Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

NTV 16 - Xóm quýt quê xa-Quýt hồng....


Mảnh tình quê....
Một mảnh đời tôi - Nửa mảnh quê,
Ra đi không hẹn có ngày về....
Vẫn mơ trở lại dòng sông cũ,
Dù môt ngày thôi, rất chân quê....

Ngồi bên bếp lửa, gian nhà nhỏ,
Ngắm khói lam chiều quyện xa bay....
Cánh diều phất phới căng trong gió,
Mục đồng thổi sáo mãi mê say !!!

Giọt nắng còn vương trên ngọn tre,
Gió làm dịu mát buổi chiều hè
Đâu đây có tiếng đàn em nhỏ,
Đuổi bắt , đùa vui sau luỹ tre....

Đầm ấm chiều quê bữa cơm rau,
Dịu dàng thơm ngát mùi hương cau....
Quyện vào hương lúa mùa thu mới ,
Ôi tấm tình quê quá ngọt ngào.....
NM 

     Xóm Quýt , Quê xa…



“Tháng chạp ,quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu , trời ửng hồng sáng trong , nắng mới cũng vừa soi ấm vô vàn chùm quýt loà xòa , đung đưa…Đến giữa tháng , quýt chín đỏ vườn …”
    Đoạn văn trên tôi tả cảnh quê mình khi còn ngồi học lớp 5, mãi đến hôm nay vẫn còn in trong trí…
 




Quê nội , nơi chôn nhau cắt rốn của tôi , vỏn vẹn hơn 20 hộ , nằm rải rác hai bên bờ một nhánh sông nhỏ thuộc dòng nước Hậu giang hiền hoà. Chốn ấy từ bao đời có tiếng vì giống quýt hồng thơm ngọt. Nhờ lẽ đó miền đất được người dân quen gọi bằng cái tên mộc mạc:xóm Quýt , dù đất đã có một tên khác khá thơ mộng: Yên Hạ.     Năm ấy cha tôi làm ăn thua lỗ, cha như người dại ; còn mẹ tôi ngồi đâu dáng cũng thẫn thờ. Cuối mùa nước nổi cha phải bán nhà để trả nợ. Ông nội lụm cụm theo chú Tám từ dưới Cần thơ lên bàn bạc , dẫn dắt gia đình tôi về lại quê hương. Với số tiền ít ỏi còn lại , cha chỉ đủ mua hơn 2 công vườn quýt , cả nhà tôi đành ở tạm trong kho chứa củi của ông.
    Tôi nhớ mãi buổi sáng hôm đó. Trời vừa bửng mắt , chú Tư đầu xóm cùng đứa cháu hè hụi vác đến mấy cây tre to , dài sọc. Chưa kịp lau mồ hôi , chú gọi vọng: “Sáu ơi, tao đem cho mấy cây tre đây …”. Cảm động xiết bao khi thím Bảy ở tận Bà Vèn cũng bơi xuồng đem lại hơn 200 lá chằm. Còn chị Phương qua làm quen tôi bằng mấy bó lạt vừng … Vậy đó, người góp công , người giúp của. Và ngày cha mẹ tôi dựng nhà , chòm xóm thân sơ đến dùm giúpp thật đông. Không chỉ có vậy , nghe theo lời chú út Võ Tòng: “ Làm nghĩa phải cho trót… ’’, liên tiếp nhiều ngày sau , bà con tạm gác việc nhà đến làm cỏ, be bờ ; tận tình chỉ vẽ cách bón phân , chiết nhánh … Sau này , gia đình tôi còn chịu ơn nhiều tấm lòng đáng qúi khác , như thím Tư chia sẻ cặp heo giống , chị hai Liên dạy cho chị tôi nghề dệt chiếu bông …

    Tôi cũng không quên được đêm giao thừa năm ấy. Tiết trời lành lạnh , nhà nhà đỏ lửa , mùi bánh tét , bánh phồng tỏa ngát xóm thôn. Nhờ tiền bán Quýt , sau khi trang trải một phần nợ , mẹ tằn tiện lo được nồi thịt kho rệu , sắm cho chị em tôi mỗi người một bộ áo quần. Chú Chín , bạn thân thiết của cha , sai con mang đến biếu một rổ bánh ít còn bốc khói. Bác Giáo cũng đem qua chè xôi , hai lít rượu nếp cẩm thơm để cúng ông bà. Còn đám trẻ mặt mày ai nấy đều hớn hở, xênh xang với áo màu , dép mới rủ tôi lên đình xem hội… Đã lâu , tôi vẫn như còn thấy sắc mai vàng , quýt đỏ khoe tươi ; đôi má chị ửng hồng , mắt cha mẹ ánh trong và dòng sông nhỏ chảy thầm thì kia cũng ấm…     Lại có những đêm sân nhà ngập ánh trăng , hương hoa quýt thơm lừng. Các người thân hiểu gia đình tôi vừa gặp chuyện không may , nên thường kéo nhau đến ngồi trước sân , đàn ca rôm rả. Già trẻ , gái trai trong xóm cũng xúm xít góp vui. Lẫn tiếng đàn cò, kìm , sáo , nhị là giọng ca mộc mạc , vụng về …vậy mà vẫn có sức quyến rũ lạ …
    Và cũng thật xốn xang , khác với bạn bè trên phố phường , các bạn nơi xóm Quýt như Tí Cộc , 14 tuổi , chưa học xong lớp 4; Nghĩa Đen còn ễnh bụng tuyên bố: “ Làm cỏ mướn có tiền , đi học chẳng có xu nào! ’’. Đổi lại , các bạn ấy nói vanh vách từng loại chim: thằng chài, chích choè, thầy bói…; tháng nào mù u trổ bông , cá lên đồng , xiết nước lúc nào cho quýt chín kịp tết. Ngày trước làm văn , tôi hay ca ngợi thú vui nơi thôn dã , như trẻ thơ được mặc sức đùa giỡn , lặn hụp trên sông ; được thi nhau vớt trái mù u để lấy dầu thắp sáng hoặc nhồi đất sét nặn voi, nắn ngựa…Sống lâu miệt đồng , tôi mới hiểu mọi chuyện không hoàn toàn như vậy. Sau giờ học các bạn ấy còn phải đi giăng câu , vớt bèo nuôi vịt hoặc làm cỏ , tưới cây …nghĩa là phải lem lấm , phải đổ mồ hôi để có thêm cái ăn, cái mặc , gánh vác tiếp mẹ cha mà phần lớn đều đông con, nghèo và ít hiểu biết …
    …Sống nơi quê nội vui buồn như thế mấy năm , cậu Tám sắm được xe , mời cha tôi lên phụ giúp. Gia đình lại dắt díu nhau đi.Đêm trước khi xa quê, tôi lặng lẽ khóc , tuy lòng hé vui vì biết mẹ cha và chị sẽ vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Nhưng không bùi ngùi sao được khi tôi phải xa ông bà nội , mặc dù tuổi cao vẫn hết lòng lo lắng , yêu thương con cháu ; xa bà con xóm Quýt nhèo tiền nhưng giàu chữ nghĩa nhơn. Nhất là phải xa đám bạn bè hôi như cú mà thật thà như đất , xa vuông vườn tuổi thơ bé nhỏ đã cho gia đình tôi không biết bao nhiêu là hoa trái ngọt lành …

- o O o -     Tết này tôi có về xóm Quýt , quê xa. Thăm lại ông bà cùng bao người ơn đã giang tay đùm bọc gia đình tôi suốt một thời khốn khó. Tuy trên gương mặt , nếp nhăn có nhiều theo năm tháng ; nhưng qua ánh mắt tôi hiểu tấm lòng bà con vẫn đôn hậu như xưa. Tôi chỉ buồn , khi nhịp sống nơi thành thị ngày một sôi nổi, đi lên ; những cảnh đời chốn vùng sâu chưa đổi thay mấy. Vẫn nhiều những tol, lá … nóng bức , ẩm thấp với mớ đồ đạc cũ kỹ. Vẫn là thứ ánh sáng qua nhiều trung gian , le lói buồn thiu… Tôi nghe đâu mấy năm trước quýt được mùa, được giá ; nhiều hộ đã sắm được xe gắn máy , tivi…Mấy năm gần đây chén cơm của họ khá bấp bênh , do nguồn nước tưới bị ô nhiễm ; giá thuốc sâu, phân bón vùn vụt tăng cao và sâu “vẽ bùa” kháng thuốc nên chồi lá cứ vàng úa , quăn queo, hoa trổ rồi lại rụng , lũ kiến vàng lũ lượt bỏ đi. Đến khi vào mùa vụ thì quýt hồng không sao cạnh tranh nổi với lê , táo nhập nên giá rẻ như bèo , như cho…
    Tôi cũng dành nhiều thì giờ đi thăm hỏi bạn bè. Gặp lại nhau, ai nấy đều nửa mừng , nửa tủi. Sáu Đèo , Khách , Bích ; con nhà kha khá còn được học. Số đông bạn đành chịu dở dang về lam lũ với ruộng vườn. Thương Tí Cộc , Tâm Hô theo cha chú làm phụ hồ tận Sông Bé , ngày tết vẫn không về được.
    Đêm đó , tôi ngồi bên nội cùng canh lửa cho nồi bánh nếp lá dừa , nghe bà kể chuyện người , chuyện đất … Về giống quýt hồng nhờ ai mà có , về bao nổi gian lao của cha ông thuở mở đất , khai nguồn. Bà cũng phiền trách mấy đứa con của thím Sáu không chịu làm gì , chỉ ham mê rượu chè , đàn đúm , ngày đêm cứ tơ tưởng số tiền đất sẽ được bồi hoàn. Tôi nghe mà lòng chạnh xót xa. Chợt nhớ lại ánh trăng đêm nào cùng lời ca cũ: “ Đất như người mẹ hiền tần tảo , vắt kiệt sức mình nuôi lớn các con …” Và cũng đêm đó tôi mơ thấy những đoàn tàu chở đầy quýt đỏ , những áo màu dự lễ hội kỳ yên , nghe lại giọng hát hò trên cánh đồng lúa mới và tiếng chị tôi reo vui khi đàn kiến trở về ….
    Lẽ ra , tôi không nên viết thêm những câu buồn bã vào cuối mẩu chuyện này. Không hiểu sao có những chiều như hôm nay , lẫn trong những kỉ niệm êm đềm nơi xóm Quýt xưa kia , hình bóng chị Phương thân thiết lại cứ hiện về. Nhớ mà đau , cha chị mất sớm ; rồi vì mẹ vì em , chị bằng lòng lấy chồng người Đài loan cao tuổi và nghe đâu phải lâm cảnh đắng cay, mặn nhạt ở xứ người… Những ngày nơi xóm Quýt , chiều nào chị cũng sang nhà rủ tôi đi quét lá quýt khô để dành nhóm bếp. Có lẽ chiều nay chị âm thầm ngồi đâu đó một mình , nhớ mẹ nhớ quê , nhớ cả khói lên trời …

Bùi Thụy Đào Nguyên  



Vườn quýt hồng trên núi Cấm 

Lên núi Cấm vãng cảnh hầu như người nào cũng ghé ngang nhà ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang), thưởng thức hương vị ngọt ngào của quả quýt hồng nổi tiếng.
Đến đây, ngắm hàng trăm cây quýt ra trái oằn sai, làm cho du khách mê đắm vào không gian tươi mát của núi rừng. Khách còn được tự tay hái những quả chín để thưởng thức tại vườn. Quả là một thú du sơn trong dịp xuân về đầy hấp dẫn.
Vượt lên sỏi đá !
Theo lời ông Tùng (chủ vườn quýt), những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, nhà ông nằm dưới chân núi Cấm lánh nạn. Sang năm 1979, khi cuộc chiến vừa ngơi tiếng súng ông đã cùng vợ con lên đỉnh núi ở để giữ đất ông bà để lại. Hàng ngày ông tự cõng cây, cõng gạo lên đây tạo lập cơ nghiệp.
Thoạt đầu, cả mấy ha đất ông chỉ trồng được một vài loại cây tạp nhạp giá trị kinh tế thấp nhưng chịu được hạn của vùng núi sỏi như xoài, mít, chuối. Những năm ấy, 6 tháng mùa nắng vấn nạn thiếu nước sinh hoạt cho sơn dân vùng núi Cấm trở nên cấp bách, gay go; nước tưới tiêu lại càng khan hiếm nên các loại cây trồng đều cho năng suất thấp.
Vài năm sau khi cây su hào thích nghi được với đất núi thì phong trào trồng su nở rộ. Lúc đó ông cũng tham gia trồng và kiếm được kha khá đồng lời nuôi cả nhà. Ít năm sau do có quá nhiều người trồng được nên su hào rớt giá thê thảm và nó đã không còn là cây trồng chủ lực trên ngọn núi này. Nhu cầu chuyển dịch cây trồng đáp ứng yêu cầu “ba trong một” - vừa sống được trên đất sỏi, đạt năng suất và có giá trị kinh tế cao lại đặt ra gay gắt.
Trước thách thức của thực tiễn cuộc sống khiến ông Ba Tùng phải nhiều đêm thức trắng, suy tư. Rồi một dịp tình cờ đã giúp ông đổi đời. Trong lúc ông Tùng đang lo lắng về tương lai gia đình và khi ông đi thơ thẩn bên vách đá chợt thấy 5 cây quýt tự mọc sau hè nhà nơi mà vợ ông rải hạt quýt đã ăn. Nhìn thấy trái quýt đầu mùa, ông bóc ăn thử thấy ngọt không kém quýt hồng Lai Vung. Mừng quá, từ đó ông quyết định phải nhân giống loại cây này để “cứu” kinh tế gia đình đang đi xuống.
Để thực hiện quyết tâm làm giàu từ cây quýt, gia đình ông Tùng với 7 nhân khẩu đã bỏ gần chục năm dài cải tạo đất và làm thủy lợi vùng cao. Nhớ lại hành trình chinh phục sỏi đá tìm nguồn nước cho nửa năm mùa nắng. Sống trong cái khó buộc phải ló cái khôn, sơn dân vùng núi Cấm ngày đó miệt mài tìm cách khai thác những khe suối để có nước sinh hoạt. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện khoan giếng để trữ nước tưới tiêu. Song, do đặc thù vùng núi nên nước ngầm nơi có, nơi không.
Những con suối, con lạch chỉ đáp ứng được nước cho những hộ có nhà nằm thấp hơn nó. Còn những căn nhà nằm cao ngất trời trên đỉnh núi nhà ông thì gần như… bó gối. Tuy nhiên, với ý chí bền gan vượt khó ông Tùng chẳng chịu đầu thua.
Cha con ông Tùng bắt tay vào việc đào giếng trữ nước. Để hiện thực hóa mô hình trồng quýt hồng trên núi đá, hai người con trai lực lưỡng cùng ông Tùng lao vào làm việc cật lực. Công trình đào giếng trữ nước mất hàng năm dài, khó khăn đến nỗi nhiều lần các con ông sắp bỏ cuộc, ông lại động viên các con cố gắng vượt qua. Thế rồi, sau bao năm dài đào núi, phá đá xây hồ, những bàn tay lao động cần mẫn của cha con ông Tùng cũng trở nên chai sạm. Đổi lại, công trình hồ treo chứa hàng chục mét khối nước nằm cao hơn 700m so mực nước biển của gia đình ông đã hoàn thành.
Vườn quýt hồng độc đáo nhất miền Tây
Ban đầu, ngoài việc chiết cành nhân giống từ 5 cây quýt sẵn có bên hông nhà, ông Tùng còn lặn lội xuống tận Vĩnh Long, Lai vung (Đồng Tháp) tìm mua quýt tiều (hay còn gọi là quýt hồng Lai Vung) về trồng thử.
Do chưa biết rõ về giống cây nào nên ông chỉ dám mua 10 gốc giống loại chiết nhánh. Trồng được vài năm thì quýt cho trái đầu mùa. Vài mùa sau, cả quýt ươm hạt và chiết cành bắt đầu cho trái oằn sai. Nhìn vườn quýt trải rộng một màu vàng, ông Tùng mừng như… bắt được vàng. Chỉ 150 gốc quýt thu hoạch vụ đầu ông Tùng đã “ẵm” trên 60 triệu đồng tiền lời.
Kết quả bước đầu như tiếp thêm sức lực, ông vận động cả gia đình ra sức bó cành nhân giống và đến nay ông đã sở hữu trên 1.500 gốc quýt hồng vị ngọt lịm không thua gì loại quýt trồng ở Lai Vung. Ngoài việc bán quýt trái, giờ đây ông Tùng còn nhân giống loại cây này để bán cho hàng trăm nông dân ở vùng Thất Sơn đến mua.
Chỉ tính riêng việc bán cây giống ông đã thu về vài chục triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ 500 gốc quýt cho trái cũng đã cho ông trăm triệu đồng mỗi năm. Tới đây, khi cả ngàn gốc quýt trong vườn ông đều được thu hoạch là ông Tùng có thể trở thành “tỷ phú nhà vườn”. Ông Tùng tâm sự: “Tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho bà con trồng, nhưng thú thật là trồng quýt trên đất núi không đơn giản chút nào. Dày công lắm mới có thể có kết quả tốt, còn lơ tơ mơ thì… thua”. Trên núi Cấm hiện cũng có vài hộ tham gia trồng quýt hồng nhưng chưa có ai trồng quýt cho năng suất cao, ngọt như ông Ba Tùng.
Nhắc đến vườn quýt độc đáo của ông, anh Chau Kanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo - khoe: "Đó là vườn quýt tuyệt chiêu, chưa ai có thể sánh bằng. Chúng tôi đang nghiên cứu để nhờ ông Ba hợp tác chuyển giao kỹ thuật trồng cho nhiều nông dân. Xã sẽ lên đề án phát triển kinh tế vùng Thất Sơn từ cây quýt. Chúng tôi còn tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho trái quýt hồng núi Cấm".
Nếu nhân rộng được mô hình này, tương lai không xa người dân Bảy Núi sẽ đổi đời. Khi đó, khách phương xa không chỉ biết đến núi Cấm là ngọn núi cao nhất miền Tây, mà ở đó còn có những vườn quýt trĩu cành nổi tiếng thơm ngon và xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ một nông dân với hai bàn tay trắng, với quyết tâm đổi đời, ông Tùng đang trở thành tỷ phú vùng cao nhờ “chung thủy” với cây quýt hồng nổi tiếng nhiều thập niên qua. Với ý chí bền gan cùng sỏi đá, chắc chắn cha con ông Ba Tùng sẽ làm nên điều kỳ diệu trên đỉnh Cấm Sơn này.
Sưu tầm  
 

Nem Lai Vung - Quýt Hồng  

Quýt hồng Lai Vung

          
            Lai Vung ơi, một lần về để nhớ!
           Hương phù sa châu thổ quê mình
Mùa nước bạc hạt phù sa đọng lại
      Cho quýt hồng giữ mãi hương thơm… 
   
Không biết tự bao giờ cây quýt hồng đã bám rễ ăn sâu vào lòng đất bên bờ con sông Hậu hiền hòa! Cũng không ai nhớ rõ người đầu tiên nhân giống cây quý cho vùng đất này! Chỉ biết, bao thế hệ con người nơi đây từ khi chào đời đã chạm mắt với màu vàng hực của mùa trái chín.
Ai đó có dịp về Lai Vung vào những ngày cuối xuân, đầu hạ sẽ bắt gặp một màu trắng và hương thơm ngào ngạt của mùa quýt trỗ hoa. Hàng triệu gốc quýt trên vuông đất hơn 1 ngàn ha chạy dọc bên bờ sông Hậu thuộc 3 xã: Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành đồng loạt đơm bông. Những chùm hoa lặng lẽ ấy được dưỡng nuôi bằng vị ngọt phù sa từ những ngày tháng ba, tháng tư để rồi 10 tháng sau đó cho những cành quýt đong đưa trĩu quả.  
Dường như ở miệt châu thổ này không có loài cây nào sai trái bằng quýt hồng. Cứ đến độ chớm đông là nhà vườn chuẩn bị những cây nạn để chõi cành. Những liếp vườn lúc này trông như những giàn giáo của một công trình xây dựng. Người xưa đã truyền lại kinh nghiệm trồng quýt hồng bằng mấy câu ca dao:
Quýt tơ để trái trên cành
Quýt già phải đở bằng nhành cây khô
Muốn cho tốt trái đấp mô
Vun gốc đất sét ruộng khô quê mình
 

Người làm vườn nơi đây ví cây quýt hồng như một cô gái đẹp và thích được cưng chìu. Lên liếp, lập vườn trồng quýt hồng tốn công sức, tiền của nhiều hơn trồng các loài cây khác. Đất bên trên của liếp vườn phải lấy từ lớp đất mặt trên ruộng ở chính vùng này thì mới trồng được. Mỗi năm phải vun gốc một lần cũng bằng loại đất ấy được phơi thật khô. Suốt quá trình dưỡng nuôi, chăm sóc từ lúc ra hoa, kết trái đến khi thu hoạch mất 10 tháng ròng. Nhà vườn đã đổ biết bao công sức và mồ hôi từ tưới nước, bón phân, làm cỏ, vun gốc… mới có được mùa vàng!   
Cuộc hành trình của cây quýt hồng ngót gần 100 năm đã trải qua nhiều thăng trầm, lắm lúc nhà vườn nơi đây tưởng chừng không giữ được loài cây quý này! Hồi trước, khi chưa có đường xá, đê bcũng khó có thể vượt qua khỏi cỗng làng! Những năm thời tiết, khí hậu thay đổi, mấy đợt dịch bệnh vàng lá trên cây có múi cũng làm cho vườn quýt hồng Lai Vung thêm mấy bận lao đao. Trải qua mấy cuộc bể bể dâu nhưng cây quýt hồng không phụ tình đất, tình người Lai Vung mà biết gượng dậy và luôn giữ được nét thanh xuân của mình.  ao thì mỗi mùa lũ lụt đi qua, nhất là những năm lũ lớn làng xóm, ruộng vườn chìm trong biển nước. Có một chặng dài bị ngăn sông, cấm chợ, nên trái quýt hồng dẫu có đẹp, có ngọt thơm nhưng
Trong ký ức của những nhà vườn trồng quýt hồng chắc không quên hình ảnh mỗi mùa quýt phải phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 đến 25 lần để không có sâu bệnh và cho trái sáng đẹp. Giờ đây, nhà vườn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nên giảm được số lần phun thuốc vừa đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cho cả người tiêu dùng. Chứng tỏ sự thay đổi đáng kể trong cách thực hành sản xuất trái cây sạch, được người trồng quýt áp dụng triệt để. Đặc biệt ở Lai Vung, các nhà vườn còn liên kết với nhau trong qui trình sản xuất từ đầu đến cuối vụ. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung.
Trái quýt hồng được củng cố vị thế, tiếng tăm vang xa hơn và đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ Hội thi trái ngon trong khu vực. Không chỉ thế, vườn quýt hồng trĩu quả còn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ, nhà thơ… Mới biết, loài trái thơm thảo này đã đi vào lòng người một cách lặng lẽ trong cuộc hành trình đầy sóng gió của mình!   
Mỗi độ xuân về, quýt hồng trĩu quả, chín mọng, đất Lai Vung lại thêm phần nhộn nhịp khách phương xa muốn tìm được cảm giác thú vị đi trong vườn quýt hồng thơ mộng, nhìn trái vàng óng ả. Đến đây, khách tham quan vô cùng thích thú khi được tận tay bẻ những chùm trái sai oằn… Quýt hồng có vị ngọt thanh pha một chút vị chua dịu; đặc biệt là mùi thơm của vỏ quýt khó có thể lẫn với loại trái có múi khác. Và, biết đâu cây quýt hồng đã làm chứng nhân cho biết bao mối tình nên thơ của những mùa xuân đã đi qua trên đất này!                
Đã trở thành thông lệ, cứ đến thời điểm cận Tết là lúc bận rộn nhất của nhà vườn trong mùa thu hoạch chính vụ. Rằm tháng Chạp thì tuyển lựa quýt chín đầu mùa, đóng vào thùng để chuyển xuống tàu hoặc lên xe để đưa ra miền Trung, miền Bắc. Đến khoảng đưa Ông Táo về trời thì đến lúc thu hoạch đông ken để kịp bán cho các chợ trong vùng hoặc chuyển lên Sài Gòn hay đưa vào các siêu thị. Công việc của nhà vườn tất bật lắm! Người hái, kẻ cân, rồi phân loại trái thật nhanh tay… Lẫn khuất trong từng giọt mồ hôi là nụ cười rạng rỡ như quên đi bao nỗi nhọc nhằn và như thấy mùa xuân đang về trước ngõ!
Quýt hồng Lai Vung, từ lâu đã được nhiều nơi biết đến bởi màu sắc và chất lượng không đâu sánh bằng. Và đặc biệt vào những ngày Tết, mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu trái quýt có màu sắc vàng óng, thể hiện lộc xuân đến với muôn nhà! Lai Vung mùa này bừng sáng hẳn lên không chỉ bởi nắng xuân mà còn rợp một màu vàng óng ả từ những chùm quýt hồng trĩu quả. Và cứ như thế, mỗi mùa xuân sang lại réo gọi bước chân của biết bao lữ khách tìm về để mà mến, mà yêu !  
Lai Vung ơi cho tôi về lần nữa
Thăm lại vườn xưa hoa nở trưa hè
Mùa xuân đến cho môi em chúm chím
Trái chín đầu mùa ngọt lịm hồn quê!
 

Sưu tầm


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

NTV 15 - Hoa Thiên Lý

Giàn Thiên Lý Đã Xa - Ái Vân

Màu Hoa Thiên Lý

  (Cám ơn Tố Lang đã cho bài thơ về Hoa Thiên Lý một diện mạo dễ thương !)

Nhớ giàn Thiên Lý năm xưa !...
 Sống cuộc sống tha hương,
 Chưa một lần tôi quay lại.....
 Thăm quê hương và thăm cả dấu yêu xưa !
 Nhớ biết bao hàng luỹ tre già,
 Giàn thiên lý ngát hương ,
 Suốt hai mùa mưa nắng ......

 Thương biết bao nhiêu,
 Buổi trưa hè thanh vắng !
 Dưới giàn hoa thơm mát,
 Tiếng võng buồn , mẹ cất tiếng ru con !
 Những tối mùa thu trăng sáng, trăng tròn.....
 Cùng lũ bạn đùa vui , 
 Vang tiếng cười rộn rả.....
 Hoa thiên lý ơi,
 Thương sao mà thương lạ !!!
 Gió mùa xuân đưa hương ngát thoảng bay xa....
 Chùm hoa xinh lay động buổi chiều tà.,
 Và ấm áp quá ....
 Trong mùa đông gió lạnh .
 Cùng quay quần thưởng thức món canh hoa !!!

 Ơi ! Sao nhớ thương nhiều...
 Giàn Thiên Lý đã xa ,
 Có biết được ngày nao quay trở lại ?
 Để tâm ta thôi không còn lưu luyến mãi....
 Chuỗi ngày thơ - Giàn Thiên Lý năm nào,
 Lời ru buồn của bài hát ca dao.....
 Ghi nhớ mãi .....tâm hồn người xa xứ !!!!
   

NM 

                                                   

Hoa Thiên Lý

 Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con. Chả biết mầu xanh dìu dịu của lá và hương thơm nhẹ nhàng của hoa thiết tha là bao mà mẹ tôi âu yếm nó thế.
    Thường thường mẹ tôi trồng từng khóm. Mẹ bắc khum khum một cái giàn. Chiều chiều mẹ xách nước tưới vào gốc cho cây chóng lớn. Khi lá theo cành lên kín đầy giàn và khi loài ve sầu rủ rê mùa hạ sang thì họ hàng nhà bọ ngựa đã tha thẩn cả ngày leo bò lên giàn hoa lý xanh tươi.
    Đối với tôi hồi còn bé có lẽ cây ổi trĩu nặng quả chín còn thú vị hơn giàn hoa thiên lý của mẹ. Nhưng mỗi lần theo mẹ mang rỗ ra vườn hái từng chùm hoa về nấu canh với cua đồng, tôi thấy lòng tôi hớn hở và cả lòng mẹ cũng tươi nở dưới giàn hoa.
    - Hoa thiên lý nấu với cua đồng ngon lắm cơ con ạ !
    - Mùi nó làm sao ấy mẹ ạ ! Con ghét giàn hoa của mẹ ghê đi ấy, cây gì lại cây chẳng có quả. Mai con chặt nó đi mẹ nhé !
    - Hư nào, tại con chưa biết ăn thì bảo nó làm sao à? Hôm nay con thử ăn mà xem, ngọt ngọt là.
    - Ngọt như kẹo dồi chó không hở mẹ?
    Mẹ tôi cười đăm đăm nhìn tôi. Tia mắt hiền hòa ấy như tiếng ru muôn đời có bao giờ định nghĩa được, nên ngày nay dù tôi không nhớ hết kỷ niệm huy hoàng của thời thơ ấu thì tôi vẫn tự nhủ rằng tất cả đã nằm trong bài hát ru con mà mẹ tôi đã ru tôi trên đôi tay gầy nho nhỏ và đã in vào ánh mắt mà mẹ tôi ban cho tôi thuở thiếu thời, đã lắng trong tâm hồn tôi.
    - Mẹ yêu hoa thiên lý như yêu các con, hễ Long ghét giàn hoa của mẹ thì mẹ giận đấy.
    - Ứ ừ ! Thế con cũng yêu hoa lý.
    Tôi vội vàng nói thế, kẻo mẹ tôi giận. Mẹ tôi chỉ cười. Và từ hôm ấy, mỗi buổi tra mẹ hay dắt tôi ra hóng gió ở dưới giàn hoa. Mẹ mang chiếu ra trải. Mẹ ngồi nghĩ ngợi xa xôi. Tôi ngồi gối đầu vào lòng mẹ mơ màng nghe tiếng sáo diều vi vu, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng ru buồn thấm thía hay tiếng chim cu gáy xa xa vọng lại. Đôi khi mẹ kể chuyện gì mà tôi không hiểu được, nhưng chắc lòng mẹ rộn ràng lắm vì cứ thấy mẹ mỉm cuời bâng quơ. Tôi thường ngủ thiếp đi trong hơi thở êm đềm ấy.
    Dần đần tôi thích trồng hoa. Tôi bắt mẹ bắc cho tôi một cái giàn. Mẹ bảo đến mùa hạ sang năm giàn hoa của tôi đẹp lắm, bốn mùa trắng xóa ánh trăng lan. Nhưng tôi không đợi được đến mùa hạ. Khi khóm cây bắt đầu leo, cha tôi ở Hà-Nội về đem gia-đình lên Vĩnh-Yên mở đồn điền. Tôi rời quê ngoại chưa biết tương tư tiếng sáo diều mà chỉ nhớ mang mang giàn hoa thiên lý mới trồng.
    Rồi tôi lớn lên giữa cảnh bao la hùng vĩ của đồi núi. Những buổi chiều theo cha cỡi ngựa đi hứng gió không làm cho tôi sung sướng bằng nằm trên bờ cỏ nghe tiếng suối reo. Tôi ghét cái bộ mặt của mấy bác cai, tôi ghét tiếng hò hét khi cái bác mắng mỏ người làm. Tôi cũng ghét cả nét mặt lạnh lùng ghê-sợ của cha tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao ngày bé nhỏ tôi ham thích những cái gì mềm mại, dễ thương im lặng như giọt mồ hôi chảy đều trên lưng người thợ hay hơi thở đều đều của mẹ tôi. Tâm hồn tôi giản dị nên tôi không ưa gì lũ cây sù sì mọc đầy nơi rừng rậm hoang vu này. Tòi vẫn thích giàn hoa thiên lý ở quê ngoại.
    Lên đây ít lâu mẹ tôi đã tốn nhiều công phu mà chưa ươm được khóm nào. Tại hoa lý chẳng hợp đất rừng hay đất rừng không chịu dung nạp loại cây ỉ lại sức người? Mỗi lần có người xuôi đồng bằng, mẹ tôi cố dặn thử mang một cây giống lên xem sao, cha tôi đều gạt đi:
    - Giồng làm cái quái gì của nợ ấy !
    - Cậu thì chẳng khi nào muốn giữ kỷ niệm êm đềm của đời mình.
    Mỗi lần thế, mẹ tôi buồn lắm. Có khi mẹ khóc và bỏ ăn hai ba bữa. Mới lên mười tuổi, tôi đã làm sao thấu rõ tâm sự của mẹ, làm sao tìm hiểu nổi niềm ấp ủ hoa thiên lý của mẹ tôi. Nhưng dù sao mẹ cũng cố vun trồng và mẹ đã mãn nguyện. Mấy giàn hoa xanh mơn mởn đẹp kiêu hãnh như nàng công chúa đứng trước đám thần dân. Những mùa hạ đi, những mùa hạ lại, ở rừng không có cua đồng nên hoa thiên lý phải nấu với thịt lợn rừng giã nhỏ. Nó vẫn ngon làm sao, mẹ tôi nói thế. Và người còn bảo:
    - Còn hương vị quê hương con ạ !
    Trưa hè miền này vắng tiếng sáo diều, tiếng ru buồn thấm thía. Mẹ tôi không đem chiếu trải dưới giàn hoa ngồi kể chuyện cho tôi ngủ thiếp đi nữa. Cuộc sống đồi núi nối tiếp từng trang dài tẻ nhạt. Mưa rừng giăng mờ muôn ngả chỉ làm cho tôi hậm hực trên nhà sàn. Và mỗi chiều nắng rớt rơi đọng trên cây lá thay mầu cảnh vật cũng chẳng làm tôi say mê. Tôi đã biết cảm thế nảo là tình quê hương.
    Ít lâu sau công việc làm ăn thất bại, nắng dữ dội quá nên cà-phê, chè chết khô chết héo, cha tôi phải nhường quyền cho người khác trông coi rồi đem gia đình về Hà-Nội.
    Tự đấy, cha tôi thay đổi tâm tính, thường kiếm cớ mắng mẹ tôi tuy mẹ tôi rất mực hiền hòa. Nhiều lần cha đi chơi mấy ngày mới về, mẹ tôi chỉ khóc âm thầm và để quên chuỗi thời gian mong đợi cha tôi hối hận, mẹ tìm vui bằng cách trồng thiên lý cho nó leo lên tường. Nhưng có một đêm nọ mẹ khóc nức nở, sáng hôm sau sưng cả mắt. Cha tôi đã bỏ vợ con bơ vơ đi theo tiếng gọi sông hồ. Cảnh chim vỗ cánh tung bay biết khi nào mới trở về tổ cũ. Mẹ tôi chợt nghĩ tới chân trời quê hương im lặng như giòng sông Trà-Lý cuối mùa thu, người đưa hai anh em tôi về nối lại tháng ngày êm ái cũ.
    Tôi được sống với họ hàng bên ngoại nhởn nhơ cả ngày thả diều, câu cá. Mẹ tôi dạy anh em tôi học. Tôi lớn dần trong sự chiều chuộng, trong sự bình thản mơ màng của mẹ tôi. Tâm hồn tôi đã ướp chung vời hoa bưởi, hoa nhài, hoa lý. Tôi chỉ muốn đời đời sống trên mảnh đất làng quê bên cạnh những cuộc đời giản dị biết thương yêu nhau thành thực như tình khoai lúa. Mộng ước chỉ cỏ thế nhưng sao dệt mãi chưa thành hay mình cứ dối lòng mình mà đuổi theo sóng gió của đại trùng dương?
    Mẹ tôi bây giờ hay thở dài. Chiều chiều mẹ đứng bâng khuâng bên giàn hoa thiên lý ngoài ngõ lơ đãng nhìn mây trôi. Lúc ấy là lúc mẹ lôi cảm nghĩ đến kỷ niệm thiêng liêng nhứt của đời mình.
    Cuộc sống của chúng tôi bắt đầu chật vật. Cha tôi vẫn chưa về. Mẹ tôi tính từng ngày một, cha tôi đã đi tròn năm rưỡì. Hoa bưởi rụng cuối vườn rồi héo khô tàn tạ, người nghèo hết cả thì giờ nghĩ vẩn vơ nên mẹ tôi không nhặt hoa xâu vào giây đeo lên cổ cho tôi nữa. Tôi cũng biết theo mẹ ra đồng nhặt từng bông lúa còn sót khi lưỡi liềm mẹ nhẹ ngon ngốn từng nắm lúa ruộng nhà. Không ai thèm than thở. Tình đời luôn luôn thắm nở thì lòng mình sao chẳng cởi mở cho hy vọng tràn đầy. Mẹ tôi vất vả tháng ngày song vẫn dành riêng chút ít thì giờ quý báu dậy em tôi đánh vần dưới giàn thiên lý buổi trưa, và bắt tôi học thuộc lòng những bài thơ nho nhỏ. Sau mỗi buổi học tôi bay hỏi:
    - Cha con đi đâu hở mẹ?
    - Đi xa lắm, xa lắm.
    Mẹ tôi trả lời thế và cặp mắt mọng đầy nước cho đến khi không thể cầm được, mẹ ôm em tôi mà khóc. Tôi thương mẹ tôi quá cũng vội òa lên khóc nức nở làm mẹ phải an ủi:
    - Sang năm ba con về. Nín đi, mai hãy khóc, khóc nhiều hôm nay đau mắt đấy.
    Quê ngoại nhà tôi nghèo nàn lắm nên dù sống với bà tôi, mẹ tôi đã phải trải qua tháng ngày dầm sương dãi nắng. Anh em tôi thiếu thốn đủ bề.
    Hoa thiên lý trĩu nặng cả giàn bây giờ mẹ đành lòng hái xuống đem đổi lấy cua về nấu canh hay bán lấy vài hào chỉ mua cho con cái bánh đa hoặc mấy viên kẹo vừng. Một buổì sáng tôi trông thấy mẹ tôi trèo lên cây sung ở bờ ao trước ngõ hái mấy chùm xanh chát xuống lấy muối chấm ăn ngon lành lắm. Đến trưa mẹ ôm bụng kêu đau. Bà ngoại tôi phải xin dầu con hổ và nướng ông đầu rau chườm mãi mới khỏi. Mẹ tôi cố dấu kín chuyện ấy. Sau này tôi khôn lớn, gia đình khá giả, mẹ mới chỉ riêng cho tôi nghe:
    - Vì mẹ đói quả, mẹ tưởng ăn sung cầm chừng ai ngờ nó hành hạ ghê gớm. Từ bận ấy mẹ sợ.
    Kỷ niệm chua chát ấy tôi còn ghi nhớ. Đôi khi vọng về dĩ vãng tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm. Hai năm sau cha tôi hồi hương, cánh chim đã mỏi thì phải về tổ cũ mà xây dựng lại những gì mất mát hôm qua. Vợ chồng gặp nhau, mẹ tôi vẫn khóc như ngày cha tôi bỏ nhà ra đi. Sung sướng hay đau khổ người đàn bà chỉ biết dùng nước mắt để giải tỏ nỗi niềm. Cha tôi về đem theo bệnh đau mắt khá nặng và một con dao rừng. Ngày đêm, mẹ chăm lo bệnh cho cha tôi. Nhờ sự săn sóc ấy vài tháng sau cha tôi khỏi. Tự đấy cha tôi không đi đâu nữa. Cha thường kể cho tôi nghe chuyện đường rừng. Hễ có dịp thuận tiện cha lại đem con dao ra khoe:
    - Tốt lắm, của người bạn Thổ tặng cha đấy.
    Con dao quý ấy đã tự cha tôi đào lỗ trồng mấy khóm cây. Có lần tôi chấy cha mẹ tôi nói chuyện với nhau rất lâu dưới giàn thiên lý xa xưa. Những chùm hoa nấu với cua đồng lại ngọt ngon hơn cả bao giờ.
    Giòng thời gian lặng lẽ trôi nhưng cuộc đời không êm ả chảy xuôi như nước sông Trà-Lý cuối mùa thu nữa. Tôi đã lớn hơn xưa đã phải chứng kiến những trận giông tố, những cơn sóng lớn phũ phàng trùm lên mái nhà êm ấm. Gia đình tôi trở về quê nội để rớt rơi bên ngoại từng miếng nắng cô liêu của những chiều xưa thân mến. Mẹ tôi lại bắc giàn trồng hoa thiên lý ngồi kề chuyện quê hương cho anh em chúng tôi nghe. Em tôi thường ngủ đi như thuở nào tôi ngủ nhờ hơi thở đềm êm ấy. Đắm chìm trong niềm im lặng muôn đời của thôn ổ, tiếng mẹ tôi tha thiết rót vào tai tôi thay vi tiếng ru êm ái ngày xưa làm cho lòng tôi càng ngày rộng mở, mắt tôi càng ngày càng thắm sắc mộng mơ. Tâm hồn tôi dào dạt tình cảm, cái gì cũng gợi tôi say đắm, từ chiếc áo nâu thô lổ đến mảnh áo nâu ố mầu bùn, từ cái cầu ao chênh vênh đến túp lều tranh xơ xác. Tôi bắt đầu suy cảm về số phận loài lá vàng chết rụng mỗi thu về và những con cuốc kêu rỉ rả suốt mấy tháng hè nóng bức. Và hôm nay nếu ai có tò mò hỏi rằng tại sao tôi cố níu tiếng đàn bầu, cố níu tiếng kèn đưa đám ma, cố níu tấm áo nâu non giải thắt lưng xanh, cố níu tất cả hình ảnh cũ kỹ đã bị chôn vùi xuống lòng đất quê hương mà hối tiếc, tôi sẽ trả lời sao đây?
    Sợi dây luyên ái như tơ trời giăng mắc nhè nhẹ buộc chặt, buộc chặt lấy tim mình ai mà hiểu tự giây phút nào nút dây đã thắt lại. Chuyện yêu thương không biết nghĩa để giảng giải, như hoa thì thơm, hương thì phải ngạt ngào, trăng thì sáng và sao thì lấp lánh. Dù sao thì tôi cũng nông nổi dám nói rằng chính ở giàn hoa thiên lý mẹ tôi đã dạy tôi bài học đầu tiên về tình người.
    Năm mười sáu tuổi, dần dần tôi cứ thấy xa mẹ. Con chim non biết ra ràng rồi đây, ngày kia nó sẽ bay mất để mẹ nó gục trên tay gầy mà thương về viễn phương mưa gió. Mẹ tôi chừng hiểu ý nghĩ đó nên một chiều tháng hai hoa gạo rụng đỏ nát mầu máu lên đường làng, mẹ dẫn tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm, qua mấy nhịp cầu tre, cầu đá. Mẹ chỉ vào bụi tre còm tơi lả, bức tường đất xiêu vẹo. Mẹ dừng chân bên dòng sông nhỏ bé, lặng ngắm mái đình cong cong, con trâu gầy ốm, cánh đồng xanh xanh mà giảng giải vu vơ. Sau cùng mẹ dắt tôi lên đầu làng ăn canh bánh đa nấu với cá rô rồi hai mẹ con về ngồi dưới giàn hoa lý. Mẹ mở đầu câu chuyện bằng lời nói bâng khuâng:
    - Giá ở đâu cũng có hoa lý. Ừ, hoa lý đơn sơ lắm, hương thơm chỉ phảng phất mà tưởng như bền chặt đến muôn đời.
    Lúc ấy âm hưởng sáo diều đã lên mênh mông. Nắng đang thoi thóp nhuộm mầu cảnh vật. Từ xa xăm vọng lại tiếng con nghé lạc mẹ, tiếng thời gian chìm chìm. Tôi nín thinh không dám phá tan sự im lặng để mặc tâm tư lơ lửng tựa tơ trời. Mẹ ngồi yên, ánh mắt sầu cảm lạ lùng. Những tia mắt hiền hòa của thời thơ ấu vẫn còn lắng trong suối mắt vô tận kia sao tôi chẳng thấy mà chỉ nghĩ tới sự buồn thương xâm chiếm lòng mình. Phải, tôi lớn rồi. Hôm qua hay hôm kia, mẹ tôi dậy tôi làm thơ. Mẹ chả bảo tình yêu phải có u sầu mới đẹp là gì. Ít ra lôi cũng dám nhận làm thi sĩ. Cho nên chuyện tưởng tượng đôi mắt của mẹ tôi đừng ai lạ. Trông chiều xuống vội vã, tôi khẽ gọi mẹ. Mẹ tôi giật mình, âu yếm nhìn tôi:
    - Long này, mẹ muốn kể cho chú (lúc này mẹ gọi tôi bằng chú) nghe chuyện giàn hoa thiên lý. Mẹ phải đợi đến hôm nay vì chú đã lớn, chú có thể bỏ nhà ra đi bất cứ lúc nào như cha chú hồi còn trẻ. Lúc nãy đưa chú vào lòng quê hương, sau này chú sẽ hiểu tại sao mẹ làm thế. Bây giờ thì Long lắng tai nghe nhé !
    Mẹ tôi thong thả lập lại vài trang dĩ vãng viết tự mười mấy năm về trước nhập đề là ngày xưa. Vâng, ngày xưa khi tâm hồn mẹ còn phơi phới, mắt đen chưa vẩn chút bụi đời, tóc xanh chưa một lần bối rối, mẹ tôi đẹp ai cũng khen nhưng không ai dám thương, dám ấp ủ linh hồn yếu đuối ấy trừ bà ngoại tôi. Ồ, có gì lạ đâu, tại mẹ tôi bị bệnh lao, cái bệnh gia truyền khốn nạn. Khi mắt mẹ phảng phất khói hương mơ mộng thì lại là lúc phải khóc nhiều vì cô độc đau thương. Pháo cưới thi nhau nổ nát tan lòng mẹ. Mầu áo đỏ, áo xanh bỗng nhiên ngả mầu tang tóc như muốn liệm chung cuộc đời người con gái chưa đầy hai mươi mùa xuân. Những con bươm bướm đa tình chẳng chịu ghé hoa vườn thuốc độc nên mẹ già cỗi và gần như xa hẳn nhân gian. Mẹ tôi buồn thảm oán hờn. Chiều chiều mẹ đứng ngắm mây trời đổi sắc dưới giàn thiêu lý ngoài ngõ đợi ngày yên ngủ dưới mồ. Một hôm có chuyến đò ngang chở hồn biệt xứ qua bến làng Thanh-Triều rồi chí lớn thiên hạ bỗng dừng lại bên giàn hoa, coi dặm đường xa là vô tận. Hồn biệt xứ là cha tôi. Cha tôi ngỏ lời chắp duyên cùng mẹ. Mẹ tôi khóc lóc chối từ, mẹ nói rõ bệnh tình cho cha tôi biết. Cha tôi không cần phải so đo, người nhất định lấy mẹ tôi dù kết quả có tái tê đau đớn. Mẹ tôi cảm động chết ngất trong đôi tay người yêu. Rồi cha tôi lo chữa chạy, rồi lòng mẹ nhóm lên ánh lửa tin yêu. Mẹ tôi lành mạnh nhờ thuốc thang nhưng phần lớn là nhờ lòng thương yêu của cha tôi. Mẹ tôi ngừng lại mỉm cười:
    - Chú cỏ dám tin không?
    - Tin gì hở mẹ?
    - Tin rằng nưgời ta sống bằng tình thương và người ta chết đi rất đỗi nghẹn ngào nếu chưa hưởng được chút thương yêu trong trời đất, như mẹ chẳng hạn.
    - Có mẹ ạ !
    Mẹ kể tiếp. Cha tôi tạm bỏ mộng sông hồ, dừng chân bên quê ngoại nhà tôi để phả vào tai mẹ những âm điệu vui vui, buồn buồn, phả vào hồn mẹ những vần thơ bồng bế nhất của tình yêu không giới hạn. Cha tôi dậy mẹ tôi tất cả nỗi niềm tha thiết, trao cho mẹ tôi trọn vẹn gia sản tinh thần của một người quê hương biết thương yêu nhau, sau này hòa với suối mộng mơ của mẹ, mẹ truyền cảm cho anh em tôỉ. Kỷ niệm ấy gợi hình tự giàn hoa thiên lý quê ngoại nên mẹ tôi thích trồng thứ cây dịu dàng bất cứ ở đâu: rừng đồi, thôn ổ, phố phường.
    - Chú có hiểu không?
    - Chuyện hết rồi ư mẹ?
    - Ừ.
    - Sao ngắn thế mẹ, con tưởng dài ghê lắm.
    - Nói bao giờ cho hết được, chú cố tìm hiểu nhiều hơn. Mẹ chỉ tóm tắt thế thôi. Nay mai chú ra đi và chiều nào chú sẽ gặp một con bé dưới giàn thiên lý. Chuyện thương yêu ai kể hết, ai biết hết mà kể.
    - Khó quá mẹ ạ !
    - Dễ mà. Khi nào ở phương trời xa lạ chú đáp chuyến tầu ba mươi tết xuống một bến quen rồi tha thẩn chú chẳng biết về đâu, lúc ấy chú sẽ hiểu tình thương. Khi nào lòng chú se sắt, chú thấy chú bơ vơ, thiếu điều gì khó diễn tả chú sẽ hiểu tình thương. Hay khi chú thấy người đồng loại đau khổ, nghẹn ngào chú nhỏ lệ cúi xuống hôn trán em nhỏ mồ côi, âu yếm dắt tay người thợ cùng bước trên đường chú sẽ hiểu tình thương. Còn nữa, còn nữa tình thương rất diệu vợi và khó đo lường. Chú sẽ hiểu chú nhỏ ạ !
    - Nhỡ con không hiểu?
    - Nhảm nào, chú phải hiểu, chú phải nói lên bằng lòng chú, bằng nước mắt của chú, tô lên những trang thơ trịnh trọng mà mẹ dạy chú niêm luật hôm nào. Nhưng cậu cả này, bao giờ khăn gói cho mẹ biết đấy nhé ! Mẹ không ngăn cấm chú đâu, chim đầu đàn phải bay dò đường cho các em chứ. Mẹ sẽ dặn chú điều nảy... Thôi đi vào.
    Mẹ còn muốn dặn điều gì? Mà sao mẹ vội nghĩ đến ngày tôi bỏ nhà ra đi. Đêm ấy tôi băn khoăn suy cảm. Hương thiên lý phủ kín tình tôi rạo rực như lần nhìn cảnh chim lạc bầy bay về viễn xứ. Ngày tháng rụng rơi nối tiếp, mẹ tôi vẫn trồng thiên lý và những trưa mùa hạ, cua đồng nấu với chùm hoa vẫn ngọt ngon. Cho đến năm tôi hai mươi tuổi thì lời dự đoán của mẹ hiện hình. Than ôi ! Tôi đã nói dối mẹ tôi vì ngày tôi đi giặc cướp ở rừng núi tràn về nhiều quá, vì tôi đi xa xôi lắm. Đêm giã từ mẹ, tôi đứng bên thềm nhà lắng tai nghe ngóng. Tim tôi đập mạnh, nước mắt đầm đìa. Tôi run run gỏ cửa, mẹ tôi ra. Tôi chùi vội nước mắt hỏi nhỏ:
    - Em Dực về chưa mẹ, lúc nãy con đưa em về.
    - Thế à, em ngủ rồi chú ạ !
    - Thưa mẹ... Mai... con đi...
    - Đi đâu, chú tính giang hồ chăng?
    - Con đi dự lớp huấn luyện hai ngày.
    - Mẹ cứ tưởng... Mang chăn đi kẻo lạnh. Chú có cần tiền tiêu mẹ đưa cho?
    - Không mẹ ạ ! Khuya rồi mời mẹ vào nghỉ, con đi từ đêm nay.
    Mẹ tôi trở vào. Mẹ lê guốc lẹp kẹp. Tôi ngờ rằng đó là tiếng nứt rạn của hai trái tim. Có tiếng mẹ thở dài và tiếng đặt mình nặng nhọc xuống giường.
    Tôi đứng trơ như gỗ, sức gì thiêng liêng níu chặt lấy chân tôi. Tôi muốn chạy nhưng khó khăn quá, khó khăn như chạy sự ghê rợn trong giấc chiêm bao. Khi chợt tỉnh tôi băng mình đi, đi không hành lý. không lời từ biệt không người đưa tiễn.
    Ba bốn năm trời lưu lạc miền Nam, cứ mỗi lần gió heo may rủ mùa thu sang thì lòng tôi lại nao nao sầu cảm. Cuộc sống lần hồi của tôi trôi dạt nhiều nơi, ở đâu cũng chỉ đan dệt bằng u buồn chán nản. Mắt tôi ngây đại, tóc tôi bụi đời phủ kín. Tôi vẫn đi và thường băn khoăn tự hỏi tại sao người ta cứ phải suy cảm người ta cứ giới hạn, người ta không chịu mở rộng cánh cửa tim đón tự muôn phương những luồng gió yêu thương thắm thiết hay trao tặng muôn phương những tiếng nói tâm tư cho kẻ khác tin cuộc đời. Tôi muốn hủy bỏ hai tiếng nghi ngờ, hai tiếng do dự nên có lần trót dại theo "đàn anh" đi làm cách mạng ở rừng đồi. Chao ôi ! Tôi đã khóc trắng mấy đêm để mang cái thân hình tiều tụy về thành phố sau thời gian thua nhẵn nửa số mộng mơ. Lòng tôi càng ngày càng khát vọng tình yêu. Tôi đã hiểu sức thiêng liêng và quyến rũ của nó và tôi thấy nhớ mẹ tôi quá...
    Giàn thiên lý quê nhà giờ đây héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy người ta ngăn cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi duới giàn hoa mà kể chuyện cho em tôi nghe. Thì dễ gì có phút giây mẹ nằm tưởng tượng bão táp ngoài trời thấy con chim nhỏ lạc bầy dạt trôi thảm hại.
    Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xác xơ đầy những oán thù. Không biết mẹ tôi có giận tôi, có ân hận vì chưa dặn tôi thêm một điều gì không? Riêng tôi, tôi hơi tiếc số mộng mơ thuở ở rừng đồi. Biết đâu mẹ tôi chả dặn cái điều liên quan đến việc ấy.
    Tôi đi tìm thương yêu trong mầu hoa lý, đi tìm những bà mẹ biết kể chuyện tâm tình, đi tìm cô bé thả mắt trong mơ dưới giàn cây. Tôi chưa gặp ai cả. Tình thương nhân thế còn se sắt lắm. Nhưng nắng miền Nam ấm áp, đất miền Nam trồng cây gì cũng có trái vậy nên tôi cố gắng ươm cây Hy Vọng và quên rằng minh đang sống cùng cực, nghẹn ngào, thiếu từ đốm lửa gia đình đến mảnh áo đẹp. Tôi sẽ đi nữa, sẽ cầu xin từ ánh mắt tìm hiểu của người quê hương để tưới vào hàng cây Hy Vọng cho hoa nhân ái thắm nở rợp trời.
    Bao giờ rừng cây yêu thương đơm trái, người quê hương sẽ về cướp lại đất quê hương và tôi phải gặp cô bé dưới giàn cây bâng khuâng ngồi dệt hoàng hôn rơi trên sóng tóc. Khi hồi cư chúng tôi lấy nhau. Tôi sẽ đưa vợ tôi sang quê ngoại chỉ cho vợ tôi dấu vết giàn hoa thiên lý xa xưa. Vợ chồng tôi bắc giàn trồng hoa, chiều chiều tưới nước vào gốc cho chóng lớn. Đợi đến lúc lá theo cành leo kín đầy giàn thì loài ve sầu lại rủ rê mùa hạ sang thì họ hàng nhà bọ ngựa lại tha thẩn cả ngày leo bò trên mầu xanh muôn thuở. Tôi ngồi dưới giàn kể chuyện "Chuyện hoa lý của Mẹ" cho vợ tôi nghe. Vợ tôi phải nhớ để kể cho con tôi nghe sau này. Làng xưa đẹp lên mầu áo nâu, rộn ràng lên tiếng kéo cưa xẻ gỗ làm đình. Tôi tập làm ca dao ví von những câu thương yêu với mầu xanh hoa lý dìu dịu, nhẹ nhàng, lơ lửng tự ngàn xưa đến tận ngàn sau 
 Duyên Anh
 

LK: Chuyện giàn thiên - Chuyện tình hoa trắng ...

Dưới giàn thiên lý

      Chị ngồi lặng lẽ. Đôi vai gầy mỏng mảnh. - Sao chị không vào nhà? - ...
     Tôi ngồi bên chị, lặng nghe con dế gáy. Gió đêm hè thẽ thọt, hương hoa thiên lý thoang thoảng. Tôi co cổ hít đầy lồng ngực mùi hương hoa thanh mát cùng làn gió nhè nhẹ ve vuốt mái tóc dài đen óng của chị. Những mùi thơm quen thuộc trộn lẫn vào nhau tạo thành một làn hương không tả nổi tôi đành giữ lại cho riêng mình. Chị yêu hoa thiên lý, yêu thứ mùi thơm thanh khiết như tình yêu của chị. Nhẹ nhàng. Đã lâu rồi tôi không thấy anh hò hẹn chị dưới giàn thiên lý. Vài ngày… một tháng. Tôi nghĩ anh đi đâu đấy, ai dè anh quên chị. Nhẹ tênh. Mãi sau này tôi mới biết anh bỏ chị theo một người đàn bà đẹp.
       Chị yêu anh bằng một thứ tình yêu trong sáng đến giản đơn. Chị yêu bằng tâm hồn trong sáng và thánh thiện. Vậy mà anh nỡ rời bỏ chị. Chiếc nhẫn lồng ngón tay áp út chị vẫn đeo như trân trọng những gì đã qua, trân trọng tình cảm ngày nào anh dành cho riêng chị.
       Nhà anh nghèo. Bố quanh năm ốm đau, mình mẹ anh bươn chải lo cho bốn đứa con. Anh học cùng chị hết cấp hai thì bỏ học đi làm thuê. Chị thương anh, yêu anh vì nụ cười buồn heo hắt. Yêu anh, chị lo cho cả bốn đứa em anh bằng tiền lương ít ỏi của mình. Mẹ anh sang nhà xin phép cho chị về làm dâu. Mẹ buồn se sắt. Nhưng thương chị, mẹ đồng ý. Chỉ chờ ngày đón dâu... Tôi ôm vai chị:
       - Em sẽ hái cho chị bó hoa cúc vàng thật đẹp để chị cầm trong ngày cưới! Chị cười.
      Vậy mà bó cúc vàng của tôi nằm chỏng chơ trên bậc thềm. Chị tôi không được làm cô dâu. Anh bội ước dưới giàn hoa thiên lý. Hương hoa thơm ngạt ngào mà trái tim chị tan nát. Anh bỏ đi như kẻ đốn mạt cùng người đàn bà mặc váy ngắn đi giày cao gót. Tóc chị rối bời trên cánh đồng hoang hoải gió chiều đuổi nhau chẳng biết về đâu. Chị trở về không còn là chị của ngày xưa. Cả ngày chị không nói, chỉ cười nhềnh nhệch. Tôi sợ, ôm vai chị lay. Chị không tỉnh lại. Chị chạy ra cánh đồng vừa khóc vừa cười gọi tên anh man dại. Người làng bảo chị điên tình hay bị con ma mồ côi bắt mất hồn. Mẹ thuê thầy về cúng cho chị. Chị vẫn không nói, chỉ khóc rồi cười. Đêm nào chị cũng xoả tóc ra ngồi dưới giàn thiên lý. Có khi chị lặng yên, rồi cười. Còn mẹ khóc ròng. Chị vẫn đeo chiếc nhẫn trên ngón tay áp út. Chị không cất, cũng không quẳng đi. Trái tim chị không điên. Vậy nên chị không quên anh được…
       Tin anh chết như cơn gió độc loan ra khắp làng. Người làng đổ đi xem chiếc xe ô tô mang anh về. Hai người đeo kính đen dúi vào tay mẹ anh một bọc tiền rồi lên xe đi thẳng. Không thấy người đàn bà mặc váy ngắn đi giày cao gót. Người bảo anh chết vì đào vàng trong bãi bị sập hầm. Người bảo anh chết vì đi chở gỗ lậu. Hôm làng đưa anh ra đồng, mẹ không cho chị biết. Mẹ nhốt chị trong nhà, dặn tôi trông cẩn thận. Nhưng chị biết. Chị không gào khóc, cũng không chạy ra cánh đồng gọi tên anh man dại. Đàn cò trắng vỗ cánh bay để lại cánh đồng mênh mang. Xa xa tiếng kèn, tiếng ai khóc hờ theo gió bay hoang hoải trên cánh đồng.
       Người làng đồn trong làng có ma. Bóng ma ngày nào cũng đi vơ vẩn ngoài đường rồi khi đêm xuống lại trở ra nghĩa địa… Đang đêm tôi tỉnh dậy thấy chị ngồi dậy. Chị mặc váy, đi đôi giày cao gót không biết mua tự khi nào. Chị mở cửa bước ra ngoài đêm đen mịt mù… Tôi biết chị không điên. Chị đi tìm anh. Trái tim chị vẫn tỉnh, vẫn thổn thức yêu.
      Tháng ngày trôi qua… gió trên cánh đồng không còn hoang hoải đuổi nhau nữa. Cánh đồng được quy hoạch nhường đất cho một dự án. Vậy là gió không có chỗ về để cái nóng, cái bụi xâm lấn và nhao nhác cỏ dại đua nhau mọc… Mẹ ngồi tần ngần trước hiên nhà tiếc rẻ những vụ mùa. Những người được đền bù đua nhau sắm xe, xây nhà ngồi chờ dự án để được đi làm công nhân. Chị đi làm kế toán cho một doanh nghiệp. Chiếc nhẫn vẫn còn trên ngón tay áp út. Chị mặc váy và đi giày cao gót tô son đỏ trên đôi môi mềm. Mỗi lần nhìn chị soi gương không hiểu sao tôi lại nhớ đến hai câu thơ tình cờ đọc ở đâu đó: “Em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nét cười”. Chị được nhiều người để ý nhưng không hiểu sao những người đàn ông tìm đến với chị chỉ vài ngày rồi không thấy quay trở lại. Họ sợ chị mắc bệnh điên tình mà không dám yêu? Chị lặng thinh sống trong không gian của riêng chị không cho ai bước vào, cả tôi, cả mẹ. Mẹ đau lòng giục chị lấy chồng. Chị lặng thinh.
      Chị chưa yêu thêm lần nữa. Mẹ thương thời con gái của chị qua mau. Đêm đêm chị vẫn ra ngồi dưới giàn thiên lý. Chị để tóc dài. Tóc chị xoã xuống đất thoảng mùi hương dầu gội đầu dịu nhẹ. Tôi thích ngồi bên chị trong những đêm mùa hè vời vợi sao. Giàn hoa thiên lý vẫn âm thầm toả hương. Lòng chị liệu đã nguôi ngoai? Bao lần tôi muốn hỏi chị nhưng rồi lại thôi. Tôi sợ đánh thức lại những cảm xúc nơi trái tim từng ngập đầy cỏ dại của chị. Chị lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời của biết bao cuộc đời, mặc tuổi trẻ bỏ hoang… Xót xa một thời con gái!
      Rồi anh đến với chị. Anh là kỹ sư xây dựng. Vợ chết, mình anh nuôi hai đứa con thơ. Anh thay tôi kiên nhẫn ngồi bên chị dưới giàn hoa thiên lý trong lặng im mỗi đêm hè vời vợi trăng sao. Anh biết quá khứ của chị. Biết chị đã từng điên vì một người đàn ông. Anh chấp nhận như một lẽ dĩ nhiên vì hoàn cảnh hay vì anh yêu chị? Mẹ rưng rưng nước mắt bảo anh nếu yêu thương chị thật lòng thì cưới chị. Anh lồng thêm vào ngón tay áp út của chị một chiếc nhẫn đính hôn.
      Thương mẹ, chị đi lấy chồng. Ngày chị đi, hoa thiên lý theo gió cuốn bay đầy ngoài ngõ, vương lên mái tóc, lên khăn voan màu trắng của chị. Chị khép những bông hoa thiên lý trong lòng bàn tay bước theo chồng... Sáng nay trên mộ anh những chùm hoa thiên lý còn ướt đọng sương đêm...
 
 Quỳnh Giao
Sự tích hoa Thiên Lý

Truyện Sự tích hoa Thiên Lý

Sự tích hoa Thiên Lý là truyện cổ tích Việt Nam kể về các loài cây, cho thấy mưu trí tài giỏi của cụ già đã giúp chàng trai thổi sáo tìm được người vợ mình.

Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh Thiên Lý, nấu chè hạt sen.

– Ca dao Việt Nam

1. Người vợ giả và người vợ thật

Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai thổi sáo rất hay. Hay đến mức, có một con rắn lục nghe thấy tiếng sáo của chàng liền mê mẩn. Nó đã quyết tâm tu luyện thành người để lấy chàng làm chồng mình, mặc dù chàng đã có vợ.

Lần ấy, sau một chuyến mang cây sáo trúc đi thổi thi và đoạt được giải nhất trở về. Vừa đến đầu làng, chàng trai đã thấy người vợ vừa xinh đẹp trẻ trung, vừa hiền hậu đảm đang của mình ra đón. Lúc ấy, chàng vui lắm. Chàng đâu biết đấy chính là con rắn lục đã biến thành người và đã giả dạng giống y hệt vợ chàng từ vẻ mặt, lời nói đến dáng đứng, dáng đi.

Về đến nhà, chàng trai bỗng bàng hoàng khi thấy một người vợ thứ hai bước ra. Chàng trai không còn biết một trong hai ai là vợ thật của mình nữa. Hai người đàn bà trẻ giống nhau còn hơn cả hai giọt nước. Chàng liền tìm đến một ông cụ nổi tiếng là tài giỏi trong việc tìm ra chuyện phải trái ở trên đời, để nhờ ông cụ giúp đỡ. Nghe chàng nói rõ ngọn ngành, ông cụ nhận lời ngay và cho gọi hai người đàn bà đến.

2. Cụ già tài giỏi trong câu chuyện Sự tích hoa Thiên Lý

Cụ già lấy vải đen bịt mắt cả hai lại, rồi đưa cho hai người ba cái áo có mùi mồ hôi của ba người đàn ông khác nhau và dặn:

– Cứ ngửi đi, cái nào là của chồng thì gật đầu, không phải thì lắc đầu!

Cô vợ thật được ngửi trước. Cô vợ giả ngửi sau. Mắt cô vợ giả vốn là mắt rắn nên có thể nhìn xuyên qua vải đen. Vì vậy, cô ta liếc nhìn người vợ thật, thấy cô này lắc đầu thì cũng lắc đầu, thấy gật đầu thì cũng gật theo. Thế là cả hai đều đã ngửi đúng được mùi áo của người chồng có tài thổi sáo. Ông cụ lại nghĩ ra cách khách để thử hai người vợ này. Ông liền cho mang đến ba bát canh, một bát có vị gừng, một bát có vị hành và một bát có vị lá hẹ. Ông cụ dặn:

– Thứ canh nào chồng thích ăn thì gật đầu, thứ nào chồng không thích thì lắc đầu.

Sự việc lại diễn ra như lần thử trước. Thấy người vợ thật gật đầu khi nếm bát canh nấu với gừng, cô vợ giả cũng gật đầu theo. Ông cụ cho cả hai cùng về, để cụ suy nghĩ thêm. Hôm sau, cụ lại cho mời hai người đến. Cụ để hai người đứng ở hai nơi, không trông thấy nhau nhưng cùng nhìn ra một con đường ở phía trước mặt, cách chỗ đứng khá xa.

– Ta sẽ cho ba chàng trai đi ngang qua đường. Nhận ra ai là chồng mình thì cứ vẫy gọi. Ai gọi đúng chàng thổi sáo tài giỏi thì người đó là vợ thật, ai gọi sai là vợ giả và sẽ phải chịu tội với dân làng.

Truyện Sự tích hoa Thiên Lý

Cô vợ giả lúc đầu lo lắm. Nhưng sau cô ta đã nghĩ ra được một lối thoát. Cô ta định bụng khi nào nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng sẽ gọi ngay theo. Một người trai trẻ đi qua. Rồi hai người. Cô vợ giả không nghe tiếng cô vợ thật gọi thì cũng im lặng theo. Cô ta mừng lắm. Như thế thì người còn lại đúng là chàng trai thổi sáo tài giỏi. Vì vậy khi chàng trai thứ ba vừa xuất hiện thì cô vợ giả đã vẫy tay và gọi to:

– Chàng ơi! Thiếp ở đằng này này!

Trong lúc người vợ thật vẫn đứng im. Vì đó vẫn chưa phải là chồng cô. Cụ già liền dẫn chàng trai thứ ba đến trước cô vợ giả và nói:

– Như vậy, cô đã tự nhận cô là kẻ rắp tâm đi cướp đoạt chồng của người khác. Chàng trai này đâu phải là người mà cô đã nhận là chồng cô.

Rồi cụ lại cho gọi cô vợ thật đến và hỏi:

– Trong ba chàng trai, không có ai là chồng cô sao?

– Thưa cụ, nếu là chồng cháu thì dẫu ở xa trăm dặm, ngàn dặm, cháu cũng nhìn ra!

Cụ già liền cho ba chàng trai khác tiếp tục đi qua đường. Đến người thứ năm thì người vợ thật kêu to lên mừng rỡ:

– Chàng ơi! Chàng ơi!

Sự việc đã rõ ràng. Cụ già liền theo lệ của làng, nọc cô vợ giả ra đánh một trăm roi. Nhưng chỉ đánh được chục roi thì đau quá, cô vợ giả đã hiện nguyên hình con rắn lục và bò nhanh vào bụi cây trốn mất. Hai vợ chồng chàng thổi sáo vui mừng lạy tạ ông cụ. Ông cụ tươi cười bảo:

– Tìm ra được kẻ gian cho đời là lão vui rồi. Bây giờ lão chỉ muốn được nghe điệu sáo hay nhất của anh thôi!

Chàng trai liền rút cây sáo trúc luôn giắt ở bên mình ra thổi. Tiếng sáo của chàng nghe réo rắt như tiếng chim của trời, của sông, của nước nhưng nổi lên rõ hơn cả là tiếng của con người vui mừng được sống trong lẽ phải và tình thương. Ai nghe cũng ngơ ngẩn say mê.

Hai vợ chồng sau đó cùng nhau trở về nhà. Họ sống bên nhau đầm ấm vui vẻ. Hai vợ chồng cùng làm ruộng. Lúc rảnh chồng lại đem sáo ra thổi cho vợ và hàng xóm cùng nghe. Ngày hội, tiếng sáo của chàng càng làm cho mọi người thêm yêu đời và quý mến nhau.

3. Sự tích hoa Thiên Lý

Một buổi chiều, khi người vợ đang gội đầu, người chồng đang thổi sáo thì bỗng có con chim gì thả rơi ở bên chân người vợ một chùm hoa màu xanh phớt vàng có mùi thơm thoang thoảng. Đêm đến mùi hoa càng thơm hơn. Người vợ liền bảo chồng đặt bông hoa bên cạnh cửa sổ để khi có gió, hương hoa càng bay thơm khắp nhà.

Sáng hôm sau, khi ánh bình minh chiếu xuống khắp nơi, hai vợ chồng thức dậy, họ đều lạ lùng khi thấy bông hoa đã kết liền vào một loại dây leo mọc ở cạnh cửa sổ. Và sau đó, không phải chỉ có một chùm hoa, mà rất nhiều chùm hoa khác nở. Hoa màu xanh phớt vàng hình giống như ông sao năm cánh, hương thơm dịu ngọt. Loài hoa ấy ngày nay người ta gọi là hoa Thiên Lý. Vì sao lại có cái tên ấy? Vì tên cô vợ thật là Lý. Còn Thiên Lý là vì ông cụ có tài tìm ra mọi việc phải trái, đã dựa vào câu trả lời của cô vợ thật mà đặt tên mới cho cô và trêu cô:

– Tên cô từ nay không phải là Lý mà là Thiên Lý. Thiên Lý nghĩa là nghìn dặm, nghìn dặm mà vẫn nhận ra được chồng mình…!

Các cụ còn nói thêm: Cô vợ giả, tuy đã trở lại kiếp rắn lục nhưng vẫn giữ trong lòng mình mối hận đối với cô vợ thật… Vì vậy ai yêu hoa Thiên Lý, rắn lục không thích đâu. Rắn lục thường bò nấp vào các dây hoa Thiên Lý để mổ cắn những ai thích ngắm hoa Thiên Lý, yêu mùi hương Thiên Lý. Nhưng cho đến nay, càng ngày mọi người càng quý càng yêu loại hoa có mùi hương rất dung dị và mộc mạc này.

Truyện Sự tích hoa Thiên Lý