Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

Nhạc - Thơ - Văn Nhật ký tháng 12

Hình ảnh có liên quan
Yêu và thích,
Người có phải tự ngàn xưa tìm đến ?
Sau cơn mưa trời mát tợ bóng râm.
 Gặp nhau đây chưa tính chuyện trăm năm.
Say chút nắng cũng làm tim thổn thức !

Em rất "nhây"mà cũng không dấn bước,
Hội ngộ nhau vào tháng cuối mùa Đông.
Em ngỡ mình qua hết những ước mong.
Tim hoá đá sao tim còn mềm yếu ?!

Tháng mười hai trời sao còn giông bão,
Em cô đơn dù anh ở bên em,
Dù thích hay yêu em mãi yếu mềm
Em say nắng ! Biết khi nao mới tỉnh ?!

Về với mẹ được chở che vòi vĩnh,
Ở bên anh em cảm thấy bình yên...
Ngoài hiên mưa vẫn triền miên,
Xin cho chút nắng, bền duyên bên người 
NM

Nhật kí tháng 12... 
Tình cảm sợ nhất là những con say nắng. Không phải chỉ yêu, chỉ là thích. Người đến vội , đi cũng nhanh. Cái để lại khgo6ng phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai nầy mình sẽ như thế nào ?
Tôi là một cô gái sắp bước sang tuổi 24 và hẳn nhiên là cũng có những nỗi niềm của chính mình. Tôi vốn dĩ là người năng động và sôi nổi, hay cái cách bạn bè hay nói thì tôi " rất là nhây". Ấy vậy đã có khoảng thời gian tôi lạc mất mình. Lạc mất đi cái vốn dĩ là con người của tôi ấy để trở thành một cái tôi khác.
Cái tôi khác ấy là khi có thể ngồi một mình hàng giờ trong một quán cà phê nào đó. Im lặng, suy nghĩ và nhìn ngắm. Hay một mình chạy xe vòng quanh thành phố, cảm nhận đất trời luân chuyển theo mùa len lỏi qua từng tháng năm. Tôi thích hẹn hò với chính mình, hẹn hò cô đơn. Tôi thích cái cảm giác nhìn ngắm từng khuôn mặt trên phố, nhìn họ bình yên, nhìn họ cười để thấy an yên. Trong những lúc như thế, tôi đã nhủ với lòng mình: "Phải chăng mình đã già!"
Tôi gặp Kai một ngày mùa đông vào tháng 12, khi mà cái lạnh của mùa đông như tô điểm thêm cho từng tâm hồn đang cuộn tròn trong nỗi cô đơn của chính mình.
Lần đầu tiên thấy Kai. Tôi có chút ngại ngùng , chỉ dám len lén nhìn xem Kai là người như thế nào. Âý vậy mà ánh mắt cậu ấy nhìn vào mắt tôi khi ngồi xuống phía đối diện làm tôi giật mình. Cái giây phút ấy, tôi thấy bóng dáng mình phản chiếu lại trong ánh mắt Kai. Trong mắt Kai, tôi thấy một cô gái trẻ cười ngượng ngùng và hai má đỏ lên vì ngượng.
Kai không đẹp trai - mà duyên.Với tôi là như vậy. Nhưng cậu ấy cuốn hút tôi bằng nụ cười và cách nói chuyện khiến tôi tự thấy cả thế giới của mình ở đó, ở chính con người ấy. Kai đưa tôi về trở vè với chính mình, là cô bé con sôi động ngày nào, vẫn là tôi đây chứ không bị lạc mất bởi nhịp tháng năm.
Về những ngày sau đó, tôi tự phép cho mình hưởng thụ cái thứ niềm vui mà Kai mang lại và mặc nhiên những thứ đó thuộc về mình. Chúng tôi có thể nói chuyện với nhau mỗi ngày và những câu chuyện thường không có hồi kết cho đến khi cả một trong hai chúng tôi ngủ quên. Tôi cảm thấy vui khi đóng vai trò quân sư cho Kai khi cậu ấy gặp chuyện nào đó hay kể cho cậu ấy về một phần cuộc sống của mình. Tôi nhớ cái lần Kai đưa tôi lên sân khấu của một quán cà phê music tại Hà Nội, lúc đó Kai đã đăng kí một bài hát và rủ tôi song ca. Tôi ngại ngừng từ chối vì biết giọng mình vốn chẳng hay ho gì? Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt quyết tâm của Kai, tôi lại theo sau cùng cậu ấy. Tôi run lên vì ngượng trong khi Kai khá tự tin, trên bục sân khấu, Kai đứng cạnh tôi, cất lên giọng trầm ấm của mình còn tôi xấu hổ chỉ muốn chui xuống đất dưới ánh mắt nhiều người. Ấy vậy mà khi Kai kéo cho tôi chiếc ghế gần đó và kêu tôi ngồi xuống đó thì tôi lại thấy bình yên đến lạ lùng. Chúng tôi đã cùng nhau hát trọn vẹn bài hát, không ngại ngùng, không âu lo, không suy nghĩ.
Tôi như trở về là cô bé con 18 tuổi ngày nào! Thả tung hết với những nghĩ suy bộn bề để mỉm cười với những điều đẹp đẽ!
Ngày giáng sinh cận kề. Chiếc điện thoại reo lên. Là tin nhắn từ Kai." Nếu N không ngại thì mai mình đi cùng cậu đến nhà thờ nhé!"
Cô bạn cùng phòng về thăm nhà, tôi vì công việc nên vẫn ở lại thành phố. Cũng không có lý do gì để tôi từ chối Kai. Thay vì đón giáng sinh một mình thì ở bên một người bạn hẳn chẳng phải tốt hơn sao? Nên tôi vui vẻ trả lời tin nhắn:" Hẹn mai gặp cậu!" kèm theo một icon tươi rói!
Ngày lễ giáng sinh. Kai qua đón tôi như đã hẹn. Trên đường tới nhà thờ, chúng tôi cùng nhau nghe chung những bản nhạc. Một cái dây phone mỗi người một bên. Nhìn chúng tôi lúc này cũng chẳng khác các cặp đôi đi chung đường là mấy! Bất giác tôi mỉm cười với cái suy nghĩ đó!
Nhà thờ những ngày này khá đông, còn tôi thì chiều cao khá khiêm tốn nên không thể xem cận cảnh chương trình hoan ca đại lễ. Kai đi đằng sau tôi, cùng tôi len lỏi qua đám đông chật cứng người và người. Ấy vậy mà tôi cũng chen lên được hàng đầu trước ánh mắt ngạc nhiên của Kai.
Đi cùng Kai, tôi luôn thấy mình như một đứa trẻ con chưa lớn, ngốc nghếch và vô tư lự. Còn Kai thì cứ trầm ngâm, lặng lẽ đứng sau bảo vệ, hay khi tôi có vô tình quẹt qua người ai đó thì cậu ấy lại vội vàng cúi đầu nói xin lỗi giúp tôi.
Lần đầu tiên Kai đến nhà thờ, lần đầu tiên tham dự thánh lễ, lần đầu tiên thấy các nghi thức của người công giáo như thế nào? Tôi thích thú với cái vai trò là người giải thích từng các nghi thức cho Kai hiểu, và phải bật cười khi thấy cái điệu bộ cậu ấy rón rén đến gần Cha chỉ để xem cách trao và nhận bánh thánh như thế nào? Bất giác tôi nhận ra, hình như tối hôm đó, tôi đã cười thật nhiều...
Hà Nội những ngày cuối năm, trời trở lạnh ghê gớm! Mưa và gió kéo về thấm lạnh lòng người. Chợt thèm cơm của mẹ. Muốn có được cái cảm giác ngồi nhìn mẹ lấy cơm cho rồi nhắc nhở cuộc sống nơi phố xá đông đúc. Tưởng rằng mình trưởng thành và mạnh mẽ lắm. Nhưng hoá ra không phải, giọt nước mắt từ khoé mắt cứ từ từ lăn xuống. Mặn đắng.
Chạy xe trên đường, nước mưa táp vào mặt. Lạnh buốt. Về tới căn phòng nhỏ. Chiếc điện thoại reo lên. Là cuộc gọi từ mẹ. Mẹ bảo mưa gió thế này con đừng về, để trời khô ráo rồi về cũng được. Chiếc điện thoại lại rung lên báo có vài tin nhắn mới. Của Kai, Kai hỏi dồn dập như thể rằng sợ tôi sẽ biến mất vậy. Trả lời Kai rằng tôi ổn và sẽ không về nhà như đã nói mà sẽ lùi lại vào mấy ngày sau đó. Từng dòng chữ của Kai cứ xuất hiện đều đều trên màn hình...
Nhìn vào mình trong gương, tự hỏi tuổi 24 là trẻ hay già? Phải chăng nó là ngưỡng của sự lưng chừng... Phải chăng là do cô đơn quá lâu nên trái tim đã chai sạn. Vì dẫu vốn được quan tâm và yêu thương mà vẫn thấy cô đơn.
Lời của cô bạn thân văng vẳng bên tai: "Tình cảm, sợ nhất là những cơn say nắng. Không phải yêu, chỉ là thích. Người đến vội, đi cũng nhanh. Cái để lại không phải buồn đau nhưng lại là nỗi lưng chừng, để lại trong tim một khoảng trống, mà ngay cả chính ta cũng không biết rồi mai này mình sẽ như thế nào?"
Phan Bích Nguyệt
Chào tháng 12
Bây giờ là tháng mười hai,
Em thương kỷ niệm những ngày bên nhau.
"Mười hai " xin gởi lời chào,
Biết bao thương nhớ dâng trào trong tim..
Suốt đời em mãi đi tìm,
Dư âm xưa cũ êm đềm bên nhau..
Diệu kỳ thay, mối tình đầu,
Cho em những phút xôn xao dịu dàng !
Xa rồi năm tháng hoang mang,
Anh đi để lại trăm ngàn nhớ nhung
NM
than-gui-thang-12

Thân gửi tháng 12!

Lật tờ lịch tháng 11 qua một bên, tôi lặng lẽ ngắm nhìn những con số trên tờ lịch tháng 12. Tháng 12 dịu dàng của những ngày đông vừa vui vẻ với giai điệu Jingle Bell vừa pha lẫn chút gì man mác chia li của khoảnh khắc năm cũ và năm mới. Rồi theo thói quen, tôi mặc nhiên khoanh đỏ ngày 15/12, một ngày đặc biệt đã được mặc định trong trí não tôi.
***
Con người đôi khi thật kì lạ, chúng ta sẽ nhanh chóng quên hết mọi thứ - cảm xúc và suy tư của ngày hôm qua rồi sẽ tan biến như chưa hề xuất hiện - nhưng dấu ấn về sự tồn tại của nó thì còn đọng lại như vết mực tím trên trang sách cũ, mãi mãi không phai. Mỉm cười chạm nhẹ vào con số, tôi mơ hồ thấy niềm háo hức và những rung động của tình yêu đầu xốn xang trong lồng ngực. Không phải là sự nuối tiếc mà là sự trân trọng cho cột mốc lớn trên con đường trưởng thành của tôi ngày hôm nay. Ghi nhớ và trân trọng kỉ niệm hẳn là cách mà trái tim mỗi chúng ta cảm ơn những người đặc biêt, vì họ đã dành chút thời gian đi cùng chúng ta một đoạn đường, để cùng trải qua những ngày nắng và những ngày mưa, cùng ngắm nhìn những cảnh sắc khác nhau từ một góc độ. Với tôi, tháng 12 sẽ mãi mang màu sắc và tâm trạng của con người ấy - chàng trai của một quãng đường ấm áp tươi vui; Lặng lẽ đi bên cạnh và che chở tôi khỏi những gió mưa, để rồi khi cậu đột ngột rẽ theo một con đường khác, tôi bị bỏ lại giữa cơn mưa tầm tã, hốt hoảng nhận ra phải luôn tự mang theo một chiếc ô cho riêng mình...
Chúng tôi có lẽ đã chạm mặt nhau rất rất nhiều lần trước đó, lướt qua nhau mà không hề quan tâm đến sự tồn tại của người kia. Điều ấy cũng là bình thường trong một lớp luyện thi đại học có đến vài trăm người. Ngày ấy, nếu bạn gặp tôi, bạn sẽ thấy một cô nhóc lầm lì bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Nếu trượt đại học thì mình chết đi còn hơn". Cắm cúi học hành, tôi ép bản thân thức thật khuya để rồi lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ liên miên. Mỗi lần ngủ quên không đi học, tôi sẽ tìm một góc và ngồi khóc òa lên vì nỗi sợ hãi đã bỏ lỡ hết những thứ quan trọng cho bài thi. Những năm tháng ôn thi đại học, khi nhớ lại, sẽ là quãng thời gian gian nan nhưng hạnh phúc nhất của mỗi học sinh. Cái cảm giác được sống có đích đến thôi thúc chúng ta cố gắng hơn mỗi ngày. Chúng ta phải vật lộn với nỗi sợ hãi to lớn mình trở thành kẻ duy nhất trượt đại học, nhưng niềm vui của tương lai phía bên kia cổng trường đại học và sự trưởng thành còn lớn hơn nhiều. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những cô cậu học trò đến lớp luyện thi từ rất sớm để được ngồi chỗ tốt nhất - dưới cái quạt mát, vừa tầm mắt và gần thầy cô. Tôi vẫn nhớ buổi trưa hôm ấy, một buổi trưa nắng rực rỡ mặc dù mới giữa tháng 4. 45' nữa mới tới giờ học mà đi dọc từ trên xuống dưới, bàn nào cũng đã có bạn ngồi và bày đủ đồ nghề ra giữ chỗ. Tôi loay hoay giữa những lối đi, vừa bực mình vừa lo lắng. Rồi tôi tiến về phía cái bàn ở vị trí đẹp nhất, nơi thường sẽ bị giữ chỗ đầu tiên, cũng là nơi tôi thường hỏi cuối cùng:
- Ngồi chỗ khác đi, chỗ này có người ngồi rồi!
Giọng trả lời có chút hống hách. Nó không nằm ngoài dự tính của tôi, nhưng bạn gái ấy đã quên mất cả chủ ngữ câu, thêm thái độ hiển nhiên ấy, tất cả khiến tôi cáu kỉnh:
- Bạn của cậu đến chưa thế? Tớ xin lỗi nhưng cậu đến sớm thì cậu có quyền ngồi chỗ này, nhưng bạn cậu đến sau tớ thì không có lí do gì tớ phải nhường chỗ cho bạn ấy cả. Ai cũng giữ chỗ như cậu thì những người đến muộn hơn một tẹo như tớ sẽ ngồi đâu?
Tôi lấy tay nhẹ nhàng đẩy quyển vở 'đặt chỗ' sang phía bạn ấy và ngồi xuống, mặt mày cau có. Bạn ấy có lẽ quá bất ngờ nên không kịp phản ứng. Rồi bạn ấy lẩm bẩm cái gì đó nhưng tôi không quan tâm. Tôi gục mặt xuống bàn, buồn ngủ và mệt mỏi.
15' sau, bạn gái bên cạnh tôi đứng dậy vẫy vẫy tay, nói khá to:
- Tớ ở đây, lên đây đi!
Khi hai bạn nam tiến đến sát chúng tôi, tôi nghe giọng bạn nữ phân trần:
- Tớ giữ chỗ cho các cậu, nhưng bị con nhỏ này chiếm mất, đã đến sau còn vô duyên ý kiến này nọ chứ!
- Thế để tớ ý kiến nốt. Cậu không nên nói về người khác như thế, mà việc cậu đến sớm đâu có nghĩa cậu có quyền giữ tất cả chỗ ngồi trong lớp này?!
Rồi tôi quay sang hai bạn nam, tức tối:
- Hai bạn thử đến sớm đi tìm chỗ và bàn trống nào cũng không được ngồi thì sẽ hiểu tớ nhé! Mà cũng không nên để một bạn nữ phải vất vả giữ chỗ giúp mình.
Nói xong tôi lại nằm xuống bàn. Quạt trần chạy vo vo, chẳng ai nói gì về tôi nữa nhưng tôi vẫn giận. Mấy chuyện tranh chỗ này rắc rối thật, đi học thì chỉ cần lo cho mình thôi chứ.Tôi thở dài...
...Lúc học toán đến phần tích phân, tôi hoảng loạn. Tôi không hiểu nổi d(x) rồi ud(v) thì để làm gì; lớp học thêm quá đông, thầy chẳng đợi tất cả cùng hiểu rồi mới giảng tiếp; bài thầy giảng cứ thế trôi ào ào, tôi nghe như vịt nghe sấm.
Thế nên khi được cô bạn cùng lớp rủ đi học nhóm cuối tuần phần tích phân, tôi gật đầu mà không cần nghĩ ngợi. Bạn tôi bảo quen được người bạn học giỏi toán lắm, cũng rất nhiệt tình, giảng lại dễ hiểu, tôi nghe kể mà lòng vui vui. Nhưng khi bước vào quán cà phê, nhìn thấy gương mặt cậu bạn sẽ giảng bài cho chúng tôi, tôi ngờ ngợ. "Mình đã gặp bạn này ở đâu rồi nhỉ?" Bạn tôi kéo tôi đi nhanh, vì chúng tôi đến trễ 15'. Khi cậu bạn nhận thấy sự có mặt của chúng tôi và rời mắt khỏi quyển sách đang đọc, trí nhớ của tôi trở nên rõ ràng và sống động. "Là một trong số 2 bạn nam bữa trước mình giành chỗ đây mà", nghĩ đến đấy tôi ngượng đỏ mặt và quay người chạy một mạch ra khỏi quán nước chẳng hề suy nghĩ.
Lúc lấy xe tôi mới nhớ ra bạn tôi vẫn cầm vé xe của cả hai đứa. Thế là đành lượn lờ mấy hàng xung quanh, nhắn cho cô bạn tin xin lỗi rồi dặn bao giờ về thì báo cho tôi và đợi tôi một lát vì bạn ấy vẫn đang cầm vé xe của tôi.
Khi quay trở lại, tôi khá bất ngờ nhận ra chỉ còn cậu bạn kia ngồi ở góc và vẫy vẫy tôi. Tôi chưa kịp nói gì thì bạn ấy đã cười rất tươi:
- Cậu đi đâu thế, tớ đợi cậu mãi. Vé xe của cậu đây này, Ngọc về trước nên gửi tớ đưa cậu.
- Ơ... tớ...cảm ơn!
- Cậu có muốn học tích phân nữa không, đằng nào thì cũng mất công tớ đến đây rồi mà!
Và đó là cách chúng tôi từ những người xa lạ trở thành bạn. Khi nhớ lại câu trả lời người ấy đã đợi tôi rất lâu, tôi luôn tự mỉm cười: đợi chờ cũng là cách chúng ta thể hiện sự yêu thương!
Tháng 5, tháng 6 rồi tháng 7. Chúng tôi thi đại học. Rồi thì tháng 8 lặng lẽ đến và trở nên đặc biệt với ngày 25. Đó là thời điểm tôi có thể xếp lại những chồng sách vở cao ngất vẫn gối đầu giường sang một bên, mơ về giảng đường đại học và những câu chuyện tình yêu lãng mạn thời sinh viên. Đó là thời điểm cả 2 chúng tôi đều hạnh phúc vì những thành công đầu đời,vui mừng khôn xiết sau quãng thời gian chờ đợi điểm thi dài đằng đẵng. Tôi nhớ những ngày chờ điểm thi và điểm chuẩn, có những đêm tôi hốt hoảng tỉnh giấc, gọi điện chỉ để nghe một lời an ủi "Rồi cậu sẽ ổn cả thôi, cậu sẽ không trượt, mà nếu trượt thì chúng ta sẽ cùng ôn thi lại với nhau!". Ngày tôi nhập trường, cậu ấy đạp xe cả một quãng đường xa đến ngồi đợi tôi bên ngoài cổng trường, rồi rủ tôi đi ăn. Cậu đã kể rất nhiều thứ cho tôi nghe, những câu chuyện về gia đình cậu, về bạn thân, về sở thích.Thời gian của những tháng ngày sinh viên đầu tiên của tôi đã trôi qua như thế, dịu dàng và ngọt ngào vì luôn có một người bạn sẻ chia và song hành. Rồi tháng 12 đến tự lúc nào không hay!
Tôi vẫn nhớ màu sắc và cả bầu trời của ngày 15/12 năm ấy, một ngày với những cơn gió se se lạnh làm người ta muốn xích lại gần nhau, nhưng vẫn đủ nắng nhẹ để xua đi nỗi buồn cố hữu của đông Hà Nội!
Khi tôi tan học về, đã thấy cậu đứng đợi tôi đầu ngõ vào nhà, gương mặt bình thản và hạnh phúc!
- Sao cậu không nhắn tin hay gọi điện cho tớ, lỡ tớ đi đâu thì sao, cậu đợi lâu chưa?
- Đi đâu thì cũng phải về nhà chứ! Hôm nay tớ có tâm trạng, đi ăn tối với tớ nha!
Vẻ mặt và nụ cười rạng rỡ của cậu khiến tôi không hiểu nổi tâm trạng mà cậu đang có là thứ tâm trạng gì. Nhưng tôi hôm nay vẫn có thể cảm thấy sự bối rối của cô nhóc ngày hôm qua khi thấy cậu bạn thân khác lạ, bảnh bao trong bộ quần áo chỉnh chu, lặng lẽ đợi mình trong một buổi chiều dịu dàng đến lạ!
La cà khắp những con phố yêu thích của chúng tôi ở Hà Nội, ăn và tán dóc đủ thứ về cuộc đời, cuối cùng chúng tôi dừng chân trong quán café tôi thích, tận hưởng Hà Nội về đêm và ngắm ánh đèn đường qua khung cửa kính với những tách cafe ấm nóng.
- Cuối cùng thì tớ vẫn không hiểu cậu có tâm trạng gì!
- Hôm nay là sinh nhật tớ đấy - Cậu ấy nói xong rồi bật cười - Nên tớ muốn nó phải đặc biệt!
Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên, hẳn là tôi đã vô tâm biết bao nhiêu khi không nhớ! Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là cậu ấy lại tặng tôi một món quà sau tất cả những vô tâm và trí nhớ ngắn hạn của tôi.
Món quà đầu tiên tôi nhận được từ chàng trai tháng 12 của tôi, là một chiếc cốc có in hình cỏ bốn lá, và một tấm thiệp với những dòng chữ nắn nót viết cho 'cô bạn gái đặc biệt của tôi'. Những câu chữ giản dị, ngọt ngào ấy mãi mãi là lời tỏ tình yêu thích của riêng tôi, là dấu ấn của một ngày 20/8 đầy nắng, là sự ấm áp từ một chàng trai mang tên 'mối tình đầu':
"Tớ đã đợi ngày này rất lâu. Và tớ biết rằng ngày này nhất định sẽ đến. Tớ luôn muốn được đứng đợi cậu khi cậu tan học về, để được dẫn cậu đi ăn, đi dạo phố, để được kể với cậu những điều bình dị về cuộc sống của tớ, rồi lắng nghe những câu chuyện của cậu. 15/12 là một ngày đặc biệt đối với tớ, vì trong 365 ngày, nó là ngày duy nhất của riêng tớ mà thôi. Cậu với tớ cũng đặc biệt như thế, và tớ mong cậu sẽ mãi chỉ nhìn về phía tớ mà thôi"
Đó là cách tôi học yêu tháng 12, học cách đếm những ngày tháng trên tờ lịch bàn, học cách xem sự hiện diện của một chàng trai Nhân Mã như một điều tự nhiên của cuộc sống... Nhưng trên con đường dài đầy thử thách, đôi khi chúng ta phải chọn những ngã rẽ khác nhau...
Tháng 12! Chúng tôi chia tay...và những cơn gió mùa đông trở nên buốt giá hơn bao giờ hết!
Tôi nhớ sau khi chia tay, ngày 15/12 tiếp theo, tôi đã bắt xe buýt trong vô thức đến trước cổng trường cậu. Tôi có lẽ sẽ đứng mãi ở trạm xe buýt đối diện cổng trường nếu như không nhận được tin nhắn từ số điện thoại tôi đã thuộc lòng "Sao không quàng khăn khi trời lạnh thế? Em về đi, anh không ở trường nữa đâu!".
Hôm ấy tôi không gặp được cậu, và giống như những bộ phim Hàn lãng mạn tôi thường xem, một cơn mưa ập xuống làm tôi ướt sũng, lạnh cóng và đáng thương. Cơn mưa ấy là cơn mưa dai dẳng và muộn phiền nhất mang dư vị của nắng. Mưa rơi từng hạt vội vã, tôi không sao tránh kịp. Tôi ốm! Tôi khóc! Vì mưa, vì lạnh, vì ai đó, vì tháng 12 vừa vui vừa buồn!
Thời gian trôi đi, tôi học cách luôn mang theo một chiếc ô bên mình, dù nắng hay mưa.Tôi học cách yêu thương những gì đang có, vì chúng có thể ra đi và biến mất một cách bất ngờ. 15/12 vẫn luôn là một ngày đặc biệt với riêng tôi, ngày mà tôi sẽ dành cho mình một khoảng lặng ngắm phố phường lên đèn với ly cacao nóng, mỉm cười khi đọc lại những dòng chữ nghiêng nghiêng mảnh khảnh đã từng của riêng tôi!
Gửi lời chào tháng 12 của kỉ niệm và yêu thương!
Bình Hắc Long
Tháng 12
Thương sao ôi thương quá,
Tháng mười hai cuối Đông...
Tiếng thở dài trăn trở,
Một năm giờ cũng xong !

Những cơn mưa nặng trĩu,
Tê tái cả cõi lòng...
Biết bao nhiêu cảm xúc,
Biết bao điều nhớ mong !

Mọi người vui chào đón,
Lễ hội mừng Giáng Sinh..
Cầu xin mùa ấm áp,
Cầu xin người an bình
NM

Kết quả hình ảnh cho hello december images

Viết cho tháng 12

Mới sáng sớm, cơn gió lạnh nhanh chóng ùa tan vào lòng người. Như một siêu trộm len lõi chuyên nghiệp trước khi cánh cửa khép lại mất. Co ro trong chiếc áo, người chợt run lên khe khẽ: Lạnh!…Hôm qua đài dự báo sẽ tăng cường đợt rét mới mà không để ý. Tự nhiên giật mình, ngó sang tờ lịch. Tháng 12 rồi đấy, tiếng thở dài trăn trở trong lòng 365 ngày cũng quá ngắn. Thế là đã gần hết năm!
Vội vàng khoác thêm chiếc áo ấm, đưa đôi mắt còn ngái ngủ vô hồn nhìn xuyên tạc vào màn mưa. Không rào rào xối xả như cơn mưa mùa hạ nhưng mưa của tháng 12 mang trên mình cái gì đó nặng lắm. Có lẽ do không khí lạnh? Hay do lòng người nặng trĩu? Mưa làm mọi thứ trở nên buồn, u ám xám xịt. Nói đúng hơn không ai ngóng chờ mưa về trong cái lạnh tê tái da thịt này cả.
Tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm – cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người…. Cảm giác hối hả, cập rập của một năm sắp qua xen lẫn cùng cái rạo rực, vui sướng khi sắp chào đón một năm mới làm cho ai nấy đều cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Họ cảm thấy mình cần được yêu thương, cần được chia sẻ và cần được cống hiến nhiều hơn nữa cho cuộc sống này…
Em ra đời vào ngày gió se lạnh của tháng 12 – tháng cuối cùng của một năm. Ba mẹ bảo em rằng vì sinh vào cuối năm nên sẽ thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, rồi em sẽ khóc tiếng khóc đầu tiên khi họ đã biết đi… Nhưng em chẳng bận tâm, có hạnh phúc nào bằng khi em đã được sinh vào một tháng tuyệt vời như thế. Em giống như tháng 12 vậy, chẳng bao giờ lấy làm buồn vì là tháng sau cùng cả, ngược lại còn lấy làm hãnh diện về điều đó bởi: Tháng 12 là tháng của những lễ hội, của niềm vui và cả những háo hức đón chờ…
Tháng 12 mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Chính xác người ta đang tính toán với nó từng giờ, từng ngày. Có lẽ nhiệm vụ chốt sổ của năm mang trên mình quá nặng làm ai cũng hối hả tất bật khi nó đến. Một chặng đường dài đã qua. Nhìn lại mình bao nhiêu công việc còn dang dở? Những niềm vui, trăn trở còn đọng lại. Liệu 30 ngày nữa có thể làm hết bao dự định? Trong lòng bâng khuâng bất chợt sẽ chạy đua với kẻ vô tình mang tên Thời gian ấy. Hay buông xuôi cứ để nó  mải miết với gió mây?
Không còn những buổi lang thang đi dạo ngoài đường, buổi tối tháng 12 bếp lửa của mẹ lại đắt khách hơn. Em thích ngồi ở bếp, nhìn ngọn lửa bừng sáng trong bếp. Nghe mẹ kể chuyện ngày xưa rồi bây giờ. Từ cái thời ông bà ngoại còn sống vẫn nhường nhau cái áo ấm mỗi khi đông đến. Chú mèo mướp vẫn dụi dụi dưới chân người như làm nũng, chờ cái xoa đầu quen thuộc. Nó cũng đang tìm nơi ấm áp cho đêm đông giá rét.
Tháng 12 em vẫn bắt gặp những chiếc nón cời nhỏ bé trong lạnh giá, cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn. Thời tiết khắc nghiệt, mùa này cánh đồng trống trải bỏ không. Vậy mà như một thói quen người ta vẫn ra đồng. Nghe đứa bạn thủ thỉ trong điện thoại cơ quan nó ai cũng mong thứ 7, chủ nhật mãi mãi để được nghỉ, được ngủ nướng tránh cái lạnh buổi sáng của mùa đông. Em im lặng, chợt cười buồn. Người dân quê em không biết đến thứ 7 chủ nhật là gì đâu nhỉ. Điều day dứt trong họ năm hết tết đến rồi còn bao khoản cần phải chi tiêu?
Cây cối vẫn tĩnh lặng dưới mưa, thu mình trong cái lạnh. Trên con đường xuống phố huyện xuất hiện nhiều bóng dáng người bà, người mẹ trễ vai gánh hàng rong. Mặt hàng đa dạng phong phú lắm: củ khoai, mớ rau cải, nắm chè tươi, quả khế xanh…có khi hậu hĩnh hơn là mẻ cá rô đồng bắt được sau đêm đông của cha. Tiền của người nhà quê bắt đầu từ vậy đó, tích cóp từ những điều rất nhỏ. Nhiều khi cầm xấp tiền lẽ mẹ đưa, dù được xếp phẳng phiu mà vẫn dày cộm lên làm đứa con cũng bật khóc. Ừ! Mồ hôi, nước mắt của cha mẹ nằm ở đấy cả mà.
Tháng 12, mọi người háo hức chờ đón giáng sinh ấm áp an lành. Câu chuyện của đứa cháu nhỏ đều xoay quanh ông già tuyết. Có lẽ do bộ phim hoạt hình về ông già có bộ râu trắng mặc áo đỏ ấy làm mấy đứa trẻ hào hứng đến vậy. Em cười xoà kể cho cháu nghe sự tích ngày lễ noel, cây thông, món quà đựng trong chiếc tất…Ấy mà câu hỏi hôm nay của cháu làm em lúng túng “Nếu cháu ngoan thì sẽ được gặp ông già noel phải không ạ?”  Em chợt khựng lại, cũng chưa ai bảo với em ông già noel sẽ có xuất hiện ở vùng quê nghèo này không.

Ai đó nói tháng 12 cũng là tháng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho con người. Đó không chỉ cảm giác hối hả của một năm sắp qua xen lẫn sự rạo rực của năm sắp tới. Mà còn chông chênh xúc cảm riêng trong mỗi lòng người.
Tháng 12 lên face book ngập tràn những lời chia sẽ của những người con. Đó là cảm xúc của một tân sinh viên, mong ngóng ngày về với gia đình. Đó cũng là tâm trạng nôn nóng của những người con đi làm ăn xa để về thăm quê mẹ. Một tâm hồn rạo rực, sống lại cảm xúc Ngày Đoàn Tụ… Ai cũng trông ngóng, sắp được về ăn tết với gia đình rồi. Nên cũng phải cảm ơn tháng cuối năm này lắm “Nếu không có tháng 12 thì có lẽ đường về hãy còn xa lắm trong ánh mắt ngóng đợi của bao người con xa xứ. Tháng 12 cũng vì vậy mà trở nên có ý nghĩa hơn.” Chợt mỉm cười khe khẽ, tết năm nay em cũng sẽ được đón người thân trở về.
Chiều nay loa đài rộn ràng kêu gọi làm vệ sinh thôn xóm, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mọi nẻo đường. Bố cũng lấy Lá cờ được cất cẩn thận có hình sao vàng ấy trang trọng treo trước nhà. Tiếng bà hàng xóm góp vui phấn khởi “Chuẩn bị đón nông thôn mới đó à? Cổng vào xã mình cũng được sơn lại khang trang lắm”. Niềm vui của tháng cuối năm bắt đầu len lõi, các bạn trẻ Đội tình nguyện rạo rực chuẩn bị Tết yêu thương cho người nghèo. Tình người ấm áp tràn đầy trên những tấm thiệp, lan toả hơi ấm lấn át giá rét của tháng 12.
Tháng 12 đã đến rồi, thãy chuẩn bị chào đón tháng cuối cùng này với tất cả những niềm vui, hi vọng và chờ đón những điều bất ngờ sẽ đến nhé các bạn, bởi những niềm vui thì thường hay đến sau cùng mà.
 Không vội vàng đâu nhé ! Ta chào Ngươi chào đón tháng 12!
Kim Chung sưu tầm và biên soạn

Cơn bệnh ơn ban

  1. Ly thân
      Trong Luận Ngữ, ông Khổng Khâu dạy: “Ngũ thập tri thiên mệnh”, nghĩa là khi tới năm mươi tuổi, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức là hiểu được mệnh của trời. Vậy mà tuy đã vào tuổi U70, nhưng tôi có biết được, hiểu được mệnh trời dành cho tôi thế nào đâu? Ngay như vợ tôi (người bạn đời bốn mươi năm trời má ấp vai kề, sinh cho tôi bốn đứa con, ba gái một trai, tôi có thể nhớ được rõ mồn một, đếm được vanh vách mười bốn nốt ruồi nhỏ to trên tấm thân mỏng mảnh, ngọc ngà, nuột nà, mĩ miều, không tì vết, mà nàng được Chúa thương ban), một con người cụ thể, một nhân vật sờ sờ ra đó, tôi còn không hiểu biết nổi, nói chi tới thiên với mệnh?
      Chả là cưới nhau về, tôi lúc nào cũng kính trọng nàng, chắp cánh cho nàng, để nàng hoàn toàn tự do. Tôi tin tưởng vợ, không khi nào soi mói, động chạm đến quá khứ của nàng, cũng chẳng bao giờ thắc mắc nàng ở đâu, đi đâu, lúc nào, làm gì… Những tưởng như vậy, nói như Rabindranath Tagore: “Tự do em là tự do tôi”, sẽ làm cho tình yêu vợ chồng được thăng hoa, bay cao vút cao, bay xa tít xa. Nhưng tôi lầm, lầm to. Một hôm, nàng nói:
      – Hai đứa mình đã là vợ chồng mấy chục năm mà sao em thấy cứ như người xa lạ, như người dưng nước lã. Anh chưa bao giờ hỏi thăm em khỏe không, thích ăn gì, mặc gì, đi đâu, bao giờ đi, bao giờ về. Anh không hề chăm sóc, lưu ý tới em bao giờ, dù chỉ một chữ một câu. Điều em cần đơn giản chỉ là một lời nói quan tâm, không cần ngọt ngào nhưng đừng giả dối, mà cũng chẳng được… Đạo Chúa cấm ly dị, thế thì chúng mình chắc phải ly thân thôi.
      Trời ơi! Một gia đình bề ngoài có vẻ gương mẫu như vậy, đáng mơ ước như vậy, vợ chồng chưa hề xô xát, to tiếng với nhau bao giờ, con cái đều thành đạt, nên người, mà rạn vỡ đến vậy rồi sao?! Tôi năn nỉ:
      – Em là bà quản cựu, anh là chánh trương nguyên, lại là thừa tác viên ngoại thường. Hết tình còn nghĩa. Ly thân ư? Thử hỏi cha xứ nghĩ sao? Hội đồng mục vụ nghĩ sao? Các hội đoàn, đoàn thể nghĩ sao? Tám đứa con trai gái dâu rể nghĩ sao? Lại còn phải làm gương cho mười một đứa cháu nội ngoại nữa chứ?
      Nàng cắn môi:
      – Ai nghĩ sao kệ họ, quan trọng là anh với em thôi. Anh bảo: “Hết tình còn nghĩa” ư? Để em xem. Nhưng anh cũng phải coi lại chính anh.
      Từ hôm ấy, tôi tự nhìn lại tôi, xét mình từ trong “tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Dù đã sáu mươi tám tuổi đầu, đau yếu rề rề, đã tăng huyết áp lại còn tiểu đường, tôi giành nấu cơm rửa bát, quét nhà, giặt đồ… Tôi chăm sóc vợ (nói, xin đừng ai cười, nhiều khi tôi còn cắt móng tay móng chân cho nàng nữa cơ), lưu tâm tới nàng từng li từng tí, từ miếng cơm hớp nước, tới nơi ăn chốn nghỉ, hỏi thăm nàng khi nào đi đâu, về đâu… Nàng vui ra mặt. Gặp mặt hay luộc điện thoại nhừ tử với bạn bè cũ thuở còn đi học, nàng khoe ầm ĩ ông chồng già đầu  mà còn tuyệt vời, lý tưởng chán (!), thậm chí nàng còn nói nàng biết ơn chồng nữa cơ. Cho đến một hôm, trong bữa ăn sáng chỉ có hai vợ chồng, nàng bảo:
      – Tôi chịu hết nổi rồi. Cuối đời rồi, cuộc sống không còn tính bằng năm, mà chỉ còn bằng tháng bằng ngày. Chúa ban cho còn chút thời gian nào, tôi phải sống cho ra sống, sống chứ không phải tồn tại…
      Tôi mềm như bún:
      – Em cũng phải tự nhìn lại vai trò làm vợ của em chứ?
        Nàng cười rũ rượi:
      – Chỉ có “Ơn gọi” và “chức năng” làm vợ, chứ đâu có “vai trò” làm vợ, như anh nói. Vậy ra xưa nay tôi chỉ đóng kịch, sắm vai, làm trò thôi à? Đóng kịch, sắm vai, làm trò mà những bốn đứa con ư? Dẹp. Bỏ. Tôi sẽ là tôi, chân thật với chính mình, và với mọi người như thuở còn thơ bé… Nói thật đây, nhá! Không ai trên thế gian này, kể cả cha tôi, mẹ tôi cũng không thể bắt tôi phải đi thưa về trình, đừng nói chi anh là cái thá gì mà động tí là anh hỏi làm gì, lúc nào, đi đâu, về đâu. Tôi là vợ chứ đâu phải là nô tì, là con ăn, kẻ ở của anh?! Tôi quyết rồi, ly thân thôi.
        Tôi không nhịn được nữa. Nhịn là nhục. Thế nên tôi vùng lên:
      – Cô muốn ly thân, hả? Được. Nhưng cô đã nhất quyết bỏ tôi mà đi thì…
      Cơn giận cùng với máu nóng của tôi sôi sùng sục, bốc lên ngùn ngụt, tôi chặn đứng lối về:
      – … thì nhớ nhé, đừng bao giờ trở về ngôi nhà này nữa. “Bước chân đi cấm kỳ trở lại”, nhé!
     Trưa hôm ấy, nhìn nàng kéo va li ra cửa, tôi mới nhận thấy dù đã U60 (nàng kém tuổi tôi gần một con giáp), dù đuôi mắt đã in dấu chân chim, dù con cháu đùm đề, nhưng do ăn kiêng, lại tập thể dục thường xuyên, nên nàng không bụng mỡ, không xồ xề, mà vẫn thon thả, vẫn mi nhon, vẫn xinh gái, vẫn đẹp mê hồn… Với lại còn mấy mươi năm vui buồn sướng khổ, mấy mươi năm “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe” có nhau. Tự nhiên cảm thấy áy náy, tôi xuống nước vớt vát:
      – Gì thì gì, đã là vợ chồng bấy nhiêu năm trời, em bỏ đi sao đành?
      Nàng chẩu mỏ:
      – Đành đấy!
      Tôi dùng kế hoãn binh:
      – Vậy cho anh xin một lần “hôn để… ly hôn” (Ủa! Ly thân chứ!), được không?
      Nàng thét lên:
      – Không, không bao giờ.
      Tôi kì kèo:
      – Vậy xin “bắt tay để… chia tay” vậy.
     Nàng thét lên to hơn, đinh tai nhức óc:
      – Đã bảo không là không, không bao giờ nữa.
     Nàng bước ra chỗ chiếc xe taxi Uber chờ sẵn, không một lần quay đầu nhìn lại.
*  *  *
  1. Đầm… lạnh
      Thế là đã qua đi gần một năm trời đằng đẵng vợ bỏ. Tôi hỏi, nàng không nói, tôi gọi nàng không thưa (tôi gọi điện thoại nàng không nhấc máy, nhắn tin không trả lời, chặn hết zalo, facebook, viber… ấy mà). Con cái làm ăn xa, tha phương cầu thực, một năm về nhà được một, nhiều lắm là hai ngày tết. Vậy nên quanh năm suốt tháng tôi ở nhà chỉ một mình. Tôi nhớ quá những ngày xưa thân ái. Ngày xưa, nhiều lần, mỗi mùa Giáng Sinh, nàng bảo:  
      – Bánh chưng ngày tết thì thường quá, nhà ta gói bánh chưng đêm vọng Giáng Sinh, vừa có quà Noel cây nhà lá vườn biếu ông bà nội ngoại, vừa để con cái nhớ đời đêm sinh nhật Chúa, canh chừng ánh lửa bập bùng luộc bánh chờ đi lễ nửa đêm, rồi chờ sáng nữa, vừa ấm sân, ấm cửa, ấm nhà, ấm tổ ấm…  
      Tôi nghe, cảm thấy thêm ấm lòng nên răm rắp “vâng lời” vợ. Và của đáng tội, đúng như nàng nói, ngày ấy cái gì cũng ấm, ấm thật, ấm từ trong tim ấm ra.
      Thế nên từ ngày ly thân (ly thân chỉ là nói cho “oai” thôi, chứ có thủ tục giấy má gì đâu?), nàng bỏ đi (chỉ là đi làm ô-sin cho con lớn con nhỏ thôi), mái nhà này, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, cái quái gì cũng lạnh, lạnh buốt lạnh giá, lạnh tái lạnh tê, lạnh tanh lạnh ngắt, không đầm ấm nữa, chỉ toàn đầm… lạnh thôi.
*  *  *
  1. Cơn bệnh Ơn Ban
      Tôi buồn, hình như cô đơn. Thèm người quá, ngày hăm bốn, mới sáng ra, tôi nói khó với vợ chồng hàng xóm, vợ bán vé số, chồng chạy xe ôm, đều là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo:
      – Thím Năm vui lòng giúp tôi. Đêm nay, làm ơn nấu giùm nồi chè, mua ly nhựa dùng một lần, phát quà Giáng Sinh cho trẻ em trong xóm được không?
      Không ngờ cả hai vợ chồng vui vẻ nhận lời:
      – Phát hết trơn hết trọi cho trẻ em trong đạo ngoài đời luôn hả?
     – Dạ, hẳn rồi. Nhưng tôi nhờ chú Năm chở tôi đi một vòng, thăm mấy hang đá nhà thờ đã, nhé!
      Chú Năm chở tôi đi thăm một nhà thờ thuộc hàng lớn nhất, của một giáo xứ được coi là sầm uất nhất nhì vùng Cái Sắn. Trong nhà thờ, hang đá Bê Lem nghèo nàn năm xưa được tái hiện bằng một hang đá giàu có, huy hoàng không tả xiết, chứa chan ánh sáng xanh đỏ tím vàng trắng, choán hết nửa gian cung thánh bên phải; rồi những ngôi sao bốn, năm, sáu cánh; rồi những đèn; những cờ; những bảng chữ điện tử… giăng mắc khắp nơi. Ngoài sân, hang đá chung của cả giáo xứ to cao lợp bằng những tấm vải bạt rộng, sơn phết làm thành cảnh núi đồi trùng điệp. Rải rác trong sân còn bảy hang đá nữa của bảy khu. Tất cả đều được trang trí cây thông, đèn, cờ rực rỡ. Cha xứ, tôi có quen biết đôi chút, mời tôi một chai nước khoáng:
      – Coi cũng bắt mắt đấy, nhưng cũng ngán… Tháng mười hai năm ngoái, nhà xứ phải trả hơn hai mươi lăm triệu tiền điện… Nghĩ tới thôi cũng chóng mặt…
      Như trúng cơn gió độc, không biết có phải do nghe cha xứ nói không, tôi đột nhiên chóng mặt. Tôi thấy mình run lẩy bẩy, hoa mắt; thấy trời đất quay cuồng, cao lên, thấp xuống, nghiêng ngả, đảo điên… Gượng đứng lên không được, tôi té sấp mặt xuống đất. Tôi loáng thoáng nghe thấy cha xứ gọi xe hồng thập tự cấp cứu miễn phí của tổ từ thiện Phật Giáo Hòa Hảo…
      … Tới bệnh viện, Cô y tá đo huyết áp, ông bác sỹ đặt dưới lưỡi tôi hai viên thuốc màu trắng, rồi họ bơm vài ống thuốc vào chai nước, truyền tĩnh mạch cho tôi. Chỉ có vậy thôi, tôi tỉnh lại.
      Chú Năm Xe Ôm lấy điện thoại của tôi, gọi cho các con tôi:
      – Ba tụi bay bị trúng gió, đang hấp hối, nằm ở phòng cấp cứu bệnh viện huyện. Dzìa, dzìa gấp, dzìa hết, ngheng!
      Ngay đêm lễ Giáng Sinh, hẳn là được mấy đứa con tôi báo tin, vợ tôi nhắn tin cho tôi: “Anh đã khỏe hơn chưa? Chúc anh mau lành bệnh”. Tôi trả lời vội vã, kiểu nửa tây nửa ta, nửa nạc nửa mỡ: “Oh! Merci vous nhiều thật nhiều”. Nàng nhắn lại: “Hình như lời cảm ơn ba rọi này không phải của anh… Nhưng một lần nữa, chúc anh mau lành bệnh”. Tôi quên tự ái vặt, chẳng biết xấu hổ là gì, nhắn tin lại: “Em về với anh nhé!”
      Con bé Thúy Vũ, con gái út của tôi, cười toe toét, giống mẹ như đúc:
      – Nhờ ba bị đi cấp cứu mà chúng con về đông đủ thăm nom chăm sóc ba. Ba còn được người yêu bé bỏng nhắn tin hỏi thăm…
      Tôi buột miệng:
      – Mẹ khỏe không?
      Nó vẫn cười toe toét:
      – Dạ, mẹ khờ… oe… khoe… hỏi… khỏe, ạ!
      Trưa ngày lễ Giáng Sinh, tôi xin xuất viện. Bệnh viện đồng ý ngay. Năm bố con lếch thếch dìu dắt nhau về. Vừa ra tới cửa, tôi sững sờ thấy một bóng dáng thiết thân, hơi cúi đầu (tướng đi của mẫu người suy tư mà!) và dường như lưng chớm gù (do gánh nặng thời gian chăng?), cùng với tiếng cười trong veo, trong vắt như thủy tinh:
      – Anh khỏe rồi hả? Đi cẩn thận! Để mẹ dìu ba cho. Các con về đầy đủ cả đó ư? Tốt! Em về thăm anh, mừng lễ với anh và…
      Tôi lắp bắp:
      – Và đừng đi nữa…
      – … Nếu người ta không đuổi cơ.
      Gió đông bắc Nam Bộ se se lạnh. Trên cao, trời xanh ngăn ngắt. Tôi nhìn mấy đứa con, siết nhẹ tay vợ tôi, thì thầm:
      – Tạ ơn Chúa Hài Đồng. Cơn đau cũng Ân Phúc, cơn bệnh cũng Ơn Ban, bu mình nhỉ?!
Lão ngu

Kết quả hình ảnh cho hello december images


Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Nhac- Thơ - Văn Giấc mơ không có con dế nhỏ


Con Dế Mèn

Tiếng dế cô đơn

Con sông xưa,
Tên sông hiền dịu vô cùng,
Mà sao cực nhọc nơi vùng tuổi thơ,
Bao năm chưa thể xoá mờ,
Thiết tha mong đợi giấc mơ xa vời
Xa quê thương nhớ một đời,
Nhớ con sông cũ, nhớ lời nội xưa,
Đêm về ngắm ánh sao thưa, 
Niềm riêng ấp ủ song chưa quay về !
NM
 

Giấc mơ không có con dế nhỏ

Nơi ấy tôi đã từng sống. Nơi ấy có một dòng sông. Nó chảy qua vùng đất nghèo quê nội tôi như một ký ức tuổi thơ xam xám. Tôi đã từng cởi trần cùng lũ trẻ nhảy ào xuống dòng nước đen ấy để vùng vẫy cho thỏa thích.
***
Tôi, mẹ, ba, và mọi người sống ở đó nhiều năm. Ở đó tôi cũng có một gia đình, có mẹ, có ba, có bà nội nhưng không có một mái ấm hạnh phúc. Mẹ tôi thường nói vậy.
Khi tôi lên năm tuổi, ba bắt đầu nghiện rượu. Tôi thường cười khanh khách lúc thấy ông bước liêu xiêu. Nhưng tôi không biết những lúc ấy mẹ khóc, khóc rất nhiều vì những cái bạt tai, cái đấm, cái đá của ba dưới áp lực của men rượu. Chịu đựng để giữ hạnh phúc gia đình nên mẹ không than vãn một lời. Lúc đó mẹ mới hai mấy tuổi nhưng trông già xọp đi. Lúc đó tôi không hiểu gì.
Bà nội chơi số đề. Tỉnh mắt dậy là nội chạy sang hàng xóm để bàn tán về số. Nhưng số đề không mỉm cười với nội, bà thua liên miên. Đồ đạc trong nhà cứ đem bán dần. Bán hết nữ trang của mình, nội lại quay sang vòi tiền mẹ. Phận dâu con mẹ phải cắn răng chịu. Sợi dây chuyền mẹ đeo trên cổ mỗi tối tôi hay nghịch cũng biến mất theo những con số đỏ đen.
Cha tôi uống rượu nhiều hơn. Bà nội ngày càng cau có hơn. Mẹ càng khổ hơn. Tôi chẳng biết gì. Thua số đề nhiều quá, nội mất ngủ. Bà không thể nào tìm ra những giấc mơ như thưở trước để sáng ra qua hàng xóm bàn tán. Thế là nội quay sang tôi. Mỗi sáng nội kéo tôi lại gần: "Đêm qua cháu mơ thấy cái gì?"
Cả ngày lăn lóc ngoài bờ sông, đu trên lưng trâu mỏi nhừ nên lên giường là tôi ngủ say như chết, làm gì có giấc mơ nào. Thấy tôi đứng ngẩn tò te, nội giục. Tôi ấp úng. Mẹ đứng gần đó đỡ lời: "Cháu còn nhỏ, không biết gì đâu!".
Nội trừng mắt. Tối, mẹ bị một trận bạt tai, đánh, đấm từ bố. Nội trông thấy cười, bởi chính bà là người tạo ra với nguyên nhân hết sức đơn giản: "Nó là dâu mà dám hỗn với tao".
Phần sợ nội, phần thương mẹ, tôi bắt đầu nói láo. Chỉ cần ngoắc lại là tôi gào lên: "Đêm qua cháu mơ thấy... ". Khi thì con quạ, con ngỗng. Lúc thì con ốc, con nai. Thậm chí hỏi mấy đứa hàng xóm biết số đề có ông địa, ông thần tài, tôi cũng gào lên ông địa, ông thần tài.
Không hiểu thế nào mà mấy bữa đầu trúng, nội vui ra mặt. Bà coi tôi như thần thánh. Mua cho tôi đủ thứ từ cái chợ chòm hỏm (chợ ngồi chòm hỏm để bán chứ không có sạp, có quán) của thôn. Mấy ngày sau bắt đầu trật, trật liên miên. Có hôm tôi phải chịu sự gầm ghè, đay nghiến của nội. Mẹ chỉ biết thở dài và khóc thầm. Cuộc sống đối với mẹ bất hạnh, khắc khổ quá.
Như mọi ngày,tôi lao xuống dòng sông đầy rác với con Tẻo, thằng Rớt, thằng Đủn, thằng Đen... Cả nhóm chỉ có Tẻo là con gái. Tội nghiệp, bữa nay nó phải dắt trâu của ông Bá đi tắm giùm để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Con trâu được tắm hứng chí tuôn ra mấy "bãi". Phân nổi lềnh bềnh với rác trên mặt nước. Tôi vô ý quạt tay vào làm cả bọn cười lớn. Nóng mặt tôi chửi Tẻo. Nó phân bua:
- Tại anh chứ, trâu "ỉ" kệ nó, ai bảo anh đụng?
Như lửa đổ thêm dầu, tôi lao tới đánh nó một cái thật mạnh cho hả. Con Tẻo khóc lu loa. Tự nhiên tôi thấy thương nó quá, liền xuống nước năn nỉ:
- Thôi mày nín đi, mai tao bắt cho mày con dế!
- Chừng nào có con dế tui mới hết nghỉ chơi với anh.
Con Tẻo ngoay ngoảy đi. Mấy ngày tôi mò khắp các bờ ruộng mà không tìm ra con dế nào. Nắng gió làm tôi mỏi nhừ. Buổi tối, tôi mơ thấy tôi bắt được con dế dễ thương lắm. Trời sáng, nội vào buồng lay tôi dậy:
- Đêm qua mày mơ thấy con gì hả?
Đưa tay dụi dụi mắt cho tỉnh ngủ, tôi đáp như reo mừng:
- Con dế nội ơi! Đêm qua cháu mơ thấy con dế!
- Láo toét, số đề làm gì có con dế. Láo này, láo này... Nội quơ lấy cái chổi quật lia lịa vào tôi. Vừa đau, vừa hoảng tôi khóc ré lên.
Mẹ chạy đến khóc theo tôi:
- Đừng đánh cháu nữa, nó nhỏ đâu biết gì...
- A, còn mày! Sinh con mà không biết dạy, để nó hỗn láo thế... !
Nội quất vào mẹ. Như một nỗi đau nén lâu ngày trào lên, mẹ giật lấy cái chổi trên tay nội. Đôi mắt mẹ long lên những tia lửa, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thấy mẹ như thế. Bà nội tỏ vẻ sợ sệt lui ra sân.
Buổi tối đêm đó, ba lại say rượu trở về nhà. Vẫn đánh, vẫn đập, vẫn chửi rủa. Và đêm đó mãi trong giấc ngủ tôi còn nghe tiếng hét của ba, tiếng cãi lại của mẹ, tiếng đổ vỡ to lắm. Đêm đó tôi kéo cả cái chiếu để quấn quanh mình mà vẫn thấy sợ.
Ba mẹ ly dị. Bà nội cười. Hàng xóm xôn xao. Tôi khóc.
Vài bộ quần áo cũ, cái xách tay nhỏ, mẹ dắt tôi đi. Đứng chờ đò để qua sông, tôi gặp con Tẻo. Nó biết tôisắp đi xạ Nó vẫn đi tắm trâu để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Tôi nắm lấy bàn tay đen hoẻn của nó:
- Mày đừng giận tao nữa nghen. Tao tìm mấy ngày nhưng không bắt được con dế nào. Tao lên thị xã ở, nếu có dế tao sẽ bắt để dành cho mày.
- Anh ngu quá! Thị xã làm gì có dế.
Con Tẻo mắt đỏ hoẹ Tôi biết nó cũng buồn. Lúc này tôi mới thấy dòng sông đầy rác và lềnh bềnh phân trâu cũng dễ thương như con dế tôi còn mắc nợ.
Qua đến bờ bên kia, mẹ đứng rất lâu để nhìn. Hai giọt nước mắt mẹ rơi xuống đầu tôi nóng hổi. Mẹ thở dài:
- Con sông tên Hiền vậy. Nhưng, cuộc sống có hiền lành và lương thiện đâu!
***
Lên thị xã mẹ làm rất nhiều việc để nuôi tôi. Và cái nơi đang đô thị hóa này đã không phụ mẹ dù nhiều lúc mẹ phải rơi nước mắt. Tôi có nhà ở, có ăn có mặc, được đi học. Mặc dù âm vang "... con người sống ở bờ sông không hiền lành và lương thiện... " luôn bám lấy tôi nhưng tôi luôn nhớ về dòng sông ấy, nhớ từng kỷ niệm, từng con người.
Tôi làm thơ đăng báo. Những bài thơ của tôi thường mang nét buồn và thường nhắc đến dòng sông.
Chiều. Như bao chiều khác, tôi đi dạo các sạp báo. Một ánh mắt nhìn tôi nửa quen, nửa lạ. Tôi nhíu mày. Thằng con trai đó thoáng bối rối rồi ồ lên:
- Lê Thụy Nhân! Còn nhớ tao không. Rớt nè!
Trời, thằng Rớt giờ to con như chú Chín (ba Rớt) hồi nào. Tôi kéo Rớt lại quán nước. Rớt vẫn cười luôn miệng:
- Lâu quá phải không mậy, hơn mười năm chứ ít gì. Tao không ngờ có một thằng bạn làm thơ hay như mày. Nè, cho tao hỏi chút. Dòng sông trong thơ mày có phải là sông Hiền không?
Tôi gật đầu. Dòng sông ấy vẫn trồi lên những nét riêng dù là nét buồn da diết. Bây giờ vùng sông Hiền đổi mới nhiều lắm rồi. Hơn mười năm tôi chưa về lại mảnh đất ấy. Rớt tiếp tục hào hứng:
- Ở quê, "nẫu" thích thơ mày lắm. Tờ báo nào có thơ mày là "nẫu" mua sạch. Còn tao, tao thích nhất hai câu: "ừ tôi con dế xưa đi lạc - Giờ thèm cọng rác phía sông quê". Mày viết bài này đề tặng "T" là tặng ai vậy?
- Ờ... ừ... , tao tặng con Tẻo đó. Con Tẻo hồi nhỏ tao đánh nó và mắc nợ nó con dế.
- Thôi đi cha nội. "Nẫu" lớn rồi mà còn kêu Tẻo. Đó là tên ở nhà, còn tên thật là Quỳnh Trâm.
- Quỳnh Trâm! Tên hay quá há! Tao đâu có biết, tao chỉ nhớ tên Tẻo thôi. Còn mày tên thật là gì?
- Tuấn, Phan Gia Tuấn nghiêm chỉnh nghe mậy!
Hai ly nước vơi dần cùng câu chuyện dài ra:
- Quỳnh Trâm hay nhắc mày lắm. Bữa nay nhỏ dễ thương gớm luôn. Mới được giải nhất học sinh thanh lịch của tỉnh đó.
- À, tao có biết. Nhưng tao đâu ngờ là Tẻo.
- Tẻo nữa! Biết tao lên thị xã, Trâm nhắc nếu gặp mày thì gởi lời thăm giùm. À, còn nữa, nếu mày rảnh thì viết thư cho Trâm. Trâm nhắc mày còn nợ nó con dế lâu rồi chưa trả. Chấm hết!
***
Câu chuyện của Tuấn làm tôi trỗi dậy những cảm xúc khó hiểu. Tuấn bây giờ đã thành anh thanh niên khỏe mạnh. Lũ trẻ trong xóm đã lớn. Quê nội tôi đã có trường cấp 3 khang trang. Bà nội vẫn khỏe. Ba tôi đã hết uống rượu và có vợ khác. Tẻo đã thành cô nữ sinh thanh lịch Quỳnh Trâm mà tôi thấy ở ảnh bìa tờ báo tỉnh. Tất cả đã thay đổi.
Suốt buổi tối tôi ngồi không học được gì. Mẹ vẫn cặm cụi với chiếc máy may xành xạch. Trời đêm nay đầy sao dù chỉ mới dứt mưa. Đi qua đi lại để lấy can đảm, tôi nói với mẹ:
- Mai mốt con thi đậu đại học rồi, mẹ cho con về quê nội một bữa nghen.
Mẹ ngừng máy maỵ Mẹ hiểu những gì tôi muốn nói. Rót cho mình ly nước, mẹ nhìn tôi. Khổ đau đời mẹ tụ lại thành những vết chân chim nơi khóe mắt. Tôi bối rối:
- Con xin lỗi nếu làm mẹ buồn. Con sẽ không đòi về quê nội nữa.
- Khi nào con muốn thì cứ về thăm nội với cha. Nhưng mẹ nói trước là mẹ không đi chung với con.
Mẹ thở dài. Một đêm tôi có thể đọc ngấu nghiến hết một quyển tiểu thuyết xã hội đau lòng. Nhưng mười mấy năm rồi tôi không biết giấu tiếng thở dài của mẹ vào đâu.
Trời đêm nay đầy sao. Những vì sao lấp lánh chắc sẽ hiểu mẹ, hiểu tôi. Dù mẹ và tôi có từ chối đi nữa cũng không che được tiềm thức về nơi ấy. Nơi ấy tôi thèm giấc mơ thấy ông Địa, ông Thần Tài thật sự để nội đánh số đề. Nơi ấy cha đã nợ mẹ một mái ấm hạnh phúc. Nơi ấy tôi đã để lại một tuổi thơ. Nơi ấy tôi đã nợ Quỳnh Trâm một con dế. Nơi ấy có một dòng sông đã chảy qua ký ức tôi: Tên con sông rất hiền mà sao cuộc đời cực nhọc vậy.
Alex Chu
Câu chuyện về một chú dế lửa
Ở xóm Cồn Tàu bọn trẻ rất khoái trò chơi đá dế. Mỗi cu cậu ít ra cũng có một hai lon nuôi vài ba con dế. Thời gian gần đây chú dế Lửa của cu Lâm đã đoạt chức vô địch. Tất cả các con dế khác của đám trẻ trong xóm đều lần lượt bị dế Lửa bẻ càng từ hiệp đầu. Nhất dế vô địch vạn cốt tiêu. Dế Lửa đoạt chức vô địch trên xác chết của không biết bao nhiêu chú dế khác. Bởi vì chú dế nào khi bị loại khỏi vòng chiến đều bị chủ ném cho gà chọi xơi. Vậy là cốt tiêu chứ làm gì được cốt khô. Thế rồi một hôm thằng cu Toại bắt được một con dế Than cực lớn. Giọng dế Than reo lên nghe như chuông đồng chùa Bà Hỏa. Vậy là chắc chắn sẽ xẩy ra một cuộc ác chiến một mất một còn giữa dế Than và dế Lửa. Dế Lửa chưa gặp dế Than nhưng nghe chủ nó nói dế Than tuổi còn trẻ nhưng có sức địch muôn người. Nó lấy làm lo. Dù sức vóc nó to lớn nhưng đã có tuổi. Liệu kinh nghiệm trận mạc có giúp gì nó không? Hơn nữa qua một đời đâm chém nó đã ghê tởm mùi máu. Giờ thì nó muốn tạo chút đức cho con cháu. Nhưng không thể được. Khi chủ nó đã ném vào đấu trường thì chỉ có hai con đường : Chiến thắng hoặc bị ném cho gà chọi xơi. Cả hai con đường đó nó đều không muốn giẫm chân lên.
Đêm nay dế Lửa trằn trọc không ngủ được. Có kế sách gì cho vẹn toàn? Làm sao khỏi mang tội giết thêm một mạng người nữa mà mình cũng khỏi bị mạng vong?
Đang trằn trọc, chợt dế Lửa nghe trong bóng tối có tiếng thì thầm: ”Giả bị kiến cắn”.
-Ai đó? Dế Lửa lên tiếng hỏi.
Nó không biết đó là chú thằn lằn có một lần bị tai nạn, khát nước gần chết, đã được nó mang nước đến cho uống và cứu sống. Kể từ lúc biết dế Lửa bị người chơi dế bắt, thằn lằn luôn theo sát để tìm cách cứu.
Lát sau giọng đó lại thì thầm: ”Giả bị kiến cắn”.
Chợt dế Lửa kêu lên: Ta hiểu rồi.
Tức thì dế Lửa nhảy loạn xạ, miệng không ngớt reo “reng reng reng “. Cu Lâm đang ngủ nửa đêm nghe dế kêu thảng thốt, bật người vùng dậy, miệng lẩm bẩm: Chết rồi! Dế Lửa bị kiến cắn. Cu Lâm vội chạy đến lon dế, mắt nhắm mắt mở kéo lớp vải che, xem dế có bị kiến cắn không. Chỉ chờ có thế, dế Lửa búng một cái vào bóng tối.
Đang chui rúc dưới gốc cỏ tìm chỗ ẩn náu, dế Lửa lại nghe tiếng thì thầm lúc nãy:
-Chúc bình yên. Chẳng còn gì đáng sợ nữa đâu.
Dế Lửa ngạc nhiên hỏi:
-Ngươi là ai mà có lòng giúp ta?
Giọng đó trả lời:
– Ta là ai, bạn đừng bận tâm. Bạn chỉ cần nhớ điều nầy:
Ai có lòng quan tâm đến mọi người, thì người đó sẽ được mọi người quan tâm lại.
Sáng hôm sau cu Lâm ra vườn hoa, chợt nghe tiếng dế gáy râm ran. Lấy làm lạ, cậu chưa bao giờ nghe tiếng dế gáy hay như thế.
  Nguyễn Bá Trình. 

 Quay về
Tiếng dế kêu não nuột,
Như tiếng bạn lẻ loi...
Em đi xa nỗi nhớ
Thương thân em mồ côi !

Yêu em da rám nắng,
Yêu cồn cát trắng tinh...
Tháng ngày bên vị mặn
Tôi tưởng bóng nhớ hình !

Con dế xưa quay về,
Tàu nặng nề chuyển bánh..
Nắng chiều dường vụn vỡ,
Ta cùng nhau về quê !!
NM
 

Con dế nơi miền cát trắng 

Dòng sông ngăn không cho cơn mưa trở về với đồng làng quê tôi đang khát nước. Bờ bên kia mưa trắng trời, nước đổ xuống sông ầm ầm. Cơn mưa dừng lại ở chỗ dòng chảy. Để bờ bên này vẫn nắng chang chang. Em vịn vai tôi, nhìn về làng mình:

– Tới đây rồi em nhớ nhà lắm nhưng thiếu con đò để sang ngang.
– Em về quê nắng sẽ theo về, bọn trẻ sẽ mất vui. Lâu lắm rồi mới có một cơn mưa!
Em nhìn theo tay tôi chỉ, bờ phía bên kia có những bé trai đang tắm mưa. Làn da đen bóng. Nếu trời cho bên này một chút mưa, tôi cũng sẽ tắm mưa như bọn trẻ. Sao mưa không cho bên này chút nước, để mạ tôi không phải gánh nước tưới hàng cây mới trồng. Kĩu kịt đôi thùng trên vai, mạ nhìn đứa con trai, ngoảnh mặt đi. Giọng nói của người lại vang lên trong trí nhớ con:
-Quê mình nghèo, đổi sức lấy miếng ăn. Người phụ nữ tật nguyền không thể đứng chân trên mảnh đất này.
Mạ quay đi giấu dòng nước mắt. Cả đời người lận đận thân cò với đôi thùng gánh nước trên vai. Quê tôi cát trải dài qua tầm mắt. Nắng lửa mưa dầu ruộng lúa vẫn xanh. Cát bỏng bàn chân tre vẫn mọc thẳng. Bọn trẻ như những cây măng vẫn lớn lên, vươn cao. Tuổi thơ tôi cũng tròn đầy như bọn trẻ trong làng, với những chiều chăn trâu, chơi trò đá dế. Con dế vùng cát trắng cũng khỏe hơn con dế sống trong đất phì nhiêu. Vì tổ dế luôn bị cát lấp đầy, cả ngày dế phải bới cát xây tổ như mạ tôi luôn phải gánh nước tưới cây. Tôi cũng như con dế có hai cánh tay chắc khỏe. Tôi có thể mang sức trai che chở được cho em. Mạ không cho người yêu tôi vào nhà cũng vì quá thương con. Làm dâu trên mảnh đất này em không quẩy được đôi thùng như mạ. Khoai trồng trên cát phải tưới đến khi nào lá phủ kín mặt đất. Tôi giờ đã có việc làm không thể thành người vô gia cư, nhưng mạ không chấp nhận em. Cùng là phụ nữ, sao mạ không thể thông cảm với em? Dìu em ra khỏi nhà, trái tim tôi trĩu nặng. Mắt em đỏ như vạt nắng chiều rơi. Buồn, em chỉ khóc với người yêu. Trong cái nắng bỏng rát của ngày hè, em là cây phi lao quen với đất cằn pha cát. Bọ tôi đón con ở đầu làng:
-Mạ các con chưa hiểu, hai đứa lên thị trấn thuê nhà ở tạm. Thư thư ít bữa rồi bọ khuyên giải.
Bọ nhìn em:
-Khuyết tật không phải lỗi của con.
Nói với con được ngần nấy câu, bọ lại vội gánh nước chạy đi. Đôi thùng sóng sánh, lấp lánh ánh trời. Những cơn gió Lào vô tình cứ mang đi những hạt nước pha lẫn mồ hôi. Gió như những bánh sắt nghiến trên con đường không gian khét lẹt.
Căn phòng tối rồi mà vẫn nóng như là lò nung. Bức tường tựa chiếc chảo vừa rang ngô. Nóng đổ mồ hôi em vẫn không bật điều hòa: “Bọ mạ ở nhà nóng hơn chúng mình nhiều cũng chỉ có quạt điện thôi.” Em tập tễnh leo lên giường nằm sát tường:
-Anh mở cửa sổ ra đi. Gió trời cũng đủ cho mình giấc ngủ ngon.
-Anh muốn đêm nay chúng mình là của nhau.
Em giấu vào trong dòng nước mắt hay gió Lào làm nó khô ngay khi chưa ra khỏi bờ mi:
-Mình thương nhau nhiều năm rồi! Đợi thêm mấy ngày nữa thôi anh.
Thị trấn về đêm trời đầy sao. Mấy căn nhà trồi lên nhờ nhờ trong bóng tối. Đom đóm lập lòe trong màn đêm đen. Bọ mạ tôi giờ chắc chưa được nghỉ. Vì cây trong vườn vẫn còn đang khát nước. Ngày anh trai tôi cưới vợ, bọ gọi con ra nhắc nhở: “Làm dâu quê mình vất vả nhiều, con phải yêu thương và tôn trọng vợ”. Bọ vỗ vai tôi: “Cả con nữa! Nhớ nhé khi nào lập gia đình riêng bọ không nhắc lại nữa đâu”. Quê tôi cái nắng gắt đến rát mặt bỏng da nhưng người dân vẫn gieo trồng cấy lúa. Thời nào cũng vậy, những người có chút chữ nghĩa là ra khỏi làng. Họ chỉ trở về khi mái đầu đã bạc. Nhiều người gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người. Mạ tôi hiểu hơn con nỗi khổ của người phụ nữ quê nghèo. Nghĩa vụ của người vợ, người mẹ trên đất cằn sỏi đá cũng nặng nề hơn. Họ phải có sức khỏe mới chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt. Nhớ những ngày mùa, tôi học ở trong nhà còn cảm thấy như lò bát quái. Nóng giọt mồ hôi chảy mờ trang sách. Thế mà bọ mạ tôi vẫn ra đồng gặt lúa. Học là con đường duy nhất đưa chúng tôi tới những miền đất xa xôi. Ở nơi đó đất phì nhiêu màu mỡ, cây trồng không phải tưới nước nhiều. Màu xanh che khắp xóm làng. Anh tôi đã theo chị dâu vào Nam sống nhờ bên ngoại. Không phải là người sinh ra trên mảnh đất này, mấy ai chịu được cơn gió Lào khô khốc xát vào mặt, bỏng rát trên từng bó lúa trĩu nặng. Những hạt lúa đó đã nuôi lớn bao nhiêu người có tầm hiểu biết vượt qua cả biên giới. Sáng kiến của họ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho cả quốc gia. Nhưng mảnh đất chôn nhau cắt rốn vẫn nghèo xơ xác. Thuở nhỏ mỗi khi nhìn về dãy Trường Sơn tôi luôn thầm mơ ước: có những chiếc ống dài nối dòng suối trên núi chảy về làng. Từng ống nhỏ tới từng thửa ruộng. Khi cần nước mở nút rơm là nước chảy tràn. Trong mắt của đứa trẻ con, ngọn núi mây phủ là có rất nhiều nước. Mỗi khi trời mưa không phải là nước từ những đám mây đen đó sao? Mơ ước đó đã dẫn tôi đến với em. Chúng tôi gặp nhau trong buổi lễ phát thưởng cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đi thay thằng bạn làm sinh viên tình nguyện giúp những bạn có hoàn cảnh khó khăn lên hội trường tầng sáu. Em vịn cầu thang đi được một vòng thì ngồi xuống bóp chân:
-Em nghỉ ở đây rồi xuống thôi! Anh lên báo cáo ban tổ chức giúp em!
Miệng nói, hai dòng nước mắt em lăn dài trên gò má. Máu anh hùng trong tôi nổi lên:
-Phần thưởng có thể nhận thay! Còn báo cáo về ý tưởng chống hạn cho miền Trung ai sẽ đọc thay em. Để anh cõng em lên.
Không đợi em đồng ý, tôi xốc em lên lưng chạy nhanh lên hội trường. Ít người nhìn thấy bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Điểm chung của chúng tôi là muốn mang nước về tưới cho cánh đồng cát trắng. Biết nhà em cách nhà mình có một con sông, tôi thường lui tới thăm nom. Chúng tôi cùng cảm nhận được trong hương thơm của lúa, trong vị ngọt của từng bát cơm có cả vị mặn của bao giọt mồ hôi. Em hiểu ý mạ tôi nên không trách nửa lời. Em sinh ra là để chịu thiệt thòi, thua thiệt. Cặp mắt buồn thẳm sâu: Hết nhìn cái nắng đang rực rực cháy lại nhìn người yêu. Ánh mắt em không có màu mây hờn giận. Tôi che nắng cho em. “Dù thế nào anh vẫn là nơi nương tựa vững chắc của em!”. Tôi thầm nhủ với lòng mình. Lớn lên trong trại mồ côi em vẫn hiểu cánh đồng làng nắng cháy. Ngày bà ngoại chưa về với cát! Em vẫn được nhận những củ khoai lang do bà gửi tới. Ngày nào em cũng ngóng ra cổng chờ bác bán hàng rong đi qua. Nhìn thấy người phụ nữ mặc áo nâu vá vai là em thấy được làng mình. Bác bán hàng rong, người cùng xóm, mỗi khi về nhà lại mang cho em những món quà của quê nghèo.

Lần đầu chung giường với em tôi không dám đơn phương làm cái việc mà tuổi trẻ khao khát. Yêu và tôn trọng đã lấn át bản năng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Em có phải là phụ nữ hay không?”. Người yêu của những thằng bạn cùng phòng kí túc xá với tôi thường khéo léo mời mọc. Chúng nó đi chơi với bạn gái lúc nào cũng phải thủ sẵn “thiết bị” an toàn. Những lúc cõng em trên vai tôi cảm nhận được hơi thở gấp gấp, trong bộ ngực căng tròn, phập phồng của tuổi trẻ. Em luôn khéo léo giữ giới hạn với người yêu. Hôm nay khi chúng tôi sắp thành vợ chồng em vẫn giữ khoảng cách vừa đủ. Nhìn em nằm úp mặt vào tường tôi thấy thương em rất nhiều. Em đang tự kiềm chế bản thân. Tôi chỉ cần duỗi thẳng cánh tay là kéo em đến được với mình. Khoảng cách mong manh chưa đủ an toàn cho em. Nhưng tình yêu và lòng tự trọng không cho phép tôi. Trời chưa hửng sáng, hàng cây trong thị trấn vẫn một màu đen thẫm. Em vẫn chìm trong giấc ngủ ngon. Không gian yên ắng, thi thoảng tiếng gà gáy xa xa vọng lại. Tôi hòa trong đoàn người tập thể dục buổi sớm. Chợ họp từ khi nào mà người đã đông. Tôi như thấy mạ trong những người quẩy gánh. Bọ tôi trong những người phu khuân vác.
Cửa phòng khép hờ. Đôi dép của mạ để sát bên tường. Tôi trèo ra ban công phía sau nghe hai người nói chuyện. Cửa sổ em đã cài chặt. Chiếc điều hòa xả hơi nóng hầm hập. Tôi không nghe thấy tiếng ai nói. Nhìn ánh mắt là họ hiểu nhau. Hồi lâu mới có tiếng người yêu tôi nấc nhẹ và giọng mạ tôi vỗ về: “Cùng là đàn bà bác thương con nhiều lắm!”. Tiếng cài cửa cũng rất nhẹ. Bóng mạ tôi hòa vào dòng người dưới đường. Cái dáng khòm khòm của mạ như lưỡi dao cứa vào lòng con. Cùng tuổi với mạ người Hà Nội họ trẻ hơn rất nhiều. Cặp mắt em ráo hoảnh, không có một chút buồn hiện lên nét mặt:
-Hôm nay em về thị xã, thăm mẹ và dì ở trại trẻ. Anh về nhà giúp đỡ bọ mạ gặt mùa, ngày mai bão về rồi.
-Anh muốn về trại trẻ cùng em. Anh muốn được cảm ơn những người đã nuôi dưỡng em.
Em cảm động ôm tôi. Em đặt lên môi người yêu nụ hôn nóng bỏng. Lần đầu tiên được em chủ động tôi lại trở thành con dế co mình trong cát. Nó chẳng có phản ứng thể hiện tình yêu thương đang dồn nén trong lòng. Em ôm vai người yêu như là một đứa trẻ thể hiện tình cảm với cha. Từ nhỏ em đã chỉ có tình thương của người mẹ, người dì. Gió Lào xác khô không ngăn nổi dòng nước mắt. Nhưng em cất đi ngay để người yêu chưa kịp nhận ra. Giọng nói cứng cỏi lại về trên đôi môi thắm đỏ:
-Em muốn anh chuyển giúp em chút quà về cho dì ruột em ở làng. Nói với dì là lúc nào em cũng nhớ quê. Chiếc vòng bạc của bà ngoại tới nay em vẫn đeo trên cổ.
Nắng lửa tràn vào phòng. Em tự thu dọn những thứ cần thiết của mình. Cách một con sông mà hai làng khác nhau nhiều quá. Vị muối của biển, vị muối của mồ hôi hòa trộn nhau. Làng em làm muối phụ thuộc vào cái nắng chói chang. Làng tôi mong mưa cho cây khoai sai củ. Làng em mong nắng cho hạt muối kết tinh. Người diêm dân dưới cái nắng cháy trên những cánh đồng muối nơi cồn cát. Họ kiếm miếng ăn cực nhọc biết bao? Ở Hà Nội, ngày nào em cũng nhấm nháp một hạt muối để nhớ về quê nhà. Ngoài vị mặn của biển em cảm nhận được dư vị ngọt ngào của bao sự khó nhọc, lan tận vào tim. Bà ngoại em và dì em làm ra hạt muối trắng có cả vị mặn của mồ hôi. Nhưng tự nhiên, tre già măng vẫn mọc. Mộ bà ngoại em phủ kín màu xanh. Mặc cảm về khuyết tật chưa một lần em về trồng cỏ tưới nước cho bà. Đồi cát còng lưng hứng từng đợt gió Lào thổi rát mặt. Nếu không có cỏ và được người thân chăm sóc thì chẳng mấy, gió sẽ xóa sạch những nấm mồ xây bằng cát.
Thấy con trai về một mình mạ rất vui. Ngày mai bão về nay vẫn phải tưới cây. Để phòng những cơn gió đi trước không làm trơ gốc những cây khoai đang bén rễ. Tôi gánh nước cùng mạ, đôi vai sưng lên rát bỏng. Ở Hà Nội tôi cũng chăm tập thể dục rèn luyện sức khỏe mà không thể thắng được cái nóng của quê nhà. Tôi không còn là con dế của miền cát trắng. Mạ cười giúp con lau những hạt mồ hôi ròng ròng trên trán:
-Kiếm việc gì ngoài Bắc mà làm con ạ! Nhiều bác trong làng đi thoát li nay trở về với cuốn sổ hưu và quyển sổ tiết kiệm rất an nhàn. Bọ mạ không có những quyển sổ đó phải làm tới khi nào đôi chân không bước được.
-Anh con ở Nam, con lại ở Bắc bọ mạ sẽ sống với ai?
Bọ tôi cảm động. Ông buộc lại mái tóc cho vợ. Tóc bạc rồi mà hai người vẫn thương nhau:
-Mình thấy đó, con nó rất lo cho vợ chồng mình. Để nó về quê công tác cũng là một việc tốt. Mấy ông cán bộ huyện cũng đều có sổ hưu cả.
Mạ không nói có nghĩa là người đồng ý. Chưa có năm nào mà quê tôi không phải hứng chịu những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trước kia chỉ có bão, gần đây thêm lũ lụt. Nước lũ trong một giờ có thể xóa sạch thành quả lao động của nhiều đời. Cuộc sống mưu sinh đầy gian lao vất vả mang lại lắm nỗi đắng cay. Nhiều người làng như anh tôi đã bỏ quê đi. Làng giờ chỉ còn mấy chục nóc nhà, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Làng em cũng thế. Thưa dân là một điều kiện tốt để phục hồi lại những diện tích rừng đã bị chặt phá. Nhiều nơi đã làm khi người dân tự chuyển cư về đô thị. Mơ ước của em về những khu rừng giữ cát ngăn lũ thật đẹp. Nhưng có thành hiện thực hay không còn phải đợi tới ngày mai. Hôm nay tôi phải thuyết phục được mạ chấp nhận em. Vật lộn với mưa bão cả tuần. Khi ông mặt trời ló rạng phía biển tôi mới có thời gian trở về thị xã tìm em. Mạ chưa chấp thuận nhưng tôi không thể thiếu em. Xa nhau mới biết thế nào là nhớ. Ba năm rồi ngày nào tôi cũng được thấy nụ cười lạc quan, rạng rỡ của em. Nửa ngày đường tôi tới được thị xã. Trại trẻ cho biết em không trở về. Người mẹ và người dì em thường hay kể họ đã nghỉ hưu lâu rồi. Gọi điện cho em thuê bao không liên lạc được. Mới tối qua em còn nói chuyện rất đằm thắm với người yêu. Em nhớ tôi, nhớ những ngày đầm ấm bên nhau. Ông trưởng phòng tổ chức thông cảm mở tủ tìm địa chỉ. Những số điện thoại trong hồ sơ lưu đều không còn sử dụng. Ông cũng thở dài:
– Từ nhỏ con bé đã rất tự trọng. Đói đến mấy nó cũng không xin đồ ăn của bạn khác. Nó chỉ dùng những thứ thuộc về mình. Cháu về quê xem nó có về đó không?
Trong tuần mưa bão em đã đi đâu? Mạ tôi đã nói gì với em? Yêu em sao tôi không hiểu người mình yêu. Mấy năm qua chỉ có em yêu tôi. Còn tôi với em chỉ là tình thương. Em hiểu nên luôn giữ khoảng cách chăng. Tuần vừa qua những tin nhắn nồng nàn tình cảm phần lớn là của em. Hai chúng tôi cùng yêu mảnh đất này. Về tới đây rồi em không thể chia xa. Bốn năm đằng đẵng vì lý do sức khỏe chưa một lần em được về thăm quê. Làm con, sao tôi không hiểu mạ mình. Vì con mạ sẵn sàng làm tất cả. Bao năm rồi chiếc đòn gánh vẫn nặng trên vai mạ mỗi phiên chợ sớm. Mạ mang hết những thứ thu từ ruộng vườn, có thể bán được ra chợ lấy tiền gửi cho con. Tấm áo bọ bạc màu vì mưa nắng dãi dầu. Hai đứa con học đại học ở hai đầu đất nước, bọ mạ ở nhà oằn lưng gánh nhọc nhằn. Giận mạ nhưng tôi nuốt vào trong dạ. Mạ đã vất vả về con quá nhiều rồi. Những việc mạ làm cũng vì thương con. Tại sao tôi không động viên em về làng. Nơi đó căn nhà của bà ngoại em vẫn còn. Các con của người dì ruột em cũng đã đều ra thành phố. Em có thể ở với dì ít bữa. Tại sao tôi lại để em đi. Suốt ba năm kể từ khi chúng tôi biết mình không thể sống thiếu nhau, chưa khi nào tôi để em đi xa một mình. Qua cơn bão, làng em trở nên tiêu điều. Dì cũng già đi hàng chục tuổi. Dì tâm sự với tôi như tự trách chính mình:
– Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dì phải gửi em vào trại mồ côi. Từ ngày đó đến nay con bé chưa một lần trở lại xóm làng. Nó còn giận dì nhiều lắm. Dì cũng thấy có lỗi với mẹ con bé. Trước khi ra đi, mẹ nó đã gửi lại con nhỏ cho dì. Dì đã không làm tròn trách nhiệm với người quá cố.
Chưa khi nào em nói với tôi về gia đình mình. Em yêu cái nắng chói chang của miền Trung đã nuôi mình khôn lớn. Học xong em sẽ về quê làm việc, mang hiểu biết giúp ích cho xóm làng. Em muốn quê mình bớt nghèo, những người như bà ngoại em bớt khổ. Em yêu vị mặn của những giọt mồ hôi đã đổ xuống trên từng cánh đồng, từng ruộng muối. Tình yêu quê của em đã chảy sang cả tôi, trong những bữa cơm chiều em nấu món ăn quê nhà. Em dẫn con dế đang tìm đến vùng đất phì nhiêu quay trở lại với những cồn cát trắng phau. Món bánh tôm bột lọc em làm cho tôi mời các bạn trong cả khu trọ là niềm tự hào của vùng quê phần nhiều chỉ có sắn khoai. Nay tôi mới hiểu vì nghèo, mẹ em phải dời làng ra đi nhưng cơn bão không cho tới miền đất mới. Chân trời góc biển tôi biết tìm em nơi đâu? Xa nhau tôi mới nhận ra mình yêu em rất nhiều. Tôi yêu làn da rám nắng, mặn mòi, của gió Lào cát trắng. Vắng em tôi không thiết thứ gì. Huyện gọi về làm việc tôi cũng cho qua. Cả ngày đi tìm vết chân em trên cát. Người con gái chân đi cà nhắc, bàn chân nổi bàn chân sâu. Trên cồn cát trắng tinh không còn vết chân nào. Tôi chỉ cảm thấy vui khi được ăn bát canh do em nấu. Ba năm rồi tôi đã quen với sự chăm sóc của em. Mạ tôi động viên:
– Phụ nữ chưa cưới hỏi đã ở cùng phòng với con trai chẳng phải là người ngoan. Con gái khỏe mạnh quê mình có rất nhiều. Con nên kiếm một cô giáo làng sau này có lương hưu lại đảm việc nhà.
Tôi bỏ ra sông. Nắng quay cuồng làm sôi cả mặt nước. Mạ đuổi theo đội cho con chiếc nón lá lên đầu. Thương con nhưng mạ đâu có hiểu lòng con. Tôi không thể giải thích với mạ là em trong sáng. Việc hai năm rõ mười nói mạ cũng chẳng tin. Em đi đâu trên miền đất chỉ có nắng và cát này? Chuyên môn của em tốt nhưng doanh nghiệp nào sẽ nhận em vào làm việc? Ai sẽ chở em đi làm mỗi ngày?
Con dế mất người yêu, nó đi thơ thẩn trên triền sông, nhìn về bờ bên kia, tìm một bóng dáng quen thuộc. Tôi sẽ về Hà Nội sống ở nơi có những kỉ niệm về em. Căn phòng trọ đã có bốn năm mang hơi ấm người tôi yêu.
Những lời thấu lý đẹp tình của bọ và những giọt nước mắt của mạ không ngăn được tôi khoác ba lô dời quê. Bọ chở con ra ga trong nắng hè cháy đỏ. Con tàu thở hồng hộc khi vừa qua một quãng đường dài. Bụi đỏ bám đầy thân tàu. Người con gái chân thấp chân cao vịn vai bạn gái khó nhọc bước xuống sân ga. Nắng, cát và gió Lào đã đưa em trở lại. Con dế đã quay về, bởi chỉ có sống trong cát dế mới có sức khỏe bền lâu.

Tàu nặng nề chuyển bánh để lại một hành khách cùng tấm vé trên tay. Tiếng rít của bánh sắt trên đường ray vỡ vụn nắng chiều
Lê Trung Cường
 

Người hoá dế

Vào đời nhà Lê người ta hay chơi trò chọi dế. Người ta cố tìm những con dế khỏe mạnh khéo chọi và bán giá cao. Mỗi lần có cuộc chọi dế, người đánh cuộc vây vòng trong vòng ngoài, chủ nhân của những con dế thắng trận vừa được những món tiền thưởng lớn lại vừa được đám đông trầm trồ thán phục. Vì thế, từ quan chí dân, ai nấy đua nhau nuôi dế chọi, chính nhà vua lại là người say mê thú chơi này đệ nhất. Có những viên quan chuyên có mỗi một việc nuôi và chăm sóc đàn dế chọi cho nhà vua. Có những viên nội giám chuyên đi lùng dế trong dân. Trong cung thường mở những ngày hội chọi dế, có nhiều quan lớn các trấn về dự các trận đấu. Để luôn luôn có dế tốt, vua ra lệnh cho mỗi tổng ở gần kinh kỳ phải tìm cho được ít nhất là một con dế chọi đem nộp, nếu quả là dế hay thì sẽ miễn trừ sưu thuế, trái lại nếu nộp dế xấu hay không có đế, thì phải tội nặng.
Bấy giờ vùng Kinh-bắc về tổng Đại-mão, có một ông cai tổng nuôi một con dế chọi hay lắm. Tất cả những con dế có tiếng là hay đem đến chọi với dế của ông cũng đều thua chạy. Vì thế ông quý dế mình hơn vàng, hết sức chăm chút để đợi ngày tiến vua. Ông nghĩ bụng: - "Có thể nhờ nó may ra vụ thuế năm nay được tỉnh giảm ít nhiều".
Sắp tới ngày tiến dế, một hôm ông cai tổng đi chợ để sắm sửa hành trang. Ở nhà hôm ấy chỉ có mỗi một mình thằng con ông còn nhỏ giữ nhà. Buồn tình, nó gọi bọn trẻ lối xóm tới chơi. Chơi được một chốc, chúng nó bày trò chọi dế. Tuy biết dế của bố không được phép mó vào, nhưng nay nhân bố mẹ vắng nhà, thằng bé mở lồng bắt con dế quý ra, cho chọi với dế của chúng bạn. Chẳng biết chúng nó bắt lên bắt xuống thế nào mà chỉ được một chốc con dế quý tự nhiên ngắc ngoải, rồi lăn ra chết. Thấy dế chết, thằng bé vô cùng sợ hãi. Nghĩ đến những trận roi sắp tới của người bố nghiêm khắc, nó không còn hồn vía nào nữa. - "Mất con dế tiến, bố ta mà về thì sẽ vặn cổ không tha!". Nghĩ vậy thằng bé vội bỏ nhà cắm cổ ra đi một mạch.
Khi ông cai tổng trở về, như thường lệ, đến ngay chỗ lồng nâng niu con dế tiến. Thấy dế chết, ông gầm lên. Và khi biết thủ phạm là con mình, ông tức tốc sai người đi tìm về toan đánh cho một trận. Nhưng người nhà tìm khắp nơi chẳng thấy thằng bé đâu cả. Ngày một ngay hai không thấy con về, ông đổi giận làm lo. Ông phải viết giấy cho các xã trưởng nhờ tìm tòi, song cũng vô hiệu. Chắc rằng con mình sợ tội, nên đã liều thân hoại thể ở đâu rồi, hai vợ chồng ông hết sức đau xót. Hai vợ chồng bảo nhau: - "Dế đã chết, không biết lấy gì để nạp lên vua, sự thể chắc thế nào cũng sẽ bị tội nặng, mà đứa con độc nhất cũng chẳng còn, thôi thì thiết sống làm gì nữa". Thế rồi, họ định bụng tối đến sẽ ra vườn sau thắt cổ.
Lại nói chuyện đứa bé sau khi bỏ nhà ra đi, cứ nhắm đường rừng bước miết. - "Ta phải đi thật nhanh kẻo bố cho người đuổi theo". Đi mãi đến chiều tối, phần thì mệt và đói, phần thì sợ hãi vì trong rừng sâu không một bóng người, đứa bé nằm vật trên một tảng đá kêu khóc. Bỗng từ sau tảng đá, một đạo sĩ hiện ra hỏi:
- Tại sao con khóc?
Thằng bé mếu máo kể chuyện đầu đuôi cho đạo sĩ nghe, và nói:
- Bây giờ bố cháu không có dế nạp vua, chắc là vua trị tội nặng.
Nghe đoạn, đạo sĩ bảo:
- Con đừng lo, để ta giúp con chuộc tội cho bố mẹ.
Nói rồi, đạo sĩ dắt đứa bé về hang, lấy cơm cho ăn và trải giường cho ngủ. Qua ngày sau, đạo sĩ gọi thằng bé dậy dặn rằng:
- Ta sẽ làm cho con hóa dế, con về giúp bố con có cái để nạp vua. Xong việc, tìm cách trốn về đây ta sẽ hóa phép cho con trở lại nguyên hình. Có muốn thế không?
Thằng bé gật đầu. Đạo sĩ đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên thằng bé cứ nhỏ lại dần, nhỏ dần và cuối cùng hóa thành một con dế. Đạo sĩ khoát tay bảo:
- Hãy can đảm đi đi, rồi nhớ đường về đây.
Dế ta cất cánh nhằm đường cũ bay một mạch trở về. Khi về đến nhà thì vừa lúc hai vợ chồng ông cai tổng ra vườn sau toan buộc dây thắt cổ. Dế sán lại gần gáy lên từng hồi. Nghe tiếng dế rất gần, ông cai tổng lấy làm lạ, vội đốt đuốc ra soi thì dế bay đậu ngay vào lòng bàn tay ông. Thấy con dế có vẻ khỏe, lại quen người, ông cai tổng đổi buồn làm vui "Đây là trời xui đất khiến đưa dế cho mình để thay cho con hôm nọ đây!". Ông quên ngay mọi việc xảy ra và bỏ ý định tự tử, bèn đem dế bỏ vào lồng để mai mang tiến vua cho kịp ngày hội.
Khi dế của ông cai tổng Đại-mão đưa vào cung, vua chưa thấy có con nào bé người mà khỏe đến thế. Vua cho nó đấu thử với các con dế khác, thì không một con nào dám đương đầu. Tất cả những con dế nổi tiếng ở kinh đô đều đại bại. Vua rất đẹp lòng về con dế vô địch, vội xuống chỉ ban cho người tiến dế phẩm hàm và hạ lệnh tha thuế cho tổng Đại-mão trong ba năm để thưởng công phu kiếm được dế tốt. Vua sai đưa con dế quý bỏ vào trong một cái lồng bằng vàng và sai mấy viên quan nội giám hết sức chăm chút. Mấy ngày sau, giữa ngày hội lớn, vua ra lệnh đưa con dế mới ra chọi với dế quan tổng đốc ba trấn miền Nam mới về dự hội. Đấu được ba hiệp, con dế mới đã cặp cho con dế quan tổng đốc gãy càng. Nhà vua chưa lần nào được sảng khoái như thế. Nhưng khi viên nội giám sắp bắt dế bỏ vào lồng thì bỗng dưng dế xòe cánh bay vút lên trời, và chỉ một chốc đã biến mất trước những con mắt ngơ ngác của đám vua quan.
Dế cứ lần theo đường cũ bay trở về hang của đạo sĩ. Trông thấy đạo sĩ, dế đậu ngay vào áo. Đạo sĩ bắt dế vào tay, đọc lên một câu thần chú. Tự nhiên dế lại lớn dần, lớn dần lên, và chỉ trong chớp mắt trở lại biến thành đứa con ông cai tổng. Đạo sĩ vỗ vào vai bảo:
- Thôi con trở về kẻo bố mẹ con mong!
Thằng bé lại tìm đường ra khỏi rừng rồi trở về nhà. Trông thấy con, hai vợ chồng ông cai tổng khôn xiết mừng rỡ[1]
Nguyễn Đổng Chi
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam