăn trái vừa nhè đầu tôi mà nhả hột, hoặc lúc tôi giơ cây lồng lên đến chùm trái múp míp nào là y như rằng, anh rung cây cho trái rụng xuống lịch bịch. Anh chọc tức làm cho tôi giận dữ vô cùng, định chạy vô nhà méc mẹ thì anh đã bẻ nguyên một nhánh trái chín mà buông xuống cho tôi như một lời xin lỗi. “Tha cho anh một lần này thôi nhé!”. Tôi nguýt một cái rõ dài nhưng không thể làm lơ mà không đón nhận mấy trái trâm còn ấm nóng nắng mặt trời. Anh em cứ xúm xít bên gốc cây, nhìn nhau cười ha ha vì môi mỏ đứa nào cũng tím rịm mà quên đi giận dỗi. Ừ! Thì trẻ con có giận dai bao giờ!
Năm nay chắc là thuận thời tiết nên cây trâm nhà tôi trái đậu chi chít. Nhánh cây rụng bớt lá nhường chỗ cho toàn trái là trái. Mẹ nói đợi ít ngày nữa bẻ vụ bắp để nấu bán ban đêm, rồi hai anh em hái trâm đem theo ngồi bên cạnh mẹ mà bán, tiền để bỏ ống heo đợi tựu trường lấy ra mua tập sách đi học. Chứ trái nhiều, trời mưa xuống là rụng nhớt gốc, thấy tiếc hùi hụi. Anh Hai lấy hộp sữa Ông Thọ, đục đục khoét khoét cả buổi trời mới được cái lon dành để đong trâm. Mẹ chuẩn bị cái sề lót tấm vải lược dừa ở dưới cho trái khỏi bị dập, không quên làm chén muối ớt mang theo để những người ghét vị chát của trâm có thể chấm kèm. Tôi ra vườn cắt mấy tàu lá chuối tươi dùng để quấn lại làm thành cái loa mà đựng khi bán, vì hồi đó không có bọc nilông như bây giờ.
Xế chiều, mẹ đẩy xe bắp với chuối nấu ra lộ xã, anh em tôi cũng hớn hở đi theo. Bày hàng ở cạnh một bến đò đông khách, gặp mấy em nhỏ cứ níu tay đòi mẹ mua cho mình một lon trâm khi nghe cái giọng sang sảng của anh Hai tôi rao:
- Trâm đây trâm đây, năm trăm đồng một lon, mại dô mại dô.
Sề trâm nhanh hết quá chừng, nhưng không biết tại bán được nhiều hay tại anh em tôi ngồi “bốc vụng”. Mẹ nói vừa bán vừa ăn là hết vốn nghen con. Hai anh em lắc đầu nguầy nguậy mà chối, mẹ rờ lên môi chúng tôi, chối sao được vì miệng của đứa nào cũng nham nhở một màu tím thẫm, còn lâu lắm mới phai.
Khi anh tôi đi học, đi công tác ở xa và bận bịu rất nhiều, còn tôi háo hức trong niềm vui nơi giảng đường mà quên dần tuổi thơ của một thuở xa xưa, thì cây trâm mỗi lúc một già. Tôi thấy rõ từng ổ mối đùn lên ăn ruồng vào thớ gỗ và cành cây cứ héo hon dần, dây bìm bịp, dây chùm gửi mọc um tùm vì lâu lắm không có ai leo trèo lên đó nữa. Cứ vài tuần là anh lại gọi điện hỏi tôi:
- Bé Ba! Khi nào về nhà cưng nhớ chạy ra sau hè coi cây trâm có trái chưa? Chừng nào trái chín kêu anh về để anh trèo cây hái trái cho bé Ba ăn hén.
Tôi trả lời lại anh bằng một câu hỏi:
- Bộ anh Hai hổng nhớ là cây trâm có trái vào mùa nào sao mà hỏi em lạ vậy?
Mưa đầu mùa lại về, anh Hai tôi nhắn nhủ:
- Bé Ba gửi qua đường bưu điện cho anh mấy trái trâm nghen, vài trái cũng được. Ở đây kiếm một trái làm thuốc mà kiếm đỏ con mắt cũng không ra.
- Hả! Anh Hai bị bệnh hả. Anh bị bệnh gì mà đi kiếm trái trâm làm thuốc?
- Cái con nhỏ này hỏi gì mà lãng nhách. Anh nói là anh bị ghiền ăn trái trâm, mà ở đây không có để ăn, anh nhớ nó quá trời. Ai bệnh hoạn gì đâu mà mày la hoảng vậy?
Tôi ậm ờ một lát cho qua, giấu chuyện cây trâm già bị nạn vào cái ngày giông bão ấy. Hôm trời nổi cơn giận dữ, gió giật cây cột nhà kêu nghe trệu trạo, sấm chớp lóe lên một vạch đỏ chói nhòe cả mắt và làm tim tôi đập thình thịch. Gió quật dữ dội làm thân cây trâm già nua chống cự không nổi nên bật gốc, ngã xụ xuống mé ao. Tôi lo nhất là lúc anh Hai về mà thấy cây không còn nữa, chắc anh sẽ buồn lắm lắm. Vì có bao nhiêu kỷ niệm của tuổi lên năm lên mười, đều bắt đầu bằng vị ngọt ngọt, chút xíu chát và nét chua duyên của trái trâm đầu mùa, ai mà quên được. Tôi mới nghĩ ra một ý hay, là đi tìm một cây trâm non của nhà hàng xóm, xin đem về trồng lại cạnh gốc cây cũ, nhưng chắc cũng phải vài ba năm, cây đó mới ra trái bói, mà nó sẽ không có vị ngọt, vị chát, vị chua như cây trâm của nội đâu.
Giờ đứng trước mặt tôi là một cây trâm cao lổng ngổng chừng hai mét. Những tầng lá già nhường chỗ cho đám lá non xanh vươn lên hứng lấy ánh ban mai rạng rỡ, nó như minh chứng cho tôi rằng vòng tuần hoàn của thiên nhiên cứ xoay tròn và vẫn không bao giờ thay đổi. Nhìn thằng cháu gọi tôi bằng cô Ba mới về quê dịp nghỉ hè, cứ trèo trẹo đòi tôi cõng nó đi chơi. Chơi gì đây bé Bi của cô? Cô nắn đất phơi khô cho con chơi chọi trâu như anh em cô ngày xưa nhé? Chị Hai người miệt thị thành, nghe nói đất cát sình bùn là giãy nãy như đĩa gặp vôi, ngoa nguýt:
- Cô Ba nó định cho nó chơi dơ à! Rủi bị làm sao thì chạy sáng nhà sáng cửa chứ hổng có nói chơi đâu. Nó có mệnh hệ gì rồi ai mắc thường con cho tui đây hả… cô Ba?
Nói xong chị te rẹt ẵm thằng nhỏ vô trong nhà. Tôi dụi mắt, nhớ lại hồi xưa anh em tôi chơi nhà chòi, chơi ném sình non với tụi trẻ trong xóm, leo cây để tìm hái trái nhà quê, nhông nhổng phơi nắng suốt ngày mà có bị gì đâu. Da dẻ lại hồng hào rắn chắc, còn hơn mấy đứa nhỏ sống u uất trong một gian nhà sạch sẽ với đầy đủ những loại đồ chơi đắt tiền, mà nó thiếu vắng tình bạn bè, không có kỷ niệm về những ngày rong ruổi của tuổi thơ.
Khá lâu rồi anh Hai không về quê, tôi gọi điện nhắn với anh rằng: Anh Hai có hay không, ở quê nhà đã có những cơn mưa đầu mùa rồi đó. Mà anh trò chuyện với tôi càng ngày càng gọn lỏn có một câu, giống như cái máy đã được lập trình:
- Ờ! Ông nội với ba má khỏe hết hả bé Ba? Lúc này anh bận quá, chừng nào rảnh anh sẽ về.
Tôi biết rằng những cơn mưa rồi cũng đi qua, trâm chín rồi cũng sẽ rơi rụng dần và có những mùa trâm qua đi không bao giờ trở lại, nhưng sao tôi vẫn cứ mãi đi tìm!
Trần Kim Chi (ĐH An Giang)
 
Đoạ đày chi kiếp nổi trôi ?
Tấm thân nghèo đói đành thôi kiếp người...!
Còn đâu ngày tháng vui tươi,
Chỉ còn đây nỗi xót xa vô bờ !
Một lần lầm lỡ sa cơ,
Một đời ân hận đôi bờ đau thương...
Tấm thân oan nghiệt vấn vương,
Biết bao sầu khổ đoạn trường lệ rơi.
Bốn mươi năm cả cuộc đời,
Người gieo oan khuất xa rời thế nhân... 
Không còn sân hận băn khoăn,
Thương người ở lại ăn năn ngậm ngùi....
 NM


Bí ngô
-Trời ơi! Ông tha tội cho chúng tôi! Tha tội cho tôi! Đây chính là thằng bé... là ông ấy ư? Người lấy trộm bí ngô đấy ư?
Bà vẫn ngồi ở góc chợ Đình Lưu. Ngày mới đến, tóc bà vài sợi lốm đốm, nay đã bạc trắng một dải mây. Chợ đã nhiều sự thay đổi. Những phiến đá xanh cập kênh trên sân cửa đình đã kê lại phẳng phiu. Hai dãy lều quán dọc hai bên đã xây tường lợp ngói cho những sạp vải, quầy thực phẩm vào bày bán. Bãi rác ngập ngụa, ruồi muỗi kêu như ong đã được thay bằng sân lát bê tông mở rộng chợ xuống bến sông. Nhiều người đã đi vắng hoặc về nơi thiên cổ. Nhiều kẻ đến thế chỗ bày hàng hoá mới. Nhưng chỗ ngồi góc chợ của bà vẫn y nguyên. Hai phiến đá to, phẳng để đặt mẹt hàng gồm các loại rau, củ gia vị, nào rau ngổ, rau răm, húng chó... nào gừng nghệ, hành tỏi, me chua... Một phiến đá nhỏ thay cho cái đòn ghế. Túp lều lợp bằng hai tấm phên nứa đan nẹp và quét nhựa đường thủng lỗ chỗ. Trông góc chợ lọt thỏm giữa không gian xung quanh ngồn ngộn nhà cửa tầng thấp tầng cao thời đổi mới, người ta chợt nhớ nét đặc trưng của một góc chợ quê thời xa lắc. Có điều lạ là mặc mọi người ngồi bán hàng xoay tứ lung tung các hướng, riêng bà bao giờ cũng ngồi quay mặt về cửa đình, quay lưng lại đằng sông. Đến nỗi hòn đá nhỏ nhẵn thín, chỗ mông ngồi mòn vẹt, lũm xuống. Mỗi lần mưa, chỗ ngồi ấy nước đọng lại như hai vũm vỏ vạng. Hai vũm vỏ vạng bất di bất dịch.
Vào một buổi chiều, có một người khách đến trước lều hàng mua ít gia vị. Ông ta ngả chiếc mũ lá cũ khoắc vào mép phên, cúi xuống chọn mấy mớ rau, mấy củ riềng, cùng mấy quả ớt, gói lạc nhân, rồi nhấn giọng: -Bà còn nhiều gừng không? Bán cho tôi. Gừng cay muối mặn. Sự đời nó thế. Gừng cay thì người đời mới thấm thía nỗi đau!
Theo thói quen, thường ngày bà chỉ thoáng qua bóng khách và nhặt hàng cho họ một cách tự nhiên, nhưng tiền nào của ấy rất chính xác. Lần này, nghe ông khách nói, bà giật mình ngước lên: Một người đàn ông gầy guộc trong bộ quần áo nâu sồng rộng lượt thượt, nhưng dáng vẻ rắn chắc với khuôn mặt sạm đen, khắc khổ. Mái tóc hoa râm. Đôi đuôi mắt nhăn nheo, nhưng ánh nhìn rất lanh lợi. Bà nghĩ: Thời buổi bây giờ mà vẫn có người ăn mặc thế này ư? Ông ta nhìn bà như cười, pha chút giễu cợt và sự thương hại:  -Tôi cần mua nhiều gừng. Còn ít nào bà cứ bán hết cho tôi! Ngừng một lát, ông đột ngột hỏi: -Dạo này bà không bán bí ngô nữa à?   -Tôi có bán bí ngô bao giờ đâu! Ông ở đâu đến? -Bà đừng giấu. Thời bên kia sông bà vẫn bán bí ngô! Tôi còn biết ông bà nổi tiếng trồng loại bí này! Chẳng qua bà cố quên cái thời bí ngô đó thôi, nên giờ mới bán toàn đồ chua cay, đắng đót... -Cay đắng gì đâu! Dăm ba mớ gừng mớ nghệ. Mũi dòm miệng. Chứ có buôn to bán lớn nỗi gì! Bà càng ngạc nhiên: -Nom ông không phải người vùng này? -Thì cũng trong cõi giời đất, cõi nhân sinh ta cả. Thôi, bà gói hàng cho tôi còn về! Ông khách hắng giọng, nói một hơi: -Bà này, bà không thể biết tôi. Nhưng tôi lại biết bà. Tôi từng đứng xa... từng theo dấu chân bà... Bà là người tốt, rất tốt. Nhưng số bà vất vả lắm. Vất vả mà nào có được của, được con. Đã vậy, còn phải gánh tội cả đời cho người khác. Tuổi Giáp Tuất... không được giờ sinh. Trong héo ngoài tươi... Bà chưa qua được nỗi khổ này đâu! Thôi, chào bà!
Quá bất ngờ, bà ngẩn người, trân trân nhìn ông khách. Ông ta nhanh nhẩu xách túi hàng. Thoắt cái, đã biến mất trong lao xao chợ chiều. Quái lạ cái ông này. Đang ở chốn nào lại đến đây khéo bày trò bói toán? Nhưng sao ông ta lại biết rõ tông tích mình? Trong khi cả chợ chưa ai hề biết. Cứ như ma xó trong nhà người ta!...
Ông khách nói đúng. Bà là người bên kia sông. Bà đã bỏ nhà cửa ruộng vườn cho người em họ đông con lít nhít, lần hồi sang đây ẩn giấu cuộc đời vào phiên chợ. Bà là người từng bán bí ngô, thật ra là chuyên trồng bí ngô, một nghề do bố mẹ chồng để lại. Đấy là cái nghề đầu tiên cả dải làng Cát bên dòng sông Chanh chưa ai có được. Về sau, người  làng cũng bắt chước trồng, nhưng chỉ lèo tèo dây đực dây cái. Riêng ruộng bí ngô nhà bà mùa nào cũng đậu sai và to quả nhất. Bí ngô đã cho gia đình bà thoát cảnh đứt bữa thời gạo châu củi quế. Kể ra đâu đến nỗi bà phải bỏ ruộng bí ngô, bỏ cái xóm Bãi Dài làng Cát sang góc chợ này bám lấy một chỗ ngồi! Tưởng mọi sự đi qua, cuộc sống nơi kẻ chợ đủ thứ tạp nham sẽ vùi lấp hộ bà những gì đau đớn của quá khứ. Bà sẽ như hạt cát lẫn vào thiên hạ một cách êm ả! Không ngờ lại xuất hiện ông khách lạ. Bà cố lục trong trí nhớ. Hồi ở làng cũ, bà thuộc mặt cả làng, có bao giờ thấy cái ông này đâu. Vậy ông ta là ai? ở đâu đến? Ông ta vô tình hay cố ý đào lật ra cái hố thời gian sâu thẳm bấy lâu?...
Ngày ấy, Phái và Manh mới lấy nhau. Cặp vợ chồng trẻ được cha mẹ dựng cho một căn nhà nhỏ bên bờ ao. Cái ao quanh năm đầy nước do đào cạnh con ngòi đón nước ngọt từ những khe lạch trên dãy núi An Lập chảy qua. Trên vùng đất cát pha nằm miên man dưới nắng, có được cái ao này quả là rất quí. Nước ngay cạnh nhà như phúc đầy trước mặt. Phái không phải đi xa như các nàng dâu các nhà khác sớm sớm chiều chiều phải mỏi bước kẽo kẹt đôi thùng, đòn gánh trên vai. Trước cửa nhà còn có một thửa ruộng chỉ trồng khoai lang, khoai sọ. Củ khoai mỗi ngày một săn lại như hòn đá cuội. Trong một chuyến đi Bắc Giang, ông Khâm đem về một nắm hạt giống bí ngô cho vợ con trồng thử. Bí lên rất tốt, cho sai quả và quả to. Ăn sống ngọt không kém đu đủ. Chỉ cần một miếng bổ sáu nấu với dúm tôm kéo vó ngoài ngòi cũng được nồi canh ngon. Mùa ươm trồng, dây bí lan nhanh như nằm mơ. Đáo xứ, ra hái mấy nắm ngọn về luộc cũng được cho cả nhà trừ bữa. Mùa thu hái, bí nằm lăn lóc như những chiếc đèn lồng phết phấn hồng dưới lớp lá vàng luốm đuốm. Những quả bí tròn dẹt, đẫy cái thúng con xuống thuyền trẩy về các nơi. Vợ chồng Manh từng sang cả chợ Đình Lưu bán cho dân vùng làng đảo Hà Nam, Cát Hải, Cát Bà... Khi về già, ông Khâm gọi hai vợ chồng lại dặn: “Giống bí ngô này hợp với thung thổ, đất cát nhà ta. Các con cố giữ lấy nghề mà làm kế sinh nhai!”
Làng Cát vào hợp tác xã. Vị nể ông Khâm là cán bộ phòng Nông Nghiệp huyện, Manh được cất nhắc làm đội trưởng đội sản xuất xóm Bãi Dài. Tuy trẻ tuổi, ít học, chỉ lớp bốn, nhưng Manh sớm cứng cỏi, khôn ngoan và giảo hoạt. Manh tính toán rất thông minh, tháo vát. Đi thăm đồng, chủ nhiệm và kế toán còn lúi húi sách bút thì Manh đã nhẩm xong năng suất, sản lượng. Vụ này cả đội bao nhiêu công chính, bao nhiêu công phụ, bao nhiêu công trâu, bao nhiêu công nhổ cỏ... Ngày công lao động được mấy kilôgam thóc... Manh áng chừng rất nhanh và y rằng sát đúng với phương án ăn chia. Manh giúp ban quản trị hợp tác xã được khá nhiều việc.
Làm đội trưởng, Manh dấm dúi nhặt nhạnh được nhiều thứ về cho vợ. Dạo ấy, xi măng, phân đạm thuộc hàng độc. Nhưng góc bếp nhà Manh vẫn rấm hàng bao. Mỗi lần đi nhận vật tư cho đội, Manh đem theo một chiếc bi đông đựng nước vối. Liệu cơ chỗ đường vắng, Manh cho xe cải tiến vào gốc cây trú nắng. Anh ta lấy trong túi ra một ống nứa ngắn vót vát nhọn một đầu, đâm nhẹ vào bao phân đạm. Những hạt đạm theo ống chảy tuồn tuột vào miệng bi đông. Cứ thế mỗi bao một ít, mỗi lần một chiếc bi đông. Lượt đi là chiếc bi đông nước uống. Lượt về... Chả ai biết đấy là đâu. Kiến tha lâu, đầy tổ. Hợp tác có thứ gì, nhà Manh có thứ đó. Manh bảo Phái: -Đem “phốt phát” ngâm với phân chuồng, lá mắm, lá xoan băm, ủ cho ngấu, rồi hẵng bón vào gốc bí và hàng ngày tưới nước đẵm lên. Nhớ chăm sóc vào cơ mờ sáng hay xẩm tối!... Ruộng bí của Phái như một ốc đảo xanh om trên đồng đất làng Cát. Manh còn luôn dặn: -Kin kín cái miệng! Đừng ngồi lê mách lẻo. Trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường, dễ rách việc! Thời buổi cha chạ tội gì không tranh thủ. Phải biết cách mà lựa chiều moi vào các kẽ hở!...
Hằng năm, thường đến kỳ khám miễn nghĩa vụ dân công là Manh lại nổi cơn đau bụng. Đi đào mương làm thuỷ lợi, đi đắp đê biển, đoán việc khó gặm là anh ta bỗng ôm bụng rên rẩm: -ối giời ơi! Đau quá! Tháng trước đi bệnh viện, bác sĩ cho cái giấy dặn đau dạ dày phải kiêng! Bà con thông cảm. Lúc nào đỡ tôi lại ra!... Nhưng kỳ thực, Manh về xê la chăm bẵm ruộng bí ngô. Nhiều lần như vậy, xã viên cũng đâm quen với căn bệnh “đau bụng kinh niên” của đội trưởng và chẳng thèm để ý hoặc ganh tị. Họ chỉ cần anh ta đừng quên chấm “gọng vó”, cốt có ngày công là được.
Năm đó, hạn hán kéo dài. Khoai lúa mất mùa. Ruộng bí ngô nhà Manh Phái vẫn sai quả. Manh cắt bí cất dưới gầm giường và cho Phái đem ra chợ bán dần. Bí đắt như tôm tươi, gánh nào hết gánh ấy. Hai vợ chồng lại đạp xe sang Thuỷ Nguyên đong gạo, đong mỳ về ăn. Đang độ thu hoạch thì Manh phát hiện ra bí bị mất trộm. Rõ ràng hôm nọ đếm, nhớ như ghi văn sách mà sáng nay lại mất tới năm, sáu quả. Toàn quả to, sắp chín. Nốt cuống bị vặn còn tươi nhựa. Tiên sư nó. Đứa nào dám hớt tay trên?  Manh tức lắm. Anh ta bàn với vợ: -Phải rình bằng được. Quyết cho bọn “Đạo Chích” một trận! -Mất thì thôi anh ạ. Quả bí chẳng đáng bao nhiêu. Ví như sào lúatừng “tẹo nhó” của hợp tác một tẹm đấy thôi! Manh trợn mắt: -Ai cho phép cô nói năng như vậy? Tôi khác, chúng nó khác! Được đằng chân lân đằng đầu. Dễ chừng nó hiếp, cô cũng để yên chắc?
Nói là làm. Đống rơm dưới bụi tre mé bờ ao được rút rỗng thành một lỗ hổng. Manh chui vào trong bó gối ngồi thử, rồi lấy tấm liếp nứa che lại. Thánh cũng không biết! Rình ở đây xem đứa ăn trộm đàn ông hay đàn bà mà dám to gan vuốt râu hùm! Manh cất công ém ba, bốn đêm liền... Đêm thứ năm. Mảnh trăng lưỡi liềm treo chếch ngọn tre toả ánh sáng non dịu xuống xóm quê. Gió đồng thổi vào ruộng bí xào xạc. Trong hổng rơm, Manh lấy hẳn quả ớt chấm muối, cắn miếng một cho khỏi buồn ngủ. Gần nửa đêm. Bỗng có tiếng chân người động mặt đất. Manh nín thở nhìn ra. Hai bóng đen xuất hiện. Hai thằng nhãi con. Chúng chụm đầu thì thào với nhau. Một bóng đen đứng trên bờ nhìn quanh quất đây đó. Một bóng cao hơn bước xuống men theo rãnh luống, bò vào ruộng bí. Không rõ nó là con cái nhà ai. Ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt. Mày sẽ chết với ông! Chiếc roi tre này nhỏ quá. Phải dùng cây gậy song để xử! Nghĩ vậy, Manh bèn khẽ lách khe liếp trở vào nhà, dò dẫm tìm góc buồng. Không thấy gậy đâu. Chỉ có tiếng vạt giường cọt kẹt. Phái dậy khêu tỏ ngọn đèn dầu, xi đái cho đứa con gái. Manh vội che đèn, ghé tai vợ thì thào: -Có một thằng ăn trộm bí. Cây gậy song đâu? -Thế hả? Em không biết! -Nằm yên! Để anh đi tìm. Phải cho nó một trận! Chợt Phái níu áo Manh: -Thôi anh ơi! Xua nó chạy thôi. Đừng đánh người ta. Phải tội chết! Có thiếu họ mới ăn trộm. No nê ai lấy làm gì! -Im ngay!
Manh mò xuống nhà bếp. Chân đụng phải chiếc thớt gỗ nghiến. Manh cầm luôn và lướt nhẹ như một con mèo. Tên trộm vẫn còn. Nó đang vạch vòi đám lá tìm một quả bí to. Manh rón rén bò tới, mỗi lúc một gần. Đích thị một thằng chừng mười ba, mười bốn tuổi. Cu cậu nâng quả bí vừa cắt khỏi luống, đứng dậy khệ nệ bê ra ngoài. Quả bí to và nặng quá, nó phải hạ xuống, cố hỹ lăn về phía nơi thằng kia đang đợi. Bóng nó cúi lom khom, hình một con tôm nổi cong trên nền đêm mờ ảo. Con tôm đẩy quả bí từng bước một. Nó không biết Manh đang tư thế vồ tới. Vừa lúc trong nhà có tiếng cái tí khóc thét cùng tiếng Phái gọi “Anh ơi, lấy hộ cái tã!” thì Manh vụt dậy. Chác! Chiếc thớt gỗ đập thẳng cánh xuống lưng thằng trộm. Nó kêu “ối” một tiếng rồi gục tại chỗ. Cho mày chết! Đi đêm lắm có ngày gặp ma! Ai bảo mày dám ăn trộm của ông! Manh đạp nó một nhát cho bõ tức và xộc tới ôm quả bí...
Nghe bên ngoài có tiếng va đập mạnh, Phái biết ngay là có sự. Mặc dù chị đã nhanh trí cấu con bé cho nó khóc, hòng ngăn hành động của chồng. Nhưng không kịp. Chị hốt hoảng buông con chạy ra. Vừa đến sân thì Manh bê quả bí vào, thở dốc: -Nài. Quả bí to thế này mà nó khuân được. Hai thằng choai choai. Bọn này ăn trộm quen mất rồi. Tiên sư nó. Anh vừa cho một thằng chết giấp tại ruộng... -Khổ quá! Đánh người ta làm gì hở anh? Đâu? Anh dẫn tôi ra xem con cái nhà ai, nó có bị làm sao không?
Hai vợ chồng ra ruộng thì không thấy thằng trộm đâu. Chỉ có vết chân, vết thân thể giãy giụa xéo nát đám lá bí và đám cỏ sò, lẫn cả mùi phân thối chỗ Manh vừa đánh nó.
-Nó vọt cả cứt đái ra đây này! Phái thốt lên, lo sợ: Không khéo lại oan gia!
-Tham thì chết! Anh đập chiếc thớt trúng lưng. Không gẫy cũng vỡ hông! Có sống thằng này cũng bán thân bất toại. Từ nay chừa cái thói ăn trộm. Chắc chúng nó dìu nhau bỏ chạy rồi! Mai khắc biết con cái nhà nào! Đi một đoạn nữa, thấy lỗ lội cạnh con ngòi còn ngầu đục. Manh quệt mồ hôi, hổn hển, vẻ còn say cơn tức chưa thoả: -Đáng kiếp! Kể phải bắt sống đem ra uỷ ban, chúng nó mới kinh!...
Suốt đến sáng, Phái không sao chợp mắt. Hình ảnh thằng trộm cứ lởn vởn trong đầu. Chị mường tượng ra nó: một thằng bé gầy gò, bụng đói giáp xương sống bò vào ruộng bí. Chiếc thớt gỗ nghiến bất ngờ giáng xuống. Chị nhắm mắt. Chao ôi! Tấm lưng xương xẩu non nớt ấy làm sao chịu nổi? Chắc sẽ gẫy mất! Liệu có lết được về nhà không? Thằng bé kia có cõng được nó, hay lại ngã, lại chết đuối chỗ nào ngoài sông? Trời ơi! Có đánh thì cũng nhẹ tay thôi. Sao lại có thể ác đến như vậy? Hú vía. May, nó còn chạy được, chứ không sẽ rầy rà to!
Ngày nào Phái cũng lắng tai nghe ngóng xem trong làng có đồn đại gì về con cái nhà ai đi ăn trộm bị đòn. Tịnh không thấy. Tạm yên lòng. Nhưng thỉnh thoảng chợt nhớ, tim chị lại giật thót. Phải rồi, đấy là đêm mồng Bốn tháng Năm âm lịch. Qua đêm ấy, sáng mai là mồng Năm tết Đoan Ngọ, tết của trẻ mục đồng! Hồi bé, Phái cũng thường theo đám trẻ chăn trâu trong xóm vặt trộm xoài, mít, bới trộm khoai, lạc, chặn cướp quà bánh của người đi chợ để sáng mồng Năm tập trung các thứ lại làm lễ cúng rước Thần Đồng và chơi trò tập trận cờ lau. Chắc thằng bé này cũng thế?
Phái có chửa lần thứ hai. Hình ảnh thằng trộm vẫn hiện lên len vào giấc ngủ, dằn vặt. Nhất là vào những đêm đầu tháng. Một thằng bé người không ra người, vật không ra vật cứ nhe nanh múa vuốt, quằn quại, mờ mờ ảo ảo dưới ánh trăng lễnh loãng. Ra ruộng hái bí, về nhà cầm chiếc thớt băm rau, quên thì thôi, chợt nhớ là chị lại nôn thốc nôn tháo. Cơ thể, mạch máu rần rật như bị cấu véo.
Bụng to vượt mặt, Phái nằm trạm xá ba ngày trời mà đứa bé vẫn gan lì. Chị cắn răng chịu đựng những cơn đau dữ dội. Lần trước, ọc ạch một lúc, con tí gái ra ngay. Lần này, buộc phải cáng lên bệnh viện huyện, Phái mới đẻ được. Chị dồn một hơi mạnh, như trút một gánh nặng. Nhưng khi nhìn xuống đứa con chưa rõ trai hay gái thì bỗng Phái ngất lịm. Nó không ra người. Nó là một cục thịt biết cựa, lèo khoèo và đen đúa. Lúc tỉnh dậy, chị nhận rõ: Một thằng con trai. Nhưng  không hoàn chỉnh. Chân tay nó nghều ngoào. Lưng nó gù, gãy gập như một nhành cây bị bẻ. Mặt nó xệu xọ giống một chiếc mặt nạ. Nó khóc, tiếng khè khè khạc khạc như tiếng con vịt bị cầm cổ. Phái thất kinh: Trời ơi! Sao lại thế này? Con ơi là con ơi!
Dư luận làng nước ồn ã: Nhà Manh Phái đẻ ra một thằng người quái đản! Bế con về, Phái thụt ngay vào buồng. ấn vú vào miệng con, chị phải vội quay mặt đi. Nước mắt giàn giụa, cay xót. Thằng bé mê mết bú. Nó bú mà như rút hết cả ruột gan chị, đau quặn. Cứ thế, bú khoẻ, ăn khoẻ, nó mập mạp y một quả bí ngô không hề bệnh tật, sâu si. Chỉ khốn nỗi mặt mũi xấu xí, bung bủng với cái mồm méo mó, cái lưỡi thè lè đầy hết cả ra ngoài đôi môi dày như hai quả chuối mắn. Tóc đen mọc dựng đứng. Vành tai to chảy xệ. Đôi mắt thô lố, ai nhìn cũng không dám nhìn lâu. Đặc biệt cái lưng. Cái lưng gù gãy gập xuống. Chỗ gập u lên một cục xương. Dần dà người ta quen gọi nó là “thằng Gù”. Thằng Gù lớn lên bao nhiêu, vợ chồng Manh Phái càng lo lắng, rầu rĩ bấy nhiêu. Ngày nở nụ cười hạnh phúc ôm đứa con gái đầu lòng trong tay quá ngắn ngủi. Xâm chiếm vào đó là chuỗi năm tháng lê thê nửa mê nửa tỉnh nuôi đứa con trai tật nguyền, dị dạng. Manh trở nên lạnh lùng, ít nói. Anh ta ngồi thừ hàng giờ. Đầu óc lộn xộn không đâu vào đâu. Đang đàng hoàng lại đẻ ra của nợ! Bỏ thì thương vương thì tội! Biết làm sao bây giờ? Quái! Sao chỗ lưng gãy nó lại đúng cái chỗ lưng thằng trộm mình đập chiếc thớt? Chả lẽ sau đó thằng trộm bị chết, hồn nó ám vào thằng bé này? Vô lý! Vô lý! Chết là hết. Làm gì có ma với quỉ!... Còn Phái, lòng chị đau đớn, tê dại không kể xiết. Đêm đêm, chị nâng giấc đứa con trong bao nỗi day dứt, mộng mị.
Cái đêm trăng mờ ảo ấy cứ nhoang nhoáng... Đúng cái lưng... Đúng cái thớt... Cái thớt, vài hôm sau Phái đang băm rau cho lợn thì bỗng nhiên bửa đôi. Xem kỹ, là do vết nứt bị rớm sẵn. Cái thớt bằng gỗ nghiến từ đời bố mẹ chồng, rắn đanh vậy mà đến ngày vỡ được? Chắc anh ta phải đập rất mạnh, không biết kinh tay? Trời ơi! Sao lại gieo nỗi khổ này cho con? Con có trêu ghẹo chi đâu mà Trời lại đầu thai nó vào cửa nhà con? Khổ, thì mấy con cũng chịu được. Nhưng còn thằng bé, nó sẽ sống thế nào đây? Nhiều khi cơn ức chế nghẹn chững cổ, Phái bật trách chồng:  -Tại ngày ấy anh đánh người ta! Quả báo đấy, anh biết không? -Báo hổ gì? Chẳng qua không may... số nó không được làm người... Manh bao biện: Của đau con xót. Mất của, ai chịu được?
Thằng Gù là thần giữ của. Đố ai lấy được của nhà nó thứ gì. Bắt đầu từ cái hôm bà cụ Diệu sang mượn chiếc sàng gạo. Đang lê la vày đất ở góc sân, nó lao theo đòi lại. Cái lưng gù, mà tay nó cứ vít chặt lấy cái sàng không buông ra. Bà cụ Diệu còn cố trêu: -Của bà chứ! Bà cho mượn nay bà lấy về! Nó liền lăn đùng ra sân, giãy đành đạch. Phái phải dỗ mãi mới xuôi. Từ dạo đó, hàng xóm mượn cái liềm cái cuốc, con dao con rựa, dù bố mẹ nó cho, cũng phải qua nó. Khi nào đầu nó ngẩng lên, gật xuống, cái lưỡi không lè ra, ấy là được. Gù, nhưng nó lại tài leo trèo, bám cây cối dính như thạch sùng và nhanh như sóc. Lưng nó là chiếc thước góc di động. Nó dám ngồi vắt vẻo đầu cành, buông cành này đu sang cành khác. Đám trẻ con trong xóm cũng phải phát khiếp. Khách đến nhà, đang ở đâu, loáng cái nó đã xuất hiện, ra sân múa may quay cuồng, dẩu mồm, lè cái lưỡi dài ngoẵng ú ớ nát nộ người ta. Rồi nó leo thoăn thoắt lên cây cau, bám vào buồng quả. Lại tụt xuống tăm tắp như một con ròng rọc. Cạnh chạn rửa bát có cái cọc ba chạc bằng cành xoan cắm xuống để gác chậu, gác rá vo gạo hoặc gác cái gáo dừa múc nước. Nó thường trèo lên đó ngồi thu lu, xoay mấy vòng trêu ngươi khách. Người yếu bóng vía mới gặp, ít ai chịu nổi, đều lẳng lặng rút lui khỏi ngôi nhà như có ma hiển hiện. Đi đâu còn bơn bớt. Về tới nhà là lòng Manh nặng trĩu như đeo đá. Anh ta cũng chẳng thèm nhìn xem thằng Gù ra sao. Mặc xác mẹ con nó với nhau. Giá có phép mầu biến nó khỏi căn nhà, Manh cũng sẵn sàng đánh đổi cả gia tài cơ nghiệp này cho nhẹ thân.
Càng ngày thằng Gù càng bách chách, leo trèo tứ tung, không ngơi chân ngơi tay. Chốc chốc lại loảng xoảng tiếng những chồng bát đĩa, những xoong nồi bị nó đánh vỡ, đánh rơi. Ban ngày, nhà động có khách là nó quăng mọi thứ đang chơi và nhảy ra trước sân nhăn nhở đe nát. Ban đêm nó thức tròng tròng. Khi buồn ngủ nó nằm lăn bất cứ chỗ nào, mặt mũi nhểu đầy dớt dãi. Dậy là rống ông ổng, ư ử một hơi chẳng ra khóc chẳng ra kêu. Lắm đêm đang ngủ nó nhảy phốc khỏi giường, ỉa đái lênh láng nền nhà. Phái dở khóc dở mếu, vừa dọn vừa lưng tròng nước mắt. Thoắt cái, đã nghe soàn soạt bên ngoài. Nó đã leo lên tít ngọn cau, rồi thả mình xuống tận gốc. Phái hết cả hồn vía. Còn Manh lẩm bẩm: “Không chết quách đi cho rồi!”
Một lần, vợ chồng gánh phân xuống thuyền chở ra đồng bón lúa. Phái vừa chống sào rời bến, Manh kêu buồn đi ngoài, bèn chạy về nhà. Ra ao đứng nghĩ một lát, Manh hí húi xếp ba hòn gạch trên bờ và cắm một cây cọc gỗ lập lờ dưới mặt nước. Rồi anh ta lấy chiếc ghế đẩu đặt ba chân lên ba hòn gạch, một chân lên cây cọc. Thoạt trông, chiếc ghế có vẻ chắc chắn dưới tán cây. Xong đâu đấy, Manh bế thằng Gù đặt ngồi lên và trừng mắt trỏ tay vào cành cam trĩu quả la đà mặt ao: -Ngồi đây trông cam kẻo trộm nó lấy. Chiều bố về cho ăn cơm cá nướng, nghe chưa? Anh ta chắc mẩm thế nào nó cũng ngã xuống ao. Có đau cũng chỉ đau một lúc... Không ngờ chiều về, vẫn thấy nó ngồi nguyên chỗ cũ. Hình như có người, nó mới được dịp trổ tài “biểu diễn”? Nó lè lưỡi, xoay một vòng đít trên mặt ghế rất điệu nghệ, không hề suy suyển. Lạ thật. Chênh vênh thế kia đến mình sơ ý một tý cũng té nhào cả ghế. Đằng này... Nó là ma chắc? Thấy con làm trò mạo hiểm, Phái quăng quang gánh, te tái chạy ra: -ối giời ơi là giời ơi! Sao con tôi lại nghịch thế này? Vào với mẹ đi... Nào... vào đây! Mẹ lấy cơm con ăn...
Năm ấy, máy bay giặc Mỹ bắn phá rất dữ dội. Bom nổ ùng oàng suốt ngày đêm. Khói đít máy bay ngoằn ngoèo trên bầu trời xanh rợn. Tên lửa của ta rạch những đường lửa sáng chói đuổi theo. Làng Mai Đông dưới chân núi An Lập có một trung đội dân quân trực chiến trên đỉnh đồi để đón lõng bọn máy bay từ biển bay vào. Một buổi chiều mùa hè. Phái đi chợ. Manh cõng thằng Gù vượt mấy cánh đồng ra trận địa. Tới nơi thì mặt trời sắp lặn. Manh nói khó: “Bố con tôi ở làng bên kia đi ăn giỗ về qua. Tối mất rồi, tôi ghé vào đây xin các cô các chú cho nghỉ nhờ. Nằm dưới gốc cây cũng được!” Đám dân quân ái ngại. Biết Manh với thằng bé là người trong huyện, sau họ cũng dành cho chỗ ngủ trong một căn hầm chữ A dưới mé đồi... Nửa đêm về sáng, lừa thằng bé ngủ say, Manh bí mật lẻn khỏi trận địa. Trong sâu thẳm chán chường, Manh muốn bỏ thằng Gù ở đó với hy vọng ngấm ngầm: nếu máy bay giặc bắn phá trận địa, trận địa sẽ trúng bom. Thằng Gù sẽ... Thực chất, anh ta muốn mượn tay máy bay Mỹ để thằng Gù có làm sao thì sự đã rồi. Nhưng trớ trêu thay, suốt một tuần lễ lại không hề có chiếc máy bay nào bén mảng tới. Thằng Gù ở đâu bỗng thập thò đầu ngõ. Nó ú ớ đầy mồm lưỡi: -ố... ố uơi... u u... uơi... ú uờ... Những ngày đó, biết dã tâm của chồng, Phái khóc cạn nước mắt: -Dù sao nó cũng là giọt máu của anh do tôi dứt ruột đẻ ra. Anh nỡ thế ư? Không nuôi thì để tôi nuôi! Manh đứng phắt dậy, bỏ đi: -Thà đau một lần còn hơn để nó hành hạ cả đời!
Không chỉ là gánh nặng về nuôi nấng, hầu dọn, thằng Gù còn là cái gai, cái nêu bêu riếu sĩ diện gia đình Manh. Người đời cũng đâm mặc cảm, xa lánh. Bạn bè, khách khứa thưa vắng. Uy tín ông đội trưởng cũng nhạt dần. Cô con gái lấy chồng trên Phú Thọ mải làm ăn cũng ít lui về thăm hỏi. Manh bỏ chức đội trưởng, sinh nghiện rượu, lấy rượu giải sầu. Ông ta đi lang thang khắp nơi trong xóm, ngoài làng. Lúc ra ruộng vần vò những quả bí, lúc bơi xuống sông, lội xuống ngòi quẫy đạp thùm thùm, lúc lặn ngụp dưới ao như tìm một thứ gì, mãi không thấy. Thằng Gù đã là một anh chàng tròn như con gấu cuộn gập cái lưng trên bờ vỗ tay ú ớ: “Oan... ô... oan ô...” Trăm con mắt cùng nhìn: Nhà Manh Phái mắc mứu chỗ nào? Đẻ con dị tật. Giờ lại đến chồng hoá dại thế kia!... Một ngày, người đi làm đồng chạy về hô hoán:  -Ôi làng nước ơi... Ông Manh chết đuối... trên cạn... Mặt úp xuống ruộng... Ngoài cánh đồng Ao Lấp...
Gánh nặng dồn lên đầu bà Phái. Hai mẹ con, hai cái bóng trong căn nhà trống huếch, lạnh lẽo, âm u. Thửa ruộng không trồng bí ngô nữa. Thay vào đó, bà trồng những luống rau gia vị, hành tỏi và rất nhiều gừng, giềng đem bán cho các quán thịt chó, thịt mèo. Dù sao bà cũng phải cố nuôi thằng Gù, được đến đâu thì đến. Rồi một hôm, bà đi chợ vắng. Cơn mưa rào đầu mùa đổ xuống. ở nhà một mình, thằng Gù đẵm nghịch cả buổi ngoài sân, ngoài vườn. Nó thích chí leo cây, lăn lộn cái lưng gù dưới mưa. Tạnh mưa, bà mới về. Bước vào ngõ, bà giật mình thấy con nằm gục còng khoeo vắt nửa thân gù lên hiên nhà, còn thân dưới co quắp hứng giọt gianh còn lã chã. Bà rú lên gọi hàng xóm. Bị nhiễm nước mưa mới, thằng Gù sốt như lửa, mê man, giãy đạp. Nó hét cả đêm. Một thứ âm thanh reo réo, khàng khạc, ghê rợn. Gà gáy, không thấy thằng Gù rên la, bà vột dậy. Nó đã cứng từ lúc nào. Cái lưng thước góc mấp mé ngoài thành giường. Nó không còn trên cõi trần để leo trèo, đe nát được nữa. Bà vật vã, khóc rũ rượi. Vậy là hết! Ông Manh ơi! Ông cố giữ ruộng bí... Được bí, mất người! Đành mất giống... thế này đây!...
Quẩy quang gánh sang nẻo chợ bên này sông, bà buôn bán lặt vặt mớ rau mớ củ kiếm sống qua ngày. Thương cảnh độc thân từ nơi khác đến, cán bộ địa phương cắm cho bà một miếng đất cuối xóm để bà lợp túp nhà nhỏ. Mỗi lần ra chợ, nhìn thấy quả bí ngô người ta bán, bà lại rùng mình, co rúm như bị cảm rét. Hình ảnh thằng bé nào đó trong thiên hạ và hình ảnh thằng Gù con bà lại hiện lên, lúc mờ lúc tỏ. Thằng bé kia thì không rõ mặt. Mặt nó chập chờn, dao động, thoắt xa thoắt gần. Còn thằng Gù, bóng nó vẫn gù dính vào cây cau, cây ổi. Miệng nó vẫn đầy lưỡi gọi u uơi... u uơi!... Nếu còn, thằng Gù cũng suýt soát tuổi bốn nhăm. Chao ôi, bốn mươi nhăm năm bà lầm lũi sống, chịu đựng cơn ác mộng. Bốn mươi nhăm năm đau đớn, tiếc nuối và ân hận. Bốn mươi nhăm năm, kể ra nó là một cục vàng!
Sáng sáng ra chợ, việc đầu tiên bà thắp nén nhang, chắp tay lễ vọng cửa đình, rồi mới bày những mẹt hàng. Mùi nhang khói khiến lòng bà phần nào vợi bớt nỗi niềm. Ban đầu dân chợ cũng để ý: -Cái bà này hay thật! Ngày nào cũng thắp hương! –Dạ, nhà em quen mất rồi! Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Năng vái năng lạy, Phật Thánh sẽ phù hộ độ trì, các bá ạ! Trong thâm tâm bà muốn chuộc lỗi, cầu mong quỉ thần hai vai chứng giám cho bà. Thực tình ngày đó bà đã cố can chồng, nhưng không kịp. Bà đành lặng lẽ gánh lấy tội này...
Ngày tết Đoan Ngọ năm nay đã đến. Bà Phái đang nhắm mắt tư lự với nén hương trên tay, thì tiếng một người đàn ông vang lên: -Chào bà! Tôi đến mở hàng, mua gừng cho bà đây! Bà choàng tỉnh: -Ôi! Chào ông! Bà dụi mắt: Lại cái ông chết tiệt! Trước mặt bà, sau ông ta còn có một người đàn ông già nua, khắc khổ với tấm lưng gù vuông góc, nổi một u xương trong lần áo nâu sồng, miệng lưỡi đầy lè ra phía trước... Bà sửng sốt, hét lên: -Ôi! Ai như... Thằng Gù con tôi! Bà nhao tới cầm chụp lấy đôi tay người gù và chụm lại: -Tôi mơ hay tỉnh đây? Ma hay người thực đây hở giời? Sao lại thế này? Ông khách mua hàng vỗ vỗ vai bà, giọng nghẹn ngào, xúc động:
-Bà ơi! Bà không thể biết được! Làm sao bà có thể biết được! Thời trẻ con... ai chả có lúc dại dột! Bốn mươi nhăm năm qua anh em tôi phải dắt díu nhau để sống. Ông bà không thể hiểu anh tôi đã vượt lên cái chết như thế nào đâu. Ngày ấy chúng tôi ở một làng khác. Đói quá phải mò đến ruộng bí ngô trộm bí về nuôi cha ốm...
-Trời ơi! Ông tha tội cho chúng tôi! Tha tội cho tôi! Đây chính là thằng bé... là ông ấy ư? Người lấy trộm bí ngô đấy ư?
Dương Phương Toại