Ca Dao Mẹ - Quang Dũng
Những bài hát hay ý nghĩa về cha mẹ
Nhân mùa đại lễ Vu Lan,
Thành tâm dâng đoá hoa vàng tặng cha...
Cha dù nay ở rất xa,
Tình cha luôn vẫn chan hoà trong con
NM
SẮC
ĐỜI
Ngày lên nắng mới
Thấy nụ Phật cười
Dâu biển một đời
Sắc không nửa sợi.
HOA
PHẬT
Nhìn hoa cười lặng lẽ
Giữa khuya tàn mênh môngVầng trăng tâm ảnh chiếu
Một nét ngời sắc không
Người đâu trong cõi mộng
Nói mãi chuyện đời hưHoa đã ngàn năm sống
Phật hiện giữa vô cùng.
MỘT
THOÁNG TRẦN GIAN
CƠN
HUYỄN MỘNG
Gió nào thổi trên non còn giọt nắng
Khúc ca đời nào vọng giữa không hưNgười ở lại với mai già câm lặng
Ta mỏi mòn đi mãi giữa hoang vu
Này đất cũ nhớ không bờ giếng cũ
Những đá mòn kể mãi chuyện ngày xanhĐời cô tịch ngàn năm rồi ủ rũ
Chuyện ngày xanh biệt dấu giữa sương mù
Ôi bến cũ có còn không gió thoảng
Thả hương về lay động mảnh trăng côiNgười dõi mắt đợi chờ cơn bão nổi
Ta lang thang trời đất chuyển thay màu
Khi non nước một chiều tàn máu lệ
Và một chiều mưa trắng vẽ tang thươngLà ta thấy trần gian trường huyễn mộng
Chuyện có không như bóng ngã trên đường.
XUÂN TÂM
Rừng mai xưa chim hót
Người mở lối đi vềXuân tâm vầng trăng hiện
Đâu chẳng phải là quê
Nhịp đời trong hơi thở
Sống chết có nhau làThong dong về chốn cũ
Cười với bóng chiều sa.
NGUYÊN HẠNH
CÒN
MỘT CHỖ ĐỂ TRỞ VỀ
Tôi bỏ mẹ mà đi tu từ khi mới vừa học xong mẫu giáo. Ngày đó
tôi không còn hình dung ra thế nào. Chỉ còn chút ám ảnh mơ
hồ là giọt nước mắt lấp lánh trên khuôn mặt nặng buồn của mẹ;
là tiếng mẹ tôi–mà sau này nghĩ lại, tôi mới nghe được hết
cái nghẹn ngào tủi hờn trong đó–“Thôi, đi đi. Ði ở với
người ta cho sướng. Ở với mẹ khổ quá mà!” còn lấy chút
ám ảnh mơ hồ này là vì, những gì đó đã đọng lại trong trái
tim thơ dại của tôi, đã hiện lên và vang động trong những
đêm đầu tiên, tôi nằm một thân một mình như đứa trẻ mồ côi
dưới mái ngôi chùa nhỏ ở một quận lỵ trên miền cao nguyên
lạnh lẽo, xa vời, cách biệt. Ðứa bé là tôi đó đã khóc với
nỗi cô độc đầu đới của mình, lặng lẽ trong nhiều đêm lạnh
với giọt nước mắt mẹ, với khuôn mặt mẹ buồn, với tiếng nói
như xa như gần của mẹ trong cái buổi sáng mẹ tôi đưa tôi đi
tu. Rồi cũng thôi. Tôi không khóc nữa để còn cắp sách đến
trường, để sớm chiều còn lo học kinh kệ. Nhưng những đêm đầu
tiên đó cũng đã đủ cho tôi giữ chặt trong lòng để khi nào
nghĩ đến cũng mường tượng ra, dù mơ hồ, cái hình ảnh xa vời
của ngày tôi bỏ mẹ đi tu.
Cuộc chiến tranh 1947-1954 trên quê nghèo xơ xác từ bao đời
đã làm cho cửa nhà cha mẹ tôi tan nát mấy bận. Cơm không đủ
ăn, phải sắn khoai đắp đổi qua ngày. Một chiều đông, sau
cơn lụt tháng mười gạo thóc để dành cho những ngày rét mướt
bị hư hao, cả nhà ngồi quanh cái mâm… không cơm, mẹ phán
“từ rày, mỗi bữa mỗi đứa chỉ được một chén cơm lưng thôi.”
Ðứa bé là tôi không hiểu nỗi cơ hàn vây bủa đang đè nặng
trong lòng mẹ thế nào, đã ấm ức và gan lì chấp nhận, tự hẹn
sẽ không bao giờ ăn chén cơm thứ hai nào nữa. Ðể rồi, mặc
cho mẹ buồn, mẹ giận, mẹ năn nỉ, đứa bé là tôi cũng nhất
định sống với cái “khẩu quyết” một bữa một chén dễ
chừng đến cả mấy tháng về sau, ngay cả khi cơm gạo đã có đủ
cho cả nhà tạm no bụng. Mùa đông nơi quê tôi lạnh rét đến
như cắt da cắt thịt. Hình ảnh mẹ trong những đêm đông mưa
gió mới thật là não lòng. Dưới mái nhà tranh rách nát vì bom
đạn chưa được sửa chữa, lờ mờ bóng mẹ ngồi co ro nơi một góc
nhà ướt đẫm, lặng nhìn mấy anh chị em chúng tôi cuốn tròn
trong những manh chiếu rách hay tấm vải bố tả tơi nơi một
góc nhà còn khô ráo. Có lẽ, đây là hình ảnh gây ấn tượng sâu
nhất nơi tôi; đến nỗi trong suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, hễ
cứ nhìn thấy mưa gió ở đâu trên mặt đất này là lòng tôi cũng
chùng xuống với cái hình ảnh đã trở thành kinh nghiệm đầu
đời gắn liền với thịt da mình “bên ướt mẹ nằm, bên ráo
con lăn…” để cho nỗi thương thân mình thì ít mà nỗi
thương thân mẹ thì nhiều.
Thân mẹ tôi đó. Cả một đời còm cõi dưới sức nặng của cuộc
sống đầy những tai trời, ách nước, họa người. Tôi không có
nhiều năm tháng sống với mẹ để có thể hiểu được sức chịu
đựng của mẹ như thế nào. Lại đi tu ở những miền xa hun hút,
không thư từ liên lạc, không một kẻ đồng hương lai vãng
trong suốt nhiều năm trời. Chỉ còn chừng đó kỷ niệm về mẹ
của cái thời tôi mới lên 5, lên 6 trong cảnh nghèo da diết
với đói, với lạnh và với mẹ. Nhưng chính vì chỉ có chừng đó
mà kỷ niệm thành mạnh, thành sâu, thành đáng trân trọng hơn
cả món quà hiếm hoi nào của đời sống này cho tôi.
Mãi đến năm 1963, khi đã bắt đầu lớn, từ Nha Trang về ở Phật
Học Viện Báo Quốc, Huế, tôi mới có cơ hội về thăm mẹ. Nhưng
cũng chỉ hai, ba lần của năm này. Rồi thôi. Mẹ rồi lại xa
biền biệt khi tôi như một tu sĩ “du phương” năm này chốn
này, năm sau đã chốn khác. Rồi Tết Mậu Thân 1968. Rồi Ðại
Lộ Kinh Hoàng 1972. Mẹ bị vây hãm trong vòng lửa đạn mấy
lần. Chị tôi kể, lần đó, chiến tranh sắp tràn về làng, chết
chóc rình rập ở khắp mọi nơi, ai ai cũng kinh hoàng lo chạy
loạn, con cháu đem võng lên để võng mẹ cùng đi. Nhưng năn
nỉ, lạy lục bao nhiêu mẹ cũng từ chối, chỉ sợ mình làm vướng
tay, vuớng chân của con cháu mà thôi. Mấy chị tình nguyện ở
lại với mẹ, mẹ cũng không cho mà bảo “đã lấy chồng thì
phải theo gia đình chồng cho trọn đạo. Ở lại với mệ có bề gì
thì lấy ai lo cho các cháu. Ðể mệ một mình niệm Phật mà yên
thân mẹ hơn. Thôi, đi đi. Ðừng có ở đó mà mệ lo mệ chết bây
chừ.” Thế đành là phải gạt lệ bỏ mẹ ở lại với không một
ai giữa xóm làng hoe vắng. Rồi chiến tranh đến. Rồi chiến
tranh đi. Hơn một ngày sau, con cháu cùng với dân làng lục
tục trở về. Chạy vội đến ngôi nhà của mẹ, con cháu thảng
thốt chỉ thấy một nền nhà trống không. không cột, không kèo,
không một vết tích gì của ngôi nhà còn lại bên cạnh một hố
sâu dưới gốc cây ổi chỉ còn tan tác những cành và lá. Mẹ
làm sao mà sống sót được nữa với cảnh hoang tàn này! Con
cháu vừa khóc lóc vật vã vừa lo đi tìm xác mẹ về chôn cất.
Bỗng đâu, một đứa cháu kêu lên: "Mệ đây. Mệ đây. Mệ còn
sống." Mọi người vội chạy lại. Nơi đó là cái ao bao
quanh vườn nhà đã khô nước. Mẹ ngồi dưới đó, miệng mấp máy
như đang niệm Phật với xâu chuỗi cầm ở trên tay. Vực mẹ đứng
dậy rồi bồng mẹ lên. Không một vết thương nào trên thân thể
mẹ. Mẹ chỉ mệt mà nói không ra lời. Ðể mẹ nghỉ ngơi, uống
nước, ăn cháo. Rồi con cháu bao quanh nghe mẹ kể: "Mấy
đứa bây đi hết rồi, mệ mặc áo dài, ngồi trước bàn thờ niệm
Phật cả ngày. Mệ chẳng biết họ bắn nhau ở đâu. Chỉ nghe một
tiếng nổ kinh hoàng rồi mệ ngất đi. Ðến khi tỉnh dậy thì
thấy nằm ở đó mới hay là mệ còn sống. Phật cứu mệ. Mệ chỉ
biết vậy chứ chẳng còn biết gì khác."
Chị tôi nói, trong khi ai cũng sợ đến hãi hùng thì mẹ tỉnh
táo chi lạ. Nghe mẹ kể và thấy cảnh trước mắt, ai cũng cho
là phép lạ Phật cứu. Tôi, tôi cũng cho là phép lạ. Ðã nghe
quý thầy kể, đã đọc trong kinh sách nhiều những phép lạ;
nhưng thú thật, con người lý trí và chỉ biết sống theo những
suy nghĩ và hiểu biết của một tu sĩ nơi tôi có biết thì chỉ
biết vậy, không bài bác bao giờ mà cũng chẳng có gì gọi là
tin tưởng sâu xa để phải xem là quan trọng mà bận tâm tìm
hiểu. Nhưng khi trở về nhà, mấy tuần sau trận chiến, ngồi
trên nền nhà trơ trọi, với mẹ, với mấy chị và em, nghe chị
tôi kể, lần đầu tiên tôi mới cảm nghiệm được thế nào là phép
lạ thực sự có mặt trong đời sống này. Phép lạ là sống an vui
với những gì bất toàn hữu hạn của thế gian này. Là đi trên
mặt đất, là từng bước nở hoa sen như sau này, một vị thầy
từng dạy. Và điều đó chỉ thành tựu khi con người có Niệm
Lực, Ðịnh Lực chân chánh và vững chãi, có Trí Tuệ thuần
khiết và chân thực để sống an nhiên với mọi cảnh. Nhưng ở
một bình diện khác - và chỉ lúc này mới là lần đầu tiên tôi
cảm nghiệm - phép lạ còn là một cái gì đó nằm ngoài mọi ngôn
từ lý giải, mọi đầu óc nghĩ suy tinh tế nhất - những thứ
luôn luôn đòi hỏi tính cách xác thực cho mọi chân lý được
phô diễn - để có thể gọi đó như một năng lực nhiệm mầu. Bởi
làm sao ta có thể đòi hỏi một lý giải mang tính xác thực về
nó khi cái gọi là xác thực với ta đang sống đây rút cùng
cũng chỉ là hư ảnh? Trong biển nghiệp trùng trùng với cái
chết vây bủa bốn bề như trường hợp của mẹ đây, mẹ chỉ
ngồi đó niệm Phật với duy một niềm xác tín ở Phật không thôi
mà sự sống được bảo tồn nguyên vẹn. Có một kẽ hở mong manh
hiếm hoi nào giữa vòng vây của cái chết và một năng lực
nhiệm mầu nào đẩy mẹ vào ngay đó cho phép lạ có thể xuất
hiện? Trong cảm nghiệm sâu xa ở mẹ, tôi nhận ra một điều:
trong biển nghiệp mênh mang này, ở đâu mà không có nguyện
lực của chư Phật, Bồ Tát, của những trái tim thuần khiết
nguyện sống vì đời! Và, một niềm xác tín mạnh mẽ có thể xô
dạt lớp lớp sóng nghiệp để ta đi vào ngay trong biển nguyện
lực đó - điều mà những đầu óc say mê lý giải với những gì
gọi là xác thực của đời sống hư ảo này không thể làm được.
Chiến tranh triền miên. Không ai sống chỉ để đợi chờ phép
lạ. Tôi tìm cách đưa mẹ vào Sài Gòn. Phải nói là tìm cách
bởi vì với mẹ lúc đó, hình như không thể tưởng ra được có
một đời sống nào của mẹ ngoài mảnh đất quê nhà mà những nấm
mộ của tổ tiên bao đời còn đó và họ hàng ngày nay còn đó. Dù
đói lạnh đến mấy. Dù chết chóc rình rập đêm ngày. Và dù cho
những đứa con trai của mẹ có sống ở phương nào. Cuối cùng
thì mẹ cũng vào Sài Gòn. Nhưng chỉ được vài hôm. Không ai
cầm lòng nổi khi thấy mẹ ngồi ăn mà chén cơm chỉ chan toàn
nước mắt. Mẹ đòi về mặc cho bom đạn có gieo rắc chết chóc
đêm ngày ở đó. Mẹ đã chẳng màng chi đến sự an toàn của bản
thân thì sá gì những tiện nghi cho một đời sống ở Sài Gòn mà
có thể cầm chân mẹ được. Thế rồi, mẹ về. Mẹ về để sống với
mảnh đất quê cha đất tổ, với cháu con họ hàng còn sống sót ở
đó. Mẹ về để trọn nghĩa thủy chung với ông bà, và với cha đã
nằm xuống trước.
Chỉ đến sau 1975, họ hàng con cháu bỏ làng ra đi tìm sự sống
cho lớp trẻ mai sau, mẹ mới đành theo con cháu mà đi vào
Nam. Cũng một nỗi buồn trĩu đầy trong mắt mẹ. Cũng những
ngày ăn cơm với nước mắt chan hòa. Xa làng. Xa xóm. Xa nấm
mộ tổ tiên ông bà. Mẹ héo hắt với những giọt lệ của tuổi
già. Nhưng rồi, với con với cháu, mẹ dần nguôi ngoai. Mẹ
không đòi về nữa. Mẹ dấu kín nỗi buồn tận đáy lòng cho cháu
con còn có chút niềm vui. Mẹ tìm nguồn an ủi cho riêng mẹ
trong câu niệm Phật đêm ngày.
Mẹ thâm tín Tam Bảo đâu như từ thuở nào còn nhỏ chưa lấy
chồng. Tôi chỉ biết, niềm tin của mẹ sâu đến không gì lay
chuyển mà lại cực kỳ đơn thuần. Tin Phật thì mẹ niệm Phật,
thì đừng sát sanh hại vật, đừng làm điều bậy bạ cho Phật
quở. Tin Phật thì thấy ai mặc chiếc áo tu của Phật - không
kể lớn nhỏ, già trẻ hay tu kiểu gì - mẹ cũng chỉ một lòng
hết mực cung kính. Thấy ai đó nói gì về một người tu thì mẹ
gọi con cháu rầy ngay "đừng nghe theo người ta nói bậy mà
tội chết." Cực kỳ đơn thuần như vậy. Có lần, thấy mẹ
cung kính với một chú mới tu, có người bảo "mệ đừng làm
vậy vì chú còn nhỏ" thì mẹ bảo "Dạ... thì bây chừ chú
còn nhỏ nhưng mai sau chú tu chú cũng thành thầy, thành Phật
vậy." Mẹ vốn không biết đọc kinh, không học hỏi đạo
lý. Nhưng mẹ sống với Phật và với chỉ một câu niệm Phật cho
cả một đời thôi mà nhìn ai tu, mẹ cũng thấy ở người đó, một
vị Phật đang thành, sẽ thành. Có lẽ, cái tâm cực thuần của
mẹ cho mẹ thấy ra như vậy chứ mẹ nào có biết, đó chính là
cái thấy của Bồ Tát; và người tu đạo, học đạo trọn đời cũng
chỉ để làm sao có được cái thấy như vậy mà thôi.
Cái tâm đơn thuần. Cái sống của mẹ cũng đơn thuần rất
mực. Cả đời, mẹ chẳng biết xa hoa là gì. Có thể, đó là do
cái nghèo đã đeo đẳng mẹ suốt đời. Nhưng không hẳn
vậy. Không biết thuở nhỏ và sau này, từ khi tôi bỏ xứ ra đi,
mẹ ra sao. Chứ trong những tháng ngày ít ỏi sống với mẹ -
hoặc tôi không nhớ - như chưa bao giờ tôi thấy mẹ mặc một
chiếc áo dài nào khác ngoài chiếc áo dài màu xanh lam. Chiếc
áo đó, mẹ mặc để ngồi niệm Phật, để đi lễ chùa. Cũng chiếc
áo đó, mẹ mặc mỗi khi kỵ giỗ, hội họp bà con hoặc phải đi
đâu. Trong khi, đâu phải là mẹ không có những chiếc áo dài
khác. Phấn son thì chắc là chuyện không bao giờ có với
mẹ. Còn cái ăn cái uống của mẹ, không kể những năm tháng đói
lạnh, thì chẳng khác gì của một ông thầy tu ở núi ngày
xưa. Không cao lương mỹ vị đã đành, mà thảng hoặc, bữa nào
có miếng cá miếng thịt, mẹ cũng chỉ chan một chút nước cho
những người chung quanh khỏi buồn mà thôi. Một dĩa rau với
chén nước chấm là như đã quá đủ cho mẹ, ngay cả sau này khi
có điều kiện để ăn ngon hơn.
Từ bao giờ, mẹ chẳng có của cải riêng - hay có mà mẹ đã cho
hết các chị em tôi khi đi lấy chồng rồi, tôi không biết. Còn
bây giờ, kể từ khi đi vào sống ở Nam, thì mẹ thực sự chẳng
có gì gọi là của mẹ. Chẳng nhà cửa. Chẳng ruộng nương vườn
tược. Có chăng, là những nấm mộ của ông bà nội ngoại và của
ba tôi ở tận quê nhà Quảng Trị mà mỗi năm, dù già yếu (năm
nay đã 90 tuổi) mẹ vẫn về để thăm viếng và tự tay chăm sóc.
Trước đây thì thỉnh thoảng, sau này đều đặn hơn, mỗi năm hai
lần, tôi gởi quà và ít tiền về dâng mẹ. Nhiều người quen qua
đây nói, quà thì mẹ chỉ giữ lại chai dầu xanh và ít thứ
thuốc cần dùng những khi trái gió trở trời; còn thì đem cho
hết các con, các cháu. Tiền thì mẹ để một phần đem cúng
dường các chùa, một phần thì san sẻ cho "đứa nào" trong các
con, cháu bị sa cơ túng thiếu, và một phần khác nữa thì để
bố thí cho những kẻ nghèo khó quanh mình và đóng góp việc
làng, việc họ. Còn riêng mẹ, mẹ nào có biết tiêu gì cho mẹ
đâu.
Mấy năm trước, tôi muốn mẹ về ở một ngôi chùa nào đó để
"gần" với cảnh Phật hơn. Sư cụ Tuệ Ðăng, quý Thầy Huệ Minh,
Phước Trí, Ðạt Ðức... đều sẵn lòng mong và dành chỗ cho mẹ
về ở. Nhưng mẹ không chịu, ngại làm phiền quý Thầy, quý chú
mà tội; lại vì không nỡ xa con cháu. Thôi thì, tôi nghĩ, mẹ
đã ở với Phật ngày đêm; chỉ còn chút "nợ" với con cháu để an
ủi tuổi già nên thôi, không tính chuyện để mẹ lên chùa ở
nữa.
Mẹ vốn không học. Chữ nghĩa Thánh Hiền với mẹ là một cái gì
cao xa vời vợi. Suốt đời, mẹ lặng lẽ sống, không bao giờ bàn
chuyện thế sự, thị phi của ai đến độ tôi tưởng như mẹ không
biết chuyện gì trên đời này cả. Ngay với tôi, trong những
lúc dầu sôi lửa bỏng của cái thời "Phật Giáo đấu tranh", mẹ
có nghe người ta nói tới đấy. Nhưng khi gặp, mẹ cũng chẳng
bao giờ hỏi han để coi sự thế đi về đâu, trong đó có con của
mẹ. Mẹ chỉ thắp nhang mỗi sớm tối để cầu nguyện mà
thôi. Thảng hoặc, có la rầy con cháu thì cũng chỉ một
lời. Và cái lời gần như duy nhất mà tôi nghe được nhiều lần
là "làm người thì lo tu thân vi bổn, nghe con!" Bốn
chữ "tu thân vi bổn" ở ai thì nghe sách vở văn hoa
nhưng ở mẹ sao tự nhiên như hơi thở, như cái ăn phải có để
sống, nhẹ nhàng mà trầm thống chi lạ. Có lẽ, đó là chữ nghĩa
Thánh Hiền duy nhất trong đầu mẹ mà tôi được biết.
Còn chuyện dựng vợ gả chồng cho các anh chị em của tôi, tôi
không biết trong âm thầm mẹ lo như thế nào. Chỉ biết có một
lần, tôi nghe mẹ dặn dò với một ai trong số mà tôi không còn
nhớ "Này con, con mà thương ai thì đừng bỏ người ta mà
tội chết nghe con!" Hỡi ơi! Cái tâm cực thuần cho mẹ
nhìn ai cũng thấy Phật, cũng thấy là quý để chẳng nghĩ đến
"người ta" là xấu hay tốt mà chỉ sợ "người ta" khổ mà con
mình nên tội. Những quan niệm, lề thói suy nghĩ, toan tính
của thế hệ những người như mẹ như để dành cho ai khác. Còn
mẹ thì như chỉ nghĩ đến cái tội, cái phước để mong con mình
sống làm sao cho Phật Trời đừng bắt tội là đủ.
Ðã 18 năm rồi tôi bỏ xứ ra đi, xa mẹ. Mười tám năm. Thời
gian như cơn gió chiều hun hút, nào biết thổi về đâu! Mười
tám năm. Gần một phần tư của đời người. Tôi biết, mười tám
năm mẹ trông ngóng từng giờ, tôi về. Những lúc sau này, hẹn
trước, tôi gọi điện thoại để mẹ con nghe được tiếng nói của
nhau. Và lần nào cũng như lần nào, mẹ chỉ hỏi một câu:
"Chừng nào thầy về cho mẹ chộ một chút." Tôi điếng
người mà nói với mẹ: "Dạ... sớm muộn gì rồi con cũng về.
Mệ niệm Phật nghe." Rồi thôi. Mẹ không nói gì thêm
nữa. Tôi cũng chẳng còn biết nói gì thêm nữa cho mẹ an
tâm. Lại cũng khi nào, có người về thăm, gặp mẹ sang đây
cũng chỉ một lời nhắn nhủ đó của mẹ cho tôi.
Chừng nào thì thầy về cho mệ chộ một chút! Chừng nào!
Ðã rất nhiều khi, tôi muốn bỏ hết tất cả nơi đây để trở về
với mẹ - không phải chỉ để mẹ "chộ một chút" mà là để sống
với mẹ những ngày cuối cùng của đời mẹ. Tôi chỉ muốn được
làm một người con chăm sóc mẹ mình như bất cứ một người con
nào khác trên đời. Mấy năm trước, có Phật sự ở Thái Lan,
nghĩ đến khoảng cách chưa đầy một giờ máy bay, tôi đã muốn
về thăm mẹ. Nhưng rồi, chẳng phải vì lý do bên ngoài nào mà
chỉ vì, nghĩ đến mẹ, nghĩ đến mình phải sống làm người chân
thật, ngay thẳng không được quanh co dối trá với ai chuyện
gì như lòng mẹ mong muốn mà tôi đã ngậm lòng không về.
Mười tám năm. Tôi từng ôm mộng đi giữa đời, sống cho một
chút hoài vọng nào đó với cả tấm lòng mà nhìn lại, lại chỉ
thấy một cõi mù bay. Tôi đã ở bên lề những trò chơi
của triết lý, văn chương, của những nỗi khổ siêu hình nào mà
một thời tâm thức tôi thường vẽ ra; ở bên lề cả những trò
chơi với đủ thứ pháp tướng ít nhiều dính dáng tới Phật giáo
trong cơn hỗn mang của thế sự như phù vân lai khứ này. Nhưng
trong "nỗi riêng, riêng cả đến tình chung" đó, tôi đã
luôn có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi. Ðể cho tôi lớn
lên được giữa thời ngữa nghiêng này của thế đạo nhân tâm
trong từng bước đi quyết định của đời mình. Ðể nuôi dưỡng
tấm lòng tôi với Ðạo, với quê nghèo và với những kẻ bất hạnh
trên đời. Tôi mà có làm được chút gì cho ai bớt khổ thêm vui
trong suốt cuộc đời này, dù nhỏ như cây kim, cọng cỏ thì đó
cũng là vì có mẹ trong tôi như có Phật trong tôi mà thôi. Và
vì vậy mà tôi biết, sẽ có một ngày, tôi bỏ lại tất cả nơi
đây để về với mẹ. Tôi chỉ xin lạy Phật ngàn lạy, vạn lạy mà
cầu cho ngày đó đến trước khi quá muộn.
Mùa An Cư 1998, Houston, Texas
viết để dâng mẹ và để cho những con cháu của mẹ.
Con còn nợ Mẹ !
Trong tim con luôn mang hình ảnh mẹ,
Mẹ không sinh nhưng dạy dỗ dưỡng nuôi....
Cho đến khi cha khuất nẻo cuối đời,
Mẹ luôn gắng nâng con không gục ngã !
NMGiờ với con mẹ thật là cao cả,Cha bóng tùng, Mẹ biển rộng bao la....Bao năm xa con quay trở về nhà,Tìm đâu thấy mẹ tôi ngày xưa cũ ?!Con nợ mẹ biết khi nao trả đủ,Con vô minh nào có biết mẹ ơi...Đến bây giờ mẹ miên viễn trùng khơi,Con thấu hiểu mẹ ơi chừ đã muộn
Cuốn sổ nợ của mẹ kế
1 Cô không có ấn tượng gì về mẹ ruột của
mình, lúc mẹ cô bỏ nhà ra đi cô còn quá nhỏ, hai tuổi là cái tuổi không
có ký ức đối với một đứa bé. Sống với cha cho đến năm tuổi, thì cô có mẹ
kế. Không giống những gia đình khác là cha con cô sống ở nhà mẹ kế, xài
tiền của mẹ kế.
Mẹ kế có người con trai lớn hơn cô ba
tuổi, không ức hiếp cô, nhưng lại ít nói, thỉnh thoảng cũng dùng ánh mắt
lơ đễnh nhìn cô. Bà có một sạp bán trái cây, tình cảm đối với cha cô
cũng tốt, cơm nấu xong phải chờ cha cô về mới được ăn, còn chuẩn bị cho
cha cô một ít rượu ấm. Lúc đó cha cô đang làm thời vụ cho một công
trường với mớ lương ba cọc ba đồng.
Cô là một đứa bé sống lặng lẽ, ít nói,
không thân thiện với mẹ kế lắm. Mẹ kế đóng học phí cho cô, giặt quần áo
cho cha con cô. So với những đứa trẻ khác, cô không quá hạnh phúc, nhưng
cũng sống yên ổn.
Cuộc sống bình dị cứ lặng lẽ trôi qua,
cho đến năm cô lên mười tuổi, công trường nơi cha cô đang làm việc bị
sập do quá cũ, bốn người bị vùi trong đống đổ nát, trong đó có cha cô.
Lúc cô chạy đến bệnh viện, cha cô đã
được người ta phủ vải trắng lên người, bên cạnh là mẹ kế đang khóc lóc
vật vã. Cô đứng như trời trồng trước cửa phòng bệnh, con của mẹ kế ở
phía sau đẩy lưng cô “ Mau đi nhìn cha lần cuối…”, cô định thần lại,
nhảy bổ đến, khóc thét lên một tiếng rồi ngất đi trên mình cha cô.
Ngày đưa quàn, cô thẫn thờ bê bức di ảnh
của cha, nghe những người xung quanh xì xào, đứa bé thật tội nghiệp,
không biết có bị mẹ kế đuổi khỏi nhà không? Tối đó, cô mơ thấy mình quần
áo rách rưới, ăn xin ở ngoài đường, lâu lâu lại bị mấy thằng choai
choai chửi bới, ném đá vào người. Tỉnh lại, lần đầu tiên trong đời cô
cảm thấy tột cùng sợ hãi.
Sáng sớm, mẹ kế giống như thường ngày,
thức dậy nấu cơm, sau đó kêu cô dậy tựa như chưa hề xảy ra chuyện gì.
Đầu cô nhức, cô thấp giọng van nài “ Hôm nay con có thể không đi học
không? Con nhớ cha.”
Cô nghĩ bà sẽ đồng tình với cô, nhưng bà
lạnh lùng nói : Không được! Không đi học thì cha cô sẽ sống lại được
hay sao? Nếu ông ấy có sống lại cũng cho cô vài cái tát.
Hôm đó, cô đến trường trong nước mắt.
Trước lúc ra khỏi nhà, mẹ kế từ phía sau la tới : “ Châu Gia Ngọc, cô
nhớ cho kỹ, bắt đầu từ hôm nay tôi không muốn nhìn thấy cô khóc.”
Cũng từ hôm đó, mẹ kế hầu như không bao
giờ cười với cô, nói chuyện với cô cũng toàn nạt nộ, hoàn toàn khác xa
so với lúc cha cô còn sống. Cô nghĩ, quả thật là hành vi của những bà mẹ
kế. Mình nhất định phải mau lớn, nhanh chóng rời khỏi cái nhà này,
không bao giờ trở về nữa.
Năm học lớp bảy, lần đầu tiên có chu kỳ,
cô sợ hãi, hốt hoảng. Mẹ kế biết chuyện, vứt cho cô miếng băng vệ sinh.
Nhón lấy miếng băng mà cô không biết dùng như thế nào, bà không giúp
cũng không chỉ, nghiêng mắt nhìn cô, quát “ Châu Gia Ngọc, chuyện gì
cũng dựa vào người khác dạy mới làm được à?”
Chính giây phút đó, nước mướt uất ức
bỗng tuôn trào, cô biết bắt đầu từ đây, chuyện của mình tự mình làm,
đừng bao giờ trông chờ vào người khác.
Cô bắt đầu học cách giặt giũ, nấu nướng,
dọn dẹp nhà cửa, ngay cả khâu nút áo. Mẹ kế nói được làm được, bà không
còn giặt đồ cho cô lần nào nữa, và cũng không cần cô giặt đồ cho cả
nhà.
2.
Mẹ kế không được học nhiều, con trai của
bà thành tích học tập thuộc loại bình thường, tốt nghiệp trung học xong
thì chuyển sang học trung cấp. Nhưng bà ra lệnh cho cô phải được hạng
nhất, nên không thì đừng hòng trở về nhà.
Cho dù thành tích học tập của cô cũng
không đến nỗi tệ lắm, nhưng để giành được hạng nhất thì đó là một khoảng
cách quá xa. Cô hận, hận người mẹ kế độc ác, đối xử hà khắc với cô, cô
có cảm giác bà ta đang tìm trăm phương ngàn kế đuổi cô ra khỏi nhà này,
nhưng bây giờ cô không thể ra đi, cô không muốn trở thành một kẻ ăn mày.
Không còn cách nào khác, cô lao đầu vào
học. Học ngày học đêm. Đèn nhà người ta đã tắt hết, chỉ có đèn nhà cô
vẫn sáng. Có nhiều lúc không chịu nỗi cô nằm dài xuống bàn thiếp đi một
lúc, tỉnh dậy đi rửa mặt lại ngồi vào bàn học tiếp. Cô chán ghét việc
học, nhưng cô không có quyền lựa chọn, bắt buộc phải giành được hạng
nhất.
Kết quả thi cuối năm công bố, tên của cô
vượt lên hai hai mươi mấy người, xếp hạng ba. Đến chủ nhiệm lớp còn
kinh ngạc, một cô bé vốn dĩ lặng lẽ ít nói lại có thể xếp thứ ba trong
lớp. Ban bè ngạc nhiên nhìn cô, nhưng cô chỉ biết cắn chặt môi, không có
chút niềm vui của kẻ chiến thắng.
Tan học, cô ngập ngừng bước vào nhà, mẹ
kế chỉ vào góc tường mắng “ Đúng là đồ phế vật không có chí, quỳ xuống.”
Thì ra, trước khi cô về, mẹ kế đã đến nhà bạn học của cô hỏi thăm kết
quả.
Tối đó, cô cứ quỳ mãi như thế, đối diện
với bức tường cô không hề rớt một giọt nước mắt nào, cũng không nói một
câu yếu lòng. Vì hai tiếng “ phế vật” cô thề sẽ thi đậu đại học – trường
điểm, tốt nghiệp xong cô sẽ kiếm thật nhiều tiền, sau đó sẽ đem tiền
quăng vào mặt bà ta mà hỏi “ Năm xưa bà nói ai là đồ phế vật?”
3.
Chuyện mua bán của mẹ kế không được như
trước. Trước đây, thỉnh thoảng bà đem về một ít trái táo nhỏ, vài trái
cam, hay là những quả chuối đã chín rục, nhưng bây giờ rất hiếm thấy.
Mỗi ngày bà ngồi trên giường đếm từng tờ tiền, Tiền càng ngày càng ít.
Cô nhìn thấy hết, bây giờ cô chỉ cầu nguyện ông trời phù hộ đừng để cho
mẹ kế không kiếm không ra tiền, nếu không cô sẽ không được đi học.
Lần đó, một bạn học ở gần nhà đến tìm
cô, mẹ kế mở cửa, bạn cô nói “ Châu Gia Ngọc mượn sách tham khảo của
cháu, không biết đã xem xong chưa. Sắp tới thi tốt nghiệp phổ thông rổi,
cháu cần dùng gấp.”
Sách tham khảo không rẻ chút nào, một bộ
hai quyển dày cộp, giá hơn năm chục đồng một quyển, vì thế nhiều lần cô
muốn xin tiền mua nhưng không biết làm sao mở miệng. Không ngờ hôm sau
bà đưa cho cô tờ một trăm đồng, nói đúng ra là vứt vào mặt cô tờ bạc một
trăm, tựa như bố thí rồi nói “ Cầm tiền đi mua giống sách của người
ta”. Cô nhặt lấy, lòng vừa ấm lại một chút đã bị tạt nước lạnh “ Một
trăm này tôi sẽ ghi nợ, kiếm được tiền rồi phải trả tôi hai trăm, chính
cô nói sẽ trả tôi gấp đôi.”
Khi cô thật sự đậu vào trường điểm cấp
ba, tưởng mẹ kế sẽ nhìn cô khác đi, sự thật đã chứng minh cô giỏi hơn
đứa con suốt ngày chỉ biết ham chơi hơn ham học của bà ta. Nhưng mẹ kế
chỉ cầm lấy tờ giấy báo trúng tuyển cặm cụi lo tính tiền học phí, lâu
lâu lại lẩm bầm trong miệng “ Đúng là quỷ đòi nợ, nếu không nghĩ đến
việc sau này cô sẽ trả nợ cho tôi, thì tôi nhất định không tiếp tục nuôi
cô học nữa rồi.”
Cô thương lượng với mẹ kế sẽ ở trong ký
túc xá của trường, bà dí tay vào trán cô “ Ở trong trường không tốn tiền
à? Cô dùng ánh mắt khinh thường nhìn khuôn mặt đang thuỗn ra của bà,
không nói được gì, nghe theo lời bà ta, cô biết chỉ cần kiên nhẫn thêm
ba năm nữa thôi cô sẽ thật sự chiến thắng.
Ba năm sau, khi cầm tờ giấy trúng tuyển
đỏ rực trong tay, cô vẫn khóc. Lâu lắm rồi cô không khóc, nhưng lần này
cô phải khóc một trận cho thỏa thích. Trước khi đến trường đăng ký một
ngày, mẹ kế gói sủi cảo cho cô ăn, không nói gì, cũng không tiễn cô, đeo
túi hành lý to đùng sau lưng cô rời khỏi nơi mà cô không cho là nhà. Mẹ
kế quay lưng đi, để lại cho cô một bóng dáng lạnh lùng.
Dần dần, cô không cần tiền của mẹ kế gởi nữa, một mình cô kiếm thêm hai
chỗ dạy kèm, dù nghỉ đông hay nghỉ hè cô cũng không về nhà, tiền kiếm
tuy không nhiều nhưng cũng đủ để cô đóng học phí và trang trải cuộc
sống. Mẹ kế chưa bao giờ gọi điện cho cô, càng không bao giờ đến trường
thăm cô. Cuộc sống sinh viên muôn màu muôn vẻ, khi cô tìm lại được chính
mình cũng chính là lúc cô xóa hình bóng của mẹ kế ra khỏi đầu mình
4
Năm thứ ba, trước giao thừa, cô nhận
được điện thoại của con trai bà. Anh ta chỉ nói muốn cô về nhà một
chuyến, không nói thêm gì. Thật lòng cô không muốn về chút nào, tại sao
phải về? Ở nơi đó đâu ai có cảm tình với cô, và cô cũng chẳng có gì lưu
luyến với bất cứ người nào ở đó; có chăng chỉ là nợ nần, cái được gọi là
ân tình chẳng qua chỉ giống như bao nhiêu năm qua họ nuôi một con thú
trong nhà mà thôi. Nhưng cô nhất định sẽ trả, cô nghĩ chỉ cần cô tốt
nghiệp, kiếm ra tiền cô sẽ thực hiện lời hứa năm xưa của mình, trả gấp
đôi, sau đó giữa cô và họ sẽ không còn bất cứ mối quan hệ nào.
Về đến nơi, vẫn là ngôi nhà cũ, vẫn cách
sắp xếp cũ, chỉ là không gian có vẻ lạnh lẽo, cô quạnh. Anh trai ngồi
một bên hút thuốc. Cô không chủ động hỏi mẹ kế đi đâu, vốn dĩ nó không
phải chuyện cô cần quan tâm. Sau khi hút không biết bao nhiêu điếu
thuốc, anh trai đứng dậy đưa cho cô một quyển sổ cũ.
Đương nhiên cô nhận ra quyển sổ đó. Nó
là sổ nợ của mẹ kế, chuyên dành để ghi lại ngày tháng năm nào cô mượn
tiền, dùng vào việc gì. Có rất nhiều lần cô bắt gặp bà tẩn mẩn ngồi ghi
ghi chép chép, thấy cô bà gấp lại, nói “ Đừng tưởng cô mượn tôi bao
nhiêu mà tôi không biết, tôi ghi rành rành ra đây này!”
Cô cười nhạt, cầm quyển sổ, ngẩng đầu
lên nhìn anh ta một cái, hỏi “ Sao, bây giờ muốn tôi trả nợ à?”, bỗng từ
trong sổ nợ rớt ra một quyển sổ tiết kiệm, cô do dự mở ra xem, phía
trong ghi con số hai chục ngàn đồng.
Cô không ngờ, đó không phải là sổ nợ, mà
là nhật ký của mẹ kế, càng không ngờ rằng mẹ kế đã qua đời, đồng thời
để ngôi nhà cho anh trai, còn số tiền sang sạp trái cây để lại cho cô.
Cô không thấy quá đau buồn, có chăng chỉ
cảm giác sững sờ, tay cô run run lật từng trang nhật ký, tiếp theo là
run đến nỗi làm rơi quyển nhật ký trúng ngay chân mình. Cô ngồi thụp
xuống, nước mắt vỡ òa.
Mẹ kế nói, “Lão Châu à, ông yên tâm, tôi
không đi bước nữa đâu, vả lại liệu có ai chấp nhận người đàn bà một
nách hai con như tôi không? Tôi nhất định nuôi Gia Ngọc khôn lớn, trở
thành một đứa làm nở mày nở mặt cho ông.
Mẹ kế nói “ Ông đừng trách tôi quá nhẫn
tâm đối với con, Gia Ngọc không giống những đứa trẻ khác, nó không có
cha mẹ ruột ở bên cạnh, vì thế nó phải kiên cường, tự lập, nhịn nhục,
khắc khổ!”
Mẹ kế nói “ Gia Ngọc không giành được
hạng nhất, tôi phạt nó quỳ là quỳ với ông, nó không thi được hạng nhất
người nó có lỗi nhiều nhất chính là ông.”
Mẹ kế nói “ Lão Châu à, tôi xuất thân từ nông thôn, không được học hành
nhiều, tôi không biết mình dạy con như vậy có đúng không, nhưng Gia Ngọc
thi đậu đại học rồi, là trường điểm, nó có thể tự nuôi mình được
rồi…Tôi cười rồi khóc, khóc xong lại cười, đến lúc tôi phải nghỉ ngơi,
tôi mệt rồi!”
Mẹ kế nói “ Gia Ngọc, 5 tuổi con đã đến
sống ở nhà ta, ta xem con như con ruột của mình, đánh con thì đánh, mắng
con thì mắng, nhưng ta chỉ luôn hy vọng sau này con sẽ được nở mặt nở
mày với thiên hạ, sao con không về thăm ta?”
Mẹ kế nói, bệnh gan của ta càng ngày càng nặng, xem ra chắc không sống
được mấy ngày nữa, muốn kiếm một tấm ảnh để làm di ảnh cũng không có,
mấy năm trước chỉ mãi lo kiếm sống, sao không biết phải đi chụp một tấm
ảnh chứ…”
Ngải Phi ( TQ )
Nguyễn Ngọc Phụng (dịch)
Nguyễn Ngọc Phụng (dịch)
NGƯỜI CHA MẶT QUỶ - PHIM NGẮN CẢM ĐỘNG
LK Ký Ức Về Mẹ - Vắng Cha - Mẹ Tôi
Nhớ mãi tình Cha
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay....
Và còn có mẹ cha đây,
Một đời thương nhớ khôn khuây kiếm tìm...
NM
Ơi Cải về đâu
Mỗi lần nghe câu hát “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại…”tôi
hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng,thì cũng
có chanh chua, hằn học một tí, “Gió đưa thằng quỷ sứ về thành.Để tui ở
lại chành ành… đắng cay”. Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều…
Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dổi, nặng lời.
Và mình thì chưa bao giở yêu ai đến như vậy?!!!
Và mình thì chưa bao giở yêu ai đến như vậy?!!!
Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ
về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ mới quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm
Thương, nghe hay, mà khuôn mặt cũng ngộ, không đẹp nhưng bình thản,
lạnh trơ, không ra vui, buồn, đố ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc
nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre, nhìn hai người, cười héo hắt, “Ăn
bám mà kéo theo cả bầy”. Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ
thương lắm”.
Đêm đó ông già không ngủ được, thằng Thàn đi chơi nửa đêm mới mò về,
thấy ông ngồi khọm rọm ngồi ngoài vách mùng, điếu thuốc cháy lập lòe soi
bộ râu xơ xác. Thàn mở dây giày, hỏi, “Nhớ đoàn quá, ngủ không được hả
tía?”. Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xa xắc như lá rụng hoa rơi,
bần thần, điệu này hỏng biết cách nào tìm cho ra con Cải.
Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm. Lúc Cải mười ba tuổi, một bữa
mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Cả nhà tong tả đi tìm
nhưng mãi con nhỏ không quay lại. Vợ ông ôm cái áo con Cải khóc, bảo
chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà
khắc, đuổi xua. Ông đau mà không nói được một lời, ông đã nâng niu nó
khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù
biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời), đã sướng rơn khi nó gọi
tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc
giường trước kia nó ngủ. Có bữa, ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một góc,
nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu
lạc giữa đời. Như thế mà ông không thương nó sao ? Như thế mà không thương
à? Nhà buồn u buồn ám, vì đã ít người rồi bây giờ lại chẳng nhìn, chẳng
cười nói với nhau. Sau, người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở
một chỗ đất nào, họ kìn kìn lại coi (ai mà giàu tưởng tượng vậy không
biết). Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được
con Cải về.
Ai dè, biển người mênh mông. Mỏi chân, ông xin làm sai vặt trong đoàn
ca múa nhạc, để trước giờ diễn, ông mượn cái micro nói vài câu “Cải ơi,
ba là Năm Nhỏ nè con…”. Bữa nào thằng Thàn nhớ nhà, nghe câu ấy nó cũng
rướm nước mắt, bảo “con thương ông già con quá, tía ơi”. Hôm đi ba Thàn
còn cầm khúc bình bát bằng cổ tay rượt nó chạy ngời ngời, nhảy xuống
đò, nó ngoái lại nói để con làm ca sỹ nổi tiếng cho ba coi, thấy ông dứ
cây lên trời. Hai năm, ông già đã chỏng đầu cây xuống đất, tựa vào đó để
bước đi, tên tuổi Thàn mờ mịt. Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành
nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. Nhiều
bữa hát ế ngoi ngóp nằm nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng soát vé bị bọn du
đảng địa phương rượt chạy xịt khói, Thàn muốn về nhà nhưng xấu hổ, sợ
ông già cười khơ khơ khơ, hỏi “Con ơi, mầy nổi tiếng chưa mà trồi đầu về
đây rồi?”
Y hệt, ông già Năm Nhỏ cũng có nhà mà không về được. Đã đau quá trời
đất rồi, cái cảnh bà con hàng xóm xầm xì, chỉ trỏ, người ở xa dập dìu
thuê đò dọc lại nhà ngó ngiêng, đâu, thằng cha giết con đâu ? Đâu, con
nhỏ bị chôn chỗ nào? Ở gần thấy đông đúc nên bưng bánh dừa, trà đá đến
bán. Đã quá chừng đau, khi ông nhìn sâu trong ánh mắt của vợ mình thấy
không còn lấp lánh thương yêu, chỉ tối tăm những ngờ vực, hoài nghi, và
bữa ông đi, bà đứng giữa nắng trưa, cuốc đất. Chỗ đất còn mới tinh ông
vừa lên liếp, chỗ người thiên hạ ngó nhau, con Cải bị vùi dưới đó… biết
đâu…
Nên ông Năm Nhỏ trụ lại ngã ba Sương, tiếp tục cuộc kiếm tìm. Ông
mướn một cái nhà thấp, nhỏ như ổ mối, vừa đủ hai người còm nhom chui ra
chui vào. Ông vét túi trên túi dưới sắm một chiếc xe kẹo kéo có dàn nhạc
xập xình, kéo thằng Thàn theo. Ngày chạy ra bán ở chợ rau chợ cá, tối
ghé vài quán nhậu, khuya về đậu ở ngã ba, xe kẹo kéo của ông nổi tiếng
nhờ giọng ca nhừa nhựa của thằng Thàn, nhờ giữa hai bài hát có mục “nhắn
tìm con” buồn ác chiến.
Ngã ba Sương nhiều đêm thổn thức trong tiếng “Cải ơi !!!…”, nghe ngắc
ngoải như tiếng chim kêu giữa lưng trời. Con Diễm Thương cằn nhằn, quán
ế, buồn thấy mẹ rồi mà còn kêu Cải vơi vơi. Một bữa Diễm Thương bước
ra, thảng thốt gọi “Ba !”. Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi
run lập bập hỏi Cải phải hôn con. Diễm Thương gật đầu. Thiệt con là Cải
hả ? Diễm Thương níu tay ông rưng rưng gọi thêm một tiếng ba tha thiết.
Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn, trời đất, ba nhìn
không ra, bây lớn dữ dằn vầy. Ông đi vài bước, ông day lại nhìn Diễm
Thương (cho chắc là nó đang đứng đây, và có thiệt trên đời), ngước về
phía trời sao, rồi ngó thằng Thàn, ông cười, để miệng muốn méo sao thì
méo, “Tía kiếm có con Cải rồi, dễ ợt hà mầy ơi”. Nghe giọng là cuộc hành
trình ròng rãi mười hai năm của ông (và những oan khuất, buồn đau )
khép lại ở đây rồi. Ngày mai ông dẫn Diễm Thương về Cỏ Cháy, ngay trên
chuyến tàu đầu. Chắc vợ ông ra cửa che tay khum khum trên trán, hỏi ai
vậy cà, ông sẽ nói con Cải chớ ai, bà sẽ mừng hết lớn, phải còn trẻ thể
nào bà cũng nhảy cà tưng. Ông sẽ đưa nó đi dài xóm, khoe “Con Cải tui về
đây nè, bà con coi, nó lớn quá chừng hen”, vẻ mặt không giấu được hả hê
(vậy mà mấy người nói tui giết nó).
Nghĩ đến đó, nước mắt ông tuôn dài. Diễm Thương cười, đứng dậy khoan
khoái phủi tay, nói “Không ngờ mình diễn quá hay”, rồi nó khom người,
nhìn sâu vô đôi mắt ràn rụa của ông già, mặt tỉnh bơ ba khía, mỉa mai,
“tui giởn đó, ông làm ba kiểu gì mà không nhớ mặt con gái mình ?”.
Và cơn mơ hết. Diễm Thương đi gom tiền thắng độ, đám tiếp viên léo
nhéo nhằn ông già sao mà dễ tin, làm họ mất mấy chục ngàn. Diễm Thương
lạnh lẽo cười, cái mặt nó tỉnh hết biết, kiếm tiền dễ ợt mà chẳng gợn
lên chút đắc ý nào. Ông Năm bẽ bàng ngồi đó, bẽ bàng lau nước mắt, cười
héo queo héo quắt, “Con nhỏ giỡn có duyên hết hồn” mà trên khuôn mặt vẫn
còn đầy ứ những thương yêu. Thằng Thàn ứa lòng nhìn ông Năm già đi
khủng khiếp nó giận muốn bóp cổ nhận nước Diễm Thương cho rồi, khi con
nhỏ nhơn nhơn trở qua, giơ nắm tiền, rủ đi ăn hủ tiếu.
Trò diễn kết thúc, ông già nằm rũ, đúng hai ngày lời nhắn tìm con Cải
lại thắc thỏm ở ngã ba Sương. Con Diễm Thương bực lắm, nó gặp Thàn là
đá ghế quăng ly, nó nói “ổng đừng mắc công tìm, con Cải chắc chết ngắc
rồi. Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha có mẹ mà
không thèm… Cái thứ người đó, cho nó chết bờ chết bụi cũng đáng”. Rồi nó
nghẹn ngào, “Còn tui, người ta đã quăng ở đây mười tám năm, tui chờ
hoài mà có ai tìm đâu…” Thàn mới hay đời con nhỏ cũng buồn, hai đứa ngồi
sát lại gần nhau, thở dài nghe cả vành tai tê tái.
Tối đó, Thàn nằm gác tay lên trán, nói “Mai mốt con dẫn nhỏ Diễm
Thương về lạy ông già con à, tía Năm. Tính thương chơi thôi nhưng bây
giờ thành thiệt rồi”. Ông Năm phấn khởi, vậy hả, vậy à, phải làm đám
cưới tử tế cho con nhỏ đỡ tủi, để tao làm ba nó, đại diện cho đàng gái
làm sui chơi.
Lựng khựng rồi mùa nắng quay trở lại, người ta dọn sạch cả một bờ
sậy, bông đang vào mùa bạc ở ngã ba Sương, cất thêm chừng chục quán nhậu
ôm nữa. Cánh phòng chống tệ nạn xã hội bắt đầu để ý cái chòm lu bu này.
Phía báo đài cũng dòm ngó. Một bữa, họ ập vào, quay phim, chụp hình búa
la xua. Đám tiếp viên che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm Thương là điềm nhiên
trơ mắt ngó.
Phóng sự phát lên ti vi, cái nhìn đó như dấu hỏi nao lòng, tôi đây nè
mà ba má ở đâu ? Có nhận ra tôi không ? Có nghe đau lòng ? Thằng Thàn
thấy cảnh người yêu tỉnh bơ ngồi trên đùi ông khách, buồn quá, bỏ đi
uống rượu. Sáng sau, ông Năm dúi vô tay Thàn ít tiền biểu “đưa con nhỏ
về nhà”. Thằng Thàn nói :
– Con không đành để tía ở lại một mình.
– Vậy bây nỡ nhìn con nhỏ sống vầy hoài sao ?
Một sớm, hai đứa dắt nhau đi, ông già nhìn theo cho đến khi bóng
chúng chìm giữa mịt mù. Lòng ông đã chuẩn bị rồi một cái vẫy tay, tiễn
hai đứa ra khỏi những con đường sương gió. Nhưng mờ chiều, đám trẻ trở
lại, mặt con Diễm Thương vẫn thản nhiên nhưng thằng Thàn buồn tê tái. Cả
nhà Thàn hết hồn vía dồn lại ngó nhau, nhận ra đứa con gái nầy lên ti
vi hôm trước, coi bộ làm nghề hỏng được đàng hoàng, coi bộ thằng Thàn bị
nhỏ này dụ dỗ. Diễm Thương chỉ cười, gật đầu chào rồi bước xuống bến
đón tàu ra thị xã.
Lại về ngã ba Sương, chỗ của những người không còn đường trở lại nhà.
Diễm Thương nói tui mắc cười quá ông Năm à, tui lên ti vi để cha mẹ
nhìn mà họ không biết tui là ai, còn người dưng liếc ngang là nhớ liền.
Ông già Năm Nhỏ lặng người đi, tự hỏi, bây giờ ông lên ti vi, con Cải
có nhận ra mình không. Người đã dắt Cải đi hái xoài chín trong vườn
hoang, đã chặt chuối làm bè dạy cho nó lội, thả trâu, chơi diều… Đã cõng
nó đi tắt mấy vạt đồng đến chỗ ông bác sỹ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ
mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ dây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong
túi áo mỗi khi ông đi chợ về… Tất cả những thứ đó, ông nhớ mồn một thì
nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà
rằng, về đi con ơi, đôi trâu có xá gì…
Đăng tin trên truyền hình đắt đỏ, mà lần nào lại phòng quãng cáo ông
cũng phải đôi co, đòi phải đọc theo ý mình, trong đó có đoạn, “con không
về ba nhớ đã đành, má con còn giận ba, không nhìn mặt”. Người ta cười,
trên đài chứ có phải chợ trời đâu mà muốn nói gì cũng được. Ông giận,
quày quả về nhà, nghĩ cách tự mình lên ti vi. Có lần, ông đậu xe kẹo đầu
chợ, thấy người ta làm phim vụ lấn chiếm lòng lề đường, người hốt thúng
mủng cá rau bỏ chạy, ông sướng rơn lăng xăng chạy tọt chỗ này ló mặt
đằng kia, mấp máy câu “Cải ơi…” (mà vô phim người ta đã xóa mất tiếng
còn đâu). Chỉ mong được thấy mình trên ti vi, một khuôn mặt teo héo xạm
đen dưới những sợi tóc ngã màu trắng xóa, một thân hình gầy guộc, lưng
đã chớm còng.. “Mình thèm lên ti vi muốn chết giấc mà không được, còn
mấy ông cán bộ ngồi chình ình trong đó hoài, thấy mắc ngán, ông già Năm
Nhỏ than thở với thằng Thàn, nói sao tao muốn làm bí thơ tỉnh quá”. Thàn
kêu, trời ơi, chi vậy tía. Ông cười, lên ti vi chớ chi, lúc đó tao
đường hoàng nói chuyện với con Cải, tao nói từ từ, nhắc chuyện xưa cho
nó nghe. Thằng Thàn cũng cười, tưởng tía làm lớn để lo cho dân, ai dè
cũng bo bo cho mình.
Họ ngồi đụt mưa dưới một hàng ba trường tiểu học. Nước đổ trắng trời.
Mùa còn ướt lạnh dài dài. Thằng Thàn lo ở nhà mưa dột ướt đầu giường,
về không có gối để nằm, không mền để đắp. Diễm Thương biết có chạy qua
không hay là bận khách, bận cười cợt (mà lòng não nề) biểu uống với em
chút nữa đi anh. Thàn chép miệng, buồn quá tía ơi. Mê văn nghệ văn gừng
nên chừng này tuổi đầu rồi mà nghèo quá chừng, đến nỗi không lo được cho
nhỏ Thương. Ông già Năm Nhỏ thấy thằng Thàn xuống nước mắt. Ừ tối nay,
ông cũng thấy mình hoang mang buồn bã rã rời, như sắp đến cuối đường
rồi, mà không biết chắc có nhà mình phía đó. Ông thở dài ứ hự, chống tay
liêu xiêu đứng lên, bảo, mưa chắc còn dài, thôi dầm mình về, nhỏ.
Đêm đó, thằng Thàn ôm ông già Năm ngủ, nó kêu lên, tía ốm dữ dằn
thiệt, xương tía cấn con đau quá chừng. Ông già cười, ờ, chê mai mốt
không có mà ôm nghen con. Thằng Thàn hỏi ông nói vậy là có ý gì, ông hỏi
ngược lại, chớ bộ mầy tính cưới vợ rồi mà còn chun qua ngủ với tao?
Thàn cười, ờ há ờ hen. Mắc cười, ông còn rù rì tính chuyện nấu mâm cơm
cúng trời đất để xáp nhập nhỏ Diễm Thương về nhà bên này, sắm cái tủ
thuốc lá nhỏ để cho nó buôn bán vặt thì thằng Thàn đã ngáy o o. Nửa đêm,
Thàn giật mình tỉnh giấc, không thấy ông già, nó ngật ngừ ngồi dậy,
trên bụng rớt xuống một gói tiền. Xe kẹo kéo vẫn còn nguyên, Thàn kéo
cửa bước ra ngoài. Ngã ba Sương đã tắt đèn, những con đường hun hút mù
mịt dưới mưa, như không cần biết đến từ đâu, chỉ biết gặp ở đây, phút
này. Thằng Thàn làu bàu, hỏng biết ông già chừng này mà đi đâu vậy cà.
Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu. Ông lội bộ gần năm cây số trong mưa sụt
sùi vô trong xóm, ghé chỗ lò mổ, dắt đôi trâu đem đi. Ông làm gọn gàng
như với đôi trâu ở nhà. Sáng ra ông trở lại, ghé đúng ngôi nhà có hàng
so đũa cặp mé lộ, ông thấy một đám người đang tao tác đứng ngồi, ông
hỏi, mua trâu hôn, tui kẹt tiền đem bán đây nè. Chủ nhà chạy ra la lên,
trời ơi, bắt ổng lại, ổng ăn trộm của tôi. Ông Năm giả đò hết hồn, nhưng
trong bụng thấy trúng ý, bảo, từ từ, tui có chạy đâu mà sợ. Người ta
đưa ông lên ấp, ấp giải lên xã, ông luôn miệng nhắc, mấy chú nhớ kêu đài
truyền hình xuống nghen, phải quay tui để dân người ta cảnh giác. May,
đài tỉnh xuống thật, phóng viên một tờ báo cũng chạy theo, dọc đường hăm
hở rút sẵn tít “Đạo tặc đãng trí” (thì ai cũng tưởng vậy). Cái cách đời
nhảy xổ vào lỗi lầm của người khác thiệt là tưng bừng. Họ phỏng vấn ông
chủ lò mổ, phỏng vấn trưởng công an xã, cuối cùng, ông Năm xin được nói
đôi lời, còn dặn, mấy chú làm ơn đừng cắt bỏ tiếng tui, rằng “Cải ơi,
ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội
má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì… Về
nghen con, ơi Cải…”.
Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu
không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu này nhiều khi cũng
hơi phiền.
Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép
miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ
trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi !”Nguyễn Ngọc Tư
Những Giọt Lệ Hồng
Không muốn di cư sang
Mỹ ở tuổi sáu mươi. “Già rồi, sang bên ấy chỉ ăn bám vợ chồng chúng
mày!”. Bà nói khăng khăng như thế nhưng con gái xuống nước năn nỉ ỉ ôi,
bà lại xiêu lòng. Ờ, nó nói cũng phải, mình qua bên ấy giữ cháu ngoại
cũng vui, lại đỡ nhớ, khỏi phải chờ mong. Mình ở đây nó phải gửi tiền về
cấp dưỡng, tốn kém lắm chớ chẳng không!” Dì tôi cười, nói như lẩy: “Nợ
đòi rồi đấy, cứ sang mà trả cho xong!” Nghe mẹ kể lại lời dì, tôi cảm
thấy hơi áy náy. Quả thật tôi cần mẹ không chỉ thuần túy vì tình cảm.
Tôi cầu cứu bà sang để chăn bầy cháu bốn đứa. Dạo này buôn bán ể ẩm, tôi
không kham nỗi tiền giữ trẻ, cũng không thể tiếp tế đều đặn cho mẹ nên
rước bà qua là nhứt cử lưỡng tiện…
Căn nhà ba phòng của vợ chồng tôi, bề ngoài trông cũng khang trang với
cây cảnh chung quanh và cửa garage tự động nhưng thật ra chỉ rộng 1100
sf. Trừ phòng ngủ chánh tương đối rộng rãi, hai phòng còn lại vuông vức,
nhỏ xíu xiu. Đất ở San Francisco là đất vàng. Căn nhà cũ kỷ năm mươi
tuổi này trị giá chừng sáu chục ngàn nhưng lô đất 4000 sf của nó giá hơn
bốn trăm, dù là nằm ở vùng ngoại ô xa tít. Thành ra cứ rán giữ, rán nắm
dù mệt muốn hụt hơi. Cửa tiệm fast food bán cho nhân viên các hãng
xưởng gần đây cũng theo đà lay-off mà đi xuống. Đến đầu tháng là chúng
tôi điên đầu với đủ thứ tiền phải thanh toán. Tư trang sắm từ những năm
phồn thịnh buôn may bán đắt lặng lẽ nuối đuôi nhau đi hết, vào nằm im
nơi các tiệm cầm đồ. Chúng tôi không hề nghĩ đến giải pháp bán nhà vì đó
là gia tài duy nhất, cũng là mối kinh doanh không sợ lỗ vốn; vả lại bây
giờ đi mướn một apartment tồi tàn đủ chỗ chứa sáu người, giá thuê hàng
tháng còn mắc hơn số tiền trả góp nhà. Trong tình thế kiệt quệ này, nếu
có mẹ tôi lo cho tụi nhỏ, đưa đón đi học, quán xuyến việc nhà, tôi sẽ
rảnh rang hơn để đi làm thêm lặt vặt buổi sáng, trưa về phụ tiệm ăn với
chồng tôi. Buổi tối chúng tôi sẽ đi clean các tiệm ăn, chợ búa. Chịu khó
một thời gian hi vọng kinh tế sẽ phục hồi trở lại. Mọi người đã hăm hở
đón chào thiên niên kỷ mới, ai ngờ nó bắt đầu bằng sự xuống dốc!
Mẹ sang Mỹ vào mùa Thu. Trời khá lạnh đối với mẹ vì chưa quen nhưng màu xanh của biển trời đã thu hút mẹ. Lũ cháu xúm xít lấy bà vì ngày thường không ai gần gũi chúng cả. Chúng xổ tiếng Anh líu lo, thậm chí cô bé út mới bốn tuổi cũng không rành tiếng Việt. Bà cười dễ dãi: “Sẽ có cuộc trao đổi nhé! Bà dạy các cháu nói tiếng Việt, các cháu dạy cho bà nói tiếng Anh.” Thấy mẹ vui, tôi an lòng. Thế là bên cạnh cái giường hai tầng của hai cô bé gái là tấm nệm của bà ngoại. Ban đêm, ba bà cháu nói chuyện rì rầm; có khi hai cậu trai cũng gõ cửa xin vào để được hưởng không khí đầm ầm bên bà ngoại rất hiền và rất vui. Mẹ như bà tiên có chiếc đũa thần đã biến căn nhà bừa bãi đầy phiền muộn của chúng tôi thành một tổ ấm ngăn nấp, sạch sẽ và đầy tiếng cười. Trước kia, chúng tôi chỉ dùng những thức ăn ế ẩm từ cửa hàng, lắm khi nuốt chẳng trôi. Mẹ bảo cứ bỏ thịt bỏ rau và tủ lạnh cho bà. Thế là mỗi chiều về gia đình tôi được quây quần chung quanh bàn ăn có cơm canh nóng hổi, hương vị ngọt ngào. Chỉ sau và tháng, các con tôi khỏe mạnh ra, lễ phép ra và biết phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà. Hai cậu con trai lớn, bà phân công lo vườn tược cây kiểng: “Thằng Hùng mười hai tuổi, lớn rồi, lo chăm sóc các cây lớn, tỉa lá, bón phận, Hậu cũng mười tuổi rồi, thay vì ôm máy chơi game, có thể phụ anh quét sân, tưới nước.” Bà hiền lành nhưng nói gì các cháu cũng nghe. Chúng không còn là những đứa bé “vô tích sự” như thuở trước. Thật ra chúng không đến nỗi tệ nhưng vợ chồng tôi quần quật với công ăn việc làm, không có thì giờ dạy dỗ, chỉ vẽ. Bảo làm chuyện gì, chúng thực hiện qua loa lấy có, rầy mãi phát mệt thành ra không thèm sai biểu nữa, tự mình làm chóng xong mà vừa ý hơn. Con Hoa hãnh diện khoe với mẹ: “Bà dạy con nấu cơm. Con biết lặt rau, rửa chén, lại biết tráng trứng nữa cơ!” Tôi hôn con, thầm cám ơn mẹ đã cho gia đình tôi cơ hội để sống có hạnh phúc thay vì cứ mãi rầy rà, cãi vả, gây ó nhau trong một căn nhà bề bộn, dơ bẩn. Mẹ vốn là một Phật tử thuần thành. Thỉnh thoảng bà giảng dạy cho tôi về đạo lý: “Hạnh phúc không phải là món quà từ đâu đến, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng thể do phúc đức mà được. Mình phải biết cách sống, biết cách hợp tác xây dựng thì mới có hạnh phúc.” Thuở ấy, đầu óc tôi quá dầy đặc với những con số để có thể hiểu lời mẹ khuyên, vả lại cũng không có thì giờ… Thôi thì để mẹ lo giùm. Mỗi chiều về nhìn các con ngoan, được ăn bữa cơm tối ngon, đối với tôi đã là đủ rồi. Tôi bận rộn với nợ nần đến nỗi không mấy khi chú ý đến tâm tình của mẹ. Bây giờ kiểm điểm lại mới nhớ rằng tôi ít hỏi thăm về sự buồn vui của bà. Thay đổi môi trường sống, bà bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu thứ: chị em, họ hàng, lối xóm, sư ông, bằng hữu… Đôi khi, mắt mẹ thoáng buồn. Tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ có mệt không?” Chao ôi, rõ tệ, miệng hỏi mà lòng vái thầm: “Mẹ đừng ngã bệnh, khổ con!” Là con một nên cách suy nghĩ của tôi thường ích kỷ như thế. Cái gì cũng qui về mình, cho mình thôi! Thắm thoát, mẹ ở với chúng tôi đã được một năm rồi. Gia đình thì ổn thỏa nhưng tình trạng tài chánh càng ngày càng bết bát mặc dù vợ chồng tôi bỏ sức lao động gấp đôi. Giao kèo mướn cửa tiệm sắp hết hạn mà chẳng tìm được người sang lại. Không ký thêm thì mất tiệm, mất luôn năm mươi ngàn bỏ ra sang tiệm trước kia, nhưng tiếp tục thì ngày càng thua lỗ, chẳng kham được nữa. Chuyện gì đến, phải đến. Tháng sau đó, vợ chồng tôi lủi thủi dọn đồ về trả lại cửa hàng cho người ta sau mười năm làm chủ. Bây giờ hóa ra là kẻ làm công, lại làm những nghề linh tinh quét dọn. Tủi thân mà tức số phận mình. Mẹ an ủi: “Thôi, như thế đỡ lo con ạ. Tinh thần căng thẳng quá có khi phát dại, hóa cuồng! Trong cái dở có cái hay là thế!” Chúng tôi lợi dụng thời gian tương đối rảnh rang này để sửa chữa căn nhà hư dột.
Anh Thắng chịu khó và khéo tay nên cái gì cũng tự làm được, đỡ tốn tiền mướn thợ. Một hôm anh leo lên mái nhà để lợp lại mấy miếng ngói bể. Sơ ý thế nào chẳng rõ, anh trợt chân té xuống bất tỉnh. Chỉ có mình mẹ ở nhà! Bà bình tĩnh gọi 911, vắn tắt vài câu tiếng Anh: “He falls down from the roof. He stops breathing!” Và rành rọt đọc địa chỉ, số phone nhà cho họ. Ai ngờ bà âm thầm học chữ Anh mau đến thế! Bà đã cứu mạng chồng tôi! Thắng bị gãy chân và dập ống quyển. Phải nằm tại chỗ từ năm đến sáu tháng. Tình cảnh này đưa mẹ tôi vào môi trường mới. Bà tự nguyện thế chỗ cho chồng tôi để quét dọn, lau chùi các cửa tiệm hầu phụ giúp tôi về tài chánh. Mẹ hăng hái trong công việc. Tôi đoán rằng ở nhà mãi mẹ cũng buồn, nay được ra ngoài bà cảm thấy vui hơn. Bà có những người bạn mới: cô thâu ngân vui tính, bà lão phụ trách hàng rau cải, chú “Thoòng” chuyên khuân vác. Mẹ hòa mình với họ, với cuộc sống của những người lao động tay chân. Đâu ai biết rằng trước 1975, mẹ là giáo sự dạy Pháp văn tại một trường công lập lớn ở Sài Gòn.
Các con tôi biết hoàn cảnh bi đát của gia đình nên mỗi đứa một tay, cùng nhau lo chuyện nhà. Mẹ tôi hài lòng thấy các cháu tự ý thức được trách nhiệm, biết thương mẹ thương cha. Ngày anh Thắng trở lại công việc, tôi xin mẹ ở nhà nghỉ ngơi. Mẹ nói: “Con ơi, ra ngoài cũng vui, lại kiếm được đồng tiền. Từ ngày đi Mỹ đến nay đã gần hai năm, mẹ chưa gửi tiền về giúp các em, các cháu bên ấy. Tụi nó nghèo lắm mà chẳng có cách kiếm ra tiền cho kịp đà leo thang của vật giá. Bên này kiếm tiền dễ hơn. Có tiền, mẹ lại có phương tiện cúng dường, bố thí…” Tôi im lặng nghẹn ngào, chợt nhớ rằng mẹ chưa hề hỏi tôi một đồng xu nào và tôi quên bẵng rằng mẹ cũng có nhu cầu tiêu xài. Trên thế gian này, không có nhân viên nào làm việc cật lực mà không đòi hỏi thù lao như thế! Vô tình, tôi đã “đòi nợ” mẹ tôi một cách tận tình. Dì tôi cũng có lý khi bà mỉa mai tôi. Trong lúc tôi đăm chiêu, mẹ nhẹ nhàng tiếp: “Mẹ đã xin được chân rửa chén trong nhà hàng. Rửa bằng máy chả cực nhọc gì!” “Trời đất ơi, rửa chén, cần sức lực của người đàn ông Mễ mới kham nỗi. Nồi niêu son chảo to như cột đình, nặng như búa tạ, làm sao mẹ nhấc cho nổi!” Tôi xuống giọng tiếp: “Mẹ nhìn lại mẹ xem. Tay mẹ gầy yếu, lưng mẹ đã cong, bước đi không còn nhanh nhẹn. Dù họ cần người, mướn tạm, vài hôm cũng cho nghỉ việc thôi!” Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mẹ. Bà già thật rồi, cái già đến nhanh quá. So với hồi mới qua, bà như tăng thêm năm, bảy tuổi. Mẹ tôi cúi đầu xuống thấp. Hình như bà cố giấu giọt lệ vừa ứa ra. Tôi nhẹ nâng cầm mẹ lên và nhìn sâu vào đôi cửa sổ tâm hồn ấy. Trời ơi, mắt mẹ đã kéo mây! Đôi mắt bồ câu đen láy ngày nào từng làm điên đảo các chàng trai cùng trang lứa, cột chân ba tôi vào tổ ấm gia đình, giờ đã một phần ngả màu đục lờ như nước gạo vo. Tóc mẹ trắng bơ phờ, đuôi mắt nhăn như rẻ quạt, vầng trán sạm đen vết đồi mồi… Tôi mủi lòng xót xa. Hai mẹ con ôm nhau, nước mắt người này thấm ướt vai áo người kia. Tôi nhỏ nhẹ: “Con không dám trái ý mẹ, nhưng mẹ rán chờ. Con hứa sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hợp với mẹ hơn, mẹ nhé! Vong hồn ba mà biết mẹ cực khổ thế này chắc khó siêu.” Trời cũng thương tình. Đâu chừng một tháng sau thì bà lão làm rau cải xin nghỉ việc về hưu. Mẹ tôi trở thành “bà cụ hàng rau”. Danh xưng và chức vụ gắn liền với mẹ tôi từ đấy. Vậy mà bà vui. Mỗi tháng bà lãnh được hơn ngàn bạc. Phân nửa số tiền, bà gửi về Việt Nam: phần cúng dường, phần bố thí, phần giúp đỡ các em, các cháu. Số còn lại, bà dành dụm mấy kỳ lương, đưa tôi hơn ngàn bạc. “Mẹ thấy người ta dựng phòng trong garage cũng tiện lắm. Nếu chồng con không phiền, con lấy tiền này nhờ nó mua vật liệu, che tạm cho mẹ một căn phòng nhỏ. Con Hoa, con út bắt đầu lớn, tụi nó cần sự riêng tư. Mẹ cũng vậy, có phòng riêng mẹ sẽ dựng kệ thờ Phật, mỗi ngày mẹ có thể lễ bái, tụng kinh, niệm Phật…” Chồng tôi nghe kể lại, vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ! Mẹ muốn gì anh cũng xin vâng, nói chi việc ấy!” Từ đấy, mẹ lộ vẻ hoan hỉ lắm. Sáng tối hai thời, ít khi nào bà bỏ lỡ công phu. Bà như một người đạt được mục tiêu cho đời mình, không có gì để ưu tư, khắc khoải. Mùa Đông năm ấy, thời tiết hơi khác thường. Ban ngày ấm áp xen kẽ với những đêm buốt giá mà nhiệt độ đôi khi hạ thấp đến không ngờ. Vợ chồng tôi mời mẹ tạm trở về phòng cũ vài ba tháng, ngoài garage lạnh quá dễ sinh bịnh. Mẹ nói: “Ở chỗ này quen rồi, dời đi khó ngủ.” “Mẹ nhớ vặn heat cho đủ ấm nhé!” “Ờ, tao biết mà!”
Ngờ đâu mẹ đã không qua khỏi mùa Đông! Buổi sáng chẳng thấy mẹ dậy sửa soạn để đi làm, tôi bảo “đứa nào ra đánh thức bà dậy, nhanh lên kẻo trễ!” Con Hoa quấn mền đẩy cửa bước ra garage miệng kêu léo nhéo. “Ngoại ơi, ngoại à…” Không có tiếng trả lời… Nọ bật đèn, tiến đến cạnh giường: ngoại quấn hai cái mền kín mít, nằm im ỉm. Nó lắc chân ngoại, bà chẳng đáp. Nó lôi cái mền xuống: mặt bà xám xịt, lạnh ngắt, đôi mắt khép hờ… “Mẹ ơi, mẹ! sao kỳ vầy nè!” Cả nhà đổ xô ra. Chồng tôi đạo Chúa, vội làm dấu thánh giá… Tôi xỉu ngay tại chỗ khi loáng thoáng nghe thằng Hùng la lên: “Sao bà không mở heat?” Cuộc điều tra của cảnh sát quấy rầy chúng tôi một thời gian, cuối cùng họ kết luận: “Bà cụ không thường mở heat; cái máy mua hai tháng về trước còn mới tinh chưa hề được sử dụng!” Tôi như người mất hồn trong đám tang của mẹ. Sự hối hận như lưỡi dao có răng, nó cưa xé lòng tôi. Trái tim tôi cơ hồ rỏ máu thành những giọt lệ hồng. Bạn bè khuyên tôi nên đến chùa xin cúng thất, thiết lễ cầu siêu cho bà. Tôi chẳng thể nói năng chi cùng vị sư ở chùa, chỉ biết dập đầu lạy cầu cứu với đôi mắt sưng húp. Chồng tôi bình tĩnh hơn, anh buồn bã kể đầu đuôi tự sự. Câu chuyện khiến thầy thương tâm, thầy thường an ủi, khuyên giải sau những thời lễ cúng. Khi thấy tôi bắt đầu trở lại bình thường, thầy dành cho gia đình chúng tôi một thời pháp thoại. Thầy giảng về lý vô thường, khổ, không. Các con tôi tỏ ra thích thú với sự thật giản dị và sâu sắc này, chúng đòi được học giáo lý đạo Phật thay vì đi nhà thờ với ba. Riêng tôi, tôi nhớ mãi câu kết luận của thầy trong buổi nói chuyện ấy: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!”
Phải rồi, nếu chúng tôi không bám chặt vào căn nhà thì mẹ tôi đã không phải vất vả đến thế, không đến nỗi chết cóng ngoài garage. Và gia đình tôi không lụy đến mức này. Tôi thỏ thẻ bàn với chồng: “Anh à, căn nhà này mình không giữ nỗi thì bán nó đi. Em tính rồi, sau khi thanh toán hết nợ nần mình cũng còn vài trăm ngàn. Dọn sang Texas, nhà cửa rẻ hơn, mình có thể tậu căn khác hoặc là giữ làm vốn, tính chuyện làm ăn…” ” Ờ nhỉ, hồi đó sao mình ngu quá, cứ ôm lấy nó mà cắm cổ đi cày trả nợ. Liệu giữ không được thì sớm buông đi… Nhờ ông thầy giảng dạy, mình mới sáng mắt ra!”
Sau khi dọn sang Texas, trước khi bắt tay vào công ăn việc làm, tôi xin phép anh Thắng cho tôi về Việt Nam một chuyến. Tôi về để được quì dưới chân sư ông kể lể hết sự tình, xin sám hối thì lòng tôi mới có thể yên. Sư ông trầm ngâm và yên lặng nghe tôi vừa khóc rấm rức vừa kể về mẹ tôi, đệ tử mà người rất quí mến. Sư ông không hề cắt ngang bằng những câu hỏi. Người không phê phán gì, chỉ để yên cho tôi khóc, khóc oà vỡ như cái đập nước bị ngăn chận, nay có người tháo ra… Mãi một lúc lâu lắm sau đó, sư ông mới dạy: “Người mẹ nào cũng có trái tim Bồ Tát. Mẹ con hành Bồ Tát đạo ngay trong gia đình trước khi mở rộng ra trong cuộc sống với mọi người. Con hãy hảnh diện có bà mẹ như thế! Con sẽ không cảm thấy hối hận ray rứt nữa nếu con biết đi theo hướng đi của mẹ con, biết xả bỏ cái tôi vị kỷ để lo cho người chung quanh.” Tôi sụp xuống đảnh lễ người đã chỉ cho tôi tháo mở cái gút dây kết mối ân hận trong tôi. Tôi trở về Texas với sự bình yên và tâm nguyện cao cả…
Nhưng khi mùa Vu Lan về, cầm hoa trắng trên tay, tôi không thể ngăn được những giọt lệ hồng phát xuất từ trái tim tôi… Than ôi! Khi tôi biết nghĩ tới mẹ, biết giá trị của trái tim bồ tát, biết thương mẹ thì bà đã không còn nữa trên đời…
Mẹ sang Mỹ vào mùa Thu. Trời khá lạnh đối với mẹ vì chưa quen nhưng màu xanh của biển trời đã thu hút mẹ. Lũ cháu xúm xít lấy bà vì ngày thường không ai gần gũi chúng cả. Chúng xổ tiếng Anh líu lo, thậm chí cô bé út mới bốn tuổi cũng không rành tiếng Việt. Bà cười dễ dãi: “Sẽ có cuộc trao đổi nhé! Bà dạy các cháu nói tiếng Việt, các cháu dạy cho bà nói tiếng Anh.” Thấy mẹ vui, tôi an lòng. Thế là bên cạnh cái giường hai tầng của hai cô bé gái là tấm nệm của bà ngoại. Ban đêm, ba bà cháu nói chuyện rì rầm; có khi hai cậu trai cũng gõ cửa xin vào để được hưởng không khí đầm ầm bên bà ngoại rất hiền và rất vui. Mẹ như bà tiên có chiếc đũa thần đã biến căn nhà bừa bãi đầy phiền muộn của chúng tôi thành một tổ ấm ngăn nấp, sạch sẽ và đầy tiếng cười. Trước kia, chúng tôi chỉ dùng những thức ăn ế ẩm từ cửa hàng, lắm khi nuốt chẳng trôi. Mẹ bảo cứ bỏ thịt bỏ rau và tủ lạnh cho bà. Thế là mỗi chiều về gia đình tôi được quây quần chung quanh bàn ăn có cơm canh nóng hổi, hương vị ngọt ngào. Chỉ sau và tháng, các con tôi khỏe mạnh ra, lễ phép ra và biết phụ giúp công việc lặt vặt trong nhà. Hai cậu con trai lớn, bà phân công lo vườn tược cây kiểng: “Thằng Hùng mười hai tuổi, lớn rồi, lo chăm sóc các cây lớn, tỉa lá, bón phận, Hậu cũng mười tuổi rồi, thay vì ôm máy chơi game, có thể phụ anh quét sân, tưới nước.” Bà hiền lành nhưng nói gì các cháu cũng nghe. Chúng không còn là những đứa bé “vô tích sự” như thuở trước. Thật ra chúng không đến nỗi tệ nhưng vợ chồng tôi quần quật với công ăn việc làm, không có thì giờ dạy dỗ, chỉ vẽ. Bảo làm chuyện gì, chúng thực hiện qua loa lấy có, rầy mãi phát mệt thành ra không thèm sai biểu nữa, tự mình làm chóng xong mà vừa ý hơn. Con Hoa hãnh diện khoe với mẹ: “Bà dạy con nấu cơm. Con biết lặt rau, rửa chén, lại biết tráng trứng nữa cơ!” Tôi hôn con, thầm cám ơn mẹ đã cho gia đình tôi cơ hội để sống có hạnh phúc thay vì cứ mãi rầy rà, cãi vả, gây ó nhau trong một căn nhà bề bộn, dơ bẩn. Mẹ vốn là một Phật tử thuần thành. Thỉnh thoảng bà giảng dạy cho tôi về đạo lý: “Hạnh phúc không phải là món quà từ đâu đến, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng thể do phúc đức mà được. Mình phải biết cách sống, biết cách hợp tác xây dựng thì mới có hạnh phúc.” Thuở ấy, đầu óc tôi quá dầy đặc với những con số để có thể hiểu lời mẹ khuyên, vả lại cũng không có thì giờ… Thôi thì để mẹ lo giùm. Mỗi chiều về nhìn các con ngoan, được ăn bữa cơm tối ngon, đối với tôi đã là đủ rồi. Tôi bận rộn với nợ nần đến nỗi không mấy khi chú ý đến tâm tình của mẹ. Bây giờ kiểm điểm lại mới nhớ rằng tôi ít hỏi thăm về sự buồn vui của bà. Thay đổi môi trường sống, bà bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu thứ: chị em, họ hàng, lối xóm, sư ông, bằng hữu… Đôi khi, mắt mẹ thoáng buồn. Tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ có mệt không?” Chao ôi, rõ tệ, miệng hỏi mà lòng vái thầm: “Mẹ đừng ngã bệnh, khổ con!” Là con một nên cách suy nghĩ của tôi thường ích kỷ như thế. Cái gì cũng qui về mình, cho mình thôi! Thắm thoát, mẹ ở với chúng tôi đã được một năm rồi. Gia đình thì ổn thỏa nhưng tình trạng tài chánh càng ngày càng bết bát mặc dù vợ chồng tôi bỏ sức lao động gấp đôi. Giao kèo mướn cửa tiệm sắp hết hạn mà chẳng tìm được người sang lại. Không ký thêm thì mất tiệm, mất luôn năm mươi ngàn bỏ ra sang tiệm trước kia, nhưng tiếp tục thì ngày càng thua lỗ, chẳng kham được nữa. Chuyện gì đến, phải đến. Tháng sau đó, vợ chồng tôi lủi thủi dọn đồ về trả lại cửa hàng cho người ta sau mười năm làm chủ. Bây giờ hóa ra là kẻ làm công, lại làm những nghề linh tinh quét dọn. Tủi thân mà tức số phận mình. Mẹ an ủi: “Thôi, như thế đỡ lo con ạ. Tinh thần căng thẳng quá có khi phát dại, hóa cuồng! Trong cái dở có cái hay là thế!” Chúng tôi lợi dụng thời gian tương đối rảnh rang này để sửa chữa căn nhà hư dột.
Anh Thắng chịu khó và khéo tay nên cái gì cũng tự làm được, đỡ tốn tiền mướn thợ. Một hôm anh leo lên mái nhà để lợp lại mấy miếng ngói bể. Sơ ý thế nào chẳng rõ, anh trợt chân té xuống bất tỉnh. Chỉ có mình mẹ ở nhà! Bà bình tĩnh gọi 911, vắn tắt vài câu tiếng Anh: “He falls down from the roof. He stops breathing!” Và rành rọt đọc địa chỉ, số phone nhà cho họ. Ai ngờ bà âm thầm học chữ Anh mau đến thế! Bà đã cứu mạng chồng tôi! Thắng bị gãy chân và dập ống quyển. Phải nằm tại chỗ từ năm đến sáu tháng. Tình cảnh này đưa mẹ tôi vào môi trường mới. Bà tự nguyện thế chỗ cho chồng tôi để quét dọn, lau chùi các cửa tiệm hầu phụ giúp tôi về tài chánh. Mẹ hăng hái trong công việc. Tôi đoán rằng ở nhà mãi mẹ cũng buồn, nay được ra ngoài bà cảm thấy vui hơn. Bà có những người bạn mới: cô thâu ngân vui tính, bà lão phụ trách hàng rau cải, chú “Thoòng” chuyên khuân vác. Mẹ hòa mình với họ, với cuộc sống của những người lao động tay chân. Đâu ai biết rằng trước 1975, mẹ là giáo sự dạy Pháp văn tại một trường công lập lớn ở Sài Gòn.
Các con tôi biết hoàn cảnh bi đát của gia đình nên mỗi đứa một tay, cùng nhau lo chuyện nhà. Mẹ tôi hài lòng thấy các cháu tự ý thức được trách nhiệm, biết thương mẹ thương cha. Ngày anh Thắng trở lại công việc, tôi xin mẹ ở nhà nghỉ ngơi. Mẹ nói: “Con ơi, ra ngoài cũng vui, lại kiếm được đồng tiền. Từ ngày đi Mỹ đến nay đã gần hai năm, mẹ chưa gửi tiền về giúp các em, các cháu bên ấy. Tụi nó nghèo lắm mà chẳng có cách kiếm ra tiền cho kịp đà leo thang của vật giá. Bên này kiếm tiền dễ hơn. Có tiền, mẹ lại có phương tiện cúng dường, bố thí…” Tôi im lặng nghẹn ngào, chợt nhớ rằng mẹ chưa hề hỏi tôi một đồng xu nào và tôi quên bẵng rằng mẹ cũng có nhu cầu tiêu xài. Trên thế gian này, không có nhân viên nào làm việc cật lực mà không đòi hỏi thù lao như thế! Vô tình, tôi đã “đòi nợ” mẹ tôi một cách tận tình. Dì tôi cũng có lý khi bà mỉa mai tôi. Trong lúc tôi đăm chiêu, mẹ nhẹ nhàng tiếp: “Mẹ đã xin được chân rửa chén trong nhà hàng. Rửa bằng máy chả cực nhọc gì!” “Trời đất ơi, rửa chén, cần sức lực của người đàn ông Mễ mới kham nỗi. Nồi niêu son chảo to như cột đình, nặng như búa tạ, làm sao mẹ nhấc cho nổi!” Tôi xuống giọng tiếp: “Mẹ nhìn lại mẹ xem. Tay mẹ gầy yếu, lưng mẹ đã cong, bước đi không còn nhanh nhẹn. Dù họ cần người, mướn tạm, vài hôm cũng cho nghỉ việc thôi!” Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ mẹ. Bà già thật rồi, cái già đến nhanh quá. So với hồi mới qua, bà như tăng thêm năm, bảy tuổi. Mẹ tôi cúi đầu xuống thấp. Hình như bà cố giấu giọt lệ vừa ứa ra. Tôi nhẹ nâng cầm mẹ lên và nhìn sâu vào đôi cửa sổ tâm hồn ấy. Trời ơi, mắt mẹ đã kéo mây! Đôi mắt bồ câu đen láy ngày nào từng làm điên đảo các chàng trai cùng trang lứa, cột chân ba tôi vào tổ ấm gia đình, giờ đã một phần ngả màu đục lờ như nước gạo vo. Tóc mẹ trắng bơ phờ, đuôi mắt nhăn như rẻ quạt, vầng trán sạm đen vết đồi mồi… Tôi mủi lòng xót xa. Hai mẹ con ôm nhau, nước mắt người này thấm ướt vai áo người kia. Tôi nhỏ nhẹ: “Con không dám trái ý mẹ, nhưng mẹ rán chờ. Con hứa sẽ tìm công việc nhẹ nhàng hợp với mẹ hơn, mẹ nhé! Vong hồn ba mà biết mẹ cực khổ thế này chắc khó siêu.” Trời cũng thương tình. Đâu chừng một tháng sau thì bà lão làm rau cải xin nghỉ việc về hưu. Mẹ tôi trở thành “bà cụ hàng rau”. Danh xưng và chức vụ gắn liền với mẹ tôi từ đấy. Vậy mà bà vui. Mỗi tháng bà lãnh được hơn ngàn bạc. Phân nửa số tiền, bà gửi về Việt Nam: phần cúng dường, phần bố thí, phần giúp đỡ các em, các cháu. Số còn lại, bà dành dụm mấy kỳ lương, đưa tôi hơn ngàn bạc. “Mẹ thấy người ta dựng phòng trong garage cũng tiện lắm. Nếu chồng con không phiền, con lấy tiền này nhờ nó mua vật liệu, che tạm cho mẹ một căn phòng nhỏ. Con Hoa, con út bắt đầu lớn, tụi nó cần sự riêng tư. Mẹ cũng vậy, có phòng riêng mẹ sẽ dựng kệ thờ Phật, mỗi ngày mẹ có thể lễ bái, tụng kinh, niệm Phật…” Chồng tôi nghe kể lại, vui vẻ đáp: “Chuyện nhỏ! Mẹ muốn gì anh cũng xin vâng, nói chi việc ấy!” Từ đấy, mẹ lộ vẻ hoan hỉ lắm. Sáng tối hai thời, ít khi nào bà bỏ lỡ công phu. Bà như một người đạt được mục tiêu cho đời mình, không có gì để ưu tư, khắc khoải. Mùa Đông năm ấy, thời tiết hơi khác thường. Ban ngày ấm áp xen kẽ với những đêm buốt giá mà nhiệt độ đôi khi hạ thấp đến không ngờ. Vợ chồng tôi mời mẹ tạm trở về phòng cũ vài ba tháng, ngoài garage lạnh quá dễ sinh bịnh. Mẹ nói: “Ở chỗ này quen rồi, dời đi khó ngủ.” “Mẹ nhớ vặn heat cho đủ ấm nhé!” “Ờ, tao biết mà!”
Ngờ đâu mẹ đã không qua khỏi mùa Đông! Buổi sáng chẳng thấy mẹ dậy sửa soạn để đi làm, tôi bảo “đứa nào ra đánh thức bà dậy, nhanh lên kẻo trễ!” Con Hoa quấn mền đẩy cửa bước ra garage miệng kêu léo nhéo. “Ngoại ơi, ngoại à…” Không có tiếng trả lời… Nọ bật đèn, tiến đến cạnh giường: ngoại quấn hai cái mền kín mít, nằm im ỉm. Nó lắc chân ngoại, bà chẳng đáp. Nó lôi cái mền xuống: mặt bà xám xịt, lạnh ngắt, đôi mắt khép hờ… “Mẹ ơi, mẹ! sao kỳ vầy nè!” Cả nhà đổ xô ra. Chồng tôi đạo Chúa, vội làm dấu thánh giá… Tôi xỉu ngay tại chỗ khi loáng thoáng nghe thằng Hùng la lên: “Sao bà không mở heat?” Cuộc điều tra của cảnh sát quấy rầy chúng tôi một thời gian, cuối cùng họ kết luận: “Bà cụ không thường mở heat; cái máy mua hai tháng về trước còn mới tinh chưa hề được sử dụng!” Tôi như người mất hồn trong đám tang của mẹ. Sự hối hận như lưỡi dao có răng, nó cưa xé lòng tôi. Trái tim tôi cơ hồ rỏ máu thành những giọt lệ hồng. Bạn bè khuyên tôi nên đến chùa xin cúng thất, thiết lễ cầu siêu cho bà. Tôi chẳng thể nói năng chi cùng vị sư ở chùa, chỉ biết dập đầu lạy cầu cứu với đôi mắt sưng húp. Chồng tôi bình tĩnh hơn, anh buồn bã kể đầu đuôi tự sự. Câu chuyện khiến thầy thương tâm, thầy thường an ủi, khuyên giải sau những thời lễ cúng. Khi thấy tôi bắt đầu trở lại bình thường, thầy dành cho gia đình chúng tôi một thời pháp thoại. Thầy giảng về lý vô thường, khổ, không. Các con tôi tỏ ra thích thú với sự thật giản dị và sâu sắc này, chúng đòi được học giáo lý đạo Phật thay vì đi nhà thờ với ba. Riêng tôi, tôi nhớ mãi câu kết luận của thầy trong buổi nói chuyện ấy: “Con người ta sở dĩ đau khổ triền miên là tại mình muốn nắm giữ! Cái gì cũng khư khư ôm chặt. Làm sao giữ mãi được vì bản chất của chúng là vô thường, là không. Hãy buông bỏ hết đi, chừng nào bỏ được, chừng ấy mới có chân hạnh phúc!”
Phải rồi, nếu chúng tôi không bám chặt vào căn nhà thì mẹ tôi đã không phải vất vả đến thế, không đến nỗi chết cóng ngoài garage. Và gia đình tôi không lụy đến mức này. Tôi thỏ thẻ bàn với chồng: “Anh à, căn nhà này mình không giữ nỗi thì bán nó đi. Em tính rồi, sau khi thanh toán hết nợ nần mình cũng còn vài trăm ngàn. Dọn sang Texas, nhà cửa rẻ hơn, mình có thể tậu căn khác hoặc là giữ làm vốn, tính chuyện làm ăn…” ” Ờ nhỉ, hồi đó sao mình ngu quá, cứ ôm lấy nó mà cắm cổ đi cày trả nợ. Liệu giữ không được thì sớm buông đi… Nhờ ông thầy giảng dạy, mình mới sáng mắt ra!”
Sau khi dọn sang Texas, trước khi bắt tay vào công ăn việc làm, tôi xin phép anh Thắng cho tôi về Việt Nam một chuyến. Tôi về để được quì dưới chân sư ông kể lể hết sự tình, xin sám hối thì lòng tôi mới có thể yên. Sư ông trầm ngâm và yên lặng nghe tôi vừa khóc rấm rức vừa kể về mẹ tôi, đệ tử mà người rất quí mến. Sư ông không hề cắt ngang bằng những câu hỏi. Người không phê phán gì, chỉ để yên cho tôi khóc, khóc oà vỡ như cái đập nước bị ngăn chận, nay có người tháo ra… Mãi một lúc lâu lắm sau đó, sư ông mới dạy: “Người mẹ nào cũng có trái tim Bồ Tát. Mẹ con hành Bồ Tát đạo ngay trong gia đình trước khi mở rộng ra trong cuộc sống với mọi người. Con hãy hảnh diện có bà mẹ như thế! Con sẽ không cảm thấy hối hận ray rứt nữa nếu con biết đi theo hướng đi của mẹ con, biết xả bỏ cái tôi vị kỷ để lo cho người chung quanh.” Tôi sụp xuống đảnh lễ người đã chỉ cho tôi tháo mở cái gút dây kết mối ân hận trong tôi. Tôi trở về Texas với sự bình yên và tâm nguyện cao cả…
Nhưng khi mùa Vu Lan về, cầm hoa trắng trên tay, tôi không thể ngăn được những giọt lệ hồng phát xuất từ trái tim tôi… Than ôi! Khi tôi biết nghĩ tới mẹ, biết giá trị của trái tim bồ tát, biết thương mẹ thì bà đã không còn nữa trên đời…
Diệu Nga