Tôi rẽ lối quanh co đi vào một khu chợ nhộn nhịp giữa lòng huyện xã
cùng Trường. Khu chợ này không lớn lắm, có một nhà lồng chợ ở giữa là
khu bán thịt tươi sống, xung quanh là những hàng tạp hóa, trái cây rau
quả các loại. Tiếng những con vịt con gà kêu chí chóe xen lẫn tiếng
người mua bán, đâu đó lại có tiếng trẻ con ríu rít trầm trồ vì lần đầu
trông thấy những món hàng lạ mắt. Tuy ngôi chợ này ở nơi trấn nghèo nàn
nhưng cũng khá sầm uất và đông đúc người buôn kẻ bán…
Ảnh minh họa. Nguồn: phatgiaovietnam.vn
Tôi và Trường len lỏi qua đám người tấp nập để đi đến sạp trái cây của
một người quen đã lâu không gặp. Định rằng sẽ mua chút gì đó làm quà
nhưng chẳng biết mua gì nên chúng tôi quyết định tay không mà đến rồi
mua hoa quả của họ về vậy.
Trong lúc tôi đang nghĩ vẩn vơ thì Trường khựng lại không bước đi nữa
mà kéo tay tôi lại. Một người phụ nữ ngoài bốn mươi nhưng với dáng dấp
lọm khọm già nua chẳng khác gì một bà lão đang loay hoay bưng bê rổ cóc
xoài một cách khó khăn. Chúng tôi ngờ ngợ chưa xác định được liệu có
phải là người mà chúng tôi muốn tìm hay không nên nhìn chăm chăm vào
người phụ nữ ấy. Vừa cất bước đứng dậy, người phụ nữ ấy vấp chân phải
bậc thềm bên hiên nhà làm rơi xuống rổ trái cây rồi trượt ngã xuống đất.
Tôi và cậu ấy chạy đến đỡ dì đứng dậy, dì yếu ớt bám víu vào tay của
cậu bạn tôi để gượng đứng lên, lúc dì ngước lên nhìn Trường liền òa khóc
gọi to :
- Con trai ơi...
Trong phút chốc nghe thấy câu nói ấy, chúng tôi đã biết mình tìm đúng
người rồi, khoảnh khắc nghe thấy tiếng gọi ấy trái tim chúng tôi chợt
đau nhói, chỉ biết nhìn nhau khi cổ họng chợt nghẹn ngào.
Tôi, Trường và Lâm học cùng nhau ở một trường cấp ba nơi thị trấn ven
biên giới xa xôi. Thời trung học, chúng tôi thường nghĩ về tương lai của
mình là một màu hồng, một tương lai thật bình yên, không có trở ngại.
Trường và Lâm ước mơ trở thành một chiến sĩ công an thật bản lĩnh. Đối
với Trường, cậu ấy hay nghĩ ngốc nghếch rằng con trai khoác lên bộ quân
phục hẳn là oách lắm, nhất định sẽ có nhiều cô tương tư, rồi thì trở
thành công an sẽ bảo vệ cho cho gia đình, cho xã hội và bảo vệ tôi không
bị bắt nạt. Còn riêng Lâm thì khác, nhà cậu ấy nghèo, gia đình không có
khả năng lo cho cậu ấy sau khi ra trường xin việc làm, vì vậy chỉ có
thi công an mới có thể tìm ngay được việc là và có lương bổng sau khi
tốt nghiệp. Vì vậy các cậu ấy học ngày học đêm với khát khao chinh phục
hoài bão của mình, mong muốn tìm ra một tia sáng mới để thoát khỏi hoàn
cảnh khó khăn của gia đình.
Còn tôi lúc ấy, sau khi xem một bộ phim truyền hình thì đã quyết định
trở thành một nhà biên kịch. Các cậu ấy hay trêu tôi rằng vì tôi đọc quá
nhiều truyện ngôn tình nên mới sinh ra ảo tưởng, thực chất tôi chẳng
hợp tí nào cả. Và họ suốt ngày khuyên tôi nên theo học cùng các cậu ấy.
Tôi chỉ biết mắng mỏ hai người đó và ôm khư khư giấc mơ của mình.
Chúng tôi từng hứa hẹn với nhau, sau này dù cả ba đứa không ai đạt đến
ước mơ thì nhất định cũng phải đến gần nó. Hẹn ước của chúng tôi đã nói
với nhau rằng dù sau này không đi cùng nhau nhưng nhất định phải thành
công.
Tháng 8 năm ấy, trong khi vẫn đang chờ kết quả thi của mình thì tôi
nhận được tin Trường và Lâm đều đã thi đậu Đại học An Ninh. Cuối cùng
thì hai trong ba chúng tôi cũng đã đạt được ước mơ của mình rồi. Tôi vui
mừng cho hai thằng bạn của mình, trong đầu chợt vẽ lên viễn cảnh hai
cậu trai mặc quân phục công an thật uy nghiêm, đầy phong thái đàn ông.
Thế nhưng, tôi quá bận rộn trong việc cá nhân của mình nên vẫn chưa đến
nhà thăm hỏi chúc mừng đứa nào cả. Suốt khoảng thời gian sau khi đỗ đại
học, dường như liên lạc giữa ba chúng tôi không được thường xuyên lắm.
Trong khi tôi lao đao đối diện với việc mình phải từ bỏ ước mơ lên Sài
Gòn học báo chí để cố gắng bắt nhịp chọn ngành khác tại trường Đại học
tỉnh nhà thì lúc đó Trường và Lâm đã bước vào những ngày đầu làm sinh
viên và đi tít tận ngoài miền Trung để làm tình nguyện. Những lần họp
lớp vào Tết Nguyên đán hai người đó cũng không có mặt cùng mọi người.
Dường như cuộc sống của tôi đang dần vắng bóng họ.
Đúng một năm sau vào những ngày mưa đầu tháng 7 rơi. Hôm đó tôi tâm
trạng tôi vô cùng ủ dột vì cơn mưa buồn đến thênh thang, điện thoại bàn
nhà tôi chợt réo dữ dội như thôi thúc tôi nghe máy, ngay lập tức tôi
nhận ra giọng của Trường, trong điện thoại giọng cậu ấy lạc hẳn đi run
rẩy nói với tôi:
- Quỳnh, đi An Hảo gấp. Lâm… mất rồi.
Khoảnh khắc ấy, tay tôi run bần bật lên đánh rơi ống nghe điện thoại
trên tay. Cảm giác giống như thấy cả thế giới sụp đổ dưới chân mình,
trái tim tôi như có ai đó bóp nghẹt lại đến không thể thở nổi. Tôi vội
vàng thu xếp đồ đạc trong cơn rối rắm của tâm trí rồi nhanh chóng phóng
xe đi An Hảo trong phút chốc.
Ngày đó, Trường và Lâm cùng các sinh viên khác của trường Đại học An
Ninh tham gia chiến dịch tình nguyện cứu trợ các đồng bào bị lũ lụt ở
miền Trung. Nhóm tình nguyện của Lâm được phân công làm công tác di dời
người dân từ nhà nhỏ liêu xiêu lên các thuyền lớn để vào nơi tạm trú.
Trong cơn lũ năm ấy, Lâm đã cứu một bé gái ngã xuống dòng nước, vì
thuyền ở xa nên khi Lâm vừa đưa bé vào thuyền thì chính mình đã đuối sức
và bị dòng lũ cuốn trôi.
Tình cảnh hôm ấy Trường kể rằng, tay của Lâm đã không còn sức lực, các
đồng đội đã thả dây thừng cứu trợ nhưng vì dòng nước chảy xiết, sức nước
quá nặng làm cho sợi dây đứt ngang và cuốn Lâm đi. Đến cuối cùng, để
lại Trường và những người khác khản giọng gọi tên cậu trong dòng nước vô
tình.
Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại những ngày tháng đó, Trường vẫn còn ám
ảnh mãi hình ảnh trước khi ra đi của Lâm cùng với câu nói “Người anh em,
không đi cùng nhau nữa nhưng cậu phải thành công đó.” Đó chính là câu
nói hẹn ước của chúng tôi vào những năm trung học, hóa ra đến giây phút
cuối cùng của cuộc đời cậu ấy vẫn nhớ đến tình bạn của chúng tôi. Tuy
không trực tiếp nghe thấy nhưng nghe kể lại thôi, tôi cũng đã thấy nhói
trong tim.
Giờ đây, ở khu chợ này, chúng tôi đã gặp mẹ Lâm, người phụ nữ với rổ
trái cây trên tay. Chúng tôi đang trong cơn bối rối pha lẫn đau lòng khi
thấy dì đang khóc. Tuy mắt dì Liên bị mờ nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ
bộ quân phục công an mà Trường đang mặc trên người. Vì vậy, có lẽ dì đã
ngộ nhận Trường là Lâm, cậu con trai yêu dấu của mình.
Trong tiếng nấc nghẹn ngào, dì xúc động ôm chầm lấy Trường liên tục gọi:
- Lâm ơi, Lâm ơi, con ơi…
Giọt nước mắt của người mẹ mất con tuôn trào như dòng suối, lệ nhòe ướt
đôi mắt đã mờ nay còn nhạt nhòa hơn. Nghe tiếng khóc ấy, nhìn giọt nước
mắt ấy, thấy những xúc cảm đau đớn của dì Liên khiến chúng tôi chỉ biết
đứng chết lặng với cõi lòng quặn thắt.
Trường vẫn im lặng, hai tay cậu ôm lấy dì Liên như thay thế Lâm ôm lấy
người mẹ đáng thương sau bao nhiêu nhớ nhung cậu con trai bé bỏng của
mình. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, cả tôi và Trường đều đã đỏ hoe
mắt, nước mắt chỉ kịp chực trào rơi.
Được một lúc, Trường nhẹ nhàng vỗ về dì Liên rồi nhỏ giọng dịu dàng:
- Dì Liên ơi, con là Nhật Trường.
Nghe xong cái tên ấy, dì liền ngỡ ngàng nới lỏng tay mình ra chỉ nắm lấy bàn tay của cậu rồi lùi lại, mơ hồ hỏi:
- Là Trường sao?
Cậu ấy không đáp vì cổ họng đã nghẹn mất rồi, tôi khẽ gượng cười cất giọng chào hỏi:
- Dạ, là Trường và con là Quỳnh đây dì.
Người mẹ thất vọng buông bỏ nốt đôi tay Trường ra, lẳng lặng mời chúng
tôi vào nhà. Bỏ lại những âm thanh nhộn nhịp, tiếng rao lanh lảnh của
khu chợ, chúng tôi bước vào trong với trăm nỗi suy tư.
Căn nhà mái tôn ọp ẹp liêu xiêu đã trải qua mưa gió bao năm nay đã mục
nát, trông như chỉ cần một cơn mưa nặng hạt thôi cũng có thể trở nên rệu
rã.
- Cảm ơn hai đứa tới thăm, nhà dì không có gì hết, mấy đứa uống trà đá đỡ nhe con…
Hai đứa im lặng, chúng tôi chẳng biết nói gì trước tình cảnh này cả. Để
rồi một lần nữa tôi bắt gặp ánh mắt dì Liên buồn bã, ánh lên nỗi nhớ
thương nhìn bộ quân phục trên người Trường. Dì khẽ đưa tay cầm lấy vạt
áo của cậu, vuốt ve, rồi lại cúi mặt xuống gần như thể đang nhìn kĩ từng
đường kim mối chỉ.
- Nhà trường phát đồng phục mới rồi hả con, nhìn tốt quá. Nếu thằng Lâm
còn sống, nó mặc vào chắc là đẹp lắm… - nói rồi dì lại bật khóc khiến
chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Trường nhìn dì Liên đầy thương xót, khẽ nắm lấy bàn tay gầy guộc đầy nếp nhăn ấy xiết chặt vào:
- Con xin lỗi! Nếu con không rủ Lâm tham gia lần tình nguyện ấy thì cậu
ấy đâu có xảy ra chuyện. Người chết phải là con mới đúng.
- Không, con đừng có nói vậy, con không có lỗi gì hết, tất cả là tai
nạn mà. – Dì khẽ lay lay đôi tay đang run rẩy của Trường an ủi.
Tôi cất tiếng cho bầu không khí nhẹ bỗng hơn một chút:
- Dì ơi, bấy lâu nay cuộc sống của dì ra sao?
Tiếng thở dài vang lên khô khốc trong gian nhà nhỏ, nhấp ngụm nước rồi dì bắt đầu kể:
- Từ khi thằng Lâm mất, ba nó ngã bệnh liệt giường, ổng đang nằm ở
trong buồng kìa. Hôm nghe tin nó gặp tai nạn, ổng xỉu hết một trận, khi
lo đám ma cho thằng nhỏ xong thì ổng bị tăng huyết áp rồi tai biến nằm
một chỗ luôn. Nhà tuy gần chợ, có sạp trái cây nhưng bán buôn ế ẩm chẳng
kiếm được bao nhiêu. Dì vừa coi sạp trái cây vừa chăm sóc ổng. Mắt dì
lại không thấy rõ nữa, nên em của thằng Lâm nó không muốn dì cực khổ,
con nhỏ nghỉ học đi Bình Dương làm mướn để kiếm thêm tiền về cho gia
đình. Dì biết nó cũng cực khổ nên dù nhà khó khăn cũng không dám gọi cho
nó, hai ông bà già này có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, thỉnh thoảng
hàng xóm thương thì cho con cá, bó rau.
Khóe mắt tôi đỏ hoe như muốn sưng húp lên vì khóc quá nhiều. Cả tôi và
Trường không kìm được lòng nên đã khóc khi nghe dì Liên kể. Sao mà có
những cảnh đời bất hạnh đến thế này? Nhìn dì, tôi thấy những nếp nhăn
như mới xếp, tấm áo cũ kỹ dì mặc cũng đầy những nếp gấp nhàu nhĩ. Mỗi
một nếp nhăn, mỗi một nếp gấp trên áo quần đều ngập tràn những khó khăn,
trắc trở. Tôi chợt thấy mình nhỏ bé và vô dụng quá. Nhìn dì lại nghĩ
đến cha mẹ của mình đang dần già đi mà bản thân tôi vẫn chưa có đủ khả
năng để giúp cha mẹ không còn vất vả. Lúc ấy, nghe sao tim mình đau
thắt.
Nắng bắt đầu nhạt dần từ phía sau lưng núi, từng vệt vàng vọt yếu ớt
tựa như người mẹ mất con đang len lỏi chiếu xuyên qua ngôi nhà đơn sơ,
trông liêu xiêu mà buồn não nề, tưởng chừng như ai đó đang tắt dần chiếc
đèn dầu le lói.
Chúng tôi đứng dậy giã từ gia đình Lâm sau khi cố ép để được mua từ mẹ
Lâm một ít trái cây. Chúng tôi hứa với dì sau này sẽ đến thăm thường
xuyên hơn, nhắn nhủ đôi điều rồi rời bước mà lòng nặng trĩu.
Trên đường về, xuyên qua khu chợ chiều nay đã thưa vắng người qua lại,
chúng tôi đến trạm đứng đợi xe buýt. Mất một lúc lâu, tôi hỏi Trường:
- Trường ơi, tại sao người tốt lại chết sớm vậy hả Trường?
Trường buồn bã nhìn tôi, cậu im lặng một hồi lâu thật lâu rồi nói:
- Trong một vườn hoa, nếu cho phép cậu hái một bông hoa, cậu sẽ chọn như thế nào?
Nghe thấy vậy, tim tôi chợt lỗi vài nhịp, tôi lặng im cúi mặt nhìn vô
thức dưới chân mình. Lúc này xe buýt vừa đến trạm, Trường nhìn tôi như
trông đợi câu trả lời, tôi lí nhí đáp:
- Bông hoa đẹp nhất vườn.
Dường như chúng tôi hiểu ý nhau, cả hai đứa lặng lẽ bước lên xe, chuyến
buýt cuối cùng trong ngày đưa chúng tôi rời An Hảo giữa vùng ráng chiều
đang phủ xuống êm đềm.
Một ngày đang trôi qua…
Xuân Quỳnh – DH16NV