Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Tình yêu hoa đào

Nghiệp chướng
Đa mang chi khối tình si,
Tạo ra nghiệp chướng chia ly vợ chồng...
Thương người thục nữ chờ mong,
Người đi chinh chiến xa trông mỏi mòn.
Ngậm ngùi cho tấm lòng son,
Đã theo cát bụi núi non phai mờ !
Lòng thương muôn dặm vẫn chờ...
Ai ngờ một chút tình khờ chia ly !!
Ngàn năm sông núi khắc ghi,
Tình si, tình hận, sử thi muôn đời ....
NM.

Tình yêu hoa đào

Nàng là A Mủa. Nàng đẹp như bông hoa rừng. Lần đầu tiên Chắp Chài nhìn thấy nàng, ấy là một ngày chàng lên núi hái thuốc. Đang thơ thẩn giữa rừng cây bỗng nghe chim hót véo von. Nhìn ra phía trước Chắp Chài thấy cả một đàn bướm rực rỡ đang rối rít vờn bay. Mới nhìn không nhìn rõ mặt, Chắp Chài chỉ thoáng thấy cái gấu váy đung đưa màu thổ cẩm. Trái tim chàng bỗng đập rộn lên. Khuôn mặt chàng nóng ran như lên cơn sốt. Trời! Ta làm sao thế này, chả lẽ bị say nắng từ ngay sáng sớm. Nhìn kỹ hơn, chàng thấy đàn bướm bay theo mùi hương tỏa ra từ mái tóc của nàng. Nghe kỹ hơn, chàng thấy chim hòa ca theo tiếng hát của nàng.
Nàng hát rằng:
“Mặt trời lên, nắng đuổi mây đi
Nắng sáng rừng nắng sáng mặt người
Cho em nhìn rõ đường tỏ lối
Cho em nhìn rõ mặt người thương”...

Ngỡ nàng là tiên nữ, Chắp Chài đứng ngắm ngẩn ngơ. Nhận ra có kẻ đang nhìn mình, đôi má nàng tiên nữ ấy đỏ rực lên. Rồi nàng nhẹ nhàng quay gót, lui bước dần xuống khe núi, bên trong chiếc gùi đeo vai của nàng thò ra những chiếc lá rừng quen thuộc với Chắp Chài. Thì ra là một cô gái cũng lên núi hài thuốc. Tỉnh ra thì nàng đã khuất bóng sau những bụi cây rừng, Chắp Chài cất tiếng hát bâng khuâng:
“Vừa mới nhìn người thấy đẹp xinh
Sao chẳng cho nhau chào một lời
Hỏi cây, hỏi lá, hỏi mặt trời
Biết lối nào lối gặp người thương”...

Chẳng hiểu tiếng hát của chàng, gió có mang theo đến bên nàng. Chỉ biết phía xa kia, bầy chim vẫn hót ríu ran còn lũ bướm thì như một đám mây ngũ sắc lấp lánh trong nắng chiều dần buông.
Cho mãi tới về sau, Chắp Chài vẫn giận mình đã không vồ vập hơn, gấp gáp hơn để biết nàng là ai, nàng ở đâu, bởi lúc đó, sau một hồi ngẩn ngơ thì gió bỗng thổi mây về, nắng tắt, sương buông dày đặc làm cho chàng không thể nhận ra dấu chân nàng in trên những ngọn cỏ mềm.
Tối hôm ấy, tìm một cái lán canh rừng để nghỉ chân, chàng đã thức suốt đêm nhìn lửa cháy, mường tượng đến gương mặt của nàng, gấu váy của nàng.
Mờ sáng hôm sau, chàng đã quay trở lại vạt rừng thưa là chỗ hôm qua gặp nàng. Chàng đợi từ sáng cho tới tối, quên cả ăn uống, nhưng không thấy bóng dáng nàng đâu.
Liền ba ngày sau, Chắp Chài vẫn quẩn quanh nơi ấy mong được một lần gặp lại nàng nhưng vạt rừng thưa cứ vắng lặng với những cánh bướm trễ nải và tiếng chim hót bâng khuâng. Chim, bướm cũng nhớ nàng. Hay nàng đích thị là tiên nữ giáng trần?
Rồi cũng đến lúc phải về lại quê nhà. Chàng cũng đã mệt đến rũ người như những cây lá thuốc úa vàng trong tay nải. Đành phải về thôi.
Về tới ngôi nhà nhỏ nơi làng quê bên dòng sông Kỳ Cùng, Chắp Chài ngày đêm ngóng trông về phía đầu nguồn con sông, nơi có những ngọn núi nối nhau trải dài, nơi có vạt rừng thưa ấy. Nơi chàng đã gặp nàng.
Ngày lại ngày, lòng chàng càng trở nên buồn bã vì sương buông mỗi lúc một dày hơn, gió lạnh mỗi lúc một buốt hơn. Nhìn về phía đỉnh núi ấy, chỉ thấy một màu trắng đục. Cuối cùng thì mùa hái thuốc cũng đã qua, chẳng thể nào quay lại nơi ấy nữa, đành đợi mùa hái thuốc năm sau.
Năm sau, mới vào mùa hái thuốc chàng đã khăn gói sớm lên đường. Chàng đi một mạch ba ngày ba đêm, đến thẳng nơi mà năm trước đã gặp nàng. Chàng vừa loanh quanh giả vờ hái thuốc vừa lắng nghe tiếng chim hót, dõi theo cánh bướm bay để mong tìm thấy nàng. Ba ngày, bảy ngày rồi gần cả tuần trăng đã trôi qua mà chàng vẫn không hay. Cho tới khi nhìn xuống, thấy đôi giày mình đi đã rách tướp đến nhỏ máu năm đấu ngón chân, chàng mới biết là mình đã giày xéo đến nát nhừ vạt cỏ nơi cánh rừng thưa này. “Ta còn chờ gì nữa, phải đi tìm nàng thôi!”. Chàng quyết định đi tìm nàng.
Tìm nàng. Nhưng điều ấy đâu phải dễ. Chàng đâu biết nàng là ai, nàng tên gì, nàng bào nhiêu tuổi. Đi tìm nàng như thế, khác nào tìm một đám mây trời đã bay qua đỉnh núi. Chàng biết vậy nhưng vẫn quyết tâm đi tìm nàng. Chàng tìm đến những ngôi nhà người Dao lẻ loi trong lũng núi hỏi về tin tức của nàng. Tất cả những gì mà chàng nhận được từ những người quanh vùng khi hỏi về một cô gái không biết tên, tuổi chỉ là những cái lắc đầu. Họ lắc đầu và cười khi thấy vẻ si mê đang hiện lên rừng rực trong đôi mắt chàng trai trẻ.
Cho tới một ngày kia, Chắp Chài tìm đến ngôi nhà trên một ngọn đồi cao vút, nới có một lão ông tóc trắng như cước đang ngôi thổi điệu kèn pí lè man mác buồn. Sau khi nghe chàng hỏi về cô gái hái thuốc có sắc đẹp hơn người, lão ông bảo: “Nếu là người con gái có nhan sắc như thế, mà lại biết hái thuốc trị bệnh cứu người thì chỉ có thể là côg con gái út của Tộc trưởng. Nhưng cô ấy không còn hái thuốc ở quanh đây nữa, mà đã tới khu rừng Lớn để hái thuốc vì khu rừng ấy bây giờ gần với nơi cô ở hơn. Khu rừng ấy, cách đây ba ngọn núi, bảy con suối về phía Bắc”. Vừa nghe đến đây, chưa kịp hỏi cho rõ thêm ngọn ngành, Chắp Chài đã vội từ biệt lão ông lên đường. Chàng chạy như hươu nai, lao như hổ báo về phía Bắc. Gai cào rách da thịt, đá núi đâm nát gan bàn chân, nào có hề chi. Cuối cùng thì chàng cũng đến được nơi mình muốn.
Quả nhiên, sau ba ngày quẩn quanh nơi khu rừng Lớn, lắng nghe chim hót, dõi theo cánh bướm bay, chàng đã tìm thấy nàng.
Ấy là một buổi trưa đẹp trời, sương đã dần tan dưới ánh nắng vàng như rưới mật, để lộ ra màu xanh biêng biếc của cây rừng. Đang nằm mơ màng trên một bờ cỏ, chàng bỗng nghe chim hót rực lên, lũ bướm rối rít ùa về nơi có tiếng chim hót ran, và tiếng hát của nàng. Tiếng hát ngày một rõ dần, nàng hát rằng:

“Mùa xuân đua nở cánh hoa hồi
Ong bướm bay vờn tìm kết đôi
Ong bướm bay vờn tìm kết bạn
Kết bạn từ đây chớ tách rời...”
Chít chít, chiu chiu, chít chít, chiu...
 
Chim hòa ca theo tiếng hát của nàng. Nàng lại hát:
“Tháng ba bừng nở cánh hoa cam
Bướm bay nườm nượp đổ về nam
Bướm bay nườm nượp dồn về bắc
Kìa bướm bay phiêu bạt dặm ngàn”...
Chít chít, chiu chiu, chít chít, chiu...

Là nàng. Đúng là nàng rồi. Chắp Chài đưa hai tay giữ chặt lấy lồng ngực để trái tim mình không bật ra ngoài. Và chàng hát, chàng hát rằng:
“Mùa xuân hoa đua nở tràn trề
Biết bao ong bướm vội bay về
Chim rừng, muông thú cùng kết bạn
Có sao người chẳng thể hẹn hò?”

Không thấy tiếng nàng đáp lời. Chàng lại hát:
“Mùa thu theo tiết gió thu sang
Ong bay tìm nhị rộn đường ngang
Muốn tới Hằng Nga chơi cùng nguyệt
Gặp nhau thẹn mặt đã ưng lòng? ”.

Im lặng.
Tiếng chim hót lan dần về phía xa. Đàn bướm cũng đã bay về phía xa kia. Không thể nào! Chắp Chài bật dậy, đuổi theo về phía nàng, và chàng lại hát:

“Bốn mùa hết thu lại qua Đông
Nghe tiếng ve kêu giữa tầng không
Lòng lại xót lòng không gặp mặt
Như người  không thấy được trời xanh”...

Nhưng nàng cứ mải miết đi, đi mãi, không một lần nhìn lại dù biết rằng có người đang đuổi theo mình. Cho tới khi trước mắt chàng hiện ra một ngôi nhà nhỏ nằm ở lừng chừng một ngọn đồi, cũng là lúc nàng thong thả mở cửa bước vào và nhẹ nhàng khép lại cánh cửa sau lưng mình.
Chắp Chài sững lại. Biết mình là khách không mời, chàng bèn dừng bước. “Rồi nàng sẽ phải ra mở cửa và mời ta vào nhà.” Chàng tự nhủ và cầu mong như vậy.
Đêm ấy, sương buông dày đặc. Tứ bề gió thổi mịt mùng. Giá như giờ này ở quê nhà chàng, thì trăng đã lên cao, tỏa ánh sáng dịu dàng lấp lánh ánh vàng trên mặt sông. Nhưng ở đây thì chỉ có gió thổi và sương rơi dầy như những hạt mưa li ti. Nhưng chắc chắn ở trên cao kia, sau màn sương lạnh này, vầng trăng vẫn tỏ rạng. Nghĩ vậy, chàng cất tiếng hát:

“Trăng đẹp trên trời lẫn mây vàng
Tay vẫy nàng trăng chẳng ngó ngàng
Tay vẫy nàng trăng chẳng ngoảnh mặt

Lẽ nào trăng đã có người thương ...?”

  “Mây trắng trên trời che mất trăng
Tay vẫy nàng trăng, trăng chẳng rằng
Tay vẫy nàng trăng, trăng chẳng nói
Lẽ nào chẳng phải số duyên ta?...

Chàng cứ hát. Cứ hát. Dù cho gió có thổi bạt đi tiếng hát của chàng, dù sương có rơi làm ướt lạnh thân hình chàng, chàng vẫn không thôi hát:
“Ôi bông hoa nhài tỏa hương thơm
Bước cạnh vườn hoa trộm mắt nhìn
Bước cạnh vườn hoa đưa mắt liếc
Ước chi là bướm vờn hoa luôn”

...
“Thương thân hoa sói nhớ hoa nhài
Duyên sói với nhài thật đẹp đôi
Hoa nhài đẹp xinh duyên dáng ấy
Ước sao có được trong vườn tôi!”

 Chàng hát liền sáu ngày, sáu đêm. Tiếng hát như tiếng máu nhỏ ra từ trái tim chàng làm chim quên hót, bướm quên bay, hươu nai quên xuống suối uống nước. Chúng đứng vây quanh chàng, chăm chắm nhìn vào cánh cửa nhà nàng.
Nhưng cánh cửa nhà nàng không mở.
Còn chàng thì vẫn hát.
Đến ngày thứ bảy, vẫn còn đang say sưa hát, Chắp Chài bỗng nghe tiếng gọi: “Này! Chàng trai trẻ”. Nhìn lên, chàng nhận ra lão ông thổi kèn pí lè mình đã gặp bảy ngày trước trên đỉnh núi. “Nghiệp chướng! Nghiệp chướng rồi!” lão ông kêu lên “Chàng trai trẻ, anh đã gây ra tai họa rồi, anh có biết không?”. Chắp Chài ngơ ngác nhìn lão ông mặt đỏ phừng, mái tóc bạc bết chặt vào hai bên thái dương đầy giận dữ mà không hiểu mình đã gây ra tai họa gì. Biết lão ông đã đi cả quãng đường dài đến tìm mình, chàng đỡ lão ông ngồi xuống. “Anh đã gây ra tai họa rồi. Ngồi hát bảy ngày bảy đêm trước nhà người phụ nữ đã có chồng, anh không biết đó là tai họa hay sao?”. “Đã có chồng”. Đó là ba từ mà hình như chàng chưa bao giờ nghe, chưa bao giờ hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng ba từ ấy lại ngay lập tức khiến chàng héo rũ ra như tàu khoai mon hơ lửa.
Rồi chẳng biết chàng dìu lão ông hay lão ông đã dìu chàng rời xa ngôi nhà nhỏ ấy. “Rời xa nơi này, đừng bao giờ quay lại nữa!”. Đó là lời nói cuối cùng của lão ông mà Chắp Chài còn nhớ được sau khi nói với chàng rằng nàng là gái đã có chồng, chồng nàng là tướng đang cầm quân ngoài biên ải.
Rồi chẳng biết vì sao mà chàng lại về được tới quê nhà, sau tất cả những gì đã xẩy ra với chàng.
Về đến quê nhà, Chắp Chài sinh ốm nặng, phải nằm liệt giường tưởng chết. Sau rất nhiều thuốc thang chạy chữa, chàng gượng dậy được nhưng lại chẳng thiết sống nữa. Ngày lại ngày, Chắp Chài ngồi nhìn dòng nước sông Kỳ Cùng cuộn chảy mà khóc thương cho thân phận hẩm hiu của mình. Cuối cùng, chuyện một chàng trai thất tình, ngày ngày ngồi khóc bên dòng Kỳ Cùng không một ai là không biết.
Mùa mưa năm ấy, quân ta thắng trận ngoài biên ải, Nhà vua ban thưởng và quân lính được trở về nhà. Chồng nàng A Mủa, một tướng thổ quân cũng được trở về thăm gia đình sau khi đã lập công hiển hách. Hay tin chồng thắng trận trở về, nàng bế con ra lưng núi đón chồng lòng thầm tự nhủ “Ngày chàng ra đi, con mới hoài thai trong bụng mẹ, chắc giờ chàng vui lắm”. Ai đâu ngờ, cái tin có một người đàn ông ngày đêm thương nhớ nàng A Mủa đến tai tướng quân trước cả tin vợ mình đã có bầu và sinh con trai. Người binh tướng ấy, sau tất cả những ngày tháng khổ ải hiểm nguy ngoài biên ải, sau bao đêm dài dằng dặc nhớ thương nàng, thì khi gặp lại nàng A Mủa rạng ngời bên đứa con thơ, oái oăm thay, lòng lại trào lên nỗi ghen tuông oán giận khôn cùng. Và trong chỉ trong một khắc không giữ được nhân tính, vị tướng đã rút kiếm ra chém cụt cổ vợ mình. Nàng A Mủa ngã xuống trong tư thế giơ hai cánh tay cố đẩy người con thơ về phía chồng mình. Đớn đau thay. Đúng thật là nghiệp chướng!
Ngay sau khi chém cụt cổ vợ mình, thì vị tướng biết là mình đã lầm. Vì đàn chim lập tức ngừng hót, bướm ngừng bay, và muôn loài muông thú sinh sống gần ngôi nhà bé nhỏ của nàng cũng đều im tiếng. Chúng tiếc thương cho nàng. Và đứa con trai tội nghiệp kia: nó giống tướng quân như đúc!. Vị tướng quỳ gối, ngửa cổ lên trời mà than khóc, cầu xin Ngọc hoàng Thượng đế hãy trừng phạt mình và hãy làm cho nàng được hồi sinh.
Bảy ngày sau, tiếng khóc than như vỡ ra từ lồng ngực của tướng quân cuối cùng cũng thấu tới trời xanh. Đêm hôm ấy, Ngọc hoàng Thương để đã phái bảy nàng tiên nữ xuống trần gian để nối lại vết thương cho nàng A Mủa. Các nàng tiên nữ làm việc suốt đêm thâu, nhưng tiếc thay vì do thân thể của nàng đã nguội lạnh nên dù các mạch máu đã được nối lại nhưng dòng máu của nàng cũng không còn chảy nữa. Nàng A Mủa đã không thể hồi sinh. Thân thể nàng hóa thành một trái núi lớn sừng sững vươn tới tận trời xanh.
Hối hận về việc làm thiếu suy nghĩ của mình, vị tướng quân lang thang một mình về phía quả núi nơi người vợ hóa thành rồi gục mặt khóc liền ba năm và cuối cùng cũng hóa thành một trái núi lớn. Nước mắt của chàng chảy ròng trong ba năm, hóa thành bảy con suối trong mát chảy về bảy hướng khác nhau, và chúng vẫn còn chảy cho tới tận bây giờ.
Lại nói về Chắp Chài, sau khi nghe tin nàng A Mủa bị chồng chém cụt đầu vì nghi ngờ nàng dan díu với mình, chàng vô cùng đau khổ. Tự trách mình đã gây ra nghiệp chướng, chàng ngày đêm kêu khóc nguyện cần Ngọc Hoàng thượng đế hãy trừng phạt mình. Và chàng chết đi, cũng hóa thành một trái núi vút cao ngay bên dòng sông Kỳ Cùng.
Để nhớ ghi một mối oan tình cay đắng, dân quanh vùng đặt tên cho ngọn núi cụt đầu mà nàng A Mủa hóa thành ấy là núi Mẹ. Bên cạnh núi Mẹ, còn có một dãy núi thấp dần trải dài về phương Bắc, đó là đầu của nàng cùng với mái tóc xõa hóa thành. Và trái núi lớn ôm lấy núi Mẹ do vị tướng quân chồng nàng hóa thành, là núi Cha. (Núi Mẹ, núi Cha nằm trong quân thể danh thắng Mẫu Sơn của tỉnh Lạng Sơn ngày nay). Còn trái núi do chàng trai si tình chết đi hóa thành, gọi là núi Chắp Chài. (Nằm ở phía Nam Thành phố Lạng Sơn ngày nay).
Hằng năm, khi tết đến xuân về, trên triền núi Mẹ, núi Cha lại nở rộ những bông hoa đào. Nhưng lạ là, những bông hoa đào vùng núi này thường bao giờ cũng nở muộn hơn những vùng khác mà lại tươi đỏ hơn, rực rỡ hơn bất cứ hoa đào của vùng nào trên cả nước. Trái đào vùng này cũng tròn to, thơm ngọt khác thường. Người ta đồn rằng, màu hoa đỏ ấy, vị đào thơm ngọt ấy là do máu của nàng A Mủa và nước mắt của phu quân nàng thấm đẫm mà thành. Người ta gọi đào ấy là đào tiên. Khi lên núi Mẫu vào mùa đào chín, người ta có thể ăn thỏa thích trái đào nhưng không được hái lấy mang về, nếu làm trái lời thì sẽ bị lạc không tìm thấy đường ra khỏi núi. Khi mùa đông giá tràn về, núi Mẹ núi Cha ngập chìm trong sương lạnh, thi thoảng, còn có tuyết rơi, những bông tuyết trắng long lanh mà trời ban cho Mẫu Sơn ấy chính là những giọt nước mắt của các nàng tiên trên trời vén mây rỏ lệ khóc thương cho mối tình hóa núi của nàng A Mủa.
Những ngày trời trong sáng, đứng trên đỉnh núi Chắp Chài ở thành phố Lạng Sơn, nhìn lên phương Bắc, có thể thấy được đỉnh núi Mẫu Sơn và ngược lại, nếu đứng trên đỉnh núi núi Mẹ, nhìn về phương Nam sẽ thấy được đỉnh núi Chắp Chài.
Những ngọn núi cao vút trời xanh, trơ gan cùng tuế nguyệt ấy nhắc người đời nhớ mãi về một mối oan tình cay đắng, không chỉ vì lòng người ghen tuông mù quáng mà còn vì bởi tại chiến tranh.
Giá như đừng có chiến tranh

Vi thị Thu Đạm

Thương hương hoè ấm áp ,
Như nỗi niềm xa xưa...
Thương người xưa trót dại,
Có dãi dầu nắng mưa ?

Chuyện ngày qua cổ tích,
Hương hoa trà thơm đưa...
Bà hun cây đốt khói,
Gửi lòng thương sớm trưa !

Hương hoa còn vương tóc,
Màu hoa của dân gian...
Đi xa rồi trở lại,
Sắc hoa chẳng lụi tàn !
NM

Về nghe hoa hòe kể chuyện...

Đó là thứ cây thân gỗ, họ đậu. Trong năm cây hòe ra hoa hai đợt. Đợt đầu cây hòe ra hoa vào tháng tư, sang tháng năm thu hoạch. Đợt cuối ra hoa vào tháng chín, sang tháng mười thu hoạch. Những vụ, những mùa đều tính theo âm lịch, tất nhiên là thế. Từ vụ lúa, vụ cau, vụ màu, cho tới vụ hòe. Nếu vụ lúa tháng năm gọi là vụ chiêm thì vụ hòe gọi là vụ mùa và ngược lại vụ lúa tháng mười gọi là vụ mùa thì vụ hòe gọi là vụ chiêm. Tôi không biết vì sao lại gọi lệch nhau như thế. Hỏi cô Thúy tôi, cô bảo, thấy các cụ đặt như thế, gọi mãi thành quen mà chẳng biết vì sao.
Quê tôi nhà nào cũng trồng hòe, ít thì vài cây góc sân, đầu ngõ, nhiều thì bạt ngàn cả khu vườn. Những thân hòe thẳng tắp xù xì da rắn xếp hàng nghiêm ngắn như những chiến binh áo xanh. Màu áo xanh của tán lá mươn mướt giữa nắng tháng năm, rười rượi trong gió tháng mười.
Theo Đông y, hoa hòe dùng làm thuốc có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, hạ huyết áp nên được các thương lái bên Thái Bình về tận làng thu mua sau mỗi vụ. Các nhà trong làng đua nhau tích trữ hoa hòe để bán cho thương lái. Có năm hoa hòe vọt giá, nhiều nhà có tiền xây nhà, sắm xe, nhưng chẳng may hoa hòe rớt giá, không ai mua, đem ra phơi rồi lại cất, hoa hòe vừa hao khối lượng, vừa kém chất lượng. Bán rẻ như cho. Mặt người cũng héo như hoa hòe phơi thiếu nắng gặp mưa.
Cánh hoa hòe trắng ngà, nụ hoa hòe xanh biếc như ngọc. Nhưng chẳng ai để hoa hòe nở rộ mới hái, vì nụ hòe mới là thứ bán được giá. Khi muốn hái hòe, ít người trèo lên cây nếu không muốn ngã ùm xuống vì cành hòe giòn tan - như bánh đa chợ phiên Hoành Nha. Người ta chẻ đôi đầu cây sào và dùng thanh ngang đặt vào thành hình chữ vê rồi buộc dây chắc chắn. Luồn đầu sào vào cuống chùm hoa, xoay nhẹ nhàng là chùm hoa đã lìa cành mắc vào đầu sào. Khi ấy, hạ nhẹ nhàng cây sào xuống, gỡ chùm hoa cho vào mẹt, vào thúng hứng dưới gốc chờ sẵn. Phải thật khẽ khàng, dịu dàng nếu không muốn hoa rụng tơi tả. Bàn tay phụ nữ khéo léo nên thường đảm đương việc hái hòe. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” quả không sai chút nào.
Hoa hòe tuốt xong phơi nắng tháng năm rực rỡ, hong gió tháng mười hanh hao mà khô nỏ, ngai ngái mùi thuốc bắc. Sân gạch trước ngôi nhà ba gian mái ngói trước vẫn tận dụng phơi thóc giờ phơi hòe. Màu đỏ son của nền gạch bị che khuất bởi những nong hòe mươn mướt đang lên hương. Gió từ ngoài ao nhấc bổng hương hòe dạo chơi khắp thôn gần, xóm xa. Gió đẫm hương hòe, gió mọng hương hòe, tưởng chừng gió cũng trắng, cũng xanh như hoa, như nụ.
Tôi nhớ vào một đêm trăng sáng tháng năm sau vụ thu hoạch hòe, tôi nằm cạnh bà trên chõng tre. Hương hòe khi mờ, khi tỏ, lúc hư, lúc thực. Bà phe phẩy quạt nan kể cho tôi nghe câu chuyện về một ni cô chùa làng chưa thoát tục, phá giới với trai làng trót có thai. Ni cô nghe ai mách uống thật nhiều nước hoa hòe sắc đặc để sảy thai. Nhưng cái thai ngày một to lên, sư trụ trì và các già biết được giận lắm. Ni cô bị đuổi khỏi chùa, xấu hổ khăn gói quả mướp cùng gã trai  kia đi biệt tích. Trong vườn chùa trồng rất nhiều hòe, vì thế mà chùa làng tôi gọi là chùa Hòe. Nhà chùa thu hoạch không kịp lúc hoa rộ, nên hoa hòe rụng trắng mặt ao, cá rô tưởng mây trên trời rụng xuống thi nhau đớp. Sớm mai đi học ngang qua chùa Hòe, tôi nghe gió thổi dạt muôn cánh hoa rụng như tiếng ni cô thở dài thườn thượt. Lớn lên tôi cứ nghĩ, đi tu hay hoàn tục ni cô sẽ hạnh phúc hơn? Hạnh phúc là con đường ta đang đi hay là cái đích ta muốn đến? Hạnh phúc do mình lựa chọn và cũng thật khó so sánh. Ni cô không tu thành phật thì cũng thành người để mà vui buồn sướng khổ giữa cuộc đời bon chen đầy thương mến.
 
hoa hoe
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Quê tôi có nghề dệt chiếu cói, không nổi tiếng như làng chiếu Nga Sơn, Kim Sơn nhưng cũng có miếu thờ thành hoàng ở ngay đầu làng, giữa một vườn hòe rộng. Có người liều lĩnh dám bẻ trộm hoa hòe vườn chùa, nhưng tuyệt nhiên chưa ai cả gan ăn cắp hoa hòe ngoài miếu, vì nghe đồn khu miếu có ma. Có người kể đi xem chiếu bóng làng bên về đến khu miếu thấy có cái đòn gánh ai mắc đung đưa trên cành hòe, vội soi đèn pin định lấy xuống thì thấy cái đòn gánh đỏ lòm như máu, trời đất ơi, không phải đòn gánh mà là lưỡi của con ma thè ra. Con ma tóc xõa rũ rượi ngồi vắt vẻo trên ngọn cây hòe với cái lưỡi dài chạm đất. Người này sợ quá, vứt cả đèn pin tháo chạy, về nhà ốm ba ngày, ba đêm, phải sắm lễ nhờ thầy cúng mới khỏi. Vì tin đồn ấy, mà vườn hòe khu miếu không ai dám lẻn vào bẻ trộm nên hoa sai trĩu trịt. Làng giao cho ông từ trông coi, và trảy hoa đem bán, tiền ấy dùng để mua hoa quả, vàng hương dâng lên thành hoàng mỗi mùng một, ngày rằm.
Chè búp là thứ đồ uống xa xỉ, chỉ ngày lễ tết mới dám mua vài lạng về pha trong ấm men rạn tiếp khách. Ông ngoại tôi thường pha hoa hòe khô lẫn hạt muồng rang trong giỏ ủ ấm tích uống quanh năm. Ông bảo, uống hoa hòe, hạt muồng giúp an thần, trị chứng mất ngủ. Nước hãm đặc sánh, óng ánh như mật mía đi khắp năm gian nhà, phải thế không mà mái ngói phủ rêu nâu bóng, cột gỗ lên nước nâu trầm.
Ở quê nghèo quá, bố mẹ tôi đưa con cái lên vùng kinh tế mới. Một mình bà nội với căn nhà trống trải. Cây hòe vườn quê và gánh hàng xén chợ làng đã lần hồi nuôi bà đi qua bao mùa đói ăn, thiếu mặc. Hoa hòe bán dành dụm, củi hòe đun bếp lửa. Những chiều nhớ con, nhớ cháu, bà vun một đống lá hòe đốt góc vườn, khói lên cay mắt. Ở nơi xa, bố mẹ và anh em tôi làm sao nhìn thấy khói lá hòe của bà nội mỗi hoàng hôn. Năm bà nội mất, chú tôi sai bọn trẻ thắt khăn tang cho những cây hòe trong vườn. Rồi mấy năm liền, vườn hòe mất mùa, hoa ra lác đác. Vườn hòe cũng thương nhớ bà mà quên trổ mấy mùa hoa.
Vụ hòe thu hoạch xong, vài bông hoa li ti còn sót lại trên vòm lá, bỗng một hôm đậu thành những quả dài như quả bồ kết non. Có thằng trèo lên hái xuống làm đạn súng phốc, không nổ giòn như đạn quả xoan, nhưng cũng đanh phải biết. Đợi quả già rụng xuống đất, lũ con gái cặm cụi nhặt để giả làm quả bồ kết nấu nước gội đầu cho búp bê.
Hồi còn đi học, tôi nhớ bài thơ Cảnh ngày hè của cụ Nguyễn Trãi có hai câu thế này:

“Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp trương”

Tôi với cái Thùy hàng xóm học cùng lớp quả quyết rằng chắc chắn cụ Nguyễn Trãi đi qua quê mình thấy vườn hòe đẹp quá mà tức cảnh sinh tình làm bài thơ này. Đầu óc chúng tôi ngây thơ quá, nhỡ đâu quê Cụ cũng có vườn hòe như quê mình. Khi ấy chúng tôi coi cây hòe là biểu tượng riêng của quê tôi, chỉ quê tôi mới có.
Tôi biết màu sắc sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên từ cỏ cây, hoa lá, trong đó gam màu vàng lấy từ màu của hoa hòe để làm nên một dòng tranh dân gian mang đậm hồn vía làng quê. Biết đâu màu vàng lóng lánh ấy lại chẳng có đôi ba cánh hòe quê tôi góp mặt để làm nên màu dân tộc như ví von của thi sĩ Hoàng Cầm.
Cây hòe quê tôi giờ đã thành cây thương phẩm giúp người dân thoát nghèo, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn về kĩ thuật trồng trọt, chăm sóc nên cây ít sâu bệnh, tươi hoa tốt nụ, vụ hòe bội thu. Niềm vui chứa chan trong ánh mắt người trồng.
Bà nội đã mất, cô chú đi làm ăn xa nên tôi ít có dịp về quê. Nhưng mỗi lần về tôi đều ra vườn hòe tha thẩn. Thương quá câu chuyện của bà đã xếp vào ngăn kí ức của tôi một thời thơ bé. Hoa hòe quê nhà vương nỗi niềm trên tóc. Tôi đi xa rồi lại trở về, trở về rồi lại đi xa, như một vòng đời của hoa trổ ra rồi rụng xuống, sinh thành rồi hóa kiếp. Cứ lo toan lắm, cứ bầm dập nhiều rồi lại về  nghe hoa hòe kể chuyện ấm áp như lời bà bắt đầu từ ngày xửa, ngày xưa…

Hoàng Anh Tuấn

Cành Hoa Trắng

Hoa tiên,
Hoa tiên có phải bùa tiên,
Chỉ mang nghiệp quả luỵ phiền vào thân...
Tìm hoa xa tít bao lần,
Giờ thì giải nghiệp nợ nần kiếp xưa
NM

Hoa thả bùa

Trở về sau một tuần thăm thú Palouse, Sâm nhận được tin nhắn của Nam: “Chị có về không? Bố đã…”.
Minh họa: Tuấn anh
Lẽ ra phải là: “Chị về đi!”, “Chị về ngay!”, nhưng lại là “Chị có về không?”. Câu hỏi ấy ám sâu vào tim Sâm suốt một chặng dài về bản Trầm, nơi người ta đã kịp làm hậu sự cho bố trước khi Sâm về đến nơi.
Nam bảo bố Sâm lên đỉnh núi Trầm, bị ngã xuống khe đá, ba ngày sau mới tìm thấy nên không thể để ông nằm đó đợi Sâm về được.
Núi Trầm? Ông lên đó làm gì cơ chứ? Bình thường người già ở bản Trầm vẫn leo núi hái thuốc, trồng trọt, bởi họ sinh ra từ núi, họ thuộc về núi từ lọt lòng mẹ đến khi về với Mường trời. Nhưng bố Sâm thì khác. Huống chi, núi Trầm lại là ngọn núi trắc trở nhất trong vùng…
…Mười bốn tuổi, Sâm rời thị xã ven thủ đô lên vùng núi sống với bố. Mẹ đi lấy chồng khác, và đương nhiên bà không thể đèo bòng Sâm. Họ hàng bên nội đầy ra đấy, nhưng Sâm còn có bố. Việc mẹ lấy chồng khác Sâm không thể oán trách, vì bố đã bỏ mẹ trước. Lên vùng núi cao làm việc theo sự phân công của tổ chức, bố Sâm đã phải lòng người phụ nữ khác.
Nhà của bố Sâm và người vợ mới nằm ngoài rìa bản Trầm. Đó là một bản làng rất đẹp với những nếp nhà sàn bên một dòng suối nước màu xanh lục tự nhiên. Mẹ kế của Sâm đã có một đời chồng và một cậu con riêng nhỏ hơn Sâm một tuổi, là Nam. Khi Sâm đến, họ đã sinh một đứa con chung. Nhưng ít lâu sau đứa bé gái ấy chết đuối dưới suối, do chính sự bất cẩn của bà mẹ. Sau cái chết của em gái cùng cha khác mẹ, Sâm càng căm ghét mẹ kế, càng nhớ lời mẹ đẻ khi bà nói về tình địch: “Cái giống bùa ngải thất đức lắm. Rồi xem...”.
Mẹ Sâm nói bố bị bà ấy bỏ bùa nên mới bỏ vợ con như thế. Khi Sâm đến bản Trầm, những nhân viên ở trạm y tế của bố cũng thường trêu Sâm. Họ bảo rằng dân bản Trầm ai cũng biết bỏ bùa. Người ta có thể làm đủ các loại, từ bùa yêu đến bùa hại người. Theo lời họ, gái bản Trầm thích ai thì bỏ bùa để lấy làm chồng, chán thì lại bỏ bùa để ruồng rẫy. Người bản Trầm ghét ai sẽ bỏ bùa để người ấy thành điên thành dại. Chẳng đâu xa, mới đây, trước khi Sâm đến, một bà già vì không muốn mất trộm buồng chuối chín trong vườn, đã yểm bùa lên nó. Ngờ đâu cô con dâu đi làm nương về, thấy chuối chín cây bèn hái ăn một quả. Bà già biết con dâu trúng bùa mà không có cách nào cứu được, đành nhìn con trai mất vợ, cháu nội mồ côi mẹ...
Và, theo các nhân viên trạm y tế chỗ bố Sâm làm việc, thì một trong số những người bỏ bùa giỏi nhất là mẹ kế của Sâm. Bà ta đã bỏ bùa người chồng trước, rồi khi chán sống với ông ta, bà lại bỏ bùa để ruồng rẫy. Con suối trong veo bên rìa bản Trầm cứ dăm ba hôm lại xuất hiện một người đàn ông cặm cụi lội nước, nhưng không phải để bắt cá, cũng chẳng làm gì cả. Chỉ là lội nước với khuôn mặt đờ đẫn, ngây dại, từ sáng sớm đến đêm khuya. Sâm không biết tại sao ông ta lại làm thế, rồi đêm xuống ông ta đi đâu, vạ vật nơi bụi cỏ gốc cây nào trong rừng. Người ta bảo đó là bố của Nam, người chồng trước của mẹ kế. Chính vì thế, họ dặn Sâm nếu muốn giữ thân, thì hoặc là học cách bỏ bùa, hoặc đừng để bị bỏ bùa.
Sâm và Nam cùng nhiều đứa trẻ bản Trầm hằng ngày phải đến trường học rất xa. Nếu đi bộ thì sáng sớm đi, tối nhọ mặt mới về đến bản. Nhiều đứa chung tiền thuê trọ ở gần trường cho đỡ tốn công đi lại. Chị em Sâm sáng đi tối về trên chiếc xe đạp Phượng hoàng màu đen mà bố giao cho. Ngày nào cũng như ngày nào, trên chiếc xe đạp và chặng đường núi đồi khó đi ấy, Nam gò lưng chở Sâm đến trường. Thường thì Sâm không hề hé răng nói gì, trừ khi yêu cầu hay ra lệnh. Nam thì ngược lại, cậu ta luôn hát, hoặc huýt sáo véo von. Cậu luôn làm theo những yêu cầu của Sâm, kể cả những yêu cầu oái oăm nhất, đôi khi đầy hằn học và độc ác, những thứ nảy sinh trong lòng Sâm vì lúc nào cũng đề phòng, nghi kỵ.
Cô độc giữa những người xa lạ, Sâm ngoảnh mặt quay lưng gần như hoàn toàn với mẹ kế và người em ghẻ. Sâm không ăn bất cứ thứ gì mẹ kế đưa, không mặc bất kỳ thứ gì mẹ kế may. Đồng thời Sâm cũng tránh xa đám bạn cùng dân làng trong trường học, trong bản Trầm. Sâm sợ bị họ bỏ bùa. Ngày thứ bảy, chủ nhật, Sâm đòi đến trạm y tế nơi bố làm việc và ở dịt đó. Sâm không bao giờ để mình ở nhà với mẹ kế mà không có bố.
Sự xa lánh của Sâm khiến đám bạn cùng bản, cùng trường nảy sinh lòng căm ghét. Chúng tìm cách bắt nạt. Nhưng Sâm biến nỗi sợ hãi thành chai lì, lạnh lùng. Đặc biệt, nhờ sự bảo vệ nhiệt tình của Nam, chúng không làm gì được Sâm. Vậy nhưng Sâm vẫn không hề mở lòng với Nam, thậm chí còn luôn nung nấu ý định lợi dụng và trả thù.
Giờ đây, về bản Trầm khi hậu sự của bố đã xong, Sâm đi thăm, cảm ơn những người trong bản. Họ khen bố Sâm tốt lắm, cả đời lặng lẽ cống hiến cho cái xã bản heo hút này. Cuối ngày, Sâm mỏi mệt trở về, ngồi trên bậc thang nhà sàn nhìn ra con suối xanh trong trước mặt. Người đàn ông lội nước năm nào có lẽ đã chết. Trong nhiều năm qua, không phải trong lòng Sâm đã hoàn toàn quên bản Trầm. Mỗi khi nghĩ đến khoảng thời gian sống ở nơi này, Sâm lại nhớ đến ông ta, với khuôn mặt đờ đẫn, áo quần ướt sũng và hai cẳng chân, hai cánh tay tái nhợt vì ngâm nước quá nhiều. Những ý nghĩ về bố một ngày nào đó cũng sẽ lội nước cặm cụi như ông ta, lòng Sâm có chút đau xót, nhưng nỗi đau xót nhanh chóng tan đi, nhường chỗ cho một cái gì đó như là hả hê đắc ý. Dẫu gì bố cũng là kẻ phản bội. Dẫu gì Sâm cũng không có được những ngày ấu thơ hạnh phúc vì bố đã lựa chọn nơi này, lựa chọn người đàn bà đó chứ không phải mẹ và Sâm.
Con suối xanh trong lặng lờ chảy qua bản Trầm. Sâm từng chứng kiến người ta vớt được đứa em gái cùng cha khác mẹ mới một tuổi đời lên từ nước biếc. Em bé vô tội ấy chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi ở trên đời. Suối đã buộc người ta phải trả giá cho những mưu toan tầm thường, những thay lòng đổi dạ. Sâm cảm thấy con suối đã báo thù cho những đau khổ của ai đó. Là vì nó chảy qua bản Trầm. Bản Trầm nằm dưới chân núi Trầm, núi ấy linh thiêng lắm.
“Nam ạ. Tôi muốn lên núi Trầm” - Sâm nói như thuở bé từng ra lệnh cho Nam. Một tuần trước bố Sâm đã lặng lẽ lên núi Trầm, và ông gặp nạn bởi một khe đá. Sâm biết ông lên núi ấy làm gì. Bây giờ là mùa hoa tiên trắng đang nở rộ…
Hai mươi năm trước, một buổi sáng trời trong và nắng ấm, Nam chở Sâm đi ngang qua núi Trầm để đến trường. Núi Trầm cao, nhiều vách thẳng đứng với những cái cây cô độc gắng gỏi chĩa những cành xanh tươi của nó ở lưng trời cho những bầy chim nghỉ cánh. Bình thường Sâm không để ý đến ngọn núi khô khan ấy, dù dân bản có vẻ nể trọng lắm. Hôm ấy, đột nhiên một bầy chim nhỏ vừa bay vừa hót vụt qua hai đứa rồi tíu tít đậu trên những cành cây chĩa ra từ vách đá. Sâm nhìn theo bầy chim và ngạc nhiên. Nơi chúng đậu có một loài hoa đang nở trắng vách núi. Khá xa để nhìn rõ hình dáng hoa, nhưng màu trắng ngần trong nắng vàng ấm áp của nó báo cho Sâm biết đó là một loài hoa đẹp.
“Hoa gì kìa Nam ơi!”.
Nam dừng xe, chống một chân xuống vệ đường và nhìn theo tay Sâm chỉ.
“Hoa tiên đấy. Đẹp lắm!”.
“Mình hái đi. Tao muốn một bó” - Sâm thường xưng hô mày tao với Nam.
“Nhưng. Để… làm gì?” - Nam hỏi, tỏ rõ sự lưỡng lự.
“Để chơi chứ còn gì nữa”.
“Không… không được đâu” - Nam từ chối. Lần đầu tiên cậu ta từ chối yêu cầu của Sâm.
“Mày không dám? Để tao!”.
Sâm nói xong, nhảy ra khỏi xe, loay hoay tìm lối xông vào núi Trầm. Không hiểu sao lúc đó Sâm lại điên đến thế. Nhưng Sâm bước phải một khoảng trống được ngụy trang bằng cỏ xanh mềm mại và lăn từ vệ đường xuống hủm sâu trong tiếng hét lạc giọng của Nam.
Khi Sâm bình phục thì mùa hoa tiên đã tàn. Nam nói hoa đó mỗi năm chỉ nở một lần, và thời gian nở chỉ trong khoảng mười ngày thôi.
Sau mùa hoa tiên ấy Sâm rời bản Trầm trở lại đồng bằng. Bác ruột quyết định đón Sâm đi. Có lẽ bác quá xót xa bởi những bức thư kể lể về việc Sâm luôn sống trong nỗi lo lắng sợ hãi bị bỏ bùa. Vì những câu chuyện bùa ngải mà các cô chú nhân viên trạm y tế tỉ tê vào tai Sâm những ngày trực cuối tuần.
Ngày Sâm xuôi thành phố, không phải bố, mà chính Nam tiễn chân. Hai đứa đứng bên vệ đường đón xe khách. Nam nói, chuyện bùa ngải Nam không biết, chỉ nghe đồn rằng những cô gái bản Trầm muốn có được người mình yêu thì hái hoa tiên làm thuốc cho người ấy uống…
Thì ra hoa tiên là loài hoa thả bùa.
…Sâm vẫn còn nhớ cảm giác ngượng ngùng khi vạt váy chạm vào bắp đùi trần trong lần mặc váy ngắn đầu tiên. Có lẽ mọi cô gái quê học làm người thành phố bắt đầu từ những chiếc váy ngắn. Từ đó, những chiếc váy ngắn, những đôi giày đắt tiền, những hộp mỹ phẩm cao cấp và bạn bè phố thị cuốn Sâm đi. Sâm dần quên bố, mẹ kế, Nam và cả bản Trầm cùng bùa ngải của họ. Học giỏi và tự tin, Sâm tự mình trưởng thành mà không cần lắm sự hỗ trợ của gia đình bác ruột. Một năm trước mẹ kế mất, Sâm cũng không về thăm viếng. Có lẽ vì thế, nên trong điện thoại báo tin bố mất, Nam hỏi Sâm có về không.
Nam dẫn Sâm lên núi Trầm theo con đường của những người hái lá thuốc, không phải hướng mà Sâm đã bị nạn năm nào. Mùa hoa tiên, chúng nở khắp núi Trầm. Nhưng lạ lắm, chỉ ở núi Trầm thôi. Sâm hỏi có truyền thuyết nào liên quan đến sự lạ đó không, Nam lắc đầu, không rõ không biết, hay không muốn tiết lộ.
Hoa tiên đã tàn, chỉ còn lác đác trên những vách cao vài bông muộn mằn. Bố Sâm đã lên núi Trầm tìm hoa tiên. Ông muốn hóa giải thứ bùa ngải khiến ông vướng nợ tình trong suốt hơn hai mươi năm qua chăng? Người ta bảo những người bỏ bùa tình, trước khi chết phải làm lễ cắt duyên cho chồng, hay vợ, người đã bị họ bỏ bùa, nếu không, chỉ một thời gian sau người còn lại cũng sẽ chết. Mẹ kế Sâm chết đột ngột, có lẽ không kịp hóa giải bùa ngải cho chồng.
Phải thế chăng, chuyện bố Sâm đã một mình lên núi Trầm, trong mùa hoa tiên nở? Sâm không biết thực hư câu chuyện bùa ngải của đời ông. Gần hai mươi năm qua Sâm đã bỏ mặc ông, bỏ mặc tất cả, cả những hồ nghi Sâm chưa bao giờ tìm cách chứng thực.
Giờ đây, trên núi Trầm lộng gió, khi Sâm vĩnh viễn mất ông, thì nỗi đau vô hình mới hiện hữu. Hẻm đá nơi ông bị nạn khá sâu. Nó cắt đường đến đỉnh núi. Trên viền đá bao quanh hẻm, nơi ánh mặt trời rực rỡ chiếu sáng gần như suốt cả ngày, khi những bông hoa tiên trên núi đã tàn, thì nơi đây một vạt trắng ngần đang bung nở…
Nỗi đau mất bố trong lòng Sâm bỗng nhiên nhẹ bẫng, như nó vừa cất cánh bay đi. Sâm quỳ gối xuống trước vạt hoa tiên trắng ngần. Những bông hoa cánh tròn mềm mại, cùng nhụy trắng run rẩy trước gió… tất cả bỗng chốc lụn xuống, như những bông tuyết tan chảy. Trong khoảnh khắc, những bông hoa Sâm chạm vào chỉ còn màu trắng trong suốt, mỏng manh như sương và tan biến.
Nam bảo, chưa từng có ai hái được hoa tiên, vì hễ cứ chạm tay vào hoa, chúng sẽ lập tức lụi tàn…
Phạm Thanh Thuý 
                Một đoá hoa đời
Tôi rẽ lối quanh co đi vào một khu chợ nhộn nhịp giữa lòng huyện xã cùng Trường. Khu chợ này không lớn lắm, có một nhà lồng chợ ở giữa là khu bán thịt tươi sống, xung quanh là những hàng tạp hóa, trái cây rau quả các loại. Tiếng những con vịt con gà kêu chí chóe xen lẫn tiếng người mua bán, đâu đó lại có tiếng trẻ con ríu rít trầm trồ vì lần đầu trông thấy những món hàng lạ mắt. Tuy ngôi chợ này ở nơi trấn nghèo nàn nhưng cũng khá sầm uất và đông đúc người buôn kẻ bán…
Ảnh minh họa. Nguồn: phatgiaovietnam.vn
Tôi và Trường len lỏi qua đám người tấp nập để đi đến sạp trái cây của một người quen đã lâu không gặp. Định rằng sẽ mua chút gì đó làm quà nhưng chẳng biết mua gì nên chúng tôi quyết định tay không mà đến rồi mua hoa quả của họ về vậy.
Trong lúc tôi đang nghĩ vẩn vơ thì Trường khựng lại không bước đi nữa mà kéo tay tôi lại. Một người phụ nữ ngoài bốn mươi nhưng với dáng dấp lọm khọm già nua chẳng khác gì một bà lão đang loay hoay bưng bê rổ cóc xoài một cách khó khăn. Chúng tôi ngờ ngợ chưa xác định được liệu có phải là người mà chúng tôi muốn tìm hay không nên nhìn chăm chăm vào người phụ nữ ấy. Vừa cất bước đứng dậy, người phụ nữ ấy vấp chân phải bậc thềm bên hiên nhà làm rơi xuống rổ trái cây rồi trượt ngã xuống đất.
Tôi và cậu ấy chạy đến đỡ dì đứng dậy, dì yếu ớt bám víu vào tay của cậu bạn tôi để gượng đứng lên, lúc dì ngước lên nhìn Trường liền òa khóc gọi to :
- Con trai ơi...
Trong phút chốc nghe thấy câu nói ấy, chúng tôi đã biết mình tìm đúng người rồi, khoảnh khắc nghe thấy tiếng gọi ấy trái tim chúng tôi chợt đau nhói, chỉ biết nhìn nhau khi cổ họng chợt nghẹn ngào.
Tôi, Trường và Lâm học cùng nhau ở một trường cấp ba nơi thị trấn ven biên giới xa xôi. Thời trung học, chúng tôi thường nghĩ về tương lai của mình là một màu hồng, một tương lai thật bình yên, không có trở ngại. Trường và Lâm ước mơ trở thành một chiến sĩ công an thật bản lĩnh. Đối với Trường, cậu ấy hay nghĩ ngốc nghếch rằng con trai khoác lên bộ quân phục hẳn là oách lắm, nhất định sẽ có nhiều cô tương tư, rồi thì trở thành công an sẽ bảo vệ cho cho gia đình, cho xã hội và bảo vệ tôi không bị bắt nạt. Còn riêng Lâm thì khác, nhà cậu ấy nghèo, gia đình không có khả năng lo cho cậu ấy sau khi ra trường xin việc làm, vì vậy chỉ có thi công an mới có thể tìm ngay được việc là và có lương bổng sau khi tốt nghiệp. Vì vậy các cậu ấy học ngày học đêm với khát khao chinh phục hoài bão của mình, mong muốn tìm ra một tia sáng mới để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn của gia đình.
Còn tôi lúc ấy, sau khi xem một bộ phim truyền hình thì đã quyết định trở thành một nhà biên kịch. Các cậu ấy hay trêu tôi rằng vì tôi đọc quá nhiều truyện ngôn tình nên mới sinh ra ảo tưởng, thực chất tôi chẳng hợp tí nào cả. Và họ suốt ngày khuyên tôi nên theo học cùng các cậu ấy. Tôi chỉ biết mắng mỏ hai người đó và ôm khư khư giấc mơ của mình.
Chúng tôi từng hứa hẹn với nhau, sau này dù cả ba đứa không ai đạt đến ước mơ thì nhất định cũng phải đến gần nó. Hẹn ước của chúng tôi đã nói với nhau rằng dù sau này không đi cùng nhau nhưng nhất định phải thành công.
Tháng 8 năm ấy, trong khi vẫn đang chờ kết quả thi của mình thì tôi nhận được tin Trường và Lâm đều đã thi đậu Đại học An Ninh. Cuối cùng thì hai trong ba chúng tôi cũng đã đạt được ước mơ của mình rồi. Tôi vui mừng cho hai thằng bạn của mình, trong đầu chợt vẽ lên viễn cảnh hai cậu trai mặc quân phục công an thật uy nghiêm, đầy phong thái đàn ông.
Thế nhưng, tôi quá bận rộn trong việc cá nhân của mình nên vẫn chưa đến nhà thăm hỏi chúc mừng đứa nào cả. Suốt khoảng thời gian sau khi đỗ đại học, dường như liên lạc giữa ba chúng tôi không được thường xuyên lắm. Trong khi tôi lao đao đối diện với việc mình phải từ bỏ ước mơ lên Sài Gòn học báo chí để cố gắng bắt nhịp chọn ngành khác tại trường Đại học tỉnh nhà thì lúc đó Trường và Lâm đã bước vào những ngày đầu làm sinh viên và đi tít tận ngoài miền Trung để làm tình nguyện. Những lần họp lớp vào Tết Nguyên đán hai người đó cũng không có mặt cùng mọi người. Dường như cuộc sống của tôi đang dần vắng bóng họ.
Đúng một năm sau vào những ngày mưa đầu tháng 7 rơi. Hôm đó tôi tâm trạng tôi vô cùng ủ dột vì cơn mưa buồn đến thênh thang, điện thoại bàn nhà tôi chợt réo dữ dội như thôi thúc tôi nghe máy, ngay lập tức tôi nhận ra giọng của Trường, trong điện thoại giọng cậu ấy lạc hẳn đi run rẩy nói với tôi:
- Quỳnh, đi An Hảo gấp. Lâm… mất rồi.
Khoảnh khắc ấy, tay tôi run bần bật lên đánh rơi ống nghe điện thoại trên tay. Cảm giác giống như thấy cả thế giới sụp đổ dưới chân mình, trái tim tôi như có ai đó bóp nghẹt lại đến không thể thở nổi. Tôi vội vàng thu xếp đồ đạc trong cơn rối rắm của tâm trí rồi nhanh chóng phóng xe đi An Hảo trong phút chốc.
Ngày đó, Trường và Lâm cùng các sinh viên khác của trường Đại học An Ninh tham gia chiến dịch tình nguyện cứu trợ các đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung. Nhóm tình nguyện của Lâm được phân công làm công tác di dời người dân từ nhà nhỏ liêu xiêu lên các thuyền lớn để vào nơi tạm trú. Trong cơn lũ năm ấy, Lâm đã cứu một bé gái ngã xuống dòng nước, vì thuyền ở xa nên khi Lâm vừa đưa bé vào thuyền thì chính mình đã đuối sức và bị dòng lũ cuốn trôi.
Tình cảnh hôm ấy Trường kể rằng, tay của Lâm đã không còn sức lực, các đồng đội đã thả dây thừng cứu trợ nhưng vì dòng nước chảy xiết, sức nước quá nặng làm cho sợi dây đứt ngang và cuốn Lâm đi. Đến cuối cùng, để lại Trường và những người khác khản giọng gọi tên cậu trong dòng nước vô tình.
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại những ngày tháng đó, Trường vẫn còn ám ảnh mãi hình ảnh trước khi ra đi của Lâm cùng với câu nói “Người anh em, không đi cùng nhau nữa nhưng cậu phải thành công đó.” Đó chính là câu nói hẹn ước của chúng tôi vào những năm trung học, hóa ra đến giây phút cuối cùng của cuộc đời cậu ấy vẫn nhớ đến tình bạn của chúng tôi. Tuy không trực tiếp nghe thấy nhưng nghe kể lại thôi, tôi cũng đã thấy nhói trong tim.
Giờ đây, ở khu chợ này, chúng tôi đã gặp mẹ Lâm, người phụ nữ với rổ trái cây trên tay. Chúng tôi đang trong cơn bối rối pha lẫn đau lòng khi thấy dì đang khóc. Tuy mắt dì Liên bị mờ nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ bộ quân phục công an mà Trường đang mặc trên người. Vì vậy, có lẽ dì đã ngộ nhận Trường là Lâm, cậu con trai yêu dấu của mình.
Trong tiếng nấc nghẹn ngào, dì xúc động ôm chầm lấy Trường liên tục gọi:
- Lâm ơi, Lâm ơi, con ơi…
Giọt nước mắt của người mẹ mất con tuôn trào như dòng suối, lệ nhòe ướt đôi mắt đã mờ nay còn nhạt nhòa hơn. Nghe tiếng khóc ấy, nhìn giọt nước mắt ấy, thấy những xúc cảm đau đớn của dì Liên khiến chúng tôi chỉ biết đứng chết lặng với cõi lòng quặn thắt.
Trường vẫn im lặng, hai tay cậu ôm lấy dì Liên như thay thế Lâm ôm lấy người mẹ đáng thương sau bao nhiêu nhớ nhung cậu con trai bé bỏng của mình. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, cả tôi và Trường đều đã đỏ hoe mắt, nước mắt chỉ kịp chực trào rơi.
Được một lúc, Trường nhẹ nhàng vỗ về dì Liên rồi nhỏ giọng dịu dàng:
- Dì Liên ơi, con là Nhật Trường.
Nghe xong cái tên ấy, dì liền ngỡ ngàng nới lỏng tay mình ra chỉ nắm lấy bàn tay của cậu rồi lùi lại, mơ hồ hỏi:
- Là Trường sao?
Cậu ấy không đáp vì cổ họng đã nghẹn mất rồi, tôi khẽ gượng cười cất giọng chào hỏi:
- Dạ, là Trường và con là Quỳnh đây dì.
Người mẹ thất vọng buông bỏ nốt đôi tay Trường ra, lẳng lặng mời chúng tôi vào nhà. Bỏ lại những âm thanh nhộn nhịp, tiếng rao lanh lảnh của khu chợ, chúng tôi bước vào trong với trăm nỗi suy tư.
Căn nhà mái tôn ọp ẹp liêu xiêu đã trải qua mưa gió bao năm nay đã mục nát, trông như chỉ cần một cơn mưa nặng hạt thôi cũng có thể trở nên rệu rã.
- Cảm ơn hai đứa tới thăm, nhà dì không có gì hết, mấy đứa uống trà đá đỡ nhe con…
Hai đứa im lặng, chúng tôi chẳng biết nói gì trước tình cảnh này cả. Để rồi một lần nữa tôi bắt gặp ánh mắt dì Liên buồn bã, ánh lên nỗi nhớ thương nhìn bộ quân phục trên người Trường. Dì khẽ đưa tay cầm lấy vạt áo của cậu, vuốt ve, rồi lại cúi mặt xuống gần như thể đang nhìn kĩ từng đường kim mối chỉ.
- Nhà trường phát đồng phục mới rồi hả con, nhìn tốt quá. Nếu thằng Lâm còn sống, nó mặc vào chắc là đẹp lắm… - nói rồi dì lại bật khóc khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Trường nhìn dì Liên đầy thương xót, khẽ nắm lấy bàn tay gầy guộc đầy nếp nhăn ấy xiết chặt vào:
- Con xin lỗi! Nếu con không rủ Lâm tham gia lần tình nguyện ấy thì cậu ấy đâu có xảy ra chuyện. Người chết phải là con mới đúng.
- Không, con đừng có nói vậy, con không có lỗi gì hết, tất cả là tai nạn mà. – Dì khẽ lay lay đôi tay đang run rẩy của Trường an ủi.
Tôi cất tiếng cho bầu không khí nhẹ bỗng hơn một chút:
- Dì ơi, bấy lâu nay cuộc sống của dì ra sao?
Tiếng thở dài vang lên khô khốc trong gian nhà nhỏ, nhấp ngụm nước rồi dì bắt đầu kể:
- Từ khi thằng Lâm mất, ba nó ngã bệnh liệt giường, ổng đang nằm ở trong buồng kìa. Hôm nghe tin nó gặp tai nạn, ổng xỉu hết một trận, khi lo đám ma cho thằng nhỏ xong thì ổng bị tăng huyết áp rồi tai biến nằm một chỗ luôn. Nhà tuy gần chợ, có sạp trái cây nhưng bán buôn ế ẩm chẳng kiếm được bao nhiêu. Dì vừa coi sạp trái cây vừa chăm sóc ổng. Mắt dì lại không thấy rõ nữa, nên em của thằng Lâm nó không muốn dì cực khổ, con nhỏ nghỉ học đi Bình Dương làm mướn để kiếm thêm tiền về cho gia đình. Dì biết nó cũng cực khổ nên dù nhà khó khăn cũng không dám gọi cho nó, hai ông bà già này có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, thỉnh thoảng hàng xóm thương thì cho con cá, bó rau.
Khóe mắt tôi đỏ hoe như muốn sưng húp lên vì khóc quá nhiều. Cả tôi và Trường không kìm được lòng nên đã khóc khi nghe dì Liên kể. Sao mà có những cảnh đời bất hạnh đến thế này? Nhìn dì, tôi thấy những nếp nhăn như mới xếp, tấm áo cũ kỹ dì mặc cũng đầy những nếp gấp nhàu nhĩ. Mỗi một nếp nhăn, mỗi một nếp gấp trên áo quần đều ngập tràn những khó khăn, trắc trở. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé và vô dụng quá. Nhìn dì lại nghĩ đến cha mẹ của mình đang dần già đi mà bản thân tôi vẫn chưa có đủ khả năng để giúp cha mẹ không còn vất vả. Lúc ấy, nghe sao tim mình đau thắt.
Nắng bắt đầu nhạt dần từ phía sau lưng núi, từng vệt vàng vọt yếu ớt tựa như người mẹ mất con đang len lỏi chiếu xuyên qua ngôi nhà đơn sơ, trông liêu xiêu mà buồn não nề, tưởng chừng như ai đó đang tắt dần chiếc đèn dầu le lói.
Chúng tôi đứng dậy giã từ gia đình Lâm sau khi cố ép để được mua từ mẹ Lâm một ít trái cây. Chúng tôi hứa với dì sau này sẽ đến thăm thường xuyên hơn, nhắn nhủ đôi điều rồi rời bước mà lòng nặng trĩu.
Trên đường về, xuyên qua khu chợ chiều nay đã thưa vắng người qua lại, chúng tôi đến trạm đứng đợi xe buýt. Mất một lúc lâu, tôi hỏi Trường:
- Trường ơi, tại sao người tốt lại chết sớm vậy hả Trường?
Trường buồn bã nhìn tôi, cậu im lặng một hồi lâu thật lâu rồi nói:
- Trong một vườn hoa, nếu cho phép cậu hái một bông hoa, cậu sẽ chọn như thế nào?
Nghe thấy vậy, tim tôi chợt lỗi vài nhịp, tôi lặng im cúi mặt nhìn vô thức dưới chân mình. Lúc này xe buýt vừa đến trạm, Trường nhìn tôi như trông đợi câu trả lời, tôi lí nhí đáp:
- Bông hoa đẹp nhất vườn.
Dường như chúng tôi hiểu ý nhau, cả hai đứa lặng lẽ bước lên xe, chuyến buýt cuối cùng trong ngày đưa chúng tôi rời An Hảo giữa vùng ráng chiều đang phủ xuống êm đềm.
Một ngày đang trôi qua…
Xuân Quỳnh – DH16NV