Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

NTV - 52 Mưa cầu vồng

Mưa cầu vồng.....
Nhìn về phía hạt mưa rơi.
Cầu vồng thoắt hiện là nơi mong tìm....
Những ngày mộng đẹp hoa niên
Sống cùng cô Tấm diệu hiền xa xôi,
Bấy giờ đang tuổi thơ tôi.....
Đùa vui dưới ánh trăng soi êm đềm,
Hạt mưa rơi toả dịu êm....
Tắm mưa, tắm cả trăng đêm thiên đàng!
Mưa tuông tắm mát thế gian,
Tâm tình chẳng chút vương mang tơ lòng....
Rồi tiên cũng đã sang sông,
Cùng chàng tiến sĩ ước mong sum vầy.....
Chốn quê như vẫn còn đây,
Kia hồ nước rộng, và nầy bèo dâu !
Hạt mưa nhè nhẹ toả sầu,
Vẫn lu bằng đất , vẫn gàu nước xưa.....
Ngờ đâu phận bạc duyên ưa ?
Tình quê đau đáu chốn xưa mơ về !!
Trời rằng thôi hết hẹn thề,
Mang tiên về chốn cõi xưa thiên đàng !
Xa rồi một chuyến sang ngang !
Khi nao trở lại chốn quê trăng buồn ?.....
Tắm mưa từ nước cội nguồn,
Có ai hiểu được vẫn là tiên xưa ?!
Trải bao mưa gió nắng trưa,
Cầu vồng rực rỡ sau mưa đón nàng !!
 
NM

             Về phía những hạt mưa              
Mẫu người đàn bà đẹp đối với tôi là dì Hiên. Có thể cả thời thơ ấu của tôi được sống ở bên ngoại, gần gũi với dì, nên dì đã ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi không nhỏ.
Mặc dù sống ở quê, công việc chăm sóc vườn tược khiến cho dì Hiên liên tục phải dầm mưa, nhưng lạ kỳ là nước da của dì "trắng như gà bóc", dù dì không hề biết tên và chẳng hề dùng một loại mỹ phẩm nào. Tôi còn nhỏ, dưới ánh mắt của tôi thì dì là một tiên nữ. Bởi vào những đêm trăng, dì vẫn thường rủ tôi ra cầu gỗ bờ sông để “ngắm trăng”. Dì mặc nguyên bộ quần áo mỏnh manh, nhảy xuống dòng sông mà giỡn với những ánh trăng vàng cứ “trôi” trên sóng nước. Dì ôm tôi vào lòng, gội đầu cho tôi bằng thứ xà bông Cô Ba có mùi thơm là lạ. Bộ ngực no tròn con gái của dì tì trên lưng tôi khiến cho tôi có cảm giác đó là bộ ngực đẹp nhất thế gian. Cũng trong đêm trăng mờ ảo đó, dưới mắt một đứa “con nít” như tôi, dì Hiên đã hồn nhiên thay quần áo. Trăng đêm phả lên thân hình thiếu nữ của dì - đó là cảnh đẹp theo tôi cho đến khi tôi khôn lớn.
Dì Hiên của tôi rất thích tắm mưa, khi những cơn mưa ùa về rửa sạch những đám bụi đường bám trên cây lá, là dì gọi tôi : “Duy, đi tắm mưa với dì”. Thế là hai dì cháu chạy ra ngoài cơn mưa vùi đất trời kia mà đùa giỡn. Bà ngoại cũng đã có lần la dì: “Con gái tới tuổi lấy chồng rồi mà cứ đùa giỡn như con nít. Lọng ngọng ế bây giờ”. Lúc đó dì Hiên chỉ cười : “Con chỉ lấy một ông tiến sĩ”.
Thật ra thì vào thời điểm đó, tôi chỉ hình dung ra ông tiến sĩ là một vị quan. Khi ông tiến sĩ về làng thì có lính cầm cờ đuôi nheo, có lính thổi kèn, có võng khiêng ông. Đó là chuyện cổ tích tôi đọc trong truyện sách. Tôi nói với dì Hiên một cách ngây thơ : “Lớn lên cháu sẽ thi đậu tiến sĩ để đem võng về làng rước dì”. Lúc tôi nói, dì Hiên nắm tay tôi xoay vòng quanh dì, dì cười lộ ra cả hàm răng trắng, mùi thơm từ thân thể dì tỏa ra êm ái. Dì nói trong tiếng cười: “Ờ, cháu đi học đậu tiến sĩ đi, dì đợi.”.
Đó là thời thơ ấu của tôi. Thời thơ ấu của bến sông trộn ánh trăng và bóng dáng dì Hiên, dì Hiên đẹp như tiên nữ khi dì khỏa thân trong ánh mờ. Thời thơ ấu của tôi còn là những cơn mưa mù đất mù trời cùng dì đùa giỡn. Thời thơ ấu của tôi còn trộn cả hơi ấm khi được dì Hiên ôm vào lòng và cả mùi hương con gái của dì ở lại trong ký ức trẻ thơ. Rồi tôi cũng phải kết thúc những ngày trẻ con của mình. Ba mẹ tôi đã về quê dắt tôi lên thành phố. Ký ức về dì Hiên cứ thế lạt phai lần theo tuổi lớn của tôi. Tôi vào trường có bạn bè, những trò chơi mới cứ thế cuốn vào. Thỉnh thoảng tôi theo ba mẹ về quê, khi đó ngoại đã già, còn dì Hiên thì đã khác xưa. Tình cảm còn dì cháu vẫn chẳng có gì thay đổi, nhưng tôi và dì chẳng còn thời gian để đùa vui như ngày xưa. Còn ông tiến sĩ của dì Hiên đang ở đâu thì tôi cũng chẳng tiện hỏi.
Cuối cùng thì dì Hiên cũng lấy chồng. Dì lấy chồng ở tuổi 29. Tuổi 29 đối với con gái nhà quê đã bị liệt là già. Tuy nhiên, tuổi 29 của dì Hiên vẫn nõn nà giống như những chiếc lá chuối non óng ả màu xanh lạ trong vườn trong nắng sớm. Dì Hiên lấy một ông tiến sĩ thật, nhưng tiến sĩ bây giờ nhìn chẳng khác người thường bao nhiêu. Anh Nguyên, chồng dì chỉ khác hơn những người đàn ông khác ở miền quê tôi là nước da trắng và đôi kính cận gọng vàng luôn đeo trên gương mặt. Nhưng bằng tiến sĩ của anh Nguyên lại là bằng tiến sĩ sử học. Đề tài khảo cứu để bảo vệ luận án tiến sĩ của anh lại nằm ngay trên bờ ruộng nhà tôi: khai quật khu mộ chum đã có cách đây cả ngàn năm trước.
Tôi ở thành phố về thì công việc khai quật dù chỉ ở khu ruộng nhà tôi cũng đã xong. Trong suốt thời gian đoàn khảo cổ làm việc, che một lán nhỏ sau vườn nhà tôi để tiện việc hoạt, dì Hiên trở thành bà nội trợ đảm đang. Có thể tình yêu của dì Hiên và anh Nguyên đã nảy nở và kết trái từ những mộ chum rạn vỡ chôn sâu dưới lòng đất cả ngàn năm kia. Trong tình yêu dường như chẳng hề có khái niệm không gian, thời gian và cả sự chênh lệch vị trí trong xã hội. Nó tự đến giống như cơn mưa bất chợt từ một đám mây trôi bởi những cơn gió đẩy về. Mưa, thế là những hạt mầm vùi sâu trong lớp đất khô ran ngoi lên, đâm chồi. Dì Hiên là hạt mầm chôn vùi trong đất. Hạt mầm ấy âm thầm nghe những cơn gió thổi qua lớp võ cứng cáp của mình, đợi một cơn mưa đến để đâm chồi. Anh Nguyên là cơn mưa đó, đến tình cờ như định mệnh. Dì Hiên vẫn đỏ mặt khi kể cho tôi nghe chuyện dì và anh Nguyên quen như thế nào? Không một đoá hoa hồng, chẳng có ánh trăng nghiêng chênh chếch dưới những tàn cây. Đó là cú trợt ngã của anh Nguyên khi nhảy qua một mô đá. Dì Hiên học được nghề xoa nắn, trị bệnh thấp khớp từ ông ngoại tôi. Ông ngoại nói: “Đó là nghề làm phước chứ không phải nghề để kiếm tiền”. Cả xóm tôi ở ai lại không biết đến ông ngoại, mọi bất trắc dường như có thể xảy ra với tất cả mọi người. Bị trặc chân, trặc tay là mọi người tìm đến ông ngoại. Ông ngoại chết, dì Hiên đã trở thành người kế thừa. Điều cũng lạ là đôi bàn tay mềm, nõn nà nhỏ của dì lại có thể dùng một động tác đơn giản để kéo những khớp xương sai lệch của mọi người trở về đúng vị trí của nó.
Hôm đó chắc anh Nguyên đau đớn lắm. Một người bạn đồng nghiệp của anh cõng anh thẳng vào nhà tôi. Để anh nằm trên chiếc phản gỗ hương đã lên nước bóng. Dì Hiên vừa đi chợ về, đã vội vàng bỏ chiếc giỏ rau cá ở trước cửa nhà, rửa vội đôi bàn tay, vào nhà sửa lại những khớp xương bị trật cho anh Nguyên. Tình yêu của họ đã đến từ sự va chạm đầu tiên của một “Bà thầy mằn” và ông tiến sĩ khảo cổ học.
Đám cưới xong là dì Hiên theo anh Nguyên về thành phố. Đó là lẽ tất yếu của cuộc đời, tình yêu hơn hết thảy mọi điều là một tiếng gọi lạ lùng. Ông tiến sĩ của dì Hiên dĩ nhiên vẫn miệt mài với những chuyến đi, với những cuộc khai quật. Tôi ghé thăm dì Hiên, thấy gương mặt của dì ngời ngời hạnh phúc. Căn nhà của hai người khá xinh, ẩn khuất trong một cư xá. Để giết thời giờ và cũng để có việc làm. Dì Hiên mở một hàng bán cà phê ngay trong vườn nhà, không biết dì học pha cà phê ở đâu? Nhưng những ly cà phê rất ngon. Khi tôi tới thăm dì vào buổi sáng, tôi vẫn được dì pha cho một ly cà phê ngon như thế.
Quan sát ngôi nhà và sân vườn, có thể thấy rõ là anh Nguyên yêu dì Hiên đến dường nào. Một góc vườn có một hồ nước rộng, trong hồ anh Nguyên thả hoa súng và bèo hoa dâu, ở một góc hồ là những cây thủy trúc mướt xanh. Điều thú vị hơn nữa chính là một không gian mưa nhân tạo được tạo ra. Nước được hệ thống phun phun lên mái ngói bám rêu, rơi nhẹ nhàng xuống hồ. Ngay ngoài hồ là một lu nước bằng đất nung, gắn lên trên là chiếc gáo dừa. Dì Hiên thích những giọt mưa rơi, dì cũng thích rửa chân tay, mặt mũi bằng nước gáo dừa.
*****
Dạo sau này tôi ít gặp dì Hiên. Công việc cứ cuốn hút tôi đến độ không có thì giờ ghé qua nhà dì, dẫu đôi khi tôi có tạt qua thành phố dự một cuộc hội nghị nào đó. Tôi gọi điện, vẫn là giọng nói se sẽ, dịu dàng như sợ làm đau cả không gian: “Cháu ghé nhà dì ăn bữa cơm rau không được sao? Công việc gì mà bận rộn đến thế?". Rồi tôi ghé, vẫn vườn cây tươi tốt, vẫn những giọt nước mưa nhân tạo chảy từ mái ngói rêu bám rơi xuống hồ đầy hoa súng nở. Dì nấu một bữa cơm rau, rồi dì cháu nhìn nhau cười. Theo dì thì anh Nguyên đã được đề bạt lên làm giám đốc bảo tàng, do đó anh ít đi khai quật hơn. Tôi hỏi trong bữa cơm: "Lâu quá rồi sao dì và anh Nguyên không sinh một em bé cho vui nhà?". Dì Hiên giằng lấy chén của tôi, bới vun đầy những hạt trắng, không trả lời câu hỏi, mà nói: “Nồi canh tập tàng nấu cua này dì nấu có ngon như ở quê không?". Tôi ăn bát canh cua dì Hiên nấu cho dì vui. Hình như tôi thấy trên gương mặt dì có một nỗi buồn rất lạ. Tôi không tiện hỏi gì, và tôi càng không thể lý giải được nỗi buồn đó nói lên điều gì. Bởi đơn giản là dì đang sống trong một gia đình hạnh phúc có người chồng yêu dì hết mực, lại lo lắng cho dì từng sở thích như tạo cho dì cả một hồ hoa súng, tạo những giọt mưa cho dì đỡ nhớ những cơn mưa ở quê. Cũng có thể là hàng đêm dì Hiên sẽ tắm dưới những giọt mưa do anh Nguyên tạo ra kia, giống như ngày nào dì từng rủ tôi tắm mưa. Nhưng tôi không biết là dì có khoả thân hay không.
*****
Tôi đang ngồi trên chiếc thuyền trôi trên dòng sông Cổ Chiên trôi đầy những dè lục bình. Hoa lục bình nở tím ngắt cả một dòng sông thì tiếng chuông điện thoại di động bỏ trong túi áo tôi rung lên. Gió thổi lồng lộng khiến cho tôi không nghe rõ tiếng chuông reo. Hảo, chàng sinh viên thực tập đang theo tôi để vào tận Bình Hưng Hòa để khảo sát giống cây trồng tại đây, kêu: “Anh Duy, hình như có điện thoại”. Tiếng chuông điện thoại như réo giục. Tiếng anh Nguyên bên kia đầu máy, giọng nói hình như ở một nơi nào xa xôi: “Dì Hiên đang nằm ở bệnh viện, dì muốn gặp em”.
Con đường từ Vĩnh Long về thành phố khá tốt, nhưng có một đoạn đường đang sửa chữa, xe phải bọc qua con đường phụ, băng qua một vườn dừa nước. Con đường xấu, nhỏ mà xe lưu thông lại nhiều, liên tục đợi tránh nhau khiến cho lòng tôi như có lửa cháy. Mắt trái của tôi cứ giựt lia lịa. Dì Hiên đã từng nói với tôi ngay từ thuở nhỏ là khi mắt trái bị giật là dì đang nhắc đến tôi. Tôi sực nhớ tới Đông Nghi, cô bạn học cũ của tôi hiện đã là bác sĩ ở bệnh viện dì Hiên đang nằm. Tôi lật cuốn sổ nhỏ ghi chép số điện thoại nhàu nát của mình, gọi cho Đông Nghi. Tiếng Đông Nghi rõ ràng : “Em sẽ lo cho dì, anh yên tâm đi mà”.
Nhưng dù cho chuyến xe của tôi từ Vĩnh Long về thành phố có sớm hơn chăng nữa thì tôi không thể nào giữ dì Hiên ở lại được ở cõi nhân gian này. Điều may mắn là dì vẫn còn kịp nói với tôi đôi câu trước khi dì ra đi vĩnh viễn: “Ráng mà sống tốt Duy nhé! Dì thèm tắm mưa, tắm mưa thật sự chứ không phải là mưa bởi nước phun lên những mái tôn đâu. Có dịp Duy đưa dì về nhà tắm mưa, Duy nhé!". Tôi bóp chặt bàn tay xanh xao của dì. Anh Nguyên đã bước ra khỏi phòng bệnh. Anh khóc ngon.
Trời đổ mưa khi chúng tôi đưa dì ra nghĩa trang, mưa như để thỏa lòng mong muốn có một lần trở về quê, tắm trong những giọt mưa đồng nội của dì.
Có thể tôi tưởng dì Hiên đã sống trọn vẹn một cuộc đời hạnh phúc, nếu Đông Nghi không kéo tôi ra quán cà phê. Em đưa cho tôi bệnh án của dì Hiên. Tôi không là bác sĩ nên tôi không rành rẽ đó là bệnh nào. Tôi chỉ biết dì Hiên bị ung thư ở thời kỳ cuối. Đông Nhi nói: “Bất ngờ lắm anh Duy à! Đến khi chết dì Hiên của anh vẫn còn là con gái!”. Tôi nhìn mưa nhòa về phía biển. “Đến khi chết dì Hiên vẫn còn là con gái!”.
Khuê Việt Trường

Bây giờ, ngày nào vừa mở bừng mắt ra tôi cũng nghĩ đến Sài Gòn. Bởi Sài Gòn đang cưu mang con trai yêu. Đứa con hãy còn đuổi theo những giấc mơ.
          Có nhiều bậc cha mẹ buộc con thực hiện giấc mơ của mình. Nhưng riêng tôi, tôi lại mơ giấc mơ của những đứa con. Thoạt đầu, tôi mơ một mái nhà nhỏ. Đơn sơ thôi. Để con trai lớn cùng vợ và đứa cháu nội có chỗ chui ra chui vào. Gian nhà ấy phải có sân trước sân sau ngập tràn hương hoa và màu sắc. Rồi đứa con tội nghiệp của tôi cũng đã tự mình tậu được nhà. Cái tổ ấm của nó tuy bé nhưng đúng như mơ. Trên cổng rào chi chít “nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”. 
Trên hàng rào lưới B40 bên trái là Tóc Tiên dịu dàng bò lên, xen giữa những đóa hoa Huỳnh Anh rực rỡ. Sân sau chỉ độ 24 m2 nhưng trên giàn chật cứng những giò Phong Lan các loại. Vợ chồng con trai còn khó khăn lắm. Nhưng chúng hài lòng với hiện tại. Vì thế tôi cũng hài lòng.
      Con trai út mới biết yêu. Nhưng nó và người tình ngoéo tay lo học. Cả hai đều mơ leo lên lưng chừng bậc thang kiến thức. Chúng mơ ôm cái bằng thạc sĩ rồi mới cưới nhau. Chúng còn mơ nhiều thứ khác nữa , như một ngôi nhà ba tầng cho ba thế hệ sống chung. Tôi được sắp xếp ở tầng trệt, vì con trai đoán lúc ấy tôi lụm cụm, làm sao đủ sức leo lên, tụt xuống cầu thang ngày mấy bận. Còn con cái chúng sẽ ở tầng ba. Nơi có những ô cửa sổ mở rộng trông lên đỉnh trời đầy sao hàng đêm. Ban ngày, nếu cúi nhìn sẽ mát lòng bởi cỏ êm và hoa đẹp trong sân vườn. Giấc mơ thật tuyệt! Thế là con trai rời nhà đến Sài gòn để nhặt những ước mơ. Đêm nào, trước khi ngủ, hai mẹ con cũng …chat với nhau. Con trai nói về Sài Gòn, về chỗ trọ. Đó là ngôi nhà bé tẹo trong hẽm của thằng bạn thân. Rằng hai đứa đã sống phè phỡn thế nào. Sáng, mỗi thằng một gói xôi thịt. Đôi khi, kéo nhau đi rữa ruột bằng tô phở nóng, Rồi ra quán cóc uống cà phê. Con trai trầm trồ rằng hương vị chẳng thua gì nhà hàng nhưng chỉ tốn năm nghìn đồng. Sau đó, hai thằng lao về hai hướng. Con trai đến một trung tâm luyện thi, nhét vào đầu vô vàn những kiến thức quí như kim cương để đầu tư cho tương lai. Trưa, hai thằng con trai gặp nhau trong quán cơm bụi . Cái quán mỏng như tờ giấy. Ngang chỉ có 2 m, dài 8 m. Vậy mà chật cứng thực khách. Cơm ở quán nầy luôn nóng xốp, trắng ngần. Món ăn đơn giản nhưng vừa miệng và ngon, lại rẻ. Buôi chiều, con trai lại vùi đầu trong sách vở, tài liệu. Con vẫn nhắn tin:” Mẹ đừng lo nhe mẹ. Con khỏe lắm. Quần áo con mướn giặt có 4000 đồng một kí lô hà. Mà mẹ thừa biết con mặc ba ngày mới thay một lần. Chỉ có ăn rồi học. Sướng hơn tiên! Mẹ hãy tưởng tượng con đang đi lên chiếc cầu vồng có bảy sắc màu rực rỡ. Chênh vênh, ngất ngưỡng  đúng không mẹ? Nhưng biết đâu con sẽ chạm tới những vì sao!”
          Ôi, giấc mơ tuyệt đẹp! Thế là tôi cũng mơ về chiếc cầu vồng và những vì sao. 
BÀI VIẾT: NGUYỄN THỊ MÂY 
MINH HỌA: THÁI HỌC SINH


Anh nhớ cầu vồng xưa đã qua
Cầu vồng bảy sắc chẳng phôi pha.....
Trong đêm tăm tối anh chợt thấy,
Hình bóng của em sớm nhạt nhoà ?!
NM 
Cầu Vồng Bảy Sắc
Tôi ngồi trong khán phòng nghe Hiếu chơi đàn. Tiếng đàn trầm bổng điêu luyện, lúc nỉ non lúc réo rắt khiến tôi bồi hồi thương cảm. Cậu bé hàng xóm kém may mắn của tôi đã trở thành nghệ sĩ đàn bầu thiệt sao?
Lúc chia tay nhau, Hiếu là một thiếu niên tật nguyền bất hạnh. Không ngờ bữa nay, Hiếu lớn và chững chạc như vầy!
Bài "Ru con Nam Bộ" tôi từng nghe Hiếu tập từ lúc nhỏ với cây đàn tự tạo. Nhưng hôm nay Hiếu đàn hay tới độ tôi không còn tin vô tai mình. Từng giọt đàn tròn trặn da diết rơi xuống lòng tôi khiến mắt chợt cay xè.
Tôi thấm những giọt lệ lăn xuống má, vừa lúc tiếng vỗ tay nồng nhiệt cất lên. Vội vàng đi ra lối cửa hông dành cho nghệ sĩ, tôi hồi hộp đứng trước phòng hoá trang chờ Hiếu .
Một thanh niên cao ráo, có thể gọi là đẹp trai nếu không có cặp kính đen sù sụ trên mặt che kín đôi mắt đục nhờ, cùng mấy đứa trẻ đi tới. Tôi thảng thốt nắm tay người đó: "Hiếu! Hiếu à! Uyên đây. Có nhận ra mình không?".
Hiếu dừng lại, mừng quýnh. Nụ cười đôn hậu nở trên khuôn mặt chữ điền. "Uyên đó à? Lâu quá rồi mới gặp!". Rồi Hiếu cúi lại gần, nói nhỏ chỉ đủ cho mình tôi nghe: "Cầu vồng bảy sắc… Tối nay tôi đã nhìn thấy rồi Uyên à!". Nghe nói vậy, tôi lại muốn rơi nước mắt. 
Ngày ấy, tôi và Hiếu là đôi bạn thân cùng lớp, lại còn là xóm giềng với nhau. Hiếu thường nhờ tôi giải hộ bài toán, còn tôi thì nhờ Hiếu làm giùm bài văn. Con gái giỏi văn, con trai giỏi toán. Thường là như vậy nhưng tôi và Hiếu lại không giống mọi người.
Tôi hiếu động, đầu têu toàn những trò tinh nghịch trong khi Hiếu lại thích chơi đàn. Lúc nào rảnh là Hiếu lấy cây đàn bầu tự tạo ra gẩy tưng tưng. Tôi thường giằng lấy vứt lên nóc tủ và ra lệnh "Dẹp cái trò cụ non đó ngay, đi chơi mau!".
Bị tôi phá đám, Hiếu không đổ quạu mà chỉ cười hiền, đứng dậy đi theo. Tụi con nít trong xóm Cầu Kênh thường hay châm chọc: "Con trai mà để con gái xỏ mũi dắt đi. Đồ chết nhát!". Hiếu cười trừ, không cãi không giận.
Tôi chấm cái tánh hiền lành của Hiếu, nên có miếng nào ngon đều dành phần đem cho. Biết chuyện, tụi quỷ con lại réo lên: "Lộn cầu vồng nước trong nước chảy. Có cô mười bảy, lấy chồng mười ba. Hai chị em ta, ra lộn cầu vồng…".
Tôi nhảy tới, giận dữ véo tai sắp nhỏ. Tụi nó la inh ỏi. Hiếu lại cười: "Thôi, tha cho mấy đứa đi. Mình chơi kéo co nghen!". Tôi một đầu, Hiếu đầu kia, cái đuôi rồng rắn là mấy đứa con nít. Đứa nào bị tôi véo tai đều ùa sang bên Hiếu. Còn lại là vô phe tôi.
Thường thì bên Hiếu đông hơn. Tôi bị thua dài dài, xị mặt ra gắt gỏng: "Khỏi thèm chơi luôn! Ỷ đông ăn hiếp con gái hả? Dẹp!". Tụi con nít tưng hửng, len lét bỏ đi một hơi. Còn Hiếu đứng lại, gãi tai cười: "Vậy thì mình lộn cầu vồng há? Ừa đi! Chỉ hai đứa chơi thôi, như mấy bữa đó mà...".
Rồi không đợi tôi gật đầu, Hiếu cầm hai tay tôi, xoay tròn, miệng hát "Lộn cầu vồng...". Tôi bật cười: "Hát chi mà vô duyên quá trời đi. Bộ tôi già hơn ông hả?". Hiếu đang thở hào hển, cũng phì cười. Vậy là tôi hết giận.
Lớn lên chút nữa, hai đứa được vào phổ thông cơ sở. Tôi và Hiếu không còn chơi những trò con nít nhưng vẫn rất thân nhau. Tánh tôi nghịch ngợm không thua con trai nhưng có lần Hiếu gặp tôi ngồi tha thẩn ngó mưa trước nhà.
Tôi mê mải ngắm cầu vồng, không biết Hiếu sang lúc nào. Những sắc màu xanh đỏ tím vàng huyền ảo làm tôi ngẩn ngơ. Lâu thiệt lâu tôi vẫn ngồi bất động, mặt nghếch lên trời. Bất chợt day qua thấy Hiếu chăm chăm ngó mình, tôi mắc cỡ nạt: "Qua hồi nào mà ngậm tăm vậy cà?".
Hiếu cười cười: "Cầu vồng đẹp thiệt há Uyên!". "Ừa, đẹp thiệt. Ngó hoài hổng biết chán". Hiếu đăm chiêu: "Lâu quá mình không chơi lộn cầu vồng nữa rồi Uyên…". Tôi cắt ngang: "Ông khùng hả? Chơi chi cái trò con nít đó nữa!". "Nhưng mà hồi nhỏ vui quá trời. Chơi riết rồi Uyên mê coi cầu vồng đó chi?". Tôi tắc họng, không biết đối đáp ra sao
Lần đầu tiên tôi ngắc ngứ trước mặt Hiếu. Dòm qua, chợt nhận ra cậu ta cũng đang ngó mình. Tôi đỏ mặt, vụt đứng dậy quày quả bước vô nhà, để mặc Hiếu đứng lại một mình, cười lỏn lẻn.
Hai đứa tôi chắc vẫn còn gấu ó nhau tối ngày, nếu không có tai họa bất chợt đổ ụp lên đầu Hiếu. Mùa hè đó tôi ra nhà dì, dượng ở thành phố chơi cả tháng. Buổi trưa đầu tiên về lại quê, tôi ghé qua nhà Hiếu. Cậu ta ngồi yên trên phản, không ngó thấy tôi bước vô. Tôi kêu: "Hiếu à! Làm chi ngồi thừ ra đó?".
Hiếu giật mình day qua tôi, đưa tay ra rờ rẫm trước mặt, rồi mới tụt xuống khỏi bộ ván. Tôi điếng người, thấy mắt Hiếu hấp háy, nhưng tròng mắt đùng đục khác thường. "Mắt ông sao vậy?". Hiếu không cười như mọi lần, nước mắt ứa ra bên khóe: "Hiếu mù rồi Uyên ơi! Hơn một tuần nay rồi…".
Tôi hét lạc giọng: "Không! Hiếu phải đi bệnh viện chớ. Uyên đưa Hiếu đi!". Hiếu nghèn nghẹn đáp: "Đi rồi. Ba Hiếu nghỉ phép về đưa đi. Bị di chứng chất độc da cam. Không khỏi được đâu".
Tôi khóc như mưa. Hiếu dỗ dành tôi nhưng cuối cùng cũng khóc oà. Đầu Hiếu gục nặng một bên vai tôi. Sau rốt, Hiếu ngẩng lên, nói với tôi: "Hiếu khóc bữa nay nữa thôi. Lần sau Uyên qua chơi, nhớ đừng khóc nghen!". Tôi nghẹn ngào hứa, nhưng nước mắt cứ ầng ậc tuôn ra.
Hiếu bỏ học, ngồi chơi đàn suốt ngày. Tôi ở bên nhà ôn bài, nghe tiếng đàn vọng qua, buồn não ruột. Cũng không vô đầu được chữ nào. Đêm về, tiếng đàn càng khắc khoải như cười than, khóc hận. Khuya thật khuya mới chịu lặng đi. Tôi nghe má tôi ru thằng út trong buồng:
"Ầu ơ, đàn bầu ai gảy nấy nghe/
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu...".
Qua hôm sau ba nói có việc phải lên nhà dì dượng. Má lựa lời nhắc: "Ai có phận đó con à. Đừng nghĩ ngợi nhiều mà học không vô nghen con!". Tôi biết ba má lo cho mình, nhưng không ngờ hai người lại quyết định gởi tôi lên thành phố.
Trước ngày đi, tôi qua chào Hiếu. Hai đứa ngồi trên cái chõng kê ngoài hiên. Mưa rơi tí tách. Hiếu gảy đàn, cố lựa toàn bài vui, sao tôi nghe buồn như cật tre cứa ruột. Rồi Hiếu buông cần, hỏi tôi: "Uyên coi bữa nay có cầu vồng không vậy?". Tôi đang ngó trời, cố làm giọng tỉnh, đáp: "Có. Đẹp lắm…". Chợt giật thột vì sợ Hiếu buồn, tôi im luôn. Hiếu cười.
Lâu thiệt là lâu mới thấy cậu ta cười. "Hiếu cũng thấy rồi. Đẹp thiệt đó Uyên". Tôi ngạc nhiên ngó qua. Mắt Hiếu vẫn mờ đục. "Uyên là cầu vồng của Hiếu đó. Cầu vồng bảy sắc à nghen. Lúc nào gặp Uyên là Hiếu lại ngó thấy cầu vồng trước mặt. Thiệt mà". Tôi nghe nước mắt kéo lên mi, không dám nói gì, sợ Hiếu biết mình đang khóc.
Mùa hè, tôi hơ hải về nhà. Món quà tôi mang cho Hiếu là chiếc đàn bầu mới tinh thiệt đẹp. Tiền chú, dì thưởng cho vì học giỏi, tôi mua cho ba cây dọc tẩu, cho má vuông khăn len, phần thằng út cái áo sơ mi trắng. Tiền mua cây đàn tôi có được nhờ dạy kèm tiếng Anh cho sắp nhỏ hàng xóm.
Tôi tha chừng đó món quà về quê, lòng vui rộn ràng. Hiếu chắc mừng húm vì có cây đàn tốt, thay thế cây đàn tự tạo đã nứt cả bầu. Tới nhà, tôi tưng hửng vì nghe tin Hiếu đã ra miền Trung, vô học Trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho người khuyết tật.
Những mùa hè sau đó Hiếu cũng không về. tôi hỏi thăm, chỉ nghe má kể là Hiếu ra tận Thủ đô học ở Nhạc viện Hà Nội. Cây đàn tôi tính tặng Hiếu vẫn còn để nguyên trong hộc tủ thờ. Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại mang nó ra. Hí hoáy lau chùi để nhớ lại một thời thơ bé hồn nhiên nghịch ngợm và cả mất mát đau buồn giữa hai đứa.
Gặp lại Hiếu, tôi mừng hết biết. Tôi tìm ra tận đây bởi tình cờ đọc được cột tin trên báo về buổi hòa nhạc từ thiện này. Cái tên Lê Hiếu trong tiết mục độc tấu đàn bầu đập ngay vào mắt tôi. Chắc chắn đây là Hiếu, người bạn cật ruột ngày xưa tôi vẫn hằng mong gặp lại.
Từ lúc học xong đi làm, ba má đã mấy lần hối tôi lấy chồng, nhưng không một ai làm cho tôi thương mến như là Hiếu. Tôi vẫn là cầu vồng ngày mưa. Hễ trời tạnh thì tan biến. Trái tim tôi không chịu lớn khôn cùng thân xác, vẫn cứ vấn vương mấy trò chơi lúc nhỏ. Hôm nay tôi càng tin ông trời có mắt, đã cho tôi cơ hội tìm được Hiếu, để nối lại tình thân dang dở hồi nào.
Hiếu hẹn tôi ngày mai lại trường chơi, tôi nhận lời, rồi chào Hiếu để quay lại phòng khán giả. Buổi biểu diễn âm nhạc từ thiện sắp chấm dứt. Tôi lên sân khấu, trao món quà của mình cho ban tổ chức. Toàn bộ số tiền thu được đêm nay sẽ chuyển cho các trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Tôi hiểu nỗi lòng của Hiếu, muốn góp phần giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn đó.
Trở về khách sạn, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được. Sáng hôm sau, không đi tham quan thắng cảnh theo kế hoạch, tôi gọi xe ôm đi thẳng đến trường.
Hiếu sống trong khu tập thể giáo viên. Tôi hỏi thăm nhà và hồi hộp gõ cửa. Chút xíu nữa là tôi giáp mặt Hiếu rồi hai đứa mặc sức kể chuyện ngày xưa. Cả về cây đàn bầu vẫn nằm im trong hộc tủ. Và Hiếu sẽ cười, nụ cười thiệt hiền. Lại gọi tôi là cầu vồng của Hiếu. Cầu vồng tôi sẽ không đi đón cơn mưa nữa mà đậu lại nơi căn nhà bé nhỏ này, để làm rực rỡ những ngày vui của Hiếu - của tôi.
Một cô gái trẻ lành lặn, xinh xắn ra mở cửa. "Chào chị! Chị là Uyên phải không? Mời chị vô. Anh Hiếu đang chờ chị!". Tôi định thần lại, đáp: "Vâng, cám ơn cô!". Hiếu đứng dậy, mời tôi ngồi xuống ghế.
Tôi chết trân khi nghe Hiếu giới thiệu : "Đây là Ly, vợ tôi đó, Uyên à! Cô ấy trước là giáo viên dạy chữ nổi cho tôi". Tôi ráng cười, chúc phúc hai người mà tai ù lên như có đàn ong bay vù vù trong đó.
Ly ái ngại  nhìn tôi: "Chị mệt lắm phải không? Vô phòng em nằm nghỉ chút đi. Em làm cơm rồi. Mời chị ở lại dùng bữa trưa với vợ chồng em!". Tôi lấy cớ phải về gặp đối tác kinh doanh, chỉ xin ngồi thêm mươi phút nữa. Hiếu cười tươi, kể cho Ly nghe về tình bạn hồi nhỏ giữa Hiếu và tôi.
Vui vẻ đáp lễ hai người mà gan ruột tôi đau như ai xát muối. Sau cùng tôi cám ơn Hiếu và Ly rồi xin phép ra về. Tới cửa, Ly ý tứ quay trở vô. Hiếu ghé lại gần tôi nói nhỏ: "Uyên là cầu vồng ngày mưa... Còn Ly, cô ấy là mặt trời ngày nắng đó!".
Tôi trở về nhà, đóng hộp xốp cây đàn bầu để gởi ra trường cho Hiếu. Rồi tôi ráng quên chuyện cũ và lấy chồng. Tôi lại ru con gái nhỏ của mình giống như má tôi từng ru thằng út:
"Đàn bầu ai gảy nấy nghe
Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu..."
Mai thị Thu Loan

     
 Cầu vồng bình yên
Tôi hai mươi mốt tuổi, học kiến trúc, thích nghe rock, chơi game online, ít nói và không có điểm gì nổi trội. "Đôi khi mày nhạy cảm đến sến ốm" – Đăng, thằng bạn thân tôi, nói thêm. 
    Dung là bạn gái của Đăng. Đăng đã đi du học Sing. Nó không bày trò "ký thác người yêu cho thằng bạn thân", không phải vì sợ kết cục như trên phim và truyện: thằng bạn thân cùng cô bạn gái nắm tay nhau đi về phía mặt trời, mà chỉ đơn giản cả ba chúng tôi xem đó là một trò ngớ ngẩn. Càng ngày người ta càng tự tin về những gì mình có. Hay càng ngày cách người ta suy nghĩ về tình cảm hời hợt thấy rõ?
Đăng đi. Tôi và Dung hầu như không giữ liên lạc dù sống khá gần chỗ nhau. Vài ba lần gặp nhau online, hỏi nhau có nhận mail của Đăng không, rồi thôi. Cho đến một ngày, Đăng gọi tôi, bảo: “Từ nay mày giúp tao để mắt đến Dung. Dạo này...”, “Dạo này làm sao?” -  tôi ngắt lời nó. “Không! Chẳng có chuyện gì, nhưng mày sẽ giúp tao như thế chứ?” - Đăng gằn giọng. Tôi toan từ chối, rồi bỗng nhiên nghe cổ họng mình ậm ừ. Đăng thở nhẹ: “Ừ, vậy nhé, nhờ mày!”.
Tôi gọi cho Dung: “Lâu quá không gặp, dạo này Dung thế nào?”. Nghe giọng cô ấy run lên rồi lanh canh như tiếng thìa khuấy trong lòng ly rỗng ở đầu dây bên kia: “Tôi không ổn chút nào, Nguyên ạ!”. Tôi ngẩn người siết cục điện thoại đến nóng bỏng và ướt nhẹp mồ hôi trong tay, không biết nói gì. Một cảm giác xót xa òa đến.
Tôi thường ngẩn ra khi cảm nhận được sự cô độc và trống rỗng. Như lúc thấy một mầm cây bé mọc ra từ khe nứt của bức tường, một con chim sẻ lượn qua lại trong vùng trời nhỏ bé, tù túng... Nó trực tiếp đụng chạm đến những vấn đề của riêng tôi.
Nổi gió
Chúng tôi gặp nhau ở quán cà phê Văn. Quán nằm ở trên đồi cao, đứng từ trên gác gỗ nhìn xuống có thể thấy thành phố với những mái nhà loang lổ như một kẻ bị lở lói trên đỉnh đầu, không lộng lẫy đẹp đẽ như khi người ta nhìn trực diện. Dung gầy đi và xanh, xõa tóc ra nên trông rất già, vạt áo sơmi khoác còn cẩu thả dính một vệt acrylic. Nó như vết xước mang màu của bầu trời chiều giấu nặng mưa.
Dung đặt balô chứa đầy cọ xuống bộ salon cũ trên gác gỗ, lùa tay vào mái tóc bù xù khẽ giải thích: “Xin lỗi, tôi vừa ở xưởng vẽ về”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn Dung quẳng gói Dunhill lên bàn sau khi rút một điếu, điềm nhiên châm lửa đốt. Nhìn cô ấy nhả khói điệu nghệ, tôi thần người, không thể tìm lại từ con người đó cô gái rụt rè, yếu ớt thường đứng sau lưng Đăng ngày nào.
Dung thôi nhìn xuống thành phố, đưa mắt sang tôi: “Hôm ấy tôi nói linh tinh thôi. Đừng để ý! Đăng nhờ Nguyên gặp tôi sao?”. Tôi không trả lời: “Dung hút thuốc thế này lâu chưa?”. “Từ dạo Giáng sinh. Đi một mình ngoài phố nhà thờ, trời lạnh, nó giúp tôi bình tĩnh và ngừng rủa Đăng giờ này anh đang ở đâu vậy” - Dung đáp điềm nhiên. Tôi miết thành salon gỗ đến bỏng rát bàn tay. Tiếng Dung cười khành khạch: “Gì vậy? Thất vọng? Hay thương hại tôi?!”.
“Khi nào muốn có ai đó cùng đi cà phê, cứ gọi tôi, như một người bạn!”- Tôi tần ngần khi dắt xe giúp Dung. Cô ấy khẽ bảo: “Ok! Nguyên này, đừng kể với Đăng tôi đang trong tình trạng hiện giờ, được chứ?”. “Được” - tôi liếm môi, gật đầu. Dung đỡ lấy chiếc xe ga nặng nề, cái dáng mảnh khảnh xiêu đi. Nụ cười khó hiểu chưa kịp tan trong mắt tôi, cô gái biến mất. Chiếc xe để lại một làn bụi rát.
Mây đen
Tôi van lạy bản thân mình hãy thất hứa với Dung, phải nói cho Đăng nghe tất cả. Đăng cần phải biết người cần được nó chở che đang hoang mang, mệt mỏi dường nào. Nhưng tôi không làm được. Lời hứa với Dung cứ quay cuồng trong óc, không cho phép tôi mở lời. Vả lại nếu vậy, ở xa Đăng sẽ lo lắng và dày vò kinh khủng. Tôi quyết định gặp Dung lần nữa.
Dung không tươi tỉnh hơn, nếu không muốn nói là suy sụp thêm. Cô gái vẫn hút thuốc, rất nhiều. Đang ngồi, bỗng Dung đặt điếu thuốc gác ngang tách cà phê, từ từ tiến về phía bể nước bé xíu ở bancông căn gác gỗ. Cô ngồi mê mẩn ngắm những vạt bèo tấm xanh non trong đó. Chợt lúc ấy, tôi như thấy lại Dung yếu đuối, rụt rè của Đăng ngày trước. Điếu thuốc vẫn cháy, rơi tàn và đầu lọc xuống tách cà phê, tắt ngúm.
Cô gái quay lại bàn, đôi mắt vụt tối. Dung thản nhiên kể chuyện tên sếp không đứng đắn nơi cô đang làm thêm, nhưng đó là một công ty lớn và nhiều cơ hội cho sau này khi ra trường nên cô không thể nghỉ việc, rồi những áp lực ở trường đại học, cuộc sống một mình không người thân... giọng lạnh tanh. Tuyệt nhiên không hề nhắc đến Đăng.
Tôi suy đoán, có lẽ gặp nhiều vấn đề, Đăng lại không bên cạnh cùng giải quyết, Dung rơi vào trạng trái khủng hoảng như vậy. Cũng tự hỏi tại sao tôi và Dung không thân nhưng cô gái lại thổ lộ chuyện đó. Rồi nhận ra, không, cái cách của Dung chỉ bình thản như nói một câu chuyện phiếm cho qua cữ cà phê mà thôi.
Tôi quen ông chủ quán, xin vớt một ít bèo tấm bỏ vào bịch nilông mang về. “Tặng Dung này!”. Dung nhìn tôi, hơi ngạc nhiên rồi mỉm cười, nhận lấy. Bàn tay lạnh toát của cô gái khẽ chạm vào tay tôi khiến như có một dòng điện chạy dọc sống lưng, tê dại.
Tối ấy, tôi nhận ra mình đã nghĩ về bạn gái của thằng bạn thân quá nhiều. Tôi tự trừng phạt mình bằng cách rời PC, leo ra cửa sổ ngồi trên nóc nhà bên cạnh và ngẫm nghĩ. Đáng lẽ đã có thể đưa ra một quyết định gì đó nếu Dung không nhắn tin “Cảm ơn Nguyên, về mọi điều!”.
Chúng tôi gặp nhau thêm nhiều lần sau đó, chẳng nói nhiều. Chỉ là ngồi và có người đối diện, vậy thôi.
Hồng thủy
Bầu trời thành phố xám xịt và quay quắt như trong cơn hồng thủy. Mưa lao đầu vào cửa kính như một tên điên. Tôi bỗng nhiên nghĩ đến Dung, cô gái tội nghiệp của thằng bạn thân tội nghiệp.
Cả hai đều bất lực trước những điều đang đến. Cảm giác tội lỗi khiến tôi tránh Đăng. Nó không biết tôi đang invi, cứ gửi mãi những dòng offline: “Mày thế nào? Dung sao rồi?”. Những lúc như vậy, tôi ngồi lặng. Tôi thương cô gái ngồi lạnh lùng, cô độc hút thuốc, nhả khói trong những chiều cùng nhau cà phê trên gác gỗ. Đó rõ ràng có phải là cô gái của Đăng ngày nào đâu. Giá họ đừng là một...
Chuông điện thoại vang lên gấp gáp đến ngột ngạt. Dung gọi. Tôi hớt hải nhấc máy. Giọng cô ướt nhòe: “Nguyên! Đến đây! Làm ơn...”.
Tôi lao ra khỏi nhà. Cô gái đứng ở trạm xe buýt dưới cơn mưa tầm tã, nước mưa bết vào người, đôi mắt thất thần, những cây cọ từ balô chưa kịp kéo khóa rơi vung vãi xuống hè, xấp hình họa nhòe nhoẹt ướt thòi ra từ clipboard buông thõng trên tay. Hốt hoảng nhận ra trong tay kia của cô gái nắm chặt một cái gì đó.
Tôi run lẩy bẩy, miệng lảm nhảm gọi tên Đăng như thằng ngớ ngẩn, cuối cùng cũng gỡ được khỏi tay Dung một mảnh thủy tinh vỡ. Bàn tay gầy guộc và lạnh toát chằng chịt vết cắt, máu hòa với mưa thành một thứ nước màu hồng loãng tuếch. Tôi nói như hụt hơi: “Đăng nó biết cô như thế này thì nó quay quắt đến chết mất!”. Nghe tên Đăng, cô gái bỗng gục vào vai tôi òa khóc. Tôi vô thức ôm chặt lấy Dung, len lén chùi giọt nước đang rỉ ra trên khóe mắt mình, nóng bỏng. Cây sao to ở gần trạm xe buýt oằn mình trong cơn mưa tầm tã.
Tạnh
Tôi đưa Dung về từ bệnh viện. Bàn tay trái của cô gái quấn băng trắng toát trông rờn rợn. Dung ở căn phòng cũ kỹ trên tầng năm của một chung cư, một mình. Phòng hơi tối, cửa sổ gỗ cũ kỹ đóng kín mít, một vài tờ phác thảo bay vung vãi từ xấp giấy chất ngồn ngộn trên nóc tủ gây cảm giác buồn bã và chán nản.
Ở nơi để PC có một cốc gốm lớn chưa kịp rửa, đáy còn đọng cặn cà phê đặc sánh và rất nhiều tàn thuốc, khung ảnh chụp Dung và Đăng trong đêm Giáng sinh năm ngoái bị vùi dưới những cuốn sách đồ họa khổng lồ.
Cô mời tôi ngồi, dùng một tay để pha trà mặc kệ tôi ngăn lại, mái tóc khô vểnh lên và cái dáng mảnh khảnh in lên nền sáng mờ mờ trông giống một con sẻ gầy tội nghiệp. Tôi phát hiện vạt bèo tấm lần trước được thả vào cái ly thủy tinh đặt trên kệ sách, chết trong trạng thái biến màu nhợt nhạt vì thiếu nắng.
Dung ngồi co ro, châm thuốc và nhả khói. Tôi khó nhọc: “Mọi việc sẽ lại ổn, phải không?”. Cô cúi mặt: “Đáng ra tôi nên nghe lời Nguyên sớm hơn... Tôi sẽ nghỉ việc ở đó, Nguyên ạ!”. Tôi mỉm cười nhẹ nhõm.
Cô gái khẩy tàn thuốc ra sàn dù chiếc gạt tàn thủy tinh để trước mặt, nói nhỏ: “Phải, hai mươi tuổi, thật ngớ ngẩn khi phải chịu đựng những thứ quá giới hạn chỉ vì theo đuổi tham vọng của mình”.
Tôi hít sâu mùi khói trong căn phòng chật: “Hãy chăm sóc cho mình và thông cảm cho Đăng! Nó luôn trăn trở về cô. Cô có hiểu cảm giác bất lực khi không thể làm gì cho người mình yêu thương không?”. Dung dụi điếu thuốc vào cạnh bàn, ho khan.
...Tôi hẹn Đăng trên mạng. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng tôi cũng thú nhận được rằng mình yêu Dung. Nín thở chờ đợi Đăng disconnect đột ngột, hay gõ lại “Mày đùa đấy à?”. Phải, cho dù mọi điều tồi tệ xảy đến, tôi tự hứa với mình không được che giấu một điều gì, và sau đó, sẽ mãi mãi biến mất khỏi mối quan hệ phức tạp ấy.
Nhưng không, Đăng chậm rãi: “Tao hiểu. Mày thì tốt hơn tao, Nguyên à! Tao mong mày và Dung vui!”. Tôi lập cập: “Mày... mày sao thế?”. Dòng chữ hiện ra trên monitor làm tôi choáng váng: “Tao và Dung nói chia tay khá lâu rồi, từ khi tao nhờ mày để mắt chăm sóc cô ấy. Có quá nhiều vấn đề và không được chia sẻ khiến cả hai đều mệt nhoài. Rất may là cô ấy không quá bị ảnh hưởng vì điều đó...”.



Mưa. Trời liên tục trút xuống thành phố những cơn mưa lớn. Tôi chạy đến khu chung cư cũ với túi ni lông đựng bèo tấm trong tay, sải chân nhảy một lúc hai ba bậc thang rồi dừng lại, đứng rất lâu trước cửa nhà cô gái, nước mưa từ mặt, từ áo nhỏ long tong. Đến khi đủ can đảm, tôi gõ nhẹ cửa.
Dung xuất hiện, mặt đỏ phừng và yếu ớt, bàn tay chưa tháo băng, tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Chưa kịp hỏi gì tôi, cô gái bỗng lảo đảo, phải bấu chặt vào cạnh tường. “Cô sao thế?” - tôi hốt hoảng. “Tôi ngây ngấy sốt từ hôm đó. Có lẽ do những vết cắt và mưa. Đừng bận tâm, tôi ổn mà!” - Dung gượng cười. Tôi cắn môi, đứng lặng. Cô gái mở rộng cánh cửa.
“Xin lỗi Dung, tôi không hề biết...”. “Chẳng sao, trong suy nghĩ của Đăng, tôi vẫn ổn và vững vàng. Thế là đủ!”. Tôi cúi đầu. Cô bật cười: “Nguyên đừng như thế. Dạo trước có nhiều chuyện xảy ra, tôi sốc mạnh, làm phiền Nguyên nhiều. Gần đây rảnh rỗi, thử sắp xếp lại mọi thứ trong đầu, thấy nó cũng không quá rối rắm như mình vẫn tưởng”.
Tạnh mưa. Cô gái đứng dậy mở toang cửa sổ, cánh cửa ngỡ như không bao giờ được chạm đến: “Nguyên, xem này!”. Ánh nắng sau mưa tràn vào phòng. Tôi chớp chớp mắt để thích ứng với luồng sáng mạnh đột ngột, nhận ra ngoài ô cửa là một tổ chim bồ câu. Có lẽ nó thuộc về ai đó ở khu nhà bên cạnh. Hai con chim trắng toát rụt rè thò cổ ra xem trời đã thật sự tạnh chưa. Rồi vững tin, chúng cùng nhau tung cánh lên bầu trời đầy nắng.
Dung đưa cho tôi hai chiếc gạt tàn thủy tinh lớn, sạch bóng. Có vẻ gần đây cô ấy thôi hút thuốc. Tôi vớt đám bèo tấm vừa mang đến thả vào đấy, đặt nó lên bệ cửa sổ. “Ở đây chúng sống tốt! Dung sẽ mở cửa sổ thường xuyên chứ?”. Cô gái mỉm cười.
Trên những nóc nhà lở lói của thành phố mọc lên cầu vồng sau mưa. Dung đặt bàn tay quấn băng trắng lên mép cửa sổ, hơi vươn người về phía trước: “Tôi đang nghĩ giá được chạm vào những tia cầu vồng ấy! Còn Nguyên?”. Tôi thì thầm: “Đây là định nghĩa về “bình yên” hoàn hảo nhất mà tôi từng biết!”.
Cô gái quay sang nhìn tôi lạ lùng rồi bật cười, tiếng cười nhẹ nhõm. Hơi thở của người đang sốt nóng bỏng ập vào má. Chúng tôi yên lặng đứng cạnh nhau bên ô cửa cũ kỹ ấy, thật lâu. Cầu vồng sau mưa bình yên lạ kỳ. Tôi toan nói một điều gì đó nhưng kềm lại được. Rồi mọi thứ cần đến sẽ đến, như vòng tay siết chặt cô gái và giọt nước mắt nóng bỏng của gã tôi dưới cơn mưa hôm nào, tự nhiên, lặng lẽ, chân thành.
  
Cầu vồng và mưa
Phải đi qua những ngày mưa mới đi đến được những ngày nắng, nhưng có vẻ tôi chỉ muốn chọn 1 con đường tắt, đó là đi thẳng đến những ngày tươi sáng. Một người sống yên bình như tôi không thích những nốt lặng của cuộc đời hay những nỗi buồn mà mình phải chịu đựng.
Tôi là 1 đứa con gái 17 tuổi, cũng giống như các bạn nữ cùng trang lứa khác, tâm hồn tôi lãng mạn, hay thả mình chìm vào trong những giấc mơ và rồi đôi lúc cũng chẳng buồn đứng dậy. Bởi tôi luôn hy vọng những tưởng tượng của tôi rồi sẽ có ngày trở thành hiện thực. Đến nàng công chúa ngủ trong rừng 100 năm còn có thể thức dậy bởi nụ hôn của hoàng tử thì cớ gì tôi lại không dám tin vào ước mơ của mình chứ? Cho dù nó hơi viển vông, nhưng có sao đâu nhỉ? Bởi vì đâu ai đánh thuế giấc mơ bao giờ
Có thể bạn đang nghĩ giấc mơ của tôi có lẽ rất hoang tưởng và xa vời thực tiễn? Nếu không tại sao tôi lại ấp ủ 17 năm như thế phải không? Thực ra thì điều tôi vẫn chờ đợi và mong chờ ấy đơn giản lắm. Là 1 buổi sáng tôi được đánh thức bởi bé Mèo Béo dễ thương cùng ánh nắng của sáng sớm đang cố gắng xuyên mình qua song cửa sổ, với 1 tách cà phê đắng bên trên bàn học, sau đó sẽ cùng đi dạo với hoàng tử trong mộng của mình.
Nếu như hôm đó trời có đổ mưa, 2 đứa chúng tôi sẽ chạy thật vội đến 1 cửa hàng tạp hoá nào gần đó, cả 2 sẽ vô tình cùng gọi “ Cô ơi cho con 2 kem ốc quế” rồi quay sang đỏ mặt nhìn nhau cười. Phải làm sao để có thể bớt xấu hổ trong mắt người ấy được nhỉ? Và tôi sẽ lại giả vờ đưa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra hứng từng hạt mưa, rồi quay sang hỏi
-Cậu chọn là những hạt mưa còn đọng lại trong lòng bàn tay tớ hay là những giọt mưa bị rơi qua những kẽ tay
Và có lẽ sẽ chẳng còn câu trả lời nào tuyệt vời hơn ngoài câu nói
-Sẽ là tất cả, bởi vì tình yêu của chúng ta nhiều và bất tận, như mưa…
Qua những cơn mưa sẽ có những dải màu vắt qua nhau trên nền trời xanh thẳm, mê hoặc và lung linh, giống hệt như tâm hồn trong trẻo của 1 đứa con gái đang ở trong tuổi 1
Nhưng hình như là tôi đang bị mê muội bởi xem phim truyền hình quá nhiều rồi thì phải. Bởi những cảnh tượng đó có khi nào gặp ở ngoài đời thực đâu. Nhưng không sao, cuộc sống sẽ thật hạnh phúc hơn khi bạn biết mơ mộng và biết giữ gìn những giấc mơ đó cho riêng mình, có gì thú vị hơn khi mình có 1 bí mật riêng mà người khác không thể nào biết, không thể nào nhìn thấy được và đương nhiên là cũng không thể nào chiếm đoạt được nó.
Bởi đó là kho báu của riêng tôi thôi! Cũng như tôi thích Minh, nhưng tôi không dám nói ra điều đó, Vì tôi sợ sẽ đánh mất bí mật riêng của mình.
Tôi yêu cầu vồng và cũng sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu tôi luôn ghi ở nhãn vở của mình là Rainbow ở dòng Họ và tên. Nhưng có một điều rất bực là Minh (cậu ấy ngồi cùng bàn với tôi) luôn lấy bút xoá gạch chữ Bow phía sau Rain đi, lý do đơn giản, cậu ấy thích mưa. Minh thích điều đó đâu có nghĩa là bắt người khác phải có cùng chung sở thích với mình cơ chứ? Cũng như tôi thích Minh nhưng cũng đâu dám bắt cậu ấy phải thích tôi đâu?
Bản thân tôi vốn dĩ đã không thích những cơn mưa bồn bã và lạnh lẽo, hành động của Minh khiến tôi đâm ra ghét mưa hơn, mặc dù tôi biết, nếu không có mưa, cầu vồng cũng sẽ chẳng thể nào xuất hiện.
-Này, sao cậu thích mưa?
Khi Minh đang đưa đôi mắt thẫn thờ ra phía ngoài cửa sổ để nhìn những hạt mưa đang rơi tí tách, tôi nhảy tới ngồi cạnh và đẩy chai C2 về phía cậu ấy. Minh quay sang nhìn tôi đầy lạ lẫm
-Buổi sáng vui vẻ, hôm nay là 1 ngày đẹp trời với cậu phải không?
Và Minh cười, phải chú thích thêm là khi cậu ấy cười, 2 má lúm đồng tiền đã góp phần làm tăng độ duyên trai cho cậu ấy
Tôi không hiểu Minh cuồng mưa thế nào mà suốt 5 tiết học cậu ấy chỉ chú tâm đến những hạt mưa đó. Xem nào, nó là những giọt nước không màu, không mùi, không vị, có gì hấp dẫn đâu nhỉ? Hay cậu ta đi theo xu hướng lãng mạn thái quá giống tôi? Thế này thì không ổn cho lắm. Cũng giống như màu hồng không hoàn toàn thuộc về giới tính nào cả, nhưng nếu như có 1 anh chàng nào đó mà thích màu hồng chắc cũng dễ gây hiểu lầm về giới tính lắm! Và trong trường hợp này, tôi đang bắt đầu nghi hoặc về giới tính của Minh rồi đấy! Liệu tôi có đang thích 1 người cùng giới không nhỉ :-/ Là con trai, bay bổng quá cũng thấy có gì đó hơi bất thường J
-Mi ngố, sao cậu thích cầu vồng?
Câu hỏi của Minh làm tôi rơi vào trạng thái đơ toàn tập. Bởi dù sao cũng là kẻ bị động, tôi còn chưa kịp chuẩn bị tâm lý để thuyết trình về 1 thứ quá ư là tuyệt vời như thế. Vậy là thay vì làm một bài văn miêu tả, tự sự, thuyết minh kết hợp biểu cảm tôi chỉ lắp bắp nói 1 câu ngớ ngẩn
-Vì nó đẹp
-Đúng là đồ con gái
-Còn cậu đúng là đồ… con trai- Tôi nhăn mũi
Cậu ấy lại cười với tôi, cũng chẳng biết là cười vì tôi ngây thơ quá hay là vì độ ngớ ngẩn khó ai đuổi kịp của mình nữa nhưng thấy cậu ấy vui, tôi cũng vui theo cậu ấy
Tôi cũng đưa mắt mình nhìn ra ngoài cửa sổ. Thực tế là tôi không thích mưa, bởi mỗi lần mưa không hiểu sao tâm trạng tôi rất buồn. Nếu mỗi hạt mưa như 1 nốt nhạc thì mỗi cơn mưa sẽ là mỗi bản nhạc buồn với tôi.
Phải đi qua những ngày mưa mới đi đến được những ngày nắng, nhưng có vẻ tôi chỉ muốn chọn 1 con đường tắt, đó là đi thẳng đến những ngày tươi sáng. Một người sống yên bình như tôi không thích những nốt lặng của cuộc đời hay những nỗi buồn mà mình phải chịu đựng. Có một kí ức về mưa mà tôi không thể quên. Cũng chẳng biết có nên gọi đó là kí ức hay không nữa. Bởi kí ức thường là rất đẹp còn cái mà tôi gọi là kí ức thì đúng là một câu chuyện rất buồn. Tôi không muốn nhớ tới nhưng mỗi lần mưa những giây phút đó lại hiện về làm nước mắt tôi như trực rơi, mọi thứ cứ như mới xảy ra từ ngày hôm qua vậy
Mưa mang người tôi yêu thương nhất đi và tôi đã không thể níu giữ người đó ở bên cạnh mình. Chúng tôi yêu nhau vào một ngày mưa, chia tay cũng vào một ngày mưa. Cứ như là đinh mệnh vậy, đưa chúng tôi đến với nhau rồi lại đẩy chúng tôi ra xa, mỗi người một cực của Trái đất, khoảng cách là một thứ vô hình mà tôi không thể nhìn thấy
Từ đó đến giờ tôi không gặp được người ấy nữa, nhưng mọi thứ về người ta tôi vẫn nhớ, giữ lại một khoảng kí ức cho riêng mình, để khi nhớ lại sao mà tôi thấy tim mình đau nhói.
Tôi ngoảnh sang nhìn Minh, cậu ấy là một người rất dễ thương, nhưng vẫn có những nét lạnh lùng nào đó rất hấp dẫn tôi. Người ta bảo mối tình đầu thường để lại cho chúng ta nhiều dư âm, và những lần sau khi chúng ta yêu một người nào đó, người ấy sẽ luôn luôn có chút gì đó của người đầu tiên. Nghiệm lại mình thấy cũng chẳng có gì sai. Tôi nhớ lần đầu tiên nhìn Minh tôi đã ngỡ như gặp anh ấy, cả 2 thực sự có rất nhiều nét tương đồng với nhau. Nhưng con người thì chẳng ai giống nhau hoàn toàn cả, anh ấy có nét riêng của anh ấy, Minh có nét riêng của Minh, tôi không nhầm lẫn đến mức ấy, chỉ là đôi lúc nhìn Minh tôi lại nhớ lại một chút về tình yêu trước kia của mình thôi.
-Cậu có vẻ không thích mưa lắm, có tâm sự gì à?
-Hừm- Tôi cười gượng gạo, tôi không nghĩ sẽ nói chuyện đó ra với Minh, thế mà lại bị cậu ấy phát hiện ra – Một chuyện buồn thôi
-Vậy thôi cậu đừng kể, nếu điều đó làm cậu buồn
Minh cũng là một chàng trai rất tâm lý nữa, có lần cậu ấy nói với tôi con trai sợ nhất là khi con gái khóc. Tôi nhìn mưa ngày càng rơi nặng hạt hơn rồi tự hỏi tại sao Minh không sợ nhìn thấy nước mắt của ông trời? Còn tôi, hễ gặp mưa là lòng tôi lại trùng xuống
Tan học, trời vẫn mưa to, không có dấu hiệu là sẽ ngớt, còn tôi thì lúng túng, không biết mình sẽ về nhà bằng cách nào. Lúc sáng tôi đi học trời chỉ mưa nhỏ nên tôi cũng mặc kệ, chẳng thèm mang ô hay áo mưa gì hêt. Giờ thì bắt đầu thấy hối hận rồi. Trong lúc tôi còn đang chẳng biết phải làm thế nào định dầm mưa chạy về thì Minh vỗ vai tôi nói
-Cùng về nhé!
-Sao cơ?- Tôi quay người lại tròn mắt nhìn Minh vì đây là lần đầu tiên cậu ấy đề nghị đi chung với tôi
-Thì tại tớ thấy cậu không mang ô dù gì mà. Đi bộ từ trường ra bến xe bus cũng mất 10 phút, từng ấy đủ làm cậu ướt nhẹt rồi, phụ xe không cho lên đâu
-Hi, cảm ơn cậu trước nhé
Để cảm ơn Minh tôi mua cho cậu ấy một gói bim bim, và tôi sẽ là người cầm ô cho cậu ấy. Nhưng có lẽ do tay tôi ngắn hoặc là Minh quá cao mà tôi luôn để cậu ấy bị ướt
-Cậu phải giơ cao lên chứ? Tớ bị ướt rồi này
-Nhưng mỏi tay lắm, cậu mau ăn hết bim bim rồi cầm ô đi, chiều cao tớ và cậu chênh lệch bao nhiêu cậu cũng biết mà
-Cậu đúng là nấm lùn di động, một mét bẻ đôi
Tôi méo xẹo mặt, cậu ấy đang chê tôi lùn phải không?
-Để tớ ga lăng nốt lần này vậy, ăn nốt bim bim đi này
-Hi hi, tớ biết cậu là người tốt mà, tốt thì tốt luôn cho trót Minh nhỉ
Minh lườm tôi một cái rất đáng yêu rồi mắng tôi đúng là đồ láu cá, tôi vẫn toe toét lúc lắc cái đầu đi sát bên cạnh cậu ấy. Đột nhiên Minh đưa tay đặt nhẹ lên vai tôi rồi thì thầm
-Mi à, thực ra thì tớ thích mưa, cũng thích cả cầu vồng nữa.
Tôi còn đang bất ngờ về hành động kì lạ của Minh thì càng bất ngờ hơn khi đột nhiên cậu ấy nói với tôi câu đó. Tôi không ăn nữa, chỉ đưa mắt lên nhìn cậu ấy, ý muốn hỏi “Là sao?”
-Đi mau nào, bến xe bus kia rồi
Minh chạy thật nhanh về phía bến xe, chân tôi thì hệt như bị ai giữ lại vậy, cứ nặng trĩu không thể bước nổi.
-Sao vậy? Cậu không sợ bị ướt à??? Còn tớ thì sợ đấy
Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác tôi thấy Minh thật kì lạ, cậu ấy bây giờ rất khác với mọi khi
-Mau lên. Xe bus đến rồi kìa!!
Minh kéo lấy tay tôi, những bước chân chạy thật nhanh, thật dài, thật vội. Tôi cũng không biết lúc này mình đang thế nào nữa, đầu óc trống rỗng, cử chỉ thì lúng túng, còn hơn cả lúc tôi đứng nhìn trời mưa và nghĩ mình sẽ về nhà bằng cách nào
Chạy tới bến xe thì xe bus cũng đã chạy rồi. Minh thở dài vì đã để lỡ nó, vậy là 15 phút nữa mới có xe, 2 đứa chúng tôi sẽ lại phải đợi rồi. Cậu ấy cụp ô lại rồi quay sang hỏi tôi có lạnh không, tôi chỉ e thẹn lắc đầu, sự quan tâm của Minh lúc này làm tôi bối rối, mặc dù vẫn âm ỉ niềm vui trong lòng. Mưa mỗi lúc lại ngớt dần, ngớt dần
-Cậu đoán xem mấy phút nữa thì mưa tạnh? – Minh hỏi tôi
-Nhìn trời mưa lâm râm thế này chắc là một lát nữa thôi, cảm ơn cậu vì chiếc ô nhé!!!- Tôi lúng túng nói
-Cậu đếm đến 100 mưa sẽ tạnh, tin tớ đi, tớ là nhà thiên văn học đấy- Minh nở nụ cười roi rói quay sang nhìn tôi
-Thật không vậy?- Tôi ngờ hoặc
-Không tin thì cậu cứ thử đếm mà xem
Tôi không biết có nên tin Minh hay không nữa, nhưng cũng chẳng biết sẽ làm gì trong thời gian đợi xe bus cả, vậy là tôi (có vẻ) ngây thơ khi nhắm mắt đếm từ 1 đến 100 theo cậu ấy
-Mi! Cầu vồng kìa
-Đâu?- Tôi giật mình vội mở mắt- Trời chưa tạnh mà!
Đó là sự thật, cầu vồng xuất hiện ở phía xa chân trời kia với đủ 7 màu: lục, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Tôi gần như phát khóc khi khung cảnh tuyệt vời này đang xuất hiện trước mắt tôi, bởi đã rất lâu rồi tôi chưa được ngắm nó được chân thậ và rõ ràng như thế này
-Đấy, tớ đã nói mà
-Có đẹp hơn mưa không?- Tôi mơ hồ nói
-Cầu vồng đẹp, nhưng nếu không có mưa cũng sẽ không thể có cầu vồng, tớ nghĩ cậu cũng nên dần học cách yêu mưa đi. Tớ cũng đã từng không thích cầu vồng, nhưng vì một người, tớ có thể thay đổi được, còn cậu thì sao???
Môi tôi cứng đờ không biết trả lời Minh ra sao, nhưng khi nhìn cậu ấy vẫn thản nhiên huýt sáo tay đút túi quần, tôi khẽ mỉm cười, nép mình vào người cậu ấy. Giấc mơ tôi đợi 17 năm nay cuối cùng cũng tới, có thể sự việc diễn ra không hoàn toàn giống như trong mộng tưởng của tôi, nhưng đối với tôi giây phút hiện giờ đã là quá đỗi hoàn hảo. Rốt cuộc thì tôi cũng đã được ngắm cầu vồng cùng Minh rồi
Một chiếc xe bus lại tiếp tục đi qua nhưng chúng tôi đều không muốn bước lên, bởi lẽ chúng tôi không muốn để lỡ mất cái khung cảnh lãng mạn này. Tôi muốn ngắm cầu vồng thật lâu, và cũng muốn ở bên cạnh Minh thật lâu để cảm nhận được rằng đây là sự thực, không phải là một câu chuyện cổ tích.
Minh nắm chặt tay tôi nói:
- Nếu Minh mà không có Mi, sẽ không thể là Minh toàn vẹn. Và cầu vồng cũng vậy, không có mưa cũng sẽ chẳng thể có cầu vồng
Đúng rồi, có một phép tính thế này, tôi cũng chẳng biết có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên không nữa nhưng quả thật là rất dễ thương
Mi+nh= Minh
Rain+bow= Rainbow
Cuộc sống cũng giống như mưa và cầu vồng vậy. Nếu thiếu 1 trong 2 thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nữa, vậy nên chúng luôn song song cùng tồn tại. Nỗi buồn cũng chỉ như một chút hương vị của hạnh phúc mà thôi. Để đến được những gì mà người ta mong muốn phải trải qua ít nhất một nỗi buồn, nó làm ta trưởng thành hơn. Học cách chấp nhận chứ không phải lãng quên. Tình yêu đầu của tôi đã kết thúc. Đó dù sao cũng chỉ còn là quá khứ mà thôi.
Cất quá khứ vào một góc trong trái tim rồi khoá nó lại, vậy là sẽ không ai có thể mở được nó, ngay cả chính tôi cũng sẽ không bao giờ mở nó ra thêm một lần nào nữa. Chấp nhận để cho những cơn mưa đi qua cuộc đời để có một ngày nắng ấm. Sẽ nghe những bản nhạc buồn để thấu hiểu được những cảm xúc xuất phát từ con tim. Tôi định hỏi Minh nếu hôm nay không phải là một ngày mưa, tôi có biết được tình cảm cậu ấy dành cho tôi không?
Nhưng rồi tôi cũng lại tự trả lời mình. Tình yêu đôi khi không cần thể hiện qua lời nói, lời nói có thể giả tạo, còn tình cảm thì sẽ luôn chân thành…
Và tôi, trong giờ phút này, đang dần yêu những cơn mưa vừa rồi đây, còn bạn thì sao? Bạn yêu mưa? Và cũng yêu cả cầu vồng nữa chứ?
Sưu tầm
Sự tích bảy sắc cầu vồng
 Xưa lắm rồi, các màu trên mặt đất bỗng dưng cãi nhau. Màu nào cũng tự cho rằng mình là tuyệt hảo, quan trọng nhất, hữu ích nhất và được ưa chuộng nhất.
Màu lục bắt đầu: Dĩ nhiên là tôi quan trọng nhất. Tôi là biểu tượng của sự sống và niềm hi vọng. Tôi được chọn để tạo thành cỏ cây. Thiếu tôi cảnh vật sẽ tiêu điều. Hãy nhìn vạn vật xung quanh, các bạn hẳn thấy tôi đúng.
Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.
Màu xanh ngắt lời: Bạn chỉ nghĩ đến những gì trên mặt đất, hãy ngước nhìn trời xanh và dõi ra biển biếc. Từ đáy biển sâu đến chín tầng mây cao, sự sống tồn tại được đều nhờ vào nước. Trời xanh bao la mang hình ảnh của sự thanh bình. Nếu không có thanh bình muôn loài ai nấy cũng sẽ xác xơ.
Màu tím cãi lại: Tôi là màu của sức mạnh. Từ vua quan đến hàng giáo phẩm đều chọn màu của tôi vì tôi tượng trưng cho quyền uy và thông thái. Ai ai cũng sẵn sàng lắng nghe và tùng phục.
Màu vàng cười vang: Sao toàn là chuyện nghiêm túc quá thế. Tôi cho rằng chỉ có tôi mới mang lại niềm vui và sự ấm áp cho đời mà thôi. Này nhé, mặt trời vàng, mặt trăng vàng, các vì sao vàng, tất cả đem lại sự vui tươi và nụ cười cho toàn thế giới. Vắng tôi là thiếu hẳn đi niềm hân hoan.
Đến lượt màu cam tự khen: Tôi là màu của sức khỏe, của sự đổi mới. Có lẽ tôi là một màu quí vì tôi phục vụ mọi nhu cầu của con người. Tôi mang các sinh tố quan trọng nhất, hãy nhìn các loại trái cây thì biết. Tôi ít khi có mặt nhưng khi tôi nhuộm bầu trời bình minh hay bầu trời hoàng hôn, vẻ đẹp mê hồn của tôi khiến không còn ai nhớ đến các bạn nữa.
Màu chàm tiếp lời, giọng nhỏ nhẹ nhưng quyết liệt: Các bạn hãy nghĩ đến tôi xem nào. Tôi là màu của sự tĩnh lặng. Phải để ý đến tôi vì thiếu tôi, các bạn sẽ trở nên hời hợt, thiếu sâu sắc. Tôi đại diện cho tâm hồn, ý tưởng và sự tinh tế. Ai cũng cần tôi để có được một cuộc sống cân bằng cũng như tạo nên sự khác biệt. Tôi hữu dụng cho lòng tin, những giây phút trầm tư, an lạc nội tâm.
Đến lúc này màu đỏ không thể kiềm chế được nữa, quát to: Ta đây mới đích thị là “xếp sòng”. Ta là máu, là sinh lực. Ta là màu báo nguy, màu của sự can đảm. Ta là lửa. Ta là màu của đam mê, của tình yêu, của hoa hồng, của hoa anh túc… Thiếu ta, địa cầu sẽ ảm đạm như mặt trăng kia.
Và rồi các màu lại tiếp tục khoe khoang; mỗi màu tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.
Mưa nói: Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau. Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này. Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi.
Các màu nghe có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa khuyên tiếp: Từ giờ trở đi, khi nào mưa mỗi bạn hãy nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình. Cầu vồng là hình ảnh của sự hy vọng và hòa giải.
***
Tình bạn rực rỡ như bảy sắc cầu vồng: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Đỏ là quả chín, cam là ngọn lửa bất diệt, vàng là ánh dương chiếu rọi, lục là cây cỏ bừng mạch sống, lam là dòng nước trong xanh, chàm là niềm mơ ước trong tim, tím là nụ hoa sắp nở. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay chăm sóc tình bạn để tình bạn trổ nụ đơm hoa nhé!
(ST - Eva.vn)