Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Cỏ tím

 
Vạt cỏ hoa tím,
Lao xao vạt cỏ tím buồn,
Nồng nàn hương toả chiều buông ánh vàng.
Nghe chừng có tiếng ầm vang,
Bao nhiêu quá khứ mênh mang hiện về,
Người giờ nửa tỉnh nửa mê,
Còn tôi tỉnh thức trở về chốn xưa 
Thời gian thắm thoát thoi đưa, 
Vạt hoa tím cũ vẫn chưa lụi tàn !
NM

 Cỏ tím
1. - Cỏ tím kìa anh!
Giọng cô bật lên vừa thảng thốt, bất ngờ vừa reo vui như gặp lại cố nhân. Hai bàn tay cô vỗ nhịp “lụp thụp” vào lưng anh giục anh thắng xe lại.
Minh họa: Văn Nguyễn 
- Em chưa bao giờ thấy nhiều cỏ hoa tím dày mịn như nhung một vạt rộng lớn như thế này. Dừng xe đi anh. Giá mà em dang tay ôm hết được nó. 
Anh ngừng xe. Cô nhảy xuống thật nhanh khiến anh phải la lớn:
- Coi chừng vấp té, ổ gà kìa!
Cô hét lên:
- Em muốn được ngã trên cỏ!
Khi ấy nắng rất vàng nhuộm màu lá xanh ngả sang một màu buồn buồn phủ toàn bộ khu vườn điều. Mà như không phải vườn, chỉ phía ngoài người ta trồng điều còn bên trong là rừng cao su. Cô nôn nóng tìm lối vào vì có một con mương rất nhỏ tuy cạn nước nhưng cô không dám băng qua khi anh cảnh giác cô lần nữa:
- Không nhảy được đâu, bờ cỏ rất trơn đấy!
Cuối cùng cô cũng chạm được thảm hoa cỏ tím bằng lối đi vòng khá xa.
Anh dựng xe sát lề. Lấy máy ảnh ra.
Cô nói to:
- Bướm vàng kìa anh, chụp hình cho em nhanh lên kẻo chúng bay mất!
Lũ bướm chập chờn. Màu áo đỏ của cô nổi rõ trên nền lá điều nhuộm nắng vàng, có thảm hoa tím bên dưới cùng những đốm vàng rơi của lũ bướm cộng thêm màu thân cây nâu đậm như cô đang tựa vào đó hứa hẹn những bức ảnh sẽ rất đẹp. 
Anh bấm máy liên tục như đang say. Anh nghĩ đến những tấm hình biết nói, cười với những âm thanh giòn vụn nhưng trong trẻo và vô tư trong không gian sắc màu tự nhiên, vô tình mà hữu ý của thiên nhiên khiến anh muốn ngộp thở! 
Cô vẫy:
- Vào trong này đi anh, cỏ thơm lắm!
Anh nhảy qua mương, bờ hơi trơn khiến anh loạng choạng. Cô nhìn anh cười to: 
- Lúc nãy anh cảnh giác em sao giờ anh lại băng qua lối đó? 
- Anh khác, em khác chứ! - Anh nói to đáp lại.
Anh tìm được chỗ ngồi dưới một gốc cây điều. Cô hái một nắm cỏ mang đến chia cho anh một nửa:
- Anh ngửi đi, phải để sát mũi mới biết được mùi thơm dịu, kín đáo và thật ngọt! 
Cô ngồi xuống bên anh, bó gối hít hà mùi hoa cỏ tươi. Anh nhìn kỹ những đóa hoa màu tím phớt bé tí xíu nở kết thành chùm. Anh ngửi thấy mùi của đất, lá cây già, mùi cỏ và hoa và nắng. Anh nói với cô: 
- Người ta gọi đây là cây cỏ hôi. Em nhìn kỹ lông tơ trên lá đây này, không phải gây ngứa như những loài cỏ khác mà có tác dụng dược liệu đó. Bây giờ là mùa thu hoa có màu tím xanh, vài tuần nữa cỏ già, sẽ chuyển sang màu tím thẫm.
Cô to mắt nhìn anh:
- Tại sao là cỏ hôi, em không đồng ý chút nào!
- Do khi vò lá lại sẽ có mùi hơi hắc.
- Ôi, em không tưởng tượng được vạt cỏ này chuyển sang màu tím thẫm, có đẹp hơn bây giờ không hả anh? 
- Anh nghĩ đó là một màu hơi buồn bởi đám cỏ đã già, giảm sức sống, chuẩn bị tàn lụi nhưng là một màu đẹp, lãng mạn, chững chạc, điềm tĩnh và ôn hòa. 
Cô phá lên cười:
- Anh ví von văn vẻ quá đó!
Nắng rớt xuống trước mặt họ. Gió mơn man trên mặt, cánh tay. Cô ngả người tựa lưng vào gốc cây điều, giọng cô mỏng và nhỏ vừa đủ anh nghe như lời thì thầm:
- Hôn em đi anh! 
Mùi hoa cỏ tím lúc này hơi nồng nhưng vẫn kín đáo. Bầu trời xanh chao nghiêng. Nắng rơi xuống lưng chừng rồi nhảy múa, lung linh. Chim rừng ở đâu ùa về líu chíu cãi cọ. Lá khô lào rào bên dưới, nhịp nhàng. Cô thấy trong vòm lá lao xao bên trên có mây trắng chập chờn ẩn hiện. Cô nhắm mắt. Đồng cỏ tím trải rộng và cái mùi thơm dịu kín đáo bỗng nồng nàn, lộ liễu quá. Rồi bỗng dưng cái mùi thơm ngọt đó loãng ra, tan đi và biến mất. Trong trạng thái buông thả, tự do, bềnh bồng cô thấy mình đuổi theo màu cỏ xanh tím trải dài bất tận. Cô chạy nhanh hơn rồi chới với khi chúng bỗng hóa sang tím thẫm và bừng tỉnh giấc mơ. 
Anh ngồi dậy, mở túi xách lấy ra tấm ni lông nhỏ trải xuống đất, đặt nắm cơm, hộp muối vừng và bịch ruốc. Cô còn ôm lấy anh chút nữa:
- Mỗi phút giây trôi qua đều trở thành ký ức đẹp phải không anh?
Anh cầm lấy bàn tay cô, vỗ nhẹ và hôn lên tóc cô:
- Với anh, ký ức luôn đẹp, dù vui hay buồn!
Rồi anh giục:
- Ăn cơm xong đi tiếp, cô nhỏ. Đường còn khá xa đó. 
Cuối cùng họ cũng đến được nơi có dòng suối từ trên núi đổ xuống, vòng vèo ôm sát chân núi. Lý do thôi thúc anh đến đây vì anh nghe đồn trong lòng suối có một loại đá màu tím thẫm rất đẹp, ai may mắn sẽ tìm thấy! Anh là dân địa chất và say mê đá. Bước chân của người săn đá như cuộc tìm kiếm nhân duyên đưa những viên đá vô tri, nghìn năm lặng lẽ, lộ ra với người, phơi bày những nét đẹp hoàn hảo và vĩnh cửu. Tất nhiên điều đó chẳng hấp dẫn gì với một cô bác sĩ tương lai, hồn nhiên, trong trẻo, sẵn sàng hét to lên vui sướng khi thấy một cánh đồng cỏ tím nhưng rồi sẽ mau chóng quên đi. 
Và, trong lúc anh đang lò dò, mò mẫm bươi bới trong dòng nước bên dưới tìm kiếm đam mê của mình thì bỗng dưng cô thấy thác nước bên trên đổ mạnh bất thường. Đất trời như chao nghiêng mà cô chắc chắn không phải cô chóng mặt. Nước ầm ầm như ụp hết xuống hất tung mọi thứ lên cao. Cô hét to lên với anh vẫn đang cắm mặt vào dòng nước phía xa kia. 
- Anh ơi, em cảm giác như núi đổ đó anh!
- Anh ơi, mau chạy lên, em thấy khác thường lắm!
- Anh ơi… 
Tiếng của cô vang lên chìm lỉm trong tiếng nước đổ. Rất nhanh sau đó, một tiếng ầm vang động cả núi rừng. Đất trời xoay vòng trên đầu, đảo lộn dưới chân cô. Cuối cùng trước mặt cô chỉ có đồng cỏ hoa tím trải dài mênh mang và cô đuổi theo cái màu tím ấy mải miết, bất tận! 
Trong mẩu tin trên báo một tuần sau đó, có đoạn: 
“Cô gái được cứu sống trong tai nạn núi lở ở xã X, huyện Y, tỉnh Z là sinh viên năm thứ tư trường đại học y dược đã hồi tỉnh. Cô cho biết hôm ấy cô đi cùng với một bạn trai. Đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm...”. 
Năm năm sau, trong một bài tổng kết về các hiện tượng bất thường của thiên nhiên gây ra những tai họa nghiêm trọng tại một hội nghị, có đoạn: 
“Nhân chứng vụ núi lở ở xã X, huyện Y, tỉnh Z, năm 19... kể rằng, cô mất hai năm để phục hồi trí nhớ và trở lại trường học. Bạn trai đi cùng cô khi ấy được cho là mất tích...”. 
Cuộc sống trôi nhanh về phía trước, năm năm, mười năm, hai mươi năm… Những cô gái lớn lên, thành thiếu nữ, thành mẹ rồi thành bà. Cỏ hoa tím vẫn mọc dày lên sau mùa mưa, ban đầu là tím xanh, nếu kê sát mũi sẽ ngửi được mùi thơm nhẹ, kín đáo. Rồi màu tím xanh sẽ chuyển thành tím thẫm, nếu kê sát mũi sẽ ngửi được mùi cỏ úa hôi hôi. Có người thắc mắc, cỏ dại có mùi hôi thì đầy, cái tên chung chung quá làm sao phân biệt được cây cỏ hôi khi nó có nhiều giá trị dược liệu quý? Tại sao người ta không đặt cho nó cái tên khác lấy từ màu hoa đẹp thế kia nhỉ? Ai biết trả lời giùm đi!
2. Xe chở đoàn khám bệnh thiện nguyện cuối năm gồm có các bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên rời khỏi thành phố vào lúc 3 giờ 30 sáng. Nhóm của bác sĩ Thúy toàn các cô gái xinh xắn dễ thương, thêm một nhà báo và nhiếp ảnh lên xe tại điểm xuất phát. Xe đón bác sĩ Hưng và vài người khác nữa ở điểm cuối. 
Bác sĩ Hưng là trưởng đoàn, ông nhìn toàn xe rồi hỏi bác sĩ Thúy:
- Nhóm chị Thúy đi đủ không?
- Vắng hai người, Hưng ơi!
- Dược hay điều dưỡng hả chị?
- Điều dưỡng - Bác sĩ Thúy trả lời.
Bác sĩ Hưng nhìn ra phía sau lần nữa rồi nói:
- Hôm nay lực lượng mỏng quá. Bốn trăm bệnh nhân đăng ký khám, mọi người cố gắng nhé!
Bác sĩ Hưng phát bảng tên cho các thành viên, ông cầm lấy micro phổ biến các công việc sẽ làm. Sau đó ông nói với tài xế: 
- Bác tài tắt giùm đèn trong xe cho mọi người ngủ được chút nào thì ngủ. Theo kế hoạch 6 giờ 45 đến nơi. Đoàn chúng ta sẽ ăn sáng rồi sau đó vào xã làm việc luôn, có thể qua trưa. Tất cả chú ý nơi chúng ta khám bệnh không có nước, hơi bất tiện khâu vệ sinh cá nhân cho nên ai nấy cố gắng làm sạch sau khi ăn sáng nhé! 
Mọi người cười ào. Làm sao chủ động điều khiển được hệ thống xả thải đây hả bác sĩ? 
Tiếng cười nói lao xao thêm chút nữa rồi nhẹ dần, im ắng. Chỉ mình bác tài với con đường dài trước mặt. Qua những đoạn không có đèn đường, trời vẫn còn rất tối. Tốc độ vừa phải, xe chạy riêu riêu dần về phía ngày mới. 
Đoàn thiện nguyện nhanh chóng ai vào việc nấy khi xe đổ mọi người xuống nơi khám bệnh là một hội trường trung tâm văn hóa xã có hai tầng xây dựng đơn sơ, trông cũ kỹ, tạm bợ. Nhóm dược bên dưới, khám bệnh tầng trên. Có năm bàn khám bệnh. Trong năm bác sĩ, hai người đã nghỉ hưu là bác sĩ Thúy và một người nữa. 
Trong lúc đám đông chen chúc chờ khám bệnh, hai tình nguyện viên dìu lên lầu một người đàn ông gầy tong, cao lòng khòng như cây sậy nghe nói là bị mù nên ưu tiên cho khám trước. Vừa đi người đàn ông vừa lảm nhảm:
- Tui đã nói rồi, tui không có bệnh gì hết, mấy đứa con tui cứng đầu quá, cứ biểu tui đi khám!
Bàn của bác sĩ Thúy có một người bệnh vừa khám xong, người đàn ông được đưa vào ghế trống.
Bác sĩ Thúy hỏi bệnh nhân:
- Anh bị làm sao?
Người đàn ông lặp lại câu nói: 
- Tui đã nói rồi, tui không có bệnh gì hết, mấy đứa con tui cứng đầu quá, cứ biểu tui đi khám! 
Bác sĩ Thúy nhẹ nhàng:
- Anh tối mắt lâu chưa? 
- Hồi thanh niên tui gặp tai nạn ảnh hưởng đến mắt nhưng vẫn còn nhìn được tuy không rõ lắm, sau thị lực giảm dần rồi mù luôn! 
- Anh thấy trong người thế nào? 
- Trong người tui không thấy thế nào hết! Chỉ là con tui nó phàn nàn tui không ngủ, lục sục cả đêm không cho tụi nó ngủ nên ép tui khám bệnh. Với người mù như tui thì đêm cũng như ngày, ngủ đêm hay ngủ ngày cũng giống nhau mà nói nó không chịu nghe! 
- Anh mất ngủ bao lâu rồi? 
- Năm năm nay cứ đêm yên tĩnh là tui không ngủ được. Mà nằm thì hay nghĩ lung tung, tui lại ngồi dậy làm cái gì đó. Tui biết con tui ban ngày lao động cực nhọc chúng cần giấc ngủ đêm nhưng phải thông cảm cho tui chớ. Tui già rồi, còn thức được bao nhiêu lâu nữa đâu, mai mốt rồi cũng nằm xuống, ngủ luôn! 
- Các con anh nghề làm gì?
- Làm cao su đó. Lúc vô đây bác sĩ không thấy rừng cao su bạt ngàn sao?
- Sao anh biết rừng cao su bạt ngàn? - Bác sĩ Thúy cười nhẹ. 
- Ngày nào mà tui không nghe cái loa trên cây trụ đèn kia nói ra rả rồi tưởng tượng được chớ. Với lại hồi trẻ khi tui vô đây rừng cao su đã mênh mông rồi! 
Bác sĩ Thúy cầm lấy tay bệnh nhân bắt mạch. Người đàn ông như run lên, bỗng dưng ông ngửi thấy mùi cỏ, lúc thơm dịu, khi nồng nàn. Lúc phớt xanh, khi ánh tím. Rồi bất ngờ cái màu tím bên trong màu xanh chuyển nhanh sang màu tím thẫm, sắc cạnh, lạnh lùng nhưng đầy mê hoặc. Đá, phải rồi đá. Ông không nhầm lẫn vào đâu được, đó là viên đá ánh tím đẹp nhất lần đầu tiên ông nhìn thấy, kể cho ông nghe rằng nó nằm đó cả ngàn năm... rồi sau đó tất cả thành một màu xám đen trải dài đến vô tận... 
Lấy ống nghe xuống, bác sĩ Thúy ghi toa thuốc và nói với bệnh nhân: 
- Tôi cho anh loại thuốc này giúp anh có giấc ngủ dịu, nhẹ. Uống sau bữa cơm chiều. Nếu sáng hôm sau có ngầy ngật đôi chút không sao nhé. Mất ngủ với người lớn tuổi là bình thường, đừng quan trọng việc mình không ngủ được, có người chỉ cần ngủ hai hay ba tiếng trong một đêm. Không ngủ lúc này thì lúc khác. Chính thời gian lơ mơ trong ngày là đã ngủ bù rồi. 
- Tui cũng biết vậy nhưng con tui không chịu!
Bác sĩ Thúy cười:
- Bởi vậy mới cho thuốc giúp anh ngủ ban đêm.
- Ôi trời, năm năm rồi, thuốc tiên hay sao mà hết được chứng này hả bác sĩ?
Bác sĩ Thúy như chợt nhớ ra:
- À, có một loại cỏ người ta gọi là cây cỏ hôi, phơi khô nấu nước uống giúp dễ ngủ đó anh. 
- Tui biết loại cỏ đó mà tui mù đâu có đi tìm được
Diễn tả cho con lỡ chúng không hiểu, hái cây bậy bạ, uống chết sao? 
Người đàn ông còn lảm nhảm những câu tương tự vậy khi được đưa xuống bên dưới nhận thuốc, càm ràm cả với mấy cô phát thuốc rằng ông không bị bệnh gì hết, chỉ tại con ông cứng đầu, nói không nghe!
Khi bệnh nhân cuối cùng nhận thuốc xong. Các cô gái nhanh tay dọn dẹp rồi lao xao rủ nhau đi chụp hình selfie. Bấy giờ mọi người mới biết phía sau trung tâm văn hóa xã là vườn điều rộng, cảnh đẹp như trong phim. Một cô reo lên thật to khi khám phá ra vạt cỏ hoa tím và rủ nhau chạy ào về phía đó không quên kéo theo anh chàng nhiếp ảnh.
Cô khác lôi bác sĩ Thúy:
- Bác Thúy đi chụp hình cùng với tụi con. 
Chỉ vạt cỏ hoa tím thưa mỏng mà các cô thay phiên nhau hết ngồi hụp sau vạt cỏ lại đứng lên, rồi nằm dài chống cằm... 
Một cô đẩy bác sĩ Thúy ngồi xuống, mặt sát gần đám cỏ: 
- Chụp cho bác Thúy kiểu này đi anh gì ơi! 
Lúc này bác sĩ Thúy mới nhận ra mùi cỏ tím thơm, dịu ngọt. Ký ức mờ mờ ảo ảo. Đồng cỏ hoa tím dày và mịn như nhung, không chính xác là màu tím xanh hay tím thẫm. Bác sĩ Thúy lắc đầu bất lực khi ký ức được kích hoạt liên tục nhưng không gợi nhớ điều gì rõ ràng. 
Vậy mà, lúc xe rời khỏi trung tâm văn hóa xã, nhìn rừng cao su đang vào mùa thay lá xanh ngút mắt, bác sĩ Thúy bỗng nghe như có tiếng ầm rất to, vang vang, dội vọng lại. Quá khứ tuôn về ào ạt. Phía bên trong vườn điều là rừng cao su, có cái mương nhỏ cạn nước. Và hoa tím, bé tí xíu thôi nhưng nhiều lắm làm nên một màu tím mịn như nhung. 
Khi đó nắng có màu rất vàng, rớt xuống lung linh nhảy múa. Đúng là cây cỏ hôi nơi lúc nãy chụp hình. Mấy chục năm rồi, người ấy bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết? 

Đào Thị Thanh Tuyền
Phận mồ côi
Mẹ đi cắt cỏ ven sông,
Bỏ con ở lại theo chồng phương xa...
Trời xui mẹ kiếp phong ba,
Từ đây một gánh sơn hà trao con
NM

Cắt cỏ ven sông

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 
Tho cũng đã đến đây một lần tìm mẹ. Lần đó mẹ còn là dâu con họ Nguyễn nhưng đã theo chân người chồng bây giờ về ra mắt họ Phạm. Mới về ra mắt mà mẹ cũng quang gánh ra bờ sông cắt cỏ.
Vừa đi vừa chạy cả tiếng đồng hồ thì Tho nhìn thấy mẹ đang cắm cúi cắt cỏ bên người đàn ông ấy. Tho hét lên: “Mẹ về nhà với con. Mẹ mà lấy chồng là con chết ngay cho mẹ xem!”. Nói xong Tho khụy xuống. Cái liềm rời khỏi tay, mẹ vội chạy tới ôm lấy Tho mà khóc. Người kia chỉ đứng lặng lẽ nhìn. Hai đứa con của người ấy đang chăn trâu gần đấy cũng cứ đứng nhìn.
Trở về nhà, mẹ nằm bày bạy trên giường vì ốm. Bà nội không nói gì, bà hay thắp nhang lên ban thờ.
Người kia không thấy đến nữa. Một mình chị Thơm gồng gánh ra cắt cỏ thay mẹ. Nhà chỉ có một con trâu, nhưng chị Thơm tham việc vừa chăn trâu vừa cắt cỏ còn là để bán cho nhà ông Tranh, ông Lý trong làng lấy tiền mua rau mắm. Còn Tho, chẳng bao giờ Tho thích đi cắt cỏ, Tho chỉ đi bắt cua, tát cá với bọn con trai, nhưng cũng đã từ hai tháng nay, Tho sắm cái mẹt, theo thằng Quẩy, cái Mún nhảy tàu bán hàng thuốc lá, thuốc lào, kẹo lạc, bánh gai, nước vối... Giờ thì mẹ ốm. Tho nghỉ bán, ở nhà quanh quẩn trông mẹ. Thằng Quẩy bảo, mày coi mẹ mày là trẻ con mà phải trông? Cái Mún bảo, nó giữ mẹ nó không muốn cho đi lấy chồng thì có, nhớ luôn thủ sẵn con dao nếu ông ta đến thì dọa cho một nhát. Tho không thèm đối lại chúng nó.
Nghỉ tới chục chuyến tàu để trông mẹ, vậy mà Tho vẫn không giữ nổi mẹ. Một hôm, vừa ăn cháo xong, mẹ lên cơn đau bụng, mẹ chạy thốc ra vườn nôn khan. Đánh cảm, cạo gió không hề đỡ. Mẹ cứ nôn thôi.
Bà đi làm đồng về, nhìn thấy thế thì buồn rũ ra, nói, mẹ cái Thơm có chửa rồi, mau gọi người kia đến đây ngay. Tho vẫn dọa chết để giữ mẹ nhưng không xong. Bà nội khuyên: Sự thể đến nước này cũng chẳng thể giữ được mẹ mày nữa, vì cái sinh linh bé bỏng trong bụng, nó có tội tình gì. Thầy mày ốm mất từ khi mày mới mười tháng tuổi, mẹ mày khi ấy vừa đôi mươi. Đã mười hai năm qua, người mất đã mất, người sống vẫn phải sống, với lại sau này chị em mày là phận gái, rồi cũng sẽ theo chồng, bà già bà chết, khi ấy mẹ chúng mày biết dựa ai? Giọng bà chùng xuống.
Thế là mẹ theo người kia đi về phía cuối dòng sông. Lúc ấy, Tho vừa mười ba tuổi, còn chị Thơm mười năm.
Gió từ sông thổi hơi nước lên mặt Tho mát lạnh. Mẹ rót cho Tho bát nước vối, rồi hỏi:
- Con vẫn đi tàu bán hàng à?
- Vâng.
- Bán có được không?
- Cũng tàm tạm ạ.
- Chị Thơm vẫn đi cắt cỏ bán cho nhà ông Lý, nhà ông Tranh chứ?
- Không, dạo này chị ấy không đi cắt cỏ nữa.
- Sao lại không đi?
Tiếng đoàn tàu chở hàng xình xịch chạy qua. Tho nhìn thấy mấy thằng lính Tây đang ngồi vắt vẻo trên các thùng hàng, vai đeo súng, một thằng đang trỏ tay về phía cái đồn nằm giáp đầu làng mẹ ở nói cái gì đó, lòng Tho chợt sôi lên tức giận.
- Chị con ốm à?
Đợi đoàn tàu đi qua, mẹ lại hỏi.
Tho cố kìm cơn uất đang dâng lên trong lòng, đáp lời mẹ:
- Còn hơn cả ốm.
- Tại mấy tháng qua em Tép ốm quá nên mẹ chưa về thăm nhà được.
- Chị Thơm cũng là con mẹ, chị ấy rất cần mẹ lúc này, mẹ về ngay đi. Chị ấy bị...
Mặt mẹ chợt biến sắc:
- Chị con làm sao?
Tho ôm lấy mẹ, khóc nấc lên:
- Chị đi cắt cỏ ven sông, một trưa, bị thằng Tây Rép hãm hiếp rồi.
Mẹ sững người như trời trồng.
Hôm ấy, Tho vừa xuống tàu, cái Hũn đã chạy lại thông báo tin dữ, chị Thơm đã chạy ra sông tự tử vì không chịu được nỗi nhục bị thằng Rép hãm hại. Tho quẳng cả mẹt hàng đi, băng qua cánh đồng, chạy tắt ra bờ sông.
Giữa thảm cỏ gà, chị nằm đó ướt sũng, quắt queo, người làng đang thay nhau cứu chữa cho chị. Tho định xé đám đông chạy lại thì mấy cánh tay lực lưỡng ngăn không cho vào, vì người nhà vào gần là khó cứu lắm. Bà nội cũng đang ngồi bệt dưới gốc tre vừa khóc vừa gọi thảm thiết, ba hồn chín vía cái Thơm ở đâu thì về mau. Những người đàn bà gầy gò, rách rưới đang cắt cỏ, làm ruộng cạnh đó cũng chạy lên, cứ đồng thanh gọi giúp bà, ba hồn chín vía cái Thơm ở đâu thì về mau, ba hồn chín vía cái Thơm ở đâu thì về mau...
Đàn ông cứ cứu chữa, đàn bà cứ hú gọi. Nửa tiếng sau thì mắt chị động đậy. Người ta gọi bà và Tho vào. Bà quỳ sụp xuống mà vái tạ ơn trời đất, thần Phật.
* Đêm qua, một tàu chở vũ khí của giặc qua sông bị du kích đánh đắm, tám thằng lính Tây thiệt mạng, xác nổi lềnh phềnh trên sông. Bọn lính trong đồn sợ không dám tới gần, phải thuê mấy người dân chài vớt xác đồng bọn lên.
Sáng sớm, chợ họp phiên đầu tháng, bọn Tây đã tràn vào làng càn quét. Bà nội Tho vừa bê mẹt cam ra định ngồi bán thì bị chúng cướp hết, nhà Khung bị cướp cả hai con gà mái ghẹ. Cô Mạn vừa đặt quang gánh rau muống xuống cũng bị một thằng ngang nhiên thò cả hai tay bóp vú như vặn rau muống xào tỏi, phải quẳng cả gánh rau mà ù té chạy. Ai cũng tức nhưng không dám phản kháng. Sau đó, chúng xông vào làng lùng bắt bác Chì, bác Vận, bác Du, anh Sân, anh Nguyên ra đình làng. Chúng đánh đập dã man, thậm chí dùng kìm vặn răng từng người để buộc mọi người khai ra vụ đánh đắm tàu, nhưng vặn thì vặn, không ai hé nửa lời. Bất lực, chúng đành trói, gông đám tù nhân lại, đợi tàu về chở đi, nói là sẽ đem xử bắn. Chúng còn sang làng Tĩnh lùng bắt một toán Việt Minh bảy người nữa, cũng dẫn giải đến đây. Thằng Rép, trưởng đồn chửi tục bằng tiếng Việt rằng để trả thù cho đồng bọn, phen này sẽ hủy diệt tiệt nọc đám Việt Minh quèn vùng này! Làng nước nhốn nháo. Người nhà kêu khóc thảm thiết.
Bà chạy vội về nhà kể chuyện động trời ấy cho Tho nghe. Bà vừa nhắc tới tên anh Sân, Tho vội bịt miệng bà lại, chỉ vào trong buồng, sợ chị Thơm nghe thấy, vì anh Sân là người yêu của chị.
- Bây giờ anh ấy ở đâu?
Chị Thơm đã đứng ở cánh cửa từ lúc nào, giọng thều thào.
- Chị...
- Đừng giấu chị. Anh Sân biết chuyện của chị, anh ấy lồng lộn lên định lẻn lên đồn sống mái với thằng Rép, nhưng chị gàn anh Sân không nên manh động. Chị bảo chị không xứng với anh ấy nữa, anh hãy tìm người khác đi. Sân nghe rồi lầm lũi bỏ đi. Mấy bữa sau thì tàu giặc bị đánh đắm. Giờ anh ấy ở đâu?
- Đang bị trói ngoài đình, đợi chuyển đi.
Tho chỉ dám nói có thế.
Chị Thơm với cái nón, chạy vù đi. Tho chạy theo sau. Đình làng chật cứng người lớn trẻ con, người khóc lóc, kẻ kêu xin, váng cả góc trời. Phía sân trong, bọn lính đang thúc báng súng vào lưng tù nhân để còng thành từng xiên. Thằng Rép giơ dùi cui lên phang vào đám tù nhân túi bụi, mắt nó đỏ ngầu như máu.
Tàu vào ga. Đám tù nhân bị lùa đi. Những người nhà tù nhân chạy theo liền bị roi vút ngang mặt, ngang lưng, tứa máu, ai nấy dạt ra. Chợt anh Sân nhìn thấy chị Thơm đang đứng lẫn trong đám đông, anh Sân nghển cổ định nhoài ra nói câu gì đó thì bị thằng Rép cho một cái báng súng vào mang tai, anh cứng họng. Chị Thơm ngồi thụp xuống đất khóc. Hàng tù nhân nối đuôi nhau lên tàu. Thằng Rép lên cuối cùng, vênh mặt lên nhìn đám đàn bà con gái đang lùi lại phía sau. Tàu chuyển bánh.
Cả làng chìm trong đau thương. Người ta kháo nhau, nếu cũng như đợt càn quét trước thì mười hai người đàn ông này sẽ bị giải xuống phía Cầu Cất và bị tử hình. Biết tin đó, sáng hôm sau, Tho nói dối chị Thơm đi kiếm nguồn hàng rồi cùng thằng Quẩy, con bác Vận, đi bộ hai chục cây số xuống Cầu Cất nghe ngóng tin tức. Hỏi thăm mấy ông già gần đó kể, đêm qua chúng có bắn mười đồng chí Việt Minh rồi hất xác xuống sông, nước lũ đang về mạnh, nên khi chúng rút người dân ra tìm xác thì không thấy, chỉ thấy những vệt máu, đám Việt Minh còn lại chúng lùa lên xe chở đi mất. Thằng Quẩy khóc, không biết thầy nó còn sống hay đã chết. Tho vỗ vai nó, điềm nhiên:
- Khóc được ích gì.
Hai đứa lại đi dọc đường tàu về. Tới làng thì trời sâm sẩm tối. Nhìn lên đồn thấy có vẻ yên tĩnh, Tho rủ Quẩy xuống sông tắm, vớt rọ tôm Tho đánh từ tối qua còn chưa kịp đổ. Hai đứa đi lộn lên gốc gạo rồi mới nhảy ùm xuống sông.
* Bà gọi Tho vào thì thầm:
- Hỏng rồi.
- Hỏng gì cơ bà?
- Nó nôn khan cả ngày nay. Nó biết có chửa. Nó không ăn, cứ tự đấm bụng mình thùm thụp.
Tho vào buồng, thấy chị Thơm đang vén áo, chằng dây chun quanh bụng, Tho giật tay chị ra. Hai chị em ôm nhau khóc.
Rồi mẹ cũng về, lúc Tho đang đi móc cua. Mẹ gánh theo mấy nải chuối và mua cho hai chị em mảnh vải may áo. Vừa bước chân vào nhà thì hai mẹ con nhìn thấy cái Tẹt con chị Hái hàng xóm, hai tay bám thành giường, đang giậm hai chân lên bụng chị mà giậm nhảy như nhảy trên đống chăn bông. Lao vào lôi cái Tẹt ra khỏi bụng chị Thơm, Tho định tát cho nó một cái thì chị gàn:
- Chị cho kẹo để nhờ nó lôi cái thai ra đấy.
Vừa thả tay ra, cái Tẹt đã chạy biến ra ngoài sân.
Mẹ ôm cái bụng đã đỏ nẩng của chị khóc bảo rằng:
- Tại mẹ đã bỏ các con mà đi nên ra nông nỗi này, lỗi ở mẹ.
Tho bảo:
- Chị đừng làm vậy, đứa nhỏ có tội gì đâu.
Chị Thơm bảo:
- Nhưng con không muốn đẻ ra đứa nghiệp chướng này.
Ba mẹ con đi bộ đến nhà bà lang. Đợi một tiếng nữa thì bà lang sắc xong bát thuốc. Đến lúc bê bát thuốc lên miệng để uống, chẳng ngờ, chị Thơm lại nức nở khóc rồi bất ngờ hất tung bát thuốc xuống nền nhà. Nước thuốc đen ngòm, sủi bọt xèo xèo trước khi ngấm hết vào đất.
Đưa chị về nhà xong là mẹ cũng tất tả quang gánh đi về phía cuối con sông. Nhà chồng mới không thể thiếu mẹ một tối, thằng Tép còn bé không thể thiếu sữa mẹ một đêm.
Mẹ lên tới triền đê, Tho chạy theo, dặn:
- Nếu con vắng nhà, mẹ nhớ năng về với chị Thơm được không?
Mẹ lặng lẽ gật đầu. Tho đứng nhìn bóng mẹ mất hút sau rặng tre.
Trăng sáng. Làng yên tĩnh lạ. Từ khi năm người đàn ông trong làng bị bắt đi thì chưa đến tối nhà nào cũng đã đóng cửa cài cổng sớm, con gái càng không dám ra đường, kể cả ban ngày chứ đừng nói gì buổi tối.
Bên ngọn đèn dầu tù mù bà đang ngồi tuốt rơm bện chổi. Chị Thơm mệt quá đã thiếp đi. Tho đi ra đầu nhà, men theo vườn cây, lên bờ sông. Một màu sương trắng. Nước từ trên thượng nguồn đổ về, sóng vỗ oàm oạp. Xa xa, tiếng còi tàu rú lên trước khi vào ga. Những ánh đèn pin loang loáng, những bước chân rình rịch, mấy thằng Tây vừa đổ bộ xuống ga. Nấp trong gốc tre Tho nhìn thấy thằng Rép vừa đi vừa vung chân vung tay, áo nó phanh ra để lộ hình săm con sư tử nhe răng dữ tợn trước ngực. Tho muốn mình biến thành con sử tử để vồ xé rách ngực nó, moi tim của nó ra cho hả dạ.
* Chị Thơm định vác quang đi cắt cỏ. Chị bảo, cỏ đang lên tốt, nếu không cắt, cỏ ăn vào ruộng thì sâu bọ làm hỏng hết lúa, với lại cắt một sáng cũng kiếm được hai bơ gạo, lại còn con trâu cũng không thể bỏ đói được. Bà giữ lại không cho đi, dạo này thằng Rép hay dẫn lính vào làng lùng sục bắt bớ, trộm cướp ác lắm, hãy thư thả đã, trâu thì bà ràng sau nhà cho ăn rơm cũng được. Nhưng chị Thơm cứ đi. Bà kéo tay chị Thơm lại, bảo:
- Vậy bà đi.
Tho chạy ra giằng lấy đòn gánh và đôi quang trên vai chị, rồi ấn bà lùi vào trong bếp.
- Để cháu.
Hai người kia ngạc nhiên. Từ bé đến lớn chưa bao giờ Tho đi cắt cỏ. Tho chỉ thích đi bắt cua, bắt cá, tắm sông, rồi giờ thì nhảy tàu bán hàng.
Bà gàn:
- Mày cũng không được đi. Nhỡ có chuyện gì nữa thì bà có chết không nhắm được mắt.
- Chẳng có chuyện gì đâu.
Tho quả quyết.
Ruộng lúa nhà Tho gần mấy bụi tre, cỏ bờ lên tốt chờm xuống cả mặt ruộng. Mấy ruộng bên cạnh cũng thế. Từ hôm chị Thơm bị hại, đàn bà, con gái trong làng không dám ra đồng một mình, cánh đồng ven sông vắng hẳn bóng người.
Cắt xong được một bờ ruộng, ánh nắng đã chiếu thẳng đứng, Tho vã mồ hôi, người ngợm nóng bức, bèn cởi khăn, áo nhảy tòm xuống sông tắm. Vừa lúc Tho bơi ra tới đám hoa súng định hái thì có tiếng súng nổ, con chim bói cá ngã quay đơ xuống chiếc lá sen non. Sau bụi tre, thằng Rép rời súng khỏi tầm ngắm, nhìn Tho cười khình khịch, mắt nó đỏ như mắt cá chày. Tho hốt hoảng, núp sau mấy bông súng, nhưng đôi mắt cá chày của nó vẫn nhìn như hút vào vòm ngực non mới nhú trắng nõn của Tho.
Nước sông sóng sánh. Thằng Rép lao vun vút xuống sông. Tho bơi cuống cuồng qua đám hoa súng, cố để lên nhanh tới bãi ngô giữa sông. Còn vài sải tay nữa thì Tho bị thằng Rép tóm được chân, lôi giật ngược lại, nước chảy vào mũi vào miệng, Tho nghẹn thở, ho sặc sụa. Một tay ghì vào bụng Tho, một tay nó xé rách quần áo Tho, rồi nó lại thả tay ra, Tho vùng vẫy bơi được vào gần bãi ngô, nó lại nhào tới ôm chặt, nó vờn Tho như mèo vờn chuột. Nó ngửa bụng lên trời, vật Tho nằm lên bụng nó, nó cào, nó cấu, Tho đau đớn. Nó cười ré lên, rồi lại nhả Tho ra. Tho bám được vào một cành si, lấy đà đạp vào bụng nó một cái vội leo lên bãi. Thằng Rép bị đau, chửi tục, ngồi bật ngược trở dậy lao đến vồ gọn lấy con mồi, tay nó xé toạc áo quần của Tho. Mắt cá chày, mũi diều hâu, miệng cá ngão, tất cả đang cọ vào thịt da Tho. Nó dừng lại để cởi quần, nhưng đai súng vẫn cứ khóa chặt bên hông. Tho trần như nhộng, lổm ngổm bò tới gốc cây si thì lại bị vật ngửa ra, đất phù sa nhơ nhớp dưới thân. Trong lúc nó cúi xuống định kẹp cứng chân Tho bằng hai chân nó không để giẫy giụa cho dễ hành sự thì bàn tay phải của Tho lần được vào trong túm rễ si rậm rịt. Đoàng! Mấy con chim bay vót lên. Máu đỏ phọt lên ngực Tho, thằng Rép trợn ngược mắt nhìn trời không hiểu có chuyện gì đã xảy ra, rồi đổ vật xuống.
Tới chiều tối thì bọn lính trên đồn tìm thấy xác thằng Rép trần truồng bên bãi ngô giữa sông. Một viên đạn găm vào giữa ngực trái của nó. Bọn lính kháo nhau, không phải viên đạn từ khẩu súng của Rép, dù khẩu súng đó cũng đã bị Việt Minh cướp đi mất.
Ba ngày sau, nhân lúc bọn lính trong đồn mải tiếp nhận hàng từ tàu chuyển xuống, lơ là tuần tra dọc bờ sông, thằng Quẩy lẻn bơi qua sông ra bãi ngô, tìm mãi dưới đám rễ si mà chẳng thấy khẩu súng mà nó và Tho đã giấu hôm hai đứa ra tắm sông đổ rọ tôm vớt được nữa. Nhớ lại lời Tho thủng thẳng nói lúc hai đứa đem súng giấu đi: “Tao muốn giết thằng chó đểu đó!”, Quẩy liền chạy về nhà bà Tho, thấy bà và chị Thơm đang khóc vì Tho bị mất tích mấy ngày nay. Quẩy bảo, hai người đừng khóc nữa, cái Tho chắc không chết được đâu.
* Chị Thơm sinh ra thằng Nam tóc xoăn, mắt xanh, chị vẫn cắt cỏ chăn trâu, còn bà lần hồi cái chổi, con cua, cái tép. Hòa bình lập lại, bọn lính trên đồn đã rút chạy hết. Tho vẫn biệt vô âm tín. Khi Nam biết chăn trâu, đánh dậm giỏi thì cụ nội mất.
Vào đúng hôm các gia đình trong làng thổi xôi đóng oản cùng làm giỗ trận cho năm người đàn ông, con trai của làng bị bọn lính Tây bắt đi xử tử thì có đoàn cán bộ cấp trên về xã tuyển quân. Nam cũng đã đăng ký từ trước, đúng hôm ấy, Nam đánh trâu ra đồng từ ba giờ sáng để không lỡ ruộng cấy cho mẹ. Mặt trời nhô lên bằng cái đòn gánh trên ngọn tre thì Nam cũng cày bừa xong thửa ruộng ven sông. Dắt trâu về đến cổng, Nam đã ngửi thấy mùi xôi chè bay lên, bấy giờ bụng Nam mới réo lên ùng ục.
- Mẹ thắp hương cho bố Sân xong chưa để con còn vét cháy ăn, kẻo lên xã khám lại không đạt yêu cầu.
Vừa nói Nam vừa chạy vào nhà. Chợt Nam khựng người lại vì nhìn thấy mẹ đang ôm một người phụ nữ mặc quân phục bạc màu, cả hai đang đứng trước ban thờ mà cứ nức nở khóc như con nít.
Người phụ nữ gạt nước mắt, quay ra nhìn Nam.
- Thằng bé đã cao hơn cả dì Tho rồi này.
Mẹ gạt nước mắt, nói:
- Dì Tho của con đấy, thì ra bấy nhiêu năm dì đi kháng chiến, nay cùng đoàn cán bộ về xã tuyển quân, dì mới có dịp về thăm nhà được. Lại với dì đi con!
Dì Tho nắm tay, vuốt tóc Nam âu yếm, rồi dì dang cánh tay ôm Nam vào lòng, dì cười mà hai hàng nước mắt cứ chảy dài trên má.
Nguyễn Thu Hằng

Chiếc lá năm xưa
Giấc mộng ngày thơ giấc mộng buồn !
Gửi hồn phiêu lãng giữa chiều sương,
Tôi về tìm lại vườn xưa cũ,
Không vấn vương gì không tiếc thương...

Dẫu là chiếc lá năm xưa,
Nhận làm chi nữa thêm buồn ước mơ
NM

Cỏ Bốn Lá
Cỏ bốn lá mang lại sự may mắn, nhưng may mắn thật sự xuất phát từ sự chân thành, và may mắn cũng chỉ đến với những người biết trân trọng sự chân thành ấy...
Tám năm bay nhảy tự do, tôi giờ lại đứng giữa căn nhà rộng rãi mà trống vắng của gia đình mình. Bố mẹ vẫn đang trong chuyến du lịch châu Âu, anh trai cũng phải bận bịu với công việc kinh doanh riêng, do vậy lần này chỉ có mình tôi trở lại.
Căn nhà cấp hai nằm yên bình trong cái thị trấn nhỏ này là nơi tôi sinh ra, lớn lên, là nơi gia đình bốn người chúng tôi có hơn hai chục năm gắn bó. Cho đến khi hai anh em tôi lần lượt trưởng thành, rồi công ty nhỏ của bố nhờ gặp được đúng thời cơ thuận lợi mà ăn nên làm ra, gia đình tôi mới chuyển lên thành phố để tiện cho công việc. Bố mẹ không bán căn nhà này đi vì muốn để lại làm nơi an dưỡng tuổi già sau này. Thế mà, giờ hóa ra tôi lại là người trở về sớm nhất!
Tôi từ nhỏ đã thích náo nhiệt, thích đi đó đây, thậm chí có ước mơ xách ba lô đi vòng quanh thế giới. Tôi cũng từng nghĩ mình có thể vui chơi rồi đi hết cả cuộc đời này. Ấy vậy mà mới hai mươi tám tuổi, chưa già, chân đã bắt đầu mỏi. Có lẽ lí do đơn giản là vì cuộc đời vốn không phải lúc nào cũng đẹp đẽ và thuận lợi như trong cái suy nghĩ ngây ngô ban đầu của tôi. Thất bại trong lựa chọn công việc và tình cảm đã khiến tôi chán nản.
Suốt tám năm qua tôi đã theo đuổi một thứ gì đó thật xa xôi và mơ hồ, mà đối với tôi khi nhìn lại lúc này thì chúng là những thứ cao xa đến tầm thường và ngớ ngẩn. Phải, có lẽ đúng là có những thứ tưởng chừng như cao xa, hoàn mĩ nhưng trải nghiệm rồi mới nhận thấy nó hóa ra lại chỉ là tầm thường, rồi bản thân đã cố chạy theo để đạt được những thứ hư vô ấy mới đúng thật là ngớ ngẩn. Như vậy đấy, người ta vẫn thường không muốn những thứ xung quanh mình quá bình lặng hay giản đơn, đôi khi bỏ lại cuộc sống an nhàn đã có được mà phiêu bạt theo một thế giới tấp nập ồn ào với những vô hình là những bon chen, ngột ngạt.
Tôi không phủ nhận cuộc sống đã từng quá ưu ái mình khi mà mọi thứ đến với tôi đều khá dễ dàng và suôn sẻ. Lúc nhỏ tôi thường hay tự hào vì có một ngôi nhà lớn nhất trong xóm, nhưng điều đó dường như vẫn chưa đủ thỏa mãn cái mơ ước sống trong một lâu đài công chúa lộng lẫy trong tôi. Lớn lên tôi lại không phải chật vật để có được một, thậm chí là một vài công việc ổn định, nhưng thay đổi việc làm qua lại nhiều lần trong tám năm, tôi rốt cuộc vẫn chưa tìm ra được cái hứng thú mơ hồ mà mình muốn hướng tới. Ngay từ khi biết yêu, tôi đã có một người yêu thương mình thật lòng, một người nguyện đứng đợi tôi rất lâu, rất lâu. Vậy nhưng tôi lại vụt chạy qua mà thậm chí không hề ngoảnh đầu nhìn lại về phía người đó. Để rồi, suốt thời gian qua tôi đã theo đuổi những cách yêu thật viển vông, trải những mối tình chẳng hề trọn vẹn và cũng đã không ít lần bị vấp ngã. Tôi dừng lại với một người đàn ông mà tôi cho rằng mình cuối cùng đã tìm được tình yêu đúng nghĩa thật sự. Tôi không ngừng chạy theo và yêu người đó đến khờ dại trong suốt ba năm, để rồi trông thấy thế giới xung quanh mình bỗng như vỡ vụn khi chứng kiến anh ôm hôn một người con gái khác. Anh nói rằng đã hết yêu tôi, rằng anh không còn cần tôi, rằng tôi vốn chẳng là gì trong cuộc đời của anh dù là phía trước hay tiếp sau của hiện tại, bảo rằng tôi hãy thôi ảo tưởng về một mối tình đẹp đẽ vốn không hề có thực kia. Tôi không biết mình đã điên cuồng mà làm những gì sau khi nghe từ anh những lời khiến trái tim mình tê dại đó. Tôi đã cố rũ bỏ sự thực, đã cố níu kéo, nhưng rồi lại nhận thấy bản thân mình hóa ra mới thật nực cười.
Tôi rốt cuộc chẳng còn niềm tin với mọi thứ, chán nản cùng mệt mỏi khiến tôi muốn tạm thời rời khỏi cái thành phố hoa lệ ồn ào để tìm cho mình một khoảng thư thái bình yên. Tôi quyết định gửi lại chỗ cổ phần nhỏ trong công ti của bố, còn mình trở về đây sống nhàn nhạ để vết nứt trong tim có thể dần lành, làm bạn với cây bút, với vài mẩu truyện vu vơ như sở thích một thời của tôi trước kia.
                                             ***
Một ngày mới được đánh thức bởi sắc màu tươi rạng của những gợn nắng mai. Tôi cũng thức giấc theo tiếng leng keng khe khẽ của chiếc chuông gió treo phía trên cửa sổ, lờ mờ nhận thấy một dòng chất lỏng đã khô lại nơi khóe mắt mình. Phải, đêm qua có lẽ tôi đã khóc, nhưng là khóc trong giấc mơ - giấc mơ về một người khiến trái tim tôi dù bị tổn thương nhưng lại vẫn cứ muốn níu kéo. Một mối tình ba năm, nói thế nào cũng không thể dễ dàng mà rũ bỏ.
Mặt trời lại lên cao thêm một chút, tôi bước theo cơn gió thanh nhẹ buổi sáng sớm ra một góc vườn. Phía sau gốc cây cổ thụ già kia là một mảng cỏ xanh mướt - là loại cỏ ba lá mà tôi từng biết tới với một ý nghĩa đặc biệt. Trước kia nó là một đám cỏ nhỏ, nhưng giờ sau bao năm, thảm cỏ đã lan rộng ra cả góc vườn. Lúc tôi trở về chỗ này rất rậm rạp, mấy người thuê tới làm vườn đã định phá bỏ bãi cỏ này, nhưng không hiểu sao tôi lại bảo họ giữ lại. Những ngọn cỏ ba lá xanh mơn mởn khẽ khàng vươn qua mấy rễ cây lớn đâm ngang, nhẹ rung rung mình theo gió. Thậm chí có một phần những nhánh cỏ đã quá khích mà lan sang cả khu vườn của nhà kế bên. Cạnh bờ rào bên đó có một cậu bé chừng bảy, tám tuổi đang cặm cụi đùa nghịch với vài cọng lá. Tôi bỗng nhiên ngẩn ngơ giống như vừa trông thấy được một bức tranh vẽ tuổi thơ của chính mình.
Trong bức tranh ấy cũng có một cậu bé với đôi mắt một mí trông thật lém lỉnh, cậu ngồi sổm ngay gốc cây mà đưa ánh mắt tò mò nhìn con nhỏ đang lúi húi giữa đám cỏ ba lá xanh rì bên cạnh. Cô bé cứ mải miết tìm kiếm thứ gì đó mà không buồn bắt chuyện với cậu, vậy nên cậu cuối cùng cũng khó hiểu lên tiếng:
"Ê, mày bắt cái gì ở đó vậy?"
Cô bé bấy giờ mới ngẩng mặt, đuôi mắt khẽ cong lên thành nụ cười:
"Không bắt con gì cả, đang tìm cọng cỏ bốn lá."
"Hả? Tìm lá cỏ để làm gì?"
"Chị tao bảo nếu tìm được lá cỏ nào có bốn cánh thì sẽ rất may mắn, mong muốn sẽ thành hiện thực, thật đấy!" - Con nhỏ tròn xoe hai mắt như để khẳng định câu nói của mình.
"Điêu, một cái lá cỏ mà như thế được! Thế thì muốn gì cứ đi bứt một cái về là xong à."
Cô bé liền bĩu môi: "Mày tưởng tìm được cái lá có bốn cánh như thế dễ lắm à! Tao kiếm từ nãy tới giờ có được cái nào đâu!"
Cậu nhóc liền nhổm bật dậy, tiến tới bãi cỏ mà ngồi xuống xem xét: "Nhiều cỏ thế này mà không tìm được á?" Thế rồi chính cậu một lát sau đó cũng phải ngao ngán thở dài: "Sao chỉ toàn lá ba cánh nhỉ?"
Thế là hai đứa nhỏ lại mải mê mà tìm cỏ suốt cả buổi chiều, thậm chí đến tận khi người nhà gọi về ăn cơm - một điều mà có lẽ chỉ những đứa trẻ còn thật lắm vô tư trước cuộc đời mới dành nhiều thời gian đến thế. Con nhỏ buồn thiu vì nó thật sự đang có một ước nguyện, vậy nhưng nó lại chẳng thể kiếm được cọng cỏ bốn lá nào. Nhưng vẫn giống với mọi khi, nó luôn luôn nhận được một lời an ủi: "Đừng có buồn, nếu mày thích thì mai tao sẽ tìm cho mày."
Thế rồi có một hôm, cậu bé từ đâu bỗng chạy vụt tới nhà của con nhỏ, chưa nhìn thấy người nhưng cậu đã gọi lớn từ rất xa. Tới trước mặt cô bé, cậu đưa ra một cọng cỏ có bốn lá nằm gọn giữa lòng bàn tay: "Xem này, tao tìm được rồi, cho mày đấy, cái chân của mày sẽ nhanh khỏi thôi, đừng có mà buồn nữa." Hai đứa nhỏ đều nhìn vào chiếc lá mà cười thật tươi, vui sướng giống như vừa được bố mẹ hứa sẽ mua cho một thùng kem thật lớn.
***
Cậu bé đó là bạn thân, là mối tình đầu, cũng là người từng cho tôi tình yêu chân thành nhất. Ngay từ khi còn rất nhỏ, cậu bé ấy đã luôn biết cách an ủi tôi, bảo vệ và nhường nhịn tôi. Khi lớn lên, anh luôn là người bên cạnh tôi, là người nguyện chờ đợi tôi, nhưng lại là người bị sự vô tâm của tôi bỏ rơi ở lại.
Tuổi thơ của chúng tôi là những vô tư hồn nhiên, tuổi thanh xuân của chúng tôi là những tình cảm mới nảy nở thật ngây ngô và mộc mạc. Chúng tôi vẫn mang bên mình cái tình bạn "mày - tao" trong suốt mười mấy năm, rồi không biết tôi rung động trước anh khi nào, chỉ nhớ khi anh nói "làm bạn gái tao đi", vậy là tôi đồng ý. Thậm chí hồi đó tôi vì cứng đầu, nhất mực không chịu gọi "anh" mà bị lấy mất nụ hôn đầu tiên.
Tôi chỉ có một cuộc tình như vậy trong quãng đời cấp ba, bắt đầu từ lúc hai chúng tôi mười sáu tuổi. Cho tới mười tám tuổi, ra trường, ra đời, anh không còn ở cạnh tôi luôn luôn, có lẽ đó là lúc tôi cảm thấy tình yêu của mình thật nhàm, là lúc tôi chạy qua anh để bước qua thật nhiều con đường mà tôi cho là bản thân muốn trải nghiệm. Tôi còn nhớ ngày tôi gọi qua điện thoại nói muốn chia tay anh, anh mặc cho trời đã về đêm mà chạy xe hơn ba mươi cây số tới nơi trọ của tôi ở gần trường đại học mà hỏi tôi vì sao nói với anh như vậy. Tôi nhớ hôm đó đã thấy nước mắt của anh, giọt nước mắt tôi chỉ có thể nhìn thấy khi anh còn là một đứa nhỏ - là vì tôi nói không muốn tiếp tục yêu anh, là vì tôi nói tình cảm tôi dành cho anh trước kia chỉ là sự rung động vu vơ của tuổi mới lớn.
Vậy là chúng tôi chấm dứt mối tình đầu như vậy. Mặc dù rất lâu sau đó anh vẫn nói còn yêu tôi, rằng anh nguyện đứng đợi tôi, nói tôi hãy tới những nơi muốn tới, nhưng anh sẽ không thay đổi, sẽ vẫn đứng đợi tới khi tôi mệt mỏi và trở về. Khi ấy tôi đâu quan trọng những lời nói đó, tôi cứ dần chạy xa, rồi chạy xa khỏi anh. Lúc bố tôi đưa ra ý chuyển nhà lên Hà Nội, tôi chẳng cần suy nghĩ mà lập tức gật đầu giống như đó đã là ước nguyện từ rất lâu. Rồi hai mươi ba tuổi, sau khi có công việc riêng được một năm, tôi hoàn toàn đã không còn liên lạc với anh, hòa vào cuộc sống xô bồ thực sự đã khiến tôi đánh rơi đi thật nhiều thứ.
***
Tôi lục từ trong căn phòng lúc trước một chiếc hộp của chính mình hồi nhỏ, đó chính xác là vỏ hộp bánh quy lớn tôi xin của mẹ để đựng vài vật dụng linh tinh. Nó đã từng là "chiếc hộp bí mật" theo tôi suốt bảy năm trung học. Tôi để vào đó những là hình của thần tượng, là vài cái móc treo nho nhỏ mà chính tay tôi đã làm ra, là vài quyển sổ nhỏ ghi chép vu vơ những điều mà chỉ mình tôi hiểu, là những mẩu giấy nhớ ghi kế hoạch và dự định trong tương lai, đôi khi còn có cả những đồng nhuận bút khiến tôi vô cùng hạnh phúc khi có được nhờ gửi truyện ngắn của mình lên báo.
Tôi mang chiếc hộp ra chiếc sô pha ngoài phòng khách, đặt nó lên đùi và mở chiếc nắp qua nhiều năm đã đóng chặt. Phía trong không còn nhiều đồ lỉnh kỉnh như trước kia, chỉ là hai quyển sổ với vài câu truyện còn đang viết dang dở, và, cạnh đó là một sợi dây chuyền có mặt đá hình cỏ bốn lá đã từng là rất quen thuộc với tôi. Tôi không còn đeo nó từ khi chia tay với anh, nhưng tôi không nhớ mình đã mang nó để vào đây từ lúc nào. Bất giác tôi nhìn vào cái mặt hình lá mà bâng quơ mỉm cười, nụ cười mà chính bản thân tôi cũng chẳng hiểu nó dành cho điều gì nữa.
Chỉ là tôi đã nghĩ, nếu trước kia tôi không chạy quá nhanh, liệu tôi có bị ngã gãy chân mà không thể đi lại đến hơn một tháng? Nếu tôi vẫn giữ cho mình tình yêu thật nhẹ nhàng với anh, rồi gia đình tôi không rời đi, rồi tôi cũng sẽ chỉ cố gắng theo đuổi cái niềm đam mê viết lách vốn có của mình, tôi sẽ không mù quáng lao đầu vào một con đường rộng dài nhưng thật nhiều bon chen, một cuộc tình trông như lí tưởng nhưng lại toàn giả dối? Lúc nhỏ bị vấp ngã mà gãy chân, có một cậu bé đã tặng tôi cọng cỏ bốn lá mong cho tôi nhanh khỏe lại. Nhưng lúc này đây, khi tôi trải qua bao vấp ngã đến có một vết nứt lớn trong trái tim, sẽ không có ai đứng cạnh mà an ủi hay xoa dịu tôi được nữa. Mặc dù trong chiếc hộp kia vẫn còn cả một bức thư mà anh để lại cho tôi, bức thư nói anh sẽ nguyện đứng đợi, nhưng tôi hiểu cái cơ hội ấy đã bị tôi bỏ lại ở một quá khứ xa xôi mất rồi. Trải qua thời gian lâu như vậy, anh dĩ nhiên đã không còn ở đó, gia đình anh thậm chí cũng đã chuyển đi xa . Cũng phải thôi, làm gì có ai có thể mãi đứng đợi khi mà tôi cứ mải mê chạy xa, chạy xa mà chưa một lần ngoảnh lại, chưa một lần có ý quay đầu...
***
Trở về được một tuần, tôi đã làm quen được với cậu nhóc nhà kế bên, tôi cũng kể cho cậu bé đó nghe câu chuyện về cỏ bốn lá và sự may mắn. Cậu bé cười tươi rói mà xòe tay ra trước mặt tôi:
"Cháu tìm được nó này, cháu tặng cái lá may mắn này cho cô."
Tôi xoa đầu nó:
"Cháu hãy tặng nó cho người khác đi. Cỏ bốn lá tuy mang lại may mắn, nhưng may mắn ấy cũng không phải tự nhiên mà có được, nó xuất phát từ sự chân thành, nhưng cô là người không biết nắm bắt và trân trọng cái sự chân thành ấy..."
#PhongX
Nhân ảnh
Tìm trên đồng cỏ úa,
Một chút nhân ảnh buồn...
Tôi đi trời đã sáng,
Tình ơi thôi vấn vương !
NM

 Đồng cỏ úa
  1. Tôi thấy mình đứng trên một con đường nhỏ. Thân thể nhẹ tênh. Mọi thứ mờ ảo. Chỉ có ánh sáng nhè nhẹ hắt ra từ một con phố khuya gần đó. Yên tĩnh đến kì lạ. Tôi không cảm thấy được bất cứ âm thanh nào, ngoài sự im lặng chết chóc. Tôi đi về hướng ngược lại, men theo vùng bóng tối. Tôi bắt gặp cô bé nhà bên. Chẳng phải nàng út đây sao? – Tôi kinh ngạc. Tựa như một ý nghĩ bất kì nào lóe lên lúc này có thể làm chao đảo đất trời. Nhưng sao em lại quay mặt đi thế kia?
    Tôi bước theo em. Ánh sáng càng nhạt dần, không thể nhìn rõ bốn bề xung quanh. Chỉ có bầu trời gần hơn bao giờ hết. Như thể nó ở ngay trên đầu mình, cách hơn một tầm với. Có thể trông thấy một màu đen nhạt, chạy ra xa tít bốn bề. Sẽ không bao giờ thoát khỏi nó.

    Chúng tôi lại đi. Em vẫn im lặng. Ánh mắt buồn của em khác hẳn với những hôm cả bọn chạy rông trên cánh đồng, lúc ấy em luôn cười. Tôi nhớ có lần mắt em đanh lại, mặt nghiêm nghị, bảo tôi đừng bao giờ đi quá sâu vào rừng, đến cánh đồng cỏ hoang. Nơi ấy đến sẽ không về. Thật kì lạ. Đến sẽ không về nữa ư? Tôi chẳng quan tâm. Tôi nào muốn đến đó làm gì, ở đây nhìn em là được rồi.

    Tôi phát hiện một lần ranh dưới chân mình. Giữa sáng và tối. Nếu bước thêm bước nữa, bóng tối sẽ vĩnh viễn bao trùm. Tôi chợt dừng lại. Cảm giác yên bình hơn là sự sợ hãi. Ô! Còn có vài người nữa này – tôi nghĩ. Đó là bốn người phụ nữ đáng tuổi mẹ tôi. Họ mập mạp và có vẻ vui tính. Họ trò chuyện với nhau như thể đang đi dạo vậy. Mà chẳng phải tôi cũng đang đi dạo đây sao?

    Họ đi thẳng qua vùng bóng tối, nơi bốn bề xa tít là những màu đen. Không. Không phải màu đen, nó là màu của đồng cỏ úa. Có lẽ thế. Vì tôi cảm nhận được làn gió nhẹ chạy xuyên qua da thịt, quần áo của những người phụ nữ. Làn gió thật ma mị. Nó không cuốn bay bất cứ ngọn cỏ khô nào, nhưng nó làm lay động làn da, và ru người ta vào nơi huyền hoặc. Cánh đồng ấy, Thật quen!


    Họ đi thật sao? Nàng út vẫn đứng đây với tôi. Một người phụ nữ nói với ba người còn lại:
    - Xem này, thật là mát mẻ.
    - Chúng ta đi tiếp hay sao? – Một người hỏi.
    - Phải đi thôi – Một phụ nữ kiên quyết và bước nhanh hơn.
    Rồi cả bốn người tiếp tục đi. Một lúc sau, đã không còn thấy họ nữa. Chỉ còn lại bốn bề tĩnh mịch. Tôi không muốn đi tiếp một chút nào, dù rất muốn được làn gió nhẹ ấy một lần đi qua da thịt. Tôi phải quay lại. Tôi nhìn em. Ồ, đứa trẻ nào đây? – tôi tự hỏi khi nhìn thấy thằng nhóc em đang dắt tay.
    - Em đã có con rồi à? – Tôi hỏi với vẻ âu lo. Âm thanh vang vọng một lúc rồi bốn bề lại trở về im ắng.

    Em vẫn im lặng, khẽ nhìn tôi. Đứa bé cũng nhìn tôi, nó có vẻ sợ. Thật kì lạ, tôi chưa từng thấy thằng nhóc này bao giờ. Nó không phải người trong làng. Em vẫn giữ bí mật với tôi, về cuộc sống, về nàng, và về mọi thứ. Em cất giữ cả tình yêu của tôi, rồi ném nó vào cánh đồng úa.

    Tôi bước theo em quay về phía có ánh sáng. Cả ba đều lặng lẽ. Rồi những cảm giác yên bình cuối cùng đang trôi đi mất. Có lẽ đây là quyết định sai lầm? Chỉ là đi dạo thôi mà – Tôi nghĩ - rồi mình sẽ quay lại. Nhất định sẽ quay lại nơi này… để cảm giác một không gian khác hẳn với thế giới. Một làn gió như mê hoặc. Rồi những bí mật sẽ dần sáng tỏ…

    Tôi từ từ mở mắt. Đầu đau buốt. Tôi thấy mình đang nằm giữa rừng. Ngay giữa khu rừng gần làng. Đúng cái nơi mà những người mới chết sẽ được để xác ở lại một đêm. Và sáng hôm sau họ sẽ đến chôn cất. Không ồn ào nhưng đầy đủ nghi lễ. Tôi nhìn quanh, những nấm mồ lộ thiên cũ kĩ, mùi ẩm mốc của lá cây rừng và của những bộ xương. Có tiếng của những con chuột nhỏ và tiếng con rắn hổ trườn trên lá.

    Sao họ còn chưa đến nhỉ? Tôi lồm cồm ngồi dậy, trời mới lờ mờ sáng. Tôi đi về phía rừng. Phía những hàng cây đang vẫy gọi. Băng qua đó, sẽ đến một cánh đồng hoang. Tôi từng nghe dân làng kể về những vụ mất xác. Họ cho rằng thần rừng đã ăn thịt. Ồ, thế lại hay… Người ta sẽ không chôn được một cái xác đã biến mất. Và sẽ không ai buồn tìm nó. Thế là tôi sẽ là tôi. Tôi thuộc về cánh đồng, tôi tìm lại tình yêu của tôi, ở nơi không có em.

    Tôi đi. Trời đã sáng. Sau lưng, có thể nghe thấy tiếng bước chân người. Có tiếng của Già làng, và…có em ở đó không nhỉ? Họ đến để tiễn tôi đi. Mà thôi, mặc kệ họ.Tôi phải đi về phía rừng. Còn cảm giác nào mà tôi chưa trải qua. Nơi ấy đến sẽ không về. Nếu có bắt đầu một điều gì đó mới, ấy cũng là hi vọng…


    "Chỉ có hình mà không hề có dáng
    Là bóng đen không một chút hương màu
    Mọi sinh lực hãm giam trong tù đọng
    Bước âm thầm như những bóng ma trơi..."

    _Đất hoang - T. S. Eliot_
  2. P/s: MC viết theo lời kể của một hồn ma trẻ.
    Tây Nguyên. 09. 2014.

    Nhã Phong